Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

20171030. THƯ NGỎ GỬI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CỦA GS NGUYỄN ĐÌNH CỐNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
THƯ NGỎ GỬI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 30-10-2017

Kết quả hình ảnh cho nguyễn đình cống

Trước đây nhiều lần tôi gửi thư góp ý cho Quốc hội về một số việc. Có lần ý kiến được đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân, được nhận tiền nhuận bút, còn phần lớn không có phản hồi. Lần này tôi gửi thư ngỏ, hy vọng có một số đại biểu (ĐB), đọc được, ngoài ra để những ai quan tâm có thể bình luận.
Quốc hội (QH) mang danh là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, nhưng thực chất cơ bản là bù nhìn. Những vấn đề lớn của Quốc gia đã được thảo luận và thông qua tại Bộ Chính trị của ĐCS, đem ra QH để bỏ phiếu. Việc như vậy chỉ là hình thức, không những lãng phí công sức, thời gian và tiền của, tạo ra tâm lý coi thường QH, mà còn làm lộ rõ tính chất nô lệ, làm mất lòng tin của nhân dân.
Trong số ĐBQH do đảng cử dân bầu có một số được cơ cấu để trở thành những cái máy bỏ phiếu, họ thường tranh thủ ngủ trong các buổi họp. Còn lại cũng có một số người lương thiện, trung thực, có dũng khí, biết xấu hổ, vượt qua được sự sợ hãi để giữ được nhân cách. Tôi muốn tâm sự với những ĐB như vậy. Các vị nên và cần cố gắng vớt vát một chút danh dự cho ĐBQH, tạo một chút niềm tin cho cử tri. Để làm được việc này, ngoài điều kiện cần là lòng dũng cảm, phải có thêm điều kiện đủ là thông tin. Thông tin phải chính xác và phong phú. Xin đừng chỉ tin vào báo và đài chính thống vì ở đó chủ yếu đưa tin một chiều, từ một nguồn. Phải thu thập thông tin từ các nguồn khác. Không nhất thiết phải giỏi ngoại ngữ (giỏi được thì càng tốt) vì thông tin bằng tiếng Việt trên các trang mạng xã hội có nhiều.
Có một số chuyện quan trọng liên quan đến hoạt động của Nhà nước và Nhân dân, được xã hội quan tâm, nhưng Hội nghị TƯ 6 của Đảng bỏ qua, như vụ Trịnh Xuân Thanh, Trịnh Vĩnh Bình, như nợ công đã vượt trần và không có khả năng trả, như việc phải sớm có luật về lập hội, về biểu tình v.v… Tôi mong ước và đề nghị có vài đại biểu chất vấn Chính phủ về các vấn đề đó.
Một vấn đề rất quan trọng mà QH cần làm rõ, phải chăng QH chủ yếu là cơ quan chấp hành của Đảng. Nếu khẳng định như vậy thì chỉ cần Đảng chọn mà không cần tổ chức bầu cử cho tốn kém. Còn nếu cho rằng QH có một số quyền độc lập nào đó thì phải thảo luận để cho rõ điều 4 của Hiến pháp đối với QH như thế nào. Cái gì mà Bộ Chính trị Đảng đã quyết định thì chỉ thông báo cho QH biết mà QH không cần mất thì giờ thảo luận và bỏ phiếu.
Tôi suy nghĩ, về lâu dài phải bỏ điều 4 của Hiến pháp. Trong lúc còn giữ nó, nên tổ chức QH và Trung ương Đảng độc lập với nhau. Đã là Ủy viên TƯ Đảng thì không vào QH. Có thể tạm xem như có 2 viện. Trung ương Đảng đóng vai trò như Thượng viện, còn QH như Hạ viện. Và như vậy có những việc mà QH có thể bác bỏ quyết định của Trung ương Đảng, ngay cả của Bộ Chính trị.
Học thuyết của Khổng Tử có một số điều lạc hậu, cần vạch ra và bãi bỏ, nhưng có một thứ tôi thấy còn giá trị, đó là Thuyết Chính danh. Nội dung chủ yếu là: Ai có danh gì thì phải có thực xứng với nó. Thực bao gồm phầm chất và công việc. (Phẩm chất có: đạo đức, trí tuệ, tình cảm, quan hệ, sức khỏe v.v…). Xét ra ở Việt Nam hiện nay QH và ĐBQH chưa đạt được sự chính danh, mắc vào lỗi “Hữu danh vô thực”.
Tôi mong ước có được vài ĐBQH thấy được nỗi nhục vì mang tiếng hữu danh vô thực của QH, của các ĐBQH mà tự đấu tranh để chiến thắng nỗi sợ hãi, chiến thắng sự hèn nhát của bản thân, dũng cảm đặt ra và thảo luận công khai những vấn đề cấp thiết của đất nước, không chịu cúi đầu khom lưng làm nhân vật giữ ruộng dưa, chỉ biết biến mình thành cái máy bỏ phiếu theo sự chỉ đạo từ đâu đó. Mong lắm thay, ước lắm thay.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
GIỚI CHUYÊN GIA PHẢN BÁC KÍCH TÍN DỤNG CỦA THỦ TƯỚNG PHÚC
THIỀN LÂM/ BVN 30-10-2017
Chủ trương được hiểu là “tăng trưởng bằng kích thích tín dụng” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang bị chính giới chuyên gia ngân hàng, hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp, phản bác.
Một trong số chuyên gia phản bác như thế là tác giả Phạm Xuân Hòe (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), viết trên tờ Lao động, nêu quan điểm: “Chúng ta không nên tăng trưởng bằng mọi giá mà nhất là tăng trưởng thông qua kích thích tín dụng để bơm tiền ra nền kinh tế trong khi các tế bào của nền kinh tế vẫn đang ốm yếu…”.
Tác giả Phạm Xuân Hòe cũng nhắc lại một bài học đắt giá về kích tín dụng:
“Những năm thập niên 80 là thời kỳ siêu lạm phát (1986-1989). Có năm chỉ số CPI trên 800%. Phát kiến “sai lầm” trong việc in tiền thực hiện bù giá vào lương gây ra lạm phát phi mã, Ngân hàng Nhà nước lúc đó buộc phải đẩy lãi suất huy động lên 9-12%/tháng để hút tiền về (tương đương khoảng 108-144%/năm).
Kết quả, giảm lạm phát nhưng gây ra hệ lụy khoảng 68 ngàn doanh nghiệp nhà nước phá sản, trên 60 vạn lao động mất việc làm…

clip_image004
     Ảnh: Soha
Ở thời kỳ đó, Việt Nam nâng mặt bằng giá lên 10 lần, nhưng phần chênh lệch giá vật tư nguyên liệu tăng lên 9 lần được bóc ra chênh lệch đưa hết về ngân sách để chi tiêu, phần doanh nghiệp nhà nước giữ lại chỉ là 1. Đó là căn nguyên làm cho gánh nặng vay nợ của doanh nghiệp nhà nước gia tăng…
Tín dụng ngân hàng chính là rốn đựng cho số thiếu vốn này; Cái giá phải trả về rủi ro lạm phát ở thời kỳ này rõ nhất là người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng lúc gửi là cả con bò đến khi rút ra không mua nổi bát phở.
Toàn cảnh về chủ thể vay vốn ngân hàng trong nước hầu như còn đang ốm yếu như vậy nếu cứ thúc đẩy bơm tín dụng thì cuối cùng vốn sẽ chảy vào khu vực luôn “ngốn tiền” nhiều nhất là bất động sản và chứng khoán. Xin hãy thận trọng đừng để loại “bong bóng” này tái phát, và đừng để lần nữa quốc gia lại đau đầu về nợ xấu ngân hàng…”.
Vì sao lại có những phản bác của giới chuyên gia về “kích tín dụng”?
Gần đây, Thủ tướng Phúc đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng “Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngân hàng nhà nước cố gắng nâng mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên 21%-22% thay vì mức 18% như kế hoạch đề ra từ đầu năm” để “hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra”. Theo đó, khối ngân hàng thương mại đang mang trên mình sứ mệnh phải cấp tốc đẩy ra thị trường một lượng tiền khổng lồ lên tới 1,2 triệu tỷ đồng trong năm 2017.
Vậy tiền ở đâu để đẩy ra thị trường?
Hãy nhớ lại vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay của khối ngân hàng là 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2016 đã lên đến hơn 6 triệu tỷ đồng, chưa kể tồn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Phải chăng một cách tương ứng, lượng tiền được Ngân hàng Nhà nước cho in và bổ sung vào lưu thông đã có thể vào khoảng 500.000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần “lạm phát in tiền” đã chiếm đến 10 - 15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền bình quân của các nước phương Tây?
Trong khi đó, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Phúc là người… khoái thành tích và hình ảnh.
Ngay trước thời điểm diễn ra hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào đầu tháng 10/2017, phía Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đã tung ra bản báo cáo với thành tích tăng trưởng kinh tế quý 3/2017 lên đến 7,46%, và còn dự kiến quý 4/2017 sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng 7,31%, để tính chung cả năm 2017 có mức tăng trưởng là 6,7%.
Từ tháng Bảy đến nay, sự xuất hiện của Nguyễn Xuân Phúc trên mặt báo chí nhà nước là dày đặc hơn hẳn, không mấy kém thua “hiện tượng ồn ào Đinh La Thăng” vào năm 2016. Một trong những xuất hiện dày nhất của ông Phúc là đi thăm các tỉnh thành cùng phát ngôn lặp đi lặp lại về “đầu tàu kinh tế” dành cho nhiều địa phương.
Sau vụ cả hai ông Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang đều thình lình “bị bệnh”, danh sách ứng cử viên cho chức vụ Tổng bí thư một khi Nguyễn Phú Trọng nghỉ đã rút ngắn hẳn. Theo đó, Nguyễn Xuân Phúc vẫn giữ vị trí cố định và được xem là “đầy tiềm năng”.
Hẳn nhiên có thể nhận ra rằng ông Nguyễn Xuân Phúc đang rất cần những thành tích kinh tế để tôn tạo vai trò không chỉ Thủ tướng mà còn ứng cử viên Tổng bí thư.
Nếu khả năng in tiền ồ ạt là có cơ sở, lẽ đương nhiên thị trường tín dụng phải tràn ngập tiền, để nguồn tiền quá dư dả nhưng khó có lối thoát này lại trở thành “động lực kiến tạo” khiến GDP quốc gia tăng vọt trong các báo cáo của Chính phủ, dẫn đến phản ứng của chính Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 10/2017: “Tăng trưởng GDP 6,7% nhưng tăng thu ngân sách so với dự toán chỉ 2,3%? Giải ngân vốn đầu tư thì chậm mà tăng trưởng lại cao, điều này nghe có mâu thuẫn?…”. Còn Ủy ban Kinh tế Quốc hội thì cảnh báo “Nếu tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm nay sẽ gây sức ép vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện”.
T.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét