Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

20210614. QUANH CHỦ ĐỀ VACCINE C0VID-19

ĐIỂM BÁO MẠNG  

VACCINE KHÔNG PHẢI LÀ 'VIÊN ĐẠN BẠC' CHỐNG COVID-19

NGUYỄN VĂN TUẤN/ BVN 9-6-2021

Đó là nhận định của một viên chức thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) [1], và tôi đồng ý. Mục đích chính của các vaccine hiện nay là phòng ngừa người bị nhiễm bị bệnh nặng, chớ không phải ngăn ngừa lây nhiễm. Phương tiện ngăn ngừa lây nhiễm hữu hiệu nhứt là hạn chế tụ tập.
Hiệu quả của vaccine

Việt Nam hiện nay đang có chủ trương mua vaccine từ nhiều nguồn, kể cả từ Tàu. Câu hỏi đặt ra là các vaccine này có hiệu quả ra sao, và có thể so sánh để có một cái nhìn tổng quan? Cách thức để đánh giá hiệu quả (efficacy) của vaccine là qua các nghiên cứu RCT, so sánh xác suất bị nhiễm ở người được tiêm và người không được tiêm. Trong thực tế thì các vaccine được lưu hành hiện nay đều đã qua thử nghiệm RCT, và tôi có thể tóm tắt hiệu quả của các vaccine đó như sau:
• Pfizer/BioNtech vaccine: 95% [2]
• Sinovac (Tàu): 50% [3]
• Johnson & Johnson: 72% [4]
• Moderna (Mĩ): 94% [5]
• Oxford/AstraZeneca (AZ): 70% [6]
• Novavax: 86% với biến thể B.1.1.7 và 55% với B.1.351 [7].


Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy vaccine của Tàu có hiệu quả thấp nhứt so với các vaccine phương Tây.

Có lẽ các bạn hỏi 'còn vaccine Nga thì sao?'. Xin thưa là số liệu của vaccine Nga công bố trên Lancet được đánh giá là không đáng tin cậy vì có khá nhiều điều bất thường và khó giải thích và kém minh bạch. Vì thế, trong y giới phương Tây, vaccine của Nga ít khi được đề cập đến.

Không có mô tả ảnh.

Độ hữu hiệu của vaccine

Ở trên là tôi mô tả về hiệu quả = efficacy, còn mức độ hữu hiệu = effectiveness thì sao? Các bạn ngoài ngành y có thể không phân biệt hai khái niệm hiệu quả và hữu hiệu.

Hiệu quả là thước đo tác dụng của vaccine trong các nghiên cứu có kiểm soát (như RCT chẳng hạn), tức là trong môi trường mà bệnh nhân được chọn lọc cẩn thận và theo dõi tốt. Còn hữu hiệu là thước đo về tác dụng của vaccine sau khi đã được triển khai trong cộng đồng, nơi mà nhà nghiên cứu không kiểm soát được và cũng khó theo dõi các cá nhân dùng vaccine. Tóm lại, hiệu quả là trong thử nghiệm, hữu hiệu là trong triển khai. Đối với người làm chính sách, chỉ số hữu hiệu quan trọng hơn chỉ số hiệu quả.
Hiện nay, chúng ta rất thiếu những dữ liệu về hữu hiệu của vaccine trong cộng đồng, bởi vì chỉ có một số ít quốc gia triển khai vaccine trong cộng đồng. Các nước triển khai vaccine khá sớm là Anh và Do Thái. Do đó, dữ liệu sơ khởi ở 2 nước này có thể cung cấp cho chúng ta một bức tranh tổng quát về sự hữu hiệu của vaccine.
Anh: theo một phân tích công bố vào tháng 4 thì trong số 365.000 hộ gia đình, một số được tiêm vaccine và một số chưa tiêm, thì vaccine Pfizer hoặc AZ giảm xác suất lây nhiễm khoảng 40 - 60% (trung bình 50%) [8]. Con số này có nghĩa là nếu một người bị nhiễm sau khi được tiêm vaccine, xác suất mà người đó sẽ lây cho người khác là ~50% thấp hơn người không được tiêm vaccine.
Một câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: nếu một người bị nhiễm và được tiêm vaccine thì xác suất mà người đó bị nhiễm lần nữa là bao nhiêu? Thuật ngữ dịch tễ học gọi những ca này (tái nhiễm) là 'breakthrough infection' hay 'nhiễm đột phá.'
Do Thái: một phân tích khác ở Do Thái phát hiện gần 5000 nhiễm đột phá ở những người đã được tiêm vaccine Pfizer [9].
Như có thể thấy qua các phân tích về sự hữu hiệu, vaccine không có tác dụng ngăn ngừa 100% các ca lây nhiễm. Độ hữu hiệu thấp hơn nhiều hiệu quả lúc thử nghiệm.
Tiêm vaccine cũng không có nghĩa là sẽ không bị lây nhiễm, và như nghiên cứu ở Do Thái cho thấy có gần 5000 người bị nhiễm đột phá là điều đáng quan tâm.
Hai kết quả trên tái xác định rằng vaccine tuy rất quan trọng, nhưng nó không phải là viên đạn bạc để chống virus Vũ Hán.
Kinh nghiệm ở Úc cho thấy chống dịch hữu hiệu nhứt vẫn phải dựa vào các phương cách y tế công cộng.

Các phương cách này bao gồm đóng cửa biên giới, giới hạn giao thông công cộng (xe điện, bus), lockdown toàn quốc, hạn chế tụ tập dưới 50 người, v.v.

Trong tất cả các phương cách này, khoa học chỉ ra rằng giới hạn tụ tập và hạn chế đi lại ở những vùng có ổ dịch là hữu hiệu nhứt. 'Giới hạn' ở đây có nghĩa là trong một thời gian nhứt định. Ví dụ như khi ổ dịch ở Manly xảy ra, các giới chức y tế chỉ hạn chế đi lại khu vực đó khoảng 1 tuần, chớ không phải lâu dài. Dĩ nhiên, khi vaccine được triển khai cho chừng 70% dân số thì các biện pháp y tế công cộng sẽ giảm đến mức tối thiểu.

____
[1] https://www.who.int/.../covid-19-vaccines-offer-hope-but...
[2] https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/nejmoa2034577
[3] https://www.nature.com/articles/d41586-021-00094-z
[4] https://www.nytimes.com/.../johnson-johnson-covid-vaccine...
[5] https://www.cdc.gov/.../different-vaccines/Moderna.html
[6] https://tuanvnguyen.medium.com/vaccine-efficacy-beyond...
[7] https://ir.novavax.com/.../novavax-confirms-high-levels...
[8] https://khub.net/.../35bf4bb1-6ade-d3eb-a39e-9c9b25a8122a...
[9] https://www.nature.com/articles/s41591-021-01316-7

GS Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn: FB Nguyen Tuan

TẠI SAO PHƯƠNG TÂY NGHI NGỜ VACCINE TẦU VÀ NGA

NGUYỄN VĂN TUẤN/ BVN 13-6-2021

Dư luận trong nước có vẻ rất quan tâm đến vaccine của Tàu. Có người viết thẳng là 'Nói không với vaccine Tàu'! Dù những người quan tâm đó không biết nhiều về vaccine và khoa học, nhưng mối quan tâm của họ có lí do. Cái note này sẽ giải thích tại sao vaccine Tàu và Nga không được đánh giá cao.

Sự hoài nghi vaccine của Nga và Tàu

Tại sao người Việt nghi ngờ vaccine của Tàu? Một bài viết của tác giả PĐT, 'Nói không với vaccine Sinopharm, Sinovac China', nêu lên vài lý do chánh trị hơn là khoa học. Người ta đánh đồng hàng hoá của Tàu thường dỏm, và vaccine chắc cũng vậy (dù chưa có bằng chứng). Vả lại, người Việt không tin những kẻ cầm quyền ở phương Bắc vì họ thường có dã tâm xâm chiếm Việt Nam và tiêu diệt dân tộc Việt.

Tóm lại, người Việt không tin vaccine Tàu là vì lý do chánh trị, lịch sử, và ... cảm tính.

Nhưng không phải chỉ người Việt Nam, ở phương Tây người dân cũng nghi ngờ vaccine của Nga và Tàu. Một điều tra của YouGov gần đây hỏi 19.000 người từ 17 quốc gia cho thấy vaccine của các nước Nga, Tàu, Ấn Độ, và Iran được điểm âm (tức không thích hay nghi ngờ), nhưng họ thấy 'thoải mái' với vaccine sản xuất từ Đức, Canada, Anh, Úc, Pháp, và Mỹ [1].

Kết quả thăm dò ý kiến của người dân từ các nước như Ấn Độ, Mễ Tây Cơ, Nam Dương, Singapore, Tây Ban Nha, v.v. (cộ) về niềm tin vào vaccine do các nước sản xuất (dòng). Những ô màu xanh thể hiện sự tin tưởng của người dân. Ví dụ như người Ấn Độ (cột 1) tin tưởng vào vaccine từ Ấn Độ, Đức, Canada, Mĩ, Úc, Pháp, Anh, v.v. Những ô màu hồng có nghĩa là kém tin tưởng. Ví dụ như người Đức (cột sau cùng) rất không tin vào vaccine từ Nga, Ấn Độ, Tàu và Iran.

Điều thú vị là ngay cả người Nga cũng miễn cưỡng với vaccine do Nga sản xuất. Theo một nguồn tin, khi giới chức Nga tuyên bố rằng họ sẽ tiêm vaccine Nga (gọi là 'Sputnik V') ở một trung tâm y tế địa phương, chỉ có 28% người Nga chịu tiêm vaccine [2].

Nhưng ở Mỹ có một tờ báo ủng hộ vaccine của Nga: đó là tờ New York Time. (Các bạn có lẽ còn nhớ đây cũng là tờ báo chống Trump một cách điên dại và bẩn thỉu nhứt). Họ chạy một tựa đề rất khẳng định: 'It’s Time to Trust China’s and Russia’s Vaccines' (Đã đến lúc tin tưởng vào vaccine của Tàu và Nga) [3]. Theo New York Time thì các thử nghiệm vaccine Tàu ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập, Nam Mỹ cho thấy hiệu quả Sinovac (vaccine của Tàu) cũng cao như vaccine ở các nước phương Tây. Nhưng dĩ nhiên, New York Time không có chuyên gia và thì giờ để phân tích sự hợp lý của những con số hiệu quả đó.

Lý do khoa học

Theo dõi những nghiên cứu từ Nga và Tàu liên quan đến vaccine Covid-19, tôi thấy giới khoa học phương Tây không 'mặn mà' với vaccine từ 2 nước này là do 2 yếu tố:

• phương pháp khoa học

• minh bạch dữ liệu

Chính 2 yếu tố này làm cho giới khoa học phương Tây dè dặt với những nghiên cứu đến từ Nga, và một phần nào đó, từ Tàu.

Về phương pháp khoa học, các bạn ngoài khoa học nghĩ rằng nghiên cứu ở đâu cũng phải tuân thủ theo các nguyên tắc và phương pháp khoa học. Nhưng trong thực tế thì không phải như vậy. Rất rất nhiều nghiên cứu dù mang tiếng là 'khoa học', nhưng thật ra chẳng có giá trị khoa học gì cả, vì họ làm sai hay không đúng quy trình.

Ví dụ như nghiên cứu về vaccine (hay bất cứ thuốc nào) đều phải đi từ nghiên cứu cơ bản, thử nghiệm trên chuột, thử nghiệm trên người giai đoạn I, II và III. Mỗi nghiên cứu phải tuân theo các phương pháp chọn đối tượng, ngẫu nhiên hoá, đo lường, phân tích dữ liệu, v.v. Nhưng các nghiên cứu về vaccine từ Nga đều có vấn đề về phương pháp. Chẳng ai biết họ theo dõi bệnh nhân như thế nào, nên những kết quả họ báo cáo rất khó diễn giải.

Chẳng hạn như cách họ chọn mẫu và số lượng cỡ mẫu quá thấp để có thể đánh giá đầy đủ về hiệu quả của vaccine ở giai đoạn I và II. Ngay cả dữ liệu ở giai đoạn III cũng không nhứt quán và nêu lên nhiều câu hỏi hơn là cho ra những câu trả lời. Các bạn có thể đọc những bình luận của 37 nhà khoa học chất vấn dữ liệu của Nga để thấy vấn đề [4-6]. Những phân tích thống kê của họ càng nêu lên nhiều câu hỏi về ảnh hưởng tương tác [5].

Dữ liệu của mỗi bước nghiên cứu như thế phải được công bố trên các tập san khoa học để đồng nghiệp xem xét và đánh giá. Theo chuẩn mực hiện nay, bất cứ nhà nghiên cứu nào công bố một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đều phải công bố cả dữ liệu gốc (dữ liệu thô) kèm theo những mã máy tính dùng cho phân tích thống kê.

Với dữ liệu và mã máy tính, các nhà khoa học độc lập trên thế giới có thể phân tích lại và xác định kết quả của tác giả đúng hay sai. Các dữ liệu nghiên cứu về vaccine của Đức, Mỹ, Anh đều được công bố để giới khoa học có thể xem xét.

Nhưng khi các nhà khoa học yêu cầu nhóm nghiên cứu Nga cung cấp dữ liệu gốc thì họ ... từ chối. Họ (nhóm nghiên cứu) nói rằng cần phải qua sự phê chuẩn của bộ phận an ninh nào đó! Sự can thiệp của an ninh vào dữ liệu khoa học là điều rất lạ lùng đối với giới khoa học phương Tây. Sự từ chối của Nga là một tín hiệu cho thấy có thể họ không tự tin về phương pháp khoa học và chất lượng dữ liệu?

Còn vaccine của Tàu thì sao? Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của họ. Vào cuối năm 2020, chánh phủ Tàu tuyên bố rằng họ đã phân phối vaccine do Tàu sản xuất cho 1 triệu người. Nhưng điều đáng nói là cho đến lúc đó, thế giới hoàn toàn không thấy bất cứ một bài báo khoa học nào từ Tàu về bào chế vaccine! Chưa ai được tiếp xúc với dữ liệu về vaccine của Tàu.

Tất cả chúng ta biết về vaccine Tàu chỉ qua những bài báo phổ thông. Lúc thì họ nói hiệu quả của vaccine là 79%, lúc thì 86% (thử nghiệm từ một nhóm 20.000 người Ả Rập), nhưng các nhà phân tích xem xét lại thì chỉ 51% (thử nghiệm ở Ba Tây). Con số 51% cũng rất thú vị, vì nó chỉ trên 50%, và 50% là ngưỡng để Tổ chức Y tế Thế giới phê chuẩn!

Vaccine Tàu lúc nào cũng gây nghi ngờ, vì sự kém minh bạch trong nghiên cứu khoa học và bào chế. https://www.abc.net.au/.../why-is-the-west-so.../100026036

Có vẻ Tàu và Nga làm nghiên cứu khoa học theo kiểu ... Tàu. Trước đây Nga cũng vậy, họ tuyên bố vaccine do họ sản xuất có hiệu quả cao, nhưng chẳng ai thấy dữ liệu ra sao. Hai nước này có khi làm khoa học không theo chuẩn mực khoa học quốc tế.

Tin giả và tuyên truyền

Theo báo cáo của Liên minh Âu châu (EU), Nga và Tàu huy động hệ thống truyền thông quốc doanh tung ra những tin giả liên quan đến ảnh hưởng phụ của vaccine các nước phương Tây [2]. Họ giả tạo dữ liệu, nguỵ tạo thông tin để gây nghi ngờ về hiệu quả các vaccine do Đức, Mỹ, Anh sản xuất. Họ đặc biệt xoáy vào những ca tử vong sau khi tiêm vaccine và lợi dụng sự kém hiểu biết về khoa học của công chúng để gây hoang mang.

Họ dùng các trạm trực tuyến của nhiều ngôn ngữ để 'nói xấu' vaccine của các nước phương Tây. Rất có thể có cả tiếng Việt vì cũng có vài trạm internet tiếng Việt có cảm tình với Nga.

Nói chung, những người từ các quốc gia đó, kể cả khối XHCN cũ, thường có những lời tuyên bố không nhứt quán với việc làm thực tế. Họ thường ăn nói – nói theo dân miền Nam – là 'lắt léo', lươn lẹo, nói vậy mà không phải vậy! Và, cái bệnh lắt léo đó nó lan truyền sang khoa học, và nước bị ảnh hưởng nặng nề là Nga hơn là Tàu.

Quay lại hiện tượng người Việt không thích vaccine Tàu, dù có vẻ cảm tính, nhưng hoá ra cảm tính đó khá phù hợp với khoa học. Trong khoa học, phương pháp khoa học và minh bạch dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao niềm tin của đồng nghiệp và công chúng. Cả hai yếu tố này đều, công bằng mà nói, thiếu ở Nga và Tàu. Và, đó chính là lý do mà giới khoa học phương Tây nghi ngờ các vaccine từ Nga và Tàu.

Cho đến nay, vaccine của hai nước này không được phê chuẩn ở các nước như Mỹ, Anh, EU và Úc, và trong tương lai cũng khó được phê chuẩn vì sự kém minh bạch trong khoa học. Điều này cũng áp dụng cho vaccine Việt Nam.

_______

[1] https://yougov.co.uk/.../how-much-difference-does-it-make...

[2] https://www.scmp.com/.../coronavirus-china-and-russia-sow...

[3] https://www.nytimes.com/.../covid-vaccines-china-russia.html

[4] https://cattiviscienziati.com/2020/09/07/note-of-concern

[5] https://www.bmj.com/content/372/bmj.n743/rr-1

[6] https://www.nature.com/articles/d41586-020-02619-4

Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn: FB Nguyen Tuan

CHUYÊN GIA NÓI VỀ SINOPHARM VÀ SINOVAC- VẮC XIN SỬ DỤNG VIRUS BẤT HOẠT & GIẢM ĐỘNG LỰC

VŨ KIM HẠNH/ BVN 10-6-2021


GS BS TRẦN TỊNH HIỀN*

*Giáo sư Trần Tịnh Hiền tốt nghiệp Tiến sĩ ĐH Oxford về Nghiên cứu Lâm sàng. Dạy học về bệnh truyền nhiễm tại ĐH này. Làm việc tại BV Nhiệt Đới TPHCM từ 1978 và được bổ nhiệm Phó giám đốc BV này năm 1989.

Năm 2001, GS. Bác sĩ Trần Tịnh Hiền được bổ nhiệm làm thành viên Nhóm Cố vấn Kỹ thuật của WHO về Liệu pháp Phối hợp Artemisinin.

Sau đó, ông làm Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Lâm sàng về Bệnh Nhiệt đới của Đại học Oxford đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam (Trung tâm Y học Nhiệt đới Đại học Oxford, được tài trợ bởi Wellcome Trust (2010-2015).

Hiện nay, ông tiếp tục công việc nghiên cứu ở nước ngoài.

Nhiều bạn inbox hỏi thông tin về Sinopharm và Sinovac. Và cũng thấy thông tin tin cậy về 2 loại văc xin này là cần, tôi nhờ nhà báo chuyên về y học là Phan Sơn hỏi GS Trần Tịnh Hiền, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và nghiên cứu lâm sàng. Ông vừa có bài trên trang FB của ông. Tôi xin đăng nguyên văn ở đây, có bổ sung thông tin về hoạt động nghề nghiệp của ông. Và tôi cũng tóm dịch luôn bài trên The Washington Post mà giáo sư đề cập ở cuối bài để các bạn tham khảo. Mời đọc bài GS. BS Trần Tịnh Hiền dưới đây.

Sử dụng toàn bộ hay một phần virus gây bệnh để làm vắc-xin gọi là vắc-xin nguyên virus (whole virus vaccine). Đây là phương pháp chế tạo vắc-xin truyền thống và nhiều vắc-xin hiện nay đã được sản xuất theo công nghệ này. Có hai cách để làm vắc-xin toàn bộ virus: bất hoạt (inactivated) và giảm độc lực (live attenuated).

Trong công nghệ bất hoạt, virus bị tiêu diệt hay biến đổi để không còn có thể nhân lên được và do đó không thể gây bệnh được. Vắc-xin bất hoạt có thể sử dụng cho những người suy giảm miễn dịch.

Trong vắc-xin giảm độc lực thì virus bị làm yếu đi tuy nhiên vẫn còn sống và tạo miễn dịch mạnh. Nhưng những người có vấn đề về hệ miễn dịch không thể sử dụng loại vắc-xin này được.

Vắc-xin covid-19 bất hoạt

Công ty Dược phẩm Nhà nước Sinopharm của Trung Quốc phát triển vắc-xin bất hoạt COVID-19 có tên là BBIBP-CorV, cộng tác với Viện Sinh Phẩm Bắc Kinh để nghiên cứu virus từ 3 bệnh nhân sau đó chọn 1 chủng làm vắc-xin. Họ nuôi cấy trên tế bào rồi sử dụng chất beta-propriolactone để bất hoạt virus làm cho chúng không phát triển nữa.

Một công ty tư nhân khác là Sinovac thì làm vắc-xin CoronaVac. Công ty này lấy virus từ các bệnh nhân ở Trung Quốc, Anh, Ý và Thuỵ Sĩ cuối cùng chọn virus ở Trung Quốc. làm nền tảng. Họ nuôi cấy virus với số lượng lớn trên tế bào thận khỉ và bất hoạt chúng cũng bằng beta-propriolactone.

Cả hai công ty đều sử dụng aluminum hydroxide làm chất phụ gia để gia tăng kích thích tính miễn dịch. Vaccine Covaxin còn sử dụng thêm một phụ gia khác là một phân tử có tên là TLR “Toll-like receptor (TLR) 7/8 agonist – các phân tử này hoạt hoá các tế bào trình diện kháng nguyên (antigen-presenting cell) do đó kích hoạt cả hệ miễn dịch dịch thể cũng như miễn dịch tế bào, đặc biệt là các tế bào lymphô Th1.

Vắc -xin covid-19 giảm độc lực

Hiện chưa có vắc-xin chống covid loại giảm độc lực. Có một số nghiên cứu trên những dòng có tiềm năng như A50-18 của SARS-CoV-2. Nghiên cứu thăm dò trên khoảng 650 mảng virus tìm thấy 4 đột biến nhạy cảm nhiệt (temprature-sensitive), chỉ có tác dụng gây bệnh tế bào ở nhiệt độ 32°C, nhưng lại không có tác dụng gì ở nhiệt độ 37°C. Khi cho chuột lang Syria nhiễm virus này thì không gây tổn thương phổi hay giảm cân như dòng virus hoang dại nhưng sau đó lại chuột có miễn dịch chống lại SARS-CoV-2. Từ nghiên cứu này các nhà nghiên cứu hy vọng chế tạo được vắc-xin Covid qua đường mũi... Vắc xin giảm độc lực tạo miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài hơn vắc xin bất hoạt. Điều chưa biết rõ là sự đảo ngược độc lực có xảy ra không và nhất là trên người suy giảm miễn dịch bệnh lý.

Cho đến giờ này tác dụng thật sự của 2 loại vắc-xin bất hoạt từ Trung Quốc vẫn còn gây nhiều tranh luận. Từ Trung Đông như Bahrain, UAE qua Nam Mỹ như Chile và Uruguay, đến Châu Phi như Seychelles, nhiều nước đã triển khai tiêm chủng bằng các vắc-xin từ Trung Quốc, hiện đang bị các đợt bùng phát dịch nặng...

Ngày 4-6-2021 tờ Washington Post chạy tít “Niềm Hy Vọng Lớn của Trung Quốc, SinoPharm, đang thấy sự nổi tiếng của mình mờ dần giữa các đỉnh Covid ở những nước đã sử dụng vaccine này” (China’s great vaccine hope, Sinopharm, sees reputation darkened amid covid spikes in countries using it). Đấy là một tiếng chuông cảnh tỉnh!


CÓ NÊN LẬP QUỸ VACCINE PHÒNG COVID-19 ?

VŨ THÀNH TỰ ANH/ TD 8-6-2021

Việc Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam (Quỹ) tạo ra cả sự ủng hộ lẫn phản đối. Câu hỏi quan trọng là việc thành lập Quỹ có cơ sở hay không, và nếu có thì cơ sở đó là gì?

Trong các xã hội hiện đại, nhà nước có vai trò đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân, và hiển nhiên trong bối cảnh đại dịch, vai trò này của nhà nước cần kíp hơn bao giờ hết.

Từ góc nhìn này, việc Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 là một sự thừa nhận rằng ngân sách quốc gia hiện nay không đủ để trang trải chi phí mua, sản xuất và triển khai tiêm chủng vaccine. Nói theo ngôn ngữ kinh tế học, đây là biểu hiện của “thất bại chính phủ” (government failure) về mặt ngân sách.

Câu hỏi đặt ra là vậy cách thức sửa chữa “thất bại chính phủ” nên như thế nào?

Cách thứ nhất, đáng lẽ phải được thực hiện từ giờ này năm ngoái, là chuẩn bị trước ngân sách để có thể chủ động triển khai kế hoạch vaccine. Đáng tiếc là trong dự toán ngân sách nhà nước 2021, không hề có khoản nào dành cho vaccine. Cũng cần nói thêm là trong dự toán ngân sách 2021 có 20.611 tỷ đồng dành cho chi thường xuyên các lĩnh vực y tế, dân số và gia đình, nhưng theo luật, không thể lấy ngân sách này để mua hay sản xuất vaccine được.

Cách thứ hai là phát hành trái phiếu. Điều này gặp phải khó khăn là trong kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2021 cũng không có khoản nào dành cho vaccine. Tất nhiên Chính phủ vẫn có thể bổ sung kế hoạch phát hành nợ, song quy trình này sẽ mất thời gian, hơn nữa việc sử dụng nợ công có những ràng buộc nhất định, và do vậy có thể không đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt.

Cách thứ ba là trông chờ vào sự giúp đỡ của bên ngoài, cả đa phương và song phương. Trong bối cảnh vaccine đã trở thành hàng hóa chiến lược và đối ngoại thì triển vọng của phương thức này vô cùng mong manh, vì vậy hoàn toàn không thể dựa vào được.

Cách thứ 4, cách mà Chính phủ đang làm, là hình thành quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để huy động các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của xã hội, chủ yếu từ doanh nghiệp và người dân. Theo một nghĩa nào đó, Chính phủ sửa chữa “thất bại ngân sách” bằng phương thức xã hội hóa.

Tất nhiên, “xã hội hóa” không phải là giải pháp duy nhất. Tháng 5 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra quyết nghị sử dụng 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có thể sử dụng ngân sách dự phòng (17.500 tỷ đồng) hay ngân sách vượt thu cho nhiệm vụ này (một thực tế “thú vị” là trong năm 2020, mặc dù kinh tế suy giảm nặng nề nhưng ngân sách nhà nước vẫn vượt thu 9,1% so với dự toán ?!)

Nói tóm lại, việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 là nỗ lực sửa chữa thất bại ngân sách bằng phương thức xã hội hóa. Việc hình thành quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giúp Chính phủ “rộng tay” mua, sản xuất và triển khai tiêm chủng vaccine với tốc độ nhanh nhất. Tuy nhiên, điều này cũng hàm chứa nhiều rủi ro, vì vậy cần phải được thực hiện với đầy đủ sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để tránh đi vào vết xe đổ của máy trợ thở trước đây.

Vũ Thành Tự Anh

XIN TIỀN MUA VẮC-XIN , CHÍ PHỦ 'VÌ DÂN' HAY 'VÒI DÂN'?

NGUYỄN HÙNG/ Blog VOA/ TD 11-6-2021

Giữa lúc các ca lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam lên tới nhiều ngàn, chính quyền đang cố gắng xin xỏ người dân, doanh nghiệp và bất cứ ai có tiền đóng góp cho quỹ mua vắc-xin.

Dù những người ủng hộ chính quyền sẵn sàng bao biện cho các quan chức mỗi khi có ý kiến nói Hà Nội chậm trễ trong việc mua và tiêm vắc-xin bảo vệ sức khoẻ cho người dân, các số liệu cho thấy Việt Nam chậm hơn các láng giềng ASEAN ở Đông Nam Á chứ chưa so với các nước đã tiêm được vắc-xin cho quá nửa số người lớn như Anh Quốc.

Theo một bài báo từ Malaysia, nước này đã tiêm xong hai mũi vắc-xin cho 3,5% dân số và 6,2% dân được tiêm một mũi tính tới đầu tháng Sáu so với con số 1,1% dân số mới được tiêm mũi đầu tiên ở Việt Nam.

Ngay tại nước rối loạn xã hội nghiêm trọng như Myanmar, số người được tiêm hai mũi vắc xin tính tới đầu tháng Sáu cũng là 2,3%, kém con số 3,9% của Indonesia nhưng nhiều hơn 1,6% của Thái Lan và 1,1% của Philippines.

Vậy nên có thể khẳng định Việt Nam không có những cố gắng đúng mức và đúng lúc để có vắc-xin sớm nhất có thể.

Lý do có thể là còn mải mê lo chuyện ghế ở Đại hội đảng, Quốc hội hoặc chủ quan cho rằng ta chống dịch giỏi thì chưa vội gì phải nghĩ tới vắc-xin. Thậm chí có người còn nói vì Việt Nam chống dịch giỏi quá nên các hãng sản xuất vắc-xin không ưu tiên.

Riêng chuyện phải tới bây giờ chính quyền mới đi xin tiền để mua vắc-xin cũng cho thấy họ không ý thức được chuyện cần tiêm vắc-xin sớm cho dân để xã hội có thể hoạt động bình thường.

Để so sánh với chuyện Việt Nam quyên tiền tiêu, Anh đã tiêu và cam kết cả trăm tỷ bảng trả tiền cho người lao động ngồi nhà và hỗ trợ cho người khó khăn tính tới hết tháng 9/2021, chưa kể tiền mua vắc-xin về tiêm hoàn toàn miễn phí cho dân. Còn tại Việt Nam, có nơi còn ra công văn chính thức yêu cầu đóng góp tiền rồi lại thu hồi công văn. Thật chẳng phải chính phủ vì dân mà là chính phủ vòi dân.

Nếu các quan chức Việt Nam luôn khiêm nhường và không tự vỗ ngực “Việt Nam đã bao giờ được như thế này chưa” và rằng khối nơi trên thế giới không bằng Việt Nam thì có thể hiểu được khi họ ngửa tay xin tiền mua vắc-xin.

Nhưng không, họ luôn ngạo nghễ bất chấp chuyện ném nhiều ngàn tỷ đồng tiền thuế thu của dân xuống sông xuống bể trong các vụ thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước, chưa kể những khoản khổng lồ từ ngân sách mất đi vì tham nhũng.

Chỉ riêng số lỗ ở Vinashin cách đây nhiều năm, chừng 13.500 tỷ đồng, cũng đã gần bằng một nửa số tiền trên 25.000 tỷ đồng Hà Nội ước tính họ cần để mua 150 triệu liều vắc-xin về tiêm cho khoảng 75 triệu số người lớn.

Còn gần đây hơn, khoản đội vốn ở tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, vốn đã chậm tiến độ nhiều năm và có những người dân tuyên bố sẽ không bao giờ dám đi, cũng đã đủ để mua chừng 60 triệu liều vắc-xin.

Với cách vận hành nặng về tiền và quan hệ như ở Việt Nam, việc phân phối vắc-xin cũng khó đảm bảo công bằng. Những người nhiều tiền, nhiều quan hệ có nhiều khả năng được tiêm vắc-xin sớm hơn kể cả khi rủi ro của họ không bằng những người nghèo hơn.

Nhìn vào con số thống kê của Ngân hàng Thế giới WB, thực tế người nghèo ở Việt Nam ngày càng bị bỏ lại sau dù đất nước có khấm khá lên.

Tổng thu nhập của 20% người nghèo nhất xã hội Việt Nam chiếm 7,8% tổng thu nhập quốc gia hồi năm 1990. Tới năm 2018 con số này chỉ còn 6,7%. Trong khi đó con số để so sánh của Thái Lan hồi năm 1990 là 5,9% và hồi năm 2018 là 7,2%.

Một vấn đề khác ở Việt Nam là người dân có thể bị chính quyền vào nhà bắn chết mà chẳng có ai có quyền đòi hỏi phải điều tra như trong vụ hạ sát đảng viên lâu năm Lê Đình Kình. Ở Anh ngay cả khi đã biết là khủng bố mười mươi, chứ không phải vu oan, người ta vẫn phải điều tra mỗi khi có vụ cảnh sát bắn chết người để đảm bảo những người được dân nuôi và trả tiền mua súng không lạm dụng quyền lực như báo vừa đưa hôm 10/6.

Thật không hiểu tính ưu việt mang tên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nằm ở đâu?

N.H. Blog VOA

BÀI TOÁN QUAN TRỌNG CỦA CHÍNH PHỦ: TỐC ĐỘ TIÊM VẮC XIN

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 13-6-2021

1. Cần bao nhiêu thời gian để tiêm vaccine cho 75 triệu dân?

Bộ Y tế cho biết đã có tổng cộng 150 triệu liều vaccine trong năm 2021 để tiêm cho 75 triệu dân, nhằm đạt mục đích miễn dịch cộng đồng. Theo dữ liệu nguồn cung cấp cụ thể, thì hiện nay mới thấy được 125 triệu liều. Bao gồm: 5 triệu Moderna, 20 triệu Sputnik V, 30 triệu Atrazeneca, 31 triệu Pfizer, 38,9 triệu từ nguồn Covax.

Thực tế cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam có được 2.493.600 liều vaccine của Covax cung cấp. Trong đó 811.200 liều nhận ngày 01/4/2021 và 1.682.400 liều nhận ngày 16/5/2021. Sắp tới có về thêm cũng chỉ đợi chờ vào Covax. Nguồn vaccine của AtraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik V mà Bộ Y tế đàm phán trực tiếp phải chờ đến quý IV năm 2021, nếu được giao đúng lịch.

Ngay sau khi Chính phủ cho phép các doanh nghiệp tìm nguồn vaccine, thì Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đầu tiên trên cả nước thông báo nhập được 2,2 triệu liều vaccine Covid-19 do doanh nghiệp cung cấp. Trong đó: gồm 200.000 liều Pfizer với giá khoảng 917.000 đồng/liều, nhận hàng sau 7 ngày; và 2 triệu liều AtraZeneca với giá 335.808 đồng/liều, nhận hàng 4 tuần. Hy vọng các doanh nghiệp ở các tỉnh thành khác cũng sẽ tham gia, sớm đưa được nhiều nguồn vaccine về Việt Nam.

Có thể là hình ảnh về văn bản

Theo dữ liệu của tổ chức ‘Thế giới chúng ta trong con số’ (our world in data) thì đến ngày 04/6/2021, số người Việt Nam tiêm đủ 2 liều vaccine mới có 42.115 người.

Theo tin của Unicef Việt Nam, thì sau khi lô hàng vaccine đầu tiên về Việt nam cho đến ngày 16/5/2021 đã có 876.340 người được tiêm vaccine tính theo lượt tiêm.

Như vậy bình quân một ngày có không quá 20.000 người được tiêm vaccine (https://www.unicef.org/.../vi%E1%BB%87t-nam-nh%E1%BA%ADn...).

Tiêm vaccine phòng chống covid liên quan đến phản sốc tự vệ và các biến chứng, nên phải có điều kiện phòng ngừa trước, không phải ai cũng tiêm được và nơi nào cũng tiêm được. Chẳng hạn như ở Đức, chỉ có các bác sĩ mới được tiêm.

Tốc độ tiêm hiện nay là 20.000 người/ngày thì cần 7.500 ngày, nghĩa là 20 năm để tiêm hết cho 75 triệu dân, và cần 26,6 năm để tiêm hết cho 100 triệu dân.

Theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành, khả năng tiêm vaccine của Việt Nam hiện nay, nếu không có biện pháp huy động, chỉ đạt 100.000 người/ngày. Như vậy với tốc độ 100.000 người/ ngày thì cần 1.500 ngày tức là 4,1 năm để tiêm hết cho 75 triệu dân, cần 2.000 ngày tức là gần 5 năm rưỡi để tiêm hết cho 100 triệu dân. Đó là điều không thể chấp nhận.

2. Điểm tiêm vaccine phải nhiều hơn điểm bỏ phiếu bầu cử

Một ngày hoạt động có thu nhập quốc dân khoảng 1 tỷ USD. Miễn dịch cộng đồng sớm ngày nào là đỡ tổn thất ngày ấy.

Chỉ nội trong 1 ngày 23/5/2021 mà đã có 69 triệu cử tri đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khoá 15. Nếu học tập tinh thần bầu cử, cả hệ thống chính trị vào cuộc, dùng nguồn tài chính và con người như bầu cử - thì việc rút ngắn thời gian tiêm vaccine là điều không khó.

Xin đề xuất một số gợi ý để tham khảo.

1/ Thiết lập các điểm tiêm vaccine Covid-19 khắp các phường xã. Mỗi phường xã có nhiều địa điểm tiêm vaccine Covid-19. Để tham khảo, chẳng hạn, số lượng điểm tiêm vaccine Covid -19 trong mỗi phường xã ngang bằng hay nhiều hơn số địa điểm bỏ phiếu trong dịp bầu cử QH ngày 23/5/2021.

2/ Các trung tâm công nghiệp, các công ty, các cơ quan, các đơn vị lực lượng vũ trang… có hàng ngàn người cần có các địa điểm tiêm vaccine Covid-19 riêng.

3/ Tập huấn và đào tạo cho cho nhân viên y tế về tiêm vaccine Covid-19. Đảm bảo các nhân viên y tế đủ chuyên môn để tiêm vaccine Covid-19. Đảm bảo đủ lực lượng nhân viên y tế cho tất cả các địa điểm tiêm vaccine Covid-19 trên toàn quốc.

4/ Đảm bảo đủ điều kiện an toàn phòng chống sốc phản vệ hay các biến cố sau tiêm tại các địa điểm tiêm vaccine Covid-19. Nếu không thể đủ cho mọi địa điểm, thì có thể thiết lập một trung tâm an toàn phục vụ chung cho vài địa điểm lân cận.

5/ Mục tiêu là vaccine Covid-19 có đến đâu, tiêm hết đến đấy.

Chúng ta đã thành công trong truy vết khoanh vùng. Chúng ta đã chậm bước trong nhập vaccine để miễn dịch cộng đồng. Chúng ta không thể chậm trễ trong tiêm chủng khi có vaccine. Không gấp rút triển khai ngay từ bây giờ thì đến quý IV/2021 sẽ trở tay không kịp.

Tục ngữ Việt có câu “nước đến trôn mới nhảy”. Tục ngữ Nga có câu “sống sẽ thấy”.

N.N.C.

Bauxite Việt Nam:

“Một ngày hoạt động có thu nhập quốc dân khoảng 1 tỷ USD. Miễn dịch cộng đồng sớm ngày nào là đỡ tổn thất ngày ấy.

Chỉ nội trong 1 ngày 23/5/2021 mà đã có 69 triệu cử tri đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khoá 15. Nếu học tập tinh thần bầu cử, cả hệ thống chính trị vào cuộc, dùng nguồn tài chính và con người như bầu cử - thì việc rút ngắn thời gian tiêm vaccine là điều không khó”.

Vâng! Đúng là như vậy đấy. Khốn nỗi, một ngày không huy động được ngần ấy người đi bầu cử thì nguy cơ Quốc hội khó lòng tồn tại là nguy cơ sống hay chết của đảng cầm quyền, một nguy cơ có thực mà đảng đã nghĩ đâu ra đấy. Còn một ngày không huy động được 5 triệu, 10 triệu người đi tiêm vaccine thì dân tộc VN không thể chấm dứt nhanh được nguy cơ lây lan covid-19, tính mạng nhiều người Việt sẽ bị đe dọa, kinh tế của người Việt không thể sớm giao thương với nước ngoài, đó cũng là điều chắc chắn, tuy vậy ĐCSVN thì chẳng việc gì, vẫn bằng chân như vại. Cho nên không khéo trong đầu nhiều vị lãnh đạo chúng ta đang nuôi ý nghĩ: lo như thế là chuyện “bò trắng răng” mà thôi, sức đâu mà rước nỗi lo vào mình. Cứ xem, ngay giữa lúc đại dịch đang hồi nghiêm trọng nhất mà người ta vẫn đàng hoàng tháo khoán cho dân chúng hội họp mừng thành công Đại hội đảng đông như kiến, trên từng khuôn mặt cũng chẳng nhìn thấy một chiếc khẩu trang nào. Có vị lãnh đạo nào lúc bấy giờ biết tính trước, rằng nếu chẳng may xẩy ra chuyện lây nhiễm thì phương án giải quyết sẽ thế này hoặc thế kia? Hay các quan đảng sáng suốt đã biết trước là không lây nhiễm?

Cho nên anh Nguyễn Ngọc Chu nói thì cứ nói, còn đường đảng e rằng đảng cứ đi.


QUỸ VẮC XIN: NHÌN THẲNG VÀO NỖI ĐAU!

NGUYỄN THÙY DƯƠNG/ TD 13-6-2021

Thủ tướng Chính phủ rơm rớm nước mắt đứng trước màn hình vận động mua vaccine. Tin nhắn từ Mặt Trận Tổ Quốc và Chính phủ xin từng ngàn đồng cho quỹ vaccine lời lẽ khẩn thiết: “…ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều…”. Có ai tin được đây chính là lời lẽ vận động từ một quốc gia đã từng thất thoát, thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ đồng do “lỗi quản lý” hay không?

Đành rằng quốc gia lâm nguy toàn dân bỏ qua tất cả cùng nhau gánh vác. Nhưng suy đi ngẫm lại, nỗi đau hôm nay khó có thể tránh được khi nhìn thực trạng diễn ra. Số tiền mua vaccine ước tính khoảng vài chục ngàn tỷ đồng. Nó thấp hơn gấp đôi số tiền Bộ Công thương từng báo lỗ năm 2019-2020: 63 ngàn tỷ đồng, gần bằng thiệt hại ngân sách trong vụ Thủ Thiêm: 26.000 tỷ đồng tiền vốn chưa tính lãi. Dĩ nhiên, còn nhiều vụ khác nữa.

Đó là chưa kể đến hàng chục hay thậm chí hàng trăm miếng đất vàng đội nón ra đi với giá “bán mão”. Ai cũng thuộc câu: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà Nước thống nhất quản lý”. Vậy thiệt hại của đất công sản là thiệt hại chung thuộc về toàn dân.

Mới vài năm gần đây thôi, nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân công bố, số tiền xây nhà hát Thủ Thiêm (trên dưới 1.500 tỷ đồng) không dùng tiền ngân sách mà dùng tiền bán đất vàng mà có.

Trời đất quỷ thần ơi! Đất vàng công sản cũng là một loại ngân sách thuộc tài sản chung của toàn dân chứ còn gì? Tiến độ xây nhà hát Thủ Thiêm không thể như quý ngài mong muốn, cho tới nay cũng vài 3 năm có lẻ. Số tiền bán đất nằm trong ngân hàng sinh lãi có cao bằng giá thị trường phi mã tăng nhanh không?

Vậy tới khi chính thức xây nhà hát Thủ Thiêm thật phải bù thêm bao nhiêu tiền hay bán thêm bao nhiêu đất để bù vào khoảng đội vốn? Tầm nhìn quản trị của lãnh đạo không lẽ không ước lượng được điều cơ bản này?

Nếu không có những lỗi quản lý gây thất thoát đó thì có phải bây giờ Chính phủ không cần “bở hơi tai” đi vận động từng ngàn đồng một hay không? Cho nên nếu nhìn thẳng, nhìn thật thì theo cái nhìn cá nhân của tôi: Quỹ vaccine là một minh chứng cho sự thất bại của công tác quản trị đất nước. Những lớp lãnh đạo trước đã làm gì khi để công sản, ngân sách trôi đi như xòe tay múc nước?

Và hậu quả của thất thoát có phải được chia đều lên đầu toàn dân hay chăng?

Nguyễn Thùy Dương


VÌ SAO VIỆT NAM CHẬM TIÊM VACCINE NGỪA COVID-19 ?

MẠC VĂN TRANG/ TD 12-5-2021


Con ở nước ngoài cứ bảo, sao bố mẹ vẫn chưa được chích vaccine ngừa Covid- 19? Hay bố mẹ sang Mỹ hoặc Ba Lan, bên này đang khuyến khích chích vaccine cho mọi người miễn phí. Nhưng hình như lại có quy định, phải có giấy chứng nhận đã chích vaccine mới được lên máy bay! Oái oăm thế chứ! Nhưng sao nước mình lại chậm mua vaccine thế?

Khổ lắm, các con càng ở Tây lâu càng đần, mất dần trí khôn “bản sắc dân tộc” Việt Nam! Phải suy nghĩ theo kiểu “đậm đà bản sắc dân tộc” thì mới hiểu được! Này nhé:

1. Việt Nam chống covid-19 bằng ngăn chặn lây lan từ đầu rất thành công, được thế giới ca ngợi, nên ta rất tự tin, tự mãn, thậm chí TT Phúc còn nói: Cái cột điện ở Mỹ nếu biết đi cũng chạy về Việt Nam… Tự mãn nên chủ quan.

Đấy xem ngày 30/4 – 1 /5/2021 người đi du lịch như nước, như nêm; nhất là Lễ hội chùa Tam Chúc 4-5 vạn người kéo về lễ vái xì xụp, coi con covid cúm Tàu là muỗi mắt! Việt Nam đã chống dịch theo cách của Việt Nam “giỏi nhất thế giới” được bao nhiêu nước ngợi ca, thì còn sợ gì nào?

2. Khi đợt dịch lần hai bùng phát mới quyết liệt “Chống dịch như chống giặc”, “chuyển từ phòng ngự sang phản công”! Phản công con virus bằng cách nào? Phải chích vaccine ngừa. Mua vaccine thì phải có tiền, khá nhiều tiền.

Nhưng như bà Chủ tịch QH Kim Ngân từng nói, ngân sách như dòng sông đang cạn kiệt, rồi sau đó lại Đại hội Đảng từ tưng bừng các cấp lên ĐH Đảng toàn quốc; rồi cuộc bầu cử hoành tráng là ngày “Hội non sống”, tất cả đều ngốn tiền, rất nhiều tiền…

Không có tiền mua vaccine thì phải nghĩ cách. “Cái khó ló cái khôn”! Khoản này các nhà lãnh đạo Việt Nam khôn vô địch thế giới nhé! Mấy cái đầu lãnh đạo chụm lại cùng bao nhiêu quân sư siêu đẳng như ông Kiên đầu bạc… Ba anh thợ giày hơn Gia Cát Lượng cơ mà!

Khoản này ta nhiều lý luận và kinh nghiệm lắm: Phải kết hợp sức mạnh Dân tộc với sức mạnh Thời đại; phải tận dụng mối quan hệ đa phương hoá, đa dạng hoá; phải vận dụng sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc cộng với lòng nồng nàn yêu nước của dân ta và sự ra quân đồng loạt của toàn hệ thống chính trị… Ta không sợ nguy cơ mà phải biến nguy cơ thành thời cơ chứ!

Trên cơ sở lý luận nói trên, cộng với kinh nghiệm thực tiễn phong phú mấy mươi năm đi xin viện trợ khắp các nước trên thế giới đã hun đúc nên bản lĩnh kiên cường, mưu lược biến hoá, ý chí dạn dày của đội ngũ lãnh đạo nước mình hết thế hệ này sang thế hệ khác, luôn luôn được bảo tồn và phát huy lên tầm cao mới…

Thời cơ đến rồi đây. Nhưng phải chậm mà chắc:

a/ Đàm phán với nguyên thủ các nước XIN viện trợ, XIN chuyển giao công nghệ chế vaccine… Nhưng công nghệ lại do các hãng tư nhân sản xuất nên chính phủ sao bắt họ chuyển giao được? Chính phủ tư bản kém lắm, chẳng ra lệnh cho doanh nghiệp như chính phủ của ta được. Thôi đành, ta mặc cả với các đối tác bán rẻ, bán chịu cho Việt Nam… Mặc cả thì phải nhùng nhằng lâu lâu còn chờ có tiền chứ!

b/ Tiền ở đâu ra? Bảo bối “Xã hội hóa”! Lại phát huy tư duy truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”! Rồi phát động “Lòng yêu nước nồng nàn của toàn dân tộc”…

Kịch bản này ta đã áp dụng hàng ngàn vạn lần, nhưng dân ta luôn nức lòng hưởng ứng. Từ cụ già 97 tuổi đem tiền chuẩn bị “hậu sự” của mình góp cho Quỹ, đến em bé bớt ăn sáng lấy tiền góp vào “Quỹ vaccine quốc gia phòng chống covid -19”. Các doanh nghiệp sân sau của các VIP thì bảo gì chả OK, bỏ ra vài chục hay vài trăm tỉ, sau này lại có khoản bù cho… Toàn hệ thống chính trị mở hết công suất tuyên truyền, cả nước sục sôi khí thế như ra trận: Người người nhận tin nhắn góp Quỹ, nhà nhà được vận động yêu nước là góp quỹ…

Thế là chỉ trong vòng một “Tuần lễ vàng”, tính đến ngày 11/6/2021 Quỹ vaccine đã thu được: 1.325.029 tin nhắn với số tiền 63.499.424.000 đồng; các doanh nghiệp và tổ chức chính trị, xã hội… đã góp 4.443 tỉ, còn 275.130 tỷ đã trao biển, nhận giấy khen rồi nhưng còn nợ, nợ Chính phủ chắc sẽ phải nộp đủ thôi.

Cuộc vận động cũng quán triệt phương châm: “Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” chắc chắn sẽ được toàn dân hưởng ứng nhiệt liệt và thu về số tiền rất lớn để mua vacxin ngừa covid- 19. Cái này cũng có thể gọi là nghệ thuật “Lấy mỡ nó rán nó “!

Thấy chưa? Đảng ta tài đến thế là cùng! Thế mới là ưu việt XHCN chứ! Bố bọn Tư bản cũng chả làm được như thế! Bọn nó toàn phải đem ngân quỹ nhà nước ra trợ cấp cho dân và các doanh nghiệp khó khăn thời covid – 19. Bọn nó làm gì có lý luận “Cái khó ló cái khôn”, “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”!

c/ Ta còn biến nguy cơ thành thời cơ, cho nên phải chầm chậm để chờ… thời cơ. Đấy bọn G7 phải họp bàn nhau thống nhất Viện trợ cho các nước chậm phát triển 1 tỷ liều vacxin vô điều kiện, trong đó Mỹ 500 triệu liều. Nước ta từ ngày Đổi mới tuy đã “giành được những thắng lợi lịch sử, chưa bao giờ có cơ đồ, uy tín, sức mạnh như ngày nay”, nhưng vẫn may mắn được vào diện … ưu tiên cùng với Lào, Cămpuchia…

Thấy chưa? Phải dự báo được xu hướng thế giới, nhìn trước tâm lý “tự diễn biến” của bọn tư bản và nhẫn nại chờ thời cơ…Nếu bây giờ mình đã tiêm được 50% dân số thì còn ai cho mình nữa? Bây giờ ta mới tiêm được chừng 2% thì bọn tư bản chúng nó mới thương xót chứ.

Còn tại sao ta mua vacxin của Trung quốc mà bố mẹ và nhiều người bảo, có chết cũng chả tiêm vacxin của tàu cộng? Tại vì ta với TQ “Mối tình hữu nghị Việt – Hoa/ vừa là đồng chí vừa là anh em”, nay lại nâng lên tầm cao mới “Bốn tốt” và “Mười sáu chữ vàng”; cùng chung ý thức hệ, đảng ta phải dựa vào đảng CS TQ để sống còn, thì ta phải nể mặt “thiên triều” mà mua chứ. Mua rồi dùng thế nào thì đảng ta thiếu gì cách…

Các con thấy chưa: Việt Nam luôn làm những việc mà thế giới không thể hiểu được, không thể tin nổi, không thể làm được!

Các con có công nhận, quan chức Ta khôn, quan chức Tây “đần” không? “Đần” thế sao giàu được! Muốn giàu thì phải có lý luận như nói ở trên và có cái KHÔN đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam như các bác lãnh đạo đã vận dụng. Nhờ đó quan chức của ta lương cao nhất cũng chỉ chừng 20 triệu, tức chưa được 1.000 usd, vậy mà ai cũng xe hơi, nhà lầu, kẻ hầu người hạ, của ăn của để, cho con du học… Còn cái gì khó đã có dân: “khó vạn lần dân liệu cũng xong” mà! Lãnh đạo thế mới tài tình chứ!

Các con rõ chửa!

MỸ LOẠI BỎ 6O TRIỆU LIỀU VACCINE JOHNSON & JOHNSON DO SỰ CỐ NHIỄM BẨN
Y .MINH / TBKTSG 12-6-2021

 

KTSG-Chỉ một ngày sau khi Johnson & Johnson (J&J) thông báo Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép kéo dài thời hạn sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng thêm sáu tuần, nhà sản xuất dược phẩm này đã nhận thông tin có khoảng 60 triệu liều vaccine của J&J sẽ bị loại bỏ do sự cố nhiễm bẩn chéo trong quá trình sản xuất.

 

Vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson. Ảnh: AFP

The New York Times ngày 11-6 đưa tin Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) buộc phải vứt bỏ khoảng 60 triệu liều vaccine loại một mũi tiêm duy nhất của Johnson & Johnson do sự cố nhiễm bẩn tại nhà mày sản xuất ra chúng ở Baltimore.

FDA cũng cho biết, còn có 10 triệu liều vaccine khác của nhà máy này sẽ được phân phối, nhưng cơ quan trên không thể đảm bảo rằng chúng được sản xuất theo đúng quy trình an toàn. FDA hiện vẫn chưa quyết định có mở cửa trở lại nhà máy hiện do công ty Emergent BioSolutions vận hành này hay không.

Việc phải vứt bỏ 60 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 vào thời điểm này được xem là bước lùi mới nhất đối với Emergent BioSolutions, vốn đã được giám sát chặt chẽ trong nhiều tháng sau khi xảy ra sự cố nhiễm bẩn chéo trong một thành phần của vaccine AstraZeneca với một thành phần của vaccine J&J. Những sự chậm trễ sau đó khiến hàng triệu liều vaccine J&J tại đây đã không thể được chuyển tới các cơ sở tiêm chủng.

Trong khi đó, các bệnh viện, các sở y tế của bang và chính quyền liên bang Mỹ cũng đang phải gấp rút tính xem nên làm gì với hàng triệu liều vaccine J&J sắp hết hạn trong tháng 6-2021 này.

Viễn cảnh số vaccine này phải tiêu hủy trong khi các nước đang phát triển lại không có vaccine để tiêm chủng khiến chính quyền của Tổng thống Joe Biden gánh thêm nhiều sức ép phải chia sẻ ngay số vaccine này cho các nước càng sớm càng tốt, theo The Wall Street Journal. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể chuyển cho các nước số vaccine này một cách nhanh chóng, kịp thời trước khi hết hạn không phải là việc dễ dàng.

Bang Philadelphia hiện có 42.000 liều vaccine J&J sắp hết hạn, còn các bang như West Virgina, Oklahoma, Ohio và Arkansas cũng đang trữ hàng ngàn liều vaccine J&J sắp hết hạn. Trong khi đó, một số lượng khá lớn hai loại vaccine khác của Mỹ là Pfizer/BioNTech và Moderna cũng sắp hết hạn trong vài tháng tới bởi thời hạn của các loại vaccine là sáu tháng.

Để nhanh chóng giải quyết số vaccine kể trên, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế tại các bang của Mỹ đã phải đưa ra các hình thức khuyến khích với hy vọng có thêm nhiều người dân sẽ chấp nhận tiêm vaccine J&J trước khi số vaccine này hết hạn. Tuy nhiên, những cố gắng này chưa mang lại nhiều hiệu quả bởi tiến trình tiêm chủng tại nước Mỹ đã bắt đầu chậm lại.

Theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nước Mỹ mới sử dụng hết khoảng hơn một nửa trong tổng số 21,4 triệu liều vaccine J&J được phép lưu hành nhưng đã dùng hết 83% số vaccine do Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất.

Trước đó, vào ngày 10-6, Johnson & Johnson cho biết FDA đã cho phép kéo dài thời hạn sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm này thêm sáu tuần.

Tháng 2 vừa qua, FDA quy định hạn sử dụng của loại vaccine J&J là ba tháng với điều kiện bảo quản trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường.

Trong thông báo phát hành ngày 10-6, J&J nêu rõ căn cứ kết quả những nghiên cứu đánh giá về tính ổn định của vaccine, FDA đã kết luận rằng vaccine của hãng vẫn an toàn và hiệu quả sau bốn tháng rưỡi. Như vậy, thời hạn sử dụng vaccine của hãng được kéo dài thêm sáu tuần.

Việc kéo dài thời hạn sử dụng vaccine của J&J sẽ giúp duy trì nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 tại Mỹ trong bối cảnh tiến trình tiêm phòng tại Mỹ đang chậm lại và ở mức trung bình 800.000 người/ngày trong tuần trước.

FDA đã rà soát thời hạn sử dụng của cả ba loại vaccine đang được sử dụng tại Mỹ, gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Vaccine của Pfizer và Moderna đều có thời hạn sử dụng sáu tháng.

Tới nay, đã có khoảng 64% người dân Mỹ từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine và mục tiêu của Tổng thống Joe Biden là nâng tỷ lệ này lên 70% trước ngày kỷ niệm Quốc khánh Mỹ 4-7.

Tổng hợp từ AFP, WSJ, NYT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét