Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

20230921. BÀN VỀ QUẢN CHUNG CƯ MINI

  ĐIỂM BÁO MẠNG


NGUYÊN BÍ THƯ HÀ NỘI: ‘SAU CHUNG CƯ MINI VƯỢT TẦNG CÓ CẢ THẾ LỰC CHỐNG LƯNG’

QUANG PHONG /VNN/BVN 18-9-2023



Theo ông Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, đằng sau mỗi công trình, chung cư mini xây vượt tầng so với giấy phép là cả một thế lực chống lưng.
Sáng 18/9, trao đổi với PV VietNamNet bên lề hội nghị đóng góp ý kiến của nguyên lãnh đạo thành phố vào dự thảo Luật Thủ đô, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, ở thủ đô không chỉ có mỗi tòa chung cư mini bị cháy ở số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, Thanh Xuân) xây sai phép mà còn rất nhiều công trình xây dựng khác xây vượt tầng.
VƯỢT TẦNG ĐẾN ĐÂU CẮT NGỌN ĐẾN ĐÓ
Tuy nhiên, ông Nghị cho rằng, đang có một thực tế, đó là xử phạt để công trình sai phép tồn tại. Theo ông, nếu chỉ phạt cho tồn tại thì chủ đầu tư sẽ “mong cho được phạt” để hợp thức hóa vi phạm. Bởi lẽ, họ kiếm được lợi nhuận rất lớn từ phần công trình vi phạm. Đối với khoản lợi nhuận này, chủ đầu tư sẽ dùng để chạy chọt, hối lộ, sau đó vẫn lãi nên cứ tiếp tục vi phạm.
Vì thế, ông cho rằng, sai phạm đâu phải xử đấy, vi phạm đến đâu cắt bỏ đến đó, quá bao nhiêu tầng cắt ngọn bấy nhiêu tầng.
Theo ông Phạm Quang Nghị, nếu được phạt cho tồn tại, thì cán bộ phụ trách xây dựng sẽ có cớ để báo cáo công trình bị xử phạt hành chính mà không tiến hành cưỡng chế.
“Phạt cho tồn tại là đồng phạm với sai phạm một cách hợp pháp nên cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm”, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Ông Phạm Quang Nghị cho rằng, đằng sau mỗi công trình, chung cư mini xây vượt tầng so với giấy phép là cả một thế lực lớn chống lưng.
“Đằng sau mỗi công trình đấy là có chống lưng đấy! Không phải mình đương đầu với chủ công trình vi phạm đâu, mình còn đương đầu với cả cái anh chống lưng đó”, ông Nghị chia sẻ.
CẦN NGHIÊM KHẮC VẤN ĐỀ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM CÁN BỘ
Đề cập đến nội dung làm thế nào để chính quyền cấp dưới thực nghiêm chỉ đạo của UBND TP Hà Nội trong việc xử lý các công trình vi phạm, ông Nghị cho rằng, thành phố cần nghiêm khắc về vấn đề xử lý trách nhiệm cán bộ. Nếu cấp dưới vi phạm mà không bị xử lý thì cấp trên phải bị xử lý.
Liên quan đến thực trạng chung cư mini “mọc như nấm” ở Hà Nội, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, cần sớm bổ sung quy định về chung cư mini để quản lý công trình này tốt hơn. Nếu không, chủ đầu tư sẽ tiếp tục biến tấu nhà ở riêng lẻ thành chỗ trọ, chung cư mini và điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Trước đó, ngày 13/9, tòa chung cư mini cao 9 tầng ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) bị cháy khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương. Trong 29 học sinh gặp nạn có 13 em tử vong, còn lại đang được chăm sóc tại bệnh viện.
Công trình này được ông Nghiêm Quang Minh (44 tuổi, trú phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) xây vượt 3 tầng so với giấy phép được cấp.
Trả lời báo chí, ông Đặng Hồng Thái, nguyên Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, cho biết sau khi xác định chủ nhà xây dựng sai giấy phép, ông đã có 2 văn bản chỉ đạo xử phạt; đồng thời đã ra quyết định cưỡng chế và giao Chủ tịch UBND phường Khương Đình thực hiện quyết định cưỡng chế.
Tuy nhiên, hiện 3 tầng được ông Nghiêm Quang Minh xây dựng sai phép vẫn chưa bị cưỡng chế.
Đêm 12/9, chung cư mini cao 9 tầng ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) bị cháy khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương. Trong 29 học sinh gặp nạn có 13 em tử vong, còn lại đang được chăm sóc tại bệnh viện.
Chiều 13/9, Công an Hà Nội đã khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng) đối với Nghiêm Quang Minh (SN 1979, trú tại Cầu Giấy), là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy.
Nghiêm Quang Minh bị khởi tố về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự (các quyết định và lệnh bắt bị can đã được Viện KSND Thành phố phê chuẩn).
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, tháng 3/2015, UBND quận Thanh Xuân cấp giấy phép cho ông Nghiêm Quang Minh xây công trình trên với 6 tầng (tương đương 20,2m, không tính tum thang).
Tuy nhiên, dù được cấp phép 6 tầng, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng công trình này lên đến 9 tầng. Sau khi đưa vào sử dụng, tòa nhà này trở thành chung cư mini với 45 căn hộ, khoảng 150 người dân sinh sống.
Q.P.
Nguồn: Vietnamnet
**********************
CÓ NÊN XÓA BỎ CC MINI?
DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ FB 19-9-2023
Mình nghĩ không nên xóa bỏ chung cư mini mà có thể phát triển nó thêm bằng cách cho nó thay thế nhà liền kề, loại không dùng để kinh doanh ở các khu đô thị mới. Nên dần xóa bỏ loại nhà liền kề chỉ dùng để ở. Nhà liền kề kết hợp kinh doanh nên được tách riêng thành dạng shophouse, có thiết kế riêng và bố trí riêng ở 1 số vị trí để dễ quản lý.
Chung cư mini khi đó sẽ khoảng 5 tầng, tối đa 9 tầng, đảm bảo về lối thoát nạn và hệ thống PCCC. Mỗi tầng có từ 2-8 căn hộ. Nó ưu việt hơn nhà liền kề ở chỗ sẽ đảm bảo an toàn cháy hơn, tiết kiệm thang, WC hơn, tức là tiết kiệm tài sản xã hội hơn.
Nhà lô phố liền kề rất bất hợp lý về kinh tế, vì tốn cầu thang, WC. Đi lại giữa các phòng phải leo cầu thang nhiều, không tiện.
Nhà liền kề hình chữ nhật dài sẽ không tối ưu về kinh tế xây dựng nữa. Vì chu vi của hình chữ nhật càng dài, hẹp thì sẽ lớn hơn chu vi hình gần vuông, tức là tốn tường bao hơn. Nhà liền kề tiện nghi thông thoáng sẽ kém, vì đa số chỉ có 1-2 mặt thoáng ở cạnh nhỏ.
Tóm lại là nhà liền kề kém tiện nghi và không tối ưu về kinh tế. Chung cư mini sẽ giải quyết được các nhược điểm trên.
Anh em cứ tưởng tượng, các khu đất hiện đang xây nhà liền kề ở các khu đô thị mà chuyển thành CC mini thì chả đẹp quá, có khi còn tiện nghi hơn cả CC cao tầng, do thiết kế và diện tích thôi. CC mini sẽ tạo nên kiến trúc mặt phố đa dạng, sinh động về kiến trúc hơn là nhà liền kề kiểu duyệt binh giống hệt nhau. Bây giờ thì toàn kiểu Pháp phò.
CC mini dạng này nó không có gì xa lạ, nó chính là các nhà tập thể xây vào giai đoạn 1980-1990 (dạng block, không còn hành lang bên). Bây giờ có thể tiện nghi và an toàn hơn bằng thang máy và hệ thống PCCC.
Quan trọng nữa là CC mini xóa bỏ khả năng lấn chiếm đất công, kinh doanh bừa bãi trong khu dân cư, góp phần xóa bỏ kiểu kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lề đường.
Các đô thị nên dần xóa bỏ nền kinh tế vỉa hè bằng cách xóa bỏ nhà lô phố, thay vào đó là chung cư và chung cư mini. Đừng có ác cảm và rẻ rúng CC mini, chẳng qua là do luật lệ và thiết kế chưa tới thôi. Về tiện nghi, CC mini hoàn toàn có thể cao cấp hơn CC thường. Nó có thể tận dụng được các lô đất có diện tích nhỏ hơn 1000m2 và không nhất thiết phải lập doanh nghiệp để phát triển dự án.
Đừng vì vụ cháy kia mà đục nước béo cò, đòi xóa bỏ CC mini. Thay vì xóa bỏ nó, hãy sống chung với nó bằng cách quản lý nó.
Nếu cho phát triển CC mini, các ngõ nhỏ sẽ dần biến mất, người ta sẽ đi mua gom các lô đất nhỏ để hợp thửa, xây CC mini. Nhà nước chỉ cần kiểm soát về quy mô, PCCC.
DQC
Sau vụ cháy, nhiều anh em hung hãn quá, đòi cấm hết cả CC mini. Cấm thế là duy ý chí, vì thực tế nó đã được xây hàng vạn căn, chưa kể các CC khác cũng không đáp ứng QC 06, tức là cũng không an toàn cháy.
Theo mình, trước mắt thì bên CS PCCC cần đưa ra quy định mới để dí cho nhà nào giống CC mini đều bắt buộc có giải pháp đáp ứng quy định về PCCC. Nhưng đồng thời, quy chuẩn PCCC cũng phải điều chỉnh lại, để nó không quá khó đáp ứng cho loại nhà có diện tích nhỏ như nhà trọ, CC mini.
QC 06 bây giờ nhiều cái ngáo lắm, quá chặt 1 cách vô lý và thiếu thực tế, đây là câu chuyện dài mà người từng va chạm với QC này mới biết và hiểu được. Với loại nhà có dt nhỏ, không nhất thiết phải có lối thoát hiểm đầy đủ tiện nghi như QC yêu cầu mà có thể là lối thoát nạn dã chiến, kiểu như thang khỉ gắn tường, lối thoát qua cửa sổ, trèo qua ban công...Tức là không đảm bảo tiện nghi của lối thoát nạn quy định trong QC 06 hiện tại (không cho phép lối thoát kiểu nhảy qua cửa sổ, tụt xuống thang dã chiến...). Cầu thang thoát hiểm theo QC 06 còn không cho phép bậc thang dẻ quạt hay vế thang ngắn hơn 3 bậc (kiểu phổ biến ở chiếu nghỉ thang nhà dân). Thế bố ai mà theo được?
Ai chả muốn có lối thoát xịn sò, nhưng nhà nhỏ mà đòi vậy thì quá tốn kém. Chính vì quá tốn kém dẫn tới không hiệu quả đầu tư nên người ta mới phải lách luật. Lách luật mới dẫn tới hậu quả như vừa rồi.
Đừng tưởng QC PCCC chặt thì thoát cháy đâu, mà là ép người ta phải tránh né, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Nhà ở riêng lẻ bây giờ cũng nên có quy định về PCCC ở mức cơ bản, không nên thả nổi như bây giờ. Vì nhà ở riêng lẻ bị cháy dẫn tới chết người có khi còn nhiều nạn nhân hơn các vụ cháy chung cư. Cứ thống kê số người chết và bị thương vì cháy hàng năm là thấy. Nhà ở liền kề, KS, nhà nghỉ, nhà trọ 4-5 tầng, chỉ có 1 mặt ngõ hẹp dưới 2m bây giờ quá nhiều. Cái này nguy hiểm cháy có khi còn hơn cả chung cư được tk chuẩn PCCC, nhưng không bắt buộc phải tk đáp ứng PCCC.

*****
CHÁY CUNG CƯ MINI: PHẢI LÀM RÕ AI CHỐNG LƯNG CHO CÔNG TRÌNH SAI PHÉP TỒN TẠI
THÀNH AN/GDVN 21-9-2023

Vụ cháy chung cư mini trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) vào đêm 12/9 vừa qua đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại về người và của, trong đó làm chết 56 người và bị thương 37 người.

Chung cư mini này vốn được Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân cấp giấy phép cho xây dựng nhà ở riêng lẻ với 6 tầng, nhưng thực tế xây lên 9 tầng. [1]

Chủ chung cư mini này là bị can Nghiêm Quang Minh (44 tuổi) - người đang bị Công an thành phố Hà Nội tạm giam để điều tra trong vụ án “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy” theo Điều 313 Bộ luật Hình sự (liên quan đến vụ cháy kinh hoàng tại phố Khương Hạ), được biết, cũng là chủ của nhiều công trình vi phạm tương tự.

Cụ thể, đến thời điểm này, cơ quan chức năng phát hiện bị can Nghiêm Quang Minh đã xây dựng ít nhất 8 tòa chung cư mini tại nhiều quận của Hà Nội. Tất cả các tòa nhà này đều có đặc điểm nằm sâu trong ngõ nhỏ, xây cao tầng, phân làm nhiều phòng riêng để bán và cho thuê, không đảm bảo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy. [2]

Đằng sau công trình vượt tầng ‘có thế lực chống lưng’ - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói như vậy về thực trạng xây dựng sai phép chung cư mini ở Hà Nội bên lề Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức sáng 18/9.

Cụ thể, trao đổi bên lề, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng Thủ đô không chỉ có mỗi tòa chung cư mini bị cháy ở số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, Thanh Xuân) xây sai phép, mà còn rất nhiều công trình khác.

Theo ông, hiện có thực tế là xử phạt để công trình sai phép tồn tại. Từ thực tế trên, sẽ nảy sinh việc nhiều chủ đầu tư bất chấp việc xây sai phép, “mong cho được phạt” để hợp thức hóa vi phạm. Do lợi nhuận từ phần công trình vi phạm là rất lớn. Vì thế chủ đầu tư sẽ dùng để chạy chọt, hối lộ, sau đó vẫn lãi nên cứ tiếp tục vi phạm.

Ông Nghị cũng cho rằng: “Đằng sau mỗi công trình đấy là có chống lưng...”. [3]

Quản lý trong vấn đề quy hoạch, xây dựng đang có vấn đề, buông lỏng

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) bày tỏ: “Chưa bao giờ có một vụ hỏa hoạn có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như vậy, hậu quả gây thương vong đến mấy chục người. Đối với vụ việc này, là trách nhiệm rất lớn của các cơ quan hữu quan cả trong thời điểm hiện tại và cả trong thời gian trước.

Vừa rồi, Thành ủy cũng đã tổ chức tưởng niệm, quyên góp ủng hộ, hỗ trợ nạn nhân vụ cháy, tuy nhiên, đó chỉ là khắc phục hậu quả, còn nguyên nhân sâu xa vẫn chưa được xử lý”.

Ông Ngô Văn Sửu phân tích: “Thảm họa xảy ra ngay giữa Thủ đô gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, rất tai tiếng. Vì sao có thảm họa xảy ra như thế?

Thực chất của tòa chung cư mini này chỉ là một công trình nhà ở, xây vượt tầng để phân chia và bán lại các căn hộ nhỏ cho những gia đình có nhu cầu sử dụng. Đã xây dựng sai phép mà tồn tại được lâu như vậy, là vì sao?

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Mộc Trà. ảnh 1

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Mộc Trà.

Như ông Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã khẳng định, đằng sau những công trình xây dựng sai phép như căn chung cư mini vừa xảy ra sự cố kia, đều có thế lực “chống lưng” nào đó, tuy không nêu được rõ cụ thể cán bộ nào, nhưng tôi cũng rất đồng tình.

Rõ ràng, đó là một hiện tượng mà trong xây dựng cơ bản của đất nước suốt nhiều năm qua, đặc biệt là trước đây thường xuyên xảy ra: xây dựng sai phép hoặc không phép.

Điều đó cho thấy câu chuyện quản lý nhà nước trong vấn đề quy hoạch, xây dựng của chúng ta trong hiện đang có vấn đề, đã có sự buông lỏng quản lý, không giám sát chặt chẽ, hoặc khi giám sát có phát hiện ra sai phạm nhưng lại không quyết liệt xử lý”.

Theo ông Sửu, các chung cư mini trong các ngõ ngách nhỏ ở Hà Nội như trong vụ cháy vừa qua không phải là trường hợp cá biệt.

Ông lý giải: “Tuy nhiên, ở ta lâu nay đã xảy ra tình trạng “phạt xong cho tồn tại”, như một cách hợp thức hóa các sai phạm. Như vậy, chủ đầu tư sẵn sàng xây dựng sai phép, rồi nộp phạt và vẫn giữ được công trình đó, trong khi lợi nhuận từ phần sai phép lại quá lớn so với số nộp phạt.

Thêm nữa, tôi cũng cho rằng, những người xây được như thế cũng phải có “chỗ dựa”, có thế lực “chống lưng”, mới làm được quy mô lớn thế và tồn tại lâu như thế. Còn nếu chỉ là dân thường, ai xây dựng sai phép một chút, đã có người đến kiểm tra và xử phạt, thậm chí bắt tháo dỡ ngay lập tức...”.

“Chính vì vậy, bây giờ, cơ quan nhà nước phải làm rõ trách nhiệm của từng cán bộ đương nhiệm thời kỳ cấp phép, kiểm tra, giám sát công trình được xây dựng, làm rõ và xử lý trách nhiệm đến cùng.

Mặc dù có thể tại thời điểm hiện, những cán bộ thời đó đã là quá khứ, nhưng nhất định phải lục lại, làm nghiêm minh, không thể bỏ qua với lý do đã nghỉ hưu và phải công bố rõ ràng về trách nhiệm của từng người.

Thứ hai, việc kiểm tra giám sát về công tác phòng cháy, chữa cháy cũng phải xem lại, trong quá trình rà soát, kiểm tra, nếu làm thật chặt chẽ, nghiêm túc, không thể nói không biết đến những ngôi nhà không đảm bảo theo quy định như vậy” - ông Sửu cho hay.

“Qua vụ này, phải kiến nghị nhà nước kiểm điểm một cách sâu sắc, xử lý nghiêm minh, chấn chỉnh lại những tiêu cực trong xây dựng cơ bản.

Nhân đây, phải có cuộc tổng kiểm tra, giám sát, quy hoạch lại một cách thiết thực với cuộc sống của người dân, đồng thời xử ý nghiêm các vi phạm.

Đặc biệt, phải loại bỏ ngay quan điểm “phạt xong cho tồn tại”, đã sai phải sửa, không phép hoặc sai phép phải tháo dỡ ngay. Phải làm một cách triệt để, đã không có phép thì phải dẹp đi, có phép nhưng không đúng thì phải sửa lại cho đúng, không chịu sửa thì chấm dứt, nhường chỗ cho người khác. Không để có chuyện nể nang, can thiệp thì hỏng cả hình ảnh một khu phố, một thành phố.

Không thể để chuyện dân tình sai một tí, lực lượng chức năng xuống tận nơi xử lý triệt để, trong khi có nhiều công trình sừng sững, chình ình nhưng lại để “phạt xong cho tồn tại”. Điều đó thể hiện sự yếu kém, sai sót trong quản lý nhà nước” - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) chia sẻ quan điểm.

Cần tốt ráo xử lý trách nhiệm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Về chuyện các công trình xây sai phép như chung cư mini trong vụ cháy vừa qua, mặc dù chưa khẳng định có thế lực “chống lưng” - như nhận định của nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị hay không, nhưng trước hết, theo tôi cần làm đúng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Trần Sỹ Thanh là đề nghị cho rà soát, đánh giá lại toàn bộ thực trạng về chung cư trên địa bàn thành phố và sai đâu xử đấy.

Theo đó, rà soát về tổng số lượng các chung cư, về vị trí thuộc các quận huyện nào, số lượng tại mỗi quận huyện và hiện trạng. Thứ hai, làm rõ, bao nhiêu loại hình chung cư đã được xây dựng có bao nhiêu cái có phép, bao nhiêu cái không phép, và có phép thì do ai ký phê duyệt. Thứ ba, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với chuyện để cho chung cư mà đặc biệt là loại hình chung cư mini “nở rộ” như vậy.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC. ảnh 2

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Thứ tư, phải công khai xử lý. Khi kiểm tra rõ, sẽ thấy ngay câu chuyện có “chống lưng” hay không. Việc xử lý này phải thực sự công khai minh bạch, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng...”.

“Cuối cùng, đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Để không tái diễn một sự cố đau lòng, tôi đề nghị trong các cuộc họp giao ban hằng tháng của Thành ủy, cần yêu cầu các quận, huyện, thị xã báo cáo về chuyện này, xem đã kiểm tra, đánh giá được bao nhiêu. Riêng đối với chuyện này, đề nghị Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có lộ trình xử lý rõ ràng, yêu cầu trong 3 tháng phải báo cáo, không để kéo dài.

Cần phải quyết tâm, dứt điểm đến cùng để không bao giờ xảy ra một hiện tượng đau lòng như vụ việc vừa rồi. Đây là vấn đề kỷ cương của thành phố, đây là vấn đề thẩm mỹ cảnh quan của thành phố, đây là vấn đề môi trường của thành phố... cho nên dứt khoát phải xử lý

Đặc biệt, lần này, đề nghị công khai danh tính tất cả những người có liên quan, công bố cả phương thức xử lý, mức độ xử lý...trong cuộc họp giao ban nào cũng yêu cầu báo cáo tiến độ, kết quả” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/chung-cu-mini-bi-chay-56-nguoi-chet-cap-phep-6-tang-chu-dau-tu-xay-9-tang-2189295.html

[2] https://laodong.vn/xa-hoi/bi-can-nghiem-quang-minh-bi-phat-hien-la-chu-cua-hang-loat-chung-cu-mini-vuot-tang-1243146.ldo

[3] https://tuoitre.vn/nguyen-bi-thu-ha-noi-pham-quang-nghi-noi-chung-cu-mini-vuot-tang-co-the-luc-chong-lung-2023091814205003.htm

Thành An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét