Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

20230910. LỐI MÒN TƯ DUY

  ĐIỂM BÁO MẠNG

LỐI MÒN TƯ DUY

NGÔ THẾ BÍNH/ ngothebinh's blog   18-1-2016


Minh họa “lối mòn” theo nghĩa đen
“Lối mòn” được hiểu là con đường do vết chân nhiều người đi qua tạo nên, thường thấy trong rừng, trên đồi núi. Có thể hiểu đó là con đường mới khai phá, sử dụng tạm thời vì chưa đủ điều kiện xây dựng thành con đường thênh thang, được sử dụng thường xuyên cho nhiều người. Đó là nghĩa đen. Trong hoạt động tư duy của con người, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học thì “lối mòn” còn có nghĩa bóng là “lối mòn tư duy”, như tên bài. Lối mòn tư duy là một kiểu lỗi của phương pháp tư duy, chủ yếu rập khuôn theo kết quả tư duy cũ đã được tạo ra bởi những người đi trước, chưa hẳn đã đúng đắn. Bất cứ ai (kể cả tôi) cũng có thể mắc phải “lối mòn tư duy” chừng nào còn có tư duy. Tư duy về bản chất là quá trình nhận thức hiện tượng, sự vật từ cảm tính đến lý tinh mà cái đích là chân lý (sự thật). Lối mòn tư duy là trở ngại khiến người ta không nhận ra sự thật, mất khả năng sáng tạo, đưa ra các quyết định sai lầm trong hoạt động. Tác hại của lối mòn tư duy sẽ phụ thuộc vào vai trò của người ra quyết định trong xã hội. Đối với người bình thường thì tác hại chủ yếu ảnh hưởng đối với chính họ. Đối với người lãnh đạo thì tác hại lại ảnh hưởng đến nhiều người, thậm chí cả xã hội về niềm tin và lối sống, trì trệ mọi mặt. Đối với người nghiên cứu khoa học thì tác hại được tiềm ẩn trong các tác phẩm và sẽ ảnh hưởng đến nơi áp dụng.
Những biểu hiện của “lối mòn tư duy” có thể nêu ra rất nhiều. Là người tham gia đào tạo các thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Quản lý kinh tế, tôi xin nêu 2 biểu hiện cơ bản như sau:
- Mặc nhiên coi những công trình nghiên cứu có trước là những tác phẩm hoàn hảo không có sự phân tích phê phán, chọn lọc những gì giúp ích cho nhiệm vụ nghiên cứu. Các nguồn tài liệu sử dụng thường là tài liệu thứ cấp chứ không phải tài liệu gốc.
- Mặc nhiên coi những văn bản chỉ đạo kinh tế của Đảng CSVN và Chính Phủ, ý kiến của người lãnh đạo, như là tiền đề, xuất phát điểm cho những luận cứ về tính cấp thiết nghiên cứu, hướng nghiên cứu, đề xuất giải pháp cho nhiệm vụ nghiên cứu.
Nguyên nhân của những biểu hiện trên là:
- Mặc dù các học viên và nghiên cứu sinh đều đã được học môn “Phương pháp nghiên cứu khoa học” nhưng hình như họ vẫn thiếu kiến thức, kỹ năng để tránh lối mòn tư duy.
- Có xu hướng lười biếng, ngại khó, “an toàn” trong suy nghĩ nên luôn chọn cách sao chép, miễn sao đạt được mục tiêu bằng cấp, chứ không phải mục tiêu sáng tạo tìm ra chân lý, điều mới;
- Thiếu quy trình hợp lý, tự chủ bảo đảm thầy và trò cùng tạo ra những sản phẩm tư duy sáng tạo, bao gồm: chương trình học, duyệt đề tài, hướng dẫn và kiểm tra công tác nghiên cứu, bảo vệ và đánh giá kết quả nghiên cứu…
Để khắc phục những nguyên nhân trên, thiết nghĩ chìa khóa của vấn đề nằm ở chỗ tạo cho trường đại học một không gian tự do học thuật mà rất nhiều nhà giáo dục tâm huyết đã đề xuất. Viết đến đây tình cờ đọc đươc bài “Đại hội- Những điều trái khoáy” của GS Nguyễn Đình Cống (Trường Đại học Xây Dựng), tôi tự hỏi: phải chăng những điều mà ông nêu là biểu hiện của lối mòn tư duy trong các đại hội?
************
ĐẠI HỘI-NHỮNG ĐIỀU TRÁI KHOÁY

Bài NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 20/1/2016

Nhân đại hội 12 ĐCSVN tôi muốn bàn đến một số điều trái khoáy thường diễn ra trong các đại hội đảng hoặc các đoàn thể theo thể chế cộng sản.
1- Chủ tịch đoàn
Theo hiểu biết thông thường thì chủ tịch đoàn là để điều khiển các hoạt động của đại hội, như vậy chỉ từ 3 đến 7 người là đủ, cần gì đông? Không biết đại hội của các đảng lớn trên thế giới như Cộng hòa, Dân chủ của Mỹ, Bảo thủ của Anh… chủ tịch đoàn có đông không, chứ như ở VN thì phải đến vài chục người, ngồi kín cả sân khẩu. Điều trái khoáy là rất nhiều trong số họ chẳng làm gì từ đầu cho đến cuối, nếu thay vào đó một cái tượng cũng chẳng sao. Hình như người ta cho rằng ngồi ở chủ tịch đoàn là một vinh dự chứ không phải là một nhiệm vụ. Năm 1974, có lần tôi được dự họp trù bị cho đại hội CNVC ở trường Đại học Xây dựng. Ban tổ chức dự kiến chủ tịch đoàn gồm 9 người, đại diện cho mọi thành phần trong trường, từ Đảng ủy đến chị em cấp dưỡng. Tôi đã vừa thuyết phục vừa đấu tranh để chỉ chọn 3 người, ý kiến đó được chấp nhận, nhưng rồi chỉ áp dụng một lần cho đại hội ấy.
2- Đề cử và rút lui
Ở các nước dân chủ, các ứng viên để bầu vào chức danh nào đó thường do ứng cử, tranh cử, hầu như không thấy đề cử. Tại VN có chuyện đề cử. Điều trái khoáy xảy ra khi người được đề cử xin rút khỏi danh sách. Xin rút là quyền của đại biểu nhưng cho rút hay không lại là quyền của người giới thiệu, của chủ tịch đoàn, của đại hội. Nghe qua thì tưởng như thế là dân chủ tập trung, nhưng nghĩ lại thì thấy nhân quyền bị vi phạm một cách quá đáng. Có lần tôi ngồi chủ tịch đoàn một đại hội chi bộ. Đến mục bầu chi ủy. Không có ai ứng cử. Trong số 6 người được đề cử để bầu 3, có 5 người xin rút và đều được chủ tịch đoàn cho rút trên tinh thần tôn trọng quyền của mỗi người. Sau đó Chủ tịch đoàn đề nghị đại hội thảo luận và thông qua báo cáo lên trên xin giải tán chi bộ, chuyển các đảng viên sang sinh hoạt tại các chi bộ khác vì không thể nào bầu được chi ủy. Đến lúc ấy thì mới có vài người nhận đề cử để bầu.
3- Phiếu không hợp lệ
Khi bầu, ban bầu cử phát phiếu cho đại biểu và công bố cách ghi phiếu. Điều trái khoáy là trong các phiếu được phát ra cho đúng người có quyền bầu, khi thu về có phiếu hợp lệ và bất hợp lệ. Thông thường người ta cho những phiếu sau là bất hợp lệ: a- Phiếu không do ban bầu cử phát ra (phiếu giả); b- Phiếu viết thêm tên người ngoài; c- Phiếu bầu số người nhiều hơn quy định; d- Phiếu trắng. Theo tôi tất cả các phiếu do ban bầu cử phát, người viết phiếu là người có quyền bầu đều hợp lệ, đều phải được kiểm, không có phiếu bất hợp lệ.
Thử hỏi, mục tiêu của bầu cử là gì. Phải chăng là để chọn ra người có số phiếu cao hơn. Thế thì, trừ trường hợp a (đã bị loại từ đầu), các trường hợp còn lại không hề ảnh hưởng đến mục tiêu bầu cử, không ảnh hưởng đến sự chính xác của kết quả. Điều vừa viết chạm vào thói quen của hàng chục triệu người trong thời gian dài, vì thế chắc sẽ có nhiều ý kiến phản đối. Tôi chỉ muốn nêu ra một suy nghĩ để bạn nào có quan tâm thì cùng suy nghĩ và trao đổi, chỉ xin đừng xem mọi thứ do con người đề ra đều là hoàn toàn đúng. Có lập luận cho rằng phải loại bỏ các phiếu b, c, d vì chúng do những đại biểu vô trách nhiệm hoặc cố tình vi phạm quy chế. Tôi nghĩ khác, cho rằng đó là một cách thể hiện ý kiến cá nhân mà không thể phát biểu công khai hoặc một sự do dự trong việc lựa chọn giữa vài người nào đó.
4- Phiếu bầu một người
Phiếu bầu một người cũng là một dạng trái khoáy thường xảy ra ở các chế độ độc tài. Trong trường hợp này phiếu trắng cũng phải xem là hợp lệ và được kiểm. Thế nhưng có vài nơi người ta vẫn cho phiếu trắng là bất hợp lệ, chỉ kiểm những phiếu hợp lệ, việc này đẩy sự độc tài và sự bịp bợm lên đỉnh cao chót vót.
N.Đ.C.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét