Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

20171004. BÀN VỀ NỢ CÔNG VÀ TIỀN LƯƠNG TỐI THIỂU

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGHỊCH LÝ TIỀN LƯƠNG TỐI THIỂU TẠI VIỆT NAM

HỒ BÁ TÍNH/ TBKTSG 2-10-2017

Đối tượng được hưởng lợi nhiều khi tăng lương tối thiểu là các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (nguồn thu tăng). Ảnh: UYÊN VIỄN

(TBKTSG) - Thời gian qua, vấn đề tăng lương tối thiểu được dư luận quan tâm rất nhiều. Một số ý kiến cho rằng tốc độ tăng lương tối thiểu của Việt Nam nhanh hơn nhiều so với tăng năng suất lao động là điều bất cập. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng lương tối thiểu là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Lương tối thiểu tăng nhanh
Mức tăng lương tối thiểu của năm 2018 đã gây ra một cuộc tranh luận rất lớn trong xã hội. Phía đại diện người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 13,3%, tương đương mức tăng của năm 2017. Trong khi đó, đại diện cho phía người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đề xuất không tăng hoặc tăng tối đa ở mức dưới 5%. Cuối cùng, mức tăng lương tối thiểu năm 2018 được thống nhất là 6,5%.
Mới đây, tại hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển chính sách (VEPR) tổ chức, các chuyên gia kinh tế chỉ ra một số bất cập trong việc tăng lương tối thiểu ở Việt Nam. Theo đó các chuyên gia cho rằng lương tối thiểu tăng trung bình hàng năm của Việt Nam đạt hai con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng.
Đặc biệt, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động, với việc tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động (thu nhập bình quân) tăng từ 25% năm 2007 lên mức 50% năm 2015. Các chuyên gia lo ngại chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu tiếp tục kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực tế không tác động nhiều đến thu nhập thực
Nghịch lý của việc tăng lương tối thiểu là làm cho lương ròng của rất nhiều người lao động không tăng mà còn giảm. Đối tượng được hưởng lợi nhiều khi tăng lương tối thiểu là các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (nguồn thu tăng).
Hiện nay, lương tối thiểu của Việt Nam được chia bốn vùng với mức lương lần lượt là 3,75 triệu đồng/tháng; 3,32 triệu đồng/tháng; 2,9 triệu đồng/tháng và 2,58 triệu đồng/tháng. Mức lương tối thiểu áp dụng tùy thuộc tay nghề người lao động (lao động được đào tạo thêm 7%) và ngành nghề (phụ cấp độc hại). Trên thực tế, mức lương tối thiểu ở trên thấp hơn nhiều so với mức lương thực nhận của đa số người lao động ở các khu vực chính thức. Mức lương tối thiểu hiện nay được nhiều doanh nghiệp vận dụng như là mức lương ghi trên hợp đồng lao động phục vụ cho việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính bắt buộc như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế... Lương thực nhận của người lao động là lương theo sản phẩm hoặc theo hiệu quả kinh doanh...
Về lý thuyết, khi mức lương tối thiểu thấp hơn nhiều so với lương thực tế thì việc tăng lương tối thiểu không đóng vai trò gì trong việc làm tăng lương người lao động. Thậm chí, với người lao động tại những doanh nghiệp đang sử dụng mức lương tối thiểu để làm căn cứ đóng các loại bảo hiểm thì có thể làm cho thu nhập ròng của người lao động bị giảm. Thực vậy, thông thường doanh nghiệp rất khó ngay lập tức điều chỉnh lương tổng hoặc đơn giá tiền lương theo sản phẩm. Do vậy, nếu mức lương đóng bảo hiểm tăng thì số tiền tuyệt đối trích từ thu nhập của người lao động để đóng các loại bảo hiểm cũng sẽ tăng theo làm cho lương thực nhận (lương ròng) sẽ giảm.
Đối với những ngành thâm dụng lao động như dệt may, chế biến thủy sản, chi phí tiền lương chiếm đến 70-80% tổng chi phí của doanh nghiệp (không bao gồm nguyên liệu cơ bản). Trên thực tế, thu nhập của người lao động trong các ngành này đang cao hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu hiện nay. Do đó, việc tăng lương tối thiểu không giúp làm thu nhập ròng của người lao động tăng, thậm chí còn giảm. Còn đối với doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu trở thành một gánh nặng cho doanh nghiệp bởi các khoản đóng góp bắt buộc sẽ gia tăng.
Như vậy, nghịch lý của việc tăng lương tối thiểu là làm cho lương ròng của rất nhiều người lao động không tăng mà còn giảm. Một tỷ lệ không nhỏ người lao động không chịu tác động gì bởi lương thực nhận và lương đóng bảo hiểm của họ hiện nay cao hơn nhiều so với lương tối thiểu. Một nghịch lý khác là về lý thuyết, lương tối thiểu dùng để bảo vệ người lao động nhưng thực tế hiện nay có tới khoảng 50% lao động Việt Nam làm việc tại hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do, lao động làm việc tại các khu vực kinh tế nhỏ và vừa, họ không có hợp đồng lao động và không chịu ràng buộc bởi quy định về mức lương tối thiểu.
Ngoài ra, mức lương tối thiểu hiện nay cũng không áp dụng đối với công chức. Nên trong nhiều trường hợp, lương của công chức thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng. Đối tượng được hưởng lợi nhiều khi tăng lương tối thiểu là các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (nguồn thu tăng).
Trả lại bản chất cho lương tối thiểu
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng mức lương tối thiểu. Về lý thuyết kinh tế, trong trường hợp mức lương tối thiểu thấp hơn so với mức lương phổ biến trên thị trường thì việc áp dụng lương tối thiểu không có nhiều tác động. Trường hợp mức lương tối thiểu cao hơn so với mức cân bằng của thị trường thì sẽ gây thiệt hại về kinh tế bởi sẽ có nhiều lao động bị thất nghiệp hơn và doanh nghiệp cũng sẽ thu hẹp sản xuất do không thể thuê mướn lao động với mức chi phí mong muốn. Tuy nhiên, lương tối thiểu vẫn được áp dụng phổ biến ở hầu hết các quốc gia để bảo vệ người lao động “yếu thế” nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ. Đây là những người lao động bị yếu thế hơn trong việc đàm phán lương với giới chủ nên có thể phải chịu sự “bóc lột” sức lao động.
Đối chiếu với các điều kiện trên, có thể thấy việc áp dụng lương tối thiểu hiện nay ở Việt Nam tồn tại nhiều bất cập như chỉ áp dụng đối với người có hợp đồng lao động mà chưa chú trọng tới hơn 50% lao động làm việc tại khu vực hộ gia đình, lao động tự do và hàng triệu công chức. Ngoài ra, mức lương tối thiểu hiện nay chủ yếu đóng vai trò là mức “sàn” để doanh nghiệp, người lao động đóng các khoản nghĩa vụ tài chính bắt buộc. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, theo quy định mới thì doanh nghiệp và người lao động phải đóng các khoản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên phần lớn thu nhập thực của mình. Khi đó, lương tối thiểu lại càng ít ý nghĩa.
Vì những bất cập nêu trên, cần đưa lương tối thiểu về đúng với bản chất thật của nó. Lương tối thiểu phải được áp dụng đối với tất cả tầng lớp lao động, kể cả đối với công chức nhà nước. Việc áp dụng mức lương tối thiểu phải phù hợp với tình hình thực tế năng suất lao động, cung - cầu lao động trên thị trường lao động và mức sống thực tế người lao động. Ngoài ra, nên quy định lương tối thiểu theo giờ lao động, thay vì áp dụng theo tháng để làm căn cứ tính các nghĩa vụ tài chính như hiện nay. Đặc biệt, đối tượng cần được quan tâm nhiều nhất là đối tượng lao động “yếu thế”, đang làm việc tại khu vực hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do... có mức lương thấp. Nhà nước cần có những quy định chặt chẽ về mức lương tối thiểu và phương pháp kiểm soát hiệu quả để người lao động trong khu vực này không bị “bóc lột”.

CẢNH BÁO NỢ CÔNG DỄ LUNG LAY NGAY CẢ VỚI NHỮNG CÚ SỐC NHẸ

XUÂN DŨNG/ VNplus/ BVN 4-10-2017

clip_image002
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính nói về giải pháp quản lý nợ công những năm tới.

Nếu mức bội chi và bảo lãnh Chính phủ của Việt Nam vẫn như hiện nay, tỷ lệ nợ công có thể sẽ vượt trần cho phép những năm tới (65% GDP). Mặt khác, dư địa ngân sách ngày càng mỏng khiến nợ công hoàn toàn có thể mất bền vững ngay cả với những cú sốc nhẹ.
Đây là một phần đáng chú ý trong Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam vừa được Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng 3/10.
Thông tin vay nợ… không nắm được
Theo đánh giá của nhóm thực hiện, nợ công Việt Nam đang tăng mạnh do chính sách tài khóa nới lỏng trong những năm qua. Nợ công so với GDP đã tăng từ mức 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015. Trong số này, báo cáo cho thấy, nợ trực tiếp của Chính phủ ước tính ở mức 43,3% GDP (năm 2015), gần sát với mức bình quân của các quốc gia trong khu vực.
clip_image003
Điều đáng lo khác theo bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp WB là nợ của chính quyền địa phương. Khoản này hiện chưa lớn (0,9% GDP năm 2015) nhưng theo bà “tình hình căng thẳng hơn cả Trung ương”.
“Khi chúng tôi làm việc với Sở Tài chính các địa phương, thông tin cơ bản về vay nợ họ không nắm được, kể cả các nguồn như ODA, khoản cho vay lại… Đây là công tác cần đổi mới”, bà Quyên lên tiếng.
Nhìn lại số liệu nợ công, báo cáo chỉ ra lo ngại về việc, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua).
“Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa”, báo cáo của WB và Bộ Tài chính nêu lên.
Nói thêm về cơ cấu nợ, đại diện WB cho rằng, do nhu cầu huy động ngày càng lớn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nước ngoài đang dần hạn chế, Chính phủ đã phải dựa chủ yếu vào nguồn vay trong nước. Tỷ trọng nợ trong nước trên tổng nợ công tăng từ 45% năm 2010 lên 55,4% năm 2015.
Nợ trong nước theo đánh giá có thể giúp giảm rủi ro tỷ giá và góp phần phát triển các thị trường vốn trong nước nhưng vấn đề nêu lên với Việt Nam là áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn.
Theo tính toán của nhóm chuyên gia, có khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Chưa chỉ ra cụ thể con số nhưng báo cáo cho thấy, kỳ hạn nợ trung bình của Việt Nam ngắn hơn các nước trong khu vực như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…
“Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ còn hạn chế như hiện nay,” đại diện WB lên tiếng.
clip_image004
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Lo nợ công vượt trần
Với những đánh giá ấy, báo cáo nêu lên thực tế, Việt Nam đang trong tình trạng dễ tổn thương với lộ trình nợ như hiện nay, ngay cả khi cân đối ngân sách cơ bản của Việt Nam vẫn được quản lý cẩn trọng.
Mặc dù vẫn trong ngưỡng Quốc hội đặt ra (dưới 65% GDP) nhưng báo cáo của WB và Bộ Tài chính chỉ ra, nếu bội chi ngân sách vẫn được duy trì như hiện nay, thì tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần. Trước đó, trong 2 năm liên tiếp 2015 và năm 2016, tỷ lệ bội chi đều vượt ngưỡng 5% GDP.
Đặc biệt, tổng kết từ phía các chuyên gia cho rằng, về nguyên tắc Chính phủ không có trách nhiệm trả nợ đối với các khoản vay của doanh nghiệp nếu không có bảo lãnh cụ thể. Tuy nhiên, thực tế Chính phủ có thể vẫn phải can thiệp trong trường hợp tình trạng mất khả năng trả nợ. Điều này gây ra những tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
“Công tác quản lý nợ của Chính phủ phải tính đến những rủi ro đó, đồng thời phải duy trì được dư địa ngân sách đủ để hấp thụ những cú sốc đó trong trường hợp diễn ra,” đại diện WB khuyến cáo.
Từ đó, nói về giải pháp, báo cáo cho rằng, việc thu thập thông tin cập nhật và đáng tin cậy về các nghĩa vụ nợ dự phòng tiềm ẩn phải là bước đi quan trọng đầu tiên.
Nhóm thực hiện báo cáo cũng cảnh báo Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự chuyển đổi khi nguồn vốn vay có tính chất ưu đãi (ODA) sẽ dần giảm xuống và nợ thương mại tăng lên. Vấn đề được nêu lên là chiến lược quản lý nợ trung hạn đã được Chính phủ thông qua nhưng gặp trở ngại do cơ cấu quản lý nợ bị phân tán.
Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính đã được giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý nợ chính nhưng trong thực tế, một số hoạt động vẫn do các đơn vị khác thực hiện như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước. Chưa kể, chính trong Bộ Tài chính, nợ nước ngoài thuộc trách nhiệm của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại còn nợ trong nước do Kho bạc nhà nước và Vụ Ngân sách nhà nước quản lý.
“Hệ thống này được hình thành trong bối cảnh nợ nước ngoài chủ yếu có tính chất ưu đãi nhưng sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nợ thương mại sẽ đặt ra những nhu cầu khác cho chức năng quản lý nợ”, báo cáo khuyến nghị.
Với địa phương, bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp WB góp thêm ý kiến, cần có bộ phận quản lý nợ tại các nơi. Đây là vấn đề theo bà vẫn hạn chế vì "quy định cứng" hiện tại là Sở Tài chính không có bộ phận quản lý nợ. Bởi vậy, theo bà, nhiều địa phương muốn thành lập cũng gặp khó.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính bày tỏ hy vọng có thể kiểm soát bội chi bình quân giai đoạn 2016-2020 ở mức 4% GDP. Điều cần làm theo ông là tái cơ cấu các khoản nợ, từ ngắn hạn sang dài hạn và siết chặt chi tiêu.
“Hy vọng trong 1 chu kỳ 5 năm hoặc cùng lắm là 2 chu kỳ 5 năm, ta có thể đưa nợ công về mức an toàn,” đại diện Bộ Tài chính nói.
Báo cáo được hoàn thiện với sự chủ trì của Bộ Tài chính. Ngoài ra, các bộ cùng tham gia như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải,.. và một số địa phương: Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Báo cáo cũng có sự đóng góp của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới từ khâu khảo sát, lập đề cương, tổ chức nghiên cứu, đánh giá, đề xuất, khuyến nghị. Báo cáo phân tích các chính sách, thống kê về thu, chi, bội chi, quản lý nợ công,… của Việt Nam giai đoạn 2010-2015. Đây là lần thứ 4 báo cáo về chi tiêu công được công bố.

PHÁT THẢI TỪ NHIỆT ĐIỆN THAN ĐANG GÂY SỨC ÉP LÊN MÔI TRƯỜNG

TRUNG CHÁNH/ TBKTSG 3-10-2017

(TBKTSG Online) – Lượng phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than trong cả nước đang gây sức ép ngày càng lớn lên môi trường nên cần phải có phương án xử lý hiệu quả, theo thông tin tại hội thảo diễn ra ngày 3-10 tại Cần Thơ.
Tại hội thảo “Sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực ĐBSCL”, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, cả nước hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động với hai loại công nghệ lò đốt. Trong số các nhà máy này, có 13 nhà máy sử dụng công nghệ lò đốt than phun (pulverised combustion) và 8 nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn (circulating fluidizing bed).
Ông Bắc dẫn Quy hoạch điện 7 điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 cho biết, dự kiến đến năm 2030 cả nước có đến 57 nhà máy nhiệt điện than, tăng 36 nhà máy so với hiện nay.
Theo ông Bắc, với số nhà máy nhiệt điện than như quy hoạch và lượng tro xỉ thải ra không được xử lý, thì đến năm 2018 lượng tro xỉ phát sinh là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 tăng lên mức 248 triệu tấn và dự báo sẽ cán mức 422 triệu tấn vào năm 2030.
Trong khi đó, với số nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động trong cả nước (21 nhà máy), dự kiến đến cuối năm 2017, lượng tro xỉ và thạch cao tồn chứa trên cả nước sẽ đạt đến 40 triệu tấn.
Riêng tại khu vực ĐBSCL, theo ông Bắc, hiện có ba cụm nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ đốt than phun, gồm nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Long Phú và Sông Hậu, trong đó, các nhà máy đang vận hành gồm nhiệt điện Duyên Hải I và III với tổng công suất 1.445 MW, mỗi năm thải ra 1,8 triệu tấn tro xỉ.
Theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, dự kiến đến năm 2020, các nhà máy nhiệt điện Long Phú I, II; sông Hậu I, II và Duyên Hải III mở rộng sẽ đưa vào hoạt động, nâng tổng công suất lên 5.505 MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 16,52 triệu tấn than và thải ra khoảng 4,13 triệu tấn tro xỉ. “Từ sau năm 2020 đến 2030, sẽ có thêm 9 nhà máy hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 18.225 MW, mỗi năm tiêu thụ 54,68 triệu tấn than và thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro xỉ”, ông Bắc cho biết.
Trong tài liệu được cung cấp tại hội thảo, ông Đinh Quốc Dân, Phó viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, trung bình để sản xuất ra 1 kWh điện (sử dụng nhiên liệu là than cám) sẽ thải ra 0,9-1,5 kg tro xỉ; để sản xuất ra 1 MW điện cần đến 4 tấn than và sẽ thải ra khoảng 1 tấn tro xỉ.
“Như vậy, một nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW vận hành trong 5 năm sẽ phát thải 5 triệu tấn tro xỉ và cần đến 30 héc ta để chôn lấp”, báo cáo của ông Dân cho biết.
Cũng theo báo cáo này, hiện bãi thải của các nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động chiếm một diện tích lên đến 709 héc ta và dự kiến sau năm 2020 tổng diện tích bãi thải theo thiết kế sẽ là 1.895 héc ta. "Khối lượng phát thải này đang tạo sức ép ngày càng lớn lên môi trường và chiếm diện tích đất để tồn chứa ngày càng lớn. Việc tiếp tục phát thải tro xỉ mà không có biện pháp tiêu thụ, xử lý sẽ dẫn đến các chi phí sử dụng đất, chi phí làm bãi chôn lấp, chi phí xử lý tro xỉ, vận hành bãi thải sẽ tiêu tốn cả nghìn tỉ đồng mỗi năm”, trích báo cáo của ông Dân.
Để giải quyết bài toán tro xỉ than phát sinh dự báo sẽ rất lớn như nêu ở trên, nhiều đại biểu tại hội thảo gợi ý nên tận dụng tro xỉ để sản xuất vật liệu xây dựng; làm vật liệu san lấp; xây dựng các công trình, mặt đường giao thông; gia cố nền móng công trình xây dựng…
Tuy nhiên, trên thực tế đến nay việc áp dụng vẫn chưa được phổ biến và một vấn đề khác cũng cần làm rõ, đó là phải có đánh giá rõ ràng có hay không những tác động đến môi trường, nếu sử dụng tro xỉ để rải mặt đường giao thông hay chôn lấp ở các công trình xây dựng...
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo về lý do ứng dụng tro xỉ chưa phổ biến, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương giải thích, thứ nhất là do thói quen của người sử dụng; thứ hai là các khuôn khổ về pháp lý vẫn chưa đầy đủ. Hiện vẫn còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các hướng dẫn kỹ thuật và các định mức kinh tế trong việc sử dụng tro xỉ ở các mục đích như nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng hay sử dụng trong các công trình xây dựng...
Tại hội thảo, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, có 7 đối tác đã ký hợp đồng tiêu thụ hơn 2,9 triệu tấn tro xỉ của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I và III, bằng 210% tổng lượng tro xỉ trung bình hàng năm của 2 nhà máy và bằng 160% lượng tro xỉ đang lưu giữ tại bãi thải xỉ. Tuy nhiên, các đối tác tiếp nhận thực tế theo báo cáo của EVN hiện chỉ ở mức 68.145 tấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét