Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ đã gây ra khá nhiều tranh luận trên các phương tiện truyền thông những ngày qua. 

Ở khía cạnh tích cực, điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của xã hội đối với văn hóa, mong muốn chấn hưng văn hóa của đất nước.

Tôi cho rằng, hãy khoan nói về tổng số tiền (350 nghìn tỷ đồng) vì nếu đầu tư hiệu quả, thực sự chấn hưng được văn hóa, để văn hóa trở thành niềm tự hào dân tộc, sức mạnh nội sinh của đất nước, thì dù có nhiều tiền đến đâu, việc đầu tư cho sức mạnh và tương lai đất nước cũng là việc nên làm, phải làm; còn ngược lại, nếu đầu tư đó không hiệu quả, lãng phí, thì một xu chúng ta cũng không nên chi.

Tôi đã chú ý lắng nghe ý kiến của cả những người phản đối và những người ủng hộ để cố gắng chắt lọc những ý kiến hợp lý nhất. 

Đối với những ý kiến phản đối, đó là những lo ngại đầu tư không đúng chỗ, quản lý không hợp lý, còn nhiều công việc cấp bách cần phải làm hơn, còn nhiều công trình, thiết chế văn hóa chưa sử dụng hết công năng, lãng phí. Đây là những lo ngại có thật, thể hiện một góc nhìn khác, tâm huyết với văn hóa và đất nước, rất đáng trân trọng.

Đối với ý kiến ủng hộ, đó là thực trạng phát triển văn hóa, con người của chúng ta gặp nhiều khó khăn, bất cập mà nếu không giải quyết ngay, sẽ ảnh hưởng lớn, gây cản trở đến sự phát triển văn hóa nói riêng, kinh tế - xã hội và tương lai của đất nước nói chung. Vì thế, chúng ta cần có nguồn lực đầu tư để nguồn nhân lực, thiết chế văn hóa, sản phẩm và dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện nay. 

Điều này cũng đúng trong lúc chúng ta đang tập trung cho văn hóa nhưng những điều kiện về nguồn lực (cả về cơ chế chính sách, nhân lực, cơ sở vật chất, hay đặc biệt là tài chính) đã bó buộc những nỗ lực, sáng kiến và mong muốn của chúng ta trong phát triển văn hóa, như nhiều người vẫn hay nói về tình trạng “cái khó bó cái khôn”!


Cần cơ tư duy mới để con người VN phát triển.

Đứng ở giữa hai quan điểm này, tôi nhận thấy rằng, thực trạng phát triển văn hóa của chúng ta, dù có nhiều cố gắng và có những thành tựu nhất định trong những năm vừa qua, nhưng vẫn thực sự gây ra nhiều lo ngại. 

Những hiện tượng như xuống cấp đạo đức xã hội, bạo lực học đường, mê tín dị đoan, sùng ngoại thái quá dẫn đến lãng quên văn hóa dân tộc, hay nhiều những rối loạn xã hội khác là những thách thức an ninh văn hóa, đều bắt nguồn từ những yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, và rất cần phải chấn chỉnh, ngăn chặn, giúp chúng ta tìm lại những giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp với tinh hoa văn hóa thế giới, tạo thành giá trị văn hóa thời đại Hồ Chí Minh đáng tự hào.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới cần có tư duy và cách nhìn mới. Chúng ta đã thành công trong công cuộc Đổi mới về kinh tế, hội nhập, … giờ là lúc chúng ta cần quan tâm thực sự đến một công cuộc Đổi mới trong lĩnh vực văn hóa, để công cuộc Đổi mới của đất nước trở nên toàn diện hơn, đi vào chiều sâu, tạo điều kiện mới cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Để làm được điều đó, tôi cho rằng, điều đầu tiên, chúng ta cần tạo ra một môi trường thuận lợi, lành mạnh cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Môi trường đó cần đến từ không khí tự do sáng tạo, tự do tranh luận để tìm ra những cách thức, giá trị phù hợp nhất cho phát triển văn hóa, con người; từ chính sách, pháp luật cả trực tiếp (về điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, công nghiệp văn hóa,...) lẫn gián tiếp (về đất đai, thuế, đối tác công – tư, quản lý, sử dụng tài sản công,...) để văn hóa nhận được sự quan tâm thực chất hơn, nguồn lực đầu tư nhiều hơn từ toàn xã hội.

Bên cạnh đó, tháo gỡ những điểm nghẽn, nguồn lực cho phát triển văn hóa cũng rất cần có những chương trình đầu tư lớn. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cần được hiểu là chương trình đầu tư có mục tiêu ưu tiên của quốc gia cho văn hóa. 

Như vậy, ngoài chi thường xuyên và nguồn lực xã hội dành cho văn hóa, Nhà nước sẽ có những dự án đặc biệt để đầu tư cho các dự án ưu tiên, mang tính dẫn dắt, định hướng lớn, theo cách “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” hay nhà nước  giữ vai trò bảo trợ văn hóa, nghệ thuật để tránh những hệ lụy của kinh tế thị trường ảnh hưởng tiêu cực đến phúc lợi chung của xã hội, trong đó có văn hóa.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chúng ta cần xác định những mục tiêu ưu tiên để Chương trình thực sự có hiệu quả, không lãng phí, đáp ứng được mong muốn của Nhân dân cả nước, có tác động lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội để tạo ra sức mạnh tổng hợp của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. 

Theo tôi, chương trình nên tập trung cho con người, cả con người Việt Nam nói chung và nhân lực ngành văn hóa nói riêng. “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người”, nếu đầu tư của Chương trình thực sự xây dựng được con người Việt Nam có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp như yêu nước, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình,... đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, giúp cho các văn nghệ sĩ, nghệ nhân có điều kiện tốt hơn để tỏa sáng tài năng của mình, thì tôi tin rằng, tất cả người dân Việt Nam đều ủng hộ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

Chương trình đó là những dự án tập trung cho việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa quan trọng của đất nước – nơi lưu giữ, chuyên chở, chuyển giao những giá trị quý báu của dân tộc, ở đó nếu chúng ta để mặc cho các di sản này tự “sống”, tự “điều chỉnh” bởi quy luật kinh tế thị trường thì rất dễ bị biến dạng, thậm chí bị biến mất. 

Chúng ta đã thấy điều đó qua những bất cập trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, hay các di tích bị xâm hại rất nhiều trong thời gian vừa qua. 

Đó là những điều chúng ta không bao giờ chấp nhận vì như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì đất nước còn!” Ưu tiên này là tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có hơn bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó có thể là tập trung cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc xây dựng, tổ chức các sự kiện, sản phẩm, thương hiệu văn hóa Việt Nam ở khu vực và quốc tế.

Cuối cùng, văn hóa là một lĩnh vực rất rộng lớn, liên quan đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là giáo dục và thông tin truyền thông. Vì vậy, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ cần có sự phối hợp tham gia đồng bộ từ các cấp, các ngành và các địa phương để Chương trình có thể lan tỏa tác dụng tích cực đến từng tế bào của xã hội, từng người dân, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, đồng thời là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước.

Bùi Hoài Sơn

 https://vietnamnet.vn/chan-hung-van-hoa-khoan-hay-noi-ve-tien-2191360.html.

QUANH CÔNG VĂN GÂY SỐC CỦA BỘ VHTTDL

NGÔ THẾ BÍNH/ FB 18-9-2023


KHẨN BÁO!
MẠC VĂN TRANG/ FB 18-9-2023

ACE nào chót dại đăng tin "nói xấu" Bộ VHTTDL tổ chức linh đình lễ trao thưởng báo chí tối 13/9 (sau vụ hoả hoạn chết 56 người, bị thương 37 người, tối 12/9) thì liệu mà "chạy" nhé. Lại mấy người đề nghị cách chức Bộ trưởng VHTTDL nữa cơ... Phen này nguy to! Hãi chửa!
*********************
HÃY DÙNG QUYỂN LỰC ĐÚNG CÁCH
VÀ CÓ VĂN HOÁ
ĐOÀN BẢO CHÂU/FB 18-9-2023
Đây là công văn của một bộ đáng nhẽ phải có văn hoá ứng xử đáng được coi là mẫu mực nhất.
Nhà có tang thì mọi hoạt động vui chơi, kỉ niệm nọ kia phải hoãn. Đấy là một cách ứng xử rất cơ bản mà không chỉ người Việt Nam mà dân tộc nào trên thế giới cũng có.
Tôi không lên tiếng về cái sự kiện kia, bởi tôi có phần thông cảm với công tác chuẩn bị sự tốn kém khi phải hoãn một sự kiện đã được chuẩn bị nhưng cái công văn này thì không chấp nhận được.
Khi thấy một sự việc không hợp lý, người dân hay một thành viên nào đấy của xã hội có quyền lên tiếng phản đối. Bộ Văn Hoá lại đòi trừng trị những tiếng nói có trách nhiệm với xã hội.
Những sự phản đối có tính xây dựng, họ là những người thấu cảm với nỗi đau mất mát của mấy chục người thiệt mạng một cách vô cùng đau đớn, vô cùng kinh hoàng khi cả gia đình cùng chết mà không ai giúp được ai.
Nỗi đau là vô cùng lớn, sự thương cảm có thể biến thành những câu viết nặng nề, điều ấy người có văn hoá sẽ thông cảm được, sẽ hiểu được và nếu là người có văn hoá, người ta sẽ cúi đầu xin lỗi vì đã có hành động, trong trường hợp này là một hoạt động không hợp lý với nỗi đau mà xã hội đang cảm nhận, đang gánh chịu.
Không! Bộ Văn Hoá nhất định không chọn cách ứng xử có văn hoá ấy. Bộ đã quyết tâm thể hiện rằng chúng ta cần rất nhiều nghìn tỉ để phục hưng văn hoá bằng chính hành động ra một công văn đòi một bộ khác xuống tay trừng phạt.
Quyền lực cần dùng đúng chỗ là thực thi công lý, nếu không quyền lực ấy sẽ gây ra sự bức xúc lớn hơn trong lòng dân chúng.
Tôi đề nghị Bộ Văn Hoá nên xin lỗi người dân vì cả hai việc, tổ chức một sự việc không đúng chỗ, đúng lúc và ra một công văn vô lý, vô tình, độc đoán, lạm dụng quyền lực và cần "phục hưng văn hoá".
****************************
GIÁO SƯ PHẠM QUANG LONG
NGUYÊN GĐ SỞ VH TT HÀ NỘI LÊN TIẾNG
FB NGUYỄN XUÂN DIỆN/ FB 18-9-2023
Nói gì và nghĩ gì?
Sáng nay, các công sở, trường học ở Hà Nội dành một phút tưởng niệm các nạn nhân trong vụ cháy thảm khốc. Mấy hôm nay Hà Nội đã cho tạm ngừng các hoạt động vui chơi giải trí công cộng. Vì muốn chia sẻ nỗi đau với người gặp nạn. Không ít thông báo của các gia đình hảo tâm mời gia đình những người trong vụ cháy chưa có chỗ ở đến ở tạm nhà mình- một sự chia sẻ vô cùng cần thiết, kịp thời, đáng trọng. Bao nhiêu người đã đến đặt hoa, đóng góp vào quỹ giúp đỡ người bị nạn không cần ai kêu gọi. Thủ tướng, Bí thư Hà Nội đã đến tận nơi chỉ đạo giải quyết hậu quả, thăm hỏi người bị nạn…
Người ta phê phán gay gắt màn múa hát trong lễ trao giải báo chí do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức và lấy làm tiếc vì hôm ấy Ban tổ chức không dành một phút tưởng nhớ người đã khuất và cắt màn hát múa đi. Dù việc đã định rồi nhưng vẫn có cách vừa được việc, vừa hợp đạo lý chứ để thế thì thờ ơ và vô tâm quá. Người ta phẫn nộ khi các nhà hát vẫn biểu diễn như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Đó là sự phê phán và phẫn nộ theo lẽ phải thông thường.
Đọc cái công văn của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch gửi cho Bộ Thông tin và Truyền thông về việc “xử lý” những trang mạng phê phán chuyện này rò rỉ ra ngoài mà ngán ngẩm. Ngán cho tư duy của quan chức, ngán cách ứng xử thiếu nhạy cảm đạo lý, thiếu chuyên nghiệp khi gặp tình huống không như ý. Đó là cách hành xử có nguồn gốc từ tâm lý luôn nghĩ mình đúng, cho rằng mình có quyền thì làm gì là việc của mình không ai được can thiệp, rằng mạng xã hội là thứ “vớ vẩn”, rằng muốn bịt miệng ai thì cứ dùng quyền lực mà làm, bất chấp tâm trạng xã hội… Cái tâm lý “ cha mẹ dân” từ ngày xửa ngày xưa tưởng đã tiệt nọc rồi giờ đang trở thành nếp nghĩ của không ít quan chức trong khi họ cứ leo lẻo nhận mình là “công bộc”.
Người xưa dạy “nó lú có chú nó khôn”, “ học ăn học nói, học gói, học mở” không phải chỉ dành cho trẻ con đâu. Sai thì sửa, có lỗi thì sửa lỗi mới khá lên được. Đằng này đã sai lại còn dở, càng làm càng sai, cái sai sau dở hơn cái trước. Các vị đang làm phận sự được giao, khi sai không biết nhận lỗi, không chịu sửa lại còn dọa dân thì hết thuốc chữa thật. Nên chọn cách về làm dân thường là tốt nhất. Chả biết có ích gì cho xã hội không nhưng ít nhất không gây ức chế cho nhiều người. Cũng là cực chẳng đã thôi nhưng đó là cách “coi được” nhất.
******************
VĂN HÓA LÙN
NGUYỄN THÔNG /FB/TD 19-9-2023


Nói ngay là tôi đã không định biên gì về những liên quan tới Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, bởi chuyện nhà chuyện đời với tôi bấy lâu đủ nhức đầu rồi, nhét thêm nữa thì vỡ mất. Tập thể hoặc cá nhân, ai chả có lúc sai. Ấy, cứ tặc lưỡi mềm lòng châm chước kiểu vậy.
Nhưng cái công văn của bộ đó do thứ trưởng Tạ Quang Đông ký như giọt nước tràn ly. Một điển hình của lề thói cai trị cầm quyền ở xứ này. Một dạng ngạo nghễ, kiêu ngạo cộng sản, thách thức tất cả. Tao cứ thế đấy, chỉ có đúng, không bao giờ sai, chúng mày cứ dờ thần hồn, v.v...
Rất nhiều người nhận xét công văn của Bộ Văn hóa điển hình cho thứ lý sự cùn, cãi chày cãi cối, vòng vo quanh quéo, đổ này đổ nọ, không dám nhìn thẳng vào sự thật, cố tình không nhận cái sai của mình. Đã thế họ còn đổ lỗi cho người khác, gắp lửa bỏ tay người, dọa non dọa già, làm mình làm mẩy. Rồi họ còn lấy đảng, nhà nước ra làm bình phong, làm cớ để vu oan giá họa. Họ đang nghĩ mình là ông trời, nghĩ xã hội hiện tại đang ở thời vua chúa, vua bắt chết phải chết, cấm phê, cấm cãi.
Trong bộ máy nhà nước, nơi đâu cũng vậy, có nhiều bộ nhiều ngành quản từng lĩnh vực cụ thể. Bộ Văn hóa là thứ bộ không làm ra tiền nhưng nó mang thuộc tính đạo đức, thể hiện tinh thần, tâm hồn, văn hóa của dân tộc, nhân dân, đất nước. Người ngoài nhìn vào cách hành xử của cơ quan này, của những người cầm đầu bộ này sẽ đánh giá thể chế và đất nước mà nó đại diện về văn hóa tốt xấu, hay dở thế nào. Và thật đáng buồn, thậm chí phẫn nộ, thứ mà Bộ Văn hóa thiếu nhất lại chính là văn hóa.
Những chuyện trước, có thể cho qua, chẳng hạn bộ trưởng giành thảm đỏ của quốc khách khiến khách phải bưng miệng cười. Có khi thứ nghi lễ mà đứa trẻ con cũng hiểu ấy, biết đâu bộ trưởng chưa được dạy dỗ cẩn thận. Nhưng vụ cháy xảy ra ngay tại thủ đô, chết tới 56 người, sém quốc tang, khi cả nước đau buồn, thì Bộ Văn hóa, bộ trưởng, thứ trưởng vẫn vui vẻ cười đùa, tổ chức lễ này trao nọ. Họ cãi cùn rằng đã trót lên lịch rồi, mời mọc rồi, chi tiền rồi, không thể không tiến hành. Đó là sự cùn thứ nhất. Cùn hơn nữa, không có cái đầu nào trong bộ máy văn hóa ấy biết cách xử sự phải đạo, rằng làm cứ làm nhưng cắt bỏ phần vui chơi nhảy múa. Họ vẫn cứ nhảy nhót, hát hò, cười đùa, vỗ tay trên những xác người. Nói thẳng ra, đó là tội ác, đáng ghê tởm.
Dân đóng thuế và tiền ấy được đem nuôi bộ máy cai trị họ. Nhìn đám quan khách dự lễ vui trong đêm tang tóc đó, thấy không chỉ có đám quan văn hóa vô văn hóa mà còn cả những ông to bà nhớn, tuyên giáo tuyên úy, cười cười nói nói không khác gì kẻ vô hồn.
Theo Cổng thông tin điện tử của Bộ VH-TT-DL, tới dự lễ trao giải có ông Nguyễn Trọng Nghĩa (Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương), các ông Ủy viên trung ương: Phạm Tất Thắng (Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận trung ương), Nguyễn Văn Hùng (Bộ trưởng văn hóa), Lê Quốc Minh (Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo VN). Đủ cả dàn thứ trưởng của bộ là Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt. Số long trọng viên khách mời kia, ngôi cao như thế, quản lĩnh vực liên quan tới văn hóa mật thiết như thế, chắc không có ông nào hé mồm ra khuyên dừng trò vui, chả hiểu trong đầu họ chứa gì, trong tim họ có gì. Nếu cán bộ của đảng, đảng dùng thế nào là chuyện riêng đảng, hãy đưa về đội của đảng, chứ đừng để họ làm xấu hình ảnh bộ máy lãnh đạo bên chính quyền. Loại cán bộ nhà nước như bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thứ trưởng Tạ Quang Đông (người ký giọt nước tràn ly) phải bị phế truất. Chiếc ghế họ ngồi cần được trao cho những người tử tế, đạo đức, có văn hóa, chứ không phải họ.
Như đã nói, con người ta, cũng như các tổ chức, đơn vị, đều có lúc thế này thế nọ. Chả ai, chả tổ chức nào toàn vẹn, toàn thiện toàn mỹ, toàn đúng. Sai thì nhận với thái độ cầu thị, chân thành, dân sẽ thông cảm. Đâu có cái thói xưng xỉa, làm mình làm mẩy, chụp mũ, cãi lấy được, bất chấp đúng sai. Khi họ tự bộc lộ cái tâm cái tầm thấp kém thì cũng chính là cơ hội để cấp trên đánh giá về họ, quyết định dùng hay không dùng.
Nói thật, bộ trưởng, quan lớn xứ này nhiều anh chỉ tầm bắng nhắng. Anh thì đứng ra tổ chức lễ long trọng tiễn thứ trưởng về hưu, đọc cả diễn văn, quá bằng tiễn tướng quân ra trận; anh thì đã từng làm bộ trưởng, về hưu rồi, chỉ làm chủ tịch hội… đồng hương, mà dám chế ra “bằng khen” để cấp cho người này người nọ, không hề biết cấp nào mới được cấp bằng khen... Loại lãnh đạo ấy, chỉ cốt vinh thân phì gia, thành của tội của nợ đối với dân với nước.

CHÚNG TA LÀ AI?
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ FB 20-9-2023
Chúng ta và chúng tôi là đại danh từ ngôi thứ nhất, số nhiều, dùng để tự xưng hoặc để xưng với người khác. Nhưng ngoài yếu tố số nhiều thì phải bao hàm ý là những người có cùng chung một thứ gì đó định đề cập tới (ý nghĩ, lời nói, hành động).
Trong phát biểu của một số người Việt khi dùng từ “chúng ta” là có ý đề cập đến toàn dân Việt Nam, ví như các câu: Chúng ta (Việt Nam hoặc nhân dân VN) nghĩ như thế này, nói như thế kia, làm như thế nọ v.v…Trình bày như vậy dễ mắc vào lỗi “vơ đũa cả nắm”, vì dùng từ “chúng ta” để thay cho toàn dân chỉ được xem là đúng trong một số rất ít trường hợp. Đế tránh lỗi vơ đũa cả nắm khi dùng từ chúng ta thì ngay sau đó nên đưa thêm định ngữ để giải thích chúng ta là ai. Thí dụ : Chúng ta, những người dân Việt Nam lương thiện; hoặc chúng ta, những người đã tự nguyện theo Đảng làm cách mạng v.v…
Người trong mỗi nước chủ yếu được chia thành hai tập hợp : Người của chính quyền và dân thường. Người của chính quyền (quan chức) được trả lương để làm nhiệm vụ quản lý, điều hành xã hội. Họ chỉ chiếm một số ít, nhưng có vai trò lớn. Dân có nhiệm vụ làm các nghề khác nhau, đóng thuế cho chính quyền và làm các nghĩa vụ công dân. Họ chiếm số đông.
Giữa hai tâp hợp này tồn tại một số quan hệ và mâu thuẩn. Đó là mâu thuẩn chủ yếu của nhân loại (trong phạm vi mỗi nước). Giải quyết mâu thuẩn này hợp lý sẽ làm phát triển xã hội. Duy trì hoặc giải quyết sai sẽ phá nát nhiều thứ.
Mỗi một sự việc dù tốt hay xấu xảy ra trong xã hội đều có sự tham gia của hai tầng lớp này, có thể xuất phát từ dân (thí dụ chặt chém khách lạ, sản xuất ra thực phẩm có chất độc để bán) hoặc từ chính quyền, đặc biệt là từ người ở cấp cao nhất (thí dụ luật đất đai). Như vậy mỗi một tật xấu xảy ra trong xã hội thì cả hai tập hợp đều phải chịu trách nhiệm.
Tuy vậy, khi tìm nguyên nhân của tật xấu, nhiều người đổ lỗi ngay cho dân. Thí dụ hai tật xấu vừa kể đều xuát phát trực tiếp từ người dân. Người ta quy tội cho dân vì như thế quá dễ, không dám nói đến chính quyền vì sợ mà né tránh hoặc do vô minh mà không thấy. Vậy trong các sự việc trên thì trách nhiệm của chính quyền ở đâu. Đó là trách nhiệm trong khâu quản lý, vì lý do nào đó mà không phát hiện ra và ngăn chặn kịp thời nên để cho nó lây lan. Làm ra điều xấu là tội của một người dân nào đó, nhưng để thói xấu lây lan ra rộng rãi trong xã hội là lỗi của chính quyền.
Suy nghĩ kỹ tôi thấy rằng không những cả chính quyền và dân đều phải chịu trách nhiệm về các thói hư tật xấu trong xã hội mà chính quyền phải chịu phần nặng hơn. Đó là do chính quyền thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức để cho thói hư tật xấu phát sinh, phát triển, không những không ngăn chặn được mà có lúc, có người còn lợi dụng nó để mưu lợi cá nhân.
Gần đây, nhân sự việc dự án chi 350 ngàn tỉ đồng đế chấn hưng văn hóa, nhiều người chỉ ra rằng văn hóa của dân tộc hình thành nên trong mấy ngàn năm đã bị hủy hoại ghê gớm. Việc đó cùng với giáo dục bị tàn phá là một tội ác, một điều rất xấu cho dân tộc. Trong tội ác này lãnh đạo nhà nước và các cấp chính quyền phải chịu trách nhiệm chính.
Tiền nhân đã rút ra kết luận, rằng muốn ngăn ngừa điều xấu thì chính quyền phải làm sao để người ta không muốn, không thể và không dám làm, bằng các biện pháp giáo dục, tổ chức và trừng phạt.
Muốn chấn hưng được văn hóa và giáo dục thì trước hết phải tìm cho được nguyên nhân cơ bản làm phát sinh, phát triển việc làm hỏng nó và phải quy được cho những người hoặc nhóm người cụ thể phải chịu trách nhiệm chứ không dừng lại ở mức chung chung là “chúng ta” kém cái này, thiếu cái kia, làm sai việc nọ. Thế rồi để chấn hưng thì “chúng ta” phải đổi mới chỗ này, cải cách nơi kia v.v… Cứ bàn và kết luận chung chung như thế, không chỉ rõ ra chúng ta, cụ thể là ai, đã nghĩ hoặc làm sai chỗ nào thì càng dùng nhiều tiền người ta càng có dịp phá nát văn hóa và giáo dục.
Nhân dịp này tôi xin đề nghị Hội đồng lý luận trung ương nghiên cứu đề tài “Mức độ hủy hoại nền văn hóa dân tộc trong nửa thế kỷ vừa qua, nguyên nhân cơ bản và phương hướng chấn hưng”.
Trong nghiên cứu này nếu có dùng từ chúng ta thì phải làm rõ chúng ta là ai, là lãnh đạo hay là dân, nêu càng cụ thể càng tốt, cần tránh cách diễn đạt chung chung.
Nhân đây tôi xin tiết lộ một thông tin. Khi đăng bài “Cần hiểu đúng văn hóa” trên facebook, tôi nhận được lời bình sau đây của một bạn : “Sau bao nhiêu năm dùng ‘đạo Đức cách mạng’ làm hỏng hết nền văn hoá VN”. Đó là một gợi ý cho công trình nghiên cứu của Hội đồng lý luận nhằm tìm nguyên nhân cơ bản làm hỏng nền văn hóa.
Tôi cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội không cấp một đồng nào để chấn hưng văn hóa khí chưa có nghiên cứu nghiêm chỉnh chỉ ra đúng hiện trạng và nguyên nhân cơ bản sự xuống cấp của văn hóa.

NĐC
https://www.facebook.com/ngdinhcong?__cft__[0]=