Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

20200513. NỀN TƯ PHÁP HOANG DẠI CÒN ĐẾN BAO GIỜ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
NỀN TƯ PHÁP HOANG DẠI Ở VIỆT NAM CÒN TỒN TẠI ĐẾN BAO GIỜ ?
LÊ PHÚ KHẢI/ BVN 12-5-2020
Ở những nền tư pháp tử tế, khi một nghi phạm bị bắt thì người đi bắt phải nói với nghi phạm: Ông/Bà được phép mời luật sư. Từ đó trở đi, mỗi lần công an hỏi cung nghi phạm thì luật sư ngồi bên cạnh, luật sư có quyền không cho người hỏi cung hỏi câu này hoặc câu khác, vì “câu hỏi đó không đúng luật”! Vì luật sư là người nắm luật pháp hơn cả. Mỗi biên bản hỏi cung như thế phải có chữ ký chứng thực của luật sư thì lúc ra toà lời khai mới có giá trị.
Ở Việt Nam thì các vụ án luật sư không được tiếp cận hồ sơ từ đầu, chứ đừng nói gì đến ngồi cạnh nghi phạm khi bị hỏi cung. Ở vụ án Hồ Duy Hải, luật sư không được gặp Hải bao giờ cả. Bị đánh đến thừa sống thiếu chết thì nghi phạm thà nhận là mình “giết người” để không bị tra tấn đau đớn! Những lời khai trong bóng tối như thế ở một nền tư pháp dân chủ đều không có giá trị pháp lý. Vì thế mới có nguyên tắc tối thượng là trọng chứng, không trọng cung. Tất cả các nguyên tắc đó của nền tư pháp văn minh của nhân loại, với chế độ độc đảng, đảng lãnh đạo toàn diện triệt để mọi lĩnh vực đời sống xã hội thì các nguyên tắc đó đều bị đem vứt vào sọt rác.
Không ai nhìn thấy Hồ Duy Hải lúc xảy ra án mạng cả.
Không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải ở hiện trường.
Tang vật để giết người của Hồ Duy Hải là cái thớt và con dao được mua từ ngoài chợ đem về.
Thế mà toà vẫn xử Hồ Duy Hải tử hình!
Còn có gì trắng trợn, coi thường đạo lý và đểu cáng dã man hơn hả ông Nguyễn Hoà Bình chánh án?
Lúc ông từ miền quê nghèo Quảng Ngãi ra đi, ông có hình dung ra mình sẽ quyền thế và giàu có như thế này không, nhờ nền tư pháp mà đại biểu Quốc hội Ngô Bá Thành năm xưa tổng kết trong một câu bất hủ: “Chúng ta có cả một rừng luật, nhưng khi xử thì xử theo luật rừng!”?
Oan khiên chồng chất oan khiên lên đầu gần 100 triệu dân đen Việt Nam từ cái nền tư pháp bất lương đó! Đã có biết bao vụ án oan trong quá khứ vì nạn nhân bị ép cung và đánh đập tra tấn dã man!
Người viết bài này xin thống kê một số vụ điển hình:
– Có lẽ vụ điển hình nhất là vụ án mang tên Vụ gián điệp “H122”, năm 1948. Trong vụ này, hàng trăm cán bộ vô tội trong kháng chiến chống Pháp bị giam cầm, do họ bị ép cung, đánh đập mà phải “nhận tội”!
Sự việc tóm tắt như sau: Một tin đồn do Pháp tung ra đã lan truyền trong khu Việt Bắc là có một gián điệp mang bí số H122 đã được Pháp gài vào hàng ngũ ta, và H122 đã cung cấp nhiều tin tức quân sự quan trọng cho Pháp.
Một anh giám mã (coi giữ ngựa) cho một cơ quan đã bị nghi ngờ là H122. Lý do nghi ngờ rất đơn giản: Anh ta đã chạy ra sân lấy vào một chiếc khăn trắng trong lúc có tiếng máy bay của Pháp trên trời. Người ta nghi anh làm ám hiệu bằng chiếc khăn trắng cho máy bay Pháp đến. Thế là anh giám mã bị bắt, bị bức cung. Anh ta đã nhận mình là H122, rồi khai ra những người khác. Cứ thế, người bị bắt mới lại khai tiếp… Con số bị bắt đã lên đến hàng trăm, kể cả cán bộ cao cấp, và cả một bà bán xôi.
Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng Trần Đăng Ninh đã vào cuộc. Ông Trần Đăng Ninh đã đến tận hiện trường và xem xét rất kỹ. Ông thấy rất nhiều điều vô lý. Pháp không thể gài người vào ta mà lại chọn một anh chăn ngựa không biết chữ. Cái sân bé tí trước nhà anh chăn ngựa giữa rừng núi âm u thì không máy bay nào trên trời có thể nhìn thấy một cái khăn màu trắng… Cứ thế, cứ thế, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng xem xét, điều tra cụ thể, quyết liệt, và đã ra lệnh thả mấy trăm “phạm nhân” đang bị giam. Người ta đã gọi ông Trần Đăng Ninh là “Bao Công Việt Nam” từ vụ án đó.
Sau hoà bình 1954, ông Trần Đăng Ninh đã đi máy bay và cố nhìn xuống dưới để xem có thể thấy một cái “khăn trắng” nào không, và sau đó ông đã “an tâm” là mình đã xử án đúng.
– Vụ thứ hai, cũng rất điển hình, phức tạp, quyết liệt và đầy kịch tính, xảy ra vào các năm 1963-1964, là vụ án ở nhà máy cơ khí Gia Lâm Hà Nội. Giám đốc Võ Văn Khang bỗng dưng bị chết. Tám cán bộ đảng và công đoàn nhà máy bị bắt. Vì Giám đốc công an Hà Nội lúc đó là ông Long, cho đây là vụ giết người. Bị bức cung khốc liệt, cả tám người đều nhận tội! Thế là án đã “nhanh chóng được phá”. Thành tích được nhanh chóng báo cáo lên cấp trên để được khen thưởng. Nhưng Đại uý Tích ở công an Hưng Yên, khi khám nghiệm tử thi nạn nhân được vớt lên ở cửa sông Hồng, đã quả quyết báo lên ngay trong đêm với Cục trưởng Cục Cảnh sát Lê Hữu Qua là nạn nhân đã tự sát. Đại uý Tích đã làm báo cáo tường trình cụ thể, và ông cùng đồng nghiệp, cùng Cục trưởng Qua kiên quyết chống lại kết luận Giám đốc Khang bị giết. Được Thứ trưởng Lê Quốc Thân ủng hộ, Giám đốc Long cũng kiên quyết đấu lại.
Bốn năm trời tranh cãi, hồ sơ biên bản vụ án đã lên cả tạ giấy. Bất phân thắng bại, nên cuối cùng phải mời một đoàn chuyên gia của Bộ Công an Cộng hoà Dân chủ Đức sang giúp. Người Đức đi sang một chuyên cơ gồm 10 chuyên gia các lĩnh vực. Trong đó có một chuyên gia được mệnh danh là “chuyên gia thắt cổ”. Ông này có một bộ sách dày, có hình vẽ và ghi chép tỉ mỉ các vụ án thắt cổ có từ thời Hy-Mã cổ đại đến sau này. Với ông chuyên gia này, chỉ cần nhìn hiện trường có người thắt cổ, ông có thể kết luận đến 50% là nạn nhân bị thắt cổ hay tự thắt cổ. Những chuyên gia Đức khẳng định rằng hung thủ luôn để lại dấu vết ở hiện trường. Và đã có dấu vết thì nhất định tìm ra hung thủ. Và quả thật, chỉ sau một thời gian ngắn, vụ án đã được làm sáng tỏ với những luận cứ khoa học không thể chối cãi, không thể tranh luận gì nữa. Tám cán bộ “nhận tội” khi bị bắt đã được tha bổng. Theo lời Cục trưởng Qua, vụ án này đã được đưa vào giáo trình của ngành tư pháp nhiều nước.
Trước khi về, người Đức chỉ khuyên chúng ta không nên đổi tên đường, tên làng, tên xóm… Vì như thế sau này rất khó phá án.
– Vụ thứ ba là vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Nguyễn Thanh Chấn bị tù đã 10 năm vì tội “giết người”! Bỗng kẻ giết người lù lù ra đầu thú nên ông Chấn được tha. Vậy thôi!
– Vụ thứ tư là vụ ông Đặng Kim Bền, một nông dân đã gần 70 tuổi ở An Giang, bị toà án tỉnh Tiền Giang kết án tử hình sau giảm xuống chung thân. Ông Bền mang một bó cây bù-đà để ở nóc xe khách. Khi bị công an hỏi bó lá cây này của ai? Ông đã nhận và bị kết án tử hình vì sự ngu dốt của bà chánh án tỉnh Tiền Giang, xem cây bù-đà có chất gây nghiện là cây thuốc phiện!
Khi đó tôi là phóng viên thường trú ở Đồng bằng sông Cửu Long, được bà vợ của ông Bền đi thăm nuôi chồng kể cho nghe hết sự tình về “tội” của chồng bà. Tôi đã làm tường trình lên Chủ tịch nước Lê Đức Anh lúc đó. Và bằng một đường dây riêng, bức thư đã đến tay Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ông Bền được tha bổng. Khi vợ ông Bền lên đón chồng về quê sau khi được ân xá, bà đã đền ơn nhà báo một ký đường Thốt nốt - đặc sản của quê bà. Cái biên lai gửi thư qua bưu điện lên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, đề ngày 25-9-1995, tôi còn giữ đến bây giờ làm kỷ niệm (Xem ảnh).
Không có mô tả ảnh.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến những dòng mở đầu trịnh trọng của Bản Tuyên ngôn Quyền Con Người của Cách mạng Pháp 1789: “Các đại biểu của nhân dân Pháp họp thành Quốc hội, cho rằng việc không biết tới, sự lãng quên hay sự coi thường các quyền của Con Người là những nguyên nhân gây ra những đau khổ chung thân và sự hư hỏng của những kẻ cầm quyền, vì thế đã quyết định trình bày các quyền tự nhiên thiêng liêng và không thể tước bỏ được của Con Người”.
Chừng nào còn chế độ độc đảng độc tài, không có toà án độc lập thì những đau khổ chung thân của gần trăm triệu dân đen Việt Nam còn mãi. L.P.K.
Tác giả gửi BVN
NỖI ĐAU NGƯỜI M
XUÂN BA/ TVN 12-5-2020

 Những ngày này, trong bao nhiêu những xì xào, lời vào tiếng ra về phiên tòa, về những thân phận con người, tôi không thể không nghĩ đến một việc BUỒN trong nghề báo của mình!

Một nỗi đau mất con, nỗi oan khuất của một người Mẹ! Phải, khi đó chưa có phong trào “Những việc cần làm ngay” của N.V.L.
Mùa đông năm con khỉ vàng 1980 rét ghê rét gớm. Mì, bột, bo bo, khoai tây chiếm tới hai phần ba trong khẩu phần 13 kg lương thực một tháng khiến vóc dạng cái tuổi chưa “băm” như cánh phóng viên mới chúng tôi được tiếng là hăng mà cũng ngồi xẹp trong phòng thường trực he hé nhìn ra ngoài trời màu chì buốt lạnh chờ đến bữa chiều.
Một người đàn bà rất khó đoán tuổi nhưng đập vào mắt mọi người là cái nhìn bạc phếch từ gương mặt võ vàng và bà ăn mặc quá đỗi sơ sài mỗi chiếc áo len đan bằng thứ sợi tiết kiệm cho dù thời buổi ấy cũng coi là đường được, rụt rè bước vào phòng thường trực. Bà tới tòa soạn kêu trường hợp con trai bà là bộ đội bị bắt oan. Công an quận Ba Đình vu cho con bà tội trấn lột có vũ khí trên tàu, nhờ tòa soạn can thiệp giúp đỡ...
Chao ôi, những sự khiếu kiện vào cái thời điểm ấy! Mặc dù cũng khá “hăng” và cũng “máu” nghề nhưng cứ ngó các bậc đàn anh của chúng tôi trong cơ quan giải quyết những vụ việc đại loại như người đàn bà nọ thì cũng phải coi lại cho phần “máu mê” nghề nghiệp của mình. Cũng chả trách các anh và lứa chúng tôi được. Những từ như “công an”, “quân đội” khi đó thuộc về một địa hạt xa vời và bí hiểm nữa. Vậy tốt nhất là Ban ban đọc (chứ không phải cho phóng viên sục ngay hoặc làm cái công văn dõng dạc có chữ ký của Tổng biên tập như bây giờ) làm cái phiếu chuyển với khẩu khí rất rụt rè tới nơi nọ nơi kia. Tôi nhớ láng máng không phải chỉ có lần ấy, bà tới tòa soạn vài ba bận nữa nhưng khi nghe nói đã chuyển đơn tới nơi cần chuyển, bà lại lặng lẽ ra về...
Nỗi đau người mẹ

Nỗi đau người mẹ
Cái năm rét ghê rét gớm ấy cũng lùi xa... Rồi một ngày ở phòng thường trực của Tòa soạn, tôi giật mình kinh hãi nhận ra người đàn bà khuôn mặt võ vàng cái nhìn bạc phếch màu đông năm trước lù lù xuất hiện. Có điều bà mang khăn tang. Cũng khuôn mặt võ vàng ấy đang nức nở kêu khóc. Chất giọng đứt quãng tức tưởi báo cái tin con trai bà, năm ngoái bà đã tới kêu bị bắt oan ấy, đã chết rồi. Chết ở trại giam số 6 Nghi Kim, Nghệ Tĩnh (cái trại giam số 6 ấy sau này tôi mới biết đã giam oan Nguyễn Sĩ Lý trong vụ án “Người vô danh”). Và rồi thời gian cứ vùn vụt. Khi trên đầu nửa số tóc đã trắng phớ, tôi giật mình nhẩm lại những trường hợp như người đàn bà và nỗi oan mà mình đã gặp trong đời làm báo là không nhiều lắm...
                                                                   *
                                                                 ***
...Tận những năm xa ấy bà là một cô gái không phải xinh đẹp nhưng trắng trẻo có duyên. Bà làm ở nhà máy đồ hộp xuất khẩu Hà Nội. Có một anh thương binh chống Pháp, bộ đội miền Nam tập kết đã tìm tới bà. Họ nên vợ nên chồng vào khoảng năm 1958. Một năm sau, đứa con trai bụ bẫm kháu khỉnh ra đời. Căn nhà lá trong khu tập thể mạn dưới Chợ Mơ gần nhà máy đồ hộp xuất khẩu tuy chật chội, vật dụng còn sơ sài nhưng ấm áp luôn đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Ba năm sau lại thêm cô con gái thứ hai. Có lẽ đó là những ngày ý nghĩa nhất của họ. Gọi là ý nghĩa nhất bởi khi hai đứa con đã nhinh nhỉnh, anh chồng nổi máu rượu chè bồ bịch. Cứ mỗi bận rượu vào là đập phá nhà cửa, đánh cả vợ. Chị vợ được cái tốt nhịn tuế tóa cười mỗi khi hàng xóm nhìn khuôn mặt sưng húp vì bị đánh “Nhà em thương binh nên nóng tính. Khi anh ấy la hét chửi bới các bác bỏ quá cho”. Anh chồng được thể càng làm quá.
Rồi những ngày sơ tán, một nách hai con thơ mãi trên tận Phú Thọ. Chị như con thoi khi thì xe đạp khi thì đi nhờ xe về Hà Nội đưa gạo mì mắm muối lên khu sơ tán của nhà máy. Đầu năm 1972, ba mẹ con theo nhà máy về Hà Nội. Ông chủ gia đình bé nhỏ này hầu như không ngó ngàng chi đến vợ con... Bom đạn mù trời tai họa rập rình mọi phía nhưng ba mẹ con đều an lành cho cả cái đận B.52 rải bom xuống Hà Nội. Năm 1978 cái năm bà quyết định ly dị người chồng bội bạc ấy cũng là năm cậu con trai Nguyễn Mạnh Hòa to cao trắng trẻo nặng 63 kg của bà lên đường nhập ngũ. “Ôi con trai tôi, hồi đẻ nuôi nó tuyền nước cơm thi thoảng mới có tí sữa bò hộp mà trời thương cứ phổng phao như thế”. Năm 1979, Nguyễn Mạnh Hòa lập công xuất sắc tại Mặt trận biên giới phía Nam nhưng đùi dính mảnh đạn pháo ở trận Puốc-xát được ra Bắc an dưỡng sau đó chuyển về đại đội 2, tiểu đoàn 7 sư đoàn 10 thuộc Quân khu 3 đóng ở Bắc Thái.
Sáng ngày 9-8-1980, Nguyễn Mạnh Hòa cùng hai chiến sĩ khác được thủ trưởng đơn vị cử đi Hà Nội mua thuốc ghẻ và thuốc hắc lào. Ba anh em bắt xe về Hà Nội. Hòa tranh thủ ghé thăm mẹ. Bát mì sợi mẹ nấu vội mới bưng lên miệng thì một tốp người đạp cửa xông vào đọc lệnh bắt anh với tội danh “trấn lột có vũ khí trên tàu”. “Thưa các đồng chí, có sự nhầm lẫn chi đây, tôi đi công tác về Hà Nội bằng ô-tô. Với lại tôi sinh năm 1959 chứ không phải năm 1960, tên lót là Mạnh chứ không phải Nguyễn Văn Hòa”. Nhưng mặc kệ anh vẫn cứ bị còng tay đẩy lên xe.
Bà mẹ như phát điên chạy lên công an Ba Đình nơi đang giam giữ con bà, chạy lên Sở công an Hà Nội, thanh tra thành phố và các tòa báo nữa nhưng vô hiệu. Ở Công an quận Ba Đình, người ta lạnh lùng phán cho con bà một tội danh khác : Nguyễn Mạnh Hòa đào ngũ, trộm cắp. Lần khác thì một tội danh lạ hoắc: Nguyễn Mạnh Hòa cướp giật đồng hồ, móc ví bị bắt quả tang tại bến xe Long Biên ngày 4-8-1980. Bà tốc tả lên tận đơn vị của con trai, anh em đồng ngũ phẫn nộ “Sao có chuyện khốn nạn như vậy!?”. Chứng nhận của đại tá Trần Văn Biền, thủ trưởng đơn vị của Nguyễn Mạnh Hòa và công văn của Viện Kiểm sát Quân đoàn 3 gửi Công an Ba Đình và Công an thành phố Hà Nội “Chiến sĩ Nguyễn Mạnh Hòa rời doanh trại đi công tác sáng 9-8-1980 (vụ án xảy ra tại bến xe Long Biên do Công an Ba Đình dựng lên là ngày 4-8-1980) nhưng vẫn vô hiệu!
Rồi con trai bà bị đưa từ Công an quận Ba Đình về Hỏa Lò. Sau hai tháng rưỡi, không tòa, không án, anh bị đẩy vào trại giam số 6 Nghi Kim miền Tây Nghệ Tĩnh. Chưa kịp gặp con lần nào kể từ cái ngày nấu vội cho nó bát mì sợi mà con chưa kịp ăn thì ngày 11 tháng tư âm lịch tức là ngày 14-5-1981, một mẩu giấy được gửi tới tay bà : con trai bà là Nguyễn Mạnh Hòa can tội đào ngũ trộm cắp bị bắt ngày 4-8-1980 (Hòa bị bắt ngày 9-8-1980) đã chết ở trại giam số 6 Nghi Kim Nghệ Tĩnh!
Những ngày sau đó, người ta thấy ở cổng UBND thành phố Hà Nội, ở Sở Công an Hà Nội, Công an quận Ba Đình, Viện kiểm sát tối cao Hà Nội và cả một số cơ quan, có cả tòa báo nữa... một bà già khuôn mặt võ vàng hốc hác đội khăn tang trong túi đựng đơn từ có bỏ một chiếc bánh mì một chai nước sôi để nguội lang thang vật vờ chờ bằng được người cần gặp. Có người vỗ về an ủi... “Thôi bà ơi, dù sao con bà cũng chết rồi... còn làm gì được nữa...”. “Không, con tôi chết nhưng tôi phải làm rõ cái chết của nó, phải đưa những kẻ bắt oan con tôi ra tòa”. “Chết... chết, bà nói thế nào ấy chứ, làm sao đưa cái ông trưởng công an quận, người ký giấy ra lệnh bắt con bà khi ký giấy ông ấy mới đại uý nay (1982) đã là trung tá rồi”. Bà gào khóc “Con ơi là con ơi, kẻ đó có là tá là tướng nhưng gây cho con oan sai khiến con chết oan thì cũng phải ra tòa thì vong linh con mới được thỏa...”.
Những ngày lang thang dật dờ ấy không phải lúc nào bà cũng gặp những ánh mắt ghẻ lạnh, xa lánh. Trong cái thành phố mênh mông, nhung nhúc những người này hóa ra vẫn có nhiều người đồng cảm với nỗi đau của bà. Chị Thu ở Viện kiểm sát Hà Nội khéo léo tới gặp Công an quận Ba Đình kiểm tra lại. Ngoài việc phát hiện ra ba lần thay đổi tội danh cho Nguyễn Mạnh Hòa, chị còn tìm thấy trong sổ bắt từ năm 1980, cả năm 1981, cả năm 1982 nữa đều không có tên Nguyễn Mạnh Hòa!
Rồi anh Loan ở Công an thành phố Hà Nội, người giúp việc cho lãnh đạo không biết bao lần đã kiên nhẫn ngồi nghe bà trình bày. Cái lần bà được anh Loan phụ tá cho ông Bùi Chí Sĩ, Phó giám đốc Công an thành phố cùng tiếp khiến bà nhớ mãi. Buổi chiều hôm đó, sau khi nghe bà vừa khóc vừa trình bày, ông Bùi Chí Sĩ lạnh lùng lắc đầu: “Tội của con bà là móc túi ở bến xe Long Biên ngày 4-8-1980”. “Oan cho con tôi quá ông ơi, xin ông đèn giời soi xét lại hồ sơ hiện đang còn lưu cả đấy! Ba lần người ta thay đổi tội danh. Sai cả tên đệm, ngày bắt”. Bà thấy ông Phó giám đốc Sở sửng sốt ngạc nhiên rồi trao đổi riêng gì đó với anh Loan. Rồi hôm sau bà được mời lên, người tiếp bà là ông Sĩ. Ông nói chuyện với bà rất lâu và động viên bà sẽ tích cực xem xét làm rõ.
Rồi không rõ có sự chuyển động nào hay nước mắt của người mẹ đau khổ đem theo cái chết oan khốc của con trai đi kêu các cửa đã thấu đến trời đất mà Sở Công an Hà Nội đã có kết luận chính thức rằng, con trai bà bị oan!
Sáng sớm ngày 28-11-1983, chiếc xe com-măng-ca chở 5 người xuất phát từ Hà Nội vào phía Nam. Trên xe ngoài bà, còn có ông T. đội trưởng đội điều tra Công an quận Ba Đình và Hùng cán bộ của ông T. Chú Hải lái xe Sở Công an và anh Thìn, người hàng xóm của bà. Một chiếc tiểu sành nắp bằng granito trong đó có 10 bó hương, 200 tờ giấy trang kim, giấy bản và 3 lít rượu của Sở công an “biện” cho bà vào trại số 6 Nghi Kim bốc mộ cho con trai.
Gió lạnh quất ù ù thốc vào lòng chiếc com-măng-ca trống hoác. Không quen đi xe nên bà chẳng mấy chốc đã nôn thốc cả mật xanh, mật vàng. Nhưng bà vẫn cố tỉnh táo nói chuyện với chú Hải lái xe “Chú ơi, đi bốc mộ như thế này chú có kiêng không?”. Người lái xe cười: “Không bác ạ. Bác cứ yên tâm”. Còn đội trưởng T. chỉ ừ hữ không nói gì và lặng lẽ nâng cái can rượu trắng mà Sở cho để rửa xương cốt cho con trai bà thi thoảng lại ực một ngụm trước con mắt ngạc nhiên của bà nhưng bà ngại không dám hỏi, dám ngăn. Bà biết nhỡ có gì trục trặc biết xoay sở ra sao giữa đồng không mông quạnh ở đồng đất nước người? Cho tới khi xe đến phà Rùng bắt đầu vào địa phận huyện Con Cuông thì can rượu trắng ba lít đã sạch bách. Xuống xe đợi phà thì bà đã rũ như một tàu lá héo nằm xệp một chỗ.
Trời đổi tối, mưa lâm râm. Phà lại hỏng. Cả tốp phải ngủ đỗ qua đêm. Sáng hôm sau bà vẫn bải hoải rã rời. Phà vẫn hỏng. Đội trưởng T. nói với bà cứ nghỉ lại đây với xe. Số còn lại sẽ vào trại đưa cốt con bà ra chứ bà đang lử lả thế này đi theo lẵng nhẵng lắm, nhỡ ra trục trặc ốm đau sẽ ảnh hưởng đến thời gian công tác, ở nhà còn nhiều việc quá (?!).
Nhưng bà đâu có chịu. Bao nhiêu công sức để có được cái ngày hôm nay dễ chi bà để người khác đụng tới xương cốt con trai. Nhưng bà ngoài miệng vờ đồng ý với quyết định của đội trưởng T. nhưng bụng thầm quyết dù có vào muộn cũng phải cố lết theo. May phúc làm sao hình như vong linh con trai phù hộ, khi cả tốp đã lên đường được một lúc lâu, bà đi hỏi suốt dọc hàng quán bên này phà có một người đã đồng ý chở bà ra Trại 6 bằng xe đạp với gía 400 đồng (khi đó một bát phở ngon cũng chỉ 5-7 đồng). Số tiền này bà dắt theo do bán đôi lợn ở nhà trước lúc đi được hơn 500 đồng. Hơn hai chục cây số lúc ngồi lúc dắt vì đường xấu, bà tới được trại cũng đúng tầm kẻng làm chiều. Mưa vẫn lắc thắc cộng với buốt giá miền Tây Nghệ An khiến trời bỗng chốc như sập tối đến nơi.
Nỗi đau người mẹ
Án oan sai mang lại tận cùng nỗi đau.
... Làm xong thủ tục nhận mộ, bà như sụp hẳn xuống một nấm đất cỏ tranh bám dày áy vàng. Hòa ơi, con đây ư, thằng con trai mạnh mẽ xởi lởi của mẹ. Bặt hẳn con từ cái buổi chiều bát mì chưa kịp húp miếng nào... Tiếng nức nở của người mẹ chừng như cũng làm cho những nhát xẻng của tốp phạm nhân bốc mộ đêm ngập ngừng. Họ nhẹ nhàng dắt bà cụ ra chỗ khác. Nhưng bà vẫn ngồi đăm đắm cho tới lúc đáy huyệt lộ ra. Hòa ơi, mẹ không tin vào sự giải thích của người ta rằng con bị kiến lỵ mà chết. Con khỏe mạnh lại không phải là tạp ăn tạp uống... Đành một nhẽ cơm tù... Cái trại giam số 6 Nghi Kim mà sau này bà biết được trong “Người vô danh” có đầy rẫy những đầu gấu hung tợn, bặm trợn…
Đám phạm nhân đã đặt tay lên cốt. Can rượu trắng ba lít đội trưởng T. đã uống hết lấy gì để rửa cốt đây? Anh Thìn hàng xóm ngạc nhiên khi thấy bà thò ra một chai “sáu lăm” rượu trắng “Anh em làm một hớp cho ấm bụng. Số còn lại rửa cốt cho cháu”. Thì ra bà đã phòng sẵn từ Hà Nội chai rượu này. Tốp phạm từ tốn mỗi người một ngụm. Rồi cũng từ tốn họ nhặt xương rửa bằng rượu lẫn nước thơm lấy giấy bản lau sạch gói vào giấy trang kim hẳn hoi. Xong đâu đó họ cẩn thận đặt thứ tự vào cái túi du lịch anh hàng xóm Thìn mang theo từ nhà. Vì phải đi bộ nên tiểu sành đành để lại xe bên phà Rùng.
Xong xuôi mọi việc thì trời đã nhá nhem mặc dù mới hơn 5 giờ. Không thể cuốc bộ ra phà Rùng thời điểm này nên đội trưởng T. cho phép nghỉ lại trại 6 qua đêm. Đội trưởng T. và Hùng ngủ trên chỗ giám thị Ich. Bà, anh Thìn ở lại căn phòng ba giường cách trại khá xa dành cho nơi gặp gỡ người nhà phạm nhân. Đêm sập xuống rất nhanh. Chiếc túi du lịch đựng hài cốt để giường giữa bà và anh Thìn ở hai bên. Chao ơi, xứ này sao lắm đom đóm mà lại to đến thế. Con nào con nấy rõ ra bằng con ong cứ xanh lét lập lòe tràn vào khắp nhà. Hai chị em thắp rõ nhiều hương cho đỡ lạnh phần nữa để xua lũ đom đóm nhưng vô hiệu. Những đốm hương đỏ lừ trong đêm đen càng làm tôn thứ lân tinh xanh lẹt của lũ đom đóm. Lũ chuột khoái chí chạy rinh rích. Nhiều con táo tợn trèo cả lên chiếc túi đựng hài cốt. Cơ mầu này chúng khoét thủng túi đến nơi. Giá như có cái đèn dầu nhỉ... Hai người bàn với nhau. Anh Thìn nói bà ở lại trông cốt phòng chuột để anh đi hỏi mượn đèn nhưng bà ở lại một mình sợ lắm. Thôi hai chị em đành đem chiếc túi theo vậy. Sau một hồi năn nỉ thì hai người cũng mượn được chiếc đèn dầu và hai tấm chăn rách. Quàng trên vai chiếc chăn rách ngồi ôm lấy chiếc túi, hai chị em thay nhau thắp hương. Có lẽ chưa bao giờ trong cuộc đời bà thấy cái đêm hôm đó lại dằng dặc lê thế đến thế...
Sáng hôm sau may bám nhờ xe của giám thị Ích, cả tốp cũng tới được bến phà Rùng qua đò rồi lên xe. Đường xá thuở đó đâu có bằng phẳng xuôn sẻ như bây giờ. Nhưng chiếc túi vẫn khư khư trong lòng bà.
Đang chập chờn cơn say xe nửa tỉnh nửa mê nhưng bà cũng nhận ra âm thanh “khặc, khặc” một hồi. Chiếc xe khựng lại. Đội trưởng T. lay lay vai bà nói khẽ “Bà nên bồi dưỡng cho lái xe đi không thì nằm đường đấy..’’
Bà lảo đảo xuống xe đến bên cậu Hải đang lúi húi gì đó ở đầu xe. Đây là đâu hả chú? “Dạ Phủ Lý bà ạ” Cậu Hải ghé vào tai bà nói khẽ : “Bác ơi, bác cứ yên tâm đừng nghe ai cả. Cháu chỉ sửa một tí là xong ấy mà”. Quả nhiên lát sau xe lại chạy. Thế mà về tới Giáp Bát cũng đã hơn 11 giờ đêm.
Đội trưởng T. nói với bà rằng bây giờ bà nên cho con trai về thăm nhà hoặc xuống chỗ cổng nhà máy. Sao lạ vậy, khi đi lãnh đạo Sở đã nói là cho đưa con trai bà về Ninh Hiệp, Gia Lâm rồi cơ mà với lại ai lại mang hài cốt vào nhà bao giờ ?
Bao nhiêu là những bực bõ tủi hờn bỗng đâu ập đến… Nhưng bà vẫn rành rọt: “Anh cứ đưa tôi và cháu về trước cổng Sở công an thành phố. Ở đó đèn sáng tôi không ngại”. Đội trưởng T. im lặng đành bảo cậu Hải đánh xe về Ninh Hiệp, quê nội của bà.
                                                                   *
                                                                ****
Những dòng trên đây tôi nhặt nhạnh lại lối gần hai mươi năm của cuộc đời người đàn bà xuất hiện ở phòng thường trực Tòa báo Tiền Phong mùa đông năm 1980.
... Căn nhà lá ở khu tập thể nhà máy đồ hộp đã được sửa chữa thành một căn phòng con con có cái gác xép trông khá gọn mắt. Bà về hưu năm 1990. Cô con gái út đã lấy chồng. Căn bệnh thấp khớp của tuổi già bà cùng chứng cao huyết áp khiến bà đi lại rất khó khăn. Nhưng thi thoảng bà vẫn chạy đi chạy lại với hai đứa cháu ngoại bên làng Cót cách khu tập thể không xa. Căn gác xép là nơi bà hương khói và kinh kệ hàng ngày theo kiểu tu tại gia. Trên bàn thờ là những bát hương cúng tổ tiên và một tấm ảnh lồng trong khung kính lưu lại hình ảnh một anh bộ đội trẻ măng với nét cười cởi mở. Anh con trai Nguyễn Mạnh Hòa của bà.
... Sau khi được bà cho phép, tôi thắp mấy nén hương cầu trời phật tổ tiên phù hộ cho bà. Hai bàn tay đang chắp lại của tôi dường như run rẩy. Hình như cái run rẩy của sự bất lực của sự sợ hãi vô cớ, bầy đàn... Anh Hòa ơi, xin anh tha thứ cho sự bất lực, cho sự sợ hãi của chúng tôi hồi ấy. Lẽ ra bên cạnh công việc của cơ quan có trách nhiệm, chúng tôi những người đang mang cái Thẻ Nhà Báo lại không, đã không “chúng khẩu đồng từ” trước những giọt nước mắt của bà cụ thân sinh ra anh, dẫu biết những cố gắng của mình vị tất khi đó đã xoay chuyển được gì?
Cuốn kinh nhật tụng của chủ nhà vẫn để ngỏ bên cạnh dùi, mõ. Sáng sáng, chiều chiều, mái tóc bạc trắng của gia chủ vẫn nghiêm ngắn nghiêng xuống những trang kinh này. Và không biết đã bao lần xen giữa những trang kinh, bà thắp hương thầm nhủ: con trai ơi, trước nỗi oan của con, sức mẹ có hạn mẹ chỉ làm được cái việc ngày 7-6-1984 ông Vũ Đình Hoành đã có công văn số 518/PX16 thừa lệnh Giám đốc Công an thành phố nói rằng sau khi kiểm tra xác minh xem xét thấy rằng việc bắt giữ và xử lý anh Nguyễn Mạnh Hòa là chưa đúng. Nay xin thông báo để.... biết và thanh minh chính trị cho gia đình bà Nguyễn Thị Bích Lộc công tác ở nhà máy đồ hộp xuất khẩu. Còn việc mẹ hứa với con sẽ đề nghị những cơ quan có trách nhiệm đưa những kẻ gây oan sai cho con ra trước tòa án mẹ đã không làm được mặc dù mẹ biết những người ấy hiện nay nếu không ở cấp này cấp khác thì cũng đã yên ổn về hưu bởi mẹ yếu lắm rồi.
“Thôi anh ghi gì vào sổ mà nhiều thế, anh xuống thăm tôi là quý rồi, nói lại những chuyện ấy làm chi cho thêm đau lòng”.
Lặng phắc trong ngôi nhà vốn đã tĩnh lặng, tôi cố dịch chuyển cái nhìn khỏi mái tóc bạc đang sà thấp xuống những trang kinh…
Nam mô a di đà... Ra khỏi hẻm nhỏ bắt vào phố mà tiếng mõ cùng với âm thanh kinh nhật tụng chiều của người mẹ ấy vẫn lẩn quất sau lưng tôi.
Xuân Ba

 MỘT SỐ BĂN KHOĂN XUNG QUANH VỤ ÁN HỒ DUY HẢI
PV NGÂN NGA/ PL/ BVN 13-5-2020

LTS: Phán quyết giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ án Hồ Duy Hải mới đây đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, về nhiều vấn đề liên quan đến tố tụng hình sự.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư - đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa về những vấn đề còn có cách hiểu khác nhau này.
Luật sư - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa cho rằng quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ Hồ Duy Hải đang gây ra sự lo ngại rộng rãi trong công luận.
(PL) - Suy đoán có tội là vi hiến và trái với nguyên tắc cơ bản của BLHS và BLTTHS nước ta.
Bản chất của vụ án không thể tồn tại ngoài chứng cứ
. Phóng viên: Thưa ông, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã biểu quyết và 17/17 vị thẩm phán đã thống nhất vụ án Hồ Duy Hải đã có những sai sót về tố tụng nhưng những sai sót đó không thay đổi bản chất vụ án?
+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, trong một vụ án, nhất là vụ án phức tạp, phải có chứng cứ đầy đủ, gián tiếp và trực tiếp, không tranh cãi được, hay theo luật hình sự nhiều nước là “không còn một chút nghi ngờ hợp lý nào” (beyond a reasonable doubt) thì mới kết luận được bản chất vụ án. Bản chất của vụ án không thể có trước chứng cứ, tồn tại ngoài chứng cứ.
Nếu chứng cứ vừa thiếu, vừa yếu, vừa sai (thể hiện qua quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao và ý kiến của Ủy ban Tư pháp) thì phải tìm hiểu để làm rõ bản chất vụ án là thế nào. Nếu tuân thủ theo nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà cơ quan tố tụng chuyển thành “suy đoán có tội” là vi hiến.
Chứng cứ gián tiếp thực ra không tồn tại trong BLTTHS. Điều 86 BLTTHS 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, có những khi không có được những nguồn chứng cứ trực tiếp, cơ quan điều tra và công tố phải tìm hiểu và tái hiện sự thật từ những nguồn chứng cứ gián tiếp liên quan đến hành vi tội phạm. Từ những nguồn chứng cứ gián tiếp ấy, điều tra viên, công tố viên phải đúc kết được những chứng cứ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn về chứng cứ quy định tại BLTTHS. Nếu chứng cứ của công tố viên bảo vệ cáo trạng không đáp ứng được những tiêu chí, tiêu chuẩn quy định thì không thể buộc tội.
Đó là chưa kể đối với án tử hình, dựa vào chứng cứ gián tiếp rất nguy hiểm, vì nếu sai thì không sửa được nữa. Các vụ án oan điển hình như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, bảy thanh niên ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng)… đều thiếu và yếu về chứng cứ nên buộc tội dựa vào lời nhận tội của bị cáo, sau đó đều xác định là oan.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ thay mặt Hội đồng Thẩm phán công bố phán quyết giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: TTXVN
Luật sư Trần Hồng Phong (bìa phải) và gia đình tử tù Hồ Duy Hải. (Ảnh do LS cung cấp)
Quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao không sai về thủ tục
. Phóng viên: Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao biểu quyết và cho rằng quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực nên quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao là không đúng pháp luật. Ý kiến của ông ra sao về việc này?
+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa:  Trước hết, việc kháng nghị là nhiệm vụ và quyền hạn thuộc chức năng hiến định của VKS là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (Điều 107 Hiến pháp 2013 và các điều 2, 3, 4 Luật Tổ chức VKSND 2014).
TAND Tối cao với thẩm quyền xét xử của mình thì vẫn phải chịu sự kiểm sát tư pháp của VKSND Tối cao. Và xin lưu ý rằng viện trưởng VKSND Tối cao là do Quốc hội bầu ra tương tự như chánh án TAND Tối cao. Các chức năng, nhiệm vụ trên là nhằm thực hiện nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, quy định tại Điều 2 Hiến pháp 2013. Điều này cũng là thực hiện nghị quyết của Đảng về việc chống lạm dụng quyền lực.
. Phóng viên: Vậy theo ông, việc kháng nghị này có trái quy định pháp luật?
+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, quyết định kháng nghị này không sai về thủ tục. Nếu Chủ tịch nước có chấp thuận đơn xin ân xá của tử tù thì quyết định đó cũng không có nghĩa bản án tử hình là sai, mà theo tôi hiểu, để có thời gian xem xét lại án tử hình của một con người. Đây là hành động nhân đạo của nguyên thủ quốc gia khi xét đơn của tử tù. Việc xét đơn này không ảnh hưởng đến tính đúng, sai của bản án.
Cũng không có quy định khi Chủ tịch nước bác đơn hay chấp nhận đơn thì VKSND Tối cao (TAND Tối cao) sẽ không được phép kháng nghị nếu thấy cần thiết. Vì theo luật định, kháng nghị là quyền của các cơ quan ấy.
Vì vậy, khoản 2 Điều 379 BLTTHS, “việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”. Do đó, theo Điều 379, VKSND Tối cao có quyền quyết định kháng nghị thay thế quyết định không kháng nghị trước đây, kể cả khi người bị kết án đã chết.
Cấp giám đốc thẩm ra phán quyết bằng cách giơ tay, đúng hay sai?
. Phóng viên:  Việc biểu quyết (nghị án) công khai bằng cách giơ tay biểu quyết ngay tại phiên giám đốc thẩm có đúng luật không, thưa ông?
+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, việc này là không sai. Điều quan trọng của việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có đến 17 vị thẩm phán là để các vị thảo luận, tranh luận để cuối cùng biểu quyết trong thủ tục xét xử giám đốc thẩm. Đây không phải là cuộc họp nội bộ của ngành tòa án mà là phiên xét xử giám đốc thẩm công khai. Tại phiên xử này, mỗi vị thẩm phán không ở vị trí của một cán bộ của ngành tòa án mà là thành viên của một tổ chức tư pháp cao nhất nhân danh công lý, nhân danh hiến pháp và luật pháp của nước nhà.
Ở nhiều quốc gia, kết quả biểu quyết trong HĐXX, Hội đồng Thẩm phán không đạt được 100% là chuyện thường, bởi sinh ra các hội đồng này là để tạo điều kiện thảo luận, tranh luận những ý kiến khác biệt, từ đó tìm ra chân lý và sự thật khách quan.
Thành phần Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao gồm những vị có học vị rất cao và có thâm niên rất lâu trong nghề. Với những vụ án như thế này, các ý kiến tranh luận là có thể hiểu được. Tôi rất muốn được đọc biên bản ý kiến thảo luận, tranh luận của quý vị này để học hỏi thêm. Và nếu Quốc hội có giám sát tối cao thì đây cũng là cơ sở để rộng đường xem xét.
Quốc hội nên giám sát tối cao vụ án này
. Phóng viên: Thưa ông, ông từng tham gia cùng với Ủy ban Tư pháp giám sát về vụ án, vậy ông đánh giá sao về vụ này?
+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Vấn đề Ủy ban Tư pháp, trong đó có tôi và một số ĐB đặt ra không phải là “cứu Hồ Duy Hải” vì “anh ta bị oan”, như một số ý kiến trên mạng xã hội đang nêu.
Điều chúng tôi hướng tới là: Cơ quan tiến hành tố tụng phải bảo đảm đúng quy định của BLHS và BLTTHS khi xét xử các vụ án, quan trọng nhất là nguyên tắc “suy đoán vô tội” và xét xử phải có chứng cứ khách quan và đầy đủ.
Trong vụ Hồ Duy Hải, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Từ đó đã kết án tử hình Hải với những chứng cứ gián tiếp, mà những chứng cứ ấy lại sai, thiếu và yếu (như ý kiến của Ủy ban Tư pháp và của VKSND Tối cao). Do đó, cần tiến hành điều tra lại theo luật định.
Kết quả điều tra và tố tụng có thể lại tiếp tục khẳng định Hồ Duy Hải là thủ phạm, hoặc có thể minh oan cho anh ta, nhưng điều tra và tố tụng lại sẽ thể hiện tính nghiêm minh và tính nhân văn của nền tư pháp trước một bản án tử hình có nhiều tranh cãi và ý kiến trái chiều từ các cơ quan cao cấp của nhà nước ta.
Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa rồi có những chi tiết và lập luận không đủ sức thuyết phục và có thể để lại một tiền lệ không phù hợp với nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà BLTTHS đã quy định. Do đó, ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội cần  giám sát tối cao vụ án này. Tôi đồng tình với đề nghị này.
T.T.N. – N.N.
Nguồn: plo.vn
SAI SÓT TRONG ĐIỀU TRA VỤ ÁN HỒ DUY HẢI CÓ THỂ TẠO RA ÁN LỆ XẤU
THANH PHƯƠNG/VNN/ BVN 13-5-2020
Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, các luật sư cho rằng, các sai sót trong điều tra, nếu được bỏ qua có thể tạo án lệ xấu.
Sau 3 ngày họp giám đốc thẩm, chiều 8/5, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, giữ nguyên bản án với Hồ Duy Hải.
Hội đồng cho rằng, quá trình điều tra, Cơ quan điều tra 'có một số sai sót trong hoạt động điều tra, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án'. Sau phán quyết trên, dư luận đặt nhiều câu hỏi băn khoăn về nhận định trên.
ai sót trong điều tra vụ án Hồ Duy Hải có thể tạo án lệ xấu
17 thành viên Hội đồng thẩm phán
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo quy định của tố tụng hình sự, có một nguyên tắc gọi là nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Có nghĩa là toàn bộ các hoạt động tố tụng của người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ theo nguyên tắc đó.
Trường hợp không tuân thủ là vi phạm tố tụng, điều này dẫn đến căn cứ buộc tội không còn chính xác nữa.
Cũng theo LS Nam, để kết tội một con người thì phải dựa trên cơ sở chứng cứ mà chứng cứ thì gồm rất nhiều thứ như hình ảnh, video, vật chứng, lời khai...
Nguyên tắc của Bộ luật tố tụng hình sự có quy định, "chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định…". Điều đó cũng có nghĩa, những gì không có thật hoặc không được thu thập đúng theo trình tự, thủ tục của Bộ luật tố tụng hình sự thì không được xem là chứng cứ.
Một khi không được xem là chứng cứ thì không được sử dụng để chứng minh cho việc buộc tội hay gỡ tội trong vụ án
Trong vụ án Hồ Duy Hải có những thứ không có thật là con dao, cái thớt, là những thứ được mua về để mang tính chất áp đặt và suy đoán rằng đây cái thớt và con dao giống tang vật của vụ án.
“Trong vụ án Hồ Duy Hải, tôi cho rằng các chứng cứ pháp lý của vụ án đó chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc để kết tội với mức hình phạt cao như vậy.
Mức hình phạt tử hình là mức không thể sửa chữa được. Có nghĩa là khi thi hành là đã loại bỏ con người đó. Đến một lúc nào đó có chứng cứ, tình tiết mới, có một người đầu thú, có thể lật lại vụ án thì không thể nào khắc phục được", lời LS Nam.
LS Nam cũng nêu quan điểm: "Tôi không phải là bảo vệ cho một cá nhân mà là bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật. Nghĩa là người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện đúng pháp luật.
Ngoài ra, nó còn tránh một án lệ xấu, bởi có thể sau này có nhiều cơ quan vi phạm, nhưng sau đó lại nói rằng bản chất là đúng. Điều này vi phạm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa và vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội.
Vụ án này tôi không đưa cái tôi để phán xét rằng Hồ Duy Hải vô tội hay HĐXX như vậy là sai, mà tôi thấy còn nhiều vấn đề làm cho giới làm luật còn nhiều tranh cãi, suy ngẫm, trăn trở”.
ai sót trong điều tra vụ án Hồ Duy Hải có thể tạo án lệ xấu
 Hồ Duy Hải 
Bỏ qua các vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Luật gia Đặng Đình Thịnh (Ủy viên BCH Trung ương hội Luật gia Việt Nam) khẳng định, quyết định của Hội đồng thẩm phán về vụ án Hồ Duy Hải chưa thuyết phục.
Bản thân luật gia Thịnh là một chuyên gia pháp lý cũng làm nhiều năm trong ngành nghiên cứu ông nhận thấy HĐXX đưa ra biểu quyết cho từng vấn đề.
Trong đó, HĐXX giám đốc thẩm có thẩm quyền xem xét về tính hợp pháp của quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hay không?
Căn cứ Điều 388 Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng giám đốc thẩm có các thẩm quyền y án, sửa án, hủy án, đình chỉ việc xét xử giám đốc thẩm đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, đối tượng bị HĐXX giám đốc thẩm xem xét là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Kháng nghị của chủ thể có thẩm quyền không phải là đối tượng bị xem xét mà chỉ là căn cứ, lý do để mở thủ tục giám đốc thẩm.
Việc ra phán quyết của Hội đồng giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định bị kháng nghị chỉ dựa trên cơ sở nhận định về tính có căn cứ của quyết định kháng nghị, không dựa trên cơ sở xem xét tính hợp pháp của việc kháng nghị.
Vì vậy, Hội đồng giám đốc thẩm chỉ được nhận định về tính có căn cứ của việc kháng nghị mà không có quyền biểu quyết về tính hợp pháp. Quyền nhận định này thuộc về chủ thể có chức năng giám sát, thuộc nhánh quyền lập pháp.
Đặc biệt, Hội đồng thẩm phán thừa nhận có vi phạm tố tụng nhưng nguyên tắc vi phạm mà không hủy án để điều tra lại thì không những không thuyết phục mà còn tạo tiền lệ xấu cho các án sau này. Việc điều tra sơ sài, thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng như vậy tiếp tục bị bỏ qua?
Về vật chứng là con dao, thớt đi mua ngoài chợ là sai phạm rất nghiêm trọng. Vật chứng trong một vụ án hình sự thường được truy tìm rất kỹ, bởi hung thủ thường phi tang đi. Ví dụ, một khẩu súng sau khi gây án, hung thủ mang vứt xuống ao thì cơ quan điều tra cũng phải tát ao lấy súng lên rồi đi kiểm định đầu đạn xem có đúng khẩu súng đó dùng để bắn hay không.
Hay hung thủ dùng con dựa chém người ta rồi ném vào khe núi cũng phải đi tìm kiếm, dùng cả chó nghiệp vụ để tìm. Vật chứng là vật cụ thể liên quan đến vụ việc, từ đó làm cơ sở để kết án nên rất quan trọng.
Cái thớt đó dùng để cầm đập thì khả năng có dấu vân tay của hung thủ rất nhiều, hoặc con dao dùng để cứa cổ cũng có dấu vân tay. Trong khi đó vật chứng của vụ án này, cơ quan điều tra không thu giữ mà để bị đốt, rồi đi mua vật chứng khác thế vô làm mô phỏng. Đây là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
T.P.
Nguồn: vietnamnet.vn
MẠNG SỐNG HỒ DUY HẢI VÀ SINH MỆNH CÔNG LÝ
LÊ THANH PHONG/ LĐ/ BVN 13-5-2020

Cho dù Hồ Duy Hải có chịu án tử, thì ai dám chắc là đã loại được tội phạm thực sự ra khỏi xã hội? Vụ án Hồ Duy Hải đang là thước đo sinh mệnh của công lý.
Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, buộc Hồ Duy Hải phải chấp nhận án tử hình tổng cộng hai tội: Giết người, Cướp tài sản.
Quyết định này tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận, đặc biệt là các chuyên gia pháp luật. Ở đâu còn có những tranh luận, phản biện, ở đó dân chủ có đời sống, có sức sống.
Sinh mệnh của con người vô cùng quý giá, cho nên mới có nhiều bước của tố tụng từ điều tra, kiểm sát, xét xử. Quá trình xét xử phải qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Nhưng chưa hết, còn một cửa cho sinh mệnh của con người nữa, đó là giám đốc thẩm.
Và nếu như quyết định giám đốc thẩm vẫn chưa tỏ tường, còn "điểm mờ" nào đó, thì vẫn còn những cánh cửa khác để bảo vệ sinh mệnh con người, nếu như thực sự có oan sai.
Hồ Duy Hải có bị oan sai không? Chưa thể khẳng định điều đó.
Hồ Duy Hải có là thủ phạm giết người không? Đây chính là điểm mờ chưa được làm sáng tỏ, báo chí, các luật gia đã phân tích rất nhiều, suốt cả chục năm qua, tưởng không cần phải nhắc lại.
Chứng cứ buộc tội Hồ Duy Hải một khi còn những điểm mờ (dù là nhỏ) và một khi chưa làm sáng tỏ những điều này, thì chưa thể khẳng định bản chất vụ án là ở đâu.
Công lý là ánh sáng, soi chiếu đến mọi góc tối, đến tận cùng bóng tối. Dù chỉ một điểm mờ chiếm 1 phần trăm của vùng sáng công lý, thì cũng không thể kết luận có tội, đó mới là công lý thực sự.
Cho nên, còn một hoài nghi về chứng cứ buộc tội Hồ Duy Hải, thì chưa thể kết tội. Chưa nói tới việc nguyên tắc suy đoán vô tội có thể nói là một trong những giá trị văn minh ở trình độ cao nhất của nhân loại.
Những điều tra viên tham gia vụ án từ đầu phải nói là đã quá cẩu thả, vụ án hai mạng người nhưng xem như vụ án bình thường. Từ sự tùy tiện ban đầu dẫn đến những sai sót trong thủ tục tố tụng, khiến cho vụ án ngày càng bế tắc, ngày càng đi vào ngõ cụt.
Cho dù Hồ Duy Hải có chịu án tử, thì ai dám chắc là đã loại được tội phạm thực sự ra khỏi xã hội?
Sinh mệnh công dân và quyền con người được đặt lên cao nhất, và còn nữa, cùng với sinh mệnh của công dân là sinh mệnh của công lý.
Quyết định xử lý theo pháp luật một tội phạm hình sự là bảo vệ sinh mệnh của công lý. Và đôi khi, dừng lại quyết định vì chưa đủ chứng cứ thuyết phục không chỉ là bảo vệ mạng sống một con người, mà còn là bảo vệ sinh mệnh công lý.
L.T.P.
Nguồn: laodong.vn
Đà TỚI LÚC PHẢI  GIàT THAM NHŨNG LUẬT PHÁP
NGUYỄN ANH TUẤN/ BVN 12-5-2020
Vụ án Hồ Duy Hải đã tích tụ trong nó suốt 12 năm qua bao vấn đề nổi cộm về tư pháp ở nước ta, và tới hôm nay, như một giọt nước làm tràn ly; và tất cả những vụ được gọi là “kỳ án” suốt hàng chục năm qua - nổi bật lên vụ Hồ Duy Hải hiện giờ, là phần nổi của một tảng băng.
Xem những hình ảnh ông chánh án TAND tối cao bạc tóc, bơ phờ và Hội đồng giám đốc thẩm vất vả trong những ngày vừa qua, tôi và rất nhiều người cảm thấy ái ngại, thậm chí thương cảm, bởi họ đã phải làm cái công việc tôi tin là “bất đắc dĩ”: cái hệ thống tư pháp đó đã sản sinh ra một phiên tòa Giám đốc thẩm như thế, với một kết quả như thế! Một hệ thống tư pháp đã được xây dựng trên một hệ thống triết lý pháp luật cũ kỹ, lạc hậu, man rợ, đi sau thế giới văn minh tới hàng thế kỷ!
Chỉ cần nhớ lại vụ án nổi tiếng vào mùa xuân năm 1933, tại chính phiên tòa do bọn phát xít mở tại Leipzig nhằm vu cáo các lực lượng yêu hòa bình, ông G. Dimitrov đã bóc trần toàn bộ sự thật, đồng thời thức tỉnh lương tri những người tiến bộ trước hiểm họa quốc xã, ông đã làm lu mờ hàng ngũ tư pháp Đức - những kẻ theo đuôi Hitler, và được trả tự do!
Nhưng ông làm được như thế, bởi cái hệ thống tư pháp đó quá chặt chẽ và chắc chắn khiến những kẻ có quyền lực muốn vu khống ông “chủ ý tổ chức đốt nhà Quốc hội có tính toán trước” đã phải bó tay bất lực, còn những “nhân chứng sống” quy kết tội danh ông gồm giới dân biểu quốc xã, lũ bồi bút phát xít, bọn tội phạm hình sự, trộm cắp và làm bạc giả, bè lũ vô chính phủ… cũng phải cụp đuôi! Ông G. Dimitrov và những người yêu hòa bình đã chiến thắng được phiên tòa phát xít đó, ngoài lẽ phải hiển nhiên và tài tư biện xuất sắc của ông tự bào chữa cho bản thân, còn nhờ chủ yếu trên cơ sở một phiên tòa trong một xứ sở của Tam Quyền phân lập.
Thuyết tam quyền phân lập là học thuyết về tổ chức bộ máy nhà nước tư sản do Lôckơ, Môngtexkiơ, Ruxô sáng lập. Theo mô hình phân quyền của Môngtexkiơ thì không chấp nhận việc một cơ quan nhà nước đứng trên hoặc nắm trọn vẹn cả 3 quyền. Quyền lập pháp giao cho nghị viện, quyền hành pháp giao cho chính phủ, quyền tư pháp giao cho tòa án.
Mặc dù có nhiều mặt hạn chế, nhưng mặt tích cực lớn nhất của học thuyết tam quyền phân lập thể hiện ở chỗ nó dùng quyền lực kiểm soát và kiềm chế quyền lực, ngăn ngừa được sự chuyên chế rất dễ phát sinh ở xã hội mà sự thống trị thuộc về thiểu số thành viên trong xã hội…
Mấy điều trên thực ra chỉ là bài học vỡ lòng của tất cả các sinh viên trường luật, song lại hết sức cơ bản, hết sức quan trọng để xây dựng một nền tư pháp đúng nghĩa, và mọi triết lý Luật pháp phải xuất phát từ nền tảng này.
Không có thứ Triết lý luật pháp đứng đắn đó, tình trạng tham nhũng luật pháp đã nảy nở như cỏ dại như đã diễn ra suốt hàng chục thập kỷ vừa qua.
Bởi thiếu Triết lý luật pháp này - kèm theo cơ chế kiểm soát nghiêm túc, nên mới có tình trạng án bỏ túi, ép cung, sửa bản án, tùy tiện xử theo ý thích và lợi ích nhóm…
Bởi coi thường Triết lý luật pháp này, nên mới có chuyện bi hài là người dân muốn dựng tượng thần công lý với cái cân có chiếc thớt và con dao!!!
Bản thân người viết những dòng này cũng đã có ý định đưa lên FB ảnh bức tượng sắt quỳ của vợ chồng Tần Cối trước Nhạc Phi làm biểu tượng mới của ngành tư pháp nước ta - bởi Tần Cối đã lấy tội danh “Không cần có” (Mạc tu hữu) bất hủ để giết chết cha con người anh hùng Nhạc Phi! Nhưng tôi sẽ không làm thế, bởi hình ảnh ngành tư pháp của ta đã mất điểm quá nhiều, đã lấm nhơ nhuốc quá rồi, cũng cần giữ thể diện chung; hơn nữa, tôi cũng hiểu những băn khoăn trăn trở của cả ngành tư pháp VN - hầu hết là những con người chính trực, đang mong làm điều gì đó để lấy lại danh dự cho ngành mình. Và một trong những trăn trở đó là xây dựng một Triết lý thực sự cho ngành tư pháp, góp phần thủ tiêu, và chia tay vĩnh viễn một tình trạng đang sinh sôi nảy nở: Tham nhũng luật pháp!
N.A.T.
Tác giả gửi BVN 

VỀ VỤ ÁN HỒ DUY HẢI
NGUYỄN QUANG LỘC*/ BVN 13-5-2020
*Nguyễn Quang Lộc (nguyên Thẩm phán Tòa án NDTC)
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò hỏi tôi về vụ án Hồ Duy Hải. Quả thật tôi không được nghiên cứu hồ sơ vụ án, chỉ nghe qua các luồng thông tin đa chiều nên không dám có ý kiến gì về việc kết tội đối với bị cáo Hải. Tuy nhiên, qua theo dõi phiên toà Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tôi xin nêu một số ý kiến về thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Xin nói trước là những ý kiến của tôi không nhằm chỉ trích ai mà trên tinh thần xây dựng, thượng tôn pháp luật mà thôi.
1/ Về thành phần Hội đồng Giám đốc thẩm
Điều 53 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm”
1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
... c/ Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án.
Đây là quy định của Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được coi như là nguyên tắc xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Như vậy người nào đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là người tiến hành tố tụng thì phải từ chối tham gia xét xử vụ án hoặc bị thay đổi. Việc ký quyết định không kháng nghị vụ án hoặc trả lời khiếu nại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của những người tiến hành tố tụng hình sự cũng chính là đã tiến hành tố tụng vụ án.
Vì thế, tôi cho rằng ông Nguyễn Hoà Bình phải từ chối tham gia xét xử Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vì ông Bình đã ký quyết định không kháng nghị vụ án này với tư cách là Viện trưởng VKS NDTC.
Sở dĩ luật quy định như vậy để bảo đảm tính vô tư, khách quan, tránh áp đặt ý muốn chủ quan của người ngồi xét xử vụ án.
Ông Bình ngồi xét xử, lại là Chánh án Toà án nhân dân tối cao chủ tọa phiên toà làm cho người ta đặt câu hỏi về tính Khách Quan, Vô Tư của phán quyết?!
2/ Về thành phần triệu tập đến phiên toà
Điều 383 BLTTHS quy định:
... 2/ Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, Toà án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị tham gia phiên toà giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên toà giám đốc thẩm vẫn được tiến hành”.
Rõ ràng là Hội đồng giám đốc thẩm đã xét thấy cần thiết (chứ không phải là có căn cứ để sửa án) nên đã triệu tập người bào chữa cho bị cáo và xét không cần thiết phải triệu tập bị cáo và những người tham gia tố tụng khác ra toà.
Theo quy định tại Điều 386 BLTTHS thì ...”Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên toà thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu...
Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên toà giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên toà phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước toà”.
Tại phiên toà giám đốc thẩm này, luật sư của bị cáo chỉ được trình bày ý kiến mà không có tranh tụng. Việc Hội đồng giám đốc thẩm không cho phép luật sư tham gia đầy đủ phiên toà rõ ràng là vi phạm pháp luật. Có lẽ Hội đồng giám đốc thẩm sửa sai bằng việc lai triệu tập lại khi vị luật sư này đã buộc phải trở về thành phố Hồ Chí Minh trong tâm trạng “Bắc thang mà hỏi ông trời!”. Có lẽ đây cũng là trường hợp hy hữu trong lịch sử của nền tư pháp XHCN?! Không biết có còn vụ án nào học theo không?
3/ Về kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng kháng nghị của VKSNDTC trái pháp luật nên không được chấp nhận. Vậy kháng nghị đó trái pháp luật nào? Kháng nghị khi mà Quyết định số 639/QĐ- CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực pháp luật? Luật nào quy định? Không có quy định nào về vấn đề này trong BLTTHS.
Khi Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng kháng nghị trái pháp luật tức là không cần xem xét về nội dung của vụ án, thế mà phiên toà vẫn diễn ra trong ba ngày.
Thông thường khi xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm HĐXX phải xem xét ngay đến cơ sở của trình tự tố tụng này là Kháng cáo, kháng nghị. Một kháng cáo hoặc kháng nghị đã không hợp pháp thì không có phiên toà.
4/ Về cái được gọi là “sai sót trong tố tụng hình sự của vụ án này“
Tôi không đồng ý với cách gọi như vậy mà phải nói thẳng đó là những vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mới đúng bản chất của sự việc.
Vậy các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự trong vụ án có làm thay đổi nội dung, bản chất của vụ án không?
Nội dung, bản chất của vụ án phải được các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chứng minh bằng chứng cứ được thu thập một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ để xác định sự thật của vụ án. Đó thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (Điều 15, Điều 85, Điều 86 BLTTHS). Rõ ràng là trong vụ án này, việc điều tra đã có quá nhiều vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục tố tụng hình sự từ khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, dấu vết, nhận dạng vật chứng, mua cái không phải là vật chứng để cố tình hợp pháp hoá vật chứng... Khi mà các cái gọi là chứng cứ được thu thập trái pháp luật, không đúng quy định của pháp luật và lại được sử dụng như là chứng cứ buộc tội thì không ổn vì đó không phải là chứng cứ. Vì thế nó không có sức thuyết phục, không đủ để chứng minh tội phạm và đương nhiên nó làm ảnh hưởng hoặc thay đổi nội dung, bản chất của vụ án.
Sẽ là một tiền lệ và nguy hiểm hơn là án lệ cho các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự nói riêng và phát luật tố tụng nói chung. Đáng quan ngại!
5/ Về cái kết của vụ án này
Theo quy định của Chương XXVll của BLTTHS “Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao“ thì vẫn còn có những người sau có thể yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị
- Viện trưởng VKS TC kiến nghị
- Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị
Tuy nhiên xem ra chỉ là một phần ngàn của tia hy vọng mà thôi. Dù sao thì cũng vẫn hy vọng cho dù là vô vọng!
N.Q.L.
Đọc thêm:

Xin nói lại cho rõ hơn

Nguyễn Quang Lộc
Tôi có viết bài về vụ án Hồ Duy Hải đăng trên Facebook. Tôi xin khẳng định rằng không hề có ý minh oan gì cho bị cáo, cũng không có ý bảo vệ cho bị cáo và tôi không bàn đến nội dung của vụ án này. Tôi cho rằng mọi hành vi phạm tội, đặc biệt là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như vụ án này thì người thực hiện hành vi phạm tội phải được xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật hình sự.
Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ bàn về vấn đề tố tụng hình sự trong vụ án này thôi. Khi bàn về tố tụng hình sự thì không phải ý kiến nào cũng chuẩn xác cho nên tôi cảm ơn và trân trọng những ý kiến không đồng quan điểm. Tôi xin lắng nghe và tiếp thu, miễn là các ý kiến đó được nêu với tinh thần xây dựng và tôn trọng nhau, không được lợi dụng để đả kích, kích động không có lợi.
- Về việc Chánh án Toà án nhân dân tối cao có phải từ chối tham gia xét xử vụ án theo trình tự Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao không? Có hai quan điểm khác nhau:
- Quan điểm vẫn được xét xử với lập luận là Chánh án Toà án nhân dân tối cao không phải là Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và khi còn là Viện trưởng VKS tối cao cũng không phải là Kiểm sát viên nên không thuộc điều chỉnh của Điều 53 BLTTHS. Theo quy định tại khoản 5 Điều 382 BLTTHS thì Chánh án TANDTC vẫn được xét xử vụ án này.
- Quan điểm không được xét xử thì căn cứ vào Điều 53 BLTTHS với lập luận là trước đó ông Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ký quyết định không kháng nghị vụ án với tư cách là Viện trưởng VKS TC tức là đã tiến hành tố tụng hình sự vụ án này nên không được xét xử.
Có lẽ đây là vấn đề còn tranh luận nhiều, khi mà pháp luật tố tụng hình sự không thật rõ ràng và có thể sẽ tạo ra vướng mắc.
Giả sử Ông A là Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Toà án nhân dân cấp cao đã trực tiếp xét xử hoặc đã tiến hành tố tụng trong một vụ án. Khi Ông A được bầu làm Chánh án ở Toà án nhân dân tối cao và vụ án đó bị kháng nghị mà Ông A vẫn được xét xử thì áp dụng Điều 53 hay áp dụng khoản 5 Điều 382 của BLTTHS?
Vấn đề tôi nêu là băn khoăn chưa lý giải được thôi.
- Về Quyết định số 639/QĐ ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải.
Tôi đã hỏi lại và được biết là bị cáo có làm đơn xin ân giảm án tử hình. Do đó, tôi xin lỗi và đã xoá ý kiến này trong bài viết.
- Có bạn hỏi là trong trường hợp Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì các thành viên của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có được xem xét không. Theo quy định của luật thì được xem xét nhưng không phải là phiên toà mà là phiên họp. Tuy nhiên luật lại không quy định về hậu quả pháp lý của phiên họp. Giả sử Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận yêu cầu hoặc kiến nghị, đề nghị của những người có thẩm quyền theo quy định của luật thì giải quyết như thế nào? Đó là những vấn đề pháp lý cũng cần quy định rõ trong luật.
- Tôi đã bỏ câu cuối của bài viết vì có thể có sự hiểu khác nhau về ý này. Một lần nữa xin cảm ơn các ý kiến phản biện xác đáng.
N.Q.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét