Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

20171012. DƯ LUẬN VỚI KẾT QUẢ HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6

ĐIỂM BÁO MẠNG

PHẢN ỨNG CỦA DƯ LUẬN VỚI KẾT QUẢ HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6

VOV.VN/ GDVN 12-10-2017

Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (Ảnh: Vietnamnet)
Trong 7 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế- xã hội, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác thi hành kỷ luật Đảng…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tất cả đều là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cả nước.
Dư luận cán bộ đảng viên và nhân dân bày tỏ đồng tình và cho rằng đây là những việc làm cần thiết nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Đại tá, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Châu Nam Long cho rằng, Hội nghị Trung ương 6 đã giải quyết đúng và trúng nhu cầu của thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của cán bộ Đảng viên và nhân dân trong tình hình hiện nay.
Bởi thực tế, bộ máy của Đảng và nhà nước ta rất cồng kềnh. Đảng có Ban, Ngành nào thì Nhà nước có Ban ngành đó, như thế không cần thiết.
Do đó, Đảng cần tinh giản và gọn nhẹ để tập trung trí tuệ giúp cho Đảng có tầm nhìn bao quát và có khả năng chỉ đạo vĩ mô.
Nếu bộ máy cồng kềnh sẽ không chọn được người tài để tập trung xử lý công việc.
Hướng chung Đảng nên tinh gọn bộ máy của mình. Nhà nước thì có những bộ phận đang phình ra, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ.
Phình to lương cũng tăng theo vì thế không thể tăng lương cho cán bộ.
Do đó, dứt khoát phải tinh giản để đảm bảo bộ máy gọn nhẹ, điều hành có chất lượng, mặt khác đồng lương cán bộ cũng được đảm bảo”, ông Long nêu ý kiến.
Một số ý kiến cũng cho rằng, việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Ông Lê Công Nhường, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội mong muốn, việc đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập được tiến hành nhanh hơn để giảm áp lực chi ngân sách cũng như góp phần minh bạch hóa công việc cho người dân.
Việc đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập sẽ tạo động lực cho người làm cũng như người dân được tiếp cận dịch vụ nhanh chóng hơn, không bị cản trở từ phía người thực thi công việc của nhà nước.
Đồng thời, làm công việc nhanh hơn, từ đó dùng tiền giải quyết lương cho viên chức. Như vậy giảm áp lực ngân sách nhà nước.
Hiện nay ngân sách nhà nước chi gần 70% cho thường xuyên, nếu giảm được thì sẽ dành nguồn chi cho đầu tư phát triển, như vậy sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội”, ông Nhường nêu quan điểm.
Dư luận cũng đồng tình với quyết định của Trung ương trong việc thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, bằng hình thức cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng:
Cán bộ là Ủy viên Trung ương mà tham quyền, lộng quyền, vi phạm nguyên tắc, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm cả pháp luật thì rất đáng tiếc.
Làm sao để nâng cao sức chiến đấu của Đảng trong tình hình hiện nay là vấn đề nhân dân và đảng viên quan tâm.
Hội nghị Trung ương đã giải quyết trúng nhu cầu bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tình hình hiện nay.
Nếu không nâng cao sức chiến đấu của Đảng mà trong đó nâng cao trách nhiệm phẩm chất, đạo đức của Đảng viên, đặc biệt là những đảng viên có chức, có quyền cấp cao thì chúng ta khó củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng.
Theo VOV.VN
ĐIỀU GÌ ĐÃ 'ĐƯA ĐẨY' NGUYỄN XUÂN ANH ĐẾN KẾT CỤC NGÀY NAY?
VIỆT HÀ/ VietFact 11-10-2017
Ở Đà Nẵng ai cũng biết chuyện Bí thư Trần Thọ muốn nâng đỡ giám đốc công an Đà Nẵng Nguyễn Văn Sơn lên làm Chủ tịch và Bí thư tỉnh. Nếu Sơn kế tục vị trí Thọ, ít ra Thọ còn có ảnh hưởng.
Nhưng cựu uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên trưởng ban kiểm tra trung ương đảng Nguyễn Văn Chi lại muốn con trai mình là Nguyễn Xuân Anh sẽ cầm chịch tại nơi này. Để sắp sẵn cho hoạch định ấy, Nguyễn Văn Chi từng nắm nhiều bí mật của các quan chức, đã tạo sức ép để con trai mình vào bệ phóng chuẩn bị trước.
Khi Nguyễn Bá Thanh còn ở Đà Nẵng, ông Chi đã ép Thanh đưa con mình là Nguyễn Xuân Anh làm phó chủ tịch thành phố Đà Nẵng năm 2011, đồng thời ép được Bộ Chính Trị lúc đó phải đưa Xuân Anh làm uỷ viên dự khuyết trung ương đảng. Sở dĩ Nguyễn Bá Thanh phải chấp nhận, là do vụ giám đốc công an Đà Nẵng Trần Văn Thanh có mối thù với Thanh. Lúc Nguyễn Bá Thanh đưa được Trần Văn Thanh ra toà, nhờ có chánh án Trần Mẫn chủ toạ, phán quyết được tội của Trần Văn Thanh, giúp cho Nguyễn Bá Thanh đứng vững. Chánh án Trần Mẫn là em Trần Thị Thuỷ. Bà Thuỷ là vợ ông Chi và là mẹ của Xuân Anh.
Nguyễn Bá Thanh thọ ơn và nhanh chóng chấp nhận đưa Xuân Anh lên làm Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vào năm 2011, lúc Xuân Anh mới 34 tuổi.
Về phần trung ương, với chức vụ trước đó là uỷ ban kiểm tra trung ương đảng, các thành phần trong trung ương bị Nguyễn Văn Chi nắm thóp nhiều vô kể. Với đòi hỏi cho con trai mình là uỷ viên dự khuyết không phải là điều quá khó với Chi. Bởi thế Xuân Anh nhanh chóng được trung ương nhất trí đồng ý làm uỷ viên dự khuyết khoá 11.
Ở vị trí phó chủ tịch, uỷ viên dự khuyết trung ương. Nguyễn Xuân Anh chỉ cần ngồi im không gây điều tiếng gì, đến nhiệm kỳ sau tuần tự mà tiến. Chức chủ tịch, bí thư và uỷ viên trung ương chính thức sẽ đến một cách tự nhiên.
Bí thư Trần Thọ và đảng uỷ Đà Nẵng muốn đưa Nguyễn Văn Sơn lên để tiến tới nắm chức bí thư. Vì toàn bộ thành uỷ Đà Nẵng không muốn chấp nhận một đứa trẻ ranh như Xuân Anh đứng trên đầu chỉ đạo họ, nhất là ác cảm của họ về sự thao túng của bà Trần Thị Thuỷ. 
Nhưng tất cả đã muộn, vì muốn thế Sơn phải được cơ cấu vào uỷ viên trung ương. Mà suất của Đà Nẵng vào uỷ viên trung ương đã bị Xuân Anh án ngữ.
Lúc này Nguyễn Bá Thanh đã chết, không còn áp lực của Nguyễn Bá Thanh. Sân chơi hé cửa cho Nguyễn Văn Sơn và thành uỷ Đà Nẵng dưới quyền của Thọ. Cuộc chiến diễn giữa hai phe để đẩy quân cờ của mình Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Xuân Anh lên cao đã diễn ra quyết liệt trước thềm nước rút của Đại hội 12.
Nhưng “bố già” Nguyễn Văn Chi lại một lần nữa xuống tay. Chi đã gọi Trần Đại Quang bộ trưởng công an lúc đó, lấy quyền Bộ trưởng điều động Sơn ra ngoài Bắc là tổng cục phó tổng cục chính trị. Đây là một đòn ngoạn mục của “bố già” Nguyễn Văn Chi. Vì nếu không nhanh chóng, Sơn đang là giám đốc công an thành phố, thành uỷ viên, dưới quyền quản lý của bí thư Trần Thọ. Thọ sẽ đưa Sơn sang Uỷ ban hoặc Đảng uỷ. Sơn không còn thuộc quyền quản lý của Trần Đại Quang nữa. Nguyễn Văn Chi nguyên trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương, nguyên trưởng ban kiểm tra trung ương. Chuyện lý lịch tuổi tác của Trần Đại Quang nếu Chi không bỏ qua lúc đó, ông Quang không thể nào vào được thăng chức đột ngột nhanh chóng để vào trung ương và tiến tới ghế bộ trưởng công an.
Kế “rút củi đáy nồi” của Nguyễn Văn Chi hiệu nghiệm tức thời, phe Trần Thọ bị tước mất con cờ trong tay. Chẳng còn gì chơi, đành thất thủ và Đà Nẵng có bí thư trẻ nhất nước mang tên Nguyễn Xuân Anh. Một tương lai hé mở phía trước cho chàng trai Nguyễn Xuân Anh, cứ gọi Xuân Anh làm hết hai nhiệm kỳ bí thư Đà Nẵng thì tuổi mới chỉ 50 đầy sung mãn, một hoạch định cho anh ta sau này ra trung ương làm phó thủ tướng, rồi thủ tướng là điều thấy trước.Mọi thứ có thể thay đổi, chức thủ tướng còn có nhiều nhân sự khác, nhưng được hoạch định nhân sự như vậy từ tuổi 40, đã là thành công lớn của gia tộc Nguyễn Văn Chi, Trần Thị Thuỷ… gia tộc trùm miền Trung thực sự.
Nguyễn Văn Sơn ngậm đắng nuốt cay, rời khỏi địa bàn quen thuộc, ra ngoài Bắc theo lệnh Trần Đại Quang làm phó tổng cục chính trị, một chức vụ không thực quyền và nhiều mầu mỡ như những hứa hẹn ở Đà Nẵng. Nhưng Sơn miễn cưỡng ra đi, vừa vì lệnh cấp trên, vừa vì lời hứa của Trần Đại Quang sẽ cho Sơn làm thứ trưởng phụ trách các tỉnh thành miền Trung.
Và bây giờ, khi ông Trần Đại Quang nhận thấy ý đồ của ông Nguyễn Phú Trọng giở bài cù nhầy là xây dựng chấn chỉnh Đảng, cố ý dây dưa cuộc chiến chống tham nhũng để có cớ ngồi lại thêm thời gian nữa. Tăng cường kiểm soát bộ công an, dựng Bùi Văn Nam đi phô trương thanh thế và che đậy vụ Formosa.
Trần Đại Quang quyết định giữ lời hứa, đưa Nguyễn Văn Sơn lên làm Thứ trưởng bộ Công an. Thông qua quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nguyễn Xuân Phúc giờ đã chắc chân thủ tướng, ông Phúc không còn phải e dè cả nể TBT Trọng như những ngày trước đây. Càng ngày Phúc càng thể hiện mình mạnh mẽ hơn để chứng tỏ không phải núp bóng Nguyễn Phú Trọng. Trong quá trình xây dựng hình ảnh mình, được chút ân tình với Trần Đại Quang và nhất là với phe cánh miền Trung. Ông Phúc được nhiều hơn khi đồng ý quyết định bất ngờ bổ nhiệm Nguyễn Văn Sơn là thứ trưởng.
Việc đẩy Nguyễn Văn Sơn lên thứ trưởng bộ công an, khiến cho bộ này có đến 5 thứ trưởng. Trong 5 thứ trưởng đó, Bùi Văn Nam là thứ trưởng nhiều tuổi nhất, nhờ đặc cách của ông Trọng mới lọt vào uỷ viên trung ương khoá 12 theo vé vớt. Bùi Văn Nam là thứ trưởng phụ trách các tỉnh thành.
Bây giờ thì bài toán đặt ra, Bùi Văn Nam sẽ về hưu giữa nhiệm kỳ để nhường chỗ lại cho Nguyễn Văn Sơn hay là đàm phán để Sơn chia quyền quản lý các tỉnh thành, vú dụ như quyền quản lý công an các tỉnh miền Trung. Chỉ có một trong hai cách, mà theo bài toán này thì đáp số nào đi nữa thì Trần Đại Quang chỉ có thắng và hoà. Thắng tức loại được Bùi Văn Nam ra khỏi Bộ công an, lúc đó ảnh hưởng của Nguyễn Phú Trọng không còn ở bộ này. Đương nhiên bộ trưởng Tô Lâm không dùng dằng nữa sẽ ngả theo Quang hẳn. Chức tổng bí thư kiêm chủ tịch nước sẽ dễ dàng với trong tầm tay Trần Đại Quang hơn.
Hoà thì thế trận giằng co, nhưng đến hết nhiệm kỳ thì Bùi Văn Nam vẫn phải về hưu. Tuy nhiên như vậy phải đợi thêm 4 năm nữa, thời gian sẽ mang theo nhiều biến động.
Tình cảnh bây giờ của Nguyễn Phú Trọng trở nên bi đát, ông ta phải đối phó với công cuộc chống tham nhũng vừa trống dong, cờ mở đã thảm hại thất bại khi Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Duy trốn mất. Vừa phải đối phó với những um xùm dính dáng đến quan hệ bao che cho Formosa.
Trọng chỉ còn cách bám lấy mục tiêu Vũ Huy Hoàng để vớt lại hình ảnh cuộc chống tham nhũng của mình có uy tín. Và bằng mọi cách dập vụ Formosa.
Nguyễn Phú Trọng sử dụng quyền quân uỷ trung ương điều chuyển tay chân trong quân đội như thăng chức phó tư lênh khu 4 cho Hà Tân Tiến, quyền trong đảng uỷ công an chỉ đạo tay chân trong bộ công an như sai Bùi Văn Nam mang tiền đến Quảng Bình miền Trung lấy ảnh hưởng, quyền tổng bí thư để chỉ đạo báo chí Trương Minh Tuấn… để đáp ứng hai mục đích trên.
Trước đây Trọng dùng “yếu tố miền Trung” kết hợp với cán bộ hưu trí để đánh bật Nguyễn Tấn Dũng. Có vẻ như giờ, Nguyễn Phú Trọng lại dính đòn do chính mình từng sử dụng. Giữa năm 2016, khi vừa nhậm chức chủ tịch nước. Ông Trần Đại Quang đã đến ngay Đà Nẵng để thăm hỏi các cán bộ lão thành cách mạng ở đây.
Bí thư Nguyễn Xuân Anh lập tức đã có chuyến tháp tùng chủ tịch Trần Đại Quang đi một vòng quanh thế giới, sự gắn kết này báo hiệu nhóm miền Trung đã nghiêng về phía Trần Đại Quang.
Mảnh đất và con người miền Trung sẽ quyết định số phận chính trị của Nguyễn Phú Trọng, sức ép ngày càng gia tăng, khiến những ngày gần đây, Nguyễn Phú Trọng im bặt trên báo chí. Nhưng cứ mỗi lần im bặt thế, Nguyễn Phú Trọng sẽ lại xuất hiện với một chiêu thức mới rầm rộ và hiểm độc khó lường. Và cái kết “đoản mệnh” của Nguyễn Xuân Anh và danh tiếng, sức khoẻ “thê thảm” của ông Trần Đại Quang hiện nay đã là một minh chứng rõ nét cho điều đó.
(VietFact)

ĐA ĐẢNG CHÍNH TRỊ KHÔNG NHƯ VẬY: THƯA CỰU ĐẠI SỨ NGUYỄN TRUNG

NGUYỄN QUANG DUY/ BVN 12-10-2017

Trong một bức thư ngỏ đề ngày 09/12/2015, gửi Bộ Chính trị, cựu Đại sứ Nguyễn Trung và 126 người khác đã yêu cầu đổi tên đảng, tên nước, từ bỏ chủ thuyết Mác - Lênin và thay đổi triệt để vì tương lai dân tộc(*).
Lần này để sửa sọan Hội nghị Trung ương 6, ông Nguyễn Trung lại cho phổ biến kiến nghị tâm huyết kêu gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện cải cách chính trị để thành lập một thể chế mới đa đảng.
Vì suốt đời phục vụ Đảng Cộng sản nên cách nhìn của ông Trung về đa đảng chính trị còn rất giới hạn cần được góp ý.
Tóm tắt nội dung Kiến nghị
Theo ông Trung, Đảng Cộng sản đã sai lầm trong nhận thức giữa hai nhiệm vụ chính trị là cách mạng và phát triển đất nước.
Cho nên 42 năm qua từ một đảng cách mạng, Đảng đã biến chất trở thành đảng cai trị gây bao tai ương cho đất nước. Nay Đảng phải cải cách, phải trở thành một đảng chính trị với Cương lĩnh và Điều lệ mới, trở thành đảng của dân tộc.
Muốn thế Đảng cần thực hiện ba bước:
Thứ nhất, Đảng tự thay đổi, tự cải cách về đường lối, về tổ chức và về phương thức hoạt động, để có khả năng xây dựng và triển khai chiến lược cùng phương thức và kế hoạch thực thi cải cách trong cả nước;
Thứ hai, sửa sọan một hiến pháp đa đảng cho Việt Nam; và
Thứ ba, thông qua hiến pháp và xây dựng một thể chế chính trị mới đa đảng.
Đầu tiên là về hai khái niệm 'đảng' và 'hội'
Khái niệm đảng của dân tộc mang màu sắc đảng của toàn dân, như Đảng Cộng sản xưa nay vẫn cố tình ngộ nhận, rồi gán ghép giới bất đồng chính kiến là phản lại đất nước, lại dân tộc.
Đảng chính trị chỉ là tập hợp của những người có cùng chung chính kiến, đồng thuận với nhau về chiến lược, đường lối, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu nhất định.
Bởi thế mới có đảng của người cộng sản, người cộng hòa, người xã hội, người công nhân,… đảng chính trị cũng bảo vệ lý tưởng và quyền lợi của những nhóm người mà đảng đó đại diện.
Các đảng chính trị thuyết phục cử tri tin và trao quyền lực cho đảng thực hiện các chính sách quốc gia.
Các đảng chính trị vì dân, sẽ do dân chọn lựa, và như thế họ sẽ là của dân.
Còn hội là tổ chức phi chính trị.
Khái niệm đảng cũng chỉ là “một thứ hội trong xã hội dân sự” mà ông Phạm Khiêm Ích trong Phụ lục IV đưa ra và ông Nguyễn Trung dùng trong kiến nghị cũng là khái niệm của cộng sản.
Hội chỉ là tập hợp của những người có cùng chung mục đích dân sự nhất định, các thành viên trong một hội có thể có nhiều chính kiến khác nhau, thậm chí đối chọi nhau.
Hội phải là tổ chức phi chính trị. Hội không có vai trò cạnh tranh quyền lực chính trị. Vì thế hầu hết các hội đều độc lập và trung lập với các đảng chính trị.
Một số hội có ít nhiều liên hệ với các đảng chính trị, như công đoàn thường ủng hộ các đảng chính trị có khuynh hướng bảo vệ cho người công nhân.
Luật hội đoàn khác hẳn với luật đảng chính trị, như ở Úc chỉ cần ba người có thể lập hội, còn đảng chính trị phải có ít nhất 500 đảng viên.
Đa đảng hình thức…
Từ sai lầm về khái niệm, ông Nguyễn Trung đề nghị: “Chỉ nên hình thành thêm hai đảng tham chính mới như đã từng có trong thời đầu của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – đó là đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội... Nếu có nhiều đảng nữa sẽ rối và không cần thiết.
Đa đảng theo khái niệm ông Nguyễn Trung là đa đảng hình thức. Còn đa đảng chính trị, các đảng phải thực sự bình đẳng cạnh tranh và cử tri sẽ sử dụng lá phiếu để chọn lựa đảng nào thích hợp nhất với lý tưởng và quyền lợi của mình.
Quốc hội Lập hiến
Từ những sai lầm bên trên ông Nguyễn Trung quên hẳn vai trò của Quốc hội Lập hiến, khi ông giao cho Đảng Cộng sản soạn một hiến pháp mới cho Việt Nam.
Quốc hội Lập hiến là thủ tục rất cần thiết trong quá trình xây dựng nền tảng dân chủ. Tốt nhất Quốc hội Lập hiến phải qua một cuộc bầu cử tự do.
Đó là nơi các dân biểu đại diện cho nhiều thành phần khác nhau trong xã hội một cách chính danh ngồi lại để sọan ra một bộ luật mẹ áp dụng cho tương lai Việt Nam.
Để có giá trị thực sự Quốc hội Lập hiến cho tương lai Việt Nam, cần có tiếng nói đại diện của người Việt khắp năm châu.
Và để tránh việc lạm quyền, Quốc hội này sẽ giải tán ngay sau khi hiến pháp mới đã được thông qua.
Vai trò cải cách của Đảng Cộng sản
Mâu thuẫn lớn nhất là kiến nghị ông Nguyễn Trung giao cho Đảng Cộng sản vai trò chủ động trong việc cải cách, nhưng
1.  chính ông Nguyễn Trung đã nhận ra: “Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến nay chỉ có thất bại trong mọi nỗ lực cải cách, dù đấy chỉ là những cải cách ở quy mô các vấn đề từng phần hay cục bộ (ví dụ: cải cách giáo dục, cải cách hành chính, tinh giảm biên chế…).”
2.  ông viết rất rõ: “…cho đến nay Đảng đã thực hiện nhiều biện pháp chống lại cải cách: Điều 4 Hiến pháp, 19 điều cấm, nghị quyết 244, NQ TƯ 4 (30-10-2016) với 27 “biểu hiện” phải chống (đặc biệt là nhóm 3 – biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ)
Mâu thuẫn cho thấy ông Trung là người hết sức lý tưởng, tin vào Đảng Cộng sản và lạc quan đến phi thực tế.
Sức ép quần chúng…
Năm 2006 trước khi Việt Nam gia nhập WTO cựu Đại sứ Nguyễn Trung cũng đã lạc quan xem đó là “cơ hội vàng, vận hội mới cho dân tộc”.
Trên thực tế chỉ thiểu số cầm quyền tạo các nhóm lợi ích tước đọat mọi “cơ hội vàng” mà lẽ ra cần được chia sẻ đồng đều cho người dân.
Khi “cơ hội vàng” đã hết, các nhóm lợi ích trong Đảng quay ra đánh nhau giành quyền lực và quyền lợi bè nhóm.
Thực tế cho thấy các bè nhóm lợi ích trong Đảng Cộng sản sẽ không bao giờ từ bỏ độc quyền chính trị nếu không có một sức ép đủ mạnh từ phía người dân.
Sức ép này sẽ tác động lên thành phần muốn thay đổi bên trong và bên trên của Đảng – thành phần mà Tuyên giáo Đảng luôn lên án là tự diễn biến, tự chuyển hóa, trong diễn biến hòa bình.
Khi sức quần chúng đủ mạnh và xác suất cách mạng thành công cao thì thành phần này sẽ công khai xuất hiện.
Trong hoàn cảnh nhà nước cộng sản nợ ngập đầu, vay không được, chi nhiều thu ít, tận thu bị dân chúng phản kháng, như vụ chống phí BOT, vụ chống tăng thuế trị giá gia tăng VAT,…, cuộc cách mạng “diễn biến hòa bình” có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.
N. Q. D.
Melboure Úc Đại Lợi
6/10/2017
(*) Xem: Nguyễn Trung “Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới -  Một kiến nghị tâm huyết”, http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KienNghiTamQuyet.html
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét