Thứ Hai, 4 tháng 9, 2023

20230905. NGÀY KHAI GIẢNG: ĐỌC LẠI BÀI VIẾT CŨ

ĐIỂM BÁO MẠNG


ĐẶC ĐIỂM DỊCH VỤ GIÁO DỤC& ĐÀO TẠO TRONG CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG
NGÔ THẾ BÍNH/ ngothebinh's blog 4-9-2015


 Trong Kinh tế học [1] các ngành kinh tế được chia thành 2 lĩnh vực: ngành sản xuất hàng hóa (Goods) và ngành cung ứng Dịch vụ (Service). Việc phân loại chi tiết hơn để quản lý có sự khác nhau giữa các nước tùy theo sự phát triển kinh tế và tiêu chí áp dụng [3]. Tuy nhiên giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đều được nhiều nước xem như một ngành kinh tế dịch vụ. Ở nước ta, để phục vụ cho công tác quản lý kinh tế ở miền Bắc theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, Hội đồng Chính Phủ đã ban hành NĐ 82/CP phân chia các ngành trong nền kinh tế quốc dân thành 2 khu vực: “khu vực sản xuất vật chất” và “khu vực không sản xuất vật chất” trong đó giáo dục được xếp trong nhóm ngành “khu vực không sản xuất vật chất.” Hệ thống phân loại này chủ yếu phục vụ cho thống kê và kế hoạch hóa nền kinh tế theo mô hình MPS (Material Product System) mà các nước XHCN lúc đó dùng. Mặc dù được xếp trong “khu vực không sản xuất vật chất” nhưng GD-ĐT không được xét như một bộ phận tạo ra tổng sản phẩm quốc dân với thước đo giá trị. Khi đi vào cơ chế thị trường, từ 1993 Việt Nam đã chuyển sang áp dụng mô hình thống kê và kế hoạch hóa SNA (System of National Accounts) của Liên Hợp Quốc, trong đó thuật ngữ “dịch vụ” đã được sử dụng, nhưng quan trọng hơn nó đã được xét đến như một thành tố của Tổng sản phẩm xã hội, mà mô hình MPS bỏ qua. Để hoàn thiện hơn nữa công tác thống kê và kế hoạch hóa trong cơ chế thị trường, Chính Phủ đã có Quyết định mới số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 về “Ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam”. Theo Quyết định này thì không có sự phân chia “khu vực sản xuất vật chất” và “khu vực không sản xuất vật chất”. GD-ĐT đã được xếp vào một trong 21 nhóm ngành cấp I và được chi tiết ra 17 ngành cụ thể. Tuy không nêu rõ Giáo dục và Đào tạo là ngành kinh tế dịch vụ, nhưng đã có sự thừa nhận vai trò khách quan của giáo dục đào tạo như là một hoạt động kinh tế, có đóng góp vào Tổng sản phẩm quốc dân, không khác gì hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ thông thường.

Xét về lý thuyết, GD-ĐT cũng hội tụ đầy đủ những đặc điểm cơ bản của Dịch vụ mà các nhà kinh tế đã nêu [1]:
- Tính đồng thời (Simultaneity): sản xuất và tiêu dùng dịch vụ xảy ra đồng thời;
- Tính không thể tách rời (Inseparability): sản xuất và tiêu dùng dịch vụ không thể tách rời. Thiếu mặt này thì sẽ không có mặt kia;
- Tính chất không đồng nhất (Variability): không có chất lượng đồng nhất;
- Vô hình (Intangibility): không có hình hài rõ rệt. Không thể thấy trước khi tiêu dùng;
- Không lưu trữ được (Perishability): không lập kho để lưu trữ như hàng hóa được.
Tuy nhiên, sẽ mắc sai lầm trong công tác quản lý GD-ĐT nếu không nhận thức những đặc điểm riêng của dịch vụ này. Theo tôi, những đặc điểm đó là:
- GD-ĐT đóng vai trò tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước: với đặc điểm này tuy GD-ĐT không mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp to lớn như các dịch vụ khác (tính theo dòng thu nhập GDP), nhưng lại có tác dụng lan tỏa, tạo “yếu tố đầu vào” có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của các ngành kinh tế và lĩnh vực khác. Nhiều quốc gia đều cho GD-ĐT là “chìa khóa” của sự phát triển và thực tế đã thành công. Không những thế, GD-ĐT còn trở thành ngành kinh tế không nhỏ trong GDP. Hiến pháp 2013 của VN cũng xác định phát triển GD-ĐT (cùng với Khoa học-Công nghệ) là quốc sách hàng đầu. Từ quan điểm đó, Nhà Nước và nhân dân cùng phối hợp để đầu tư cho GD-ĐT
- GD-ĐT thu hút sự quan tâm thường xuyên của toàn xã hội: Đó là vì học tập là quyền lợi hiến định của mọi công dân và hầu như bất cứ gia đình nào cũng có người tham gia học tập. Với đặc điểm này mọi chủ trương chính sách quản lý GD-ĐT của nhà nước các cấp đến các hoạt động thực tế của các cơ sở GD-ĐT đều phải công khai minh bạch và chịu sự giám sát, đóng góp ý kiến của xã hội. Học sinh tiểu học công lập được miễn học phí, một bộ phận sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng được học bổng… là những ưu đãi riêng có của dịch vụ GD-ĐT cho “khách hàng”.
- GD-ĐT là quá trình lao động hợp tác và sáng tạo của chủ thể cung cấp dịch vụ và khách hàng: Với đặc điểm này khách hàng (người học) không đến với GD-ĐT đơn thuần như kẻ “hưởng thụ” các dịch vụ thông thường mà phải học-hành một cách tự giác, nghiêm túc, kiên trì, sáng tạo mới đạt được mục đich. Chủ thể GD-ĐT (thầy) cũng phải lao động miệt mài, cải tiến không ngừng nội dung, cách dạy và phương tiện để giúp khách hàng (người học) học tập hiệu quả. Dịch vụ GD-ĐT không thể tuân thủ triết lý marketing của các dịch vụ thông thường như “khách hàng là thượng đế” “khách hàng luôn luôn đúng”, trái lại phải tuân thủ triết lý riêng của GD-ĐT như: “học để làm người có ích cho xã hội”; “dạy cách học chứ không chỉ dạy kiến thức”; “học đi đôi với hành” v.v…Ngoài ra GD-ĐT còn phải tuân thủ những quy định pháp luật về giáo dục [6,7,8,9]. Luật Giáo Dục (1998), Điều 17 có ghi “cấm mọi hành vi thương mại hóa hoạt động giáo dục”, theo tôi nghĩ không phải là đối lập giáo dục với dịch vụ mà làm rõ triết lý của dịch vụ GD-ĐT. Các luật giáo dục cũ và mới [6,7,8,9] đều có các điều khoản nghiêm cấm các hành vi liên quan đến đạo đức, chấp hành pháp luật và đặc biệt là sự gian lận trong kiểm tra, thi cử và nghiên cứu khoa học. Thiết nghĩ, những quy định đó cũng xuất phát từ triết lý riêng của dịch vụ GD-ĐT.
- Riêng Chất lượng dịch vụ GD-ĐT đại hoc và nghề được đánh giá bởi thị trường nhân lực chứ không phải khách hàng (người học): Với đặc điểm này mọi đánh giá của người học và của tổ chức kiểm tra, kiểm định chỉ có ý nghĩa tức thời của giai đoạn nhất định diễn ra dịch vụ GD-ĐT, tại cơ sở GD-ĐT. Đánh giá quan trọng nhất, chính xác nhất là các cơ sở thu nhận người học ở các doanh nghiệp và các tổ chức khác. Điều đó đặt ra với các cơ sở GD-ĐT phải có quyền và chủ động nghiên cứu thị trường nhân lực để hiểu rõ thị trường cần gì, mức độ đáp ứng đến đâu. Cơ sở GD- ĐT phải có quyền tự chủ trong: tuyển sinh, hoạch định cơ cấu ngành nghề, nội dung đào tạo, biên soạn giáo khoa…Nhà Nước phải là lực lượng nòng cốt dự báo, hoạch định, thông tin nhu cầu nhân lực theo từng ngành nghề và địa phương để tạo điều kiện cho GD-ĐT điều chỉnh số lượng và cơ cấu tuyển sinh. Hiện tượng hàng vạn cử nhân thất nghiệp hiện nay cần được lảm rõ số lượng, tỷ lệ theo các tiêu chí nguyên nhân: tự nguyện hay không tự nguyện; tạm thời, cơ cấu hay thiếu cầu… không thể nói chung chung, càng không thể đổ lỗi tất cả cho chất lượng GD-ĐT.
NTB
Tài liệu tham khảo
1. Dịch vụ – Wikipedia tiếng Việt
2. Tổng quan lý thuyết về ngành kinh tế dịch vụ - Phần 1 - Viện ...
3. Phân loại dịch vụ (Services classification) - Dân Kinh Tế
4. Nghị định 82-CP năm 1963 về việc phân chia các ngành ...
5. Quyết định số 10/2007/QĐ-TTG ngày 23/01/2007 về Hệ thống ngành kinh tế VN của Thủ tướng Chính Phủ ...
6. Luật Giáo dục (11/1998/QH10) - Bộ Tư pháp
7. Luật Giáo dục (38/2005/QH11)- Bộ Tư pháp
8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục 2015 (44/2009/QH 12) - Bộ Tư pháp ...
9. Luật Giáo dục đại học (08/2012/QH13) - Văn bản quy phạm pháp luật
10. QUY CHẾ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ ( Thông tư 10/ 2009/TT-BGDĐT)
11. Thông tư 05/2012/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ (10/2009/TT- BGDĐT )...
12. Thống kê tài khoản quốc gia 60 năm xây dựng và phát triển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét