Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

20200520. BÀN VỀ PHỤC HỒI KINH TẾ SAU COVID-19

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHỤC HỒI KINH TẾ SAU COVID-19 BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU ?
NGUYỄN NGỌC CHU/TD /BVN 19/5/2020

Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa  trên Chinhphu.vn
Làm thế nào để phục hồi nền kinh tế và tiếp tục phát triển mạnh sau COVID-19 là vấn đề quan tâm bậc nhất cho những nhà quản lý kinh tế Việt Nam hiện nay. Muốn có biện pháp đúng thì trước hết phải đánh giá đúng tình hình. Trước hết là từ bình diện quốc gia.

I. COVID-19 – ĐIỂM GÃY CHUYỂN HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA NHÂN LOẠI

Đại dịch COVID-19 là điểm gãy trên đồ thị phát triển của nhân loại. Sau COVID-19, đồ thị phát triển của nhân loại đổi hướng. Có thể ví thời kỳ dịch COVID-19  diễn ra chính là một cuộc sinh nở. Sau COVID-19 là thời kỳ sau sinh nở.
Với Việt Nam, sau COVID-19  là một cơ hội mới chưa bao giờ từng có trên bàn cờ chính trị và kinh tế thế giới. Ở đó, Việt Nam đang có cơ hội chơi một sân chơi mới với vai trò mới quan trọng hơn. Vấn đề nằm ở chỗ - là Việt Nam nhìn thấy cơ hội và không bỏ lỡ cơ hội. Trước hết, hãy nhìn cho rõ cơ hội.

II. THAY ĐỔI CĂN BẢN ĐÁNH GIÁ CỦA THẾ GIỚI VỀ TRUNG CỘNG

1. Ở Biển Đông Nam Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã từng kỳ vọng vào nguồn gốc Hoa để chơi một trò chơi đi đêm với Trung Quốc. Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đã từng hy vọng vào gốc Hoa để đi đêm với Trung Quốc. Nhưng tàu của Trung Quốc vẫn đâm chìm thuyền cá của Philippines. Tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc sau khi xâm phạm ngang ngược Bãi Tư chính của Việt Nam trong suốt mấy tháng, thì nay đang ngang ngược quấy phá ở vùng biển của Malaysia. Mấy nước trong vùng Biển Đông Nam Á đều sáng mắt, rằng không ai có thể thành công bằng chính sách đi đêm riêng rẽ với Trung Quốc - bất chấp là gốc Hoa hay đồng ý thức hệ.
2. Các nước Châu Âu cũng đã từng đi đêm song phương với Trung Quốc. Vì thị trường Trung Quốc quá lớn mà không nước nào muốn từ bỏ - đành phải xuống thang. Trung Quốc đe dọa tất cả về việc phải rời khỏi thị trường Trung Quốc nếu làm trái ý Trung Quốc. Hãng xe Volkswagen vì thế mà chấp nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc trong phần mềm điều khiển của xe. Đến tỷ phú Bill Gate cũng đi đêm với Trung Quốc.

Bây giờ thì Đức, Pháp, Anh và tất cả các nước ở Tây Âu đều phải đi đến kết luận rằng không thể đi đêm song phương với Trung Quốc; phải thay đổi căn bản quan hệ với Trung Quốc; chấp nhận cắt ruột cho trường hợp mất thị trường Trung Quốc.
3. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là một nhà thương mại. Ông xóa bàn cờ mặc cả lại với tất cả các nước để đưa lợi về cho nước Mỹ. Ông gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc cũng chỉ vì mục đích dành lợi thế trong quan hệ song phương.
Nhưng từ dịch COVID-19, chính Tổng thống Donald Trump đã quyết định thay đổi bước ngoặt khác nữa về quan hệ với Trung Quốc. Rằng chiến tranh thương mại còn xa cho vai trò chìa khóa trong quan hệ với Trung Quốc. Chiến tranh thương mại không chữa được vết thương Trung Quốc. Vết thương Trung Quốc chỉ có cắt bỏ. Chấp nhận không có thị trường Trung Quốc. Chấp nhận cả tuyệt giao. Đây là điểm khác biệt căn bản so với lá bài chiến tranh thương mại chỉ vì mục đích dành lợi thế về kinh tế.

4. Nhật Bản chấp nhận tháo lui hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc. Australia cũng ý thức rõ không thể nhân nhượng song phương với Trung Quốc - sẵn sàng cho trường hợp triệt thoái. Ấn Độ cũng đã sẵn sàng cho một sắp xếp mới.
5. Cả thế giới chấp nhận sắp xếp lại thị trường cho trường hợp không có Trung Quốc. Một cơ cấu kinh tế toàn cầu mới đang được hình thành với nhân tố Trung Quốc được đưa về đúng giá trị.
6. Nói như vậy không phải là Trung Quốc hoàn toàn rời khỏi cuộc chơi trên bàn cờ mới. Chính thể CHND Trung Hoa sẽ tan biến, nhưng Trung Quốc vẫn tồn tại và hiển diện như một nhân tố quốc tế quan trọng. Chỉ có điều trong một luật chơi mới với vai trò phù hợp.

III. THUẬN LỢI LỊCH SỬ CHO MỘT VAI TRÒ LỚN HƠN CỦA VIỆT NAM

Nếu trước đây, một mình Việt Nam triệt thoái khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là điều rất khó khăn. Nhưng nay cả thế giới cùng lúc triệt thoái khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì đó là điều kiện vô cùng thuận lợi cho Việt Nam. Khẳng định đây là điều kiện thuận lợi lịch sử chưa bao giờ có. Việt Nam không đơn phương trong sắp sếp lại thị trường.
1. Thế giới, cụ thể là Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và một số nước khác, sẽ có khoảng thị trường trống trước đây được cung cấp từ Trung Quốc - thì nay sẽ là cơ hội cho Việt Nam trở thành nhà cung cấp. Khoảng trống này rất rộng lớn, vượt quá khả năng cung cấp của Việt Nam. Rời bỏ thị trường Trung Quốc, Việt Nam không phải lo lắng về thị trường tiêu thụ như trước đây nếu chỉ một mình Việt Nam rời bỏ thị trường Trung Quốc.
2. Tự Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản cũng phải chủ động tìm nhà cung cấp thay thế cho các nhà cung cấp từ Trung Quốc. Như vậy Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản không chỉ mở cửa chào đón mà còn phải chủ động tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam, miễn là Việt Nam đáp ứng đúng tiêu chuẩn và đúng nhu cầu. Đây là quan hệ hai chiều vô cùng thuận lợi.
3. Đến lượt mình, Việt Nam trở thành một thị trường mới thay thế một phần thị trường Trung Quốc cho Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản. Như vậy Việt Nam có cơ hội không chỉ là thị trường tiêu thụ, mà Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản sẽ trở thành các nhà cung cấp cho Việt Nam, thế chân cho các nhà cung cấp từ Trung Quốc.
4. Đây thực sự là cơ hội lớn để Việt Nam có được những nhà cung cấp hàng hóa chất lượng cao, được tiếp cận với công nghệ tiên tiến, ít độc hại. Từ đó sản xuất được những sản phẩm chất lượng tiêu chuẩn Âu - Mỹ - Nhật. Ở mặt khác, đây còn là thời cơ lớn để người Việt Nam được tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao từ Âu - Mỹ - Nhật.
5. Không những thoát khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc, mà quan trọng hơn, là cơ hội chưa bao giờ có để Việt Nam thoát khỏi giai tầng công nghệ hàng hóa chất lượng kém mà bước lên một bằng công nghệ cao mới, ở cả 2 mặt, sản xuất và tiêu dùng. Đây chính là thời cơ để Việt Nam bước vào hàng ngũ các nước công nghệ phát triển.
6. Việt Nam, chưa bao giờ như bây giờ, đang có cơ hội mở cánh cửa để được tham gia giữ một vai trò cùng với “Bộ tứ kim cương” – Mỹ Nhật Ấn Úc trên bàn cờ địa chính trị Ấn Độ - Thái Bình Dương. “Bộ tứ kim cương” là nhân tố số 1 trong bàn cờ địa chính trị Ấn Độ - Thái Bình Dương. “Bộ tứ kim cương” quả thật đang cần có thêm một người chơi là Việt Nam ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
7. Việt Nam, cũng chưa bao giờ, có một cơ hội như bây giờ sau COVID-19, để bước lên một mặt bằng quan hệ mới với Châu Âu. Châu Âu đã nhận ra các quái tật trong quan hệ với Trung Quốc. Sự thay đổi quan hệ của Châu Âu với Trung Quốc sau COVID-19  sẽ có tác động dịch chuyển mạnh mẽ lên quan hệ Châu Âu với Việt Nam. Châu Âu với hạt nhân EU - luôn là một trụ cột quan trọng bậc nhất của tiến bộ nhân loại. Việt Nam luôn phải lấy EU làm một trụ cột xây dựng quan hệ trong suốt tiến trình phát triển.
8. Cũng chưa bao giờ, Việt Nam có cơ hội rộng mở bước lên bậc thang mới trong quan hệ với siêu cường số 1 thế giới là Hoa Kỳ - như sau dịch bệnh COVID-19. Sự thay đổi quyết liệt của Hoa Kỳ trong quan hệ với Trung Quốc tạo nên một chấn động dịch chuyển quan hệ Hoa Kỳ với các nước - trong đó có Việt Nam. Vấn đề nằm ở chỗ, Việt Nam biết di chuyển đến vị trí nào vào lúc cả bản cờ đang di chuyển.
9. Cũng chưa bao giờ, Việt Nam có cơ hội xây dựng mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc như sau dịch COVID-19. Không phải Việt Nam cắt đứt với thị trường Trung Quốc, mà Việt Nam lập lại sự bình đẳng trong quan hệ với thị trường Trung Quốc. Hiểu đúng nghĩa cả thị trường hàng hóa lẫn thị trường chính trị.
10. Sau dịch COVID-19, cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao quan hệ với Nga, Hàn Quốc, khối Asean, Canada, Israel và nhiều nước khác nữa.

IV. CÓ LỢI CHO CHÍNH TRUNG QUỐC

Không phải triệt thoái khỏi Trung Quốc là bài xích Trung Quốc. Cũng không phải triệt thoái khỏi Trung Quốc là Trung Quốc sụp đổ. Sự triệt thoái khỏi Trung Quốc thực chất là lập lại một sự cân bằng sòng phẳng mới. Sự cân bằng sòng phẳng mới này có lợi cho chính Trung Quốc.
1. Trong một thời gian dài nhiều thập niên, nước CHND Trung Hoa đã chơi một trò chơi gian lận với thế giới. Ăn cắp bí mật công nghệ. Ăn cắp bản quyền. Nhái công nghệ. Nhái hàng hóa… Dựa trên tất cả những điều đó, Trung Quốc đã chiếm đoạt lợi thế thương mại, kiếm lời kếch sù từ gian lận. Trung Quốc liên tục trong nhiều năm, nhờ sự không sòng phẳng mà có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
2. Nhờ những điều gian lận, nhất là ăn cắp bí mật quân sự, Trung Quốc nhanh chóng trở thành siêu cường. Nhưng sức mạnh siêu cường của Trung Quốc được đặt trong bàn tay cai trị của chính quyền Bắc Kinh đã trở thành hiểm họa cho thế giới và cho chính nhân dân Trung Quốc.
Trung Quốc lợi dụng sự lớn mạnh về quân sự để bành trướng ở Biển Đông Nam Á. Trung Quốc lợi dụng sự lớn mạnh kinh tế để đi chiếm đoạt các dự án kinh tế ở các nước rồi biến thành lãnh thổ trá hình của Trung Quốc. Trung Quốc lợi dụng sự lớn mạnh kinh tế để cho vay, đưa các nước nghèo vào quỹ đạo khống chế, biến thành phụ thuộc… Tóm lại CHND Trung Hoa sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để bành trướng sự thống trị cả thế giới.
3. Sự bừng tỉnh của thế giới trong quan hệ với CHND Trung Hoa đưa đến một cấu trúc quan hệ mới. Trong đó Trung Quốc buộc phải chơi một trò chơi sòng phẳng. Nó thúc đẩy sự sáng tạo ngay chính trong Trung Quốc thay cho trộm cắp sáng chế. Nó thúc đẩy Trung Quốc sản xuất hàng chất lượng cao thay vì hàng nhái hàng giả. Nó làm cho Trung Quốc lương thiện hơn. Nó làm cho thế giới bớt kỳ thị Trung Quốc.
4. Triệt thoái sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của thế giới sẽ làm lao đao chính quyền Trung cộng – dẫn đến sự cáo chung. Sẽ đến thời điểm Trung cộng được thay thế bởi một Trung Quốc mới - với vị trí tương ứng trên trường quốc tế.
5. Nhân dân Trung Quốc không cần sự giàu có nhờ ăn cắp. Nhân dân Trung Quốc không cần sự rộng lớn nhờ cướp đoạt lãnh thổ. Nhân dân Trung Quốc thừa khả năng đưa Trung Quốc thành cường quốc có vai trò lớn trên thế giới trong một cuộc chơi sòng phẳng.

V. ĐỪNG BỎ LỠ CƠ HỘI

Cứ mỗi lần Trung Quốc đóng cửa biên giới là Việt Nam lao đao. Việt Nam đã ngàn lần lao đao vì Trung Quốc mà vẫn chưa thức tỉnh.
Con virus corona nhỏ nhoi từ Vũ Hán đang làm cho các quốc gia khổng lồ trên thế giới phải lao đao. Điều khác biệt với Việt Nam - là các quốc gia này sực tỉnh mà quyết tâm rời bỏ Trung Quốc.
Một cuộc triệt thoái khỏi sự ảnh hưởng toàn diện của Trung Quốc trên toàn thế giới đã khởi động. Việt Nam sẽ ‘Vươn vai Thánh Gióng’ nếu biết cuốn mình theo cơn bão thoát Trung Quốc của toàn nhân loại. Cuộc sinh thành nào cũng khốc liệt.
Muốn bùng phát kinh tế sau COVID-19 hãy bắt đầu bằng cuộc triệt thoái khỏi thị trường Trung Quốc cùng nhân loại. Không phải cắt đứt, mà xóa bỏ sự mất cân bằng. Tài năng của lãnh đạo được kiểm nghiệm chính là vào thời điểm gãy khúc của lịch sử.

N.N.C.

CẢI CÁCH THỂ CHẾ, THOÁT KHỎI TƯ DUY CŨ ĐỂ 'BẬT' LÊN
pv HÀ AN /CAND/BVN 19-5-2020
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) đã khai mở mặt trận phục hồi nền kinh tế của đất nước. 5 mũi giáp công được coi là chiến thuật hình chữ V mà Thủ tướng chỉ đạo đang được các bộ, ngành địa phương và toàn thể DN ráo riết vào cuộc với quyết tâm cao độ và một tinh thần yêu nước nhiệt huyết.
Khát vọng vươn lên của nền kinh tế đã chiến thắng trên mặt trận chống dịch được cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể và sự vào cuộc sát sao của Chính phủ. Nhưng, để nền kinh tế có sức bật thực sự như một chiếc lò xo bị nén cần có những thay đổi từ chính thể chế. Trong quá trình đó, sẽ có những chọn lọc, những mất mát thực sự.
PV chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật đã có cuộc trao đổi với TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về vấn đề này.
TS Trần Đình Thiên
P.V: Thưa TS Trần Đình Thiên, với những thành tựu về chống dịch, cùng tinh thần và quyết tâm của toàn dân tộc trong công cuộc phục hồi kinh tế, ông đánh giá cơ hội và thách thức của chúng ta trong giai đoạn hiện nay như thế nào?
TS Trần Đình Thiên: Trước hết, chúng ta phải xác định dịch COVID-19 không chỉ là chuyện con virus. Dịch có nguồn gốc toàn cầu hóa và nó chính là yếu tố cấu thành nội hàm khái niệm toàn cầu hóa hiện đại. COVID-19 là tai họa nhưng cũng tạo cơ hội để thay đổi thế giới.
“Hậu COVID” là bước vào giai đoạn là bình thường “mới”, chứ không phải trở lại bình thường “cũ”. Nhưng bình thường mới là gì nhỉ? Ai cũng nói “bình thường mới”, có vẻ hiểu cả, nhưng chỉ mang máng. Trong khi đó, đích xác, cụ thể nó là gì thì dường như còn rất mù mờ. Không biết nó là gì thì làm sao trở lại nó được đây?
Bình thường mới của Việt Nam sẽ đặt ra 2 vấn đề: “Tìm cơ trong nguy” và xác định xem “có nguy trong cơ” không. Lâu nay, đa số hướng tới “tìm cơ trong nguy”. Tôi nhấn mạnh hơn khía cạnh “nguy trong cơ”. Ta bỏ lỡ cơ hội nhiều rồi, do “cơ biến thành nguy” mà không biết. Về “tìm cơ trong nguy”, phải xác định chúng ta vươn lên bằng những thay đổi từ nội lực, tìm kiếm những lợi ích chiến lược, tìm cơ hội để vượt lên đẳng cấp phát triển mới mà lúc bình thường, cố mãi không làm được.
P.V: Bình thường mới - khái niệm này nghe có vẻ đơn giản nhưng sẽ không dễ dàng, vì thực sự hiện tại chúng ta đang ở giai đoạn “bất bình thường”. Vậy có nghĩa trước đây, chúng ta là “bình thường cũ”?
TS Trần Đình Thiên: Tôi muốn nhấn mạnh “bình thường mới” là phải khác với cái cũ chứ không phải là trở về cái cũ. Lấy ví dụ việc đi học của trẻ em. Trước khi có dịch, trẻ con đi học bình thường. Khi có dịch, trẻ con mất mấy tháng học, giờ trở lại học và thi. Vậy “bình thường mới” ở đâu?
Tôi đồng ý Việt Nam chống dịch cực kỳ thành công. Song có vẻ chúng ta đang khá dễ dãi với mình, đang tự động trở lại cái cũ hơn là nhân cơ hội này thay đổi cái cũ, vươn lên cái mới.
Đối với nền kinh tế, có nhiều ý kiến cho rằng phải cứu trợ tất cả DN. Cứu trợ để DN phục hồi, để nền kinh tế “hồi sinh”. Nhưng hồi phục như thế nào? Cấu trúc của DN yếu như thế, cứu cho sống lại hệ thống cũ và yếu như vậy khi thế giới bứt lên đẳng cấp công nghệ mới thì ý nghĩa của việc “cứu” đấy là gì?
Tại sao không phải đặt vấn đề trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, nên bớt phần cứu trợ các doanh nghiệp ốm yếu, ít có triển vọng vươn lên, dành một phần đáng kể để khởi tạo ra hệ thống DN mới, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đích thực? Ý của tôi là hồi sinh nền kinh tế bằng cách “thay máu” nó, chứ không chỉ cứu các DN “đời cũ” ốm yếu, để phục hồi nền kinh tế cũ, đẳng cấp thấp. Tôi nghĩ bình thường mới kinh tế chủ yếu là như vậy.
P.V: Thưa ông, quả thực đây là một cách nhìn mới, đi ngược lại ý kiến của (tạm gọi là) đám đông?
TS Trần Đình Thiên: Điều này dễ hiểu vì ở nước ta, nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tuyệt đại đa số. Tôi xin nói thêm về đặc điểm nền kinh tế nước ta - đó là liên kết chuỗi rất kém, đặc biệt là nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, cứ mạnh ai nấy làm. Ở các nước phát triển khác, các DN liên kết tạo thành chuỗi nên một “thằng” chết thì cả chuỗi chết, theo kiểu domino. Còn ở nước ta, DN khá “độc lập”, nên ít bị tác động.
Hơn nữa, với nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, họ có năng lực xoay trở sinh tồn rất cao, không dễ “chết” đâu. Như cây cỏ trong bão tố ấy mà. Có thể rạp mình xuống trong gió rồi vươn dậy trong khi cây to rất dễ bị quật ngã. DN nhỏ có thể đóng cửa, dừng hoạt động trong thời gian khó khăn, khi có cơ hội, sẽ “hồi sinh”. Những DN này, cứ để phát triển theo tự nhiên. Nhà nước không có đủ tiền cứu trợ đâu. Nhưng cần “cởi trói”, đừng “hành” họ. Vậy là tốt rồi, tốt một cách cơ bản và thực chất.
P.V: Nhưng nếu chỉ cứu DN lớn thì nghe có vẻ phân biệt đối xử quá…
TS Trần Đình Thiên: Ngân sách như 1 bình sữa. Ví dụ nếu 100 ông đều trông chờ vào bình sữa này, mỗi ông sẽ chỉ có 1 giọt, có thể đủ để cả 100 ông cầm cự. Nhưng khi khủng hoảng đi qua, 100 ông này vẫn sống, nhưng đều rất yếu, đều vẫn “nằm bẹp”, không ông nào đứng dậy. Lấy ai cạnh tranh đây, lấy ai khôi phục kinh tế khi đối thủ “tràn vào”? Và đặc biệt, nền kinh tế sẽ không có gì thay đổi, không có sáng tạo, sẽ tiếp tục bị kịch “tụt hậu xa hơn”.
Nhưng nếu bình sữa đó, chúng ta chỉ tập trung cứu 50 hoặc 30 ông chẳng hạn, thì sẽ cứu tốt hơn, tạo sức bật cho họ vươn lên, không phải chỉ cầm cự qua ngày đoạn tháng nữa. Chính họ sẽ tạo sức hồi sinh cho những ông đang gay go vì chưa được cứu trợ đợt đầu. Đặc biệt, cứu được DN lớn sẽ tạo trụ cột phục hồi, tạo động lực phát triển cho cả nền kinh tế. Đó không phải kỳ thị hay phân biệt đối xử. Tình huống này, không nên dàn trải nguồn lực cứu sinh và phải chấp nhận trả giá. Cứu những DN có nguồn lực để họ đứng dậy được; tập trung hỗ trợ các DN khởi nghiệp – đó là cách lựa chọn khôn ngoan khi nguồn cứu trợ có hạn.
Nếu chúng ta tập trung cứu những DN nhỏ “đời cũ”, như đã nói, kết cục nền kinh tế vẫn cứ li ti, không thay đổi được đẳng cấp. Còn nếu tập trung hỗ trợ nguồn lực ít ỏi cho các DN khởi nghiệp, trên nền tảng công nghệ thì sẽ tạo ra một hệ sinh thái mới.
Tôi muốn nhấn mạnh điều đáng quan tâm lúc này là Chính phủ phải đặc biệt quan tâm thúc đẩy các trung tâm khởi nghiệp – sáng tạo, gắn với những DN có công nghệ tiên tiến, đủ sức tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Như thế, Việt Nam mới có thể vươn lên được. Với các DNNVV [? – doanh nghiệp nhỏ và vừa? – BVN], cần cởi trói cho họ, cùng với các ưu đãi chung, họ sẽ tự mình vươn dậy. Tạo cơ hội phát triển một lực lượng DN mới, “thay máu” cho nền kinh tế - đó là “cơ trong nguy” đúng nghĩa hiện nay.
P.V: Vậy theo ông, chúng ta làm gì để nền kinh tế “bật” lên?
TS Trần Đình Thiên: Đổi mới khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số. Phải làm chủ công nghệ, để kéo đất nước đi lên, thoát khỏi tụt hậu. Vai trò của công nghệ khiến trật tự thế giới có thể khác đi rất nhiều. Với Việt Nam điều này rất quan trọng do Việt Nam có kinh tế mở, tham gia rất nhiều các FTA. Dịch bệnh COVID-19 làm đứt chuỗi (từ thấp đến cao) nhưng rõ ràng, là cơ hội để nhìn thấy sau COVID-19 là yếu tố để kích di chuyển thay đổi cấu trúc. Vấn đề nền kinh tế đang đối mặt hiện không thuần tuý là kinh tế. Nó là vấn đề toàn cầu và tổng thể, nên phải giải quyết tổng thể, còn hồi sức cấp cứu rất quan trọng, nhưng có thể nó làm mờ đi những vấn đề chiến lược.
P.V: Xin ông nói rõ hơn về vấn đề chiến lược?
TS Trần Đình Thiên: Có 3 vấn đề; 1 là DN có phục hồi được không. Tôi nói làm sao để nền kinh tế Việt Nam đứng dậy được, chứ không phải tất cả DN đều đứng dậy được. Thứ 2 là để Việt Nam thoát khỏi lệ thuộc phát triển vào một số thị trường. Thứ 3 là năng lực để có thể “nhảy” vào nền kinh tế hiện đại.
Để làm được điều này, quan trọng nhất đó là phải có hệ thống thể chế tương thích, nguồn lực mới, thể chế mới công khai minh bạch mới mong tham gia vào chuỗi giá trị.
P.V: Chính phủ đã có chiến lược cụ thể và rất rõ ràng với 5 mũi giáp công gồm thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa…
TS Trần Đình Thiên: Chính phủ kiến tạo trong 3 năm qua đã đồng hành, hỗ hỗ trợ cho DN, đạt được những thành tựu rất căn bản, vững chắc. Kinh tế tư nhân tăng trưởng tốt song chưa đủ mạnh. Còn FDI, khi thế giới lộn xộn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, Việt Nam trở thành điểm sáng, thu hút được nhiều. Nhưng, có một con số đáng chú ý đó là số lượng FDI vào Việt Nam năm 2019 vừa qua: số dự án tăng lên gần 30%, nhưng vốn giảm 16%. Nghĩa là xu hướng “li ti hóa – phi công nghệ hóa”. Dự án vào Việt Nam vốn đã bé rồi càng bé hơn. Một phần khá lớn dự án này có nguồn gốc Trung Quốc. Đây là vấn đề không thể coi thường. “Nguy trong cơ” là không nhỏ.
Còn về giải ngân đầu tư công hiện rất chậm và ngày càng chậm, chứng tỏ căn bệnh cơ chế của ta đang trầm trọng. Ngân sách tồn đọng mấy trăm nghìn tỷ đầu tư công. Nếu ta giải ngân được, bơm được “dòng máu” này vào nền kinh tế, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN và toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy toàn bộ sản xuất. Khi đó, may ra, nền kinh tế bật dậy được theo hình chữ V và tạo điều kiện để bắt nhịp vào quỹ đạo kinh tế số. Bởi vậy, phải tập trung giải ngân đầu tư công. Việc hỗ trợ các DNNVV là của ngân hàng - giao việc cụ thể, còn Nhà nước là phải tập trung vào đầu tư công. Khi nền kinh tế “yên ấm”, ngân sách cần tiết kiệm chi. Nhưng khi kinh tế khó khăn như hiện nay, chính là lúc ngân sách phải mở rộng hầu bao để hỗ trợ DN, cứu nền kinh tế.
Tóm lại COVID-19 như một cơ hội lịch sử và chúng ta phải tập trung thay đổi mấy vấn đề, thoát khỏi tư duy cũ, cải cách thể chế, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, kinh tế số, mở cửa được đầu tư công, tìm cơ hội để thoát khỏi lệ thuộc phát triển…
P.V: Xin cảm ơn ông!
H.A.
Nguồn: cand.com.vn


'TIỀN ĐỀ QUAN TRỌNG ĐƯA VIỆT NAM TĂNG TỐC  PHÁT TRIỂN'
TƯ GIANG&LAN ANH/ TVN 20-5-2020
LTS:Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua vào giữa tháng 2 năm 2020 và được Hội đồng châu Âu phê duyệt vào cuối tháng 3 năm 2020. Ngày 24 tháng 4, Hội đồng châu Âu cũng đã gửi công hàm thông báo chính thức với Việt Nam về việc EU đã hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ. Như vậy Hiệp định giờ chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam. Tuần Việt Nam trao đổi với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhân dịp Quốc hội sẽ xem xét, thông qua hiệp định này.
Ông Tuấn Anh nói:
Khi được thông qua, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định này có hiệu lực.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua, đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
'Tiền đề quan trọng đưa Việt Nam tăng tốc phát triển'
Bộ trưởng Công Thương - Trần Tuấn Anh
Thưa Bộ trưởng, Việt Nam và EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của hai bên như thế nào trong khuôn khổ Hiệp định?
Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (07 năm).
Về phía Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực chúng ta cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu. Sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế, chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu. Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO hoặc không cam kết.
'Tiền đề quan trọng đưa Việt Nam tăng tốc phát triển'
Cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ...Ảnh: Lê Anh Dũng/VietNamNet
Các quy định về quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng dệt may, một trong những điểm then chốt của Hiệp định, là như thế nào?

Hiệp định yêu cầu quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) đối với hàng dệt may, tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, đối với các sản phẩm dệt may thuộc Chương 61 và 62 của biểu thuế, EU cũng cho phép ta được sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi của hiệp định. 
Ông nói gì về cam kết của Việt Nam mở cửa lĩnh vực mua sắm của chính phủ trong hiệp định?
Trong Hiệp định này chúng ta cam kết mở cửa mua sắm đối với cả các cơ quan ở cấp trung ương và địa phương, cụ thể là 21 Bộ, ngành trung ương, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (ngoại trừ hàng hóa và dịch vụ phục vụ mục tiêu an ninh – quốc phòng), 02 địa phương là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số Viện thuộc trung ương.
Ông biết đấy, dịch bệnh COVID-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ông nghĩ sao về vai trò của Hiệp định đối với nền kinh tế Việt Nam?
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhiều chuyên gia kinh tế còn nhận định rằng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ không đạt được mục tiêu đã đề ra.
Trong bối cảnh đó, việc Hiệp định được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, Hiệp định còn được khẳng định là cứu cánh mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh. 

Thời gian qua, doanh nghiệp trong nước còn loay hoay tại thị trường châu Âu do cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô khác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Giá sản phẩm của Việt Nam thường cao hơn 10-20% so với nước bạn. Do vậy, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại EU còn khiêm tốn.
Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Hàng năm, EU nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU khoảng 2% với chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Do đó với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ...
Theo nghiên cứu, Hiệp định sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 43% vào năm 2025 và 44% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 33% vào năm 2025 và 37% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57- 5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033). Bên cạnh đó, về nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU.
Như vậy, giai đoạn hậu dịch bệnh, nếu Hiệp định được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường 18 nghìn tỷ USD này.
'Tiền đề quan trọng đưa Việt Nam tăng tốc phát triển'
Trong Hiệp định này chúng ta cam kết mở cửa mua sắm đối với cả các cơ quan ở cấp trung ương và địa phương. Ảnh: Lê Anh Dũng/VietNamNet
Đáng chú ý, với EVFTA chuỗi giá trị mới của Việt Nam với một đối tác quan trọng trên thế giới sẽ được hình thành. Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, khi triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến... Gắn với đó, những yêu cầu đặt ra trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới... theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế sẽ là những tiền đề quan trọng đưa Việt Nam tăng tốc phát triển.
Thưa Bộ trưởng, ông có lo về tác động của nó tới lao động, việc làm là những vấn đề rất nhạy cảm hay không?
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU.
'Tiền đề quan trọng đưa Việt Nam tăng tốc phát triển'
Ảnh: Lê Anh Dũng/VietNamNet
Do các nền kinh tế của các nước thành viên EU đều phát triển ở trình độ cao hơn Việt Nam và mang tính bổ sung đối với nền kinh tế Việt Nam, nhập khẩu từ các nước EU phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên với một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh.
Các cam kết về lao động trong đó bao gồm việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) để thực thi các cam kết về thương mại và phát triển bền vững với sự tham gia của đại diện người lao động, đại diện các doanh nghiệp, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam có thể làm gia tăng sức ép về giám sát xã hội trong quá trình thực thi Hiệp định và từ đó đặt ra những thách thức nhất định đối với Việt Nam.
Người nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào? 
Ngành nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định EVFTA. Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như: gạo tấm, các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5–7 năm.

Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, ví dụ như gạo tăng thêm 65%, đường 8%, thịt lợn 4%, lâm sản 3%, thịt gia súc gia cầm 4%, đồ uống và thuốc lá (5%). Ở một khía cạnh khác, hội nhập cũng tạo thêm việc làm giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân.
Một cơ hội khác là việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản, giúp nông sản Việt Nam tiến dần tới các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, để nắm bắt được các cơ hội này không dễ dàng. Cửa đã mở nhưng để có thể thông hành, hàng nông sản của ta còn cần phải vượt qua nhiều rào cản như hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Với tính chất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, người nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng phải chủ động đẩy mạnh nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản Việt Nam.
Nhiều người cho rằng, doanh nghiệp trong nước sẽ bị giảm thị phần bởi các doanh nghiệp đến từ EU. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?
Chúng ta đối diện với thách thức là sự gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước do dòng hàng chất lượng cao từ châu Âu được mở rộng cửa vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cần xét đến các yếu tố bao gồm: cơ cấu kinh tế của EU và của ta mang tính bổ sung cho nhau, không đối đầu trực tiếp và cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam có lộ trình, đặc biệt với những nhóm sản phẩm nhạy cảm. Vì thế, sức ép cạnh tranh mà Hiệp định mang đến là sức ép lành mạnh, hợp lý, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Ngoài ra, cần nhìn nhận rằng cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng.
Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu.
Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Đây là con đường mà sớm hay muộn ta cũng phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

Tư Giang - Lan Anh thực hiện

CƠN ÁC MỘNG COVID-19: KHỦNG HOẢNG CHỈ MỚI BẮT ĐẦU
PHẠM SƠN/ BVN 20-5-2020
“Trong suốt chiều dài lịch sử và trong cả dự báo tương lai, mọi giá trị đều bị thách thức và mọi chuẩn mực đều bị lật nhào, chỉ có NHÂN BẢN là trường tồn. Khi lấy tự do và hạnh phúc của con người làm gốc, làm động cơ, con đường và đích đến cho mọi hành động của mình (cả trong công việc và cuộc sống) thì ta có thể tin chắc rằng, mình đang sống một cuộc đời đáng sống”
Giản Tư Trung
Theo ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Học viện Quản lý PACE, nếu có tư duy và hành động đúng đắn, kịp thời, nhà lãnh đạo không những có thể lèo lái doanh nghiệp sống sót qua thời kỳ đen tối mà còn có thể chớp lấy cơ hội để bứt phá ngoạn mục sau đại dịch.
Cơn ác mộng Covid-19: Khủng hoảng chỉ mới bắt đầu
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Học viện Quản lý PACE

Khủng hoảng chỉ mới bắt đầu

Đại dịch Covid-19 đang từng bước được đẩy lùi tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Giản Tư Trung, nhà sáng lập Học viện Quản lý PACE, khủng hoảng chỉ mới đang chuẩn bị bắt đầu. Đây là một cuộc “khủng hoảng chồng”, bắt nguồn từ khủng hoảng về y tế, sau đó gây ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Cơn ác mộng mang tên Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải từ bỏ cuộc chơi và chấp nhận phá sản do áp lực từ khủng hoảng kéo dài.
Những tác động do Covid-19 đem lại là hết sức nghiêm trọng. Như bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đã từng nhận định: “Chúng ta đang phải sống trong những ngày tháng đen tối nhất của lịch sử loài người, Covid-19 còn tồi tệ hơn cả khủng hoảng và đại suy thoái! Đại dịch Covid-19 sẽ càn quét kinh tế thế giới và dẫn tới tăng trưởng âm vào 2020, gây ra sự sụp đổ tồi tệ nhất kể từ sau đại suy thoái năm 1930 và chỉ hồi phục một phần vào năm 2021”.
Việt Nam có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Khi những thị trường này vẫn còn đang trong tình trạng phong tỏa, kinh tế Việt Nam chắc chắn vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ông Trung khẳng định “nhiều người nói nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi là hoàn toàn không thực tế”.
Điểm qua tình trạng các doanh nghiệp gặp phải trong thời này, ông Trung cho rằng, khó khăn đầu tiên liên quan đến đầu ra của sản phẩm bởi không có đầu ra khiến việc kinh doanh ngưng trệ, dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Thứ hai là khó khăn về đầu vào, đặc biệt đối với những doanh nghiệp cần nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị từ nước ngoài, vì đối tác thương mại chính của Việt Nam vẫn đang thực hiện lệnh phong tỏa.
Đáng chú ý, tài chính là bài toán khó đặt ra cho các doanh nghiệp, từ quy mô vừa và nhỏ cho tới quy mô lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, dòng tiền bị ngắt dẫn đến tình trạng “khô máu” của doanh nghiệp. Ông Trung nhìn nhận, nếu không đảm bảo được dòng tiền, nhiều công ty dù đang làm ăn có lãi nhưng cũng phải tuyên bố phá sản vì mất khả năng thanh toán.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang gặp vấn đề trong việc áp dụng chiến lược kinh doanh, dù đã xây được một chiến lược rất tốt, giúp công ty khởi sắc trong nhiều năm, nhưng không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
Về mặt nhân sự, ông Trung cho rằng, nếu chưa có sự gắn kết và chưa xây dựng văn hóa công ty vững mạnh ngay từ trước, doanh nghiệp sẽ đối mặt với tình trạng nhân viên bỏ việc trong thời gian khó khăn. Sự cam kết và gắn bó là yếu tố quan trọng khiến nhân viên ở lại chung tay góp sức cùng doanh nghiệp đẩy lùi khó khăn.

Lãnh đạo trong khủng hoảng

Theo nhà sáng lập PACE, sẽ không bao giờ có một biện pháp chung cho tất cả doanh nghiệp để vượt qua thời kỳ khó khăn, mỗi doanh nghiệp sẽ cần linh động tìm các phương án phù hợp và tối ưu nhất. Dù vậy, ông Trung cũng đưa ra một số để xuất để doanh nhân coi đó là phương pháp luận, từ đó tìm ra hướng đi cho trường hợp của riêng mình.
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo cần quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Chỉ khi có sức khỏe, nhà lãnh đạo mới có thể dồn hết tâm, trí và thể lực để chèo chống con thuyền tổ chức. Cần lưu ý, sức khỏe ở đây không chỉ là sức khỏe về mặt thể chất, mà còn bao hàm những yếu tố về tinh thần và xã hội.
“Trong khủng hoảng đại dịch Covid-19, giữ được sức khỏe thể chất đã quý, nhưng còn sức khỏe tinh thần và xã hội thì cực kỳ khó, bởi vì mình nhìn thấy xã hội lành mạnh thì mình khỏe, chứ thấy tang thương thế này thì làm sao mà khỏe được”, ông Trung nói tại toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Lãnh đạo trong khủng hoảng” do Học viện Quản lý PACE tổ chức.
Theo ông Trung, có lẽ sẽ còn khá lâu để nghiên cứu thành công vắc xin phòng ngừa bệnh dịch Covid-19, nhưng ngay lúc này, người làm công tác lãnh đạo cần điều chế cho mình một liều vắc xin chống lại sự suy sụp về sức khỏe tinh thần. Chỉ khi có sức khỏe toàn diện, người lãnh đạo mới có thể truyền lửa và tiếp sức và năng lượng tích cực cho tổ chức, nhân viên để cùng nhau vượt qua gian khó.
Thứ hai, các doanh nhân cần phải có bản lĩnh để dũng cảm đối diện, đương đầu và tìm cách giải quyết vấn đế thay vì lảng tránh hoặc tự lừa dối mình. “Chỉ khi dám nhìn nhận được thẳng vào gian khó, ta mới có thể thấu hiểu nó một cách rõ ràng. Chỉ khi thấu hiểu rõ ràng vấn đề thì những giải pháp được đưa ra sau này mới có giá trị”, ông Trung chia sẻ.
Như cố tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã từng nói: “Thứ duy nhất chúng ta phải sợ là nỗi sợ. Không có vấn đề nào không thể giải quyết nếu chúng ta đối diện với nó một cách khôn ngoan và dũng cảm. Có nhiều cách giải vấn đề, nhưng vấn đề không bao giờ được giải quyết chỉ bằng cách nói. Chúng ta phải hành động và hành động thật nhanh”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc giữ được bản lĩnh là điều hết sức khó khăn. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc đánh mất bản lĩnh bao gồm nỗi đau, sự hoảng loạn và nỗi sợ hãi. Ông Trung cho rằng, cách tốt nhất để thoát khỏi nỗi đau là biết buông bỏ, cách tốt nhất để thoát khỏi sợ hãi là tìm được lối ra, cách tốt nhất để thoát khỏi sự hoảng loạn là sự vững vàng từ bên trong bản thân.
Thứ ba là có một tầm nhìn tốt để xác định được xem mình đang ở tình trạng thế nào và tìm ra lối thoát. Tuy nhiên, nhiều người vẫn gặp sai lầm trong việc xác định tầm nhìn, chủ yếu là đặt sai sự tập trung. Theo ông Trung, người lãnh đạo cần tập trung vào vòng tròn ảnh hưởng thay vì vòng tròn quan tâm; tập trung vào những gì mình có thể làm, có thể giải quyết chứ không phải những gì quá to tát và lớn lao. Nếu là chủ doanh nghiệp, đừng hy vọng vào việc thay đổi đất nước mà hãy tạo ra sự thay đổi ở chính doanh nghiệp, lấy đó làm nền tảng đóng góp cho đổi mới đất nước.
Hậu đại dịch Covid-19 cần những nhà lãnh đạo 'kiên tâm'

Hậu đại dịch Covid-19 cần những nhà lãnh đạo 'kiên tâm'

Tầm nhìn còn nằm ở thái độ khi tiếp cận với gian khó của nhà lãnh đạo. Ông Trung phân tích, trong khủng hoảng, nếu có tầm nhìn chấp nhận thì doanh nghiệp sẽ sụp đổ, tầm nhìn thích ứng sẽ giúp doanh nghiệp sống sót, còn tầm nhìn kiến tạo sẽ tạo ra bứt phá cho doanh nghiệp.
Thứ tư, sau khi xác định được tầm nhìn, nhà lãnh đạo cần tìm ra giải pháp. Năm câu hỏi gợi ý doanh nghiệp cần xem xét để tìm ra giải pháp dành riêng cho mình bao gồm: Năng lực cốt lõi của công ty là gì? Đang phục vụ ai? Có thể làm gì cho khách hàng và cái gì là thiết yếu đối với họ? Vì sao khách hàng lại chọn mình? Tốc độ triển khai giải pháp như thế nào?
Ông Trung khẳng định, nếu trả lời được năm câu hỏi này, doanh nghiệp chắc chắn sẽ sống sót, còn nếu không trả lời được chỉ một trong năm câu thì cơ hội sống sót là bằng không.
Nếu chỉ sống sót không thôi chưa đủ, ông Trung cho rằng, các nhà lãnh đạo cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa tổ chức bứt phá mạnh mẽ sau đại dịch. Theo đó, bốn giải pháp cần thực hiện để đạt được sự bứt phá bao gồm: Chuyển đổi số, chuyển đổi văn hóa, chuyển đổi mô hình kinh doanh và chuyển đổi mô hình quản trị.
Cuối cùng, sau khi đã hội tụ đầy đủ những gì cần thiết, doanh nhân cần chuyển thành hành động. Càng vào thời điểm gian khó, các hành động càng cần phải được tiến hành nhanh chóng và quyết liệt.
“Nếu có giải pháp mà không hành động thì những giải pháp có hay ho, có hiệu quả bao nhiêu cũng chỉ nằm trên giấy. Còn nếu hành động mà không đủ nhanh thì khi hiệu quả chưa được phát huy, doanh nghiệp đã phải chịu phá sản”, nhà sáng lập Học viên PACE khẳng định.

Khó khăn là thách thức cho những giá trị cốt lõi

Theo ông Trung, khủng hoảng, khó khăn luôn tạo ra phép thử cho những giá trị cốt lõi của tổ chức, doanh nghiệp. Giá trị cốt lõi còn tồn tại sau đại dịch mới là giá trị đích thực, còn “nếu vì khó khăn mà bẻ cong đi giá trị cốt lõi thì nó chỉ là ảo, là khẩu hiệu mà thôi”.
Trong bối cảnh cả nước đồng lòng chống dịch, cộng đồng đã được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động, từ những chiếc ATM gạo phát miễn phí cho đồng bào gặp khó khăn cho đến siêu thị 0 đồng cung cấp nhu yếu phẩm cho người chịu thiệt hại nặng nề trong mùa dịch. Những hành động nghĩa hiệp đó không chỉ cứu giúp người khác thoát khỏi cơn nguy khốn, mà còn đem lại những giá trị vô cùng to lớn về thương hiệu, về sự lan tỏa trong cộng đồng.
Ngược lại, đâu đó vẫn có nhiều kẻ “bất lương”, nhẫn tâm đẩy giá nhu yếu phẩm, thiết bị y tế lên cao để trục lợi. Đối với những doanh nghiệp sẵn sàng bẻ cong đạo lý, phản bội lại giá trị cốt lõi như vậy, ông Trung cho rằng, chuyện diệt vong chỉ là sớm muộn.
“Trong suốt chiều dài lịch sử và trong cả dự báo tương lai, mọi giá trị đều bị thách thức và mọi chuẩn mực đều bị lật nhào, chỉ có NHÂN BẢN là trường tồn. Khi lấy tự do và hạnh phúc của con người làm gốc, làm động cơ, con đường và đích đến cho mọi hành động của mình (cả trong công việc và cuộc sống) thì ta có thể tin chắc rằng, mình đang sống một cuộc đời đáng sống”, ông Trung đúc kết.
Với những nhà lãnh đạo đang phải vật lộn từng ngày giải bài toàn lèo lái doanh nghiệp, tổ chức, ông Trung chia sẻ: “Trong khủng hoảng, nếu chỉ nghĩ đến chuyện sống sót thì khả năng sống sót sẽ không cao; nhưng nếu có tầm nhìn bứt phá thì không chỉ sống sót mà còn mở ra những vận hội to lớn”!
Đứng trước cuộc khủng hoảng, điều tối kị nhất chính là tuyệt vọng và bỏ cuộc. Nhà sáng lập Học viện Quản lý PACE cho rằng, hãy cố gắng hết sức mình, vận dụng toàn thể sức mạnh tâm – trí – lực để giải quyết khó khăn một cách khôn ngoan và dũng cảm. “Khi khó khăn và nghịch cảnh không thể làm cho chúng ta gục ngã hay sụp đổ, nó sẽ càng làm cho ta mạnh mẽ hơn”.

P.S.

Nguồn: theleader.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét