Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

20200522. QUANH VẤN ĐỀ NGƯỜI TRUNG QUỐC TẬU ĐẤT Ở VN

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGƯỜI TRUNG QUỐC TẬU ĐẤT
ĐẶNG HÙNG VÕ/VNex 20-5-2020

Đặng Hùng Võ

Đặng Hùng VõChuyên gia Quản lý tài nguyên

Tôi từng bồn chồn về việc người Trung Quốc thuê những cánh rừng ở vị trí quốc phòng quan trọng. Họ thuê xong, rừng bị rào lại.
Mươi năm trước, báo chí ồn ào bởi thông tin nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã được ủy ban nhân dân các tỉnh cho thuê những cánh rừng rộng lớn, có vị trí quốc phòng quan trọng. Họ rào kín đất thuê, cơ quan và dân ta đều không được vào, không biết cái gì đang diễn ra bên trong. Sự việc nổi lên rồi lại trôi đi, có lẽ con người ta rất chóng quên.
Trên thực tế là vậy, nhưng tôi luôn muốn tìm đến cùng của sự việc, không phải vì tò mò mà cái chính là lo xem đất nước phải làm gì, hiện tại và trong tương lai xa. Sự thực, pháp luật của ta coi trọng việc động viên mọi nguồn vốn để phát triển rừng và cũng rất cẩn thận về bảo đảm an ninh, quốc phòng. Các dự án đầu tư đều phải có ý kiến của bên quốc phòng, an ninh trước khi phê duyệt. Các tỉnh đều thực hiện đúng, cái sai là nhà đầu tự tư rào lại như đất của mình mà chính quyền địa phương lại ngại xử lý, tức là sai về thực thi pháp luật. Câu chuyện thời sự 8B Lê Trực giữa Thủ đô mà còn bị sai như vậy. 
Hôm qua, hơn chục phóng viên trong và ngoài nước gọi điện muốn phỏng vấn tôi về thực trạng nhiều thương nhân Trung Quốc đã núp bóng người Việt sở hữu nhiều loại bất động sản tại Việt Nam. Đó là các vị trí có lợi thế kinh doanh, thậm chí lợi thế quốc phòng. "Ta phải làm gì bây giờ?", họ hỏi.
Ồn ào, rồi cũng lại rơi vào tĩnh lặng. Còn nhớ, nhiều vụ việc tương tự được nêu ra như các "tua du lịch 0 đồng" đưa rất đông du khách từ Trung Quốc tới Việt Nam, tiêu bằng Nhân dân Tệ tại các cơ sở du lịch Trung Quốc ở Việt Nam. Việt Nam không thu được gì cả, từ thuế, phí và dịch vụ, ngược lại còn chịu ảnh hưởng chẳng mấy vui vì hành vi của các du khách này. Hoặc như tình trạng nhiều dự án đầu tư FDI, ODA, cả dự án nội địa mà nhà thầu Trung Quốc thắng thầu xong, đưa người lao động từ nước họ vào làm việc bằng nhiều cách, trái với pháp luật đầu tư Việt Nam. Nhiều nơi tại Việt Nam, các xóm làng, dãy phố Trung Quốc tự mọc lên, ngôn ngữ, biển hiệu đều tiếng Trung... Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dùng vốn vay và nhà thầu Trung Quốc gần chục năm qua vẫn đứng yên, trầm mặc như một tượng đài giữa Thủ đô.
Những bức xúc trên tồn tại một phần do còn khoảng trống trong pháp luật, song phần nhiều do các quan chức địa phương không cương quyết thực thi đúng pháp luật. Người thì nói do ta ngại va chạm, sợ làm hỏng môi trường đầu tư nên chỉ xử lý cho qua chuyện. Người bảo "bị nhóm lợi ích chi phối rồi". Chỉ những công dân có trách nhiệm với đất nước vẫn khắc khoải khôn nguôi.
Có những người lo lắng, "thôi đừng đầu tư phát triển, hội nhập nữa, sợ mất nước". Việc dừng lại không xem xét tiếp Luật về ba đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc do công luận không yên tâm là một minh chứng. Chủ trương hình thành các đặc khu như một cực phát triển kinh tế mới, thử nghiệm đổi mới thể chế là một chủ trương đúng, nhưng có người lại sợ bị Trung Quốc lợi dụng mà không muốn làm. Họ chỉ mong hai chữ "bình an", giàu lên chẳng để làm gì khi thấy nguy cơ mất mát lớn hơn nhiều.
Có anh bạn tôi khăng khăng rằng "dân mình quá lo xa, nhà nước chắc chắn đã tính toán hết rồi, lãnh đạo gắn với trách nhiệm đã được ghi rõ trong Hiến pháp 2013 rồi, lo làm gì cho mệt". Tôi cũng im lặng không nói gì thêm, nhưng tư duy nhiều hơn. Chẳng phải vô cớ người dân lo lắng khi họ nhìn thấy cách hành xử và các phát ngôn rất vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều lần, từ nhiều năm qua. Rồi cũng cách hành xử ấy tràn lên đất liền thì sao? Nay, việc người Trung Quốc nắm giữ nhiều khu đất tại những vị trí trọng yếu quốc phòng, tại cả các thành phố lớn, hay dọc ven biển, rừng núi, với các kiểu "đội lốt người Việt", ta hóa giải thế nào?
Hồi còn trẻ, tôi rất thích đọc truyện dã sử và sách kinh điển Trung Quốc. Những truyện như Tam Quốc, tôi gần như thuộc lòng. Tôi cũng tìm hiểu Tứ thư, Ngũ kinh và rất thích triết lý về quân tử - tiểu nhân của Khổng Tử. Những người lương thiện đều hướng mình thành quân tử, không những không bắt nạt người yếu thế mà còn cưu mang họ. Hình ảnh các hảo hán trong Thủy hử cũng thể hiện tính quân tử của những người hùng bị rơi vào khốn quẫn.
Một lần tới Bắc Kinh, tôi lên ngay Vạn Lý Trường Thành để chiêm ngưỡng tinh thần của di sản. Tới nơi, tôi đã thấy tận mắt hàng chữ Mao Trạch Đông tự tay đề "Bất đáo Trường thành phi hảo hán". Nét chữ khỏe khoắn, khí phách. Người dân Trung Quốc tới đây nghìn nghịt. Nhìn họ, tôi cảm giác như ai cũng muốn trở thành "hảo hán". Tôi cảm thấy nhân dân Trung Quốc thích làm hảo hán, nhưng sao nhà nước của họ lại không muốn?
Nếu bạn hỏi bất kỳ người phương Tây nào về hình ảnh "đường lưỡi bò" ngang ngược liếm hết Biển Đông thì họ đều nói rằng như thế là trái với công pháp quốc tế về Luật biển. Rồi quân đội Trung Quốc đã đánh úp Hoàng Sa khi Việt Nam đang sơ ý trong nỗ lực thống nhất đất nước, kết thúc cuộc chiến chống ngoại xâm mười nghìn ngày. Rồi cuộc xâm lược trên biển tại Trường Sa với cuộc đấu không cân sức tại Gạc Ma bất tử. Nhất là khi cả thế giới đang đoàn kết chống đại dịch toàn cầu Covid-19 những hôm nay, họ lại khuấy động Biển Đông dậy sóng. Mọi phát ngôn, hành vi của người láng giềng, nếu đem so sánh với triết lý  xưa, đều thể hiện cách hành xử kiểu tiểu nhân phi quân tử.
Việt Nam, dù thế nào, vẫn phải kiên trì phát triển, trở thành một quốc gia mạnh về cả kinh tế và quốc phòng. Ta lo ngại là cần thiết, nhưng đừng co mình lại để mong muốn an toàn ngắn hạn. Trong quan hệ kinh tế, kề cận với thị trường một tỷ rưỡi người tiêu dùng là lợi thế lớn, nhưng không cần và không được lệ thuộc. Quốc phòng, nhất là hải quân, đến lúc phải mạnh hơn để đồng hành với ngư dân bám biển. Chúng ta không từ chối đầu tư và hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại Việt Nam, như ta vẫn khuyến khích đầu tư từ mọi nước, nhưng mỗi người Việt nếu nghĩ cho đất nước, sẽ không làm gì khuất tất về pháp luật vì lợi ích riêng mình.
Đang viết bài này, dòng chữ của tôi như chựng lại vì nhớ tới cựu Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến đang hầu tòa bởi những sai lầm trong thực thi trách nhiệm lãnh đạo. Nghĩ mà thấy đượm buồn. Để nhắc nhở dân chúng tự chủ trong mối quan hệ làm ăn với các "thương nhân" Trung Quốc, đừng để họ mượn tên mua đất, bản thân lãnh đạo phải thức tỉnh trách nhiệm gấp nhiều lần.
Đặng Hùng Võ
NGÔ XUÂN LỊCH ĐANG DIỄN TUỒNG, GÂY CHÚ Ý ĐỂ KIẾM GHẾ ?
TƯ NGỘ/ NV/ viet-studies 19-5-2020

Một khu đất ven biển dài 1km và rộng 30ha ở Đà Nẵng do người Trung Quốc nắm giữ (ảnh tư liệu, 2015)

Một khu đất ven biển dài 1km và rộng 30ha ở Đà Nẵng do người Trung Quốc nắm giữ (ảnh tư liệu, 2015)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dù không thấy ông ta ra mặt, nhưng tin tức nổi cộm mấy ngày qua về đất đai nhạy cảm quốc phòng bị người Trung Quốc thâu tóm, cho người ta liên tưởng tới ông bộ trưởng Bộ Quốc Phòng CSVN.
Mấy ngày qua, không phải đồng loạt mà liên tiếp theo nhau từ báo này sang báo khác tại Việt Nam, người ta thấy một thứ tin tức cùng nội dung về “Bộ Quốc Phòng trả lời kiến nghị của cử tri” về những khu vực đất có giá trị quan yếu quốc phòng rơi vào tay người Trung Quốc.
Chuyện đã từng được đề cập và xôn xao dư luận từ năm ngoái, hoặc cả năm hay 10 năm trước về những khu vực có giá trị chiến lược an ninh quốc phòng, từ sát biên giới phía Bắc đến Tây Nguyên và ngay cả trong vịnh Cam Ranh, người Trung Quốc tìm cách thâu tóm, núp bóng người Việt, dựa vào những kẽ hở của luật lệ đầu tư.
Chuyện không có gì mới và cũng không thấy nhà cầm quyền CSVN có biện pháp nào hầu ngăn chặn hoặc chấm dứt cái họa tiềm ẩn nếu hai nước Cộng Sản “đồng chí anh em” lại trở mặt, ngoài việc dùng chính quyền địa phương thúc ép ngầm với các “nhà đầu tư” Trung Quốc chỉ lựa chọn những chỗ nhạy cảm để “thâu tóm.”
Những chuyện nổi bật gần đây nhất thấy đề cập là những lô đất sát sân bay quân sự Nước Mặn ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, và dọc theo biển trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Vì luật lệ CSVN không cho phép người ngoại quốc sở hữu đất đai, ban đầu là người Việt Nam (và phần lớn là người Việt gốc Hoa) mua, liên doanh với người Trung Quốc thành lập công ty kinh doanh thương mại hay mở khách sạn. Ít thời gian sau bán hết cổ phần lại cho người Trung Quốc.
Phần góp vốn của người Việt (hay người Việt gốc Hoa) chỉ là giá trị miếng đất nên khi mua hết cổ phần tức làm chủ 100% công ty thì người Trung Quốc trở thành chủ miếng đất nhờ cái mánh khôn ngoan “lách luật.”
Ngày 19 Tháng Năm, tờ Tiền Phong đưa tin “Bộ Quốc Phòng đề xuất chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, thành phố rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.”
Cùng ngày, báo Dân Trí đưa tin “Một số người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam mua đất. Bộ Quốc Phòng cho biết đã phát hiện một số trường hợp kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu cả 12 lô đất.” Và “Riêng về tình hình doanh nghiệp Trung Quốc ở khu vực biên giới, số liệu của Bộ Quốc Phòng cho thấy, tính đến ngày 30 Tháng Mười Một, 2019, có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh thành biên giới….”
Ngày 18 Tháng Năm, báo VietNamNet đưa tin “Trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp Quốc Hội, Bộ Quốc Phòng nêu hàng loạt bất cập trong việc người Trung Quốc, người có yếu tố Trung Quốc thu mua đất ở các khu vực trọng yếu….”
Ngày 17 Tháng Năm, tờ Tuổi Trẻ đưa tin “Người Trung Quốc đang sử dụng hơn 162,000 hécta đất biên giới, ven biển thông qua hai hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất. Đây là thông tin được Bộ Quốc Phòng đưa ra trong báo cáo trả lời chất vấn của cử tri được gửi tới Quốc Hội mới đây.”
Cùng ngày, báo VNExpress đưa tin “Bộ Quốc Phòng vừa trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng về tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh….”
Ngày 16 Tháng Năm, tờ Sài Gòn Giải Phóng viết “Công nhận việc cử tri và dư luận xã hội ‘đáng ngại’ về việc cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Quốc là có cơ sở, Bộ Quốc Phòng cho biết, Thủ Tướng Chính Phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng xác minh làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xử lý theo pháp luật….”
Bên cạnh những “quan ngại” của Bộ Quốc Phòng CSVN về việc người Trung Quốc thâu tóm đất đai của Việt Nam ở những khu vực mang tính chiến lược an ninh quốc phòng, báo chí trong nước mấy ngày qua cũng có những bản tin đánh bóng cho Bộ Quốc Phòng như “tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc” và “đã tăng cường lực lượng tàu trực tại các vùng biển trọng điểm” trong lúc dân chúng vừa ngạc nhiên vừa tức giận khi thấy các tàu Hải Cảnh và tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc ngang nhiên hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Qua một loạt những bản tin trên không hề thất xuất hiện tên ông Ngô Xuân Lịch, đại tướng, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng CSVN. Nhưng các bản tin đó cứ lặp đi lặp lại liên tục từ báo này sang báo khác như một chiến dịch có lớp lang thì người ta không thể không liên tưởng tới ông.
Vào lúc này, đảng CSVN đang chuẩn bị ráo riết cho kỳ họp đảng sắp tới, dự trù vào đầu năm 2021. Ông Ngô Xuân Lịch, 66 tuổi, tuy không thấy có những cáo buộc tham nhũng nhưng các thuộc cấp của ông, nhiều tướng lãnh và gồm cả Thứ Trưởng Nguyễn Văn Hiến đang chờ lãnh án, dính tham nhũng. Nói như thế, không phải là ông ta không có phần trách nhiệm.
Cái ghế tổng bí thư hay cái ghế thủ tướng nhiều phần không đến lần ông. Nhiều lắm cũng chỉ hy vọng vớ được một trong hai cái ghế vô thưởng vô phạt là chủ tịch nước hay chủ tịch Quốc Hội. Hay ít nhất, giữ lại được cái ghế bộ trưởng Quốc Phòng.
Loạt bài đánh bóng Bộ Quốc Phòng CSVN cho người ta hiểu Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng vốn là một ông thiếu tướng quân đội, biết đâu không cho thuộc cấp nâng đỡ “gà nhà.” (Tư Ngộ) [qd]


KHÔNG CÓ VIỆC CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
ANH PHƯƠNG&NGUYỄN CƯỜNG/ SGGP 19-5-2020


SGGPO  
Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có văn bản nói rõ “không có việc chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài tại Việt Nam”.
Các lô đất tại tuyến đường ven biển nằm dọc Sân bay Nước Mặn Đà Nẵng
Các lô đất tại tuyến đường ven biển nằm dọc Sân bay Nước Mặn Đà Nẵng

Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có văn bản làm rõ một số vấn đề được báo chí phản ánh gần đây. Văn bản của Tổng cục khẳng định, theo quy định của pháp luật đất đai (Điều 5 Luật Đất đai), người nước ngoài không phải là đối tượng sử dụng đất; do đó người nước ngoài không được giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên “không có việc chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài tại Việt Nam”.
Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, pháp luật về đất đai quy định: doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong trường hợp thực hiện dự án ở xã đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao hoặc được thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Không được nhận chuyển quyền sử dụng đất mà chỉ được nhận chuyển nhượng vốn (trong đó giá trị quyền sử dụng đất đã được vốn hóa) theo pháp luật đầu tư.
Trên thực tế, Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 (có hiệu lực sau ngày hiệu lực của Luật Đất đai) đã quy định cho phép cá nhân nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, do quy định của Luật Nhà ở chưa đồng bộ với quy định của Luật Đất đai nên chưa có cơ sở chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở.
Về phản ánh của báo chí mới đây liên quan đến tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, xác minh từng trường hợp, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và công khai thông tin cho dư luận, báo chí.
Riêng trường hợp Công ty Liên doanh du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Shilver Shores Hoàng Đạt và Công ty TNHH thương mại, du lịch và dịch vụ V.N.HOLYDAY tại Thành phố Đà Nẵng, tháng 10 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng với các Bộ, ngành chức năng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Đà Nẵng giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đà Nẵng thông tin về các lô đất có yếu tố liên quan đến người Trung Quốc
Ngày 19-5, ông Huỳnh Tấn Quang, Chánh Văn phòng Sở Tài Nguyên – Môi Trường (TN-MT) TP Đà Nẵng có thông cáo báo chí về việc liên quan đến thông tin phản ánh của báo chí về người Trung Quốc đầu tư nhiều lô đất vị trí trọng yếu ở Đà Nẵng. 
Theo đó, việc này liên quan đến việc gần đây dư luận và báo chí, mà đặc biệt là sau khi báo cáo của Bộ Quốc phòng với cử tri Hải Phòng thông tin đến việc doanh nghiệp Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê đất của UBND TP Đà Nẵng tại các vị trí đất ven biển, ven tường rào Sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp...
Về vấn đề này, qua rà soát ban đầu, Sở TN-MT cho biết, có 3 doanh nghiệp có sở hữu các lô đất ven biển là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng; Công ty TNHH thương mại, du lịch và dịch vụ Silver Park; Công ty TNHH thương mại, du lịch và dịch vụ Hoàng Gia Trung. Tất cả đều là doanh nghiệp 100% vốn trong nước.
Công ty TNHH thương mại, du lịch và dịch vụ V.N.HOLYDAY hiện đã thực hiện đăng ký thay đổi và trở thành doanh nghiệp 100% vốn trong nước (đăng ký thay đổi lần thứ 16 vào ngày 5-3-2020).
Đối với các lô đất của Công ty TNHH MTV Golden Wynn Đà Nẵng và Công ty TNHH Sliver Sea Triệu Nghiệp, nay đã chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân trong nước.
Riêng đối với Công ty Liên doanh Du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Sliver Shores Hoàng Đạt được thành lập theo giấy phép đầu tư vào năm 2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở giấy phép đầu tư, công ty này được thuê 20ha đất sản xuất kinh doanh với thời hạn thuê là 50 năm để đầu tư Khu du lịch và giải trí quốc tế (Casino).
“Như vậy, đối với 7 doanh nghiệp nêu trên thì có 2 doanh nghiệp đã chuyển nhượng hoàn toàn QSDĐ, 4 doanh nghiệp có 100% vốn trong nước; Riêng đối với việc sử dụng đất của Công ty liên doanh Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, đất thuê với mục đích là sản xuất kinh doanh với thời hạn 50 năm là đúng quy định pháp luật”, thông cáo của Sở TN-MT nêu.
Hiện nay theo quy định của Luật Đất đai, Sở TN-MT TP Đà Nẵng không thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và cho phép nhận quyền sử dụng đất đối với các cá nhân là người nước ngoài.
Cũng theo Sở TN-MT TP Đà Nẵng, để hạn chế tình trạng “núp bóng” thuê hoặc sở hữu đất cần ra soát lại các luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất và chặt chẽ trong việc giải quyết các hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài. Trong công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý hoạt động xây dựng cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất…  tuân thủ quy định pháp luật liên quan. Đặc biệt, thực hiện lấy ý kiến các Bộ, ngành đối với khu vực ven biển, khu vực cần đảm bảo an ninh quốc phòng theo đúng quy định. 
ANH PHƯƠNG - NGUYỄN CƯỜNG


BỘ QUỐC PHÒNG: NGƯỜI TRUNG QUỐC LỢI DỤNG KẼ HỞ, NẮM CÁC KHU ĐẤT 'TRỌNG YẾU' Ở VIỆT NAM
VOA 18-5-2020
Người Trung Quốc đang nắm trong tay hơn 162.000 hectare đất của Việt Nam, trong đó có những nơi trọng yếu thuộc vùng “biên giới” hoặc “ven biển”, Bộ Quốc phòng Việt Nam mới đây cho biết, theo báo chí trong nước.
Thông tin kể trên được đưa ra trong báo cáo của Bộ Quốc phòng gửi tới Quốc hội để trả lời cử tri, sau khi có những người ở Hải Phòng bày tỏ lo ngại về việc người Trung Quốc thu mua đất của Việt Nam, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet tường thuật trong các hôm 17 và 18/5.
Bộ Quốc Phòng Việt Nam nói tính đến tháng 11/2019, có 149 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc hoặc liên doanh với Trung Quốc đầu tư vào các dự án ở khu vực biên giới hoặc ven biển thuộc 22 tỉnh của Việt Nam.
Vẫn báo cáo của bộ, được Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet trích đăng, cung cấp thông tin rằng tình trạng người Trung Quốc “tập trung sở hữu đất đai” nổi bật lên ở các tỉnh, thành là Đà Nẵng với 22 trường hợp, Quảng Ninh 17 trường hợp, Hải Phòng 16 trường hợp, Bình Định 9 trường hợp, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh 5 trường hợp.
Qua các trích dẫn của Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet, dường như Đà Nẵng được Bộ Quốc phòng tập trung nhấn mạnh nhất, khi báo cáo của bộ nêu ra 2 cá nhân và 7 doanh nghiệp Trung Quốc hoặc “có yếu tố sở hữu Trung Quốc” đã “núp bóng” một số công dân hay doanh nghiệp Việt Nam để sở hữu hoặc thuê hàng trăm nghìn mét vuông đất ven biển, thậm chí sát cạnh sân bay Nước Mặn, từng là sân bay quân sự.
Trong hoàn 
"Hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ”, báo cáo của Bộ Quốc phòng đưa ra nhận xét, đồng thời khẳng định rằng cử tri và dư luận xã hội thấy “đáng ngại” về việc cơ quan chức năng Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Quốc là “có cơ sở".

Mặc dù luật Việt Nam không cho phép công dân và doanh nghiệp nước ngoài sở hữu đất ở Việt Nam, song Bộ Quốc phòng chỉ ra trong báo cáo của mình rằng người Trung Quốc dựa vào 2 cách chính để sở hữu các lô đất ở Đà Nẵng.
Cách thứ nhất, họ thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam, trong khi phần góp vốn của người Việt chủ yếu là giá trị của đất. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp do người Việt điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, phía Trung Quốc tăng vốn và giành quyền điều hành doanh nghiệp, vì vậy, phần tài sản góp vốn là đất của phía Việt Nam trở nên thuộc quyền sở hữu của phía Trung Quốc.
Trong cách thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho công dân Việt Nam, chủ yếu là người Việt gốc Hoa, để mua đất. Bộ Quốc phòng đưa ra dẫn chứng là có một số trường hợp công dân thuộc diện “kinh tế khó khăn” nhưng lại đứng tên sở hữu 10 đến 12 lô đất.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường, khẳng định với VOA rằng việc người Trung Quốc nắm giữ đất ở Việt Nam gây ra những rủi ro:
“Trong hoàn cảnh tất cả các nước nhỏ cạnh các nước lớn, với quan hệ mạnh-yếu, chúng ta cũng biết rằng bỏ tiền ra mua đất chẳng hạn thì cũng là một kiểu gây tác động nhất định đến kinh tế, đến đời sống xã hội rồi thậm chí kể cả vấn đề an ninh”.
Các công dân Trung Quốc phạm pháp bị chính quyền Đà Nẵng bắt giữ hôm 6/6/2019. Photo Da Nang TV








Các công dân Trung Quốc phạm pháp bị chính quyền Đà Nẵng bắt giữ hôm 6/6/2019. Photo Da Nang TV
Để củng cố cho quan điểm của mình, giáo sư Đặng Hùng Võ dẫn lại một loạt những vụ việc từng được báo chí điều tra, đưa tin, bao gồm việc một số doanh nghiệp Trung Quốc đưa đông đảo công dân của họ vào Việt Nam lao động bất hợp pháp; hay việc họ thiết lập các khu dân cư, các điểm kinh doanh tách biệt, theo hình thức tự trị, chỉ sử dụng ngôn ngữ và phương thức thanh toán của Trung Quốc, Việt Nam không thu được gì và ngay cả công an Việt Nam cũng không thể đi vào trong các khu đó.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường cảnh báo rằng tình trạng như vậy một mặt gây ra bất công về kinh tế cho người Việt Nam, mặt khác tiềm ẩn những nguy cơ như đó có thể là những nơi “chứa chấp vũ khí, súng ống”, đe dọa đến trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng của Việt Nam.
Liên hệ tới tình hình Biển Đông, giáo sư Đặng Hùng Võ cảnh báo với VOA rằng những “tụ điểm” người Trung Quốc trên đất Việt Nam có thể bị Trung Quốc biến thành những cái cớ:
“Cách thức cư xử của Trung Quốc ở Biển Đông, mọi người Việt Nam rất khó chịu, thậm chí là phẫn uất vì chuyện bắt nạt ở Biển Đông. Thế thì trên đất liền thì sao? Có thể bây giờ chưa xảy ra, nhưng cũng có thể sẽ xảy ra, thì cách thức nó sẽ như thế nào? Khi mà về tương quan lực lượng quân sự và cách thức hành xử, thì như câu chuyện trên Biển Đông, thì thấy rất rõ”.
Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet, Bộ Quốc phòng cho biết họ đã báo cáo và đề xuất chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành rà soát, đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
... không Võ
Bộ cũng đề nghị cần “kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập” của luật Đầu tư, luật Đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở, không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động.

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng chính quyền Việt Nam có thể “khó xử lý” về mặt pháp lý khi người Trung Quốc “đội lốt” người Việt để nắm giữ đất ở Việt Nam. Ông nói với VOA:
“Không thể dùng luật pháp, không thu hồi được, bởi vì là không vi phạm điều luật nào trong việc nhận chuyển quyền [sử dụng đất] khi cái người đó là người Việt Nam. Thế thì tôi cho rằng giải pháp lúc này không phải là giải pháp pháp luật. Mà giải pháp lúc này tôi nghĩ đến cùng chỉ có mỗi một cái là người Việt Nam đừng ai làm chuyện này [tiếp tay cho Trung Quốc]. Đó là giải pháp tốt nhất”.
Báo cáo trả lời cử tri của Bộ Quốc phòng được đưa ra ở thời điểm hiện nay cung cấp một bức tranh trái ngược với những phát ngôn trước đó của một số quan chức cao cấp.
Hồi tháng 6/2018, Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà nói trước Quốc hội rằng bộ của ông “chưa phát hiện người nước ngoài mua đất” và mong đại biểu Quốc hội “thấy ở đâu người nước ngoài mua đất thì báo cho bộ” để nhà chức trách điều tra xem “bằng cách nào họ mua được”.
Lâu hơn nữa, hồi tháng 10/2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi gặp cử tri ở Hà Nội đã khẳng định: “Không có chuyện người nước ngoài vào Việt Nam mua đất”.

ĐẤT 'CÓ YẾU TỐ TRUNG QUỐC' HẦU HẾT ĐàĐƯỢC CHUYỂN NHƯỢNG
TẤN VIỆT/ NĐT 19-5-2020
 0
Trong số bảy doanh nghiệp có đất ven biển Đà Nẵng mà Bộ Quốc phòng nêu ra, có bốn doanh nghiệp 100% vốn trong nước.
Sáng 19.5, Sở TN&MT Đà Nẵng đã có thông cáo báo chí, thông tin về việc doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đang “núp bóng” mua và thuê đất của UBND TP Đà Nẵng tại các vị trí ven biển.
Theo Sở TN&MT Đà Nẵng, 4/7 DN mà Bộ Quốc phòng nêu ra là DN có 100% vốn trong nước.
Các DN này gồm: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng, Công ty TNHH Thương mại, du lịch và dịch vụ Silive Park, Công ty TNHH Thương mại, du lịch và dịch vụ Hoàng Gia Trung và Công ty TNHH Thương mại, du lịch và dịch vụ VN. Holiday.
Sở TN&MT Đà Nẵng không thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và cho phép nhận quyền sử dụng đất đối với các cá nhân là người nước ngoài. Ảnh: Tấn Việt
Hai DN là Công ty TNHH Sliver Sea Triệu Nghiệp, Công ty TNHH MTV Golden Wynn Đà Nẵng hiện đã chuyển nhượng hết các lô đất sử dụng trước đây lại cho cá nhân, tổ chức trong nước.
DN còn lại là Công ty Liên doanh du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shoes Hoàng Đạt. DN này được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 2581/GP ngày 21.6.2006 của bộ trưởng Bộ KH&ĐT.
Trên cơ sở giấy phép đầu tư, DN này được thuê 20 ha đất sản xuất, kinh doanh với thời hạn thuê là 50 năm (đến ngày 21.6.2056) để đầu tư khu du lịch và giải trí quốc tế (Casino).
“Riêng đối với việc sử dụng đất của Công ty Liên doanh du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shoes Hoàng Đạt được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục rà soát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài để sớm làm rõ thêm các thông tin phản ảnh của báo chí và dư luận” - Sở TN&MT Đà Nẵng cho hay.
Cũng theo Sở TN&MT Đà Nẵng, quy định tại các điều 54, 55, 56 Luật Đất đai 2013 thì không được giao đất, cho thuê đất cho cá nhân người nước ngoài. Quy định tại Điều 169 Luật Đất đai 2013 về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không quy định người nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất.
“Thực hiện theo các quy định nêu trên, Sở TN&MT Đà Nẵng không thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và cho phép nhận quyền sử dụng đất đối với các cá nhân là người nước ngoài” - Sở TN&MT Đà Nẵng khẳng định.
Lãnh đạo Sở TN&MT Đà Nẵng cho rằng để hạn chế tình trạng “núp bóng” theo thông tin báo chí nêu thì cần phải rà soát các luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở…) để đảm tính thống nhất, chặt chẽ trong việc giải quyết các hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài.
Trong công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý hoạt động xây dựng, cần phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật liên quan.
“Đặc biệt là thực hiện lấy ý kiến các bộ, ngành đối với khu vực ven biển, khu vực cần đảm bảo an ninh quốc phòng theo đúng quy định” - thông cáo nêu.
Như đã thông tin, tại văn bản trả lời cử tri TP Hải Phòng, Bộ Quốc phòng cho hay: Từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP Đà Nẵng có 134 lô, một thửa đất liên quan đến cá nhân, DN người Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng cũng cho rằng có bảy DN có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển Đà Nẵng và thuê đất 50 năm.
Tấn Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét