Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

20171105. QUANH DỰ ÁN LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH-KINH TẾ ĐẶC BIỆT

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHI CÁC ĐẶC KHU ĐÃ KHỞI ĐỘNG TRÊN ĐƯỜNG BĂNG

TƯ HOÀNG/ TBKTSG 4-11-2017

Huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nơi dân cư còn thưa thớt, cảnh vật còn hoang vu. Ảnh: tư liệu

(TBKTSG) - Phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả nhận thức, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (viết tắt là luật đặc khu) mới được hoàn chỉnh để trình ra Quốc hội. Trong khi đó, cuộc sống đang vận hành cơ chế của nó...
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành nheo mắt nhìn ra xa. Trước mặt ông là đường băng đã hoàn thành trải dài tít tắp. Từ khu nhà điều hành bay đang được gấp rút xây dựng vọng ra những tiếng gõ, đập hối hả. Nhà đầu tư, tập đoàn Sun Group, đã cam kết bỏ ra 7.500 tỉ đồng để xây dựng sân bay có năng lực đón những máy bay quốc tế hạng lớn nhất ở huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nơi dân cư còn thưa thớt, cảnh vật còn hoang vu. Dự kiến năm tới việc xây dựng sân bay này sẽ hoàn thành. “Muốn đến đích thì trước tiên chúng ta phải bắt đầu đi đã. Chúng tôi không hề viển vông”, ông Thành, người được giao phụ trách phát triển Vân Đồn với hơn 551 ki lô mét vuông và 600 hòn đảo, nói một cách đầy tự tin. “Song, quan trọng nhất vẫn phải chờ thể chế, chờ luật”, ông nhấn mạnh.
Các lãnh đạo Quảng Ninh, như ông Thành, vừa phấn khởi vừa hồi hộp chờ luật đặc khu được thảo luận và thông qua tại Quốc hội. Phải mất nhiều thời gian và nhận thức, dự luật này đến nay mới hoàn thành. Tất nhiên, nhiều cơ hội cũng đã vuột qua.
Cuối năm 2013, được tỉnh phân công, ông Thành một mình âm thầm sang Singapore, Macau và Mỹ để tiếp cận các nhà đầu tư quan tâm đến Vân Đồn. Kết quả là cuối năm đó, Chủ tịch tập đoàn Las Vegas Sands, tỉ phú Sheldon Adelson, đã tới Quảng Ninh và bay chuyên cơ thị sát khắp vùng biển. Ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Đọc và nhiều lãnh đạo tỉnh đã chờ sẵn để tiếp đón ông. Ông Thành nhớ lại, họ định giới thiệu một bài trình bày dài hai tiếng về tiềm năng và cơ hội đầu tư cho vị thượng khách. Tuy nhiên, thật trớ trêu, cuộc gặp diễn ra vỏn vẹn trong năm phút. Vị tỉ phú chỉ đặt vài câu hỏi: “Thể chế cho đặc khu đã được luật hóa chưa?”; “Các ông hứa có quy hoạch tầm quốc gia, thì khi nào có?”; “Hạ tầng giao thông như sân bay, bến cảng, cao tốc có được đảm bảo bằng luật pháp để chúng tôi đưa vào vài tỉ đô la?”; “Ai là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhà đầu tư?”... Ông Thành nhớ lại với vẻ tiếc nuối: “Tất cả các câu hỏi đó chúng tôi không trả lời được, và cuộc gặp nhanh chóng kết thúc sau năm phút”.
Câu hỏi đặt ra là dự án luật đã được thiết kế vượt trội hay chưa, và nếu đã vượt trội thì liệu tinh thần của nó có được chấp nhận?
Năm năm nữa đã trôi qua, những câu hỏi khó đó phải được trả lời mạnh dạn và thỏa đáng nếu muốn Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong có thể cạnh tranh quốc tế và khu vực, nơi đã dày các đặc khu đối thủ của Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, quần đảo Virgin, quần đảo Cayman, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Myanmar. Trung Quốc, quốc gia thử nghiệm mô hình đặc khu vào năm 1979, nay thậm chí đã lập ra đặc khu trong đặc khu Thâm Quyến với sức cạnh tranh cực cao. Vì lẽ đó, luật chơi cho ba đặc khu dự kiến của ta cần khác so với nền tảng hiện có. Đây là điều đặt ra với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cơ quan chủ trì soạn thảo luật.
Bộ KH&ĐT đang đề nghị những thể chế vượt trội trong dự luật. Theo đó, trong trường hợp có khác biệt, luật này sẽ được áp dụng thay vì các luật khác. Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh theo cơ chế thông qua tòa án, trọng tài nước ngoài. Cùng với đó là số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được thu hẹp còn 108 thay vì 243 như hiện nay. Thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm. Các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất vượt trội so với quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu trên thế giới...
Tuy nhiên, điều quan tâm nhất vẫn là vị trí của ông trưởng đặc khu, mà vị tỉ phú Mỹ từng đặt ra với lãnh đạo Quảng Ninh. Ông Thành nói: “Trưởng đặc khu mà không đặc biệt thì mọi thứ khác khó mà đặc biệt. Ông ấy phải có quyền lực và chịu trách nhiệm tận cùng với tất cả quyết định của mình”. Quảng Ninh lâu nay vẫn kiên định đề nghị cơ chế trưởng đặc khu, thay vì tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) gồm có hội đồng nhân dân (HĐND) và UBND, giống như tất cả các địa phương hiện nay. Bộ KH&ĐT, tuy vẫn trình hai phương án tổ chức chính quyền, song khẳng định, Hiến pháp không quy định chính quyền địa phương ở tất cả các đơn vị hành chính phải có HĐND và UBND. Bên cạnh đó, bộ cũng liệt kê hàng loạt yếu tố tích cực của mô hình trưởng đặc khu.
Câu hỏi đặt ra là dự án luật đã được thiết kế vượt trội hay chưa, và nếu đã vượt trội thì liệu tinh thần của nó có được chấp nhận?
Các lãnh đạo địa phương liên quan đang rất nóng lòng. Trong báo cáo gửi Quốc hội, UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, một trong những vấn đề lo ngại nhất của các nhà đầu tư hiện nay, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, là về sự thay đổi chính sách của chính quyền. Để khắc phục những rủi ro này, họ đề nghị Quốc hội ban hành luật, và nghị quyết cho Phú Quốc. “Đây là điều kiện tiên quyết để cam kết đối với các nhà đầu tư”, báo cáo viết. Ông Thành của Quảng Ninh hoàn toàn đồng tình: “Quan trọng nhất phải có luật cái đã”.
Cuộc gặp với vị tỉ phú Mỹ năm nào đã không mang lại kết quả. Song, với Vân Đồn, họ đã tìm được nhà đầu tư chiến lược. Ngoài việc đầu tư sân bay, Sun Group còn đề xuất dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí trị giá 48.500 tỉ đồng. Tập đoàn FLC đang nghiên cứu một khu tương tự trị giá 46.000 tỉ đồng. Đi sau là một số doanh nghiệp khác như CEO, MBland, Crytal Plate, HD Moon.
Có vẻ như, tất cả đã đang trên đường băng, khó mà dừng lại được.

CÒN THIẾU NHIỀU YẾU TỐ ĐỂ CÓ ĐẶC KHU 'ĐẶC BIỆT'

LÊ THỊ LIÊN HƯƠNG/ TBKTSG 4-11-2017

Một góc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TRIỆU TRÙNG ĐIỆP

(TBKTSG) - Việt Nam đang tích cực xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB), nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để hình thành và phát triển ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu): Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Ba đặc khu này được mong chờ như những đòn bẩy kinh tế đất nước, thúc đẩy vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trông người mà ngẫm đến ta
Dự thảo luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư “chấp bút”, được đăng tải trên trang web của Quốc hội để đón nhận góp ý của dư luận(1). Theo các chuyên gia soạn thảo, dự thảo (đã qua ba lần sửa đổi) này tập hợp tám nhóm chính sách. Trong đó, có các điểm nổi trội là thể chế vượt trội ; thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn và các ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư ở mức độ “cao” so với khu vực. Xin nhấn mạnh là các nhà làm luật coi rằng đặc khu là “phòng thí nghiệm” để thí điểm các quy định mang tính táo bạo, vượt ra khuôn khổ chung. Nếu “thí nghiệm” thành công, các quy định này sẽ được xem xét để áp dụng trên phạm vi cả nước.
Câu hỏi chính đặt ra là, với khung luật này, liệu các nhà đầu tư quốc tế có thấy thực sự hấp dẫn và “đổ xô” tới các đặc khu của Việt Nam như chúng ta mong đợi hay không?
Thống kê cho thấy hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 4.000 đặc khu với rất nhiều ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư vô cùng hấp dẫn, trên nền tảng cơ sở hạ tầng ưu việt hơn hẳn chúng ta. Các đặc khu thế hệ mới này đang tập trung vào xây dựng những cụm cạnh tranh (competitiveness clusters) đẳng cấp quốc tế, dựa trên sự kết hợp chặt chẽ và thống nhất giữa bốn thành phần “nhà hoạch định chính sách - doanh nghiệp - các đơn vị đào tạo và nghiên cứu - người dân”, trên nền tảng một dự án/hệ sinh thái phát triển chung trong đó khung luật là một công cụ tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác sáng tạo chứ không phải là một đích đến. Các ưu đãi về thuế, đất đai, lao động - tuy quan trọng - nhưng không còn là yếu tố chính thu hút đầu tư vào đặc khu nữa.
Theo báo cáo năm 2015 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) liên quan đến các chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài(2), yếu tố đầu tiên thu hút các nhà đầu tư là một thể chế minh bạch, hiệu quả, ổn định để đảm bảo môi trường kinh doanh “thân thiện” với doanh nghiệp. Vì thế, chúng ta không nên mong chờ quá nhiều vào hiệu quả thu hút đầu tư của các ưu đãi thuế, đất đai mà dự thảo đề xuất. Hãy tập trung vào xây dựng một bộ máy hành chính dễ hiểu, dễ xác định được trách nhiệm của các cơ quan, một thể chế hiện đại, hiệu quả nhằm thiết lập ở các đặc khu một môi trường kinh doanh theo chuẩn quốc tế - điều cốt yếu nhất để các nhà đầu tư đẳng cấp quốc tế quyết định đến đầu tư ở các đặc khu. Đây cũng chính là đích đến của các đặc khu trên thế giới hiện nay.
Từ xuất phát điểm môi trường kinh doanh
Để làm được điều này chúng ta cần đánh giá khách quan môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay. Việt Nam thường được đánh giá là quốc gia cởi mở trong quan hệ thương mại, có lợi thế khi thu hút đầu tư nước ngoài so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chất lượng đầu tư còn thấp, công nghệ thấp và trung bình chiếm ưu thế, việc chuyển giao công nghệ chất lượng cao còn ít, nhiều dự án gây ô nhiễm môi trường, nhiều dự án cố tình lách luật để hưởng ưu đãi. Ngoài ra, dòng vốn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư châu Á, thay vì từ EU hay từ Mỹ, cho dù nhiều hiệp định song phương đã được ký kết.
Các nhà đầu tư nước ngoài đều có nhận định chung rằng Việt Nam hấp dẫn ở các điểm như thị trường mới, tiềm năng, nhiều cơ hội phát triển, chính trị ổn định. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam bị đánh giá rất thấp trong khu vực. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam chỉ xếp hạng 82/190 nền kinh tế trên thế giới(3). Từ một vài năm gần đây, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực cải cách. Tuy nhiên, bên cạnh một số tiến bộ mang tính riêng lẻ, những cải cách này chưa tạo được những thay đổi đồng bộ, lâu bền và triệt để nhằm đưa môi trường kinh doanh lên tầm cao mới có khả năng cạnh tranh với quốc tế.
Một mặt, môi trường pháp lý còn chưa đủ minh bạch, ổn định, các quy định pháp luật còn rườm rà, khó hiểu, thủ tục phức tạp, lại chưa có cơ chế hiệu quả hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận với pháp luật Việt Nam hay với các thông tin liên quan đến đầu tư. Mặt khác, các lĩnh vực “sống còn” với doanh nghiệp như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đảm bảo cạnh tranh lành mạnh lại là điểm rất yếu của môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Không mấy ai ngạc nhiên khi biết rằng chỉ số hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual Property Index) của Việt Nam năm 2017 vẫn thấp hơn Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Singapore - những đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Ở Việt Nam, luật không thiếu, nhưng việc áp dụng không đồng bộ, thiếu hiệu quả, chế tài chưa đủ nghiêm khắc dẫn đến thực tế là có rất ít các hành vi vi phạm bị xử phạt nghiêm khắc. Điều này tạo ra tâm lý  e ngại cho các nhà đầu tư trong thế kỷ 21 này - thế kỷ mà tính sáng tạo, tài sản trí tuệ là vũ khí kinh tế hiệu quả nhất. Cũng thế, cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam đang ở tình trạng báo động.
Vì vậy, cần chú ý tới những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh táo bạo, vượt trội để có thể nâng cao khả năng thu hút đầu tư của đặc khu, không chỉ so với trong nước mà đồng thời có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, cần phải nhận ra rằng khuynh hướng phát triển chung trên thế giới hiện nay là hướng tới mô hình phát triển bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, an sinh xã hội. Môi trường chất lượng cao cũng là điều kiện thu hút đầu tư tới đặc khu.
Cách nào để bứt phá?
Dự thảo Luật ĐVHCKTĐB nhấn mạnh việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương vượt trội, đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết... Đây là những điểm cần, nhưng chưa đủ. Phải đưa vào luật này các quy định nhằm giải quyết các yếu điểm của môi trường kinh doanh Việt Nam như vừa đề cập ở trên.
Thứ nhất, cần phải có các quy định cụ thể nâng cao sự minh bạch trong hoạt động đầu tư, kinh doanh ở đặc khu, như quy định nghĩa vụ minh bạch thông tin liên quan đến các quyết định của chính quyền đặc khu, tạo kênh kết nối chính quyền với người dân để giải đáp các thắc mắc một cách công khai, nhanh chóng, tạo ra cơ chế giám sát hiệu quả, khách quan. Đồng thời, cần có chế tài đặc biệt nghiêm để xử phạt mọi hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, có bộ ứng xử dành cho công chức đặc khu.
Thứ hai, cần đặc biệt chú ý xây dựng các cơ chế phản ứng nhanh, đặc biệt hiệu quả để đối phó với tình trạng vi phạm SHTT và cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ, nên lập ra tòa án chuyên trách về SHTT tại đặc khu, như kinh nghiệm Trung Quốc đã làm một cách rất hiệu quả để cải thiện hình ảnh “vương quốc hàng giả” trong mắt các nhà đầu tư. Lập ra tòa án chuyên trách về SHTT đồng thời nâng cao chế tài xử phạt không chỉ thể hiện quyết tâm của Việt Nam giải quyết vấn đề vi phạm SHTT tràn lan, làm yên tâm các nhà đầu tư, mà còn giúp các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp sáng tạo có thể phát triển mạnh mẽ, làm đầu tàu kinh tế cho đặc khu.
Thứ ba, cần tập trung làm nổi bật vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tại đặc khu, với một tiêu chuẩn cao vượt trội so với khuôn khổ chung hiện nay ở Việt Nam. Nguyên tắc “tăng trưởng xanh” cần phải được đưa vào nguyên tắc phát triển của đặc khu, vì đây là mô hình của tương lai. Thử nghiệm mô hình này tại đặc khu để nhân rộng ra cả nước là điều đặc biệt cần thiết để đạt được mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Chưa có các giải pháp như trên, luật chưa thể biến Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thành các đặc khu “đặc biệt” như chúng ta mong muốn được. Xây dựng Luật ĐVHCKTĐB là cơ hội để đưa ra các giải pháp phát triển toàn diện, lâu dài, táo bạo chứ không chỉ là nâng cao ưu đãi, hỗ trợ, mở cửa thị trường rộng hơn để thu hút đầu tư không có định hướng. Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội bứt phá này.
(*) Thành viên AVSE Global. Bài viết thể hiện quan điểm của Tổ tư vấn luật AVSE Global
(1) http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1319
(2) https://www.oecd.org/fr/investissement/politiques-investissement/Cadre-action-investissement-2015-CMIN2015-5.pdf
(3) https://www.baomoi.com/xep-hang-moi-truong-kinh-doanh-viet-nam-can-no-luc-de-vao-top-dau-asean/c/20677258.epi

ĐẶC KHU ĐỂ THÍ NGHIỆM THỂ CHẾ HAY KIẾM TIỀN?

MINH THÁI (t.h) / Đ V 4-11-2017

Dac khu de thi nghiem the che hay kiem tien?
Thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Ảnh: VnExpress

TS Võ Trí Thành đặt câu hỏi: Chúng ta muốn gì ở đặc khu? Là nơi học hỏi mô hình thể chế, hay để kiếm tiền hay tất cả?

Tại hội thảo Chính sách phát triển kinh tế xã hội tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sáng 3/11, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng dự thảo luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã có bước tiến lớn so với dự thảo đầu tiên.
Theo ông Thành, dự luật hiện vẫn khá ôm đồm và chưa phân định rõ đặc khu sẽ là nơi thử nghiệm thể chế hay kiếm tiền thông qua phát triển du lịch, casino... Vì thế chính sách và những ưu tiên đưa ra tại dự luật chưa rõ, chưa hẳn vượt trội.
"Các chính sách cho đặc khu cần vượt ra ngoài các ưu đãi thông thường trong các dự án luật của Việt Nam, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài", ông nói.
 Lấy ví dụ phát triển đặc khu tại Thượng Hải, Thâm Quyến (Trung Quốc), ông Thành cho biết, sau một thời gian phát triển Trung Quốc đã sửa đổi, bổ sung thêm nhiều "đặc khu trong đặc khu". Đây là nơi thể hiện mục tiêu thí điểm các cơ chế mới về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tiền tệ và công nghệ mới.
"Chúng ta không thể né được các cơ chế mở mà nên chấp nhận và coi đây là nơi thí điểm những 'trò chơi' mới, cách chơi mới trong thanh toán, tiền tệ... tất nhiên ở trong phạm vi có thể kiểm soát được", báo VnExpress dẫn lời ông Thành nói.
Ông Patrick Tay, Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng tư vấn chính sách kinh tế PWC thì nhận xét, dự luật đã đưa ra được những nền tảng quan trọng cần có, nhưng cần đặt cái nhìn cân bằng lợi ích của các bên, nhất là người dân.
"Phải đảm bảo rằng người dân tại các nơi như Vân Đồn, Phú Quốc... cảm nhận được hưởng lợi rõ rệt khi những nơi này trở thành đặc khu, chứ không chỉ riêng nhà đầu tư", ông Patrick Pay lưu ý.
Trong khi đó, trao đổi với Nhịp cầu đầu tư, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng đặt ra nỗi lo ngại, một trong những phương pháp được nhiều nước áp dụng khi quyết định chủ trương thành lập đặc khu kinh tế đó là phân tích ảnh hưởng liên vùng, để xem vùng nào có lợi thế về cái gì; ngành kinh tế nào có độ lan tỏa đến bản thân vùng đó và các vùng khác của đất nước ra sao; mức độ ảnh hưởng của vùng đó đến nền kinh tế chung thế nào; ảnh hưởng về môi trường đến nội vùng và ngoài vùng tới đâu... Trong trường hợp của Việt Nam, nghiên cứu tiền khả thi chưa được các nhà hoạch định chính sách thực hiện.
‘’Tại sao chọn Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc? Tại sao lại chọn nhóm ngành này mà không chọn nhóm ngành kia? Tại sao lại mặc định những nhóm ngành lựa chọn có sức lan tỏa tới nền kinh tế trong nước? Nếu chú trọng vào du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, đánh bạc thì sẽ lan tỏa kiểu gì?’’, vị chuyên gia đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Minh Thái (Tổng hợp)

CHẶN TIỀN BẨN QUA CASINO

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ 4-11-2017
Từ 1/12/2017, người Việt sẽ chính thức vào chơi casino kéo theo nỗi lo về tội phạm trốn thuế, rửa tiền qua các sòng bài.
>>Tránh thất thu 2 tỉ USD, người Việt được chơi Casino từ tháng 3?
Tám sòng bài thu 1.379 tỷ đồng
Hiện cả nước có 8 dự án casino đang hoạt động cho người nước ngoài vào chơi với tổng số 408 bàn và 4.579 máy chơi được cấp phép.

Đó là Công ty TNHH Liên doanh Du lịch Quốc tế Hải Phòng, Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia - Quảng Ninh, Công ty Liên doanh Khách sạn Quốc tế Lào Cai, Công ty TNHH Du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silvershore Hoàng Đạt - Đà Nẵng, dự án Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), dự án Nam Hội An (Quảng Nam), Công ty Cổ phần Khách sạn Hồng Vận.

Trong số này, Hồ Tràm (cấp phép 180 bàn, 2.000 máy) và Nam Hội An (cấp phép 140 bàn, 2.000 máy) hiện là hai dự án casino có quy mô lớn nhất hiện tại.

Con số doanh nghiệp kinh doanh casino có lẽ sẽ không dừng ở 8, khi trong thời gian qua, đã có một cuộc chạy đua đầu tư casino ở trong nước, diễn ra âm thầm nhưng mạnh mẽ, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn, đã có sẵn hạ tầng tại các khu du lịch cao cấp. 

Chan tien ban qua casino
Doanh thu từ hoạt động xổ số tại Việt Nam
Trước đó, một báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định các casino đang hoạt động của Việt Nam đang thành công lớn nhờ vào lượng khách đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nguồn khách này dường như biến động qua nhiều năm. Tổng doanh thu năm 2014 từ 8 doanh nghiệp đang kinh doanh casino ở Việt Nam lên đến 1.379 tỷ đồng, với mức nộp thuế là 336 tỷ đồng.
Trong chiến lược phát triển kinh tế từ nay tới năm 2020, Việt Nam sẽ có một số đặc khu kinh tế mà tại đó cho phép kinh doanh casino nên số lượng casino sẽ tăng lên và là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý.
Mánh khóe rửa tiền
Theo Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, một trong những chiêu  rửa tiền đầy tinh vi của tội phạm đó là thông qua các hoạt động casino hoặc vui chơi giải trí có thưởng. 
Thông thường, tội phạm rửa tiền lợi dụng cơ chế của tổ chức casino để rửa tiền. Người chơi tại tổ chức casino không dùng tiền thật để chơi mà dùng thẻ đánh bạc (thẻ đánh bạc có thể được gọi là phỉnh hoặc chíp hoặc sèng) ghi dấu hiệu giá trị để chơi. Theo đó, người chơi sẽ đổi tiền thật lấy thẻ đánh bạc để chơi, khi kết thúc họ có thể đổi thẻ đánh bạc lấy tiền mặt hoặc séc.
Lợi dụng cơ chế này, tội phạm rửa tiền dùng tiền mặt có được từ hoạt động bất hợp pháp để mua một số lượng lớn thẻ đánh bạc, nhưng chỉ đánh bạc hoặc đặt cược một số tiền không đáng kể. Sau đó trả lại thẻ và đề nghị được nhận lại tiền dưới dạng séc và tuyên bố đó là tiền được bạc.
Chính vì vậy, để ngăn chặn hoạt động rửa tiền trong lĩnh vực này, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội ban hành từ năm 2012 đã quy định những dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực trò chơi có thưởng.
Chẳng hạn, khách hàng đổi số lượng đồng tiền quy ước có giá trị lớn tại casino, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng nhưng không tham gia chơi hoặc chơi với số lượng rất nhỏ sau đó đổi lại thành tiền mặt hoặc séc, hối phiếu ngân hàng hoặc chuyển tiền đến tài khoản khách; Khách hàng yêu cầu chuyển tiền thắng cược, trúng thưởng cho bên thứ ba không có mối quan hệ rõ ràng với khách hàng hoặc khi bên thứ ba không có nơi thường trú cùng với khách hàng; Khách hàng bổ sung tiền mặt hoặc séc vào số tiền thắng cược, trúng thưởng và yêu cầu casino, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng chuyển thành séc có giá trị lớn…
Doanh nghiệp muốn được cấp phép thí điểm kinh doanh casino phải đạt được không ít điều kiện về kiểm soát người chơi và luồng tiền, kê khai thuế. Để kiểm soát người chơi, chống rửa tiền, trốn thuế, quan trọng nhất là phải quản lý thông tin rõ ràng, minh bạch. Theo đó, chỉ những người chứng minh được thu nhập rõ ràng, có đóng thuế thu nhập cá nhân mới được cấp thẻ vào chơi casino, còn người thu nhập thấp, thu nhập không rõ ràng sẽ không được tham gia chơi.
Tổng doanh thu năm 2014 từ 8 doanh nghiệp đang kinh doanh casino ở Việt Nam lên đến 1.379 tỷ đồng, với mức nộp thuế là 336 tỷ đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét