Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

20210616. AN TOÀN CỦA ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH-HÀ ĐÔNG ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG  

MẤY VẤN ĐỀ XUNG QUANH DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH-HÀ ĐÔNG
NGUYỄN THANH TUÂN/ BVN 14-6-2021

Mấy ngày nay dư luận rộ lên bàn tán xung quanh sự việc Công ty tư vấn Pháp ACT được Nhà nước Việt Nam thuê khảo sát, đánh giá chất lượng của công trình dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, và đã công bố kết quả.

Dư luận băn khoăn vì sao Công ty tư vấn Pháp ACT ngày 29/4/2021 một mặt đã xác nhận và cấp Chứng nhận Công trình đạt điều kiện an toàn hệ thống cho công trình của Dự án, nhưng, mặt khác, lại vẫn “thòng” thêm 16 Khuyến cáo rằng công trình của Dự án chưa đạt tiêu chuẩn châu Âu theo các nhóm hạng mục khác nhau, và rằng nếu đưa vào sử dụng thì chủ dự án phải chấp nhận khả năng xảy ra rủi ro, tai nạn… (?!).

Trong khi đó, thông tin chính thức từ Bộ GTVT cho biết Dự án Cát Linh – Hà Đông sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành của Trung Quốc.

Cho tới nay, trên thế giới vẫn đang tồn tại các (hệ) tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau, gồm Hệ tiêu chuẩn kỹ thuật Anh (BSI), được sử dụng ở các nước trong khối liên hiệp Anh, Nhật Bản, Mỹ; và hệ Mét (Metric system) của châu Âu lục địa và phần còn lại của thế giới. Từ đó mới có các hệ thống Tiêu chuẩn kỹ thuật riêng của từng quốc gia. Vì vậy, trước tiên cần phân biệt Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của Khối quốc gia, và hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của từng quốc gia.

Trong thời kỳ trước 1990, trong Hệ Mét đã có hệ tiêu chuẩn kỹ thuật Gost (ГОСТ) của Liên Xô và các nước XHCN (hiện nay nước Nga đang kế thừa), và Tiêu chuẩn quốc gia của Đức, Pháp… Không có hai hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia nào hoàn toàn giống nhau, mà vấn đề là các nước có công nhận và cho áp dụng hệ thống tiêu chuẩn của nhau hay không mà thôi. Sinh viên các ngành kỹ thuật ngay từ năm thứ nhất đã đều phải biết về chuyện này.

Trong thực tiễn, (hệ) tiêu chuẩn kỹ thuật của mỗi quốc gia hay khối quốc gia vẫn được áp dụng cho việc sản xuất, chế tạo từ con ốc vít cho tới cả con tàu vũ trụ. Tuy nhiên, sản phẩm được sản xuất, chế tạo theo Hệ tiêu chuẩn Anh (Tiêu chuẩn quốc gia của Anh, Úc…) vẫn có thể được bán và sử dụng rộng rãi trên thị trường của châu Âu lục địa hay Hàn Quốc…, và ngược lại.

Chưa có kết luận quốc tế nào, rằng (hệ) Tiêu chuẩn Anh (BSI) thì tốt hơn (hệ) Tiêu chuẩn Mét, và ngược lại. Và cũng chưa có kết luận khoa học ở bình diện quốc tế nào rằng tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung Quốc thì tệ hơn tiêu chuẩn Pháp, và ngược lại. Ăn thua là người ta chọn hệ tiêu chuẩn nào để sản xuất, chế tạo các sản phẩm, hay thực hiện dự án mà thôi.

Sau đây chúng ta sẽ xem xét một số vấn đề liên quan của Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, nhìn từ các góc độ khác nhau:

Trước hết là từ góc độ pháp lý, về vấn đề Tiêu chuẩn kỹ thuật dùng để thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành một công trình. Người ta phải luôn luôn theo (hệ thống) Tiêu chuẩn kỹ thuật được ghi rõ trong Hợp đồng thầu thực hiện dự án, bao gồm cả cho các giai đoạn thiết kế, thi công, nghiệm thu, vận hành và bảo hành (bảo trì). Một khi hợp đồng đã được ký kết, thì tất cả các các điều, khoản của nó, bao gồm cả Tiêu chuẩn kỹ thuật, đều có giá trị ràng buộc và có hiệu lực thi hành giữa các bên trong tất cả các giai đoạn của dự án.

Như vậy, xét về nguyên tắc, thường thì sẽ không thể có chuyện tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc thiết kế, thi công khác hẳn với tiêu chuẩn để nghiệm thu, vận hành và bảo trì công trình của dự án.

Vấn đề tiếp theo là phạm vi công việc của Công ty Tư vấn ACT theo hợp đồng Cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật cho việc kiểm tra chất lượng để nghiệm thu công trình của dự án. Theo hợp đồng, thì ACT phải kiểm tra, khảo sát vấn đề chất lượng kỹ thuật của dự án theo tiêu chẩn nào?

Thường khi kiểm tra, khảo sát để đánh giá các vấn đề chất lượng của một dự án, thì trước hết, và trên hết, là phải dựa theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và các điều khoản và điều kiện của hợp đồng thầu thực hiện dự án.

Nếu trong Hợp đồng giữa Chủ dự án với Tư vấn ACT có quy định dùng tiêu chuẩn châu Âu đề khảo sát, đánh giá chất lượng công trình mà đã được thiết kế, thực hiện theo tiêu chuẩn Trung Quốc, thì rõ ràng là Hợp đồng tư vấn, khảo sát chất lượng này có vấn đề!

Ngược lại, nếu hợp đồng giữa Chủ đầu tư với Tư vấn ACT chỉ quy định ACT phải sử dụng Tiêu chuẩn kỹ thuật của hợp đồng để khảo sát, đánh giá chất lượng của công trình, mà Tư vấn ACT lại cố tình sử dụng tiêu chuẩn châu Âu để đánh giá, đưa ra ý kiến chủ quan của mình về chất lượng công trình, thì chính nhà tư vấn ACT lại đang trở thành một vấn đề!!!

Một vấn đề khác: Vì sao phía Việt Nam khi ký kết Hiệp định vay vốn với Trung Quốc lại phải chấp nhận việc sử dụng nhà thầu, kỹ thuật, công nghệ, thiết bị máy móc của Trung Quốc? Có nhất thiết phải chấp nhận những điều kiện bất lợi như vậy không? Có nhất thiết phải đi vay Trung Quốc số tiền ban đầu chỉ vài trăm triệu USD (mà có thể vay ở đâu cũng được) để thực hiện dự án này, để đến mức phải chấp nhận những bất hợp lý lớn đến thế trong nội dung Hiệp định hay không?

Cũng còn một vấn đề khác: Việc chọn nhà thầu Trung Quốc là do đấu thầu hay chỉ định thầu? Vì sao lại chọn nhà thầu Trung Quốc khi nhà thầu đó rõ ràng không có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật của dự án?

Tiếp theo, thông thường, khi tham gia đấu thầu hay thực hiện gói thầu, nhà thầu bắt buộc phải nộp các Bảo lãnh về mặt tài chính từ bên thứ ba, để Bảo đảm việc thực hiện (xong) toàn bộ công trình, Bảo đảm chất lương công trình và/hoặc bảo đảm việc bảo hành chất lượng công trình.

Bảo lãnh từ bên thứ ba thường là bảo lãnh của các ngân hàng, các tổ chức tài chính có uy tín, cam kết chi trả tiền phạt vi phạm hay đền bù thiệt hại khi nhà thầu, người được bảo lãnh không hoàn thành khối lượng và/hoặc không đạt chất lượng công trình theo thời gian, tiêu chuẩn kỹ thuật và thỏa thuận về giá trị hợp đồng thầu thực hiện dự án.

Vậy trong hợp đồng thầu dự án Cát Linh – Hà Đông đã có các điều khoản quy định việc Nhà thầu phải xuất trình các Bảo lãnh có liên quan hay không?

Nếu có, thì vì sao chủ đầu tư của dự án không đình chỉ việc thực hiện hợp đồng khi nhà thầu vi phạm tiến độ, và yêu cầu Bên bảo lãnh thanh toán theo Thư bảo lãnh, hay thậm chí khởi kiện nhà thầu ra Trọng tài/Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại; mà lại để cho nhà thầu chây ỳ, làm trì trệ tiến độ thực hiện dự án, hòng gây sức ép đòi tăng giá trị hợp đồng lên gấp nhiều lần giá trị ban đầu của hợp đồng, dẫn tới việc chủ dự án phải vay thêm vốn từ Trung Quốc?

Ngoài ra, Nhà thầu EPC Trung Quốc cho tới nay vẫn không cung cấp đủ tài liệu liên quan tới an toàn vận hành hệ thống; hệ thống an toàn cháy nổ nhà ga trên tuyến… rõ ràng vi phạm nghĩa vụ của nhà thầu về việc cung cấp thông tin, tài liệu kỹ thuật theo hợp đồng, vậy mà chủ dự án vẫn chưa thực hiện biện pháp chế tài theo hợp đồng?

Trước khi ký Hiệp định vay vốn với Trung Quốc và Hợp đồng thầu xây dựng công trình của dự án Cát Linh – Hà Đông, phía Việt Nam đã có hàng chục năm kinh nghiệm ký kết Hiệp định vay vốn với các định chế tài chính quốc tế như World Bank, ADB… và với các chính phủ các nước phát triển. Việt Nam cũng đã có bề dày hàng chục năm kinh nghiệm đấu thầu xây dựng, mua sắm quốc tế và việc thực hiện các dự án bằng vốn vay quốc tế…

Vậy thì sao lại có thể ký kết Hiệp định vay vốn Trung Quốc và ký kết Hợp đồng thực hiện dự án trên cơ sở Hiệp định chính phủ với nhà thầu Trung Quốc với những khiếm khuyết, bất lợi như vậy?

N.T.T.

----------------

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Nguyễn Thanh Tuân, một cựu kỹ sư và hiện đang hành nghề với tư cách Luật sư và Trọng tài viên thương mại tại Tp. Hồ Chí Minh. Quan điểm của tác giả không nhất thiết là quan điểm của Nghiên cứu Quốc tế.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2021/06/13/may-van-de-xung-quanh-du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong/?fbclid=IwAR06MSwMj5UwilLEPhl7sB4gieeOiq0QXrzSg79fN5ufBGfE5T4u6-ZRHxI

DỰ ÁN CÁT LINH-HÀ ĐÔNG LÀ MỘT BÀI HỌC RẤT ĐAU, RẤT NHỤC NHÃ...
ĐOÀN BẢO CHÂU/ TD 13-6-2021

Ở đời, nên biết mình là ai. Đã là cừu thì nên tránh xa sói! Thủ đoạn tài chính của Trung Quốc.

Mấy ngày qua, mà nói đúng là suốt mấy năm qua, cứ mỗi lần nhìn thấy hình ảnh cái khối bê tông khổng lồ, xấu xí dài 13 cây số nằm chình ình giữa thủ đô, tôi lại nổi giận. Nghĩ lại việc mấy năm trước, khi công luận cùng xúm vào căn ngăn chính quyền dừng Luật đặc khu, tôi lại thấy việc ấy là vô cùng cần thiết.

Việc dùng tài chính để nô dịch một quốc gia khác, ấy là quốc sách của Trung Quốc. Dự án 18.000 tỉ đồng này kéo dài 10 năm, vô cùng đắt đỏ, chưa vận hành gì được nhưng tiền lãi một năm có bạn ước tính chừng mấy trăm triệu đô la, tất cả đều nằm trong âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc.

Những năm qua, Trung Quốc nổi lên như một chủ nợ lớn nhất thế giới. Với các khoản cho vay quốc tế vượt hơn 5% GDP toàn cầu, vượt mặt luôn các tổ chức cho vay truyền thống như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và tất cả các quốc gia chủ nợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Đây là quốc sách, là phương châm thống trị thế giới của Trung Cộng, được gọi là ngoại giao bẫy nợ. Đây là một số ví dụ:

1. Vụ Sri Lanka chuyển nhượng Cảng Hambantota, cùng với hơn 6.000 hec-ta đất xung quanh, cho Bắc Kinh theo hợp đồng thuê 99 năm. Đây là một cảng có vị trí chiến lược nhất của khu vực Ấn Độ Dương, chính vì vậy mà vụ này của Sri Lanka được báo chí quốc tế ví von như một nông dân phải mang con gái yêu quý của mình để gán cho chủ nợ quyền lực.

2. Năm 2011, Trung Quốc đã xoá nợ cho quốc gia Trung Á Tajikistan để lấy 1.158 km vuông dãy núi Pamir. Đây là một dãy núi có vị trí quan trọng. Ngoài ra nước này còn phải cấp cho các công ty Trung Quốc quyền khai thác vàng, bạc và các loại quặng khoáng sản khác. Tận dụng quan chức tham nhũng ở nước này, Trung Quốc cũng đã củng cố được vị trí quân sự của mình ở khu vực.

3. Pakistan, đồng minh chiến lược của Trung Quốc cũng là con mồi ngon. Chính phủ nước này đã phải trao Trung Quốc điều hành cảng Gwadar một cách độc quyền, cùng với việc miễn thuế trong bốn thập kỷ tới. Trung Quốc sẽ bỏ túi 91% doanh thu của cảng. Trung Quốc cũng tận dụng cảng này để củng cố cho hải quân. Từ xưa đến nay, thử hỏi có sự hợp tác nào với Trung Quốc mà có lợi chưa?

4. Ví dụ thì còn nhiều nhưng một bài viết trên FB thì không thể quá dài. Ở đây tôi muốn nêu nạn nhân mới nhất chính là ông em Lào thân thương của chúng ta. Lào gần đây cho phép một công ty Trung Quốc kiểm soát lưới điện quốc gia của mình, bao gồm cả việc xuất khẩu điện sang các nước láng giềng cho thời gian 25 năm. Năng lượng là huyết mạch của cơ thể quốc gia mà trao cho ông anh quản lý hộ thì còn gì mà nói nữa?

Đấy chỉ là 4 nạn nhân điển hình trong 100 hợp đồng cho vay với 24 quốc gia của chủ nợ Trung Quốc.

Điều đặc biệt đáng lưu ý là nhiều khoản vay của Trung Quốc đã không được tiết lộ công khai. Mọi hợp đồng kể từ năm 2014 đều kết hợp một điều khoản bảo mật buộc nước đi vay phải giữ bí mật các điều khoản hoặc thậm chí phải giữ bí mật cả khoản vay. Đây chính là cách chủ nợ giấu đi những thủ đoạn của mình. Tôi tự hỏi có những điều khoản nào bị ẩn đi trong việc cho Việt Nam vay để làm dự án tầu Cát Linh – Hà Đông không? Và nếu có thì điều này có thể lý giải được sự trì trệ, sự đội vốn khổng lồ cho một công trình vừa xấu, vừa tồi tàn như vậy không?

Theo một ông bạn làm phóng viên NY Times của tôi cho biết thì Trung Quốc có một điều khoản rất kì quái, là không cho bên đi vay được tái cơ cấu đa phương, tức là không được mời một bên thứ ba vào xử lý nợ thay và điều quan trọng là lãi suất của Trung Quốc thường cao hơn rất nhiều so với các chủ nợ khác. Đây là cách bắt con nợ phải ngậm đắng nuốt cay làm theo thoả thuận, lãi mẹ đẻ lãi con và cứ phải mang “con gái” của mình ra gán nợ: cảng, vị trí đắc địa, quyền quản lý năng lượng hay một ngành công nghiệp nào đấy.

Tôi thực sự không biết cái chủ trương về đặc khu ở Việt Nam đã được dừng lại hay được tiến hành một cách bí mật.

Hãy nhớ rằng về đầu óc mưu mẹo, về tầm nhìn chiến lược dài lâu thì người Việt còn chạy dài so với các lãnh đạo Trung Quốc.

Còn tất nhiên về thủ đoạn thì Trung Quốc luôn là bậc thầy của thế giới.

Hãy biết mình là ai, mình đang chơi với ai, hãy chọn bạn mà chơi. Hãy lấy cái dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông như một bài học đau đớn để mà trưởng thành lên.

Tôi thì thấy cái dự án ấy là một bài học rất đau, rất nhục nhã và không biết bao giờ mới kết thúc. Liệu tôi nhìn vấn đề cực đoan quá chăng?

P.S. Vì bị cậu con rể Tầu khoá tài khoản nhiều nên ngôn ngữ đành phải hiền đi vậy. Quả là chúng ta không bao giờ có tự do thực sự.

Đoàn Bảo Châu

MẠNG NGƯỜI VIỆT GIÁ BAO NHIÊU ?

ĐOÀN BẢO CHÂU/ TD 10-6-2021

Hãy đề phòng với người anh em “môi hở răng lạnh” nhưng lúc nào răng cũng rình để cắn nát môi. Mạng người Việt giá bao nhiêu?

Đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông, liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc (tư vấn ACT) của Pháp đã đưa ra 16 khuyến cáo dẫn tới nguy cơ mất an toàn hệ thống khi vận hành nhưng Bộ Giao thông vận tải cho rằng 16 cảnh báo này là do khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn trong đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống metro giữa châu Âu và Trung Quốc.

Một công trình dài 13 km, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng, vận hành thử vào 9/2018 mà tới giờ vẫn đầy khiếm khuyết. Đấy là một vết ô nhục cho đất nước, cho con người Việt Nam. Tiền mất tật mang, lòng người nghi hoặc.

Tôi viết không phải để đay nghiến mấy quan chức của bộ GTVT mà điều tôi muốn cảnh báo hiểm hoạ về tất cả những gì liên quan tới vốn, tổng thầu, thầu từ Trung Quốc mà trong ấy nhiệt điện than là một vấn đề lớn, vô cùng quan trọng mà công luận cần quan tâm.

Có thể một số bạn sẽ cho là tôi cực đoan khi xét về người anh em “môi hở răng lạnh” này nhưng tin tôi đi, việc cảnh giác là rất cần thiết.

Không phải chỉ là cái dự án đường sắt 13km be bét một cách kinh hoàng này mà sự be bét tương tự với Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Tôi có người bạn là kĩ sư Nhà máy Nhiên liệu Sinh Học Dung Quất. Anh bảo nhà thầu Trung Quốc không có tài liệu chi tiết, không có hồ sơ lắp ráp trạm phát điện và sinh hơi. Lắp xong hệ thống không chạy được do thiếu áp nên không dùng được máy phát điện. Chuyên gia Trung Quốc sang sửa không được thì lặn mất tiêu. Sau phải dùng điện lưới để vận hành nhà máy.

Vậy tại sao nhiệt điện ở Việt Nam lại liên quan tới Trung Quốc?

Bởi trên thế giới chỉ có 3 nước cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tháng 4, 5 vừa qua, Nhật Bản, Hàn Quốc cam kết dừng cấp vốn cho các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài. Riêng Nhật Bản đã quyết định dừng không xây 6 nhà máy nhiệt điện than, đấy là công của một số nhà hoạt động bảo vệ môi trường ở Nhật Bản.

Từ giờ, nhiệt điện than ở Việt Nam phải gắn bó với vốn và đương nhiên là tổng thầu, thầu Trung Quốc.

Trong 30 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động ở Việt Nam, có 17 nhà máy có vốn từ Trung Quốc. Trong 5 nhà máy ở Việt Nam thì đều là vốn của Trung Quốc. Còn những nhà máy sẽ triển khai thì đương nhiên cũng là vốn Trung Quốc, bởi đơn giản là hai nước kia không cấp nữa.

Về tiêu chuẩn đường sắt trên cao, bộ GTVT cho rằng ACT là theo tiêu chuẩn Châu Âu, chứ với tiêu chuẩn Trung Quốc thì là an toàn. Nói vậy thì khác nào nói mạng người Trung Quốc và Việt Nam kém giá hơn mạng người Châu Âu?

Thôi thì cũng tạm chấp nhận nhưng với nhiệt điện than thì theo Trung tâm Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) thì đã có một tiêu chuẩn kép giữa Trung Quốc và Việt Nam, tức là các chỉ tiêu về các khí thải độc hại ở Trung Quốc thấp hơn ở Việt Nam tới 4,5 lần.

Nếu thế thì chẳng lẽ mạng người Việt Nam chỉ bằng 4,5 giá của mạng người Trung Quốc?

Tôi thấy thật cay đắng và tự hỏi liệu mình có cường điệu hoá, hay suy diễn quá về việc này không?

Nhưng tôi tin rằng không? Người Việt Nam là một dân tộc tuy không văn minh nhưng có nhiều phẩm chất và nếu được phát huy thì sẽ chẳng kém cạnh với dân tộc nào. Vậy tại sao ta lại tự rẻ rúng chính mạng sống của mình?

Ở đây, lòng tin là trọng tâm của câu chuyện.

Một dự án đường sắt chưa ra đời mà lòng dân đã cảm thấy bất an khi biết nó không an toàn. Tự bước lên dùng có phải là tự rẻ rúng mạng sống của mình không?

Bao dự án, đại dự án liên quan tới vốn, nhà thầu Trung Quốc đã be bét như thế thì các nhà máy nhiệt điện đang xây, sẽ xây sẽ có phải là những đống rác khổng lồ, là nơi đầu độc dân chúng một cách hợp pháp? Nếu nhà cầm quyền Trung Quốc mà có ác ý thì đấy có phải là âm mưu thâm sâu không?

Xin nói rõ, tôi không phải là chuyên gia mà chỉ là một người cầm bút có lương tri, tôi chỉ nêu vấn đề. Nếu không đúng thì các bạn chuyên gia vào chỉ bảo giúp cho. Nhưng trước khi lên tiếng, các bạn hãy thật sự bỏ tâm của mình vào sự việc, suy ngẫm chứ đừng phán một cách vô trách nhiệm, một cách bất lương.

Các nước văn minh đều kí hiệp định Paris cam kết giảm dần lộ trình dùng nhiệt điện than để giảm khí thải CO2, góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Ta phải theo trào lưu chung như một đất nước văn minh và trước hết là bảo vệ sức khoẻ của người dân.

Đừng nói là ta cần năng lượng, ta phải hy sinh. Vấn đề là hy sinh ai? Trong chiến tranh mạng người dân đã phải hy sinh với một hứa hẹn cho một tương lai tươi sáng. Giờ hoà bình lại lấy mạng dân để hy sinh sao được.

Nói không nhiệt điện than thì lấy đâu năng lượng để điều hoà? Hỏi mà không động não. Vậy tại sao vừa động viên năng lượng tái tạo thì lại kêu là quá tải, bắt giảm công suât. Sao không chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho tốt để điện NLTT được dùng hết công suất? Cả thế giới bùng nổ về việc tích trữ năng lượng bằng pin, bằng bơm nước lên cao sao không theo?

Quan trọng là bỏ tiền ra làm cái gì. Giá như 18.000 tỉ đồng kia được đổ vào những mô hình tích điện lớn nhỏ cùng với năng lượng gió, mặt trời… rồi huy động vốn doanh nghiệp, vốn của dân làm nữa thì có phải không khí của đất nước này đã sạch hơn bây giờ nhiều không?

Nói vậy quả thật cũng không hoàn toàn công bằng bởi đấy là nói về việc đã qua nhưng điều tôi muốn nói ở đây là để cho những sự be bét không được tiếp tục xảy ra trong tương lai. Hãy đề phòng với người anh em “môi hở răng lạnh” nhưng lúc nào răng cũng rình để cắn nát môi.

Đoàn Bảo Châu

BÀN CHÚT CHÚT VỀ ĐƯỜNG SẮT 

CÁT LINH-HÀ ĐÔNG

ĐỖ DUY NGỌC/ TD 11-6-2021

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông chỉ có 13km chi phí lên đến 18.000 tỷ đồng. Thế nhưng sau một thời gian rất dài vẫn chưa đưa vào sử dụng được. Lỗi không chỉ ở phía bên nhà thầu Trung Quốc mà còn là do lối tư duy và cách làm việc của các bộ phận liên quan của Việt Nam. Dự án kéo dài mãi, tiền mất nhiều rồi mà tật phải mang. Càng ngày dân càng mất lòng tin. Vốn dân đã không tin những gì của Trung Quốc, giờ lại càng thêm chán ngán.

Theo đơn vị tư vấn ACT của Pháp, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông không đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật trong vận hành hệ thống metro của châu Âu. Cũng theo đơn vị này công trình không bảo đảm an toàn hệ thống điện kéo, hệ thống phanh điện; hệ thống chưa sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp trong khai thác, khi thử nghiệm 10 quy trình khẩn cấp của hệ thống có 8 quy trình thất bại.

Báo cáo cho biết, đánh giá 76 mối nguy hiểm, 31 chức năng an toàn, quản lý rủi ro và 10 tình huống xử lý khẩn cấp của hệ thống đường sắt Cát Linh-Hà Đông, tư vấn ACT đã đưa ra 16 khuyến cáo về nguy cơ mất an toàn trong vận hành thương mại tuyến đường sắt này. Đồng thời ACT cũng cảnh báo, nếu cho vận hành thì phải chấp nhận những rủi ro và những hậu quả đã được báo trước.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng tư vấn ACT đã đánh giá dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông theo tiêu chuẩn châu Âu, trong khi dự án được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, nên có nhiều tiêu chuẩn không bảo đảm. Ồ thế thì sinh mạng con người ở châu Âu với con người ở Việt Nam, ở Trung Quốc khác nhau à? Mà không tin theo tư vấn thì thuê họ làm chi cho tốn kém nhỉ? Tiền thuê chắc là không nhỏ? Thì cũng từ tiền thuế của dân thôi.

Cũng theo Bộ GTVT thì Nhà thầu Trung Quốc cam kết chịu trách nhiệm an toàn đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Bộ GTVT khẳng định, đơn vị sản xuất và nhà thầu Trung Quốc cung cấp đoàn tàu cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn đoàn tàu, đồng thời dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng và đủ điều kiện vận hành thương mại.

Ối trời ơi! Đến giờ này mà mấy ông lãnh đạo của ta vẫn còn tin vào những cam kết chịu trách nhiệm của mấy anh Tàu ư! Đã biết bao nhiêu công trình do Trung Quốc thực hiện phải đắp chiếu để đó, biết bao dự án dở dang, Trung Quốc bỏ xưởng chạy lấy người vì của thì đút túi rồi. Thế mà vẫn còn tin lời hứa của chúng ư?

Thử hỏi nếu cho vận hành cái đường sắt ấy mà xảy ra sự cố chết người thì sao? Mà sự cố của một đường tàu như thế thì chắc chắn tổn thất nhân mạng không thể là ít. Ông Bộ trưởng GTVT Thể cá tra có đền mạng được không? Lúc đấy kêu bên Trung Quốc có giải quyết được gì không?

Chỉ lên tiếng chịu trách nhiệm mà không có biện pháp chế tài nào kèm theo thì thằng cha căng chú kiết nào lại không lên tiếng được. Tiền thầy bỏ túi rồi thì sống chết mặc bây thôi. Cho đến giờ ông Thể vẫn tuyên bố là đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn an toàn và vận hành tốt khi chạy thử. Dân đen hỏi nhau ông Thể này gây ra bao nhiêu chuyện, làm ăn như hạch mà sao Thủ tướng nào lên cũng chọn ông ấy làm Bộ trưởng Bộ GTVT? Có ai trả lời giúp được không?

Một con đường 13 km mà tốn hết 800 triệu đô la, tính ra một km đến 62 triệu đô, kinh không? Đắt nhất thế giới còn gì. Thế mà không an toàn. Thử hỏi mai này, tàu vận hành, có mấy người dám leo lên để đem sinh mạng của mình ra thử nghiệm. Và chắc chắn là lỗ, đến lỗ sặc máu. Xứ này nghèo mà đem tiền đi đổ sông đổ bể, lại mang tiếng ngu.

Dân bảo nhau rằng thiệt hại thì chỉ nhà nước và dân đen chịu chứ trong vụ này anh nào cũng đầy túi hết rồi, không biết có đúng không? Mấy công ty Trung Quốc là chuyên gia phong bì, đút lót. Cứ mạnh anh nào cũng nhét cho đầy túi, thì biết bao giờ mới chạy theo kịp thiên hạ đây?

Hay là theo đề nghị một số người, cái đường sắt này thôi đừng hoạt động, cứ để đó làm tượng đài ghi nhớ tình hữu nghị Việt – Trung đời đời bền vững.

Đỗ Duy Ngọc

'TIÊU CHUẨN TRUNG QUỐC': TỪ ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH-HÀ ĐÔNG ĐẾN VACCINE COVID-19

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 10-6-2021

1.Cuối cùng thì cũng phải lộ rõ kết luận của tư vấn Pháp - Apave-Certifer-Tricc (dù đã rất ngoại giao cho cả Trung Quốc lẫn Việt Nam) về “metro” Cát Linh - Hà Đông. Đó là không đạt tiêu chuẩn, mất an toàn.

Báo Tuổi trẻ ngày 09/6/2021 cho biết:

“Đơn vị tư vấn đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tư vấn ACT) cho rằng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật trong vận hành hệ thống metro của châu Âu.

Theo tư vấn ACT, hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông không bảo đảm an toàn hệ thống điện kéo, hệ thống phanh điện; hệ thống chưa sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp trong khai thác, khi thử nghiệm 10 quy trình khẩn cấp của hệ thống có 8 quy trình thất bại. Tổng thầu EPC - Công ty hữu hạn tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc không cung cấp đủ tài liệu liên quan tới an toàn vận hành hệ thống; hệ thống an toàn cháy nổ nhà ga trên tuyến không bảo đảm; an toàn hệ thống cầu cạn cũng chưa bảo đảm.

Qua đánh giá 76 mối nguy hiểm, 31 chức năng an toàn, quản lý rủi ro và 10 tình huống xử lý khẩn cấp của hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tư vấn ACT đã đưa ra 16 khuyến cáo về nguy cơ mất an toàn trong vận hành thương mại tuyến đường sắt này.

ACT nhấn mạnh, nếu vận hành hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, chủ đầu tư (Bộ Giao thông vận tải/Ban Quản lý dự án đường sắt) phải chấp nhận các rủi ro và hệ quả tương ứng” (https://tuoitre.vn/tu-van-phap-canh-bao-duong-sat-cat...).

2.Thế nhưng Bộ GTVT lại bảo vệ cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông là an toàn theo "tiêu chuẩn Trung Quốc”:

“Bộ Giao thông vận tải cho rằng 16 cảnh báo của tư vấn ACT xuất phát từ những khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn trong đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống metro giữa châu Âu và Trung Quốc.

Bộ Giao thông vận tải cũng thừa nhận tư vấn ACT đã đánh giá dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông theo tiêu chuẩn châu Âu trong khi dự án được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc nên có nhiều tiêu chuẩn không bảo đảm” (https://tuoitre.vn/tu-van-phap-canh-bao-duong-sat-cat...).

3.Bộ GTVT sống chết cũng phải bảo vệ cho được đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Phải tìm mọi cách để các cơ quan Việt Nam cấp phép an toàn. Nếu không thì đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ có thể phá đi làm lại. Vì không thể đưa vào sử dụng.

Không đạt tiêu chuẩn Châu Âu. Đạt "tiêu chuẩn Trung Quốc". Nhưng giá thành thì trên mây. Đắng cay đường sắt Cát Linh –Hà Đông còn kéo dài nhiều thập kỷ. Không chỉ một núi nợ, mà là nhân mạng.

THẾ CÒN VACCINE TIÊU CHUẨN TRUNG QUỐC?

Nghĩ mà sợ!

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

QUAN CHƠI KHÔNG BẰNG DÂN RƠI

MAI BÁ KIẾM/ TD 10-6-2021

Người ta nói “Dân chơi không sợ con rơi!”, rơi không phải động từ, mà là tính từ bổ nghĩa đứa con ngoài giá thú. Nó khác với bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là “Quan chơi không sợ dân rơi!”. Chơi là hành vi chấp nhận rủi ro cho Đường sắt Cát Linh – Hà Đông (ĐS CL-HĐ) hoạt động! Và, rơi chỉ trạng thái người dân văng từ trên cao xuống đất!

Có máu liều bẩm sinh và coi thường sinh mạng dân, mặc dù Liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc của Pháp đã đưa ra 16 khuyến cáo dẫn tới nguy cơ mất an toàn hệ thống khi vận hành, anh Thể vẫn ngụy biện “Tiêu chuẩn chuẩn an toàn của Trung quốc (TQ) không có 8 tiêu chuẩn của Châu Âu, mà Tư vấn nói không đạt”. Vì vậy, ĐS CL-HĐ vẫn an toàn.

TQ xây dựng ĐS trên cao theo tiêu chuẩn an toàn của TQ, nhưng ngày 24/7/2011, một đoàn tàu tông một đoàn tàu khác đường ray, khiến nhiều toa rơi xuống đất, có toa còn ở trên ray, và có toa nhô ra khỏi đường trên cao nhưng chưa rơi xuống. Rất may tai nạn xảy ra ở ngoại ô gần TP Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, nên chỉ làm chết 38 người và bị thương 198 người.

Anh Thể còn ngụy biện rằng, ĐS CL-HĐ đã chạy thử 1.500 giờ không có tai nạn. Là TS và bộ trưởng GTVT mà anh Thể không biết “giờ chạy” chỉ tính để thay nhớt máy hay kiểm định xe định kỳ… “Giờ chạy” không phải là phép thử “xác xuất tai nạn”!

Thí dụ, tai nạn trong lúc thi công ĐS CL-HĐ cũng không xảy ra theo “số giờ”: Tai nạn “mở hàng” lúc 9g sáng 6/11/2014, trên đường Nguyễn Trãi. Chiếc cần cẩu đứt cáp, thanh thép lớn rơi xuống làm thượng úy Công an huyện Gia Lâm Nguyễn Như Ngọc (33 tuổi) chết tại chỗ và hai người khác bị thương.

Gần 2 tháng sau, lúc 4h sáng 28/12/2014, giàn giáo thi công xà mũ trụ H7 sập, khiến sàn, đà giáo và bê tông rơi xuống chôn vùi một taxi. Nhưng, trong xui vẫn có hên, sau khi “quật mồ taxi”, 4 người bên trong vẫn còn… thở!

Năm tháng sau, lúc 9h30 sáng 12/5/2015, thanh sắt dài hơn 1m rơi xuống đường Nguyễn Trãi trúng xe Honda Civic làm hỏng cửa trước bên trái, nhưng tài xế không sao.

ĐS CL-HĐ chạy 1.500 giờ không xảy ra tai nạn. Nếu anh Thể làm bộ trưởng Y tế sau tiêm 1.500 mũi vaccine ngừa Covid-19, anh sẽ tự hào VN chích vaccine không bao giờ bị tai biến!

Nếu làm chủ tịch VFF anh Thể sẽ lập luận: Trong các giải bóng đá quốc tế, chưa bao giờ thủ môn dự bị thứ 2 được ra sân. Vậy, đội tuyển VN chi có thủ môn chính và một thủ môn dự bị!

Quan chơi đâu sợ dân rơi!

Mai Bá Kiếm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét