Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

20200503. BÀN VỀ INTERNET VÀ MẠNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
THÔNG CÁO PHÁT HÀNH NGAY VIỆT NAM: FACEBOOK BỊ ÉP KIỂM DUYỆT BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN
BVN 24-4-2020

Công ty thỏa hiệp với chính quyền sau khi máy chủ trong nước bị ngắt kết nối
(New York, ngày 23 tháng Tư năm 2020) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Facebook đã đầu hàng trước sức ép của chính quyền Việt Nam và đồng ý chặn bài của những người bất đồng chính kiến, đặt ra một tiền lệ xấu về cả nhân quyền lẫn chính sách toàn cầu của công ty này. Quyết định nói trên của Facebook làm gia tăng nguy cơ có thêm nhiều rào cản về nội dung trong tương lai.
Theo một bài báo chi tiết của Reuters có dẫn các nguồn tin trong nội bộ công ty Facebook, trong mấy tháng gần đây chính quyền Việt Nam đã chặn đường truy cập tới máy chủ của công ty này khiến tốc độ truy cập dịch vụ bị chậm lại, là một cách gây sức ép buộc Facebook phải gỡ bỏ hoặc hạn chế các nội dung phê phán chính quyền. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã kêu gọi Facebook rút lại quyết định nói trên.
“Facebook đã tạo ra một tiền lệ tồi tệ qua việc thỏa hiệp khi bị chính quyền Việt Nam tống tiền,” ông John Sifton, giám đốc vận động châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Giờ đây các quốc gia khác cũng biết cách đạt được điều họ muốn từ Facebook, để buộc công ty này đồng lõa trong việc vi phạm quyền tự do ngôn luận. Tất nhiên, trước hết chính quyền Việt Nam đáng lẽ không được ngăn chặn đường truy cập của Facebook, nhưng Facebook lẽ ra không nên chấp nhận các yêu cầu của họ.”
Chính quyền Việt Nam thường xuyên yêu cầu các công ty truyền thông xã hội gỡ bỏ các bài đăng hay cả tài khoản vì vi phạm các điều luật mơ hồ và lỏng lẻo trong bộ luật hình sự của quốc gia này, có nội dung hình sự hóa các phát ngôn phê phán chính quyền hay lãnh đạo, các nỗ lực tổ chức biểu tình và các hình thức bất đồng chính kiến khác. Luật an ninh mạng của Việt Nam, có hiệu lực từ tháng Giêng năm 2019, buộc các nhà cung cấp dịch vụ và các công ty internet phải gỡ bỏ các nội dung không vừa ý chính quyền trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu. Trong quá khứ, được biết Facebook đã phản đối các yêu cầu chặn đường truy cập tới các bài đăng của người sử dụng, dù đã có một số lần đã gỡ bỏ các bài đăng.

Theo bài viết của Reuters, liên tục trong tháng Hai và tháng Ba năm 2020, chính quyền Việt Nam buộc các công ty cung cấp internet ở Việt Nam, hầu hết thuộc sở hữu của chính quyền hoặc bị kiểm soát chặt chẽ, phải đưa máy chủ đệm (cache server) tại chỗ vào chế độ không kết nối mạng (offline). Máy chủ đệm giúp Facebook tạm thời lưu trữ tại chỗ bản sao một số nội dung của nền tảng để tạo điều kiện cho người sử dụng truy cập các nội dung đó nhanh hơn. Đưa các máy chủ này vào chế độ không kết nối mạng có nghĩa là tốc độ truy cập nền tảng Facebook và các dịch vụ liên quan, như WhatsApp và Instagram, bị chậm đi đáng kể. Tốc độ truy cập internet ở Việt Nam nói chung cũng bị chậm đi, do lưu lượng truy cập nền tảng và các dịch vụ của Facebook phải chuyển tới các máy chủ đặt ở nước ngoài đã làm quá tải đường cáp viễn thông quốc tế.
Khi Facebook rốt cuộc phải cam kết với Việt Nam sẽ hạn chế thêm nhiều nội dung mà chính quyền muốn gỡ bỏ, máy chủ nội địa của họ lại được kết nối mạng.
Thời gian bị chậm các dịch vụ nói trên lại trùng vào đúng lúc những người sử dụng Facebook và internet gia tăng sử dụng các dịch vụ trên mạng để liên lạc với nhau và thu thập hay trao đổi các thông tin trong đợt khủng hoảng dịch COVID-19. Việt Nam có một lịch sử lâu dài về việc hình sự hóa bất đồng chính kiến và truy tố các nhà hoạt động nhân quyền chỉ vì phê phán chính quyền.
Trong một thông cáo, một người phát ngôn của Facebook nói rằng chính quyền Việt Nam “đã yêu cầu chúng tôi hạn chế đường truy cập tới các nội dung bị coi là vi phạm pháp luật Việt Nam. Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận là một quyền cơ bản của con người, và làm việc tích cực để bảo vệ và bênh vực quyền tự do dân sự quan trọng này trên khắp thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm như thế nhằm đảm bảo rằng các dịch vụ của Facebook vẫn được duy trì và hữu dụng với hàng triệu người ở Việt Nam, những người cần đến các dịch vụ đó hàng ngày.”
Các Nguyên tắc Định hướng của Liên hiệp quốc về Doanh nghiệp và Nhân quyền quy định rằng các doanh nghiệp như Facebook phải “tôn trọng nhân quyền,” trong đó có việc tránh xâm phạm và đối phó với các tác động tiêu cực trong các hoạt động mà doanh nghiệp tham gia. Với tư cách là một thành viên của Sáng kiến Mạng lưới Toàn cầu, Facebook đã cam kết bảo vệ nhân quyền của những người sử dụng khi phải đối mặt với các yêu sách của chính quyền đi ngược lại với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Facebook cần công khai giải thích lý do đi đến quyết định đó. Công ty này cần chia sẻ các thông tin về đánh giá tác động nhân quyền trong tình huống này nếu có tiến hành; tường trình về việc có hay không có ý định, và bằng cách nào, khắc phục hậu quả cho các nạn nhân của việc kiểm duyệt, và trao đổi về kế hoạch của công ty nhằm tránh bị trở thành trung gian kiểm duyệt cho các chính quyền độc tài khác trong tương lai.
“Thật khó hình dung được Facebook sẽ hoàn tất được các nghĩa vụ nhân quyền của mình bằng cách nào khi công ty này đang giúp Việt Nam kiểm duyệt tự do ngôn luận,” ông Sifton nói.
Việc gây sức ép với Facebook trùng khớp với một nghị định mới của chính phủ quy định phạt tiền với cá nhân và công ty internet đăng hoặc phát thông tin ở hàng loạt hạng mục với “nội dung bị cấm,” hay các tài liệu “truyền bá tư tưởng phản động” hoặc “chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu,” hay “xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc.” Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng, với các thuật ngữ mơ hồ và lỏng lẻo như thế, các điều khoản của nghị định nói trên cho phép chính quyền có thể xử phạt người dân và các công ty nền tảng vì bất kỳ phát ngôn nào.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng lẽ ra Hoa Kỳ và các quốc gia khác cần sử dụng tốt hơn đòn bẩy ngoại giao để hỗ trợ Facebook trong tình huống bị chính quyền Việt Nam gây sức ép. Các doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp khác lẽ ra cũng cần ủng hộ Facebook một cách công khai hơn để ngăn ngừa các chiến thuật mạnh tay của chính quyền.
“Đây chưa phải là hồi kết của câu chuyện: chính quyền Việt Nam sẽ đưa ra thêm các yêu sách khác trong tương lai và không chỉ đối với Facebook,” ông Sifton nói. “Cách duy nhất để ngăn cản Việt Nam chấm dứt việc ép buộc các doanh nghiệp phải kiểm duyệt ngôn luận tự do là bảo đảm rằng họ phải trả giá về hành động đó.”
Để đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, vui lòng truy cập:
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hoặc siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động); hoặc robertp@hrw.org. Twitter: @Reaproy Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hoặc adamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdams

VIỆT NAM TẮT MÁY CHỦ FACEBOOK 'LÀM LU MỜ HÌNH ẢNH ĐẸP'
DƯƠNG NGỌC THÁI/ BVN 24-4-2020
James Pearson, Trưởng đại diện Reuters ở Việt Nam, dẫn lời hai nguồn tin cho biết máy chủ của Facebook đặt ở Viettel và VNPT đã bị tắt trong vòng 7 tuần, từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 4 năm nay. Các máy chủ này chỉ được mở lại sau khi Facebook đồng ý tăng cường kiểm duyệt các nội dung "chống chính phủ".
Facebook là mạng xã hội được nhiều người dùng nhất ở Việt Nam. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Theo VietnamNet, khi người dân than phiền vào Facebook chập chờn, VNPT và Viettel đã giải thích như sau:
Trước những phàn nàn của người dùng Internet, mới đây một số nhà mạng lớn trong nước đã lên tiếng để trấn an người dùng.
Chia sẻ trên fanpage của mình, nhà mạng VNPT đưa ra lời giải thích, hiện tượng đường truyền Facebook không ổn định là do vấn đề kết nối tới máy chủ quốc tế. Đây cũng là cách lý giải được đưa ra bởi nhà mạng Viettel.
Cả VNPT và Viettel đều cho biết đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị đối tác liên quan để kiểm tra nhằm khác phục triệt để. Trên fanpage của mình, hai đơn vị này cũng ngỏ lời mong người sử dụng thông cảm.
Tại sao Facebook lại đặt máy chủ ở Việt Nam? Tôi không rõ thiết kế của Facebook, nhưng để tối ưu tốc độ phục vụ người dùng các công ty sẽ muốn đặt máy chủ càng gần người dùng càng tốt. Cách tốt nhất là thuê chỗ ở trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ Internet.
Các máy chủ này thường sẽ không có chứa dữ liệu riêng tư của người dùng, mà chỉ chứa những nội dung mà ai cũng xem được. Khi các máy chủ này bị tắt đi, Facebook vẫn hoạt động được, nhưng tốc độ sẽ giảm xuống vì lúc này người dùng sẽ phải kết nối thẳng đến trung tâm dữ liệu của Facebook đặt ở Singapore, Đài Loan hay Hong Kong.
CEO Facebook Mark Zuckerberg từng nhấn mạnh cam kết bảo vệ tự do ngôn luận của Facebook. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Nếu thông tin Reuters đưa là chính xác, việc Facebook đồng ý kiểm duyệt đi ngược lại với cam kết bảo vệ tự do ngôn luận mà Mark Zukerberg đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu ở Georgetown University hồi tháng 10/2019. Tôi hi vọng Ủy ban Việt Nam của Quốc hội Mỹ sẽ sớm có phiên điều trần về việc này.
Việc Chính phủ Việt Nam yêu cầu Facebook phải kiểm duyệt nội dung "chống chính phủ" mà không thể tự làm, chứng tỏ Chính phủ Việt Nam vẫn chưa thể tự ý xóa nội dung hay truy cập dữ liệu người dùng Facebook để xác định ai đã gửi bài gì, rồi dùng "các biện pháp nghiệp vụ" để ngăn chặn họ. Đây có thể xem là một tin vui cho những ai vẫn đang còn kỳ vọng về một môi trường Internet tự do cho Việt Nam.
Tin Việt Nam tắt máy chủ của Facebook để tăng cường kiểm duyệt sẽ làm lu mờ hình ảnh một Việt Nam đang rất đẹp giữa đại dịch COVID-19. Quyết định này cho thấy rõ bản chất của Luật An ninh mạng. Luật này yêu cầu các công ty Internet quốc tế phải đặt máy chủ và dữ liệu người dùng ở Việt Nam và bây giờ thì chúng ta đã hiểu tại sao những người tạo ra luật này muốn như vậy.
Kể từ đây về sau, có công ty Internet quốc tế nào còn muốn đầu tư lâu dài hay mở văn phòng ở Việt Nam? Máy tính tắt thì thôi, chứ có công ty nào muốn nhân viên của mình trở thành con tin. Tôi đã từng hỏi chính sách của Việt Nam như thế nào để rồi chỉ yêu cầu mở văn phòng thôi, chứ chưa nói đầu tư hay chuyển giao công nghệ gì, mà Facebook vẫn không muốn vào Việt Nam? Hôm nay chúng ta đã có câu trả lời.
"Khi các máy chủ này bị tắt đi, Facebook vẫn hoạt động được, nhưng tốc độ sẽ giảm xuống" (hình minh họa). Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Nếu các công ty Internet quốc tế không mở văn phòng, không đầu tư, xây dựng hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ người Việt Nam tốt hơn, ai sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại này của người dân?
Bao nhiêu người đang kiếm sống nhờ vào Facebook. Việc tắt máy chủ Facebook cũng đặt dấu chấm hết cho hi vọng thuyết phục các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Amazon đem công nghệ vào Việt Nam. Không ai ngu đến nỗi đầu tư vài trăm triệu USD để rồi người khác muốn tắt là tắt. Thiếu một hạ tầng điện toán đám mây hiện đại sẽ khiến những nghị quyết 4.0 mãi vẫn còn nguyên giá trị.
Vai trò của Facebook ở Việt Nam không chỉ là nơi người ta gặp gỡ, trao đổi, kinh doanh, mua bán mà còn là nơi người dân tìm kiếm tự do và bình đẳng.
Người Mỹ có thành ngữ "san phẳng sân chơi" (level the playing field), ý nói muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người. Bình đẳng ở đây không có nghĩa là bình đẳng đầu ra, tức là làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu theo chủ nghĩa cộng sản duy lý nhã kỳ, mà cũng không có nghĩa là bình đẳng đầu vào, vì không có cách nào khiến người sinh ra ở Chắc Cà Đao cũng có nhiều cơ hội như người sinh ra ở Sài Gòn. Bình đẳng ở đây là bình đẳng về luật chơi.
Luật chơi ở Việt Nam có thể tóm gọn trong bốn câu vè mà ai cũng đã từng nghe:
Thứ nhất hậu duệ
Thứ nhì quan hệ
Thứ ba tiền tệ
Đứng chót trí tuệ
Bao nhiêu bất công, oan trái, trì trệ của xã hội có thể truy ra nguồn gốc từ luật chơi oái ăm này. Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam.
Ở đâu và thời nào thì người có tiền, có quyền và có quan hệ cũng muốn thay đổi luật chơi theo hướng có lợi cho họ, nhưng một xã hội thông minh sẽ thiết lập các thể chế để ngăn chặn, phát hiện và xử lý bọn chơi ăn gian. Họ sẽ có tam quyền phân lập.
Họ sẽ đặt chính phủ dưới sự kiểm soát của các đảng phái chính trị đối lập. Họ sẽ có những tờ báo độc lập, những tổ chức xã hội dân sự để kiểm soát chính quyền và tất cả những ai muốn chơi xấu. Việt Nam thiếu tất cả những thể chế như vậy, thành ra người Việt chưa bao giờ có một sân chơi bình đẳng.
"Việc tắt máy chủ Facebook cũng đặt dấu chấm hết cho hi vọng thuyết phục các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Amazon đem công nghệ vào Việt Nam". Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Mọi chuyện chỉ thay đổi cho đến khi Internet và Facebook (và YouTube) du nhập vào Việt Nam. Lần đầu tiên trong vài chục năm qua, người Việt Nam có một sân chơi mà trí tuệ là tiêu chí hàng đầu. Ai có tài năng hay ý kiến mới, người đó có sân khấu và vài chục triệu khán giả. Nói không ngoa, đây là thay đổi tích cực nhất về tự do dân chủ, công bằng xã hội ở Việt Nam kể từ ngày đổi mới. Tắt máy chủ Facebook là cách nhanh nhất triệt tiêu những thay đổi tích cực này.
Rõ ràng một quyết định gây nhiều thiệt hại như vầy phải được Chính phủ Việt Nam cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi hi vọng Chính phủ sẽ công bố lợi ích vĩ đại của việc tắt máy chủ Facebook ngoại trừ tiết kiệm điện và giải thích tại sao người dân Việt Nam phải chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế và tự do cá nhân để Chính phủ kiểm duyệt các nội dung "chống chính phủ" trên Facebook.
Người dân hết sức quan tâm đến sức khỏe tâm thần của lãnh đạo, nếu biết lãnh đạo không thích "ăn" chửi, tôi tin họ sẽ không chửi thẳng nữa đâu, mà sẽ chuyển qua chửi đổng. Lợi cả đôi đường, dân vẫn được chửi để giải tỏa, lãnh đạo vẫn được quyền nghĩ "chắc nó chừa mình ra". Ít nhất là cho đến hết Đại hội Đảng.
Khi Luật An ninh mạng còn là bản thảo, tôi đã dự đoán Facebook sẽ không bị chặn hẳn nhưng sẽ bị làm chậm, nhưng thú thật từ lúc nghe tin này đến giờ tôi vẫn còn choáng váng, vì không ngờ cá mập ở Biển Đông lại làm việc cho Chính phủ Việt Nam. Trump có Space Force thì Việt Nam cũng ngạo nghễ có kém gì với Shark Force.
Sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm duyệt Facebook, hy vọng Chính phủ sẽ điều động đội quân cá mập này ra cắn bớt tàu chiến và dàn khoan của nước lạ đang ra vô Biển Đông như cái chợ.
D.N.T.

CHỐNG LẠI 'CÁI CHẾT' DO INTERNET VÀ MẠNG XÃ HỘI
NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG/ GDVN 27-4-2020
PHẦN 1
Trong những chia sẻ về cuộc đời cá nhân và chính trị của Hillary Clinton, hai lần tranh cử tổng thống Mỹ đã để lại nhiều bài học thú vị trong “quản trị truyền thông” qua mạng xã hội/internet và các kênh truyền thông truyền thống. 
Ba cuốn sách của Hillary Rodham Clinton: Những lựa chọn khó khăn, Đã xảy ra điều gì?, Lịch Sử Sống động Hillary Rodham Clinton (*)
Mặc dù H. Clinton không có cơ hội thành tổng thống Mỹ, một điều đáng tiếc cho nước Mỹ chưa sẵn sàng cho một nữ tổng thống, nhưng những gì chia sẻ trong 3 cuốn sách trên có lẽ giúp chúng ta nhìn đến thực tế của mấy vấn đề lớn sau:
(1) Ai đang làm chủ hệ thống truyền thông của Mỹ [1]? Tự do báo chí, tự do thông tin, tự do truyền thông với tự do thể hiện ý kiến như thế nào, dẫu đó là tại đại học [2]?
(2) Quyền lực thứ 4 (quyền lực báo chí) [3] trong thời đại internet và mạng xã hội ra sao, khi với 100.000 đô la Mỹ vô số điều thật/giả có khả năng tác động vào nhận thức và ý kiến bầu cử của cử tri Mỹ [4], nơi được coi là tự do và dân chủ nhất thế giới?
(3) Nhìn từ những tác động của thông tin giả trong bầu cử tổng thống 2016; và quyết định điều tra lại việc sử dụng email bằng tài khoản cá nhân của một quan chức cao cấp chính phủ [5] và để đưa ra kết luận về “không có gì sai phạm”; cách nào “đo đếm” được sự thật trong những tác động vào kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, khi quyền bầu cử là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến định?  
Quyền lực của nhân dân, quyền được biết, được tiếp cận sự thật của cử tri Mỹ trong bầu cử và lựa chọn người đại diện quyền lực của họ đã và đang bị tác động bởi internet, mạng xã hội và những cơ quan quyền lực nhằm đến những mục đích nào [6]?
Ví dụ của bầu cử Mỹ năm 2008 - 2016, tác động của mạng xã hội, internet và các tập đoàn truyền thông cùng những lũng đoạn thông tin thật/giả nhằm “thay đổi” nhận thức của công chúng là điều đáng để quan tâm, không chỉ trong vấn đề bầu cử, mà cần giáo dục như thế nào cho thế hệ trẻ, cho số đông, về cách nào để phân biệt thông tin thật/giả; cách nào để đánh giá nguồn cung cấp thông tin, dẫu đó là từ chính quyền hay từ giới khoa học? 
Quan trọng nhất, những lựa chọn nào dựa trên những thông tin chúng ta “buộc” phải đọc, phải nhận và phải “sống chung với lũ thông tin thật giả lẫn lộn”, trong thời đại “thông tin kinh tế bất đối xứng” [7], khi quyền được biết sự thật là đặc quyền thuộc về số ít [8]
Clinton không trúng cử 2016 là điều đáng tiếc, nhưng biết bao trẻ em gái và phụ nữ có cơ hội để được bước tiếp con đường phấn đấu như Clinton? Đặc biệt khi họ chưa có cơ hội học tập, làm việc và phát triển sự nghiệp như Clinton?
Tôi muốn chia sẻ lại tuyên bố của Clinton về “Quyền của phụ nữ là nhân quyền” năm 1995 (*); nhưng trong một nền kinh tế - chính trị bất đối xứng ngay từ cơ hội tiếp cận thông tin “thật”, về chất lượng giáo dục “thật”, và những gì tác động vào nhận thức của phụ nữ và của đa số nhân dân, thông qua những kênh truyền thông; mà hóa ra phụ thuộc lớn vào lợi ích của thiểu số đang nắm giữ những sức mạnh dữ liệu và kết nối hàng tỷ người trên thế giới [7, 8]!  
Chúng ta nghĩ đến tương lai nào, khi truyền thông và công nghệ truyền thông đều chỉ phục vụ cho lợi ích của nhóm kinh tế - chính trị quyền lực [8]?
Chúng ta ca ngợi về internet và mạng xã hội, và sử dụng chúng để marketing tất cả mọi thứ, kể cả chạy các chương trình tranh cử tổng thống. 
Nhưng với những sức mạnh “lobby” của các tập đoàn, của các lợi ích nào đó được thỏa thuận và thương lượng, “tin giả” lại thành “tin thật” khi được viết và tuyên truyền trên các mạng xã hội mà chỉ số ít mới có cơ hội kiểm chứng sự thật là gì [7, 8].  Nền dân chủ nào, nền giáo dục nào, trong trường hợp này?
Khi tôi ở Austin 2017/18 (Texas, US), tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều cửa nhà các gia đình có cắm biển “Pursuit Science, Pursuit Truth” (“Theo đuổi khoa học, Theo đuổi sự thật”). 
Điều đáng suy nghĩ trong thời đại internet và sự thật thuộc về đặc quyền của số ít, chúng ta tìm kiếm được sự thật nào; khoa học nào, dựa trên những nguồn nào, nếu nhìn từ ví dụ của chính phủ Mỹ khi rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu [9]. 
Tài liệu tham khảo:
(*) //en.wikipedia.org/wiki/Hard_Choices; //en.wikipedia.org/wiki/What_Happened_(Clinton_book)
//en.wikipedia.org/wiki/Living_History_(book)
[1] J. Heimans, New Power, How Power works in our hyperconnected world and How to make it work to you; J. Nye, Smart Power, //www.belfercenter.org/publication/joseph-nye-smart-power; People – Power – Profits, Progressive Capitalism for an Age of Discontent, J. Stiglitz; Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Thị trường công nghệ và bất bình đẳng,
[2] A. Kreighbaum, Trump Signs Broad Executive Order
//www.insidehighered.com/news/2019/03/22/white-house-executive-order-prods-colleges-free-speech-program-level-data-and-risk; ACE’ Letter and Colleges Community to US Congress to oppose Trump’ Order, //www.acenet.edu/News-Room/Pages/Statement-by-ACE-President-Ted-Mitchell-on-President-Trumps-Executive-Order-on-Free-Speech.aspx; //www.cjr.org/analysis/fake-news-media-election-trump.php
[3] J. Archer, Fourth State, //en.wikipedia.org/wiki/Fourth_Estate; [1]; Predictive Analysis,: The Power to Predict Who Will Click, Buy, Lie, Or Die, E. Siegel; Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Thị trường công nghệ và bất bình đẳng, //www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/cach-mang-4-0-thi-truong-cua-cong-nghe.html
[4] //www.wsj.com/articles/facebook-identifies-100-000-in-ad-spending-by-fake-accounts-with-suspected-ties-to-russia-1504730852
[5] //en.wikipedia.org/wiki/Hillary_Clinton_email_controversy
[6] R. Thaler, Misbehaving, The Making of Behavioral Economics;
[7] J. Stiglitz, //en.wikipedia.org/wiki/Joseph_Stiglitz#Information_asymmetry
[8] S. Zuboff, The Age of Surveillance Capitalism, The fight for a Human Future at the New frontier of power;
[9] //en.wikipedia.org/wiki/United_States_withdrawal_from_the_Paris_Agreement; M. Mandelbaum & T. Friedman, That used to be US, How America Fell behind in the World It invented and How we can come back; H. Friedman, The Measure of a Nation, How to Regain America's Competitive Edge and Boost Our Global Standing; M. Tucker, “I love uneducated”, //ncee.org/2018/11/i-love-the-uneducated/; //www.theguardian.com/science/2019/oct/03/science-trump-administration-crisis-point-report
Nguyễn Thị Lan Hương
PHẦN 2
Hơn 20 năm internet phát triển tại Việt Nam, chúng ta được coi là quốc gia phát triển nhất Đông Nam Á về số lượng người dùng internet, 45-60 triệu tài khoản [1], vào thời điểm dân số “vàng” đáng mơ ước của nhiều quốc gia [1].

Dẫu dân số trẻ đông, dùng internet và mạng xã hội nhiều, năng lực lao động và chỉ số sáng tạo của người Việt nói chung, sinh viên Việt Nam nói riêng, khá khiêm tốn, theo tổng kết của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) [2].

70% số người dùng mạng xã hội chỉ để “giải trí” [3]; và đủ các kiểu “văn hóa” diễn ra trên các trang mạng và các kênh truyền thông, mà không rõ, cách nào khai thác sức mạnh mạng xã hội và internet làm nguồn giáo dục cho một đất nước mà nhân lực cao rất thiếu!

Ở góc độ giáo dục, gần đây tôi có đọc được nghiên cứu về tác động của giáo dục “công nghệ thông tin” cho giảng dạy, nhưng cũng chưa có hiệu quả [4]!
Internet và mạng xã hội có tác động tích cực lẫn tiêu cực. (Ảnh minh họa trên Daidoanket.vn)

Với thực tiễn Việt Nam, dường như mở cửa internet theo kiểu “trăm hoa”, đa số người dân chưa được chuẩn bị cho những tác động tích cực lẫn tiêu cực, trong “văn hóa” kết nối số đông trên các trang mạng xã hội, trong khi nền kinh tế Việt Nam cũng vẫn là nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài:
70% giá trị xuất khẩu thuộc về doanh nghiệp FDI [5];
Vốn vay ODA tăng nhiều lần, nhưng khó chứng minh được tính hiệu quả trong giáo dục [6]; 
GDP, mặc dù được ca ngợi, cũng vẫn chỉ đang ở mức trung bình thấp ($2.500/người) [7];
Gần đây, Chính phủ thúc đẩy dự án đã kéo dài hơn 20 năm qua: xây dựng chính phủ điện tử.
Nhưng cứ như một hình ảnh chứng minh về năng lực tầm nhìn và thực tế “quản trị kinh tế” Việt Nam, đó là dự án tàu điện trên cao với các cột xây hàng chục năm qua mà chưa vận hành, số vốn đi vay của dự án tăng gấp 2 – 3 lần dự toán ban đầu; công nghệ giờ đã lạc hậu, Hà Nội phải tiếp tục đi vay với lời than “không biết lấy tiền đâu để trả nợ” [8]!
Công nghệ 4G/5G được quảng bá khắp nơi, nhưng những địa phương nghèo hay đặc biệt nghèo vẫn là danh sách dài trong diện “xin trợ cấp từ ngân sách nhà nước”, thì điện thoại và tiếp cận internet không phải ai cũng có cơ hội ngay ở những thành phố lớn nhất Việt Nam [9].  
Hài hước là khi đọc tin về buôn lậu phụ nữ và trẻ em ở các tỉnh biên giới phía bắc và phía nam, tiếp giáp với Trung Quốc và Campuchia, hầu hết các vụ việc đều có liên quan đến sử dụng mạng xã hội để lừa gạt! [10]
Với thực trạng của nền khoa học và thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ không mạnh, các nghiên cứu khoa học có thể công bố quốc tế của đại học Việt Nam còn giới hạn [11], thì việc chúng ta sử dụng internet, công nghệ giáo dục và mạng xã hội vào việc giáo dục - nghiên cứu và nhận thức xã hội cho số đông để xây dựng xã hội học tập nên như thế nào?
Trong một đề xuất về xây dựng trung tâm nghiên cứu giáo dục quốc tế với Bộ Giáo dục – Đào tạo [12], tôi có đưa ra một vài hướng nhằm phát triển giáo dục đại học, mà bước đầu, có thể hợp tác phát triển giữa các thư viện – sinh viên và các nhóm nghiên cứu.
Lý do đưa ra đề xuất này:
(1) Sinh viên là nền tảng tương lai của nhân lực đất nước, nhưng khi thông tin thiếu cập nhật; học tập và nghiên cứu “chay” và một chiều; ý nghĩa của sinh viên “kết nối” với thế giới học thuật, các bạn đó sẽ biết làm gì?
Đấy là chưa tính đến hạn chế về ngoại ngữ như một rào cản lớn cho giới trẻ sinh viên Việt Nam kết nối thế giới [13].
(2) Tri thức trong đại học chỉ là nền tảng ban đầu, nhưng dạy phương pháp học và nghiên cứu cho sinh viên Việt Nam hầu như khá hạn chế. 
Việc hợp tác với các đại học và sinh viên quốc tế tại một số đại học quốc gia, theo quan điểm cá nhân tôi, chỉ đang dừng ở chương trình khung, mà như nhận xét của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi dự án còn tiền thì “còn chạy”, hết tiền thì tắt [14], “kết nối giáo dục quốc tế” của đại học Việt Nam có những lợi ích gì? 
Và giả sử có giáo sư và sinh viên quốc tế đến với Việt Nam, với những hạn chế như trên, họ có thể “hợp tác” với các đại học Việt Nam thế nào [14]?
(3) Thư viện là một trong những nguồn thông tin quan trọng cho giảng dạy và nghiên cứu tại đại học, và nên mở cho công chúng.
Nhưng thực tế thư viện đại học Việt Nam đang rất thiếu cả về số lượng và chất lượng [15], thì internet và công nghệ số hóa dữ liệu, hay kết nối quốc tế mà chúng ta đang ca ngợi, phục vụ cho giáo dục đại học, cho sinh viên nghiên cứu, ra sao?
Những khía cạnh trên đây chỉ là một vài trong nhiều thách thức cho giáo dục đại học Việt Nam, mà dù ai đó ca ngợi tăng trưởng kinh tế, tôi chỉ e là chúng ta vẫn đang tiếp tục “tụt hậu” trong giáo dục đại học, bất chấp số lượng người dùng internet có thể được xếp hạng đâu đó [16]. 
Tụt hậu của Việt Nam về năng lực nghiên cứu – sáng tạo và khả năng học “thật” để xây dựng tính bền vững trong giáo dục được nhìn thấy rõ nhất qua khoảng cách giàu nghèo trong xã hội 20 năm qua và cơ hội tiếp cận với giáo dục có chất lượng cũng chỉ dành cho số ít [17]!
Internet và công nghệ giáo dục hình như tạo ra một số “ảo ảnh”, khi họ mơ (giống như tôi đã từng mơ) [18], về cơ hội thay đổi nhanh chóng chất lượng giáo dục. Nhưng với trách nhiệm cho thế hệ tương lai, chúng ta phải nghiêm túc trả lời một câu hỏi cụ thể:
“Giáo dục đại học, hay giáo dục nói chung, chất lượng thấp, thì đào tạo ra nguồn nhân lực nào?”
Vậy, tương lai nào dành cho giới trẻ, giới sinh viên và xã hội Việt Nam? Hay tất cả chúng ta chỉ là thị trường tiêu thụ “tri thức”, mà khi Việt Nam chỉ là nền kinh tế phụ thuộc, đâu cần đến tri thức thật?
Để tìm câu trả lời cho tương lai, hãy lấy ví dụ của Intel Việt Nam: hàng nghìn kỹ sư dự tuyển và khá ít người Việt đạt chuẩn để làm việc vào năm 2006 khi Intel mở nhà máy [19]; và sau 10 năm hoạt động, Intel đánh giá Việt Nam vẫn đang ở “đáy đường cong nụ cười” [20]. 
Liệu Chính phủ, giới công nghệ, có thể giúp đại học/sinh viên Việt Nam vượt qua “đáy” này không?
Tài liệu tham khảo:
[1] Hội Tin học Việt Nam; Tuổi Trẻ, //tuoitre.vn/nguoi-viet-chua-giau-da-gia-lai-ganh-no-cong-qua-lon-20171018155013143.htm
[2] WIPO, Global Innovation Index; IPRs in Countries;
[3] SOHA, //soha.vn/hon-70-nguoi-viet-so-huu-smartphone-chi-de-su-dung-cac-tinh-nang-co-ban-2018071121495906.htm
[4] Issues and Challenges in Using ICT for Teaching English in Vietnam //callej.org/journal/20-3/Pham-Tan-Lee2019.pdf
[5] FUV, Intel Products Vietnam, 10 Years Investment Impact Study Report 2006-2016, //fsppm.fulbright.edu.vn/en/policy-papers/policy-research/intel-products-vietnam-10-year-investment-impact-study-report-2006-2016/; FUV, VTT. Anh, //baomoi.com/ts-vu-thanh-tu-anh-khong-lam-toi-noi-toi-chon-sau-10-nam-nen-kinh-te-lai-de-gap-bat-on/c/24596984.epi
[6] Nguyễn Ngọc Trân, ODA trong giáo dục cần được kiểm soát (Báo Giáo dục)
[7] WB, //www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview
[8] Dự án tàu điện trên cao Hà Đông – Cát Linh;
[9] //chuongtrinh135.vn/van-ban/phe-duyet-danh-sach-xa-dac-biet-kho-khan-xa-bien-gioi-xa-an-toan-khu-vao-dien-dau-tu-cua-chuong-trinh-135-giai-doan-2017-2020-d577.html
[10] VNExpress, Chống buôn người qua biên giới: Blue Dragon, www.bluedragon.org/emergency-appeal
[11] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Đào tạo nghiên cứu ở Việt Nam: Công bố hay là Chết, Bàn về công bố quốc tế, //www.newasiagloballearning.com/san-pham/hoc-doi-doi-hoc/cong-bo-hay-la-chet-ban-ve-cong-bo-quoc-te-de-bao-ve-luan-an-tien-sy.html; Sự thiếu vắng nền tảng nghiên cứu khoa học xã hội trong chính sách giáo dục ở Việt Nam… //www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/su-thieu-vang-nen-tang-nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-trong-chinh-sach-giao-duc-o-viet-nam-vi-du-tu-du-thao-quy-dinh-tieu-chuan-giao-su-pho-giao-su-viet-nam.html; Giáo sư là Thầy dạy học?, //www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/giao-su-la-thay-day-hoc.html
[12] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Đề xuất gửi Bộ Giáo dục Đào tạo về Trung tâm nghiên cứu quốc tế hóa giáo dục đại học //newasiagloballearning.com/tin-tuc/de-xuat-ve-trung-tam-nghien-cuu-quoc-te-hoa.html;
[13] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Giáo dục Việt Nam, Ngược Chiều Vun Vút, //newasiagloballearning.com/tin-tuc/giao-duc-viet-nam-nguoc-chieu-vun-vut.html; //dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/doanh-nghiep-dau-dau-vi-cu-nhan-thieu-du-thu-20181213155835748.htm;
[14] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Đề xuất gửi Bộ Giáo dục Đào tạo về Trung tâm nghiên cứu quốc tế hóa giáo dục đại học //newasiagloballearning.com/tin-tuc/de-xuat-ve-trung-tam-nghien-cuu-quoc-te-hoa.html; VNN, Chương trình tiên tiến từ vệt sáng .... //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhieu-chuong-trinh-tien-tien-tu-vet-sang-tro-thanh-dom-dom-349668.html;
[15] Hiệp Hội Đại học và Cao Đẳng Việt Nam, Báo cáo sơ bộ khảo sát về thư viện tại đại học và cao đẳng Việt Nam 2017;
[16] Tuổi trẻ, //tuoitre.vn/nguoi-viet-chua-giau-da-gia-lai-ganh-no-cong-qua-lon-20171018155013143.htm; Giáo dục, //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-duc-pho-thong-viet-nam-truoc-nguy-co-tut-hau-so-voi-campuchia-post182620.gd
[17] Oxfam, 2017 //vietnam.oxfam.org/sites/vietnam.oxfam.org/files/file_attachments/Vietnam%20Inequality%20Report_ENG.pdf; Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Công nghệ và Bất Bình Đẳng, //newasiagloballearning.com/tin-tuc/cong-nghe-va-bat-binh-dang-xa-hoi.html; Tuổi Trẻ, //tuoitre.vn/nguoi-viet-chua-giau-da-gia-lai-ganh-no-cong-qua-lon-20171018155013143.htm
[18] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Future of Internationalization of HE: Quo Vadis?, //newasiagloballearning.com/tin-tuc/future-of-internationalization-of-higher-education-he-quo-vadis.html; Thế giới tươi đẹp, //www.newasiagloballearning.com/gioi-thieu/the-gioi-tuoi-dep.html
[19] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Giáo dục Việt Nam, Ngược Chiều Vun Vút, //newasiagloballearning.com/tin-tuc/giao-duc-viet-nam-nguoc-chieu-vun-vut.html; FUV, Intel Products Vietnam, 10 Years Investment Impact Study Report 2006-2016, //fsppm.fulbright.edu.vn/en/policy-papers/policy-research/intel-products-vietnam-10-year-investment-impact-study-report-2006-2016/; Dân trí, Doanh nghiệp đau đầu vì cử nhân thiếu đủ thứ; //dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/doanh-nghiep-dau-dau-vi-cu-nhan-thieu-du-thu-20181213155835748.htm
[20]  Thời Báo Kinh Tế Sài gòn, Intel - Báo Cáo 10 năm Hoạt động tại Việt Nam, “Đáy đường cong nụ cười”,
//www.thesaigontimes.vn/154781/Kinh-te-Viet-Nam-va-duong-cong-nu-cuoi.htmlCafeF, Việt Nam ở đâu trong chuỗi sản xuất toàn cầu, //cafef.vn/viet-nam-o-dau-trong-chuoi-san-xuat-toan-cau-20170305172200301.chn; R. Sharma, The rise and fall of nations: Forces of change in the post-crisis world.
Nguyễn Thị Lan Hương
CÓ PHẢI TIN TẶC VIỆT NAM NHẮM VÀO CHÍNH PHỦ TRUNG QUỐC ĐỂ LẤY THÔNG TIN VỀ COVID-19 ?
CARL THAYER/ RFA 27-4-2020
Vào ngày 22 tháng 4, FireEye, một hãng an ninh mạng của Hoa Kỳ đã báo cáo rằng ít nhất từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020, các nghi phạm trong nhóm tin tặc APT32 của Việt Nam đã thực hiện các chiến dịch tấn công nhằm thu thập thông tin về cuộc khủng hoảng COVID-19 của Trung Quốc. Các mục tiêu bị tấn công là Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc và chính quyền thành phố Vũ Hán.
Một ngày sau đó, phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng cho rằng cáo buộc này không có cơ sở. Ông khẳng định “Việt Nam nghiêm cấm các cuộc tấn công mạng nhắm vào các tổ chức và cá nhân dưới mọi hình thức”.
Bài viết này tìm hiểu sự phát triển lịch sử của nhóm hacker APT32 và những cáo buộc nhóm này có liên quan đến chính phủ Việt Nam. Trong đó, APT là chữ viết tắt của Advanced Persistent Threat, tức mối đe dọa liên tục nâng cao.
APT32 lần đầu tiên được xác định vào năm 2012 khi nhóm hacker này khởi xướng các cuộc tấn công mạng vào Trung Quốc và sau đó mở rộng sang các mục tiêu ở Việt Nam và Philippines. APT32 còn được gọi là OceanLotus, APT-C-00, SeaLotus và OceanBuffalo.
Vào năm 2016, Cybereason, công ty tình báo về các mối đe dọa trên mạng, đã phát hiện ra rằng hãng này đã bị tấn công mạng cả năm trời mà những liên kết của các cuộc tấn công này đều dẫn đến APT32. Tin tặc APT32 tấn công nhắm vào sở hữu trí tuệ, thông tin kinh doanh bí mật và chi tiết những dự án của Cybereason. Khi Cybereason chuyển sang chặn APT32, nhóm hacker này tỏ ra là một đối thủ linh hoạt đã nhanh chóng dùng đến các công cụ tự tạo để vào lại hệ thống của Cybereason.
Cũng trong năm 2016, một nhà phân tích ứng phó sự cố tại FireEye với kinh nghiệm xử lý khoảng mười hai cuộc xâm nhập mạng APT32 đã kết luận rằng mục đích tấn công của APT32 có vẻ như phục vụ lợi ích nhà nước Việt Nam. Nhà phân tích của FireEye đã kết luận rằng APT32 có thể thực hiện đồng thời nhiều chiến dịch, và có đủ nguồn lực cũng như khả năng để thực hiện các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, đặc biệt là giám sát và kiểm tra dữ liệu. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 5 năm 2017, FireEye đã đánh giá rằng APT32 là một nhóm gián điệp mạng dính đến lợi ích của chính phủ Hà Nội.
Nick Carr, Giám đốc của FireEye đã theo dõi APT32 từ năm 2012 tiết lộ rằng một cuộc điều tra được thực hiện vào năm 2017 về các vụ tấn công ở châu Á, Đức và Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng nhóm này đã dành ít nhất ba năm để nhắm vào các tập đoàn nước ngoài có quyền lợi ở Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, sản phẩm tiêu dùng và khách sạn.
Năm 2018, có nhiều báo cáo rằng OceanLotus/APT32 đã tham gia vào hoạt động gián điệp công nghiệp trong hai năm qua nhắm vào các nhà sản xuất ô tô BMW, Toyota và Huyndai. Các hãng truyền thông đã trích dẫn lời những nhà phân tích mạng cho biết các cuộc xâm nhập mạng dường như để hỗ trợ mục tiêu sản xuất của Việt Nam.
Ngoài ra, Volexity, một công ty an ninh mạng, đã báo cáo vào năm 2019 rằng APT32 đã thực hiện chiến dịch tấn công và giám sát kỹ thuật số hàng loạt rất tinh vi và cực kỳ rộng rãi nhằm vào các phương tiện truyền thông, nhân quyền và các nhóm xã hội dân sự cũng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Công ty an ninh mạng CrowdStrike đã lưu ý vào cuối năm 2019 rằng sự bùng phát trong hoạt động gián điệp của Việt Nam, tức APT 32, đã bắt đầu từ năm 2012 và gia tăng kể từ năm 2018, được cho là gắn liền với chính phủ Việt Nam.

APT32, COVID-19 và thu thập tin tức

Phần này trình bày về những yếu tố có thể thúc đẩy chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ cho APT32 tấn công vào một bộ của chính phủ Trung Quốc và chính quyền thành phố để có được thông tin về COVID-19.
Truyền thông đưa tin cho hay Trung tâm Tình báo Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NCMI) dựa trên phân tích điện báo và dữ liệu từ máy tính cũng như hình ảnh vệ tinh, đã kết luận rằng một căn bệnh truyền nhiễm lan qua Vũ Hán và khu vực xung quanh có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. NCMI đã đưa ra một báo cáo mật vào cuối tháng 11 năm 2019 cảnh báo rằng một căn bệnh ngoài tầm kiểm soát sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các lực lượng của Hoa Kỳ ở Châu Á. NCMI báo cáo tóm tắt vấn đề này đến Cơ quan Tình báo Quốc phòng, Bộ tham mưu Lầu năm góc và Nhà Trắng.
Không có lý do rõ ràng nào lý giải việc tại sao chính phủ Hà Nội không thể phát hiện ra căn bệnh lây lan này vào tháng 11-12/2019 thông qua các nguồn tin tình báo do con người thu thập và tình báo tín hiệu qua theo dõi mạng internet tiếng Trung. Nếu phát hiện, phản ứng đầu tiên của Việt Nam sẽ là thử và xác định COVID-19 gây chết người như thế nào. Đồng thời tìm hiểu càng nhiều càng tốt về căn bệnh mới cũng như khả năng ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam. Các nhà ngoại giao Việt Nam tại Trung Quốc nên được giao nhiệm vụ lấy thông tin này từ các những viên chức tương nhiệm Trung Quốc.
Do Trung Quốc thiếu minh bạch về sự lây lan của coronavirus đến tháng 1, nhiều khả năng các quan chức Bắc Kinh đã không đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin từ phía các đồng sự Hà Nội. Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc sẽ khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam đưa ra chỉ thị, hoặc giao nhiệm vụ cho các cơ quan tình báo và quan chức khác nhau của Hà Nội ở Trung Quốc ưu tiên thu thập tất cả thông tin nguồn về coronavirus. Điều này sẽ bao gồm các nguồn mở như internet, Weibo – một dạng Facebook của Trung Quốc, các trang blog và các ấn phẩm điện tử.
Việt Nam có thể đã tiếp cận được thông tin tình báo có được từ các dịch vụ tình báo thân thiện thông qua liên lạc và trao đổi thông thường. Việt Nam có thể đã có yêu cầu cung cấp thông tin, chia sẻ thông tin hoặc được cung cấp thông tin. Ở mức tối thiểu, các cuộc thảo luận liên lạc có thể đã tiết lộ mối quan tâm chung về COVID-19.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể có được thông tin từ các nguồn thông tin tình báo nhân sự. Đó là các nguồn bao gồm các quan chức chính phủ Trung Quốc, ngành vụ an ninh, nhân viên y tế, các nhà khoa học nghiên cứu và công dân bình thường ở Trung Quốc và đặc biệt ở Vũ Hán. Các nguồn thông tin nhân sự cũng bao gồm các cư dân Việt và nước ngoài tại Trung Quốc, đặc biệt là ở Vũ Hán, như các doanh nhân, sinh viên và khách du lịch.
Tóm lại, các nguồn tình báo cả con người và tín hiệu có khả năng đã xác nhận những tin đồn đầu tiên về sự xuất hiện và lan truyền của COVID-19 đến giới thu thập tin tình báo Việt Nam. Một báo cáo của FireEye cáo buộc rằng cuộc xâm nhập mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm thu thập thông tin về COVID-19 đã được khởi xướng tấn công Bộ quản lý khẩn cấp Trung Quốc và chính quyền thành phố Vũ Hán vào ngày 6 tháng 1 năm 2020 và tiếp tục trong suốt quý đầu tiên của năm. Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc có thể là một yếu tố thúc đẩy quan trọng đằng sau quyết định này.

Kết luận

Bằng chứng công khai rằng APT32 được liên kết với chính phủ Việt Nam dựa trên sự giám sát lâu dài những phương thức hoạt động của các công ty an ninh mạng chuyên nghiệp. APT32 hành động chống lại các nhà bất đồng chính kiến ​​Việt Nam trong và ngoài nước và nhắm vào các doanh nghiệp thương mại nước ngoài cho thấy có thể nhóm hacker này có liên kết với Bộ Công an.
Năm 2017, Bộ Quốc phòng đã thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng. Có thể nhóm tin tặc APT32 được đặt dưới trướng của Bộ Tư lệnh Không gian mạng mới này.
Sách trắng quốc phòng gần đây nhất của Việt Nam được phát hành vào cuối năm 2019 tuyên bố ‘Việt Nam sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp phù hợp luật pháp quốc tế để phòng ngừa và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trong không gian mạng.’
Thật khó tưởng tượng được rằng Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng đã không phát triển một số khả năng phản công có thể cho phép nó hack máy tính của chính phủ Trung Quốc trong trường hợp bắt buộc.
Tuy nhiên, cũng có lý khi APT32 là một đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông, hay một bộ khác, hoặc một đơn vị độc lập báo cáo thẳng cho các nhà lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước Việt Nam.
---
Giáo sư Carl Thayer là Giáo sư danh dự và là thành viên thỉnh giảng của Trường Nhân văn và Khoa học xã hội, Đại học New South Wales tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra.

TIN TẶC TRUNG QUỐC TẤN CÔNG MẠNG CHÍNH PHỦ VIỆT NAM GIỮA CĂNG THẲNG BIỂN ĐÔNG

VOA 1-5-2020

Nghiên cứu mới nhất của công ty an ninh mạng hàng đầu của Mỹ cho biết nhóm tin tặc được xem là do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn có thể đang đứng sau một chiến dịch nhằm thu thập dữ liệu từ các quan chức chính phủ Việt Nam, giữa bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.
Theo nghiên cứu của công ty chuyên cung cấp thông tin về các mối đe doạ tình báo, Anomali, thì nhóm tin tặc có tên Pirate Panda đang cố gắng lừa các quan chức Việt Nam mở các tài liệu Microsoft Excel độc hại được đính kèm trong email có nội dung chi tiết về các ngày lễ.
Địa điểm bị tin tặc nhắm tới là các quan chức ở Đà Nẵng, khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, nơi được xem là “điểm nóng” gây ra căng thẳng gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc vì các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh.
Pirate Panda là nhóm tin tặc chuyên thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích (APT) được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Nhóm này nổi tiếng về các cuộc tấn công mạng nhắm vào các chính phủ và các tổ chức chính trị.
Pirate Panda cũng là nhóm tin tặc chuyên tập trung tấn công và khai thác dữ liệu xung quanh vấn đề xung đột chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.
Trong những ngày gần đây, Việt Nam công khai phản đối các hoạt động mới của Trung Quốc và không công nhận các yêu sách của Bắc Kinh đối với các đảo, đá ở Hoàng Sa, trong khi Trung Quốc nói rằng các yêu sách của Việt Nam đối với khu vực này là bất hợp pháp.
Tin tặc Trung Quốc thường xuyên phát động các chiến dịch gián điệp mạng nhắm vào các mục tiêu liên quan đến xung đột lãnh thổ của mình. Năm 2018, tin tặc Trung Quốc đã tấn công vào các công ty kỹ thuật và quốc phòng của Mỹ, nơi có quyền truy cập vào những thông tin nhạy cảm liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông. Những thông tin này được xem là rất hữu ích cho Bắc Kinh.
Hiện cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều chưa phản ứng gì đối với thông tin về cuộc tấn công mạng mới nhất này.
Trong khi đó, một công ty an ninh mạng khác của Mỹ, FireEye, tuần rồi công bố một báo cáo cho thấy một nhóm tin tặc, được cho là do chính phủ Việt Nam hậu thuẫn, đã thực hiện chiến dịch tấn công vào các trang mạng của chính phủ Trung Quốc nhằm tìm kiếm thông tin liên quan đến cách xử lý của Bắc Kinh đối với dịch COVID-19.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét