Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

20210617. TÌM HIỂU DIỄN BIẾN DỊCH nCoV TẠI VN

 ĐIỂM BÁO MẠNG  

MỘT CÁCH NHÌN VỀ TÌNH HÌNH ĐẠI DỊCH Corona HIỆN NAY Ở VIỆT NAM
NGUYỄN SĨ HUYÊN*/BVN 14-6-2021


GSTS Nguyễn Sĩ Huyên và SV Đại học Phạm Ngọc Thạch đến Đức học y khoa năm cuối tại Braunschweig. BS Huyên ở hàng đầu, bên phải.

Người ta thường nói, đừng thách thức số phận, bạn thách thức thì nó sẽ đến. Nhưng điều đó không có nghĩa là lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực. Trong y học ngành tim mạch, để có thể biết được chức năng tim còn tốt hay không, người ta vẫn làm những khám nghiệm “gắng sức” thách thức trái tim phải làm việc hơn bình thường để đánh giá chức năng của nó. Trong mùa đại dịch Corona, ở VN chúng ta vô tình cũng vừa làm một thử nghiệm “gắng sức” (stress test) rộng rãi trong dân chúng, thách thức Corona-Virus trong mùa bầu cử và những ngày nghỉ lễ hội 30-4 và 1-5 vừa qua với nhiều tụ điểm đông người quá mức nhiều nơi trên toàn quốc. Kết quả của “stress test vô tình” này thì còn phải chờ đợi.

Covid-19 bộc phát lên cùng lúc tại nhiều nơi. Thời điểm bộc phát bệnh và lây bệnh lan rộng chết người, tính theo thời gian lây nhiễm, thời kỳ ủ bệnh, phát bệnh và phát triển bệnh nặng thì mốc thời gian cao điểm sẽ là những tuần lễ cuối tháng 6-2021.

Trên nguyên tắc ta có thể tính đến 2 kịch bản:

Kịch bản 1 (có tính bệnh lý): Vấn đề quan trọng ở đây không phải là con số người bị lây bệnh (test dương tính), mà nên biết rằng 85% của nhóm người bị nhiễm virus Sars-CoV-2 sẽ vượt qua bệnh không cần điều trị chuyên biệt, 10% cần theo dõi, điều trị theo chứng, khoảng 5% sẽ lâm bệnh nặng cần điều trị lâm sàng; trong số đó, khoảng chừng 50%-70% cần điều trị với máy thở nhân tạo. Trong nhóm bệnh nhân này, khoảng một nửa sẽ có khả năng lớn rơi vào tử vong.

Trong điều kiện dịch COVID-19 bộc phát với tử vong tăng cao, thì nguy cơ rất lớn sẽ xảy đến cho Việt Nam là tình trạng y tế sẽ nhanh chóng bị quá tải và con số bệnh nhân rơi vào tử vong sẽ không theo trình tự như trên, tức là trong tình trạng chăm sóc y tế còn trong vòng kiểm soát, không bị quá tải, mà phải tính tới tử vong tăng vọt vì điều trị lâm sàng của các cơ sở y tế đã bị quá tải.

* Kịch bản 2: dịch COVID-19 lan rộng nhưng không có tử vong cao.

Có nghĩa là vào những tuần cuối của tháng 6, tình hình vẫn ổn định, COVID-19 lan rộng trong dân chúng nhưng không có tử vong đáng kể. Một sự cố như vậy sẽ là một chuyện không tưởng ở các nước phương Tây, nhưng ở Việt Nam thì có thể hiểu được. Tại sao?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn lại về tình hình phát triển đại dịch Corona ở phương Tây và tại VN để so sánh. Ta có thể lấy châu Âu làm ví dụ. Hệ thống y tế của châu Âu được xếp vào loại phát triển cao trên thế giới. Thế mà trước đây, chỉ có một vài trường hợp người bệnh COVID-19 trở về châu Âu từ Trung Quốc (TQ) không kiểm soát kịp mà đã đưa đến bộc phát dịch COVID-19 đợt 1 lan rộng nhanh chóng, kết quả là gây tử vong cho hàng trăm ngàn người dân châu Âu. Trong đợt đó, nước Đức đã nhanh chóng có chính sách phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, giữ số tử vong thấp và đã trở thành nước khuôn mẫu cho châu Âu đi đầu trong việc phòng chống dịch COVID-19. Dù vậy, bất cẩn trong việc kiểm soát dịch qua giao thông biên giới và kiểm tra người dân du lịch ở nước ngoài trở về lại Đức trong mùa hạ đã đưa đến làn sóng dịch COVID-19 đợt 2 vào cuối hạ, đầu thu 2020 kèm theo với việc lây nhiễm tăng nhanh ở chủng loại Corona đột biến mới (chủ yếu là B.1.1.7 của Anh, tên mới theo WHO là Alpha – xem [1]), đưa con số tử vong tăng vọt trên nước Đức từ khoảng gần 10.000 trong đợt 1, lên đến hơn 80.000 người trong đợt 2. Mô hình bộc phát và phát triển dịch COVID-19 vừa nhắc đến ở trên rất giống nhau ở những nước phương Tây và ở một ít nước châu Á có thành phần dân số người cao tuổi tương tự như tại châu Âu.

Nhưng ở VN thì sao?

Nếu bạn theo dõi diễn biến của đại dịch COVID-19 ở VN, bạn sẽ có thể nhanh chóng nhận thấy rằng chưa có thời điểm nào ở VN có một đợt bùng phát dịch COVID-19 thực sự với quy mô lớn như bây giờ. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 hiện nay tại VN so với sự lây lan của COVID-19 ở các nước châu Âu về số người nhiễm và tỷ lệ tử vong, nhìn trong khuôn khổ toàn cảnh của đại dịch, vẫn còn rất nhẹ và nằm trong vòng kiểm soát được. Dù vậy, đó vẫn là một tình huống nghiêm trọng vì nó có thể phát triển với thời gian theo một hướng hoàn toàn khác. Không ai biết trước cuộc hành trình sẽ đi về đâu. Nhưng điều chắc chắn, đó sẽ là một điều tồi tệ nếu nó đến với kịch bản 1 ở trên.

Trên thực tế, có nhiều hy vọng để thấy rằng kịch bản 1 có khả năng lớn sẽ không xảy ra vì những lý do sau:

1. Cho đến nay, chưa có đợt đại dịch COVID-19 nào gây chết người nghiêm trọng ở VN, ngay cả từ những ngày đầu của đại dịch bùng phát ở Vũ Hán. Trên quan điểm dịch tễ học, đó là một điều không thể tưởng tượng được so với tình hình đã xảy ra ở các nước châu Âu. Tại sao đại dịch COVID-19 lại tạo ra một ngoại lệ cho VN?

2. Các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt chống lây lan COVID-19 của các cơ quan chức năng VN với việc kiểm soát chặt chẽ biên giới quốc gia, kiểm dịch, cách ly và truy vết nghiêm ngặt đã góp phần đáng kể trong việc ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của COVID-19, nhưng chỉ trong khu vực có thể kiểm soát. Bên ngoài các khu vực này, như người nước ngoài nhập cảnh bất hợp pháp vào VN, mà phần lớn là người TQ, thì nguồn lây lan của COVID-19 qua đây không loại bỏ được. Tuy nhiên, tình hình dịch trong thời gian qua vẫn ổn định. Không có trường hợp dịch bộc phát không kiểm soát và không có tử vong đáng chú ý nào do COVID-19.

3. Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2020, dịch COVID-19 “bùng nổ” ở Hội An / Đà Nẵng vào thời gian có hàng trăm nghìn khách du lịch đến từ mọi nơi, trong đó có nhiều khách trong nước và khách du lịch người nước ngoài. Điều đáng lo ngại ở đây là dịch bộc phát từ cộng đồng không rõ F0, đồng thời với sự phát hiện một số đông người TQ nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và đặc biệt là sự xuất hiện của chủng virus ở Đà Nẵng được xác định là chủng thứ 6 tại VN, có nguồn gốc từ bên ngoài. Nguồn lây bệnh sau đó đã được xác định đi ra từ 3 bệnh viện tại Đà Nẵng đưa đến lây nhiễm cho một số bệnh nhân bị bệnh nặng đang được điều trị tại đây. Từ thời điểm này, các ca tử vong đầu tiên tại VN liên quan đến COVID-19 đã được ghi nhận. Trên thực tế, những chuyện sơ sót trong kiểm dịch tương tự có lẽ đã xảy ra không ít, nhưng sinh hoạt và đời sống người dân VN nói chung về mặt sức khỏe vẫn tương đối bình an. Dịch đã được kiểm soát trở lại vào đầu tháng 9-2020. Thống kê cho thấy vào thời điểm đợt dịch này có tổng cộng là 35 người chết có liên quan đến COVID-19 ở VN. Cập nhập con số tử vong cho đến ngày hôm nay để so sánh tại VN là 53 và tại Đức là 89.228 người.

4. Những ngày nghỉ lễ và lễ hội lớn vừa qua (30-4 và 1-5) cùng với nhu cầu đi nghỉ ngắn hạn để thư giãn của người dân trong dịp này sau một thời gian bị gò bó bởi dịch bệnh lâu dài, nhu cầu tụ họp của các hội đoàn, tổ chức tôn giáo… đã đưa đến một số lượng đông người tụ họp nhiều nơi trên mọi miền đất nước, cho thấy khả năng lây nhiễm rất đáng lo. Tuy vậy, tình hình COVID-19 hiện nay vẫn còn nằm trong vòng ổn định. Con số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị lâm sàng chưa thấy tăng đến mức đáng lo và mức độ tử vong vẫn thấp.

Làm sao lý giải tình hình dịch COVID-19 tại VN hiện nay?

Trong mọi tình hình dịch bệnh hay nói chung trong mọi bệnh lý nhiễm trùng, chúng ta phải biết đó luôn luôn là một cuộc đấu tranh sinh tồn giữa mầm bệnh (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng…) và cơ địa của người bệnh (thể trạng, sức đề kháng, hệ miễn dịch…). Trong nhiều trường hợp cơ thể không thể tự nó chống lại được mầm bệnh quá độc hại thì nó phải cần đến hỗ trợ của những dược chất chuyên biệt (ví dụ thuốc kháng sinh…) hoặc vắcxin chủng ngừa như trong trường hợp COVID-19 để khống chế mầm bệnh. Tốt hơn nữa, thì phòng bệnh, không để bị lây nhiễm.

Theo nguyên tắc bệnh lý cơ bản như đã nói, thì ta thấy là đại dịch COVID-19 đã không làm một ngoại lệ cho VN, sức “độc hại” của SARS-CoV-2 (kể cả chủng loại mới Alpha của Anh và Delta của Ấn và đột biến mới của nó cũng đã có mặt ở VN) thì không thay đổi, như vậy, vấn đề còn lại chỉ có thể giải thích chủ yếu qua cơ địa của người VN và những yếu tố hỗ trợ kết hợp đi kèm.

Cơ địa:

1. Cơ bản là VN có một dân số trẻ. Tỷ lệ của người cao tuổi (trên 65), thành phần dân số có nguy cơ cao rơi vào từ vong khi bi nhiễm COVID-19 ở VN chiếm khoảng 7% dân số. Khả năng người trẻ tuổi nhiễm COVID-19 rơi vào tử vong, trong điều kiện chăm sóc y tế không bị quá tải, là rất thấp: 0,002% ở tuổi 10 và 0,01% ở tuổi 25, nhưng tăng dần lên 0,4% ở tuổi 55, 1,4% ở tuổi 65, 4,6% ở tuổi 75, và 15% ở độ tuổi 85 (xem [2]).

2. Các nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng những người trước đây đã từng bị nhiễm các Corona virus khác cho thấy họ có khả năng đề kháng tốt chống lại nhiễm trùng mới với COVID-19. Giả định này là một lời giải thích phù hợp cho tình hình hiện tại ở VN (xem [3]).

3. Các bệnh nhiễm ký sinh trùng thường xuyên xảy ra trong quần thể VN cũng tạo cho người bệnh có một sức đề kháng tốt ở đường ruột. Điều này có thể đóng một vai trò quan trọng nhất định trong việc giảm tải lượng virus (SARS-CoV-2) xâm nhập qua đường ruột.

Những yếu tố hỗ trợ đi kèm:

Ở đây cần phân biệt:

1. Yếu tố hỗ trợ của y tế và nhà nước: đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng chống lây nhiễm của dịch bệnh. Ở đây, nhà nước VN và các cơ sở y tế đã có những biện pháp thích nghi và kịp thời trong việc phòng chống lan rộng đại dịch COVID-19. Cần hiểu rằng, sự lan rộng của lây nhiễm cũng là một nguy cơ dễ đưa đến sự đột biến của virus.

2. Sự đồng thuận của người dân trong việc tuân thủ những biện pháp phòng chống COVID-19.

3. Sự hỗ trợ thuận lợi của phong tục, tập quán văn hóa xã hội: những thuận lợi này được xem là sự một bổ sung, tăng hiệu quả cho những biện pháp phòng chống COVID-19. Đó là những sinh hoạt, tập quán, tự nó đã là những giãn cách tiếp xúc xã hội tự nhiên trong đời sống hàng ngày có tính bảo vệ đối với người cao tuổi trong thời dịch COVID-19.

4. Thói quen sáng sớm súc miệng thường hay súc cổ họng cũng có khả năng làm giảm tải lượng virus.

Như thế, chúng ta thấy tiến trình phát triển dịch bệnh COVID-19 ở VN trong thời gian qua, dưới bối cảnh của đại dịch COVID-19 gây tử vong khốc liệt trên thế giới, vẫn được xem là rất ổn định. Kết quả của “thử nghiệm gắng sức thách thức SARS-CoV-2“ như đã trình bày, chúng ta phải đợi qua mốc thời gian đã nói trên, tức là tuần cuối của tháng 6/2021. Với tình hình phát triển dịch bệnh hiện nay, nếu “tính độc hại” của SARS-CoV-2 không thay đổi, có nghĩa là không phát sinh một chủng loại đột biến mới “độc hại” hơn hiện nay, mà khả năng này rất hiếm, thì bấy lâu ta có thể lạc quan là kịch bản 1 sẽ không xảy ra.

Điều này không có nghĩa cho phép ta có một lạc quan quá đáng là sẽ có lại đời sống sinh hoạt xã hội bình thường bất chấp lây nhiễm. Không, chúng ta sẽ sớm có lại đời sống sinh hoạt xã hội bình thường trong điều kiện mọi người phải tuân thủ những nguyên tắc phòng chống COVID-19 nhằm phục hồi sớm nền kinh tế đã chịu nhiều tổn thất:

– Giữ khoảng cách tiếp xúc, đặc biệt là ngay cả đối với người cao tuổi trong gia đình.

– Vệ sinh tay thường xuyên.

– Mang khẩu trang khi ra đường hay đến chỗ đông người, ví dụ khu chợ, siêu thị, địa điểm buôn bán…

– Trong trường hợp nghi ngờ bị nhiễm COVID-19 tốt nhất nên khai báo với cơ quan y tế hay ngại ngùng vì nhiều lí do, thì nên tự cách ly 14 ngày.

– Kiểm dịch nghiêm ngặt khách nhập cảnh vào VN (một chính sách rất hiệu quả trong thời gian qua).

– Cần chủng ngừa sớm cho người cao tuổi thuộc nhóm nguy cơ, những người có bệnh, nhân viên y tế, cơ sở đông người tùy theo yêu cầu y tế…

*GS TS Nguyễn Sĩ Huyên -Phó khoa Nội tim mạch-hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Helios St. Marienberg, Đức, Phó khoa Y Việt-Đức, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt-Đức

__________

Ghi chú:

[1] Tổng thành phần của B.1.315 (beta), P.1. (Gamma) và B.1.617,2 (Delta) là 1,1%, của B.1.1,7 (Alpha) là 94% trong tuần 21/2021. Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Ba Tây) và Delta (Ấn) là tên gọi mới của WHO cho những biến thể mới cần lưu tâm (trong ngoặc là tên của các nước đã phát hiện biến thể mới).

[2] G. Meyerowitz-Katz et al., Assessing the age specificity of infection fatality rates for COVID-19: systematic review, meta-analysis, and public policy implications, European Journal of Epidemiology, volume 35, pages1123–1138.

[3] A. Bonifacius et al., Covid-19 Immune Signatures Reveal Stable Antiviral T-Cell Function Despite Declining Humoral Responses. January 2020SSRN Electronic Journal.


Nguồn: FB Nguyễn Phú Yên


COVID VÀ CORONA

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 9-6-2021

Một bài báo nước ngoài mô tả nước Mỹ khi đại dịch Covid-19 hoành hành như sau:

“Số người chết vì Covid ở Mỹ cao nhất thế giới, 427 nghìn người trong năm cuối của nhiệm kỳ chính quyền Trump. Đến nay, sau 5 tháng với Tổng thống Joe Biden số tử vong lên 611 nghìn và 34 triệu người Mỹ nhiễm bệnh”.

Để chống lại Covid-19, nước Mỹ đã vận động dân chúng tiêm vaccine và một trong các tiểu bang đã đưa ra chính sách:

“Tiểu bang California dành 116 triệu 500 nghìn đôla cho xổ số khuyến khích dân tiêm ngừa Covid. Bất cứ ai từ 12 tuổi trở lên và đã chích ngừa ít nhất một mũi đều được tham gia rút thăm trúng thưởng”.

Nước Mỹ có dân số gần 330 triệu người, Việt Nam dân số gần 100 triệu người.

Số người mắc Covid-19 tại Việt Nam đến nay chưa đến 10.000 người và số bị chết chưa đến 100 người. Nêu vài con số để thấy chiến lược khoanh vùng, dập dịch của Việt Nam trước và trong đợt bùng phát thứ 4 đã đạt được những kết quả khiến người dân tin tưởng và thế giới phải thán phục.

Tuy nhiên, khi Covid-19 lan đến các khu công nghiệp tập trung tại Bắc Ninh, Bắc Giang hoặc các thành phố quan trọng về kinh tế, chính trị thì Nhà nước, Chính phủ đã có những thay đổi chiến lược, tuy chưa muộn song cũng không sớm.

(Ảnh minh họa: NYT)

Thuật ngữ “Covid-19”, theo giải thích của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, “co” là viết tắt của từ corona, “vi” là viết tắt của từ virus, “d” là viết tắt của từ tiếng Anh “disease” nghĩa là “bệnh”, còn “19” là để chỉ năm 2019 – khi lần đầu tiên nhân loại phát hiện dịch bệnh này tại thành phố Vũ Hán – Trung Quốc.

Từ Corona trong tiếng Latin có nghĩa là “hào quang, vương miện”, cũng còn có nghĩa là “vừng ánh sáng, quầng ánh sáng”.

Người ta đặt tên cho loại virus chết người này là Corona bởi dưới kính hiển vi điện tử, chúng có hình ảnh như vương miện hoặc hình dáng như vừng nhật hoa (“Hoa mặt trời”, gần giống như hoa Hướng Dương).

Virus gây nên đại dịch Covid-19 không thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc kính hiển vi thông thường, nó không phân biệt biên giới quốc gia, sự giàu nghèo, địa vị xã hội, giới tính,… nên nhân loại, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới hiện đại đều ngồi chung trên một con thuyền.

Những nước giàu, dù đã tiêm chủng cho phần lớn dân số nước mình cũng không thể cho rằng họ sẽ không bị tái dịch bởi virus luôn biến đổi thành các chủng mới và biên giới không có ý nghĩa với các loài sinh vật mang theo mầm bệnh sống di cư theo mùa.

Chiến lược khoanh vùng, dập dịch của Việt Nam đã áp dụng thành công với những đợt bùng phát trước nhưng liệu sẽ vẫn mang lại hiệu quả khi đại dịch xâm nhập vào các khu công nghiệp tập trung, đặc biệt là các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài?

Chống dịch nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng nếu cách ly cả khu công nghiệp với hàng chục vạn lao động thì người lao động sẽ không có việc làm, không có thu nhập, vậy thì họ sẽ sống bằng gì?

Báo Laodong.vn viết: “Vì đại dịch COVID-19, giá trị sản xuất công nghiệp tại Bắc Giang mất đi 2.000 tỉ đồng mỗi ngày và 140.000 lao động phải nghỉ việc. Con số gây sốc đó được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nêu tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chiều 30.5. Nó cho thấy tác động của dịch COVID-19 lớn đến mức nào, nhất là khi nó hoành hành tại các khu công nghiệp”. [1]

Với nông dân, tháng 2/2021, do dịch bệnh Covid-19 thương lái không đến địa phương mua hàng, tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội đã diễn ra tình trạng:

“Trắng đồng củ cải, đỏ ruộng cà chua... không ai thu hoạch”. [2]

“Không ai thu hoạch” nghĩa là nông dân đành vứt bỏ nông sản tại ruộng bởi củ cải hoặc cà chua không thể ăn trừ bữa.

Rõ ràng là phương pháp khoanh vùng, dập dịch có ý nghĩa trong ngắn hạn và trung hạn nhưng dài hạn cần phải có chiến lược khác bởi không thể bắt trẻ em suốt ngày ngồi nhà học bài theo hình thức trực tuyến, không thể ngừng sản xuất, không thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm cho nước ngoài khiến tâm lý các nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Những tấm lòng hảo tâm, những bữa cơm miễn phí không thể duy trì lâu dài khi thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và gia tăng theo chiều hướng cực đoan.

Mặt khác, cũng đã xuất hiện những ì xèo về việc om tiền cứu trợ hoặc phát ngôn thiếu suy nghĩ của một số người khi nhận ủy thác tiền đi làm từ thiện.

Cách chống dịch từ khi bùng phát đến nay mang lại hiệu quả song hoàn toàn thụ động và vì vậy chuyển sang chủ động chống dịch bằng cách tiêm vaccine, tạo nên trạng thái “miễn dịch cộng đồng” là chiến lược đúng đắn không chỉ hiện tại mà cả tương lai lâu dài.

Với tinh thần đó Đảng, Nhà nước đã đưa ra chủ trương và Chính phủ đã thành lập “Quỹ vaccine phòng chống COVID-19” nhằm huy động nguồn lực xã hội thực hiện công tác phòng chống dịch.

Để đạt miễn dịch cộng đồng, chúng ta phải tiêm chủng cho khoảng từ 70 - 75 triệu người, và cho đến nay vũ khí vaccine chống đại dịch COVID-19 vẫn phải mua từ nước ngoài bởi chúng ta còn đang thử nghiệm giai đoạn 2.

Sự chung tay của toàn dân là cần thiết nhưng không thể thay thế vai trò của Nhà nước. Tiềm lực kinh tế của Việt Nam chưa thể so với các nước giàu và vì thế không thể đặt trọng tâm vào mua vaccine của nước ngoài như một số quốc gia dân số không đông như Singapore, hoặc các nước xuất khẩu dầu mỏ khu vực Trung Đông.

Việt Nam với gần 100 triệu dân không thể cứ mang ngoại tệ đi nhập thuốc nếu biết rằng chỉ một loại vaccine Sputnik V tính ra tiền Việt đã khoảng 280.000 đồng một liều hai thành phần, để mua 150 triệu liều (đủ cho 75 triệu dân) tiêm phòng sẽ cần một số tiền rất lớn.

Trước mắt, động viên sự chung tay của người dân cả nước là cần thiết với mục tiêu mua được càng nhiều vaccine càng tốt trong những tháng còn lại của năm 2021.

Với tinh thần đó, tối 05/06/2021 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức công bố ra mắt “Quỹ vaccine phòng chống COVID-19”.

Với sự tham dự của một số Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tại buổi công bố, có thể thấy đây là một quỹ mang tầm quốc gia.

Với những người được tiêm chủng, thời hạn hiệu nghiệm chỉ là 06 tháng đến 1 năm. “Các cuộc thử nghiệm đang diễn ra của hãng Pfizer cho thấy vaccine COVID-19 hai liều của họ vẫn có hiệu quả cao trong ít nhất 6 tháng và có thể lâu hơn. Giám đốc điều hành của Pfizer - Albert Bourla - hôm 1.4 từng tuyên bố rằng mọi người "có khả năng" cần liều tăng cường thứ 3 trong vòng 12 tháng và thậm chí có thể phải tiêm định kỳ hàng năm”.

Như vậy, ngay cả khi mua đủ vaccine tiêm cho 75 triệu người trong năm 2021 thì sang năm 2022 vẫn phải tiêm nhắc lại hoặc hàng năm phải tiêm định kỳ.

Về lâu dài chúng ta vẫn phải nghĩ đến những giải pháp căn cơ. Truyền thống yêu nước của dân tộc là nguồn vốn vô cùng quý báu nhưng cần phải động viên đúng lúc, đúng cách và bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể quên lời khuyên “Khoan thư sức dân” mà tiền nhân để lại.

Muốn thế cần giảm bớt thất thoát các nguồn thuế, chấm dứt sự lãng phí trong đầu tư những khoản không hoặc chưa cần thiết như quảng trường, tượng đài. Giảm tối đa số nhân sự khổng lồ của hệ thống chính trị đang hưởng lương từ ngân sách bằng cách sáp nhập các đơn vị hành chính nhỏ, các tổ chức, đoàn thể,… Chấm dứt hiện tượng mỗi kỳ họp là hội trường như một nơi trưng bày hoa, mỗi lần động thổ là những máng cát với hàng chục chiếc xẻng quấn giấy đỏ trắng mà chẳng chiếc xẻng nào chạm xuống đất,…

Chính phủ nên xem xét và công bố lại danh sách các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine bằng cách bổ sung thêm lực lượng lao động trong các khu công nghiệp tập trung.

Và điều quan trọng là sự minh bạch, công bằng khi sử dụng nguồn tiền người dân đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19.

Tạo dựng được niềm tin của người dân vào chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là vô cùng quan trọng bởi với chính nhờ niềm tin đó mà người dân đã dỡ nhà lấy gỗ lát đường cho xe chạy trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.

Nhận thức được điều đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết:

“Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước nên đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết”. [3]

Người viết tin vào lời hứa của người đứng đầu Chính phủ./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/2000-ti-dong-thiet-hai-moi-ngay-va-trieu-lieu-vaccine-cho-cong-nhan-915311.ldo

[2] https://baotintuc.vn/anh/ha-noi-trang-dong-cu-cai-do-ruong-ca-chua-khong-ai-thu-hoach-20210224103038741.htm

[3] https://dantri.com.vn/blog/ba-thong-diep-tu-sang-kien-thanh-lap-quy-phong-covid-19-20210608045841952.htm

Xuân Dương
CHÍCH VACCINE VẪN NHIỄM VIRUS 
SARS-CoV-2-HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG ?
NGUYỄN HỒNG VŨ/ TD 14-6-2021

Thông tin bệnh viện Nhiệt Đới ở TP.HCM bỗng dưng có 53 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 có lẽ đang làm cho mọi người khá lo lắng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát lại ở Việt Nam. Theo thông tin từ báo chí thì 53 người này đã chích ngừa vaccine COVID-19 đầy đủ 2 liều. Vậy chúng ta nên hiểu vấn đề này sao cho đúng? chúng ta cần làm gì để hạn chế lây nhiễm virus và nâng cao hiệu quả phòng tránh bệnh?

1- Sau khi chích ngừa vaccine, bạn có chắc chắn 100% sẽ không bị nhiễm virus hay không?

Câu trả lời là KHÔNG nhe bạn. Cho tới hiện nay thì chưa có vaccine nào cho thấy có khả năng bảo vệ khỏi nhiễm virus 100%. Vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna thường được biết đến với khả năng bảo vệ là khoảng trên 90% còn của AstraZeneca là hơn 70%, sau 2 hoặc 3 tuần được chích liều thứ 2. Điều này có nghĩa là còn khoảng 10% người được chích vaccine của Pfizer-BioNTech/Moderna hoặc 30% người được chích vaccine của AstraZeneca có nguy cơ bị nhiễm virus. Do vậy, các bạn vẫn nên giữ ý thức phòng ngừa lây bệnh dù rằng đã được chích vaccine ở mức độ cao khi đang ở trong vùng dịch.

Khi cơ thể của bạn được chích ngừa thì các thành phần có trong vaccine sẽ kích thích cơ thể của bạn tạo ra “kháng thể” đặc hiệu. Các kháng thể này có khả năng nhận diện và bám lên bề mặt virus khi chúng có cơ hội tiếp xúc với cơ thể của bạn qua các dịch trong người như dịch nhầy nước mũi, nước miếng và cả nước mắt… Các kháng thể này bám lên virus (cụ thể là protein S của virus) và bất hoạt chúng trước khi chúng có thể chạm lên tế bào của bạn để vào bên trong (hình minh họa trong bài).

Do vậy, virus không thể xâm nhiễm vào bên trong tế bào của bạn và bạn sẽ không bị bệnh. Để dễ hình dung, thì các kháng thể này như những tấm khiên được tạo ra để ngăn những mũi tên của quân địch bắn tới. Mức độ hiệu quả của việc ngăn chặn những mũi tên này phụ thuộc vào “chất lượng của những tấm khiên” và “mật độ của những mũi tên”. Dĩ nhiên là không có tấm khiên nào có thể đảm bảo 100% hiệu quả bảo vệ. Trong làn mưa tên ấy thì vẫn có những phần trăm rất nhỏ đối với tấm khiên tốt và phần trăm lớn hơn đối với tấm khiên có chất lượng kém hơn mà những mũi tên có thể lọt qua!

Do vậy, chúng ta hãy khoan vội hoang mang khi thấy có người này, người kia bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi đã chích vaccine, mà hãy tìm hiểu xem “tỉ lệ” những người đã được chích vaccine trong tổng số những người bị nhiễm virus là bao nhiêu. Trong một nghiên cứu gần đây ở Mỹ trên 3975 người là các nhân viên y tế, những người làm việc ở tuyến đầu và những người làm việc trong những ngành nghề thiết yếu. Những người này được xét nghiệm hàng tuần kể từ tháng 12 năm 2020 và cho thấy đến nay có 204 người bị nhiễm virus.

Trong số những người bị nhiễm này chỉ có 16 người đã được chích vaccine (1 hoặc 2 liều), còn lại là 156 người chưa được chích vaccine (32 người còn lại không xác định được tình trạng nên đã được loại ra khỏi thí nghiệm). Dựa trên số liệu này, chúng ta có thể thấy rằng những người được chích vaccine chỉ chiếm khoảng 9% số người bị nhiễm virus dù rằng trong thí nghiệm này họ đã gom chung người có hiệu quả bảo vệ 1 phần (do mới chích 1 liều đầu tiên) và người đã có hiệu quả bảo vệ đầy đủ (sau 14 ngày tính từ ngày chích liều thứ 2). Điều này cho thấy rằng vaccine có hiệu quả rõ ràng trong việc giúp ngăn ngừa virus lây nhiễm.

2- Người chích đã chích vaccine sẽ khác như thế nào so với người không chích vaccine trên phương diện cả hai cùng mắc bệnh COVID-19?

Tuy không có vaccine nào có hiệu quả bảo vệ khỏi nhiễm virus 100% nhưng hầu hết các vaccine tốt hiện nay như Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson đều cho thấy hiệu quả giảm bệnh nặng và tử vong của người đã chích vaccine khi mắc bệnh COVID-19 là 100%. Cũng từ số liệu của nghiên cứu khoa học mình đề cập phía trên cho thấy rằng những người đã chích vaccine nếu lỡ có mắc bệnh COVID-19 thì số lượng virus trong người của họ ít hơn khoảng 40% so với người không chích vaccine.

Đây có thể giúp giải thích vì sao những người này thường sẽ không bị các triệu chứng của bệnh COVID-19 như sốt, nhức mỏi, khó thở,… và khỏi bệnh sớm hơn (ít nhất là sớm hơn 2 ngày) so với người không chích vaccine. Điều này giúp cho chúng ta dễ hiểu hơn khi “52 trong số 53 nhân viên mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hoàn toàn không có triệu chứng”.

3- Người đã chích vaccine có giúp làm giảm khả năng lây nhiễm của virus trong cộng đồng hay không?

Câu trả lời là CÓ nhe các bạn. Câu hỏi trên khá quan trọng và luôn được các nhà quản lý đặt ra khi lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus trong cộng đồng và mở cửa kinh tế. Một số điểm mình kể trên cũng đã giải đáp phần nào thắc mắc này. Khi được chích vaccine thì xác suất nhiễm virus đã giảm đi rất thấp, nếu xui xẻo vẫn bị nhiễm thì số lượng virus trong người đó cũng thấp hơn đáng kể và họ khỏi bệnh nhanh hơn so với người không chích vaccine. Số lượng virus và thời gian virus tồn tại trong người là yếu tố quan trọng để xác định khả năng & tình trạng lây nhiễm của các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng.

Do vậy, khi vaccine giúp giảm các yếu tố này thì đã giúp giảm khả năng lây nhiễm trong cộng đồng khi số lượng người được chích vaccine tăng lên. Điều này đã được cho thấy trong một nghiên cứu khác ở Anh với trên hơn 365 ngàn gia đình. Họ thấy rằng những người đã chích ít nhất một liều vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca nếu lỡ bị nhiễm virus thì nguy cơ lây nhiễm virus của họ cho những người tiếp xúc gần giảm đi một nữa. Đây cũng là những tiền đề mà các nước có tỉ lệ người chích vaccine cao và hiệu quả như Israel, Mỹ đã bắt đầu mạnh dạng nới lỏng các biện pháp phòng dịch cho dân nước họ.

4- Làm thế nào để giảm tối thiểu lây nhiễm virus trong cộng đồng?

Để giảm sự lây nhiễm của virus trong cộng đồng cách tốt nhất hiện nay vẫn là nâng cao tỉ lệ người chích vaccine trong cộng đồng. Đối với những nước có tỉ lệ này còn thấp, như Việt Nam, thì chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm chặt chẽ để tránh bùng dịch, gây quá tải cho hệ thống y tế!

Trường hợp 53 ca dương tính gần đây ở bệnh viện Nhiệt Đới xảy ra chủ yếu là “tập trung tại các phòng ban khối hậu cần như toàn bộ nhân viên Phòng Công nghệ thông tin, Phòng Chỉ đạo tuyến,…”. Điều này có thể do các nhân viên ngồi chung phòng, tiếp xúc gần và thiếu cảnh giác trong việc lây nhiễm virus (còn có thể do có suy nghĩ chủ quan trong đó nữa khi nghĩ rằng mình đã được chích vaccine nên an toàn!). Những tai nạn lây nhiễm chéo trong không gian làm việc như thế này có thể khắc phục bằng cách nâng cao ý thức của người nhân viên và áp dụng một số biện pháp quản lý phòng dịch mà nhiều nơi (bao gồm cả City of Hope, nơi mình đang làm việc) đã & đang làm trong thời gian đại dịch đó là:

 Kiểm tra sức khỏe, nhiệt độ cho nhân viên mỗi đầu ngày làm việc và yêu cầu nhân viên có biểu hiệm cảm sốt ở nhà;

– Giãn cách chỗ ngồi cho các nhân viên (cách nhau ít nhất 2 mét);

– Yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang suốt trong thời gian làm việc, nhất là khi có người khác ở chung phòng;

 Chỉ cởi khẩu trang trong giờ làm việc khi uống nước hoặc ăn cơm; không ăn cơm chung với đồng nghiệp, trừ khi người này là người trong gia đình (vợ, chồng,…);

 Giảm tối đa người đến sở làm bằng cách cho những người có thể làm việc qua mạng làm việc ở nhà (work from home);

 Đối với những người bắt buộc phải đến chỗ làm thì nên chia ra thành nhiều ca để giảm thiểu số người cùng xuất hiện ở nơi làm việc trong một thời điểm.

 Nếu được thì nên thông gió cho các văn phòng, đưa ánh sáng mặt trời vào, thay vì đóng kín cửa và mở máy lạnh liên tục.

Hy vọng các thông tin trên giúp các bạn bớt hoang mang khi nghe người này người kia bị nhiễm virus dù rằng sau khi chích vaccine đầy đủ. Theo như mình đánh giá, hiện nay Việt Nam vẫn đang kiểm soát dịch bệnh lây lan khá tốt và nếu chiến lược vaccine được áp dụng kịp thời với những loại vaccine tốt thì sẽ sớm đẩy lùi được dịch COVID-19 mà không gặp những trường hợp dở khóc dở cười như các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, quốc gia Bahrain và Seychelles khi họ sử dụng chủ yếu vaccine kém hiệu quả của Trung Quốc mà mình đã phân tích ở các bài viết trước đó.

*Tài liệu tham khảo:

Levine-Tiefenbrun M, Yelin I, Katz R, Herzel E, Golan Z, Schreiber L, Wolf T, Nadler V, Ben-Tov A, Kuint J, Gazit S, Patalon T, Chodick G, Kishony R. Initial report of decreased SARS-CoV-2 viral load after inoculation with the BNT162b2 vaccine. Nat Med. 2021 May;27(5):790-792 (https://www.nature.com/articles/s41591-021-01316-7);

https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.06.01.21257987v2.full (Prevention and Attenuation of COVID-19 by BNT162b2 and mRNA-1273 Vaccines);

https://depts.washington.edu/pandemicalliance/2021/04/29/impact-of-vaccination-on-household-transmission-of-sars-cov-2-in-england/ (Impact of Vaccination on Household Transmission of SARS-COV-2 in England);

https://www.nature.com/articles/d41586-020-00502-w (COVID research: a year of scientific milestones);

https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-benh-vien-benh-nhiet-doi-co-53-nhan-vien-duong-tinh-covid-19-1398243.html

https://www.statista.com/chart/23510/estimated-effectiveness-of-covid-19-vaccine-candidates/

Nguyễn Hồng Vũ

ĐỂ LÂY NHIỄM COVID-19 TẠI BV BỆNH NHIỆT 

ĐỚI TP HCM LÀ BÀI HỌC CHO NGÀNH Y TẾ 

THÀNH PHỐ

HỒ QUANG/ MTG 14-62021

Ngành y tế TP.HCM thừa nhận việc để xảy ra hàng chục nhân viên y tế ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mắc COVID-19 là một bài học sâu sắc. Hiện ngành y tế TP đã rút kinh nghiệm và có những chỉ đạo để khắc phục tình trạng trên.

Bài học sâu sắc cho ngành y tế thành phố

Hiện nay, một trong những vấn đề nóng về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM là tình trạng lây lan dịch bệnh COVID-19 trong nhân viên y tế ở bệnh viện. Đặc biệt nhất là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, đến thời điểm này bệnh viện đã có đến 55 nhân viên y tế mắc COVID-19.

de-lay0nhiem-covid0-19-taibenh0vien-nhiet-doi-la-bai-hoc-cho-nganh-y-te-thanh-pho-hinh-anh(1).png
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nơi đang xảy ra việc lây nhiễm khiến 55 nhân viên y tế ở đây mắc COVID-19 - Ảnh: PV

Vấn đề đặt ra lúc này là việc thực hiện phòng chống dịch, nhất là thực hiện 5K của các nhân viên y tế ở đây như thế nào mà để lây lan như vậy. Các nhân viên y tế ở đây có lơ là, không tuân thủ việc phòng chống dịch trong quá trình làm việc hay không?

Chia sẻ về điều này với báo chí vào chiều 14.6, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, các bệnh viện đã thực hiện khá tốt việc phòng thủ trong công tác phòng chống COVID-19. Những trường hợp đến bệnh viện khám đều được phân luồng ngay từ lúc chưa vào bên trong bệnh viện. Nếu phát hiện người bệnh có dấu hiệu của bệnh COVID-19 thì tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR và đã kịp thời phát hiện những trường hợp mắc bệnh.

Nhờ điều này, trong thời gian gần đây, các bệnh viện đã phát hiện 48 bệnh nhân đến khám bệnh mắc COVID-19, và đã kịp thời điều tra, truy vết, xử lý các trường hợp có liên quan.

“Từ một nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM bị lây nhiễm bên ngoài rồi lây nhiễm cho các nhân viên khác trong bệnh viện. Đến nay, bệnh viện này đã có đến 55 nhân viên y tế mắc COVID-19. Đây là một bài học sâu sắc cho ngành y tế TP”, ông Hưng nói.

Qua sự việc trên, ông Hưng cho biết, ngành y tế TP đã chỉ đạo các bệnh viện phải yêu cầu nhân viên y tế thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang xuyên suốt trong quá trình làm việc; sau giờ làm phải hạn chế tiếp xúc với người bên ngoài, nếu không sẽ mang mầm bệnh từ bệnh ngoài vào bệnh viện rồi mang mầm bệnh từ bệnh viện ra ngoài. Điều này sẽ rất nguy hiểm.

Liên quan đến các nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mắc COVID-19, BS.CK 2 Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết đến thời điểm này toàn bộ F1 của 55 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở bệnh viện này đều âm tính.

Qua số liệu ban đầu cho thấy, các ca mắc COVID-19 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP tập trung ở khối hành chính, hậu cần, chứ không phải nội trú. Hiện các ngành chức năng đang điều tra và đánh giá cụ thể để giúp người dân yên tâm.

Trong vòng 2 giờ phải truy vết được hết các trường hợp F1

Về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong 2 tuần tiếp theo trên địa bàn TP.HCM, ông Dũng cho biết, điều này có thành công trong việc chống dịch hay không còn phụ thuộc vào mầm bệnh lây lan trong cộng đồng, việc tuân thủ giãn cách của người dân…

“Chúng ta phát hiện 48 trường hợp mắc COVID-19 nhờ những người này đi khám bệnh khi thấy có triệu chứng. Vậy còn bao nhiêu trường hợp như 48 trường hợp trên không ai trong chúng ta biết được. Do đó, việc giãn cách xã hội 14 ngày tiếp theo là điều cần thiết, vì những người âm thầm này sẽ len lỏi phát tán mầm bệnh”, ông Dũng chia sẻ.

Theo bác sĩ Dũng, điểm mới trong 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội tiếp theo là TP sẽ tập trung đẩy nhanh thời gian truy vết, xét nghiệm các ca nghi mắc COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần (F1).

“Trong vòng 2 giờ khi xác định ca F0 phải truy vết được hết các ca F1 để lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly. Đặc biệt, trong vòng 6 đến 10 giờ phải có kết quả xét nghiệm các trường hợp F1”, ông Dũng cho biết.

Sở sĩ TP chọn thời gian giãn cách xã hội 2 tuần, theo ông Dũng là do thời gian ủ bệnh của vi rút SARS-CoV-2 là 14 ngày, đó là thời gian mà vi rút nhân lên. Vì vậy, nếu người dân thực hiện tốt việc giãn cách xã hội sau 14 ngày thì khả năng lây lan là rất thấp.

Để đạt hiệu quả trong việc thực hiện giãn cách xã hội ở 2 tuần tiếp theo, ông Hưng đề nghị người dân TP cần tuân thủ, hợp tác với chính quyền địa phương . Người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là mang khẩu trang, khử khuẩn…

Khi nắm bắt thông tin xuất hiện điểm dịch COVID-19, người dân nếu thấy mình đã từng đến nơi đó cần liên hệ ngay với các cơ quan y tế để khai báo y tế và thực hiện cách biện pháp phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, ông Hưng cũng khuyến cáo người dân trong 2 tuần tới, nếu thấy bệnh chưa cần thiết thì không nên đến cơ sở y tế; ghi lại lịch trình di duyển, tiếp xúc để giúp cơ quan y tế thuận lợi trong quá trình điều tra dịch tễ, nếu chẳng may phát hiện mắc COVID-19. “Người dân phải hạn chế tiếp xúc với người bên ngoài, vì giờ đây ai nhiễm bệnh cũng không thể biết qua cách nhìn”, bác sĩ Hưng nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét