Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

20171122. BÀN VỀ NỢ CÔNG VÀ CỨU VỠ NỢ CÔNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
VIỆT NAM SẼ VỠ NỢ ?

DÂN LÀM BÁO/ BVB 20-11-2017

Kết quả hình ảnh cho nợ công

Định nghĩa “nợ công”

Nợ chính phủ, còn gọi là Nợ Công hoặc Nợ quốc gia, là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay để tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách hằng năm.
+ Nợ chính phủ thường được phân loại thành:
+ Nợ trong nước (chủ nợ là người dân) và nợ nước ngoài (chủ nợ người ngoại quốc).
+ Nợ ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), nợ trung hạn (từ trên 1 năm đến 10 năm) và nợ dài hạn (trên 10 năm).
Các hình thức vay nợ của chính phủ
1. Phát hành trái phiếu chính phủ
Chính phủ có thể phát hành Trái phiếu để vay từ các tổ chức, cá nhân. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng nội tệ được coi là không có rủi ro tín dụng vì chính phủcó thể tăng thuế, giảm chi hoặc in thêm tiền để thanh toán cả gốc lẫn lãi khi đáo hạn. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng ngoại tệ (thường là các ngoại tệ mạnh có mức cầu lớn) có rủi ro tín dụng cao hơn so với trái phiếu phát hành bằng nội tệ vì chính phủ có thể không có đủ ngoại tệ để thanh toán, đồng thời còn có rủi ro về tỷ giá hối đoái.
2. Vay trực tiếp
Chính phủ cũng có thể vay tiền trực tiếp từ các ngân hàng thương mại, các thể chế siêu quốc gia (ví dụ: Quỹ Tiền tệ Quốc tế)… Hình thức này thường được Chính phủ của các nước có độ tin cậy tín dụng thấp áp dụng vì khi đó khả năng vay nợ bằng hình thức phát hành trái phiếu của họ không cao.
Cách tính nợ công của Việt Nam … “không giống ai”
Theo Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới về tình hình nợ công của Việt Nam hiện nay, thì cách tính nợ công của Việt Nam khác thế giới rất nhiều. Nợ công của Việt Nam chỉ nói đến nợ của Chính phủ và bộ máy công quyền, chứ không hề tính tới nợ của doanh nghiệp nhà nước, các xí nghiệp công ích và bảo hiểm xã hội mà nhà nước phải chịu trách nhiệm. Do trong định nghĩa nợ công không có các khoản này nên không đánh giá đúng tình trạng trầm trọng của nợ công và nguy cơ vỡ nợ của quốc gia.
Năm ngoái, Việt Nam báo cáo nợ công chiếm 54% GDP (Tổng sản lượng Quốc gia), nhưng có nguồn tính ra lên tới 106% GDP nếu tính thêm các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước. Còn năm nay, con số đó có thể cao hơn nhiều. Con số 64% hiện tại chỉ phản ánh một nửa thực tế. Xét về thực chất, nợ công VN đang ở mức “rất nguy hiểm” nếu theo tiêu chuẩn của quốc tế.
Khả năng trả nợ của Việt Nam
Theo ông Bùi Ngọc Sơn, khả năng trả nợ không chỉ đánh giá bằng tổng số nợ hay tỷ lệ nợ so với GDP mà còn do tiềm lực trả nợ của quốc gia. Nếu so sánh tỷ lệ Nợ Công/GDP , Nhật nợ tới 200%, Mỹ nợ 100% mà không có vấn đề gì. Trong khi đó, Argentina vỡ nợ khi nợ công mới ở mức 54% GDP. Do đó, khi Việt Nam đưa ra tỷ lệ an toàn để khỏi vỡ nợ là 65% của GDP thì đây là điều không thực tế.
Điều quan trọng là phải xem tốc độ gia tăng nợ nhanh hay chậm so với tốc độ tăng trưởng của GDP và triển vọng phát triển của nền kinh tế. Argentina vỡ nợ vì tốc độ gia tăng nợ rất nhanh, không kiểm soát được chi tiêu của chính quyền địa phương, phát hành trái phiếu vay nước ngoài ồ ạt, trong khi xuất khẩu lại rất kém.
Nước ngoài khi cho vay sẽ căn cứ vào khả năng tăng trưởng và năng lực xuất khẩu. Nếu tăng trưởng chậm, xuất khẩu có vấn đề thì không còn ai muốn đưa tiền vào đất nước đó. Và đó là thảm họa đã xảy ra ở Argentina.
Nếu tính cả số nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ trái phiếu chính phủ, nợ đọng xây dựng cơ bản thì nợ công của Việt Nam đã vượt trần. (theo báo cáo Quốc hội hoàn thành ngày 28/10/2016) . Nhiều đại biểu QH bày tỏ sự lo lắng trước tình hình nợ công lớn, xu hướng tăng nhanh, rủi ro lớn, và đang ở mức báo động; áp lực trả nợ rất lớn trong khi năng lực trả nợ của nhà nước không cao.
Trong một cuộc hội thảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Dương cho biết: cứ mỗi ba tháng Việt Nam phải trả nợ công, gồm cả gốc và lãi lên tới 25.000-26.000 tỉ đồng (hơn một tỉ đôla)
Bản tập hợp ý kiến thảo luận cũng nhấn mạnh: “Nhiều đại biểu cho rằng nợ công đang trở thành vấn đề nguy hiểm, nếu không giải quyết tốt có thể đe dọa đến tài chính quốc gia và ổn định vĩ mô, chính trị”.
Ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách, cho báo Tuổi Trẻ trong nước biết: Tính trong nhiệm kỳ (2011-2015), chính phủ phải vay khoảng 872.000 tỉ đồng để bù bội chi ngân sách và phát hành 395.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ để đầu tư xây dựng cơ bản (tổng cộng hai khoản khoảng 60 tỉ USD, tức trung bình 12 tỉ một năm).
Đặc biệt, Việt Nam đã phải vay 70.000 tỉ đồng để đảo nợ. Năm 2015, nợ đến hạn phải trả của VN là 280.000 tỉ (hơn 13 tỉ USD) nhưng chỉ lo được 150.000 tỉ để trả nợ và phải vay 130.000 tỉ (hơn 6 tỉ USD) để đảo nợ.
Nợ trái phiếu chính phủ trong nước tương đối ngắn hạn và có lãi suất cao, cho nên yêu cầu chi trả nợ hàng năm cũng tăng lên rất nhanh, yêu cầu đó đã vượt mức an toàn 25% của ngân sách.
Tác động của nợ chính phủ
Trong những năm gần đây, hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng trong dài hạn một khoản nợ chính phủ lớn (tỷ lệ của nó so với GDP cao) làm cho sự tăng trưởng GDP chậm lại vì những lý do sau:
Nếu một quốc gia có nợ nước ngoài lớn thì quốc gia đó buộc phải tăng cường xuất khẩu để trả nợ nước ngoài và do đó khả năng tiêu dùng giảm sút.
Một khoản nợ công lớn gây ra hiệu ứng thế chỗ cho vốn tư nhân: thay vì sở hữu cổ phiếu, trái phiếu công ty, dân chúng sở hữu nợ chính phủ (trái phiếu chính phủ). Điều này làm cho cung về vốn cạn kiệt vì tiết kiệm của dân cư đã chuyển thành nợ chính phủ dẫn đến lãi suất tăng và các doanh nghiệp hạn chế đầu tư.
Nợ trong nước tuy được coi là ít tác động hơn vì chính phủ chỉ nợ công dân của chính nước mình, tuy vậy nếu nợ trong nước lớn thì chính phủ buộc phải tăng thuế để trả lãi nợ vay. Thuế làm méo mó nền kinh tế, gây ra tổn thất vô ích về phúc lợi xã hội.
Ngoài ra, còn có một số quan điểm cho rằng việc chính phủ sử dụng công cụ nợ để điều tiết kinh tế vĩ mô, tức đi vay để phát triển, sẽ không có hiệu suất cao vì có hiện tượng crowding out (tức hoạt động của chính phủ làm giảm mức hoạt động của tư nhân) và nguy cơ lạm phát như sau:
Chính phủ muốn tăng chi tiêu công cộng để kích cầu thì phát hành thêm trái phiếu, điều này làm giá của trái phiếu giảm, do đó, chính phủ phải nâng lãi suất trái phiếu thì mới chiêu dụ được người mua. Lãi suất trái phiếu tăng thì lãi suất chung của nền kinh tế cũng tăng. Điều này tác động tiêu cực đến động cơ đầu tư của khu vực tư nhân, khiến họ giảm đầu tư. Nó còn tác động tích cực đến động cơ tiết kiệm của người tiêu dùng, dẫn tới giảm tiêu dùng. Nó còn làm cho lãi suất trong nước tăng tương đối so với lãi suất nước ngoài, dẫn tới luồng tiền từ nước ngoài đổ vào trong nước khiến cho tỷ giá hối đoái tăng làm giảm xuất khẩu.
Nếu coi việc nắm giữ trái phiếu chính phủ là một hình thức nắm giữ tài sản thì khi chính phủ tăng phát hành trái phiếu sẽ đồng thời phải tăng lãi suất, người nắm giữ tài sản thấy mình trở nên giàu có hơn và tiêu dùng nhiều hơn. Tổng cầu nhận được tác động tích cực (ngắn hạn) từ việc tăng chi tiêu chính phủ và tăng tiêu dùng nói trên. Tuy nhiên, tăng tiêu dùng dẫn tới tăng lượng cầu tiền. Điều này gây ra áp lực lạm phát, vì thế tác động tiêu cực (dài hạn) tới tốc độ tăng trưởng thực.
Hệ lụy do vỡ nợ
Chuyện vỡ nợ công của Việt Nam đang là một đe dọa hiển nhiên theo sự nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế. Nếu quốc gia vỡ nợ, tình trạng kinh tế sẽ suy sụp như sau:
  • 1) Thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ và điểm tín dụng xuống cấp thê thảm.
  • 2) Mọi cơ chế tài chánh sẽ phải đóng cửa. Tiền mất giá, lạm phát leo thang, trái phiếu và đồng nội tệ sẽ chỉ còn là mớ giấy lộn. Tiền gởi trong ngân hàng sẽ “bốc hơi” vì mất giá trị.
  • 3) Mọi chương trình do chính phủ tài trợ đều ngưng hoạt động (y tế, cảnh sát, an ninh, quốc phòng, giáo dục, cầu, đường, năng lượng v…v…). Quỹ hưu trí tan vỡ, nhà thương, trường học ngưng hoạt động.
  • 4) Các thương vụ đóng cửa và nạn thất nghiệp tràn lan. Mọi mặt hàng khan hiếm kể cả nhu yếu phẩm. Giá cả tăng vọt. Đời sống của người dân sẽ bị đảo lộn hoàn toàn.
  • 5) Nội loạn sẽ xảy ra và không có người để duy trì trật tự công cộng. Nạn đói và cướp bóc sẽ xảy ra. Hiện tượng vô kỷ luật, vô trật tự, vô tổ chức sẽ hoành hành.
  • Kẻ giàu có sẽ cuỗm tiền bạc quốc gia và trốn ra ngoại quốc.
Đó là trong ngắn hạn. Còn dài hạn thì con cháu chúng ta sẽ phải trả nợ – có thể suốt đời, và nhiều thế hệ. Tiền trả các món nợ đó sẽ cướp đi cơ hội đầu tư để phát triển đất nước. Việt Nam tiếp tục đi giật lùi so với đà phát triển của thế giới, và có thể tiếp tục bị chi phối, khai thác, thao túng bởi những thành phần xấu trong cộng đồng dân tộc cũng như ngoại bang.
Giải pháp cấp cứu Việt Nam
Ông Bùi Kiến Thành, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về thị trường tài chính quốc tế từ Hà Nội nhận định:
“Phải tìm cách hãm lại gánh nợ công, hãm lại đầu tư công, hãm lại những thứ gọi là những phí phạm trong vấn đề quản lý nhà nước, hãm lại những cái rút ruột công trình, hãm lại vấn đề cán bộ nhà nước không kiểm tra đầy đủ chi tiêu nợ công.”
Chuyên gia ngoài chính phủ trong & ngoài nước nhiều lần kêu gọi Việt Nam cải cách thể chế, công khai minh bạch và dân chủ trong kinh tế thì mới có thể phát triển kinh tế bền vững. Tham nhũng đi đôi với lãng phí và đầu tư không hiệu quả.
Cách tính nợ công khác thường của Bộ Tài chính Việt Nam và cách tính GDP của Việt Nam nhằm tạo một bộ mặt kinh tế tốt đẹp đã tạo ra nguy cơ lâu dài cho nền kinh tế. Thời báo kinh tế Việt Nam trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 7/8/2014 tại Hội nghị Đà Nẵng, nguyên văn: “Yêu cầu các tỉnh thành từ nay phải tính toán xác thực không tô hồng hay làm sai lệch vì trong những năm qua tỉnh thành nào cũng báo cáo GDP tăng trưởng 10% tới 15% nhưng GDP cả nước chỉ tăng từ 5% đến 7%.”
Theo các chuyên gia, cách tính GDP không xác thực dẫn tới sai lầm dây chuyền trong nền kinh tế, từ kế hoạch phát triển cho đến đầu tư sai lạc và dàn trải kém hiệu quả. Một đất nước với các chỉ số ảo về tăng trưởng GDP, nợ công không được công bố một cách đầy đủ và minh bạch thì khó có thể bảo đảm không có ngày vỡ nợ. Những khoản nợ công bị phung phí ngày hôm nay chính là gánh nặng cho các thế hệ Việt Nam mai sau (RFA).
Các đối sách ứng phó để tránh vỡ nợ chưa hề thấy Nhà nước Việt Nam đưa ra trừ việc cảnh giác nguy cơ và dự trù bán tài nguyên, thu thêm thuế và mượn thêm tiền để đảo nợ. Các chuyên gia nhận định cần phải :
– Thứ nhất, điều chỉnh ngay những khoản chi ngân sách. Hiện nay, Việt Nam có tỉ lệ sử dụng ngân sách Nhà nước rất cao trong khu vực, so với phần trăm GDP và đấy là một gánh nặng đối với người dân.
– Thứ hai, chi thường xuyên của ngân sách chiếm đến 72% tổng số chi, như vậy, chỉ còn lại 28%, mà 25% sẽ phải chi để trả nợ, như vậy, chỉ còn 3% để đầu tư, đây là điều hết sức đáng lo ngại, vì nếu như vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể công nghiệp hóa cũng như không thể tăng trưởng với số vốn đầu tư quá ít.
– Thứ ba, cần phải tái cấu trúc đầu tư công và phải có những biện pháp để giám sát và đầu tư công hiệu quả hơn. Cho đến nay, Nhà nước vẫn muốn trực tiếp tham gia vào mọi hoạt động kinh doanh, đưa đến tình trạng thua lỗ.
Theo Ts Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế trong nước, thì « Việc giải quyết vấn đề nợ công của Việt Nam đòi hỏi phải có những biện pháp cấp bách trước mắt và những biện pháp tái cơ cấu lâu dài, những điều đó đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải trải qua một cuộc cải cách hết sức mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn cả kỳ đổi mới cách đây 30 năm » (RFA).
Giải pháp đề nghị từ tác giả
Tác giả bài viết này xin đưa ra một số giải pháp cấp thiết và cải cách lâu dài, bao gồm:
Thành lập một Ủy Ban Cấp Cứu Nợ Công (UBCCNC) với các chuyên gia yêu nước để nghiên cứu các giải pháp thực tiễn, không phân biệt trong nước hay hải ngoại. UBCCNC hoạt động độc lập với Đảng và Nhà nước, và có toàn quyền giám sát, quyết định và đề nghị giải pháp.
Song song, thực hiện 3 yếu tố căn bản cần thiết cho một nền kinh tế lành mạnh, đó là:
Thiết lập hệ thống thanh tra độc lập/chuyên nghiệp, và nền truyền thông tự do/độc lập để bảo đảm « kiểm tra và cân bằng » (check and balances) hầu bài trừ tham nhũng và những hoạt động khuất tất, bảo đảm minh bạch/công khai sổ sách chi thu và các chính sách kinh tế.
Thiết lập một nền luật pháp nghiêm minh.
Thiết lập nền chính trị « tam quyền phân lập » để tránh tình trạng « mâu thuẫn lợi ích » (conflict of interest), xóa bỏ chính sách ưu đãi và đặc quyền/đặc lợi.
Ngay lập tức, yêu cầu mọi cấp chính quyền « thắt lưng buộc bụng », xong cần nghiên cứu để các khoản chi cho công ích xã hội không bị giảm làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đã quá khó khăn của người dân hiện nay. Hữu hiệu hóa các chi tiêu và đầu tư cho đúng người, đúng việc.
Cắt giảm tối đa hệ thống công an, cảnh sát, dư luận viên hiện nay đang được xử dụng dư thừa và vô ích để theo dõi và hành hung các nhà yêu nước.
Cải thiện guồng máy quan liêu, cồng kềnh, kém hiệu năng hiện nay.
Thay đổi tư duy về một nền « kinh tế thị trường dưới định hướng xã hội chủ nghĩa». Dẹp bỏ các công ty quốc doanh và tư hữu hóa các hoạt động kinh tế. Cần phải cải tổ nền kinh tế theo nguyên tắc kinh tế thị trường đúng nghĩa, không thể tiếp tục cấu trúc quái thai « KTTT dưới định hướng XHCN »
Hợp tác chân thành với các quốc gia dân chủ khắp nơi để thoát khỏi sự khuynh loát/lấn lướt cả về kinh tế lẫn chính trị của Trung Cộng.
Để thực hiện được những điều này, lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam cần cởi bỏ tư duy « thù nghịch » và « nghi ngờ » với bất cứ ai khác chính kiến hoặc cổ võ cho tự do/dân chủ. Cần có tư duy cấp tiến của thế kỷ 21 – cởi mở, chấp nhận mọi khuynh hướng, tôn trọng quyền làm chủ đất nước của người dân, hợp tác để cùng tiến (win-win situation), thay vì lối suy nghĩ lạc hậu « ta-địch, thắng-thua » của thế kỷ trước.
Liệu những người trách nhiệm có can đảm làm một cuộc cách mạng « Tư Duy » để dân chủ hóa nền kinh tế, để dân chủ hóa đất nước, để cứu nguy Việt Nam và khép lại trang sử đen tối của dân tộc?
(Dân Làm Báo)
ZIMBABWE, VENEZUELA: SỰ LẶP LẠI CỦA NHỮNG THỬ NGHIỆM THẤT BẠI
trithuc VN/ BVB 21-11-2017
Trong khi Zimbabwe đang trở thành tâm điểm của thế giới với vụ quân đội tước quyền của vị Tổng thống độc tài 93 tuổi khi ông này muốn trao quyền lại cho cô vợ trẻ, thì Venezuela đối mặt với đợt vỡ nợ đầu tiên. Hai quốc gia này, một ở Châu Phi và một ở Nam Mỹ tuy xa nhau nghìn dặm, nhưng có 2 điểm chung: đều là quốc gia xã hội chủ nghĩa, và đều là những nhà nước thất bại.
Thực tế là cả 2 quốc gia này có khởi đầu khác nhau nhưng lại trải qua nhiều biến cố giống nhau. Cả hai đều bắt đầu từ những nền kinh tế tư bản chủ nghĩa giàu có, trải qua làn sóng Mac-xít với những ảo tưởng về thiên đường xã hội đưa những kẻ độc tài lên đỉnh cao quyền lực, tới sự thất bại của nhà nước, nền kinh tế và cả hệ thống xã hội sau hàng chục năm thực thi các chính sách này.
Hiện tại, cả hai đều đang ở bờ vực sụp đổ, kinh tế chao đảo do siêu lạm phát, tăng trưởng âm, nạn đói đe dọa tới sức khỏe và tính mạng của người dân, nhất là trẻ em.
Tổng thống Mugabe bị Đảng loại bỏ, dân phản đối…nhưng vẫn kiên quyết không chịu thoái lui
Ít ai ngờ được chỉ 40 năm trước, Zimbabwe là quốc gia giàu có và có năng suất lao động cao nhất Châu Phi. Ngày nay, nước này là một thảm họa. Khi vị Tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe, người cầm quyền từ ngày Zibabwe độc lập – năm 1980, muốn truyền lại quyền lực cho vợ mình, thì quân đội đã can thiệp và tước bỏ quyền lực của ông ta. Vợ ông chạy trốn ra nước ngoài.
Mugabe là một người gây nhiều tranh cãi. Với những quốc gia tư bản phương tây, ông ta là một kẻ độc tài, một kẻ mị dân. Nhưng với nhiều người da đen, ông là anh hùng, giúp giải phóng họ khỏi sự thống trị của thiểu số da trắng. Nhưng một điều rõ ràng là, tương tự Hugo Chavez tại Venezuela, nền kinh tế một thời giàu có của Zimbabwe đã bị phá tang hoang dưới thời Robert Mugabe.
Sản lượng nông nghiệp suy giảm một nửa trong những năm 1990 khi Mugabe đuổi những chủ nông da trắng ra khỏi đồn điền của họ để thực thi “cướp của người giàu chia cho người nghèo”, trong khi những nông phu da đen ủng hộ ông ta không có kinh nghiệm quản lý nông trại. Cùng thời gian này cũng chứng kiến những đợt thanh trừng đầu tiên những người nói xấu chính sách xã hội chủ nghĩa Mac-xít của ông ta.
Trong khi đó, một cuộc chiến không mong đợi tại Congo đã khiến Zimbabwe mắc nợ khổng lồ, lãi suất tăng chóng mặt và siêu lạm phát xuất hiện. Tỷ lệ lạm phát tăng từ khoảng 59% năm 2000 tới đỉnh là 80 triệu phần trăm cuối năm 2008. Tờ một triệu đô la Zimbabwe xuất hiện, nhưng không đủ mua một cái bánh mỳ. Để đối phó, chính phủ Mugabe tuyên bố “lạm phát là vi phạm pháp luật” và đóng khung giá bán cũng như tiền lương. Cửa hàng nào bán hàng với giá cao hơn giá niêm yết thì ông chủ sẽ bị tống vào tù.
Kết quả: GDP giảm từ 6,78 tỷ USD năm 2001 xuống 4,4 tỷ USD năm 2008, theo số liệu của World Bank.
Sau thảm họa kinh tế, ông Mugabe buộc phải thu hồi một số chính sách xã hội tồi tế nhất, khiến kinh tế nước này phục hồi một phần, nhưng đến nay nước này vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất và có hệ thống chính trị tồi tệ nhất thế giới.
Giống như Zimbabwe, Venezuela, quốc gia sở hữu nhiều dầu mỏ nhất thế giới từng là một đất nước giàu có với tầng lớp trung lưu đông đảo.
Nhưng bắt đầu từ năm 1999 khi làn sóng Mac-xít thâm nhập vào châu Mỹ La-tinh đem Hugo Chavez lên làm Tổng thống, chính phủ vươn tay thâu tóm khu vực kinh tế tư nhân với danh nghĩa phân chia lại của cải xã hội cho dân nghèo. Đến nay, Venezuela có nền kinh tế kém hiệu quả nhất thế giới với tổng số 60 tỷ USD nợ trái phiếu không thể trả được. Trên những mỏ dầu lớn nhất thế giới, công ty dầu khí quốc doanh thua lỗ đến mức không trả được nợ nước ngoài.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro

Tổng thống Maduro sẵn sàng trấn áp phe đối lập để giữ thế độc tài toàn trị của đảng XHCN cầm quyền
Nền kinh tế đang phải đối mặt với siêu lạm phát. Nhưng cũng như Zimbabwe, ông Maduro tuyên bố nước này “không có lạm phát”, và ngừng công bố số liệu thống kê này.
“Venezuela đã vỡ nợ quốc gia, hết tiền, … nạn đói lan rộng, phần đông dân số nghèo đói và hệ thống y tế thì đổ nát”, tờ American Thinker nhật xét. “Công ty điện nhà nước phá sản, đường ống không có nước, cầu gẫy và đến giờ cả hệ tống tàu điện ngầm của thủ đô Caracas sắp bị đóng băng”.
Dưới sự lãnh đạo của Chavez sau đó là người kế nhiệm Nicolas Maduro, các chính sách xã hội thù địch tư bản được thực thi và lĩnh vực tư nhân bị bóp nghẹt. Chính phủ chi tiêu quá đà trong hàng chục năm nhằm mua sự trung thành của người nghèo. Hàng núi nợ mà Caracas vay nhằm che giấu sự yếu kém của mình đã lộ diện kèm theo khủng hoảng kinh tế tất yếu.
Một bài viết của CNN nhận định: “Chính phủ Venezuela, đã thất bại trong nhiều năm về việc cung cấp đủ thức ăn và thuốc uống cho người dân. Hậu quả là người dân xếp hàng hàng giờ để chờ mua thức ăn và chết dần trong bệnh viện do thiếu các tài nguyên cơ bản”.
Điều khiến người ta vừa ngạc nhiên vừa thất vọng là rất nhiều người Mỹ, trong đó có cả những nghị sĩ quốc hội, lên tiếng ủng hộ những hình thái nhà nước thất bại này. Thậm chí vừa rồi, sau ngày kỷ niệm 100 năm ngày Bolshevik chiếm chính quyền Nga thành công – ngày bắt đầu cuộc thử nghiệm vĩ đại của chủ nghĩa xã hội Mac-xít, vẫn còn có người cho rằng loại hình thái này có thể thành công, nếu hội tụ đủ điều kiện tích hợp.
Nhưng hồ sơ lịch sử của thế giới ghi rõ điều ngược lại. Mỗi năm, Tổ chức Di Sản Thế Giới công bố báo cáo Tự do kinh tế – một danh sách liệt kê các quốc gia trên thế giới theo thứ tự về mức độ tự do kinh tế, thường tương đồng với mức độ thành công của nền kinh tế đó. Không ngạc nhiên khi trong 180 quốc gia được xếp hạng, Venezuela đứng thứ 179 và Zibabwe đứng thứ 175. Và giống những nước trên, tất cả các quốc gia đứng cuối danh sách đều là những nước xã hội chủ nghĩa và độc tài toàn trị.
Nếu một hãng sản xuất máy bay có tỷ lệ máy bay rơi là 100%, liệu trong tương lai bạn có bước lên 1 trong những chiếc do hãng này sản xuất hay không?
Venezuela và Zimbabwe, giống như Liên Xô và các quốc gia Đông Âu, tiếp tục là chứng minh về sự thất bại của hệ thống chính trị mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là một “ý thức hệ suy đồi” hay “trục ma quỷ” dưới lời của Tổng thống Geogre W. Bush. Bất cứ nơi nào nó được đưa ra thử nghiệm, độc tài xuất hiện, nền kinh tế bị phá hủy, nhân quyền bị xâm phạm, người dân khổ sở, đói nghèo, bạo lực và chết chóc tràn lan.
(Tri thức VN)
'ĐỒNG CHÍ MUGABE' NGÃ NGỰA
BÙI TÍN/ BVN 22/11/2017
clip_image001
Sinh viên đại học Zimbabwe giương hình của Phó tổng thống từng thất sủng, biểu thị sự ủng hộ, và kêu gọi bãi chức bà Mugabe.
Tình hình Zimbabue (Zim), nước nằm giữa châu Phi, đang đột biến trong một tuần lễ qua. Bắt đầu bằng sự kiện Chủ tịch kiêm Tổng bí thư đảng Zanu-FP – Liên minh thống nhất Phi-Zimbabue – Mặt trận Tổ quốc, kiêm Tổng thống Zimbabue giữa tháng 11, ép Bộ chính trị đảng này phế truất Phó chủ tịch đảng kiêm Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa (mang cấp tướng trong quân đội) vì lý do chung chung là có tội lớn gây chia rẽ bất hòa trong đảng.
Đảng Zanu-FP hoạt động theo mô hình của một Đảng Cộng sản, do ảnh hưởng nặng nề của Trung Cộng về cả chính trị, văn hóa và kinh tế, suốt 37 năm nay.
Tổng thống Robert Mugabe là nguyên thủ quốc gia hiếm hoi được Trung Cộng tặng Huy hiệu Khổng Tử, do đích thân Tổng bí thư Tập Cận Bình trao.
Quân đội Zim được huấn luyện, tổ chức và trang bị theo mô hình Trung Quốc. Các sĩ quan cao và trung cấp du học từ Trung Quốc, bắc Triều Tiên.
Xuất nhập khẩu với Trung Quốc luôn ở hàng đầu. Hàng chủ lực xuất sang Trung Quốc là thuốc lá, đậu nành, bông, sừng voi, tê giác, da động vật hoang dã, kim cương. Trung Quốc bán sang Zim đủ loại vũ khí cho bộ binh, pháo binh, tên lửa, xe tăng, tàu thủy, máy bay chiến đấu, hàng may mặc, hàng công nghiệp, khách du lịch rất đông.
Theo mô hình Trung Quốc Bộ chính trị của Zanu-FP là cơ quan lãnh đạo cao nhất, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch đảng là lãnh đạo số 1, có tiếng nói quyết định.
Tôi có dịp sang ZIM hồi 1987 khi Hội nghị cấp cao các nước không liên kết họp tại thủ đô Harare, thăm thác nước lớn nhất thế giới Victoria, vườn thú quốc gia có hàng trăm sư tử, voi, tê giác, hổ, báo, khỉ, nhất là hươu cao cổ. Zim xưa có tên là Rhodesia, thuộc địa của Anh, được độc lập từ năm 1980, Robert Mugabé là nhà chỉ huy cuộc đấu tranh vũ trang giành độc lập có uy tín nhất, lãnh đạo đảng Zanu-FP được bầu là Tổng thống khi 56 tuổi, nay đã 93 tuổi.
Thật không may cho đất nước này, 37 năm qua, «đồng chí Bob thân yêu» - như mọi người dân Zim phải gọi Tổng thống của mình, đã ngày càng tỏ ra độc đoán, độc tài, cấm mọi tổ chức đối lập, kiểm duyệt gắt gao báo chí. Hai triệu trong số 25 triệu dân Zim phải bỏ nước chạy sang các nước láng giềng. Nền giáo dục bị xao lãng, viên chức phần lớn chỉ học ở sơ cấp, trung cấp, y tế lụn bại với 12% số dân mắc bệnh HIV, bệnh dịch tả tràn lan. Đồng tiền mất giá nhanh, có khi gấp 2, gấp 3 một năm, thất nghiệp năm 2016 là 80% lao động.
Đã vậy sau khi bà vợ chết năm 1983, đồng chí Bob cưới cô vợ trẻ, kém ông 41 tuổi, vốn là cô đánh máy của Phủ thủ tướng, có chồng là phi công và 2 con. Cô Grace Mugabe được bộ máy tuyên truyền đạo diễn cho toàn dân gọi là «Mẹ Grace». Nể vợ, đồng chí Bob đưa dần vợ vào Ban chấp hành Trung ương, rồi leo vào Bộ Chính trị. Việc truất phế viên tướng Phó chủ tịch đảng kiêm Phó Tổng thống theo dư luận châu Phi chính là do mưu đồ của bà Grace. Bà tính toán rằng bà sẽ thay chân viên tướng này trong vị trí Phó Tổng thống, để khi chồng bà viên tịch thì bà sẽ theo đúng Hiến pháp lên thay thế làm Tổng thống.
Dư luận Zim, châu Phi và thế giới đều biết gia tài đồng chí Bob và bà Grace là gìàu nhất châu Phi, gần 7 tỷ đôla, có nhà tậu ở Hồng Kông, Malaysia, nhiều vàng bạc, kim cương. Báo Pháp gọi bà là «bà Gucci Grace», theo tên cửa hàng trang sức sang nhất Paris. Mấy năm nay, trong Đảng Zanu-FP, trong xã hội, nhất là trong quân đội mà phần lớn là con em nông dân da đen nghèo khổ, dấy lên những làn sóng ngầm chê trách vợ chồng đồng chí Bob đã thành tỷ phú đôla do tham nhũng lớn, sống cuộc sống vương giả gấp mấy lần bọn thực dân da trắng hồi xưa.
Do vậy việc phải đến đã đến. Tướng Constantino Chiwenga trong Bộ tổng tham mưu quân đội Zim đã nhân danh quân đội, lực lượng bảo vệ an ninh của nhân dân đã huy động lực lượng tinh nhuệ bao vây giam lỏng gia đình đồng chí Bob và triệu tập cuộc họp đặc biệt Bộ chính trị mà ông là một thành viên.
Cuộc họp đặc biệt này của Bộ Chính trị đã khai trừ bà Grace Mugabe ra khỏi đảng với mọi chức vụ khác như lãnh đạo Đoàn Thanh niên, chủ tịch Hội Phụ nữ Zim, truất chức Chủ tịch và Tổng bí thư Đảng Zanu- FP của Robert Mugabe, yêu cầu ông tự nguyện từ chức Tổng thống, nếu không sẽ bị truất chức.
Cuộc họp này cũng khôi phục lại mọi chức vụ của Phó chủ tịch đảng kiêm Phó tổng thống Emmurson Mnangagwa.
Đến ngày 20/11 ông Robert Mugabe vẫn không chịu từ chức khi gặp các tướng lĩnh thay mặt quân đội và vị Giám mục công giáo, người từng chứng kiến lễ tuyên thệ tổng thống của ông Mugabe trước đây. Tình hình còn kéo dài nhưng sẽ không lâu.
Tình hình Zim đến nay không thể bị đảo ngược. Dân cả nước từng bừng mở hội, nhảy múa thâu đêm suốt sáng, trống kèn vang động, xé ảnh đồng chí Bob, hoan nghênh quân đội đã làm một cuộc thay đổi chính trị chưa từng có. Mụ Grace đã biến mất không tăm tích, có thể đang lánh nạn đâu đó với 3 con.
Có thể phán đoán ông Tập Cận Bình là một trong những người buồn nhất, sau ông là chú Kim Ủn ở Triều Tiên, khi trông người lại ngẫm đến ta, đến số phận của những đồng chí kiểu cộng sản độc tài toàn trị ở khắp các châu lục.
Báo chí chính thức Việt Nam chỉ nói sơ lược tình hình Zim, không có bình luận.
Đây là điều dễ hiểu. Vậy ta hãy chờ xem.
B.T.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét