Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

20171025. BÀN VỀ LẬP 'VIỆN ĐẠO ĐỨC HỌC'

ĐIỂM BÁO MẠNG
THAM KIẾN VỀ ĐỀ NGHỊ THÀNH LẬP 'VIỆN ĐẠO ĐỨC HỌC' CHO CÁN BỘ

THIỆN TÙNG/ BVN 24-10-2017

clip_image002
Sáng ngày 18/10/2017, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên Giáo Trung ương tổ chức cuộc hội thảo khoa học về “Sửa đổi lối làm việc – những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tại hội thảo này, Phó giáo sư Nguyễn Trọng Phúc đưa ra đề nghị thành lập “Viện đạo đức học” dành cho cán bộ đảng viên (1).
Cán bộ đảng viên thất đức ngày một nhiều, điều này ai cũng biết. Việc Trung ương định mở “Viện đạo đức học” để nâng tính người cho những kẻ thất đức đó là điều mới lạ, ngoài sức tưởng tượng của mọi người.
Vì chưa biết Viện dùng “bùa phép” gì để có thể cảm hóa số người thất đức đó, trong phạm vi bài viết nầy, người viết chỉ nói lên những cảm nghĩ của mình nhằm góp phần xem nên hay không thành lập “Viện đạo đức học” dành riêng cho cán bộ đảng viên.
Con người cũng chỉ là một dạng động vật, nếu không được giáo dục về đạo đức, nhân cách,… thì chẳng khác chi những loài động vật hoang dã khác. Nhưng có điều, người ta “uốn măng” chớ không ai “uốn tre”. Khi tre định hình rồi, cố uốn nó sẽ gãy.
Những đứa trẻ khi lọt lòng đã được cha mẹ chúng chỉ dẫn sơ đẳng tính cách con người, khi lớn lên vào trường, ngoài học các môn khoa học khác, nhà trường lấy môn “Công dân giáo dục” dạy dỗ đạo đức, nhân cách nhằm tăng tính “người” cho mỗi cá nhân. Tính người nhiều hay ít trong mỗi cá nhân hoàn toàn tùy thuộc vào sự tiếp thu, rèn luyện qua những bước giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội để thành nhơn. Hai chữ “thành nhơn” là nói về đức tài chớ không phải nói về thể xác.
Muốn có một đất nước, một xã hội tiến bộ, văn minh, phải chọn ra những người tài đức nổi trội trong cộng đồng (chớ không phải chỉ trong phe nhóm, đảng phái) bổ nhiệm vào những chức danh lãnh đạo từ thấp đến cao.
Ở Việt Nam ta đã và đang áp dụng phương thức “đảng chọn, dân bầu”. Đảng chỉ chọn trong khoảng hơn 4 triệu thành viên của mình vào hầu hết các chức vị lãnh đạo từ thấp đến cao. Tệ hại hơn, ngoài phân biệt vùng miền, còn nạn gia đình, gia tộc trị. Từ đó, đội ngũ lãnh đạo phần lớn bất tài, thất đức, thiếu tính người, họ đã như những cây tre khô, dầu có mở “Viện đạo đức học” cũng không uốn được họ đâu, thuộc bản chất cố hữu rồi, chỉ có loại bỏ, đừng ở đó mơ tưởng, đào luyện thêm hoang phí.
Mở “Viện đạo đức học” các vị định đưa nội dung chương trình gì vào đó để giáo huấn cán bộ đảng viên? Đã tốn biết bao công sức, tiền của cho công trình học tập mọi mặt về Hồ Chí Minh mà có kết quả gì đâu. Cụ Hồ tóm gọn đạo đức, nhân cách con người chỉ gói gọn trong mấy chữ: “Cần, kiệm, liêm, chình, chí công vô tư” mà họ có hiểu, có làm được gì đâu, chỉ toàn là phá hại. Đối với họ, giá trị tinh thần chẳng là gì cả, giá trị vật chất mới quan trọng. Thời xưa, con người chỉ ăn lương thực, thực phẩm; ngày nay, ăn phong phú hợn nhiều, họ ăn cả cát, đá, xi-măng, sắt thép, cả khi hút cầu vệ sinh cũng ăn. Ăn tạp, đi xe hơi, ở nhà lầu có máy lạnh riết ú na ú nần hết rồi đó không thấy sao? Rao giảng về đạo đức đối với họ khác nào đàn khảy tai trâu.

Đảng như một cơ thể, đảng viên như những tế bào. Tế bào thoái hóa, biến chất ngày càng nhiều, càng lan rộng, cơ thể rơi vào bịnh nan y, đang sống dở chết dở. Chính vì thế, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phải bi quan nhận xét về đảng của mình: “Không còn con đường lùi, nhưng chưa biết tiến đi đâu!”.
Hiện nay, đảng viên đương quyền xấu nhiều hơn tốt. Số xấu đã kết thành bè cánh, loạn sứ quân, muốn chống lại “triều đình”. Dầu dùng “lò bát quái” dọa chúng cũng chẳng sợ hà hống “lò củi”. Có lẽ, không còn cách nào khác, dùng bàn tay sắt không được phải dùng bàn tay nhung: đưa số cán bô xấu vào “Viện đạo đức học” tập cho họ ăn chay niệm phật, tu tâm dưỡng tính; bổ sung cho họ có thêm tính người để sử dụng lại, loại hết lấy ai “lo việc nước”.
Là một công dân, xét về lý, người viết xin nói thẳng: Nếu Đảng CSVN muốn mở “Viện đạo đức học” để giáo dục đạo đức cho đảng viên của mình thành người tử tế thì hãy lấy kinh phí riêng của Đảng mà chi, không được lấy kinh phí quốc gia do dân đóng góp.
22/10/2017
T.T.
(1) Dưới thể chế Độc tài Đảng trị, cán bộ phải là đảng viên hay đảng viên mới được làm cán bộ.
Tác giả gửi BVN

CẦN HUẤN LUYỆN VĂN HÓA-ĐẠO ĐỨC CHO CÁN BỘ

CHU MỘNG LONG/ BVN 24-10-2017

Rốt cuộc, người ta kỷ luật và phạt "em" bác sĩ Hoàng Công Truyện chỉ vì cái tội gọi Bộ trưởng Y tế là Mụ. Bởi những nội dung khác: không xuống cơ sở nên chưa hiểu hết nỗi khổ cuả bác sĩ tuyến dưới, chưa tham mưu tốt về vấn đề an ninh của bệnh viện là những nội dung chân thực và mang tính góp ý xây dựng.
Một số báo nhấn mạnh chữ "Mụ" và chính chữ này bị xem như một sự xúc phạm Bộ trưởng. Một giáo viên ở Đăk Lăk có tên Lê Văn Đức vừa bình luận (trên trang bọ Nguyễn Quang Vinh) như đinh đóng cột rằng, dùng chữ “Mụ” để xưng hô là xúc phạm quá đáng. Anh ta dẫn chứng cổ tích: "mụ dì ghẻ", "mụ hàng cá"... được dùng với hàm nghĩa chỉ người đàn bà tham lam, độc ác!
Nếu quả thật Bộ Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và Công an Thừa Thiên Huế phạt tội "em" Truyện chỉ vì dùng từ “Mụ” để xưng hô với Bộ trưởng thì tôi khẳng định chắc chắn luôn, rằng bốn cái cơ quan ấy có trình độ quan trí đến mức báo động đỏ. Vô văn hóa và vô đạo đức có thể gây nguy hiểm cho xã hội và ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Mụ là từ gốc Hán (妈), còn có âm đọc là Ma, (Ma Ma, đồng nghĩa, đúng ra là lớn nghĩa hơn Mẫu 母), nghĩa gốc là mẹ ruột, kể cả gọi cho người vú nuôi, sau đó gọi chung cho người phụ nữ đã có con hoặc đứng tuổi. Nói chung Mụ là từ xưng hô thể hiện sự kính trọng đối với các bà mẹ.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu (hay Mụ), có huyền thoại về 12 bà Mụ giúp Trời nặn nên con người; sau trở thành các bà Tiên phù trợ sự sinh nở, còn gọi là Mụ Nặn. Ngày xưa, trong dân gian, những người đỡ đẻ đều gọi là Mụ bằng tất cả sự tôn kính.
Mụ là một biểu tượng về quyền lực sinh nở trong văn hóa dân gian. Chùa Thiên Mụ tại Huế còn gọi là chùa Thiên Mẫu, gốc Chăm, cũng mang ý nghĩa như vậy.
"Em" bác sĩ gọi Mụ Bộ trưởng là quá mức tôn kính trong nghĩa văn hóa tín ngưỡng ấy.
Xem sự xưng hô bằng Mụ là xúc phạm, bôi nhọ Bộ trưởng chỉ khi bà Bộ trưởng đang là gái tơ và mãi mãi không muốn làm mẹ (!?)
Anh chàng giáo viên Lê Văn Đức trên kia cũng hàm hồ khi dẫn chứng "mụ dì ghẻ", "mụ hàng cá" để gán cho nghĩa "tham lam, độc ác". Anh dẫn chứng như vậy thì chữ Vua, chữ Tướng cũng thành xúc phạm: "Vua ăn mày", "Tướng cướp"... Thậm chí Đảng với nghĩa là một tổ chức cũng thành xấu: "Đảng tặc", "Đảng cướp"... Tôi đồ rằng anh ta là giáo viên mà không biết cấu trúc một cụm từ có danh từ và định ngữ nên cứ phán bừa. Dốt mà tỏ ra nguy hiểm là ở chỗ đó! Khổ thân học trò nào đang học anh giáo này.
Đó là tôi nói về văn hóa. Vô văn hóa thì kéo theo vô đạo đức, dẫn đến hiếp người quá đáng. Mà có đến bốn cơ quan quyền lực cùng hiếp một bác sĩ như hiếp một em học sinh tiểu học làm cho em học sinh ấy khóc lóc van xin đến tội nghiệp. Làm cho trí thức trở nên hèn mạt, ti tiện, hủy hoại nguyên khí của quốc gia là tội không thể dung tha!
Cuối cùng thì tôi nói về văn hóa - đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh dạy: Cán bộ là đầy tớ (công bộc) trung thành của nhân dân. Câu này chắc chắn cán bộ thuộc làu làu vì năm nào cũng tổ chức học tập và làm theo gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Với đạo đức - văn hóa ấy, "em" bác sĩ Truyện có gọi bà Bộ trưởng Y tế là "con ở", "con sen" cũng không thể gọi là xúc phạm, bôi nhọ vì gọi đúng tư cách cán bộ cách mạng, trừ phi các đảng viên cộng sản chỉ thuộc lời dạy của lãnh tụ ở đầu môi chót lưỡi, còn thực tâm thì luôn nghĩ mình là ông cố nội của nhân dân!
Nói thẳng với bà Bộ trưởng Y tế, và không chỉ với bà, rằng cán bộ nào không chịu làm công bộc của nhân dân thì hãy từ chức về làm nhân dân, tức làm chủ, để không bị ám thị bị "xúc phạm" hay "bôi nhọ" nữa!
Tôi hoan hô Bộ trưởng Trương Minh Tuấn sáng suốt. Huế buộc phải rút quyết định xử phạt và phải xin lỗi "em bác sĩ", kể cả xin lỗi toàn dân vì đã xúc phạm nhân dân!
"Thêm bằng chứng" về tội của "em" bác sĩ Truyện thì chưa thấy, nhưng bằng chứng bức hiếp, xúc phạm nhân dân, coi nhân dân như thù địch của 4 cơ quan trên thì rành rành, Bộ trưởng Tuấn ạ. Đề nghị xử phạt 4 cơ quan này mới đảm bảo sự công bằng.
Đến đây thì tôi hoàn toàn đồng ý thành lập Viện Văn hóa - Đạo đức để huấn luyện, tức thuần hóa cán bộ đảng viên, giúp họ đảm bảo tư cách văn hóa - đạo đức mà làm đầy tớ tốt của nhân dân!
Bởi sự ứng xử tùy tiện vô văn hóa, vô đạo đức của cán bộ đã làm thay đổi chế độ, tức cái nhà nước do dân làm chủ mà hàng triệu người đã ngã xuống để dựng nên đang có nguy cơ bị tiêu vong với mấy ông bà này!
C.M.L.
(*) Chữ "huấn luyện", tôi dùng lại của ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khi đề xuất lập Viện Đạo đức học để huấn luyện đạo đức cán bộ.

PHÂN BIỆT CÁN BỘ KHÔN VÀ DẠI

VŨ THẠCH/ TD/ BVB 24-10-2017

Nguyễn Phú Trọng (trái) và Võ Kim Cự, ai khôn, ai dại trong vụ Formosa? Nguồn: AFP PHOTO/HOANG DINH Nam
Gần một tuần qua, vụ Thượng Tá CSGT Võ Đình Thường gửi giấy mời nhằm hăm dọa các tài xế dùng tiền lẻ trả phí BOT Đồng Nai đã dấy lên nhiều sóng gió. Lý do là vì sau đó lòi ra con gái ông Thưòng đều đang bỏ vốn đầu tư BOT này. Riêng bản thân ông Thường còn lòi ra thêm chi tiết ông bị kỷ luật đuổi ra khỏi ngành CSGT khi làm Đại úy 14 năm trước, với đầy đủ đoạn âm thanh tang chứng ông căn dặn đàn em CSGT phải chùi mép cho sạch lúc đó. Tất cả khởi đi từ cái chữ ký tai hại trên giấy mời.
Kế đến là quyết định của ông Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, trừng phạt một bác sĩ dám “phạm thượng”, phê bình Bộ trưởng Y tế Kim Tiến, dẫn đến việc nay ông Lợi phải rút lại quyết định phi pháp, phải xin lỗi, và còn làm bùng trở lại phong trào đòi bà Kim Tiến phải từ chức. Tất cả khởi đi từ cái chữ ký dại dột.
Thật vậy, trong thời buổi hiện nay, khi giải thích quanh co không hạ hỏa được công luận, các bộ phận Trung ương thường chạy tội, các quan chức địa phương cũng nhanh chóng chối tội. Cuối cùng chỉ còn trơ ra các cậu ký tên và nhanh chóng được lôi lên đàn tế thần.
Hiện tượng các bí thư, chủ tịch đùn xuống cho cấp phó ký các văn bản nhạy cảm đã rất phổ biến gần đây. Nhưng trong nhiều trường hợp, các cấp phó già dặn cũng không chịu ký và để trống các văn thư. Đáng ngạc nhiên nhất là một số quyết định bắt người của công an không có chữ ký, hay một số quyết định của Bộ Quốc phòng chỉ ghi rất mơ hồ là “Thủ trưởng Bộ Quốc phòng” và không có chữ ký.
Nhưng công bằng mà nói, còn nhiều cán bộ cao cấp hơn nhiều, nhưng dại dột hơn ông Thường gấp trăm lần và đã hối hận cả đời vì đã đặt bút ký tên. Từ 20 năm trước như ông Võ Văn Kiệt ký nghị quyết 31/CP cho bắt giữ người tùy tiện, hay như ông Lê Khả Phiêu ký kết đồng ý nhượng đất, biển cho TQ (tuy không công bố nhưng đã thành lời thề hứa mật giữa 2 đảng mà Bắc Kinh đang dùng như vũ khí đe dọa và ông Đỗ Mười đã dùng để hạ bệ ông Phiêu), dài đến ông Võ Kim Cự ký tên quyết định cho Formosa vào Hà Tĩnh. Trong tương lai không xa, những kẻ ký giấy cho phép khai thác bô-xít, ký giấy cho phép cưỡng chiếm nhà dân, ký giấy tuyên án các Tù Nhân Lương Tâm, … sẽ lần lượt bị lôi lên đàn tế thần.
Bên cạnh những kẻ dại dột đó là loại cán bộ khôn, không để lại chứng tích gì, đã chuyển xong khối tài sản ra nước ngoài, và chờ ngày hạ cánh an toàn. Nhưng còn cao tay hơn nữa là loại cán bộ siêu phàm như ông Nguyễn Phú Trọng, không những đã nắm chặt phần ăn chia lớn của mình mà còn được thêm danh tiếng là người dám xử phạt kẻ đặt bút ký là Võ Kim Cự.
Ông Trọng xứng đáng là học trò giỏi của “Người” khôn vô địch trên đất Việt Nam. Cho đến giờ này, công lao trời biển xây dựng mối quan hệ Việt-Trung là của “bác” Hồ; công lãnh đạo mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam là của “bác” Hồ. Nhưng sai lầm Cải cách ruộng đất, rước cán bộ Tàu vào giết dân Việt lại thuộc về các ông Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp. “Bác” Hồ chưa hề ký quyết định Cải cách ruộng đất nào. Cũng thế, người ký công hàm thừa nhận hải phận 9 vạch của TQ – bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa – là ông Phạm Văn Đồng chứ không phải “bác” Hồ.
Trở lại chuyện thời nay, điều đáng chú ý là khi các chế độ độc tài càng đến giai đoạn chót, cán bộ cấp dưới càng khôn dần ra. Từ Cách mạng Cam đến Cách mạng Hoa Lài, khi lệnh miệng từ trên chỉ thị đàn áp dân chúng được hét xuống, các viên chức cấp dưới thẳng thừng đòi lệnh bằng văn bản và có chữ ký mới tiến hành.
Chẳng biết với Việt Nam, ngày đó còn xa bao nhiêu, nhưng có lẽ đã đến lúc tập thể cán bộ Việt Nam nên học kỹ từ chữ ký của Võ Kim Cự ở Hà Tĩnh, đến chữ ký của Nguyễn Đức Chung tại Đồng Tâm. Lằn ranh phân biệt giữa cán bộ khôn và dại trong rất nhiều trường hợp chính là hàng chữ ký chết người đó.
Vũ Thạch/(Tiếng Dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét