Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

20210602. LUẬT SƯ LÊ VĂN HÒA TUYÊN BỐ BỎ NGHỀ

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

BỎ NGHỀ LUẬT SƯ VÌ MẤT TIN TƯỞNG ?

NGÔ VĂN HIẾU/ TD 28-5-2021

Mất tin tưởng vào tư pháp Việt Nam hay lý tưởng công lý? Nền tư pháp ở Việt Nam chưa bao giờ đáng tin tưởng thì làm sao mất tin tưởng?! Chán nản bỏ cuộc là góp phần chấp nhận bất công miên viễn. 


LS Lê Văn Hòa. Anh: FB nhân vật

Dù rất thông cảm với tâm trạng thiếu tin tưởng của LS Lê Văn Hòa và nhiều luật sư khác ở Việt Nam, chúng tôi vẫn cứ nêu ít hàng góp ý.

Thật ra hệ thống tư pháp của CSVN, nền độc tài đảng trị “chuyên chính vô sản” kiểu Mác Lê, như hiện nay đã rất tiến bộ so với năm ngoái năm kia, năm kỉa năm kìa, năm 9 năm kháng chiến, năm còn ở bưng biền, năm có Đại Hội 6 của đảng.

Người thân của chúng tôi, năm 1948, bị chính quyền Việt Minh ở ngoại ô Hà Nội lôi ra bắn cùng với một người bà con khác. Ông chú họ của tôi, dù có con thứ đi tập kết, nhưng vẫn bị VC bắt ông và người con trưởng đem đi “lên núi” để cải tạo. Thân nhân và nhiều người khác trong làng tôi bị tòa án nhân dân đốt đuốc đấu tố ban đêm, gán đủ thứ tội mà không cho mở miệng nói câu nào. Khắp nước ta đã biết bao người bị chúng chà đạp như vây.

Luật sư Trần Lâm, 1 luật sư kỳ cựu của CSVN khi còn sanh tiền đã “phát minh” ra chữ “Tòa án ở VN xử theo bản án bỏ túi”, nghĩa là xử y chang theo quyết định của lãnh đạo, không thể sai một mảy may nên phải theo quyết định đã viết.

Họ vừa đá bóng vừa thổi còi, tam quyền phân lập, chung dưới một đảng lãnh đạo. Nói nhăng cãi cuội thì cũng phải do người bí thư đảng ủy chỉ đạo… thì nó phải vậy thôi.

Tòa án và tư pháp ở Việt Nam đã và sẽ được dùng làm một trong những công cụ để thống trị và bảo vệ chế độ. Nay nhờ mở cửa và đổi mới nên có tiến bộ hơn trước, nhưng cũng … vẫn lạc hậu nên đã làm cho nhiều người nôn vội chán nản.

Tình trạng đã như vậy thì kẻ nào tin vào tư pháp và công lý của CSVN phải rất ngu ngốc và thiếu lý trí!

Nhưng, trong hệ thống tư pháp như vậy sao còn hành nghề luật sư?

Có bao giờ ta thắc mắc về chữ áo ấm và áo lạnh hay đi khám bác sĩ và đi đến cho bác sĩ khám bịnh? Dù tên gọi ngược nhau nhưng vẫn cùng một nghĩa. Vì không có công lý nên phải đòi công lý. Sao lại nản?

Luật sư phải tuyên thệ hành nghề theo pháp luật cho dù đó là pháp luật kiểu nhà chuột kangaroo. Nhưng từ đó, nhờ họ mà nền tư pháp sẽ tiệm tiến cải tiến, cải thiện, phát triển, … để hoàn chỉnh.

Hành nghề luật sư ở Việt Nam phải khác ở Âu Mỹ, nơi mà tư pháp và công lý được tôn trọng và tin tưởng. Còn ở Việt Nam thì luật sư phải vừa là kẻ đi đường, vừa phải đắp đường, và có khi phải khai sơn phá thạch mà làm đường.

Luật sư Việt Nam khác với nhà đấu tranh dân chủ. Như LM Nguyễn Văn Lý xổ toẹt vào hệ thống tư pháp, đá vào vành móng ngựa của tòa án để đấu tranh cho công lý; còn luật sư biện hộ thì phải vin vào luật, tòa và bổn phận của luật sư mà đòi công lý cho thân chủ mình – kẻ đó có thể là Năm Cam, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Thanh Chấn, hay ngay cả Nguyễn Phú Trọng (nếu cần).

Vậy thì khi không còn niềm tin vào đảng và nhà nước, vào chế độ, thì chí ít cũng còn có niềm tin sắt đá vào công lý, lẽ phải và lương tâm để mà tiếp tục cái nghiệp luật sư của mình đi chứ!

BUỒN, THẤT VỌNG, TUYỆT VỌNG, CHÁN NẢN, BẠN CHỌN CẢM XÚC NÀO ?

ĐOÀN BẢO CHÂU/ TD 28-5-2021

Những người quan tâm tới công lý nơi đất Việt đã xôn xao nhiều khi luật sư Lê Văn Hoà, một cựu quan chức Ban Nội chính Trung ương, một người đã bỏ đảng, quay về làm luật sư nay tuyên bố bỏ nghề.

“Tôi bỏ nghề luật sư từ ngày hôm nay 27-5-2021 vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam”.

Tôi có mấy lời cho từng dạng người đọc:

1. Trước hết tôi muốn có mấy lời với luật sư Lê Văn Hoà. Là một người quan tâm tới những vụ án lớn ở Việt Nam, tôi hoàn toàn thông cảm với tâm trạng và quyết định của anh. Trước hết, tôi muốn chúc mừng anh bởi hình ảnh đẹp đẽ anh đã xây dựng nên trước nhưng đồng nghiệp và công chúng. Suy cho cùng, danh dự là điều còn ở lại của một đời người khi chức vụ, quyền lực, tiền bạc đã bỏ ta đi và khi chính cuộc sống của ta đã tàn lụi.

Anh chắc hẳn thấy ấm lòng khi nhiều người quan tâm đến anh, đấy là phần thưởng cho một con người có lương tri, một con tim biết đập những nhịp trăn trở cho công lý nơi đất Việt, cho nỗi đau khổ của người nghèo, dân oan, những thân chủ khát khao công lý nói chung.

Nhưng, ở cái xứ xở khi công lý nhiều khi chỉ là diễn viên hài này, nơi những con người có lương tri rất ít ỏi thì vắng đi một luật sư, vắng đi một con tim đỏ đẹp biết thương yêu đồng loại, ấy là một sự thiệt thòi cho giới luật sư, cho những con người khốn khổ. Tôi mong anh tiếp tục là một chiến binh trên mặt trận công lý, đừng hạ gươm sớm thế, tôi biết anh đã 65 tuổi, anh là một chiến binh già nhưng tôi tin rằng sự quả cảm trong anh vẫn còn đầy và tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chiến binh công lý Lê Văn Hoà chỉ là đang sống với những phút nản lòng tạm thời để lấy lại năng lượng và khí thế, rồi chiến binh ấy sẽ xốc lại tinh thần, gươm giáo để tiếp tục chinh chiến trên con đường công lý.

2. Phần này tôi muốn gửi tới những bạn đang sống nép mình, suốt đời chỉ quan tâm tới những gì liên quan tới quyền lợi của chính mình.

Đành rằng chăm lo cho nồi cơm của mình là một việc chính đáng bởi ai cũng có trách nhiệm cá nhân phải chăm lo nhưng một con người chân chính thường chỉ hạnh phúc được khi chúng ta quan tâm tới những thứ lớn hơn bản thân mình. Ý nghĩa ấy cao quý hơn nhiều cái quyền lợi sát sườn của mỗi cá nhân. Điều mỗi người cần tự hỏi là mình có tự hào với những việc đã làm không. Người tự hào vì những việc đã làm, ấy là một người đang sở hữu một niềm hạnh phúc vững bền. Đấy là một giá trị mà không kẻ nào có thể tước đoạt được của ta.

Khi luật sư, các chiến binh công lý đã nản lòng, hạ gươm giáo thì ấy là lúc họ cần sự hỗ trợ về tinh thần của công chúng. Nếu họ đồng loạt ngã lòng thì cái nền tư pháp hiện có sẽ càng trở nên thối nát và ai cũng có thể trở thành nạn nhân của sự thối nát ấy. Những thế lực tiền quyền sẽ mặc sức múa may trên sân khấu bi hài kịch mang tên tư pháp, những vụ án được xử đều là những án bỏ túi khi luật pháp, đúng sai là đặc quyền của những kẻ có tiền, quyền.

3. Phần này tôi dành cho những quan chức ngành tư pháp. Các vị nghĩ gì khi một luật sư phải thốt lên đau đớn về sự mất lòng tin với ngành của các vị? Tất nhiên, nếu cá vị có lương tri thì các vị mới phải suy nghĩ, mới trăn trở chứ nếu các vị là một lũ bất lương thì các vị sẽ chẳng hề quan tâm, hay có khi còn cười khẩy đắc thắng bởi các vị đang áp đảo hơn một chút trên cái sân khấu bi hài kịch mang tên tư pháp.

Cuối cùng tôi cũng chỉ muốn nhấn mạnh tới những giá trị đích thực của con người về lương tri, về lòng tự hào tự thân của mỗi người. Các vị cũng cần tự hỏi là mình có tự hào về những việc mình đã làm hay không? Ấy là niềm tự hào tự thân chứ không phải là sự hãnh diện khi đồng nghiệp, cấp dưới khen ngợi về tài năng, về sự giầu có, sự sợ sệt của người khác về quyền lực các vị đang có.

Mỗi một cán bộ tư pháp chỉ có quyền tự hào một niềm tự hào tự thân và đích thực khi người ấy làm được một điều gì đây đóng góp thật sự cho sự tiến bộ của xã hội, ở đây cụ thể là nền tư pháp ở Việt Nam.

Nếu tôi là một quan chức trong ngành, tôi sẽ cảm thấy xấu hổ khi một luật sư phải thốt lên những lời đau đớn như vậy. Mọi thứ sẽ qua đi, tiền tài, quyền lực và chính mạng sống của các vị cũng vậy, chỉ có sự đóng góp đích thực vào sự tiến bộ xã hội mới có ý nghĩa bền vững, lâu dài.

Chỉ khi có một niềm tự hào tự thân chân chính, các vị mới có thể mở miệng dạy con cháu những bài học làm người cơ bản nhất mà thôi. Điều ấy nghe tưởng là đơn giản nhưng không dễ chút nào đâu. Khi dạy trẻ con bằng những lời dối trá, các vị sẽ thấy xấu hổ. Còn tôi, tuy là một người dân thấp cổ bé họng, tài hèn sức mọn nhưng tôi có thể dạy các con của tôi những bài học làm người cơ bản nhất với lòng kiêu hãnh của một người tử tế, hướng thiện, hướng thượng.

Đoàn Bảo Châu

CÔNG LÝ VÀ MỘT NỀN TƯ PHÁP

HUY ĐỨC/ TD 29-5-2021

Luật sư Lê Văn Hòa tuyên bố: “Tôi bỏ nghề luật sư từ hôm nay, 27-5-2021, vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam.” Tôi tin ông Hòa là người tốt nhưng tôi nghĩ, cũng như nhiều quan chức khác vỡ mộng khi về hưu, ông đã sai khi đặt niềm tin vào nền tư pháp thay vì đặt niềm tin vào công lý.

Càng đối diện với một nền tư pháp yếu kém hay tha hóa càng cần những người có niềm tin sắt đá vào công lý và không bao giờ ngã lòng.

Tôi may mắn là phóng viên viết về Quốc hội trong khoảng thời gian mà Quốc hội Việt Nam tranh cãi quyết liệt để thông qua Hiến pháp 1992 và những bộ luật rường cột đang áp dụng ngày nay: Bộ Luật Hình sự & Bộ Luật Tố tụng hình sự; Bộ Luật Dân sự; Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp… Nhưng tôi cũng không “embedded Hội trường Ba Đình”, tôi làm phóng sự điều tra và đặc biệt, được ngồi tường thuật các vụ án then chốt của Việt Nam trong khoảng 1989 – 2009.

Bài học đầu tiên về công lý mà tôi nhận được là từ phiên tòa xử vụ “Bỉnh Họt” (tôi nhớ) vào cuối năm 1989. Bỉnh Họt là một người Hoa ở Kiên Giang từng tham gia đưa người vượt biên theo “Phương án II” nhưng phiên tòa chỉ xử phần buôn lậu mà ông tham gia cùng với các quan chức địa phương. Các luật sư nổi tiếng nhất của Sài Gòn được mời xuống Kiên Giang như Trịnh Đình Ban, Trương Thị Hòa, Nguyễn Đăng Trừng.

Tôi ngồi trong tòa như một bồi thẩm viên, chứng kiến nhưng pha tranh tụng tuyệt vời của các luật sư về những vi phạm tố tụng, về những bằng chứng cho thấy việc buôn lậu là có chủ trương. Nếu có một bồi thẩm đoàn và những người được bỏ phiếu cùng suy nghĩ như tôi thì chắc chắn phán quyết cho các bị cáo sẽ là “not guilty”. Nhưng, mức án đều như dự đoán.

Tôi cố gắng chắt lọc sự kiện và đưa tối đa tinh thần của phiên tòa lên mặt báo. Lúc đó, tôi phải viết tay, photocopy ra nhiều bản, nhờ một đồng nghiệp là anh Quang Tiên nửa đêm ra gửi hành khách xe đò Rạch Giá – Sài Gòn. Cứ 5 bản gửi, hai bản về tới tòa soạn chiều hôm sau trước giờ sắp chữ.

Trước phiên tòa, Bộ Văn hóa Thông tin cho xe chở hơn 30 nhà báo từ Sài Gòn xuống Rạch Giá định tuyên truyền cho chủ trương chống buôn lậu. Sau hai bài báo trên Tuổi Trẻ và một số báo bạn, các báo nhận lệnh chỉ đưa tin bản án chứ không cho tường thuật nữa. Bài thứ ba quan trọng nhất, tường thuật so sánh giữa lập luận của VKS, Tòa và các luật sư của tôi bị vứt vào sọt rác.

Người bạn, người đồng nghiệp mà tôi kính trọng cùng dự phiên tòa phúc thẩm Tamexco (1997) chắc đến bây giờ cũng không hiểu tại sao hôm ấy tôi đã làm tường thuật chính lại còn dành lấy phần ghi lại “lời nói sau cùng của các bị cáo trước Tòa”. Tôi biết, các bị cáo ấy không hề hy vọng vào bản án, họ hy vọng công chúng, người thân, gia đình nghe được những lời ruột gan của họ… Tôi cố gắng để thể hiện chính xác câu chữ và truyền tải tối đa thông điệp mà họ muốn.

Tôi biết, nếu Bầu Kiên chịu thỏa hiệp, anh có thể nhận một bản án mà giờ đây đã có thể rung đùi trên xe Rolls Royce. Nhưng cảm nhận về công lý của Bầu Kiên khác với những bị cáo bình thường. Việc công chúng chia sẻ, cảm nhận anh vô tội quan trọng hơn nhiều mấy chục năm trong bản án.

Khi sự kiện viên đại úy công an lãnh đạm cầm điện thoại trong khi anh tài xế bị thương vẫn đang vật lộn với tên cướp, cà phê với hai đại tá công an nghỉ hưu, tôi hỏi họ nghĩ sao. Một vị từng làm ở Cục Cảnh sát điều tra nói ngay: “Ăn thua gì. Đó là sự vô cảm mà ta thấy. Sự vô cảm trong phòng máy lạnh của những người cấp bậc to hơn cậu ấy trước oan khuất của người dân, trước những hành vi phạm tội của những quan chức, ta không thấy nhưng, hơn nhiều lần, nguy hiểm.”

Tuyên bố của LS Lê Văn Hòa theo tôi là vẫn rất có ý nghĩa. Hy vọng nó làm giật mình nhiều quan chức cao cấp như anh đang tại chức, đang vô cảm và đang tận hưởng những bổng lộc từ hệ thống. Dăm bảy năm trước, nói chuyện công lý với những Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Vũ Huy Hoàng… sẽ bị cười khẩy ngay. Họ chắc chắn đã từng tham gia các quyết định liên quan đến số phận của nhiều người. Họ đâu nghĩ có một ngày họ khao khát không chỉ là bản án mà vài dòng trên báo nói khách quan cho họ.

Tôi tin LS Lê Văn Hòa là một người tốt, nhưng cũng hơi thất vọng khi anh “nghe lời vợ về nhà”. Càng ở trong một hệ thống tư pháp mất khả năng cung cấp công lý, những người tốt càng không nên bỏ cuộc. Đừng tưởng có tam quyền phân lập là công lý tự đến. Công lý không chỉ chỉ được cung cấp bởi một hệ thống tư pháp “độc lập chỉ tuân theo pháp luật” mà còn cần sự đồng hành của những người không chỉ trong sạch, quả cảm và trí tuệ mà còn phải vững niềm tin và khát khao công lý.

Huy Đức

PHỎNG VẤN LUẬT SƯ VÕ AN ĐÔN: 'LS HÒA MẤT NIỀM TIN VÀO NGÀNH TƯ

 PHÁP LÀ ĐIỀU CÓ THẬT'

TUẤN KHANH/ TD 30-5-2021

Sự kiện luật sư Lê Văn Hòa, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, từng là Vụ trưởng Ban Nội Chính TW tuyên bố ‘hết niềm tin vào tư pháp’, và tuyên bố bỏ nghề, đã gây xôn xao không ít trên những dòng tin không thuộc báo chí Nhà nước vào những ngày cuối tháng 5-2021.

Có thể nói, điểm tan vỡ trong niềm tin lớn nhất của ông Hòa, là khi ông tham gia vào nhóm luật sư bào chữa miễn phí cho người dân làng Đồng Tâm, trong vụ 3000 công an nửa đêm đột nhập tấn công làng, thảm sát cụ trưởng lão Lê Đình Kình. Những lần ra tòa, và thất vọng trước lý lẽ kết tội người dân, ông Hòa đã từ đó chuyển dần sang tâm trạng từ bỏ. Khép kín không trả lời thêm về sự kiện này, cho tới nay.

Ở vị trí một luật sư tâm huyết với việc bảo vệ công lý, luật sư Võ An Đôn (sinh năm 1977, sống tại Phú Yên) đã bị rút thẻ hành nghề, như một cách răn đe với giới luật sư muốn hành động chỉ dựa trên chuẩn mực hiến pháp và pháp luật.

Trao đổi với luật sư Võ An Đôn, một người bị tước thẻ hành nghề, về câu chuyện một luật sư tự bỏ thẻ hành nghề, ông tâm tình cho biết cảm giác của mình.

Chào luật sư Võ An Đôn, chắc anh cũng nghe qua chuyện luật sư Hòa vừa tuyên bố bỏ nghề, gây xôn xao trong dư luận?

Tôi đọc trên facebook, nghe qua về chuyện của luật sư Hòa từ bỏ nghề luật sư vì “mất niềm tin vào ngành tư pháp Việt Nam”, nhưng tiếc là trước đây tôi không có dịp tiếp xúc với anh ấy. Thật ra, với suy nghĩ riêng của tôi, việc từ bỏ của luật sư Hòa có thể gọi là hành động đúng đắn và sáng suốt.

Anh có thể nói rõ hơn, vì sao hành động tự bỏ thẻ hành nghề luật sư của ông Hòa lại là “sáng suốt”?

Nghề luật sư và những câu chuyện của nó thì không phải chỉ có anh Hòa, mà gần như ai cũng biết cả. Nhưng để nói thẳng ra và từ bỏ, thì đó chính là một bản lĩnh hiếm. Nói về chán, thì nhiều người chán lắm rồi anh à, nhưng là nghề nghiệp thì từ bỏ thì sống bằng gì, năm tháng tu học kể như bỏ.

Lâu nay, nhìn là thấy, luật sư ở Việt Nam xuất hiện nhiều trường hợp chỉ làm đẹp thôi chứ không còn tác dụng hay ý nghĩa gì. Ngoài việc im lặng xoay sở do hiểu nội tình hoặc chạy án thì thôi, chứ nếu là luật sư chân chính, dựa mọi thứ chỉ dựa vào luật thì hiếm khi nào thành công lắm. Anh có ra tòa nói hay cách mấy cũng không ai thèm nghe mình. Thỉnh thoảng có những thứ bày ra tuyệt đối không thể chối cãi thì mới gọi là thắng kiện thôi. Chỉ dựa là tinh thần công lý thôi thì không hiệu quả.

Nên mới nói, nhiều luật sư chạy án, đôi khi không phải vì tiền mà muốn cố đem lại lợi ích đúng cho thân chủ của mình.

Nghề luật sư vẫn còn nhiều người làm việc, vì đã bỏ bao nhiêu năm ra học hành, sống với nghề thì cố nhịn để làm nghề. Nhưng nếu đã va chạm với tòa án, tố tụng… và thấu hiểu, thì có một cuộc sống không khó khăn hoặc có nghề tay trái, nhiều người dễ dàng từ bỏ vì quá mệt mỏi.

Ngay khi Luật sư Hòa tuyên bố từ bỏ, ông nhận được tâm thư kêu gọi nên thay đổi ý định. Một trong những lời khuyên ấy, là nên cố gắng chèo chống vì lẽ phải: Nếu người tốt bỏ đi, thì cái xấu, cái ác sẽ có thêm một vùng lợi thế…?

Tôi có đọc vài thư như vậy, và nghĩ rằng có thể không phải họ chỉ khuyên anh Hòa, mà mặt khác còn tự an ủi cho chính mình, nhận sự việc để đánh động xã hội. Một người bỏ cuộc, những người còn lại đang cố gắng với lý tưởng nghề luật sư sẽ cảm thấy cô đơn hơn.

Thật ra, giới luật sư cũng phản ứng nhiều, khi thấy nghề nghiệp và lòng tự trọng bị tổn thương. Từ năm 2015, nhiều sự phản ứng và ra tòa chống án gọi là bỏ túi đã diễn ra nhưng đều bị vùi dập. Chẳng hạn ở miền Trung thì có sự kiện của tôi (LTS: luật sư Võ An Đôn, bị rút thẻ hành nghề), rồi đến vụ Phạm Công Út ở Sài Gòn. Rồi Hà Nội thì có anh Trần Vũ Hải. Có thể người ta nói là luật sư này A, B có sai phạm gì đó, nhưng mượn cái cớ đó, vào thời điểm cần thiết, thì họ ra tay ngay. Vẫn có những luật sư phục tùng nhà nước, sai phạm được biết nhưng chưa cần thiết thì không bị đụng đến.

Những ví dụ đó, đủ để răn đe nên ai thấy đều thủ thế. Nên qua các lời khuyên như “nếu rời bỏ thì cái xấu, cái ác lại có lợi thế”… chỉ là người ta nói vậy thôi, chứ không thể làm gì, ít nhất là trong một thời gian dài nữa. Anh Hòa tuyên bố “mất niềm tin vào ngành tư pháp”, là một điều có thật mà giới luật sư ai cũng biết.

Tòa án Việt Năm từ năm 2019 đến nay đã diễn ra nhiều điều khó tin, như luật sư bị từ chối tranh tụng, điện cúp vào lúc thẩm phán bế tắc trả lời, người bào chữa bị khiêng ra khỏi tòa khi chất vấn sắc sảo… Ai cũng thấy các câu chuyện đáng giận từ tòa án… Nhưng còn luật sư đoàn, một tổ chức nghề nghiệp như vậy sao không lên tiếng bảo vệ cho người của mình, dù là dựa trên lý lẽ luật pháp?

Ai cũng buồn, cũng tức giận nếu thấy tòa án không có công lý, không minh bạch. Nhưng cũng không ai dám mong các luật sư đoàn lên tiếng để hỗ trợ. Đứng đầu các luật sư đoàn, bắt buộc phải là đảng viên. Mà nếu vậy thì anh có chức, có đảng, bắt buộc phải nghe theo chỉ đạo chứ không thể vì một cá nhân hay sự kiện nào được, dù đó là điều cần thiết. Đặc biệt là những luật sư không đảng viên thì có lên tiếng ở luật sư đoàn, giống như góp ý thôi, không ai nghe cả.

Giờ đây là một người tự do, nhưng hiểu biết luật, anh có còn ức chế hay tức giận khi đối diện với những bất công, nhưng bị buộc phải im lặng nhiều điều để giữ nghề như trước đây?

Lúc còn là luật sư, tôi đã nói về chuyện tòa án, về tiêu cực, bất công trong các phiên tòa… và cũng dự đoán được điều gì sẽ đến cho tôi và những người khác về sau. Do đó, khi nghe tin về trường hợp “mất niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam” của luật sư Lê Văn Hòa, tôi cũng không quá bất ngờ. Việc từ bỏ của anh Hòa gây xúc động cho đồng nghiệp và những người mang chung tâm trạng, nhưng dù có tuyên bố như tố cáo đi nữa, cũng không ăn thua gì với hiện trạng tư pháp lúc này.

Tôi nói không ăn thua, là bởi mọi vụ án đều đi qua lăng kính chính trị chỉ đạo. Trước tuyên án thường bao giờ cũng họp để nghe chỉ đạo về kết quả vụ án. Nên khi luật sư có nói thể nào, viện kiểm sát từ chối tranh luận, thẩm phán bỏ chút thì giờ như lắng nghe rồi phán thôi. Không có ý nghĩa thực tế gì. Chỉ có thể thay đổi, cải cách thật sự toàn diện mới hy vọng mọi thứ tốt hơn.

Tôi bước ra xa về với đời sống ruộng vườn nhưng cũng quan sát về các vụ án. Nhưng tâm trạng khác trước đây. Khi còn giấy hành nghề luật sư, tôi luôn nóng lòng muốn tham gia vào những vụ án oan sai hiện rõ và góp phần đòi công lý. Nhưng giờ là khán giả, tôi lại thấy nỗ lực không ngừng của các luật sư hôm nay cũng chẳng khác gì tôi trước đây. Chỉ nghĩ rằng thương cho dân Việt Nam mình, chỉ còn thấy rất buồn vậy thôi anh.

Do máu nghề nghiệp cứ thúc đẩy, thì khi không là luật sư chính thức, tôi vẫn nhận tư vấn các vụ án, viết đơn hoặc nhận ủy quyền ra tòa (luật vẫn cho phép), thế nhưng tuyên truyền của chính quyền vẫn bao vây và ngăn chận người dân đến với tôi, dọa rằng tôi là “phản động”, dính đến tôi thì kiện tụng nhất định sẽ thất bại… nên thỉnh thoảng, những người dân nào đã oan ức tận cùng, nhưng vụ đòi công lý đã cùng đường rồi mới dám tìm đến gặp tôi, bởi họ không còn biết sợ là gì nữa. Thậm chí có những vụ án kiện tụng bình thường, phía bên tòa án khi biết tôi là người tư vấn hay giúp đỡ gì thì cũng nói riêng với người đứng tên đơn là nên đổi người mới hy vọng có kết quả.

Và hôm nay, anh đang vẫn sống như một nông dân, và dành thời gian để tư vấn, điền đơn… giúp cho những ai đang gặp khó khăn và cần đến một tiếng nói về luật pháp…?

Tôi vẫn sống với cuộc đời làm nông của mình, và thỉnh thoảng vẫn dùng khả năng học luật của mình để giúp đỡ miễn phí cho những ai cần đến. Tôi vẫn sống như mình đã từng sống từ đó đến giờ, không có gì thay đổi. Hôm qua tôi đã nói như thế nào, hôm nay tôi vẫn sống và nói như vậy.

Vâng, cám ơn luật sư Võ An Đôn.

Tuấn Khanh

TÂM THƯ CÙNG ĐỒNG NGHIỆP- LS LÊ VĂN HÒA

NGỌC MINH CHÂU/ BVN 31-5-2021



"Thưa anh Hòa kính mến!

Tôi với anh là người cùng trang lứa, anh vốn từ chỗ quyền cao chức trọng trong ngành nội chính, còn tôi chỉ là một luật sư làm nghề gia truyền chẳng hề từng có chức quyền gì. Hôm nay nghe tin anh tuyên bố bỏ nghề vì mất niềm tin vào nền tư pháp, tôi buồn lắm nên xin có đôi lời với anh, nếu có gì làm anh không hài lòng thì xin anh bỏ quá cho tôi.

Tôi nhớ, lần đầu tiên gặp anh ở nhà một cựu viên chức trong Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trao đổi chuyên môn về một vụ án dân sự - Hồi đó anh còn đương chức trong ngành nội chính, anh đã gây ấn tượng rất tốt trong tôi về một quan chức biết lắng nghe. Qua lần gặp đó tôi vẫn nghĩ trong cơ quan nội chính ít ra cũng có người có tâm với dân như anh.

Khi anh nghỉ hưu quay về làm luật sư, qua những vụ án anh làm tôi càng thêm kính trọng và cảm phục cái tâm của anh với dân nghèo dân oan.

Những người có đủ trí tuệ, sức mạnh lại yêu chuộng công lý như anh thật đáng trân quý biết bao!

Còn tôi, các bệnh lão hóa vẫn theo thời gian âm thầm hiện diện trong cơ thể, nhiều năm lăn lộn khắp các vùng từ hải đảo xa xôi đến miền núi cao hoang vắng, làm hàng trăm vụ án hình sự, dân sự, hành chính, bất chấp tuổi tác di chuyển trong những chuyến xe khách xuyên đêm như một bà buôn vặt, ăn bụi nằm bờ với người dân tộc thiểu số trên núi cao không biết tiếng phổ thông, nằm trên thuyền rách nát với dân thuyền chài mù chữ ngoài đảo xa, gặp nhiều cảnh đau lòng nên rất phẫn nộ với cách hành xử kiểu rừng rú của không ít những kẻ đang có quyền hành trong tay, tự thấy mình quá nhỏ bé, yếu đuối trước bạo lực cường quyền nhiều khi tôi cũng nản, chỉ muốn buông bỏ như anh để về với cuộc sống bình an tuổi già.

Nhưng trong lúc tôi nản muốn bỏ nghề thì nghề lại cứ bám lấy tôi, không cho tôi bỏ vì dân nghèo, dân oan họ tìm đến mình nhờ cậy, đặt niềm tin vào mình. Khi đó, tôi thầm nghĩ: giữa cuộc đời trắng đen lẫn lộn này, những người như họ gặp cảnh oan trái lại còn bị thế lực cùng đồng tiền chèn ép xô đẩy đến khốn cùng, nếu mình không giúp họ thì họ biết bám víu vào đâu ?

Cho dù nhiều lúc mình bị thua trước sức mạnh đồng tiền cùng thế lực xấu xa nhưng ít ra mình cũng cho người dân oan đó một niềm an ủi cho dù chỉ giống như người hấp hối cần cha cố đến rửa tội thì lương tâm mình cũng không thể từ chối họ được.

Thế là tôi lại lên đường bước vào cuộc chiến mới.

Anh biết không ? Có nhiều phiên tòa bị quyền lực và đồng tiền chèn ép khiến mình thua trắng phớ, mình buồn lắm ! Nhưng chính thân chủ bị thua đau đó lại là người an ủi mình vì họ hiểu nếu không có mình thì họ không biết một điều rằng họ đã đúng nhưng chỉ vì thế lực và đồng tiền chà đạp lên công lý một cách thô bạo nên họ thua. Bởi vì sao ? Bởi vì mình đã lao động phục vụ họ với tỉnh thần trách nhiệm cao, bằng trí tuệ, lương tâm và bản lĩnh nhưng kết quả ra sao thuộc về kẻ có quyền chứ không phải tại ta kém, ta không có tâm. Thân chủ họ hiểu mình, họ hài lòng với mình, nhờ có luật sư họ mới hiểu vì tiền và quyền nên họ thua nhưng họ vẫn thêm niềm tin rằng họ đúng và củng cố thêm sức mạnh cho họ đi tiếp con đường dù chông gai.

Chúng ta cũng có những lần được thần công lý mỉm cười khi gặp những người cầm cân có lương tâm. Hạnh phúc nào bằng khi nhìn những giọt nước mắt chảy ra từ hốc mắt người oan được giải oan sau hàng chục năm kiên trì đi tìm công lý. Cho dù đó là trường hợp hiếm hoi như trúng sổ số, nhưng thật vinh dự đúng không anh ?

Hôm nay nghe tin anh tuyên bố bỏ nghề vì thất vọng với ngành tư pháp tôi buồn lắm ! Những người như anh rất cần cho dân nghèo dân oan.

Tại sao anh lại buông bỏ sớm thế ? Anh nói vì anh thất vọng với nền tư pháp, nhưng tôi lại nghĩ trong nền tư pháp này đã và đang có không ít người có lương tâm tốt như anh, chỉ có điều mình có thể hiểu rằng người đó chưa có nhiều quyền lực và chưa đủ dũng cảm để vượt qua những rào cản vô hình để che chở cho chính nghĩa.

Anh biết không ?

Chính các luật sư chúng ta đang là những điểm sáng trong nền tư pháp này đó.

Anh buông bỏ chính là anh đã tắt đi một điểm sáng trong đội ngũ luật sư chúng ta đó !

Anh buông bỏ là anh làm tối thêm cái nền tư pháp mà anh cho là đang tối !

Anh buông bỏ, là tặng thêm niềm vui cho kẻ tham nhũng, kẻ làm sai vì bỗng dưng loai bỏ được một đối thủ.!

Anh buông bỏ, là anh làm dân nghèo dân oan mất đi một người hiệp sỹ đấu tranh bênh vực cho họ bằng trí tuệ, trái tim, lòng quả cảm.

Việc còn nhiều, đời nghề còn dài. Tuổi chúng ta với nghề không già mà còn đang là người nhiều kinh nghiệm trong nghề. Mong anh nghĩ lại mà ở lại với nghề chúng mình, một nghề nhiều chông gai cay đắng nhưng cũng rất vinh quang !

Thân mến"

N.M.C.

Nguồn: FB Lưu Trọng Văn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét