Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

20171113. CẢM NGHĨ VỀ APEC 2017

ĐIỂM BÁO MẠNG
CẢM NGHĨ ĐẦU TIÊN VỀ HỘI NGHỊ CẤP CAO APEC ĐÀ 
NẴNG 11-2017

NGUYỄN TRUNG/ viet-studies 12-11-2017

Kết quả hình ảnh cho nguyễn trung

Hiếm khi tôi theo dõi một sự kiện lớn của quốc gia với một tâm trạng lo lắng, hồi hộp, mong đợi… đan xen nhau lẫn lộn như Hội nghị cấp cao APEC Đà Nẵng 11-2017.
            Vô cùng lo lắng vì vào lúc Hội nghị diễn ra, thiên tai đang hoành hành khắp Miền Trung, xuống tận đồng Bằng Nam Bộ - trước đó là cả Miền Bắc nữa – với những tàn phá và gây thiệt hại về người, về của, về môi trường tự nhiên chưa từng có từ nhiều thập kỷ nay. Có lẽ khát vọng sống của đất nước vào lúc này, và những nỗ lực của cả nước - có thể coi như đã dốc toàn trí lực và thực lực cho tổ chức thành công Hội nghị này - là vô cùng lớn, do đó trời” cũng đã phải chừa Đà Nẵng ra!.. Trong bụng, tôi thành thực nghĩ vậy! Hay nói đúng hơn đã cầu mong như vậy! Song còn vô cùng lo lắng hơn nhiều, vì lẽ Hội nghị diễn ra trong khi bão táp kinh tế và chính trị thế giới hoành hành không kém phần quyết liệt so với thiên tai, lại vào lúc nội tình đất nước ta đang trăm bề ngổn ngang, lòng dân phân tán, và ĐCSVN cùng với chế độ chính trị toàn trị đang đứng trước nhiều vấn đề lớn bất cập!
Song nhiều điều mong đợi từ Hội nghị này đã đến!
  1. Trước hết, Hội nghị đã thành công trên 2 phương diện: (b) Xác lập sự đồng thuận cao độ của các quốc gia thành viên cho một thời kỳ phát triển mới vì hợp tác hòa bình của vùng Châu Á – Thái Bình Dương, với những cam kết trách nhiệm mới của các nước thành viên, và (b) về cơ bản đã hoàn thànhHiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP). Có thể xem 2 kết quả này góp phần định hướng quan trọng cho phát triển ở khu vực CATBD trong hiện tại và sắp tới, tái xác lập hay xác lập những chuẩn mực cơ bản các quốc gia thành viên phải tuân thủ cho hòa bình, hợp tác, phát triển và cùng nhau hưởng lợi từ sự thịnh vượng của toàn khu vực. Không thể phủ nhận hoặc đánh giá thấp ảnh hưởng hay tác động của những kết quả này của Hội nghị trong tình hình khu vực đang cận kề miệng hố chiến tranh (tình trạng brinkmanship) và việc quân sự hóa các đảo TQ lấn chiếm trên Biển Đông đang diễn ra ráo riết. Cho dù thực tế phũ phàng của cuộc sống vẫn còn nguyên vẹn trước mặt mọi người, song những kết quả này của Hội nghị là những công cụ quan trọng, để mỗi quốc gia thành viên có trách nhiệm – trước hết là các nước ASEAN – phải nắm lấy, để chủ động ngăn chặn những bước phát triển đen tối đang uy hiếp toàn vùng. Một kết quả bên lề nhưng không kém phần quan trọng: Việt Nam – Đà Nẵng đã trở thành địa điểm lý tưởng cho đối thoại Trump – Putin với kết quả làm dịu phần nào quan hệ Mỹ - Nga và có thể mở ra một triển vọng nào đó cho vấn đề Syrie, cũng như một số cuộc đối thoại bổ ích khác của Tập Cận Bình với một số người đứng đầu của một số quốc gia thành viên APEC, trong đó có cuộc gặp rất đáng chú ý Trung Quốc – Hàn Quốc… Không thể nói khác, những kết quả này của Hội nghị có sự đóng góp xứng đáng và được Hội nghị thừa nhận của nước Việt Nam chủ nhà!
  2. 2. Tại Hội nghị cấp cao APEC Đà Nẵng, đây là lần đầu tiên Trump nói rõ quan điểm của Mỹ đối với khu vực CATBD: Quyết tạo dựng ngôi nhà chung CATBD, Trump còn mở rộng ngôi nhà chung này sang cả khu vực Ấn Độ Dương để tranh thủ Ấn Độ. Trump khẳng định không tìm kiếm sự thống trị của Mỹ, nhưng Mỹ từ nay sẽ cự tuyệt sự hợp tác trục lợi, phá bỏ luật chơi và cho đến nay chỉ làm thiệt hại nước Mỹ, từ nay sẽ “không còn nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm, dối lừa hoặc xâm lăng kinh tế nữa. Những ngày đó đã qua rồi.” Nói lên điều này Trump nhằm vào Trung Quốc. Trump khẳng định từ giờ trở đi theo đuổi hợp tác và cạnh tranh song phương trên cơ sở kinh tế tư nhân và thị trường không có sự can thiệp của nhà nước với mọi quốc gia, theo nguyên tắc bình đẳng về nghĩa vụ và lợi ích, có đi có lại, không phân biệt lớn/nhỏ giữa các quốc gia, đòi hỏi phải tôn trọng pháp quyền, quyền cá nhân, tự do hàng hải và hàng không, bao gồm cả những tuyến đường biển mở, chủ quyền của các quốc gia và luật pháp quốc tế. Trump khẳng định sẽ không có sự hợp tác cho bất bình đẳng và cho xâm phạm lợi ích nước đối tác. Trump gửi đến các thành viên APEC (ở đây được hiểu trước hết là các nước ASEAN) thông điệp rất rõ: “Chúng tôi muốn các bạn nên mạnh mẽ, thịnh vượng và tự chủ bắt nguồn từ chính lịch sử của các bạn và phát triển hướng tới tương lai. Đó là cách chúng ta phát triển cùng nhau thông qua việc trở thành đối tác vì những giá trị thực chất và bền vững… … …Chúng tôi tìm kiếm đối tác mạnh, chứ không phải là đối tác yếu. Chúng tôi tìm kiếm láng giềng mạnh, chứ không phải là láng giềng yếu. Trên hết, chúng tôi tìm kiếm tình bằng hữu, chúng tôi không mơ đến việc thống trị… …Tại Mỹ, cũng như bất kỳ quốc gia nào đã giành được chủ quyền và phải bảo vệ chủ quyền, chúng tôi hiểu rằng, không có gì quý hơn quyền được ra đời, quyền độc lập và quyền tự do…”
            Trong khung cảnh này, không phải ngẫu nhiên Trump nhấn mạnh tự do và lòng yêu nước đã tạo dựng nên nước Mỹ hôm nay, Trump kết thúc diễn văn của mình: “…Tổng thống thứ 2 của nước Mỹ John Adams. Khi đã quá già yếu và sắp trút hơi thở cuối cùng, ông được yêu cầu đưa ra nhận định của mình nhân dịp 50 năm ngày Mỹ được tự do, ông đã trả lời rằng: Tự do mãi mãi… Đó chính là những cảm xúc bỏng cháy trong trái tim mọi nhà ái quốc và mọi dân tộc. Chủ nhà Việt Nam hiểu được cảm xúc này không chỉ từ 200 năm trước mà từ 2.000 năm. Đó là vào năm 40 sau CN khi Hai Bà Trưng thức tỉnh tinh thần của người dân trên đất nước này. Đó cũng là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đòi độc lập và phẩm giá của mình…”
  1. Trong lúc đang bị bao vây chiến lược như hiện nay – như cựu đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội đã nhận định, và trong lúc đất nước đang phải đối phó với nhiều khó khăn trong ngoài chồng chất nhiều bề, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng một mặt đã củng cố vị thế đối ngoại của nước ta trên trường quốc tế, một tiền đề không thể thiếu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước lúc này. Mặt khác kết quả Hội nghị càng góp phần làm rõ thêm một lối ra cho đất nước ta, giờ đây nhất quyết phải giành lấy: Việt Nam phải dấn lên tạo ra sự phát triển kinh tế, nội trị, chính trị không thể thiếu cho bảo vệ độc lập chủ quyền và sự phát triển phồn vinh của đất nước, đồng thời cũng có nghĩa vụ phải dấn thân góp phần mình vào hòa bình và sự thịnh vượng chung của khu vực CATBD, bây giờ thêm cả vùng Ấn Độ Dương – vì lợi ích của chính bản thân Việt Nam, cũng như vì vận mệnh của Việt Nam gắn liền với lợi ích của ngôi nhà chung này. Tình hình hiện nay trong toàn vùng của ngôi nhà chung này – như phần đông những thủ lĩnh của các quốc gia thành viên đã phát biểu tại Hội nghị này – cho thấy: Con đường sống của mỗi quốc gia thành viên là phải có thực lực bảo vệ chủ quyền của mình, tạo ra được sự phát triển phồn vinh cho chính mình, và đồng thời góp phần phục vụ cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi của toàn khu vực. Hiển nhiên, con đường sống này cũng là của chính nước ta. Hiển nhiên, để bước lên được con đường sống phải đi này, đất nước ta hôm nay phải thông qua cuộc cải cách chính trị giải phóng lòng yêu nước và ý chí vươn lên của cả nước cho một Việt Nam giầu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, để có thực lực gìn giữ được chủ quyền và độc lập của quốc gia, đồng thời trở thành đối tác có thực lực và bản lĩnh cho hợp tác bình đẳng và cùng có lợi đang trở thành đòi hỏi bắt buộc cho mọi thành viên của ngôi nhà chung nước ta đang sống. Hiển nhiên, muốn bước lên con đường sống phải đi này, không thể cả nước cứ một bề lao sâu mãi vào con đường của câu chuyện “lò và củi”. Bởi vì việc chống tham nhũng được đề cập quyết liệt kể từ Hội nghị đại biểu Đảng toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII 01-1994, đến nay đã ngót ¼ thế kỷ, nếu tính từ khi thành lập Ban Nội chính Trung ương năm 2012 đến nay đã gần 5 năm, song cho đến nay mới xử xong khoảng gần 20 vụ, còn tới hàng nghìn vụ phải xử lý tiếp. Kéo dài chuyện “lò và củi” như đang làm hiện nay hàng chục năm nữa cũng không thể giải quyết được. Bởi vì chuyện của “lò với củi” là chuyện của lỗi hệ thống, càng xử như hiện nay đất nước càng bế tắc, mọi tồn tại và thách thức đối với đất nước còn nguyên vẹn, thậm chí tình hình mọi mặt của đất nước đang ngày một căng thẳng hơn. Trong khi đó mệnh lệnh của cuộc sống đất nước là phải ngay bây giờ vượt lên trên quá khứ, dồn tất cả ý chí, trí tuệ, thực lực cho cuộc cải cách chính trị không thể tránh né này, sớm giải phóng mọi năng lượng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, hình thành một thể chế chính trị dân chủ - tự do của kinh tế thị trường – nhà nước pháp – xã hội dân sự, giành lại cuộc sống đáng sống của nhân dân cả nước, và tạo ra thế và lực trụ được trong thế giới hôm nay. Nói hết lời: Không thể bước lên con đường sống phải đi này chỉ bằng giải quyết vấn đề “lò và củi”, đất nước còn nhiều vấn đề thách thức quyết liệt hơn vấn đề “lò và củi”, thậm chí đất nước đòi hỏi phải sớm khắc phục triệt để vần đề “lò và củi” để tạo ra sức sống mới bằng cách thông qua cải cách chính trị khắc phục lỗi hệ thống trong thời gian sớm nhất!
Không thể nói khác: Kết quả của Hội nghị cấp cao APEC Đà Nẵng vừa tạo thêm thuận lợi mới, vừa thúc giục không thể nhầm lẫn Việt Nam phải sớm bước lên con đường sống phải đi này, phải bằng tất cả trí tuệ, ý chí làm ăn cật lực mà sống và trở thành đối tác có khả năng cạnh tranh và hợp tác bình đẳng, đã qua rồi thời dặt dẹo leo dây!
Nhưng sau Hội nghị cấp cao APEC Đà Nẵng nhiều nỗi lo sâu thẳm của đất nước vẫn còn nguyên vẹn! – tôi thực sự lo lắng như vậy. 
Những nỗi lo lớn này chủ yếu xuất phát từ 3 nguyên nhân:
-     Sự hỗn loạn và những thách thức mọi mặt (kinh tế, quân sự, chính trị) của cục diện quốc tế đa cực hôm nay – bao gồm cả sự suy yếu chung hiện nay của phương Tây – đang tiếp tục gia tăng và tác động nhạy cảm đến mọi khu vực trên thế giới. Gần đây lại xuất hiện thêm điểm nóng mới trong lòng thế giới Ả-rập – một khu vực rất nhạy cảm với Mỹ. Đồng thời sự tranh chấp giữa cặp Mỹ - Nga trong vấn đề Trung Đông và vấn đề Ukraina chưa có lối ra; cũng như tranh chấp giữa cặp Mỹ - Trung về vấn đề tên lửa đạn đạo và vũ khí A của Bắc Triều Tiên, vấn đề quan hệ thương mại Mỹ - Trung, và việc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa để gia tăng lợi thế lấn chiếm trên Biển Đông (được nhấn mạnh tại Đại hội 19 vừa qua của ĐCSTQ) đang tiếp tục bế tắc. Giữa lúc này nội bộ giới cầm quyền của Mỹ vẫn chưa ra khỏi mọi rối ren sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua (chung quanh vấn đề liên quan đến sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử này), ảnh hưởng không nhỏ đến những nỗ lực chiến lược của Mỹ ở mọi nơi. Toàn bộ tình hình vừa kể trên tạo ra một mối nguy mới – như tôi đã có dịp nêu lên – đó là: Bất kể một sự thỏa hiệp có thể nào, hoặc xảy ra bất kể một tranh chấp mới nào giữa bộ ba Mỹ - Nga – Trung trong tình thế hiện nay, đều có thể tác động tiêu cực đến khu vực ĐNÁ theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc khuếch trương lợi thế áp đảo của sức mạnh tại chỗ trong khu vực. Có thể nói: Một thế giới bất định khó lường như hiện nay đang tiếp tục thách thức nghiêm trọng hòa bình và sự phát triển của khu vực CATBD, đòi hỏi những quốc gia bị thách thức phải có nhiều nỗ lực mới, phải sớm tạo ra những liên kết mới phục vụ cho an ninh của mình. Hãy nhìn vào những phản ứng để tự vệ và những cố gắng theo hướng này của Nhật, Ấn Độ, Úc, Indonesia… hiện nay sẽ thấy rõ mối nguy mới này, các nước bị thách thức phải làm gì!
-    Những kết quả của Hội nghị cấp cao APEC Đà Nẵng dù quan trọng thế nào, song cũng chỉ là lời hứa hay cam kết trên một diễn đàn quan trọng. Xu thế mới Hội nghị này tạo ra được cho khu vực chỉ có thể trở thành hiện thực một khi các nước thành viên – đăc biệt là từng nước và tập thể các quốc gia cộng đồng ASEAN – có đủ ý chí và nỗ lực chấp nhận và đồng thời đòi các đối tác khác cũng phải chấp nhận luật chơi mới được đưa ra tại Hội nghị này. Liệu từng nước – trong đó có Việt Nam (thậm chí phải đặc biệt nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của Việt Nam do vị thế và vị trí trọng yếu rất nhạy cảm của nó trong khu vực) – và tập thể ASEAN có được quyết tâm này hay không, vô luận các cường quốc khác muốn gì?!
-    Tại nước ta: Sức ỳ của thể chế chính trị và chế độ toàn tri đã 42 năm nay kìm hãm sự phát triển của đất nước, và cho đến nay đã từng 5 lần ngoan cố bỏ lỡ cơ hội chiến lược lựa chọn con đường đổi đời đất nước. Liệu giờ đây giới cầm quyền lực trong tay của thể chế chính trị có đủ trí tuệ, phẩm chất và bản lĩnh đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, để hiểu thấu đáo thông điệp không thể nhầm lẫn do những kết quả của Hội nghị cấp cao APEC Đà Nẵng đem lại? Liệu có đủ bản lĩnh và quyết tâm phát huy lòng yêu nước và ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia của toàn dân tộc ta, để đưa đất nước ta bước lên con đường sống phải đi và những kết quả tinh thần của Hội nghị cấp cao APEC Đà Nẵng giục giã? Liệu giới tinh hoa của đất nước có đủ sức vận động cả nước – bao gồm cả giới cầm quyền – cùng nhau dấn thân đưa đất nước bước lên con đường sống phải đi này? Làm gì và làm thế nào để nhân dân cả nước hiểu rõ cục diện thế giới và khu vực hiện nay, những quyết định đất nước hôm nay dứt khoát phải lựa chọn trước những thách thức mới này, để tự quyết định vận mệnh của chính mình và của đất nước: Từ nay quyết đứng trên đôi chân của mình với tất cả ý chí của lòng yêu nước và sự bảo vệ bất khả kháng độc lập chủ quyền của quốc gia, để sống được bằng thực lực của mình và để trở thành đối tác có khả năng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng cùng có lợi với mọi đối tác!?
Toàn bộ công sức đất nước đã bỏ ra để tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC Đà Nẵng là xứng đáng hay uổng phí vô ích tùy thuộc vào trả lời như thế nào những câu hỏi nêu trên. Song quan trọng hơn thế nhiều lần: Trả lời những câu hỏi nêu trên như thế nào, sẽ quyết định con đường sống hay chết phía trước đất nước sẽ phải bước lên. Thế giới quyết liệt hôm nay chỉ có thân phận nô lệ dành cho quốc gia dặt dẹo./.
 Nguyễn Trung
Hà Nội, Võng Thị, ngày 12-11-2017
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 12-11-17

QUYỀN ĐÒI ĐÁI VÀO MẶT TRUMP

FB NGÔ THANH TÚ/ BVN 13-11-2017

clip_image002

Chiều tối ngày 11/11/2017, khi đoàn xe của Tổng thống Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ đi ngang qua Hồ Tây, nữ ca sĩ Mai Khôi có mặt tại đó liền giăng biểu ngữ “Piss on you Trump” lên để bày tỏ sự phản đối của mình. Theo tìm hiểu của tôi, Mai Khôi phản đối vì ông Trump bất nhất trong lời nói và hành động. Nhất là khi ông này đến Việt Nam nhưng không hề nhắc gì Dân chủ-Nhân quyền và số phận của blogger Mẹ Nấm-người mẹ của hai đứa bé nhỏ không được ông Trump lưu tâm.
Những tưởng việc làm của Mai Khôi sẽ được ủng hộ, nào ngờ nó lại dấy lên làn sóng chỉ trích, phản đối ca sĩ này.
Về phần mình, tôi ủng hộ Mai Khôi, không phải vì sau khi giăng biểu ngữ lên, cô ấy bị mật vụ Hà Nội gây khó dễ, chủ nhà đến áp lực ngay trong đêm. Mà đó là cách cô ấy thể hiện quyền của mình, kể cả Quyền đòi đái vào mặt Tổng thống Trump. Rất có thể sắp tới đây, Mai Khôi sẽ phải chuyển nhà do công an quấy rối.
Việc Tổng thống Donald Trump bị phản đối đã trở nên quen thuộc. Không phải chỉ ở nước Mỹ, mà ngay trên khắp thế giới; không phải chỉ người dân mà đến cả các chính trị gia, các nguyên thủ quốc gia cũng phản đối. Bạn tôi, một người đang sinh sống ở Hoa Kỳ sau khi theo dõi vụ Mai Khôi phản đối Trump liền bị cư dân mạng chỉ trích nói, chuyện đó phổ biến khắp ở Mỹ, đến độ chẳng ai thèm quan tâm. Chỉ có ở Việt Nam nên Mai Khôi mới bị chỉ trích.
Ngay tại Đại Hàn (South Korea) cách đây hơn 5 ngày, dù là đồng minh thân cận với Hoa Kỳ, nhưng khi Trump đến làn sóng phản đối ông này xảy ra ngay mỗi bước chân ông đi qua. Hoặc như ở Phi Luật Tân (Philippines), dù Tổng thống Trump chưa đến nhưng làn sóng phản đối đã diễn ra rầm rộ.
Một trong những câu hỏi mà những người chỉ trích đặt ra là, Trump đã làm gì tổn hại đến con người, quốc gia VN hay chưa mà Mai Khôi phản đối? Người đặt ra câu hỏi ấy cho thấy họ không biết gì về quyền biểu đạt, bày tỏ và do sinh sống quá lâu dưới chế độ độc tài nên không biết đến cả những quyền mà mình được hưởng. Điều này cũng như con chim bị nhốt trong lồng khi thấy những con khác được bay nhảy bên ngoài nghĩ đó là tồi bại vậy. Vì quyền bày tỏ, biểu thị không nhất thiết phải chờ tổn hại, ảnh hưởng đến Việt Nam, chỉ cần một điều hay một điều nào đó ở ông Trump mà Mai Khôi không thích, cô ấy đã có quyền bày tỏ bằng cách phản đối.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đòi đái “piss on” lên mặt Trump là xúc phạm nhân phẩm. Đó là cách hiểu ngớ ngẩn. Chẳng ai coi việc giương biểu ngữ với dòng chữ ấy để phản đối một chính trị gia là xúc phạm nhân phẩm cả. Mà đơn giản chỉ là cách để họ bày tỏ thái độ của mình thôi. Trên thế giới này hàng trăm ngàn người đã mang hình ảnh tổng thống Hoa Kỳ hay các nguyên thủ quốc gia khác ra để đạp lên, để tè lên, để ỉa lên và chỉ có kẻ ngốc mới coi đó là việc làm xúc phạm nhân phẩm.
Ông Trump là chính trị gia, là người của công chúng nên rất khác so với một công dân bình thường. Nếu là công dân bình thường, có khi hành động tè lên, đái lên hình sẽ bị coi là xúc phạm, nhưng với chính trị gia, người của công chúng thì không thế.
Trong số các ý kiến,có người đặt câu hỏi, sao không chịu giăng biểu ngữ đòi đái lên ông Trọng hay Tập Cận Bình hay Putin mà đòi đái lên Trump? Mình nghĩ, người đưa ra câu hỏi ấy phải làm điều đó chứ, vì khi đặt ra câu hỏi ấy từ trong ý niệm họ đã không thích ông Trọng, Tập và Putin rồi. Còn ở đây, Mai Khôi không thích Trump nên cô ấy bày tỏ. Còn quý vị ko thích Putin, không thích Tập Cận Bình sao ko giăng biểu ngữ để phản đối đi!?
Lại có ý kiến nói, phản đối, bày tỏ thì cứ mặc nhưng hãy dùng từ ngữ có văn hóa một chút. Mình nghĩ, bày tỏ phản đối là dùng từ làm sao cho nó “ấn tượng” gấy xúc động mạnh vào người nhìn vào nó. Phản đối khác với bày tỏ tình cảm.
Bi kịch của Mai Khôi là, cô ấy bày tỏ thái độ của mình như một người tự do hoặc với tư cách một người đòi tự do. Trong khi cái môi trường cô ấy đang sống là môi trường ngục tù, những cá thể sinh sống trong môi trường ấy coi việc cô bày tỏ là nhằm mục đích phục vụ cho bản thân. Như tôi đã nêu hình ảnh con chim trong lồng khi thấy những con chim bay bên ngoài thì cho đó là tồi bại.
__________

Nguồn tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét