Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

20171007. BÀN VỀ TỆ NẠN SÍNH BẰNG CẤP

ĐIỂM BÁO MẠNG
'TIẾN SĨ GIẤY', 'THẠC SĨ TIỀN' VÀ NỖI BUỒN CHUYỆN SÍNH BẰNG CẤP

NGUYỄN CAO/ GDVN 7-10-2017

Hình ảnh minh họa về bằng cấp rởm (Ảnh nguồn: Tạp chí Khám phá điện tử).
Thời gian gần đây, chúng ta đã được nghe nhiều đến một số cụm từ “lò ấp”; “công nghệ” sản xuất tiến sĩ và cả những bất cập trong việc hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ hay việc có những trường không tuyển sinh được sinh viên đại học nhưng mỗi năm lại tuyển sinh đến vài trăm người để đào tạo thạc sĩ.
Những “tiến sĩ giấy”, “thạc sĩ tiền” ấy đang làm mất đi vị thế cao cả của những người có học vị cao, làm ảnh hưởng đến những người có cùng học vị mà học hành đàng hoàng và đang ngày đêm cống hiến cho sự phát triển của nước nhà.
Nghĩ cũng thật lạ, ở xứ mình có nhiều người có học vị tiến sĩ một cách rất… phi thường.
Thi đại học mãi không đỗ nên phải học đại học tại chức, từ xa…rồi học xong đại học thì học cao học rồi lại tiếp tục làm nghiên cứu sinh để có bằng tiến sĩ!
Và, dĩ nhiên là khi có bằng tiến sĩ thì họ được đảm bảo cho vị trí công tác, được cơ cấu và đảm nhiệm ở các vị trí cao trong một số cơ quan nhà nước.
Có nhiều người còn nghiễm nhiên xin được công việc giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp rồi họ lại đào tạo ra biết bao nhiêu thế hệ học.
Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội đang bàn luận xôn xao về một đề tài luận án tiến sĩ nghệ thuật có cái tên ngồ ngộ và rất lạ: “Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005-2015” của nghiên cứu sinh Bùi Quang Tiến, người hướng dẫn đề tài là Phó Giáo sư Lê Anh Vân.
Thế nhưng, ngẫm đi, ngẫm lại thì cũng chẳng có gì phải…buồn cười. Bởi, thời gian qua, chúng ta đã thấy có rất nhiều những đề tài nghiên cứu sinh có những cái tên còn “hay” hơn rất nhiều như:
“Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; Hành vi nịnh trong Tiếng Việt; Đặc điểm dịch tễ tăng huyết áp ở người Nùng trưởng thành tại tỉnh Thái Nguyên và hiệu quả một số giải pháp can thiệp; Thực trạng an toàn vệ sinh lao động, bệnh liên quan bệnh nghề nghiệp trong sản xuất gạch Tuynel tại Bắc Ninh và hiệu quả một số giải pháp can thiệp; Thực trạng bệnh tai mũi họng ở người Mông và hiệu quả giải pháp can thiệp cộng đồng tại huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang…”.
Cách đây chưa lâu, trên chương trình thời sự VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam có đưa một bản tin về một trường đại học dân lập ở một tỉnh phía Bắc là mấy năm qua trường không tuyển sinh được một lớp đại học nào nhưng mỗi năm trường lại tuyển đầu vào 260 chỉ tiêu để đào tạo cao học.
Vậy mà ông hiệu trưởng cứ thao thao nói rằng trường đào tạo uy tín nên mới có nhiều người tìm đến để học. Nghĩ mà buồn thay…
Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về trường hợp một vị Bí thư thành ủy kê khai bằng tiến sĩ không được Bộ Giáo dục công nhận, một Bí thư tỉnh ủy dùng bằng thạc sĩ không đúng…khiến dư luận ngao ngán về tệ sính bằng cấp của xứ mình.
Những vị trí lãnh đạo như vậy, họ thừa hiểu việc sử dụng bằng cấp không đúng quy định sẽ như thế nào rồi.
Vậy mà nhiều người vẫn kê vào lí lịch của mình để làm gì. Hơn nữa, với vị trí của họ thì đâu nhất thiết phải có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ để làm gì?
Chợt nhớ, thời còn học ở giảng đường đại học, chúng tôi đã được học với rất nhiều giảng viên có học hàm, học vị cao. Thế nhưng, trình độ của nhiều thầy cô có học hàm, học vị cao ấy lại không có trình độ tương xứng.
Nhiều giảng viên dạy chúng tôi có học vị cao chót vót nhưng trình độ sư phạm và phương pháp giảng dạy lại chán ngán đến vô cùng.
Ngược lại, có nhiều giảng viên chỉ có trình độ cử nhân nhưng đã làm cho chúng tôi say mê qua những lời giảng.
Thời đó, công nghệ thông tin mới bắt đầu có nên phần lớn là thầy cô chưa đưa giáo án điện tử vào giảng dạy. Nhưng, có lẽ vì thế mà những tiết giảng Văn của nhiều thầy cô bay bổng đến tuyệt vời.
Vì vấn đề tế nhị nên chúng tôi không tiện nêu tên khoa, tên trường mà mình đã theo học. Thế nhưng, đến tận bây giờ trong thâm tâm chúng tôi vẫn ấn tượng với 2 giảng viên chỉ có học vị là cử nhân.
Những người có bằng cử nhân mà đứng lớp dạy sinh viên đại học thì người ta hay gọi nôm na là “cơm chấm cơm” nhưng 2 thầy cử nhân “cơm chấm cơm” ấy đã thực sự làm cho đám sinh viên chúng tôi yêu quý và kính trọng nhất.
Mỗi lần vào lớp, các thầy chỉ cầm mấy viên phấn rồi đi vào nội dung của bài học. Các thầy không có học vị cao nhưng kiến thức uyên thâm, giảng dạy thấu đáo và rất khoa học với nhiều phương pháp khác nhau mà sinh viên rất dễ dàng tiếp cận và đắm say qua từng từ, từng chữ của thầy.
Vì thế, những tiết học của các thầy luôn có mặt đầy đủ các sinh viên và lớp học rất có nền nếp học tập bởi các thầy giảng hay quá, thuyết phục quá.
Một số giảng viên có học vị tiến sĩ, thậm chí có những người có học hàm cao hơn nữa thường xuyên khoe khoang, đề cao bằng cấp của mình nhưng giảng dạy thì toàn những chuyện lãng xẹt.
Nhiều thầy dạy sinh viên đại học mà vừa dạy, vừa nhìn giáo án. Viết lên bảng một dòng lại vào nhìn giáo án để…viết tiếp.
Những bài giảng khô khan, thiếu hệ thống và không bao giờ có liên hệ, mở rộng vấn đề làm học sinh vô cùng…buồn ngủ.
Bạn bè của chúng tôi thời học phổ thông giờ công tác ở khắp các nơi trên mọi miền tổ quốc, có nhiều người học cao học, làm nghiên cứu sinh…rồi trở thành thạc sĩ, tiến sĩ.
Có một điều tuyệt nhiên là ngày họp lớp bạn bè gặp lại nhau sau hàng chục năm xa cách chỉ nghe mấy người có học vị cao này khoe là hoàn thành khóa học hết hàng mấy chục, thậm chí là mấy trăm triệu đồng để có bằng nọ bằng kia nhằm đảm bảo cho vị trí công tác hoặc lên chức.
Có người còn khoe rằng muốn được cơ quan cho đi học cũng phải chạy thì mới được cho đi, khi đi học thì chủ yếu là phải nuôi thầy chứ có tuổi rồi học làm sao vào được.
Tuyệt nhiên, không thấy ai nói đến chuyện học cao như vậy để nâng cao kiến thức chuyên ngành cho mình.
Viết đến đây, người viết lại sực nhớ đến nhà thơ trào phúng Tú Xương khi xưa đã lên án về việc học và công nhận bằng cấp của xứ mình thuở ấy:
“Tiến sĩ khoa nay đỗ mấy người/ Nghe chừng hay chữ có ông thôi/ Nghe văn mà gớm cho văn nhỉ/Cờ biển vua ban cũng lạ đời”. Đến giờ, sao mà ngẫm vẫn thấy đúng!                                                                       
Nguyễn Cao

GÓP Ý VỚI ĐẢNG

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 7-10-2017

1- Đặt vấn đề
Khi ai đó nêu ý kiến rằng đảng nên biết việc nọ, đảng cần làm việc kia… thì người ta mặc nhiên cho rằng họ nói với Tổng Bí thư hoặc những người đại diện cao nhất của đảng. Nói cho các vị ấy biết để rồi nếu họ có thiện chí thì sẽ đưa ra trao đổi, thảo luận, nếu thấy đúng thì biến thành nhận thức và hành động. Điều này thể hiện khá rõ khi chuẩn bị Đại hội 6, TBT Trường Chinh chấp nhận ý kiến về khoán trong nông nghiệp và mở cửa trong phát triển, tạo ra sự đổi mới trong kinh tế chủ yếu bằng cởi trói. Còn khi người tiếp nhận ý kiến không có thiện chí, thiếu trí tuệ thì dù ý kiến có hay, có đúng đến bao nhiêu mà không phù hợp với mong muốn của họ cũng bị vứt vào rọt rác. Trong tục ngữ Việt có các câu: “Đàn gãy tai trâu” và “Nước đổ đầu vịt”. Người Việt cũng có câu: Nói điều gì, làm việc gì phải có lý có tình. Nhưng xét ra không thể nói lý với kẻ ngu và không thể dùng tình với bọn tham.
Tình hình hiện nay, trong lúc một số người có trình độ và tâm huyết góp ý kiến về cải cách thế này, đổi mới thế kia thì những người đại diện cao nhất của đảng đang lo chuyện khác hoặc chưa có dũng khí để bàn đến. Như vậy hiệu quả của những lời góp ý rất thấp, phạm phải lỗi “Thông tin không đúng địa chỉ”. Để khắc phục tình trạng vừa nêu, tôi đề nghị chấp nhận rằng, đảng viên (ĐV), từ Tổng Bí thư đến người vừa được kết nạp, có 2 loại: Cố thủ và Thức thời. Thuộc loại Cố thủ là những ĐV theo phương châm “Còn đảng còn mình” hoặc chỉ biết nghĩ theo, làm theo cấp trên, mà cấp trên thì kiên trì Mác Lê. Thuộc loại Thức thời là những ĐV có trí tuệ, có thể và dám suy nghĩ, nhận thức bằng đầu óc của mình, thấy rõ những sai lầm đảng đã phạm phải, thấy rõ phải đứng về phía nhân dân để làm cải cách. Tôi xin có những ý kiến với toàn thể ĐV, lại có ý kiến chỉ trao đổi riêng với từng loại.
2- Nói với toàn thể ĐV
Đối với dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vừa có công, vừa có tội. Giữa công và tội thì những người có lương tri thường hành động theo kiểu “Lập công để chuộc tội”, còn những kẻ ngoan cố thường làm là: “Lấy công cũ để biện minh, để bao che tội mới”. Công của ĐCSVN như thế nào thì chủ yếu do tuyên truyền một chiều chứ nhiều vấn đề cũng còn tranh cãi. Tôi không phủ nhận công của ĐCSVN, nhưng vì còn tranh cãi nên cũng xin tạm để lại, hơn nữa các ĐV cũng đã nghe nhiều. Tôi chỉ xin đề cập đến phần tội, là điều mà các ĐV còn biết ít, chưa biết, hoặc không công nhận (mà lại còn nhận nhầm là công, là tất yếu).
Trong báo cáo chính trị tại các lần đại hội bao giờ cũng có phần đánh giá tình hình, các nhược điểm, thiếu sót. Nhược điểm, thiếu sót chưa phải là tội trạng. Tội chủ yếu đối với dân tộc là dưới chiêu bài lãnh đạo, Đảng đã cướp quyền của dân để thực thi “Chế độ đảng trị”. Để làm việc này, tổ chức đảng đã dùng 2 biện pháp kết hợp. Một là tuyên truyền, tẩy não, ngụy biện, dối trá để mê hoặc, để lôi kéo, hai là dùng bạo lực, trấn áp để tạo nên sợ hãi, để triệt hạ mọi bất đồng, lấy chủ nghĩa để chà đạp trí tuệ và quyền con người. Kết quả của tội lỗi cơ bản này gây ra sự hủy diệt tầng lớp tinh hoa của dân tộc, làm băng hoại đạo đức mà chủ yếu là lấy dối trá thay cho liêm chính.
Trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt có nhiều cái tốt, nhưng cũng tồn tại một số điều xấu như thói ích kỷ, thói ghen ăn tức ở, sự tham lam, thiển cận, thói khoe khoang, phô trương, v.v. Nhiều chủ trương, chính sách sai lầm của đảng đã không hạn chế mà còn làm cho các thói hư tật xấu phát triển, dẫn đến những tai họa trầm trọng về tham nhũng, mua quan bán tước, giáo dục xuống cấp thảm hại, tội ác và oan trái tràn lan, môi trường bị hủy hoại, nợ nần chồng chất, bộ máy công quyền quá nặng nề và bất lực. Để xẩy ra những thảm cảnh như vậy, người phải chịu trách nhiệm đầu tiên là cán bộ lãnh đạo các cấp, các thời kỳ của ĐCS, tiếp theo là toàn bộ ĐV.
Để bao che cho tội lỗi, có 2 lập luận ngụy biện. Một là đổ cho thói hư tật xấu vốn có của người dân, hai là đổ cho một số cán bộ thoái hóa biến chất. Cả hai nguyên nhân đó đều đúng nhưng không phải là cơ bản. Phải tìm nguyên nhân cơ bản từ trong sự lãnh đạo và quản lý nhà nước, đó là sự độc quyền toàn trị của những con người đầy tính kiêu ngạo cộng sản, đó là người nắm quyền giành được một số lợi ích phe nhóm nhưng hủy hoại nhiều lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc.
Rồi chỉ vì để bảo vệ lợi ích nhóm và cá nhân mà nhiều thế hệ lãnh đạo đã nấp vào việc bảo vệ ý thức hệ mà chịu khuất phục, chịu lệ thuộc vào Tàu cộng, bị chúng lấn dần trên nhiều lĩnh vực, có nguy cơ bị mất chủ quyền. Nếu ĐCSVN không tỉnh ngộ ra để chủ động lập công chuộc tội bằng những cải cách dân chủ để bảo vệ độc lập, để phát triển đất nước, để mưu cầu tự do và hạnh phúc thực sự cho toàn dân thì khó tránh khỏi mắc phảitrọng tội phản dân phản nước.
3- Góp ý với các ĐV thức thời
Nhiều người cho rằng cộng sản phải bị đánh đổ chứ không thể cải tạo. Tôi không phản bác ý đó, nhưng tôi muốn phân biệt đảng và đảng viên. Đảng viên CS là những con người, mà con người thì có thể tự cải tạo hoặc được cải tạo. Trong ĐCSVN đã có nhiều ĐV thức thời như các tướng Trần Độ, Nguyễn Vịnh, Đặng Kim GIang, Nguyễn Trọng Vĩnh, Lê Mã Lương, Trương Giang Long, là các ông Trần Xuân Bách, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Kiến Giang, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Hộ, Lê Hiếu Đằng, Tương Lai, Nguyễn Trung và hàng ngàn, hàng vạn người khác. Số ĐV thức thời đang càng ngày càng tăng lên. Ban đầu họ làm được việc nêu gương, chịu chấp nhận sự đối xử bất công cúa đảng để làm những viên đá lót đường, bị số ĐV cố thủ gán cho tội chống đảng, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Một số ĐV thức thời đã từ bỏ đảng một cách công khai hoặc âm thầm. Tưởng rằng đàn áp sẽ triệt hạ được các ĐV thức thời, nhưng không phải như vậy. Số ĐV thức thời càng ngày càng tăng, sẽ trở thành lực lượng cải cách để cứu dân tộc. Thực tế ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây đã chứng tỏ điều này. Đó là tất yếu của lịch sử.
Cộng sản cần bị đánh đổ nhưng không phải bằng bạo lực và dối trá, không phải bằng lực lượng từ bên ngoài, cũng không phải bằng cách tiêu diệt tổ chức. Trước hết và chủ yếu là đánh đổ học thuyết đấu tranh giai cấp, là bài trừ chủ nghĩa Mác Lê (CNML), là loại bỏ chuyên chính đảng trị. Để làm việc này cần kết hợp lực lượng ở trong và ngoài đảng. Trong đảng, chính là dựa vào các ĐV thức thời, họ thấy rõ việc cần phải đứng về phía dân tộc, thấy rõ cần phải làm người tử tế, không chịu chung số phận với những kẻ phản nước hại dân. Các ĐV như vậy ở đâu cũng có, cấp nào cũng có nhưng hiện nay tạm thời chưa liên kết được với nhau vì sợ, vì còn đề phòng bị phản. Các ĐV thức thời trước hết nên nghĩ đến việc cần làm được con người tử tế, có trí tuệ, có dũng khí, dám vì đại nghĩa của dân tộc mà dẹp bớt dần sự sợ hãi để làm được những việc ích nước lợi dân:
– Thứ nhất, mọi ĐV thức thời cần ủng hộ những hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân và phong trào quần chúng nhằm vào việc chống sự tàn phá và xâm lăng của Tàu cộng, nhằm vào việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân (bảo vệ tự do dân chủ, chống lại oan sai, chống áp bức). Với những ĐV có cương vị, cần ủng hộ mạnh mẽ việc ban hành các luật bảo đảm nhân quyền và dân quyền, chống lại mọi sự đàn áp và xét xử bất công, cổ vũ cho tự do học thuật và đối thoại công khai. Những việc này tạo điều kiện cho các phong trào dân chủ.
– Thứ hai là dám công khai vạch ra những thối nát trong Đảng, những sai lầm, những khuất tất trong đường lối và hoạt động của các cá nhân và tổ chức, chỉ ra được nguyên nhân sâu xa của nhiều tai họa là từ sự độc tài toàn trị, vạch ra sự cấp thiết của việc cải cách thể chế. Những điều vừa nêu đã có một số người nói đến trong các nguồn thông tin lề dân. Rất cần thêm những tiếng nói công khai trong các tổ chức của đảng, trong các thông tin lề đảng.
– Thứ ba là tìm cách liên kết với nhau để tạo thành lực lượng, sẵn sàng phối hợp và ủng hộ nhau, đồng thời có liên hệ với các tổ chức dân sự. Cùng nhau nêu ra cho toàn đảng toàn dân thấy sự nguy hiểm của việc phụ thuộc vào Tàu cộng.
– Thứ tư là nêu ra, thảo luận (ở Hội nghị Trung ương, ở Đại hội, trong toàn Đảng) việc đổi mới hoặc cải cách đảng, biến đảng cách mạng thành đảng chính trị, bắt đầu bằng từ bỏ CNML. Có 2 phương án. Một là đổi tên đảng, công nhận những sai lầm và tội lỗi đã gây ra, làm lại chính cương, điều lệ theo một đảng chính trị. Phương án này chắc sẽ gặp sự chống đối kịch liệt, khó thành sự thật. Hai là những ĐV thức thời đồng loạt tuyên bố từ bỏ ĐCS, đứng ra lập một đảng mới. Đó là một đảng chính trị, đối lập với ĐCS. Đảng mới này sẽ thành một lực lượng để thực hiện những cải cách cần thiết. Ngoài 2 phương án trên có thể còn phương án thứ ba, thứ tư, hay hơn… Dù theo phương án nào thì cũng phải đặt quyền lợi dân tộc lên trên, tiến hành bằng biện pháp hòa bình, phải cải cách thể chế theo dân chủ với tam quyền phân lập, với nền kinh tế thị trường , với hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Nếu không có được cải cách thể chế như vậy mà cứ kéo dài độc quyền đảng trị như hiện nay thì khó tránh khỏi sự sụp đổ tan hoang, mang lại thảm họa cho đất nước.
– Thứ năm, vài điều với các ĐV trong các lực lượng vũ trang. Lực lượng của các bạn đang được lãnh đạo mua chuộc và lợi dụng để bảo vệ họ, mà ngoài mồm họ nói là bảo vệ thành quả của cách mạng. Trong lực lượng vũ trang tuy có một số ĐV cố thủ, nhưng cũng có nhiều ĐV thức thời, từ các tướng lãnh đến sĩ quan và chiến sĩ. Trong cuộc CM 1989 làm tan rã chế độ xô viết ở các nước Đông Âu, lực lượng vũ trang các nước như Đông Đức, Tiệp Khắc, Bungari, Hungari, Balan, Rumani đã thể hiện rất cao tinh thần, thái độ đứng về phía nhân dân. Họ ôm nhau khóc khi nhận lệnh đi đàn áp nhân dân, họ chống lệnh chỉa súng vào nhân dân mà trong đó có cha mẹ, anh chị em, bạn bè, đồng bào của họ. Ở Rumani, chính quân đội đã lập tòa án để xét xử tội trạng của tên độc tài, Tổng bí thư đảng Ceausescu.
Phải đấu tranh trong hòa bình, tránh mọi sự bạo lực và tàn sát. Nếu có bạo lực xảy ra thì rất nhiều khả năng là do lực lượng vũ trang bị xúi dục, bị lợi dụng chứ không phải từ quần chúng tay không. Xin các bạn trong lực lượng vũ trang suy nghĩ kỹ, cân nhắc kỹ khi được lệnh đi đàn áp nhân dân. Việc làm này có thể tạm thời được các ĐV cố thủ khen thưởng, nhưng sẽ dày vò lương tâm các bạn suốt đời, để lại vết nhơ và tội trạng không sao rửa sạch.
4- Cảnh báo các ĐV cố thủ
Số ĐV cố thủ lại có thể chia thành 2 tập hợp. Tập hợp 1 gồm những ĐV quyết bảo vệ chế độ nhằm duy trì lợi ích cá nhân và nhóm, mặc dầu nhiều ĐV trong nhóm thừa biết tội lỗi và sai lầm của chế độ. Tập hợp 2 gồm những người có lòng yêu nước nhưng kém trí tuệ, bị lừa gạt mà không biết, trở thành những kẻ cuồng tín, ngu trung. Họ đang ra sức bảo vệ bọn đặc quyền đặc lợi mà cứ tưởng nhầm là bảo vệ thành quả cách mạng. Có những ĐV thuộc cả 2 tập hợp. Đối với tập hợp 1 không thể nào dùng tình cảm hoặc lý luận để cải tạo. Với tập hợp 2, khó dùng lý luận để cải tạo, nhưng có thể dùng thực tế để cảm hóa.
Xin có đôi lời với tập hợp 2. Xin các vị thật sự bình tĩnh để suy xét thì mới mong tỉnh ngộ ra được. Xin các vị biết rằng phần lớn những điều tốt đẹp, những thành tích, những sự sáng suốt các vị biết được là do tuyên truyền một chiều. Hãy chịu khó nhìn vào thực tế, tìm hiểu sự thật. Xin bớt đi lòng cuồng tín và ngu trung, xin dẹp đi thói kiêu ngạo cộng sản, xin thấy rõ tội lỗi và sai lầm của đảng đối với dân tộc để sẵn sàng đứng về phía nhân dân đấu tranh cho tự do và dân chủ, đừng mê muội ôm lấy chế độ dã mục nát, đừng hy vọng hão huyền vào chế độ cộng sản tốt đẹp không thể có.
Với tập hợp 1 - Tội ác các ngươi gây ra cho dân, cho nước đã quá rõ. Hãy biết sợ quy luật nhân quả, hãy nghĩ tới điều vô cùng quan trọng đối với con cháu là để phúc đức lại cho chúng mới lâu bền, còn tiền tài, danh vọng là thứ phù du. Hãy lo nghĩ đến quả báo. Các ngươi đã cướp quyền của dân khá lâu, biến cơ quan quyền lực cao nhất của dân thành lũ bù nhìn, biến chính quyền và tòa án thành tay sai, thành công cụ, biến người dân kể cả tầng lớp trí thức thành nô lệ cho ý thức hệ. Đất nước này, dân tộc này đã một số lần vì rơi vào tay bọn thống trị ngu dốt và đểu cáng mà phải chịu tai họa. Nhưng rồi dân tộc đã vùng lên. Lần này cũng thế thôi. Các ngươi đang tạm lừa dối được một số người nhẹ dạ cả tin, đang nắm được lực lượng để khống chế phong trào dân chủ và đòi hỏi cải cách, nhưng rồi tất yếu của lịch sử sẽ dẫn tới sự cáo chung của chủ thuyết cộng sản. Theo Brzezingski và nhiều nhà nghiên cứu thì nguyên nhân chính làm cho cộng sản chắc chắn sụp đổ là vì THIẾU TRÍ TUỆ. Nói theo dân dã là do sự độc tài của những kẻ vừa ngu vừa tham. Các ngươi chỉ có thể bằng thủ đoạn xảo quyệt để kéo dài sự thống trị, để vét vơ cho đầy nặng túi tham chứ không thể nào cứu được phong trào cộng sản khỏi sụp đổ. Nhưng xin nhớ, càng kéo dài thì các người càng tích lũy thêm tội ác. Đủ rồi, hãy dừng lại.
Khi đang còn một chút quyền hành các người hãy làm một số công để chuộc tội. Đó là việc từ bỏ độc quyền toàn trị, công nhận và trả lại quyền của dân, quan trọng nhất là quyền tự do bầu cử, tự do ngôn luận, quyền lập hội, lập đảng chính tri, là từ bỏ các hành động đàn áp, để cho nhân dân được tự do bày tỏ nguyện vọng. Nếu không làm được như thế mà vẫn cố giữ con đường cũ thì các người là lũ tội phạm hại dân, phản nước.
5- Vài lời kết
Trong công cuộc cải cách người ta hay nói tới việc quan trọng là ĐỔI MỚI TƯ DUY. Nói thì đúng nhưng nhiều người đã làm sai là đòi hỏi người có tư duy cũ phải thay bằng tư duy mới. Vì thế mà có người đề nghị lãnh đạo của đảng làm việc nọ việc kia để cải cách, trong lúc đã biết họ không thể chấp nhận. Thay đổi tư duy không dễ như thay cái áo hoặc đồ dùng. Quyết định của đổi mới tư duy là dùng người có tư duy mới, tiến bộ, có trí tuệ cao, thay cho người có tư duy cũ, lạc hậu, bảo thủ.
Để có được cải cách còn cần sự hoạt động có hiệu quả của các Tổ chức xã hội dân sự và của những cá nhân biết làm và chịu dấn thân. Xin để vấn đề này sẽ bàn trong dịp khác.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

TS LÊ XUÂN NGHĨA NÓI VỀ 'HIỆN TƯỢNG LẠ' TRONG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG

THANH LONG/ VNF/ BVN 7-10-2017

(VNF) – Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang xuất hiện “hiện tượng lạ”: ngân hàng cho doanh nghiệp vay tín chấp.

clip_image001
TS. Lê xuân Nghĩa
Tại buổi hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” năm 2017 vào chiều nay (5/10), TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chuyên gia tài chính ngân hàng đã có những chia sẻ về mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Theo ông Nghĩa, ở các nước như Nhật Bản, Mỹ, khi khủng hoảng nổ ra thì ngân hàng đóng băng tín dụng với doanh nghiệp, nếu nới thì chỉ nới cho các doanh nghiệp lớn. Thế nhưng, ngân hàng Việt Nam chưa bao giờ đóng băng tín dụng với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) nói riêng.
“Chúng tôi nói đùa với các vị lãnh đạo là có thể nói ngân hàng Việt Nam đồng hành cùng với doanh nghiệp một cách dũng cảm, liều lĩnh. Đồng hành cùng với doanh nghiệp trong những lúc khó khăn nhất”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa chia sẻ, gần đây, rất nhiều NHTM có chương trình cho vay doanh nghiệp rất tốt, đặc biệt là có các trung tâm cho vay DNVVN, trung tâm cho vay tiểu thương, trung tâm cho vay hộ gia đình và đặc biệt là trung tâm cho vay tiêu dùng phát triển rất mạnh.
“Có một hiện tượng rất mới là NHTM giờ cho doanh nghiệp vay tín chấp với mức vay thường từ 3 tỷ trở xuống. Đây là hiện tượng lạ của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Từ trước đến nay chỉ có ngân hàng quốc doanh cho doanh nghiệp nhà nước vay tín chấp theo chỉ thị của Thủ tướng, chưa bao giờ chúng ta có hiện tượng ngân hàng cho doanh nghiệp tư nhân vay tín chấp mặc dù mới chỉ ở mức 3 tỷ, thậm chí có những ngân hàng lớn cho vay 15 tỷ”, ông Lê Xuân Nghĩa cho hay.
Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã thông thoáng hơn rất nhiều nhưng cũng đặt ra vấn đề quan trọng là xử lý rủi ro, nhất là tại các DNVVN..
“DNVVN mở rộng quy mô, đầu tư vào bất động sản cần nên tránh vì vốn liếng nhỏ, không trường vốn để thoát qua được chu kỳ kinh doanh bất động sản. Kinh doanh bất động sản có tính chu kỳ rất lớn”, TS. Nghĩa nhắc nhở các chủ doanh nghiệp.
Theo ông Nghĩa, điều các DNVVN cần lưu tâm thứ hai là việc mở rộng quy mô một cách quá mức mà không quan tâm đến quy luật của kinh tế vi mô; nếu mở rộng doanh thu quá mức thì tổng chi phí có thể còn cao hơn cả tổng doanh thu.
Thứ ba, ông Nghĩa cho rằng các nhà quản trị cần chú ý đến vấn đề minh bạch nội bộ vốn đang chưa tốt tại các DNVVN.
“Nếu chúng ta làm tốt tất cả những điều này, thậm chí mời cán bộ ngân hàng đến tận nơi xem xét kế hoạch sản xuất, thậm chí nếu báo cáo cho họ hàng quý về tình hình kinh doanh và kết quả tài chính thì tôi tin rằng chúng ta sẽ có người bạn đồng hành vững chắc”, TS. Lê Xuân Nghĩa gửi gắm.
T.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét