Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

20171024. NGHĨ VỀ VIỆT NAM TỪ ĐẠI HỘI XIX ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC

ĐIỂM BÁO MẠNG
'CĂN TÍNH DÂN TỘC' VÀ 'SỰ ĂN MÀY DĨ VÃNG' CỦA CÁC THẾ HỆ CẦM QUYỀN ĐÃ VÀ ĐƯA VIỆT NAM VÀO NGÕ CỤT

NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ viet-studies 23-10-2017

Khung cảnh ngày khai mạc Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
  1. Trông người mà ngẫm đến ta
Những ngày này, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông là những thông tin và hình ảnh về Đại hội lần thứ 19 của ĐCS Trung Quốc. Tâm điểm của sự kiện này chủ yếu tập trung vào một nhân vật duy nhất là Tập Cận Bình với “giấc mộng Trung Hoa” mà ông ta đã công khai với thần dân mình cũng như toàn thế giới.
Báo Tuổi trẻ - tờ báo hàng đầu của nước Việt hiện nay - số ra ngày 19/10 đã kịp thời chuyển tải đến người dân cả nước sự kiện trên bằng một bài viết rất kỳ công và trang trọng: “Khoảnh khắc ấn tượng trong đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc”.
Một tờ báo lớn khác là Thanh niên cũng chạy tít: “Trung Quốc xác lập tư tưởng Tập Cận Bình”.
Nhưng có lẽ nhanh nhảu và dày đặt nhất là báo điện tử Vnexpress với hàng loạt bài tường thuật và bình luận như: “5 thế hệ lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung quốc”;”5 điểm nhấn trong bài phát biểu mở ra kỷ nguyên mới của ông Tập”, “Trung Quốc với tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu năm 2050”; “Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ mô hình thành công với các nước”…
Trông người mà ngẫm đến ta. Nếu lấy thời điểm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc vào năm 1991 với phương châm “16 chữ vàng” ("Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan" ) có thể khẳng định, cho đến hôm nay, 4 chữ “vận mệnh tương quan” là hoàn toàn phi thực tế đối với Việt Nam. Vì lẽ, trong khi Trung Quốc của họ Tập đang trên đường trở thành bá chủ toàn cầu và cao giọng hứa hẹn “chia sẻ mô hình phát triển” của mình thì Việt Nam của “ông lão” Nguyễn Phú Trọng vẫn là một quốc gia “không chịu phát triển”. Và hiện tại, tuy vẫn đang quay cuồng với chuyện “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” nhưng miệng vẫn không thôi chém gió và hoang tưởng: hết “quốc gia khởi nghiệp” lại đến “cách mạng công nghiệp 4.0”…?
  1. Hãy tự thức tỉnh
Có lẽ, có không ít người Việt đang cảm thấy rất “dị ứng” và khó chịu trước sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong thời điểm hiện tại. Tuy vậy, nếu chúng ta dũng cảm gạt bỏ cái tâm lý tự hào, tự tôn dân tộc quá đà; bình tâm suy ngẫm lại mọi thứ trên tinh thần “biết người biết ta”, tôi nghĩ dù muốn dù không cũng phải thừa nhận họ - dân tộc Trung Hoa đã và đang hơn chúng ta – dân tộc Việt Nam hôm nay một “cái đầu”. Sự thành công của họ hôm nay âu cũng là điều tất yếu, không quá khó để lý giải.
Nói cách khác, chúng ta có thể không ưa Tập Cận Bình vì “tư tưởng” cùng “giấc mộng Trung Hoa” mà ông ta đang thiết kế và theo đuổi. Nhưng trước khi tỏ thái độ ấy, có lẽ mỗi người Việt (nhất là các vị lãnh đạo trong hàng ngũ cấp cao của ĐCS VN hiện nay) hãy tự nhìn lại tầm vóc và tư duy của dân tộc mình; hãy biết xấu hổ về những hạn chế và yếu kém của dân tộc mình thay vì cứ suốt ngày véo von, réo rắt tự hào về vô số những truyền thống “tốt đẹp”, “hào hùng” gì đó trong quá khứ (nhất là cái truyền thống “đánh Pháp, đuổi Mỹ”).
Dù sao thì dân tộc họ cũng có “tư tưởng” và “giấc mơ” (ít ra là theo quan điểm và tinh thần của các lãnh đạo ĐCS và truyền thống của dân tộc họ) để nuôi dưỡng và đeo đuổi. Các lãnh đạo của họ, trong từng giai đoạn và bối cảnh cụ thể đều có sách lược, chiến lược phù hợp nhằm từng bước hiện thực hóa “giấc mơ” ấy.
Còn dân tộc chúng ta, tôi tự hỏi: lâu nay người Việt có “tư tưởng” gì không? Và hiện nay, chúng ta đang “ước mơ” gì?
Xin mạo muội và bạo gan trả lời luôn vậy. Nói cho cùng, dân tộc chúng ta cho đến hôm nay chẳng có một “tư tưởng” gì cả (hay nói chính xác hơn là cũng có nhưng là mớ lý thuyết pha trộn Ta - Tàu - Tây rất tù mù và rối rắm). Cũng như cả dân tộc hiện nay chẳng có một “giấc mơ” to tát nào; và dĩ nhiên các lãnh đạo cấp cao của ĐCS VN trong từng giai đoạn cũng chẳng có một sách lược, chiến lược gì hay ho để xây dựng và phát triển đất nước.
Nếu như thời cổ đại, người Trung Quốc có các “ông Tử”; sau đó cũng giống như ta, họ cũng “cung thỉnh” hai vị Mác-Lê về kết hợp với “tư tưởng” của Mao Trạch Đông. Nhưng tiếp theo Mao là Đặng Tiểu Bình, sau Đặng là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và bây giờ là “tư tưởng” của Tập Cận Bình.
Trong khi đó, dân tộc chúng ta, trước đây thì “xài ké” các “ông Tử” của họ; sau đó và cho đến nay thì chỉ có mỗi “giấc mơ” (giải phóng dân tộc thống nhất đất nước để “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”) và “tư tưởng” của Hồ Chí Minh trên nền tảng học thuyết của một ông ở Tây Âu (C. Mác) và một ông ở Đông Âu (Lênin). (Và nói cho đúng thì phải chăng chỉ có học thuyết triết học của Mác-Ănghen thôi chứ làm gì có “triết học” hay “Chủ nghĩa Mác-Lênin” như nhận thức của ĐCS VN hiện nay?)
Nói khác đi, nhìn lại vai trò dẫn dắt dân tộc và đất nước của các lãnh đạo ĐCS VN trong quá khứ lẫn hiện tại, kể từ sau Hồ Chí Minh, chúng ta chưa từng nghe nói đến “tư tưởng” hay “ước mơ” của bất kỳ một lãnh đạo ĐCS nào khác.
Con hơn cha là là có phúc. Trò hơn thầy là đại phước của quốc gia. Sau đại hội lần này, “tư tưởng và tầm nhìn mới” của Tập Cận Bình chắc chắn sẽ được đưa vào điều lệ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nghĩa là sẽ được “đặt” ngang hàng với “tư tưởng” của Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình – những vị tiền bối của Tập trước đó.
Chúng ta – những người Việt hôm nay có thể đang coi thường, dè bĩu khinh khi sự độc tài của họ Tập. Thế nhưng, nhìn một cách tổng thể, ở giác độ văn hóa, dù sao dân tộc họ vẫn có bề dày và “kinh nghiệm” hơn dân tộc chúng ta. Và điều quan trọng hơn, một khi xác lập “tư tưởng Tập Cận Bình” ít nhiều đã cho thấy, tuy giống nhau về thể chế và ý thức hệ, nhưng về nhận thức có thể khẳng định các lãnh đạo ĐCS Trung Quốc “cởi mở”, “linh hoạt”, “uyển chuyển” và “đa nguyên” chứ không bảo thủ, giáo điều và nhất là chỉ biết “ăn mày quá khứ” các lãnh đạo của ĐCS Việt Nam.
Tương lai của một dân tộc, một quốc gia đúng ra phải được nhìn nhận và thiết kế từ tất cả những phương diện, những vấn đề nẩy sinh trong đời sống ở thời điểm hiện tại (cho dù hiện tại là một đống hoang tàn, đổ nát đi nữa nhưng nếu nhận thức đúng đắn về nó thì vẫn quan trọng và có ích hơn là tránh né hoặc tô hồng) chứ không phải từ ánh hào quang của thời quá khứ xa xôi, không bao giờ tìm lại được.
Ấy vậy mà, kể từ sau ngày 02/09/1969 đến nay,  nhìn vào “tầm vóc” lẫn thần thái của các lãnh đạo nước nhà thấy chẳng có gương mặt nào để cho dân chúng có thể hãnh diện trên trường quốc tế. Xã hội và thế giới vốn luôn vận động và biến đổi không ngừng, vậy mà các thế hệ cháu con chỉ dám rụt rè (hay giả vờ khiêm tốn) an phận “học trò xuất sắc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” thì hỏi sao đất nước này muôn đời không bao giờ “sánh vai được với các cường quốc năm châu”?      
  1. Người tài giữ Đảng và xây dựng đất nước – thêm một điểm khác biệt
Một quốc gia, một dân tộc có phát triển và hưng thịnh hay không, điều quan trọng và trước hết phụ thuộc vào tầng lớp lãnh đạo chóp bu (là người như thế nào; có tài thao lược gì để dẫn dắt dân tộc?). Nói “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” cũng là vì thế.
Có không ít ý kiến cho rằng “trong lòng” Trung Quốc hiện nay cũng đang đầy dẫy những bất ổn. Điều này là không sai nhưng suy cho cùng quốc gia nào mà không vướng phải những vấn đề nọ kia. Và có lẽ, không đợi tới người ngoài nói, Tập Cận Bình hẳn nhiên thừa biết trong lòng Trung Quốc cũng có những người chống ông và chống ĐCS Trung Quốc. Nhưng có hề gì, với đảng của mình đương nhiên ông ta phải củng cố và bảo vệ nhưng điều quan trọng hơn là việc Trung Quốc phát triển và trở thành bá chủ thế giới chính là câu trả lời quan trọng nhất của ông dành cho những người không ủng hộ mình.
Và thực tế đã cho thấy điều đó. Vị thế và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Trung Quốc hiện nay trên trường quốc tế ở cả hai phương diện: “quyền lực cứng” (kinh tế, quân sự…) lẫn “quyền lực mềm” (chính trị, văn hóa,…) là không còn bàn cãi.  
Đây chính là cơ sở  quan trọng để họ Tập mạnh miệng tuyên bố trở thành “siêu cường quốc” vào năm 2050. Không những vậy, đó còn là một mô hình “chủ nghĩa xã hội đặc sắc” kiểu Trung Quốc!? Riêng về phương diện  chủ quyền quốc gia, ông Tập không ngần ngại gửi thông điệp ngầm đến tất cả các bên liên quan (đương nhiên là có Việt Nam chúng ta) theo luận điệu bá quyền thường thấy là: " sẽ không dung thứ cho bất cứ ai, bằng cách nào, vào thời điểm nào, muốn tách một tấc đất ra khỏi Trung Quốc".
Nói điều này để thấy rằng, hơn ai hết họ Tập cùng tập đoàn chính trị của ông ta, hiểu rất rõ những vấn đề thuộc về nội tình Trung Quốc trong bối cảnh chung của thế giới khi xây dựng “giấc mơ” của dân tộc mình trong tương lai.
Qua đây có thể thấy, các lãnh đạo ĐCS Trung Quốc ngoài việc lo giữ Đảng của mình thì vấn đề xây dựng và phát triển nhằm đưa đất nước Trung Quốc trở thành siêu cường thế giới là mục tiêu lớn nhất của họ. Vậy nên, việc chọn “người tài” để kế vị của họ bao giờ cũng chú trọng cùng lúc hai mục tiêu này. Phải chăng đây cũng chính là ưu điểm và là sự khác biệt lớn nhất so với các lãnh đạo ở Việt Nam (kể từ sau khi nước nhà thống nhất cho đến nay).
Hay nói khác đi, lâu nay, ĐCS VN chỉ lo tìm “người tài” để giữ Đảng thôi chứ người tài để xây dựng và phát triển đất nước thì chẳng màng quan tâm.
Bằng chứng là hiện tại, dẫn dắt đất nước, dẫn dắt dân tộc với bề dày mấy nghìn năm văn hiến là một ông lão già nua, tóc tai bạc trắng. Hơn hai nhiệm kỳ rồi nhưng quanh đi, quẩn lại cũng chỉ mấy câu nói cũ rích như: “đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức…”, “chống suy thoái”, “chống diễn biến”, “đánh chuột, vỡ bình”,“nhóm lò, đốt củi” gì gì đó nhưng chẳng đâu vào đâu! Đến nỗi dân chúng khắp nơi trong cả nước đã không ngần ngại đặt cho cái “biệt danh” không thể nào chua chát và xót xa (nếu nhìn sang người đồng cấp Tập Cận Bình) hơn: “Trọng lú”!
Và điều đáng nói là, cho đến giờ bản thân ông ta vẫn đang loay hoay tìm người kế vị nhưng mãi vẫn chưa ưng ý. Vì sao như vậy? Có lẽ trong hoàn cảnh hiện nay, nếu chỉ tìm người tài để xây dựng và phát triển đất nước thì chắc chắn sẽ không thiếu nhưng để tìm người có cái “lý lịch ba đời trong sáng như gương” để chủ yếu lo giữ Đảng, giữ chế độ thì chuyện phải cân nhắc, nâng lên hạ xuống âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng điều này lại chính là bi kịch của dân tộc nếu nhìn về tương lai. Nói như lời của cố Tiến Sĩ Alan Phan năm nào là: “đã ngu, đã nghèo mà còn “kiên định lập trường” ấy nữa thì vô phương cứu chữa.
  1. Thay lời kết
Tóm lại, chúng ta có thể không ưa một Trung Quốc bá quyền, không ưa một  Tập Cận Bình vì cái luận điệu và tâm lý nước lớn của ông ta hôm nay nhưng nếu chỉ có thế và nhất là không tự nhìn lại những yếu kém của dân tộc mình để mà phấn đấu và từng bước thay đổi hiện trạng thì chỉ càng cho thấy rõ cái tâm lý ghen ghét, đố kỵ của chúng ta trước sự thành công của người khác mà thôi.
Một dân tộc sống không “tư tưởng” và ước mơ nhưng lúc nào cũng dè bĩu, coi thường tư tưởng và ước mơ của dân tộc khác chắc chắn không phải là một dân tộc lớn (trưởng thành) và đáng để người khác nể trọng.
Ngược lại, một dân tộc nếu chỉ biết ngồi nhìn và thán phục; chỉ biết tung hô và xem người khác như một “hình mẫu” hay “thần tượng” rồi rập khuôn, bắt chước và theo đuôi thì càng tệ hại hơn nữa. Đó không chỉ là đang tự thừa nhận sự yếu kém của bản thân mà trên hết là thái độ nhu nhược, hèn kém và vong bản.
---------
Tham khảo:
[1]: “Khoảnh khắc ấn tượng trong đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc”. Xem tại: http://tuoitre.vn/khoanh-khac-an-tuong-trong-dai-hoi-dang-lan-thu-19-cua-trung-quoc-20171019150344415.htm
[2]: “Trung Quốc xác lập  tư tưởng Tập Cận Bình”http://thanhnien.vn/the-gioi/trung-quoc-gioi-thieu-tu-tuong-tap-can-binh-857819.html
[3]: “5 thế hệ lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc”. Xem tại: https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/5-the-he-lanh-dao-cua-dang-cong-san-trung-quoc-3656091.html
 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-10-17

'KỶ NGUYÊN MỚI' CÓ GIÚP TRUNG QUỐC SOÁN NGÔI HOA KỲ ?

PHẠM DOÃN TÌNH/ GDVN 24-10-2017

Hình ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Trong ngày khai mạc Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đọc báo cáo chính trị với thời lượng gần 3 giờ 30 phút.
Trong đó, nhấn mạnh đất nước đã bước vào “một kỷ nguyên mới”, đồng thời đưa ra lời cam kết sẽ xây dựng Trung Quốc trở thành “một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại” vào giữa thế kỷ 21.
Nhu cầu mới của người dân trong “kỷ nguyên mới”
Tầm nhìn chiến lược của ông Tập về một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại mang đặc sắc Trung Quốc được nhấn mạnh ở sự phát triển ngày càng thịnh vượng và mạnh mẽ hơn.
Con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.
Thế nhưng, trong báo cáo chính trị đọc trước Đại hội 19, ông Tập tuyên bố, Trung Quốc đã bước vào “một kỷ nguyên mới”.
Điều này cho thấy, ông Tập có vẻ đang tạo cảm hứng cho Đảng Cộng sản và người dân Trung Quốc, khi ẩn ý rằng, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông - Trung Quốc đã “đứng lên” trở thành một quốc gia độc lập tự chủ;
Dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình - Trung Quốc đã trở nên khá giả và ổn định hơn;
Còn bây giờ dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình - Trung Quốc đang trở thành một quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh.
Như vậy, ông Tập đang muốn nhấn mạnh rằng, dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc đang bước vào “một kỷ nguyên mới” - kỷ nguyên mạnh mẽ thứ ba.
Có một điểm cần lưu ý rằng, trái với đặc điểm của các kỷ nguyên trước, ông Tập chỉ ra mâu thuẫn xã hội chủ yếu của Trung Quốc hiện nay là:
Mâu thuẫn giữa sự phát triển chưa cân đối và không đầy đủ của đất nước với nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Ông Tập nêu rõ, người dân Trung Quốc không chỉ đòi hỏi có một đời sống vật chất và văn hoá tốt hơn, mà họ còn đòi hỏi một môi trường sống tốt hơn, nơi có các giá trị như luật pháp, công bằng, công lý, an ninh và sự phát triển bền vững được duy trì tốt hơn.
Để đáp ứng được các nhu cầu này, ông Tập nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải có sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn và phải có một hệ tư tưởng mới dẫn đường.
Triết lý trị quốc qua các đời lãnh đạo
Nhìn lại lịch sử phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các "tư tưởng lãnh đạo" luôn đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố địa vị chính trị của các nhà lãnh đạo và hướng dẫn cho hành động của đảng.
Mao Trạch Đông - người sáng lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949), với tư tưởng “Phá bỏ bốn cũ” (tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ và tập quán cũ), đã đưa ông trở thành người đầu tiên được ghi tên vào điều lệ đảng.
Đặng Tiểu Bình - người khởi xướng công cuộc đổi mới của Trung Quốc (1978) với khẩu hiệu chính trị “một lòng thực hiện bốn hiện đại hóa” cũng đã được ghi tên vào điều lệ đảng, với lý luận mang tên ông.
(Bốn hiện đại hóa gồm: hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa quốc phòng và hiện đại hóa khoa học công nghệ)
Giang Trạch Dân đưa ra lý thuyết mới về “Ba đại diện” (đảng đại diện cho nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện cho phương thức phát triển của nền văn hóa tiên tiến, đại diện cho lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân);
Và Hồ Cẩm Đào với khẩu hiệu “Phát triển khoa học” (hài hòa, toàn diện và bền vững) là những đóng góp của các ông, tuy nhiên các ông không được ghi tên trong điều lệ đảng để gắn liền với ý thức hệ của họ.
Tại Đại hội 19, nhiều khả năng “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với các đặc điểm Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới” sẽ được đưa vào điều lệ đảng.
Đó như một hướng dẫn hành động dài hạn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tuân thủ và phát triển.
Vì nó tượng trưng cho thành tựu mới nhất của đảng trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Trung Quốc.
Theo đó, Tư tưởng Tập Cận Bình sẽ được thể hiện trên bốn nhiệm vụ lớn, còn được gọi là “bốn toàn diện”, bao gồm:
Xây dựng toàn diện xã hội khá giả, làm sâu sắc toàn diện cải cách, quản lý toàn diện đất nước bằng pháp luật và quản lý đảng nghiêm minh toàn diện.
Nếu ông Tập thành công trong việc nâng cao sự đóng góp mới của mình vào hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì ông sẽ được đứng ngang hàng với Mao Trạch Đông.
Ưu tiên trong nước giữ vai trò chủ đạo
Tầm nhìn mới của ông Tập trong ba thập kỷ tới là nhằm xây dựng Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vào giữa thế kỷ 21, dựa trên cơ sở tầm nhìn cũ của ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào về xây dựng một xã hội Trung Quốc thịnh vượng vừa phải vào năm 2020, đã cho thấy tham vọng rất lớn của ông Tập.
Trong giai đoạn đầu từ năm 2020 đến năm 2035, Trung Quốc sẽ thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.

Một poster ở Trung Quốc với dòng chữ “Giấc mơ Trung Hoa, Giấc mơ của nhân dân” (Ảnh: Reuters)
Trong giai đoạn thứ hai từ năm 2035 đến năm 2049, khi Trung Quốc tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, Trung Quốc sẽ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại “thịnh vượng, mạnh mẽ, dân chủ, văn hoá tiên tiến, hài hòa và tươi đẹp”.
Nhìn vào mục tiêu này, các học giả nghiên cứu đã có sự chia rẽ trong cách đánh giá, nhận định về tương lai và xu hướng phát triển của Trung Quốc.
Những người có xu hướng bi quan đã nhìn vào những thách thức khổng lồ cả về đối nội và đối ngoại mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong chặng đường phát triển.
Họ đưa ra những kịch bản không mấy sáng sủa về sự “sụp đổ”, “suy giảm”, và “phân rã”…
Những người có xu hướng lạc quan lại tập trung nhìn vào những nỗ lực của Trung Quốc và những thành tựu đã đạt được trong những năm qua để nhận định về ​​một Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ về mặt kinh tế và quân sự, trở thành một siêu cường mới thách thức cả vị trí siêu cường số một của Mỹ.
Hiện tại, rõ ràng, không có dấu hiệu nào cho thấy sự “sụp đổ”, “suy giảm” hay “phân rã” trên bất kỳ phương diện nào của Trung Quốc, mà chỉ có những khó khăn, thách thức mà quốc gia này sẽ phải đối mặt.
Do đó, để Trung Quốc phát triển trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vào giữa thế kỷ 21 như mục tiêu đặt ra cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Bởi vậy, trong báo cáo chính trị tại Đại hội 19, có rất nhiều tín hiệu cho thấy ông Tập sẽ tập trung mọi ưu tiên vào bên trong, nơi sự tăng trưởng và thịnh vượng đều được hướng tới đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở trong nước và nâng cao mức sống cho người dân.
Theo đó, ông Tập sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xóa bỏ đói nghèo và chênh lệch mức thu nhập, đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần của người dân… nhằm đáp ứng nhu cầu cốt yếu của họ.
Bởi đây chính là tiêu chuẩn mà người dân đánh giá về tầm nhìn chiến lược mà ông Tập đã vạch ra trong “kỷ nguyên mới”.
Một số chuyên gia nhận định rằng, sự phát triển thành công của Trung Quốc sẽ đưa quốc gia này trở thành một siêu cường, và là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ cũng như trật tự thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc có ý định thay đổi trật tự thế giới và chấp nhận thách thức vai trò của Mỹ, thì trên thực tế sự hợp tác với Hoa Kỳ vẫn sẽ là lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển của Trung Quốc hiện nay.
Bởi xét cho cùng, trật tự thế giới hiện nay mà Hoa Kỳ là siêu cường số một đang tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của Trung Quốc, chứ không phải là một thách thức.
Tuy nhiên, với vai trò là một nước lớn và đang trên con đường thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc vẫn sẽ thể hiện ngày càng tăng sự ảnh hưởng của mình đối với các vấn đề quốc tế.
Theo đó, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong công tác quản trị toàn cầu thông qua việc tham gia vào các Diễn đàn kinh tế thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh G20, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải…, và tham gia giải quyết các vấn đề nóng của thế giới.
Trong quan hệ với các quốc gia láng giềng, thì vấn đề khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên, tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ vẫn là các vấn đề mà Trung Quốc quan tâm hàng đầu.
Tuy nhiên, nhận thức hiện nay của Trung Quốc và các bên liên quan đều thấy rằng, đối thoại là giải pháp duy nhất để giải quyết các bất đồng.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, trong “kỷ nguyên mới”, Trong Quốc sẽ tiếp tục có những bước đi mạnh mẽ cả về đối nội cũng như đối ngoại.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ dành ưu tiên nhiều hơn cho việc đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của người dân và các vấn đề quản trị ở trong nước, nhằm tạo ra sự ổn định bền vững của đất nước trước khi hướng đến các chính sách đối với bên ngoài.
Đây có lẽ cũng chính là bản chất của tầm nhìn về “một kỷ nguyên mới” của Trung Quốc được nêu ra tại Đại hội 19. [1]
Tài liệu tham khảo:
[1] Channel News Asia/ Commentary: Vision of a new era for a strong China reflects domestic priorities, not global ambitions.
PHẠM DOÃN TÌNH
'THẦY BÓI XEM VOI' VÀ NHỮNG GÓC NHÌN TIÊU CỰC, SAI LỆCH VỀ ĐẢNG

NGUYỄN VĂN MINH /QĐND/ GDVN 24-10-2017
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị lần thứ 6 khóa XII. Ảnh: TTXVN
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) vừa tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 6 với nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng.
Thành công của hội nghị thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị nhất quán của Đảng ta trong xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.
Thế nhưng, trên một số trang mạng và truyền thông quốc tế lại xuất hiện một số kẻ như “thầy bói xem voi” với cái nhìn tiêu cực, thiển cận đang tìm cách xuyên tạc, bóp méo những thành công của một hội nghị hết sức quan trọng.
Đảng phải lo cho dân
Hội nghị lần này theo chương trình làm việc được công bố rộng rãi trên báo chí có tới 6 nội dung lớn, song họ chỉ xoáy vào hai chủ đề “nhất thể hóa” bộ máy và đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng.
Họ cho rằng, đưa thêm các nội dung như dân số, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, phân tích tình hình kinh tế-xã hội là khiến cho hội nghị bị dàn trải, ôm đồm, không đi vào những vấn đề người dân đang quan tâm, né tránh những vấn đề cấp bách.
Đó là những tư duy hết sức thiển cận.
Họ quên mất một điều rằng trong nhiều hội nghị Trung ương gần đây, Đảng ta đều thể hiện tinh thần cải cách hành chính, lựa chọn những nội dung thiết thực, cấp bách để bàn thảo trong mỗi hội nghị.
Đơn cử như việc cho ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội và tài chính-ngân sách năm 2017, dự kiến kế hoạch năm 2018, ngay trong diễn văn khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định:
Đây là công việc thường kỳ hằng năm tại các hội nghị cuối năm của Ban Chấp hành Trung ương”, “nó có ý nghĩa rất thiết thực”.
Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế là trung tâm.
Đảng quan tâm lãnh đạo kinh tế, rà soát lại tình hình kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách của đất nước, thấy rõ những ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo; kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những mặt chưa tốt… là điều chính đáng, là nhiệm vụ rất quan trọng.
Điều này là rất đáng mừng, sao có thể nói là không trọng tâm, không thiết thực?
Các nội dung như lãnh đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập… cũng đâu phải là những vấn đề nhỏ.
Ngược lại, đây là những vấn đề vừa mang tính chiến lược “lấy dân làm gốc” vừa mang tính thời sự cấp bách; là những điểm nghẽn đối với nguồn lực phát triển đất nước.
Đề cập các vấn đề này thể hiện đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, cũng là thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn lúc sinh thời:
Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân.
Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”;
Ngay đến tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo”.

Chống tham nhũng - cuộc chiến không thoái trào
Một số “nhà dân chủ” còn bịa đặt:
“Đã thỏa thuận ngầm giữa các phe nhóm”, “cuộc chiến chống tham nhũng đã bị thỏa hiệp, thoái trào”, lãnh đạo Đảng “đã quyết định khép lại quá khứ, không xem xét kỷ luật tiếp những cán bộ sai phạm mà chỉ yêu cầu “đã trót nhúng chàm rồi thì tự giác gột rửa”?
Có tờ báo hải ngoại thì cho rằng đây là “hội nghị đốt lò” nhưng chỉ đốt được củi bé, củi to tham nhũng vẫn chưa được đưa vào “lò”.
Trên thực tế, Hội nghị Trung ương 6 lần này không phải là hội nghị chỉ bàn riêng về chống tham nhũng, song nội dung phòng, chống tham nhũng vẫn là một vấn đề quan trọng của hội nghị và đã được triển khai kiên quyết.
Trước hội nghị, ngay cả một số trang mạng và truyền thông quốc tế vẫn còn đồn đoán về việc xử lý ông Nguyễn Xuân Anh là khó.
Nhưng ở ngày làm việc thứ ba của hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương khóa XII đối với ông Nguyễn Xuân Anh và kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:
Đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với đồng chí Nguyễn Xuân Anh mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta.
Đề nghị từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa).
Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.
Có thể nói, đó là thông điệp rõ ràng, nhất quán, thể hiện tinh thần chiến đấu không khoan nhượng với giặc nội xâm của Đảng ta.
Điều đó đồng nghĩa với việc làm “từ trên xuống dưới” sẽ thường xuyên hơn, kiên quyết hơn, không có vùng cấm.
Hoàn toàn không có chuyện “thỏa hiệp”, “không hồi tố”, xử lý tham nhũng kiểu “đầu voi đuôi chuột” như thông tin bóp méo.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) ngay sau hội nghị, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng bày tỏ niềm tin đó:
Trước tiêu cực phải giữ vững khí thế đấu tranh, đó là khuynh hướng mà Đảng và nhân dân kỳ vọng”.
Cử tri Trần Viết Hoàn nêu quan điểm: “Nhân dân hoan nghênh quyết tâm của Đảng, Nhà nước chống tham nhũng...
Nhân dân cảm ơn người đứng đầu trong Đảng đã thắp lên ngọn lửa cho lò bốc cháy, giúp mọi người bỏ củi khô, củi tươi vào lò để thiêu giặc nội xâm”.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận xét, công tác chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết định.
Trả lời báo chí, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng khen ngợi: “Vừa qua làm được như thế là đáng mừng, không phải hời hợt đâu, tiến bộ đấy…”;
Qua thực hiện, có kinh nghiệm và tiếp tục làm hơn nữa, cứ như thế nhân dân và trong Đảng ủng hộ các đồng chí Trung ương và Tổng Bí thư làm mạnh mẽ”.
Những nhận xét trên phần nào đã khẳng định, cuộc chiến chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta không hề thoái trào mà ngày càng mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Hiệu quả của cuộc chiến này không chỉ nhằm ở xử lý được bao nhiêu cán bộ vi phạm mà quan trọng hơn như Bác Hồ từng căn dặn là giúp nhiều người thắng được kẻ địch trong lòng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau hội nghị cũng khẳng định:
Quan trọng là để người ta giác ngộ, thấy ra để tiến lên.
Bên cạnh đó phải thu hồi được nhiều tài sản tham nhũng, tránh mất mát, để tất cả mọi người không đi vào vết xe đổ đó”.
Cải cách bộ máy - những quyết định lịch sử
Một số trang mạng còn tổ chức hẳn những cuộc luận đàm trên trang YouTube để tán dương bản kiến nghị “Cùng nhau mở con đường cải cách” dài tới 45 trang của ông Nguyễn Trung gửi đến Hội nghị Trung ương 6 với nhiều kêu gọi trái Hiến pháp mà ông này đã nhiều lần nêu như đòi đổi tên nước, tên Đảng, thực hiện đa nguyên chính trị, từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa…
Để rồi, khi những ý kiến ấy không được thực hiện, họ cho rằng Hội nghị Trung ương 6 “lửng lơ trước yêu cầu đổi mới”, “làm lỡ cơ hội vàng của dân tộc”, “không bàn bạc được những gì thiết thực”…
Những quan điểm “thầy bói xem voi” ấy có lẽ đã không biết tại hội nghị lần này, Đảng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong việc cải tổ bộ máy với nhiều quyết định “lịch sử”.
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá:
Đảng đã mạnh dạn tiếp tục đụng vào vấn đề phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền và sắp xếp lại bộ máy chính trị, dù đây là vấn đề quan trọng, nhưng cũng nhạy cảm và phức tạp.
Báo cáo về tình hình bộ máy hành chính cho thấy nhiều con số nóng bỏng.
Có những bộ sử dụng vượt 1/3 - 1/2 số biên chế được giao; 31/63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt tổng số 6.375 biên chế.
Báo chí từng nêu những câu chuyện như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc có 38/45 công chức làm lãnh đạo;
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 44/46 công chức giữ chức vụ lãnh đạo;
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa có 8 phó giám đốc sở;
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên thừa 23 cấp phó…
Chính phủ, sau ba nhiệm kỳ, số tổng cục tăng gấp đôi, lên 42 đơn vị.
Chính phủ khóa XIII (2011-2016), số vụ, cục thuộc bộ và cấp phòng thuộc cục, vụ đã tăng trên 13% so với đầu nhiệm kỳ.
Các đơn vị hành chính sau nhiều lần chia tách nếu xét theo các tiêu chí mà Quốc hội đặt ra năm 2016 thì có tới 49 huyện (9%), 3.363 xã (37%) chưa đạt hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Cả nước có 2,5 triệu biên chế, chưa kể con số trong lực lượng vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, cả nước có tới 11 triệu người hưởng lương (hoặc mang tính chất lương) từ ngân sách.
Chính vì vậy, tại hội nghị lần này, hàng loạt chủ trương cải cách mạnh mẽ đã được đề ra về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị;
Xác định toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế;
Gắn đổi mới bộ máy tổ chức với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương;
Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội...
Một điểm sáng của hội nghị là có những việc đã được “làm ngay”.
Trả lời báo chí trước hội nghị, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kiến nghị nên kết thúc mô hình của 3 ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, thì kết thúc hội nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc đã nêu rõ:
Tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao.
Ví dụ, việc kết thúc hoạt động của các ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao…
Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện…
Rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án và các cơ quan phối hợp liên ngành cho phù hợp.
Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm…
Như vậy, chỉ với riêng việc triển khai sắp xếp lại bộ máy, Đảng ta một lần nữa lại thể hiện sự tiên phong đi trước, chủ động đột phá vào những điểm yếu của chính mình để cho hệ thống chính trị mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Việc này được Phó Giá sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định:
Các cơ quan Đảng phải là nơi đầu tiên thực hiện tinh giản bộ máy, vì ở nước ta Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo. Nếu bộ máy Đảng vẫn cồng kềnh thì hiệu quả lãnh đạo suy giảm”.
Xét ở góc nhìn học thuật, mô hình chính trị các quốc gia trên thế giới thì đây cũng là những ví dụ về nhất thể hóa giữa Đảng và các cơ quan Nhà nước ở các cấp độ khác nhau, hoàn toàn không có chuyện Đảng ta né tránh “nhất thể hóa” như một số quan điểm ngộ nhận.
Nhưng xét ở góc độ biện chứng, đây cũng là nội dung mới, không thể làm nóng vội, chủ quan.
Vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ:
Những việc nào đã rõ, đã chín thì kiên quyết làm ngay, còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn.
Có thể nói, qua những vấn đề trên cho thấy, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự của mình, thực sự tiếp tục là một hội nghị quan trọng, đề ra được nhiều chủ trương, quyết sách lớn rất thiết thực đối với sự phát triển của đất nước và của Đảng.
Những chủ trương ấy cần được nhanh chóng hiện thực hóa, triển khai trong cuộc sống để tạo nên những động lực và thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thời gian tới.
Theo Quân đội nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét