Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

20200505. BÀN VỀ KINH TẾ THỜI HẬU DỊCH COVID-19

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHÔNG ĐỂ MẤT THỜI CƠ LẦN THỨ BA
TRẦN VĂN THỌ/ TT 30-4-2020

Không để mất thời cơ lần thứ ba - Ảnh 5.
Cuối năm 1975, các tuần báo ở Nhật lục tục phát hành các số đặc biệt đón xuân 1976. Tôi ấn tượng nhất là hình bìa của tạp chí Economisuto đăng chân dung của 7-8 nhà lãnh đạo đương thời trên thế giới. Báo có phụ chú và ra câu đố cho độc giả, đại khái như sau: 
"Đây là những nhà lãnh đạo mà hành động và phát ngôn của họ sẽ làm thay đổi thế giới trong giai đoạn mới. Độc giả nào biết hết tên tuổi của họ thì có thể được xem là người thông thái với thời sự chính trị kinh tế thế giới". Phía bên trong có giải thích về từng người được chọn in trên bìa.
Dĩ nhiên những hình được chọn có tổng thống Mỹ, Pháp, có thủ tướng Nhật, Anh, Tây Đức,…. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên và rất tự hào thì thấy có Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong số đó. 
Biểu tượng này nói lên uy tín và kỳ vọng về một nươc Việt Nam mới sau khi có hòa bình và thống nhất đất nước. Hồi đó dân số Việt Nam khoảng 47 triệu, chỉ là một nước nông nghiệp năng suất thấp và mới vừa ra khỏi chiến tranh. 
Nhưng tiềm năng con người, ý chí vượt khó của người Việt Nam, tài tổ chức, lãnh đạo của những người cầm quyền, vị trí địa chính trị, v,.v, cho thấy triển vọng một nước Việt Nam tầm cỡ xuất hiện ở Á châu trong một tương lai không xa. 
Nhưng rất tiếc ta đã chọn chiến lược, chính sách sai và để mất thời cơ, đất nước lâm vào nguy cơ suốt hơn một thập niên sau đó.
Cuối năm 1986, Việt Nam đã đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường và tích cực mở cửa. Nhưng sự khó khăn của giai đoạn chuyển tiếp cộng với hoàn cảnh quốc tế không thuận lợi, Việt Nam phải mất thêm 6-7 năm nữa mới được thế giới chú ý. 
Giữa thập niên 1990, lần thứ hai sau ngày 30-4-1975, Việt Nam lại trở thành một vì sao đang lên trên bầu trời Á châu. Kinh tế đã ra khỏi khủng hoảng, tình hình khu vực và quốc tế vô cùng thuận lợi (các nước tiên tiến và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới nối lại viện trợ, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN,…). 
Không để mất thời cơ lần thứ ba - Ảnh 3.
Sản xuất tại một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam - Ảnh: TL
Một lần nữa tiềm năng của Việt Nam được đánh giá và kỳ vọng về một nước Việt Nam phát triển lên rất cao. Sống tại Nhật Bản trong những ngày đó tôi thấy rất rõ. Hồi đó dòng thác FDI tại Á châu do Nhật chủ đạo. 
Nhật đã đầu tư nhiều tại nhiều nước ASEAN, nhất là Thái Lan, lúc đó hạ tầng kinh tế của những nước này đã khai thác hết, nên các công ty đa quốc gia Nhật đang tìm kiếm thị trường khác, và Việt Nam được xem là điểm đến nhiều triển vọng. 
Cuối tháng 3 vừa qua, lúc chỉnh lý sách vở, tư liệu trong phòng nghiên cứu, xem lại các thư mời thuyết trình, dự hội nghị, v.v... về kinh tế Việt Nam, tôi nhớ lại những ngày rất bận rộn giữa thập niên 1990 ở Tokyo. 
Các con rồng, con hổ kinh tế ở Á châu phát triển là nhờ nội lực kết hợp với ngoại lực. Với đổi mới và hoàn cảnh quốc tế thuận lợi, nhiều người nhận định Việt Nam cũng sẽ trở thành một nước phát triển mới. Tôi cũng mơ như thế.
Nhưng rất tiếc giấcmơ không thành hiện thực. Từ cuối năm 1996 thế giới không còn đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam khi những yếu kém về chiến lược, chính sách kinh tế và quản lý hành chánh bộc lộ rõ. 
Doanh nghiệp quốc doanh vẫn được ưu tiên chú trọng và chưa thoát ra khỏi các định kiến về doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài; cũng như cơ chế, thủ tục hành chánh quá phức tạp đã làm yếu đi các tác nhân quan trọng của phát triển là hai loại hình doanh nghiệp ấy. 
Giữa năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh nguy cơ tụt hậu là quan trọng nhất trong 4 nguy cơ được bàn đến thời đó. Chỉ tiếc rằng giá như tư tưởng này sớm được triển khai thì đã có các cải cách phù hợp.
Do bối cảnh đó, làn sóng mới FDI từ Nhật không dến Việt Nam mà chảy sang các tỉnh ven biển Trung Quốc. 
Khoảng 10 năm trước tôi gặp lại một quan chức của Bộ Tài chánh Nhật, người phụ trách việc nối lại viện trợ của Nhật cho Việt Nam cuối năm 1992. Ông ấy nói với tôi một cách tiếc rẻ: Hồi đó chúng tôi nghĩ Việt Nam, chứ không phải Trung Quốc, là con hổ mới ở chấu Á.
Từ khoảng năm 2000, những cải cách liên quan doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI có tiến triển, đặc biệt là trong quá trình chuẩn bị gia nhập WTO (2007) và ký các hiệp định thương mại tự do (FTA). 
Nhưng giai đọan hậu WTO lại nảy sinh vấn đề mới: Các luồng tư bản nước ngoài vào quá tự do và dưới các thể chế của FTA hàng công nghiệp từ nước ngoài cũng tràn vào nhiều trong khi nội lực chưa được củng cố. Đặc biệt doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và đất để đầu tư, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Không để mất thời cơ lần thứ ba - Ảnh 4.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đưa công nghệ cao vào sản xuất như hệ thống kiểm tra sơn ôtô của VinFast - Ảnh: VG
Do thiếu chiến lược, chính sách tích cực để định hướng dòng chảy FDI và nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước nên vào thời điểm hiện nay, cơ cấu kinh tế tồn tai nhiều vấn đề phải giải quyết trong giai đoạn tới. 
Chẳng hạn, nhiều dự án FDI chất lượng xấu (ảnh hưởng môi trường, dùng công nghệ lạc hậu,…), thiếu liên kết giữa FDI và doanh nghiệp trong nước, công nghiệp còn chủ yếu là lắp ráp, gia công, còn ở giai đoạn thấp trên chuỗi giá trị sản phẩm và phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập từ Trung Quốc.

Từ sau đổi mới, Việt Nam phát triển trung bình 6,5%, tỉ lệ người nghèo trong tổng dân số giảm từ gần 90% xuống còn dưới 10%, đời sống dân chúng được cải thiện đáng kể, vị trí của Việt Nam trên thế giới được nâng cao. 
Việt Nam từ là một trong những nước nghèo nhất thế giới đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp vào khoảng năm 2010.
Tuy nhiên, 45 năm sau 30-4 hoặc gần 35 năm sau đổi mới là một thời gian rất dài. Như tôi đã trình bày trong cuốn sách Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam, xuất bản năm 2016 (NXB Tri thức), vào năm 1952 Nhật là nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng chỉ 15 năm sau tiến lên nước thu nhập trung bình cao và thêm 13 năm nữa trở thành cường quốc kinh tế. 
Dĩ nhiên Nhật đã có tích lũy về vốn thể chế, về nguồn nhân lực từ thời Minh Trị nên khi có điều kiện thì phát huy rất nhanh. 
Nhưng cái điều kiện để các nguồn lực đó phát huy nhanh là nhờ năng lực và khát vọng của lãnh đạo biết chớp thời cơ trong giai đoạn mới. Hàn Quốc và Đài Loan cũng thắng lợi trong cuộc chạy đua với thời gian. 
Hàn Quốc chỉ mất 16 năm (từ 1971 đến 1987) để chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao và chỉ mất thêm 10 năm nữa để tiến lên hàng các nước tiên tiến. 
Đài Loan trở thành nền kinh tế tiên tiến vào năm 1995, chỉ tốn 12 năm kể từ giai đoạn thu nhập trung bình cao.
Tại sao Việt Nam đi chậm? Đó là vì từ 1975 đến nay, ta đã hai lần đánh mất thời cơ.
Từ 4-5 năm nay, kinh tế Việt Nam phát triển tương đối ổn định và tăng trưởng trung bình gần 7%, nhưng đột nhiên đại dịch COVID-19 làm kinh tế suy sụp trước sự đảo lộn, suy sụp của kinh tế thế giới. 
Tuy nhiên, trong khi các nước còn đang khó khăn chống chọi với dịch bệnh, Việt Nam cho đến nay đã thành công trong việc ngăn ngừa sự lây lan của địch bệnh, nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của nhà nước, sự tận tâm, hy sinh của những người phục vụ trong hệ thống y tế, và sự hợp tác, tương tác của các tầng lớp dân chúng. 
Thế giới đang bàn luận sôi nổi về sự thành công này. Ta cũng sẽ nghiên cứu thêm để rút bài học cho chiến lược xây dựng  đất nước trong thời gian tới.

Thời đại sau COVID-19 sẽ như thế nào? Theo tôi, đối với Việt Nam đây là thời cơ thứ ba kể từ 1975. Nếu biết tận dụng thời cơ này ta sẽ khắc phục các vấn đề về cơ cấu kinh tế nói ở trên và đưa kinh tế phát triển một bước vượt bậc trong thập niên 2020. 
Tại sao gọi là thời cơ? 
Thứ nhất, cái yếu của nội lực Việt Nam là cơ cấu hành chánh, là tinh thần trách nhiệm của quan chức, là sự tương tác không mấy thuận lợi của doanh nghiệp và dân chúng đối với chính sách của nhà nước. 
Nỗ lực và phương châm "chống dịch như chống giặc" lần này đã cho thấy các điểm yếu nói trên đã được khắc phục. Trong giai đoạn tới, nên đưa ra khẩu hiệu "chống tụt hậu như chống giặc" và cả nước quyết tâm đuổi kịp các nước đi trước  hy vọng ta sẽ phát triển mạnh mẽ trong thập niên 2020.
Thứ hai, nhờ thành công trong việc chống dịch, hình ảnh Việt Nam là nước an toàn trong cuộc sống và ít rủi ro trong đầu tư làm cho Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các dòng thác FDI mới từ Nhật và các nước Âu Mỹ.
Thứ ba, do đại dịch nầy, các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác. Hiện tượng này đã bắt đầu từ giữa thập niên 2010 khi tiền lương ở các tỉnh và thành phố vùng duyên hải tăng nhanh, sau đó diễn ra mạnh hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cuối thập niên 2010. 
Cũng như dịch SARS năm 2002, đại dịch COVID-19 lần này cũng bắt nguồn từ Trung Quốc làm nhiều người lo ngại trong tương lai nạn dịch tương tự cũng xảy ra từ nước này. 
Đã có phân tích cho rằng tập quán ẩm thực (dùng nhiều động vật hoang dã,…) của Trung Quốc dễ gây dịch bệnh hơn các nước khác. Do đó, để phòng rủi ro đứt gãy mạng lưới cung ứng, làn sóng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác sẽ mạnh hơn nữa. 
Ta nhân cơ hội này tích cực tiếp nhận có chọn lọc các dự án FDI mới để đưa công nghiệp Việt Nam lên cao trong chuỗi giá trị sản phẩm và từng bước giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong bài viết cho Tuổi Trẻ Xuân 2020, tôi có nói khả năng 4.000 ngày sắp tới sẽ làm thay đổi Việt Nam. Tận dụng thời cơ lần thứ ba nầy sẽ thực hiện thành công giấc mơ 4.000 ngày đó.

HẬU COVID-19: CƠ HỘI KHÔNG ĐỂ MẤT CƠ HỘI
CHU HẢO/ viet-studies 4-5-2020
Cho đến hôm nay chúng ta có cơ sở để hy vọng đại dịch Covid-19 ở Việt Nam sẽ được khống chế một cách cơ bản vào khoảng giữa tháng 5, khi còn dưới 20 người vẫn đang phải điều trị và khoảng 30 ngày liên tục không xuất hiện ca nhiễm nào trong cộng đồng. Đó là một thành tích kỳ diệu, xứng đáng được cả thế giới ngưỡng mộ. Cũng vì vậy mà Chính phủ và các học giả đã bắt đầu bàn đến các cơ hội to lớn đang mở ra và đề xuất các giải pháp tận dụng để phát triển đất nước, như bạn đọc có thể thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng mấy ngày qua (xem các bài của Phạm Chi Lan, Trần Văn Thọ, Nguyễn Trung, Nguyễn Quang Dy, Vũ Minh Khương, Nguyễn Ngọc Chu v.v.).
Tôi tán thành hầu hết các ý kiến ấy, sau đây chỉ xin được chia sẻ với bạn đọc ý kiến riêng của mình về một vài khía cạch khác.
1. Theo tôi cơ hội lớn nhất đối với chúng ta lần này là Cơ hội không để tuột mất cơ hội. Chắc các bạn còn nhớ những lời nhận xét đau lòng đại thể như “Việt Nam là đất nước không muốn phát triển (?!)”, luôn đi liền với “Việt Nam là chuyên gia bỏ lỡ cơ hội”. Trong bài viết gần đây, GS Trần Văn Thọ chỉ nhắc đến hai cơ hội vào năm 1975 và 1990; nhưng cựu Đại sứ Nguyễn Trung thì thấy nhiều hơn, bắt đầu từ khi xuất bản cuốn “Thời cơ vàng” (NXB Trẻ, 2010) cho đến tận gần đây, cứ mỗi lần xuất hiện một thách thức mới là Nguyễn Trung lại đau đáu một “cơ hội vàng” cho đất nước, nhưng rồi cứ mỗi lần hy vọng lại là một lần thất vọng… “Cái dớp bỏ lỡ cơ hội” này sẽ mãi mãi ám ảnh chúng ta chừng nào cái thói “kiêu ngạo cộng sản” của các nhà lãnh đạo (như Lê-nin đã nhận ra trong nội bộ đảng của mình từ ngay từ những năm đầu của Cách mạng tháng Mười, và Lý Quang Diệu viết về các nhà lãnh đạo Việt Nam sau 1975 trong hồi ký của mình); và chừng nào dân chúng vẫn còn “tự sướng” coi Việt Nam là “lương tâm của thời đại”, là “rốn của Vũ trụ” như sau các chiến thắng năm 1954 và năm 1975. May thay lần này Covid -19 đã làm cho dân ta, nhất là tầng lớp tinh hoa, thấm thía rằng chẳng có gì là vĩ đại tuyệt đối cả, chẳng có gì là chắc chắn tuyệt đối cả; nhưng sinh mạng và quyền được sống của mỗi con người, cũng như chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia là tuyệt đối, là vĩnh cửu. Có lẽ vì vậy mà thói kiêu ngạo và ngông nghênh vỗ ngực tự hào hình như giảm hẳn. Đó là cơ sở để chúng ta tin rằng cái “dớp bỏ lỡ cơ hội” lần này sẽ được hóa giải. Mong lắm sao!
2. Cơ hội thứ hai mà Covid-19 mang lại cho chúng ta có thể là cơ hội ngàn năm có một: Cơ hội thoát Trung. Ở đây thoát Trung có ý nghĩa cụ thể là: Thoát khỏi âm mưu thâm độc và nhất quán của bè lũ cầm quyền Trung Hoa đại lục từ xưa đến nay nhằm thôn tính đất nước ta; liên tục xâm phạm không gian sinh tồn gồm lãnh thổ và lãnh hải của dân tộc ta; luôn tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế và lũng đoạn hệ thống chính trị của đất nước ta; đầu độc tinh thần và phá hoại nền văn hóa văn hóa - đạo đức của nhân dân ta. Có một bộ phận không nhỏ đồng bào ta, cả trong tầng lớp lãnh đạo và giới tinh hoa, vẫn còn mơ hồ, hoặc bị khống chế vì đã bị mua chuộc, nên không nhận ra hoặc không dám nói công khai ra sự thật kinh hoàng này; không thoát ra khỏi cái vòng kim cô “đồng ý thức hệ”, với “16 chữ vàng” và “bốn tốt” lừa mị thâm hiểm, của bọn cướp toàn cầu ngồi ở Trung Nam Hải. May thay Covid-19 làm cả thế giới bừng tỉnh, nhất là nước Mỹ, trước tham vọng của bè lũ bá quyền Bắc kinh đang vội vàng vươn lên thành bá chủ thiên hạ bằng những thủ đoạn hèn hạ nhất, độc ác nhất. Toàn thế giới giờ mới có dịp làm cho chiếc mo ô nhục che mặt bè lũ ấy rơi xuống đất, và đồng lòng lên án, tẩy chay và trừng phạt chúng. Có lẽ nào nhân dân ta lại không có cách gì tận dụng “cơ hội vàng” này để thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ không bao giờ muốn Việt Nam trở thành một nước Độc lập, Tự cường? Hình như có một nỗi sợ vô hình khi đối mặt bọn bá quyền Bắc Kinh vẫn bao trùm đâu đó. Nỗi sợ ấy hoàn toàn phi lý. Thời chống quân Nguyên, thế và lực của nước ta yếu hơn nhiều so với kẻ xâm lược, mà ông cha ta đâu có sợ? Lúc ấy chỉ có lòng dân là cứu được nước, cũng như bây giờ chỉ có trên dưới một lòng nước ta mới vượt qua Covid-19 một cách đáng ghi nhận. Nỗi sợ sẽ làm ta dễ cam chịu. Hãy nhớ lời nhắn nhủ của Winston Churchill (Thủ tướng Anh thời chiến tranh Thế giới thứ hai): “Một dân tộc tìm cách né tránh chiến tranh bằng cách chịu nhục, thì dân tộc đó sẽ lãnh đủ cả hai thứ: cả chiến tranh và sự nhục nhã.” Mọi tín hiệu từ nhiều phía cho thấy đây là thời điểm thoát Trung thuận lợi nhất, chỉ cần thoát khỏi nỗi sợ hãi thôi.
3. Cơ hội thứ ba mà Covid-19 đem lại, mà chúng ta phải quyết không để tuột khỏi tầm tay, cũng rất quan trọng. Đó là, cũng như đối với các nước khác, nó làm bộc lộ một cách bất ngờ nhất những điểm yếu và mạnh trong hệ thống quản trị đất nước để tìm được “đột phát khẩu” cho phát triển. Tôi tán thành với ý kiến của GS Trần Văn Thọ cho rằng, điểm yếu nhất của nước ta hiện nay là nguy cơ tụt hậu và ông đề xuất giải pháp Chống tụt hậu như chống giặc để khắc phục cái yếu nội lực Việt Nam là cơ cấu hành chánh, tinh thần trách nhiệm của quan chức, và sự tương tác không mấy thuận lợi của doanh nghiệp và dân chúng đối với các chính sách của nhà nước. Là người am hiểu và tinh tế ông chỉ nói đến thế, nhưng có lẽ ta nên hiểu rằng ông đang đề cập đến vấn đề cải cách thể chế chính trị mà bản thân đảng cầm quyền cũng từng nói, nhưng chưa làm được nhiều. Ông cũng nhắc đến ý kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh trong thư gửi cho Bộ Chính trị năm 1995 rằng trong bốn nguy cơ đang phải đối mặt thì nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa là nguy cơ quan trọng nhất. 25 năm trôi qua mà nguy cơ ấy vẫn còn nguyên đó. Coi là tụt hậu là giặc thì các biện pháp thời chiến dễ được toàn dân đồng lòng và tuân thủ, thế thì biết đâu ta lại thắng to!? Tuy vậy cũng nên nhớ lời nói chân thành của Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Cơ Thạch với GS Lê Xuân Khoa tại Mỹ năm 1990: “Chúng tôi đánh nhau thì giỏi, nhưng quản trị [đất nước] thì tồi lắm! Không phát triển đất nước được”. Nếu còn sống đến tận hôm nay, liệu Ông vẫn bảo lưu ý của mình?
 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 4-5-20

MÔ HÌNH KINH TẾ HIỆN ĐẠI ĐÃ THẤT BẠI THẾ NÀO?
THƯ KỲ/ TT 1-5-2020

Mô hình kinh tế hiện đại đã thất bại như thế nào?
Ảnh: New Yorker
Đó là một mô hình quá chú trọng đến lợi nhuận, hay nói đúng hơn, đến gia tăng giá trị cho cổ đông thông qua công cụ tài chính mà bỏ quên các hoạt động sản xuất cơ bản và bỏ quên công nhân.
Lao động thiết yếu chăm sóc xã hội và sự lãng quên 
có hệ thống
Trong cuộc sống giãn cách xã hội, người ta chợt nhận ra có những người làm những nghề không thể thiếu, nay gọi là hoạt động kinh tế thiết yếu. Đó có thể là người bán hàng ở siêu thị, người lấy rác, công nhân lo chuyện điện nước, lái xe, giao hàng, nhân viên y tế...
Khó có ai yên tâm tự cách ly ở nhà nếu không có những người duy trì hoạt động của siêu thị và đội ngũ giao hàng tận nhà. Trước đây và bây giờ cũng vậy, họ là những người được trả lương thấp, không bằng một góc những loại hình công việc văn phòng khác.
Mô hình kinh tế hiện nay phân phối thu nhập không đồng đều: rất thấp cho lãnh vực nông nghiệp và các hoạt động sản xuất trực tiếp; rất cao cho những công việc ở chuỗi giá trị bên trên, dù không tạo ra giá trị thực tế.
Nói cách khác, cách biệt giữa giá trị xã hội rất lớn của các hoạt động “thiết yếu” so với giá trị thị trường rất nhỏ của chúng là một khoảng cách mênh mông. Vì thế hiện nay chúng ta cứ đọc những tin như cam chín không có người hái, nông sản không người thu hoạch, sữa phải đổ xuống cống - một phần do chuỗi cung ứng, vận chuyển, tiêu thụ bị đứt quãng nhưng lý do chính là vì công nhân nhập cư, những người chịu làm các “hoạt động thiết yếu” để nhận đồng tiền công thấp, đã không thể quay về tiếp tục bán sức lao động.
Hãy nhìn vào Singapore với thu nhập bình quân đầu người vào loại cao nhất thế giới, đất nước này vẫn có hàng trăm ngàn công nhân nhập cư, sống trong điều kiện tồi tệ, nhận đồng lương thấp, làm những loại công việc người Singapore chê không làm. Mô hình kinh tế hiện nay tạo điều kiện cho ra đời tầng lớp lao động chẳng khác gì lao động nô lệ ngày xưa, chỉ khác ở chỗ “lao động thiết yếu” tranh nhau tự nguyện bán sức lao động giá rẻ.
Điều làm nhiều người ở châu Âu và Mỹ bất bình là bởi “lao động thiết yếu” tiếp tục đi làm, chịu nhiều rủi ro mà vẫn nhận lương thấp, trong khi lao động không thiết yếu vẫn nhận đủ lương khi làm việc từ nhà hoặc nếu thất nghiệp thì trợ cấp mất việc cũng cao hơn lương theo giờ của “lao động thiết yếu”. Người bán hàng, người giao hàng còn khiến người thân cùng nhà cũng phơi nhiễm rủi ro cùng họ khi phải ra bên ngoài và tiếp xúc nhiều.
Quá phụ thuộc vào một số “công xưởng” của thế giới
Dịch bệnh cho thấy các nước phương Tây đã buông các hoạt động sản xuất cho các nước đang phát triển, để rồi nay lúng túng tìm cách sản xuất thay thế khi nguồn cung ứng hàng bị ngắt quãng. Từ các vật dụng rất thông thường như khẩu trang y tế, các loại quần áo bảo hộ đến máy thở, thuốc men... các nước từng phó mặc cho Trung Quốc bởi họ xem giá trị tăng thêm của các hoạt động này là không đáng kể.
Bản thân việc sản xuất một loại thuốc nào đó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giá thành sau cùng của nó; phần các nước phương Tây giành lấy là phân phối, tiếp thị, đưa vào bệnh viện, định giá cao. Nay thuốc không có trong tay lấy gì thu lợi nhuận từ các hoạt động khác?
Mô hình sản xuất như thế là dựa vào mô hình giao thương dựa trên lý thuyết lợi thế cạnh tranh của nhà kinh tế học người Anh David Ricardo vào thế kỷ 19. Ông cho rằng các nước chỉ nên tập trung sản xuất các loại hàng hóa họ có lợi thế so sánh; chẳng hạn, thợ may Mỹ có năng suất gấp đôi thợ may Việt Nam nhưng những người thợ này đưa sang huấn luyện để lắp ráp ôtô thì còn tạo ra năng suất gấp 10 lần.
Thế là Mỹ nên để Việt Nam may mặc, còn họ lắp ráp ôtô, tiến lên một nấc là chuyển qua lắp ráp robot hay máy móc tinh vi khác để hưởng lợi thế so sánh đó. Tất cả quá trình xác định lợi thế so sánh này rồi phân công vai trò trong các khâu sản xuất, định giá từng khâu là do thị trường cung cầu quyết định, nhà nước rất ít can thiệp.
Hậu quả là giới chủ ngày thêm giàu nhờ chiếm phần trị giá gia tăng cao; công nhân ngày càng vất vả nhưng thu nhập giữ nguyên trong mấy chục năm qua. Đến khi có dịch bệnh, dây chuyền cung ứng cho kiểu sản xuất theo lợi thế cạnh tranh bị tắc nghẽn, các nước từng từ bỏ các loại công việc có lợi thế cạnh tranh thấp nay cũng không thể xoay xở kịp để sản xuất các vật dụng thông thường như trang thiết bị y tế.
Tài chính ăn hết lợi nhuận
Mô hình kinh tế hiện nay chú trọng vào tìm kiếm cơ hội, luôn coi trọng nâng cao giá trị cho cổ đông, bỏ qua rủi ro. Mặt khác, hai mảng Main Street (sản xuất thật) và Wall Street (kinh doanh tài chính) ngày càng tách biệt nhau, cái sau chỉ dựa vào kết quả của cái trước để đánh cược nên thường khuếch đại kết quả của cái trước lên bội lần.
Câu chuyện giá dầu là một ví dụ điển hình. Giá dầu vừa qua dù sụt giảm nhưng thực tế không đến mức âm gần 40 đôla/thùng, bởi chi phí trữ dầu vào thời điểm diễn ra mức giá âm kỷ lục vào tuần trước cũng chỉ vài ba đôla/thùng.
Mức giá méo mó đó là do những tay tài chính đánh cược lên giá dầu bị thua và bị đẩy vào chỗ phải chấp nhận mức thua cao hơn thực tế nhiều lần. Ở các lĩnh vực khác cũng vậy, bán lẻ giảm chừng 8% thì giá cổ phiếu của các công ty liên quan đến bán lẻ có thể sụt 30-40%.
Tài chính, nguyên thủy là công cụ giúp doanh nghiệp hoạt động trôi chảy, giờ trở thành mục tiêu tối hậu. Cổ đông, giới đầu tư tài chính, các CEO được liên tục cổ xúy để nâng giá trị thị trường của doanh nghiệp bất kể giá trị sổ sách.
Lấy ví dụ giữa năm 2018, giá trị sổ sách của Microsoft chỉ là 82 tỉ đôla trong khi giá trị của nó trên thị trường chứng khoán lên đến 768 tỉ đôla, gấp hơn 9 lần giá trị thật! Cuộc khủng hoảng 2008 tưởng sẽ xóa bớt cách biệt này nhưng do chính phủ các nước liên tục tung tiền giá rẻ ra giải cứu, giá cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng như cũ và toàn thế giới gánh những khoản nợ khổng lồ. Tổng nợ của thế giới tăng từ mức 97.000 tỉ đôla năm 2007 lên 169.000 tỉ đôla năm 2017.
Động lực lớn nhất của dòng chảy tài chính là lợi nhuận. Chính vì thế tiền rót vào như nước cho các startup thua lỗ triền miên chỉ vì kỳ vọng giá trị cổ phiếu sẽ tăng vọt. Tiền nghiên cứu và phát triển chảy vào các món thời thượng như điện thoại gập, xe không người lái, hệ thống trí tuệ nhân tạo, phát triển tiền ảo... trong khi các món không có tiềm năng đem lại lợi nhuận như vaccine cho bệnh SARS hay bệnh MERS, các xét nghiệm với độ chính xác cao, hệ thống y tế dự phòng... không ai màng đến.
Xác định một mô hình khác
Chắc chắn sẽ không có chuyện từ nay nước nào tự lo sản xuất đủ mọi mặt hàng tiêu dùng của nước đó. Toàn cầu hóa đã ăn sâu vào cách tổ chức sản xuất kinh doanh, nên khó lòng rút ra trở về thời tự cung tự cấp. Nhưng cũng chắc chắn họ sẽ tổ chức lại các chuỗi cung ứng để không phụ thuộc quá nhiều vào một nước duy nhất, như với Trung Quốc trong phần lớn trường hợp.
Các hiệp định thương mại tự do khu vực nay sẽ phát huy tác dụng; việc phân bổ lại vai trò sản xuất giữa các nước có mối dây liên kết sẽ được triển khai 
nhanh chóng.
Dù muốn dù không, các nước cũng phải tính đến phương án dự phòng như tổ chức kho dự trữ quốc gia các mặt hàng thiết yếu hay tự sản xuất một phần. Các loại thuốc chữa bệnh là ưu tiên hàng đầu vì Mỹ sẽ không thể nào yên tâm khi đến 80% lượng dược phẩm, 90% kháng sinh tiêu thụ trên nước Mỹ do Trung Quốc sản xuất.
Tất cả sẽ phải để lên bàn cân để tính toán, trong đó bên cạnh các yếu tố lợi nhuận sẽ phải bổ sung yếu tố rủi ro. Những lập luận kiểu như thâm hụt mậu dịch không quan trọng sẽ phải nhường chỗ cho việc cân nhắc xem mình có món gì quan trọng mà đối tác cần để làm đòn bẩy thương thảo mua hàng thiết yếu.
Các chuỗi cung ứng sẽ được thiết kế lại để đơn giản hơn so với trước. Những khái niệm như sản xuất tinh gọn, hàng tồn kho đủ dùng (just-in-time) sẽ giảm bớt tầm quan trọng khi các nước nhấn mạnh đến yếu tố phòng ngừa rủi ro. Các nước sẽ áp dụng một chính sách tạm gọi là bảo hộ chiến lược để duy trì an toàn về nhiều lãnh vực.
Tuy nhiên, nếu không có những chính sách đồng bộ, doanh nghiệp, vì động cơ lợi nhuận, sẽ đi theo con đường cũ bởi con đường mới sẽ khó khăn, giảm lợi nhuận, tăng phúc lợi cho công nhân hơn so với trước.
Chẳng hạn sẽ không có doanh nghiệp nào có động cơ tích trữ thuốc men, trang thiết bị y tế cho một đại dịch khác vì không có lợi cho họ - chính phủ phải đảm đương chuyện đó hoặc có chính sách thích hợp. Chính sách đó phải mang tính “tạo ra thịnh vượng cho mọi người”, chứ không phải “vắt kiệt thịnh vượng ở nơi đâu dễ vắt nhất”. 

KINH TẾ VIỆT NAM : THUYỀN CÓ THỂ NGƯỢC DÒNG?
NHÓM TG */ TBKTSG 4-5-2020
(TBKTSG) - Cho đến lúc này, có thể khẳng định thiệt hại về kinh tế do dịch Covid-19 đã nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP thế giới tăng trưởng âm 3%, Oxford Economics cũng vừa đưa ra một dự báo ở con số âm 2,8%.
Cả hai con số này, có lẽ đều ngoài sức tưởng tượng của các nhà kinh tế và hoạch định chính sách vì khủng hoảng năm 2009 GDP thế giới chỉ ở mức âm 0,1%.
Kinh tế Việt Nam cần chuyển hướng hơn về thị trường nội địa, giảm nhập khẩu, kích thích tiêu dùng trong nước. Ảnh: THÀNH HOA
Nhưng tác động của dịch Covid-19 đến từng quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào cấu trúc và độ mở của nền kinh tế đó. Qua số liệu thống kê những năm gần đây, có thể thấy rằng sự phụ thuộc của Việt Nam vào xuất, nhập khẩu là rất lớn, như năm 2019, tổng giá trị xuất, nhập khẩu gần gấp 3 lần GDP.
Chính vì vậy, một câu hỏi khá quan trọng đặt ra là độ co giãn của xuất khẩu Việt Nam với GDP thế giới là bao nhiêu? Vì nếu có một cú sốc đối với kinh tế thế giới như hiện nay, thì GDP của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Nhóm tác giả đã xây dựng một mô hình kinh tế vĩ mô đơn giản theo tổng cầu dựa trên lý thuyết Neo-Keynesian. Theo đó, GDP (Y) là một hàm dựa trên Tiêu dùng của chính phủ (G), Tiêu dùng của khu vực tư (C), Đầu tư (I), Xuất khẩu (X), và Nhập khẩu (M):
Y = C+I+G+X-M
Dựa vào số liệu của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới (WB) từ 1989-2019, chúng tôi đã ước lượng các tham số của các phương trình chính như (C), (I), (X), (M), và hàm Giá (P). Kết quả các tham số được ước lượng của các hàm như bảng 1.

Kết quả cho thấy, độ co giãn của xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào GDP của thế giới, hệ số co giãn lên đến 5,39. Trong khi đó, độ co giãn của nhập khẩu phụ thuộc vào GDP trong nước lên đến 2,6.
Từ kết quả này, với dự báo về kinh tế thế giới trong năm 2020 là âm 3%, chúng tôi có thể dự báo GDP Việt Nam trong năm 2020 với nhiều kịch bản khác nhau, thông qua điều chỉnh mức Tiêu dùng của chính phủ (G), giả định lãi suất danh nghĩa ở mức 3,5%, và chỉ số giảm phát GDP thế giới là  âm 3%.
Mô hình được trình bày ở trên có những hàm ý quan trọng như sau:
Thứ nhất, sự phụ thuộc của xuất khẩu Việt Nam vào GDP thế giới là rất lớn. Khi có cú sốc trên thị trường thế giới thì xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo GDP. Như ước lượng ở bảng 2, nếu các điều kiện khác không thay đổi, GDP thế giới âm 3% thì GDP Việt Nam âm 4,48%.
Thứ hai, nhập khẩu của Việt Nam hiện đang phụ thuộc nhiều vào GDP trong nước. Đặc biệt, hàm nhập khẩu của Việt Nam đang có tính chất Giffen, giá thế giới tăng thì vẫn tăng nhập khẩu, vì phải nhập hàng hóa thiết bị trung gian cho xuất khẩu, cũng như chất lượng hàng hóa trong nước chưa đảm bảo, có tâm lý sính hàng ngoại. Nếu giảm được nhập khẩu trong khi các yếu tố khác không đổi thì GDP sẽ tăng đáng kể.
Thứ ba, trong điều kiện xuất khẩu bị suy giảm, GDP của Việt Nam vẫn có thể trụ được, hoặc tăng trưởng vừa phải chỉ với tăng Tiêu dùng của Chính phủ. Việc tăng trần nợ công, tăng thâm hụt ngân sách trong hoàn cảnh hiện tại cũng là lựa chọn của rất nhiều Chính phủ. Trong một báo cáo toàn cảnh cập nhật tháng 4-2020 của BlackRock, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương Anh, Eurozone, đặc biệt là Mỹ, dự báo tăng vọt trong giai đoạn 2020-2021. Các gói kích cầu chưa có tiền lệ cũng được khởi động ở nhiều nước. Dự báo nợ của các nước Eurozone lên đến gần 120% GDP, tăng 20-30% so với dự báo của IMF, riêng Mỹ có thể lên đến 140% GDP.
Những câu hỏi như nguồn ngân sách huy động từ đâu, sử dụng như thế nào để hiệu quả không nằm trong trao đổi này của nhóm tác giả. Mục đích chính của bài viết này là chỉ ra cho thấy cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam, trong mối tương quan giữa các cấu phần của GDP theo phương pháp tổng cầu. Tuy nhiên, sử dụng ngân sách cần lưu ý ưu tiên hỗ trợ đến nguồn lao động trực tiếp, các doanh nghiệp có ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế, hệ thống y tế, việc sắp xếp tổ chức lại các dịch vụ thiết yếu như trường học, bệnh viện, nguồn cung lương thực thực phẩm.
Các biện pháp ngoại lệ được sử dụng trong ngắn hạn để thích ứng với tình huống chưa có tiền lệ. Khủng hoảng do dịch Covid-19 có khi giúp các nhà hoạch định chính sách giật mình xem lại sự quá lệ thuộc vào một yếu tố, để từ đó có thể dần dần hài hòa hơn giữa các trọng số. Khủng hoảng rồi sẽ qua, kinh tế Việt Nam cần chuyển hướng hơn về thị trường nội địa, giảm nhập khẩu, kích thích tiêu dùng trong nước.  
* NHÓM TG :Lê Nguyễn Minh Phương - Lê Văn Cường - Võ Đình Trí

LỰA CHỌN MÔ HÌNH KINH DOANH SAU COVID-19: TINH GỌN HAY BỀN VỮNG?
Lê Hoài Ân (CFA - Merlin Capital)/TBKTSG 4-5-2020
(TBKTSG) - Tiếp nối bài viết Giải mã hàng loạt cửa hàng ăn uống “vỡ trận” trên TBKTSG số 14-2020, người viết sẽ kết nối góc nhìn về việc các cửa hàng F&B (thực phẩm và ăn uống) vỡ trận nhanh như thế nào với những vấn đề lớn hơn của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày một diễn biến phức tạp.
Vai trò của dự trữ và tính hiệu quả
Cấu trúc chi phí cố định lớn, đặc biệt là chi phí mặt bằng cao, khiến việc duy trì kinh doanh của các doanh nghiệp F&B hết sức khó khăn. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp F&B thêm u ám là nguồn dự trữ tiền mặt thấp: doanh nghiệp nào có dự trữ càng thấp thì càng khó vượt qua đại dịch này.
Khi lập dự toán tài chính cho một cơ sở kinh doanh, các lý thuyết tài chính đều yêu cầu doanh nghiệp ngoài việc đầu tư mặt bằng, bàn ghế và vốn lưu động (vốn xoay vòng bao gồm các khoản tồn kho và phải thu là chủ yếu) thì nên dự trữ một lượng vốn dự phòng. Vốn dự phòng này thường được ước tính trung bình bằng 3-6 tháng vốn lưu động cần thiết của doanh nghiệp.
Nguồn vốn này sẽ là vùng đệm an toàn cho hoạt động kinh doanh vốn chịu nhiều biến động từ thị trường như F&B. Chẳng hạn, trong giai đoạn đầu hoạt động, cơ sở F&B sẽ có thể gặp nhiều khó khăn để thu hút khách hàng. Chính phần dự trữ vốn này giúp doanh nghiệp thoát khỏi rủi ro “là một ý tưởng khả thi nhưng lại “chết” trước khi kịp làm quen với khách hàng”. Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn như dịch Covid-19 thì những khoản dự phòng đó lại càng có ý nghĩa sống còn.
Đây là bài toán tài chính kinh điển trong lĩnh vực F&B khi lập dự toán tài chính. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp F&B chỉ duy trì một mức vốn lưu động để vận hành chứ thường ít quan tâm đến dự trữ. Lý do rất đơn giản. Dự trữ tiền mặt, dù được hưởng lãi khi gửi ngân hàng, vẫn có một chi phí cơ hội lớn đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp nghĩ rằng việc dự trữ một lượng vốn đáng kể như vậy để dự trù cho rủi ro là chi phí quá lớn. Quan trọng hơn, chủ doanh nghiệp quan tâm tới việc sử dụng vốn hiệu quả hơn là việc quản lý rủi ro.
Mỗi doanh nghiệp đều hướng đến việc sử dụng hiệu quả nguồn lực. Nguyên tắc đó cũng áp dụng cho mọi ngành và mọi nền kinh tế hiện đại.
Nền kinh tế toàn cầu vận hành dựa trên sự hiệu quả
Các quốc gia đều muốn duy trì tăng trưởng kinh tế đồng thời gia tăng hiệu quả sử dụng vốn nên ngày càng sử dụng nhiều các mô hình kinh doanh hiệu quả như mô hình “Just-in-time” hay “Lean business”. Các mô hình này hạn chế việc duy trì mức dự trữ bằng cách kết nối và phối hợp giữa các nhà cung cấp một cách hiệu quả qua hệ thống tự động. Nhờ đó mà tồn kho, dự trữ được giảm xuống dưới mức tối thiểu, qua đó giải phóng nguồn vốn lớn để thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đều lựa chọn Trung Quốc là mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất. Trung Quốc trở thành động lực chính, góp phần tạo giá trị cho các tập đoàn khổng lồ của Mỹ và châu Âu. Sau khi đạt được mức tăng trưởng bão hòa thì các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu dịch chuyển nguồn lực sản xuất về Trung Quốc để tối ưu hóa nguồn vốn lưu động sử dụng trong quá trình sản xuất, cũng như hưởng lợi từ chi phí nhân công giá rẻ.
Thống kê cho thấy chỉ trong vòng 20 năm qua, vai trò của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu đã gia tăng mạnh mẽ. Trong báo cáo kinh tế đột xuất vào tháng 3-2020 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về tác động của diễn biến dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu, tổ chức này nhấn mạnh việc thế giới đang trao cho Trung Quốc một sức mạnh rất lớn.
Đáng chú ý, giai đoạn trỗi dậy của Trung Quốc có vẻ cũng là giai đoạn thịnh vượng nhất của các tập đoàn kinh tế Mỹ và phương Tây. Các doanh nghiệp này tạo ra một mô hình sản xuất hiệu quả và giải phóng lớn lượng tiền ra khỏi hoạt động của họ.
Trong vòng 10 năm qua, những tập đoàn này thừa tiền nhiều đến mức chi một lượng lớn tiền đến cả ngàn tỉ đô la Mỹ để mua lại cổ phiếu quỹ (cổ phiếu của chính họ) để làm lợi cho các cổ đông. Nên nhớ rằng Apple hay Microsoft có phần lớn hoạt động đầu tư và sản xuất diễn ra ở Trung Quốc chứ không phải ở Mỹ.
Khi công xưởng thế giới trở thành “kho súng”
Khi dịch bệnh lan rộng ra khắp thế giới, Trung Quốc đã “cứu trợ” các trang thiết bị y tế và xem đây là một dịp để đàm phán lại các điều kiện thương mại hay gia tăng tầm ảnh hưởng. Ngược lại, các nước như Mỹ và châu Âu đang thiếu hụt trầm trọng thiết bị y tế. Số liệu chứng minh rằng Mỹ và châu Âu đã trao cho Trung Quốc một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nguồn cung nguyên liệu cũng như các thiết bị, công cụ cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thiết bị y tế.
Biểu đồ trên cho thấy vai trò của Trung Quốc đã gia tăng trong việc xuất khẩu các thiết bị y tế. Chỉ trong vòng 20 năm qua, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gấp hàng chục lần (xem biểu đồ). Hơn nữa, hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm của Trung Quốc ngày càng cao, điều này chứng tỏ rằng các nước phương Tây đang chuyển giao dần công nghệ sản xuất cũng như các vật phẩm trung gian trong quá trình vận hành ngành y tế cho nước này.
Chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và chuỗi y tế toàn cầu nói riêng đang bộc lộ những khuyết điểm lớn liên quan đến việc tối ưu hóa nguồn lực và đẩy toàn bộ trách nhiệm trong vận hành nguyên liệu về một quốc gia là Trung Quốc.
Trung Quốc đã xác lập một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và việc tách rời Trung Quốc lúc này có thể sẽ khiến các doanh nghiệp và quốc gia bị mất lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 kết thúc, các quốc gia trên thế giới sẽ phải suy nghĩ lại bài toán đầu tư ra nước ngoài của mình cũng như bài toán tối ưu hóa chuỗi giá trị toàn cầu. Thế giới sẽ phải dần cân nhắc lại về sự đánh đổi giữa tính hiệu quả và tính bền vững trong quá trình vận hành.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận thức rõ được tình hình thiếu trang thiết bị y tế do phụ thuộc vào nguồn cung ứng nước ngoài và kêu gọi “khôi phục lại sự độc lập kinh tế” của Pháp. Pháp sẽ đầu tư 4 tỉ euro để sản xuất kịp thời các loại thuốc và vật tư y tế và có thể sẽ còn nhiều hơn nữa sau dịch để thảm họa này không diễn ra lần nữa.

MẶT TRẬN THỨ HAI' ĐÃ MỞ ĐỂ KHỞI ĐỘNG LẠI NỀN KINH T
TẠ ĐỨC SINH/ TVN 3-5-2020

Việt Nam đã sớm mở mặt trận thứ nhất để chống Đại dịch Covid-19, nay lại là quốc gia sớm mở "mặt trận thứ hai" để khởi động, khôi phục nền kinh tế.

“Chống dịch như chống giặc” - Việt Nam đã mở mặt trận thứ nhất để chống Đại dịch Covid-19 từ rất sớm, khi hầu như cả thế giới còn như người ngoài cuộc. Ngày 15/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập tới việc mở “mặt trận thứ hai” để tái khởi động, khôi phục nền kinh tế sau khi ngưng trệ trong suốt thời gian đại dịch từ đầu năm 2020 tới nay. 
Trong suốt thời gian từ sau Tết đến nay, có sự tê liệt của nhiều ngành, điển hình như hàng không, du lịch, giáo dục…, nhưng cũng có nhiều ngành hoạt động hết công suất như y tế, bảo hiểm, ngân hàng, trật tự an toàn xã hội. 
Trong khu vực sản xuất vật chất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật vẫn còn nguyên vẹn, cho phép ngành công nghiệp, xây dựng có thể trở lại hoạt động bình thường bất cứ lúc nào. Ngành nông nghiệp vốn là bệ đỡ của nền kinh tế, đã từng là chốn đi về của hàng triệu lao động và không ít các loại doanh nghiệp bị thị trường hoặc khủng hoảng đào thải, nay vẫn còn nguyên năng lực đó. Đặc biệt, hệ thống điện năng, hệ thống cung ứng săng dầu, hệ thống giao thông vận tải (đường xá, cầu cống, nhà ga, bến cảng, kho tàng, thiết bị, phương tiện…) đều có thể sẵn sàng cung cấp các dịch vụ chuyên biệt của mình cho toàn bộ nền kinh tế. 
Như vậy, đối tượng hôi phục chủ yếu của mặt trận thứ hai này là nhằm vào các mối quan hệ trong hệ thống tổng cung - tổng cầu mà đại dịch Covid-19 đã làm đứt gẫy, loại bỏ các quan hệ bị lỗi thời, phát triển các quan hệ mới cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể trong nước và quốc tế sau đại dịch. 
‘Mặt trận thứ hai’ đã mở để khởi động lại nền kinh tế
‘Mặt trận thứ hai’ đã mở để khởi động lại nền kinh tế
Trước hết, đó là sự xuất hiện nhu cầu tăng lên của "tự sản tự tiêu" tại từng quốc gia, kéo theo giảm nhập khẩu trên toàn cầu. Đây là bài học xương máu trong quan hệ quốc tế qua Đại dịch Covid-19. Nhiều cường quốc hạt nhân đã không thể tự cứu mình chỉ vì không sản xuất trong nước các sản phẩm thiết yếu trong phòng chống bùng phát của dịch bệnh như khẩu trang, máy thở… Họ đã nhận ra sai lầm chết người này, phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. 
Chắc chắn rằng sau đại dịch, xuất nhập khẩu và đầu tư sẽ được định hướng lại trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia G7, G20. Rồi đây, mỗi quốc gia sẽ có một danh mục các sản phẩm bắt buộc phải tự sản tự tiêu trong nước, không xuất khẩu đầu tư tràn lan như trong quá khứ. Đồng thời, mỗi quốc gia xuất khẩu đầu tư cũng buộc phải lựa chọn nơi đến sao cho có đủ độ tin cậy chính trị cần thiết. 
Hệ quả của định hướng mới này sẽ là việc dịch chuyển các cơ sở sản xuất những sản phẩm thuộc danh mục tự sản tự tiêu mà lâu nay đã đặt tại nước ngoài, nay phải trở lại bản quốc. Đồng thời, những cơ sở sản xuất đặt tại quốc gia có độ tin cậy chính trị thấp cũng sẽ chuyển dịch sang quốc gia có độ tin cậy cao hơn. 
Trong xu hướng chuyển dịch trên, Việt Nam đang có sẵn nhiều lợi thế để thu hút sự chuyển dịch ở qui mô toàn cầu này. Tuy nhiên, để biến lợi thế thành hiện thực, Việt Nam còn nhiều việc phải làm khi mở “mặt trận thứ hai”, trong đó không thể không có đột phá vào chuỗi công việc "giải phóng mặt bằng". 
Trên thực tiễn nhiều thập kỷ qua, chuỗi công việc này đã gây ra không biết bao nhiêu tổn thất cho nền kinh tế, trong đó nông dân mất ruộng chỉ được đền bù chứ không được bán quyền sử dụng đất, cán bộ thoái hóa biến chất đã thả sức tham nhũng tại tất cả các khâu, công trình đầu tư bị đội vốn thậm chí gấp đôi ba lần so với thiết kế ban đầu do ách tắc giải phóng mặt bằng, làm nản lòng các nhà đầu tư. 
Thứ hai, đó là việc cấu trúc lại các quan hệ trong chuỗi giá trị sản xuất - cung ứng - phân phối toàn cầu. Sau Chiến tranh thế giới lần II kết thúc năm 1945, nhân loại đã đi vào một thời đại phát triển mới toàn cầu hóa. Thể chế đó đã dần dần xác lập được một hệ thống các quan hệ trong chuỗi sản xuất - cung ứng - phân phối, trong đó dễ thấy nhất là mô hình một sản phẩm (như sản xuất máy bay dân dụng) được chia ra thành nhiều công đoạn, được đặt sản xuất tại nhiều quốc gia, rồi được lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng tại một quốc gia để cung ứng ra toàn cầu, và lợi nhuận được phân phối cho tất cả các thành viên đã tham gia. 
Chuỗi sản xuất - cung ứng - phân phối còn tạo ra một mạng lưới gia công rộng khắp (như hàng may mặc), trong đó các nước nhận gia công tuy có kim ngạch xuất nhập-khẩu cao nhưng lợi nhuận thu được chẳng là bao. Các chuỗi sản xuất - cung ứng - phân phối được duy trì trên một quĩ đạo chung và được kiểm soát bởi các cơ quan toàn cầu như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quĩ Tiền tệ quốc tế ác (IMF), Tổ chức Lao động thế giới (ILO), các Tòa trọng tài và Tòa án quốc tế… 
Với chuỗi sản xuất - cung ứng - phân phối, chỉ trong vòng 20-30 năm, Nhật Bản đã trở thành "con rồng", Hàn Quốc trở thành "con hổ" châu Á, Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới, các nước Tây và Bắc Âu trở thành các quốc gia thịnh vượng. Trong khi đó, trên một trăm quốc gia khác tuy thoát được đói nghèo nhưng đều bị dính vào bẫy thu nhập trung bình, không thoát ra được hết thập kỷ này đến thập kỷ khác. Thể chế toàn cầu đó đã bị đứt gẫy nhiều bộ phận và trên toàn cục khi đại dịch Covid-19 diễn ra. 
Tại Việt Nam, mở “mặt trận thứ hai” là dịp để cấu trúc lại chuỗi sản xuất - cung ứng - phân phối trên lãnh thổ của mình, thậm chí làm sớm hơn phần đông còn lại của thế giới để chủ động nhập cuộc với sản xuất - cung ứng - phân phối toàn cầu mới. 
Theo đó: Việc xóa bỏ dần, tiến tới xóa bỏ căn bản các doanh nghiệp chỉ gia công cho nước ngoài đã được đặt ra, nay đã đến lúc phải làm; thực hiện đa dạng hóa việc nhập khẩu nguyên vật liệu chính cho từng loại sản phẩm từ nhiều quốc gia, tránh từ một nơi duy nhất; việc nội địa hóa trong sản xuất các sản phẩm cơ khí chế tạo  được thực hiện không chỉ bằng kêu gọi hoặc khuyến khích, mà bằng tổ chức lại sản xuất với doanh nghiệp trung tâm và các doanh nghiệp vệ tinh; lấy huyện làm địa bàn để thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp từ canh tác đến chế biến sẩn phẩm cuối cùng; đặt thị trường nội địa làm động lực cho phát triển bền vững thị trường toàn cầu của Việt Nam. 
Việc cấu trúc lại chuỗi sản xuất - cung ứng - phân phối trên đây của Việt Nam tuy có những khó khăn cụ thể nhưng đều có chung một nền tảng ưu việt, đó là lợi thế địa chính trị và sự tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với dân tộc Việt Nam. 
Thư ba, đó là việc lập lại các mối quan hệ trong hệ thống cân đối vĩ mô của nền kinh tế do đã bị méo mó bởi Đại dịch Covid-19 một cách trực tiếp và gián tiếp. Trong đó dễ thấy nhất là cán cân thương mại (xuất nhập khẩu biến động lớn), cán cân thu-chi ngân sách (tăng chi đồng thời với giảm thu nên bội chi vượt tốc), cán cân huy động và cho vay của hệ thống tín dụng (dư nợ gia tăng, nợ khó đòi lớn), và đặc biệt là bảo đảm ổn định của đồng tiền Việt Nam trước nguy cơ phá giá của đồng Nhân dân tệ và Đô la Mỹ. 
Việc lập lại các mối quan hệ trong hệ thống các cân đối vĩ mô trên đây đòi hỏi những kiến tạo của Nhà nước để phát huy cao độ vai trò của kinh tế nhà nước, vai trò động lực của kinh tế tư nhân, vai trò bổ trợ của kinh tế đầu tư nước ngoài. 
Đã đến lúc phải giải phóng nguồn vốn vài triệu tỷ VNĐ đã bị chôn chặt tại hệ thống doanh nghiệp nhà nước từ nhiều thập kỷ qua bằng các biên pháp quyết liệt, nhất là khi đã thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 
Sự phân cấp thu, chi ngân sách nhà nước giữa Trung ương với các cấp tỉnh, huyện, xã (và các cấp tương đương ở thành phố) đã đến lúc cần đến một cuộc cải tổ; Việc điều hành hệ thống cân đối vĩ mô đã và đang bị dàn trải ra hàng loạt các Hội đồng và Ban chỉ đạo từ trung ương đến địa phương cũng đã đến lúc cần được tập trung lại bởi một Hội đồng duy nhất gồm người đứng đầu các bộ, ngành tổng hợp ở trung ương (như Bộ Kể hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước) và có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học. 
Việt Nam đã sớm mở mặt trận thứ nhất để chống Đại dịch Covid-19, nay lại là quốc gia sớm mở "mặt trận thứ hai" để khởi động, khôi phục nền kinh tế. Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực cho thế giới ở trận đầu, hy vọng rằng sẽ tiếp tục có đóng góp xứng đáng ở trận tiếp theo này. 
TS. Đinh Đức Sinh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét