Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

20171001. NHIỆT ĐIỆN THAN, GIÁ CÓ RẺ ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHIỆT ĐIỆN THAN GIÁ RẺ, THẬT SAO?

NGUYỄN ĐĂNG ANH THI/ TT/ BVN 1-10-2017

Phát triển điện năng lượng mặt trời vẫn chưa  là ưu tiên ở Việt Nam. Ảnh Trần Mai
Phát triển điện năng lượng mặt trời vẫn chưa là ưu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Trần Mai
TTCT- Nhiệt điện than không thể là con đường tất yếu phải đi của Việt Nam vì chúng ta phải trả giá đắt cho vấn đề môi trường.
Tại hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường” ngày 29-8-2017, ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam, đã cho rằng phát triển nhiệt điện than là con đường tất yếu của Việt Nam để đáp ứng “nhu cầu điện năng rất cao” cho “thời kỳ phát triển mạnh kinh tế”.
Ông cho rằng: “Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và mới bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than”.
Bài viết này xin cung cấp thông tin và phản biện lại một số thông tin được cung cấp ở hội thảo, giúp độc giả hiểu thêm về nhiệt điện than giá rẻ.
Chúng ta cần có cái nhìn chính xác hơn về những nguy hại do phát triển nhiệt điện than, từ đó thấy rằng năng lượng sạch mới chính là con đường đảm bảo cho an ninh năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam.
Than đâu phải màu hồng
“Than có trữ lượng lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại khoảng 200 năm nữa”. Đó là trữ lượng than có thể khai thác của thế giới, trong đó chỉ riêng năm nước đã chiếm 75% trữ lượng thế giới, gồm Trung Quốc (23%), Mỹ (21%), Nga (14%), Úc (9%), Ấn Độ (8%).
Than Việt Nam chỉ chiếm 0,3% trữ lượng của thế giới, theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Từng là một nước xuất khẩu than hàng đầu, Việt Nam phải bắt đầu nhập khẩu than từ năm 2015 để đáp ứng nhu cầu các nhà máy nhiệt điện, đến năm 2020 thì phải nhập khẩu 24 triệu tấn than (38% nhu cầu) và đến năm 2030 phải nhập khẩu 84 triệu tấn than (65,4% nhu cầu).
Xác định nhiệt điện than đóng vai trò chi phối nhưng ngay thời điểm này đã phải nhập khẩu than, điều gì sẽ xảy ra nếu nguồn nhập khẩu bị tắc nghẽn, hoặc than tăng giá không kiểm soát được? An ninh năng lượng quốc gia sẽ được kiểm soát sao đây?
Chỉ những nước giàu tài nguyên khí đốt như Nga, không xuất khẩu hoặc không có điều kiện xuất khẩu khí đốt và những nước đang thiếu điện trầm trọng như Philippines, Việt Nam thời gian khoảng năm 2000-2005 mới đầu tư mạnh nhiệt điện khí và mới chạy nhiệt điện khí ở phụ tải nền”.
Đây là điều hoàn toàn không có cơ sở. Hãy nhìn sang Singapore, họ có tài nguyên khí đốt nào đâu nhưng sản lượng điện năng từ khí của họ chiếm đến 95,2%, trong khi nhiệt điện than chỉ chiếm 1,2%, tính đến cuối năm 2016. (Nguồn: Energy Market Authority, 2017).
Tương tự với Thái Lan, sản lượng điện năng từ khí là 66% và từ nhiệt điện than chỉ chiếm 21%, tính đến cuối năm 2014 (Nguồn: Energy Policy and Planning Office, 2015). Singapore và Thái Lan có cơ hội lựa chọn giữa nhập khẩu than và khí để phát điện, và họ đã chọn khí thiên nhiên.
Vì sao Việt Nam không chọn nhiệt điện khí như Singapore và Thái Lan mà lại chọn nhiệt điện than?
Hiệu suất nhiệt điện than là 42-43% so với nhiệt điện khí là 56-58%”?
Thực tế hiệu suất trung bình của tất cả các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành chỉ đạt 35%, hiệu suất trung bình trên thế giới là 33-37%.
Để đạt hiệu suất 42-43%, cần phải áp dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn (supercritical) với suất đầu tư cao hơn 20% so với công nghệ cận tới hạn.
Tổng hợp của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tại Malaysia, Indonesia và Việt Nam năm 2015 cho thấy có đến 92% các nhà máy nhiệt điện than đang áp dụng công nghệ cận tới hạn, trong khi chỉ có 6% các nhà máy áp dụng công nghệ siêu tới hạn.
Các chủ đầu tư lựa chọn công nghệ có hiệu suất thấp vì tham rẻ, đồng nghĩa với lựa chọn này là định mức tiêu thụ năng lượng cao và phát thải ô nhiễm lớn.
Nếu ai đó nói rằng các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, phát thải thấp thì quá xa rời thực tế.
Nhiệt điện khí có chi phí vận hành và bảo dưỡng gấp 2 lần, giá thành sản xuất điện cũng gấp 2 lần nhiệt điện than (14 cent Mỹ/kWh); chi phí phụ kiện rất đắt, phụ kiện mau hỏng; đời sống dự án chỉ bằng 2/3 nhiệt điện than”.
Thật vậy không? Số liệu của Trung tâm than sạch IEA tổng hợp 11 nhà máy nhiệt điện than và 1 nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch cho thấy suất đầu tư nhiệt điện than là 1.274 USD/kW, của nhiệt điện khí là 933 USD/kW, tức là suất đầu tư nhiệt điện than đắt gấp 1,36 lần nhiệt điện khí, thời gian xây dựng nhiệt điện khí là 3 năm trong khi nhiệt điện than có thể đến 4,5 năm, tuổi thọ nhiệt điện khí là 35 năm và nhiệt điện than là 40 năm, giá thành sản xuất điện khí chỉ 5,8 cent Mỹ/kWh so với điện than là 6,8 cent Mỹ/kWh. Rõ ràng nhiệt điện khí hiệu quả hơn nhiệt điện than!
“Nhiệt điện khí có ưu điểm là không có tro xỉ, không phát thải SO2 nhưng vẫn phát thải CO2, NOx không thua kém gì nhiệt điện than”.
Đúng! Nhưng cần hiểu ưu điểm không có tro xỉ và không phát thải SO2 có ý nghĩa to lớn đến mức nào.
Không phải ngẫu nhiên mà Singapore hay Thái Lan lựa chọn nhiệt điện khí là nguồn chủ đạo trong cấu trúc phát điện của họ.
Không có tro xỉ nghĩa là hoàn toàn loại trừ ô nhiễm bụi và xỉ than. Trong đó, bụi siêu mịn (PM2.5) có kích thước chỉ bằng 1/30 đường kính sợi tóc, được xem là kẻ giết người thầm lặng vì nó có thể đi sâu vào phế nang, gây ô nhiễm đường hô hấp, thậm chí còn làm ảnh hưởng cấu trúc ADN, gây ung thư phổi và làm tăng nguy cơ tử vong.
Với một nhà máy điện 1.200 MW thải ra 1,2 triệu tấn tro xỉ cần 15ha/năm để chứa tro xỉ. Tổng cộng 55.300 MW nhiệt điện than đến năm 2030, cần 691ha/năm và trong vòng đời 40 năm của nhà máy nhiệt điện thì nhu cầu bãi xỉ cả nước là 276km2, tương đương gần 40% diện tích đảo quốc Singapore.
Không phát thải SO2 có ý nghĩa là tránh được nguy cơ đến sức khỏe cộng đồng (cụ thể là tránh được nguồn gây rối loạn chuyển hóa đường và protein, gây tắc nghẽn mạch máu, gây co hẹp dây thanh quản, khó thở), tránh được nguy cơ gây ra mưa axit làm phá hủy cây trồng, rừng và đất, axit hóa các nguồn nước mặt...
Vậy ưu điểm này của nhiệt điện khí đã đủ thuyết phục hơn so với nhiệt điện than hay chưa?
“Dầu diesel để chạy các động cơ diesel có lưu huỳnh 0,5% cũng tương đương như hàm lượng lưu huỳnh trong than nội địa, than nhập khẩu, nghĩa là cũng thải ra một lượng SO2 tương đương như khi đốt than, lại ngay trên mặt đất, lại không hề có thiết bị khử SO2 như ở nhà máy điện”.
Trong thực tế, Việt Nam đã chính thức cấm lưu hành dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh 0,25% từ ngày 1-1-2016 và hiện chỉ có dầu diesel 0,05% lưu huỳnh, không phải dầu diesel có tới 0,5% lưu huỳnh như thông tin nói trên. Hàm lượng lưu huỳnh trong than cao hơn từ 35-257 lần trong dầu diesel.
Tương tự, độ tro trong dầu diesel (DO 0.05S) chỉ là 0,01% trong khi trong than cho phép từ 3-45%, nghĩa là hàm lượng tro trong than cao hơn từ 300-4.500 lần trong dầu diesel.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (USEIA), để cùng tạo ra một đơn vị năng lượng như nhau, lượng phát thải từ đốt than cao hơn từ đốt dầu diesel với từng chất ô nhiễm không khí cụ thể như sau: SO2 gấp 2,3 lần; bụi gấp 32,7 lần; CO2 gấp 6,3 lần và thủy ngân gấp 2,3 lần.
“Nước Đức giàu có như vậy, rất coi trọng môi trường nhưng cũng vẫn phải chấp nhận cho tồn tại ôtô dùng động cơ diesel”.
Nước Đức cho lưu hành xe dùng động cơ diesel nhưng tiêu chuẩn cụ thể của họ về diesel và về khí thải như thế nào?
Tiêu chuẩn 2009/30/EC của châu Âu cho phép hàm lượng lưu huỳnh trong dầu diesel kể từ năm 2009 trở đi là 10 mg/kg dầu hay 0,001%, tức là Việt Nam đang dùng dầu diesel cao gấp 50 lần của Đức.
Việt Nam bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4, trong khi hiện nay Đức đã áp dụng Euro 6 với quy định về NOx thấp hơn Euro 4 là 68%, về bụi thấp hơn Euro 4 là 80%.
Để đạt được quy định nghiêm ngặt này, xe chạy bằng động cơ diesel phải lắp đặt các thiết bị xúc tác, lọc bụi và hấp thụ khí thải.
Con đường cho năng lượng sạch
Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA, 2017) đã đưa ra so sánh về tiêu chuẩn cho phép thải về bụi trong ống khói của nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam và các nước như sau:
Theo đó, cùng gọi là nhà máy nhiệt điện than nhưng Việt Nam cho phép thải bụi với nồng độ chỉ thấp hơn so với Campuchia, cao hơn Trung Quốc đến 8 lần, cao hơn Indonesia và Ấn Độ 2 lần, hơn Malaysia và Myanmar 4 lần, cao hơn Đức 20 lần...
Do vậy, việc dẫn chứng các nước đang cho phép phát triển nhiệt điện than với tỉ lệ cao để biện minh cho nhiệt điện than của Việt Nam mà không đề cập đến tiêu chuẩn khắt khe về khí thải của họ, điều đó là không hợp lý.
Để xử lý bụi mịn (PM2.5), có thể dùng hệ thống lọc túi vải với hiệu suất 99,8% hoặc hệ thống lọc bụi tĩnh điện với hiệu suất 80-95%.
Một hệ thống lọc túi vải cho nhà máy nhiệt điện than công suất 600 MW có giá đến 100 triệu USD. Nếu cho rằng các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam đang áp dụng lọc bụi bằng tĩnh điện nhưng hiệu suất đạt tới 99,98%, cần xem xét kỹ càng trước khi đưa ra nhận định.
Vậy, phải chăng việc dễ dãi trong tiêu chuẩn phát thải của nhà máy nhiệt điện của Việt Nam đã giúp các chủ dự án giảm chi phí đầu tư vào thiết bị xử lý khí thải hiệu suất cao, đưa đến nhận định của nhiều người rằng đầu tư vào nhiệt điện than là rẻ nhất?
Quan trọng hơn, thiệt hại về môi trường và sức khỏe do phát triển nhiệt điện than mà xã hội phải gánh chịu đã không được tính đến trong bài toán của những người ủng hộ nhiệt điện than, đó có phải là biểu hiện của việc “ăn vào môi trường và sức khỏe”?
Ngân hàng Thế giới đánh giá ô nhiễm môi trường làm tổn hại đến 5% GDP của Việt Nam, con số này tương đương 10 tỉ USD năm 2016.
Nếu Việt Nam chuyển hướng ưu tiên đầu tư năng lượng sạch, loại bỏ nhiệt điện than, thì những chi phí thiệt hại về môi trường và sức khỏe sẽ được tránh khỏi, đồng thời lợi ích kinh tế thu được tương đương 9% GDP hay 23 tỉ USD/năm đến năm 2025, theo tính toán của Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) và Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) năm 2016.
Con số này vượt xa số tiền dự kiến bỏ ra để bù cho điện mặt trời và gió khoảng 1,5 - 1,7 tỉ USD mà ông Nghĩa đưa ra.
Không còn nghi ngờ gì nữa, lựa chọn con đường năng lượng sạch mới đúng là con đường tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam.■
N.Đ.A.T.

LỜI BÀN CỦA GS NGUYỄN HUỆ CHI

NGUYỄN HUỆ CHI/ BVN 1-10-2017

Kết quả hình ảnh cho nguyễn huệ chi

Xin nhắc một kỷ niệm với GS Phan Đình Diệu. Khoảng đầu (hoặc cuối?) 2005, Tỉnh ủy Hà Tĩnh sau khi tổ chức đại hội đảng cấp tỉnh xong bèn kéo nhau ra Hà Nội tổ chức cuộc họp báo cáo kết quả thắng lợi với cấp trên, chủ yếu là với các vị chức sắc vốn quê Hà Tĩnh nay đang đóng những vai trò quan trọng ở Trung ương. Trong số trí thức con em Hà Tĩnh cũng được mời đến dự. tôi và anh Phan Đình Diệu vốn quen biết sẵn, vừa trông thấy nhau vội tìm đến cùng ngồi hai ghế sát cạnh để tiện trò chuyện tâm tình.
Mở đầu cuộc họp, ông Bí thư Tỉnh ủy TĐĐ lên báo cáo. Ông hào hứng vẽ ra một đại kế hoạch phát triển công nghệ cho Hà Tĩnh, trong đó có dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, một mỏ với trữ lượng lớn đáng nể nhưng vì nằm sâu ra ngoài biển chừng 1.5 km, quặng sắt lại chứa một tỷ lệ kẽm rất cao, nên không những khó khai thác, tinh lọc quặng hết sức tốn kém mà lại ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, tuy vậy Hà Tĩnh vẫn quyết tâm xin trung ương cho khai thác để lấy đó làm đà cho “sức bật” của tỉnh nhà.
TĐĐ nói với giọng sôi nổi không giấu giếm gây xôn xao cả hội trường. Tôi tuy không biết gì đến khoa học công nghệ nhưng có nghe nói đến mỏ sắt này từ nhỏ, vì nghe ông chú tôi, một nhà kỹ thuật cũng là người hoạt động tiền khởi nghĩa, nói cho cả nhà nghe về mỏ sắt Thạch Khê mà quân Nhật đã rất chú ý khi vào Đông Dương hất chân quân Pháp, nhưng vì khó khăn sao đó nên về sau vẫn không khai thác. Tôi để ý thấy Phan Đình Diệu ngồi bên cạnh tôi vừa nghe mắt vừa lim dim, mặt không đổi sắc. Bỗng Diệu quay sang nhìn tôi hỏi: “Ung (cậu) có ý kiến gì về việc này không?” Tôi chỉ bảo: “Khai thác được thì giúp cho Hà Tĩnh khá lên cũng tốt, nhưng nghe chú tôi từng bảo loại mỏ nằm sâu dưới mặt nước biển 4-500 mét khó đào bới lắm thì phải”. Diệu lẩm bẩm: “Bọn này hỏng. Tham ăn mà chẳng biết gì cả”. Thế rồi đến lúc phát biểu, sau ý kiến của TS kinh tế Nguyễn Mại (tôi không nhớ anh nói những gì), Diệu liền đứng dậy giơ tay và bước vội lên Hội trường. Giọng anh vẫn thanh và nhỏ như giọng con gái nhưng càng nói cái nộ khí của một tinh thần phản biện với điều sai trái càng bùng lên. Anh đề nghị cả Tỉnh ủy Hà Tĩnh hãy xem xét lại chủ trương của mình vì đó là một chủ trương phiêu lưu, đưa được quặng từ dưới nước sâu lên khỏi mặt đất sẽ cực kỳ tốn kém mà tinh lọc thứ quặng chứa nhiều kẽm ấy lại rất nguy hại cho môi trường, có khi cả một vùng huyện Thạch Hà và cả thị xã Hà Tĩnh chỉ cách 10 km phải bảo nhau dời đi hết, không ai ở đấy được nữa.
Những câu nói nhỏ nhẹ nhưng rất nghiêm từ miệng người bạn của tôi phát ra trên diễn đàn làm cho cả Hội trường đâm ra ngơ ngác, và trở nên im ắng hẳn, khác với không khí rộn ràng hào hứng khi nghe lời ông Bí thư Tỉnh ủy đề dẫn lúc ban đầu. Cũng có những người quay mặt bỏ nhỏ vào tai nhau. Và khi Diệu ngừng lại để nghỉ lấy hơi thì có vài bàn tay giơ lên chất vấn. Một người đứng dậy nói, hình như là trong hàng ngũ đội quân của Tỉnh ủy: “Xin hỏi GS, nói ô nhiễm môi trường, thế thì Quảng Ninh khai thác than từ xưa đến nay và giàu có lên vì ngành khai khoáng ấy có thấy ảnh hưởng môi trường gì đâu?” Vài ý kiến lác đác đế vào, cũng chỉ xoay quanh một nội dung như trên.
Chờ cho họ hỏi xong, Phan Đình Diệu nở một nụ cười rồi nghiểm mặt trở lại, trả lời rất nhanh: “Xin thưa với các anh chị, nếu tôi là người có quyền lực thì tôi đã cho dẹp hết toàn bộ mỏ than ở Quảng Ninh từ ngày ta mới tiếp quản (1954). Việc khai thác đó do Pháp thực hiện từ cuối thế kỷ XIX, đến nay đã lạc hậu quá đi rồi. Rồi đây các bạn sẽ thấy, ô nhiễm môi trường là vấn đề trầm trọng mang tầm thễ giới mà hết thảy các nước đã và đang phát triển đều phải quan tâm chứ không là việc của một nước nào đâu. Nhất là khai thác than đá thì đó lại càng là việc nguy hại vì dùng than để đốt cho các nhà máy như nhiệt điện sẽ thải một lượng lớn khí CO2 ra khí quyển. Con người sẽ phải trả giá khủng khiếp cho những việc dại dột như vậy. Ở nước ta, theo tôi, cần cấp tốc chuyển các loại công nghệ lạc hậu như khai mỏ ở quảng Ninh sang tập trung vào công nghệ du lịch. Quảng Ninh có cả một vịnh Hạ Long đẹp như mơ mà thế giới coi là kỳ quan đấy, hãy dồn sức vào mà làm du lịch cho tốt, vừa sạch sẽ vừa thu lợi, có khi còn cao hơn việc moi than đem đi bán gấp nhiều lần. Giữ cho đất nước nguyên vẹn phong cảnh tự nhiên ngàn xưa có phải là hơn làm cho lở loét hết chỗ này chỗ nọ hay không?
Câu nói cuối cùng của Phan Đình Diệu gây một ấn tượng rất mạnh. Tôi không nhớ Tỉnh ủy Hà Tĩnh sau đó đáp lại anh thế nào, hình như cũng chỉ là những lời chung chung lịch sự, nhưng tiếp nhận một cách nghiêm túc thì chắc là không có. Bản thân tôi cũng hơi ngạc nhiên trước những ý tưởng táo bạo đòi dẹp cả một ngành công nghiệp ăn nên làm ra vốn có từ thời Pháp, và cũng là niềm hãnh diện từng được ghi đó đây trong các cuốn sử đảng – “một môi trường quan trọng đào tạo nên giai cấp vô sản Việt Nam”.
Mãi mấy năm sau, dõi theo việc Tập đoàn TKV của Nhà nước cho khai thác bừa bãi các mỏ than ở đất Quảng để bán đổ bán tháo cho TQ với một giá như bèo, mặc cho môi trường cả một vùng ảnh hưởng ra sao không cần biết (và làm cho khối lượng than dự trữ của Việt Nam cạn kiệt, đến nỗi hiện nay lại phải nhập than từ Trung Quốc với giá đắt gấp nhiều lần); rồi tiếp theo là việc người Tàu ép buộc ĐCS VN phải đào bới bauxite ở Tây Nguyên đem sang cung cho họ với một giá thấp hơn giá vốn, mới có mấy năm mà đã lỗ đến trên 3500 tỷ đồng, lại làm đảo lộn sinh thái và phá hoại cả một nền văn hóa nguyên sơ quý giá của nhiều tộc người thiểu số ở đây, không tài nào hồi phục được, v.v… tôi mới tỉnh ngộ ra cái giá quá đắt của việc khai thác bừa bãi khoáng sản ở nước ta.
Nhớ lại cuộc họp năm đó, những lời nhẹ nhàng của Phan Đình Diệu, hóa ra là những cảnh báo có giá trị “búa bổ” mà trong hoàn cảnh bấy giờ hẳn chưa mấy ai hiểu nổi sức nặng dồn nén trong đó. Cũng may mỏ sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh chỉ mới đầu tư có 1500 tỷ đồng thì đã có người tỉnh táo yêu cầu dừng lại, nếu không nhân dân Hà Tĩnh chắc đã chịu thêm một cú sốc về môi trường không thua kém mà biết đâu còn hơn cả Formosa.
Nguyễn Huệ Chi

MỪNG ĐẠI THỌ LẦN THỨ 102 LÃO TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH !

NGUYỄN ĐĂNG QUANG/ BVN 1-10-2017

Kết quả hình ảnh cho tướng nguyễn trọng vĩnh

Hôm nay kỷ niệm ngày sinh Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Cụ sinh ngày 1/10/1916, tuổi Bính Thìn. Theo cách tính của người Á Đông và người Việt Nam ta thì cụ bắt đầu bước sang tuổi thứ 102, một mốc tuổi đại, đại thọ, rất ít cụ đạt được xưa nay! So với cách đây 2 năm khi cụ 100 tuổi, năm nay sức khỏe cụ đã giảm sút khá nhiều. Đi lại yếu hơn trước, trí nhớ kém đi, hay quên những việc mới xảy ra, nhưng ai nhắc lại cụ lại nhớ ra ngay. Tuy vậy, cụ vẫn duy trì được một tư duy tuyệt vời, ít người sánh kịp. Phòng ngủ của cụ nay phải chuyển từ tầng 2 xuống tầng 1 để tiện tiếp khách và đỡ phải lên xuống cầu thang hàng ngày! Buổi sáng cụ thường tập thể dục nhẹ ở sân vườn. Hàng ngày cụ theo dõi tình hình trong nước và thế giới qua 2 bản tin thời sự 12 giờ trưa và 19 giờ tối của VTV1, nhưng chủ yếu là cụ đọc đều đặn Bản tin A của Bộ Ngoại giao gửi đến hàng ngày.
Có thể nói cụ là một nhà cách mạng lão thành quý hiếm và rất đáng kính! Cụ tham gia hoạt động cách mạng chống Pháp từ rất sớm và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939 khi mới 23 tuổi. Là một trong những cán bộ quân đội được phong hàm Thiếu tướng khi còn rất trẻ (43 tuổi), đến nay cụ là sỹ quan cấp tướng có thâm niên lâu nhất trong quân đội hiện nay (58 năm mang hàm Thiếu tướng), và là tướng lĩnh duy nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tấn phong (1959) hiện còn sống cho đến thời điểm này! Cụ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong 16 năm (từ 1960 đến 1976) khi được bầu là Ủy viên Trung ương dư khuyết tại Đại hội Toàn quốc lần thứ III của ĐLĐVN năm 1960. Sau khi được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, cụ được chỉ định làm Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương. Nhưng vì giữa cụ và Trưởng ban Lê Đức Thọ, ngoài tính khí khác hẳn nhau, giữa 2 người thường xuyên có bất đồng quan điểm về công tác bố trí, sử dụng và đề bạt cán bộ, nên cụ chỉ “trụ” được ở đây trên 6 tháng trước khi được điều chuyển về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Có lẽ cho đến nay, ĐCSVN chưa có ai làm Bí thư Tỉnh ủy ba lần ở 3 tỉnh khác nhau như Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (là Thái Bình, Vĩnh Yên và Thanh Hóa).
Có thể cụ còn giữ một “kỷ lục” nữa khi cụ có gần 10 năm liên tục làm Trưởng đoàn Cố vấn của Đảng kiêm Trưởng đoàn Chuyên gia quân sự giúp bạn Lào (1964-1974). Trong thời gian công tác ở Lào, cụ luôn tâm niệm lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chú có ý kiến gì thì chú góp với Bạn để Bạn làm, chú không được làm thay và chú không được làm “Ông Toàn quyền!”. Giữa năm 1974, khi kết thúc gần 10 năm làm Cố vấn và Chuyên gia ở Lào về nước và còn chưa kịp viết xong bản tổng kết công tác giúp bạn, thì cụ lại được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc. Cụ nói, những tưởng lần này đi sứ khoảng 3-4 năm thôi, khi hết nhiệm kỳ, cụ sẽ được nghỉ hưu theo quy định. Nhưng nào ngờ, nhiệm kỳ Đại sứ của cụ tại Trung Quốc bị kéo dài ngoài dự tính, trên 13 năm, mãi đến giữa năm 1987 cụ mới được rút về nước, và 3 năm sau cụ mới được nghỉ hưu ở tuổi 75! Nếu tôi nhớ không nhầm thì cụ là người lập và giữ kỷ lục là nhà ngoại giao Việt Nam duy nhất tính đến nay có nhiệm kỳ làm Đại sứ lâu nhất ở 1 quốc gia! Nhiệm kỳ 13 năm làm Đại sứ của cụ ở Trung Quốc là thời kỳ quan hệ giữa 2 nước trở nên rất xấu, đầy căng thẳng và sóng gió sau khi Trung Quốc đưa 60 vạn quân tràn sang tàn phá và xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta tháng 2/1979! Cụ nói, 13 năm làm Đại sứ ở Bắc Kinh là 13 năm đấu trí và đấu mưu đầy căng thẳng với Bộ Ngoại giao và chính quyền nước sở tại. Có thể nói, cho đến nay, cụ là vị Đại sứ mà Trung Quốc cảm thấy “kém vui”, “không ưa” và “đau” nhất trong số các Đại sứ Việt Nam từ trước đến nay ở xứ này! Cụ kể lại, khi về nước gặp lại đ/c Ngô Thuyền là người tiền nhiệm của mình, cụ nói vui: “Anh thì sang Trung Quốc uống rượu, còn tôi thì sang cãi nhau!”
Cuối năm 1995, để khái quát 23 năm đảm trách công tác đối ngoại ở 2 quốc gia láng giềng, và cũng là để tặng cha nhân dịp mừng thọ cụ 80 tuổi, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, trưởng nữ của cụ, viết tặng cha đôi câu đối sau đây:
- Làm Cố vấn miền Tây, nhớ lời Bác, không làm “lão Toàn quyền”, luôn nhớ chữ “Chủ quyền của bạn”
- Đi Đại sứ nước Tàu, trung với nước, chẳng ngại “người Đại Hán”, giữ trọn điều “Quốc thể về ta”!
Trong 27 năm qua, sau khi nghỉ hưu (1990), cụ vẫn không cho phép bản thân được nghỉ ngơi hoàn toàn mà chuyển sang một cuốc đấu tranh mới! Cụ khẳng khái lên tiếng góp ý với lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất nhiều vấn đề. Bà Nguyên Bình cho biết, trong khoảng 17 năm đầu sau khi nghỉ hưu, cụ đã trực tiếp trên 100 lần viết thư tay gửi cho Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, góp ý kiến về những chủ trương, đường lối sai lầm và nguy hiểm mà Đảng đang phạm phải, nhưng họ không hề lắng nghe, mà thậm chí còn lờ tịt, không hồi âm cho cụ! Do vậy, bắt đầu từ năm 2007, cụ công bố công khai những ý kiến phê phán và các kiến nghị của cụ trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Theo tinh thần đó, chỉ riêng trong năm 2014, cụ đã lên tiếng trong 2 văn bản quan trọng. Văn bản thứ nhất là ngày 28/7/2014, với tư cách là đảng viên có 75 năm tuổi đảng, cụ là người đầu tiên ký vào Thư ngỏ 61 (TN61) của 61 đảng viên tâm huyết gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên ĐCSVN, mạnh mẽ yêu cầu Đảng đổi mới tư duy và thay đổi triệt để đường lối lãnh đạo đất nước trong 2 lĩnh vực đối nội và đối ngoại! Xin trích:
“1- Đảng Cộng sản Việt Nam hãy tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển sang hẳn đường lối DÂN TỘC và DÂN CHỦ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ TOÀN TRỊ sang DÂN CHỦ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa.
2- Lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải thấy rõ mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng để có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, xây dựng mối quan hệ láng giềng hòa thuận, hợp tác bình đẳng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước”.
Văn bản thứ hai là ngày 2/9/2014, với tư cách là CCB, cụ là một trong 6 vị tướng ký vào Kiến nghị của 20 sỹ quan cao cấp QĐND và CAND (gọi tắt là KN20), yêu cầu Đảng và Nhà nước thực thi 4 vấn đề cụ thể sau:
1- Quân đội có nhiệm vụ Hiến định là bảo vệ Tổ quốc trước ngoại xâm nên cần chấm dứt ngay việc huy động quân đội vào những sự vụ mang tính đối kháng với nhân dân, như giải tỏa đất đai, ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa,…
2- Việc cố tình phớt lờ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979 và mấy trận chiến bảo vệ biển đảo không chỉ phủ nhận lịch sử, xúc phạm đồng bào và chiến sỹ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và quyết tâm chiến đấu của LLVT. Đó là sai lầm không được phép tái phạm.
3- LLVT cần được xác định rõ và chính xác đối thủ, không thể mơ hồ biến thù thành bạn hoặc coi bạn là thù. Đối tượng tác chiến của quân đội phải là những thế lực có thể đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong hiện tại và tương lai, chứ không thể là những đối thủ đã thuộc về quá khứ.
4- Là người chủ và người bảo vệ đất nước, nhân dân và LLVT phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của quốc gia. Vì vậy Nhà nước phải báo cáo rõ ràng với nhân dân về thực trạng quan hệ Việt-Trung và những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo và các hợp đồng kinh tế ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia.
Gần đây nhất, khi lên tiếng về quyết định từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam của Giáo sư Tương Lai, lão tướng Nguyễn Trong Vĩnh khẳng định, với tư cách là một trong những đảng viên có nhiều tuổi đảng nhất của ĐCSVN hiện nay và là người không ngơi nghỉ trong cuộc đấu tranh làm cho ĐCSVN trong sạch và vững mạnh trở lại, với mục tiêu là đấu tranh xóa bỏ thể chế toàn trị, độc tài, xây dựng nhà nước pháp trị, dân chủ trên cơ sở tam quyền phân lập, đặt lợi ích dân tộc, quyền lợi quốc gia chứ không phải là lợi ích của ĐCSVN lên trên hết, cụ hoàn toàn đồng tình với quyết định của Gs Tương Lai, cụ cho đó là một quyết định đúng đắn, đúng thời điểm và sẽ có tác dụng lan tỏa, mặc dù trước đây cụ có khuyên anh Tương Lai nhẫn nại và cố gắng ở lại trong Đảng để đấu tranh chống sự tha hóa, biến chất trong Đảng. Cụ hoàn toàn tán đồng và ủng hộ quyết định của GS Tương Lai, đặc biệt là nội hàm câu: “Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng đang thao túng…”! Theo cụ, ĐCSVN trong những năm gần đây đã hoàn toàn biến chất, trở nên quá hư hỏng, khó có thể sửa chữa được! ĐCSVN đã đánh mất mình, không còn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nữa! Trong các hư hỏng trên, cụ nói có 3 hư hỏng nghiêm trọng và nguy hiểm nhất, cần phải loại bỏ ngay, đó là:
1/. ĐCSVN đã trở thành một ổ tham nhũng trầm trọng, khó có thể kiềm chế và kiểm soát được! Bọn tham nhũng đều là những cán bộ, đảng viên trung cao cấp của Đảng, chúng đã trở thành bầy sâu, tập đoàn sâu và ăn của dân không từ một thứ gì!
2/. ĐCSVN không còn là một khối đoàn kết vững chắc như xưa. Nay đã chia rẽ, đang hình thành nhiều phe nhóm lợi ích tệ hại trong Đảng, và các phe phái này đang ra sức đấu đá, tranh giành quyền lợi và quyền lực, không thiết tha gì với lợi ích dân tộc, với quyền lợi đất nước như hồi ĐLĐVN trước đây nữa!
3/. ĐCSVN ngày nay đã lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang, cụ thể là vào ĐCSTQ! Sau khi bí mật ký kết thỏa ước Thành Đô (9/1990), Ban lãnh đạo ĐCSVN kể từ đó đã lệ thuộc gần như mọi mặt vào ĐCSTQ! ĐCSVN đã làm ngơ, không dám ra tuyên bố phản đối và thực hiện biện pháp đáp trả khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị Trung Quốc xâm phạm, đặc biệt hồi giữa năm 2014, TQ ngang ngược hạ đặt trái phép dàn khoan HD.981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và mới đây Việt Nam phải nhẫn nhục đầu hàng, chấp nhận yêu sách ngang ngược của TQ đòi VN phải ngừng Dự án thăm dò khí đốt tại Lô 136/03 thuộc bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kibh tế của Việt Nam!
*****
Nhân dịp mừng Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh hưởng hồng phúc đại thọ 102 tuổi, tôi mạn phép sơ lược lại những nét cơ bản cuộc đời hoạt động và đấu tranh không ngơi nghỉ và đầy khí phách hào hùng của một chí sỹ yêu nước hết lòng vì Tổ quốc, vì dân tộc Việt Nam chúng ta; đồng thời khái quát lại những tư tưởng, quan điểm chính trị sáng suốt, nhìn xa trông rộng của một bậc tiền bối cách mạng rất quý hiếm và rất đáng kính hiện nay! Một lần nữa xin kính chúc Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh dồi dào sức khỏe và trường tồn!
Hà Nội, ngày 1/10/2017.
N.Đ.Q.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét