Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

20230924. NGHĨ VỀ THỰC THI PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

   ĐIỂM BÁO MẠNG

'ĐIỀU GÌ KHÓ KHĂN NHẤT KHI ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM?'
NGUYỄN MINH ĐỨC/TD 23-9-2023


Ngồi nói chuyện với một luật sư nước ngoài có hàng chục năm kinh nghiệm tư vấn đầu tư tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, mình mới hỏi: "Điều gì khó khăn nhất khi đầu tư vào Việt Nam?"
Ông ta trả lời: “Sự khó tiên đoán của pháp luật, nhất là khâu thực thi". Ông ta lấy ví dụ luôn về vấn đề phòng cháy chữa cháy đang rất nóng hiện nay. Về mặt pháp luật trên giấy mà nói, quy định PCCC của Việt Nam yêu cầu khá cao so với các nước thu nhập trung bình thấp.
Trước đây, khi thực thi, các cán bộ PCCC cũng đơn giản hóa, hoặc bỏ qua một số yêu cầu mà họ cho là không thực sự cần thiết. Quy định nào nhất định phải tuân thủ, quy định nào có thể linh hoạt là luật bất thành văn giữa những người làm thực tiễn.
Nhưng đến khi có vụ cháy lớn, chính quyền ra quân rà soát rầm rộ, và yêu cầu phải tuân thủ 100%. Đây là sự thay đổi về thực thi pháp luật một cách đột ngột, không có lộ trình, không thể dự liệu, chi phí lớn, nhiều trường hợp bất khả thi, thậm chí hồi tố, lật lại những quyết định trước đó của chính họ.
"Thực ra, nhà đầu tư đến từ nước tôi không ngại tuân thủ quy định, dù chi phí có thể cao. Nhưng quan trọng là phải rõ ràng từ đầu để bọn tôi còn lập kế hoạch. Bọn tôi không kinh doanh một mình. Mỗi lần thay đổi vậy là tôi phải đàm phán với ngân hàng, phải xin phép các cổ đông để điều chỉnh dòng tiền".
Ông ta nói thêm, không chỉ PCCC, cứ có vụ ngộ độc thực phẩm chết người, hay ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoặc dư luận rộ lên một vấn đề gì đó là hệ thống chính quyền sẽ phản ứng rất mạnh, khiến các doanh nghiệp luôn ở thế bị động.
Mình mới nói: "Nước tôi vẫn hay nhảy từ thái cực này sang thái cực khác như vậy". Ông ta gật đầu: "Chính xác".
Mình mới nói thêm: "Tôi nghĩ một phần nguyên nhân là do hệ thống hành chính của Việt Nam bị chính trị hóa quá mạnh. Nó không hành động theo các tiêu chuẩn quản trị công mà theo áp lực chính trị, áp lực dư luận nhiều hơn. Điều đó cũng có cái hay là đôi lúc vấn đề được giải quyết rất nhanh, nhưng cái dở là sự thiếu ổn định của pháp luật và môi trường kinh doanh".
Ông ta nói: "Ờ, đúng. Nhưng các ông có nghĩ đến giải pháp gì không?"
Mình trả lời: "Tôi nghĩ bản thân lãnh đạo cũng thích như vậy, vì quyền lực của họ mạnh hơn. Ở Việt Nam cũng có một số người kêu gọi cần có sự độc lập nhất định giữa hành chính và chính trị, nhưng có vẻ như xu hướng chính trị hóa ngày càng thắng thế".
************
LUẬT ĐỂ LÀM GÌ ?
NGUYỄN THÔNG/FB 23-9-2023

Vụ chính quyền quận 5 Saigapore chịu bó tay, đầu hàng bọn dán quảng cáo nhăng nhít, xử lý phần ngọn bằng cách nhếch nhác bó cột điện nói lên điều gì?
Trước hết, đó là sự bất lực của một bộ máy làm việc không hiệu quả, mặc dù rất nhiều ban bệ, tổ chức, cấp này cấp nọ trong cái gọi là hệ thống chính trị. Nhẽ ra phải xử lý với biện pháp triệt để nhất, đúng luật nhất thì họ lại vẽ vời băng bó bằng cách rất luẩn quẩn, tốn kém, mắc cười.
Tiếp nữa là pháp luật xứ này chỉ để làm cảnh. Với những kẻ hủy hoại môi trường, làm xấu mỹ quan đô thị, bôi bẩn văn hóa, xứ ta có rất nhiều luật, nghị định để căn cứ vào đó mà xử lý, nhưng từ bấy tới nay chưa có vụ dán quảng cáo bôi bẩn, rao cho vay nặng lãi, rút hầm cầu, bán nhà bán đất...; chưa vụ vẽ bậy graffiti lên công trình công cộng, tường nhà phố, cửa nhà dân hoặc cơ quan, các đoàn tàu toa tàu, v.v.. bị xử phạt, ngay cả xử phạt hành chính cũng không chứ chưa nói khởi tố xử phạt theo luật dân sự.
Muốn chấm dứt tình trạng bôi bẩn đô thị, không khó, nhưng phải có bước đi cụ thể chứ không thể tiến hành cái rụp, hoặc bằng cách băng bó cột điện, gốc cây. Dân xứ này nhờn luật lâu rồi, khép vào luật cũng cần có bước đi, kẻo loạn. Tất nhiên phải là thứ luật tử tế, đàng hoàng, chứ không phải luật nào cũng đúng.
Đầu tiên cần thông tin tuyên truyền rộng rãi, nhất là trên tivi, bởi thời nay ít người đọc báo (báo giấy sắp cáo chung rồi, còn báo điện tử chỉ ai rảnh lắm, cán bộ chẳng hạn, mới đọc). Nêu rõ luật như thế như thế, ai cũng phải chấp hành, ai vi phạm sẽ bị phạt, tùy mức độ mà chịu hình phạt, thậm chí án tù. Thời gian để “thấm luật” trong 1 tháng, thậm chí 2 tháng. Phát tuyên truyền trong giờ vàng. Sau thời hạn ấy, cứ kẻ nào vi phạm là túm, không lôi thôi, cãi cọ, xin xỏ, thông cảm…
Sau khi dân đã thấm luật, ban đầu cứ xử phạt hành chính kẻ vi phạm, dù chỉ là dán quảng cáo trên cột điện, phạt tiền thật nặng, cho tởn. Đã nói, đã biết, nhưng không nghe, không chấp hành, khép vào “tội” cố ý vi phạm.
Ai cũng rõ, trên những nội dung rao vặt, quảng cáo dán cột điện luôn có số điện thoại để liên lạc. Cũng cần cảnh giác, có thể do chơi xấu nhau nên kẻ nào đó đưa số của đối thủ lên “cho mày chết”. Vậy thì nhà chức việc cứ cẩn thận gọi thử, xem có đúng số của đương sự rút hầm cầu, cho vay không cần thế chấp, tuyển dụng nhân sự… không. Nếu đúng, dò tới tận nơi để phạt, trưng chứng cứ ra, khó gì. Có mà chối đằng giời.
Chỉ cần càn quét, siết vài tuần, phạt nặng, lại chả xong ngay, đâu cần cử người đi cạo rồi than thở anh em vất vả, vừa cạo xong đã bị bôi bẩn, phải dùng giải pháp tình thế này nọ. Điều cần làm thì không làm, cứ vẽ rắn thêm chân.
Cũng cần nói thêm, không chỉ bọn rao vặt dán cột điện, gốc cây, bờ tường làm bẩn đô thị. Rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu, cờ quạt, bảng này bảng nọ quanh năm suốt tháng chăng đầy đường đầy phố, treo đầy cây đầy cột, cũng là một thứ rác. Rác tốn trăm tỉ nghìn tỉ. Thời 4.0 rồi, mà còn tuyên giáo nhồi nhét kiểu thô lậu vậy, thì đừng trách đám hút hầm cầu ngang bướng lì lợm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét