Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

20171031. NGHĨ NGHIÊM TÚC VỀ VỤ KHAISILK

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHAISILK VÀ 'LÒNG TỰ TÔN DÂN TỘC' CỦA NGƯỜI VIỆT
NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ viet-studies 30-10-2017

clip_image002
Đại gia Hoàng Khải
  1. Bản chất vấn đề
Bản chất của vụ Khaisilk là gì? Theo tôi, đó đơn giản chỉ là chuyện “mua gian, bán lận”; là “treo đầu dê bán thịt chó”, là “tay không bắt giặc”; là lợi dụng và “kinh doanh niềm tin” từ đám đông dân chúng… Đây là những chiêu trò, thủ thuật mần ăn rất phổ biến ở bất cứ nơi đâu trên quả đất này nhưng có lẽ phổ biến và đặc biệt nhất là ở xã hội Việt Nam hiện nay. Sở dĩ nói đặc biệt là vì sự “đặc thù”, rất không giống ai của cái thể chế chính trị và kinh tế Việt Nam của Việt Nam hôm nay chính là điều kiện để các chiêu trò kia nẩy nở và phát huy tác dụng ở mức cao nhất.
Đặt vấn đề như thế để thấy rằng, dư luận báo chí truyền thông những ngày qua cứ ầm ĩ và đao to búa lớn; nào là Khaisilk là sự “khủng hoảng”, là cơn “địa chấn”…; hay thậm chí có người (trong đó có ông Bộ trưởng Bộ Công thương) còn nghiêm trọng hóa cho rằng Khaisilk đã “phản bội niềm tin” của người tiêu dùng; làm “tổn thương niềm tự hào” và “lòng tự tôn dân tộc”… nghe mà không thể nhịn cười.  
Nói cách khác, trước khi bàn đến những chuyện to tác và lớn lao trên thiết nghĩ, cần phải trả lời câu hỏi ông chủ Hoàng Khải của “thương hiệu” Khaisilk là người như thế nào; có phải là một doanh nhân đúng nghĩa hay không? Phải trả lời câu hỏi này trước rồi mới bàn đến những chuyện trọng đại kia.
Thực ra, trong bối cảnh chung về tình hình xã hội, văn hóa hiện nay, theo tôi khái niệm doanh nhân trên thực tế không tồn tại ở Việt Nam. Nhưng nếu buộc phải thừa nhận là có thì theo tôi số người được gọi là doanh nhân ở Việt Nam hiện nay, có lẽ cũng đếm không hết hai bàn tay. Vì sao tôi nói như vậy?
Trước hết, chúng ta biết rằng nền kinh tế Việt Nam mấy mươi năm qua cả về lý luận lẫn thực tiễn đều lấy kinh tế Nhà nước làm nền tảng, chủ đạo. Với chủ trương và đường hướng như vậy, nên trước hết xã hội Việt Nam đã vô tình tự thủ tiêu cái gọi là “ý tưởng” khởi nghiệp của các cá nhân trong xã hội (hứa hẹn trở thành doanh nhân đúng nghĩa); gây ra sự mất cân bằng, mất cân đối giữ các thành phần kinh tế. Không dừng lại ở đó, tuy kinh tế Nhà nước được ưu ái mọi thứ nhưng cho đến nay có thể khẳng định các tập đoàn kinh tế Nhà nước, phần nhiều chỉ là những đống hoang tàn, đổ nát; là gánh nặng cho nền kinh tế quốc gia. Bởi lẽ những người được phân công lèo lái các tập đoàn này về cơ bản chỉ có một năng lực duy nhất là… tham nhũng và phá hoại. Điều này thì ai cũng biết và ai cũng thấy.
Kế đến, tuy Việt Nam hiện tại cũng có không ít doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế với danh nghĩa chủ tập đoàn là những cá nhân như trường hợp Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức hay Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng…nhưng nói cho cùng bản chất kinh doanh ở những tập đoàn này trên thực tế chỉ là đầu cơ, tích trữ dựa vào mối quan hệ thân hữu và “lợi ích nhóm” từ đó chi phối và thao túng cả nền kinh tế. Tài “thao lược” và sở trường của các “đại gia” ở các tập đoàn này, nói cho cùng là khả năng “móc nối”, “cấu kết” và mua chuộc “một bộ phận không nhỏ” các quan chức lãnh đạo biến chất để dành lấy các dự án béo bỡ nhất. Họ cũng sở hữu một đặc điểm nổi trội và quan trọng khác là khi có cơ hội sẽ luôn miệng rao giảng vấn đề “đạo đức kinh doanh” hay làm từ thiện nhằm quảng cáo và PR.
Minh chứng rõ nhất cho vấn đề này trường hợp ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức liên quan đến sự kiện bất động sản năm 2013. Khi ấy, thị trường bất động sản ở Việt Nam bị đóng băng, các đại gia bất động sản đã tìm cách tác động để Chính phủ Việt Nam bơm tiền giải cứu bằng gói hỗ trợ 30.000 tỉ. Trong tư cách của một chuyên gia đồng thời là một doanh nhân thành đạt, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường quốc tế, Tiến sĩ Alan Phan khi ấy đã có nhiều bài viết phân tích chỉ ra rằng cách làm ấy sẽ không mang lại hiệu quả, hãy để cho thị trường bất động sản rơi tự do thì sẽ có lợi hơn. Lúc bấy giờ, trong tư cách của một “ông trùm”, ông Đoàn Nguyên Đức đã không ngần ngại lên tiếng mắng chửi Tiến sĩ Alan Phan bằng lời lẽ và ngôn từ của kẻ đầu đường xó chợ. Điều đáng nói là, những phân tích và dự báo của Tiến sĩ Alan Phan đã không sai, gói 30.000 tỉ trên thực tế chỉ giúp những đại gia đầu cơ bất động mà thôi, người dân bình thường không hưởng được chút lợi lộc nào. Đến nay thì gói 30.000 tỉ coi như hoàn toàn phá sản và bầu Đức hiện nay về cơ bản cũng đã tháo chạy khỏi lĩnh vực bất động sản.       
Từ đây, theo tôi những trường hợp như Bầu Đức, Phạm Nhật Vượng hay Hoàng Khải… nói cho cùng không thể coi là những doanh nhân đúng nghĩa mà chỉ là những “con buôn” ranh mãnh, “thức thời” và cơ hội mà thôi. Hay nói khác đi đó là những tên “gian thương” theo đúng nghĩa “vi phú bất nhân, vi nhân bất phú” trong truyền thống mần ăn chụp giựt của người Việt và người Trung Quốc trước đây.
Cũng từ đây, nếu bảo rằng Hoàng Khải và tập đoàn Khaisilk làm “tổn hại thương hiệu Việt” hay “tổn thương niềm tự hào, tự tôn dân tộc” thì thật là một chuyện khôi hài. Lẽ nào, một tên gian thương, “mua gian bán lận” lại có thể dễ dàng gây ảnh hưởng và làm tổn thương đến niềm tự hào của cả dân tộc này hay sao? Nói như vậy là phê phán hay khen ngợi, đề cao Khaisilk? Mà dân tộc Việt hôm nay dễ bị tổn thương đến vậy à?
Còn về chuyện “phản bội niềm tin của người tiêu dùng” ư? Thật ra, có khi phải nói ngược lại mới đúng. Nghĩa là đám đông tiêu dùng đã và đang phản bội lại niềm tin của ông chủ Khaisilk. Vì lẽ, ông ta làm giàu với “thương hiệu” Khaisilk có hơn 30 năm rồi; ông ta luôn tin rằng việc “treo hàng Việt bán hàng Tàu” của mình là bình thường, là đúng đắn, là “đứa nào làm ăn ở Việt Nam mà không làm như vậy”. Ấy vậy mà cái đám đông người Việt hôm nay vì cái tâm lý “ghét người Tàu” nên tiện đó ghét và bày trừ hàng Tàu luôn. (Nhưng đó chỉ là cái miệng nói thế thôi chứ trên thực tế không hẳn như vậy. Bởi không phải thấy hàng hóa giá rẻ mang thương hiệu Tàu đang tràn ngập khắp xứ sở nghèo hèn này hay sao?). Và thế là, ông chủ Khaisilk chết vì cái niềm tin mù quáng này của ông. Giá như ông “treo hàng Việt và bán hàng Nhật” hay hàng của quốc gia nào khác thì có lẽ đâu đến nỗi như hôm nay!?
  1. Khaisilk - nạn nhân, thủ phạm và đồng phạm?
Kinh doanh, làm giàu và nếu có thể, qua đó tạo dựng thương hiệu quốc gia vốn là một ước mơ, một khát vọng chính đáng. Tuy vậy, mọi ước mơ và khát vọng nhất thiết phải được thiết kế dựa trên nền tảng thực tế về “nội lực quốc gia” cũng như tất cả mọi phương diện đời sống, văn hóa của xã hội và đất nước. Nếu không mọi ước mơ rất dễ rơi vào ảo tưởng hoặc không thì cũng vô tình tự biến mình thành nô lệ và nạn nhân cho những đòi hỏi và kỳ vọng rất vô lý và mơ hồ của đám đông (vốn có đặc điểm quan trọng là thiếu bao dung nhưng thừa bảo thủ, luôn định kiến nhưng cũng rất xu thời).
 Từ đây, công bằng mà nói, xét trong bối cảnh xã nhất là môi trường và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, có thể nói ông chủ Khaisilk không chỉ là thủ phạm (hành vi lừa đảo, bán hàng giả mạo cho người tiêu dùng) mà ở phương diện nào đó còn là một nạn nhân. Nạn nhân của chính ông và chính đồng bào mình.
 Sự bẽ bàng của Khaisilk hôm nay, về sâu xa là do cái tâm lý ảo tưởng về “niềm tự hào và tự tôn dân tộc” của người Việt mà ra. Nói khác đi, ông Hoàng Khải chính là nạn nhân của một đám đông người người Việt đang ngày đêm xây dựng cái lâu đài “thương hiệu Việt” trên cát; ông ta chết vì những tràng pháo tay cùng lời tung hô của đám đông tuy vẫn đang vùng vẫy, ngập ngụa trong cái ao làng nhưng lúc nào cũng “hoang tưởng về biển lớn” (chữ của Tiến sĩ Alan Phan năm nào) và rất hiếm khi biết tự vấn lại bản thân mình, dân tộc mình.
Tiếp theo, Hoàng Khải còn là nạn nhân của cái thể chế chính trị và kinh tế không giống ai ở xứ sở này. Cái xứ sở mà muốn làm ăn và tồn tại bền vững, lâu dài thì nhất định phải vứt bỏ liêm sỉ, vứt bỏ lương thiện và tử tế đi. Một quốc gia sản xuất cà phê thuộc loại hàng đầu thế giới mà người dân phải uống cà phê pha bắp rang hoặc khốn nạn hơn là hóa chất (mua từ chợ tử thần Kim Biên – cũng là hàng Tàu) thì “tử tế” và “lương thiện” chỉ là lời lẽ hoa mỹ của những kẻ đạo đức giả mà thôi.
Thế nên, những ai nhanh nhảu lên tiếng phê phán, chỉ trích Khaisilk hết lời những ngày qua thiết nghĩ hãy nghiêm túc nhìn lại vấn đề này.
Và nếu cứ lớn tiếng và khư khư cho rằng Khasilk làm “tổn hại thương hiệu quốc gia”, “tổn thương niềm tự hào dân tộc” thì nói cho cùng, ở Việt Nam hôm nay không phải chỉ một mình Khaisilk làm chuyện này. Tội của Khaisilk dù sao cũng chỉ là cái móng tay so nếu với tội của những kẻ đã và đang làm cho Việt Nam trở thành quốc gia “không chịu phát triển”; ngày một kiệt quệ và băng hoại mọi giá trị.
Khaisilk đã lợi dụng và khai thác sự ảo tưởng và dễ dãi của người Việt – như đã nói cũng là một cách “kinh doanh niềm tin” vốn rất phổ biến trong môi trường làm ăn ở xã hội Việt Nam hôm nay. Đây là hành vi lừa đảo, “treo đầu dê bán thịt chó” cần phải phê phán.
Tuy vậy, dù sao thì Khaisilk cũng không để lại hậu quả là một đống nợ công quốc gia do làm ăn thua lỗ như các lãnh đạo và các quan chức trong các tập đoàn kinh tế Nhà nước thời gian qua (nhưng cuối cùng chỉ có vài “con chốt” xấu xố bị mang ra hành quyết). Những đống nợ mà theo các chuyên gia kinh tế là toàn thể dân chúng nước Việt hôm nay và mai sau không biết có trả hết không.
Thêm nữa, dù sao ông chủ của Khaisilk cũng rất can đảm thừa nhận việc làm gian dối của mình và lên tiếng xin lỗi dân chúng chứ không như những kẻ vừa làm “công bộc” vừa đi “buôn chổi đót”, hay “chạy xe ôm” nhưng vẫn có thể xây được biệt phủ và mở tài khoản ở nước ngoài.
Cuối cùng, cần phải thấy rằng những cây lụa có nguồn gốc “made in China” trước khi có mặt trong các cửa hàng của Khasilk trên toàn quốc có “hành trình riêng” của nó. Nghĩa là sự gian dối này suốt 30 năm qua không phải chỉ có Hoàng Khải mà rất nhiều người biết thậm chí biết rất tường tận. Vấn đề là tại sao tới giờ này nó mới bị phanh phui để rồi những ngày qua cả xã hội cứ lồng lộn lên chẳng khác gì đĩa phải vôi?  
  1. Thay lời kết
 “Ông Hoàng Khải không phải doanh nhân thành đạt đầu tiên được biết tới bởi xây dựng thương hiệu thành công trên sự lừa dối”. Tác giả của một bài viết đăng trên chuyên mục “Góc nhìn” của báo điện tử Vnexpress ngày 30/10/2017 đã khẳng định như thế.
Nhận định trên quả không sai. Tuy vậy, đáng tiếc là mục đích cuối cùng của tác giả trong toàn bài viết cũng chỉ để ném thêm một cục đá to tướng về phía ông chủ Khaisilk!? Tác giả chỉ trích ông chủ Khaisilk đã “chọn con đường ngắn” để làm giàu bằng cách so sánh với Herve Joncour - một thương gia nổi tiếng và giàu có trong ngành tơ lụa nước Pháp nhưng lại cố tình không chịu thấy cái môi trường và văn hóa kinh doanh ở Pháp và Việt Nam trong hai thời điểm là hoàn toan khác xa nhau.
“Tơ lụa xứ mình vốn đã đẹp, chỉ cần gắn lên đó sự chân thật, tử tế thì đã đủ làm nên một thương hiệu Việt bền vững”.
 Chắc không? Viết như thế nhưng liệu có bao giờ tác giả tự hỏi thời gian qua, có khi không chỉ có ông chủ Khaisilk mà nhiều người khác nữa cũng đã rất nhiều lần ngước mặt lên trời mà cảm thán “muốn làm người lương thiện” của anh Chí Phèo trong câu chuyện cùng tên của Nam Cao trước năm 1945? Nghĩa là những người tham gia làm ăn như ông chủ Khaisilk thật ra không phải không thấy điều đó. Trong số họ cũng có không ít người muốn làm ăn lương thiện và tử tế nhưng với cái “môi trường” kinh doanh cực kỳ phức tạp và hoàn toàn không công bằng giữa các thành phần kinh tế ở Việt Nam hiện nay đã cho họ biết “tử tế” và “lương thiện” chỉ là những khái niệm thừa thãi và xa xỉ mà thôi. Muốn làm ăn lương thiện nhưng trước đó phải “bôi trơn” và chung chi thì lương thiện cái nỗi gì? Sự tha hóa và trượt dài của Khaisilk suốt 30 năm qua hay sự phá sản của vô số các doanh nghiệp trên khắp cả nước hiện nay không phải cũng có nguyên nhân từ đây hay sao?
Nói tóm lại, nói ra tất cả những điều trên đây không phải để bào chữa hay bênh vực cho hành vi lừa dối khách hàng của Khaisilk mà để thấy rằng, nếu giờ đây cả xã hội chỉ biết chăm chăm moi móc nhất là đổ hết mọi chuyện liên quan đến những vấn đề lớn lao (như xây dựng thương hiệu hay làm “tổn thương niềm tự hào và tự tôn dân tộc”) cho Khaisilk thì cũng là “té nước theo mưa” hay “dậu đổ bìm leo” mà thôi. Chẳng giúp ích được gì!
Vậy nên, chuyện nào ra chuyện đó. Xin chớ có dễ dãi mang “lòng tự hào” và “tự tôn dân tộc” gì đó (vốn rất mơ hồ) ra để áp đặt và bắt một mình ông chủ Khaisilk phải gánh lấy. Chơi như thế là không đẹp. Hơn nữa, không phải chính cách tư duy cũ kỹ này đã và đang hại chính ông ta và dân tộc này hay sao!?
CT, 30/10/2017
------------
Nguồn tham khảo:

1. “Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Vụ Khaisilk làm tổn thương đến lòng tự tôn dân tộc”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Bo-truong-Tran-Tuan-Anh-Vu-Khaisilk-lam-ton-thuong-den-long-tu-ton-dan-toc-post180760.gd

  1. “Lụa và Khaisilk”. Xem tại: https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/lua-va-khaisilk-3662662.html
  Tác giả gởi cho viet-studies ngày 30-10-17


KHI CÁC ĐẠI GIA KINH DOANH 'TINH THẦN DÂN TỘC'

NGƯỜI QUAN SÁT/ Calitoday/ BVN 30-10-2017

Ngày 17/10/2017, trong một lô hàng 60 chiếc khăn lụa (644,000 đồng/chiếc) của nhãn hàng nổi tiếng Khaisilk, khách hàng Nguyễn Hồng Phương phát hiện 1 chiếc khăn vừa gắn mác “Made in China” lại có thêm mác gắn “Khaisilk Made in Vietnam”. Từ đó, câu chuyện làm ăn gian dối của đại gia Hoàng Khải, người nổi tiếng giàu có bậc nhất ở Việt Nam, sở hữu nhiều bất động sản, dịch vụ giải trí và nhất là giàu lên nhờ kinh doanh mặt hàng tơ lụa Việt Nam bị phanh phui.
Hoàng Khải sinh năm 1964 tại Hà Nội. Đến năm 1989 ông mở cửa hàng Khaisilk đầu tiên tại Hàng Gai, từ cửa hàng này, ông phất lên mở liên tiếp nhiều resort, trung tâm thương mại, dịch vụ giải trí khác.
Ngay sau khi bất bình của bà Nguyễn Hồng Phương được đưa lên mặt báo, một khách hàng khác là chị Đặng Như Quỳnh cũng đăng trên Facebook cá nhân của mình vì đã mua phải khăn lụa Khaisilk nhưng lại gắn mác “Made in China”.
Khaisilk được biết đến là công ty chuyên sử dụng lụa tơ tằm được sản xuất trong nước, từ đó cho ra đời những sản phẩm giá trị, mà với một người thu nhập trung bình ở Việt Nam không thể sở hữu được. Trong rất nhiều lần trên truyền thông, đại gia Hoàng Khải tự hào sở hữu sản phẩm Khaisilk, một nhãn hàng Việt Nam được nổi tiếng trên toàn thế giới. Không biết bao nhiêu du khách trên khắp thế giới đã mua sản phẩm do ông làm ra.
Vậy nhưng, rất nhiều người phải giật mình hoảng hốt vì chiếc khăn tơ lụa mà họ sở hữu những tưởng được sản xuất tại Việt Nam thì đó là sản phẩm của Trung Quốc.
Trước làn sóng chỉ trích kinh hoàng, từ truyền thông trong nước, lan đến trên khắp Facebook, chiều ngày 25/10, ông Hoàng Khải, Chủ tịch tập đoàn Khaisilk dã có trao đổi với báo chí. Tại lần trao đổi này, ông đã thừa nhận có đến 50% sản phẩm của Khaisilk được bán ra thị trường là hàng của Trung Quốc.
Sau khi thừa nhận sự gian dối trong kinh doanh nói trên, chính quyền CSVN đã phải vào cuộc, không phải là để bảo vệ người tiêu dùng, mà là nhằm cho thấy sự hiện diện của họ ở Việt Nam, trong những vấn đền liên quan đến các đại gia.
Sáng ngày 27/10, bên hành lang Quốc hội, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương cho rằng, việc Khaislk sử dụng hàng Trung Quốc rồi trà trộn với tơ lụa Việt Nam bán ra thị trường là “làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc”. Đây chính là phát ngôn của một lãnh đạo cao nhất trong Chính phủ CSVN cho tới nay.
clip_image004
Chiếc khăn lụa được cho là hàng Trung Quốc nhưng lại gắn mác “Khaisilk Made in Vietnam”. Ảnh: VOV
Ông Trần Tuấn Anh, người được biết là anh em cột chèo với đại gia Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen. Ông Tuấn Anh đã từng hậu thuẫn cho đại gia Lê Phước Vũ để xây dựng nhà máy thép tại Cà Ná (Ninh Thuận), mà từ công nghệ nhà máy cho đến nguyên liệu đều được nhập cảng từ Trung Quốc. Rất may, dưới sự phản ứng quyết liệt và mạnh mẽ của dư luận, dự án nhà máy thép đã phải dừng lại.
Quay trở lại vụ gian dối của Khaisilk, Bộ Công thương đã nhanh chóng ra công văn hỏa tốc, yêu cầu phải kiểm tra xuất xứ hàng hóa của Khaisilk.
Rất có thể trong suốt gần 30 năm qua, đại gia Hoàng Khải đã nhập những chiếc khăn lụa từ Trung Quốc về Việt Nam với giá vài chục ngàn, nhưng ông này đã khôn khéo lợi dụng tinh thần dân tộc, đề cao thương hiệu được sản xuất tại Việt Nam để đẩy giá lên đến vài trăm ngàn và cả trên triệu đồng trên mỗi chiếc khăn.
Chưa hết, ông Hoàng Khải còn rêu rao trên Facebook cá nhân kêu gọi người Việt Nam phải dùng hàng Việt Nam, tẩy chay hàng Trung Quốc để thể hiện lòng yêu nước. Cùng với đó, tha thiết kêu gọi người Việt trong nước hãy mua các sản phẩm của Khaisilk để giúp đỡ các hộ nông dân nuôi trồng tơ tằm, một ngành nghề đang đứng trước nguy cơ biến mất tại Việt Nam.
Vậy nhưng, chính ông ta lại nhập hàng Trung Quốc về bán, lợi dụng tinh thần dân tộc để trở nên giàu có, lừa gạt niềm tin của rất nhiều người.
Nhưng, Việt Nam đâu phải chỉ có mỗi đại gia Hoàng Khải lợi dụng tinh thần dân tộc, ở Việt Nam có rất nhiều đại gia cũng làm điều tương tự như ông.
Còn nhớ, vào năm 2015, khi cho ra mắt Bphone, sản phẩm điện thoại di động (cellphone) đầu tiên được chế tạo trên dây chuyền Việt Nam, Nguyễn Tử Quảng (Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS) đã không ngại ngần chê bai các sản phẩm Iphone 6, hay Samsung Galaxy S6 là những sản phẩm không thể so sánh được với Bphone của ông. Ông còn khơi gợi, kêu gọi người dân trong nước hãy sử dụng điện thoại Bphone, vì nó được sản xuất để dành cho người dân Việt Nam. Sử dụng Bphone để thể hiện tinh thần dân tộc, lòng ái quốc.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi ra mắt, sản phẩm Bphone mắc phải rất nhiều lỗi. Đáng nói hơn, chiếc điện thoại Bphone không phải được sản xuất ở Việt Nam, mà là ở Trung Quốc.
Điện thoại Bphone cho đến nay vẫn không được người trong nước sử dụng, mà họ lại ưa chuộng các loại sản phẩm “kém phẩm chất” Iphone, Samsung.
Nhưng, vụ Khaisilk hay Bphone chỉ là những cái kim nằm trong bọc, lâu ngày nên bị rớt ra ngoài và công chúng nhận thấy sự gian dối của nó. Còn rất nhiều đại gia khác ở Việt Nam cũng lợi dụng tinh thần ái quốc, chủ nghĩa dân tộc để trục lợi, chỉ có điều họ chưa bị lộ. Và, họ cũng không phải là những kẻ kinh doanh tinh thần dân tộc thành công nhất, kẻ trục lợi, được hưởng nhiều nhất từ tinh thần dân tộc phải là Đảng CSVN.
Lợi dụng tinh thần dân tộc, Cộng sản đã cướp được chính quyền. Lại nhân danh tinh thần dân tộc, CSVN đã đẩy hàng triệu thanh niên Bắc Việt ra chiến trường, bằng mọi cách phải chiếm cho được miền Nam, cho dù đốt cả dãy Trường Sơn (theo lời Hồ Chí Minh). Rồi khi chiếm được miền Nam, CSVN lại lợi dụng tinh thần dân tộc để đầy thanh niên lao vào cuộc chiến mới với những người từng là đồng chí của mình là Cộng sản Campuchia và Cộng sản Trung Quốc trong hai cuộc chiến biên giới diễn ra vào những năm cuối thập niên 70s của thế kỷ trước.
Biết bao nhiêu mạng người đã đổ xuống, xương cốt của họ đã được dùng để xây chắc cho thành lũy Cộng sản. Từ đó, những người Cộng sản Việt Nam thoải mái bóc lột người dân, vơ vét tài nguyên, từng đảng viên trở nên giàu có với biệt thự nguy nga, tài sản nhiều vô kể. Họ ra nước ngoài mua biệt thự, xe hơi sang trọng và để lại trong nước những đống hoang tàn, nợ nần ngập đầu lên mỗi người dân.
N.Q.S.

Nguồn: http://www.baocalitoday.com/viet-nam/khi-cac-dai-gia-kinh-doanh-tinh-dan-toc.html


TỪ VỤ KHAISILK, CHẠNH LÒNG NGHĨ ĐẾN DOANH NHÂN NHẬT

TRÚC NGUYỄN/ TVN 31-10-2017

Việc Khaisilk hàng chục năm “treo lụa Việt bán lụa Tàu” khiến tôi chạnh lòng nghĩ đến triết lý “ba bên cùng có lợi” (Sanpo-yoshi) trong kinh doanh của người Nhật.   
Nhiều chuyên gia và báo chí gần đây bàn về triết lý kinh doanh "win - win", hiểu nôm na là hai bên, chủ và khách cùng thắng. Từ khi du nhập vào Việt Nam, triết lý này đã thổi một luồng gió mới vào môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự thoát khỏi "tư duy tiểu nông" của nước ta.
Sách lịch sử ghi rằng từ thế kỷ XII ở Nhật Bản đã hình thành triết lý kinh doanh Sanpo-yoshi (ba bên cùng có lợi). Tức là không phải hai chữ "win" như đã nói ở trên mà còn thêm một chữ "win" nữa: không chỉ là bên bán, bên mua cùng thắng mà cộng đồng dân cư nơi người thương nhân đến làm nghề cũng phải được hưởng lợi.
Khi so sánh, tôi nhận thấy triết lý kinh doanh Sanpo-yoshi của Nhật Bản bao hàm cả nội dung "Phát triển bền vững" mà hiện nay các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, ngân hàng ADB... khuyến cáo các nước đang phát triển áp dụng.

Khaisilk,Hoàng Khải,Nhật Bản,Triết lý win - win,Lụa Trung Quốc,Lụa Việt Nam
Khaisilk chỉ nghĩ đến cái lợi, phần thắng của riêng mình. Ảnh: VnEconomy
Sách dạy môn Đạo đức cho học sinh trong nhà trường Nhật Bản quyển dùng cho lớp 5 – 6, chương "Làm việc lợi ích vì cộng đồng" ghi lại câu chuyện: "Từ thời đại Kamakura (1192 – 1333) ở Nhật Bản ra đời cụm từ “Thương nhân vùng Oumi”. Người dân vùng Oumi (ngày nay thuộc tỉnh Shiga) có truyền thống làm kinh doanh, họ đi khắp các vùng miền nước Nhật để hành nghề buôn bán.
Một tiêu chí hành nghề do họ đặt ra là công việc kinh doanh được coi là thành công phải mang lại điều lợi ích cho ba đối tượng: chủ thể là người kinh doanh, khách thể là người mua hàng và cộng đồng dân cư tại địa phương nơi họ đến hành nghề. Từ đó mà hình thành ra thuật ngữ Sanpo-yoshi (ba bên cùng có lợi) trong kinh doanh của người Nhật.
Nhờ làm theo triết lý kinh doanh Sanpo-yoshi mà những thương nhân vùng Oumi đã cống hiến cho sự phát triển ngành thương mại của xã hội thời bấy giờ, đồng thời trở thành nền tảng triết học giúp nước Nhật sản sinh ra những thế hệ thương nhân tài năng, luôn tuân thủ đạo đức kinh doanh.
 
Thực tế cho thấy nhiều thương gia Nhật Bản khi đến Việt Nam đầu tư làm ăn luôn luôn đề cao chữ tín và giữ đức kiên nhẫn. Khác với tính qua loa cả nể thích phóng đại của đa số người Việt, các thương gia Nhật Bản cẩn trọng trong từng việc làm tỉ mẫn từng thao tác nhỏ... Nhiều người địa phương nếu không am hiểu văn hóa kinh doanh của Nhật dễ phát sinh những đánh giá bốc đồng, thậm chí nảy sinh sự bất hòa và đánh mất thiện chí hợp tác...
Hàng hóa mang thương hiệu Nhật Bản có chất lượng cao trụ vững qua nhiều cơn sóng gió của thương trường, đồng thời nhận được sự yêu chuộng của số đông người tiêu dùng trên thế giới là câu trả lời khách quan nhất về đạo đức kinh doanh của người Nhật.
Trông người lại ngẫm đến ta. Vụ việc Khaisilk hàng chục năm bán hàng lụa của Trung Quốc mà dán nhãn “Made in Vietnam” để thu lãi gấp nhiều lần so với giá vốn cho thấy ngay cả một doanh nghiệp nổi tiếng là "đại gia" mà "tư duy tiểu nông", vẫn còn nặng nề đến nhường nào! Một doanh nghiệp thành công mà chỉ biết giành cái lợi, phần thắng về cho mình, bất chấp lợi ích của khách hàng cũng như cộng đồng.
Và Khaisilk chắc hẳn không phải trường hợp cá biệt. Ở Việt Nam không ít người khi hành nghề kinh doanh chỉ hướng tới nhấn mạnh một chữ "win" đầu tiên trong triết lý "win - win" mà thôi! So với tiêu chuẩn hai chữ "win" của thế giới và ba chữ "win" của Nhật Bản thì chúng ta còn một khoảng cách xa.
Trúc Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét