Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

20200506. QUANH CHUYỆN CÔNG TÁC CÁN BỘ

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÁN BỘ VÀ CÁI GỐC
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 30-4-2020


(Ảnh minh họa trên Dangcongsan.vn)

Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá một cách toàn diện thành tích và yếu kém của công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ.
Cho đến nay, không ít phát biểu của một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước về cán bộ đã trở thành câu trích dẫn thường nhật trong các bài báo như:
“Ăn của dân không từ thứ gì”;
“Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này";
“Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”;…
Sau khi đọc bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cảm nhận như là lần đầu tiên thấy một vị lãnh đạo đề cập một cách thẳng thắn, không né tránh những gì đã và đang xảy ra trong công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ - yếu tố quyết định đến đời sống chính trị đất nước.
Phần nói về ưu điểm, mặt tích cực của đội ngũ cán bộ, từ câu “Sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới…” đến câu “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh tế thích ứng nhanh…” gồm 382 từ.
Phần nói về khuyết điểm, tồn tại từ câu “Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng…” đến câu “Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc…” có 468 từ (*).
Không nên ngây thơ cho rằng số từ nhiều hơn nên khuyết điểm nhiều hơn ưu điểm.
“Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.Như nhiều phát biểu từ trước đến nay, những tồn tại trong công tác cán bộ và chính đội ngũ cán bộ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn thừa nhận:
Bài viết “Sức mạnh của niềm tin” đăng trên Tạp chí Cộng sản vào tháng 10 năm 2019 có đoạn: “Một bộ phận không nhỏ đảng viên có biểu hiện suy thoái, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng”. [1]
Có thể thấy sự khác biệt rõ nét trong ngôn từ của các nhà lý luận, của người viết báo với lời văn của người đứng đầu Đảng – Nhà nước.
Tổng Bí thư không dùng cụm từ “Một bộ phận không nhỏ đảng viên” mà là “Một bộ phận cán bộ”, sự suy giảm niềm tin mà ông đề cập không còn bó hẹp trong phạm vi Đảng như trong bài viết [1] mà là “Đảng và Nhà nước”.
Nói đến “một bộ phận cán bộ” tức là những người được xếp vào hàng “cán bộ” không phân biệt đảng viên hay ngoài đảng.
Nói đến “Đảng và Nhà nước” tức là nói đến thể chế chính trị và hệ thống chính trị.
Nói đến “suy giảm niềm tin” tức là niềm tin chưa mất nhưng không còn nguyên vẹn.
Hậu quả của công tác cán bộ (nhiệm kỳ 12) thể hiện qua một con số tương đối tròn trĩnh:
“Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 12 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự”.
Trong số gần 100 người bị kỷ luật có ba vị từng là hoặc đang là Ủy viên Bộ Chính trị gồm các ông Đinh La ThăngLê Thanh HảiHoàng Trung Hải, có một vị nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
Trong số những người bị xử lý hình sự có một số Bộ trưởng, tướng lĩnh cao cấp quân đội, công an và mức án cao nhất đã tuyên là chung thân (Nguyễn Bắc Son).
Công tác cán bộ chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 13 mà báo chí đăng tải cho thấy đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được quy hoạch là 184 người.
Cũng có thông tin cho rằng “Hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương xác định đội ngũ cán bộ cấp chiến lược khoảng 600 người, ở Trung ương bao gồm các đồng chí cấp Thứ trưởng, Phó Ban của Đảng và các cấp tương đương trở lên, còn ở địa phương là Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh”. [2]
Cuối tháng 10/2019, Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã bế giảng 2 Lớp bồi dưỡng kiến thức cho 95 học viên được quy hoạch. 
Hai lớp tiếp theo gồm 86 người đã tổ chức bế giảng vào ngày 02/03/2020.
Những người trong quy hoạch sẽ được “giới thiệu, đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các địa phương, ban, bộ, ngành ở Trung ương, Trưởng các cơ quan, đoàn thể Trung ương, Tập đoàn, Tổng công ty lớn; quy hoạch Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương,…”. [3]
Có thể thấy các vị trí lãnh đạo trong toàn bộ hệ thống chính trị đã được quy hoạch và chỉ còn chờ kết quả bầu cử cuối cùng khi tiến hành đại hội Đảng.
Chưa thể khẳng định toàn bộ số cán bộ được quy hoạch sẽ trúng cử khi đại hội bỏ phiếu bởi quyết định cuối cùng chỉ có sau khi bầu cử, điều này có nghĩa là vẫn có thể có những người thuộc diện quy hoạch nhưng không đủ tín nhiệm trước đại hội.
Điều mà người dân và không ít đảng viên chưa biết là trong số hơn 180 cán bộ quy hoạch cấp chiến lược đã được bồi dưỡng, ai được quy hoạch vào vị trí nào, dựa vào tiêu chí cụ thể nào ngoại trừ tiêu chuẩn chung cho cán bộ cấp chiến lược?.
Nói đến tiêu chí cụ thể bởi trước đây, đã là cán bộ thì hình như làm việc gì cũng được, có người lúc thì lãnh đạo bộ, lúc lãnh đạo đoàn thể quần chúng, lúc lại làm công tác đảng và hình như không gặp khó khăn nào.
Sau đại hội 13, những người sẽ đảm nhận những vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống chính trị sẽ phải đối diện với “Tình hình tư tưởng trong Đảng và tâm trạng trong nhân dân, bên cạnh mặt tích cực là cơ bản, cũng có những biểu hiện đáng lo ngại” – như nhận định của Tổng Bí thư.
Liệu các khó khăn, sự lo ngại có gia tăng khi đội ngũ cấp chiến lược này lại không phải là những người “sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây” mà là “lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”?
Thực ra nêu câu hỏi này là không cần thiết bởi ngay từ ngày mới thành lập Đảng, đội ngũ lãnh đạo đã được học tập và đào tạo từ nhiều quốc gia có thể chế chính trị khác nhau như Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc,…
Chính Hồ Chủ tịch đã có một thời gian dài sống và hoạt động chính trị tại Anh, Pháp.
Vấn đề là đội ngũ cán bộ “được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau” ấy phải thực sự trung thành với ai, vì lợi ích của ai?
Câu hỏi này đã được ông Nguyễn Phú Trọng trả lời:
Lựa chọn cán bộ cần “Có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.
Trong các lợi ích, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước khẳng định đứng ở vị trí hàng đầu là “lợi ích của quốc gia - dân tộc”.
Và như vậy, những ai vì quyền lợi của cá nhân, gia đình, của “nhóm lợi ích” mà họ tham gia công khai hoặc bí mật sẽ phải bị loại bỏ.
Một trong những tiêu chí nhận diện người không thể để lọt vào Ban chấp hành Trung ương khóa 13 đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rất cụ thể, đó là những người:
“Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”.
Ý kiến trên chỉ áp dụng với những người đang được quy hoạch hay cũng sẽ được sử dụng để tái xem xét sự giàu có của một bộ phận khá đông quan chức trong hệ thống chính trị, những người theo cách nói của truyền thông là đã “hạ cánh an toàn”?
Bài viết đề cập nhiều đến trách nhiệm của Tiểu ban nhân sự mà ông Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu. Điều này gói gọn trong một câu:
“Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”.
Thực tế công tác nhân sự khóa 12 cho thấy, gần 100 cán bộ lãnh đạo diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự cho thấy “tai họa” đối với Đảng là niềm tin của dân vào Đảng suy giảm nhưng tai họa với đất nước thì nặng nề không thể thống kê nếu chỉ nhìn vào những con số.
Chỉ một vụ Mobifone (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) mua công ty nghe nhìn AVG, ngân sách suýt bị mất gần 7.000 tỷ đồng.
Vụ bán đất tại Công ty Tân Thuận (trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) nếu thực hiện trót lọt có thể khiến chủ sở hữu thiệt hại hàng nghìn tỷ.
 Vấn đề đặt ra là việc kỷ luật mới chỉ dừng ở những cán bộ vi phạm mà chưa thấy nói đến trách nhiệm của người/cơ quan làm công tác cán bộ trước và trong đại hội 12.
Phải chăng chính vì thế mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của Tiểu ban nhân sự, của Tổ giúp việc và các thành viên Tiểu ban?
Một trong những điều nhân dân quan tâm là liệu việc quy hoạch cán bộ sau Đại hội 13 có khắc phục được những tồn tại, yếu kém đã xảy ra trong quá khứ?
Câu hỏi này không chỉ tồn tại trong dân chúng mà cũng được chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập:
“Gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt) thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó?”.
Liệu người dân có cần phải chờ đợi vài năm, đến gần cuối nhiệm kỳ như vừa qua hay chỉ cần nhìn vào một vài kết quả mà những người được lựa chọn thực hiện?
Tài liệu tham khảo:
[1] //tapchicongsan.org.vn/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/ content/suc-manh-cua-niem-tin
[2] //hoinhabaovietnam.vn/Can-bo-cap-chien-luoc-can-nhung-tieu-chuan-gi_n34869.html
[3] //vov.vn/nhan-su/them-86-can-bo-quy-hoach-cap-chien-luoc-hoan-thanh-lop-boi-duong-1016654.vov
(*) Sử dụng cách đếm tự động của Microsoft Word
Xuân Dương
TIN LIÊN QUAN:
CÁN BỘ VÀ ...CÁI TRỐNG
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 4-5-2020
Nói về công tác cán bộ chuẩn bị cho Đại hội 13 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần phải cảnh giác với những người “mã bên ngoài” che đậy cái “sơ sài bên trong”.
Từ các thông tin đã công bố, có thể thấy các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị đã được ban lãnh đạo nhiệm kỳ 12 quy hoạch, về phía chính quyền trung ương là từ cấp Thứ trưởng hoặc tương đương trở lên, ở địa phương là các chức danh Bí thư tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng với vị trí lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội quan trọng như Mặt trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Hội Nhà báo,…
Trong một bài viết đăng trên báo điện tử Nhandan.com.vn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến tình trạng trước thềm đại hội Đảng các cấp:
“Vẫn còn cấp ủy chưa khẳng định được trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, còn thụ động, trông chờ, ỷ lại, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; có biểu hiện “trên nóng dưới lạnh”, “trên có chính sách, dưới có đối sách”; dù có điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi nhưng chưa khai thác, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí còn để xảy ra tiêu cực, vi phạm pháp luật”. [1]
(Ảnh minh hoạ: hoinhabaovietnam.vn)
Lời văn cho thấy “dưới” trong bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng là “cấp ủy” nghĩa là một số người/tập thể giữ vị trí lãnh đạo chứ không phải toàn thể đảng viên.
Một khi “trên có chính sách, dưới có đối sách” thì phải làm thế nào để nhận diện và loại bỏ sự “sơ sài bên trong” khi mà không ít cấp “dưới” đang âm thầm áp dụng? 
Nhân chuyện “sơ sài bên trong”, gần đây có chuyện một cơ quan quyết định dựng tượng một số lãnh đạo tiền nhiệm, sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi, quyết định cuối cùng là chỉ dựng một bức tượng tại trụ sở chính.
Nhân vật lịch sử được lựa chọn là đức vua Lý Thái Tông, vị Hoàng đế thứ hai triều Lý.
Xin không bàn luận về phác thảo tượng đài mà nhiều bài báo đã đề cập. 
Những điều nêu dưới đây là tư liệu lịch sử được ghi thành văn và vì vậy việc viện dẫn không nhằm nâng cao hay hạ thấp vai trò, uy tín của các bậc tiên hiền.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển II, trang 95 viết về vua Lý Thái Tông:
Năm Đinh Sửu (1037) “Dựng đền thờ Hoằng Thánh Đại Vương. Trước đây vua thấy phủ Đô hộ để nhiều án ngờ, quan sĩ sư không xét đoán được, muốn tỏ rõ sự linh thiêng sáng suốt để tiệt hết kẻ gian trá, bèn tắm gội đốt hương khấn Thiên Đế”… 
Tháng 2 năm Mậu Dần (1038) “Vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sau Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày.
Các quan tả hữu có người can rằng: "Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?" Vua nói: "Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?". [2]
Có thể thấy vua Lý Thái Tông đã rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, cũng đã có những suy nghĩ về chuyện xử án, tuy nhiên Đại Việt Sử ký chỉ nêu một vài sự kiện:
Tháng 7 Năm Nhâm Ngọ (1042) “Xuống chiếu kẻ nào ăn trộm trâu của công thì xử 100 trượng, 1 con phạt thành 2 con”; “Trăm họ có người tố cáo được tha phú dịch cho cả nhà trong 3 năm, người ở kinh thành mà cáo giác thì thưởng cho bằng hiện vật thu được”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trang 98).
Vị vua thứ ba triều Lý là vua Lý Thánh Tông, Ngài là người quyết định đổi tên nước Đại Cồ Việt thành Đại Việt.
Về chuyện vua xử án, Đại Việt Sử ký Toàn thư viết:
“Giáp Thìn, mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện.
Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng:
"Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm". (Đại Việt Sử ký Toàn thư, trang 106)
Năm 1491, vua Lý Thánh Tông đã cho xây đình Quảng Văn tại khu vực ngày nay là vườn hoa Cửa Nam.
Trong đình đặt một chiếc trống gọi là trống Đăng Văn – “Đăng” nghĩa là trình bày, công bố, “Văn” là lời thỉnh nguyện, kiến nghị.
Mỗi khi tiếng trống vang lên thì một vị quan hiện diện để tiếp nhận các ý kiến của người bị oan ức.
Đình Quảng Văn cũng là nơi quan Câu Kê thay mặt triều đình giảng pháp luật, những điều khuyên răn của Vua đối với dân chúng. 
Xem thế để thấy đình Quảng Văn có thể xem là trụ sở đầu tiên của cơ quan tư pháp (tòa án) trong lịch sử Việt Nam.
Và trụ sở của cơ quan tư pháp đầu tiên ấy như bài ký Quảng Văn Đình viết năm 1493 của tác giả Bùi Xương Trạch mô tả: 
“Trụ cột trang trọng, đục chạm đơn giản, dù thấp mà không xấu, dù đẹp mà không xa hoa, quy mô đúng mực”.
Nhận xét về vua Lý Thánh Tông trong đối xử với tù nhân, với quan viên coi ngục và dân chúng, sử gia Ngô Sĩ Liên viết:
“Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, là việc đầu tiên của vương chính.
Thánh Tông lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi sống, lo quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ.
Lo dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực”. (Đại Việt Sử ký Toàn thư, trang 108).
Những thông tin chắt lọc trong sử liệu cho thấy, liên quan đến “trụ sở” Tòa án và chuyện xử án, vai trò của vua Lý Thánh Tông rõ nét hơn vua cha Lý Thái Tông.
Bốn năm trước, khi đề cập chuyện này trong bài: “Tiếng trống dân oan Quảng Văn Đình, tiếng trống Tổng Bí thư ở Ba Đình”, người viết không nghĩ mình lại phải nói đến chiếc trống Đăng Văn một lần nữa. [3]
Vậy phải chăng có sự “sơ sài” kiến thức “bên trong” của người nêu ý tưởng hay đơn giản là do các “nguyên khí quốc gia” hiến kế nên không thể không theo?
Trở lại chuyện quy hoạch cán bộ, ngay cả khi đã chọn đúng người, nghĩa là tất cả cán bộ quy hoạch cấp chiến lược đều “đạt chuẩn”, vừa có tài vừa có đức, liệu họ có phát huy được toàn bộ khả năng?
Người viết cho rằng sẽ không thể nếu không có đổi mới (hay cải cách?) thể chế kinh tế và thể chế chính trị.
Dễ nhận thấy nhất là sự không thành công nếu không nói là thất bại của mô hình tập đoàn (tổng công ty) kinh tế nhà nước.
Doanh nghiệp nhà nước thường là cỗ máy ngốn một lượng lớn ngân sách và tài nguyên thiên nhiên nhưng lại tạo ra tỷ lệ lợi nhuận thấp, thậm chí là thua lỗ.
Sự ưu đãi thể hiện qua các chế độ chính sách khiến giới lãnh đạo doanh nghiệp hưởng lương rất cao nhưng trách nhiệm lại rất thấp.
Thể chế kinh tế lạc hậu còn tạo ra sự bất bình đẳng đối với khối doanh nghiệp tư nhân và người buôn bán nhỏ lẻ.
Về chính trị, có những đạo luật Quốc hội đã cho ý kiến hàng chục năm nhưng cho đến nay vẫn chưa được ban hành.
Lý do rất đơn giản: “Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Luật Biểu tình và Luật về Hội không phải Quốc hội không quan tâm, mà vẫn đang phải chờ Chính phủ trình”. [4] 
Vấn đề ở chỗ Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, cơ chế nào khiến Quốc hội không thể tự soạn thảo luật mà phải chờ Chính phủ?
Với vài ví dụ nêu trên, có thể hình dung đội ngũ cán bộ chiến lược (khoảng 600 người) sẽ đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2021 sẽ đối diện không phải với bức tranh toàn màu hồng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà là rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những thay đổi toàn cầu sau đại dịch Covid-19.
Thứ nhất, họ sẽ phải là người đi đầu trong công cuộc cải cách toàn diện cả kinh tế lẫn chính trị.
Họ không chỉ là những người đề ra quốc sách mà còn là thực hiện quốc sách đó với mục đích xây dựng một đất nước giàu mạnh, một thể chế chính trị công bằng, dân chủ, văn minh.
Thứ hai, họ phải là người tạo ra thời cơ cho đất nước cất cánh chứ không phải yên vị trên chiếc ghế quyền lực chờ đợi thời cơ ngẫu nhiên rơi xuống. 
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc bùng nổ chính là thời cơ mà Tổng thống Donald Trump tạo ra để nước Mỹ yêu cầu các nhà đầu tư đưa dòng tiền trở về Mỹ. 
Trận đánh thăm dò tại Buôn Mê Thuột đã tạo thời cơ cho cuộc tổng tiến công năm 1975, thống nhất đất nước. 
Chuyến tàu đi tới tương lai sẽ không dành chỗ cho những người chậm chân và vì thế sẽ vô cùng sai lầm nếu những người được quy hoạch đang cố kìm nén sự vui mừng mà không quan tâm đến sự phán xét tương lai dành cho họ. 
Thứ ba, và cũng là quan trọng nhất, họ sẽ phải xây dựng lại nền “Văn hóa Việt Nam”, một nên văn hóa kế thừa truyền thống lịch sử nhưng buộc phải đoạn tuyệt với tâm lý “Sau lũy tre làng”, “Bóc ngắn cắn dài”,…
Cha ông để lại cho thế hệ hôm nay rừng vàng, biển bạc, chúng ta để lại cái gì cho con cháu mai sau?
Phải chăng là những thành phố chằng chịt dây điện, những dòng sông hấp hối, những cánh rừng “trọc đầu” và một vùng châu thổ ngập tràn nước mặn,…?
Nói tới điều này bởi ngày nay, không ít người vin vào chuyện đại bộ phận dân chúng không còn thiếu đói, hầu như nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh để cho rằng chúng ta đã sánh vai được với các cường quốc năm châu, rằng đất nước sẽ vĩnh viễn sạch bóng bọn xâm lược, rằng chúng ta đã chiến thắng đại dịch Covid-19 một cách ngoạn mục nên giờ là lúc được quyền ngẩng cao đầu nhìn thế giới?
Vấn đề là những thế hệ lãnh đạo đang chuẩn bị bước vào ngôi đền quyền lực có dám cởi bỏ chiếc vòng nguyệt quế trên đầu để trí tuệ vươn tới trời cao hay mãi mãi chỉ muốn trốn tránh vừng thái dương nhờ bóng râm của những chiếc lá phủ trên đầu.
Và với đội ngũ đã quy hoạch, có thể vĩnh viễn quên đi câu chuyện trống Đăng Văn?
Tài liệu tham khảo:
[1]//www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/40447202-chuan-bi-va-to-chuc-that-tot-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-tien-toi-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang.html
[2]//thuvienso.bvu.edu.vn/bitstream/TVDHBRVT/4546/1/Dai%20viet%20su%20ky%20toan%20thu.PDF
[3] //giaoduc.net.vn/goc-nhin/tieng-trong-dan-oan-quang-van-dinh-tieng-trong-tong-bi-thu-o-ba-dinh-post168795.gd
[4] //vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/quoc-hoi-khong-lo-luat-bieu-tinh-luat-ve-hoi-592524.html
Xuân Dương
TIN LIÊN QUAN:
CÁN BỘ NÀO THÌ PHONG TRÀO ĐÓ
NHƯ HẢI/ GDVN 6-5-2020
Vấn đề công tác cán bộ luôn được Đảng quan tâm sát sao, trước thềm Đại hội khóa 13 vấn đề này càng được chú trọng.
Liên quan công tác này, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cuông nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác cán bộ được Đảng xác định là then chốt của then chốt. Trong khi, “cán bộ nào thì phong trào đó”.
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông (ảnh nguồn quochoi.vn).
Nếu người có đức, tài, gương mẫu sẽ tập hợp được cán bộ, đảng viên, quần chúng và trở thành trung tâm đoàn kết, phát triển đơn vị.
Còn cán bộ không có đức, tài thì không những kìm hãm sự phát triển, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Theo ông Lê Văn Cuông, nhiệm kỳ trước, công tác cán bộ của Đảng chưa quan tâm đúng mức nên chất lượng một số vị trí giảm sút.
Đảng xác định có bộ phận không nhỏ trong Đảng sa sút phẩm chất ảnh hưởng lớn tới uy tín của Đảng.
Vấn đề này được thể hiện khi có gần 100 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị thi hành kỷ luật, trong đó những cá nhân là Ủy viên trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý và vướng vào vòng lao lý.
Nguyên nhân của tình trạng đó theo ông Lê Văn Cuông, trong vấn đề quy hoạch, đề bạt, bố trí cán bộ được xác định đúng quy trình nhưng không đúng đối tượng. Cho nên đã tạo kẽ hở cho chạy chức, chạy quyền ở một số lĩnh vực gây bức xúc trong nhân dân, đe dọa sự tồn vong của Đảng.
Trong nhiệm kỳ khóa 13 tới đây Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt đồng chí Tổng Bí thư rất quan tâm đến công tác cán bộ.
Chủ trương xác định đội ngũ cán bộ chiến lược từ Ủy viên trung ương trở lên là tinh hoa của Đảng, nòng cốt đưa đất nước phát triển, là lực lượng đảm bảo uy tín của Đảng trong nhân dân. Họ là những cán bộ tiêu biểu, đứng đầu các ngành, địa phương có chất lượng, có sức lan tỏa ra toàn bộ máy từ trung ương đến địa phương.
Từ chủ trương đến việc chọn cán bộ cụ thể luôn chứa đựng nhiều rủi ro, vì vậy để đạt được như mục tiêu nêu ra ông Lê Văn Cuông góp ý, trước đây do thiếu giải pháp, quy trình xét chọn đưa vào quy hoạch, bầu cử không cụ thể nên nhiều cá nhân vẫn lọt lưới.
Nhiều cá nhân bề ngoài có vẻ thể hiện xứng đáng nhưng bên trong có nhiều vấn đề dư luận người ta không tin tưởng, không đồng tình.
“Đừng thấy đỏ mà tưởng là chín”. Qua thực tiễn các nhiệm kỳ trước vấn đề về công tác cán bộ chưa được thấu đáo, chưa được đúng và trúng ý Đảng lòng dân.
Cứ tưởng có đức, có tài nhưng thực tế chỉ là mẫu mã bên ngoài còn bên trong rất phức tạp không đáp ứng được yêu cầu. Nhiệm kỳ tới phải khắc phục được vấn đề đó.
Tổng Bí thư từng nhắc nhở cụ thể những vấn đề liên quan đến cán bộ những người vi phạm những điều đảng viên không được làm, hoặc bộc lộ những vấn đề nghi ngờ, có liên quan đến tham nhũng, trực lợi, không gương mẫu theo quy định của Đảng.
Nếu đảng viên nào dính dáng tới các vấn đề đó dứt khoát không đưa vào cấp ủy.
Trước đây, chỉ nó chung chung, nhưng giờ có quy định cụ thể, tất cả các cấp ủy Đảng căn cứ quy định đó mà xem xét quy hoạch, không được có những biểu hiện vây cánh, “nói một đàng là một nẻo”.
Ông Lê Văn Cuông cho rằng có tình trạng, nhiều đối tượng khi bầu cử đạt được chuẩn, thực sự xứng đáng, trong quá trình thực thi nhiệm vụ do quyền lực quá lớn đã lợi dụng, cám dỗ đã tạo nên con người ta không giữ được lòng tham, không tiết chế được ham muốn nên sa vào con đường từ cái tốt, chuyển thành sa sút phẩm chất về chính trị.
Nên cần yêu cầu cán bộ sau được chọn lựa đảm bảo đúng tiêu  chuẩn, đức tài, phải thường xuyên trau dồi, đạo đức lối sống, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu.
Đây là vấn đề phải phấn đấu cả đời, để đảm bảo tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời đảm bảo uy tín, thực hiện tốt nghị quyết nêu gương, để tạo nên gương sáng cho cấp dưới học tập, noi theo.
Cá nhân các lãnh đạo được bố trí vào cấp ủy, các cấp, đặc biệt người đứng đầu Ban chấp hành trung ương phải là hạt nhân tiêu biểu, tinh hoa của Đảng, thường xuyên rèn luyện, chịu sự giám sát của Đảng.
Do đó, các cơ quan chức năng của Đảng phải quan tâm vấn đề giám sát quyền lực.
Hiện nay, thiết chế kiểm tra quyền lực đặt ra, thực hiện chặt chẽ, giám sát từng hành vi, lối sống cùng với công việc của cán bộ nhất là người đứng đầu, kịp thời phát hiện ra những yếu kém, vi phạm để uốn nắn, răn đe, nhắc nhở nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh.
Cũng theo vị này, nhiệm kỳ tới đây công tác cán bộ sẽ khắc phục được những yếu kém.
Hiện mọi việc đang được xem xét rất là cẩn thận, chu đáo, chặt chẽ theo hướng dẫn của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư từ cơ sở đến trung ương.
Như Hải
TIN LIÊN QUAN:
NHỚ NGƯỜI CÁN BỘ NGHIÊM KHẮC VÀ KHÔNG SỢ ĐỤNG CHẠM
LÊ QUANG THƯỞNG/ SGGP 5-5-2020


Tôi và những người bạn đều rất xúc động với thông tin anh Nguyễn Đình Hương từ trần. Anh Nguyễn Đình Hương hơn tôi 8 tuổi, đối với tôi, anh ấy là người đàn anh.

 Anh Hương từng công tác ở Ban Tổ chức Trung ương rất lâu (từ năm 1956 đến 2008 mới chính thức nghỉ hưu), trong quá trình đó anh Hương có làm Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ một thời gian, ban cũng được tách từ Ban Tổ chức Trung ương thành ban riêng, sau đó lại nhập lại (hiện nay Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ nằm trong Ban Tổ chức Trung ương), mặc dù là bảo vệ chính trị nội bộ, nhưng cũng là công tác cán bộ. Có thể nói, anh Nguyễn Đình Hương là người làm công tác cán bộ thâm niên nhất trong những người hoạt động ở Ban Tổ chức Trung ương từ xưa tới nay. 
Nhớ người cán bộ nghiêm khắc và không sợ đụng chạm ảnh 1Đồng chí Nguyễn Đình Hương
Trong quá trình công tác và làm việc, tôi từng làm việc với anh Hương nhiều năm, ấn tượng về anh ấy là người làm việc rất trung thực, khách quan, điềm tĩnh. Làm công tác cán bộ không bao giờ để lộ ra những ý kiến cá nhân mà để cho người khác nhận xét về mình, anh Hương làm lâu bởi vì anh giữ được điều đó. Đã qua rất nhiều đời Trưởng ban Tổ chức Trung ương (từ thời Trưởng ban Lê Đức Thọ, Nguyễn Đức Tâm, Lê Phước Thọ, Nguyễn Văn An, Trần Đình Hoan), ấn tượng với tôi nhất là cuộc sống của anh Nguyễn Đình Hương rất giản dị nhưng điểm đặc biệt của anh Hương là có rất nhiều điều đặc biệt trong việc tiếp xúc con người, nhận xét con người, đánh giá con người để làm sao cho thật khách quan. Tôi về Ban Tổ chức Trung ương năm 1983, cũng có vài chục năm gắn bó với công tác cán bộ cùng anh Hương. Anh ấy luôn điềm đạm trong mọi việc, nhất là công tác cán bộ; nhưng khi cần cũng rất gay gắt. Có những lần anh đấu tranh trong nội bộ với một vài trường hợp rất gay gắt, nói thẳng.
Mặc dù là người làm công tác tổ chức cán bộ, trực tiếp liên quan tới các vị trí nhân sự, nhưng với bản tính của anh Hương, không bao giờ đưa anh em họ hàng, con cái vào cơ quan mình làm việc. Và anh ấy xác định, đã làm công tác cán bộ, phụ trách nhân sự phải hết sức khách quan, trung thực, điềm tĩnh. Khi đã làm công tác này lâu năm, anh Hương đã tích lũy được những đức tính đó, đặc biệt là thời gian khoảng 30 năm là cấp dưới của cố Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ, một người hết sức quyết liệt. 
Tôi luôn nghĩ rằng, đức tính thẳng thắn, đôi khi có phần gay gắt của anh Nguyễn Đình Hương là tốt, anh ấy không bao giờ sợ đụng chạm. Trong quá trình có ý kiến với trường hợp này, trường hợp khác, cũng có những người tiếp thu và phản ứng, nhưng tất cả vì sự nghiệp chung. Người làm công tác cán bộ luôn cần phẩm chất tốt, con người đó phải trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân và hết lòng hết sức phục vụ cho sự nghiệp của Đảng. Trong công tác tổ chức luôn phải lắng nghe, không thể bộc lộ ý kiến cá nhân trước khi người khác phát biểu, nhiều khi là không được phép nói, chỉ cần nghe và nghe nhiều thông tin để đúc kết thông tin, từ đó thấy được cái gì đúng và không đúng, anh Nguyễn Đình Hương là người như vậy. 

Nghỉ hưu, tôi và anh Hương cùng tham gia công tác liên lạc những người hưu trí của Ban Tổ chức Trung ương, anh ấy là trưởng ban. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi ngoài chuyện đóng góp các ý kiến cho Đảng, Nhà nước, vẫn thường xuyên cập nhật tình hình thời sự, công tác nhân sự. Anh ấy luôn có những ý kiến sắc sảo trong việc góp ý trực tiếp với Ban Tổ chức Trung ương. 

Những người làm công tác cán bộ hiện nay, muốn làm tốt thì không hề khó, quan trọng là sự trung thực của người cán bộ, có đề cao trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân hay không, phải xác định mình làm để phục vụ Đảng và nhân dân suốt đời, lúc đó mới giữ được tính cách khách quan, trung thực, lắng nghe. Bởi thực tế, từng người làm công tác cán bộ không quyết định được nhân sự, nhưng quyết định trong việc tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Làm công tác cán bộ phải xác định là công việc nhạy cảm, phức tạp, thậm chí nhiều trường hợp họ mua chuộc mình để có được sự ủng hộ, việc cởi bỏ những cám dỗ tầm thường đó nhiều khi nghĩ là dễ nhưng lại khó.
Trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng tiền có sức chi phối rất lớn, nếu người cán bộ không vững vàng sẽ dễ bị lung lay bởi đồng tiền. Muốn không bị lung lay, bản thân người làm công tác nhân sự phải giữ phẩm chất của mình, đừng tham tiền, không tham vấn đề vật chất tầm thường và chịu khó lắng nghe để làm việc, tuyệt đối không thể chiều theo ý cá nhân ai đó.
LÊ QUANG THƯỞNG, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
TỔ CHỨC CÁN BỘ
NGUYỄN THÔNG/ TD 4-5-2020

Ông Nguyễn Đình Hương. Nguồn: PLTP

Dư luận đang khen ngợi cụ Nguyễn Đình Hương (vừa mất hôm qua 3.5) là một chuyên gia siêu đẳng về công tác tổ chức cán bộ, người gần như cả đời làm công việc này. Thôi thì “nghĩa tử là nghĩa tận”, khen cụ cũng phải đạo, mà thực ra trong các quần thần của triều đình làm công tác tổ chức, chọn người, thì hiếm có ai như cụ Hương.
Tôi chưa gặp cụ bao giờ nhưng qua chuyện thế sự suốt mấy chục năm, biết cụ là người tử tế, thẳng thắn, ghét thói dối trá, kiên quyết với nạn tham nhũng, và hình như sống rất trong sạch, không để lại điều tiếng gì. Vậy nên tôi quý cụ, không nói về cụ mà chỉ nói tới khâu tổ chức cán bộ của trung ương mà cụ từng là thành viên, là người cầm trịch.
Công tác này (tổ chức cán bộ) được bộ máy cầm quyền cộng sản rất coi trọng, thậm chí đặt lên hàng đầu. Cụ Hồ, một siêu phàm về tổ chức cán bộ thường nhắc nhở “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Cụ đã từng đặt vào ghế lãnh đạo cấp cao rất nhiều người mà nếu cứ theo lý luận, quy trình máy móc thì những người ấy cả đời sẽ bị chìm khuất trong đám vô danh tiểu tốt, không ai biết đến. Ông Nguyễn Hữu Đang chẳng hạn. Cụ bảo “khó thì mới giao cho chú”, khen thay con mắt tinh đời. Những người được cụ tin và chọn như ông Đang không phải ít. Tiếc rằng cụ không bảo vệ họ tới cùng.
Đảng cầm quyền, cũng như cụ Hồ, luôn xem tổ chức cán bộ là khâu then chốt, là chìa khóa mở mọi ổ khóa (giống như chú bé có tài mở khóa của nhà văn Nguyễn Quang Thân, hì hì), là quyết định đối với mọi quyết định, là thành công cho mọi thành công. Một bộ máy, một hệ thống chính trị, nó hay hay dở, tốt hay xấu, vững mạnh hay rệu rã… phần lớn do công tác cán bộ. Đó là điều không thể chối cãi.
Tôi trong cuộc đời mình tới giờ từng biết và chứng kiến nhiều ông trùm về tổ chức cán bộ, mà đảng gọi là Ban Tổ chức trung ương. Họ là những ông vua không ngai, thét ra lửa, quyền uy nghiêng trời lệch đất, cả triều đình, thậm chí cả vua cũng phải sợ, e ngại. Nói gì thì nói, trong lĩnh vực này của ông Lê Đức Thọ là số 1, chỉ hiềm nỗi ông ác quá khiến người ta chỉ sợ chứ không kính. Còn đám mấy ông hậu sinh như Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Văn An, Trần Đình Hoan, Tô Huy Rứa, Hồ Đức Việt… cũng chỉ làng nhàng, chả để lại dấu ấn gì đáng kể.
Tôi nhớ thời ông An làm Trưởng ban Tổ chức trung ương, ông đưa cả tướng Phan Trung Kiên tư lệnh quân khu 7 ra trung ương, sau lên đến thượng tướng, thứ trưởng quốc phòng.
Tháng 1.2000, lúc cầu Bến Lức bị sà lan đâm sập ngay trước Tết Nguyên đán Canh Thìn 2000, quân khu của ông Kiên, tư lệnh quân khu 7, loay hoay suốt mấy ngày bắc không xong cái cầu phao, dân tình khổ sở trăm bề. Suốt mấy ngày giáp tết hàng hóa thịt thà, rau cỏ, trái cây, bông hoa… không lưu thông lên Sài Gòn được, ách tắc hết bên phía tây cầu, hư hỏng đổ bỏ không biết bao nhiêu mà kể.
Chiều 13 tháng chạp, vợ chồng tôi và đứa con gái bé 9 tuổi chạy xe máy từ quê An Giang lên, tới địa phận huyện Bến Lức vẫn chưa có cầu phao, chen trong đám xe cộ dài cả chục cây số, không cách gì nhúc nhích. Sau phải cùng mấy người cùng cảnh ngộ mạo hiểm thuê chiếc ghe nhỏ, luồn lách kênh rạch và bãi dừa nước, băng qua sông (Vàm Cỏ Đông), suýt chìm, may nhờ phúc ấm tổ tiên ông bà phù hộ, trời phật độ trì mà thoát khỏi tai ương. Bốn ngày sau mới lắp xong cầu phao.
Cứ nghĩ, nếu có kẻ địch nó phá cầu, chờ được lính của ông Kiên bắc được cầu phao thì coi như xong. Một vị tư lệnh chịu trách nhiệm chính mà để như vậy, lại lên thượng tướng, thứ trưởng, chả nhẽ ông An tổ chức không có tai có mắt, không biết gì sự liên quan giữa ông Kiên và cầu Bến Lức. Lăng xê người “tài” như thế thì tôi cũng chịu ông An. Đó là chưa kể vụ Lý Tống năm 2000 khống chế máy bay bay mấy vòng trên bầu trời Sài Gòn rải truyền đơn, ông Kiên cũng chả làm được gì. Tôi kể chuyện này, giờ còn rất nhiều nhân chứng bị ảnh hưởng trực tiếp vụ tai nạn cầu Bến Lức xác nhận, chả dám nói sai.
Giở lại chuyện cụ Hương. Có thể cụ tài tổ chức, giỏi công tác cán bộ thế nào đó, tôi chưa tỏ. Mình dân thường sao rành hết mọi chuyện, nhất là việc triều đình. Gái góa đâu thể lo việc triều đình. Nhưng điều rõ ràng, sau bao nhiêu năm trong “sự nghiệp tổ chức” có sự tham gia và lãnh đạo của cụ Hương, đội ngũ cán bộ đi từ hỏng này đến hỏng khác. Từ thời cụ Hồ tới giờ, chưa bao giờ cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao, nhiều tai tiếng hư hỏng xấu xa như những năm qua.
Dột từ nóc dột xuống. Tham nhũng đã thành đặc trưng không thể thiếu được của đội ngũ cán bộ đã cạn hết hồng hết chuyên. Nếu ai bảo rằng hư đâu mà hư, thì tôi xin hỏi, cán bộ mà không hư, sao cụ Trọng tổng bí thư, chủ tịch nước lại phải vất vả đốt lò đến thế. Lò thiêu cán bộ rực lửa chưa từng có.
Mà nói đâu xa, cán bộ nếu tốt thì đã chẳng xảy ra cái sự đến ngay người mất niềm tin nhất cũng không nghĩ ra. Trong lúc dịch Cô Vít nghiêm trọng thế, tính mạng con người là trên hết, vậy nhưng đám cán bộ vẫn tranh thủ việc mua máy xét nghiệm bằng tiên ngân sách, nâng khống giá lên gấp mấy lần để bỏ túi. Hàng vài tỉ đồng mỗi máy chứ có ít đâu.
Không chỉ cá biệt một vài nơi mà hầu hết tỉnh thành cả nước. Thu vén túi riêng khi tính mạng nhân dân trên bờ vực, ngay cả quân khốn nạn nhất cũng không dám làm vậy. Đó là sản phẩm của công tác cán bộ thường được các đấng bậc triều đình khen là thành công rực rỡ.
VÀI DÒNG VỀ ÔNG NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG VÀ ÔNG NGUYỄN HỮU ĐANG
HOÀNG HẢI VÂN/ TD 6-5-2020
Ông Nguyễn Hữu Đang (bên trái) và GS Trần Văn Giàu – Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam Bộ (1995). Ảnh: Nguyễn Đình Toán





Ông Nguyễn Đình Hương, cựu Trưởng Ban bảo vệ chính trị nội bộ, cựu Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng vừa qua đời được truyền thông ca ngợi là một trong những cán bộ chính trực, chí công vô tư, là nhà tổ chức có tầm nhìn của công cuộc đổi mới. Tôi cũng thấy ông là một người đáng được ngưỡng mộ. Báo chí cũng nhắc tới ông, với tư cách là một người có trọng trách, đã có công đưa cựu “chính trị phạm” Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội và thu xếp chế độ hưu trí cho ông Đang, đồng thời còn ủng hộ việc trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho 4 nhân vật lẫy lừng của phong trào Nhân văn giai phẩm: Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt và Hoàng Cầm.
Thái độ của ông Nguyễn Đình Hương thật đáng quý. Nhưng theo tôi, đó chẳng phải là “công” gì đối với ông Nguyễn Hữu Đang và 4 văn nhân lừng danh nói trên, mà chỉ là những việc ông cần làm, riêng trường hợp của ông Nguyễn Hữu Đang thì ông Hương làm quá muộn.
Ông Nguyễn Hữu Đang là một nhà cách mạng, là một trong những người có công trong cuộc đấu tranh giành độc lập và trong kháng chiến chống Pháp. Tuy chức vụ cao nhất chỉ là Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, nhưng ông là Trưởng ban Tổ chức Lễ Tuyên ngôn độc lập năm 1945, do đó ông còn là một nhân vật lịch sử. Ông là nhà chính trị nhìn xa trông rộng, là người khởi xướng và là thủ lĩnh phong trào Nhân văn Giai phẩm. Mọi người đều biết Nhân văn Giai phẩm đã thu hút những người tài giỏi nhất trong giới văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc sau năm 1954. Họ không chỉ là Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Bính, Nguyễn Hữu Loan, Quang Dũng… mà còn có Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng và nhiều nhân tài khác, những cái tên khi nhắc đến khiến ta phải cúi đầu.
Thực chất của phong trào Nhân văn Giai phẩm không phải chống chế độ chống đất nước gì cả, mà là sự khởi đầu cho khuynh hướng tự do sáng tác, tự do học thuật và dân chủ hóa xã hội, không chịu sự câu thúc của chính trị giáo điều. Chính từ phong trào này mà những tư tưởng cải cách được tích tụ, len lỏi trong xã hội, góp gió thành bão, để đến giữa những năm 1980 thúc đẩy thành công cuộc Đổi Mới. Họ đã đi trước thời đại 30 năm. Những gì họ chống vào năm 1956 thì năm 1986 Đảng Cộng sản cũng chống.
Trở lại chuyện ông Nguyễn Hữu Đang. Nhóm Nhân văn Giai phẩm bị đánh tơi bời lên bờ xuống ruộng, nhiều người phải đi cải tạo lao động, không được công bố các sáng tác, nhưng chỉ có 2 người bị kết án tù. Đó là nhà chính trị Nguyễn Hữu Đang và nhà văn Thụy An, dù nữ văn sĩ này không hề viết gì cho Nhân văn Giai phẩm mà chỉ bị vu oan là “gián điệp”.
Theo như báo chí ca ngợi ông Nguyễn Đình Hương thì dường như ông Hương có công minh oan gì đó cho ông Nguyễn Hữu Đang. Không hề. Ông Đang ở tù 15 năm (nếu không có Hiệp định Paris thì không chắc ông Đang được ra tù vào năm 1973), không được minh oan, không ai tuyên bố giảm án. Sau khi ra tù ông thực chất còn bị quản thúc một thời gian dài ở quê nhà, bơ vơ không vợ không con. Người thân của ông Đang phải mang đơn đi gửi khắp nơi, cuối cùng ông phải đến nhờ ông Nguyễn Đình Hương giúp đỡ. Và ông Nguyễn Đình Hương đã đề xuất thu xếp cho ông có nhà ở tại Hà Nội và cuối đời được hưởng lương hưu trí “hàm” thứ trưởng.
Thời điểm đó diễn ra rất lâu sau Đổi Mới. Có lẽ từ đề xuất của ông Nguyễn Đình Hương mà lãnh đạo lúc đó mới phát hiện ra những người tiền nhiệm của mình đã sai. Các vị đã âm thầm sửa sai bằng việc giải quyết một chút chế độ chính sách cho ông và không ngăn cản báo chí đăng bài của ông hoặc viết bài về ông.
Các vị lãnh đạo khởi xướng Đổi Mới là những người có công đối với đất nước. Các vị cũng chống những gì ông Nguyễn Hữu Đang chống từ 30 năm trước, các vị được tôn vinh, còn ông Nguyễn Hữu Đang thì bị coi là một tội đồ. Sinh thời ông Nguyễn Hữu Đang, các vị và những người kế nhiệm các vị vẫn còn nợ ông một lời xin lỗi.
Nhưng chuyện đã qua, những người trong cuộc hầu hết đã thành người thiên cổ. Nhân ông Nguyễn Đình Hương qua đời báo chí có nhắc đến ông Nguyễn Hữu Đang, tôi chỉ viết vài dòng công bằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét