Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

20210618. XEM XÉT KỶ LUẬT BTTU BÌNH DƯƠNG TRẦN VĂN NAM

 ĐIỂM BÁO MẠNG  

ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG 
ĐỀ NGHỊ XEM XÉT KỶ LUẬT BÍ THƯ TỈNH ỦY BÌNH DƯƠNG
UBKTTƯ/ GDVN 17-6-2021


GDVN- Từ ngày 14 đến ngày 16/6/2021, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ tư.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, quyết định một số nội dung sau:

1. Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của một số tổ chức đảng và đảng viên ở tỉnh Bình Dương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

- Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Ban cán sự đảng Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản tại Tổng Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2), gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương.

- Đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020; chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43 ha đất tại Tổng Công ty 3/2; hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân; để Tổng Công ty 3/2 đưa 145 ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật.

- Đồng chí Phạm Văn Cành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020; chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc ký văn bản nhằm hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân và để xảy ra các vi phạm tại Tổng Công ty 3/2.

- Đồng chí Trần Thanh Liêm, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020; chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Uỷ ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; chịu trách nhiệm trong việc bổ sung văn bản nhằm hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân.

- Các đồng chí Nguyễn Thanh Trúc, Tỉnh ủy viên, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh; Trần Xuân Lâm, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh; Võ Văn Lượng, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc thẩm định, tham mưu, trình ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.

- Đồng chí Nguyễn Văn Đông, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương; đồng chí Ngô Dũng Phương, Đảng ủy viên, Trưởng Phòng Tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy chịu trách nhiệm với những vi phạm tại Tổng Công ty 3/2. Hai đồng chí nêu trên cùng chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc bổ sung văn bản nhằm hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân.

- Để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trên còn có trách nhiệm của một số đồng chí nguyên lãnh đạo Cục Thuế tỉnh và lãnh đạo Tổng Công ty 3/2 trong việc đề xuất áp dụng giá đất để tính tiền sử dụng đất giao cho Tổng Công ty 3/2 và việc chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban cán sự đảng Uỷ ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các đồng chí: Trần Văn Nam, Phạm Văn Cành, Trần Thanh Liêm, Nguyễn Thanh Trúc, Trần Xuân Lâm.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Nguyễn Văn Đông; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với hai đồng chí: Võ Văn Lượng, Ngô Dũng Phương; khai trừ ra khỏi Đảng các đồng chí: Lê Văn Trang, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương; Võ Thanh Bình, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh và các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng Công ty 3/2, gồm: Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Trần Nguyên Vũ, nguyên Tổng Giám đốc; Huỳnh Công Phát, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên thành viên Hội đồng thành viên, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Huỳnh Thanh Hải, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Nguyễn Thế Sự, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Tổng Công ty.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương xem xét, xử lý kỷ luật các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến các vi phạm trên theo quy định.

2. Sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và một số đảng viên ở Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

- Đảng ủy Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát ngân sách nhà nước.

- Đồng chí Nguyễn Quốc Trụ, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy và Cục Quản lý thị trường tỉnh; chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc bao che cho vi phạm của cấp dưới, báo cáo sai sự thật với lãnh đạo cấp trên.

Đồng chí Hà Thanh Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng và đồng chí Dương Tuấn Anh, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Cục trưởng cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy và Cục Quản lý thị trường tỉnh; chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ cá nhân được phân công.

Đồng chí Vi Ngọc Khang, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ Nghiệp vụ - Thanh tra, Phó Cục trưởng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lập hồ sơ, tài liệu giả, bỏ lọt hành vi, tang vật, phương tiện vi phạm trong khi kiểm tra, vi phạm pháp luật trong công tác xử lý vi phạm hành chính, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Vi Ngọc Khang; cảnh cáo các đồng chí: Nguyễn Quốc Trụ, Hà Thanh Bình và Dương Tuấn Anh; yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ thi hành kỷ luật cảnh cáo Đảng ủy Cục Quản lý thị trường tỉnh các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và chỉ đạo xem xét, xử lý kỷ luật kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xem xét, xử lý trách nhiệm của lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm ở Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ.

3. Tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, cho ý kiến về kết quả giám sát Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum và đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kon Tum trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế làm việc, công tác cán bộ, công tác quản lý, sử dụng tài chính, đầu tư xây dựng…; kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng của Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Thành ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Tiền Giang.

Căn cứ kết quả kiểm tra, giám sát, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát phát huy ưu điểm, đồng thời nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, sớm khắc phục, sửa chữa những vi phạm, hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo kiểm tra, xử lý kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trong các vụ án, vụ việc trên địa bàn.

4. Sau khi xem xét kết quả thực hiện kết luận tại Kỳ họp thứ hai của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nghiêm túc thực hiện kết luận; khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm; kiểm điểm, xem xét, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

5. Cũng tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Theo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
ĐẠI BIỂU 'NHÚNG CHÀM' VÀ QUỐC HỘI KHÓA XV ...BỆNH TẬT
PHẠM VŨ HIỆP /TD 8-6-2021

Hôm qua, ngày 7/6/2021, báo chí quốc doanh đồng loạt đưa tin lạ lùng và rúng động cả nước, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương xin không tham gia Quốc hội khóa 15. Điều đó đồng nghĩa ông Nam đã trúng cử hôm cả nước đi bầu ngày 22/5/2021, nhưng nay không muốn làm đại biểu của dân ở Quốc hội nữa.

Trần Văn Nam có tên khác là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1963, tại Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, vào đảng Cộng sản năm 1986. Hộ khẩu đăng ký tại số nhà 249, đường Nguyễn Đức Thuận, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Trần Văn Nam là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI và XII, là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh Bình Dương các khóa XI, XII và XIV (khóa XIV là Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương).

Chân dung Trần Văn Nam, Bí thư Bình Dương. 
Nguồn: TN

Cuộc bầu cử ĐBQH khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026, Trần Văn Nam ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1, gồm TP Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên. Kết quả bầu cử ĐBQH khóa 15 chưa công bố, nhưng Trần Văn Nam xác nhận đã có đơn gửi Hội đồng bầu cử quốc gia xin không tham gia ĐBQH khoá 15, nhiệm kỳ 2021-2026 vì lý do sức khoẻ.

Ông Nam cho biết: “Mới đây tôi đi khám, nhận thấy sức khỏe không tốt, có một số bệnh nên xin thôi để tập trung làm nhiệm vụ khác“.

Đây có thể là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Quốc hội của đảng Cộng sản, khi mà ĐBQH đã trúng cử, sắp công bố công khai, thì lại xin rút tên.

Trước đó hai ứng viên ĐBQH khác, mặc dù đã qua hiệp thương, được Hội đồng bầu cử Quốc gia đưa vào danh sách ứng cử, in ấn phiếu bầu, niêm yết công khai đâu vào đó, bỗng dưng lại xin rút lui, cũng vì “lý do sức khoẻ”.

Thế nhưng, câu chuyện bên trong không đơn giản như vậy. Việc Trần Văn Nam bị ép phải làm đơn xin ra khỏi QH khoá 15 liên quan đến vụ án thu tóm đất đai tại Bình Dương, hàng loạt giám đốc Công ty kinh doanh bất động sản đã bị bắt giam.

Mới đây, Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã khởi tố, tống giam Nguyễn Đại Dương, sinh năm 1965, còn gọi là Dương “New Century” với cáo buộc liên quan sai phạm trong việc chuyển nhượng 43 heta đất ở Bình Dương vào tay tư nhân.

Dương là đại gia rất nổi danh và tai tiếng, con rể ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương, tức Tổng công ty 3/2, thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, bị bắt hồi tháng 4/2020.

Dư luận Bình Dương cho rằng, hàng ngàn hecta đất công và đất của dân đã bị “nhóm lợi ích” thu tóm, cướp cạn, tiền “hối lộ”, “lại quả” chảy vào túi Trần Văn Nam có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Sắp tới, Trần Văn Nam chắc chắc sẽ nhận cái kết nặng nề. Thông tin đồn đoán, mức kỷ luật nhẹ thì cách tất cả các chức vụ trong Đảng, đuổi ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương khoá 13, nặng thì Trần Văn Nam có thể bị khởi tố, bắt giam. Việc sớm loại bỏ Nam ra khỏi QH khoá 15 nằm trong lộ trình kỷ luật đó.

***

Trước đó, GSTS y khoa Nguyễn Quang Tuấn cũng bị buộc phải làm đơn xin rút khỏi danh sách ứng cử ĐBQH khoá 15 vì liên quan vụ đến án tham nhũng mà Bộ Công an đang điều tra.

GSTS Nguyễn Quang Tuấn sinh năm 1967, quê Thanh Oai, Hà Nội, hộ khẩu thường trú: Phòng 2013 tòa nhà D2, khu đô thị Mandarin Garden, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Nguyễn Quang Tuấn vào đảng năm 1997, ĐBQH khoá 14, hiện là Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (từ 8/2012 đến 3/2020).

Hàng loạt cán bộ ở Bệnh viện Tim bị khởi tố, bắt giam vì bị phanh phui “bộ sậu” lãnh đạo chủ chốt tại đây tham nhũng, kê khống rút ruột hàng trăm tỷ đồng viện phí và mua sắm thiết bị bệnh viện.

Nói cách khác, Nguyễn Quang Tuấn chính là con “kền kền” bự nhất trong lũ “kền kền” hút máu bệnh nhân và rút ruột ngân sách y tế.

“Thầy thuốc nhân dân, GSTS Nguyễn Quang Tuấn, 
ĐBQH khoá 14. Nguồn: VNP

Một trường hợp nữa cũng khá bi hài liên quan đến ứng viên ĐBQH khoá 15, đó là Đại tá Nguyễn Thế Anh.

Nguyễn Thế Anh sinh năm 1973, quê Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, hộ khẩu thường trú số nhà 264, đường Lâm Quang Ky, Khu phố 4, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Thế Anh vào đảng năm 1996, cử nhân Chuyên ngành điều tra tội phạm, hiện là Tỉnh ủy viên, Đại tá, Bí thư Đảng uỷ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang.

Ngày 14/5/2021, dù chỉ còn chưa đầy 10 nữa là tới ngày bầu cử QH khoá 15, Nguyễn Thế Anh bị buộc làm đơn xin rút khỏi danh sách vì “sức khoẻ kém”. Hội đồng bầu cử Quốc gia “ỡm ờ” với báo chí. Tổ chức Đảng ở Kiên Giang cũng che giấu nội tình.

Thật ra, Nguyễn Thế Anh bị Cơ quan điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng triệu tập, liên quan đến bảo kê cho các đường dây buôn lậu. Khả năng Nguyễn Thế Anh bị khởi tố, bắt giam, để phục vụ điều tra trong thời gian tới là khá rõ. Thế nhưng, dân chúng chỉ biết ông này vì “ốm yếu” nên dừng cuộc chơi.

Đại tá Nguyễn Thế Anh (phải) nhận quyết định Bí thư 
Đảng uỷ Biên phòng Kiên Giang. Nguồn: VOV

Nói thêm về kinh phí bầu cử, tổng kinh phí bầu cử Quốc hội (QH) khóa 15 và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 cho đến nay vẫn là con số bí mật. Văn bản do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 31/3/2021, phê duyệt tổng mức kinh phí là 1500 tỷ, phân bổ cho địa phương là 1432 tỷ, cho các Bộ, cơ quan trung ương là 38 tỷ; số còn lại để dự phòng.

Số tiền trên được chia làm hai đợt (Xem ảnh). Chính phủ cũng không quên yêu cầu một điều mà chắc không tổ chức, địa phương nào thực hiện:  “Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch“.

Văn bản phê duyệt kinh phí bầu cử của Thủ tướng 
Chính phủ (đợt 1)

Văn bản phê duyệt kinh phí bầu cử của Thủ tướng 
Chính phủ (đợt 2)

Hôm 25/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, QH khóa 14 nghe báo cáo kết quả triển khai công tác bầu cử đại biểu QH khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp, tại đây ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên và là Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia, cho biết, nhu cầu kinh phí bầu cử của các địa phương và cơ quan trung ương năm 2021 tăng 2,6 lần so với tổng kinh phí ngân sách trung ương đã phân bổ phục vụ công tác bầu cử năm 2016. Mà năm 2016 cả nước đã xài cho bầu cử hết 1.373 tỷ đồng.

Tóm lại, hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của dân đã được đầu tư cho show diễn “ngày hội toàn dân”, mà hậu trường sân khấu trông thật ảm đạm, đầy “hỉ nộ ái ố”.

Tốn biết bao nhiêu tiền của cho hai lần bầu cử, với “quy trình chặt chẽ”, nhưng khi bầu chọn BCH Trung ương Đảng khoá 13 đã để lọt “cá mập” Trần Văn Nam, Uỷ viên Trung ương tái cử. Còn bây giờ, dân chúng lại bị lừa, khi mà “phát lộ” ra các ông bà đại biểu QH, đại diện cho “ý chí và nguyện vọng của nhân dân” lại là các ông quan phụ mẫu đầu tỉnh “cá mập”, trùm bảo kê buôn lậu, những “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” chuyên ăn trên thân xác người bệnh, suýt chút nữa trở thành… đại biểu QH khoá 15.

Quốc hội 15 chưa “sáng đèn” khai mạc, mà các diễn viên tồi tệ cứ ốm yếu, què quặt thế này thì không biết “sức khoẻ” của cơ quan lập pháp, quyền lực nhất nước sẽ ra sao?


LÝ DO SỨC KHỎE VÀ CHUYỆN 'TỪ QUAN'
THU HẰNG/ TVN 11-6-2021

Mấy hôm nay dư luận cứ “lo lắng” cho Bí thư Tỉnh ủy 

Bình Dương Trần Văn Nam khi hay tin ông nộp đơn xin 

không làm ĐBQH khóa 15 vì lý do “sức khỏe không tốt”.






Nhiều người hỏi nhau, không biết ông bệnh tình gì đến 

mức phải làm đơn xin “từ quan”? Có người thì nghi ngờ 

“hay ông rớt rồi”?...

Nhưng không, ông trúng cử thật. Kết quả Hội đồng bầu cử quốc gia công bố chiều qua cho thấy, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam “đậu” ĐBQH với số phiếu 425.941, đạt tỷ lệ 80,88%.

Vậy thì chắc cái lý do “sức khỏe không tốt” mà ông đưa ra là đúng rồi. Tuy nhiên, chuyện này chắc chỉ có chính ông Nam và bác sỹ khám cho ông mới biết được chính xác thực hư như thế nào.

Phát hiện vi phạm

Nhưng qua thông tin tại họp báo, nhiều người mới bật ngửa, hóa ra, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị Hội đồng bầu cử quốc gia ra hẳn 1 nghị quyết riêng với sự thống nhất 100% không công nhận kết quả trúng cử và không xác nhận tư cách ĐBQH khóa 15.

Lý do sức khỏe và chuyện ‘từ quan’
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam. Ảnh: Zing

Vậy chuyện ông khỏe hay không khỏe hẳn là không liên quan gì đến cái ghế ĐBQH mà ông vừa trúng cử. 

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Hội đồng bầu cử quốc gia không hề nhận được đơn xin “không làm ĐBQH khóa 15” của Bí thư Bình Dương. 

Thậm chí bà Thanh còn khẳng định: Nếu như có nhận đơn của ông Nam thì đây cũng không phải là một trong những lý do để Hội đồng xem xét. 

Việc Hội đồng ra nghị quyết riêng không công nhận kết quả trúng cử và không xác nhận tư cách ĐBQH khóa 15 đối với ông Trần Văn Nam, theo bà Thanh lý giải là do ông không đủ tiêu chuẩn.

Nhưng ông Nam là ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy thì chuyện tiêu chuẩn, điều kiện hẳn phải được “soi” rất kỹ từ trước rồi. 

Theo lời bà Thanh, gần đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương thì bước đầu phát hiện ông Bí thư Tỉnh ủy có một số vi phạm, khuyết điểm và đến thời điểm này đã có những kết luận bước đầu rất rõ vi phạm của ông.

Đó là, ông Bí thư Bình Dương đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Ngoài ra, trong thực hiện chức trách nhiệm vụ khi còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông đã ra một số quyết định liên quan đến quản lý nhà nước, nhất là vấn đề về đất đai gây ra hậu quả nghiêm trọng. 

Như vậy mọi chuyện trắng đen đã rõ, chỉ có cái lý do “sức khỏe không tốt” của vị Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đưa ra vẫn cứ tù mù.

Lý do khó lọt tai

Cái "lý do sức khỏe” nghe cứ quen quen. Mới đây, hôm họp báo chiều 21/5 về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử, cũng có 2 ứng cử viên ĐBQH khóa 15 đã vào danh sách chính thức sau 3 vòng hiệp thương cũng làm đơn xin rút vì chính lý do này.

Mấy năm trước cũng có nhiều người đã làm đơn xin thôi ĐBQH vì “lý do sức khỏe”. 

Năm 2017, sau khi có kết luận của Ban Bí thư về những sai phạm liên quan đến vụ Formosa và hình thức kỷ luật, ông Võ Kim Cự đã có đơn xin thôi ĐBQH khóa 14 vì “lý do sức khỏe”. 

Năm 2019, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Năm cũng gửi đơn xin thôi làm ĐBQH vì “lý do sức khỏe”. Và cũng thật trùng hợp khi trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Năm...

Câu chuyện này đã từng được nguyên Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải rằng: Sau khi bị kỷ luật, có thể họ cũng suy nghĩ nhiều, sức khỏe suy yếu và có đơn “vì lý do sức khỏe”. 

Dù giải thích như thế nào thì cái "lý do sức khỏe” trong những trường hợp này vẫn rất khó lọt tai.

Thu Hằng


VIỆT NAM: QUỐC HỘI KHÔNG THỂ LÀ MẶT


 TRẬN TỔ QUỐC THỨ HAI


TÔ VĂN TRƯỜNG/ TD 17-6-2021

Đối với cử tri Việt Nam, quyền hạn của Quốc hội cần phải được nâng lên ngang tầm với nguyên tắc hiến định, đó là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước. Điều đó có nghĩa là hoạt động của Quốc hội phải có thực chất, Quốc hội phải có thực quyền. Muốn vậy, các đại biểu Quốc hội thực sự phải là tinh hoa trí tuệ của Nhân dân, chứ quyết không thể cứ mãi là một “Mặt trận Tổ quốc thứ hai”.

Cử tri theo dõi quá trình lựa chọn ứng cử, bầu cử và và sắp xếp nhân sự lãnh đạo ở Quốc hội khóa 15, không khỏi băn khoăn và quan ngại về một số hiện tượng sau đây: Lựa chọn nhân sự, xây dựng pháp luật và vai trò giám sát của Quốc hội.

1. LỰA CHỌN NHÂN SỰ: BẦU LẠI CÁC CHỨC DANH VỪA BẦU VÀI THÁNG TRƯỚC

Quốc hội Việt Nam liệu có cần thiết bầu lại các chức danh vừa bầu tại kỳ họp cuối của khóa trước khi biết chắc chắn rằng không hề có sự thay đổi nào (mặc dù đây là cách làm đúng luật)? Việc làm này có thật sự lãng phí thời gian và tiền của hay không?

Cách làm đó khiến cho một số chức danh phải tuyên thệ hai lần trong mấy tháng. Việc làm này gây phản cảm trong xã hội vì không giống nước nào trên thế giới.

Bởi vậy, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới, chỉ nên có một Nghị quyết biểu quyết lại kết quả bầu các chức danh chủ chốt của Nhà nước mà Quốc hội khóa XIV vừa thực hiện vào tháng 4 năm 2021 vừa qua?

“ĐẢNG CỬ DÂN BẦU” NHƯNG ĐỂ LỌT NGƯỜI CÓ TỘI

Số đại biểu Quốc hội trúng cử đủ 500 người nhưng có một người là ông Trần Văn Nam (uỷ viên trung ương Đảng, bí thư tỉnh uỷ Bình Dương) không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội.

Sự việc này khiến cho cử tri nhiều nơi không khỏi băn khoăn về quá trình chuẩn bị nhân sự của cấp ủy đảng các cấp và đặt ra hàng loạt vấn đề, mà lớn nhất là câu hỏi: Một cán bộ, đảng viên đã có quá trình vi phạm lâu dài như vậy, nhưng tại sao hệ thống chậm phát hiện, tại sao vẫn được giới thiệu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 và Quốc hội khoá mới?

Ông Nam không phải trường hợp đầu tiên hay duy nhất được tất cả các cấp ủy giới thiệu, tất cả các hội nghị hiệp thương thông qua và được bầu với số phiếu cao, cuối cùng lại bị xem xét kỷ luật hoặc có thể bỏ tù vì những khuyết điểm hoặc tội hình sự phạm phải trong chính thời gian được tất cả các cấp “lăng xê” và hướng dẫn cho dân bầu.

Phải chăng đây là khiếm khuyết khó tránh của cung cách lựa chọn nhân sự ”Đảng cử, dân bầu”, nhất là khi nó đã bị làm méo mó để phục vụ ý đồ của một số vị có chức, có quyền?

TIỂU XẢO “HẾT TUỔI TÁI CỬ”

Số đại biểu Quốc hội ngoài Đảng không đủ so với dự kiến. Ngoài ra, có sự bất nhất trong đề cử. Minh chứng là có một số vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội sinh năm 1962 ở các địa phương được tái cử (dù là để bố trí vào chức danh khác), trong khi đó, luật sư Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội khóa 14, sinh năm 1963 còn trẻ hơn, lại hết tuổi tái cử.

Các vị sinh năm 1962 này cơ bản không có gì nổi bật. Trái lại, luật sư Lưu Bình Nhưỡng là một ngôi sao nghị trường, am hiểu sâu sắc về luật pháp và rất được lòng dân thì lại không được tái cử?

Có thể nói rất hiếm khi “Đảng cử Dân bầu” lại chọn được đảng viên ra ứng cử đại biểu Quốc hội được lòng dân như vậy, nhưng thay vì tiếp tục giữ hình ảnh đó, lại cố tình loại đi. Tại sao?

CHIA CHÁC, CHẠY CHỌT, BÈ CÁNH

Nhìn vào xuất thân một số nhân sự dự kiến làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, cử tri thấy có cách chọn người rất đặc thù. Đáng nói nhất là hai con ruột của bà Tòng Thị Phóng bỗng dưng từ đâu “nhảy tót” về Văn phòng Quốc hội, rồi “nhảy phốc” làm cấp phó các cơ quan Quốc hội.

Đó là hiện tượng rất ngang trái. Nó tương phản với sự quý trọng và kỳ vọng của cử tri đối với một đại biểu Quốc hội đã bị loại bằng tiểu xảo “hết tuổi tái cử” như Lưu Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, hàng loạt nhân sự là trợ lý, thư ký của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo cấp Vụ của Văn phòng Quốc hội cũng ồ ạt nhảy vào Quốc hội khóa mới, với dự kiến để lãnh đạo những đại biểu Quốc hội có trí tuệ, uy tín, dày dạn nghị trường, vốn là cấp trên của họ.

Xét về mặt đạo lý, việc này cũng có thể chấp nhận được nếu họ đã chứng tỏ năng lực xứng đáng với vị trí. Thế nhưng, năng lực thực tế của những “hậu bối” này chưa có căn cứ để xác tín.

Những tình tiết lố bịch này không thể không xem xét. Nhân dân có lý do để có cách nhìn nhận tiêu cực về một Quốc hội chia chác, chạy chọt, bè cánh.

2. XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Quốc hội Việt Nam cần bổ sung hàng loạt bộ luật còn nợ dân, bỏ qua quy định của Hiến pháp, như Luật về hội, Luật Biểu tình, Luật Tự do ngôn luận, v.v.

Luật của Quốc hội Việt Nam vẫn còn rơi vào tình trạng luật phải chờ nghị định của Chính phủ, nghị định chờ thông tư của Bộ thì mới có hiệu lực thi hành. Năng lực soạn luật của Quốc hội vẫn còn tạo ra khả năng nghị định, thông tư lái luật theo ý của cơ quan hành pháp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ở phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà Truyền hình Việt Nam đưa tối 14 tháng 7, 2021: “Quốc hội không xem xét những dự án luật không có trong chương trình xây dựng pháp luật”.

Cách làm việc này quá cứng nhắc. Nó làm Quốc hội sẽ không kịp thời đưa ra được các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh thực tiễn mới phát sinh. Cách làm phù hợp là làm ngược lại: “Quốc hội đòi hỏi các cơ quan soạn thảo luật phải trình đúng thời hạn các dự án luật đã có trong chương trình xây dựng pháp luật”.

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng ngày 14/6, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết năm 2021, Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới để trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 10 dự án luật. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh Chương trình, tổng số còn 7 dự án luật.

Cử tri đồng tình với Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh “băn khoăn” khi chưa thấy “bóng dáng việc sửa luật đất đai” trong khi nội dung này đã được đưa vào kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội và dự kiến được sửa vào cuối tháng 5/2022.

Luật Đất đai, hay nói cụ thể hơn là quan điểm về sở hữu trong Luật Đất đai, đang là điểm nghẽn trong phát triển, thậm chí là hiểm họa đối với an ninh xã hội và chính trị. Sửa Luật Đất đai là vấn đề phức tạp, chắc chắn đụng chạm đến quyền lợi của nhiều tổ chức, cá nhân và nguồn thu ngân sách, nhưng sửa Luật là yêu cầu bức thiết của thực tiễn.

Nếu đất đai là của toàn dân thì chính quyền chỉ là một thành tố trong khái niệm ấy chứ không đồng nghĩa: Chính quyền = Nhà nước = toàn Dân. Mập mờ về khái niệm là gốc dẫn đến mọi vi phạm.

3. VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

Các cơ quan của Quốc hội rất tích cực giám sát chính phủ. Trong nhiều trường hợp, Quốc hội đã chọn đúng nhiều vấn đề cần giám sát. Nhưng hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát này không cao. Do đó, Quốc hội Việt Nam cần cải tiến phương cách giám sát.

Các đoàn giám sát cần thảo luận kỹ trước khi đi giám sát để tập trung vào những nội dung chính cần giám sát. Tuy nhiên, Quốc hội chưa có cơ quan và chuyên gia nghiên cứu độc lập, chưa có Thư viện Quốc hội để làm nơi nghiên cứu chuyên nghiệp, do đó, việc thảo luận trước giám sát này, dù có thực hiện hay không, cũng chưa thể có hiệu quả cao.

Quốc hội cần ra nghị quyết về giám sát, nhận định một cách khách quan, thẳng thắn, đưa ra những yêu cầu bắt buộc các cơ quan được giám sát phải thực hiện, những khuyến nghị để các cơ quan được giám sát cân nhắc, những vấn đề các cơ quan được giám sát cần nghiên cứu để có giải pháp khắc phục. Cơ quan nào không thực hiện được những yêu cầu bắt buộc thực hiện thì người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm.

Đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội Việt Nam thường chỉ giải quyết (thảo luận và biểu quyết thông qua) những vấn đề do Bộ Chính trị hoặc Trung ương Đảng quyết định rồi Chính phủ trình sang. Ngoài những vấn đề này, Quốc hội Việt Nam cần chủ động đề xuất một số vấn đề mà cử tri quan tâm, xem xét các dự án phát triển cần khách quan, kỹ lưỡng, thể hiện tầm nhìn xa của cơ quan lập pháp.

LỜI KẾT

Chủ tịch Quốc hội cần bớt say sưa nói về thắng lợi tuyệt vời của bầu cử để tập trung tâm sức vào công việc. Sự thật là dù hay dù dở thì Quốc hội Việt Nam cũng phải cố làm đúng phần nào vai trò của mình là đại diện cho quyền lợi của quốc gia và của nhân dân, thực thi trách nhiệm giám sát công việc của Chính phủ nói riêng và hệ thống chính trị nói chung. Điều này càng quan trọng đối với những vấn đề cấp thiết hiện nay như chống đại dịch COVID – 19, những vấn đề kinh tế xã hội phải giải quyết, và vấn đề Trung Quốc đang tiếp tục leo thang trên Biển Đông.

Tô Văn Trường (Trung tâm nghiên cứu Việt – Mỹ)

AI CHỊU TRÁCH NHIỆM ?

NGUYỄN THÔNG/ TD 16-6-2021

Ủy ban Kiểm tra trung ương và tivi mậu dịch tối nay 16.6 đã lôi một lô xích xông tội lỗi sai phạm của đương sự Trần Văn Nam ra cho thiên hạ tỏ. Thằng cha Nam (cách dân kêu), đồng chí Nam (kiểu đảng gọi) là đương kim Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, xếp ngôi thứ theo hệ thống chính trị đang còn hiệu lực bây giờ thì là nhân vật số 1, bố già của tỉnh Bình Dương. Nam còn đang chức ủy viên trung ương đảng khóa 13 chứ không phải đùa.

Chỉ có điều, tất cả những “tội” của y không phải vừa xảy ra, mà đã có từ hồi nảo hồi nào, tính tới nay hơn chục năm, kể từ khi y là thành viên triều đình tiểu công quốc Bình Dương, nhất là khi đã làm phó chủ tịch tỉnh (từ năm 2010). Giờ mới điều tra, mới biết, mới lôi ra, mới sắp xử lý, kể đã khí muộn, khí muộn.

Vậy xin hỏi, Ủy ban kiểm tra trung ương khóa 12, rồi cái Ban kiểm tra tư cách đại biểu đại hội 13 đã làm gì với đương sự Nam, để cuối cùng y vẫn trúng cử, vẫn ủy viên trung ương, vẫn có điều kiện làm… xấu đảng. Sao thấy bảo nghiêm, chặt, kỹ lưỡng lắm, con ruồi không lọt. Lôi mấy ông bà liên quan vụ tư cách Nam ra mà trị, chứ lơ đi còn ra thể thống gì.

Vừa rồi, đương sự Nam cũng trúng cử đại biểu quốc hội khóa 15 (sau khi “phẩm chất” phát lộ thì người ta mới vội không công nhận). Vậy xin hỏi, ai đã giới thiệu y vào danh sách ứng cử viên, ai đã duyệt? Ủy ban mặt trận tổ quốc đã làm gì, có chịu trách nhiệm không, hay lại bảo chúng tôi chỉ làm vì, đếch có quyền gì. Ủy ban bầu cử quốc hội khóa 15 trung ương đâu, giả nhời xem nào, hay cũng chỉ lập ra cho có, cho vui.

Còn dân chúng đã bầu tay Nam, đừng trách họ, bởi có bảo họ bầu con mèo họ cũng “sáng suốt lựa chọn”, còn nếu trách dân, hóa ra bảo dân Bình Dương ngu à. Xứ này, dân chỗ nào chả như dân Bình Dương.

Công tác cán bộ, tổ chức như thế, giờ chả dám tin bố con thằng nào. Nhân sự nào cũng chứa sẵn sự gian dối bên trong.

***

Tiện đây cũng nói thêm với các ông bà báo chí. Đăng tin khởi tố và bắt giam (mới bắt chiều nay 16.6) tay cộm cán Nguyễn Duy Linh nhưng lại chỉ đăng ảnh Vũ nhôm là sao. Linh phạm tội, cứ công bố rõ ràng, con nhà ai, làm gì, chức gì, tội gì, chường cái mặt ra, chứ giấu giấu diếm diếm như mèo giấu cứt. Pháp luật công minh không có vùng cấm mà như thế thì ai còn tin vào pháp luật.

Mà tôi nói thật, năm 2017 y giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục 5 (tình báo) thì không phải dạng vừa đâu. Phó tổng cục trưởng, chứ không phải phó cục trưởng đâu nhé, bét cũng thiếu tướng, thậm chí có nhiều ông phó còn trung tướng, thế mà cứ như thằng hạ sĩ gác cổng cơ quan không bằng. Rất vớ vẩn.

Ở cái xứ mà tất cả mọi điều đều bị ám bởi kết luận “thành công tốt đẹp” thì xử cho vui thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét