Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

20171005. QUẢN LÝ CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TẠI MỸ

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHUYỂN GIAO BẮT BUỘC NGÂN HÀNG NHÌN TỪ NƯỚC NGOÀI

VŨ QUANG VIỆT/ TBKTSG 5-10-2017

Bảo vệ sự tín nhiệm của hệ thống ngân hàng, qua đó bảo vệ sự tín nhiệm của đồng tiền.Ảnh: TLTBKTSG
TBKTSG) - Ngân hàng thương mại (NHTM) là tổ chức làm dịch vụ trung gian tài chính, nhận tiền của người ký gửi và cho người cần vốn vay. Bản thân vốn tự có trên tổng tài sản, tức là tỷ lệ vốn của chủ sở hữu cổ phần ngân hàng, thường rất thấp so với doanh nghiệp phi tài chính. Tỷ lệ vốn tự có của ngân hàng theo khuyến nghị của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) không nên dưới 8% tổng tài sản. Tuy nhiên có lúc một số ngân hàng Việt Nam chỉ có tỷ lệ 4%.
Trong một bài viết rất chi tiết mang tính học thuật năm 2013 về khủng hoảng hệ thống tín dụng ở Mỹ và Việt Nam trên TBKTSG, để từ đó tác giả đề nghị viết lại Luật các tổ chức tín dụng ở Việt Nam, tác giả tính là vốn tự có trên tổng tài sản của doanh nghiệp phi tài chính ở Việt Nam là 37%. Tỷ lệ này ở Mỹ là 60% (tức là Mỹ theo nguyên tắc có 1 đồng để làm thế chấp thì cao lắm là mượn được 1 đồng).
Vì cơ bản ngân hàng làm dịch vụ trung gian, lấy tiền của người này cho người khác vay để tạo lợi nhuận và số tiền thu hút này lại rất lớn, nếu quản lý không tốt, ngân hàng cho khách hàng không đáng tin cậy vay (hoặc lạm dụng cho chính quản lý hoặc doanh nghiệp sân sau vay), nợ không trả được, thì ngân hàng sẽ dễ dàng mất khả năng chi trả cho người ký gửi tiền. Chính vì thế mà Luật các tổ chức tín dụng phải rất chặt chẽ về điều kiện cho vay, khách hàng cho vay, về tỷ lệ vốn tự có, về quản lý ngân hàng... với mục đích chính là bảo đảm tiền của người ký gửi. Ngoài ra, các nước cũng có quy định về quy mô vốn của một ngân hàng, để ngăn cản độ nguy hại với nền kinh tế khi một ngân hàng trở nên quá lớn.
Ở Mỹ, trong việc kiểm soát ngân hàng, ngoài Cục Dự trữ Trung ương (FBR, tức là Ngân hàng Trung ương), còn có thêm Tổ chức Bảo hiểm ký gửi liên bang (FDIC) mà NHTM có thể tham gia. Tiền trả bảo hiểm được FDIC sử dụng giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán của ngân hàng mua bảo hiểm. Tuy thế, trong giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, lớn nhất từ sau năm 1929, Quốc hội Mỹ phải mở rộng diện cứu trợ, ra luật về chương trình cứu nguy, dự trù chi 700 tỉ đô la Mỹ nhưng cuối cùng chỉ chi 434 tỉ. Chi phí cuối cùng theo báo cáo của Bộ Tài chính về Chương trình giải cứu tái sản xuất từ ngân sách, tức từ tiền thuế của dân là 58 tỉ đô la Mỹ tính tới cuối năm 2016, sau khi chính phủ bán lại các cổ phiếu đã mua vào trong chương trình cứu trợ.
Trường hợp một NHTM có dấu hiệu mất khả năng chi trả, FBR và thường là FDIC có quyền đặt nó vào tình trạng receivership, tức là chuyển giao đặc biệt. FDIC có toàn quyền xử lý ngân hàng có vấn đề trên cơ sở của luật phá sản, và luật liên quan đến ngân hàng do Quốc hội thông qua nhằm trước tiên bảo đảm người ký gửi tiền không mất tiền ở mức theo luật định (luật Mỹ bảo đảm tới mức 250.000 đô la Mỹ một tài khoản), bảo đảm chủ nợ cho ngân hàng vay mất ít nhất (ví dụ người mua trái phiếu ngân hàng), và bảo đảm ngân sách nhà nước (hay tiền thuế của dân) mất ít nhất để bảo hiểm tiền gửi.
Sau khi xử lý mọi khoản trên, chủ sở hữu cổ phần mới được hưởng phần còn lại. Như thế người chịu mất nhiều nhất và thường là mất tất cả là người có cổ phần ngân hàng. Khi chịu xử lý của FDIC, coi như những người quản lý chính của ngân hàng bị đuổi việc để thay thế bằng người do FDIC chỉ định.
Trong việc chuyển giao đặc biệt này, FDIC có quyền quyết định cho phá sản, đem bán cho ngân hàng khác, và đây thường là giải pháp. Bán toàn phần hay phần lớn cổ phần cho FDIC cũng là giải pháp, giá trị của chúng được tính theo các nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi. FDIC tổ chức lại, sau đó bán lại cổ phần của mình trên thị trường. Không có chuyện FDIC tự giao cho mình việc tổ chức lại, làm công không cho cổ đông ngân hàng đang phá sản.
Như thế, ngoại trừ việc kiểm soát đặc biệt theo nghĩa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo dõi chặt chẽ hơn bình thường, khi NHTM mất khả năng trả tiền cho khách hàng ký gửi, ngân hàng có vấn đề phải được chuyển giao đặc biệt (receivership) cho FDIC, tức là FDIC là người nhận chuyển giao đặc biệt (receiver) trước đã. Rồi từ đó, FDIC mới tính các phương án. Ở Việt Nam, NHNN sẽ phải làm nhiệm vụ này.
Ở Mỹ, quyền lợi của người ký gửi tiền là số 1, vượt lên tất cả quyền lợi của những chủ nợ khác, quyền của cổ đông là cuối cùng. Nếu quyền của người ký gửi tiền không được bảo vệ như thế thì hệ thống ngân hàng khó lòng có sự tín nhiệm của người dân để tồn tại, và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế. FDIC được Quốc hội Mỹ lập ra để bảo đảm tiền ký gửi này, và có thể phải lấy tiền thuế của dân để bù đắp, chi trả cho người có tiền ký gửi. Cũng chính vì thế, để bảo đảm quyền lợi của người có tiền ký gửi và để giảm thiểu phí tổn thuế của dân, FDIC có quyền lớn khi làm nhiệm vụ người nhận đặc biệt. Đây là quy định của hệ thống ngân hàng Mỹ sau khủng hoảng năm 1929, mà các nước khác đều học theo.
Trong mọi trường hợp, vấn đề quan trọng là bảo vệ sự tín nhiệm của hệ thống ngân hàng và qua đó bảo vệ sự tín nhiệm của đồng tiền.

TKV MUỐN MỞ RỘNG NHÀ MÁY NHÔM LÂM ĐỒNG: LÝ DO GÌ ?

HOÀI AN/ĐV/ BVN 5-10-2017
(Doanh nghiệp) - Tôi muốn trước Quốc hội, TKV có thể trả lời rõ ràng lý dó xin đề xuất đầu tư, mở rộng thêm...
Cũng bày tỏ nhiều băn khoăn đối với đề xuất đầu tư, mở rộng sâu hơn vào Nhà máy Nhôm thuộc Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải đặt đề xuất trên trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo rà soát các dự án nghìn tỉ nhưng hoạt động không hiệu quả, gây thua lỗ.

clip_image001
Dù mới đang chạy thử nghiệm nhưng chỉ sau 3 năm hai dự án này đã xảy ra khá nhiều sự cố
"Tôi rất lo ngại, nếu lại tiếp tục có thêm một dự án được vẽ ra rất đẹp để xin chủ trương đầu tư nhưng cuối cùng lại rơi vào tình trạng thua lỗ sẽ rất nguy hiểm. Bản thân dự án bauxite - nhôm Tân Rai hiện cũng đang phải chịu ảnh lỗ ròng cao hơn gấp 8 lần dự kiến của chủ đầu tư ban đầu rồi, chúng ta không thể cứ để danh sách những dự án thu lỗ được nối dài thêm nữa", ông Tuấn nhấn mạnh.
Là một ĐBQH, ông Tuấn tự nhận thấy có trách nhiệm phải lên tiếng về dự án của TKV.
"Bằng kênh này hoặc kênh khác tôi sẽ có ý kiến về dự án này. Tôi muốn trước Quốc hội, TKV có thể trả lời rõ ràng vì sao một dự án đang có rất nhiều vấn đề như vậy mà vẫn đề xuất đầu tư, mở rộng thêm?
Chất vấn của tôi không có mục đích nào khác ngoài việc được hiểu rõ thêm về ý đồ của chủ đầu tư", ông Tuấn nói.
Lý do ông Tuấn đưa ra dựa trên những cảnh báo về sự thua lỗ, đội vốn của Tổ hợp Dự án Bauxite - Nhôm Lâm Đồng và Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ trước đó, bây giờ đã thành sự thật.
Từ kết luận của cơ quan thanh tra, chỉ tính riêng dự án bauxite - nhôm Tân Rai đã thua lỗ 3.696 tỉ đồng sau 3 năm hoạt động. Khoản lỗ trên được xác định lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh là 2.520 tỉ đồng, còn lại là lỗ do chênh lệch tỉ giá.
Ông Tuấn cũng đồng tình với những nhận định cho rằng, hiệu quả kinh tế của các dự án này rất thấp.
Xét cả về quy mô công suất của dự án cũng rất hạn chế, công nghệ lạc hậu, không hiệu quả, chi phí vận chuyển bằng ôtô quá tốn kém trong khi nhu cầu thị trường đã ổn định vì vậy tiếp tục đề xuất đầu tư, mở rộng nhà máy này là quá liều lĩnh.
Do đó, ông Tuấn cho rằng yêu cầu TKV giải trình rõ lý do phải đầu tư, mở rộng thêm nhà máy cũng như làm rõ nguyên nhân gây thua lỗ của nhà máy bauxite - nhôm Tân Rai là cần thiết.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề nghị Chính phủ có đánh giá đầy đủ, chính xác về những tác động của dự án đối với môi trường, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường sống.
Cùng với đó là những đánh giá về tác động của dự án đối với xã hội và đời sống của người dân cũng như yêu cầu giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương...
"Không phải cứ báo lãi 50 tỷ thì có nghĩa là dự án hoạt động có hiệu quả. Hiệu quả của dự án phải là kết quả sản xuất kinh doanh trừ đi tổng các chi phí sản xuất, chi phí cho môi trường, xã hội và những tác động tới đời sống sinh hoạt của người dân.
Chính phủ đã có chủ trương thu hút đầu tư nhưng không đánh đổi bằng mọi giá. Trong trường hợp dự án hoạt động có hiệu quả thật nhưng những tác động tới môi trường, đời sống, xã hội quá lớn thì cũng cần dũng cảm từ chối.
Với dự án này, dư luận cũng như các chuyên gia đã chỉ rõ có rất nhiều vấn đề. Cụ thể như: dự án mới chạy thử nghiệm nhưng đã liên tục thua lỗ; dự án không sử dụng lao động trong nước mà chủ yếu sử dụng lao động Trung Quốc; chỉ mới hoạt động trong 3 năm, dự án đã nhiều lần để xảy ra sự cố, đe dọa nghiêm trọng tới an toàn, an ninh môi trường; không có tiềm năng xuất khẩu, nhu cầu thị trường đã an bài, năng lực cạnh tranh không có...
Với một dự án hoạt động có quá nhiều vấn đề như vậy rất cần phải được xem xét, đánh giá thận trọng. Bản thân TKV cũng khó tự tin để cam kết sẽ hoạt động có hiệu quả và không để mình tiếp tục rơi vào cái bẫy thua lỗ?", ông Tuấn trăn trở.
Từ những lo ngại trên, ĐB đoàn TP. HCM cho biết sẽ yêu cầu TKV công khai tất cả những thông tin về đầu tư, hoạt động, sản xuất của cả hai dự án thuộc Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng để người dân, Quốc hội cùng giám sát.
Vấn đề tiếp theo, ông Tuấn đề nghị có một cơ quan đánh giá độc lập về dự án này.
H.A.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét