Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

20210627. CÂU CHUYỆN VACCINE NGỪA COVID-19

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

BÍ THƯ THÀNH ỦY HÀ NỘI: 'KHÔNG VÌ NỚI

 LỎNG MÀ LƠI LỎNG'

VIỆT THẮNG /ĐĐK 22-6-2021

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo chí ngay sau khi UBND TP Hà Nội cho phép mở cửa lại một số dịch vụ từ 0h ngày 22/6.


Ông Đinh Tiến Dũng trao đổi với báo chí.

Hà Nội đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết: Thường trực Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xem xét, quyết định thận trọng trên cơ sở thực tế, nới lỏng nhưng tuyệt đối không được lơi lỏng. Thành phố sẽ nới lỏng từng dịch vụ, dịch vụ nào thiết yếu, an toàn mở trước; vừa làm vừa đánh giá an toàn để mở thêm các dịch vụ khác.

Theo ông Dũng, đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4/2021 đến nay diễn biến rất phức tạp, khó lường. Hà Nội là một trong những nơi có nhiều ca bệnh. Nhưng bằng kinh nghiệm và nỗ lực vượt bậc, thành phố đã chủ động thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa điểm nhỏ, khóa chặt nguồn lây, cách ly “3 lớp”. Nhờ đó, 16 chùm ca bệnh đã được khống chế và kiểm soát. 97/106 điểm phong toả đã được gỡ bỏ. 7 ngày qua chưa ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

“Kiểm soát chặt chẽ nhưng không cực đoan, Hà Nội đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã nỗ lực thực hiện tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, không để gián đoạn sản xuất. 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước”-ông Dũng bày tỏ.

Kết quả nêu trên theo sự khẳng định của ông Dũng là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, nhất là đóng góp ngày đêm của các lực lượng tuyến đầu như y bác sĩ, công an, quân đội, của hàng nghìn tổ Covid-19 cộng đồng, đặc biệt là sự chung sức, chung lòng của nhân dân. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố và các địa phương đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, luôn bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch khoa học, bài bản, kịp thời và hiệu quả cao.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Càng trân trọng những đóng góp, hy sinh cho công tác phòng, chống dịch của các lực lượng và nhân dân bao nhiêu, chúng ta càng phải nỗ lực cao hơn nữa để giữ vững thành quả đã đạt được”. 

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Dù đồng ý về việc cho hoạt động trở lại một số dịch vụ, song ông Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã yêu cầu các cấp, các ngành thành phố phải quán triệt, thực hiện nghiêm Kết luận số 07-KL/TƯ ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phong, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội”, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố; tiếp tục coi phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; tuyệt đối không được thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được.

Ông Dũng lưu ý, cấp ủy các cấp từ thành phố xuống cơ sở, nhất là người đứng đầu phải tiếp tục chủ trì và chịu trách nhiệm lãnh đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; không vì nới lỏng mà lơi lỏng nhiệm vụ này. Quá trình thực hiện quy định mới phải gắn liền các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.

“Chúng ta mới bước đầu kiểm soát được dịch. Tình hình diễn biến trên cả nước và các tỉnh xung quanh vẫn rất phức tạp. Hà Nội lại là trung tâm giao lưu, trao đổi. Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 còn rất cao”-ông Dũng cho hay.

Được hoạt động nhưng cần tự giác thực hiện nghiêm 5K

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi được hoạt động trở lại cần chủ động, tự giác thực hiện nghiêm, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phương châm “5K”; có trách nhiệm giám sát, tuyên truyền để mọi nhân viên, khách hàng tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Các cơ sở dịch vụ chưa được mở cửa trở lại hoặc chỉ được bán hàng mang về tiếp tục xác định việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng mà còn là bảo vệ chính bản thân, gia đình mình.

“Quan điểm mục tiêu cao nhất của thành phố là bảo vệ an toàn sức khoẻ và tính mạng người dân. Vì vậy nhân dân thành phố tiếp tục đồng hành, ủng hộ chủ trương, chính sách, quy định của thành phố; phát huy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, sẵn sàng hy sinh những lợi ích trước mắt, của bản thân vì mục tiêu chung, vì an toàn cho mình, gia đình mình và cả xã hội. Đây là nghĩa cử cao đẹp, là biểu hiện của bản chất văn hiến, anh hùng rất đáng tự hào của Thăng Long - Hà Nội”-ông Dũng cho hay.

Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT

Đề cập đến kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 sắp diễn ra trên địa bàn, ông Dũng cho biết, với hơn 101.000 thí sinh tham gia, quy mô kỳ thi tương đương với kỳ thi tuyến sinh vào lớp 10 của thành phố vừa qua. Bảo đảm tổ chức thành công và tuyệt đối an toàn cho kỳ thi là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở. Do đó, thành phố sẽ kích hoạt lại 15 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải vào cuộc, tham gia vào công tác tổ chức; tăng cường kiểm tra, giám sát; quán xuyến mọi việc và chịu trách nhiệm trước cấp ủy về hiệu quả tổ chức kỳ thi tại điểm thi trên địa bàn được phân công.

Từ quan điểm đó, ông Dũng yêu cầu, các các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã phát huy kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua để tổ chức kỳ thi này thành công trọn vẹn, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho thí sinh và cán bộ, giáo viên, phụ huynh tham gia. Đồng thời lưu ý, các cấp, các ngành phải phải xây dựng kịch bản tổng thể và kịch bản chi tiết đối với từng điểm thi, bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 cả bên trong và bên ngoài; tổ chức diễn tập các tình huống, xử lý nhanh, thành thạo khi phát hiện ca dương tính, ca nghi nhiễm với Covid-19, thí sinh có biểu hiện ho, sốt.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, phòng thi phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng dịch nhất là thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa các thí sinh; được khử khuẩn trước và sau giờ thi; bố trí phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi và các điểm thi dự phòng, có hội đồng thi dự phòng, cán bộ hội đồng thi dự phòng. Học sinh phải nêu cao ý thức tự giác, thực hiện thật tốt các biện pháp phòng dịch Covid-19 trước, trong và sau kỳ thi; chủ động khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng dịch như khử khuẩn, báo cáo ngay khi bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nhiễm dịch bệnh; chủ động phòng dịch cho bản thân từ nay đến khi bước vào kỳ thi, nhất là hạn chế tiếp xúc với nhiều người, thực hiện nghiêm phương châm “5K”. Phụ huynh học sinh quan tâm động viên, hướng dẫn con em thực hiện công tác phòng dịch, chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi quan trọng này.

Gửi lời chúc hơn 101.000 học sinh Thủ đô chuẩn bị thật tốt về mọi mặt, nhất là sức khoẻ, kiến thức và làm bài thi đạt kết quả cao nhất, Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng với sự đồng hành, ý thức tự giác cao của các thí sinh, phụ huynh, cán bộ, thầy cô giáo, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, bảo đảm tuyệt đối an toàn.  

BỘ Y TẾ HỌP KHẨN VỀ TIẾN ĐỘ, MỞ RỘNG NGHIÊN CỨU VẮC XIN NANOCOVAX

THÚY HẠNH/ VNN 25-6-2021

Sáng 25/6, Bộ Y tế họp khẩn với các đơn vị liên quan về tiến độ thử nghiệm và kế hoạch mở rộng địa điểm thử nghiệm vắc xin Nanocovax.

Cuộc họp do lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế và Hội đồng Đạo đức nghiên cứu y sinh học quốc gia chủ trì cùng các thành viên của tiểu ban vắc xin và chuyên gia, thành viên nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y, Viện Pasteur TP.HCM, Công ty Nanogen tham dự.

Điểm cầu từ TP.HCM sẽ tham gia họp trực tuyến.

Tại cuộc họp này, Bộ Y tế và chuyên gia tham dự sẽ nghe báo cáo, đánh giá tiến độ, kết quả triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin ngừa Covid-19 Nanocovax đến thời điểm hiện tại (ngày 25/6) và xem xét mở rộng địa điểm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nanocovax.

Trước đó, ngày 15/6, Công ty Nanogen đã có kiến nghị gửi Thủ tướng mong muốn sớm cấp phép khẩn cấp có điều kiện cho vắc xin Nanocovax tương tự như các vắc xin của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ.

Nanogen cho biết dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vắc xin Nanocovax đạt 99,4%, tương đương các vắc xin khác trên thế giới và có phần cao hơn. Giá bán dự kiến của Nanocovax chỉ khoảng 120.000 đồng/liều.

Tuy nhiên, ngay sau đó lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã có phản hồi, cho rằng kiến nghị của Nanogen là nóng vội, số lượng 1.000 mẫu thử nghiệm giai đoạn 3 chưa nói lên được gì nhiều, các dữ liệu cần tiếp tục thu thập, nghiên cứu.

Trong trường hợp chưa đủ dữ liệu, Bộ Y tế ưu tiên sử dụng các loại vắc xin đã được thử nghiệm 3 giai đoạn và được WHO phê duyệt.

Bộ Y tế khẳng định, việc đưa một vắc xin tiêm rộng rãi cho người dân cần có minh chứng và phải rất cẩn trọng. Việc phê duyệt cấp phép thận trọng không phải để làm khó doanh nghiệp.

Ngày 23/6, Công ty Nanogen tiếp tục có phản biện cho rằng các kiến nghị không nóng vội, vắc xin của Nga, Ấn Độ, Trung Quốc cũng được cấp phép khẩn cấp khi mới thử nghiệm giai đoạn 2. Do đó, việc Nanocovax thử nghiệm trên hơn 1.000 cho cả 3 giai đoạn đến nay là đủ.

Thúy Hạnh


VÔ SỐ BẤT CẬP TRONG VẤN ĐỀ VẮC-XIN

 NGỪA COVID-19 TẠI VIỆT NAM

RFA 21-6-2021


Do chậm mua vắc-xin, Việt Nam chủ yếu mới chỉ tiêm phòng COVID-19 cho những người tuyến đầu như nhân viên y tế


Việt Nam chậm trong chiến lược vắc-xin không phải vì thiếu nguồn lực tài chính mà là do những hạn chế về tầm nhìn và khả năng quản trị Nhà nước trong bối cảnh khủng hoảng - đại dịch. Quan điểm chi ngân sách theo kiểu “tiết kiệm từng đồng” trong khi lại “tận thu từ doanh nghiệp và người dân” cũng là những vấn đề được thảo luận tại cuộc tọa đàm “Mở rộng nguồn tiếp cận vắc-xin và trách nhiệm của Nhà nước” do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức vào cuối tuần qua.

Chiến lược vắcxin – chậm ở tất cả các khâu

TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Khoa Woolcock tại Việt Nam thẳng thắn lên tiếng tại tọa đàm rằng Việt Nam (VN) đã chậm so với nhiều nước trên thế giới trong chiến lược vắc-xin. Bà cho biết, vắc-xin ngừa COVID được phát triển từ 2/2020 và ngay trong tháng 3 & 4/2020 đã có rất nhiều quốc gia đã đặt mua AstraZeneca. Các loại vắc-xin ra đời sau đó như Pfizer hay Moderna cũng được đặt hàng rất sớm.

“Còn Việt Nam, theo thông tin trên các báo chính thống, chúng ta đăng ký mua vắc-xin từ AstraZeneca từ tháng 8/2020 và hoàn thành hồ sơ trở thành quốc gia nhận vắc-xin từ COVAX từ tháng 9 và tháng 10. Tôi cho rằng chúng ta đã hơi chậm một bước so với các nước khác” –TS Thu Anh nhân định. Bà giải thích rằng, nhìn từ góc độ dịch tễ học, đối với dịch bệnh nguy hiểm thì điều đầu tiên trong chiến lược phòng chống dịch bệnh là phải có vắc-xin. Khi một quốc gia chưa có đủ năng lực phát triển vắc-xin thì phải đi tìm kiếm nguồn cung tiềm năng và “cần phải đặt hàng rất sớm”.

Theo TS Thu Anh, VN không chỉ chậm trong việc đăng ký mua vắc-xin mà còn chậm ở nhiều khâu khác:

Chúng ta chậm trong việc thương thuyết. Khi thương thuyết xong, chúng ta cũng đã chậm một bước trong việc ký hợp đồng. Và kể cả khi ký hợp đồng xong, chúng ta cũng chậm trong việc phê duyệt các vắc-xin ở tại Việt Nam” – TS Thu Anh phân tích và đơn cử, mặc dù vắc-xin Pfizer được đánh giá là rất hiệu quả và được nhiều quốc gia phát triển sử dụng nhưng mãi tới tháng 6/2021, Bộ Y tế mới cấp phép cho sử dụng ở VN.

Bà cũng cho rằng VN cũng đã xử lý kém nhanh nhạy trước những thông tin cảnh báo ngay từ nửa cuối năm ngoái về nguy cơ chương trình COVAX thiếu vắc-xin.

Chúng ta đã thành công trong việc đăng ký là một quốc gia nhận vắc-xin qua chương trình COVAX với 38,9 triệu liều nhưng chúng ta đã hơi chủ quan và tự tin, tin tưởng vào COVAX Facility. Trong khi đó, vào quý 3 và 4 của năm 2020, đã có nhưng cảnh báo về việc thiếu vắc-xin cấp cho COVAX Facility. Mặc dù COVAX Facility, UNICEP và WHO đã thương thuyết với rất nhiều công ty để họ bán cho COVAX nhưng rõ ràng các công ty  và các quốc gia sản xuất được vắc-xin vẫn ưu tiên bán cho những quốc gia có thể mua được trực tiếp của họ hơn là bán cho COVAX Facility.” – bà Thu Anh nói. Bà cũng cho biết, theo  báo cáo mới nhất của WHO, kể cả khi lượng vắc-xin toàn cầu được sản xuất tăng lên rất nhiều thì chương trình COVAX vẫn chưa thể tự chủ hoàn toàn lượng vắc-xin cung cấp cho các quốc gia nghèo và những quốc gia có thu nhập trung bình thấp, trong đó có VN.

Nhìn vào tình hình hiện nay, bà và các đại biểu tham dự tọa đàm đều bày tỏ lo lằng rằng Việt Nam lại chậm trễ trong việc chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm chủng trên diện rộng cho 75 triệu dân số trưởng thành. Theo bà, đây là công việc phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo về nguồn cán bộ tiêm chủng, khả năng ứng phó trước các biến cố bất lợi trong quá trình tiêm chủng cũng như các cơ sở vật chất phục vụ việc tiêm chủng rộng khắp trên toàn quốc.

Không kích hoạt cơ chế về tình trạng khẩn cấp

Ngoài những lý do đã được dư luận xã hội phân tích nhiều như “ngủ quên trên chiến thắng”, “quá tin tưởng vào chương trình COVAX”…, TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc chậm mua được vắc-xin là Việt Nam “chưa kích hoạt cơ chế về tình trạng khẩn cấp” – một cơ chế đặc biệt mà một số quốc gia đã từng làm trong đại dịch COVID để trao quyền cho chính phủ thực hiện các chính sách mà thường không được phép làm nhằm bảo vệ sự an toàn của người dân. Ông cho rằng trong bối thị trường vắc-xin thế giới có sự chênh lệch cung cầu lớn như trong thời gian vừa qua, các cơ quan và cá nhân hữu trách của Việt Nam đã bị “bó chân” khi vẫn phải tuân thủ tuần tự các thủ tục mua sắm công chặt chẽ của Luật Đấu thầu nên khó có thể ra quyết định nhanh, hành động nhanh.

“Phải nói rằng bộ máy của các nước hoạt động dựa trên một tình trạng khẩn cấp (TTKC). Ở VN những gì chúng ta đang chứng kiến về bản chất là tình trạng khẩn cấp, toàn bộ sự tự do dân sự của người dân bị hạn chế. Tuy vậy, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp lại không được sử dụng, do đó toàn bộ quá trình sử dụng tiền công để đi đàm phán để mua vắc-xin, toàn bộ bộ máy vận hành không theo TTKC. Dẫn đến [kết quả] là trong bối cảnh khẩn cấp mà hành xử như pháp luật bình thường thì làm cho các hành xử và quyền tự do định đoạt của của các cơ quan quản lý bị hạn chế” – ông Nghĩa nói và cho rằng hạn chế này đã thể hiện rất rõ trong vụ việc 288.000 liều vắc-xin được công ty VNVC nhập về từ ngày 25/5 nằm mãi trong kho chưa được mang ra sử dụng, gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây. Ông giải thích: Công ty VNVC đã tự bỏ tiền đặt mua vắc-xin từ quý 3/2020, nay Nhà nước muốn mua lại nhưng chưa thể giải ngân được vì do chưa áp dụng Pháp lệnh về TTKC, mọi mua sắm công không có bất kỳ đặc cách nào mà vẫn phải tuân thủ các quy định theo Luật Đấu thầu. Theo đó, để mua lại, Bộ Y tế sẽ cần có sự đồng ý của tất cả các bộ ngành liên quan cũng như phải có sự phê duyệt của Thủ tướng theo quy định lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại điều 26 của Luật này.

“Mỗi một tình trạng đặc biệt lại cần có sự phê duyệt của ông Thủ tướng thì khó mà mua được 150 triệu liều vắc-xin. Nếu cứ đúng theo quy trình hành chính thì rất khó tiêu được tiền công cho các mua sắm có tính khẩn cấp” - ông nói và gợi ý rằng để DN và địa phương nhanh chóng mang được vắc-xin về theo lời kêu gọi của Chính phủ gần đây, nếu VN không áp dụng Pháp lệnh về TTKC thì cần đặt toàn bộ nền hành chính trong tình trạng báo động như chiến tranh để các những cơ quan và cá nhân có thẩm quyền “được giải phóng khỏi trách nhiệm pháp lý” theo quy trình thông thường đồng thời toàn bộ bộ máy Nhà nước phải hậu thuẫn cho các cơ quan, cá nhân này để đạt được mục tiêu mang vắc-xin về cho đất nước.

DN và địa phương cùng mua vắc-xin – Quá nhiều rủi ro

Theo các chuyên  gia, quyết định “mở bung” cho phép DN và địa phương tiếp cận và mua vắc-xin nhằm giải quyết khủng hoảng thiếu vắc-xin trong nước đang đặt Việt Nam đứng trước hàng loạt rủi ro về chất lượng nguồn vắc-xin mua được cũng như các thách thức pháp lý.

Mặc dù  định hướng mở cửa cho các DN và địa phương có thể tiếp cận vaccine nhưng do chưa có tiền lệ, khung khổ pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng nên DN và người lao động có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý. Tôi ví dụ DN có thể mua vắcxin về và tổ chức tiêm nhưng liệu người lao động có chấp nhận tiêm hay không? Người ta không đồng ý với vắcxin mà DN cung cấp thì họ quyền từ chối không? Không chấp nhận tiêm thì anh có quyền sa thải người ta ra khỏi hợp đồng lao động?” – TS Phạm Duy Nghĩa 

TS Nghĩa cho biết điều làm ông lo lắng nhất hiện nay là nguy cơ các DN và địa phương mua phải vắc-xin kém chất lượng, hết hạn hoặc vắc-xin giả vì các nhà sản xuất hiện chỉ làm việc với các chính phủ do đó các địa phương và DN Việt Nam nhiều khả năng chỉ có thể mua được nguồn vắc-xin dư thừa mà các địa phương ở nước ngoài không sử dụng hết.

“Nguy cơ lớn nhất là sẽ mua được hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hàng hết hạn. Vắc-xin không phải hàng hóa thông thường mà nó có hạn sử dụng, ví dụ thời hạn 6 tháng chẳng hạn. Từ khi sản xuất, đến khi vận chuyển về, người mua thứ nhất đã mất một thời gian rồi. Vì vậy Bộ y tế phải có quy định rất chặt chẽ cho việc kiểm soát và cấp phép từng lô hàng một”– TS Nghĩa nói. Ông cũng cho rằng Bộ Y tế cần phải thiết lập một quy trình giám sát cực kỳ chặt chẽ từ việc nhập khẩu vắc-xin cho đến việc tập huấn nhân viên y tế cũng như trong quá trình tiêm chủng vì khi 75 triệu người cùng được tiêm có thể dẫn tới rất nhiều vấn đề và trách nhiệm pháp lý.

“Người dân mong chờ ở nhà nước phải hết sức chặt chẽ với tất cả các vắc-xin, không thể tiêm vào người dân vắc-in giả, vắc-xin hết hạn, không thể tiêm vào người dân với một quy trình sai và không an toàn. Và nếu xảy ra những vấn đề bất lợi thì người dân phải có quyền đòi bồi thường từ Nhà nước” – TS Nghĩa chỉ ra. Ông đồng thời cho rằng Nhà nước không nên mặc định rằng người dân sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì cộng đồng mà cần quan tâm tới quyền tự do dân sự và bảo vệ sinh mạng của người dân.  

Những tình huống như thế này là một phép thử quan trọng về năng lực quản lý và điều hành của nhà nước đồng thời cũng là phép thử quan trọng về quyền tự do của người dân cũng như quyền lợi hợp pháp của họ được bảo vệ như thế nào” - TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công & Quản lý Fulbright

Mua sòng phẳng theo giá thị trường

Theo Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 6/2021, Việt Nam đã đặt hàng được 170 triệu liều vắc-xin nhưng cũng lường trước việc giao hàng có thể sẽ không đầy đủ, không đúng tiến độ.

Theo TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam đồng thời thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, để sớm có đủ vắc-xin, Việt Nam cần“mua vắc-xin một cách đàng hoàng theo giá thị trường”. Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam có đủ khả năng tài chính để mua vắc-xin, do đó cần thay đổi cách tiếp cận và thông điệp cũ rằng “Việt Nam nghèo và khó khăn nên đề nghị các tổ chức quốc tế, các hãng dược phẩm hỗ trợ”.

Vừa rồi Đại hội Đảng nói ta có thế và lực, thế giới người ta cũng biết ta có tiền nên chúng ta cứ đi xin mua giá rẻ thì người ta không cho. Đương nhiên chúng ta rất trân trọng hỗ trợ của các quốc gia nhưng để có được một khối lượng lớn, giờ ta phải có một thông điệp mới khi tiếp cận với nguồn đó là VN có nguồn lực tài chính và sẵn sàng trả theo giá thị trường và đó cũng là bài học của các quốc gia thành công trong việc tiêm chủng diện rộng hiện nay” – ông nói.

Chứng minh cho luận điểm “Việt Nam có tiền” của mình, TS Thành cho biết thu ngân sách của Việt Nam đã rất khả quan trong năm 2020.

“Không kể COVID, ngân sách năm ngoái, không những cao hơn năm 2019 mà còn vượt dự toán thu của năm 2020” – ông nói và cho biết ngoài việc vượt dự toán thu khoảng 1,9%, Việt Nam còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí họp hành của Chính phủ do ảnh hưởng của dịch bệnh trong năm 2020.

TS Thành cho biết theo những cuộc đàm phán gần đây, giá vắc-xin về đến cảng của Việt Nam đã lên tới 30USD/liều. Ông khuyên VN chấp nhận mức giá này vì “mua rẻ sẽ nhận muộn” và thực tế Israel, quốc gia hiện có tỷ lệ tiêm chủng đứng đầu thế giới năm ngoái cũng đã phải trả tới 23USD/liều. Thêm vào đó, tổn thất mà dịch bệnh COVID gây ra đối với nền kinh tế lớn hơn rất nhiều chi phí mua vắc-xin nên Bộ Tài chính cần xác định “lúc cần chi thì phải chi” và không nên “tiết kiệm từng đồng”:

“Năm ngoái chúng ta kiểm soát COVID tốt như vậy mà tính toán kinh tế, chúng ta đã thiệt hại tới 15 tỷ USD. Năm nay chắc chắn thiệt hại của đợt bùng phát thứ tư này sẽ rất lớn so với việc bỏ ra 1 tỷ USD để nhập vắc-xin”.

Theo tôi, trong khủng hoảng từ phía Bộ Tài chính, cơ quan quản lý ngân sách thì quan điểm vẫn là tiết kiệm tiền. Đáng nhẽ lúc cần phải chi thì không chi. Ta đã chuẩn bị tiền nhưng thấy có vắcxin miễn phí thì lại tiết kiệm tiền đi làm việc khác – TS Nguyễn Xuân Thành 

Đừng tận thu đối với DN & người dân

Cũng căn cứ từ những nguồn lực nói trên, TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng trong thời gian tới Chính phủ Việt nam không nên tiếp tục huy động tiền của người dân và DN để mua vắc-xin vì họ đã vốn rất khó khăn vì COVID. Ông nói:

Trong đợt COVID vừa rồi, nhìn vào các nước trên thế giới, đa số các nước từ nước giàu đến nước nghèo, đều thực hiện một chính sách là trong khủng hoảng COVID thì nhà nước chi thêm tiền cho dân và chi thêm tiền cho DN. Việt Nam của chúng ta có một cái ngoại lệ là trong COVID là DN và người dân vẫn đóng tiền cho Nhà nước. Theo tôi, ta không nên tận thu của người dân và DN nhiều quá. Thời gian tới, Nhà nước nên tiết kiệm từ các khoản chi không cần thiết để dành cho vấn đề vắc-xin”.

TS Thành nhấn mạnh rằng nguồn tiền mua vắc-xin nên lấy từ ngân sách Nhà nước và vì người dân đã đóng thuế nên khi thiên tai, địch họa như trường hợp đại dịch như COVID xảy đến thì Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp tiêm vắc-xin với chi phí thấp hoặc miễn phí và theo ông, có làm được như vậy "mới thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với người dân”.

Ông cũng cho rằng chỉ nên xem việc thành lập Quỹ vắc-xin vừa qua như một nỗ lực thể hiện sự đồng thuận, chia sẻ của toàn xã hội. Vì dịch bệnh COVID có thể kéo dài cũng như nhiều dịch bệnh khác có thể xảy đến trong tương lai nên nguồn tiền từ Quỹ này nên dùng vào mục tiêu dài hơi hơn như nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc-xin, phát triển cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng đi kèm, từ đó cải thiện khả năng tự chủ vắc-xin của Việt Nam.


VACCINE CỦA ASTRAZENECA VÀ PFIZER CÓ

 THỂ CHỐNG LẠI 2 BIẾN THỂ DELTA VÀ

 KAPPA


Y.MINH/ KTSG 24-6-2021


(KTSG Online) - Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh) và liên doanh Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức) vẫn có hiệu quả chống lại hai biến thể của SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tại Ấn Độ là Delta và Kappa.

Một nhân viên y tế đang chuẩn bị vaccine Pfizer/BioNTech tại sân vận động ở Kobe, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Thông tin nêu trên là kết quả của một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Oxford thực hiện và công bố trên tạp trí Cell ngày 23-6, qua đó khuyến khích các nước đẩy mạnh chương trình tiêm chủng để phòng dịch Covid-19.

Để đi đến kết luận, các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra năng lực của các kháng thể trong mẫu máu của người đã tiêm đủ hai mũi vaccine trong việc vô hiệu hóa các biến thể Delta và Kappa.

Tuần trước, Cơ quan Y tế công vùng England (PHE) của Anh cũng khẳng định các loại vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer Inc-BioNTech và AstraZeneca vẫn có hiệu quả bảo vệ người tiêm chủng cao (tới hơn 90%) để không phải nhập viện điều trị do nhiễm biến thể Delta.

Ngoài việc nghiên cứu về hiệu quả của các các loại vaccine hiện có trong phòng chống Covid-19, các nhà khoa học của trường Đại học Oxford cũng đang phân tích các trường hợp tái nhiễm.

Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy bệnh nhân Covid-19 do nhiễm biến thể Beta phát hiện lần đầu tại Nam Phi và biến thể Gamma tại Brazil sau khi được điều trị vẫn có nguy cơ cao tái nhiễm biến thể Delta.

Ngược lại, biến thể Alpha hay còn gọi là B.1.1.7 được phát hiện đầu tiên tại Anh lại có khả năng bảo vệ người khỏi bệnh trước nguy cơ tái nhiễm mọi loại biến thể. Do đó, Alpha có khả năng trở thành ứng cử viên tiềm năng để nghiên cứu và phát triển vaccine phòng ngừa biến thể mới một cách triệt để hơn.

Biến thể Delta có thể chiếm tới 90% ca mắc mới Covid-19 tại EU

Trong dòng thời sự về dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, hai quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Mỹ và Ấn Độ đã ghi nhận sự sụt giảm số lượng ca mắc mới tính theo ngày, nhờ vào những nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 24-6 (giờ Việt Nam), số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt qua 180 triệu ca. Với 421.165 ca mắc mới và 8.302 ca tử vong trong 24 giờ qua, hiện toàn thế giới đã ghi nhận 180.341.362 ca mắc, trong đó có 3.906.629 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 165.067.273 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.448.136 ca mắc và 618.278 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 30.082.169 ca mắc và 392.014 ca tử vong.

Số ca mắc mới theo ngày tại hai nước tâm dịch thế giới này đã giảm mạnh trong những ngày qua nhờ chương trình tiêm chủng vaccine được đẩy nhanh.

Trong khi đó, Brazil là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 3 trên thế giới, nhưng đang có số ca mắc mới theo ngày cao nhất thế giới, với 114.139 ca mắc mới và 2.343 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 18.170.778 và số ca tử vong là 507.240.

Tại châu Âu, Nga và Anh đang là điểm nóng khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh đang chiếm hầu hết các ca mắc mới tại 2 nước này.

Chỉ trong vòng 24 giờ, Nga đã ghi nhận thêm 17.594 ca mắc mới và 548 ca tử vong. Như vậy, hiện Nga đã ghi nhận tổng cộng 5.368.513 ca mắc và 130.895 ca tử vong.

Anh cũng có tới 16.135 ca mắc mới và 19 ca tử vong, mức cao so với một tháng qua và nâng tổng số lên 4.667.870 và 128.027 ca tử vong.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ có thể chiếm tới 90% ca mắc mới Covid-19 tại Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 8 tới.

Bà Andrea Ammon, Giám đốc ECDC cho biết cơ quan này ước tính biến thể Delta sẽ lây lan rộng trong mùa Hè năm nay, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi là nhóm chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Cụ thể, đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới ở EU là các ca nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8.

Ngày 23-6, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu vật lý và hóa học (RIKEN) ở thành phố Kobe của Nhật Bản đã công bố kết quả đánh giá xác suất nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 cao hơn nhiều lần so với chủng gốc.

Kết quả phân tích được siêu máy tính Tomitake thực hiện cho thấy xác suất nhiễm biến thể Alpha (hay còn gọi là B.1.1.7, được phát hiện đầu tiên tại Anh) cao gấp 1,25 lần và xác suất nhiễm biến thể Delta (B.1.617.2 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) cao gấp 2,5 lần so với virus SARS-CoV-2 chủng gốc.

Ở cùng một khoảng cách 2m, thời gian để tỷ lệ lây nhiễm lên mức 10% đối với virus chủng gốc là 45 phút, trong khi với biến thể Alpha là 35 phút và biến thể Delta chỉ 20 phút.

Với kết quả trên, nhóm nghiên cứu khuyến cáo biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, do đó biện pháp phòng dịch quan trọng không chỉ là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách mà nên rút ngắn thời gian tiếp xúc xuống mức tối thiểu.

Theo AP, Reuters

SẢN XUẤT VACCINE: CẦN NHIỀU HƠN MỘT BẰNG SÁNG CHẾ

 Peter J. Hotez, Maria Elena Bottazzi và Prashant Yadav / TS 24-6-2021

Để chuyển giao hiệu quả công nghệ sản xuất vaccine mới phức tạp đòi hỏi một hệ sinh thái tiếp nhận có thể mất nhiều năm, đôi khi hàng thập kỷ, để xây dựng.


Một loại vaccine COVID-19 của Trung Quốc ở Mashhad, Iran, tháng 3/2021

Vào ngày 5/5, Tổng thống Joe Biden thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ cam kết toàn cầu trong việc xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine trong thời gian xảy ra đại dịch coronavirus. Điều đó cho phép nhiều quốc gia tăng cường sản xuất vaccine thậm chí là với công nghệ “tinh xảo” của vaccine Pfizer-BioNTech và cả Moderna để chống lại COVID-19. Nhiều cộng đồng y tế trên toàn cầu và các nước đang phát triển hoan nghênh quyết định này như một thắng lợi giúp cho việc phân phối vaccine công bằng hơn, khi các nước thu nhập trung bình và thấp đang tụt hậu quá xa so với các nước giàu có.

Nhưng sự hân hoan này có lẽ còn quá sớm. Động lực cho việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ một phần bắt nguồn từ kinh nghiệm của thế giới vừa trải qua cuộc chiến chống lại HIV/AIDS. Trao đổi bằng sáng chế, miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ và các cơ chế tự do hóa khác là cấp thiết trong việc đảm bảo quyền bình đẳng để tiếp cận thuốc đặc trị trong thời kỳ đại dịch. Nhưng những công cụ này phù hợp với các loại thuốc và dược phẩm khác hơn là vaccine. Sản xuất vaccine - đặc biệt là những vaccine phức tạp về mặt công nghệ (như RNA thông tin - mRNA) chống lại COVID-19 không chỉ đòi hỏi bằng sáng chế mà cần toàn bộ cơ sở hạ tầng không thể chuyển giao trong một sớm một chiều. Việc chia sẻ các bằng sáng chế là một bước phát triển quan trọng và đáng hoan nghênh trong dài hạn, nhưng nó thậm chí có thể không phải là bước đầu tiên cấp bách nhất.

Gỡ nút thắt

Vào đầu những năm 2000, các công ty dược phẩm đa quốc gia đã tính phí 10.000 USD mỗi bệnh nhân cho chế độ điều trị hằng ngày để duy trì sự sống cho những người nhiễm HIV/AIDS. Những bệnh nhân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi hay những nơi khác chỉ có thể tiếp cận các loại thuốc hỗn hợp này (cocktail drug) trong một số trường hợp hạn chế. Sau đó, vào năm 2001, nhà sản xuất thuốc Ấn Độ Cipla Limited bắt đầu sản xuất các phiên bản của một loại cocktail ba thuốc kháng virus với giá chỉ 350 USD. Cipla, cộng tác với Médecins Sans Frontières (Doctors Without Borders - Bác sĩ không biên giới), đã giúp mở ra một kỷ nguyên mới về tiếp cận toàn cầu đối với các loại thuốc thiết yếu — một kỷ nguyên đánh dấu cho việc nới lỏng hoặc thậm chí miễn trừ quyền bảo hộ các bằng sáng chế quốc tế và các quyền sở hữu trí tuệ khác để sản xuất và phân phối một loại thuốc quan trọng và cứu mạng hàng triệu con người – được biết đến là thuốc generic – thuốc mang tên gốc (sau khi hết thời hạn bảo hộ bằng độc quyền sáng chế, các công ty dược khác được phép nghiên cứu, sản xuất những thuốc tương tự biệt dược gốc và được gọi tên là thuốc generic).

Kể từ thời điểm đó, các tổ chức vận động y tế toàn cầu đã thiết lập những cách thức ngày càng “tinh vi” hơn để hợp tác với các công ty đa quốc gia trong việc đảm bảo cho các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận các loại thuốc thiết yếu. Vào những năm 2010, sáng kiến y tế toàn cầu Unitaid đã giúp tạo ra Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (Medicines Patent Pool – MPP), trong đó các công ty dược phẩm từ khắp nơi trên thế giới có quyền cấp li-xăng cho thuốc kháng virus, mở ra một con đường để phát triển nhiều phiên bản thuốc generic, miễn là đổi lại, chủ sở hữu bằng sáng chế được tiền bản quyền. Cơ chế này vừa cung cấp li-xăng tự nguyện cho các nhà sản xuất mới, trong khi vẫn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất ban đầu của thuốc. Ví dụ, các công ty như Gilead đã cấp li-xăng tự nguyện của thuốc kháng virus của họ cho các nhà sản xuất thuốc generic, cho phép các quốc gia trên thế giới tự định giá bán lẻ loại thuốc này. 

Cũng dễ hiểu rằng, các chuyên gia y tế toàn cầu đang tìm cách xác định liệu cách tiếp cận tương tự như trên có thể giúp cho việc phân phối vaccine COVID-19 công bằng hơn. Hơn một tỷ liều vaccine hiện đã ra thị trường - nhưng hầu như chỉ dành cho những người sống ở một số rất ít quốc gia. Hơn một nửa số liều thuộc về riêng Hoa Kỳ (250 triệu) và Trung Quốc (290 triệu), tiếp theo là Ấn Độ (160 triệu), Vương quốc Anh (51 triệu) và Đức (32 triệu). Ngược lại, mặc dù rất cần thiết, số lượng vaccine COVID-19 được chuyển đến châu Phi hoặc tới các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình ở châu Á và châu Mỹ Latinh là không đáng kể. Các nhà vận động y tế toàn cầu đã đối phó với sự bất công bằng này bằng cách tìm cách áp dụng các bài học mà họ học được từ thuốc kháng virus và yêu cầu trao đổi bằng sáng chế hoặc các miễn trừ sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19. Vào tháng 3/2021, Médecins Sans Frontières tổ chức các cuộc biểu tình tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Geneva, giăng một biểu ngữ “Không độc quyền COVID — Các quốc gia giàu có ngừng chặn việc miễn trừ Hiệp định TRIPS”. Hiệp định TRIPS là thỏa thuận giữa các nước trong WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. (Hiệp định này bảo hộ chặt chẽ quyền lợi của những người sở hữu các bằng sáng chế. Nó cho phép các công ty công nghệ lớn độc quyền và tối đa hóa lợi nhuận trên các sản phẩm của mình. Điều này bị chỉ trích rất nhiều từ các quốc gia đang phát triển, giới học thuật và các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là khi các sản phẩm đó lại liên quan đến sức khỏe con người và những người nghèo, nước nghèo lại không thể tiếp cận được vì lí do tài chính). 


Stephen Cornish, giám đốc trung tâm vận hành của tổ chức Bác sĩ không biên giới, biểu tình trước trụ sở của WTO với tấm panel ghi rõ: “Các nước giàu dừng ngay việc trì hoãn miễn trừ thỏa thuận TRIPS!” (Wealthy countries stop blocking tripps waiver).

Giả định đằng sau đòi hỏi của Frontières đó là quyền sở hữu trí tuệ là một rào cản chính, ngăn chặn các nhà phát triển vaccine, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình mở rộng quy mô sản xuất vaccine COVID-19 - đặc biệt là vaccine mRNA hiệu quả cao mà Pfizer-BioNTech và Moderna hiện đang sản xuất. Những vaccine này có hiệu quả bảo vệ lên tới hơn 90%, đối với các ca bệnh COVID có triệu chứng và không có triệu chứng. Các vaccine này đang thúc đẩy thành công sự phục hồi nhanh chóng của Hoa Kỳ, Israel và các quốc gia khác. Nhưng cho đến nay, vaccine mRNA hầu như vắng mặt ở châu Phi, Mỹ Latinh và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở các khu vực khác. Người ta hi vọng rằng miễn trừ hiệp định TRIPS và trao đổi sáng chế sẽ thúc đẩy công nghệ tạo ra sự phục hồi trên toàn cầu.

Cần cả một hệ sinh thái

Chia sẻ tài sản trí tuệ có thể hữu ích về lâu dài. Nhưng việc sản xuất ra các loại sinh phẩm phức tạp, đặc biệt là những loại cải tiến như vaccine mRNA hoặc vector adenovirus, không chỉ là vấn đề tiếp cận bằng sáng chế. Với các loại thuốc kháng virus phân tử nhỏ thì tương đối đơn giản: các quá trình hóa học nhiều bước để tổng hợp thường được trình bày chi tiết đầy đủ trong các bằng sáng chế hoặc bài báo khoa học đã xuất bản. Các nhà hóa học và chuyên gia bào chế thường có thể tổng hợp và mở rộng quy mô sản xuất chỉ từ việc hiểu biết về cấu trúc thuốc. Nhưng vaccine thì khác. Chế tạo và sản xuất các phân tử mRNA được bọc trong vỏ lipid, tái tổ hợp adenovirus, hoặc thậm chí là protein hay toàn bộ virus bất hoạt được sử dụng trong vaccine thế hệ cũ đòi hỏi mức độ tinh vi cao hơn nhiều so với sản xuất thuốc phân tử nhỏ. Hơn nữa, việc sản xuất vaccine phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và giám sát theo quy định.


Việc chuyển giao hiệu quả của công nghệ phức tạp như vậy đòi hỏi một hệ sinh thái tiếp nhận có thể mất nhiều năm, đôi khi hàng thập kỷ, để xây dựng. Các quốc gia đang tìm cách tăng tốc sản xuất vaccine sẽ cần đào tạo đội ngũ nhà khoa học và kỹ thuật. Họ cũng sẽ cần các quản trị viên khoa học không chỉ thông thạo nghiên cứu cơ bản và phát triển mà còn lưu giữ hồ sơ chi tiết, bao gồm các tài liệu thực hành cụ thể như hồ sơ sản xuất theo lô. Hơn nữa, họ sẽ cần hệ thống kiểm soát chất lượng mạnh mẽ và các hàng rào bảo vệ theo quy định. Việc xây dựng một cơ sở hạ tầng như vậy đòi hỏi phải được đào tạo chuyên sâu, thường là đầu tư tài chính đáng kể nhiều rủi ro và cần có thời gian. Theo một số ước tính, việc phát triển vaccine cần ít nhất 11 năm, và thậm chí xác suất sau ngần đó nỗ lực để có thể đưa vaccine ra thị trường chỉ là dưới 10 phần trăm. Hãy coi vaccine COVID-19 là kết quả của nhiều thập kỷ nghiên cứu và phát triển. Rất ít quốc gia chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận những rủi ro như vậy.

Hiện số các quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình có khả năng sản xuất các vaccine mới chỉ chưa đầy một bàn tay. Đáng chú ý nhất và lớn nhất là Ấn Độ, đang sản xuất vaccine vector adenovirus do Janssen, Oxford và AstraZeneca phát triển, cũng như công nghệ cũ hơn là vaccine protein tái tổ hợp hay vaccine virus bất hoạt. Các nhà sản xuất ở Brazil, Cuba và một số nước Đông Nam Á có kinh nghiệm sản xuất vaccine cho trẻ nhỏ cũng có thể nâng cao năng lực sản xuất vaccine COVID-19.  Những nơi khác cũng có thể có khả năng, bao gồm cả ở Trung Đông và châu Phi. Nhưng trước mắt, các nhà sản xuất này sẽ đối mặt với yêu cầu đầu tư tài chính, tiếp cận với lượng lớn nguyên liệu và vật tư (có thể bao gồm cả việc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu), và một số chuyên môn kỹ thuật trong sản xuất và kiểm soát chất lượng nếu họ muốn sản xuất các loại vaccine hiện có để chống COVID -19. Chỉ riêng việc tiêm chủng cho Ấn Độ sẽ cần gần hai tỷ liều, và yêu cầu hơn 12 tỷ liều để tiêm chủng cho thế giới. Sự xuất hiện của các biến thể mới và nhu cầu về liều tăng cường có thể làm tăng nhu cầu hơn nữa. Liệu công nghệ vaccine mRNA có thể được mở rộng để sản xuất hàng tỷ liều vào năm 2021, hoặc thậm chí vào đầu năm 2022 hay không vẫn chưa rõ, nhưng mục tiêu này rất đáng để theo đuổi. Để đạt được điều này, “nới lỏng” bằng sáng chế có thể là cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ. Các nhà sản xuất sẽ cần bí quyết kỹ thuật, các quy định kiểm soát và các thành phần đang thiếu hụt, chẳng hạn như nucleotide và lipid.

Tầm nhìn thập kỉ

Để tạo cơ sở cho việc chuyển giao công nghệ vaccine mRNA cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, các nhà sản xuất vaccine ở Ấn Độ, Brazil và một quốc gia châu Phi hoặc một quốc gia ở Trung Đông nên bắt đầu bằng cách thiết lập các trung tâm xuất sắc về sản xuất và kiểm soát hóa học. Các trung tâm này sau đó sẽ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine mRNA ở các khu vực đang thiếu khả năng tiếp cận trên thế giới. Họ sẽ cung cấp đào tạo tại chỗ cho các chuyên gia. Những người này cũng sẽ nhận được hướng dẫn từ các nhóm vận hành kỹ thuật tại Pfizer-BioNTech và Moderna. Các trung tâm nên làm việc với WTO để đảm bảo rằng các thiết bị và thành phần vaccine được lưu thông tự do qua các nguồn cung quốc tế. Các nhà máy sản xuất có thể phải sản xuất thiết bị và vật liệu cho các trung tâm đó: ví dụ như các túi phản ứng sinh học (bioreactor bags) và các bộ lọc chuyên dụng. Các trung tâm và nhà sản xuất vaccine ở các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ cần sự hỗ trợ từ cộng đồng cũng như tài trợ bền vững từ Hoa Kỳ và các quốc gia G-7 khác, cùng với Ngân hàng Thế giới, có thể là nhờ vào các công cụ tài chính sáng tạo như trợ cấp vốn hoặc hợp đồng mua bán.


Chỉ có 2% số vaccine COVID-19 trên thế giới được gửi đến các nước châu Phi.

Cơ sở vật chất sản xuất vaccine mà các quốc gia xây dựng ngày nay có thể là một bức tường thành chống lại các đại dịch trong tương lai. Nhưng để được như vậy đòi hỏi phải suy nghĩ trước cả thập kỉ. Các tổ chức toàn cầu như Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng Dịch bệnh được thành lập gần đây, cùng với Gavi, Liên minh Vaccine, Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác của Quỹ Bill & Melinda Gates, sẽ cần đầu tư vào việc chuẩn bị cho các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất thích ứng với nhiều công nghệ vaccine khác nhau. Tính đa dạng là rất quan trọng: không có cách nào để dự đoán công nghệ vaccine nào sẽ là tối ưu để sử dụng chống lại một mầm bệnh cụ thể. Vì vậy, các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất cần phải chuẩn bị để tăng cường nỗ lực cho bất kỳ tác nhân nào trong số chúng. Ví dụ, vaccine virus vector (dùng virus gây bệnh mụn nước trên gia súc làm vector để chuyên chở protein của kháng nguyên) được xem là hoạt động tốt nhất để ngăn chặn Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 2019, trong khi mRNA tỏ ra có lợi thế hơn trong việc ngăn chặn COVID-19. Do đó, các nỗ lực đào tạo nên hướng tới việc tạo dựng nền tảng chuyên môn trong một loạt các lĩnh vực từ vi sinh vật học đến công nghệ sinh học. Song song đó, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu nên tiếp tục dỡ bỏ các rào cản thương mại và cung cấp các nguồn lực và nguyên liệu cần thiết để sản xuất và mở rộng quy mô các loại vaccine hiện tại của họ.

Hợp tác quốc tế sẽ rất quan trọng đối với tương lai của việc phát triển và sản xuất vaccine, cũng giống như tình trạng khẩn cấp hiện nay. Nếu các công ty dược phẩm toàn cầu tỏ ra không muốn cấp giấy phép tự nguyện, thì việc miễn trừ bằng sáng chế có thể là cần thiết. Nhưng đó vẫn luôn là yếu tố có vai trò khiêm tốn nhất trong bất kì nỗ lực toàn cầu nào trong việc sản xuất vaccine. Việc sản xuất vaccine cho thế giới rất phức tạp và hệ sinh thái vaccine toàn cầu hiện tại rất mong manh - nhưng việc mở rộng hệ sinh thái này ra các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới sẽ có tiềm năng rất lớn để ngăn chặn đại dịch COVID-19 khủng khiếp này.□

Hạ Nhiên dịch
Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/articles/united-states/2021-05-10/producing-vaccine-requires-more-patent


BỘ TRƯỞNG ĐÀO NGỌC DUNG:CHẬM TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 SẼ KHIẾN VIỆT NAM 'THẤT THẾ', GIẢM HẤP DẪN

THÁI ANH/ DT 24-6-2021

Dân trí

 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị thẳng thắn nhìn nhận, triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 chậm phần nào khiến Việt Nam bị… thất thế, những tiềm năng có được lại rơi vào nước khác.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu vấn đề này tại phiên họp thứ 47 của UB Kinh tế của Quốc hội, diễn ra hôm nay, 24/6/2021. Phiên họp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, để phục vụ cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa mới sắp diễn ra.

Cụ thể, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội đề cập, dịch bệnh Covid-19 lần bùng phát thứ 4 "có yếu tố phức tạp, nhạy cảm mới và đặt ra những tình huống mới".

Bộ trưởng nêu con số khái quát, từ quý I/202 đến nay đã có 9,1 triệu người Việt Nam bị tác động bởi dịch bệnh, trong đó 540.000 người đã rơi vào tình trạng mất việc và thiếu việc làm. 19,2% cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp; 21% hợp tác xã, liên doanh bị ảnh hưởng.

Chậm tiêm vắc xin phòng Covid-19 sẽ khiến Việt Nam thất thế, giảm hấp dẫn - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp của UB Kinh tế.

Vấn đề cần quan tâm hơn, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là đợt dịch thứ 4 này bắt đầu chuyển hướng sang cộng đồng mạnh hơn, tác động trực tiếp đến các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Có 60.000 người lao động trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, 40.000 lao động ở Bắc Ninh và 23.000 người lao động ở TPHCM, Bình Dương bị ảnh hưởng.

Có đến 5.840 công nhân đã trở thành F0, 37.496 công nhân là F1 và 5.900 doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH nhấn mạnh, ông báo cáo các con số này để các đại biểu Quốc hội thấy tác động của dịch bệnh trong lần bùng phát thứ 4 rất phức tạp.

Trước tình hình đó, vị tư lệnh ngành Lao động cho biết, ông thấy có 2 vấn đề nổi lên.

Thứ nhất là, trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc có phục hồi, nhất là sau khi tiêm vắc xin, thì nếu để chậm việc vắc xin, phần nào đó sẽ khiến cho những tiềm năng có được của Việt Nam bị… thất thế.

"Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận như vậy. Tiềm năng của Việt Nam thành ra lại rơi vào một số nước khác" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tâm tư.

Điều này phần nào được minh chứng ở báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Chính phủ. Cụ thể, số dự án FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50%.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảnh báo, điều đó cho thấy sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm.

Ông Dung cũng nhận định, khu vực kinh tế bị ảnh hưởng "lớn nhất, sớm nhất, nặng nhất, phức tạp nhất" là dịch vụ, du lịch, thương mại và vận tải. "Lực lượng lao động của khu vực này hiện đang khó khăn nhất. Nếu không có giải pháp hỗ trợ, họ khó có thể trụ vững được, bởi nguồn tiết kiệm của họ đến giờ không còn nữa. Tôi xin nói thẳng như vậy", ông Dung thông tin.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, phòng dịch là cơ bản, nhưng giải pháp căn cơ, bền vững nhất vẫn phải là vắc xin.

"Khi nào dân số cơ bản được tiêm vắc xin thì mới có miễn dịch cộng đồng, mới chung sống với dịch được. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến, Chính phủ đang tập trung cao độ để vận động các nguồn lực cho việc tiêm vắc xin. Khả năng đến cuối năm nay tỷ lệ tiêm chủng Việt Nam đạt được cũng cơ bản" - Bộ trưởng LĐ-TB&XH nói.

Ông Dung cũng chia sẻ, "khó khăn nhất, lo lắng nhất" của ông hiện nay là dịch đi vào khu công nghiệp. Vừa qua, Bắc Ninh, Bắc Giang bùng dịch, cả nước phải dồn toàn lực chi viện, giờ tới TPHCM và Bình Dương.

Trước tình thế ngặt nghèo này, Chính phủ đã chính thức giao Bộ KH-ĐT tổng kết toàn bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, người lao động trong phòng chống dịch và đề ra chính sách toàn diện hơn. Trong trước mắt, Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đề xuất một số chính sách cấp bách trước mắt để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và người sử dụng lao động, tập trung vào 3 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất là các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Nhóm thứ hai là hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu bởi dịch bệnh, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi, đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc do yêu cầu của cấp thẩm quyền.

Nhóm thứ ba là chính sách hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất để đón đơn hàng khi quay trở lại.

"Cụ thể đó là những chính sách gì, hỗ trợ, triển khai theo nguyên tắc gì thì ngày mai chúng tôi báo cáo cấp có thẩm quyền, sau đó báo cáo Thường vụ Quốc hội cho ý kiến rồi Chính phủ sẽ quyết định chính thức" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày.

Thái Anh 

VẮC-XIN MADE IN VIETNAM, GIỮA CÁC NGHI VẤN KHÔNG LỜI ĐÁP

TUẤN KHANH/ TD 24-6-2021

Tin từ báo chí nhà nước Việt Nam loan đi, nói rằng vào ngày 15-6-2021, công ty Thông tin Công ty Nanogen có công văn “Xin cấp phép khẩn cấp cho vắc-xin Nanocovax”. Nghe có vẻ như công ty đăng ký sản xuất vaccine có thương hiệu made in Vietnam đã sẳn sàng để ra mắt. Tin này đang gây chú ý khắp nơi vì có lẽ trong nguy nan, dường như nguồn cứu viện đã xuất hiện kịp thời. Thế nhưng nhiều chi tiết lộ ra, khiến dân chúng hoang mang.

Trong công văn gửi đích danh cho thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ sinh học dược Nanogen nói rằng “Dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vắc – xin Nanocovax đạt 99,4%. So sánh với các loại vắc-xin khác trên thế giới là không hề thua kém và có phần cao hơn. Dù vậy, giá bán dự kiến hiện đang thấp nhất thế giới, chỉ với 120.000 đồng/liều”.

Bên cạnh việc vui mừng của một số người, vẫn có nhiều ý kiến – đặc biệt là giới chuyên gia y tế, sinh học, miễn dịch… thắc mắc vì sao công ty Nanogen công bố rõ – theo nguyên tắc bằng y văn – thành quả thử nghiệm của mình để dân chúng yên tâm hơn.

Trước đó, một số báo nhà nước đã nhanh tay ca ngợi theo lời của công ty Nanogen, và khẳng định rằng vắc xin này sẽ là thứ tốt nhất, đáng tin tưởng với người Việt Nam. Thậm chí giới dư luận viên cũng rộ lên lời ca ngợi sớm thành quả này như một Việt Nam xuất chúng đáng tự hào.

Có nhiều ý kiến bình luận trên mạng xã hội rằng, công ty Nanogen gửi công văn lên chính phủ, vì quá nóng lòng khi thấy tập đoàn Vingroup cũng nhảy vào thương vụ lớn này, khi gấp rút thành lập công ty Vinbiocare vào đầu tháng 6-2021, để tiến vào lãnh vực sản xuất vắc xin. Có thể sợ bị mất thị phần, nên Nanogen đã liều lĩnh đòi đi trước, khi khả năng chưa đủ.

Một ngày sau khi nhận thư đòi cho sản xuất vắc xin made in Vietnam, phản hồi từ Bộ y tế như gáo nước lạnh, dập tắt ước mơ này của công ty Nanogen. Trả lời báo chí, tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang – Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) bác bỏ và khẳng định phía Bộ Y tế không thể nóng vội, vì không nhận được từ công ty Nanogen bất kỳ dữ liệu chi tiết và cụ thể nào về tính an toàn, tính sinh miễn dịch và đặc biệt là hiệu lực bảo vệ của vắc xin nói trên.

Ông Quang còn nói rằng nếu cho phép, sau này Bộ Y tế không biết phải giải trình như thế nào với xã hội. Tức mọi thứ, cho tới nay chỉ như chỉ là nghe thấy từ phát ngôn của công ty Nanogen, không ai biết gì, ít nhất qua bản công bố báo cáo khoa học. Thậm chí bản ghi âm phỏng vấn nhanh của báo Người Lao Động với ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen khiến nhiều người càng nghi ngờ, khi thấy cách trình bày của ông Nhân rất lờ mờ.

Dư luận trong nước cũng bùng lên trên các trang mạng, sau lời từ chối nhanh và công khai bất ngờ này của Bộ Y tế. Nhiều người nói rằng Bộ Y tế thận trọng là đúng, nhưng cũng có người bình luận hóm hỉnh rằng “muốn bứt phá với anh Vượng à (chủ tập đoàn Vingroup), không dễ đâu”.

Tuy nhiên, đáng nói, vào ngày 24-6-2021, trên mạng facebook bỗng xuất hiện tuyên bố của bà Hồ Thị Hồng Nhung, có chức danh tiến sĩ ngành Vi sinh Miễn dịch, Đại Học Huế, khẳng định vắc xin Made in Vietnam của công ty Nanogen chỉ là một cú lừa.

Nguyên văn, bà Nhung viết như sau: “Cty Nanogen chưa bao giờ sản xuất vaccine. Việc sản xuất vaccine yêu cầu cơ sở đạt tiêu chuẩn GMP sản xuất thuốc tiêm. Đội ngũ sản xuất vaccine là đội ngũ được đào tạo chuyên nghiệp, kinh nghiệm về sản xuất, kiểm định, đảm bảo chất lượng, bảo quản, động vật thí nghiệm… vô cùng tốn kém. Nhân sự là điều kiện khó nhất và ở Việt Nam nhân viên đẳng cấp này vô cùng hiếm. Tôi không tin vào thông tin Nanogen đã nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine ngừa Covid 19 cũng như không tin vào bất kỳ thông tin nào Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa Covid 19 thành công “.

Không chỉ vậy, trong cách nói của mình, tiến sĩ Hồ Thị Hồng Nhung như khẳng định rằng cái gọi là công ty Nanogen này luôn nói dối, lừa đảo. Bà dẫn chứng rằng khi dịch H5N1 vừa xảy ra trên thế giới, công ty này từng tuyên bố đã giải mã được virus. Nói về vụ sản xuất vắc xin, bà nhắc rằng từ lúc tuyên bố sản xuất vắc xin cho đến giờ, công ty Nanogen chưa bao giờ giới thiệu đội ngũ khoa học của họ là gồm những ai, và ai là đang đứng đầu công trình nghiên cứu này. Đó là chưa nói việc công ty Nanogen bị coi là tự thông tin lập lờ là vắc xin của họ được WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) chấp nhận.

Mọi thứ như đang mở ra nhiều suy nghĩ, cùng với các câu hỏi đơn giản, và có vẻ như chính các quan chức cũng bị một phen bất ngờ khi lâu nay, biểu lộ vui mừng đến khắp nơi. Thậm chí, người ta cũng từng chuyền tay nhau xuýt xoa hình ảnh phó thủ tướng Vũ Đức Đam trật vai áo cho chích thử nghiệm hàng “made in Vietnam”.

Câu hỏi được đặt ra, thật sự nếu mọi thứ là dối trá, thì sao họ liều lĩnh bất ngờ vậy? Chỉ có một đáp án duy nhất có thể: Đó là một thương vụ, đem lại lợi nhuận khổng lồ và một lời nói dối tỏa sáng, nhanh tay đặt trên sinh mạng dân tộc Việt Nam.

Theo lời tự quảng cáo của công ty Nanogen, thì công ty này có tên đủ là Công ty CP công nghệ sinh học dược NANOGEN, hoạt động từ năm 1998; chuyên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công các tiến bộ của ngành công nghệ sinh học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam trong việc sản xuất nguyên liệu dược và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị từ công nghệ DNA/protein tái tổ hợp hàng đầu trong khu vực Châu á Thái Bình Dương. Nhà máy sản xuất của doanh nghiệp này nằm trong Khu công nghệ cao TPHCM.

TIÊM 70% DÂN SỐ CŨNG CHƯA CHẮC ĐẠT

 MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG

NGUYỄN ĐĂNG ANH THI/ KTSG/ TD 24-6-2021

(KTSG) – Ngày 15-6, Bộ Y tế cho biết Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số, đối tượng là người trưởng thành, để đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, những nghiên cứu thực tiễn gần đây cho thấy việc miễn dịch cộng đồng phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của vaccine.

Đa dạng giá và hiệu quả vaccine

Tính đến thời điểm này, mới có sáu loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, gồm: Pfizer, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna, Sinopharm và Sinovax. Trong đó, duy nhất Johnson & Johnson là chỉ tiêm một liều, còn lại đều phải tiêm hai liều. Riêng tại Mỹ, hiện chỉ có ba loại vaccine được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) phê duyệt gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson, riêng AstraZeneca vẫn chưa được phê duyệt.

Biospace, trang thông tin khoa học và đời sống toàn cầu cho biết, giá vaccine đang dao động khá liên tục theo thời điểm và theo thị trường. Theo giá đặt mua của chính quyền Mỹ công bố, một liều Pfizer có giá 19,5 đô la, cao gấp 9 lần so với giá 2,15 đô la của AstraZeneca. Giá mỗi liều của Moderna dao động khoảng 25-37 đô la, trong khi của Johnson & Johnson là 10 đô la.

New York Times ghi nhận giá mỗi liều vaccine Sinopharm bán cho Hungary là 36 đô la, trong khi thông tin từ India Times cho biết giá mỗi liều cũng loại này bán cho Bangladesh là 10 đô la, cho Sri Lanka là 15 đô la. Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đồng ý trả cho Sinopharm 30,6 đô la mỗi liều dùng trong nội địa.

Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào giá bán, những loại vaccine rẻ hơn là một lựa chọn hấp dẫn.

Nhưng để so sánh công bằng, ta phải xem xét bài toán tổng chi phí. “Chi phí” gồm giá tiền mua, vận chuyển và bảo quản, hiệu quả kháng virus của vaccine, và số giờ công lao động bị mất đi vì những phản ứng phụ. Công bằng hơn, nếu sau tiêm vaccine mà dịch vẫn bùng phát thì thiệt hại kinh tế của xã hội vẫn phải tính vào chi phí vaccine. Theo đó, cái giá thật được giới chuyên gia tính toán thì một số loại vaccine rẻ hơn lại có “giá” cao gấp nhiều Pfizer.

“Tiền nào của đó”, một số loại hiện có giá rẻ nhất được ghi nhận có phản ứng phụ nhiều hơn và hiệu quả bảo vệ thấp hơn. Biospace cho biết hiệu quả của AstraZeneca trung bình chỉ khoảng 70%. Pfizer và Moderna dù có giá cao hơn nhưng hiệu quả bảo vệ được các nghiên cứu ghi nhận lên đến 95%. Tại Chile, hiệu quả của vaccine Sinovac chỉ đạt 16% sau mũi đầu tiên và tăng lên 67% sau mũi thứ hai. Nghiên cứu của Peru cho thấy hiệu quả Sinopharm thực tế chỉ là 33%.

Miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào hiệu quả vaccinee

Một mô hình nghiên cứu của nhóm tác giả Raina MacIntyre, Valentina Costantino và Mallory Trent thuộc Viện Kirby, Đại học New South Wales đăng trên tạp chí Science Direct đã chỉ ra quan hệ giữa hiệu quả vaccine và tỷ lệ dân số cần tiêm để đạt khả năng miễn dịch cộng đồng.

Kết quả trên cho thấy hiệu quả vaccine càng cao thì tỷ lệ dân số cần tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng càng thấp, và ngược lại.

Theo đó, nếu hiệu quả vaccine đạt 95%, chỉ cần 63% dân số tiêm vaccine đã có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Nếu hiệu quả vaccine đạt 90%, cần 66% dân số tiêm vaccine. Nếu hiệu quả vaccine đạt 80%, tỷ lệ dân số cần tiêm tăng lên 75%. Nhưng nếu hiệu quả vaccine chỉ đạt 60%, cần phải tiêm cho toàn bộ 100% dân số, bất kể già trẻ gái trai.

Nói cách khác, nếu chọn vaccine có hiệu quả bảo vệ dưới 80% thì dù có tiêm cho 75% dân số vẫn không đạt miễn dịch cộng đồng. Và nếu hiệu quả vaccine chỉ đạt 60%, mục tiêu miễn dịch cộng đồng sẽ không bao giờ đạt được trong thực tế.

Hai hình ảnh trái ngược tại Seychelles và Israel

Kết quả nghiên cứu trên khá chính xác với diễn biến dịch gần đây trên toàn cầu. Hãy nhìn vào hai quốc gia thuộc nhóm có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới. Đó là Seychelles, đảo quốc ở Ấn Độ Dương có 98.000 dân, và Israel, quốc gia Trung Đông có 9,3 triệu dân. Mật độ dân số Israel cao gấp đôi Seychelles.

Ngày 18-6, Seychells có 72% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine, theo dữ liệu từ Our World in Data. Ấn tượng hơn, nước này có đến 68% dân số đã tiêm đủ hai liều vaccine. Đó là những tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới hiện nay (hình 1).

Cùng ngày đó, Israel có 64% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó 60% dân số đã tiêm đủ hai liều vaccine. Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ tiêm vaccine, ta dễ nhầm tưởng rằng Seychells sẽ kiểm soát dịch tốt hơn Israel. Thực tế hoàn toàn ngược lại.

Ngay từ đầu tháng 6, Israel đã dỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế về tập trung đông người, cuộc sống gần như trở lại bình thường trước đại dịch. Trong khi nước này coi như đã đạt miễn dịch cộng đồng, Seychelles lại đang vật lộn với số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng.

Theo Our World in Data, tỷ lệ số ca nhiễm mới tính trung bình trên 1 triệu dân trong 14 ngày qua tại Seychelles là 19.981,7 ca, tại Israel chỉ là 34,2 ca (hình 2). Để dễ hình dung, con số này tại Việt Nam đang là 45,9 ca nhưng đã rất căng thẳng.

Nghĩa là, với tỷ lệ tiêm vaccine vượt trội hơn, mật độ dân số thấp hơn, nhưng số ca nhiễm mới tại Seychelles đang cao gấp 584 lần Israel. Điều gì làm nên sự khác biệt một trời một vực này?

Câu trả lời đơn giản: hiệu quả của vaccine. Khoảng 57% số vaccine được sử dụng tại Seychelles là Sinopharm, 43% còn lại là AstraZeneca. Israel gần như sử dụng 100% vaccine Pfizer khi nguồn cung Moderna còn hạn chế.


Rõ ràng, hiệu quả bảo vệ, cũng chính là chất lượng của vacccin, mới là yếu tố quyết định bảo vệ người dân khỏi đại dịch. Xét về chi phí, Israel đã thành công trong chiến lược vaccine của họ, dù tiêm ít nhưng hiệu quả cao.

Cũng theo quan sát từ dữ liệu trên Our World in Data, nhóm các quốc gia dùng vaccine Trung Quốc như Chile, Bahrain và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) hiện đang có tỷ lệ số ca nhiễm mới gấp hàng trăm, thậm chí đến 1.000 lần so với nhóm các quốc gia dùng vaccine Mỹ như Canada, Malta, và Mỹ (hình 3).

Mới đây, Bahrain và UAE lại tiếp tục tiêm thêm một “liều tăng cường” thứ ba là vaccine Pfizer để đối phó làn sóng dịch bùng phát tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, những quốc gia chọn Pfizer và Moderna với hiệu quả trên 95% giờ đang hái quả ngọt.

Mỹ đã có hơn một nửa dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trên 45% dân số đã tiêm đủ hai liều và đang dần trở lại bình thường.

Tính đến ngày 20-6, Canada đã có 67% dân số được tiêm ít nhất một liều, xếp thứ ba thế giới, chỉ sau Malta và Seychelles. Có 74% vaccine được sử dụng tại Canada là Pfizer, 24% là Moderna và chỉ có 8% là AstraZeneca. Dù hiện chỉ có 19% dân số đã tiêm đủ hai liều, Canada vẫn tự tin hướng đến mục tiêu hoàn toàn trở lại cuộc sống bình thường vào tháng 9 tới.

Ngày 18-4, đỉnh dịch tại Canada đạt 3.244 ca trên 1 triệu dân. Hiện nay, số ca nhiễm mới giảm liên tục và hiện chỉ còn 412 ca trên 1 triệu dân, nghĩa là giảm 87% trong vòng hai tháng. Chỉ trong vài tuần nữa, Canada có thể đạt trên 65% dân số được tiêm đầy đủ vaccine. Khả năng đạt miễn dịch cộng đồng đang trở thành hiện thực.

Nếu tiêm 70% dân số, hiệu quả vaccine thấp nhất phải là 86%

Theo nghiên cứu đã dẫn của Đại học New South Wales, nếu muốn tiêm cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng như Bộ Y tế kỳ vọng, hiệu quả của vaccine sử dụng tại Việt Nam thấp nhất phải là 86%.

Các biến chủng ngày càng khó lường khi nguồn lực tài chính dành cho vaccine còn hạn chế là thách thức rất lớn cho Việt Nam. Do vậy, thành công tại Israel là một gợi ý để tỉnh táo và kiên nhẫn để chọn vaccine hiệu quả cao từ 95% trở lên như Pfizer hay Moderna để dập dịch triệt để.

Nếu không thể chọn những vaccine hiệu quả từ 86% trở lên, hãy chọn những loại hiệu quả thấp nhất là 80%, nhưng lúc ấy phải tiêm cho 75% dân số. Và nếu chọn vaccine có hiệu quả dưới 70%, khả năng bùng phát dịch trở lại là rất lớn dù có tiêm đến 72% dân số như bài học nhãn tiền của Seychells.

Những vaccine hiệu quả thấp chỉ là giải pháp “câu giờ” nhưng cũng đầy tốn kém cho Việt Nam vì không thể đạt miễn dịch cộng đồng.

Dù biết rằng việc đặt mua vaccine không dễ, nhưng thà chậm mà chắc. Việt Nam và Philippines liên tiếp mua thành công những liều Pfizer đầu tiên cho thấy nếu quyết tâm sẽ đạt được, khi nhu cầu tại các quốc gia phát triển đang giảm dần.

Quan trọng hơn nữa, chủ động vào nguồn vaccine “Made in Vietnam” mới là lựa chọn bền vững và lâu dài cho quốc gia thoát khỏi đại dịch.

Suy cho cùng, vaccine giá rẻ đôi khi lại thành rất đắt và ngược lại.

TRẬN CHIẾN ĐẨY LÙI DỊCH BỆNH COVID-19: VIỆT NAM CÁN ĐÍCH 'MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG' BẰNG VACCINE VÀO ĐẦU NĂM 2022?

TRẦN TUẤN/ TD 25-6-2021

Vaccine phòng chống dịch bệnh COVID-19 mới chỉ được giới khoa học y tế dự phòng nghiên cứu phát triển thành công ở những tháng cuối năm 2020, được WHO, FDA (Mỹ), European Medicine Agency EMA (Cơ quan đảm trách y tế Liên hiệp Âu châu) cấp phép đưa vào sử dụng đầu năm 2021 (Tài liệu tham khảo 1).

Có ”vũ khí vaccine” trong tay, chỉ sau 6 tháng đưa vào triển khai tiêm chủng rộng rãi, các nước vốn đang “điêu đứng vì dịch bệnh”, đã nhanh chóng từng bước khống chế rồi “rẽ lối” theo nhau đi vào giai đoạn “ra khỏi dịch”, đưa đất nước trở lại cuộc sống thường nhật! (TLTK 2, 3).

Được như thế, bởi họ đã “khai thác tốt nhất có thể ” lực lượng viện binh chủ lực của y tế dự phòng – Vaccine – để tổ chức cả xã hội thực hiện tiêm chủng miễn phí cho mục tiêu nhanh nhất đạt đích 70% tạo “miễn dịch cộng đồng”!

Việt Nam, đất nước vốn chống trả dịch bệnh thành công đến thời điểm này, “giữ vững trận địa” trong suốt 18 tháng qua khi trong tay chỉ có lực lượng “bộ đội địa phương và dân quân tự vệ” sử dụng vũ khí tự tạo “5K”, giờ đây đã có thêm viện binh “vaccine”, đội quân chủ lực trên bàn cờ chiến sự phòng chống COVID-19, liệu Việt nam có tiếp tục giữ được “ngôi đầu” thành công, để cùng các nước tiền tiến vang ca “hồi kèn chiến thắng” ở vào thời điểm đón chào năm mới 2022?

“CÓ” VÀ “KHÔNG”- PHỤ THUỘC VÀO SỰ ĐỒNG ĐIỆU CỦA BỘ BA CHIẾN LƯỢC “VACCINE – TIÊM CHỦNG – TRUYỀN THÔNG”

Điều này phụ thuộc vào bản lĩnh của người lãnh đạo chính phủ và Bộ Y tế kiên quyết tới đâu “thúc đẩy cái tích cực, đẩy lùi cái tiêu cực” trong ma trận các yếu tố “chống-đẩy” bộ ba chiến lược liên kết “kiềng 3 chân” tạo bệ đỡ cho triển khai núi việc nhắm tới mục tiêu “70%” dân chúng (trong diện quan tâm) đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 trong 6 tháng cuối năm 2021!

Muốn có miễn dịch cộng đồng bằng vaccine đạt được vào cuối năm nay, có 3 cấu phần chiến lược phải làm tốt đồng bộ: (1) có đủ số liều vaccine cho nhu cầu (và phải là vaccine qua được vòng kiểm định khoa học khách quan, chuẩn mực, đạt độ an toàn dịch tễ học cho người dùng); (2) Tổ chức hệ thống tiêm chủng chạy ổn định theo đúng nguyên lý ”y học dự phòng vì dân” (không vì thương mại), và (3) hệ thống truyền thông cho mục tiêu “khoa học vì Dân” đảm bảo người dân hiểu đúng và tham gia tiêm đủ liều vaccine có chất lượng phê duyệt bởi WHO, FDA (Mỹ) , hay hội đồng y học Âu châu EMA (the European Medicine Agency )!

MA TRẬN CÁC YẾU TỐ “CHỐNG-ĐẨY” KIỀNG BA CHÂN

Theo dõi diễn biến phòng chống dịch khi có vaccine xuất hiện, dễ dàng nhận ra, bên cạnh trận chiến trực tiếp với vi rút SARS-COVI2, Bộ Y tế dường như đang phải đương đầu với một “trận chiến” nữa vốn hình thành từ lâu trong lòng chính phủ, cả trong lòng Bộ Y tế, đang được khởi lên nhanh chóng và đang đến hồi quyết liệt trong thời gian gần đây!

Thật vậy! Báo chí chính thống xuất hiện những “quy kết: Bộ Y tế “chậm công khai kế hoạch tiêm chủng”, “chậm triển khai tiêm chủng”, hoặc khi Bộ Y tế công bố “tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19 miễn phí toàn dân” thì ngay sau đó vài ngày, lại có ngay “tiêm chủng dịch vụ phòng COVID-19”, y như thể thừa nhận “năng lực” của hệ thống y tế công yếu đến mức “không đủ đáp ứng yêu cầu thực tế” khiến chậm trễ xẩy ra nay “buộc phải mở ra” cho tư nhân “ghé vai” gánh giúp! Sự “xem thường” Bộ Y tế có lẽ “nặng nhất” ở câu chuyện doanh nghiệp tư nhân “nghiên cứu phát triển” vaccine NanoCovax còn chưa xong đã “bỏ qua Bộ Y tế” lên thẳng “xin Thủ tướng cấp phép”! Một “bằng chứng” khẳng định chuyện “Bộ Y tế chậm trễ” chưa đủ, mà dường như còn tồn tại cả “khó dễ”, không “mặn mà” với doanh nghiệp vốn đang “hừng hực khí thế trợ giúp chống dịch”.

Thực ra, nên cho đó là biểu hiện thực tế “ được thiết kế”, “có chủ ý” đến từ “trận chiến” giữa “hai lực lượng”! Một bên là bộ phận có tâm “Y tế vì Dân” trong Bộ Y tế, trong chính phủ, và trong nhà nước, cùng các tổ chức khoa học độc lập tranh đấu cho lợi ích y tế công cộng cố “giành và giữ y tế dự phòng cùng hệ thống tiêm chủng miễn phí” cho mục tiêu “Y tế vì Dân”, và bên kia, bộ phận thúc đẩy “thương mại hóa y tế công” có trong một bộ phận khác của chính phủ, của Bộ Y tế, của nhà nước, với “hậu thuẫn” mạnh mẽ từ khối “doanh nghiệp” đã và đang đầu tư vào “dịch vụ tiêm chủng cùng các “dịch vụ” y tế dự phòng khác!

Mà “vaccine nào?” và “tiêm chủng miễn phí hay tiêm chủng dịch vụ?” cùng các câu chuyện xoay quanh nó trong bối cảnh dịch COVID vẫn đang lan tràn trong nửa đầu năm nay, chính là biểu hiện cụ thể của “sự giằng xé” nội trong những người làm chính sách và điều hành chính sách y tế Việt nam: “Public Health in Private Hand: To do or not to do?”, dưới áp lực của những thế lực “hạch toán kinh tế” đã hàng chục năm nay nhìn khối y tế dự phòng Việt nam qua con mắt “núi vaccine, đồi vi chất, thung lũng xét nghiệm tầm soát dự phòng khổng lồ” lớn dần lên mỗi năm! Câu chuyện “tiêm chủng” nói riêng, và kiểm soát “hệ thống CDC” nói chung, thật chẳng khác gì cuộc chiến “ giành và giữ tài nguyên lộ thiên” trên “thị trường chăm sóc sức khỏe” dân Việt!

“Nội chiến” xẩy ra, tất nhiên, ảnh hưởng đến “trận chiến” với COVID-19! Hãy nhìn và lý giải diễn biến phòng chống dịch COVID-19 ở Việt nam trong nửa đầu năm 2021 (khi có vaccine cấp phép) từ góc độ đó! Để rồi đánh giá và dự báo những thay đổi sẽ diễn ra trong thời gian tới!

MỐC 70% ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TIÊM CHỦNG SẼ ĐẠT… NẾU “CẦM VÀNG ĐỪNG ĐỂ VÀNG RƠI”!

Y tế dự phòng Việt nam cùng phương thức phòng chống dịch “tập trung tổng lực, điều hành tuyệt đối” của nhà nước này là “một khối vàng ròng” đang được “dòm ngó” bởi rất nhiều thế lực “yêu tiền” cả trong nước và quốc tế! Tôi đánh giá như thế, bởi, nếu có “cỗ máy lùi thời gian” của chú mèo máy DOREMON đưa toàn bộ xã hội Việt nam ở trạng thái dịch bệnh hiện tại cùng hệ thống y tế dự phòng 2021 trở về vận hành đúng với phương thức phòng chống dịch bệnh và quản lý triển khai hệ thống tiêm chủng như thời cách đây vài chục năm về trước, thì cả 3 mảng tạo nên “kiềng 3 chân” nói trên (vaccine- tiêm chủng-truyền thông y tế), tôi dám đặt cược với bất cứ ai , chỉ có đạt TỐT, và RẤT TỐT trở lên! Và việc mục tiêu “miễn dịch cộng đồng” bằng vaccine cho Việt nam vào đầu năm 2022, đạt được là … không có gì phải bàn!

Khối “vàng ròng” này gồm trong nó hệ thống y tế dự phòng “thuần công” hình thành và phát triển với 50 năm kinh nghiệm thành công khống chế tốt dịch bệnh phát sinh, từ nghiên cứu sản xuất vaccine, kiểm định chất lượng, tới tổ chức tiêm chủng dự phòng hàng nhiều triệu trẻ mỗi năm. Hệ thống này từng chiếm giữ được lòng tin tuyệt đối của toàn xã hội (vào chất lượng tiêm chủng) đạt được dài đến cả nửa thế kỷ (để rồi “bị đánh cắp” và “bị bôi tro chát trấu” mạnh mẽ từ chừng chục năm trở lại đây, khi bàn tay thương mại hóa thò vào!).

Khối “vàng ròng” này gồm cả uy tín của Bộ Y tế và quyết tâm của nhà nước Việt nam “chống dịch như chống giặc” với ý chí “quân lệnh như sơn” trong phòng chống dịch bệnh COVID 19 , được thực chứng và thừa nhận bởi WHO và các chính phủ trên toàn thế giới trong suốt 18 tháng qua! Đi đôi với độ hấp dẫn của “thị trường tiêm chủng trăm triệu dân” Việt nam luôn là “thỏi nam châm” cực mạnh đủ hút tất cả các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vaccine sẵn sàng (và chỉ) ngồi bàn thương lượng cung cấp vaccine theo yêu cầu của chính phủ Việt nam với giá cả, và kế hoạch đáp ứng thực tế chính phủ đưa ra. Nhất là khi, thị trường tiêu thụ vaccine COVID-19 đang dần thu hẹp lại, bởi dịch bệnh đang dần đi vào giai đoạn thoái trào ở nhiều nước, cộng thêm khả năng xuất hiện thêm vaccine mới ra đời (có hơn 20 vaccine đang đợi kết quả ở giai đoạn nghiên cứu hiệu lực lâm sàng giai đoạn 3) trong hồ sơ đăng ký với WHO/FDA/ EMA (TLTK1)!

Câu chuyện “chậm triển khai tiêm vaccine” “nguy cơ thiếu vaccine” cho Việt nam… tất cả là bị ảnh hưởng bởi “các yếu tố phi y tế” can thiệp vào câu chuyện quản lý hệ thống y tế dự phòng và đặc biệt hoạt động tiêm chủng mà thôi! Nó “không bao giờ xẩy ra” nếu dịch bệnh như thế này còn trong môi trường “y tế dự phòng thuần công” như cách đây hơn chục năm về trước! Một Bộ Y tế đã có quyết tâm “chống dịch” lớn đến như thế trong suốt 18 tháng qua, đã hoàn thành mọi hồ sơ chuyên môn để được nhận vaccine miễn phí của chương trình COVAX từ WHO chỉ một tháng sau khi vaccine này được cấp phép (TLTK 4), thì không thể lại “chậm chạp” một cách “kỳ lạ” suốt những tháng sau đó trên bàn cờ chiến sự COVID-19 với Vaccine là lực lượng chủ lực giúp nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi tình trạng dịch! Hẳn phải có những “yếu tố dị thường” làm nên cái “bất thường” như vậy!

Hãy nhớ là, lãnh đạo Bộ Y tế đã từng đưa ra thông tin tại thời điểm đầu tháng 6/2021 (TLTK5), Bộ Y tế đã công bố kế hoạch thương thảo thành công có được 125 triêu liệu vaccine (được WHO cấp phép) đưa về Việt nam trong thời gian tới, và khả năng đạt mục tiêu 150 triêu liều đủ cho 70% đối tượng được tiêm chủng miễn phí, hoàn toàn nằm trong tầm tay vào đầu năm 2022. Với hệ thống tiêm chủng “thuần công” trở lại, chẳng có gì ngăn cản được mục tiêu “70%” được tiêm đủ hai mũi!

Khối “vàng ròng” còn phải kể đến, là nguồn cung cấp tài chính từ Dân cho nhà nước, qua bất kể hình thức đóng góp nào đã từng, và nay thêm việc hình thành “Quỹ vaccine” đặc thù cho phòng chống COVID-19.

Hiếm nước nào trên thế giới, trong nền kinh tế thị trường, mà lại đưa được cả một hệ thống chính quyền cơ sở cho người đi đến từng nhà vận động đóng góp! Cũng hiếm nữa, khi cả đến từng học sinh mọi lứa tuổi học đường, đều thực hiện đóng góp quỹ vaccine chống dịch bệnh COVID-19, như ở Việt nam…

Nguồn cung vaccine có đủ! Tiền cho vaccine cả từ ngân sách và từ quỹ, không thể nói là “vẫn thiếu”, tới độ phải… kêu gọi tư nhân vào cuộc!

Hệ thống dây chuyền lạnh cùng đội ngũ nhân viên y tế công có kinh nghiệm tiêm chủng lại đã sẵn từ nhiều năm! Đâu cần “tư nhân” vào… điều phối!

Mà bài toán “lập kế hoạch” mua và phân bổ vaccine trong toàn ngành y tế để 12 ngàn điểm tiêm chủng (nói tròn) gồm các bệnh viện, trạm y tế xã phường.. … triển khai trong thời gian tới, chả đến nối “khó như quỹ tích, zích zắc như đạo hàm” để không giải ra trong .. suốt 6 tháng qua! Thực chất, nó đủ đơn giản để hoàn toàn có thể kiếm được lời giải “đặc biệt xuất sắc” cho phương án “ chi phí-hiệu quả tối ưu trong tổ chức tiêm chủng miễn phí toàn dân phòng dịch COVID-19”… từ chỉ bằng một cuộc thi cấp độ năng lực đòi hỏi tương đương cho ….học sinh trung học!

Chả cần đến đội ngũ giáo sư, tiến sĩ viện này trường nọ nghiên cứu “đề tài cấp bộ, cấp nhà nước” dày hàng trăm trang… thêm tốn phí! Lại càng không cần phải “kêu gọi tư nhân” cung cấp thêm phương án “tiêm dịch vụ” mà thực chất là “Public Health in Private Hand” cho thêm …. Rối!

Chỉ cần quyết tâm chính trị “trả lại cho dân” “hệ thống tiêm chủng thuần công” cùng lập lại ý chí “y tế dự phòng vì dân” là đủ!

Nghĩa là, với những gì hiện có, hệ thống tiêm chủng công hoàn toàn có thể thực hiện tiêm chủng miễn phí, không cần đến sự vào cuộc của tư nhân, để đến được đích “miễn dịch cộng đồng” bằng tiêm chủng vào đầu năm 2022.

Nhưng như thế, là “đi ngược” với “thương mại hóa” khối “y tế dự phòng thuần công”! Như thế, làm gì có “ tiêm chủng dịch vụ” với vaccine phòng chống dịch COVID-19? Rồi cả đến các vaccine trong chương trình tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ em dưới 2 tuổi cũng trở lại “tiêm chủng miễn phí nốt”!

Có những thế lực rất lo cho tình trạng đó!

Bởi thế, những “giằng xé” sẽ tiếp tục diễn ra, chừng nào, một quyết tâm chính trị đủ mạnh ngộ ra rằng…

KHÔNG THỂ ĐẠT MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG VÀO 2022 – NẾU ĐỂ “PUBLIC HEALTH IN PRIVATE HAND”

Đã đến lúc, cần chỉ ra khẩu hiệu mỹ miều được “tiền hô hậu ủng” mạnh mẽ trong hai thập niên qua – “Public-Private Partnership for health care in Vietnam”, đi vào thực tế đã và đang trút bỏ bộ xiêm la để lộ rõ ý định can thiệp chính sách đẩy cả hệ thống quản lý “public health” dần nằm trong tay “private hand”!

Tại sao phải có tư nhân đứng vào nhập vaccine, khi các công ty sản xuất và thương mại vaccine chống dịch COVID chỉ cung cấp theo nguyên tắc “làm việc thông qua chính phủ”? Để rồi Bộ Y tế đau đầu với giải bài toán “mua lại” số vaccine đó?

Tại sao doanh nghiệp Nanogen, lại có thể “bỏ qua” Bộ Y tế lên thẳng Thủ tướng trong câu chuyện xin cấp phép cho vaccine còn chưa xong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, mà bài báo khoa học xuất bản kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cũng chẳng thấy nốt, kể cả trên trang web của chính doanh nghiệp này? Để rồi thản nhiên phản biện kiến nghị cấp phép của công ty là “thay mặt cho người dân để sớm có vaccine phòng COVID-19” trên phương tiện truyền thông đại chúng? (TLTK6)! Rồi, truyền thông xã hội dậy sóng “đợi vaccine Việt nam”? (TLTK7)

Vaccine là sản phẩm phải tuân thủ kiểm định khoa học chặt chẽ nhất, thậm chí hơn cả thuốc chữa bệnh! Cho mục đích gì mà phải “mau với chứ, vội vàng lên với chứ” đến độ chưa thấy bài báo khoa học xuất bản quốc tế kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, chưa trải qua đầy đủ các giai đoạn nghiên cứu đánh giá hiệu lực trên lâm sàng (chưa nói đến đánh giá hiệu lực thực tế trên cộng đồng- Cost effectiveness study), mà đã “mau mau cấp phép” cho sản xuất hàng loạt để “phục vụ riêng cho người dân Việt nam”?

Bộ Y tế hãy kiên định với lâp trường thể hiện trong đánh giá của TS. Nguyễn Ngô Quang (phó cục trưởng “cục khoa học công nghệ và đào tạo” với sản phẩm vaccine NanoVax! (TLTK 8). Phê phán “nóng vội” ở đây dường như còn quá nhẹ. Soi chiếu đúng hành động của doanh nghiệp Nanogen trong trường hợp này, phải đặt tên là: Ngụy khoa học, đậm chất thương mại!

Để bàn tay thương mại thò vào y tế dự phòng, để tiêm chủng thương mại đứng vào trận chiến phòng COVID-19, để nguồn lực y tế công trong tay y tế tư nhân điều hành “dịch vụ tiêm chủng”- “Public Health in Private Hand”, thì việc không thực hiện được mục tiêu “miễn dịch cộng đồng” vào đầu năm 2022, là chuyện đương nhiên!

_____

Tài liệu tham khảo:

1. Bảng theo dõi vaccine phòng COVID-19 được WHO đánh giá kiểm định ( Status of COVID-19 Vaccines within WHO EUL/PQ evaluation process https://www.who.int/publications/m/item/draft-landscape-of-covid-19-candidate-vaccines)

2. Thông tin về tình hình corona virus ở Đức https://www.deutschland.de/en/news/coronavirus-in-germany-informations

3. Liệu nước Mỹ trở lại cuộc sống thường nhật trước khi có COVID vào tháng 7 tới đây ? (Can the USA return to pre-COVID-19 normal by July?) https://www.thelancet.com/journals/laninf/article/PIIS1473-3099(21)00324-8/fulltext

4. Hướng dẫn lập kế hoạch tiêm chủng quốc gia phòng chống COVID-19 https://www.who.int/publications/i/item/WHO-2019-nCoV-Vaccine-deployment-2021.1-eng

5. http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Bo-Y-te-Viet-Nam-se-co-gan-125-trieu-lieu-vaccine-COVID19-trong-nam-2021/433453.vgp

6. https://soha.vn/lanh-dao-nanogen-chung-toi-khong-nong-voi-khong-tu-nhien-ma-chung-toi-chay-len-thu-tuong-xin-cap-phep-vac-xin-nano-covax-20210623101203146.htm?fbclid=IwAR3Pnl6h5Cz31m3ttYWZGEFtSJA3jbPioptSHzF-RGIxOz_tHCj2l1OrvmU

7. Lưu Trọng Văn (Facebook): Gã chờ tiêm vaccine Việt Nam như anh Đam

 (https://www.facebook.com/profile.php?id=100009457401127)

8. https://tuoitre.vn/dai-dien-bo-y-te-kien-nghi-cap-phep-vac-xin-nano-covax-la-nong-voi-chua-day-du-du-lieu-khoa-hoc-20210622190950296.htm

VẮC XIN VIỆT

NGUYỄN TIẾN TƯỜNG/ TD 24-6-2021

Bộ Y tế và Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen cãi nhau gay gắt trên mặt báo về việc xin cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nano Covax.

Công ty Nanogen gửi đơn khiến nghị lên thủ tướng để xin cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nano Covax sau kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch đạt 99,4%, giá lại rẻ nhất thế giới, được đánh giá từ Học viện Quân Y và Viện Pasteur TP.HCM.

Bộ Y tế nói rằng Nanogen đã nôn nóng đốt cháy giai đoạn. Vì rằng quá trình thử nghiệm phải qua giai đoạn 3, là giai đoạn quan trọng nhất. Tất cả các loại vắc xin hàng đầu thế giới đều trải qua giai đoạn nghiêm cẩn này.

Cãi tới cãi lui, Nanogen nói Bộ nặng “xin cho”, Bộ thì nói Nanogen hồ đồ. Ca này đặt Chính phủ vào một tình huống làm “trọng tài” giữa lúc dịch bệnh. Mà chính phủ hay bất kỳ ai, chẳng qua cũng là người trần mắt thịt, sao nắm được chuyên môn.

Tôi nghĩ Bộ Y lớn gan đến mấy cũng không dám nghĩ tới chuyện làm khó nhau trong tình huống này. Nanogen là một quá trình rất dài, có sự hậu thuẫn của lãnh đạo quốc gia. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ năng thăm hỏi động viên đội ngũ y bác sĩ và người thử nghiệm trong quá trình nghiên cứu. Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định Nanogen là một trong hai “trụ cột” chống dịch; một mặt mở cơ chế mở để nhập nhiều vắc xin, một mặt đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc xin Việt Nam, “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Nano Covax đã ở gần vạch đích hơn lúc nào hết, đó là sự hoan hỷ dành cho người Việt. Không phải “tự hào” mông lung hoặc giá cả rẻ, nó giải quyết được nguồn cầu vắc xin lớn và có thể gạt vắc xin Tàu ra khỏi lựa chọn của người dân.

Nhưng với tư cách công dân, tôi nghĩ sự cẩn trọng của bộ Y tế là đúng đắn. Lãnh đạo quốc gia cũng người trần mắt thịt, không ai dám phiêu lưu bằng một chữ ký ảnh hưởng sinh mệnh triệu triệu người.

Công dân ráng chờ thêm một chút cũng để chắc chắn an toàn cũng không có gì phiền luỵ. Nhưng Bộ Y tế, là người làm lớn, không nên cãi cọ với DN. Đừng biến nó thành cuộc chiến truyền thông lắm thị phi. Bộ Y tế cần điềm đạm kiến giải vì sao kéo dài mốc thử nghiệm giai đoạn 3 của Nano Covax. Và nữa, với vai trò điều tiết, Bộ cần xây dựng các kịch bản nguồn cung vắc xin trong trường hợp Nano Covax được đưa vào tiêm chủng (hoặc không).

Khi đó, đương nhiên phải minh bạch chính sách nhập khẩu và điều phối vắc xin của các bên còn lại, như VNVC chẳng hạn. Cảm giác người dân lấn cấn chính là chỗ này.

Cá nhân tôi tin rằng [chẳng] ai to gan hoặc tham lam tới mức “bảo hộ” hoặc “độc quyền” tính mệnh của trăm triệu người Việt trong bối cảnh này. Tuy nhiên, hãy biểu thị sự minh bạch bằng hành động thay vì cãi nhau như vậy!

NANOGEN 'MỘT PHÚT KHI DỄ' BỘ Y TẾ:

 TƯƠNG LAI NANOCOVAX RA SAO ?

MAI BÁ KIẾM/ TD 23-6-2021

Công ty CP Sinh hoc Dược Nanogen gửi kiến nghị xin Thủ tướng cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax mà không thèm kính gửi Bộ Y tế. Ngay sau đó, Bộ Y tế phê bình, kiến nghị cấp phép vaccine Nano Covax là “nóng vội, chưa đầy đủ dữ liệu khoa học”.

Từ đó, báo chí và MXH chia thành hai: phe bênh Bộ Y tế và phe bênh Nanogen.

Phe bênh Bộ thì đưa ra quy trình thử nghiệm 3 giai đoạn rất nghiêm ngặt. Ngày 11/6/2021, Bộ Y tế đã quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine Nanocovax, tại Học viện Quân y, Viện Pasteur TP.HCM, tỉnh Hưng Yên, Long An, Tiền Giang… cho 13.000 người nhằm đánh giá tính an toàn, đáp ứng miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vaccine. Nghĩa là, sớm nhất 2 tháng nữa mới có kết quả đánh giá.

Còn phe bênh cho Nanogen trần tình: “Nanogen kiến nghị cấp phép khẩn cấp lên Thủ tướng là bởi biết trước Bộ Y tế không đồng ý. Vì trước đó, Nanogen gặp nhiều khó khăn với cơ chế “xin – cho” trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vaccine Nano Covax. Nếu không nói, cứ âm thầm bỏ tiền ra nghiên cứu khoa học, đầu tư sản xuất, thử nghiệm một loại vaccine mang tầm quốc tế tốn kém lắm, mà Bộ nói chỉ cấp phép khi thiếu vaccine, còn đủ vaccine không cấp phép, điều đó không hợp lý”.

Tôi không bàn chất lượng vaccine, chỉ bàn thái độ Nanogen “khi dễ” Bộ Y tế vì xưa nay chưa có tiền lệ! Nanogen bị dồn đến chân tường, một ăn hai thua, và thua là phần chắc!

Tôi rành cái “thủ tục hành hạ” các DN dược khi xin cấp số đăng ký thuốc lưu hành tại VN của các đời Cục trưởng Cục Quản lý dược, họ rất xem thường sinh mạng bênh nhân.

Ngày 14/4/1993, trên Báo Phụ Nữ TP.HCM, tôi viết bài “Vụ Quản lý Dược Bộ Y tế: “Cửa ngõ” nhập thuốc Tây dỏm?

Ảnh chụp màn hình

Đầu năm 1993, GS TS Nguyễn Trọng Nhân bộ trưởng Y tế cho thanh tra Vụ Quản lý Dược mới biết, từ năm 1992 trở về trước, Vụ QLD cấp số đăng ký “khống” cho 192 mặt hàng thuốc (không thông qua HĐ xét duyệt, hoặc không kiểm tra chất lượng tại VN, hay thuốc không có số đăng ký lưu hành tại nước sản xuất) tức là tỷ lệ “thuốc giả” được phép nhập chiếm tỷ lệ gần 13% (192/1.500 số đăng ký).

Bộ trưởng Nhân đình chỉ chức Vụ trưởng của DS Phan Văn Tín, chuyển hồ sơ sang Công an, thì trưa ngày 5/3/1993, Vụ trưởng Tín đã treo cổ chết tại nhà riêng…

Sau khi DS Tín tự xử, Công an không khởi tố 2 vụ phó là DS Tạ Ngọc Dũng và DS Phan Xuân Lễ về hành vi cấp số đăng ký lưu hành cho 192 mặt hàng thuốc giả vào VN.

Thư tuyệt mạng của DS Tín viết, ông giao cho DS Lễ phụ trách thu lệ phí, nhưng 8 tháng sau, Công an mới khởi tố DS Dũng về hành vi “không làm đầy đủ trách nhiệm trong việc thu lệ phí công ty của các công ty nước ngoài nhập khẩu thuốc, tổn thất 130.000 USD”.

Hơn 2 năm sau, ngày 19/4/1995, Công an đình chỉ điều tra DS Dũng, Bộ trưởng Nhân chỉ còn biết hối thúc Hội đồng kỷ luật họp xét kỷ luật DS Dũng và DS Lễ để răn đe, nhưng có “trát” ở trên (nguyên văn) yêu cầu ngưng xét kỷ luật, nên bộ trưởng Nhân giơ tay đầu hàng tham nhũng và từ chức vào tháng 10/1995.

GS Đỗ Nguyên Phương lên thay, thành lập Cục Quản lý Dược xóa Vụ Quản lý dược. Nhưng đổi tên để xả xui, Cục Quản lý dược vẫn là đám “kiêu binh”, càng về sau, các ông Cao Minh Quang, Trương Quốc Cường càng thăng chức như diều gặp gió, cứ ngồi ghế cục trưởng QLD đúng 3 năm là nhảy phóc lên ghế thứ trưởng phụ trách dược.

Tiền đông như quân nguyên, hai cục trưởng này bị các hãng dược tố cáo búa xua, chẳng ra cái giống ôn gì! Riêng thứ trưởng Cao Minh Quang cậy thế tố cáo ngược nội bộ, mượn tiền tỷ của hãng dược xài chơi, và chỉ đến khi bị UB Kiểm tra TƯ sờ gáy, mới bị thủ tướng Ba Dũng cách chức!

Vụ án thuốc ung thư giả là giọt nước tràn ly, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý dược Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Cho nên, Nanogen kiến nghị Thủ tướng mà bất chấp Bộ Y tế cũng là giọt nước tràn ly.

VIRUS KHÔNG BIẾT NGHE LỜI ĐẢNG

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 24-6-2021

Việc chống dịch Covid-19 tại Việt Nam vào cuối tháng 6/2021 rối như canh hẹ. Nồi canh hẹ này có vài gia vị tiêu biểu như sau:

Chính phủ gọi điện thoại khắp nơi trên thế giới xin trợ cấp thuốc ngừa, nhưng chưa có gì khả quan. Điều dễ hiểu là không phải các nước kia xấu bụng, mà họ không có dư để mà cho.

Nước Mỹ có tiềm lực dồi dào, đang hồi phục thì đâu thể … ưu tiên cho Việt Nam được, vì Mỹ cũng không quá dư thừa để đủ giúp các nước đồng minh, thì có đâu cho Việt Nam. Mình là cái gì của người ta đâu mà người ta ưu tiên?

Thuốc nội địa thì không tới đâu, vừa định lấp liếm cho qua truông thì bị báo chí phanh phui ghê quá, lại thụt vào.

Việc cách ly thì, cứ bật chỗ này, bung chỗ nọ, hoặc là đóng rồi mở như ở Gò Vấp, thành Hồ hồi đầu tháng 5/21.

Đóng cửa trị dịch thì không làm ăn được, dân nghèo thiếu đói, các doanh nghiệp không hoạt động được. Mà mở cửa thì dịch hoành hành, nên đóng không được, mà mở thì cũng không xong.

Đây là kết quả của việc điều hành quốc gia với phương châm chính trị là thống soái, thiếu sự suy luận hợp lý của những cái đầu bình thường. Nó cũng là lối suy nghĩ dựa trên chủ trương “bạo lực cách mạng”, đàn áp, độc quyền chân lý,… từ đó mất một cái nhìn toàn thể, không thể hiểu được sự việc một cách toàn cục, có gốc, có ngọn.

Khi dịch bệnh mới bắt đầu, dựa trên hệ thống toàn trị có sẵn, Hà Nội đạt được thành công trong việc chặn dịch. Từ thành công đó, dàn đồng ca chính trị từ thủ tướng cho tới các cư dân mạng “lề đảng”, lập tức la toáng lên, nào là “Việt Nam trên đà chiến thắng Covid-19”, nào là “lúc hoạn nạn mới biết đâu là cường quốc”, nào là người nước ngoài “hối tiếc vì năm ngoái đã vội rời Việt Nam”, và rằng, “nếu cột điện ở Mỹ biết đi, thì sẽ về Việt Nam”…


Biếm họa Việt Nam tự hào về chống dịch. Ảnh trên mạng

Không ai có thể phủ nhận hệ thống toàn trị của đảng Cộng sản Việt Nam rất hữu hiệu trong việc… đàn áp. Nhưng đàn áp đây là đàn áp bọn “phản động”, những người bất đồng chính kiến, đàn áp những công nhân đình công, nông dân đòi đất, còn virus thì lại không có chính kiến, nó vượt qua các chốt dân phòng, công an… dễ dàng. Các nhóm bất đồng chính kiến thì rất vất vả đễ tập hợp thêm người, trong khi virus thì nhân bản hàng triệu lần, chỉ trong vài giây!

Virus không cần lương công nhân, không cần đất nông dân. Virus không ngán “chuyên chính vô sản” lẫn “ba dòng thác cách mạng”, nó cũng không sợ “đấu tranh giai cấp” hay là “bạo lực cách mạng”, nó có thể tiến vào văn phòng trung ương đảng trong chớp mắt, cho dù đảng trưởng có tập hợp vài chục triệu dân, hô to “chống dịch như chống giặc”, cũng không thể chặn sự lây lan của nó!

Buồn cười nhất là khi đợt dịch thứ tư hiện nay nằm ngoài tầm kiểm soát, các cán bộ “hồng hơn chuyên” của Đảng bèn so sánh “dịch Covid-19 và ‘biến thể virus mới’ chống phá cách mạng Việt Nam” và rằng dịch đang dâng cao cũng đừng quá lo lắng, vì đó là lúc dịch đang “giãy chết”!

Lần giở những trang sử cộng sản từ lúc mới thành lập cho đến lúc chết yểu, chuyện chính trị hóa khoa học, có thể thấy, là điều không hiếm, và có thể nói đó là đặc trưng của các nhà cầm quyền cộng sản. Hai ví dụ rất rõ về  chuyện này ở hai nước cộng sản lớn nhất thế giới thuở trước:

1. Liên Xô có quan chức khoa học Trofim Lysenko, cho rằng, nhà sinh học Pháp Lamarck là chân lý. Ông Lamarck cho rằng các sinh vật có thể tập tành để thích nghi trong thời gian ngắn. Lysenko bác bỏ thuyết di truyền của Mendel. Các nhà khoa học Soviet nào theo thuyết di truyền đều bị trù dập, vì Lysenko được nhà độc tài đỏ Stalin ủng hộ hết mình. Soviet và nước Nga ngày nay, bị phương Tây bỏ xa về khoa học di truyền.

2. Còn Trung Quốc cộng sản có chiến dịch diệt chim sẻ của Mao Trạch Đông, bất chấp mọi lý lẽ khoa học, bất chấp mọi kiến thức về sinh thái con người có được đến thời điểm đó. Kết quả là, sau khi chim sẻ bị tiêu diệt, mùa màng trở nên thất bát vì sâu bọ phá hại.

Thật ra những kiểu “học phiệt” này của xã hội cộng sản xuất phát từ chính mô hình của nó, cho rằng xã hội con người có một “quy luật” bất di bất dịch. Khoa học dưới chế độ cộng sản được tiến hành trong những cái khuôn có sẵn và bị áp chế bởi những ý chí chính trị.

Khoa học Soviet và Trung Quốc không phải không đạt được những bước tiến, nhưng thường là nhờ một ý chí chính trị, dồn mọi nỗ lực của xã hội để làm một điều gì đó, bất kể tốn kém và những phi lý. Một cường quốc hạt nhân như Liên Xô lại không sản xuất được máy photo và giấy vệ sinh thì không đủ cho công dân mình dùng. Sự tốn kém trong việc chế tạo các thiết bị quân sự đã góp phần làm đế chế Soviet kiệt quệ và sụp đổ.

Sau 30 năm chấp nhận kinh tế thị trường, cuộc sống vật chất của người Việt có phần khá hơn, nhưng kiểu cách dùng ý chí chính trị để lấn át khoa học trong điều hành quốc gia, không thay đổi. Các chương trình chính trị, dù có giảm bớt, vẫn là bắt buộc trong trường đại học, ở cả những lĩnh vực khoa học thực nghiệm chẳng liên quan gì đến chính trị cả.

Cuối tháng trước, tôi có viết một bài đăng trên Tiếng Dân, trích lời một nhà triết học Pháp từng là cộng sản, ông Albert Camus, rằng “Muốn chống được dịch thì phải đàng hoàng”. Đàng hoàng ở đây rất đơn giản, đó là suy nghĩ một cách bình thường, chấp nhận những bài học vỡ lòng về khoa học, khoa học thực nghiệm, khoa học quản lý, khoa học xã hội, chấp nhận sự đa dạng.

Những người đang cai trị Việt Nam nếu tiếp tục không đàng hoàng, thì không những họ không chống dịch được, mà họ cũng sẽ không thể đưa nước Việt đi lên như nó xứng đáng được như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét