Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

20171026. GS NGUYỄN ĐÌNH CỐNG BÀN VỀ NỀN TẢNG CỦA MACXIT

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHẤT ĐẤT SÉT CỦA ĐÁ TẢNG MACXIT

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 25-10-2017

Kết quả hình ảnh cho chủ nghĩa mác là gì

Phần lớn, nếu không phải tất cả, các lý thuyết, các học thuyết được xây dựng dựa vào một số tiên đề hoặc giả thiết khoa học (GT). Học thuyết Macxít cũng như vậy, nó được bắt đầu bằng một số GT. Các GT đó được Karl Marx (Mác) nghiên cứu, được trình bày như các chân lý, được một số người suy tôn thành các hòn đá tảng với ý nghĩa chúng vững chắc đời đời, làm nền móng cho việc xây dựng lâu đài học thuyết. Một số hòn đá tảng đó như: Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội; Vật chất có trước và quyết định ý thức; Tư bản bóc lột công nhân bằng giá trị thặng dư, v.v…
Tuy rằng Mác được một số đông người công nhận là khá thông minh, có người còn tôn sùng là thiên tài, nhưng vì sự hạn chế về nhận thức, sự thiên lệch về tình cảm, sự thiếu sót về phương pháp mà đã có một số nhầm lẫn tai hại. Tôi, tuy không chuyên nghiên cứu về triết học, cũng thấy được một số thiếu sót hoặc sai lầm trong các GT của học thuyết Macxit, tạm gọi đó là chất đất sét, để đối lại với đá tảng. Chủ nghĩa Mác được dựa trên những GT thiếu chính xác, không đáng tin cậy. Thế nhưng có một số người quá tôn sùng , cho rằng nó là cơ sở cho mọi nghiên cứu về tự nhiên, xã hội và con người, là kim chỉ nam cho mọi hành động. Nếu họ chỉ là nhà khoa học thì tác hại còn vừa phải, nhưng khi họ trở thành nhà chính trị và nắm chính quyền thì nguy hiểm vô cùng. Tôi viết một số bài về tính chất đất sét này. Rất mong nhận được sự phê phán của các học giả và những người quan tâm.
BÀI 1- VỀ BẢN CHẤT CON NGƯỜI
Nhiều nghiên cứu về triết học, xã hội và nhân văn thường bắt đầu bằng việc đánh giá, phân tích con người. Thuyết Tiến hóa cho rằng loài người từ vượn biến thành. Mác và nhiều người tin vào điều đó, nhưng có một số người khác, trong đó có tôi, không tin. Một số tôn giáo cho rằng con người do Thượng đế sáng tạo ra. Đạo Phật quan niệm con người trải qua nhiều kiếp luân hồi. Theo nhà khoa học người Nga là Munđasep thì loài người hiện nay là thế hệ thứ 5 trên Quả Đất. Mỗi thế hệ kéo dài vài chục triệu năm. Bốn thế hệ trước đã lần lượt xuất hiện và bị tiêu diệt. Nhưng họ không bị hủy diệt hoàn toàn mà còn sót lại nòi giống, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy vậy đối với sự tồn tại và phát triển thì câu hỏi về nguồn gốc không quan trọng bằng các vấn đề khác như bản chất, mục đích, động lực, quyền của con người.
Về bản chất con người, đã có nhiều công trình nghiên cứu, kể từ xưa cho đến tận bây giờ. Ở Hy Lạp cổ đại Socrat cho rằng “Con người không hề muốn hung ác tàn bạo”, Platon ghi nhận “Con người bị chi phối bởi lòng tham”. Ở Trung Quốc cổ đại, phái Nho gia cho rằng “Nhân chi sơ tính bổn thiiện”, ngược lại, phái Tuân Tử lại chủ trương “Nhân tính bổn ác”. Đạo Phật cho rằng trong mỗi con người đều có “Phật tánh”. Triết học Phương Đông nhận định “Nhân sinh tiểu vũ trụ”. Gần đây Edgar Morin, nhà triết học và nhân học của Pháp viết sách “Bản sắc nhân loại (L’ identité humaine)“, chủ yếu trình bày sự tạo dựng phức hợp của con người.
Tìm hiểu quan điểm NHÂN SINH TIỂU VŨ TRỤ tôi nhận thức rằng cả Vũ trụ và Con người tạo thành từ 2 phần là Vật chất và Tâm linh. Hai phần đó kết hợp chặt chẽ với nhau trong một thể thống nhất. Với con người, vật chất tạo nên thể xác, là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Tâm linh thuộc đối tượng nghiên cứu của Tôn giáo và một số môn huyền bí. Nhà khoa học thiên văn Trịnh Xuân Thuận nhận định: “Để phát triển, khoa học không cần đến tâm linh, cũng như tâm linh không cần đến khoa học. Nhưng với con người, để phát triển toàn diện cần hiểu biết cả hai”. Như vậy bàn về bản chất con người mà bỏ qua phần tâm linh là chưa toàn diện. Phần tâm linh bao gồm thông tin và năng lượng.
Tôi nghĩ rằng bản chất con người hình thành từ 2 nguồn: Tiên thiên và Hậu thiên. Tiên thiên là phần con người tiếp nhận trước khi sinh ra, nó được di truyền từ bố mẹ, giòng giống và từ nguồn tâm linh qua các thế hệ. Hậu thiên là phần tiếp thu được và hình thành trong cuộc đời, gồm một số thứ, trong đó có các quan hệ. Riêng về quan hệ (QH), tôi cho là có 4. Đó là 1- QH giữa người với tự nhiên; 2- QH giữa con người với nhau; 3- QH tự trong bản thân mỗi con người; 4- QH giữa con người và thế giới tâm linh.
Mác cho rằng “Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Quan niệm như vậy quá phiến diện, nó chỉ phản ảnh một phần nhỏ và hời hợt. Mác đưa ra kết luận vừa rồi trên cơ sở nghiên cứu xã hội và đặc biệt chịu ảnh hưởng của Thuyết tiến hóa. Nếu hiểu QH xã hội trong phạm vi hẹp thì Mác đã bỏ qua rất nhiều tính chất quan trọng thuộc bản chất con người. Có một số người mở rộng QH xã hội bao trùm lên cả QH với tự nhiên và QH với bản thân. Lại có người cho rằng QH xã hội bao gồm cả những vấn đề thuộc sinh học của con người. Dù cho cố tình mở rộng khái niệm QH xã hội để vớt vát thì vẫn không giúp Mác thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp.
Về sinh vật (trong đó có con người), bất kỳ một cái gì thuộc về chúng thì đó là kết quả sự kết hợp giữa 2 thứ là giống và môi trường, trong đó giống là quyết định và môi trường rất quan trọng. Thế nhưng Thuyết tiến hóa quá đề cao vai trò của môi trường mà hơi nhẹ về giống (Gène). Mác chịu ảnh hưởng này và có cái nhìn thiển cận về con người, ông tưởng rằng QH xã hội là môi trường chủ yếu, quyết định bản chất của con người.
Sự đánh giá, tuy không sai, nhưng quá thiển cận về bản chất con người đã dẫn Mác đến những nhầm lẫn về đánh giá giai cấp vô sản và tư bản. Mác đề cao quá mức vai trò của vô sản trong sự phát triển của xã hội sau thời kỳ tư bản. Những người Macxit lại quá sai khi cho rằng giai cấp công nhân là đại diện cho nền sản xuất tiên tiến và nâng lên thành giai cấp lãnh đạo.
Cách nhìn thiển cận về bản chất làm cho những người theo Mác coi trọng tập thể mà coi nhẹ cá nhân. Nó kết hợp với một số nhận định sai lầm khác về đấu tranh giai cấp (bài 3), về vai trò của lao động (bài 6) làm cho các đảng cộng sản cầm quyền để ra và thực hiện nhiều chủ trương đường lối sai lầm trong quản lý xã hội và phát triển kinh tế cũng như đường lối giáo dục và đời sống văn hóa.
Thế bản chất của con người là gì? Tuy có để tâm nghiên cứu nhưng tôi chưa đủ năng lực rút ra kết luận, xin nhường cho các học giả có trình độ cao về triết học. Tôi chỉ biết có nhận định rằng tính cách cơ bản nhất của con người là Tính tư hữu, con người luôn coi trọng, đề cao “Cái của tôi”. Trong bản chất của con người có cả hạt giống thiện và ác, một phần từ Tiên thiên, phần khác được gieo vào từ Hậu thiên. Thiện hay ác, nhân tố nào bị kìm nén, nhân tố nào phát triển là do chúng nhận được điều kiện từ môi trường. Trong xã hội Việt Nam hiện giờ môi trường chủ yếu là sự lãnh đạo toàn diện của ĐCS.
BÀI 2-  VẬT CHẤT VÀ Ý THỨC
Chủ nghĩa Mac Lênin (CNML) cho rằng vật chất và ý thức là 2 phạm trù cơ bản của triết học duy vật. Vật chất có trước và ý thức là phản ảnh năng động, sáng tạo của vật chất vào bộ não con người. Nhưng Mác, Ăngghen và cả Lênin đều đã phạm thiếu sót và nhầm. Những người theo CNML đã vận dụng điều trên vào thực tế, mang lại nhiều tác hại.
Trong bài 1 (Bản chất con người) tôi có viết về quan điểm Nhân sinh tiểu vũ trụ. Cả Vũ trụ và Con người được cấu tạo từ Vật chất và Tâm linh. Bản chất con người hình thành từ Tiên thiên và Hậu thiên. Với con người, vật chất tạo thành cơ thể. Hoạt động (HĐ) của cơ thể có 2 dạng: hữu thức và vô thức. HĐ hữu thức do chỉ huy của não, chúng quyết định sự khôn dại/thảnh bại của con người. HĐ vô thức không chịu sự chi phối của não, đó là hoạt động của nội tạng và các hệ sinh học, nó quyết định sức khỏe và sinh mệnh. Giữa hai dạng HĐ ấy có cầu nối là hô hấp. Thở là HĐ cả ở vô thức và hữu thức. Có thể dùng hữu thức để tập thở nhằm điều hòa một số HĐ vô thức, từ đó nâng cao sức khỏe, chữa bệnh tật.
Phần tâm linh của con người, nó được cấu tạo và hoạt động như thế nào còn khá bí ẩn, kể cả với khoa học hiện đại. Nhưng cũng đã có nhiều người cảm nhận được, nó gồm năng lượng và thông tin. Theo sách Bàn tay ánh sáng thì thông tin và năng lượng đó được chứa trong 7 tầng hào quang, bao bọc xung quanh và thâm nhập vào cơ thể. (Sách Bàn tay ánh sáng - Hand of ligth - do Lê Trọng Bổng dịch, NXB Văn hóa Thông tin phát hành năm 1996, tác giả là Barbara, một nhà khoa học người Mỹ, làm việc tại cơ quan nghiên cứu vũ trụ NASA).
Toàn bộ thông tin của con người, tạm gọi là Tâm Thức, gồm 2 phần: Ý thức và Tiềm thức. Ý thức thuộc hoạt động của não với sự tiếp nhận thông tin của 5 giác quan. Tiềm thức thuộc tâm linh, một phần có được từ tiên thiên, phần khác được tiếp nhận thông qua các trường hào quang. Duy thức luận của Phật giáo cho rằng tiềm thức được lưu giữ trong bộ phận gọi là Tàng thức. Giữa hoạt động của não và tiềm thức có sự trao đổi thông tin qua lại, trong đó sự chuyển từ não vào tiềm thức là chủ động, còn sự chuyển từ tiềm thức vào não là tự động (sự chuyển này tạo ra linh tính). Nhiều người nghiên cứu về Tâm thức cho rằng, nó như tảng băng trôi mà ý thức là phần nổi trên mặt nước, chỉ chiếm phần rất nhỏ bé, còn tiềm thức là phần chìm trong nước, gồm phần lớn của tảng băng. Tôi nghĩ rằng ý thức, ngoài các chức năng thông thường đã được biết thì còn làm cầu nối giữa thể xác và tâm linh, giống như hô hấp là cầu nối giữa HĐ hữu thức và vô thức. Duy thức luận cho rằng não chủ yếu là cơ quan điều hành, còn phần lớn những quyết định quan trọng của con người được hình thảnh từ Tâm thức.
Thiếu sót của CNML là dựa vào thành tựu của khoa học tự nhiên ở thế kỷ 19 nên chỉ mới biết ý thức có được từ 2 nguồn : tự nhiên và xã hội mà chưa biết đến tiềm thức của con người. Như thế là mới chỉ biết phần nổi của tảng băng, trong khi đó đã bỏ qua phần chìm rất lớn. Chỉ vì mới thấy được Ý thức, nó là một phần nhỏ của Tâm thức, là phần rất nhỏ của Tâm linh, rồi kết luận “Bản chất của thế giới là vật chất” là vội vàng. Khi xem xét vũ trụ cũng như con người được cấu thành từ vật chất và tâm linh thì không cần đặt câu hỏi cái nào có trước.
Từ kết luận vật chất có trước và quyết định ý thức dẫn tới nhiều sai lầm trong hành động. Đành rằng Lênin cho vật chất nói ở đây là phạm trù triết học, khác với vật chất thông thường, nhưng trong thực tế ít người để ý đến việc đó. Trong đấu tranh giai cấp điều người ta quan tâm trước tiên là quyền lợi vật chất. Trong phát triển xã hội người ta chú ý trước tiên đến lợi ích vật chất trước mắt. Người ta tôn sùng vật chất và bài bác tôn giáo, phủ nhận tâm linh, điều này gián tiếp làm đạo đức xuống cấp. Khi đạo đức xuống cấp thì xã hội bị hư hỏng từ gốc rễ. Đúng là CNML mang đến cho nhân loại lợi ít, hại nhiều.

BÀI 3- ĐẤU TRANH GIAI CẤP


Tuyên ngôn cộng sản năm 1848 viết rằng : “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp” (ĐTGC). Trong nhiều sách kinh điển của CNML viết : “ Trong xã hội có giai cấp, ĐTGC là động lực phát triển”. ĐTGC trở thành hòn đá tảng cơ bản của CNML.Trong thế kỷ 20 ĐTGC thực chất là cuộc đấu tranh do các thế lực cộng sản đề xướng và lãnh đạo quần chúng cần lao, chống lại những người giàu có và thống trị, nhằm tranh đoạt lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị. Cuộc đấu tranh này chủ yếu dùng bạo lực với phương châm một còn một mất nên rất quyết liệt và thảm khốc. Tạm thời ĐTGC có đem đến một chút quyền lợi và tinh thần cho cần lao, nhưng tác hại nó mang lại cho nhân loại là to lớn và toàn diện: về đạo đức, văn hóa, kinh tế, nhân mạng.
ĐTGC luôn đặt câu hỏi và tìm kiếm kẻ thù giai cấp trong thực tế và trong tư tưởng. Tìm cho ra để tiêu diệt cho hết. Mà phải dùng bạo lực để tiêu diệt theo phương châm “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Ở Việt Nam, trong những năm mà ĐTGC được đề cao, tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, văn nghệ sĩ rất hoảng sợ khi được cật vấn về lập trường giai cấp, ý thức giai cấp. Trong các nước do cộng sản thống trị, hàng chục triệu người đã bị giết một cách oan ức vì ĐTGC. Ở VN hiện nay, sự xuống cấp rất trầm trọng của đạo đức, sự hủy diệt tầng lớp tinh hoa, sự chia rẽ dân tộc chính là do ĐTGC mang lại. Trong CCRĐ và cải tạo tư sản không hiếm trường hợp con cháu chống lại ông bà cha mẹ chỉ vì để thế hiện tinh thần ĐTGC, thể hiện sự trung thành với ĐCS. Bài thơ của Tố Hữu kêu gọi “Giết, giết nữa…” và “đạp đầu lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp” thì rõ rồi. Gần đây tôi đọc thấy một bài báo không thể tin nổi, làm lạnh cá sống lưng. Bài báo viết rằng trong CCRĐ nhà thơ Xuân Diệu gọi cha mẹ mình là “ vợ chồng thằng Thu”. Không biết tcó đúng như thế không, không thể tin được. May sao đã có lời phản bác xác đáng của các nhà nghiên cứu (Xin xem bài Cần bác bỏ thông tin bịa đặt). Thở phào. Nhưng điều đó cũng cho thấy ĐTGC đã để lại một vết sẹo không lành trong tâm lý dân tộc.
Từ khi ra đời, đường lối ĐTGC tuy được một số đảng cộng sản (ĐCS) hưởng ứng, nhưng bị số đông nhân loại phản đối. Tuyên ngôn cộng sản công nhận điều đó bằng lời như sau: “Tất cả thế lực của Châu Âu cũ: Giáo Hoàng và Nga Hoàng , Mét-téc-ních và Ghi-dô, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức, đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó” . Bóng ma ở đây là phong trào cộng sản với chủ thuyết ĐTGC. Tất cả các thế lực liên hiệp lại để chống đối, để trừ khử nó, nhưng chưa trừ được mà nó vẫn phát triển. Nó phát triển được không phải vì đúng, vì tốt mà vì nó tạm thời có sức sống – căn bản là nó kích thích tham vọng bẩn thỉu bên trong con người trỗi dậy –, tạm thời còn che đậy được các độc hại, phô ra được những điều tuyên truyền tốt đẹp về tương lai, tạm thời lừa dối được, lôi kéo được một số người ủng hộ. Ở Châu Âu, Châu Mỹ sự phản đối ĐTGC vào cuối thế kỷ 19, đầu TK 20 là khá rõ ràng. Ở châu Á, năm 1922, Tôn Trung Sơn cho rằng, xem ĐTGC như động lực phát triển xã hội là một sai lầm lớn của Mác. Có thể Mác đã nhầm khi kết luận “Mâu thuẩn chủ yếu của xã hội là mâu thuẩn giai cấp”, từ đó mới đề ra ĐTGC. Tôi nghĩ hơi khác, rằng: “Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội là giữa tầng lớp thống trị và quần chúng bị trị”. Cuộc đấu tranh quan trọng nhất của nhân loại là “chống áp bức”. Chiến tranh là một dạng hung bạo của áp bức.
CNML có nói đến chống áp bức và bóc lột, Trong Tuyên ngôn CS có viết: “những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng”. Tuy vậy trong lúc tiến hành ĐTGC lại đề quá cao việc chống bóc lột, trong lúc đó chống áp bức quan trọng hơn. Chính vì không thấy rõ việc này nên chính quyền cộng sản đã thay sự áp bức này bằng sự áp bức khác.
Những người lãnh đạo ĐCS nói rằng ĐTGC nhằm mang chính quyền về cho giai cấp vô sản, nhưng thực tế không phải vậy. ĐCS nhờ giỏi tuyên truyền mà thu nhận được một số người có trình độ hiểu biết. Những người này có 2 loại: trung thực và cơ hội. Sau khi ĐCS giành được chính quyền, những độc hại của CNML dần dần lộ ra. Mọi người đều thấy, nhưng bọn cơ hội lợi dụng để mưu đồ lợi ích cho bản thân và phe nhóm, còn người trung thực tìm cách chống lại. Vì trung thực nên ít biết dùng thủ đoạn, vì thế chính quyền dần dần rơi vào tay bọn cơ hội. Bọn này thiếu trí tuệ nhưng có nhiều mưu mẹo, có nhiều thủ đoạn gian dối trong đấu tranh. Chúng tìm cách triệt hạ hoặc hạn chế những người không cùng quan điểm mà chủ yếu là những trí thức tinh hoa và trung thực, chúng tìm cách loại bỏ những người không cùng phe cánh, có xung đột quyền lợi. Chính quyền như vậy mà bảo rằng là của vô sản thì quá hài hước.

Như vậy ĐTGC ở VN cuối cùng mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ bọn cơ hội còn giai cấp công nhân vẫn tiếp tục bị áp bức và bóc lột, nông dân vẫn là những người bị thiệt thòi. Đất nước, nhân dân oằn mình gánh chịu thiên tai và nhân tai. Phần lơn nhân tai là kết quả trực tiếp hoặc gián tiếp của ĐTGC.

BÀI 4- GIÁ TRỊ THẶNG DƯ

Những người tôn sùng CNML cho rằng “Giá trị thặng dư” ( GTTD) là một phát hiện vĩ đại của Mác, là hòn đá tảng vững chắc trong học thuyết Kinh tế chính trị của CNML. Theo đó tư bản (TB) đã bóc lột công nhân (CN) bằng GTTD. Tóm lược về GTTD bằng công thức sau: M = GT – ( C + V )… (1) Trong đó M là giá trị thặng dư; GT là giá thành của hàng hóa; C là tư bản bất biến, gồm khấu hao công nghệ và chi phí cho nguyên vật liệu, năng lượng; V là tiền công trả cho CN để mua sức lao động. Mác cho rằng toàn bộ M là do lao động của CN tạo ra, bị TB chiếm
Thời trẻ, được học như trên, tôi thấy là đúng, nhưng rồi nhờ tiếp xúc được với các quan điểm khác nhau, nhờ chiêm nghiệm thực tế và đặc biệt nhờ việc dám tự suy nghĩ để phản biện mà phát hiện ra vấn đề sau: Trong toàn bộ bài được học, trong tất cả những tài liệu gốc của CNML đã đọc, tôi không thấy chỗ nào đề cập đến lao động của TB trong quá trình sản xuất. Khi nói về TB chỉ thấy các hành động bóc lột, cách làm tăng GTTD bằng kéo dài thời gian lao động của CN, rút ngắn thời gian lao động cần thiết, giảm giá trị của tư bản bất biến C. Không thấy chỗ nào TB trả công cho mình.
Khi công nhận công thức tính M ở trên là đúng thì toàn bộ M không phải chỉ do CN làm ra, nó gồm nhiều phần hợp lại. M = m1 +m2 +m3+… +mi. Trong đó m1 là công của nhà tư bản đóng góp vào quá trình sản xuất mà phần lớn là lao động trí óc, là lao động quản trị; m2 trả cho các công việc gián tiếp; m3 là phần do công nhân làm ra, bị tư bản chiếm đoạt, bị bóc lột. Như vậy không chỉ có công nhân làm ra M để bị bóc lột mà nhà tư bản, các nhà khoa học, nhà tổ chức và quản lý đều tham gia vào đó.
Gần đây tôi đọc được tài liệu của một vài tác giả đương đại về GTTD, với giải thich: M = m1 + m2 +… +m10+ m11+… (2). Trong đó các m như là : thuế, lạm phát, GTTD của lao động quá khứ, công và ý tưởng xây dựng công ty, chi phí mạo hiểm, công quản lý, công các lao động đặc biệt, trả tiền ăn học, trả công tạo việc làm, bóc lột CN. Kể ra lắm thứ như vậy, phải chăng tác giả tự nghĩ ra, để bù đắp sự thiếu sót của Mác (tôi không tán thành một số thứ trong đó).
Một cách hiểu khác, khi cho rằng M trong công thức (1) là GTTD mà TB bóc lột CN thì C và V cần được tăng lên bằng cách kể thêm một số mục trong công thức (2). Còn nếu khẳng định công thức (1) với mọi thuyết minh của Mác là hoàn toàn đúng thì rất khó để giải thích sự giàu có của những người kiểu như Bil Gate hoặc Nguyễn Thị Hòe.
Thực ra ở đây Mác đã có nhầm lẫn lớn. Mác nhầm vì bị hạn chế trong suy nghĩ, bị thiên lệch trong đánh giá. Mác quá yêu thương giai cấp CN và thành kiến với TB. Hình như Mác chưa từng làm kinh doanh, chưa hiểu hết công việc của nhà TB. Mác chỉ quan sát hiện tượng rồi suy luận hiện tượng người lao động làm thuê bị bóc lột là tương đối rõ. Bản chất của bóc lột gắn với bị áp bức. Những người Macxit cho rằng Mác đã vạch trần bản chất của bóc lột là GTTD. Đó chỉ là lời phụ họa một chiều vì quá tôn sùng, không dám nghi ngờ Mác.
Những người Macxit cho rằng giàu có là nhờ bóc lột, họ ra sức chống bóc lột, rất sợ mang tiếng bóc lột người khác, đến nỗi có thời kỳ dài các đảng viên ĐCSVN bị cấm thuê mướn nhân công.
Trong bài 3 (Đấu tranh giai cấp) tôi cho rằng chống bóc lột là cần, nhưng chống áp bức cần hơn, quan trọng hơn. Mà áp bức gắn với quyền lực, với sức mạnh. Mác nhìn thấy bất công của xã hội (rất nhiều người thấy chứ riêng gì Mác), nhưng vì bị thiên lệch như đã nêu nên suy luận nhầm. Mác cho rằng nguyên nhân chủ yếu của bất công nằm ở việc chiếm hữu tư liệu sản xuất, nằm ở mâu thuẩn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Nhìn đúng sự thật của xã hội Việt Nam bây giờ mới thấy rõ không phải như thế.
Riêng khái niệm chiếm hữu tư liệu sản xuất. Tôi chưa có điều kiện để tìm xem gốc gác của khái niệm chiếm hữu ở đây như thế nào. Trong tiếng Việt, khái niệm “chiếm” một cái gì thì cái ấy đã có, Như vậy những thứ quan trong thuộc tư liệu sản xuất như nhà máy, công nghệ thì TB không chiếm của ai cả mà phải tạo ra, phải trao đổi để có, họ không dùng sức mạnh để chiếm như kiểu chiếm thuộc địa.

Học thuyết GTTD do Mác tạo ra, được những người Macxit tôn sùng hàng trăm năm nay, tỏ ra đã bị nhầm. Xin đừng đem những thứ như thế để nhồi sọ những người nhẹ dạ cả tin / bị lệ thuộc vào thế lực cộng sản.


CHỦ NGHĨA MÁC CÒN LẠI NHỮNG GÌ ?

ĐẶNG XUÂN CANH/ BVN 4-11-2017

Chủ nghĩa Marx còn lại những gì? (Phần 1)


Giáo sư Nguyễn Đình Cống đã cho đăng một loạt 4 bài (Bản chất con người; Vật chất và ý thức; Đấu tranh giai cấp; Giá trị thặng dư) để chứng minh tính chất đất sét trong đá tảng của chủ nghĩa Marx-Lenin. Tôi xin bổ sung tiếp một bài “Chủ nghĩa Marx còn lại những gì?” để góp phần vào một khẳng định: “ Sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu xuất phát từ bản chất của học thuyết Marx”.
Bài có 3 phần, gồm:
1- Chủ nghĩa Marx là một hệ tư tưởng sai ngay từ đầu.
2- Tiên tri của Marx về xã hội cộng sản dựa vào một học thuyết giả khoa học.
3- Chủ nghĩa Marx còn lại những gì?
Đặng Xuân Canh
***
Phần 1
Chủ nghĩa Marx là một hệ tư tưởng sai ngay từ đầu
Để giải thích vì sao Đảng cộng sản Việt Nam kiên định Chủ nghĩa Marx – Lenin, ngày 29-12-2009, ICT News đã viết và đăng trên http://baomoi.comSau sự kiện chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, CNXH thế giới lâm vào thoái trào, trong nước ta có một số người hoài nghi về sự đúng đắn của chủ nghĩa Marx-Lenin. Có thể nói chưa bao giờ chủ nghĩa Marx-Lênin lại đứng trước những thử thách nghiêm trọng như hiện nay. Nhưng sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình CNXH trong quá trình đi tới mục tiêu xây dựng XHCN. Nó không đồng nhất với sự cáo chung của CNXH với tư cách một lý tưởng, một mục tiêu, một chế độ xã hội kiểu mới thuộc về hình thái kinh tế xã hội Cộng sản chủ nghĩa.
Viện Triết học thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, ngày 09-01-2016, đã viết bài “Giá trị thời đại của triết học Marx“ đăng trên http://philosophy.vass.gov.vnChúng ta không cố tình biện hộ cho những thất bại của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, cũng không lảng tránh trách nhiệm trước lịch sử. Nhưng những sai lầm đó không xuất phát từ bản chất của học thuyết Marx về chủ nghĩa xã hội mà bắt nguồn từ sự vi phạm những nguyên tắc biện chứng của chủ nghĩa Marx trong quá trình xây dựng và ứng dụng mô hình hiện thực của chủ nghĩa xã hội.
Để chứng minh thất bại của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu và sự thoái trào của CNXH thế giới không phải chỉ là sự sụp đổ của một mô hình mà xuất phát từ chỗ chủ nghĩa Marx là một hệ tưởng sai ngay từ đầu, nhà nghiên cứu Richard Pipes, trong bài “Chủ nghĩa Marx là một giấc mộng hão huyền vĩ đại nhất thế kỷ 20“ đã phân tích như sau (*):
Từ năm 1917, sau khi những người Bolshevik cướp được chính quyền ở nước Nga, đã mưu toan xây dựng xã hội theo các nguyên tắc cộng sản trên khắp thế giới. Nhưng rồi tất cả các cuộc thí nghiệm đó đều đã thất bại. Chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ ngay tại nước Nga. Còn hôm nay nó chỉ tồn tại trong vài nước: Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba. Ở những nước này, nó đang trong quá trình phân rã. Các đảng cộng sản cầm quyền đã phải nhượng bộ rất nhiều nguyên tắc cộng sản để giữ chính quyền khỏi sụp đổ. Tại sao vậy?
Trước hết, hãy tìm nguyên nhân về sự tan rã của Liên Xô là nhà nước cộng sản đầu tiên và cũng là động cơ chủ yếu của toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế, từ các tiền đề và cương lĩnh cộng sản của nó.
Các kết quả nghiên cứu được công bố sau năm 1991 đã đưa ra hàng loạt nguyên nhân: do kinh tế trì trệ, do công dân Liên Xô đã có điều kiện tiếp xúc với nguồn thông tin nước ngoài, do thất bại ở Afghanistan, do không đủ sức theo đuổi cuộc chạy đua vũ trang, do chính quyền bất lực trước phong trào bất đồng chính kiến trong nước, do phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan làm suy sụp tinh thần của ban lãnh đạo Liên Xô, v.v. Tất cả các nguyên nhân đó đều có thật, nhưng chúng chỉ có thể tác động mạnh đối với một cơ thể ốm yếu chứ không thể làm sụp đổ một đế chế Liên Xô lúc ấy còn nhiều tiềm lực. Vậy thì tại sao? Đó là vì chủ nghĩa Marx, cơ sở lý luận của chủ nghĩa cộng sản đã mang sẵn trong mình hạt giống của sự tự hủy: Chủ nghĩa Marx hình thành trên một triết lý sai lầm về lịch sử và một học thuyết tâm lý phi thực tế. Có thể kể ra như sau:
1. Luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Marx về sở hữu tư nhân là hoàn toàn sai. Luận điểm của Marx cho rằng sở hữu tư nhân là một hiện tượng nhất thời, chỉ tồn tại trong giai đoạn chuyển tiếp giữa chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy và giai đoạn sau chót của nó. Nhưng các chứng cứ hiện có lại chứng tỏ đất đai là nguồn gốc chủ yếu của tài sản vào thời tiền sử, đều nằm trong tay các Vua, Chúa hoặc nằm trong tay các bộ lạc, các gia đình hoặc cá nhân. Gia súc, thương mại, vốn liếng có ở khắp nơi và luôn luôn trong tay tư nhân. Từ đó có thể kết luận rằng sở hữu tư nhân không phải là hiện tượng nhất thời mà là một thành tố thường trực của xã hội và chủ nghĩa Marx cố gắng bãi bỏ, tiêu diệt nó là sai lầm.
2. Quan điểm của chủ nghĩa Marx về khả năng cải tạo bản chất của con người để phù hợp với chủ nghĩa cộng sản cũng là một sai lầm và đã thất bại. Quan điểm của Marx cho rằng dùng cưỡng ép giáo dục có thể tạo ra những con người mà trước Marx, Platon đã từng mong muốn là tạo ra “con người mà riêng tư và tư hữu bị loại bỏ ra khỏi đời sống“,trở thành con người không còn ước mơ sáng tạo, con người sẵn sàng tan biến vào xã hội. Giả sử các chế độ cộng sản có cố gắng làm được điều đó thì họ cũng không duy trì được kết quả. Các chuyên gia luyện thú đều thấy rằng sau một thời gian luyện tập, các con thú có thể làm được một số trò nhưng để chúng trở lại môi trường tự do thì chúng sẽ trở lại các hành vi tự nhiên. Mặt khác các đức tính có được do cưỡng ép giáo dục không có tính di truyền. Thế hệ kế tiếp sẽ bước vào thế giới với những ước mơ không phải là cộng sản. Vì thế các đảng cộng sản (trong đó có Đảng cộng sản Việt Nam) đã nhiều năm chủ trương đào tạo “con người mới xã hội chủ nghĩa“ mà không làm được. Cuối cùng chủ nghĩa cộng sản đã thất bại vì nó không thể làm thay đổi bản chất con người để phù hợp với nó.
3. Tính chất của thế giới hiện thực buộc các chế độ cộng sản phải coi bạo lực là biện pháp quản lý thường trực. Muốn bắt người ta từ bỏ cái người ta được sở hữu và hy sinh quyền lợi của mình cho quyền lợi của nhà nước cộng sản thì phải trao cho các cơ quan quản lý các quyền lực tuyệt đối. Lênin cũng hiểu như vậy nên ông nói:
“Chuyên chính vô sản là một chính quyền dựa trực tiếp vào bạo lực, không bị hạn chế bởi bất cứ luật lệ nào, không bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc nào“.
Điều 4 Hiến pháp và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam chính là các sản phẩm chuyên chính vô sản đã được Việt Nam hóa. Sau khi Liên Xô sụp đổ, một số chính quyền cộng sản dựa vào bạo lực đã kéo dài được sự tồn tại với cái giá phải trả là sự đau khổ kéo dài của nhân dân, đồng thời đã làm tiêu ma mục đích mà Marx mong muốn là đem lại sự bình đẳng cho mọi người dân.
Chuyên chính vô sản dựa vào bạo lực đã tự tạo ra một giai cấp mới, đó là “các đảng viên có chức quyền ở các cấp của đảng cộng sản“, và đảng bây giờ trở thành giá trị tự thân và mục đích tự thân.
Lúc này, “Đảng tức Nhà nước“ không còn cách nào khác là phải nuông chiều “giai cấp mới“ vì nó là lực lượng bảo vệ quyền lực cho đảng. Tầng lớp quan liêu phát triển nhanh chóng. Lý do là tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có kinh tế, đều do nhà nước quản lý. Để làm được việc quản lý phải có đội ngũ quan chức quan liêu đông đảo làm những “con dê tế thần“. Các chính quyền cộng sản cung cấp cho họ những khoản ưu đãi đặc biệt và từ tầng lớp này đã hình thành một giai tầng đặc quyền đặc lợi thế tập. Từ đây, lý tưởng bình đẳng của Marx đã chấm dứt, vì muốn mọi người đều bình đẳng về sở hữu nhưng lại tạo ra bất bình đẳng về quyền lợi. Mâu thuẫn giữa mục đích và phương tiện như thế đã bén rễ ngay trong lòng chủ nghĩa cộng sản và trong đời sống ở các quốc gia do đảng cộng sản độc quyền cai trị và làm ruỗng nát cơ thể của đảng.
4. Khẩu hiệu “Vô sản các nước liên hiệp lại“ đã được Marx và Engels kêu gọi trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, nhưng sự thống nhất của giai cấp vô sản không thể nào đặt cao hơn tình quê hương và giống nòi. Với bất kỳ nước nào, hễ bị nước ngoài đe dọa thôn tính thì tất cả các giai cấp trong nước lập tức đoàn kết lại.
Những khiếm khuyết kể trên vốn thuộc về bản chất của chủ nghĩa cộng sản và đó là lý do đã xuất hiện “chủ nghĩa xét lại“ chủ nghĩa Marx.
5. Chế độ cộng sản ở các nước đều làm theo thiết kế của Lênin, xây dựng bộ máy quản lý theo mô hình quân đội,tất cả đều chịu sự chỉ huy từ trung ương. Cơ cấu tổ chức như vậy có thể thích hợp với thời chiến nhưng kém hiệu quả trong xây dựng ở thời bình. Nó trở thành xơ cứng, tự tạo ra mối đe dọa nội tại là sự bàng quan và tính thụ động của quần chúng, dẫn đến sự tụt hậu liên tục về kinh tế và khoa học kỹ thuật.
Muốn khắc phục tình trạng này phải nới lỏng các biện pháp quản lý. Nhưng một khi nới lỏng quản lý thì toàn bộ chế độ sẽ lung lay vì nó vốn là một hệ thống hoàn chỉnh. Do vậy, khi Gorbachev cải cách, nới lỏng một chút, lập tức chế độ Xô Viết bị rạn nứt rồi sụp đổ. Các nhà lý luận của Đảng cộng sản Việt Nam vu cho Gorbachev làm sụp đổ Liên Xô là sự vu cáo thiếu biện chứng, thiếu trí tuệ. Sự thật chế độ cộng sản là một chế độ không có khả năng thích nghi với những điều kiện đã thay đổi. Nó là một chế độ không thể cải tạo. Chính sự thiếu năng động, vốn thuộc bản chất của chủ nghĩa cộng sản, cuối cùng đã dẫn nó đến sụp đổ.
Đến đây có một câu hỏi: Vì sao chủ nghĩa Marx có nhiều khiếm khuyết về bản chất như thế lại có thể chi phối gần một nửa thế giới trong gần một thế kỷ vừa qua?
Ở đây phải kể đến vai trò của hệ tư tưởng điều khiển, dẫn dắt các phong trào cộng sản. Đó là học thuyết do Marx đề xướng ở thế kỷ thứ 19, khi chủ nghĩa tư bản ở thời kỳ hoang dã, tích lũy tư bản nguyên thủy. Học thuyết này tạo ra một huyền thoại về thiên đường dưới trần gian và chiến lược đưa thiên đường đó về trái đất, được Lênin áp dụng lần đầu vào cuộc sống. Hệ tư tưởng đó đã được một số trí thức hưởng ứng và truyền bá rộng trong số những người mong muốn có sự thay đổi cuộc sống nhưng thiếu kiến thức để thực hiện. Một cuộc khảo sát ở Liên Xô vào năm 1922, sau khi đảng Bolshevik cầm quyền cho thấy chỉ có 0,6% đảng viên đã qua bậc đại học, 6,4% đã qua bậc trung học, 92,7 % đảng viên không đủ kiến thức để hiểu chủ nghĩa Marx và các nhiệm vụ của họ phải làm, 4,7% đảng viên hoàn toàn mù chữ. Trong buổi đầu chưa cướp được chính quyền, các đảng cộng sản thường ít đảng viên. Họ luôn luôn bị săn đuổi. Họ chịu nhiều nguy hiểm chứ chưa có quyền lợi gì. Nhưng sau khi đảng đã chiếm được chính quyền thì khác. Khi đảng có quyền phân chia quyền lợi đã chiếm được và quyết định các hình thức thưởng, phạt thì các đảng có vô số cảm tình viên ủng hộ hệ tư tưởng cộng sản thống trị xã hội, vào đảng để kiếm chác địa vị và tiền. Đối với họ, hệ tư tưởng chỉ là tấm vải khoác ngoài nhằm che đậy bản chất thật của chế độ. Quyền lực và sự tồn vong của đảng mới là mục đích chính. Vì thế đối với họ, chỉnh huấn tư tưởng, phê bình, tự phê bình chỉ là những việc làm vô tích sự. Tư tưởng cơ hội này đã bộc lộ rõ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Những kẻ thuộc giai tầng đặc quyền đặc lợi của Liên Xô lập tức từ bỏ hệ tư tưởng Mác xít, lợi dụng “tư hữu hóa“ để thu vén cá nhân, biến tất cả tài nguyên và các phương tiện sản xuất của đất nước thành tài sản riêng của họ.
Các cuộc thí nghiệm xã hội cộng sản không tưởng đã đưa đến cái chết cho khoảng 85 đến 100 triệu người, nhiều gấp 1,5 lần số người chết trong cả 2 cuộc thế chiến. Vậy mà, sau khi gây ra những cuộc chém giết đẫm máu vẫn chưa thấy thiên đường, những kẻ cuồng tín cộng sản vẫn còn trâng tráo biện hộ cho Marx “nếu không có các cuộc thử nghiệm cách mạng như thế, làm sao biết được mô hình xã hội của Marx là đúng hay sai“! Những người còn sống không chịu ở yên dưới ách cai trị độc tài của cộng sản thì bị đàn áp, bị bị tù đày. Họ thường là những người có năng lực và tháo vát nhất. Kết quả đã diễn ra cuộc tiến hóa giật lùi: những người tháo vát, trung thực thì bị hại. Những kẻ chỉ biết gọi dạ bảo vâng thì có xác suất tồn tại cao nhất. Xã hội cộng sản vì thế tự đánh mất những người con ưu tú, nên cứ lún sâu mãi trong cảnh đói nghèo.
Mong muốn có sở hữu thuộc về bản năng con người, còn muốn có sự tôn trọng tài sản của người khác thì phải được giáo dục. Nếu một ai đó phát hiện ra rằng quyền sở hữu của anh ta không được tôn trọng thì anh ta rất có thể trở thành người truyền bá những bản năng tham tàn nhất. Điều này đã xảy ra sau khi chế độ cộng sản ở Liên Xô sụp đổ. Ở những nơi đó, nó đã cản trở quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường thực thụ, một nền kinh tế dựa trên sự tôn trọng quyền tư hữu.
(*) “Tổng kết chủ nghĩa cộng sản“ của Richard Pipes, Talawas tháng 9-2007

Phần 2
Tiên tri của Marx về xã hội cộng sản dựa vào một học thuyết giả khoa học
Khi Karl Marx còn sống, học thuyết về quy luật tiến hóa sinh vật của Darwin đã gây nguồn cảm hứng sâu sắc đối với Marx, để từ đó Marx suy đoán quy luật tiến hóa xã hội loài người, sẽ từ cộng sản nguyên thủy tiến hóa dần đến một xã hội cộng sản mà ở đó không còn giai cấp, không còn người bóc lột người, không còn nhà nước, bình đẳng tuyệt đối giữa người và người, của cải dồi dào đến mức mọi người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Có lẽ vì vậy, trước mộ của Marx ở nghĩa trang Highgate - London, Engels đọc điếu văn, đã ví Marx là “Darwin của khoa học xã hội“.
Không may cho Marx, học thuyết tiến hóa sinh vật của Darwin mà Marx dựa vào, đã và đang bị nhiều nhà khoa học trong giới khoa học sinh vật, sinh hóa, cổ sinh học phê phán là một học thuyết giả khoa học.
Trang New Scientist, chuyên đề “Cuộc khủng hoảng mang tên thuyết tiến hóa“ đã đăng bài “Darwin sai ít nhất ở 9 luận điểm chính” sau đây:
1- Thuyết Darwin sai với Quy luật tạo sinh
Louis Pasteur, nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực vi sinh vật học đã tuyên bố:” Sự sống phải bắt nguồn từ sự sống“, theo đó, hiểu đơn giản thì con cái phải do cha mẹ sinh ra. Một sinh vật có ý thức, dù là một tế bào đơn giản nhất cũng không thể được tạo ra từ sự kết hợp ngẫu nhiên của những nguyên tử hóa học vô thức (do Darwin tưởng tượng). Đó là một định luật đã được Pasteur chứng minh bằng thực nghiệm, có tên là Định luật tạo sinh (The law of biogenesis).
2- Darwin đã để “một khoảng trống hoàn toàn“ trong thuyết tiến hóa của ông
Tế bào nhân sơ (do Darwin tưởng tượng) không tiến hóa lên tế bào nhân chuẩn qua đột biến mà qua dị hợp cộng sinh (symbiosis). Sự kiện các vi khuẩn đơn bào tiến hóa thành những tế bào lớn hơn và phức tạp hơn chúng gấp trăm lần là một khoảng bị bỏ trống trong thuyết tiến hóa của Darwin. Nhà sinh vật học Jonatthan và nhà toán học William Dembski kết luận: Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy có những dạng sống đơn giản hơn mà từ nó nhân sơ tiến hóa thành.
3- Tưởng tượng của Darwin hoàn toàn ngược với những lưu trữ hóa thạch về sự bùng nổ sự sống trong kỷ Cambri
Cách đây khoảng 530 triệu năm đã xuất hiện đột ngột hầu hết các nhánh động vật chính mà các lưu trữ hóa thạch đã chứng minh. Trước đó hầu hết các sinh vật chỉ là những cá thể đơn giản. Chỉ trong vòng 70 đến 80 triệu năm, sự tiến hóa gia tăng với một tốc độ ngạc nhiên và bí ẩn. Darwin đã từng ghi trong cuốn sách Nguồn gốc các loài của ông rằng sự hóa thạch trong kỷ Cambri đã đặt ra một mâu thuẫn đối với thuyết tiến hóa của ông vì thuyết tiến hóa của Darwin nói ngược lại rằng sự tiến hóa diễn ra từ từ từng tí một và trải qua một quãng thời gian vô cùng dài.
4- Thuyết tiến hóa của Darwin không có các mắt xích kết nối trung gian
Chính Darwin nói: Số lượng các hình thái trung gian phải đã từng tồn tại trên trái đất với số lượng rất lớn. Tại sao không thể tìm thấy chúng trong các lớp địa tầng? Giáo sư Stephen J. Gould của đại học Harvard cho biết: Mọi nhà cổ sinh vật học đều biết rằng các lưu trữ hóa thạch chứa đựng rất ít các dạng sinh vật trung gian. Quá trình chuyển đổi giữa các nhóm chỉ có thể nói là xảy ra một cách đột ngột.
5- Thuyết Darwin ngược với tính cố định, không thay đổi của sinh vật
Tính cố định (stasis) của hầu hết các giống loài hóa thạch xuyên suốt quá trình tồn tại lâu dài của nó như được thấy trong địa chất đã được tất cả các nhà cổ sinh vật học công nhận một cách hiển nhiên. Điều này trái với thuyết Darwin, nhưng chưa được nghiên cứu chi tiết.
6- Không như tưởng tượng của Darwin, chưa có bằng chứng nào cho thấy thông tin có thể tiến hóa thông qua đột biến.
Norbert Weiner, giáo sư Toán học của đại học MIT, được coi là cha đẻ của ngành điều khiển học (cybernetics) khẳng định: Thông tin trong DNA là thông tin. Thông tin không phải là vật chất hay năng lượng. Chủ nghĩa vật chất nào thất bại trong việc nhận thức điều này sẽ không thể sống sót nổi một ngày. Thông tin không phải là vật chất nhưng nó có thể được chuyển tải thông tin thông qua vật chất. Chưa có bằng chứng nào cho thấy thông tin có thể tiến hóa hay cải tiến thông qua đột biến. Do đó không thể nào tin rằng có thể xảy ra sự tiến hóa ngẫu nhiên và mù quáng.
7 – Đấu tranh sinh tồn không phải là động lực chính cho tiến hóa sinh vật như Darwin nghĩ
Các nhà khoa học tại đại học Bristol cho rằng “không gian sinh sống“ mới là động lực chính cho tiến hóa sinh vật. Các nghiên cứu đã nêu ra rằng những thay đổi lớn trong tiến hóa đã xảy ra khi động vật di chuyển đến một không gian sinh sống mới, chưa bị chiếm cứ bởi những động vật khác.
8- “Cây sự sống“ của Darwin không diễn tả đúng thực tế
Eric Bapteste, nhà sinh vật học của đại học Pierre & Marie Curie của Pháp cho rằng “Chúng ta không có bằng chứng nào chứng minh cái cây sự sống của Darwin là một hiện thực“. Những thí nghiệm di truyền trên vi khuẩn, cây cối và động vật ngày càng tiết lộ rằng các loài khác nhau lai hợp nhiều hơn chúng ta từng nghĩ. Điều này có nghĩa là thay vì các giống loài chỉ đơn giản truyền thừa xuống giống nòi riêng rẽ của nó, nó còn trao đổi, lai tạp với những nhánh tiến hóa khác. Kết quả là một bụi rậm sự sống phức tạp hơn nhiều so với cái gọi là “cây sự sống“ của Darwin.
9 - Người không tiến hóa từ vượn như Darwin tưởng tượng ra
Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho biết quan niệm cho rằng DNA của vượn giống DNA của người đến 99% không còn đúng nữa, hiện nay con số này chỉ là 93%. Có những khác biệt lớn xảy ra ở cấu trúc cơ thể, não bộ, trí khôn, hành vi giữa người và vượn.
Căn cứ vào đâu để nói thuyết tiến hóa của Darwin là giả khoa học?
Trong cuốn “Sự tiến hóa của sinh vật“, do NXB sách báo hàn lâm ở New York xuất bản năm 1977, Pierre Paul Grassé, nguyên Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Pháp, nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học tiến hóa của đại học Sorbonne – Paris (*)là người trong nghề đã cho rằng thuyết tiến hóa của Darwin là giả khoa học vì nó không phản ánh lý thuyết khoa học và đã có những căn cứ thực tế sau đây:
- Thuyết tiến hóa của Darwin là một lý thuyết hoàn toàn vô bằng chứng, thậm chí có nhiều bằng chứng giả mạonhưng lại đóng vai trò một khoa học chính thống.
- Trong thuyết tiến hóa, những tiên đề ẩn giấu trong những phép ngoại suy tùy tiện, thường là thiếu căn cứ, tạo ra một thứ giả khoa học. Nó làm cho nhiều nhà sinh hóa và sinh học tin rằng sự đúng đắn của các khái niệm nền tảng đã được chứng minh rồi, làm cho họ lầm đường khi họ tin vào những giả định của thuyết tiến hóa nhự một tiên đề. Ví dụ một giả định có trong thuyết tiến hóa là: “sự đột biến làm cho sinh vật biến đổi dần dần từng tí một, sau một thời gian tích tụ thành một biến đổi lớn, biến loài này thành loài khác, tức là tiến hóa“. Các nhà tiến hóa coi giả định đó của Darwin là một tiên đề, một sự thật hiển nhiên không cần bàn cãi. Từ tiên đề ấy, họ đưa ra những suy diễn tưởng tượng và những từ ngữ hàn lâm làm cho nhiều người tưởng lầm là một khoa học. Kèm theo những suy diễn đó còn là những hình vẽ tưởng tượng, những bằng chứng giả mạo, trở thành một thứ giả khoa học.
Pierre Paul Grassé khuyến khích mọi người, nhất là những người đang tin vào thuyết tiến hóa của Darwin, nên biết một sự thật là hầu hết những bằng chứng mà thuyết tiến hóa đưa ra trong hơn 150 năm qua đã bị chứng minh là sai, có nhiều bằng chứng là giả mạo.
Pierre Paul Grassé giải thích: Bất kể số lượng đột biến có thể nhiều đến đâu chúng cũng không tạo ra một dạng tiến hóa nào. Đó là vì chúng bị xóa bỏ bởi chọn lọc tự nhiên. Như vậy có nghĩa là chính chọn lọc tự nhiên (thuyết của Darwin) sẽ loại bỏ những đột biến, vì hầu hết đột biến gây bất lợi cho sinh vật. Đây là điều hoàn toàn phù hợp với thực tế và chính vì vậy đột biến không dẫn đến tiến hóa. Ngày nay khoa học đã có nhiều khám phá mới, sự thật ngày càng được sáng tỏ, số lượng các nhà khoa học phản đối thuyết tiến hóa của Darwin ngày càng nhiều.
Trong cuốn “Bác bỏ chuyện hoang đường của học thuyết Darwin“ (Darwinism: the Refutation of a Myth) xuất bản năm 1987 tại Beckingham - Kent, nhà sinh học Đan Mạch nổi tiếng Soren Lovtrup đã chỉ ra: Thuyết tiến hóa nói bò sát biến thành chim. Nếu đúng vậy phải có sinh vật trung gian là bò-sát-chim, một loại bò sát mọc cánh để tiến tới bay. Nhưng cánh của bò-sát-chim (hay chim-bò-sát) mới nhú ra đã trở thành vật cản, một bộ phận vướng víu, một thứ vô dụng đối với con vật, làm khổ con vật. Chọn lọc tự nhiên sẽ phải hủy bỏ cái cánh vô dụng đó, thay vì thúc đẩy nó phát triển. Hóa ra chọn lọc tự nhiên lại chống lại sự “tiến hóa“ mà Darwin tưởng tượng. Nói cách khác, chính lý thuyết của Darwin chống lại Darwin.
Adam Sedgwick, cha đẻ của địa chất học hiện đại, người đầu tiên khám phá ra những hóa thạch của “kỷ Cambri“ chỉ rõ: Bằng chứng hóa thạch của kỷ Cambri cho thấy hầu hết các sinh vật ta thấy ngày nay đều ra đời gần như đồng thời cùng một lúc. Đó là bằng chứng mạnh mẽ bác bỏ học thuyết Darwin.
Quá trình tiến hóa chỉ được tiết lộ thông qua những sinh vật hóa thạch. Vì vậy kiến thức về cổ sinh học là điều kiện tiên quyết. Chỉ cổ sinh học mới có thể cung cấp những hóa thạch đó như là bằng chứng và tiết lộ cho chúng ta biết quá trình hoặc cơ chế của tiến hóa. Trong thuyết tiến hóa, Darwin đã biến những phỏng đoán, những giả định của ông thành những nguyên lý tổng quát mà không có bằng chứng thực tế nào đủ tin cậy để từ đó quy nạp thành những kết luận mang tính định luật.
Tại sao một học thuyết đã bị nhiều nhà khoa học phản bác như thế vẫn còn hiện diện ở nhiều trường đại học và trong giáo trình về chủ nghĩa Marx-Lenin ở Việt Nam?
Học thuyết Marx ra đời vào cuối những năm 40 của thế kỷ 19. Thuyết tiến hóa sinh vật theo con đường chọn lọc tự nhiên của Darwin (và Alfred Wallace) ra đời vào năm 1859. Ở thời điểm đó, thuyết tiến hóa của Darwin được nhiều nhà khoa học chấp nhận, đưa vào giảng dạy trong nhiều trường đại học. Chỉ đến cuối thế kỷ 20, khoa học mới có nhiều phát minh mới, có thể bác bỏ thuyết tiến hóa của ông. Vì giả thuyết của Darwin đang thịnh hành nên việc sửa đổi nó không thể một sớm một chiều.
Đối với các bạn đọc không phải là những nhà cổ sinh học, nói về thuyết Darwin có thể giúp gì cho bạn?
Bài này không nhằm mục đích giới thiệu với các bạn về học thuyết Darwin mà nhằm hỗ trợ tài liệu để các bạn tự xét học thuyết Marx được xây dựng dựa vào một học thuyết giả khoa học như thế có đáng tin cậy không.
(*) Pierre Paul Crassé còn là tiến sĩ danh dự của đại học Brussels và đại học Ghent (Bỉ), đại học Basel (Thụy Sĩ), đại học Bonn (Đức), đại học Madrid, đại học Barcelona (Tây Ban Nha), đại học São Paulo (Brazil), là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học New York, Viện sĩ Viện hàn lâm Hoàng gia về khoa học và nghệ thuật của Bỉ.

Phần 3: Chủ nghĩa Marx còn lại những gì?
Tư bản (Das Kapital) của Marx là tác phẩm nền tảng của chủ nghĩa cộng sản. Đó là một tác phẩm kinh điển đỉnh cao của Marx, xuất bản tại Đức năm 1867. Trong cuốn sách này Marx đã vạch ra mô hình về sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản và giải pháp của Marx. Marx coi đó là cuốn kinh thánh của giai cấp công nhân. Ông hy vọng cuốn sách đó sẽ giáng một đòn lý thuyết chí mạng vào giai cấp tư sản khiến nó không thể sống được.
Mô hình của Marx vạch ra rằng chủ nghĩa tư bản luôn luôn có xu hướng khủng hoảng nên chắc chắn nó sẽ tự diệt vong và đem lại niềm tin rằng chế độ tư bản chủ nghĩa phải bị lật đổ và thay thế nó bằng chủ nghĩa cộng sản. Nói đến chủ nghĩa Marx không thể bỏ qua cuốn Tư bản. Nội dung cơ bản của mô hình Marx là:
1- Thuyết giá trị lao động
Marx đã phát hiện ra hệ thống Ricardo phù hợp với mô hình của ông diễn tả sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Trong hệ thống của Ricardo, lao động đóng vai trò then chốt trong việc xác định giá trị. Giá trị của hàng hóa phải tương ứng với số giờ lao động bình quân được dùng để làm ra hàng hóa đó.
2- Học thuyết giá trị thặng dư
Marx gọi lợi nhuận và lợi tức là giá trị thặng dư. Đó là một bước logic ngắn gọn để kết tội các nhà tư sản là kẻ bóc lột lao động. Marx đã đưa ra một công thức toán học cho học thuyết giá trị thặng dư của ông là: Tỷ lệ lợi nhuận “p“ (hay tỷ lệ bóc lột lao động) bằng giá trị thặng dư (s) chia cho giá trị sản phẩm cuối cùng (r).
Công thức toán học đó được viết là: p = s / r (công thức a).
Ví dụ: nhà sản xuất thuê công nhân sản xuất váy rồi bán váy với giá 100 USD / mỗi sản phẩm. Lao động chỉ có giá 70 USD / mỗi sản phẩm. Ở ví dụ này, tỷ lệ bóc lột là: p = 30 / 100 = 0,3 = 30%.
Marx chia giá trị sản phẩm cuối cùng thành hai dạng tư bản là tư bản bất biến (C) và tư bản khả biến (V) . Tư bản bất biến đại diện cho nhà xưởng và máy móc thiết bị sản xuất. Tư bản khả biến là chi phí nhân công. Từ đó Marx đưa ra phương trình toán về tỷ lệ lợi nhuận của nhà tư sản thu được là: p = s / [ V + C ] (công thức b).
Marx cho rằng lợi nhuận và sự bóc lột của nhà tư sản được tăng thêm bằng cách kéo dài ngày lao động. Marx còn cho rằng nhà tư sản đưa máy móc và công nghệ tiên tiến vào sản xuất chỉ đem lại lợi ích cho nhà tư sản chứ không có lợi gì cho công nhân. Kết quả là để nhà tư sản bóc lột nhiều hơn.
Marx lập luận rằng tiền lương trả cho công nhân phải chiếm toàn bộ tiền thu được từ sản xuất và dùng lập luận đó để chứng minh rằng chủ nghĩa tư bản là thủ phạm gây ra “cuộc đấu tranh giai cấp“ giữa công nhân và nhà tư sản.
3- Lợi nhuận giảm dần và sự tích lũy tư bản
Sự tích lũy tư bản không ngừng tăng lên nhằm đáp ứng yêu cầu cải tiến hàng hóa để cạnh tranh và làm chi phí nhân công giảm xuống. Muốn cải tiến hàng hóa phải tăng thêm chi phí về máy móc và công nghệ, khiến tăng tư bản bất biến (C), do đó giảm lợi nhuận (xem công thức b), đưa đến một cuộc khủng hoảng trong chủ nghĩa tư bản do “quy luật lợi suất giảm dần“. Các doanh nghiệp lớn sản xuất được sản phẩm rẻ hơn để thắng lợi trong cạnh tranh, các công ty lớn trở nên tập trung hơn, dẫn đến sự phá sản của nhiều nhà tư bản nhỏ, công nhân thất nghiệp gia tăng.
4- Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản
Chi phí sản xuất hạ, lợi nhuận của nhà tư bản giảm, sức mạnh độc quyền, mức tiêu dùng của xã hội giảm, công nhân thất nghiệp là những điều kiện dẫn tới những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn và rộng hơn, đưa đến sự suy thoái của chế độ tư bản chủ nghĩa. Tất cả bắt nguồn từ thuyết giá trị về lao động. Đó là kết luận của Marx và Engels (sách của Marx và Engels, 1848). Khi đưa ra kết luận này Marx đã bỏ qua định luật về thị trường của nhà kinh tế Say nói rằng thị trường có xu hướng hướng tới trạng thái cân bằng và toàn dụng lao động.
5- Chủ nghĩa đế quốc của chủ nghĩa tư bản tiền tệ
Các nhà tư bản có năng lực trong việc tích lũy vốn và tạo ra các thị trường mới ở trong nước và nước ngoài đã gây ấn tượng mạnh đối với Marx. Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Marx và Engels năm 1848 đã viết về hiện tượng này: ”Trong suốt thời kỳ thống trị hiếm hoi một trăm năm của mình, giai cấp tư sản đã tạo ra lực lượng sản xuất đồ sộ và khổng lồ hơn tất cả các thời kỳ trước gộp lại“. Marx, Engels và sau đó, các nhà Macxit luôn luôn mô tả chủ nghĩa tư bản và các công ty lớn là “những tên đế quốc cố hữu“ bóc lột công nhân nước ngoài và khai thác cạn tài nguyên của các nước đó.
6- Chủ nghĩa duy vật lịch sử
Marx chịu ảnh hưởng của hai triết gia là Hegel và Feuerbach.
Hegel đã có ảnh hưởng sâu sắc đến Marx trong sự phát triển tiến trình quyết định luận kinh tế của Marx. Chính đề cơ bản của Hegel là “mâu thuẫn“ (về bản chất), là gốc rễ của mọi sự vận động và sự sống. Hegel đã mô tả mâu thuẫn này theo phép biện chứng, rằng các lực lượng chống đối nhau cuối cùng sẽ tạo ra một lực lượng mới. Một “chính đề“ được hình thành sẽ tạo ra một “phản đề“ phát triển theo hướng ngược lại, và đến lượt nó sẽ tạo ra một “hợp đề“ mới. Hợp đề mới đó lại trở thành một “chính đề“, và quá trình cứ lặp lại theo sự tiến bộ của văn minh. Marx đã áp dụng phép biện chứng đó của Hegel vào quan điểm quyết định luận về lịch sử của Marx. Tiến trình lịch sử của Marx được mô tả bằng cách sử dụng khái niệm của Hegel, rằng từ chế độ chiếm hữu nô lệ là chính đề trong thời kỳ Hy Lạp cổ có phản đề của nó là chế độ phong kiến trong thời kỳ Trung cổ, tạo thành hợp đề là chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản là chính đề mới xuất hiện sau thời kỳ khai sáng. Phản đề của nó là chủ nghĩa xã hội, rồi dẫn tới đỉnh cao là chủ nghĩa cộng sản.
Xã hội cộng sản này không phải là chỗ dung nạp mọi thành phần, mọi tầng lớp xã hội hiện hữu. Thông qua chuyên chính vô sản, các giai cấp, các thành phần không phải là vô sản, trong đó kể cả các trí thức như kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, luật gia là những nhân tố sáng tạo trong lực lượng sản xuất, thì trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, Marx gộp vào tầng lớp trung đẳng (tức tiểu tư sản) cùng với các nhà tiểu công nghiệp, tiểu thương nghiệp, thợ thủ công, trung nông, là lớp người không nhiệt tình với cách mạng vô sản, bảo thủ thậm chí là phản động, sẽ biến mất, chỉ còn lại giai cấp vô sản thuần nhất, khi đó xã hội cộng sản không còn phân chia giai cấp, không xung đột giai cấp, hoàn toàn bình đẳng giữa người và người.
7- Giải pháp của Marx là Chủ nghĩa xã hội cách mạng
Với cách lập luận như trên, Marx tin rằng quá trình lịch sử tất yếu sẽ hướng tới hình thái xã hội cao hơn cả là xã hội cộng sản và Marx thấy rằng để đạt được nó cần thiết phải có cách mạng. Marx (cùng Engels) là người đầu tiên đề xuất dùng bạo lực để lật đổ chính quyền tư sản, thiết lập chủ nghĩa xã hội cách mạng. Điều này thể hiện trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản năm 1848, tại Quốc tế thứ nhất năm 1860 và tại Công xã Paris năm 1871. Marx tán thành “nền chuyên chính độc tài“, ủng hộ việc xóa bỏ hoàn toàn sở hữu tư nhân vì cho rằng sở hữu tư nhân là nguyên nhân của xung đột giai cấp. Marx (và sau này cả Engel) cũng đồng tình với Proudhon rằng đã xóa sở hữu tư nhân thì không cần đến trao đổi hàng hóa, do đó không có mua bán, không cần đến tiền tệ (sau này Pôn Pốt đã thực hiện đúng như vậy).
Nhưng tất cả những điều tiên đoán này của Marx đã không xảy ra. Sau này Leszek Kalakowski, cựu lãnh đạo của Đảng cộng sản Ba Lan đã tuyên bố: ”Tất cả những lời tiên tri quan trọng của Marx hóa ra đều sai lầm“. Trên thực tế nhiều vấn đề đã ngược lại với tiên đoán của Marx:
- Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, tỉ lệ lợi nhuận không giảm.
- Giai cấp lao động không rơi vào cảnh ngày càng bần cùng. Tại các nước công nghiệp mức sống trung bình của công nhân đã tăng. Tầng lớp trung lưu không biến mất như Marx dự đoán, trái lại đã tăng.
- Sau các cuộc suy thoái, chủ nghĩa tư bản vẫn phát triển, năng động.
- Ở các nước tư bản, không nảy sinh các xã hội xã hội chủ nghĩa không tưởng mà Marx hình dung.
Tại sao Marx sai lầm?
- Trước tiên phải nói đến những sai lầm về kiến thức của Marx trong thuyết về giá trị lao động. Marx đã sai khi bác bỏ quy luật thị trường của Say và phủ nhận thuyết giá trị của Say nói rằng giá trị của hàng hóa và dịch vụ sẽ được xác định bằng lợi ích. Theo Say, nếu các cá nhân không có nhu cầu về một thứ hàng hóa nào đó thì họ không cần biết có bao nhiêu lao động được đặt vào đó và với họ, thứ hàng đó vẫn không có giá trị. Ngược lại ví dụ ngọc trai được con người lặn tìm nó vì nó có giá trị chứ không phải nó có giá trị bởi vì con người mất công lặn tìm nó. Còn có nhiều thứ hàng liên tục tăng giá trị ngay cả khi những thứ hàng đó cần rất ít lao động chẳng hạn nghệ thuật và đất đai.
Marx cũng đã bế tắc không giải quyết được “vấn đề chuyển đổi“, vấn đề về tỷ suất lợi nhuận và giá trị. Trong tập 1 của bộ Tư bản, Marx khẳng định giá biến động hoàn toàn theo thời gian lao động, do đó Marx kết luận rằng các ngành cần nhiều vốn sẽ ít khả năng sinh lời hơn các ngành cần nhiều lao động. Nhưng khả năng sinh lời tương đương nhau ở tất cả các ngành trong dài hạn, do vốn và các khoản đầu tư có thể di chuyển từ các ngành có khả năng sinh lời thấp tới các ngành có khả năng sinh lời cao hơn.
- Thứ hai là Marx sai lầm khi đánh giá thấp kiến thức và công việc vạch chiến lược kinh doanh, quản lý, điều hành của các nhà tư bản và các nhà doanh nghiệp, phủ nhận công lao to lớn của họ trong việc chấp nhận đầu tư mạo hiểm, cung cấp vốn để doanh nghiệp có khả năng sinh lời.
- Sau khi Marx qua đời, có sự thay đổi vị trí trong các giai cấp kinh tế trong xã hội tư bản. Ngày càng nhiều công nhân có cổ phần, trở thành cổ đông trong các công ty cổ phần, làm chủ sở hữu một phần các công ty nơi họ làm việc.
- Marx có quan điểm rất ngoan cố và bảo thủ đối với vai trò của máy móc thiết bị sản xuất tiên tiến trong sản xuất hàng hóa. Marx không thừa nhận máy móc và công nghệ đã giúp công nhân vận hành công việc sản xuất đỡ nặng nhọc hơn, xóa bỏ bớt sự “tách ly người lao động“ (alienation) mà Marx đã từng buộc tội rằng máy móc chỉ giúp nhà tư bản bóc lột công nhân nhiều hơn. Marx không thừa nhận rằng máy móc còn tạo thêm các việc làm mới, đưa đến tăng năng xuất lao động trên mỗi đơn vị giờ công lao động, dẫn tới mức lương công nhân cao hơn.
Phải chăng Marx là nhà phản kinh tế?
Marx được đào tạo ban đầu từ môi trường triết học. Từ lĩnh vực này Marx chuyển hướng nghiên cứu về kinh tế chính trị học. Michael Harrington cho rằng Marx không hiểu thấu đáo về vai trò của vốn, về thị trường, giá cả và tiền tệ trong việc thúc đẩy sự dư thừa vật chất của loài người. Harrington cũng cho rằng chính chủ nghĩa tư bản chứ không phải chủ nghĩa Marx, đã giải phóng người lao động khỏi xiềng xích của sự nghèo khổ, độc quyền và áp bức, đem đến nhiều thành tựu hơn cả sự ảo tưởng của Marx về hy vọng, về hòa bình, về sự dư thừa và thể hiện nghệ thuật của loài người “hoàn thiện“. Harrington kết luận Marx đã ngây thơ khi cho rằng chủ nghĩa xã hội không tưởng của ông có thể đạt được sự tăng trưởng cao về mức sống cho người lao động. Chủ nghĩa lý tưởng của Marx đã đưa chúng ta trở về thời kỳ nguyên thủy, nếu không nói là man rợ với lối sống bộ lạc. Vì những lẽ đó Harrington cho rằng Marx là một nhà phản kinh tế (anti-economist).
Chủ nghĩa Marx còn lại những gì?
Marx có tính khí mạnh mẽ. Từ khi học ở bậc trung học, Marx đã bộc lộ năng lực suy nghĩ độc lập và năng lực phản biện, Marx đã viết trong một bài luận văn: ”Lịch sử coi những người đấu tranh cho hạnh phúc của mọi người là vĩ nhân“ và sau này Marx đã hành động theo ý tưởng nhân văn đó. Khi học ở đại học, Marx sở hữu một khả năng tư duy trừu tượng rất nhạy bén và sắc sảo mà thiếu cái đó thì không thể trở thành nhà triết học. Marx vì thế được nhiều người đánh giá là thiên tài. Thế nhưng nhiều học thuyết và dự báo kinh tế của Marx đã được chứng minh là không chính xác. Tuy vậy trong bộ Tư bản của Marx vẫn còn những yếu tố có giá trị và đáng được quan tâm:
1- Vấn đề quyết định luận kinh tế
Trong quy luật về chủ nghĩa duy vật biện chứng của Marx, Marx đoan chắc rằng các lực lượng kinh tế hoặc vật chất của xã hội sẽ xác định “kiến trúc thượng tầng” về pháp lý, chính trị, tôn giáo, thương mại của nền văn hóa quốc gia. Ngày nay hầu hết các nhà xã hội học đều công nhận vai trò quan trọng của lực lượng kinh tế trong xã hội.
2- Vấn đề về các giai cấp trong xã hội
Học thuyết của Marx về ý thức giai cấp và xung đột giai cấp đã thu hút sự quan tâm của các nhà sử học và xã hội học. Họ đã đưa ra những câu hỏi sau đây xem ra có vẻ là mâu thuẫn nhau:
- Giai cấp cầm quyền đã bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của họ thông qua các quá trình chính trị đến mức nào?
- Phải chăng bộ phận làm chủ và kiểm soát của cải và phương tiện sản xuất áp đảo xã hội?
- Có phải “luật pháp và chính trị“ là trợ thủ của tư bản công nghiệp?
- Vì sao các công đoàn lại được cho phép tồn tại?
- Vì sao các trường đại học có khoa Nghệ thuật và khoa Kỹ thuật lại được giảng dạy về chủ nghĩa Marx?
- Vì sao không phải lúc nào các công ty đa quốc gia cũng thắng trong các vụ kiện tụng?
- Nếu nhà nước bị khống chế bởi lợi ích của chủ nghĩa tư bản thì tại sao cuộc Đại suy thoái vẫn xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ?
Karl Popper cho rằng những tờ báo Mácxit mang thành kiến giai cấp không bao giờ có thể giải đáp được đúng những câu hỏi này.
3- Mối quan hệ tiền tệ
Marx đã bình luận về vai trò tiến hóa của chủ nghĩa tư bản như cách nghiên cứu của một nhà kinh tế tài chính.
Trong chương 3 bộ Tư bản, Marx dùng cách phân tích hệ thống trao đổi hàng hóa của hai hàng hóa C và C’, cho thấy sự trao đổi diễn ra là: C – C’.
Khi đưa tiền (M) vào trao đổi, mối quan hệ trở thành: C – M – C’.
Lúc này tiền là đại diện trung gian trao đổi của hai hàng hóa. Thông thường, trong quá trình sản xuất từ hàng hóa thô tới sản phẩm cuối cùng, tiền được dùng vào trao đổi một số lần.
Trọng tâm của chế độ tư bản là sự sản xuất hàng hóa và dịch vụ hữu dụng. Tiền đơn giản chỉ là trung gian của sự trao đổi, một phương tiện dẫn đến mục tiêu.
Marx chỉ ra rằng nhà tư bản tiền tệ rất dễ nhìn thế giới khác đi và tiến gần đến khái niệm “kiếm tiền“ hơn là làm ra hàng hóa và dịch vụ hữu ích. Marx mô tả cách thức kinh doanh mới này là: M – C – M’.
Diễn giải theo cách khác, nhà doanh nghiệp sử dụng tiền (vốn) của anh ta để sản xuất một hàng hóa, đến lượt nó sẽ được bán lấy nhiều tiền hơn (M’ > M). Bằng cách tập trung vào tiền như là sự bắt đầu và kết thúc của các hoạt động, các nhà tư bản rất dễ có cái nhìn sai về mục đích cuối của hoạt động kinh tế – sản xuất và trao đổi hàng hóa. Mục tiêu không còn là C (hàng) mà là M (tiền). Cuối cùng thì cơ chế thị trường tiến thêm một bước nữa, tới điểm mà tại đó các hàng hóa và dịch vụ không tham gia nữa.
Quá trình trao đổi trở thành: M – M‘. Giai đoạn cuối này phản ánh thị trường vốn hoặc thị trường tài chính, như là các thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu). Đến lúc này mọi thứ trở nên dễ dàng hơn để chủ nghĩa tư bản hàng hóa trở thành chủ nghĩa tư bản tài chính thuần túy, rời bỏ xa hơn cái gốc sản xuất hàng hóa của nó. Trong môi trường này, các nhà doanh nghiệp thường quên đi mục tiêu tổng thể của hệ thống kinh tế - sản xuất hàng hóa và dịch vụ hữu ích - chỉ chú trọng vào việc “kiếm tiền“, dù là thông qua kỹ thuật giao dịch ngắn hạn, hay đơn giản là kiếm tiền từ một tài khoản ngân hàng hay từ tín phiếu kho bạc. Rốt cuộc mục tiêu kiếm tiền đạt được tối đa bằng cách cung cấp các hàng hóa và dịch vụ hữu ích. Đó là một bài học cần phải học đi học lại nhiều lần trong thế giới thương mại. Ở đây, ta có thể thấy văn hóa tư bản có thể dẫn tới sự đánh mất về cả mục tiêu cuối và ý thức cộng đồng. Khuynh hướng rời bỏ mục tiêu của hoạt động kinh tế chân chính luôn luôn thách thức, nhắc nhở các nhà kinh tế, các nhà đầu tư và các công dân trở về với nền tảng ban đầu.
Tóm lại học thuyết kinh tế của Marx có thiếu sót. Chủ nghĩa xã hội cách mạng của Marx là ảo tưởng. Có thể Marx đã nóng vội. Nhưng học thuyết Marx không bị chối bỏ hoàn toàn. Những phân tích triết học về chủ nghĩa tư bản thị trường như trên vẫn là những yếu tố có giá trị và đáng quan tâm đến tận ngày nay.
Chỉ vài năm sau khi bộ Tư bản của Marx được xuất bản, một thế hệ các nhà kinh tế Châu Âu mới đã xuất hiện. Họ đã sửa chữa sai sót của Marx và của các nhà kinh tế học cổ điển và mang lại một cuộc cách mạng thường trực về kinh tế. Họ là Keynes, Samuelson, Hayek, Milton Friedman và nhiều người khác nữa.
Nguồn tư liệu: Mark Skousen (2007): ”The Big Three in Economics: Adam Smith, Karl Marx, John Maynard Keynes“, và “Karl Marx dẫn đầu cuộc nổi dậy chống chủ nghĩa tư bản“ - NCQT tháng 5-2014.
Đ.X.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét