Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

20210605. CHẤP NHẬN VẮC XIN SINOPHAMRM CỦA TRUNG QUỐC

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

BỘ Y TẾ PHÊ DUYỆT KHẨN CẤP VẮC XIN  COVID 19 SINOPHARM 
CỦA TRUNG QUỐC

THÚY HẠNH/ VNN 4-6-2021

Bộ Y tế đồng ý phê duyệt có điều kiện vắc xin Sinopharm của Trung Quốc cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Ngày 3/6, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường ký phê duyệt có điều kiện vắc xin Sinopharm của Trung Quốc cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế cho biết, quyết định này căn cứ theo đề xuất của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với vắc xin, sinh phẩm và theo đề nghị của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Bộ Y tế phê duyệt khẩn cấp vắc xin Sinopharm của Trung Quốc

Vắc xin Sinopharm

Vắc xin Sinopharm còn có tên gọi là SARS-CoV-2 vaccine (Vero Cell) do Viện Sản phẩm sinh học Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất. 

Mỗi liều 0,5ml chứa 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt.

Đây là vắc xin thứ 3 được cấp phép khẩn cấp tại Việt Nam sau AstraZeneca và Sputnik V.

Bộ Y tế cho biết, vắc xin Sinopharm được phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cung cấp cho Bộ Y tế tính đến ngày 29/5.

Sau khi phê duyệt, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương có trách nhiệm phối hợp với nhà sản xuất phản hồi kịp thời các yêu cầu từ Bộ Y tế Việt Nam để bổ sung thêm dữ liệu hoặc các yêu cầu khác có liên quan đến vắc xin Sinopharm và chủ động cung cấp, cập nhật các thông tin mới liên quan đến vắc xin trong suốt quá trình phát triển sản phẩm.

Viện Vệ sinh Dịch tễ cũng được giao triển khai hệ thống cảnh giác dược toàn diện với vắc xin Sinopharm, phối hợp với Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo và các đơn vị khác đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vắc xin Sinopharm.

Bộ Y tế giao Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu vắc xin Sinopharm theo quy định; Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vắc xin trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế trong quá trình sử dụng; Cục Y tế dự phòng triển khai công tác tiêm chủng.

Vào đầu tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chấp thuận sử dụng vắc xin Sinopharm cho tình huống khẩn cấp. Đây là vắc xin thứ 6 được WHO phê duyệt.

Hiện tại đã có hơn 40 quốc gia sử dụng vắc xin Sinopharm. Hãng dược này đã sản xuất hơn 200 triệu liều vắc xin, xếp sau AstraZeneca, Moderna và Pfizer-BioNTech về sản lượng.

Dữ liệu công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy, vắc xin Sinopharm có hiệu quả gần 78,1% với các trường hợp có triệu chứng và 73,5% cho các ca nhiễm không triệu chứng. 

Thúy Hạnh

CHẤP NHẬN VACCINE TRUNG QUỐC, VIỆT NAM ĐẦU HÀNG NHƯNG KHÔNG HẾT BA HOA

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 3-5-2021


Việt Nam đang nghiên cứu hồ sơ để cấp giấy phép sử dụng vaccine Sinopharm ngừa Covid-19 của Trung Quốc. Việc này có lẽ chỉ là vấn đề thủ tục, vì dịch đang bùng phát dữ dội ở Việt Nam, hơn nữa loại vaccine này đã được Tổ chức Y tế Thế giới chấp nhận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Việt Nam là một trong vài nước ít ỏi ở Đông Nam Á chưa chấp thuận vaccine Trung Quốc, nhưng bây giờ đã đầu hàng. Việt Nam thấy rất rõ hiệu quả kém của vaccine Trung Quốc, với nhiều ví dụ nhãn tiền. Các nước sử dụng vaccine Trung Quốc nhiều nhất là Chile, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Seychelles… hiện đang chứng kiến bùng phát dịch trở lại.

Mới nhất, một khảo sát ở Hungary, con ngựa thành Troy của Trung Quốc xâm nhập châu Âu, cho thấy một nhóm đã chích ngừa vaccine Trung Quốc không có đủ kháng thể cần thiết để chống Covid-19. Hai nước UAE và Bahrain dự tính sẽ chích mũi thứ ba cho dân của họ, những người đã chích hai mũi vaccine Trung Quốc. Các chuyên gia đề nghị, mũi thứ ba này sẽ là loại vaccine khác, không sử dụng vaccine TQ.

Tin từ giới ngoại giao Việt Nam cho biết, cho tới cuối tháng 5/2021, Việt Nam có nhận những lô hàng vaccine “hữu nghị” từ Bắc Kinh, nhưng đó là những động tác hoàn toàn … “hữu nghị”, chứ Hà Nội không có ý định sử dụng các loại vaccine kém hiệu quả của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đói thì đầu gối cũng phải bò. Những nỗ lực tìm kiếm vaccine phương Tây cho tới giờ này tỏ ra vô vọng, bởi nhiều rào cản khác nhau: Ấn Độ ngừng xuất vaccine của chương trình COVAX mà Việt Nam tham gia, các loại thuốc phương Tây mắc tiền, khan hiếm nên khó mua, lại khó bảo quản…

Báo chí nhà nước liên tục đưa tin hết vị lãnh đạo này tới vị lãnh đạo khác điện đàm với Nga, Mỹ, Úc, Nhật… để điều đình về vaccine.

Chúng ta có thể thông cảm cho sự đầu hàng trong “trận chiến giành vaccine” này. Tuy nhiên, khó có thể thông cảm cho sự thiếu hiểu biết toàn cục, thái độ tự mãn của nhà nước Việt Nam khi họ kiểm soát được dịch vào năm 2020 nhờ vào những biện pháp hành chánh cứng rắn. Báo chí, các quan chức cao cấp như lên đồng, ca tụng chính mình, so sánh với các cường quốc lúc đó vẫn đang vất vả chống dịch.

Sự lên đồng này nhắc chúng ta nhớ đến sự kiêu ngạo của đảng Cộng sản Việt Nam sau ngày 30/4/1975, tự hào rằng, Việt Nam đã thắng “hai đế quốc sừng sỏ nhất là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ” và rằng, “Việt Nam là lương tâm thời đại”! Cái “lương tâm thời đại” này suýt nữa chết chìm cùng sự sụp đổ của đế chế Xô Viết và khối Đông Âu.

Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, một số người Việt nói chung, thường hay mắc vào chứng bệnh “lũy tre làng”, cứ tưởng như cái đình làng của mình là cả vũ trụ này, mà chưa bao giờ nhìn ra được toàn cục vấn đề. Việc rước chủ nghĩa cộng sản về đất nước này cũng nằm trong cái não trạng đó, một não trạng thiếu duy biện, chỉ nhìn thấy một một góc cạnh của vấn đề.

Gần đây, có một số người hay viện dẫn cái gọi là “lời nguyền địa chính trị” để giải thích về những chính sách, hướng đi của quốc gia. Lời nguyền địa chính trị nói rằng, Việt Nam nằm sát bên đế quốc Trung Hoa ngày xưa, đế quốc cộng sản Hoa Lục ngày nay, cho nên không có nhiều lựa chọn.

Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đều nằm sát bên Trung Quốc nhưng không quốc gia hay thể chế nào nhường nhịn Bắc Kinh cả, bởi họ có nhiều lựa chọn, không như Việt Nam.

Lời nguyền địa chính trị có thể đúng từ thế kỷ 15 về trước, khi mà giao thương quốc tế còn sơ khai. Đối diện với xứ Giao Chỉ, Đại Việt… chỉ có thế giới Trung Hoa.

Nhưng ngày nay, thế giới đã thay đổi, nhưng tư duy của một số người, nhất là giới lãnh đạo CSVN thì không, cứ say sưa với quyền làm chủ tập thể, ba dòng thác cách mạng ngày trước và mô hình kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày nay, mà thực chất đó là mô hình Trung Quốc.

Giữa đại dịch, vị lãnh đạo tối cao Nguyễn Phú Trọng hì hục viết một bài văn theo kiểu văn mẫu dài hơn 8000 từ, để ca ngợi chủ nghĩa xã hội, mà tác giả Nguyễn Tô Hiệu gọi là đẫm lệ và … hoang tưởng.

Công bằng mà nói thì Hà Nội cũng có những cố gắng thoát Trung, ví dụ như không hợp tác với Bắc Kinh để khai thác dầu trên thềm lục địa, hay là cưỡng lại sự chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh. Nhưng đó không phải là một sự vượt thoát dứt khoát kiểu như “Thoát Á luận” của giới trí thức Nhật Bản thời canh tân Minh Trị.

Và hơn hết, Hà Nội không có can đảm vượt qua chế độ toàn trị, dù không ít đảng viên của đảng cầm quyền cũng biết rằng chế độ ấy không phải là tương lai của dân tộc, hay của nhân loại.

Không thoát được toàn trị thì không bao giờ có được một xã hội sáng tạo, vì sáng tạo thực sự là sản phẩm của một nền dân chủ. Không sáng tạo thì quốc gia mãi nghèo đói, lệ thuộc kẻ khác. Không thoát được toàn trị thì cũng không có đồng minh, bè bạn đàng hoàng tử tế để mà giao du.

Không chỉ vaccine, mà Việt Nam sẽ có nhiều vụ đầu hàng Bắc Kinh nữa trong tương lai!

PHẢI CHĂNG MỘT PHÁT MINH HỮU ÍCH TRONG PHÒNG CHỐNG

 COVID-19 BỊ THỜ Ơ ?

LƯU TRỌNG VĂN /BVN 4-6-2021


TS Đỗ Hoàng Tùng khẳng định trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam của Bộ KH&CN như sau:

"Ứng dụng plasma, đặc biệt là plasma lạnh đang là hướng nghiên cứu được quan tâm trên thế giới. Các nghiên cứu đã công bố cho thấy, plasma lạnh có khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như bảo quản thực phẩm, chế tạo linh kiện điện tử, xử lý bề mặt sơn phủ... và đặc biệt là trong y học. Thậm chí nhiều ý kiến còn đánh giá việc ứng dụng plasma là một trong những bước tiến của y học thế kỷ XXI."

Tại Nga có một viện nghiên cứu ứng dụng plasma- dạng vật chất thứ tư này, do Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quốc Sỹ một nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng ở Nga chủ trì.

Theo thông tin của các tạp chí khoa học Nga và Việt Nam:

"Năm 2020 giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, nhóm nghiên cứu của GSTS Nguyễn Quốc Sỹ đã thành công trong việc phát minh hệ thống khử khuẩn bề mặt trên diện rộng bằng plasma lạnh.

Hệ thống thử nghiệm này có buồng khử khuẩn, trong đó lắp các đầu plasma lạnh có nhiệm vụ cung cấp một lượng ion rất lớn để diệt virus, khử khuẩn bề mặt cho người và đồ vật, hoa quả thực phẩm... Lượng ion này được tạo ra bởi nước và không khí, không hề có chút hoá chất nào. "

Nhiều chuyên gia khoa học đánh giá đây là phát minh mới chưa từng có trên thế giới trong việc khử khuẩn bề mặt trên diện rộng và trên cơ thể người bằng plasma lạnh, trong điều kiện áp suất khí quyển và nhiệt độ thường.

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC - 135 Lò Đúc, Hà Nội), công nghệ này khử khuẩn đạt cấp độ tiệt trùng, nghĩa là diệt 100% số lượng vi khuẩn là 10^7 vi khuẩn/ml dung dịch cấy khuẩn trong thời gian từ 40’’ đến 3’.

Phát minh này mở ra một hướng đi mới trong phòng chống COVID-19, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi và giới thiệu cho Bộ KH & CN, Bộ TN-MT, Bộ Y tế xem xét để đưa vào thực tiễn công cuộc chống dịch từ năm ngoái. Nhưng không rõ lý do gì phát minh quan trọng trong việc diệt khuẩn trên lại chậm đưa vào ứng dụng ở Việt Nam?

Trước tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. HCM... rất nghiêm trọng GSTS Nguyễn Quốc Sỹ cùng nhóm nghiên cứu của mình đã gửi thư khẩn kiến nghị đến tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, mong phát minh này được sớm đưa vào đời sống, trực tiếp tham gia dập dịch và chống lây nhiễm chéo trên diện rộng ở những khu vực đông người như trong bệnh viện, các khu công nghiệp, sân bay, cửa khẩu...

Các nhà khoa học gốc Việt ở Nga hy vọng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long một lần nữa yêu cầu các cơ quan chức năng của Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, phản biện minh bạch về công nghệ diệt virus covid này để trả lời cho các nhà khoa học. Nếu công nghệ có hiệu quả thì xúc tiến sớm đưa vào đời sống.

Uỷ ban Người VN ở nước ngoài cũng vừa có công văn gửi các bộ liên quan đốc thúc việc này.



Chống dịch như chống giặc. Có thể chúng ta có công nghệ của mình chống dịch, vì lẽ này lẽ nọ sao lại thờ ơ?

Lưu Trọng Văn

Tác giả gửi BVN

VUI BUỒN VẮC XIN...

VŨ KIM HẠNH/ BVN 5-6-2021

Ảnh. Chuyến bay Japan Airlines lên hàng để chở vắc xin cho Đài Loan.

1/ Theo Nikkei Asia, Trung Quốc chỉ trích Đài Loan vì “dám” đồng ý tiếp nhận 1,24 triệu liều vaccine AstraZeneca từ Nhật Bản.

Trung Quốc lý luận: "Đài Bắc đã đóng cửa với nguồn vaccine từ đại lục, từ chối nguồn vaccine an toàn và dồi dào được đại lục phát triển có thể giúp hòn đảo khống chế được dịch Covid-19".

Trong khi đó, văc xin Astra Zeneca đã đến sân bay Đào Viên chiều nay.

Trước đó, Tổng thống Thái Anh Văn đã “tố cáo” nhà cầm quyền Trung Quốc đại lục đã can thiệp ngăn cản Pfizer ký hợp đồng cung ứng vaccine cho Đài Loan.

May thay, ngay sau đó, chính phủ Nhật Bản đã đồng ý chuyển nhượng hợp đồng 120 triệu liều vaccine dư thừa mà Nhật Bản đã ký với hãng dược AstraZeneca mà nay Nhật Bản không cần đến. Với nguồn vaccine này, Đài Loan dư thừa hơn 70 triệu liều.

Một trong những lý do mà Nhật Bản đồng ý chia sẻ lại và nhượng hợp đồng vaccine lớn như vậy, theo phía Nhật Bản cho biết là vì tình nghĩa: Đài Loan là một trong những quốc gia và lãnh thổ tích cực giúp Nhật Bản vượt qua thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011 (Chắc các bạn còn nhớ, Đài Loan đã giúp Nhật 100 triệu Tân Đài tệ (khoảng 3,3 triệu USD) và gửi một đội cứu hộ 28 người cùng đội y tế đến Nhật vào ngày 14/3/2011, chỉ đúng 3 ngày sau khi thảm hoa xảy ra tại Nhật).

Ngoại trưởng Nhật Bản tuyến bố: "chúng tôi giúp Đài Loan vì Đài Loan là đối tác quan trọng và vì TÌNH BẰNG HỮU với Đài Loan.

Các bạn nhớ không, đó cũng là lý do mà người Nhật tích cực mua thơm (dứa) Đài Loan khi Trung Quốc "bom" hàng vào tháng 3 vừa rồi.

2/ Trong khi đó, các tờ nhật báo ở Đài Loan đã ghi nhận tình trạng dòng người Đài Loan đi Mỹ để tiêm vaccine ngừa Covid-19. Theo Cơ quan xuất nhập cảnh Đài Loan: Nếu trong tháng 4 chỉ có 5.946 hành khách bay đi Mỹ thì con số trong tháng 5 là 8.346 người, tăng 40%. Trong số hành khách này, 80% là có quốc tịch Đài Loan.

Để đáp ứng tình trạng hành khách gia tăng, hãng hàng không Eva Air đã tăng số chuyến bay Đài Bắc - Los Angeles từ 3 chuyến mỗi tuần thành 1 chuyến mỗi ngày.

(Theo Ricky Hồ)

V.K.H.

Nguồn: Fb Vũ Kim Hạnh

CHÍNH PHỦ LO DỊCH COVID-19 VẪN TĂNG NHANH MÀ CHIẾN LƯỢC 
VẮC XIN CHẬM

THÁI ANH / DT 4-6-2021

Dân trí

 Thông tin về phiên họp Chính phủ hôm nay (3/6) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, diễn biến dịch bệnh Covid-19 và biện pháp chống dịch là nội dung nổi lên trong phiên họp.

Chính phủ lo dịch Covid-19 vẫn lây lan nhanh mà chiến lược vắc xin chậm - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp tháng 5 của Chính phủ (ảnh: VGP).

Chủ trì họp báo Chính phủ tối 3/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin, trọn ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng, Chính phủ họp phiên tháng 5/2021 trong bối cảnh cả nước vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp.

Về công tác phòng chống dịch, Chính phủ thống nhất nhận định, nhờ có sự sát sao chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của lực lượng ở tuyến đầu… cả nước cơ bản đã kiểm soát dịch bệnh, dù vẫn còn những địa phương đang là điểm nóng dịch như TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Vấn đề được lưu ý là virus chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh, nguy hiểm, dự báo tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, khả năng còn những ca lây nhiễm mới bùng phát trong cộng đồng. Từ dự báo tình hình đó, Chính phủ quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc, không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, hoảng sợ.

Chính phủ lo dịch Covid-19 vẫn lây lan nhanh mà chiến lược vắc xin chậm - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin về nội dung phiên họp Chính phủ tháng 5.

Về tình hình kinh tế xã hội, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, Chính phủ thống nhất nhận định, dù ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch này nghiêm trọng hơn những lần trước nhưng các chỉ tiêu kinh tế đạt được khả quan. Đời sống nhân dân cơ bản ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại được đẩy mạnh.

Người phát ngôn Chính phủ cũng thông tin, Chính phủ xác định, vẫn còn những nơi, những lúc bị động, lúng túng trong phòng chống dịch, có những cơ quan chưa kịp thời, hiệu quả trong thực hiện các giải pháp. Đầu tư công vẫn chậm, gặp khó khăn, chưa đạt mục tiêu về mặt tiến độ. Nhập siêu trở lại do giá nguyên liệu đầu vào tăng và nhu cầu nhập khẩu tăng cao để phục vụ sản xuất, trong khi đầu ra cho sản phẩm bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh. Một bộ phận người dân, người lao động mất việc làm, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Chiến lược vắc xin triển khai còn chậm. Tội phạm, nhất là tội phạm trên mạng xuất hiện nhiều và ảnh hưởng xã hội tương đối lớn. Công tác thông tin - truyền thông, tuyên truyền vận động người dân còn hạn chế.

"Phải nhìn thẳng vào sự thật để suy nghĩ, cùng nhau giải quyết, Chính phủ gương mẫu về vấn đề này", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Những vướng mắc, hạn chế này có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Một số bộ, ngành chưa nắm chắc, bám sát tình hình nên đưa ra giải pháp chưa phù hợp, kém hiệu quả, điều hành lúng túng. Vẫn còn những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ. Một số người đứng đầu đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, gương mẫu trong tổ chức và điều hành công việc thuộc phạm vi chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao. Thủ tục hành chính còn rườm rà, vướng mắc. Vẫn còn cơ chế "xin - cho" và tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Thẳng thắn nhìn vào những khó khăn, tồn tại, Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện một loạt nhiệm vụ, giải pháp. Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã giao, siết chặt kỷ cương hành chính, tài chính, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn…

Thủ tướng cũng chỉ đạo tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 phù hợp với tình hình, diễn biến bệnh dịch; bảo vệ tốt an ninh trật tự, sự ổn định đời sống người dân, các sự kiện, hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng, nhà nước.

Thái Anh

BUỘC NGƯỜI DÂN CÀI BLUEZONE: VỪA THIẾU CĂN CỨ PHÁP LÝ, VỪA VI PHẠM QUYỀN CÔNG DÂN

NGUYỄN VI YÊN/ BVN 5-6-2021

Mới đây, Bộ Y tế vừa ra quyết định mới, theo đó người dân “phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone)” khi đến nơi công cộng hoặc tập trung đông người. Không chỉ vậy, Quyết định này còn hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố “xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng”.

Việc xử phạt những ai không cài Bluezone, theo như quyết định này, không những thiếu căn cứ pháp lý, mà còn vi phạm quyền công dân.

Quyết định của Bộ Y tế không có tính bắt buộc

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ mới là bên có thẩm quyền quy định các nội dung liên quan đến vi phạm hành chính, trong đó bao gồm hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, đối tượng bị xử phạt, và thẩm quyền xử phạt. Tất nhiên, Bộ Y tế không có thẩm quyền quy định các nội dung này.

Thêm nữa, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quyết định do Bộ Y tế ban hành không được coi là một văn bản quy phạm pháp luật.

Tức là, quyết định 2666/QĐ-BYT này không có hiệu lực bắt buộc. Thay vào đó, nó là một văn bản hành chính có tính hướng dẫn. Khi nhận được hướng dẫn này từ Bộ Y tế, các cơ quan chức năng ở địa phương sẽ thực thi theo nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Có ý kiến cho rằng cơ quan địa phương có thể áp dụng Nghị định 117/2020 để xử phạt trong trường hợp người dân không cài Bluezone. Điều 14 Nghị định này quy định “phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Để phản biện quan điểm này, chúng ta cần xem xét hai văn bản pháp luật khác. Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, các biện pháp phòng chống dịch phải được quy định trong Quyết định công bố dịch của Thủ tướng. Mà trong Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19, Thủ tướng không hề đề cập đến việc cài ứng dụng Bluezone hay bất kỳ ứng dụng nào khác như một biện pháp phòng chống dịch.

Như vậy, tính tới hiện tại (3/6/2021), chưa có một căn cứ pháp lý nào đủ rõ ràng để xử phạt vi phạm hành chính nếu người dân không cài đặt ứng dụng Bluezone.

Quyền riêng tư của người dân

Tuy nhiên, ta vẫn phải xét đến hai khả năng khác: hoặc chính quyền cấp địa phương vẫn xử phạt dân một cách tùy tiện, hoặc Chính phủ ban hành một nghị định mới, trong đó hợp thức hóa yêu cầu của Bộ Y tế nhằm xử phạt hành chính những ai không cài ứng dụng Bluezone.

Đây là lúc bài toán về quyền riêng tư cần được đặt ra.

Trong tư cách người dùng, có vài câu hỏi mà ta cần tìm lời giải đáp. Liệu Bluezone có đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư của người dùng? Bluezone có sử dụng thông tin người dùng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài việc phát hiện dịch bệnh? Liệu có thể đảm bảo rằng Bluezone không chia sẻ những thông tin mà Bluezone truy cập được từ thiết bị người dùng cho bất kỳ bên thứ ba nào khác?

Song, trong tư cách công dân, câu hỏi lúc này sẽ là: chính quyền lấy lý lẽ nào để buộc người dân phải từ bỏ một số quyền công dân, trong đó có quyền riêng tư?

Chưa kể, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc người dân có cài Bluezone hay không bằng cách nào? Ở bài trước*, tôi đã đề cập đến những trường hợp nhất định mà cơ quan chức năng được phép thu giữ, kiểm tra điện thoại của người dân. Và dù trong bất cứ trường hợp nào, người dân cũng có quyền từ chối giao mật khẩu điện thoại.

Hơn nữa, Liệu Bộ Thông tin và Truyền thông, trong vai trò bên triển khai ứng dụng Bluezone, có sử dụng dữ liệu từ ứng dụng này để âm thầm giám sát người dân, như cái cách Trung Quốc đang giám sát, xử lý, và trừng phạt người dân nước họ? Và, rốt cuộc, ta có thể hoàn toàn tin tưởng những cam kết từ chính quyền hay chăng?

Trong thời đại công nghệ, mối lo ngại bị chính quyền giám sát và theo dõi là một vấn đề lớn, vốn đã và đang tồn tại ở bất cứ quốc gia nào dù là tự do, dân chủ, chứ không riêng gì ở những quốc gia chuyên chế, độc tài. Vào tháng 4 năm ngoái, Apple và Google cũng đã ra tuyên bố rằng các chính quyền không được buộc công dân cài đặt ứng dụng theo dõi truy vết COVID-19 được xây dựng từ các API mà Apple và Google phát triển. Thay vào đó, việc cài đặt hay không phải là lựa chọn hoàn toàn tự do của người dùng.

Rõ ràng, xã hội càng đối mặt với nhiều vấn đề, các cam kết về quyền lại càng bị thách thức. Song đây cũng chính là phép thử, để cho thấy một chính quyền tôn trọng quyền công dân đến mức nào.

_____

Ghi chú:

*1. Bài viết “Giao mật khẩu cho công an

2. Quyết định 2666/QĐ-BYT

3. Luật Xử lý vi phạm hành chính, sửa đổi bổ sung ở đây.

4. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi bổ sung ở đây.

5. Nghị định 117/2020

6. Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm

7. Quyết định Công bố dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ

8. Tham khảo bài về Trung Quốc giám sát người dân

9. Tuyên bố của Apple và Google

N.V.Y.

Nguồn: Tiếng Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét