Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

20200501. KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

ĐIỂM BÁO MẠNG
BA TÔI, BÙI VĂN TÙNG: CHUYỆN CHƯA KỂ SAU NGÀY 30/4/1975
QUỲNH HOA/ BBC 28-4-2020

Ông Borries chụp hình chung với ông Tùng trước thềm Dinh Độc Lập

Câu chuyện về những việc ba tôi làm trưa ngày 30/4 tại Dinh Độc Lập và đài phát thanh Sài Gòn, đã được báo đài đưa tin, làm phim tài liệu và ngay cả viết thành sách (ủng hộ và phủ nhận) cứ mỗi dịp tháng Tư về, ròng rã suốt 45 năm qua.
Nhưng ở đây tôi muốn kể những câu chuyện bên ngoài của cuộc đời ba, chưa bao giờ được kể, có liên quan đến những người trong cuộc.
Năm 2001, khi tổng thống Việt Nam Cộng hòa, đại tướng Dương Văn Minh qua đời tại Mỹ, thì ba tôi nhận được cuộc gọi của phóng viên một đài tiếng Việt ở nước ngoài. Chi tiết đài nào ba kể lâu quá, tôi không còn nhớ rõ.
Họ gọi cho ba báo tin: "Ông Dương Văn Minh, cựu thù của ông đã qua đời hôm nay tại Mỹ, ông cho biết cảm tưởng của mình?"
Ba trả lời: "Ông tướng Dương Văn Minh chỉ là đối thủ của tôi trước năm 75, sau 75 ông cũng là công dân của nước CHXHCN Việt Nam, là đồng bào của tôi. Nay ông mất đi, cho tôi xin được thay mặt gia đình chia buồn với toàn thể gia quyến của ông Minh."
Nhà báo, đại tá Bùi Tín (báo Quân Đội Nhân Dân) ngay sau 30/4/1975 đã tìm gặp ba tôi để nghe kể lại toàn bộ sự việc xảy ra trong buổi trưa lịch sử đó.
Cũng trong năm đó ông xuất bản cuốn sách" Sài Gòn trong ánh chớp chói lọi của lịch sử " với bút danh Thành Tín.
Cũng chính ông tặng ba tôi bức hình chụp ba được thay mặt cho QĐNDVN để chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ôm hôn trong buổi họp báo cáo thành tích của năm cánh quân tiến vào Sài Gòn tại Dinh Độc Lập, với lời bình luận: "Đôi dép cao su của bộ đội cụ Hồ đã đạp lên thảm đỏ của Phủ đầu rồng". Quả là ba là người to cao, chân quá khổ vào loại nhất toàn quân, nên giày vải Trung Quốc cung cấp cho quân đội, ba không mặc vừa, đành phải đi vội đôi dép râu quen thuộc của suốt chiến dịch đến Dinh Độc Lập dự lễ báo cáo chiến công.
Sau này sang tị nạn chính trị tại Pháp, có dịp gặp gỡ với giới báo chí nước ngoài, ông Bùi Tín đem hết câu chuyện ba tôi đã kể cho ông nghe, thành việc làm của chính ông để đem nói chuyện cho báo chí thế giới.
Biết chuyện này, ba tôi chỉ phẩy tay, chắc họ lầm Bùi Tùng thành Bùi Tín, chứ ông Bùi Tín con nhà danh giá, rất quí ba, không thể làm vậy được đâu.
Sau này sang Mỹ, đọc sách "Vietnam: A history" của Stanley Karnow tôi mới thấy chắc rằng ông Bùi Tín đã kể như vậy cho nhà sử học, nhà báo Karnow nghe. Kể ra ông Stanley Karnow cũng ngây thơ khi tin rằng một nhà báo quân đội lại có thể buộc một ông Tổng thống, đại tướng quân đội VNCH chấp nhận đầu hàng, chứ không phải là một vị chỉ huy của chiến dịch.
Ông Phạm Xuân Thệ, đại úy, trung đoàn phó trung đoàn 66 bộ binh, cũng có mặt trong dinh "bắt nội các tổng thống". Sau một thời gian dài im lặng, bỗng ông ấy tự nhận hết những việc ba tôi làm trưa ngày 30/4/1975 về làm thành tích cho ông. Ông Thệ sau lên hàm trung tướng QĐNDVN.



Chính ủy Tùng cùng các ông Dương Văn Minh trên đường từ sân Dinh Độc Lập ra hai chiếc xe jeep để đến đài phát thanh

Năm 2006, khi biết Phạm Xuân Thệ phủ nhận việc ba- chính ủy lữ đoàn tăng thiết giáp 203 có mặt tại dinh- mà bỗng đột ngột xuất hiện tại đài phát thanh Sài Gòn, và cho rằng ông ta, một đại uý bộ binh đã giao lại nội các Dương Văn Minh, rồi cùng ngồi soạn thảo văn kiện đầu hàng với trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng, ba chỉ nói nhẹ nhàng, tay này tầm bậy.
Ba hiểu rằng cuộc chiến đấu này có biết bao nhiêu chiến sĩ quên mình ngã xuống cho đất nước hoà bình, thống nhất.
Tôi muốn đi kiện, viết báo đính chính, thì ba bảo để ba viết đơn báo cáo cho cấp trên của ba khiển trách Phạm Xuân Thệ chứ không nên vạch áo cho người xem lưng. Ba tin rằng những con người xấu trong quân ngũ, tranh công, đổ lỗi chỉ là thiểu số, còn quân đội ta là quân đội anh hùng, chiến sĩ ta rất dũng cảm và trung thực.
Lúc còn ở trong quân ngũ, ba đã góp ý với cấp trên là quân đội không được làm kinh tế mà chỉ nên học tập hiểu biết khí tài, vũ khí, rèn luyện thể lực thật tốt để luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Ngoài ra 90% chiến sĩ QĐNDVN xuất thân từ nhà nông nên tổ chức cho làm nông, thúc đẩy công nghiệp hoá nông nghiệp cho bằng các nước tiên tiến, cho người dân được nhờ, vì đất nước ta là nước mạnh về nông nghiệp.
Với sĩ quan và lính VNCH thì chỉ cần tập trung học tập chính sách của nhà nước mới, rồi cho về ai làm việc nấy.
Nếu ai có nhiều khả năng kiến thức quân sự thì sẽ cho phục vụ quân đội vì hoà bình rồi ai cũng là con dân nước Việt, chịu đau khổ vì chiến tranh quá nhiều, đều được quyền làm việc góp phần tái thiết lại đất nước. Bản thân ba lúc đó cũng thấy vũ khí, khí tài của Mỹ để lại trong tổng kho Long bình là rất hiện đại, rất hay để nghiên cứu, học hỏi sử dụng.



Chính ủy Bùi Văn Tùng (phải) cùng bạn chiến đấu Lữ trưởng lữ thiết giáp 203 Nguyễn Tất Tài, Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975

Và kết quả của những lần đóng góp ý kiến rất thẳng thắn của ba đã không hợp với ý kiến của một số cấp trên, nên ba được cho về nghỉ hưu, khi tuổi đời là 53.
Ba không những nghiêm khắc với bản thân trong học tập hiểu biết quân sự, chính trị, ba còn là người rất gương mẫu trong cuộc sống cá nhân, trong từng lời ăn tiếng nói để làm gương cho chiến sĩ.
Ba nói sao thì ba làm vậy. Sau ngày thống nhất, ông nội về lại quê Đà Nẵng, mang theo bản chứng thực từ thời thực dân cho mảnh đất căn nhà của ông bà lúc đi tản cư, sau đó ông đi tập kết luôn, quên không để lại cho bà, nên đã có nhiều hộ gia đình dọn đến sinh sống trên đó nhiều năm rồi.
Ông nội muốn đòi lại - lúc đó mà đòi là được ngay- phe chiến thắng mà.
Nhưng ba bảo : "Mình đi làm cách mạng để cho nhân dân có cơm ăn, áo mặc, nhà cửa ở, nay cách mạng thành công rồi mình không thể đuổi họ ra khỏi căn nhà họ đang sống được; con là con trai trưởng, con không cần, nên cậu đừng đòi".



Ngày 30/4/1975Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

Thế là ông nội về ở nhà cô Ba với bà nội, ba thì về doanh trại quân đội, mẹ và các con thì có ông bà Ngoại cưu mang ở Sài Gòn.
Ba tôi còn đã từng bị sập hầm, bị đất vùi ở Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, may mà anh em chiến sĩ moi được lên. Bốn người mới khiêng nổi ba.
Vết thương phạt ngang gan bàn chân giờ vẫn còn sẹo, sau này có người bảo ba khai thương binh để lấy tiêu chuẩn, ba bảo, mình còn sống, đi lại được là may mắn lắm rồi, để tiêu chuẩn dành cho những gia đình có người đã hy sinh, hoặc tàn tật, đất nước mình còn nhiều hoàn cảnh như thế lắm.

Lời nói và việc làm

Ba tôi là người có lời nói và việc làm đi đôi với lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản. Chính vì thế mà năm 2013, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi đưa được ba tôi về thăm quê Đà Nẵng sau hơn chục năm nằm liệt giường do tai biến mạch máu não. Những tai biến nhỏ có lẽ do những nỗi đau lòng hậu chiến tranh không nói ra được, đã khiến ba từ từ mất đi khả năng vận động và nói lưu loát.



Hà Nội năm 1980Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Thành phố Hồ Chí Minh năm 1985Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

Họ hàng chở chiếc xe lăn của ba và cả đại gia đình đi xung quanh hết thành phố Đà Nẵng cho ba thăm lại những con đường tuổi thơ êm đềm xưa kia. Ba giải thích cho tôi cái tên Tourane ngày xưa của thành phố là ghép từ hai từ Tour- ane (ý nói thành phố hẹp, quan thuộc điạ chỉ đi một vài vòng trên lưng con lừa là hết thành phố).
Họ hàng nhà tôi bảo đây là biệt thự của ông Bá Thanh, khách sạn, siêu thị này của bà nọ ông kia, chị em của ổng, ba đã rất tỉnh táo phát biểu: "Nếu tay Bá Thanh thấy phát triển tư bản tốt cho dân cho nước thì phải tuyên bố đảng Cộng sản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đi, để đưa đất nước ta phát triển theo tư bản với luật lệ của nó, chứ để tư hữu kiểu như thế này mang tiếng những người vô sản, suốt đời vì dân vì nước như tau."
Mà quả thật, chính ông ngoại tôi đã thương yêu , dặn dò mẹ tôi lúc ông còn sống: "Ba mua nhà cho các con, giữ lấy mà cho thuê cho mướn lấy tiền nuôi con học hành, đừng nghe theo người ta mà bán đi đầu tư này nọ, tụi bay xa ba đi theo cộng sản lâu rồi, không biết buôn bán gì rồi người ta lừa cho mất hết tiền đó".
Những năm tháng ba về hưu lúc tuổi đời còn khoẻ, ba chăm chỉ nuôi gia cầm, gà, vit, ngan, thỏ cho mẹ đem ra chợ bán lấy tiền sinh sống thêm.
Rồi không muốn để ba tôi quanh quẩn trong nhà bí bức, mẹ tôi đề nghị ba ra phụ giúp phường, quận, giúp cho giáo dục thế hệ trẻ, góp ý coi sóc an ninh phường khóm.
Ba đã được anh em và nhân dân trong phường, quận, rồi thành phố yêu thương vì sự công bằng, chính trực, giúp đỡ cho những gia đình có những khúc mắc trong chính trị và kinh tế. Mọi người còn yêu quí kính trọng ba hơn khi biết ba là nhân vật đã góp phần chấm dứt sớm cuộc chiến, giảm tổn thương vong và tàn phá.



Thành phố Hồ Chí Minh ngày nayBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

Những năm bệnh tật ngồi nhà không ra ngoài sinh hoạt được nữa, thấy mẹ hay đi sinh hoạt văn nghệ ở Nhà văn hoá lao động, có một số bạn bè đến chơi nói ra nói vào về mẹ với ba. Ba bảo bà nhà mình có năng khiếu văn nghệ từ nhỏ, những năm chiến tranh khổ quá, không thực hiện được, nay hoà bình rồi để bà ca múa cho vui. Và thế là mẹ tôi vừa làm chủ nhiệm câu lạc bộ, kiêm kế toán trưởng vừa kiêm diễn viên múa và ca sĩ cho đến năm 83 tuổi. Phát hiện ra bệnh ung thư mẹ mới nghỉ làm và ra đi thanh thản ở tuổi 85.

Tại sao Mỹ lại đánh nhau?

Sau khi tôi đã sang sinh sống ở nước ngoài, mỗi lần về Việt Nam thăm ba, những lúc tinh thần minh mẫn ba đều hỏi thăm tôi người Việt mình sống ở bên đó thế nào, có thành công và thích nghi với nước sở tại hay không?
Và cuối câu chuyện bao giờ ba cũng thắc mắc hỏi tôi mỗi một câu: "Tại sao Mỹ lại đánh nhau với mình thế hả con?" Tôi nghe xong chỉ biết rơi nước mắt thương ba và thương cho cả thế hệ cha anh.
Năm nay đánh dấu 45 năm nước Việt Nam được sống trong hoà bình, nhưng đâu đó mỗi gia đình Việt Nam đều có câu chuyện đau thương để kể.
Có những nỗi niềm vẫn cứ gợn lên trong lòng, dù bạn ở phía bên nào.
Tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với các chú, các anh tham gia cuộc chiến ở cả hai bên. Tất cả những người lính đó đều có nhận định như nhau, chiến tranh là tàn khốc và chết chóc, là con người phải suy nghĩ và hành động khác với nhân tính của mình để sống còn.
Gia đình tôi cũng như hàng triệu gia đình người Việt khác chịu những hậu quả của chiến tranh và chia cắt. Tôi kể câu chuyện của gia đình mình ra đây chẳng mong mỏi điều gì hơn ngoài việc làm sáng tỏ một vài sự kiện trong lịch sử.
Mong sao cho chính phủ và cộng đồng người Việt trong và ngoài nước luôn đoàn kết, hàn gắn những đau thương mất mát, để dân tộc và đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn và phát triển.
Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, bà Quỳnh Hoa, con gái đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam Bùi Văn Tùng. Bà tốt nghiệp Đại học Y dược thành phố HCM, hiện đang sống ở nước ngoài. BBC sẽ tiếp tục đăng các góc nhìn khác nhau về lịch sử Việt Nam giai đoạn này.

30/4/1975- BAO GIỜ NƯỚC MẮT CÓ THỂ 'LAY LÒNG GỖ ĐÁ'
HUY ĐỨC/ BVN 28-4-2020
Hai bức ảnh chụp cách nhau 13 năm, đều nói về ngày đoàn tụ của hai người tù, hai người cùng một mẹ Việt Nam, nhưng từng bị đặt ở hai bên chiến tuyến.
Trong hình ảnh có thể có: 5 người, mọi người đang đứng
Bức ảnh thứ nhất, chụp ở ga Hòa Hưng năm 1988. Người đàn ông râu tóc bạc phơ trong ảnh, được xác định, là Đại tá VNCH Nguyễn Công Vĩnh. Ông từ trại cải tạo theo đường xe lửa trở về, được vợ và anh trai (chứ không phải là con trai – theo một người thân của gia đình cho biết), ra sân ga đón [không rõ ai là tác giả bức ảnh tuyệt vời này].
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, ngoài trời
Bức ảnh thứ hai được nhà báo Lâm Hồng Long chụp ngày 4-5-1975, người đàn ông trong ảnh là Lê Văn Thức, tử tù Côn Đảo, khóc trên vai mẹ, bà Trần Thị Bính, quê ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông Thức được cài vào Quân lực VNCH, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Thủ Đức, được chính quyền Sài Gòn đưa đi học khóa “tình báo tác chiến” tại Malaysia. Về nước, với lon thiếu úy. Tháng 4-1968, Lê Văn Thức bị Tòa án binh vùng 4 chiến thuật tuyên tử hình vì tội “hoạt động nội tuyến cho Cộng sản”.
Đoàn tụ chắc chắn đều là mong ước của mọi gia đình. Nhưng họ khóc. Thật khó để nói, đó là những “giọt nước mắt vui” hay là những giọt nước mắt tức tưởi. Ngày 30-4-1975, gia đình thiếu úy Lê Văn Thức nằm trong số “triệu người vui”; gia đình đại tá Nguyễn Công Vĩnh nằm trong số “triệu người buồn”. Thật trớ trêu, cả hai sau đó đều không có ai được hưởng ân huệ của hòa bình cả. Đại tá Nguyễn Công Vĩnh bị đưa đi cải tạo suốt 13 năm. Chỉ cần nhìn những chiếc răng rụng của người vợ một thời xinh đẹp của ông, đủ thấy họ đã cơ cực thế nào kể từ khi “miền Nam giải phóng”.
Nhưng, nếu như giọt nước mắt ở ga Hòa Hưng năm 1988 của gia đình đại tá Nguyễn Công Vĩnh đã khép lại một bi kịch kéo dài hơn một thập niên. Thì, giọt nước mắt của mẹ con thiếu úy Lê Văn Thức lại mở ra những ngày buồn trước mắt. Bức ảnh mang lại cho nhà báo Lâm Hồng Long nhiều vinh quang nhưng không thể hóa giải tính khắc nghiệt của chiến tranh hằn lên nhân vật.
“Với lý lịch ‘thiếu úy ngụy’, kể từ ngày hòa bình trở về, Lê Văn Thức không được bố trí công tác mới. Mãi sau này, khi một cán bộ công tác ở UBND huyện Châu Thành, Bến Tre tình cờ đọc được những bài báo viết về nhân vật trong bức ảnh ‘Mẹ con ngày gặp lại’(1991), đã tìm đến nhà anh Thức phỏng vấn và viết bài ‘Viên thiếu úy mang bản án tử hình’ (đăng trên báo Đồng Khởi thứ Bảy). Nhiều người ở địa phương mới biết đến các hoạt động trong quá khứ của anh. Và các cơ quan chức năng mới nhiệt tình vào cuộc để rồi công nhận những đóng góp, hy sinh có thực của Lê Văn Thức”[Theo Hoàng Bình Minh, báo CAND].
Mấy hôm nay, chương trình thời sự của VTV vẫn như 45 năm qua, sắp tới 30-4 là xe tăng, pháo lớn lại nổ đinh tai nhức óc. Hơn 15 năm trước, Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mất vợ và 3 người con trong chiến tranh, đã phải đi một vòng các tỉnh miền Tây, gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo, nhà báo địa phương, ông gần như khẩn thiết kêu gọi họ đừng kỷ niệm 30-4 theo cách làm cũ nữa; đừng tiếp tục nã xe tăng đại bác vào quá khứ.
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi, bàn, trong nhà và món ăn
Cuối năm ấy, 2004, ông trả lời tuần báo Quốc Tế, số Xuân: “Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”.
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi, mọi người đang ăn, bàn, trong nhà và món ăn
Hàng chục nghìn bản số báo Xuân đã in của tuần báo Quốc Tế, phải đình lại, bóc bài… Mãi tới 31-3-2005, quan điểm này của ông Võ Văn Kiệt về cuộc chiến trước 30-4-1975 mới được đưa ra công chúng.
Cũng năm ấy, trước 30-4-2005, Thành ủy TP HCM gửi cho ông Võ Văn Kiệt “Dự thảo diễn văn” Bí thư Thành ủy đọc tại Lễ kỷ niệm “30 năm ngày giải phóng miền Nam”. Ông vô cùng thất vọng vì bài diễn văn vẫn lặp lại những ngôn từ sáo mòn, công thức; vẫn xe tăng, vẫn đại bác… tiếp tục nã vào người anh em.
Đã 15 năm qua, tuy liều lượng có bớt đi nhưng cách tiếp cận của bộ máy tuyên truyền vẫn không thay đổi.
Trong hình ảnh có thể có: văn bản
Khi nghĩ về ngày kết thúc chiến tranh, cả Trịnh Công Sơn và Văn Cao đều khá lạc quan. Trịnh Công Sơn tưởng rằng, những “giọt nước mắt vui” có thể “lay lòng gỗ đá”. Văn Cao cũng hy vọng, nước mắt “sưởi ấm đôi vai anh”. Và ông tưởng: “Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người…” Sự khác nhau giữa Văn Cao và Trịnh Công Sơn, có lẽ ở chỗ, với một tâm hồn đầy trắc ẩn như Văn Cao, cho dù thốt ra như vậy, nhưng các dự cảm buồn vẫn ám ảnh từng phách, nhịp trong “Mùa Xuân Đầu Tiên” của ông.
Bao giờ, quê hương tôi mới hết những giọt nước mắt tức tưởi; bao giờ mới thực sự có “những giọt nước mắt vui”; bao giờ lòng người Bên Thắng Cuộc mới thôi gỗ đá.
H.Đ.
Nguồn: FB Truong Huy San 
30 THÁNG TƯ - NGÀY NÓI THẬT
ĐỖ THÀNH NHÂN/ BVN 29-4-2020
Từ sau năm 1975, cứ đến ngày 30 tháng Tư là chính quyền cả nước tổ chức làm lễ kỷ niệm “ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, tùy năm tròn, chẳn lẻ mà quy mô lớn nhỏ khác nhau.
Sau khi câu nói của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 2004 “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn” được báo chí đăng tải, thì nhiều người nhìn nhận lại ngày 30 tháng Tư.
Rõ ràng ngày 30/4/1975 không thể quên được trong lịch sử, nhưng phải gọi là ngày gì để không gợi lại những đau thương, chia rẽ của dân tộc đã từng đoàn kết giữ nước suốt chiều dài với hơn 4000 năm lịch sử.
(Hình: ngày 30/4/1975 không thể quên được trong lịch sử, nhưng phải gọi là ngày gì để không gợi lại những đau thương, chia rẽ của dân tộc)
30 tháng Tư: là ngày gì?
Khi mạng xã hội phát triển có nhiều người còn đặt vấn đề và tranh luận công khai nên gọi “ngày 30 tháng Tư” là ngày gì cho phù hợp. Tổng hợp một số ý kiến trên mạng xã hội vào bài viết này:
1. Ngày GIẢI PHÓNG
Khái niệm “giải phóng” thì hơi bị mơ hồ. Giải phóng cái gì, ai giải phóng ai; chẳng lẽ nói miền Bắc giải phóng miền Nam?
Từ khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam 1973 đến trước 11 giờ ngày 30/4/1975 miền Nam là một chính thể độc lập, có bị nô lệ ai đâu mà phải cần giải phóng.
Còn sau ngày “giải phóng” đến nay: các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục… hai miền Nam – Bắc, miền nào thay đổi (theo bên kia) nhiều hơn: để xác định chủ thể và đối tượng “giải phóng” đúng với ý nghĩa ngôn ngữ.
2. Ngày THỐNG NHẤT
Gọi là ngày “thống nhất” thì cũng rất khiên cưỡng, bởi lẽ:
- Về địa lý: non sông Việt Nam chưa thực sự thuộc về cho dân tộc Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa vẫn còn bị Trung Quốc chiếm giữ.
- Về chính trị: miền Nam là của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lật đổ Chính phủ đương nhiệm Việt Nam cộng hòa. Còn miền Bắc thuộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đến ngày 25/4/1976, họp Quốc hội sáp nhập và đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam như ngày nay.
- Về con người: bắt đầu cho một thời kỳ ly tán, di dân lớn nhất trong lịch sử dân tộc; hàng triệu người từ Nam ra Bắc tìm cách rời bỏ đất nước. Và thế giới có thêm từ “thuyền nhân – boat people” xuất phát từ Việt Nam.
3. Ngày HÒA BÌNH
Ngày 30/4/1975 chỉ chấm dứt bắn giết nhau giữa người Việt với người Việt.
Đất nước lại tiếp tục cuộc chiến trường kỳ với người láng giềng bành trướng phương Bắc. Mở đầu là “chiến tranh biên giới Tây Nam 1975” (Google), tiếp đến là “chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979”.
Hòa bình sao được, khi ngày 5/3/1979 Chủ tịch nước kêu gọi tổng động viên. Sinh viên học quân sự để sẵn sàng cầm súng. Sau lũy tre làng bình yên là những người mẹ vật vã khóc khi nhận tin báo tử của con trai yêu quý. Thậm chí, đến ngày 14/3/1988 Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma làm 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh.
Đến nay đất nước chấm dứt chiến tranh, nhưng vẫn chưa thực sự có hòa bình !
4. Ngày HỮU NGHỊ
Có một số người đề nghị lấy ngày 30 tháng Tư là ngày “hữu nghị”, vì hết chiến tranh Việt Nam mở ra một thời kỳ mới, làm bạn với tất cả các nước: cũng không đúng.
Sau ngày 30/4/1975 “đồng chí em” Pol Pot láng giềng đánh hướng Tây Nam, rồi tiếp đến bị đồng chí anh Đặng Tiểu Bình mang 60 vạn quân “dạy cho một bài học” suốt dọc biên giới phía Bắc. Ngay cả các nước trong khu vực Asean cũng không quan hệ ngoại giao; bị Mỹ và các nước phương tây cấm vận.
Thì làm sao gọi là “hữu nghị” được.
6. Ngày ĐỘC LẬP
Có ý kiến cho rằng: 30/4/1975 đã sạch bóng “quân xâm lược” nên gọi là ngày độc lập là không ổn. Đến năm 1975 có quân xâm lược nào đâu, mà chỉ có người Việt đánh với nhau.
Nếu vậy thì lấy ngày ký Hiệp định Paris 27/01/1973 hoặc ngày chính thức quân đội Mỹ chính thức rút hết khỏi Việt Nam 29/3/1973 làm ngày độc lập.
Tuy nhiên đã có ngày độc lập là ngày 2/9/1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa rồi. Ngoài ra còn thêm một chọn lựa nữa là ngày 11/3/1945: Thủ tướng Trần Trọng Kim tuyên cáo thành lập Chính phủ Đế quốc Việt Nam của nước Việt Nam độc lập.
Do đó, ngày 30/4/1975 không thể là ngày “độc lập”.
7. Ngày TỰ DO
Có người đề xuất chọn ngày 30 tháng Tư làm ngày tự do.
Có tự do không, khi hàng trăm ngàn người sau đó phải tập trung “cải tạo” để tẩy não. Con người sống trong xã hội cái gì cũng phải làm “đơn xin…”: xin đi học, xin việc làm, xin lương thực, xin tạm trú / tạm vắng,… Có “cái xin” còn thua cả thú vật, đó là quyền hôn phối để duy trì nòi giống rất tự nhiên nhưng cũng phải làm “đơn xin đăng ký kết hôn”, cán bộ nhà nước phải làm “đơn xin cưới vợ / xin tìm hiểu…” (đến sau 1990) !
Ngày 30/4/1975, đã có thực sự “tự do” chưa, khi mãi đến năm 2013 Hiến pháp mới dè dặt bổ sung phần riêng về “quyền con người, quyền công dân”.
8. Ngày HÒA GIẢI
Gần đây, có người muốn lấy 30 tháng Tư làm ngày “hòa giải”, cũng “lợn cợn” những hạt sạn. Khởi điểm của nó là ngày 30/4/1975 – hai bên đánh nhau một mất, một còn. Ngày mà bắt đầu bên thắng thì trả thù, hạ nhục bên thua; bên thua mất tất cả, mang danh xưng “ngụy”, uất hận đến thế hệ sau.
Ngày 30 tháng Tư mà làm ngày hòa giải, chẳng khác nào bắt người ta phải nhở lại nguyên nhân gây ra sự bất hòa; ngày mà bắt đầu của sự phân ly, chia cách lòng người.
Điều lẽ ra phải quên đi thì lại khơi dậy!
9. Những tên ngày khác
Ngoài đặt tên ngày 30 tháng Tư những từ nói trên, còn nhiều đề xuất khác như: ngày hòa hợp, ngày nô lệ, ngày quốc hận, ngày đen tối,… Nói chung đều không chuẩn, phân tích dưới nhiều góc độ thì người này, người kia không thể chấp nhận được.
Đề xuất: 30 tháng Tư – NGÀY NÓI THẬT
Thế giới có ngày 1 tháng Tư là Ngày nói dối (Cá tháng Tư), mọi người được quyền bốc phét, nói dối để gây cười, để xả strees; thậm chí có đài phát thanh còn tuyên bố chiến tranh: dù nói dối, có khi bị lừa nhưng mọi người vẫn vui vẻ và được tha thứ.
Xã hội đang dối trá, nghi ngờ nhau quá nhiều, sự dối trá len lỏi vào cả trong nhà trường để đào tạo ra thế hệ nối tiếp thế hệ dối trá. Đề xuất có một ngày nói thật với quy ước: hoặc không nói, hoặc nói phải là sự thật và người nói thật không bị mang tội.
Tại sao nói dối được tha thứ mà nói thật lại mang tội? Đầu tháng 4 là Ngày nói dối, chọn ngày cuối tháng 4 là Ngày nói thật.
Nếu ngày 30 tháng Tư là “Ngày nói thật” sẽ kết thúc chuỗi ngày nói dối bắt đầu tư ngày 01. Đến ngày đó mọi người được quyền nói lên sự thật, những oan trái uất ức, những bất công cường quyền.
Người dân được quyền nói ra sai phạm của lãnh đạo, con cái được quyền góp ý với cha mẹ, học trò được quyền chỉ ra lỗi sai của thầy cô, v.v… tất cả mọi sự thật đều được tôn trọng và không bị trừng phạt, như là bị gọi là: mất dạy, hỗn hào, nói xấu lãnh đạo.
Dân tộc nào muốn: thống nhất, hòa bình, hữu nghị, hòa giải,… với nhau được, thì trước hết phải thật tâm, thật lòng, phải được nói thật với nhau trước.
Vì vậy, nên chọn ngày 30 tháng Tư là NGÀY NÓI THẬT.
- Khi đã được nói thật, có nghĩa là được tự do (dù mới chỉ có 1 ngày).
- Khi nói thật với nhận thức của mình, thì có nghĩa là được độc lập tư duy.
- Khi nói thật, không còn dối trá mới nhau thì mới mong có hòa bình ổn định, hòa giải những vướng mắc để rút ngắn khoảng cách và hướng đến sự thống nhất….
Nếu ngày 30 tháng Tư được là NGÀY NÓI THẬT,
Thì ngày 30 tháng Tư năm nay người miền Nam sẽ tự hào đã từng là công dân của một quốc gia độc lập mang tên Việt Nam cộng hòa; không còn tự ti là “ngụy” hay có ông, cha từng là “ngụy”. Nhiều người dân hai miền Nam Bắc không muốn thấy cảnh ảnh em bắn giết nhau nữa; mà sẽ cùng nắm tay nhau hát bài “nối vòng tay lớn”(*) để thống nhất lòng người rồi thống nhất giang sơn, “Biển xanh sông gấm nối liền một vòng Việt Nam”(*)
Mong lắm: ngày 30 tháng Tư được là NGÀY NÓI THẬT KHÔNG BỊ TRỪNG PHẠT.
Khi đó nhắc tới ngày 30 tháng Tư sẽ có hàng triệu người vui và không còn hàng triệu người buồn như nỗi niềm của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đ.T.N.
________
(*) Bản nhạc “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn.
PS. Tác giả người miền Nam, trong gia đình 3 thế hệ nội ngoài đều có người tham gia Cộng sản và Cộng hòa.
Tác giả gửi BVN
NHỮNG SUY NGHĨ CỦA MỘT NGƯỜI 'BÊN THUA CUỘC'
LÂM VĨNH TH/ BVN 29-4-2020
Hàng năm cứ đến ngày 30-4, người Cộng sản lại tổ chức lễ mừng chiến thắng vinh quang của năm 1975, và người Việt hải ngoại lại tổ chức tưởng niệm Ngày Quốc Hận khiến họ phải bỏ nước ra đi. Cùng một sự kiện nhưng rõ ràng có hai cách nhìn trái hẳn nhau. Ở trong nước, trong rất nhiều gia đình, hai cách nhìn này đều có hết, và người ta cứ phải sống chịu đựng nhau như vậy chứ không có cách nào giải quyết được mâu thuẫn này. Và như thế trong 45 năm rồi. Chả trách ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã phải nói ra câu nói bất hủ sau đây về ngày 30-4: “Đây là ngày có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn”.
Năm 2012, tác giả Huy Đức cho xuất bản tập sách “Bên thắng cuộc”. Với tựa đề như vậy, tác giả đã dứt khoát xác định “ai thắng ai thua” rất rõ ràng. Bên Cộng sản, tức là miền Bắc, là bên thắng cuộc, và bên Quốc gia, tức là miền Nam, là bên thua cuộc. Thế nhưng, ngay trong phần mở đầu, đề tựa là “Mấy lời của tác già”, tác giả lại viết như sau: “Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975 – ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc”. Là một người miền Nam, tôi chấp nhận là mình thuộc về “bên thua cuộc”. Tôi không hãnh diện gì với nhận xét trên đây của tác giả Huy Đức, vì, suy cho cùng, chuyện “ai giải phóng ai”, nếu có đúng như Huy Đức ghi nhận, thì cũng là chuyện “xảy ra sau khi chúng ta, những người Quốc gia ở miền Nam, đã thua cuộc rồi”. Nhớ lại chuyện mấy trăm năm trước ở bên Trung Hoa: người Hán dù cho có hãnh diện vì họ đã Hán hóa được người Mãn đi nữa thì họ cũng bị người Mãn thống trị gần 300 năm. Người Quốc gia ở miền Nam chắc không nên tự hào đã “giải phóng” được người Cộng sản ở miền Bắc và chấp nhận bị Cộng sản thống trị thêm 255 năm nữa.
Những suy nghĩ mà tôi ghi ra sau đây là của một người thuộc về phía “bên thua cuộc” trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, 1954-1975. Tôi xin nói ngay là, không giống như những gì tôi đã từng viết ra trước đây luôn luôn được ghi chú rất rõ ràng vì đó là những công trình thuộc loại nghiên cứu, những suy nghĩ lần này, tuy cũng xuất phát từ kiến thức thu thập được từ những công trình biên khảo đúng đắn, được ghi ra một cách tự nhiên theo dòng suy nghĩ, hoàn toàn không bận tâm về việc ghi chú xuất xứ theo lối kinh viện.
Suy nghĩ đầu tiên của tôi là về bản chất và tên gọi của cuộc chiến. Miền Bắc xem đây là một cuộc “chiến tranh giải phóng”, giải phóng miền Nam khỏi Đế quốc Mỹ và chủ nghĩa thực dân mới. Miền Nam thì xem đây là một cuộc “chiến tranh tự vệ” có chính nghĩa để chống lại xâm lược do miền Bắc gây ra, nhằm thôn tính miền Nam để áp đặt chủ nghĩa Cộng sản lên cả nước Việt Nam. Một số người miền Nam cũng xem đây là một cuộc “nội chiến huynh đệ tương tàn”, giống như thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, như Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đưa vào bản nhạc “Gia tài của Mẹ” của ông: “hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Người Mỹ thì gọi nhiều cách khác nhau: khi thì là “Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhì” (Second Indochina War), khi thì là “Tranh chấp Việt Nam” (Vietnamese Conflict) khi thì là “Chiến tranh Việt Nam” (Vietnam War) mà họ chỉ đến để giúp miền Nam chống lại ý đồ thôn tính của miền Bắc; điều này rõ nét nhứt là dưới thời Tổng thống Nixon khi ông áp dụng chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”. Những người có tầm nhìn rộng hơn, quốc tế hơn thì cho rằng đây là một cuộc “chiến tranh ý thức hệ” giữa hai phe Tư bản (hay Tự do) và phe Cộng sản. Cũng có người trong nhóm này gọi đó là một cuộc “Chiến tranh Ủy nhiệm” (Proxy war), miền Bắc đánh thay cho phe Cộng sản, và miền Nam đánh thay cho phe Tư bản. Dĩ nhiên, những nhóm người này đều có những luận cứ mà họ tin là đứng đắn để chứng minh cho cái nhìn và nhận định của họ về cuộc chiến. Bản thân tôi cũng không thể đi ra ngoài điều này. Tôi cũng có những luận cứ mà tôi cho là đúng đắn để biện minh cho cái nhìn của tôi. Và cái nhìn đó là như sau.
Trước hết tôi hoàn toàn bác bỏ cái gọi là “Chiến tranh Giải phóng”. Lý do thật đơn giản mà cũng thật rõ ràng bởi vì nhân dân miền Nam Việt Nam, tức là những người sinh sống và làm việc trong chính thể Việt Nam Cộng hòa, hoàn toàn không có nhu cầu cần được giải phóng gì hết. Trong suốt thời gian 20 năm của cuộc chiến, nơi nào quân Cộng sản tiến chiếm thì dân chúng đều bỏ chạy, không hề có việc người dân cam tâm ở lại để được Cộng sản giải phóng cả. Trận Tết Mậu Thân 1968, Trận Mùa Hè đỏ lửa 1972, ngay cả Trận Tổng tấn công 1975, với số người tỵ nạn lên đến hàng triệu người, đã quá đủ để nói lên sự thật này rồi. Và sau ngày 30-4-1975, khi mà cả nước đã được “hoàn toàn giải phóng”, việc hàng triệu người chấp nhận mất tất cả, kể cả sinh mạng của mình, bỏ nước ra đi (một hiện tượng chưa từng có trong suốt lịch sử hàng ngàn năm của đất nước và dân tộc) là một bằng chứng hùng hồn cho sự thật là người dân miền Nam thà chết chớ không không chịu để cho Cộng sản “giải phóng” họ. Các tên gọi còn lại của cuộc chiến, theo tôi nghĩ, đều có phần đúng, tùy theo cách thức và góc độ của người nhìn.
Đặt tên cho một cuộc chiến tranh là một chuyện rất quan trọng vì nó là bước khởi đầu cần thiết để thiết lập một chiến lược thích ứng để có thể tiến tới chiến thắng sau cùng. Miền Nam và đồng minh là Hoa Kỳ đã không làm được điều này. Trong nội bộ chính trường miền Nam, chúng ta không thống nhứt được cách nhìn về cuộc chiến nên hoàn toàn không có được một chiến lược đúng đắn cần có, đó là chưa nói đến việc chính quyền miền Nam quá phụ thuộc vào Hoa Kỳ nên không dễ gì có được một chiến lược nào hoàn toàn độc lập với chiến lược của Hoa Kỳ. Tôi tin chắc là mọi người vẫn còn nhớ vụ Tướng Nguyễn Khánh tuyên bố đòi “Bắc Tiến” vào tháng 7-1964 nhưng Hoa Kỳ không ủng hộ nên sau cùng phải dẹp bỏ chủ trương đó. Không lực VNCH, lúc đó do Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Tư lệnh, đã thực hiện hằng chục phi vụ Bắc phạt rồi cũng thôi. Đồng minh Hoa Kỳ của chúng ta cũng vậy, vì thay đổi cách nhìn liên tục nên chiến lược cũng không thể nhất quán. Người dân VNCH, và dân chúng các nước trên thế giới, ai cũng đã nhìn thấy rõ sự thay đổi cách nhìn này của người Mỹ về Chiến tranh Việt Nam: “sau khi đã Mỹ hóa nó trong thời gian 1965-1968 -báo chí Mỹ đã gọi nó là Johnson’s War, McNamara’s War – mà vẫn không thay đổi được cục diện họ đã chuyển sang Việt-Nam-hóa nó, chuyển giao gánh nặng lại cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) và tháo chạy. Ngược lại, Cộng sản Bắc Việt, tuy cách nhìn cuộc chiến không đúng (như đã bàn ở trên) nhưng lại nhất quán, từ trước đến sau không bao giờ thay đổi, nên chiến lược “chiến tranh nhân dân” mà họ đề ra cho thích hợp với “chiến tranh giải phóng” được họ thực hiện, duy trì và phát huy đến mức hiệu quả tối đa từ đầu cho đến cuối. Tuy nhiên, sự thất trận của miền Nam ngày 30-4-1975 thì hoàn toàn không mắc mớ gì đến cái gọi là “chiến tranh nhân dân” đó cả. Miền Nam đã thua và phải chấp nhận đầu hàng vì lực lượng quân sự chính quy của miền Bắc, vào thời điểm đó, đã vượt hẳn QLVNCH về mọi mặt, về con số các sư đoàn tác chiến, và luôn cả các khía cạnh trang bị và tiếp vận. Miền Nam thua cuộc, trước hết, là vì lý do đó: cán cân lực lượng quân sự, vào năm 1975, đã nghiêng hẳn về phía Cộng sản. Từ sự kiện này, bài học lớn cho các nhà lãnh đạo của miền Nam là: có chính nghĩa chưa chắc đã là một điều kiện tất thắng trong một cuộc chiến tranh tự vệ. Thật ra đây cũng không phải là một chuyện mới mẻ gì cả. Trong suốt mấy thế kỷ Nam Tiến của tổ tiên chúng ta, các dân tộc Chiêm Thành và Chân Lạp đều có chính nghĩa nhưng tất cả đều bị bại vong. Miền Bắc tuy không có chính nghĩa nhưng bù lại họ có quyết tâm cao, họ chấp nhận (hay nói cho đúng, họ cưỡng ép nhân dân miền Bắc phải chấp nhận) mọi hy sinh, gian khổ, nhứt quyết chiếm cho được miền Nam. Họ lại có được bè bạn tốt, hết lòng và kiên nhẫn giúp đỡ họ cho đến cùng. Ngược lại, miền Nam hoàn toàn trông cậy vào bạn đồng minh Hoa Kỳ nhưng người bạn này không những không hoàn toàn thực lòng giúp đỡ (đánh giặc mà không có chủ trương phải thắng) mà còn không có đủ kiên nhẫn đi đến cùng. Bản chất cao bồi, xốc nổi, thiếu kiên nhẫn này của người dân và Chính phủ Mỹ ngày nay cả thế giới đâu còn lấy làm lạ nữa, nhứt là qua hai cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ đã tham gia gần đây tại Iraq và Afghanistan. Sự trở cờ, phản bội trắng trợn của Quốc Hội Mỹ, dưới quyền kiểm soát của Đảng Dân chủ, trong các năm 1974 và 1975, cắt giảm và đi đến cắt bỏ hoàn toàn quân viện cho VNCH, đã là tác nhân chính đưa đến sự thất bại về quân sự của miền Nam.
Theo cách suy nghĩ và nhận định của tôi, cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam phải và nên được xem là một cuộc chiến tranh xâm lược mang màu sắc ý thức hệ. Định nghĩa này có hai vế: “chiến tranh xâm lược” và “mang màu sắc ý thức hệ”. Vế thứ nhứt thì tương đối đơn giản, dễ hiểu, và hoàn toàn không xa lạ với dân tộc Viêt Nam. Đất nước ta đã trãi qua quá nhiều những cuộc chiến tranh thuộc loại này. Gọi nó là “chiến tranh xâm lược” vì rõ ràng cuộc chiến xảy ra trên lãnh thổ của một quốc gia (tức là miền Nam Việt Nam hay Việt Nam Cộng hòa, một quốc gia được 87 nước trên thế giới công nhận và có liên lạc ngoại giao) và thực hiện chủ yếu bởi một lực lượng vũ trang đến từ bên ngoài lãnh thổ đó, từ một quốc gia khác (tức miền Bắc Việt Nam, hay Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; lực lượng quân sự của Việt Cộng, tức là Mặt trận Giải phóng miền Nam, hoàn toàn không có khả năng “giải phóng” được miền Nam, như chúng ta đã thấy rõ trong Trận Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968). Tuy nhiên, cuộc chiến tranh xâm lược lần này không giống như những cuộc chiến tranh xâm lược trước đây, nó không đơn giản chút nào, và kẻ địch mà chúng ta đương đầu cũng không phải là bọn ngoại tộc dễ dàng nhận ra. Do đó trong định nghĩa của cuộc chiến phải cần đến vế thứ nhì là “mang màu sắc ý thức hệ”. Trong cuộc chiến này, chính vì ý thức hệ mà những người anh em cùng một giòng máu ở hai bên chiến tuyến đã trở thành kẻ tử thù của nhau. Chính ý thức hệ đã nhồi nhét vào đầu óc của những người anh em cầm súng bên kia chiến tuyến sự cuồng tín rằng những chiến sĩ của QLVNCH của miền Nam, là một bọn “ngụy quân”, một bọn phản quốc, một bọn đầy tớ của ngoại bang, một bọn bán nước cần phải được tiêu diệt, để giải phóng miền Nam khỏi bọn thực dân mới đó. Cũng chính ý thức hệ đó đã nhồi nhét vào đầu óc của những người dân sống phía Bắc vĩ tuyến 17 (từ sau tháng 7-1954 đến ngày 30-4-1975) niềm tin tuyệt đối rằng nhân dân miền Nam đang bị cưỡng bức, chà đạp, sống đói khổ dưới sự thống trị của ngoại bang và cần phải được giải phóng. Những suy nghĩ và tin tưởng này chỉ được xóa sạch sau khi “miền Bắc được giải phóng”, như nhà báo Huy Đức đã nhận xét trong tác phẩm “Bên thắng cuộc”. Trong khi miền Bắc đặt nặng vấn đề ý thức hệ như thế thì miền Nam thế nào ? Bề ngoài thì chúng ta cũng có vẻ coi trọng vấn đề ý thức hệ này. Trong suốt thời gian 21 năm, 1954-1975, miền Nam luôn luôn chủ trương chống Cộng, tự xem mình là một tiền đồn của Thế giới Tự do. Như vậy, theo lý thuyết, chế độ của miền Nam phải đối nghịch hoàn toàn với chế độ độc tài, độc đảng của miền Bắc, hay nói cách khác, phải là một chế độ hoàn toàn dân chủ, tự do và đa đảng. Sự thật không phải hoàn toàn như vậy. Trong suốt thời gian gần 20 năm hiện hữu (từ ngày 26-10-1955 đến ngày 30-4-1975), Việt Nam Cộng hòa chưa bao giờ hoàn toàn thật sự là một chế độ tự do và dân chủ. Và chính vì thế luôn luôn có những phần tử chống đối, vô tình hay cố ý làm lợi cho miền Bắc. Miền Nam, cho đến khi bị miền Bắc “giải phóng”, luôn luôn ở trong thế giặc ngoài, thù trong. Miền Nam đã thua cuộc không phải chỉ vì nguyên nhân khách quan là bị “Đồng Minh tháo chạy bỏ rơi” mà còn do rất nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó quan trọng nhứt là đã không có được một ý thức hệ mang tính chất đối lập với ý thức hệ Cộng sản và nhứt quán để tạo sự đoàn kết của toàn thể nhân dân miền Nam. Do sự đàn áp chính trị của các chính quyền liên tiếp ở miền Nam, một bộ phận không nhỏ của các thành phần tiến bộ, chủ trương tự do dân chủ, chống bất công, tham nhũng, đã dần dà xa lánh, không cộng tác và sau đó trở thành chống đối chính quyền, và sau cùng rơi vào quỹ đạo của miền Bắc, tiếp tay miền Bắc trong việc đánh đổ chế độ Cộng hòa tại miền Nam. Rất nhiều những người trong các thành phần này, ngay sau năm 1975, và về sau này, càng ngày càng nhiều, đã thấy rõ là họ đã thật sự đi sai đường, “trao duyên lầm tướng cướp”, nhưng tất cả những “sám hối” này đều đã quá muộn.
Một thiếu sót trầm trọng nữa về chiến lược của chính quyền VNCH trong suốt thời gian cuộc chiến là đã không có được một quốc sách thật sự thể hiện được một cách đầy đủ và quyết liệt mối quan tâm cần thiết, đúng mức và hàng đầu đối với nông thôn. Công bằng mà nói thì trong thời gian của cả hai nền Cộng hòa, chính quyền VNCH đều có những chương trình về nông thôn, nhưng điều đáng tiếc là các chương trình quan trọng này đều không được thực hiện đến nơi đến chốn. Lại nữa, có thể nói là sự quan tâm đối với nông thôn của các giới lãnh đạo VNCH không có chiều sâu, mà chỉ rất là hời hợt. Do đó, sự yểm trợ tuyệt đối cho nông thôn chưa bao giờ được thể hiện. Về phương diện an ninh lãnh thổ, trong thời gian Đệ nhất Cộng hòa, chương trình Ấp Chiến Lược, với mục tiêu cô lập và thanh toán các nhân sự Cộng sản ở hạ tầng cơ sở, là một chiến lược rất đúng đắn, nhưng khi thực hiện, vì thiếu sự chuẩn bị chu đáo cũng như thiếu phần giải thích đầy đủ, nhằm thuyết phục nông dân, lại bị các cấp chính quyền địa phương lợi dụng cơ hội, tham nhũng, thu vén, đã tạo ra bất mãn trầm trọng trong dân chúng. Và, dĩ nhiên, Việt cộng thì dứt khoát tìm đủ mọi cách để phá hoại chương trình này. Sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, chương trình Ấp Chiến Lược bị loại bỏ và thay thế bằng các chương trình vá víu khác như Ấp Đời Mới (1964), Ấp Tân Sinh (1965) nhưng không đi tới đâu. Sang thời Đệ nhị Cộng hòa, chính quyền VNCH cũng đã đề ra một loạt các chương trình cho nông thôn như: chương trình Bình định, Xây dựng Nông thôn với cả một trung tâm huấn luyện cán bộ xây dựng nông thôn lớn ở Vũng Tàu, nhưng không thu hoạch được kết quả tốt vì không được các cấp chỉ huy quân sự tại địa phương yểm trợ đúng mức. Chương trình Phượng Hoàng, với mục tiêu nhằm tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Việt Cộng, đã đạt được kết quả rất đáng kể trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó bị giảm thiểu, không còn được Hoa Kỳ yểm trợ tích cực nữa vì bị tai tiếng là giết oan nhiều người vô tội. Để lôi kéo nông dân về phía mình, chính quyền VNCH đã thiết lập hai chương trình sở hữu hóa đất đai cho nông dân: Chương trình Cải cách Điền địa của Đệ nhứt Cộng hòa và Chương trình Người cày có ruộng của Đệ nhị Cộng hòa. Cả hai chương trình này, nhứt là Chương trình Người cày có ruộng, đều đã đạt được kết quả rất khả quan, nhưng vẫn không hoàn tất được mỹ mãn vì mức độ gia tăng ác liệt của chiến tranh cũng như vì sự phá hoại liên tục và quyết liệt của phe Cộng sản. Nông thôn miền Nam, vì vậy, vẫn tiếp tục là hậu phương vững chắc của Cộng sản, cung cấp tất cả nhân lực, tài lực và vật lực cần thiết cho chúng.
Không những không có được một ý thức hệ đúng đắn để làm nền tảng vững chắc cho thể chế, VNCH còn không có được những nhà lãnh đạo có đầy đủ khả năng chính trị, thật tâm yêu nước, thương dân và sẵn sàng hy sinh quyền lợi của bản thân, gia đình và đảng phái của mình cho quyền lợi của đất nước và dân tộc. Thời Đệ nhất Cộng hòa, trong khoảng 1954-1960, chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự ủng hộ rất mạnh mẽ của Hoa Kỳ, đã tạo được sự ổn định chính trị cần thiết và nhờ vậy đã đặt được những nền móng rất tốt cho việc phát triển kinh tế-xã hội, và văn hóa-giáo dục. Nhưng vô cùng đáng tiếc, về phương diện chính trị, chế độ đã đi chệch đường, càng ngày càng lún sâu vào con đường độc tài, độc đảng, và tôn sùng cá nhân quá đáng. Sự bất mãn trong dân chúng miền Nam càng ngày càng rõ nét. Mặc dù đã có những dấu hiệu cụ thể về sự bất mãn này nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn làm ngơ, không chịu cải tổ. Ngày 26-4-1960, một nhóm gồm 18 vị nhân sĩ, trí thức tiến bộ (đa số là các vị đã từng tham chính trong chính quyền Ngô Đình Diệm) đã trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm một bản thỉnh nguyện, nêu rõ những nhược điểm của chế độ và yêu cầu chính phủ cải tổ (về sau báo chí gọi là Nhóm Caravelle). Ngày 11-11-1960, một cuộc đảo chánh quân sự do lực lượng Nhảy dù tổ chức diễn ra tại Sài Gòn nhưng thất bại. Ngày 27-2-1962 đã xảy ra việc ném bom Dinh Độc Lập của hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần khuyến cáo Chính phủ VNCH nên cải tổ, mở rộng thành phần chính phủ nhưng tất cả đều bị bác bỏ. Ngoài ra chúng ta cũng không nên quên sự kiện là vào tháng 2-1963, sau khi chế độ nhà Ngô không còn được Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ nữa, chính ông Ngô Ðình Nhu đã bí mật đi gặp Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị của Cộng sản Bắc Việt tại rừng Tánh Linh, thuộc tỉnh Bình Tuy, để chuẩn bị bắt tay với phe Cộng sản trong việc hiệp thương giữa 2 miền Nam Bắc, xoay 180 độ trong chủ trương Chống và Diệt Cộng của Chính phủ Ngô Ðình Diệm vào lúc đó. Cơ quan CIA của Hoa Kỳ cũng biết được điều này và chính điều này cũng đã tạo thêm một lý do nữa cho Mỹ quyết định lật đổ chế độ nhà Ngô. Mùa Hè 1963 xảy ra vụ khủng hoảng Phật giáo. Đây là giọt nước tràn ly. Ngày 1-11-1963, các tướng lãnh của QLVNCH, có được sự ủng hộ ngầm của Hoa Kỳ, đã tiến hành đảo chánh quân sự, lật đổ chế độ, và chấm dứt nền Đệ nhất Cộng hòa. Một cơ hội rất tốt với rất nhiều triển vọng tốt đẹp để xây dựng một chế độ tư do dân chủ cho miền Nam đã bị đánh mất.
Từ cuối năm 1963 cho đến cuối năm 1967, VNCH đã trải qua một giai đoạn vô cùng xáo trộn về chính trị, miền Nam có nguy cơ bị mất vào tay Cộng sản, khiến cho Hoa Kỳ phải nhảy vào, trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến, để cứu vãn tình hình quân sự lúc đó. Trong suốt thời gian xáo trộn này, giới lãnh đạo VNCH, cả quân sự và chính trị, đã cho thấy rõ những nhược điểm của họ: không có khả năng chính trị để ổn định tình thế, không thật sự vì nước vì dân, mà chỉ biết tranh giành quyền lợi cá nhân và đảng phái. Hiến pháp 1967 đã chấm dứt được giai đoạn xáo trộn chính trị này, nhưng lại đưa đất nước vào một giai đoạn độc tài quân phiệt. Ðệ nhị Cộng hòa được khai sinh với Hiến pháp 1967 vì áp lực của Hoa Kỳ chứ không phải do lòng thành thật của các tướng lãnh. Ðể tránh lập lại chuyện xung đột trong nội bộ của phe quân nhân (thể hiện qua các cuộc đảo chánh liên tục, như trong thời gian 1963-1967), các tướng lãnh đã tạo áp lực rất mạnh để hai tướng Thiệu và Kỳ phải hủy bỏ liên danh riêng của họ và đứng chung trong một liên danh với ông Thiệu là Tổng thống và ông Kỳ là Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên năm 1967. Và để cho ông Kỳ vui vẻ chấp nhận vai trò Phó Tổng thống, các tướng lãnh còn đi xa hơn, bí mật làm một việc hoàn toàn trái Hiến pháp 1967 là ký với nhau một mật ước vi hiến theo đó, sau bầu cử, ông Thiệu chỉ làm Tổng thống trên danh nghĩa mà thôi với ông Kỳ tiếp tục nắm trọn quyền hành. Dĩ nhiên, sau khi đắc cử, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Tổng thống Thiệu đã lờ đi, và tất cả các tướng lãnh cũng không ai nhắc đến (hay dám nhắc đến) cái mật ước vi hiến đó nữa cả. Nền Ðệ nhị Cộng hòa đã bắt đầu bằng một hành động vi hiến của tập thể lãnh đạo như vậy thì làm sao tránh được không phát triển thành một chế độ bất công, tham nhũng, còn hơn cả nền Ðệ nhứt Cộng hòa, thay vì đưa đến một chế độ tự do dân chủ như Hiến pháp 1967 đã quy định.
Bản thân VNCH đã như vậy còn người bạn đồng minh “ông anh chi tiền” Hoa Kỳ thì ra sao? Về các phương diện khoa học kỹ thuật, quân sự và kinh tế, chúng ta khó có thể bác bỏ được niềm tin của cả thế giới rằng Hoa Kỳ là cường quốc số một. Nhưng về lãnh vực khôn ngoan chính trị, khả năng tiên đoán lâu dài về bang giao quốc tế, về địa chính trị (geo-politics), thì chúng ta khó có thể tin là Hoa Kỳ cũng đứng hàng đầu. Do những nhận định rất ấu trĩ về chính trị quốc tế vào cuối Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ đã tạo cơ hội cho Liên Xô chiếm cả Đông Âu và đưa cả thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh trong gần nửa thế kỷ. Năm 1972, cũng chính Hoa Kỳ đã mở cửa cho Trung Cộng bước ra khỏi hoàn cảnh bị bao vây, phong tỏa, tiến vào chiếm giữ được vị trí của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Sau đó, cũng chính Hoa kỳ tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện “Bốn hiện đại hóa” và trở thành một siêu cường như ngày hôm nay. Trong đánh giá của phe Cộng sản, Hoa Kỳ chỉ là “con cọp giấy”. Ðể chứng tỏ mình không phải là “con cọp giấy” và quá yếu như Pháp trong Chiến tranh Việt-Pháp, Hoa Kỳ đã quyết định can thiệp trực tiếp vào Chiến tranh Việt Nam: 1) Sử dụng không quân thực hiện Chiến dịch Sấm rền (Operation Rolling Thunder) tấn công, oanh tạc miền Bắc; và 2) Tại miền Nam thì đưa hơn nửa triệu quân bộ chiến vào “Lùng và Diệt địch”. (Search and Destroy). Cách can thiệp vào Chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ như thế là một sai lầm to lớn đưa đến những hậu quả vô cùng tai hại. Tại quốc nội, Chiến tranh Việt Nam là một biến cố đưa đến một sự chống đối chưa từng có trong lịch sử hơn 200 năm của Hoa Kỳ. Có mấy lý do chánh đưa đến việc chống đối này: 1) Ðây là một cuộc chiến tranh không có tuyên chiến (an undeclared war); nên nhớ khi Hoa Kỳ tham chiến trong Ðệ nhị Thế chiến (1941-1945), với trên 400.000 quân tử trận, hoàn toàn không có một sự chống đối nào trong dân chúng; ngược lại toàn dân đều ủng hộ, tham gia đóng góp và hy sinh cho cuộc chiến; lý do: đây là một cuộc chiến mà chính Quốc Hội Hoa Kỳ có tuyên chiến với Nhật Bản vào ngày 8-12-1941 sau khi Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7-12-1941; 2) Ðây là cuộc chiến tranh đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ “diễn ra hàng ngày trong phòng khách” nhà dân chúng; người dân, đủ mọi thành phần, xem tin tức về Việt Nam hàng ngày trên ti-vi, bị ám ảnh nặng nề với số thương vong, có khi hàng trăm binh sĩ tử trận mỗi tuần (nhất là từ năm 1968 trở đi); 3) Chiến tranh càng kéo dài, gánh nặng về chi phí càng cao, và tác hại đến những chương trình an sinh xã hội trong nước, đặc biệt là chương trình Great Society của Tổng thống Johnson. Về phương diện đối ngoại, Hoa Kỳ bị nhiều nước trên thế giới lên án nặng nề về việc oanh tạc Bắc Việt hằng ngày với một số lượng bom khổng lồ, đối với một nước nhỏ và không có gây chiến, tấn công vào lãnh thổ của Hoa Kỳ (như Nhật Bản đã làm vào năm 1941). Riêng đối với VNCH, sự hiện diện của quân Mỹ, vừa gây nhiều xáo trộn nghiêm trọng về kinh tế – xã hội cho miền Nam, cũng làm cho VNCH khó bảo vệ được chính nghĩa của một cuộc chiến tranh tự vệ. Ðến khi nhận thức được rằng họ không thể nào thắng được cuộc chiến tranh này (các tác giả thuộc phái Chính thống -Orthodox – của Hoa Kỳ gọi nó là “an unwinnable war = một cuộc chiến tranh không thể thắng được”), theo cách đánh như thế, Hoa Kỳ quyết định đơn phương xuống thang, điều đình để rút lui trong danh dự, và bỏ mặc VNCH. Việc bỏ rơi VNCH của Hoa Kỳ không đơn giản chỉ là một chuyện “Khi Ðồng Minh bỏ chạy” (cụm từ đã được Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng sử dụng làm tựa đề cho cuốn sách nổi tiếng của ông) như nhiều người trong chúng ta đã nghĩ. Nó là cả một quá trình qua 3 đời Tổng thống Mỹ (Johnson, Nixon và Ford) chớ không phải là một quyết định “một sớm một chiều”. Ðiều mỉa mai nhứt trong việc Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh VNCH là việc phản bội này được Ðảng Dân chủ dàn dựng (trong cuối thời gian cầm quyền của Tổng thống Nixon và năm đầu của Tổng thống Ford của Ðảng Cộng hòa) trong khi cũng chính Ðảng này, trong thời Tổng thống Johnson, đã chủ trương leo thanh chiến tranh tại Việt Nam, đưa đến sự hy sinh vô ích của 58.000 binh sĩ Hoa Kỳ. Rõ ràng hành động chính trị đảng phái vô trách nhiệm và vô liêm sỉ, vừa phản bội trắng trợn một nước bạn đồng minh, vừa biến sự hy sinh của 58.000 quân nhân của nước mình trở thành vô nghĩa, không phải là độc quyền của các nước độc tài, bất nhân. Hiệp định Paris năm 1973, đối với Hoa Kỳ, chỉ là một phương tiện để có thể giúp họ làm 2 việc: 1) rút hết quân khỏi miền Nam mà không cảm thấy bị thua nhục, và, 2) mang được hết tù binh của họ về nước. Ðối với VNCH, việc ký vào Hiệp định này là để đánh đổi cho việc được Hoa Kỳ tiếp tục giúp đỡ. Về sau này, mọi người đều thấy rõ là chỉ có một điều khoản duy nhứt của Hiệp định Paris đã được tuân thủ và thi hành triệt để: đó là việc Hoa Kỳ rút toàn bộ lực lượng chiến đấu còn lại ra khỏi VNCH trong vòng 60 ngày. Ngày hôm nay thì ai cũng biết là cái Hiệp định, mà tên gọi chính thức là “Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam”, (Thỏa hiệp chấm dứt chiến tranh và vãn hồi hòa bình tại Việt Nam) hoàn toàn không có dính líu gì đến cái việc gọi là “vãn hồi hòa bình tại Việt Nam”. Chính phủ Mỹ, qua lời tuyên bố của chính Tổng thống Nixon, thì xem đó như là một “nền hòa bình trong danh dự”. Và bây giờ thì đã có hẳn một nhà nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ, Giáo sư Larry Berman, đã suy nghĩ, cảm nhận, kết luận và viết ra một cách minh bạch rằng: “chẳng có hòa bình mà cũng chẳng có danh dự gì cả”. Đó là cuốn sách “No peace, no honor: Nixon, Kissinger and betrayal in Vietnam của Nhà xuất bản Free Press ấn hành năm 2001. Chả trách tại sao khi được Giải Nobel về Hòa Bình, trong khi Kissinger sung sướng, hãnh diện đi nhận giải thưởng (để rồi hai năm sau phải chịu cái nhục xin trả lại giải thưởng) thì Lê Ðức Thọ đã lạnh lùng từ chối không nhận.
Miền Nam trở thành “bên thua cuộc”, xét cho cùng, gần như là một tất yếu lịch sử vì VNCH đã hội tụ đủ tất cả các lý do để “thua cuộc” : 1) thiếu vắng một ý thức hệ làm nền tảng cho một chiến lược cần thiết cho một cuộc chiến tranh tự vệ chống xâm lược mang màu sắc ý thức hệ; 2) không có được một giới lãnh đạo có đủ khả năng và bản lãnh chính trị với một tấm lòng vì dân vì nước và có một quyết tâm chiến thắng cao; và, 3) cũng không có được một đồng minh hết lòng giúp đỡ và có đầy đủ kiên nhẫn để đi tới cùng với mình trong cuộc chiến quá sức cam go này. VNCH chỉ có chính nghĩa mà chính nghĩa thì không có một chút giá trị gì cả trước họng súng của một kẻ địch cuồng tín trong ý thức hệ của họ, với một quyết tâm chiến thắng cao, và được bạn bè hết lòng giúp đỡ và đủ kiên nhẫn để đi với họ đến chiến thắng sau cùng. Cái chết của VNCH vào lúc 12 giờ trưa ngày 30-4-1975, bề ngoài có vẻ như là một sự bức tử, nhưng thật ra, nghĩ cho cùng, chỉ là một cái chết, tuy đến có hơi sớm hơn một chút, nhưng vẫn là có thể đoán trước được.
L.V.T.
NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN THỌ: ĐÒI HỎI HOÀ HỢP NHƯ NƯỚC NGOÀI-CÁI NHÌN THIẾU BIỆN CHỨNG VỀ LỊCH S
PV KHÁNH HUYỀN/ QĐND 29-4-2020

Bài 2: Nhà văn Nguyễn Văn Thọ:
Đòi hỏi hòa hợp như nước ngoài - cái nhìn thiếu biện chứng về lịch sử

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

QĐND Online - Nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng 10 năm trực tiếp cầm súng trên chiến trường chống Mỹ, tham gia 4 chiến dịch lớn và có mặt ở điểm hẹn lịch sử ngày 30-4-1975. Hòa bình, ông "tha hương cầu thực" ở châu Âu, nên rất hiểu cuộc sống của những người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có bộ phận chưa đồng thuận với Đảng, Nhà nước. Ở tuổi 70, dù vừa qua trọng bệnh, nhưng khi phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đề cập câu chuyện hòa hợp dân tộc, nhà văn đã xúc động chia sẻ những tâm sự của một người nặng lòng với quá khứ, hiện tại và tương lai…

Hòa hợp dân tộc – quy luật tất yếu
Phóng viên (PV): Là người lính từng chứng kiến thời khắc lịch sử 30-4-1975, sau đó “tha hương cầu thực” nhiều năm ở nước ngoài, theo ông sau 45 năm, vấn đề hòa hợp dân tộc đặt ra như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi sang nước Đức ở phía Đông có nhiều người Việt xuất khẩu lao động từ miền Bắc Việt Nam, nhưng phía Tây thì số thuyền nhân vượt biên sau năm 1975 khá nhiều. Cũng như nhiều người vượt biên sang Mỹ, những người từng làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng hòa chỉ có một số ít định kiến, hận thù. Phần đông họ ra đi vì miếng cơm manh áo, bởi sau cuộc chiến, đời sống nước ta bị Mỹ cấm vận khó khăn lắm. Số chống cộng cực đoan chỉ rất ít nên nhìn chung người Việt Nam ở nước ngoài đều nhận thức rằng, đất nước muốn hùng cường thì không nên chia rẽ nữa. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị có những quan điểm sâu sắc về hòa hợp dân tộc đã nói trúng tâm tư, nguyện vọng những người xa quê hương đất nước.
Tôi ra xứ người cũng tiếp xúc với nhiều nhà văn hải ngoại mà trước năm 1975 đã phục vụ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Họ đặt ra vấn đề hòa hợp từ rất sớm. Bởi có hòa hợp dân tộc họ mới được tự do giao lưu, về nước, sống và làm việc trong xu hướng hội nhập quốc tế. Nguyện vọng ấy chứng tỏ khi chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đồng hành với nguyện vọng của nhân dân nói chung, Việt kiều nói riêng ở hải ngoại, thì hòa hợp là nhu cầu, là quy luật tất yếu của lịch sử. Hòa hợp dân tộc đòi hỏi các xu hướng chính trị khác nhau tìm mẫu số chung, thu hẹp bất đồng để chung sức kiến tạo đất nước. Cần phải quên đi hận thù, mâu thuẫn cũ để góp sức vào xây dựng đất nước đã thống nhất, giang sơn về một mối.
Lợi ích quốc gia dân tộc là mẫu số chung
PV: Hiện nay cùng với vấn đề hòa hợp, nhiều người cho rằng trước khi nói đến hòa hợp thì phải hòa giải đã. Ý kiến của nhà văn về vấn đề này như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Hòa hợp thì đã rõ là tất yếu rồi. Nhưng hòa giải là vấn đề tế nhị hơn. Tất nhiên về phía những ai ở chế độ Việt Nam Cộng hòa nay vẫn tiếp tục chống phá Nhà nước ta, thậm chí tổ chức biệt kích thâm nhập thì sao mà hòa giải được. Nhưng những kẻ như thế ngày một ít đi. Thậm chí một số người từng chống phá quyết liệt, nhờ Nghị quyết 36 trở về nước thấy sự thay đổi, phát triển rất nhanh của đất nước rồi ra thăm Trường Sa thấy được thực tế, tâm huyết của Đảng, Nhà nước ta nên họ đã thay đổi nhận thức, ủng hộ Đảng, Nhà nước ta hoặc không còn những phát ngôn, hành động cực đoan. Nhiều người khi quay về Mỹ phát biểu rất tốt. Như vậy, cái gốc của Hòa giải hay Hòa hợp đều phải trên cơ sở coi trọng lợi ích của dân tộc và Tổ quốc.
Theo dõi đất nước gần đây tôi thấy, Đảng và Nhà nước ta đã làm được nhiều việc có ý nghĩa thiết thực, ra sức chấn chỉnh từ trong Đảng đến chính quyền, đấu tranh phòng chống tham nhũng, cầu người hiền tài như những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu để chuẩn bị Đại hội Đảng sắp tới. Điều này cũng tác động rất lớn vào vấn đề hòa hợp dân tộc. Nó làm người dân cả trong và ngoài nước thêm tin tưởng, đồng thuận ở Nhà nước, chính quyền Việt Nam.
Bài 2: Nhà văn Nguyễn Văn Thọ:
Đòi hỏi hòa hợp như nước ngoài - cái nhìn thiếu biện chứng về lịch sử
Người dân đón chào quân giải phóng. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân.
Từ bài học chiến tranh đến quan điểm thời bình
PV: Theo ông hiện nay để làm tốt vấn đề hòa hợp dân tộc, về phía Đảng và Nhà nước cũng như Nhân dân cần làm gì?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Như trên đã nói, vấn đề hòa hợp dân tộc không chỉ là mục tiêu chính trị của Đảng và Nhà nước mà còn là xu hướng phát triển tất yếu của đất nước, nguyện vọng của người dân Việt Nam. Ở đây có một vấn đề rất quan trọng đặt trên vai các tổ chức ngoại giao của Đảng. Đó là công tác vận động. Vận động tốt thì người ta hiểu thiện chí của chính quyền ta hơn. Trường hợp ông Nguyễn Cao Kỳ chẳng hạn. Từ một chính khách chống chính quyền Việt Nam quyết liệt, mang nhiều nợ máu với cách mạng, nhưng khi đặt vấn đề hòa hợp, ông Nguyễn Cao Kỳ đã về nước. Trở lại Mỹ, ông ta phát biểu khác, không còn chống cộng cực đoan nữa. Thậm chí ông còn hợp tác với các cơ quan truyền thông của ta, có mặt trong nhiều thước phim tài liệu chân thực, kể cả trong những phim nói về ngày 30-4-1975 như phim “Ngày cuối cùng của chiến tranh” (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thước, một người em của tôi).
Tôi được nghe kể lại, đúng ngày 30-4-2005, đoàn làm phim đã vào Sài Gòn gặp gỡ các nhân chứng. Điều may mắn nhất với đoàn là gặp được cựu Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ đúng dịp ông về nước và đã thuyết phục được ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời phỏng vấn. Trong bộ phim mà tôi cũng là một nhân vật được phỏng vấn này, ông Nguyễn Cao Kỳ đã có nhiều phát biểu thể hiện sự trân trọng tinh thần hòa hợp dân tộc. Ông ấy nói là một người lính, ông ấy gần như không khóc nhưng trong đời đã phải rơi nước mắt hai lần. Lần thứ nhất là lần ông rời đất nước này bay ra chiến hạm để đi Mỹ. Lần thứ hai là lần đầu tiên ông trở về Việt Nam sau nhiều năm ở nước ngoài. Khi máy bay báo đã vào tới không phận Việt Nam, nước mắt ông cứ trào ra. Trước đó, trả lời câu hỏi của báo chí về cảm xúc lần đầu tiên trở lại quê hương, ông Kỳ cho biết, ông trở về với mong muốn trở thành sứ giả cho sự hòa hợp dân tộc. Để hòa hợp dân tộc, ông cho rằng những người còn nặng định kiến phải vượt lên chính mình: “Đứng trước tương lai của đất nước, chúng ta phải sớm xóa bỏ hận thù và đoàn kết lại”.
Bài 2: Nhà văn Nguyễn Văn Thọ:
Đòi hỏi hòa hợp như nước ngoài - cái nhìn thiếu biện chứng về lịch sử
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (trái) trong phim “Ngày cuối cùng của chiến tranh”. 
Trong bộ phim, tôi cũng đã chia sẻ câu chuyện khi chúng tôi tiến quân thần tốc, gặp một viên sĩ quan Việt Nam Cộng hòa hoảng loạn, chờ chết ngay khi nghe tin Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đầu hàng nhưng tôi với tư cách là chỉ huy cao nhất của đơn vị đã tha chết cho anh ta và còn đưa cho anh ta hai cuộn bông băng cuối cùng của mình. Hòa hợp dân tộc với những người lính Bộ đội Cụ Hồ chúng tôi luôn là đạo lý, là đại nghĩa, là chủ trương của Đảng thấm sâu vào suy nghĩ và hành động. Không có tinh thần hòa hợp đó, chắc sẽ còn nhiều đau thương đổ máu cả trong và sau chiến tranh.
Cho nên, bây giờ đã có nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc rồi thì phải làm sao thực hiện cho tốt, cho triệt để. Làm được điều đó thì tinh thần hòa hợp dân tộc sẽ lan tỏa, đơm hoa kết trái, giúp đất nước ngày càng vững mạnh.
Những năm gần đây, Bộ Chính trị chủ trương tác động rất lớn vào Việt kiều, đã tạo ra cảm hứng mới cho kiều bào hướng về đất nước. Ngay việc “Chống dịch như chống giặc” thắng lợi đến ngày hôm nay khiến quốc tế khâm phục cũng tác động rất lớn vào nhận thức và tạo thêm cảm tình của bà con Việt kiều, họ tự hào về Việt Nam còn nghèo mà chống dịch tốt hơn cả nhiều nước giàu có. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải chuyển biến toàn diện để có thực tế, tạo thêm niềm tin cho nhân dân.
Về phía hải ngoại thì kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động các Hội đoàn tương thân tương ái, nhất là trên đất Mỹ. Ở châu Âu, bà con làm rất tốt vấn đề này. Chính các Hội đoàn tập hợp được lực lượng quần chúng để ủng hộ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng đất nước, đóng góp rất cụ thể cho Tổ quốc, cả tinh thần lẫn vật chất. Nó gắn kết người Việt tại chỗ và là cầu nối tốt với nhân dân và chính quyền nước sở tại, tranh thủ được cảm tình của quốc tế. Làm tốt điều này, thì kẻ xấu ít đi, người tốt thật lòng với quê hương, đất nước nhiều hơn.
Đối với trong nước thì phải tích cực hơn nữa sự thấm nhuần tinh thần Nghị quyết 36 của Đảng, tạo thêm điều kiện, nhất là thái độ tiếp dân phải làm tốt hơn nữa về văn hóa công chức ở chính quyền các cấp khi họ về nước. Các dịch vụ công cộng cũng phải thay đổi kịp thời phù hợp với văn minh và văn hóa hội nhập trên thế giới. Đặc biệt, việc kiểm soát chất lượng trong các dịch vụ công cộng, văn hóa trong du lịch và các dịch vụ thương mại trở thành các điểm đến cho bà con Việt kiều thấy rõ thực tế đất nước đã thực sự thay đổi văn minh và tiến bộ.
Sao chép cách làm của nước ngoài để hòa hợp là sai lầm
PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng để hòa hợp dân tộc phải học tập cách làm của nước Mỹ sau nội chiến Việt Nam, phải bỏ chế độ XHCN, phải đa nguyên, đa đảng?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Hoàn cảnh và mâu thuẫn trong nước Mỹ giai đoạn nội chiến tại Mỹ khác hẳn hoàn cảnh xảy ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Ở nước Mỹ không có yếu tố nước ngoài giàu mạnh chi phối nội chiến Mỹ và tạo ra các thế lực thù địch như cuộc chiến tại Việt Nam.
Tác giả Frank Snepp trong cuốn hồi ký “Cuộc tháo chạy tán loạn” vạch rõ, lực lượng CIA của Mỹ ngay từ trước thời điểm 30-4-1975 vẫn âm mưu nuôi cấy lực lượng chống phá Nhà nước Việt Nam. Frank Snepp thú nhận, trùm CIA lúc đó vẫn duy trì lực lượng CIA tại chỗ và đưa những người có năng lực quân sự và chính trị trong bộ máy cũ ra hải ngoại nằm chờ tiếp tục một cuộc chiến sau hậu chiến. Thực tế người Mỹ đã vẫn tổ chức các hành vi giúp đỡ các tổ chức phản động bạo lực xâm nhập miền Nam, nuôi nấng lực lượng Fulro ở Tây Nguyên hơn 20 mươi năm, gây nhiều đổ máu cho đồng bào Việt Nam. Cho nên so sánh và đòi hỏi Việt Nam phải học cách hòa hợp ở nước Mỹ sau chiến tranh nội chiến tại Mỹ những năm cuối thế kỷ 18 (American Civil War, 1861–1865) là thiếu cái nhìn toàn diện biện chứng về lịch sử.
Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hôm nay cũng không phải mô hình cũ. Nó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó có cả yếu tố kinh tế tư nhân được quan tâm để phát triển. Vì thế, kêu gọi Nhà nước bỏ xây dựng XHCN là cái nhìn thiếu toàn diện, biện chứng, không phù hợp.
Về vấn đề đa nguyên, đa đảng: Tôi là một nhà văn từng chịu khó nghiên cứu triết học cổ Á Đông, tôi cho rằng, đa nguyên, đa đảng là một cách nhìn máy móc và nôn nóng. Lão Tử nói, đạo có trước cả vạn vật. Có nghĩa là, tự nhiên có quy luật của nó, quy luật để hình thành ra vũ trụ, nên điều gì con người hoạch định ra nếu phù hợp với các quy luật phát triển của tự nhiên, đấy là đạo, là chân lý.
Lịch sử phát triển của cách mạng nước ta cho thấy rõ rằng, những gì thành công đều không chỉ áp dụng nhận thức mới của thế giới mà còn căn cứ vào hoàn cảnh và đặc tính của riêng Việt Nam. Điều này biểu hiện rất rõ trên con đường cứu nước, nhãn quan chính trị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cả trong quân sự cũng vậy, Việt Nam đánh Mỹ theo cách của Việt Nam, không theo cách mà nước bạn muốn.
Chế độ một đảng mà làm tốt công tác chống dịch Covid-19 hơn hẳn các nước đa đảng, để toàn thế giới khâm phục, ca ngợi nước ta rất nhân văn, khi họ nhìn rõ Đảng, Nhà nước ta chống dịch rất hiệu quả, là bởi tạo sức mạnh đồng thuận toàn dân tộc. Tốt đẹp như thế thì vội vã thay đổi theo một số người, liệu có đưa xã hội tử tế hơn hiện thời không, hay lại tan nát, thậm chí loạn lạc, chiến tranh như ở Đông Âu hay Trung Đông đấy thôi?
Bài 2: Nhà văn Nguyễn Văn Thọ:
Đòi hỏi hòa hợp như nước ngoài - cái nhìn thiếu biện chứng về lịch sử
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (thứ hai từ phải qua) chụp ảnh với tiểu đội nuôi quân và lính trinh sát đại đội tại Dinh Độc Lập. Ảnh tác giả cung cấp.
PV: Thế còn với những lời đòi hỏi như phải bỏ lễ kỷ niệm chiến thắng 30-4-1975, có nên không, thưa ông?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Chiến thắng 30-4-1975 thuộc về lịch sử. Lịch sử chấm dứt chia rẽ dân tộc, đất nước, thống nhất non sông về một mối. Sinh mạng biết bao chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Kẻ nào muốn quên, đó là sự xúc phạm tới vong linh các liệt sĩ đã hy sinh thân mình cho một cái đích cần có của một dân tộc được sống trong hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do. Không một quốc gia nào hình thành lâu đời muốn chia rẽ cả. Có ngày ấy mới tạo nên cuộc sống thanh bình để hưởng thụ và xây dựng hôm nay. Nhiệm vụ của các thế hệ tiếp nối chúng tôi là phải giữ vững và bảo vệ giang sơn thống nhất này!
Bài 2: Nhà văn Nguyễn Văn Thọ:
Đòi hỏi hòa hợp như nước ngoài - cái nhìn thiếu biện chứng về lịch sử
Xe tăng tiến vào Dinh Độc lập. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 2002. Chính những năm tháng trực tiếp cầm súng ở nhiều chiến trường ác liệt đã giúp ông có những trải nghiệm quý giá, để tạo nên những tác phẩm về đề tài chiến tranh được bạn đọc yêu thích như: Tấm chăn màu huyết dụ, Lời hứa của chiến tranh, Vô danh trận mạc, Người Hà Nội, Thằng Phoóng em tôi, Vàng xưa, Mùi thuốc súng… Ông cũng là một nhân vật trong bộ phim “Ngày cuối cùng của chiến tranh”– một bộ phim tài liệu chân thực và đậm chất nhân văn không chỉ tái hiện không khí của thời khắc lịch sử 30-4-1975, mà còn cho thấy những trăn trở, băn khoăn của một thế hệ đã dành phần lớn cuộc đời cho chiến tranh, luôn khát khao sống, dựng xây đất nước. Cùng với đó là những đau thương, mất mát, chia ly, những trăn trở rất đỗi con người của cả phe thắng trận, lẫn phe bại trận, cảm thức về sự hòa hợp dân tộc...
PV: Xin trân trọng cảm ơn nhà văn!
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét