Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

20171116. NHẬN XÉT VỀ CÁCH TÍNH GDP CỦA VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
TS BÙI TRINH: "CÒN LAO VÀO TĂNG TRƯỞNG GDP ĐẤT NƯỚC SẼ NGÀY CÀNG NỢ NẦN"

THU PHƯƠNG/ THE LEADER/ BVN 16-11-2017

TS. Bùi Trinh: 'Còn lao vào tăng trưởng GDP đất nước sẽ ngày càng nợ nần'
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh
Trên nghị trường Quốc hội tuần vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất nhiều về con số tăng trưởng GDP kỉ lục 7,4% trong quý III-2017 do Tổng cục Thống kê công bố. The LEADER đã có cuộc trao đổi ngắn với chuyên gia kinh tế Bùi Trinh xung quanh con số tăng trưởng ấn tượng này.
Ông có nhận định như thế nào về mức tăng trưởng 7,4% trong quý III do Tổng cục Thống kê công bố và đang làm nóng nghị trường Quốc hội những ngày qua?
Hiện nay, câu hỏi về phương pháp tính GDP tại Việt Nam vẫn đang còn nhiều tranh luận rất lớn. GDP mà Tổng cục Thống kê công bố là GDP tính từ phía cung, bằng tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản + thuế sản phẩm.
Trong khi đó, bản chất của GDP là tính từ phía cầu. Ý niệm gốc mà Keynes đưa ra là GDP bằng tổng cầu cuối cùng, bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình (C), chi tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ ( G), đầu tư/tích lũy gộp tài sản (I) và chênh lệch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (E – M).

image
Bảng so sánh GDP tính từ phía cung và GDP tính từ phía cầu

Từ số liệu của Tổng cục Thống kê, làm một phép tính rất đơn giản cho thấy GDP từ phía cầu của quý I-2017 chỉ tăng 3,88%, quý II tăng 3,21%, quý III tăng 4,67% và 9 tháng đầu năm 2017 tăng 3,93%. Con số này hoàn toàn khác với GDP từ phía cung do Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó. Trong khi đó, về nguyên tắc, tất cả các phép tính GDP phải ra cùng một kết quả.
Vậy câu hỏi đặt ra là con số tăng trưởng nào là đúng và hợp lí?
Tất nhiên, có thể coi sự chênh lệch giữa hai phương pháp tính GDP từ phía cung và từ phía cầu là sai số. Tuy nhiên, cũng cần nói lại rằng sai số này là quá lớn và liên tục qua các quý.
Con số tăng trưởng GDP cao hay thấp có tác động cụ thể như thế nào đối với nền kinh tế, thưa ông?
Thực chất, dù con số tăng trưởng GDP cao hay thấp cũng không có ý nghĩa gì nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam. Tôi cho rằng chúng ta không nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP nữa bởi GDP tăng trưởng càng cao thì càng gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Cách tính GDP dựa trên quản lí cầu là của Keynes đưa ra trong bối cảnh thế giới khủng hoảng thừa những năm 30 của thế kỉ trước. Quản lí cầu để người dân sử dụng các sản phẩm làm ra trong xã hội. Nếu không ai tiêu dùng thì nhà nước bỏ tiền ra để kích cầu.
Người ta quản lí cầu là vì kì vọng rằng khi kích cầu tăng 1 đồng thì sẽ kích cung tăng hơn 1 đồng. Trong khi đó, thực tế tại Việt Nam hiện nay không giống như vậy, do đó chúng ta không thể áp dụng cách tính này. Nền kinh tế sản xuất của chúng ta còn yếu, vì vậy việc nhà nước quá chú trọng vào quản lí cầu là chưa thực sự hợp lí.
Bên cạnh đó, khi Keynes đặt vấn đề tăng trưởng GDP cũng chỉ đưa ra mục tiêu quản lí cầu trong ngắn hạn và nhất thời. Thực tế trên thế giới không nước nào quản lí cầu trên 10 năm. Còn ở Việt Nam, hiện chúng ta đã quản lí cầu quá lâu rồi.
Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?
Quản lí cầu dẫn đến các chính sách tập trung can thiệp vào hai công cụ chính là tài khóa và tiền tệ, khiến nền kinh tế rơi vào vòng tròn luẩn quẩn hết lạm phát lại đến suy trầm, kéo theo đó là nợ công, bội chi ngân sách… Các ngành phải chi ngân sách mạnh hiện nay như quản lí ngân sách, quốc phòng, văn hóa, y tế, giáo dục… đều tăng trưởng trên 7,2% và năm sau cao hơn năm trước. Các ngành dịch vụ tăng trưởng cao như vậy làm GDP nhất thời tăng lên. Một ví dụ điển hình là việc xây tượng đài. Chúng ta xây càng nhiều tượng đài thì GDP ngay trong năm đó càng tăng. Tuy nhiên, hoàn toàn không có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế, về lâu dài sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực khôn lường.
Bên cạnh đó, quản lí tiền tệ bằng việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lên quá cao như hiện nay khiến dòng tiền không chảy đúng hướng vào sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển như mong muốn, dẫn đến những rủi ro về nợ xấu.
Do đó, tôi cho rằng chúng ta vẫn còn lao vào tăng trưởng GDP thì đất nước sẽ ngày càng nợ nần, cùng với đó là bội chi không thể giảm, nợ công tăng cao...
Việc đầu tiên chúng ta cần làm hiện nay là minh bạch những con số vĩ mô để phản ánh thực sự nền kinh tế. Có như vậy, chúng ta mới biết rằng mình đang ở đâu, trong tình trạng như thế nào, từ đó đưa ra được giải pháp phù hợp cho mục tiêu tăng trưởng.
Xin chân thành cảm ơn ông!
T.P

NỢ CÔNG ASEAN ỔN ĐỊNH HOẶC GIẢM, VIỆT NAM TĂNG ĐỀU

THIÊN BÌNH/ BVN 16-11-2017

Hai chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) là TS Nguyễn Đức Thành và Nguyễn Hồng Ngọc vừa công bố báo cáo "Đánh giá Luật Quản lí nợ công tại Việt nam và một số hàm ý chính sách". Trong bài nghiên cứu này, hai chuyên gia trên đã chỉ ra một số vấn đề nổi cộm trong vấn đề nợ công của nước ta.
Tại Việt Nam, nợ công đang là một trong những vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm nhất trên các diễn đàn kinh tế. Với một nước đang phát triển như Việt Nam, vay nợ có thể xem là một công cụ cần thiết để tài trợ vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư và khuyến khích phát triển sản xuất trong giai đoạn nền kinh tế còn có mức tích lũy thấp. Tuy nhiên, nếu lạm dụng việc vay nợ và sử dụng thiếu thận trọng nguồn tài chính này thì các khoản nợ sẽ thành một gánh nặng cho tương lai, khiến sự bền vững của nền kinh tế bị đe dọa.
Tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam những năm gần đây đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt kể từ năm 2011. Cụ thể, chỉ trong vòng 5 năm, từ 2011 đến 2015, tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã tăng từ 50% lên đến 62,2%. Tới cuối năm 2016, nợ công ước tính đã lên tới 63,7% GDP. Với tốc độ tăng liên tục khoảng 5% mỗi năm như trong giai đoạn 2011-2016, mức trần nợ công 65% GDP do Quốc hội đặt ra có thể sẽ bị phá vỡ trong thời gian tới.
Tương tự, từ năm 2011 đến 2016, tỉ lệ nợ Chính phủ/GDP đã tăng từ 39,3% lên 52,7%, tiến rất sát tới mức ngưỡng kiểm soát 54% của Quốc hội.
Theo số liệu thống kê của IMF, nhóm nghiên cứu cho biết so với các quốc gia còn lại trong khu vực ASEAN cũng như so với các quốc gia mới nổi và đang phát triển trên thế giới thì tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, từ vị trí thấp nhất khu vực ASEAN giai đoạn 2000-2005 lên vị trí đứng đầu trong năm 2016 với nợ công ước tính lên tới 60,7% GDP.
Dẫn các số liệu, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng nhìn chung tỉ trọng nợ nước ngoài của Việt Nam so với GDP có xu hướng giảm trong giai đoạn 2011-2016, từ 61,1% xuống còn 41%. Tuy nhiên, xét riêng đối với nợ nước ngoài, tỉ trọng nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh lại có xu hướng tăng nhanh từ mức 40,5% trong năm 2011 lên mức 54,4% vào năm 2015. Theo nhóm nghiên cứu, điều này có thể tạo ra rủi ro khi nó có thể làm gia tăng đáng kể chi phí huy động vốn của Chính phủ, lãi suất phát hành trái phiếu sẽ chịu sức ép tăng.
Cụ thể, tỉ trọng các khoản vay với lãi suất thả nổi trong tổng dư nợ nước ngoài của Chính phủ đã tăng từ mức 7% lên 11% trong giai đoạn 2010-2015. Thêm vào đó, theo Bộ Tài chính, dự kiến từ tháng 7-2017, Việt Nam không còn được vay vốn theo điều kiện ODA từ Ngân hàng Thế giới, tiếp đến sẽ là các đối tác phát triển khác và sau đó Việt Nam sẽ phải chuyển sang sử dụng chủ yếu là nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay toàn bộ theo điều kiện thị trường.
Với chiều hướng gia tăng quy mô và tính rủi ro của nợ công như hiện nay, quản lí nợ công đang là một trong những vấn đề được quan tâm nhất đối với các nhà hoạch định chính sách, giới học thuật cũng như dư luận tại Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất nhiều biện pháp để kiểm soát nợ công
Nhóm khuyến nghị cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Quản lí nợ công với Luật Ngân sách nhà nước (ban hành năm 2015, có hiệu lực từ năm 2017) và Luật Đầu tư công (ban hành năm 2014, có hiệu lực từ năm 2015), bên cạnh đó cũng cần bảo đảm sự liên hệ chặt chẽ của luật này với Luật Doanh nghiệp (trong đó bao gồm các DNNN) và Luật Ngân hàng nhà nước. Ngoài ra, cần cải thiện việc thống kê, quản lí và công bố thông tin về nợ công theo hướng tăng tính công khai, minh bạch, tính hệ thống, đầy đủ, tính trung thực, khách quan, chính xác và tính cập nhật.
Về tính toán các chỉ tiêu an toàn về nợ công, do các chỉ tiêu về nợ trên GDP phụ thuộc nhiều vào thống kê về GDP, dẫn đến những khó khăn trong công tác đánh giá, nhóm nghiên cứu đề xuất cần tăng cường tính công khai và cập nhật của các chỉ tiêu nợ công tính toán dựa trên tổng thu ngân sách, dự trữ ngoại hối.
Thông lệ tốt trên thế giới cho thấy khuôn khổ pháp lí nên quy định thẩm quyền quản lí nợ chỉ thuộc về một cơ quan, thường là một đơn vị thuộc Bộ Tài chính, nhằm tránh tình trạng phân tán và tăng cường sự phối hợp trong quản lí nợ. Cụ thể, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm giải trình nợ công từ khâu đàm phán, vay nợ, quản lí sử dụng nợ cho đến lên kế hoạch trả nợ, từ đó tăng tính thống nhất và hiệu quả trong quản lí nợ, tạo điều kiện giảm thủ tục hành chính và tinh giản bộ máy.
Cuối cùng, đối với quản lí rủi ro bảo lãnh Chính phủ, nhóm nghiên cứu đề nghị cần có cơ chế theo dõi và hạn chế tối đa tình hình ngân sách phải trả nợ thay hoặc bảo lãnh nợ cho các khoản DNNN tự vay tự trả khi các doanh nghiệp này phá sản. Thực hiện các biện pháp siết bảo lãnh nợ và tăng tính công khai, minh bạch trong việc bảo lãnh nợ.
T.B

NHỮNG NGÀY APEC ĐÃ QUA MAU !

HẠ ĐÌNH NGUYÊN/ BVN 15-11-2017

Hội nghị Trung ương 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc lặng lẽ, không để lại một tiếng vọng gì sau buổi bế mạc. Nó phủ lên một lớp sương mù, che bên dưới là sự lúng túng toàn diện của bộ máy Đảng và Nhà nước, về toan tính nhân sự không xong, thông qua chiến dịch “chống tham nhũng” chừng như ngưng trệ, mà cả xã hội nhìn nhận như là chỉ là hồi hưu chiến của các phe nhóm. Kế tiếp là trận thiên tai bão lụt mất người, mất của, đau thương và cơ cực, trong lúc các lãnh đạo Đảng dành sức lực làm lễ tưởng niệm “Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại”.
May thay, tuần lễ APEC lại diễn ra đúng lúc, che bớt tạm thời nỗi u ám của chính trường Việt Nam và não trạng mất niềm tin tăng lên cao trong dân chúng. Tâm trạng người dân tạm vui vội vã trong một tuần lễ, lại trở về với thực trạng ngổn ngang của mình.
APEC, vốn là một diễn đàn kinh tế, nhưng lần này ẩn bên trong là một cuộc đọ sức về tư tưởng chính trị có tầm quốc tế với đủ thành phần quan trọng. Người dân không chỉ ngắm cảnh rộn ràng những “ngựa xe như nước”, mà họ còn đặc biệt quan tâm đến bốn đề mục sau đây:
- Phát biểu của siêu cường Mỹ.
- Phát biểu của siêu lãnh đạo Tập Cận Bình. Tâm lý chung, không có sự chờ đợi nào về đối tượng này, bởi tất cả đều có kinh nghiệm về những lời lẽ có cánh của họ.
- Ngoài ra, quan sát thái độ của Nga, Nhật và các nước khác.
Và cuối cùng, quan trọng nhất nó tác động gì với Việt Nam sau APEC?
1- Trump và “nước Mỹ là trên hết”
Mỹ đã từng cổ xúy “toàn cầu hóa”, với vai trò là quốc gia số một thế giới, thì nay Trump làm rõ hơn chủ trương “nước Mỹ là trên hết”. Theo đó, “lợi ích của mình là trên hết, tìm kiếm đối tác mạnh, song phương, và không mơ về sự thống trị”. Trump đã mở rộng và cụ thể hóa khu vực quan tâm, từ “Châu Á - Thái Bình Dương” trở thành “Ấn Độ - Thái Bình Dương” trong đó không bao gồm Trung Quốc. Chủ trương song phương và nước Mỹ trên hết của Trump đã từng nhận một luồng phê phán gay gắt từ trong nội bộ nước Mỹ, cho là tiêu cực, tự cô lập mình. Song Trump đã cho thấy một cách nhìn khác, nó vượt lên trên kinh nghiệm cũ mà Mỹ đã trải qua. Chưa có một quốc gia nào có kinh nghiệm như thế, trong vai trò hàng bao thập kỷ được mang danh là tên “sen đầm quốc tế”. Trump cho rằng nhiều quốc gia đã ỷ lại mọi thứ vào tên “sen đầm” này, từ kinh tế, khoa học kỹ thuật, thương mại, nhân quyền…, đến cả cái dù hạt nhân bảo vệ an ninh cho nước này nước khác. Mỹ lại đóng vai trò nòng cốt tài chánh cho các hoạt động Liên Hiệp Quốc, lại bị các đối tác lợi dụng để tăng trưởng, ăn cắp sở hữu trí tuệ, moi móc các lợi ích khác, … Cáí ý thức “ỷ lại” đó biến thành trách nhiệm của Mỹ! Anh muốn tôi xem anh là đàn anh, cho phép anh liên kết với tôi, anh phải lo cho tôi, nếu không tôi chửi anh, tôi xem anh là kẻ xấu, kẻ bỏ rơi tôi... Trong quá trình đó Mỹ cũng có lợi ích khác, bằng các ưu thế của mình.
Nhưng giai đoạn đó đã qua, với Trump.
Anh phải tự đứng lên, tự lo cho mình, đừng ăn vạ nữa. Anh và tôi bình đẳng. Trump nói: “Thương mại song phương, và công bằng. Các nước khác cũng vậy, không có quốc gia nào chịu hy sinh quyền lợi của quốc gia mình cho nước khác”. Ở đây chỉ khác nhau ở chỗ nói thật và nói dối. Trump nói thật và thẳng thắn. Tự duy trì độc lập, tự do, Mỹ không thúc đẩy các nước khác làm phiên bản của mình… Trump đã nói điều đó với thế giới. Tại Việt Nam, Trump lay gọi chị em Hai Bà Trưng thức dậy, để cảnh tỉnh dân tộc Việt phải giữ lấy sự độc lập trường tồn của mình. Người Việt nghe và cảm thấy xốn xang trong lòng, trước đại lễ “Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại”, mà Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới trân trọng tiến hành, cùng với bóng ma của “Giấc mơ Trung Hoa” đã được cụ thể hóa bằng những hành động hung hăng của Tập ở Biển Đông. Mỹ nói rõ là họ không mơ về sự thống trị, vì điều đó họ thấy không cần, vì nó đã lạc hậu.
Nước Mỹ, với Trump, đang tiến lên một thời kỳ mới với quan niệm mới: từ bỏ chủ nghĩa nước lớn, đề cao vai trò độc lập tự do mỗi nước, và dứt khoát đòi hỏi quan hệ bình đẳng. Trump đã khích lệ thành quả tiến bộ của từng quốc gia Đông Nam Á đã từng hợp tác với Mỹ theo hướng đi này. Trump đang nói và đang làm như thế. Trump đang chống lại lối mòn tư duy của các chính trị gia nước Mỹ, đã thổi một làn gió mới vào các quốc gia khu vực trải dài từ Ấn Độ đến Thái Bình Dương. Nó đánh thức tinh thần tự tôn và giá trị đạo đức dân tộc của mỗi quốc gia trên cơ sở làm ăn sòng phẳng. Điều đó làm cho mỗi nước phải biết xem lại mình, phải biết tự cường, không thể luôn trông chờ sự cứu vớt và xin xỏ, dù là xin xỏ bất cứ ai, dựa hơi vào ý thức hệ vốn không còn nữa. Tâm lý phụ thuộc ấy cần phải vượt qua, và có khả năng vượt qua được, trong điều kiện thuận lợi mà thời đại đang có sẵn, cho bất cứ quốc gia nào có ý chí ấy. Trump đã bỏ TPP, và thay đổi một số chủ trương khác, kêu gọi hợp tác song phương và bình đẳng. Ông ta có cái lý của mình, khó mà bác bỏ. Người ta cho rằng bài diễn văn của Trump đã có sức thuyết phục lớn, đánh dấu một bước tiến bộ về hướng đi của mỗi quốc gia vào thời kỳ mới. Đặc biệt, bài phát biểu ấy có những nội dung sát sườn với bối cảnh Việt Nam, hơn bất cứ quốc gia nào khác.
2- Tập Cận Bình với những lời lẽ có cánh
Khuôn mặt không muốn nhìn, tiếng nói không mong đợi, nhưng vẫn từ nó đã cất lên lời giả dối ngọt ngào. Hãy chú ý nghe sự trống rỗng: "Cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương, cùng theo đuổi phát triển chung, thông qua xây dựng, phát triển các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng đồng chung vì tương lai loài người”, “đa phương, toàn cầu hóa là không thể đảo ngược”. Đó là những từ ngữ chỉ là từ ngữ, với khái niệm hình thúc cũ mèm, không nội dung, cố che đậy một cách gượng ép mộng bá chủ của “Giấc mơ Trung Hoa”, “Một vành đai một con đường”, “Biển Đông là thuộc sở hữu của Trung Hoa từ thời cổ đại”. Ai đã từng đề nghị Mỹ cùng nhau chia đôi Thái Bình Dương? Ai đã từng chống đa phương, mà chỉ đòi “song phương” với âm mưu chia tách các nước ASEAN để dễ soán đoạt các đảo và Biển Đông?
Giấc mơ đế quốc, sẽ vẫn chỉ là giấc mơ, vì hình thái đế quốc ấy đã quá cũ, đã bị thế giới vượt qua. Nhiều nước đã từng có thời kỳ làm “đế quốc” thực sự, như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, và cả Mỹ. Họ đã trải nghiệm và đã phải từ bỏ vì sự tiến bộ của nhân loại về văn hóa và khoa học. Họ đã tiến lên thành những quốc gia phồn vinh theo một cách khác, với giá trị nhân bản hơn, nhân văn hơn, ở mặt bằng cao hơn thời của “đế quốc gắn liền thuộc địa”.
Trong lúc đó, Trung Hoa mang thân phận thuộc địa, bị chà đạp và coi thường cả trăm năm, bởi nguồn cơn là sự lạc hậu của chính mình. Nhưng bằng sự chịu đựng gần nửa thế kỷ, cần cù học tập, cùng với thiên tài bắt chước và nhiều mưu mẹo, Trung Quốc đã đạt thành quả lớn về kinh tế, vươn lên hàng nhì thế giới. Với đà hãnh tiến, Trung Quốc lại mơ làm đế quốc – cái mà nhân loại từ bỏ – như là đến phiên mình thế chỗ vậy!
Dù tiến bộ về kinh tế, khoa học và sức mạnh quân sự, nhưng đại bộ phận nhân dân Trung Quốc vẫn tồn tại trong nghèo khổ và lạc hậu, xã hội trong tình trạng bất công trầm trọng, dân chủ và hạnh phúc còn xa vời. Đó là một mầm họa lớn hiện tiền của Trung Quốc. Bản thân giới lãnh đạo thì sung túc, nhưng cốt cách văn hóa cùng thể chế độc tài của họ thì chứa đầy tham vọng, nên không bắt kịp tầm nhìn thời đại. Một quốc gia có thể gây ra chiến tranh, sau đó là sụp đổ, chứ không thể trở thành một đế quốc như cuồng vọng. Trung Quốc không có bạn gần gũi, không có đồng minh tin cậy. Trung Quốc chỉ có những quốc gia thù hận ở chung quanh, cả Việt Nam cũng thế, dù có cái được gọi là “đảng anh em”.
Những lời có cánh của Tập, vẫn không che lấp được nội hàm “hàng nhái” đã cũ, không thuyết phục được ai.
Dân Việt Nam nhiệt liệt đổ xô xuống đường đón chào Trump một cách tự nguyện, nhưng Tập thì không được ai hoan nghênh, dù Tập đã có nhiều cố công mưu kế. Trong quá khứ và đến nay, và sẽ lâu dài hơn nữa, tâm lý và nhận thức đó của người dân Việt nằm ngoài định hướng mong muốn của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Đó mới đích thực là một sức mạnh. Tấm rèm che rườm rà ý thức hệ xã hội chủ nghĩa của Tập không hơn tấm giẻ lau.
Trong buổi đại tiệc APEC, Trần Đại Quang cụng ly với Trump bằng một cái nhìn đậm nét. Với Tập, chỉ là cái lướt qua nhanh, rất lạnh với lối lịch sự ở tầm tối thiểu. Đó chỉ là dấu hiệu mơ hồ của người quan sát, mà chưa hẳn đã nói lên điều gì. Nhưng người dân Việt nhìn mọi thứ đến từ Tập đều nằm trên mức nghi ngờ với sự cảnh giác tối đa, nếu nói không lịch sự, là ghét cay ghét đắng.
3- Cuộc dạo chơi của các nước còn lại
* Putin không cần thể hiện điều gì, ông ta có chỗ đứng tự tin của riêng mình, biết rõ điều mình làm, với cái nhìn trải nghiệm sâu sắc về lịch sử và hiện tại. Trong khi bộ sậu Đảng Cộng sản Việt Nam nghiêng mình lễ bái: “Cách mạng tháng Mười là vĩ đại nhất trong lịch sử loài người” (Nguyễn Phú Trọng), nào “lý tưởng cao đẹp, ý nghĩa to lớn”, “lý tưởng tỏa sáng” (Võ Văn Thưởng – Ôi! Anh Thưởng!); thì Putin đã nói tại quê hương “Cách mạng” của mình: “Tất cả phải biết và ghi nhớ thời kỳ bi thảm này của lịch sử nước ta”, và “Quá khứ khủng khiếp ấy không bị xóa nhoà khỏi ký ức quốc gia, không có lợi ích cao cả nào cho nhân dân có thể biện minh được…”. Dù Putin chỉ nói về Stalin, chứ không nói đến Lenin hay Cách mạng tháng Mười, nhưng đó là một dòng chảy tất yếu không thể ngăn cắt. Thế cũng đủ thấy một sự lệch pha quá lớn về cách nhìn!
Putin đến Đà Nẵng thấy cảnh tang thương của bão lụt, thực hiện ngay một cuộc cứu trợ khẩn cấp. Và không nói gì thêm.
* Thủ tướng Nhật – ông Abe – bỗng dưng “khan tiếng” nên không lên diễn đàn, mà âm thầm lo thu xếp cho TPP trở thành CPTPP. Ông biết việc của mình, không cần thiết phải nói năng.
Về chuyện dạo chơi, ăn bánh mì đường phố, uống cà phê vỉa hè, chạy bộ ở kênh Nhiêu Lộc Sài Gòn, Thủ tướng Canada Trudeau nổi bật một phong cách mới. Hình ảnh thân thiện, bình dân, tự nhiên, lại trẻ trung, cân đối (bụng sáu múi nữa), khác hẳn cái xúng xính quan cách, bụng có bầu của lãnh đạo vùng trũng hình chữ S. Thanh niên xứ Việt buồn rười rượi khi thoáng qua một cái nhìn so sánh mà không cần phải nghĩ ngợi lâu.
4- Sau APEC, ngổn ngang tâm sự đời cô Lựu
Những ngày vui tạm lướt qua mau. Cái mênh mông tâm sự “Đời Cô Lựu” lại hiện về. Chính trường mang màu u ám như cảnh quan sau cơn bão lụt. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam trở lại trận cờ nội bộ căng thẳng của mình.
Dù sao APEC cũng đã là một thành tựu trong một giới hạn biểu kiến. Việt Nam bị lóa mắt bởi ánh sáng của các tầm nhìn? Nếu được như thế thì quá may! Putin quá hiểu Việt Nam; Merkel dù không tham dự, nhưng cũng quá hiểu, vì họ đã thoát ra từ chung một ổ trứng, biết rõ cái nghẹn ngào của Việt Nam ở chỗ nào. Trump đã vạch giúp một hướng đi, vì không có một con đường nào khác, là Việt Nam phải tự mình giải ảo, nhanh chóng thoát khỏi cơn mơ. Nhưng cũng nhờ một phần “địa chính trị” mà có sự hội tụ quốc tế tại đây, Tập không thể âm thầm bỏ túi được Việt Nam. Ở diễn đàn này, vai trò và tiếng nói của Tập nhẹ tênh. Những lời có cánh của Tập tan nhanh, bởi hình ảnh hai chị em Bà Trưng do Trump khơi lên, đã xoáy sâu vào tâm thức dân tộc Việt suốt cả chiều dài lịch sử. Nó cũng có thể làm thức tỉnh thêm một số ai đó trong giấc ngủ quá sâu.
Nhưng Tập cũng có thành công giới hạn, vẫn đề huề gió trăng với một đám quan thủ cựu, vẫn gieo hạt mầm ở một số trẻ nít ríu rít dâng hoa. Còn việc Trọng nói cái gì, ký cái gì với Tập thì ngưởi dân không buồn để ý.
Vấn đề còn lại là chính người Việt Nam, và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những sự kiện nóng bỏng trong nội tình đất nước đều đáng lo, từ kinh tế, giáo dục, đạo đức và an ninh xã hội, đến các mâu thuẫn giữa các địa bàn dân cư, các tầng lớp dân chúng với chính sách nhà nước do các nhóm lợi ích thao túng, đặc biệt là mâu thuẫn rối bời của các thế lực chính trị trong nội bộ Đảng, Nhà nước, thông qua “chống tham nhũng” theo y công thức của đàn anh.
Nguyên nhân cốt lõi là vấn đề thể chế, cần thay đổi mà khôngchịu thay đổi!
Về đối ngoại, Putin lầm lì giấu bài. Tập cười mỉm chứa đòn độc, như luôn vẫn vậy. Abe biết việc của minh, và biết phải làm gì, không cần một lời khoa trương. Dù không phải là thành viên APEC, Đức tỏ thái độ lạnh nhạt, kéo theo châu Âu lượn lờ đi phượt.. Với Trump thì rõ ràng và thẳng thắn: cách như thế đấy, chơi hay không? Kính cẩn gọi hồn Hai Bà Trưng dậy, trên cơ sở đó, cùng tiến hành luật chơi bình đẳng. Lặp lại, ta không mơ thống trị ai! (như thằng hàng xóm).
Với người dân, nhìn hình ảnh cuộc lễ bái trang nghiêm của lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc lễ nghĩa “Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại” với những lời lẽ tuyệt vời bay bổng, liền nhớ lại hình ảnh của một fan thanh niên Việt Nam cúi hôn lên chỗ ngồi của thần tượng ca nhạc vừa rời ghế, lại một thanh niên nữa ở miền cao, xuống thủ đô Hà Nội, quỳ gối và bái lạy hình ảnh của doanh nhân Jack Ma mà Trung Quốc ra công đánh bóng, gửi qua xứ Việt trước APEC mấy ngày…
Vâng, tất cả đều là thần tượng.
Tính chất về thần tượng chẳng có gì khác nhau!
Nhức nhối thay, về một “thời kỳ rực rỡ nhất lịch sử” theo cái nhìn của lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam, mà vị ấy cũng không kém phần rực rỡ theo. Và, nghiệt ngã thay, làm sao để “cứu vớt một cơn ác mộng”, thay vì quên nó đi!
13-11-2017
H. Đ. N.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét