Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

20171022. BÀN VỀ KÍCH TÍN DỤNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
KÍCH TÍN DỤNG- NÊN NHỚ BÀI HỌC CŨ

PHẠM XUÂN HÒE/ LĐO/ BVN 21-10-2017


Tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động có thể coi là có dấu hiệu tăng trưởng nóng. Ảnh: PV
Tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động có thể coi là có dấu hiệu tăng trưởng nóng. Ảnh: PV
Chúng ta không nên tăng trưởng bằng mọi giá mà nhất là tăng trưởng thông qua kích thích tín dụng để bơm tiền ra nền kinh tế trong khi các tế bào của nền kinh tế vẫn đang ốm yếu.
Để phấn đấu đạt tăng trưởng GDP vào các quý cuối năm 2017, Chính phủ đã "bật đèn xanh" để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng khoảng 21-22%. Tính đến cuối tháng 9-2017, tín dụng đã tăng 11,02%, như vậy room còn lại khoảng 10%. So dư nợ 5,5 triệu tỉ cuối năm 2016 thì việc tiếp tục bơm tiền từ kênh tín dụng 10% cho nền kinh tế sẽ tăng thêm khoảng 550 ngàn tỉ đồng.
Nhiều chuyên gia cảnh báo cần rất thận trọng khi kích thích tăng trưởng GDP bằng kích thích tăng nhanh tín dụng. Tôi hoàn toàn đồng tình quan điểm này và vì những bài học cũ mà việc tăng tín dụng đã làm kinh tế Việt Nam trả giá đắt cho rủi ro lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô. Những bài học này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Kí ức siêu lạm phát
Những năm 1986-1989 là thời kì siêu lạm phát. Có năm chỉ số CPI trên 800%. Phát kiến "sai lầm" trong việc in tiền thực hiện bù giá vào lương gây ra lạm phát phi mã, NHNN lúc đó buộc phải đẩy lãi suất huy động lên 9-12%/tháng (tương đương 108-144%/năm) để hút tiền về. Kết quả giảm lạm phát nhưng gây ra hệ lụy khoảng 68 ngàn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phá sản, trên 60 vạn lao động mất việc làm. Ở thời kì đó, Việt Nam nâng mặt bằng giá lên 10 lần nhưng phần chênh lệch giá vật tư nguyên liệu tăng lên 9 lần được bóc ra, chênh lệch đưa hết về ngân sách để chi tiêu, phần DNNN giữ lại chỉ là 1. Đó là căn nguyên làm cho gánh nặng vay nợ của DNNN gia tăng.
Tín dụng ngân hàng chính là rốn đựng cho số thiếu vốn này. Cái giá phải trả về rủi ro lạm phát ở thời kì này rõ nhất là người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng lúc gửi là cả con bò đến khi rút ra không mua nổi bát phở. Những bài học về cái giá phải trả để chống lạm phát của thời kì đó đã được rút ra như bất cập trong chính sách quản lí cung cầu hàng hóa, quản lí giá, trong việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ (CSTT) và chính sách tài khóa (CSTK) khi chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường... đã giúp Việt Nam tăng trưởng GDP ổn định ở mức khá cao trên 8%/năm cho đến đầu những năm 2000.
Tín dụng tăng nóng - bài học nợ xấu & thanh khoản
Khi nào tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động thì đều có thể coi là có dấu hiệu tăng trưởng nóng. Cả giai đoạn 2001-2007, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng bình quân trên 30%, năm cao kỉ lục là 51,54% (2006), trong khi huy động vốn chỉ trên 20%. Có thể xem đây là thời kì tín dụng tăng trưởng nóng nhất của hệ thống ngân hàng. Hệ quả là ngay cuối năm 2007 đầu 2008, Việt Nam đã phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu lan ra từ Mỹ, bắt đầu từ tháng 10-2008 đến cuối năm 2010, Việt Nam tập trung ngăn chặn đà suy giảm kinh tế. Lúc này, theo quyết định của Chính phủ, NHNN thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm có giá trị tương đương 1 tỉ USD, nghĩa là bơm tiền ra nền kinh tế được gia tăng hơn. Cộng hưởng của cả hai giai đoạn này đưa đến hệ quả ngay sau đó sang năm 2011 lạm phát bùng trở lại, chỉ số CPI ở mức 18,58%. Thêm nữa, chính sách tài khóa cũng cùng nhịp mở rộng, hàng ngàn dự án đầu tư ở các cấp được phê duyệt, vốn chưa có nhưng bên trúng thầu cứ đi vay ngân hàng thi công, chờ đợi mỏi mòn tiền thanh toán từ túi ngân sách vốn đã eo hẹp. Kênh tín dụng bùng nổ, dòng tiền làm cho "bóng bóng" bất động sản và chứng khoán gia tăng đến nỗi NHNN phải có Chỉ thị số 03 (2008) chỉ đạo các ngân hàng giảm dư nợ cho vay bất động sản và chứng khoán. Đến năm 2011, khi Nghị quyết 11 của Chính phủ ban hành chủ trương thắt chặt cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tiền được hút về mạnh mẽ làm cho "bong bóng xì hơi", hàng ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc sống lay lắt, căn bệnh nợ xấu ngân hàng bùng phát lên đến đỉnh điểm trên 17% (tháng 9-2012) mà đến nay, qua 5-6 năm chúng ta vẫn loay hoay về bài toán xử lí nó.
Cũng ở các năm 2011-2012, căng thẳng thanh khoản của các ngân hàng vọt lên đến đỉnh điểm, lãi suất liên ngân hàng (các ngân hàng cho vay lẫn nhau) lên đến trên 30%/năm nhưng cũng không có tiền để cho nhau vay. Quay về huy động từ nền kinh tế thì buộc các NHTM lách trần lãi suất 14% để có được nguồn vốn duy trì thanh khoản. Cứu thanh khoản, đã rất nhiều người làm nghề ngân hàng vướng vào vòng lao lí với tội danh "vi phạm các quy định quản lí kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".
Chỉ trong thời gian chưa đầy 5 năm (2007- 2011), xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ nguyên nhân căn bản vẫn từ nội tại nền kinh tế và cách thức điều hành, đã đưa Việt Nam có tới 4 lần điều chỉnh mục tiêu và cách thức điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, gồm:
Lần 1: từ năm 2007 tới nửa đầu năm 2008, mục tiêu là kiểm soát lạm phát nên các chính sách kinh tế hướng đến việc thắt chặt. Chính sách chủ đạo chống lạm phát vẫn là CSTT. CSTK gần như chưa đồng nhịp vì chi tiêu Chính phủ và đầu tư công vẫn gia tăng .
Lần 2:  từ cuối năm 2008 đến năm 2009, mục tiêu lại là chống suy giảm kinh tế, các chính sách tiền tệ và tài khóa cùng nới lỏng nhưng nghiêng nhiều về sử dụng CSTT bằng việc sử dụng gói hỗ trợ lãi suất 4% như đã nói ở trên, nguồn tiền cũng bơm từ NHNN (CSTT đã làm thay CSTK).
Lần 3: trong khoảng 10 tháng đầu năm 2010, mục tiêu là kiềm chế lạm phát và hỗ trợ đà phục hồi tăng trưởng (mục tiêu lưỡng hệ). CSTT được điều hành thận trọng, CSTK tiếp tục gia tăng đầu tư công.
Lần 4: từ  nửa sau của năm 2011 (NQ11), mục tiêu lại là chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. CSTT được sử dụng mạnh mẽ qua tăng lãi suất lên đến đỉnh điểm, thắt chặt chi tiêu công, đình hoãn các dự án đầu tư.
Điểm lại bài học từ lịch sử những thay đổi về mục tiêu và cách thức điều hành các chính sách vĩ mô của nền kinh tế, trong đó hai chính sách quan trọng là CSTT và CSTK để rút ra một kinh nghiệm sáng giá nhất là cần phải đổi mới, nâng cao công tác điều hành nền kinh tế một cách căn cơ, bài bản, kĩ trị hơn.
Chúng ta không nên tăng trưởng bằng mọi giá, nhất là tăng trưởng thông qua kích thích tín dụng để bơm tiền ra nền kinh tế trong khi các tế bào của nền kinh tế vẫn đang ốm yếu với các biểu hiện như: khu vực DNNN có nhiều dự án thua lỗ nghìn tỉ; khu vực doanh nghiệp dân doanh (chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa) thì tình hình tài chính còn hạn chế, quản trị kế hoạch kinh doanh chưa bài bản, thiếu điều kiện gọi vốn; khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình chủ yếu sản xuất nông nghiệp nông thôn, sản xuất nuôi trồng còn theo phong trào, chưa gắn kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường nên tình trạng "cứu trợ" cho rớt giá vẫn diễn ra; khu vực có tăng trưởng cao là FDI thì hầu như không vay vốn từ ngân hàng Việt Nam.
Toàn cảnh về chủ thể vay vốn ngân hàng trong nước hầu như còn đang ốm yếu như vậy, nếu cứ thúc đẩy bơm tín dụng thì cuối cùng vốn sẽ chảy vào khu vực luôn "ngốn tiền" nhiều nhất là BĐS và chứng khoán. Xin hãy thận trọng, đừng để loại "bong bóng" này tái phát,  và đừng để lần nữa quốc gia lại đau đầu về nợ xấu ngân hàng.
P.X.H

LIÊN TỤC SỬA ĐỔI THUẾ, LUẬT THUẾ VẪN RỐI

TÔ HÀ/NLĐ/ BVN 21-10-2017

Ngày 14-9-2017, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục tổ chức hội thảo tại Hà Nội để lấy ý kiến rộng rãi của cộng động doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia đóng góp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sửa đổi 5 luật thuế nhằm bảo đảm tính hợp lí, khả thi của luật khi được ban hành.
Bao lâu thì lại điều chỉnh?
Bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia thuế và hải quan cho biết Luật Thuế GTGT đã được sửa đổi rất nhiều lần trong các năm 2008, 2010, 2013, 2014 và gần đây nhất là năm 2016. Trong đó, nhiều nội dung không mang tính chất ổn định, "lúc rút ra, lúc đưa vào" khiến DN rất khó thực hiện. "Việc phân biệt đối tượng chịu thuế GTGT 5% hay 10% là vướng mắc từ nhiều năm nay của DN nhưng chưa giải quyết được. Ví dụ với thiết bị y tế, dự thảo kể ra mấy loại. Sau này, nếu phát sinh các loại máy móc, thiết bị mới, hiện đại hơn, cơ quan quản lí lại phải đưa người vào hướng dẫn, vừa không đúng luật vừa tốn kém mà DN vẫn không biết áp thuế suất bao nhiêu" - bà An phân tích.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt vấn đề với đại diện Bộ Tài chính: "Ngân sách sẽ tăng thu bao nhiêu nếu tăng thuế GTGT? Có bền vững không hay chỉ 2 năm sau lại điều chỉnh tiếp? Việc sửa thuế có phù hợp chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có chủ trương phát triển ngành nông nghiệp, dịch vụ không, hay lại đánh thuế vào chính những ngành đang cần hỗ trợ?". Chuyên gia này cho rằng phải có đơn vị độc lập đứng ra lập báo cáo đánh giá tác động, không nên để Bộ Tài chính tự làm. Việc sửa luật thuế phải đi đôi với chiến lược giảm bội chi ngân sách. "Tăng thuế phải đặt trong tổng thể các chi phí khác nữa. Người dân, DN đang kêu vì phải chịu rất nhiều thứ chi phí kinh khủng khác chứ không chỉ có thuế. Bộ Tài chính là cơ quan quản lí, cần đặt vấn đề trong bối cảnh chung, tách riêng việc của ngành mình và cứ nhằm tăng thu là không được" - bà Lan bức xúc.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng Bộ Tài chính lấy danh nghĩa điều chỉnh thuế để tăng nguồn thu trong khi không kiểm soát được bội chi ngân sách nên người dân phản ứng rất mạnh. Bởi lẽ họ không biết thuế sẽ còn tiếp tục tăng lên bao nhiêu nữa trong tương lai. Muốn có sự ổn định về tài chính ngân sách thì phải có chính sách giảm chi, minh bạch chi.
Nguy cơ đóng băng thị trường nhà đất
Cũng tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà nhận định thị trường BĐS sẽ gặp nguy nếu đề xuất bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất (SDĐ) không chịu thuế GTGT để chuyển sang chịu thuế này với mức thuế suất thông thường 10% của Bộ Tài chính được chấp thuận. Bởi lẽ giao dịch nhà đất hiện phải chịu phí trước bạ 0,5%, thuế thu nhập cá nhân 2% - tổng cộng là 2,5% giá trị giao dịch. Nếu đánh thuế GTGT chuyển quyền SDĐ như đề xuất thì phải chịu thêm thuế 10%-12% nữa, tức là tăng 7 lần so với thuế, phí hiện hành. "Một căn hộ trung bình giá 2 tỉ đồng mà phải nộp thuế 15% là rất cao, rất nguy hiểm vì thị trường BĐS có quan hệ với thị trường lao động, sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là tín dụng. Tín dụng ngân hàng hiện chiếm khoảng 10% tổng dư nợ toàn hệ thống. Trong đó, các khoản vay có thế chấp bằng nhà đất chiếm khoảng 70%. Nếu giá nhà cao, thị trường không có giao dịch sẽ khiến nợ xấu gia tăng. Trước đây, Chính phủ đánh thuế chuyển quyền SDĐ 4% đã không ai nộp và họ chuyển sang mua bán trao tay thôi" - ông Hà cảnh báo.
Tương tự, với đề xuất bỏ quy định tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh BĐS được trừ giá chuyển quyền SDĐ hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước, ông Hà cho biết tiền SDĐ chiếm 20%-30%, nhà liền kề là từ 50%-70%. Như vậy, nếu giá nhà 1 tỉ đồng thì tiền SDĐ phải nộp ít nhất là 200-300 triệu đồng, nếu không cho khấu trừ tiền SDĐ thì giá nhà sẽ tăng khoảng 5%-7% tùy từng loại. Điều này rất nghiêm trọng vì giá nhà ở Việt Nam vẫn còn cao, đang cần có chủ trương giảm xuống để tạo điều kiện cho người dân có nhà ở, trong khi chính sách thuế lại kéo giá nhà tăng lên, khiến thị trường đen tối đi. Ông Hà kiến nghị cơ quan soạn thảo cần phải có báo cáo tác động của việc tăng thuế đối với thị trường này, trước mắt không nên sửa đổi thuế GTGT đối với nhà đất.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam cũng cho rằng các đề xuất điều chỉnh thuế GTGT liên quan thị trường BĐS nêu trên tác động khá lớn đến toàn xã hội nhưng chưa bảo đảm điều kiện về pháp lí đưa ra. Bản chất thuế GTGT là thuế đánh trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ lưu thông tiêu dùng. Khi nhìn nhận như vậy, quyền SDĐ theo Luật Thương mại không được xem là hàng hóa thông thường. Hơn nữa, việc áp thuế GTGT vào quyền SDĐ sẽ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội vì giao dịch BĐS tạo ra luồng luân chuyển về tài chính tiền tệ, chiếm tỉ trọng lớn trong tín dụng, tiêu dùng đối với hệ thống ngân hàng. Đánh thuế GTGT lên quyền SDĐ thực tế là đánh thẳng vào người tiêu dùng cuối cùng mà bỏ qua đối tượng kinh doanh theo dạng thương mại. Điều này ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của người mua, khiến thị trường bị chững lại, kéo theo hàng loạt hệ lụy đối với các ngành liên quan.
Kết cấu thuế chưa hợp lí
Bà Đặng Thị Bình An cho rằng thuế GTGT của Việt Nam cao hơn các nước chứng tỏ kết cấu thuế trong tổng thu ngân sách chưa hợp lí. Có nhiều khoản thu khác phát sinh, trong khi nền kinh tế thị trường nhưng thuế chưa bao quát hết, chưa thu được. Hàng chục năm qua, hệ thống thuế chỉ được bổ sung 1 loại thuế mới là thuế bảo vệ môi trường. Do đó, cần nghiên cứu đưa ra nhiều loại thuế khác, như thuế tài sản.
T.H

MỘT THẬP KỶ NGÂN HÀNG VIỆT

FB LE DUNG/ BVN 21-10-2017

So với một ngành đổi mới khá nhanh, đó là xây dựng, ngành ngân hàng đã có một bước chuyển dịch lớn và căn bản về khuôn khổ pháp lí, đi từ pháp lệnh "lên" Luật từ năm 1997, trong khi luật xây dựng đầu tiên được "thăng hạng" từ pháp lệnh lên luật năm 2003. Hai bộ luật quan trọng nhất của ngành ngân hàng (Luật Ngân hàng và Luật Các tổ chức tín dụng) đều được hình thành dưới thời ông Cao Sỹ Kiêm và thay thế vào năm 2010 dưới thời ông Nguyễn Văn Giàu.
Dù được đánh giá là người thông tuệ và có hiểu biết sâu về ngành ngân hàng, gần 2 nhiệm kì của ông Lê Đức Thúy được ghi nhận chủ yếu ở việc để cho các ngân hàng tư nhân nở rộ và phát triển như các trường đại học thời ông Nhân bên giáo dục. Và hệ lụy để lại kéo dài sang 3 đời thống đốc vẫn chưa kết thúc.
Nhiệm kì của ông Nguyễn Văn Giàu dù được "đánh giá" là không có chuyên môn sâu về ngành ngân hàng lại ghi dấu ấn ngoạn mục bởi việc ban hành thay thế 2 bộ luật quan trọng có từ trước đó với 13 năm "ngồi yên" (trong khi ngành xây dựng dù đi sau nhưng liên tục sửa đổi và ban hành luật thay thế).
Tuy thế, ở thời này, ngân hàng nhà nước gần như đánh mất vai trò quản lí nhà nước của mình, đẩy hầu hết cộng đồng xã hội vào một cuộc đua và chống chọi với lãi suất, có khi lên đến hơn 30%/năm. Đây cũng là giai đoạn mà tỉ giá hối đoái có nhiều biến động nhất, nhiều lúc người ta nhầm tưởng phố Hà Trung mới là nơi đóng trụ sở của Vụ Quản lí ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước. Người người đi buôn đô. Người người đi buôn đất, buôn nhà. Hàng hàng lớp lớp các chủ đầu tư vay mượn và xây dựng khu đô thị. Cảm giác của thời cuộc trước 2012 là win-win, nhìn đâu cũng thắng, mua đâu cũng lãi. Hệ lụy để lại cho đầu thời ông Nguyễn Văn Bình là nợ xấu bùng lên như dịch bệnh. Ngành xây dựng điêu đứng vì thiếu vốn. Bao gia đình nặng thì tan nát, nhẹ thì tán gia bại sản vì chết chìm theo các chủ đầu tư. Trong thời khắc đó, ông Bình ruồi vụt sáng lên như một người hùng bởi giải quyết được mấy vấn nạn căn bản và mãn tính bị buông lỏng từ sản phẩm của người tiền nhiệm. Bình khống chế và kéo được lãi suất về chỉ chưa bằng một nửa thời ông Giàu. Khoanh vùng, phân nhóm và kiên quyết xử lí nợ xấu. Bình ổn thị trường ngoại tệ bằng cách đưa Vụ Quản lí ngoại hối từ Hà Trung về trong vòng tay cha mẹ - Ngân hàng nhà nước. Góp phần biến một xã hội toàn đi buôn bạc hoặc sản phẩm của bạc thời Nguyễn Văn Giàu về làm ăn lương thiện. Các nhà buôn bạc gác kiếm.
Tuy thế, nỗi đau của nhiều người vướng chân bởi ngân hàng bùng nổ thời anh Giàu chính là cái cách Ngân hàng Nhà nước quy định về mua bán, xử lí nợ xấu, trong đó rõ nhất là anh Thắm và khách hàng anh Thắm.
Theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) thì khi giá thị trường của tài sản bảo đảm còn lớn hơn số tiền vay thì không được ghi nợ xấu. Thông tư của Ngân hàng Nhà nước thì yêu cầu ghi nợ xấu theo tuổi nợ (số ngày quá hạn), tính theo % dư nợ trừ đi giá trị tài sản bảo đảm, mà tài sản bảo đảm đánh giá chỉ bằng 50% giá "sổ sách". Hệ lụy để lại là nợ không xấu thì dồn cho người ta thành xấu rồi bảo ngân hàng lỗ, người vay bị tịch biên tài sản phát mại, và góp phần đẩy ngân hàng đến giá 0 đồng. Trong khi nếu xem lại báo cáo kiểm toán Ocean Bank trước khi Hà Văn Thắm bị bắt, do Delloitte thực hiện vào tháng 3-2014 (http://oceanbank.vn/…/u…/BAOCAOKIEMTOA-31Dec2013-V_chuan.pdf), mọi thứ đều đáp ứng chuẩn mực cần có của một ngân hàng có "sức sống lành mạnh", chỉ trừ ý kiến sau đây của kiểm toán viên: "Ngân hàng nắm giữ các khoản tiền gửi và dư nợ tín dụng của ngân hàng đối với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC, trước đây là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) và một số công ty thuộc SBIC đã quá hạn thanh toán. Tuy nhiên, trong năm 2013, căn cứ văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lí nhà nước về xem xét khoanh nợ, cơ cấu lại các khoản nợ của SBIC và cho phép tổ chức tín dụng được trích lập dự phòng cụ thể phù hợp với khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, ngân hàng đã thực hiện ý kiến chỉ đạo, giữ nguyên trạng thái nợ hiện tại, thoái toàn bộ lãi dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ và phải thu trên cơ sở phù hợp khả năng tài chính của Ngân hàng".
Hà Văn Thắm là một cá thể, một con người, sao anh ta lại trở thành người hùng "giải cứu và khoanh nợ" cho sự thua lỗ của nhà nước? Sao không có bất cứ bị cáo nào đưa dữ liệu này vào để chứng minh rằng họ yêu nước hơn nhiều người tưởng, mà thậm chí họ ngay thẳng, trung chính đến mức dù có đi tù cũng không thèm nói nửa lời (về khoản đóng góp đáng kể đó cho nhà nước thông qua khoanh nợ Vinashin theo yêu cầu) để tính toán thiệt hơn với nhà nước đang bỏ tù họ?
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã không bác được ý kiến "công nhận toàn phần" của Delloitte nên năm sau (2014 và 2015), họ vời Ernst & Young. Khởi đầu E&Y "từ chối đưa ra ý kiến", sau với nhiều sửa đổi và yêu cầu, cuối cùng kiểm toán E&Y đành phải chỉ mục mục đích sử dụng của nó là "chỉ được cung cấp "đặc biệt" cho Ngân hàng Nhà nước" ( http://viettimes.vn/ve-2-bao-cao-kiem-toan-doc-lap-cung-nga… ). Tuy thế, trong đó có một chi tiết cần quan tâm, đó là kiểm toán E&Y đưa ra nhấn mạnh về "số dư nợ không thể xác minh".
Một số doanh nghiệp, trong đó có Vinamilk, đã chính thức đệ trình lên Bộ Tài chính xin được sử dụng chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS ( https://kienthucketoanthue.wordpress.com/categ…/ifrs/page/4/ ). Hi vọng sắp tới sẽ có nhiều, mà đặc biệt là doanh nghiệp có phần vốn góp của nhà nước theo đuổi và tuân thủ chuẩn mực này để tránh cho mình những hệ lụy đáng tiếc như Hà Văn Thắm đã gặp phải.
Để kết thúc, tôi xin mượn lời một số chị em tung hoa trên mạng sau khi nhiều đồng nghiệp và cấp dưới bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương Hà Văn Thắm, sau khi Hà Văn Thắm nhận mức án cao nhất dành cho mình và xin tha cho họ, bởi họ chỉ là những người làm thuê.
Họ, các chị em ấy mà, đã đồng thanh hô to, vang lừng cả cõi mạng: Thắm ơi, em yêu anh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét