Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

20200512. NHÂN SỰ VÀ NHÂN QUẢ

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHÂN SỰ VÀ NHÂN QUẢ
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 11-5-2020


Công tác nhân sự là vô cùng quan trọng. (Ảnh minh họa trên Tapchisinhvien.vn)
“Nhân sự” là hoạt động gắn liền với việc tuyển chọn, đề bạt, kỷ luật, sa thải nhân viên, cán bộ của cơ quan, tổ chức, nói gọn lại là hoạt động quản lý con người.
“Nhân quả” thì không cần giải thích vì ai cũng biết và xin tạm không bàn đến công tác nhân sự tại các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh.
Công tác nhân sự ảnh hưởng quyết định đến sự tồn tại, phát triển của thể chế chính trị từ cấp thấp nhất là chính quyền thôn, xã đến quốc gia, dân tộc.
Đặc biệt khi nhân sự được lựa chọn thuộc về đảng phái hay lực lượng chính trị nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Dù là đa nguyên hay toàn trị thì có một thực tế không thể phủ nhận là quyền quyết định nhân sự ở cấp cao nhất lại không hoàn toàn thuộc về số đông - tức là dân chúng.
Tại Mỹ, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, số phiếu bầu phổ thông (của dân chúng) cho bà  Hillary Clinton là 60.278.606, còn ông Donald Trump là 59.907.356 phiếu, tuy nhiên Donald Trump lại đắc cử tổng thống vì nhiều phiếu đại cử tri hơn.
Tại Việt Nam, tuy nhân sự cấp cao là do Quốc hội quyết định song vì gần 96% Đại biểu Quốc hội là đảng viên và đảng viên phải tuân theo Điều lệ Đảng nên hoạt động nhân sự tại Quốc hội thực chất vẫn là công việc của một số cơ quan Đảng như Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức,…
Với những gì đã được công bố, có thể thấy Ban chấp hành trung ương Đảng nhiệm kỳ 12 đã bao quát toàn bộ hoạt động nhân sự cho nhiệm kỳ 13, không chỉ trong nội bộ đảng mà là toàn hệ thống chính trị.
Chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội 13 của Đảng, “dưới có vững thì trên mới bền chắc được”.
Vậy trong một thời gian ngắn - thời gian chuẩn bị đại hội các cấp - làm thế nào để “dưới vững” khi mà tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên có chính sách, dưới có đối sách” vẫn còn là một thực tế?
Đặt vấn đề “trong một thời gian ngắn” bởi lẽ gần 10 năm trước, văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng đã đưa ra kết luận:
“Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”.
Nhận định nêu trên đã hoàn toàn sáng tỏ vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ 12, đã có gần 100 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.
Một bài viết trên Tạp chí Tuyên Giáo đăng ngày 15/03/2019 nêu nhận định:
“Tham nhũng đang là vấn nạn, có xu hướng gia tăng và gây thiệt hại nặng nề về nhiều mặt, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên đảm nhiệm các vị trí "có quyền" ”. [1]
Thế có nghĩa là gần 10 năm đấu tranh phòng chống tham nhũng - tính đến năm 2019 - tình trạng nêu trong văn kiện đại hội 11 chưa có chuyển biến đáng kể, thậm chí vấn nạn này còn “có xu hướng gia tăng”.
Phải chăng vì thế gần đây, dù nhấn mạnh vị thế quan trọng của “dưới” nhưng hoạt động của “trên” tức là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Bộ Công an,… dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đó?
Vậy chiến dịch “đốt lò” mà ông Nguyễn Phú Trọng phát động có làm chuyển biến nhận thức của “dưới”, có làm những kẻ “tay đã nhúng chàm” lo sợ? 
Ngay khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, ngay tại thủ đô Hà Nội, một nhóm quan chức và cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố này cấu kết với doanh nghiệp đã nâng giá mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR gấp 3 lần lấy tiền chia nhau và vụ việc lại do Bộ Công an phát hiện chứ không phải chính quyền thành phố Hà Nội.
Tại Thanh Hóa, huyện Yên Định đang mang khoản nợ 50 tỷ đồng vì đã vay sử dụng cho các hoạt động: “Sửa sang công sở Huyện ủy, UBND huyện, tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo, tiền sửa xe khi hư hỏng, tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm, tiền chè nước, giấy mực in, tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách của lãnh đạo huyện ở các nhà hàng, khách sạn…” nhưng lãnh đạo huyện này vẫn xin kinh phí 20 tỷ xây dựng tượng đài?”. [2]
Vì sao có rất nhiều vụ kỷ luật trong đảng, nhiều án hình sự với không ít cán bộ - trong đó có một số cán bộ cấp cao - không làm bọn tham nhũng sợ hãi?
Có phải vì tại Hà Nội đã từng có tiền lệ một cựu lãnh đạo cấp thành phố bị công an xác định “có dấu hiệu phạm tội” song do “phạm tội lần đầu, nhân thân tốt” nên người này được miễn truy cứu hình sự?
Có phải vì quá nhiều vụ kỷ luật với hình thức “rút kinh nghiệm sâu sắc” hoặc “nghiêm túc rút kinh nghiệm” đã được công bố và kết quả là đương sự vẫn “đương” với mọi “sự” mặc dù trong bốn hình thức kỷ luật đảng viên chính thức (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ) không có hình thức “rút kinh nghiệm”?
Và như vậy có phải không ít trường hợp, pháp luật bị vô hiệu hóa bởi tấm áo choàng quyền lực hoặc bởi sức mạnh ngầm nào đó?
Nhận thấy rất rõ vấn đề nhức nhối này, trong buổi họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sáng 26/07/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng:
“Chúng ta đã có luật và làm theo luật, nhưng khi cần thiết và đòi hỏi của thực tế thì sửa luật, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết; đồng thời cũng phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng,...”. [3]
Ngày 13/06/2019, Nguyễn Thị Kim Anh, Phó phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng, trưởng đoàn thanh tra tại Vĩnh Phúc; Đặng Hải Anh, chuyên viên Phòng thanh tra xây dựng 2, thành viên đoàn đã bị bắt quả tang nhận hối lộ bằng tiền mặt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nêu ý kiến: “Hiện nay cả nước có hơn 90 triệu dân, trong đó có khoảng 5 triệu đảng viên, đảng viên đông nhưng không mạnh chính là vì chất lượng đảng viên,…”. [4]
Người xưa cho rằng “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, vậy nên muốn “hạ” không loạn thì “thượng” phải chính.
Không khó để nhận thấy chiến dịch chống tham nhũng kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ 12 (năm 2016) đến nay được thực hiện theo phương châm “Đánh chuột giữ bình”, với quyết tâm chính trị cao nhưng các bước thực hiện được tính toán kỹ lưỡng nhằm vừa xử lý tham nhũng, vừa bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội.
Việc gần 100 cán bộ diện trung ương quản lý bị kỷ luật cho thấy “thượng” đang “chính” hoặc ít nhất cũng là bắt đầu “chính”.
Vấn đề còn lại là phải ngay lập tức làm sao cho “hạ” hết “loạn”.
Làm sao mà tại tỉnh Thái Bình, suốt nhiều năm một băng nhóm giang hồ hoạt động ngang nhiên, đánh người gây thương tích ngay trong trụ sở công an lại không bị xử lý?
Làm sao ngay tại Bắc Giang, ngay vào năm 2020 này một doanh nghiệp nước ngoài - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshase - ICT do ông Liang Jianzhou, Quốc tịch Trung Quốc làm Tổng Giám đốc đưa “chui” gần 700 người nước ngoài vào sinh sống, làm việc tại công ty, có hàng loạt hành vi phạm pháp luật Việt Nam, chống đối yêu cầu của chính quyền sở tại tỉnh Bắc Giang nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, trong khi các bộ phận thuộc chính quyền sở tại thì quanh co đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. [5]
Làm sao mà cuối năm 2019, khi không ít “củi khô, củi tươi, củi vừa vừa” đang bị đốt cháy phừng phừng thì “gần 400 đối tượng người Trung Quốc ngang nhiên biến khu đô thị Our City, quận Dương Kinh (Hải Phòng) thành “thánh địa” riêng để tổ chức đường dây đánh bạc trong thời gian dài đã dấy lên sự lo ngại về công tác quản lý của chính quyền thành phố Hải Phòng”. [6]
Sau những gì truyền thông đăng tải, liệu rồi đây những người “cầm cân nảy mực” tại các địa phương liên quan đến các vụ việc “đã bị lộ” hoặc “sẽ bị lộ” có bị xử lý hay chỉ vài cán bộ cấp “tham nhũng vặt” được yêu cầu “nghiêm túc rút kinh nghiệm”?
Cách duy nhất để “dưới” trở nên mạnh không phải là quyết tâm chính trị mà là hành động cụ thể của “trên”.
Việc quy hoạch nhân sự khóa 13 cho các chức danh chính quyền trung ương từ cấp Thứ trưởng trở lên, Bí thư và Chủ tịch cấp tỉnh cho thấy hoạt động của Đảng đã bao hàm ý nghĩa hành pháp.
Vậy nên việc tách bạch kỷ luật đảng với xử lý theo luật có làm chậm trễ quá trình phòng chống tham nhũng?
“Gieo nhân nào gặt quả nấy”, nếu “nhân kỷ luật” nhẹ hều như hạt lép, hạt nổi chắc chắn sẽ cho “quả cán bộ” nhờn kỷ luật. 
Và cuộc chiến chống giặc nội xâm (tham nhũng) kéo dài hàng thập kỷ chưa đến hồi kết có phải có một phần nguyên nhân từ chính các vụ kỷ luật cán bộ?
Tài liệu tham khảo:
[1] //tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/de-dau-tranh-phong-va-chong-tham-nhung-hieu-qua-119734
[2] //vietnamnet.vn/vn/thoi-su/huyen-no-50-ty-xin-xay-tuong-dai-20-ty-chu-tich-thanh-hoa-len-tieng-639413.html
[3] //nhandan.com.vn/chinhtri/item/40999902-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-hop-phien-thu-16.html
[4] //moha.gov.vn/nghi-quyet-tw4/tin-noi-bat-nqtw4/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-dang-vien-it-ma-tot-con-hon-dong-khong-manh-40170.html
[5] //dantri.com.vn/ban-doc/gan-700-nguoi-nuoc-ngoai-chui-tai-doanh-nghiep-trung-quoc-xu-ly-ra-sao-20200507072247798.htm
[6] //vietnamfinance.vn/nhieu-dau-hoi-lon-quanh-vu-danh-bac-nghin-ty-o-hai-phong-20180504224226965.htm
Xuân Dương
TIN LIÊN QUAN:
VN VÀ NHÂN SỰ ĐẠI HỘI 13; 'KHÓ NHẤT VẪN LÀ CHỨC TỔNG BÍ THƯ'
QUỐC PHƯƠNG/ BBC 11-5-2020
Việc lựa chọn nhân sự tại Đại hội 13 được cho là sẽ không phức tạp như trước Đại hội 12
Việc lựa chọn nhân sự tại Đại hội 13 được cho là sẽ không phức tạp như trước Đại hội 12
Một hội nghị quan trọng bậc nhất trước Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đang được nhóm họp tại Hà Nội để trình phương hướng công tác nhân sự Trung ương đảng khóa tới, theo báo chí chính thống nhà nước.
Sáng 11/5/2020, Hội nghị Trung ương 12 (khóa XII) của BCH Trung ương ĐCSVN (dự kiến nhóm từ ngày 11 đến ngày 14/5) chính thức khai mạc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chủ trì, phát biểu khai mạc, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc, báo Nhân dân đưa tin.
“Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn và quyết định các vấn đề: phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; Tiêu chuẩn, tiêu chí, số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.
“Cũng tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; Báo cáo những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10-2019) đến nay; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng năm 2019; bàn và quyết định một số vấn đề quan trọng khác,” vẫn theo tờ báo là cơ quan ngôn luận của ĐCSVN.
Cũng hôm 11/05, Báo điện tử của ĐCSVN trích dẫn phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội nghị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, theo đó nói:
“Tôi đề nghị mỗi đồng chí Uỷ viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên. Cần lưu ý, nhấn mạnh thêm vấn đề gì, những khâu nào? Phải chăng, về tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm?
“Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", chạy chức, chạy quyền...”


Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú TrọngBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có bài diễn văn khai mạc Hội nghị 12

Phương án tứ trụ?

Mô hình bộ máy quyền lực và các phương án nhân sự lãnh đạo cao cấp ngay trước và trong dịp Hội nghị Trung ương 12 diễn ra là một chủ đề được quan tâm trong giới quan sát và phân tích chính trị Việt Nam.
Hôm 08/5, trên trang Nghiên cứu Quốc tế, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á Iseas Yusof Ishak của Singapore đưa ra một số nhận định:
“Việc quay lại mô hình 'tứ trụ' cũng có khả năng được Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng nhiệm kỳ mới ủng hộ…
“Số lượng ủy viên Bộ Chính trị tiếp theo vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, con số này nhiều khả năng nằm trong khoảng từ 15 đến 19 như tại các kỳ đại hội gần đây…
“Nếu xét việc Đảng nhấn mạnh việc quy hoạch nhân sự cấp chiến lược trong thời gian gần đây, Đảng có thể sẽ muốn bầu tối đa 19 ủy viên Bộ Chính trị để có được một lực lượng nhân sự cấp chiến lược lớn hơn, qua đó có nhiều lựa chọn hơn cho các vị trí lãnh đạo trong tương lai…”
Về các ứng viên cho bốn vị trí lãnh đạo cao cấp nhất của đảng, nhà nước và chính quyền, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nhận định:
“Như đã nói, theo truyền thống, ứng viên cho vị trí tổng bí thư thường được chọn trong số bốn chính trị gia hàng đầu của nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư cũng có thể là một ứng viên đủ điều kiện…
“Do giới hạn nhiệm kỳ cũng như tuổi cao và sức khỏe yếu, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ hưu tại đại hội tiếp theo. Do đó, ba ứng viên thay thế cho ông sẽ là ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Trần Quốc Vượng. Vì cả ba đã quá 65 tuổi vào tháng 9/2020, người được chọn nắm ghế tổng bí thư sẽ được miễn giới hạn tuổi tác, còn hai người còn lại sẽ phải nghỉ hưu…”


Ông Nguyễn Xuân Phúc được cho là ứng cử viên sáng giá nếu vẫn duy trì mô hình Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước.Bản quyền hình ảnhNHAC NGUYEN/GETTY IMAGES
Image captionÔng Nguyễn Xuân Phúc được cho là ứng cử viên sáng giá nếu vẫn duy trì mô hình Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước.

Về các phương án được phân tích, dự đoán như một tham khảo cho các “ghế” còn lại là thủ tướng chính phủ, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, nhà nghiên cứu từ Viện Iseas của Singapore nêu tiếp nhận định của mình:
“Trong số sáu ủy viên Bộ Chính trị còn lại hiện nay, chỉ có ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Bình Minh là phó thủ tướng. Tuy nhiên, do ông Minh chủ yếu phụ trách các vấn đề đối ngoại, ông Huệ, người giám sát các vấn đề kinh tế và tài chính và từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 2011-2016, trở thành ứng viên mạnh nhất cho vị trí [thủ tướng] này…
“Đối với vị trí chủ tịch nước, các ứng cử viên chính bao gồm ông Phạm Bình Minh, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, ông Phạm Bình Minh, một nhà ngoại giao kỳ cựu có trình độ tiếng Anh tốt, dường như là ứng viên nổi bật nhất. Vì chủ tịch nước sẽ phải tham gia vào nhiều hoạt động đối ngoại, bao gồm các chuyến thăm song phương và tham dự các sự kiện đa phương, ông Minh sẽ có lợi thế đáng kể so với hai ứng cử viên còn lại…


Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionÔng Phạm Bình Minh được một số nhà quan sát đánh giá là ứng viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước

“Đối với vị trí chủ tịch quốc hội, ngoại trừ ông Võ Văn Thưởng, người có tuổi đời còn khá trẻ có thể là một bất lợi đối với ông, các ủy viên Bộ Chính trị còn lại (Phạm Bình Minh, Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai, Nguyễn Văn Bình) đều có cơ hội khá cân bằng để được xem xét cho vị trí này.”

Khó khăn, chưa rõ?

Hôm 11/5 từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ nêu bình luận nhanh với BBC về quan điểm trên của nhà nghiên cứu từ Singapore:
“Quan sát này dựa trên tiêu chuẩn và độ tuổi... với các danh sách dài đưa ra.
“Nhưng theo tôi, vẫn còn một khoảng cách xa với thực tế, Đại hội 13 này khá thực sự khó khăn và khó đoán.”
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, thành viên Nghiên cứu của Viện IISS, think tank về Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và nhà quan sát chính trị Việt Nam, bình luận với BBC về Hội nghị Trung ương 12 đang nhóm họp:
“Đây là Hội nghị quan trọng nhất khóa về nhân sự, nó làm cụ thể số lượng Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng, số lượng Ủy viên Bộ Chính trị, lên danh sách cụ thể các bí thư tỉnh ủy, các trưởng ban đảng, quốc hội, nhà nước, nó cũng làm luôn khung nhân sự cho Quốc hội, cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các quy định bầu cử Đại hội 13, bầu cử Quốc hội...
“Ngoài ra, sẽ không có hội nghị trung ương nào khác cho chủ đề nhân sự nữa, tất nhiên, nếu lần này chưa xong, sẽ có Hội nghị 12B, tức là để tiếp tục "làm nhân sự"."


Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionBà Nguyễn Thị Kim Ngân là đương kim Chủ tịch Quốc hội

Về vấn đề nhân sự cho Đại hội đảng tới đây, ông Hà Hoàng Hợp, người cũng đồng thời làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Iseas, Singapore với tư cách nhà nghiên cứu cao cấp khách mời, nói:
“Theo tôi, không có gì mới vì nhiều người nói rồi và tứ trụ chứ không phải tam trụ, như tôi cũng đã nói với BBC từ khi ông Nguyễn Phú Trọng tạm nhận chức chủ tịch nước.
“Về bốn ứng viên cho tứ trụ, nhiều người nói với cơ sở quyết định 90 và 214, bà Trương Thị Mai khó làm Chủ tịch Quốc hội.
“Cách đây nhiều tháng tôi cũng đã nói với BBC là ghế chủ tịch nước chưa có dự kiến ứng viên, ngay bây giờ cũng chưa có.
“Ông Phạm Bình Minh đủ tiêu chuẩn theo Quyết định 214 để ứng cử các chức vụ chủ tịch nước, thủ tướng, và chủ tịch quốc hội, ông ấy chỉ chưa đủ tiêu chuẩn ứng cử Tổng bí thư thôi. Tuy nhiên, có vẻ chức chủ tịch nước khá thích hợp với ông này.
“Bởi vì ông Minh đã làm hai khóa bộ trưởng rồi, thì không thể tiếp tục làm Bộ trưởng Ngoại giao nữa. Nhưng ứng cử chức chủ tịch, với ông Minh theo các mối quan hệ nội bộ, có thể lại không thuận lợi.
“Ở trên tôi nói là theo Quyết định 214 (và 90), ở đây về quan hệ nội bộ tức là về hành vi, nhiều người có thể không muốn như vậy và muốn khác đi, nhưng vì thế vẫn có chức phó thủ tướng phụ trách đối ngoại cho ông ấy, giống như bên Trung Quốc, người ta có chức vụ của ông Dương Khiết Trì, đó là một khả năng sắp xếp.
“Theo tôi, khó nhất là chức tổng bí thư, ông Trọng giới thiệu ông Vượng hai lần đều chưa thành công, Bộ Chính trị chưa tán thành. Bây giờ sẽ phải họp để giới thiệu lại, tức là bỏ phiếu cho vài ứng viên.
“Đúng ra lúc này có các ứng viên sơ bộ là các ông, bà: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính. Có một số đông, chưa rõ bao nhiêu phần trăm ủng hộ ông Phúc.
“Bây giờ ông Trọng không thể phát biểu như trước đây rằng ứng viên vị trí này phải là người miền Bắc. Cũng có một tỷ lệ cao được cảm nhận, chưa rõ bao nhiêu, muốn ủng hộ bà Ngân.
“Nhưng tóm lại, dự đoán thì cứ dự đoán, song cuối cùng do thủ tục đề cử chưa xảy ra, nên chưa rõ cụ thể,” nhà phân tích chính trị này nói với BBC News Tiếng Việt trên quan điểm cá nhân.

ĐẠI HỘI 13: CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC KHÓ KHĂN TRONG THỂ CHẾ BẤT ỔN
PHẠM QUÝ THỌ/ rfi 11-5-2020
Tổng bí thư và ‘tam trụ’ (chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội) là các vị trí quyền lực lãnh đạo tập trung cao nhất và mang tính nguyên tắc đối với chế độ đảng cộng sản toàn trị. Việc chuyển giao quyền lực có tầm quan trọng để ổn định chế độ. Quá trình chuyển đổi nền kinh tế tập trung sang thị trường đòi hỏi sự phân quyền ngày càng lớn hơn, làm thay đổi cách lãnh đạo tập thể, nguyên tắc dân chủ tập trung… làm gia tăng sự bất ổn thể chế. Tại Đại hội 13 Đảng CSVN, dự kiến tổ chức đầu năm 2021, sự chuyển giao quyền lực, đặc biệt ở cấp cao nhất sẽ là thách thức trong tình hình thể chế bất ổn ngày càng phức tạp qua các nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt trong Khoá 12.
Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cao nhất có thâm niên đảng kéo dài liên tục, hơn 20 năm là uỷ viên BCT, giữ nhiều cương vị trọng trách như Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư nhiệm kỳ Khoá 11 (2011-2016) và đương nhiệm Khoá 12 kiêm Chủ tịch nước từ 2017 đến nay… Ông thấu hiểu thực trạng suy thoái của bộ phận đội ngũ lãnh đạo đảng viên, kể cả cấp cao là nguy cơ lớn nhất với sự tồn vong chế độ. Với tư cách Trưởng Tiểu ban Nhân sự cho Đại hội 13 ông kêu gọi hãy làm tốt công tác cán bộ không để lọt những kẻ cơ hội lọt vào bộ máy lãnh đạo đảng các cấp, nhất là cấp trung ương.
Trong bài phát biểu gần đây ông cho rằng thực trạng ‘‘tự diễn biến, tự chuyển hoá’, ‘suy thoái về tư tưởng và đạo đức’, tham nhũng, lợi ích nhóm… của ‘bộ phận không nhỏ’ cán bộ lãnh đạo đảng trong hệ thống chính quyền’ là nghiêm trọng nhất, đặc biệt đã diễn ra từ các nhiệm kỳ đại hội đảng gần đây, nhất là Khoá 12, mà chính ông trải nghiệm.
Ông là người hơn ai hết hiểu một số ‘đồng chí’, được thế hệ đi trước tin tưởng giới thiệu, nắm trọng trách đã ‘suy thoái’ như thế nào. Mức độ nghiêm trọng ở chỗ đã hình thành phe nhóm trong đảng, đã tạo nên hiện tượng ‘bất tuân’ của đa phần các uỷ viên trung ương khoá 11 khi bỏ phiếu không ủng hộ quyết định của Bộ Chính trị về việc kỷ luật ‘đồng chí X’ (nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) tại Hội nghị TƯ 6 Khoá 11 năm 2012.
Hơn thế, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn biết rằng vẫn còn những ‘đồng chí’ thuộc ‘phe kia’, đã hình thành bởi sự thoả hiệp theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể, hiện vẫn đang hoạt động trong bộ máy cầm quyền hiện hành. Liệu họ có thể là những kẻ cơ hội, ‘giấu mình, chờ thời’ hay có ứng xử kiểu “… gặp thời thế, thế thời phải thế” -  như câu đối đáp của Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803), danh sĩ đời hậu Lê và Tây Sơn, trước thách đố nghiệt ngã, thâm thù bởi Đặng Trần Thường, nghịch quan cùng thời xét xử.

Việt Nam : Hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng

Hình minh hoạ. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) và cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng tại Hà Nội hôm 2/7/2015 Reuters
Mặc dù, cho rằng cần tổng kết rút kinh nghiệm từ những khoá đại hội trước, nhưng trong bài viết ông đã chỉ ra các yêu cầu ‘kiên quyết không để lọt vào BCH TƯ khoá 13’ những người có một trong các khuyết điểm được mô tả bởi sáu nhóm biểu hiện ‘suy thoái’, đơn cử như ‘cơ hội chính trị’, ‘dân tuý’, ‘kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh’…
Bởi vậy, ngay sau Đại hội 12 đầu năm 2016, dưới sự lãnh đạo của ông Tổng Bí thư, Nghị quyết TƯ 4 đã được ban hành, làm cơ sở để ngăn chặn quá trình suy thoái này. Theo đó, hai nhóm giải pháp chủ yếu được Đảng tập trung là chống tham nhũng và sửa đổi, ban hành các quy định để củng cố tổ chức đảng. Trước hết, chiến dịch ‘đốt lò’, biểu tượng chống tham nhũng, được đẩy mạnh. Từ năm 2016, đầu nhiệm kỳ đến nay ‘gần 100 cán bộ lãnh đạo cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị và Ban bí thư quản lý đã bị kỷ luật và bị án tù, trong đó có các uỷ viên BCT, uỷ viên TƯ của khoá 11 và 12, thậm chí có nhiều các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang…
Đơn cử một số trường hợp ‘nổi cộm’. Năm 2018 nguyên uỷ viên BCT Đinh La Thăng bị án tù 30 năm, nguyên Bí thư thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị cách chức, các nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin nhận hối lộ trong đại án AVG… Mới đây, Uỷ viên BCT, nguyên bí thư Hà Nội bị cảnh cáo và luân chuyển công tác là phó trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội. Ông Lê Thanh Hải bị cách chức nguyên uỷ viên BCT thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2015. Nguyên tư lệnh Quân chủng hải quân bị khai trừ đảng, và theo quy trình, sẽ bị xét xử theo pháp luật…
Mặt khác, một loạt các chỉ thị, quyết định của đảng về kỷ luật, và nêu gương của cán bộ cấp trung ương, về tiêu chuẩn cụ thể cho các vị trí lãnh đạo cho đến cấp cao nhất được ban hành, sửa đổi để làm căn cứ cho công tác nhân sự cho nhiệm kỳ tới…
Sau Đại hội 12 đầu năm 2016, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dần tập trung được quyền lực đảng, hơn thế khi ông kiêm giữ vị trí Chủ tịch nước. Ông hiện ở thế ‘thượng phong’ để có thể kiểm soát tình hình bất ổn. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành về giới hạn độ tuổi, không quá hai nhiệm kỳ và sức khoẻ… sự chuyển giao quyền lực cao nhất là một trọng trách, bởi vậy  việc tìm kiếm sự ổn định chế độ là ưu tiên cá nhân. Bởi vậy, ông dồn tâm sức cho công tác cán bộ chuẩn bị cho Đại hội 13.
Ngoài việc nhấn mạnh các tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, đức và tài… ông yêu cầu cán cán bộ làm công tác tổ chức đảng phải nhìn người ‘tinh tường’, đánh giá đúng bản chất cán bộ đảng, đừng để ‘bề ngoài che đậy sơ sài bên trong’… Và theo Quyết định 224/QD-TW năm 2014 về Quy chế bầu cử trong Đảng thì Ban chấp hành khoá trước có vai trò quan trọng đề cử cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho khoá sau… Ông đặt vấn đề quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân giới thiệu nhân sự lãnh đạo đảng.
Chuyển đổi sang kinh tế thị trường, dù có định hướng XHCN hay không, đều khiến bùng nổ các hoạt động kinh tế đa dạng, phức tạp, phát sinh mạng lưới các mối quan hệ xã hội chằng chịt, phức tạp ngoài tầm kiểm soát của cơ chế hiện hành. Bởi vậy, trong quá trình vận hành hệ thống chuyển đổi sẽ có nhiều loại cán bộ lãnh đạo với các hình thức thể hiện hành vi khác nhau, trong đó khó tránh khỏi không ít kẻ bị ‘cám dỗ’ bởi lòng tham, ‘sẵn sàng chui đầu vào thòng lọng’ nếu món lợi đủ lớn và nhiều kẻ trục lợi bởi ‘lỗi hệ thống’ đang thay đổi…
Bất luận ‘lò đốt củi’ tham nhũng của ông Tổng Bí thư vẫn đang cháy, mới đây, vụ án ‘băng nhóm ‘Đường Nhuệ’ núp bóng doanh nghiệp, ‘tung tác’ trong thời gian dài do được bảo kê bởi một số lãnh đạo tỉnh Thái Bình, vừa bị khởi tố điều tra với sự tham gia của Bộ Công an. Việc phá rừng nghiêm trọng ở Kon Tum cũng do được bảo kê, hơn thế vụ việc  được phát hiện và đưa lên công luận bởi phóng viên chứ không phải chính quyền. Trong điều kiện cả nước đối phó với đại dịch COVID-19, thì cán bộ lãnh đạo trung tâm kiểm soát bệnh dịch (CDC) Hà Nội và một số tỉnh vẫn ‘tham nhũng’ bằng cách nâng khống gấp nhiều lần giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm virus corona chủng mới, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước…
Chuẩn bị nhân sự cho Đại hôi 13, Đảng muốn loại bỏ những kẻ ‘suy thoái về tư tưởng và đạo đức’, đồng thời  tuyển chọn đội ngũ cán bộ ‘vừa hồng vừa chuyên’, nhưng một bộ máy cầm quyền với sự đan xen phức tạp các loại cán bộ lãnh đạo sẽ là khó khăn đối với chuyển giao quyền lực, kể cả ở cấp cao nhất. Nhân sự lãnh đạo là công việc nội bộ của Đảng, ngoài ra, trong tình thế bất ổn hiện nay thì ‘các vị trí tứ trụ’ cho chế độ vẫn là ẩn số. Tuy nhiên, theo cơ chế hiện hành những ai được ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘hậu thuẫn’ sẽ có thể có ưu thế.
Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét