Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

20171019. QUYẾT ĐỊNH 'KHÔNG HỒI TỐ' CÓ ĐÚNG LUẬT ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUYẾT ĐỊNH 'KHÔNG HỒI TỐ' CÓ ĐÚNG LUẬT ?

NGUYỄN ĐĂNG QUANG/ BVB 19-10-2017


Người dân kỳ vọng Hội nghị Trung ương 6 ĐCSVN (Khóa XII) sẽ bàn và ra nghị quyết về những vấn đề quan trọng, trong đó có 3 chủ đề: Một là lộ trình cụ thể về chủ trương “tinh giảm biên chế” mà trọng tâm là việc “nhất thể hóa” bộ máy Đảng và Nhà nước từ Trung ương xuống địa phương. Hai là đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng (nhóm lò đốt củi tươi). Ba là tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng ngoại giao với Cộng hòa Liên bang Đức sau việc Trịnh Xuân Thanh “về nước xin đầu thú”, dẫn đến việc Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với VN, và khiến Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và VN (EVFTA) có thể bị đình hoãn! 
Đây là vấn đề quan trọng và rất cấp bách! Song thật đáng tiếc, cả 3 chủ đề lớn và thiết thực này không được đưa ra bàn thảo! Thay vào đó, Hội nghị lại mang ra bàn những vấn đề xưa như cũ, tuy không phải là vô bổ, nhưng không thực chất và cấp thiết, đó là 2 chuyên đề “Dân số” và “Chăm sóc sức khỏe toàn dân”! Hai chuyên đề này đã làm “loãng” trọng tâm, làm “lệch” mục tiêu của Hội nghị! Đây là điều khiến người dân rất thất vọng, cho rằng chương trình nghị sự của Hội nghị đã bị cố tình làm loãng, làm chệch trọng tâm, lẩn tránh những vấn đề gay cấn và cấp bách! Nhiều nhà quan sát nhận định hình như có sự dàn xếp và thỏa thuận ngầm giữa các phe nhóm tại HNTW6. Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nghi là có thỏa thuận ngầm tại HNTW6. Còn nhà báo Thiện Tùng lại cho rằng nếu có thỏa thuận ngầm thì nó xảy ra trước HNTW6 chứ không phải trong HNTW6!
         Do vậy, dù có tuyên truyền HNTW6 thành công và thắng lợi đến đâu đi nữa thì người dân sẽ không dễ tin! Có lẽ, thắng lợi cụ thể và nổi bật nhất của Hội nghị Trung ương lần này là ĐCSVN đã thành công khi kỷ luật được ông Nguyễn Xuân Anh qua việc cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng đối với ông này. Nhưng rất nhiều trường hợp tương tự khác, mức độ còn lớn và nghiêm trọng hơn nhiều thì không thấy Đảng đề cập tới! Người dân không thể đòi hỏi, vì đây là chuyện nội bộ của Đảng. Còn việc ông Xuân Anh có vi phạm pháp luật, có tham nhũng hay không, thì cơ quan pháp luật chưa kết luận, nên người dân không vội đánh giá. Mọi việc sẽ sáng tỏ khi các cơ quan tố tụng vào cuộc! Người dân phát hiện một chi tiết đáng chú ý là, trong diễn văn bế mạc sáng hôm 11/10/2017, đúng 3 ngày sau khi công bố quyết định kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra đánh giá: “Dư luận đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc”! Người viết bài này bày tỏ sự thán phục ông TBT vì đã nhanh chóng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của dân chúng, nhưng độ chính xác đến đâu thì cần bàn vì Đảng đâu đã tiến hành khảo sát hoặc nắm tình hình đâu? Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ và Ba Đình sáng ngày 12/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn tiết lộ: “Lần đầu tiên, người bị kỷ luật còn cảm ơn vì “đã kỷ luật tôi”. Rất nhiều người hồ nghi. Người viết bài này đặt nghi vấn, “người cảm ơn” đó là ai? Có thật không? Phải chăng người đó là ông Đinh La Thăng, nếu không thì là ông Nguyễn Xuân Anh? Ông Tổng Bí thư ngại gì mà không nêu rõ danh tính người đó đi?
      Một điều rất đáng chú ý nữa là trong diễn văn bế mạc nói trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi 199 Ủy viên Trung ương Đảng và toàn thể đảng viên của ĐCSVN “ Hãy tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm, và nếu đã trót nhúng chàm rồi thì tự giác gột rửa!”. Như vậy, rõ ràng là qua lời kêu gọi này, TBT Nguyễn Phú Trọng đã gửi tới những kẻ “đã trót nhúng chàm” (phải hiểu là tuyệt đại đa số bọn chúng là những kẻ tham nhũng), một thông điệp không thể rõ ràng hơn là ĐCSVN đã quyết định khép lại quá khứ, không mang ra xem xét kỷ luật và không hồi tố, chỉ yêu cầu các đồng chí  “đã trót nhúng chàm rồi thì tự giác gột rửa”!? Ông Tổng Bí thư của Đảng còn nhấn mạnh hơn khi ông tuyên bố, xin trích: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”. Như vậy thật là rõ!
       Đây là quyết định “không hồi tố” của Đảng, và quyết định này có thể “có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa rất sâu sắc” như mong muốn của ông Trọng! Nhưng xin nói thật, quyết định này chỉ đúng khi Đảng áp dụng đối với những đảng viên tham nhũng, tham ô tiền bạc, công quỹ của riêng ĐCSVN mà thôi! Vâng, Đảng có thể không kỷ luật, không hồi tố và “xí xóa” trách nhiệm pháp lý cho số đảng viên này, vì đây là tiền của Đảng, tài sản của riêng Đảng, Đảng có quyền làm theo ý Đảng! Còn bọn tham nhũng mà 99% bọn chúng là cán bộ, đảng viên có chức có quyền thì lại khác! Bọn tham nhũng này (mà nay đã trở thành bầy sâu, tập đoàn sâu), chúng đã ăn cắp tiền bạc, tài sản của dân, cướp đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của dân! Đây là tội danh hình sự, tội danh này phải bị pháp luật  trừng phạt! Còn người dân là chủ thể bị hại, họ phải được hỏi ý kiến, chứ Đảng không có quyền đơn phương quyết định thay họ và thay cho pháp luật để “xí xóa”, tha bổng cho bọn chúng được!
      Nếu ĐCSVN thực sự muốn giữ lòng tin của người dân thì phải hành động hợp với lòng dân, không được làm trái lòng dân! Chính ông Trọng đã nói trong diễn văn bế mạc Hội nghị sáng hôm 11/10/2017: “Cần khẳng định, Đảng làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn! Ngược lại, nếu làm trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”! Vâng, muốn tồn tại thì Đảng phải làm hợp lòng dân, làm trái lòng dân thì Đảng chắc chắn sẽ sụp đổ! Xin dẫn lại câu nói trên của ngài Tổng Bí thư để thay cho lời kết của bài viết này.
    Hà Nội, ngày 17/10/2017.
        N.Đ.Q. (Tác giả gửi BVB)

CHỦ TRƯƠNG LÀM NHÂN SỰ KIỂU 'PHÁ CÁCH' CỦA ÔNG TẬP CẬN BÌNH

NGÔ TUYẾT / TVN 18-10-2017

Đảng cộng sản Trung Quốc,Tập Cận Bình

 Hôm nay, Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức khai mạc tại Bắc Kinh; cũng như mọi khi vấn đề sắp xếp nhân sự trở thành tiêu điểm được quan tâm nhất.
Trong khi các cơ quan truyền thông trong, ngoài Trung Quốc và mạng xã hội đưa ra những phán đoán về những nhân sự chủ chốt thì một số nhà bình luận lại quan tâm phân tích cách dùng người khác hẳn những người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình sau khi lên nắm quyền ở Đại hội 18 cho tới nay.
Một bài bình luận đăng trên tờ Đông Phương hôm 14/10 cho rằng: khi lên nắm quyền tại Đại hội 18, ông Tập Cận Bình tuy đã là Tổng Bí thư, nhưng tuyệt đại đa số vị trí hạt nhân đều thoát khỏi tầm tay ông. Ví dụ như quân đội, nhân sự của các Tổng bộ Chính trị, Tham mưu và các đại quân khu đều do Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu sắp đặt từ trước; hệ thống Chính pháp thì là thiên hạ của Chu Vĩnh Khang; các địa phương đều là “cứ điểm” của các “phái đoàn thanh niên” hay “dầu khí”. Nhìn tình thế chung, ông trở nên cô lập…Thế nhưng, (ông) Tập Cận Bình đã áp dụng một loạt biện pháp khác với bình thường để tăng cường tập trung quyền lực và thanh lọc nhân sự.
Về quân đội, đầu tiên ông thông qua điều chỉnh cải cách thể chế, cải tổ cơ quan tổng bộ và 5 đại chiến khu (vùng chiến lược) để giảm bớt một số nhân sự không phù hợp.
Sang năm 2017, từ tháng 1, ông Tập Cận Bình đã bãi chức một loạt Thượng tướng; một loạt Phó chủ nhiệm Bộ tham mưu Quân ủy và Phó chủ nhiệm Bộ Chính trị Quân ủy buộc phải nghỉ hưu, cơ quan tổng bộ vắng vẻ hẳn. Đến tháng 8, ông ra lệnh miễn chức kiêm nhiệm tất cả các ủy viên Quân ủy; 4 ngành tham mưu, chính trị, hậu cần, trang bị cùng 4 quân chủng hải, lục, không quân và tên lửa chiến lược đều bị thay người đứng đầu; Chủ nhiệm Hội đồng Tham mưu Phòng Phong Huy và Chủ nhiệm Bộ Chính trị Quân ủy Trương Dương đều bị điều tra.
Đối với bố cục nhân sự các địa phương cấp tỉnh, những người xuất thân đoàn thanh niên, ngành dầu khí không còn được trọng dụng,  đồng thời đề bạt nhân tài kiểu “phá cách”. Hiện nay trong số lãnh đạo chủ chốt số 1 và 2 của các tỉnh, thành có tới 19 người không phải là Ủy viên trung ương hoặc Ủy viên dự khuyết trung ương hay Ủy ban kiểm tra kỷ luật. Ngay Bí thư Thái Kỳ và Thị trưởng Trần Cát Ninh của thủ đô Bắc Kinh cũng đều không phải ủy viên “3 ủy ban” như trước đây, tạo nên tiền lệ chưa từng có trong lịch sử chính trị của Bắc Kinh.

Đảng cộng sản Trung Quốc,Tập Cận Bình
Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức khai mạc tại Bắc Kinh ngày 18/10; cũng như mọi khi vấn đề sắp xếp nhân sự trở thành tiêu điểm được quan tâm nhất.

Việc ông Tập Cận Bình mạnh tay điều chỉnh cơ cấu và thanh lọc, sắp xếp lại nhân sự một mặt thể hiện ông đã nắm chắc quyền lực trong tay; mặt khác cho thấy ông không chịu sự gò ép của các khuôn phép trước đây: ai cần trọng dụng thì kiên quyết trọng dụng, một số thuộc diện nghỉ hưu cũng vẫn được sử dụng; một số “hạt giống” có tiềm năng được mạnh dạn sử dụng, đề bạt vượt cấp…Cách sử dụng nhân tài vượt qua khuôn sáo của ông Tập Cận Bình đã phá vỡ nhận thức cố hữu của giới phân tích. Cho nên dự đoán về nhân sự của họ cũng khó mà chính xác.

Theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đại hội 19 sẽ bầu ra  cơ cấu quyền lực là Ủy ban trung ương gồm các Ủy viên chính thức, Ủy viên dự khuyết trung ương và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương. Hội nghị Ủy ban trung ương lần thứ nhất sẽ bầu ra Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Ban thường vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Quân sự trung ương (Quân ủy).
Ban lãnh đạo mới lần này “đổi khóa không đổi thế hệ”, tức vẫn là “thế hệ lãnh đạo thứ 5”, nhưng sẽ “thay mới loại cũ” với số nhân sự mới trong Bộ Chính trị và Ban thường vụ Bộ Chính trị chiếm hơn một nửa. Trước khi khai mạc Đại hội 19, đã có dư luận về việc cải cách thể chế ban lãnh đạo cấp cao nhất, như thay thế Tổng Bí thư bằng Chủ tịch đảng hay số Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị từ 7 giảm xuống 5. Nhưng những giả thuyết đó đều khó diễn ra vì hiện đã xác định ông Tập Cận Bình là hạt nhân lãnh đạo đảng, nếu thay đổi chế độ lãnh đạo vừa phiền hà lại không có ý nghĩa thực tế, việc thay đổi này sẽ để lại cho đại hội khóa sau.
Dưới tiền đề không thay đổi thể chế lãnh đạo, không thay đổi thế hệ, ông Tập Cận Bình đương nhiên vẫn giữ chức Tổng Bí thư, ông Lý Khắc Cường cả tuổi tác và năng lực đều thích hợp để tiếp tục giữ chức Thủ tướng. Trừ hai người cũ đó, 5 thành viên mới trong Ban thường vụ đều sẽ do các Ủy viên Bộ Chính trị khóa 18 thăng nhiệm.
Ngô Tuyết

AI NÊN 'ĐẦU THÚ' TRONG VỤ ĐỒNG TÂM ?

NGUYỄN ĐÌNH ẤM/ BVN 19-10-2017

Ngày 13-10-2017, nhiều tờ báo "quốc doanh" đưa tin công an Hà Nội gửi thư kêu gọi những ai ở Đồng Tâm phạm tội "giam giữ người trái pháp luật và phá hoại tài sản" ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng, vì "đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại", thế nhưng đến nay chưa có người dân nào ra "đầu thú" để "hưởng khoan hồng của công an Hà Nội".
Vậy ai là người phải "đầu thú" trong vụ này?
Qua theo dõi vụ Đồng Tâm từ khá sớm và tiếp xúc rộng rãi với bà con, thị sát thực địa, nghiên cứu các văn bản, từ quyết định 113 năm 1980 của Chính phủ (CP) giao 208 ha đất của hai huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức (trong đó có 47,6 ha thuộc xã Đồng Tâm - huyện Mỹ Đức) cho Bộ Quốc phòng (BQP) đến các văn bản trao đổi, giao ước giữa thành phố Hà Nội và Vietel, kết luận thanh tra của Thanh tra Hà Nội… có thể rút ra kết luận: Hầu hết thiếu sót, khuyết điểm là do sự quan liêu của BQP, sự sai phạm của Quân chủng Phòng không- không quân (QCPKKQ), sự lộng hành, vi phạm pháp luật, đối xử tàn tệ, vô lương tâm đối với dân Đồng Tâm của chính quyền Hà Nội. Hãy xem ai nên ra "đầu thú" qua những tình tiết này:
– Năm 1980, CP giao BQP 208 ha đất canh tác của dân để làm sân bay Miếu Môn. Sau không có nhu cầu làm sân bay, không thực hiện mục đích CP giao nhưng BQP không trả lại đất cho CP mà để QCPKKQ bỏ hoang, cho thuê "phát canh thu tô". Hành vi này của BQP, QCPKKQ là đúng hay sai? Đó là chưa nói số tiền cho dân thuê hơn 30 năm kia là bao nhiêu, ai hưởng? Rõ ràng các đời lãnh đạo CP, BQP, QCPKKQ từ năm 1980 đến nay phải "tự thú" mình đã quan liêu, thiếu sót mới phải. Thử hỏi hơn 36 năm qua, nếu để 208 ha đất cho dân khai thác thì sẽ làm ra bao nhiêu của cải, xóa đói, giảm nghèo cho bao nhiêu con người?
– CP giao 208 ha đất cho BQP làm sân bay, nay BQP tự tiện chuyển cho doanh nghiệp (Vietel) để kinh doanh thì có đúng thẩm quyền không? Ai phải "tự thú" về sai phạm này?
– Năm 2016, chính quyền Hà Nội giao kết với Vietel hợp tác, trong đó chính quyền HN có nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, lo các văn bản pháp lí… tức thành phố và Vietel là bên tranh chấp cánh đồng Sênh với dân Đồng Tâm nhưng lại không đối thoại, đo đạc, đưa ra bằng chứng cánh đồng Sênh là đất quốc phòng mà tự mình đứng ra kết luận bừa đó là đất quốc phòng. Như thế có đúng thẩm quyền không? Đây là vụ tranh chấp dân sự nhưng một bên (thành phố Hà Nội, BQP) cuối năm 2016 tự tiện huy động lực lượng vũ trang nhân dân (chỉ có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội) với 600 cảnh sát trang bị vũ khí đến "tận răng" trấn áp dân, bảo vệ mặt bằng cho Vietel xây công trình là đúng hay sai? Hành động này nếu không gọi là "cướp có vũ trang" thì gọi là gì?
– Ngày 15-4-2017, ba sĩ quan của BQP và toán công an về Đồng Tâm bảo bà con ra cánh đồng Sênh để xác định mốc giới nhưng đến mốc thứ 15-20 thì họ nói với cụ Kình bảo bà con về bớt,chỉ ít người ở lại "mới làm việc được". Sau khi cụ Kình cả tin, bảo bà con về, họ bất thình lình nổ hai loạt súng uy hiếp. Tên trung tá Trần Thanh Tùng, Phó Công an huyện Mỹ Đức đá cụ Kình văng 2 mét, làm cụ gãy hai đoạn xương đùi, rạn xương chậu rồi xốc nách cụ, quăng lên ô-tô. Họ còn bắt thêm 4 người nữa, chở cả về trụ sở công an ở số 7 Thiền Quang (Hà Nội) tra hỏi, đánh đập. Ba ngày sau, sợ cụ Kình chết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới cho đưa cụ từ Thiền Quang tới Bệnhviện 108 rồi Bệnh viện Việt Đức để chạy chữa, nay cụ Kình đã bị tàn phế, không thể đi lại bình thường. Sau hành vi côn đồ này, dân Đồng Tâm phẫn nộ, đã đưa hơn 38 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát, cán bộ huỵên Mỹ Đức được điều động tới trấn áp dân về giữ ở nhà văn hóa thôn Hoành để đòi công lí. Bà con đối xử, chăm nuôi cán bộ,chiến sĩ tử tế, được hầu hết cán bộ, chiến sĩ cảm ơn, một số còn nhắn gửi chính quyền Hà Nội hãy đối thoại với dân (tôi đã đọc bản tường trình của họ trước khi ra về). Đến nay, những tên lừa cụ Kình và dân làng, kể cả tên trung tá Trần Thanh Tùng vẫn "bình chân như vại". Vậy ở đây ai vi phạm pháp luật trước, ai là lưu manh,côn đồ, lộng hành, cần phải "đầu thú"?

clip_image002
Phim X quang cho thấy cụ Kình bị tên trung tá công an Trần Thanh Tùng đánh gãy xương đùi, rạn xương chậu

– Trong khi việc tranh chấp cánh đồng Sênh chưa ngã ngũ, huyện Mỹ Đức đã soạn bài vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cụ Kình và dân làng, phát trên hệ thống loa của cả huyện, riêng ở Đồng Tâm cứ 2 giờ lại phát một lần. Ai cho phép chính quyền dùng phương tiện công cộng để vu khống, xúc phạm công dân trong cuộc tranh chấp dân sự? Ai phải "tự thú" về hành vi lộng hành, bất chính, vi phạm pháp luật trắng trợn này?
– Ngày 13-6-2017, Công an Hà Nội khởi tố vụ án nhưng chỉ có nội dung về "hành vi bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản" mà không hề đề cập hành vi côn đồ, bắt cóc, xâm phạm sức khỏe, tính mạng cụ Kình và 4 người dân Đồng Tâm. Từ đầu tháng 8-2017, Công an Hà Nội, Cục Điều tra hình sự - BQP gửi 70 giấy triệu tập đến 70 người dân Đồng Tâm. Đây lại là hành vi lộng quyền nữa. Một trong hai bên tranh chấp dân sự nhưng không trao đổi, tranh luận, đưa ra bằng chứng đấu tranh hoặc mời cơ quan có thẩm quyền phán xét mà lại mượn quyền hành của mình để trấn áp bên kia thì có khách quan, có đúng thẩm quyền không? Ai phải thấy sai, thấy hèn, ai phải hối cải, "đầu thú" đây?
clip_image004
Cán bộ công an vái chào người dân Đồng Tâm khi rời khỏi nhà văn hóa thôn Hoành
– ĐồngTâm là xã bán sơn địa, nguồn sống chủ yếu dựa vào đồng ruộng, Xã có 2.572 hộ, 8.647 nhân khẩu, năm 1961 đã bị nhà nước lấy mất 300 ha đất làm trường bắn (năm 2011 BQP xin CP cho chuyển 176 ha đất trường bắn này làm sân golf), năm 1980 nhà nước lấy thêm 47,6 ha đất nông nghiệp làm sân bay Miếu Môn, nên nay đất sản xuất còn quá ít. Từ năm 1995, người đẻ ra không được phân ruộng nữa. Trong khi đó, BQP bỏ hoang 208 ha đất hơn 36 năm qua, tệ hơn nữa, còn bắt dân thuê lại chính mảnh đất từng của họ. Nay chính quyền Hà Nội và BQP lại muốn lấy nốt cánh đồng Sênh bằng vũ lực để kinh doanh? Ông Nguyễn Đức Chung còn tuyên bố dân không có quyền biết đất thu của dân dùng vào việc gì. Bí mật ư?Thời Pháp thuộc, ai bí mật cưu mang, nuôi nấng các cán bộ cộng sản? Thời chống Mỹ, những tiểu đoàn quân đội nương náu trong dân để luyện tập, chờ đi Nam thì có cần bí mật không? Họ từ đâu ra, được ai nuôi mà vô ơn, bất nhân, bất hiếu, bất nghĩa như thế?
Ai là người cần phải "tự thú" để hưởng lượng khoan hồng đây?
N.Đ.Â
(Tác giả gửi BVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét