Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

20230926. TRANH LUẬN VỀ CÁCH KIỂM TRA BÀI HỌC SINH

  ĐIỂM BÁO MẠNG


KIỂM TRA MIỆNG VÀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

THÁI HẠO/FB 21-9-2023


Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vừa thông báo yêu cầu không “kiểm tra miệng” đầu giờ theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt". Lý do là cách làm này được cho sẽ khiến học sinh căng thẳng, thậm chí có thể có tính chất "bạo hành" tinh thần của học sinh. Quan điểm và “chỉ đạo” này đang gây ra một sự tranh cãi không nhỏ trong dư luận, người ủng hộ khá nhiều nhưng người phản đối, cười cợt, mỉa mai cũng không ít.
Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, cả “chỉ đạo” lẫn các ý kiến thuận - nghịch mà tôi đọc được, phần nhiều chưa đụng sâu được vào cốt lõi của triết lý giáo dục hiện đại.
Thứ nhất, chuyện gây căng thẳng là có, tuy nhiên, theo tinh thần đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá thì việc cấm đoán này là không phù hợp, thậm chí có thể xâm phạm thô bạo đến quyền của nhà giáo. Vì thế, chỉ cần “cởi trói” là đủ, tức không coi kiểm tra miệng là bắt buộc nữa, còn giáo viên nào muốn sử dụng thì cứ việc, nhưng nên cân nhắc cẩn thận, nghiêm túc sau khi đã thấu hiểu tinh thần của giáo dục tiến bộ.
Nếu bỏ “kiểm tra miệng” chỉ vì nó gây căng thẳng thẳng thì sẽ bị phản bác dễ dàng, vì trên thực tế có những giáo viên dù vẫn tiến hành hình thức này nhưng học sinh khá vui vẻ, thậm chí coi là một loại trải nghiệm thú vị trong đời đi học (?); hơn nữa nó giúp học sinh phải lo mà học bài ở nhà, đồng thời tạo bước đệm khiến học sinh tập một số thói quen và kỹ năng như mạnh dạn, tự tin, khả năng nói trước đám đông...
Tôi ủng hộ bỏ kiểm tra miệng (như một quy định cứng nhắc, bắt buộc), nhưng không phải chỉ đơn thuần là vì lý do nó gây ra căng thẳng.
Trước nay, cơ bản học là học thuộc, kiểm tra miệng lại càng là một loại đánh giá học thuộc, học vẹt. Nó là công cụ đắc lực cho mục đích này. Tuy nhiên, giáo dục không nên chỉ có thế. Học quan trọng là hiểu, là vận dụng, là giải quyết vấn đề, là sáng tạo... Một khi đã hiểu thì dù không thuộc từng câu từng gchữ nhưng cũng vẫn sẽ chủ động trình bày và linh hoạt trong các nhiệm vụ thực tiễn. Còn học thuộc thì không như thế, nó có thể giúp “trả bài” vanh vách, có điểm cao, và “thành tích tốt” nhưng nếu đòi hỏi tư duy độc lập và sáng tạo thì thường rơi vào hạn chế.
Hãy nhớ lại cách học xưa nay: đầu tiên là giáo viên giảng bài, chép lên bảng, học sinh ghi vào vở, về nhà học thuộc, mai lên lớp trả bài; thi thì học sinh chép lại cái đã thuộc ấy vào bài thi. Cơ bản là vậy. Nếu có vận dụng thì cũng trong khung khổ lý thuyết; và luyện rồi làm miết riết thì cũng thành văn mẫu, toán mẫu hết.
Lối học ấy không khác gì “Tử viết”!
Ở ta, mỗi học sinh, cả kỳ may ra được gọi lên bảng “kiểm tra miệng” từ 1 đến 2 lần là cùng, mỗi lần 1 đến 2 phút, thì phát triển được cái năng lực gì? Và nếu em nào đã được gọi từ đầu kỳ thì thôi, cứ vô tư mà hưởng thái bình; còn những em chưa được gọi thì luôn sống trong nơm nớp bất an. Nó gây ra tâm lý và cách học đối phó tiêu cực chứ ít tích cực, vì học như thế là để trả bài cho thầy cô giáo chứ không phải học cho mình. Ở một mức độ và bộ phận nhất định, cách kiểm tra miệng này cho phép công khai làm nhục học sinh trước tập thể, khiến các em xấu hổ, đánh mất sự tự tin hoặc hủy hoại niềm tin của các em vào bản thân mình. Giáo dục gì lạ vậy?!
Câu chuyện tranh cãi về kiểm tra miệng, dù bên ủng hộ bỏ hay bên nuối tiếc giữ thì tôi vẫn thấy vấn đề cơ bản còn nguyên. Bên bỏ thì nghe chừng như ban ơn, “thương học trò”; bên giữ thì tiếc cái sự bề trên, đẳng cấp trong quan hệ thầy trò và vẫn thích sự giáo huấn, rót đầy chứ không muốn “chuyển giao quyền lực”. Cần một sự thay đổi căn cốt trong đường lối, mục đích và phương pháp giáo dục.
Giáo dục là tổ chức, tổ chức và tổ chức. Học sinh phải được tổ chức để “lao động”, hình thành động cơ học tập tự thân, tạo ra sản phẩm, tương tác tích cực, chủ động tự học, tìm tòi, khám phá, sáng tạo. Chứ đến bây giờ rồi mà tôi thấy nhiều giảng viên đại học và giáo viên ưu tú vẫn muốn nuối tiếc việc được ngồi mãi trên bục cao, rà rà cây thước trong tay, và lấy làm thỏa mãn khi bắt được một đứa tối qua không chịu học bài, rồi giáo huấn, phê bình như kiểu “ban chiếu”, thì quả là đáng lo ngại.
Thử nhìn ra nước ngoài: giáo viên giao bài tập, dự án, nhiệm vụ học tập... cho học sinh, ngay cả học sinh tiểu học. Những bài tập/dự án này có thể phải mất cả tháng mới hoàn thành, sau đó học sinh “báo cáo kết quả”, trình bày và bảo vệ sản phẩn của mình. Nó giống với tính chất của cách làm luận văn, luận án, nghiên cứu, chứ không phải kiểu mẫu giáo như ở ta.
Giáo dục không phải là đánh đố, mẹo mực, tiểu xảo; nó phải quang minh chính đại, lịch thi/kiểm tra sẽ được báo trước, phạm vi nội dung cũng có thể được báo trước; tài liệu được thoải mái mang vào... Vì mục tiêu của họ là phát triển con người, chứ không phải biến con người thành những cái USB di động.
Các kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, thuyết trình, tranh luận, v.v., sẽ hình thành và phát triển trong suốt quá trình này; các năng lực như tư duy độc lập, phát triển cá tính cũng được nuôi lớn. Và quan trọng là sự tôn trọng học sinh giúp hình thành tính cách tự trọng, tự tin và tự chủ.
Thái Hạo

KIỂM TRA MIỆNG ĐẦU GIỜ KHÔNG NÊN BỎ NHƯNG LÀM SAO ĐỂ HỌC SINH KHÔNG ÁP LỰC?
CAO NGUYÊN/ GDVN 24-9-2023
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố yêu cầu giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu “kêu bất chợt, hỏi bất chợt” vì sẽ khiến học sinh căng thẳng, áp lực.
Là nhà giáo đã và đang dạy bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông ở trường công lập và tư thục, người viết nhận thấy việc giáo viên kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu “kêu bất chợt, hỏi bất chợt” khiến học sinh căng thẳng, áp lực là hoàn toàn có thật.
Ảnh minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn ảnh 1
Ảnh minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn
Giáo viên cần giúp học sinh trả bài đầu giờ nhẹ nhàng
Tôi thuộc thế hệ 8X. Từ lúc học tiểu học cho đến bậc trung học, việc giáo viên kiểm tra miệng (thường gọi là kiểm tra bài cũ) cho đến nay vẫn còn để lại nỗi ám ảnh cho tôi và nhiều bạn bè vì những lí do khác nhau.
Có giáo viên vào lớp là mặt “lạnh như tiền”, chẳng nói chẳng rằng, lập tức lôi cuốn sổ ghi điểm cá nhân, dùng cây bút rà tên trong danh sách và gọi ngẫu nhiên hoặc chủ ý một học sinh nào đó.
Thường thì giáo viên sẽ kiểm tra khoảng 2-3 học sinh xem việc học bài cũ thế nào. Chỉ sau khi giáo viên gấp cuốn sổ điểm lại thì học sinh cả lớp mới thở phào nhẹ nhõm, mới dám rời mắt khỏi trang vở, trang sách.
Có học sinh dù thuộc bài cũ nhưng khi lên bảng thì quên sạch không còn nhớ chữ nào vì quá áp lực, lo lắng. Giáo viên nào dễ tính nhắc cho một hai câu thì học sinh đó dần nhớ lại bài và trả được bài.
Tôi đã từng có lần không thể trả bài môn Địa lí năm lớp 7 vì tên các địa danh ở Nga quá khó nhớ. Tôi thẳng thắn trình bày với cô giáo bộ môn là cho tôi xem bản đồ trả lời thay vì học thuộc lòng và được chấp nhận.
Đó cũng là lí do hàng chục năm đi dạy học (môn Ngữ văn) tôi chưa bao giờ kiểm tra bài cũ học sinh theo kiểu “kêu bất chợt, hỏi bất chợt”.
Tôi thường khuyến khích học sinh xung phong lên bảng đầu giờ đọc thuộc một vài khổ thơ, bài thơ ngắn hoặc trình bày ngắn gọn nội dung, nghệ thuật một tác phẩm văn học để các em lấy điểm cộng.
Cùng với đó, tôi cho học sinh thuyết trình, trả lời câu hỏi phát vấn hoặc viết ngắn theo quan điểm cá nhân để nâng cao các năng lực học tập cho các em.
Hiện nay, những lớp đang dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 6, 7, 8, 10, 11) sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT về kiểm tra, đánh giá.
Theo đó, học sinh có hai loại điểm kiểm tra, đó là kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Đối với điểm kiểm tra thường xuyên được hướng dẫn “thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
Nếu giáo viên kiểm tra theo hình thức hỏi, thầy cô giáo cần tạo cho học sinh một tâm thế nhẹ nhàng với bài học. Nếu học sinh gặp áp lực khi kiểm tra miệng, giáo viên có thể yêu cầu các em viết ra giấy, viết lên bảng.
Dĩ nhiên, giáo viên không thể bỏ hình thức kiểm tra miệng, vì học sinh không học bài cũ thì làm sao có thể tiếp thu bài mới.
Ví dụ, giáo viên không kiểm tra bài từ vựng, ngữ pháp thì học sinh không thể học tốt môn Tiếng Anh. Học sinh không học các công thức thì không thể vận dụng làm các bài tập.
Vì sao không nên kiểm tra kiểu gọi bất chợt, hỏi bất chợt?
Liên quan đến việc kiểm tra miệng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản nêu 3 lý do giáo viên không nên kiểm tra kiểu gọi bất chợt, hỏi bất chợt.
Dạy CT mới, có GV vẫn nhầm kiểm tra thường xuyên chỉ là kiểm tra miệng, 15 phút
Thứ nhất, kiểm tra đột xuất, bất chợt trước hết sẽ không đảm bảo tính khách quan vì học sinh không có thời gian chuẩn bị.
Điều này có thể dẫn đến việc học sinh không thể hiện được hết khả năng của mình. Ví dụ, học sinh có thể trả lời sai câu hỏi vì không nhớ hoặc không biết cách giải.
Thứ hai, kiểm tra bất chợt sẽ tạo áp lực cho học sinh do kiểm tra đột xuất, bất chợt thường được coi là một hình thức kiểm tra khó khăn.
Điều này có thể tạo áp lực cho học sinh, khiến các em lo lắng và căng thẳng. Áp lực này có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra của học sinh.
Thứ ba, hình thức kiểm tra bất chợt, đột xuất không phù hợp với mục tiêu giáo dục. Mục tiêu giáo dục không chỉ là đánh giá kết quả học tập của học sinh mà còn là giúp học sinh phát triển các năng lực.
Kiểm tra đột xuất, bất chợt không phù hợp với mục tiêu này vì nó không đánh giá được quá trình học tập của học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố nhấn mạnh, các cấp quản lý cần nhận thức rõ đổi mới kiểm tra, đánh giá là yêu cầu tất yếu của giáo dục hiện đại, là nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh.
Giáo viên cần nhận thức được rằng kiểm tra, đánh giá là một quá trình, không chỉ là một hoạt động chấm điểm, xếp loại. Học sinh cần nhận thức được rằng kiểm tra, đánh giá là để đánh giá sự tiến bộ của bản thân, không phải để so sánh với bạn bè.
Trả bài đầu giờ cần tránh "học vẹt"
Bàn về việc kiểm tra miệng, thầy giáo L.
😭
. (Thanh Hóa) nêu quan điểm, học quan trọng là hiểu, là vận dụng, là giải quyết vấn đề, là sáng tạo...
Bởi vì, một khi học sinh đã hiểu thì dù không thuộc từng câu từng chữ, các em cũng vẫn sẽ chủ động trình bày và linh hoạt trong các nhiệm vụ thực tiễn.
Còn học sinh học thuộc lòng thì không như thế, nó có thể giúp các em “trả bài” vanh vách, có điểm cao, và “thành tích tốt” nhưng nếu đòi hỏi tư duy độc lập và sáng tạo thì thường rơi vào hạn chế.
"Hãy nhớ lại cách học xưa nay: đầu tiên là giáo viên giảng bài, chép lên bảng, học sinh ghi vào vở, về nhà học thuộc, mai lên lớp trả bài; kiểm tra thì học sinh chép lại cái đã thuộc ấy vào bài làm - cơ bản là vậy.
Nếu học sinh có vận dụng thì cũng trong khung lý thuyết, luyện rồi làm miết thì cũng thành văn mẫu, toán mẫu hết", thầy giáo L.
😭
. nêu mặt hạn chế của việc học thuộc lòng.
Theo thầy giáo L.
😭
., giáo dục là tổ chức, học sinh phải được tổ chức để “lao động”, hình thành động cơ học tập tự thân, tạo ra sản phẩm, tương tác tích cực, chủ động tự học, tìm tòi, khám phá, sáng tạo.
Muốn được như thế, giáo viên cần giao bài tập, dự án, nhiệm vụ học tập... cho học sinh, ngay cả học sinh tiểu học, sau đó các em “báo cáo kết quả”, trình bày và bảo vệ sản phẩm của mình giống như nghiên cứu khoa học.
Các kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, thuyết trình, tranh luận... sẽ hình thành và phát triển trong suốt quá trình này; các năng lực như tư duy độc lập, phát triển cá tính cũng được nuôi lớn. Và quan trọng là sự tôn trọng học sinh giúp hình thành tính cách tự trọng, tự tin và tự chủ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Cao Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét