Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

20200504. QUANH CHỦ ĐỀ 30 THÁNG TƯ

ĐIỂM BÁO MẠNG
30 THÁNG TƯ- CỘT MỐC DIỄN BIẾN CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM
NGUYỄN KHẮC MAI/ BVN 1-5-2020

Cảm xúc ngày 30 tháng 4
Đối với cột mốc này nhiều người, theo ý kiến riêng, cái chủ kiến của mình, họ đặt cho ngày lịch sử này những cái tên khác nhau.
Tôi cũng có ý riêng của mình. Có lần dễ cũng đã ngót 20 năm nay, trên tờ Tuổi Trẻ (Sài Gòn), tôi đã có bài viết “30 tháng Tư – Một cột mốc lịch sử”. Đại để, tôi nói từ cột mốc ấy, nếu nhìn theo chiều quá khứ, người ta (chủ yếu bên thắng cuộc) chỉ thấy chiến công, chiến thắng. Mấy ngày gần đây tôi cũng lại thấy cái nhìn lịch sử theo chiều quá khứ. Mà với cái nhìn ấy, xã hội không thể không ngậm ngùi về cái bi kịch muôn đời mà nhân loại đã tổng kết: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô!” (một tướng thành công vạn xác người). Vâng, người ta cũng sẽ không thấy cái bi kịch lớn của Dân tộc trong cuộc “nồi da nấu thịt” như giai thoại về hai anh em Tào Phi và Tào Thực con của Tào Tháo.*
Với cái nhìn theo hướng tương lai, phải xóa bỏ hận thù, không coi Việt Nam Cộng hòa là thù địch; phải thật lòng hòa hợp, hòa giải mà mời gọi họ cùng chung tay xây dựng nước. Không phải chỉ có ở Mỹ mới có tư duy hòa giải, hòa hợp, như họ đã chơi rất đẹp sau nội chiến. Ở Việt Nam cũng từng có tư duy hòa hợp hòa giải đó. Năm kia Trung tâm chúng tôi cùng huyện Hải Hậu tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập huyện và tôn vinh quan Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, chúng tôi đã đề cao công đức và tư tưởng hòa giải hòa hợp của ngài. Nguyễn Công Trứ đã lôi cuốn những nông dân nổi loạn, đưa họ vào công cuộc mở làng lập ấp để họ cũng có cuộc sống yên bình. Xa hơn nữa, vào đời Trần, nhà vua đã cho đốt hết những văn bản đầu thú giặc Nguyên của một số tôn thất và làng mạc đã từng trót theo giặc. Huống chi anh em VNCH theo lý tưởng độc lập phi cộng sản, đã hình thành nên một thực thể nhà nước có chính danh trên quốc tế, mà cũng để lại nhiều thành tựu văn hóa xã hội giá trị.
Tôi đem cái nhìn hướng tương lai, để nói đôi điều suy ngẫm của mình về một xu hướng “phi cộng, phi phi cộng” đã và đang từng bước hiện thực trên quê hương Việt Nam, mở đầu từ 30 tháng Tư. Quả thật đây là quá trình vô thức của đảng cộng sản, nhưng lại xảy ra từng bước theo quy luật khách quan không thể cưỡng lại được. Mười năm đầu sau 75 là sự thất bại của đường lối tiến nhanh tiến mạnh tiến thẳng, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa, rập khuôn cứng nhắc theo mô hình xô viết và hỗn hợp với tư tưởng Diên An. Đói, thiếu hàng tiêu dùng, thiếu năng lượng… buộc phải hô hào bung sản xuất ra! Đại hội VI buộc phải thừa nhận sai lầm về đường lối, tiến hành Đổi mới, thực chất là trở về cái cũ hợp quy luật. Từng bước rời bỏ kế hoạch hóa triệt để, công hữu triệt để. Lùi lại từng bước, cho nhạt dần khái niệm công hữu, lấy quốc doanh và kinh tế nhà nước làm chủ đạo, công nhận kinh tế nhiều thành phần. Gần đây phải thừa nhận kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng. Tuy thế vẫn níu kéo từng bước, tuy phải lùi lại, nhưng vẫn giữ quan niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghia. Giữ lại cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì đây chính là dấu hiệu không dám nói mạnh về tiến lên chủ nghĩa xã hội nữa, mà buộc phải tìm một ngôn ngữ mềm mại, nhẹ nhàng hơn. Trong lòng những người lãnh đạo đã có những chớm hoài nghi “trăm năm nữa liệu có cái xã hội chủ nghĩa thứ thiệt không”…Về đối ngoại buộc phải “làm bạn với mọi người”, xây dựng quan hệ chiến lược với rất nhiều nước mà rốt lại có quá nhiều quan hệ chiến lược nên vẫn giống kẻ lắm mối tối nằm không! Ít ai bênh vực cho khi hoạn nạn. Có người sẵn sàng muốn kết liên minh để sẵn sàng bênh vực cho thì lại sợ.
Phải chăng từ 30 tháng Tư năm 75 đến nay đã diễn ra một quá trình phi cộng sản tuy không tự ý thức trong những người cầm quyền ở ngay TW Đảng. Họ buộc phải thực hiện phi cộng. Và tôi cho đó là quy luật. Việt Nam Cộng hòa đã tồn tại gần một phần tư thế kỷ, họ để lại nhiều dấu ấn, nhiều giá trị của một nền kinh tế thị trường thật chứ không “nửa dơi nửa chuột”, một xã hội dân trị tuy chưa đạt đến đỉnh cao nhưng là điều có thật, một nền văn hóa, giáo dục khá trưởng thành để lại nhiều giá trị và kinh nghiệm lành mạnh. Chính nhờ những nhân tố đó mà Việt Nam đang chứng kiến quá trình phi cộng diễn ra trong hiện thực. Đáng tiếc đó chưa phải là quá trình tự giác của Đảng. Năm ngoái khi nằm bệnh viện tôi đọc được câu này trong IQ84 của Hariki Murakami: “Tước đoạt đi một lịch sử đúng đắn, cũng chính là tước đoạt đi một phần nhân cách con người. Đó là hành vi phạm tội”.
Quá trình khách quan ấy, tất yếu phải xảy ra, mà những níu kéo làm trì trệ và méo mó quá trình cũng đang là hiện thực. Thật ra, quá trình phi cộng đã diễn ra từ khi bắt đầu đưa chủ nghĩa cộng sản Stalinien và tư tưởng Mao với khẩu hiệu “Tam vô nhị cát”** rồi “Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”, thất bại, phải nương theo dân tộc và Tổ quốc mới giành được chính quyền năm 45, nâng lên thành khẩu hiệu “Độc lập gắn với chủ nghĩa xã hội”… Khi tiến nhanh tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội thất bại, phải từng bước xóa bỏ kinh tế quốc doanh, kế hoạch hóa, tập thể hóa nền kinh tế… Bây giờ thì rõ ràng là đang tiến hành môt nền kinh tế tư bản hoang dã màu đỏ không đỏ như son mà là màu máu của Dân.
Chặng đường phi cộng này chưa hoàn thành, gần đây trong Đảng đã manh nha những ý kíến về thể chế. Ông Nguyễn Phú Trọng thì đặt vấn đề, có ba khâu then chốt phải giải quyết: một là thể chế, hai là hạ tầng giao thông, ba là nhân lực. Còn ông Nguyễn Xuân Phúc thì từng ngửa mặt lên trời than ba tiếng: Thể chế, Thể chế, Thể chế! Tuy nhiên nếu không vứt bỏ cái ốp che mắt ngựa, cái vòng kim cô giáo điều Mác-Lê nin thì không thể có tư duy tử tế lành mạnh để suy nghĩ. Họ phải hiểu được rằng cái thể chế mà Dân Nước cần hoàn toàn khác với cái mà họ đang tính trong cái đầu bí rị của họ. Thể chế này phải là một thể chế dân chủ thứ thiệt, không phải là thứ như họ đang đánh tráo khái niệm-dân chủ XHCN, hay pháp quyền XHCN. Bởi làm gì có chủ nghĩa xã hội mà có cái gọi là dân chủ XHCN! Họ cũng không hiểu câu nói của Mác trong “Phê phán tư tưởng pháp quyền của Hegel: “Chế độ dân chủ là câu đố đã được giải đáp của mọi hình thức chế độ nhà nước… Chế độ nhà nước ở đây xuất hiện theo đúng chân tướng của nó, tức là xuất hiện với tính cách là sản phẩm tự do của con người”.
Đúng như người dân Nam Bộ thường nói “chòi đạp”. Phải chòi đạp để cho ra một chế độ thật là của dân do dân và vì dân – là sản phẩm tự do của con người.
Quá trình phi cộng vẫn sẽ tiếp tục. Vì đó là lối ra của dân tộc ở khúc quanh lịch sử thời hậu-cô vích. Có hai kịch bản sẽ xảy ra. Hoặc là trong Đảng xuất hiện một nhóm trường chinh mới loại bỏ cái văn kiện giáo điều bảo thủ đang lưu hành để tiến hành Đại hội XIII. Hãy tập hợp những người ưu tú trong các cộng đồng xã hội, cùng với những đảng viên nhận thức được thời cuộc, vị trí và thời cơ của Việt Nam soạn thảo ngắn gọn thực chất một chiến lược quốc gia trong tình thế mới. Đưa Việt Nam siêu việt lên làm nên môt nhân cách dân tộc mới cho hôm nay.
Hoặc là bảo thủ bế tắc kéo dài để cho những nhóm lợi ích thay nhau thao túng lợi dụng đục nước béo cò. Để rồi nhân dân sẽ “tỉnh dậy, thấy mình là nô lệ, là con rối, con mồi của những tham vọng mới”***, và sẽ hành động, như Hồ Chí Minh nói làm cuộc chiến xóa bỏ hư hỏng cũ kỹ.
Tôi bỏ cả ngày 30 tháng Tư để viết những tâm tư của mình, không phải để vui mừng hay oán hận, mà với niềm hy vọng như cách nói của triết gia-quân tử Nguyễn Mạnh Tường từng đề cập với đồng nghiệp của mình ở Mạc Tư Khoa: “Chủ nghĩa anh hùng của các ông (Đảng) có làm cho các ông dám hy sinh Đảng của quý ông trên bàn thờ của Tổ quốc và Nhân dân?”
Lỗ Tấn có câu nói nổi tiếng, “trên thế giới vốn không có đường, nhân loại đi nhiều rồi thành đường. Niềm hy vọng cũng như thế”.
Kính cẩn dâng lên hương hồn của những người con của Mẹ Việt đã bỏ mình để mong lời của Nguyễn Trãi được thực hiện: “Làm sao cho trong thôn cùng xóm vắng không còn lời hờn giận oán sầu”.
Ô Đồng Lầm Hà Nội, ngày 30-4-2020
N.K.M.
________
Chú thích:
* Tào Phi con Tào Tháo, nối ngôi muốn trừ khử em là Tào Thực ra lệnh bảy bước phải làm xong bài thơ, nếu không thì phải chém. Tào Thực đi bảy bước làm bài thơ:
Chử đậu nhiên đậu ky,
Đậu tại phủ trung khấp.
Bản thị đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp?
Dịch:
Đậu nấu bằng cành đậu,
Hạt đậu trong nồi khóc.
Cùng một gốc sinh ra,
Sao đốt nhau tàn khốc?
** Tam vô: Vô gia đình, vô Tổ quốc, vô tôn giáo. Nhị các là các tận sở năng (làm hết năng lực) các tận sở nhu (hưởng hết nhu cầu).
*** Câu này của Mác khi trò chuyện với Bakounine về tình cảnh giai cấp công nhân vô sản trong chế độ mới: “Sau một hồi được tự do và say sưa cách mạng, trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ bừng tỉnh thấy mình là nô lệ, con rối, hoặc con mồi (nạn nhân) của một tham vọng mới. Dẫn theo “Mác-Cuộc đời và Tác phẩm”, của Jean Eleinstein, NXB Fayard, Paris.
Tác giả gửi BVN

CÁC VẤN ĐỀ CỦA VIỆT NAM
TRẦN NAM CHÍ/ TD/ BVN 4-5-2020

Cảm nghĩ sau khi đọc bài của ông Nguyễn Khắc Mai: “30 tháng 4: Cột mốc diễn biến của Cộng sản Việt Nam“, đăng trên Tiếng Dân 30-04-2020.
Ngày 30/4/1975 đánh dấu một chặng đường lịch sử quan trọng ở Việt Nam: Đất nước thống nhất, thế nhưng dân tộc ta phải trả một cái giá vô cùng đắt cho sự thống nhất này.
Ngược lại, ở Đức, phải đợi 45 năm sau chiến tranh, nước Đức mới thống nhất một cách tuyệt vời, dân Đức không phải mất đi hàng triệu mạng người cho công cuộc thống nhất này. Riêng Bắc Hàn – Nam Hàn hiện vẫn còn bị chia đôi.
Từ khi thống nhất đến nay, Việt Nam vẫn còn trong tiến trình cởi trói, thoát dần những hậu quả của cuộc chiến tranh giành độc lập và chiến tranh Nam – Bắc.
Như nhận xét của ông Nguyễn Khắc Mai, CSVN cởi trói không phải vì tự họ nhận thức phải làm như vậy, mà vì tình hình kinh tế, xã hội trên thực tế buộc họ không còn sự lựa chọn nào khác. Họ thay đổi không phải vì ý chí, mà vì tình thế. Họ đã gây ra bao nhiêu đoạn trường, bao nhiêu tổn thương và bỏ phí quá nhiều thời gian, nhưng dù sao đi nữa, sự thay đổi của họ, có còn hơn không.
Vì mâu thuẫn cốt lõi này mà 45 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, người Việt vẫn chưa có độc lập thật sự, chưa thống nhất lòng dân, không nhất trí khi chọn thể chế hiện tại. Dù không còn chiến tranh nữa, nhưng Nhà nước nắm quyền vẫn luôn nhìn thấy kẻ thù trong dân. Kẻ thù đó là thành phần xã hội muốn có tự do, dân chủ, nhân quyền trên đất nước. Nhiều người trong số họ chối bỏ thể chế toàn trị, cho nên Nhà nước xem họ là “thế lực thù địch”, bỏ rất nhiều công sức và tiền của để ngăn chận, áp bức, quấy nhiễu, trừng phạt họ.
Tóm lại, Việt Nam chưa thống nhất được lòng dân, chưa thống nhất về mục tiêu chung của đất nước. Chưa có sự nhất trí giữa nhà nước và người dân. Cả nước không một lòng, một dạ với nhau. Nhà nước nghiễm nhiên không nhìn ra sự cần thiết để có một cuộc thảo luận với dân, nên không cho phép mọi hình thức thảo luận. Vấn đề ở đây là Đảng CSVN hôm nay có đủ thế và lực để tiếp tục theo đường lối này mãi hay không, sau khi “đổi mới” năm 1986?
Một số người đặt kỳ vọng vào Ðại hội Đảng lần thứ 13 để có câu trả lời. Nhưng ông Nguyễn Ðình Cống nhận xét, các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng này không thỏa đáng với nhu cầu của đất nước.
Ông Cống cũng không đồng ý với cách chuẩn bị nhân sự. Khả năng của hệ thống và phẩm chất cán bộ sẽ không thay đổi. Ảnh hưởng xấu của kinh tế và tài chánh sẽ tăng chứ không giảm. Chiến dịch bài trừ tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng và chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc không đạt kết quả như ý nguyện.
Trong các thập niên sắp tới, vì nhu cầu phát triển, Việt Nam buộc phải hội nhập càng sâu và xa vào thị trường thế giới. Đường lối này không chỉ mang lợi cho nền kinh tế Việt Nam, mà cũng sẽ đòi hỏi khả năng thích ứng, ăn nhịp từ nhà cầm quyền. Nhu cầu cần chuyên viên kinh tế, chuyên viên các ngành thông hiểu luật chơi thế giới càng cao.
Hãy thử góp ý với ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc về các ưu tư của hai ông Nguyễn Khắc Mai và Nguyễn Đình Cống.
Chưa bàn đến thể chế, mà chỉ nói về nhân lực, nhân sự. Ðể có nhân sự có khả năng, nhà nước chỉ cần tổ chức thi cử và thủ tục chọn người một cách công bằng. Ðể chọn lựa được người liêm chính, phải cho người ngoài đảng đảm nhận các chức vụ quan trọng. Chế độ hiện nay thường cổ súy học tập, rèn luyện đạo đức cán bộ và phát động các phong trào thi đua. Nhà nước thường lặp đi lặp lại phương hướng này, có nghĩa cách tuyển chọn chưa đem lại kết quả mong muốn.
Nước ta có hơn 90 triệu dân. Chỉ tiếc là, hàng chục triệu khối óc này đã không đóng góp nhiều cho đất nước, bởi họ sống dưới sự “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” của Đảng CSVN. Nếu giới trẻ Việt Nam thấy họ được trọng dụng, chắc chắn họ sẽ tự rèn luyện để nâng cao khả năng, đem sức mình ra giúp nước, chẳng những có lợi cho bản thân họ, mà còn giúp ích cho xã hội và đất nước nữa.
Ðất nước Việt Nam thanh bình, Việt Nam đang phát triển. Người dân có điều kiện và phương tiện học hỏi thường xuyên, không như trong giai đoạn chiến tranh. Chỉ cần bỏ chính sách “phân biệt đối xử”, tài năng khắp nước sẽ thi nhau nở rộ. Qua đó có được sự tranh đua tự nhiên, nhân sự của đảng cũng có trình độ và trách nhiệm hơn.
Về vấn đề tự do báo chí, chỉ cần nhà nước cởi trói cho 800 tờ báo lề đảng, cho phép họ được điều tra độc lập, giám sát các quan chức địa phương, thì những vụ tham nhũng nhỏ, các vụ cưỡng chiếm đất đai của dân, nhũng nhiễu, hiện tượng “xưng hùng xưng bá” của cán bộ địa phương, ở các tỉnh thành, sẽ giảm bớt rất nhiều.
Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng cũng mang lại nhiều lợi ích. Các giáo hội không được hoạt động, dân chúng không được theo tín ngưỡng, hành đạo theo ý muốn của mình, dẫn đến một thành phần dân chúng không nhỏ đâm ra mê tín dị đoan. Nếu dân được phép hành đạo tự do, tệ nạn xã hội sẽ giảm, đời sống bình an hơn, công an sẽ bớt việc. Chưa kể đến các hoạt động xã hội quý báo của các giáo hội mà một nhà nước, bất kể thuộc thể chế nào, cũng không làm tốt hơn được.
Thể chế chỉ là một mô thức tổ chức xã hội thích hợp, nhằm phục vụ người dân và quyền lợi quốc gia đó trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Thể chế có thể được sửa chữa hay thay đổi khi hoàn cảnh xã hội thay đổi, thích ứng với những thách thức mới. Thể chế do con người tạo ra để phục vụ con người, phục vụ đất nước. Con người là nhân tố quan trọng, lại càng quan trọng hơn khi đất nước đó chưa có truyền thống dân chủ, chưa có văn hóa nhường nhịn, tôn trọng lẫn nhau.
Theo Max Weber, nhà xã hội học người Ðức, một người làm chính trị cần có đủ 3 đặc tính: Thứ nhất là có tinh thần trách nhiệm. Thứ hai là khả năng nhận định sự việc đúng đắn, hợp lý, không nhất thiết phải biết nhiều, biết tất cả mà phải có óc nhận định, phán đoán. Và thứ ba là sự đam mê công việc chung, cần chọn lãnh đạo ham thích công việc, hoạt động hăng say, phục vụ cho cộng đồng và đất nước. Các tiêu chuẩn này có thể được dùng để chọn cán bộ chiến lược.
***
Sau dịch cúm Corona kinh tế, xã hội Việt Nam sẽ đi về đâu? Trung Quốc đang theo đuổi quốc sách “Một vành đai, một con đường”. Họ làm chủ Biển Ðông và bành trướng sang Ấn Ðộ Dương. CSVN có cách đối phó nào với bá quyền Trung Quốc, ngắn hạn và trung hạn? Chính sách ngoại giao “ba không” của ông tướng Nguyễn Chí Vịnh không thể giữ Biển Đông, cần phải thay đổi ngay lập tức.
Việt Nam dựa vào đâu để bảo vệ quyền lợi dân tộc, nếu không phải là đoàn kết dân tộc, yếu tố tối cần thiết vì sự sống còn của quốc gia? Khi đất nước lâm nguy, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, thì sự đoàn kết toàn bộ người dân trên quốc gia đó càng cần thiết hơn nữa. Vì vậy, tiến trình “Phi Cộng sản” theo ông Nguyễn Khắc Mai càng phải làm mạnh hơn để nội dung đoàn kết, có ý nghĩa cụ thể, tạo ra sức sáng tạo, sức mạnh.
Mặc dù tính chính danh của Đảng CSVN bị lung lay, lòng tin của dân chúng dành cho đảng đã không còn, CSVN đã và đang nắm quyền nhiều thập niên, nên họ phải chịu trách nhiệm đối với sự hưng thịnh của đất nước. Thành phần tiến bộ của đảng nên thấy lợi thế và cơ hội của đảng cầm quyền để thay đổi Việt Nam theo ý của họ.
Ðể chuẩn bị sẵn sàng cho những thập niên sắp tới, các lực lượng XHDS và thành phần vận động cho phong trào dân chủ Việt Nam cần nhận ra các chỗ yếu của xã hội toàn trị, vạch ra phương cách và mục tiêu phát triển cho Việt Nam. Cần vạch ra phương hướng, hầu đáp ứng nhu cầu của đất nước, cũng như tình hình phát triển ở Á châu và trên thế giới.

T.N.C.

MỞ LÒNG BAO DUNG, HOÀ GIẢI ĐỂ ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
NGUYỄN HUY VIỆN/ TVN 30-4-2020
Năm 1865, sau khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ kết thúc nội chiến Bắc - Nam, các tướng sĩ quân đội phía Nam đầu hàng, mỗi người đều nhận được một văn kiện của quân đội liên bang, cam kết đảm bảo rằng từ đó về sau họ không bị làm phiền. Lúc đó, phe miền Nam đã thua cuộc nhưng Tổng thống Abraham Lincoln (1809 - 1865) không kiêu ngạo mà ngược lại, ông kết thúc xung đột giữa hai miền Nam - Bắc bằng câu nói vừa thể hiện sự cao thượng, vừa thể hiện tầm am hiểu sâu sắc về hậu quả của cuộc chiến: “Nội chiến không có người thắng!”.
Quan điểm ôn hòa nhằm tái thiết và nhanh chóng tái thống nhất đất nước thông qua chính sách hòa giải và bao dung của ông Lincoln đã hóa giải được sự phân hóa đầy cay đắng giữa hai miền Nam - Bắc ở Hoa Kỳ thời bấy giờ. Quan điểm ôn hòa và chính sách hòa giải, bao dung của ông Lincoln cũng là nền tảng để xây dựng Hoa Kỳ là quốc gia có dân số đông thứ ba thế giới, có sắc tộc, tôn giáo, văn hóa đa dạng nhất thế giới nhưng vẫn đoàn kết, đồng thuận để trở thành siêu cường.
Với Việt Nam, giang sơn đã thu về một mối 45 năm nay, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc. Năm 2004, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người lăn lộn, chiến đấu trên chiến trường suốt cả hai cuộc kháng chiến; người đã bị chiến tranh cướp đi người vợ và ba người con yêu quý, đã có câu nói chí tình như muốn gửi tới mọi người từ thường dân đến lãnh đạo: “Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”. “Nếu còn chia rẽ vì bại, kiêu vì thắng, thì ích lợi gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế?”.
Mở lòng bao dung, hòa giải để đoàn kết, hòa hợp dân tộc
Vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vì mục tiêu quốc thái dân an, đòi hỏi đất nước không chỉ thống nhất về giang sơn lãnh thổ mà phải thống nhất về lòng người. Ảnh: Lê Anh Dũng/VietNamNet
Chủ trương là vậy, quan điểm tình cảm của nguyên Thủ tướng Chính phủ là vậy, nhưng thật đáng buồn khi còn một bộ phận không nhỏ người Việt (cả  trong và ngoài nước) vẫn chưa hết hiềm khích, hận thù giữa người bên này và người bên kia chiến tuyến.
Bởi vậy, cứ vào dịp 30/4, trên mạng xã hội lại diễn tình trạng công kích, thóa mạ, miệt thị lẫn nhau của những người mang nặng đầu óc thù hận. Hành động như vậy không chỉ trái với truyền thống, đạo lý của dân tộc, trái với tình người mà còn làm xấu đi hình ảnh của người Việt trước bạn bè quốc tế.
Lịch sử nhân loại cũng như lịch sử dân tộc cho thấy tinh thần hòa giải, hoà hợp dân tộc luôn là nhân tố quyết định đảm bảo cho mỗi quốc gia ổn định, để phát triển bền vững, văn minh, giàu mạnh.
Với nước ta, nhìn lại chiều dài lịch sử, khi các bậc minh quân hóa giải được xung đột giữa các vùng miền, các giai tầng, xây dựng được sự hòa hợp, đoàn kết của muôn dân thì sẽ phát huy được tối đa sức mạnh của toàn dân tộc.  
Như dưới các triều vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông nửa cuối thế kỷ XIII, đã xây dựng quốc gia cường thịnh, ba lần đại thắng đế quốc Nguyên Mông, được lịch sử dân tộc mãi mãi lưu danh.
Là vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497), vua Minh Mạng (1791 - 1841), hai bậc minh quân đã dẫn dắt quốc gia phát triển rực rỡ nhất dưới thời quân chủ, đưa nước ta trở thành cường quốc của Đông Nam Á khi hai vị vua này trị vì.
Ngược lại, nếu các vị vua không biết chăm lo khoan thư sức dân, xây dựng triều chính, củng cố khối đoàn kết dân tộc, chỉ biết đặc quyền đặc lợi, để xảy ra biến loạn khắp nơi, dẫn đến vương triều sụp đổ như các đời vua nhà Lý cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII; nhà Trần cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV; hoặc đất nước lâm vào cảnh binh đao, rối ren dưới thời Lê, Trịnh - Nguyễn thế kỷ thứ XVII, XVIII…
Bước sang thời hiện đại, phát huy truyền thống của cha ông, Bác Hồ luôn đề cao tinh thần hòa hợp dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng tổ quốc. Nhờ vậy không chỉ tập hợp được thợ thuyền, nông dân mà còn tập hợp được đông đảo học sinh, sinh viên, trí thức, nhà nho, địa chủ, tư sản và nhiều thành viên trong chế độ quân chủ…tham gia cuộc cách mạng. Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử, giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh vệ quốc.
Là bậc minh triết, thấy được vai trò, sức mạnh của đoàn kết dân tộc, lúc sinh thời Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần bao dung, hòa giải.
Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đầu hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc... có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.
Nhiều năm nay, người Việt Nam từ thường dân tới cán bộ, đảng viên đang học tập và làm theo tấm gương tư tương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vậy tại sao chúng ta không thực hiện quan điểm nhân ái, bao dung của Người để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Trong khi tất cả các quốc gia từng là cựu thù từ thời Cổ đại, Trung đại đến Cận đại, Hiện đại nhưng bây giờ đều trở thành hoặc là đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược hoặc là đối tác toàn diện.
Vậy tại sao cùng là đồng bào một nước chúng ta không vượt qua được quá khứ mặc cảm, thù hận để dang cánh tay thân thiện với nhau? Chúng ta có thấy rằng nếu cứ nuôi lòng hiềm khích, thù hận thì chúng ta đang tự hại mình, hại con cháu mình và hại cả dân tộc mình?
Những ai là người Việt của thế hệ hôm nay không xóa được hiềm kích, hận thù do chiến tranh để lại mà còn làm “di căn” sang con cháu thì những người đó sẽ có tội lớn với dân tộc và lịch sử.  
Cho nên, khi biển đảo của tổ quốc đang bị thế lực ngoại bang lăm le thôn tính, hãy vì trách nhiệm với dân tộc, với con cháu chúng ta mỗi người cần mở lòng bao dung, hóa giải hiềm khích, hận thù, kết nối vòng tay đoàn kết để bảo vệ chủ quyền biển đảo mà ông cha đã không tiếc xương máu bảo vệ, gìn giữ cho chúng ta và muôn đời con cháu mai sau. 
Mặt khác, với chủ trương đấu tranh bảo vệ biển đảo bằng biện pháp hòa bình, chúng ta không thể không tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới, nhất là các cường quốc. Cho nên đừng khơi lại vết thương chiến tranh với các quốc gia từng là cựu thù, vì làm như vậy không chỉ tổn thương các quốc gia đó mà còn tổn thương tới quan hệ đối tác của Việt Nam với các quốc gia đó.
Vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vì mục tiêu quốc thái dân an, đòi hỏi đất nước không chỉ thống nhất về giang sơn lãnh thổ mà phải thống nhất về lòng người. Bởi vậy mỗi người dân Việt Nam dù trước đây thuộc bên nào cũng cần phải lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng, hãy lấy tình cảm dân tộc, gốc rễ đồng bào để mở lòng bao dung, xóa bỏ mặc cảm, xây dựng niềm tin lẫn nhau, hóa giải hiềm khích để cùng hòa hợp, đồng thuận chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Huy Viện 

'HOÀ' THẾ NÀO KHI KHÔNG MUỐN GIẢI !
TRÂN VĂN/VOA/  BVN 2-5-2020

Một cuộc duyệt binh nhân ngày 30 tháng Tư tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2015.
Một cuộc duyệt binh nhân ngày 30 tháng Tư tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2015.
Cho dù cả giọng điệu lẫn âm lượng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức về sự kiện “Giải phóng miền Nam” đã giảm đáng kể nhưng mạng xã hội và các diễn đàn điện tử về ngày 30 tháng 4 vẫn rất nóng, thậm chí còn nóng hơn nhiều năm trước…
Số người nhận thức lại về cuộc chiến “Giải phóng miền Nam”, đặc biệt là những người có liên quan chặt chẽ với “bên thắng cuộc”, càng lúc càng đông. Thời điểm sự kiện “Giải phóng miền Nam” tròn 45 năm, nhiều ngàn người chia sẻ và bày tỏ sự tán thành ý kiến của Abraham Lincoln được dịch ra tiếng Việt kèm chân dung của ông(1):
Khi viên đạn găm vào môt người lính thuộc về bất kỳ bên nào thì nó cũng xuyên vào trái tim một người mẹ…
Tại sao lại ăn mừng chiến thắng? Những kẻ bại trận chẳng phải là đồng bào của chúng ta hay sao?
***
Tháng trước, Tho Nguyen, sau tháng 4 năm 1975 được biệt phái vào Nam tiếp quản Đài Truyền hình Huế, từng bày tỏ: Đại dịch COVID-19 đang tạo cơ hội để ngày 30 tháng 4 năm nay, 45 năm kết thúc chuyện huynh đệ tương tàn, sẽ không phải là ngày trống giong cờ mở, pháo hoa sáng trời của bên này đồng thời là ngày nuốt nước mắt của bên kia…
Tuần này, Tho Nguyen, vừa mới viết tiếp về những suy nghĩ của ông đối với cuộc chiến ấy: Trong khi cả thế giới chìm trong chiến tranh lạnh thì Việt Nam trở thành chiến trường thi thố sức mạnh của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Nếu chúng ta coi nhau như anh em một nhà, quyết không bắn giết nhau thì không đế quốc nào có thể nhảy vào Việt Nam. Cuộc chiến khốc liệt đã nổ ra chính vì số người Việt thích bạo lực, coi trọng đấu tranh ý thức hệ nhiều hơn số người nghĩ đến quyền lợi dân tộc. Cuộc chiến đó đã khiến chúng ta mất Hoàng Sa, một phần Trường Sa và nếu tiếp tục chia rẽ, thù ghét nhau, sẽ mất thêm nhiều thứ khác(2)…
Trong status mới nhất, Tho Nguyen kể chuyện tướng Wojciech Jaruzelski (Ba Lan) và trung tá Harald Järger (sĩ quan an ninh Đông Đức) như những dẫn chứng.
Khi Công đoàn Đoàn kết (CĐĐK) trở thành lực lượng đe dọa sự nghiệp của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan và chính quyền cộng sản Ba Lan, tướng Jaruzelski – lúc ấy là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước đã chọn con đường đàm phán với Lech Walesa – Thủ lĩnh CĐDK, chứ không cậy đến Liên Xô – luôn muốn kềm giữ Ba Lan trong nanh vuốt của mình. Nhờ vậy, Jaruzelski và Walesa vốn từng không đội chung Trời nhưng không vì thế mà “đốt cháy Ba Lan” đã trở thành bạn của nhau.
Tương tự, Järger đã cấm thuộc cấp nổ súng vào dân Đông Đức ùn ùn đổ tới Bức tường Berlin. Đã vậy còn tự tay nâng thanh chắn cho dân Đông Đức chạy sang Tây Đức vào đêm 9/11/1989, dù điều đó, đồng nghĩa với sự nghiệp của Jäger cũng như hàng ngàn sỹ quan an ninh Đông Đức khác sẽ tiêu tan.
Tho Nguyen tin rằng, những kết thúc có hậu như thế chính là nhờ dân Ba Lan không sùng bái bạo lực, không để khuynh hướng bạo lực thắng thế, cũng như nhờ dân trí lành mạnh mà những sĩ quan an ninh Đông Đức giữ được tính người, lý trí. Đó cũng là lý do khi nước Đức còn bị phân chia, tuy khác biệt về thể chế chính trị nhưng dân Đông Đức vẫn dán mắt vào những trấn đấu của đội tuyển bóng đá Tây Đức và vẫn thường hét vang: Nước Đức, nước Đức… Tho Nguyen kể thêm, ngày thống nhất nước Đức, Thủ tướng Đức Willy Brand tuyên bố: Giờ đây những gì thuộc về nhau, lại gắn kết với nhau. Liệu càng ngày càng nhiều người Việt sẽ nghĩ như vậy(3)?
***
Tham gia cuộc thảo luận sôi nổi về sự kiện “Giải phóng miền Nam” trên mạng xã hội và các diễn đàn điện tử từ cuối tháng ba đến nay, ông Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu của Ban Dân vận thuộc BCH TƯ Đảng CSVN, nhận định: 30/4/1975 là thời điểm khởi đầu của tiến trình “phi cộng” mà những người CSVN không cưỡng lại được.
Ông Mai cho rằng: Sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa trong một phần tư thế kỷ đã để lại nhiều dấu ấn, nhiều giá trị của một nền kinh tế thị trường thật chứ không nửa dơi nửa chuột, một xã hội dân trị tuy chưa đạt đến đỉnh cao nhưng là hiện thực, một nền văn hóa, giáo dục khá trưởng thành với nhiều giá trị và kinh nghiệm lành mạnh…
Theo ông: Đó chính là những nhân tố thúc đẩy tiến trình “phi cộng”. Khi tiến nhanh, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội thất bại, phải từng bước xóa bỏ kinh tế kế hoạch hóa, tập thể hóa nền kinh tế… Tuy nhiên không vứt bỏ cái vòng kim cô giáo điều Mác – Lênin, cái ốp che mắt ngựa thì không thể có tư duy tử tế, lành mạnh để suy nghĩ.
Khi kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam là kinh tế tư bản hoang dã có màu đỏ nhưng không đỏ như son mà là đỏ máu dân, ông Mai dẫn lại thắc mắc mà Triết gia Nguyễn Mạnh Tường từng nêu: Chủ nghĩa anh hùng của các ông có giúp các ông dám hy sinh đảng trên bàn thờ của Tổ quốc và Nhân dân? – kèm cảnh báo: Nếu tiếp tục bảo thủ, tiếp tục để các nhóm lợi ích thao túng, nhân dân sẽ “tỉnh dậy, thấy mình là nô lệ, là con rối, con mồi của những tham vọng mới” và họ sẽ hành động(4)…
***
30 tháng 4 là dịp mà Lưu Trọng Văn, một nhà báo nghỉ hưu, viết vài mẩu chuyện nhỏ về những cuộc trò chuyện với người của phía bên kia. Những mẩu chuyện tiếp tục khắc họa thêm diện mạo của phía bại trận, về một hệ thống được xây trên nền tảng giáo dục theo tiêu chí “nhân bản – dân tộc – khai phóng”, khác hẳn tuyên truyền của “bên thắng cuộc”. Trong những mẩu chuyện ấy, có cuộc đối thoại với một đại tá của Việt Nam Cộng hòa, từng bị “cải tạo” mười năm, còn vợ con thì mất tích khi vượt biên bị chết, rằng: Làm thế nào để thống nhất lòng người? Vị đại tá ấy đáp rất gọn: Chính quyền cứ thật sự tử tế vì dân thì lòng dân tự khắc thống nhất(5).
“Hòa hợp, hòa giải dân tộc” đã trở thành khẩu hiệu suốt hàng chục năm nhưng chỉ trong vài tháng gần đây, tiếp tục có thêm hàng chục người bị bắt, bị kết án chỉ vì nói khác kiểu, kháng giọng với những người lớn tiếng gọi “hòa”. “Hòa” như thế là hòa… thật hay hòa… giả. “Hòa” như thế thì làm sao “giải” hết cả oán hận lẫn bất đồng?
T.V.
________

Chú thích




ĐƯỢC ĐỐI THOẠI VỚI CỤ LÊ NIN
NGUYỄN NHƯ PHONG/ TD 3-5-2020
Mấy ngày nghỉ, mang bộ Lê Nin Toàn tập ra nghiền ngẫm, xem có “sáng ra” được chút nào không. Đọc miệt mài và rồi thấy mệt. Thế là đi ra vườn hoa có tượng Cụ ở trước bảo tàng Quân sự…
Tự nhiên thiếp đi và thấy cụ hiện ra rồi cụ dắt qua một đường hầm sâu hun hút, đến một khu vườn… Giật bắn cả người thấy cụ Mác, cụ Hồ, cụ Giáp, rồi cụ Tưởng Giới Thạch, cụ Lý Quang Diệu, cụ nhà báo Hữu Thọ và lại thấy cả anh Putin đang pha trà…
– Thằng cháu, cụ thấy hình như còn mỗi cháu đọc sách của cụ. Nào, có thắc mắc gì, cứ hỏi. Cụ giải đáp cho.
– Dạ thưa cụ. Cháu đọc hết lời vàng ý ngọc của cụ trong 55 quyển. Cháu thắc mắc là cụ dạy cái gì cũng đúng, nhưng sao chủ nghĩa xã hội của nước Liên Xô và cả hệ thống sụp đổ hết. Vậy là tại cụ dạy sai, hay hậu duệ làm sai?
Cụ Lê Nin cười buồn và bảo:
– Là vì chúng nó có làm theo lời cụ đâu. Cụ dạy một đằng, chúng nó làm một nẻo…
– Dạ thưa cụ, ở đâu làm sai lời cụ, con không biết nhưng ở Việt Nam, đứa nào nói sai lời cụ, nghi ngờ cụ… công an bắt và quy phản động ngay.
Cụ bực mình gọi:
– Anh Hữu Thọ, mang bộ Lê Nin Toàn tập, bản tiếng Việt ra đây.
Cụ Hữu Thọ nom rất trẻ và nhanh nhẹn khác thường. Cả chồng Lê Nin Toàn tập 55 quyển, nặng có hơn nửa tạ mà cụ xách hai tay nhẹ bỗng.
Cụ Lê Nin lấy ngay tập 45 ra, đọc:
Năm 1918, sau khi Cách mạng tháng 10 thành công, ta đã viết như thế này: “Chủ nghĩa tư bản Nhà nước sẽ là một bước tiến so với tình hình hiện nay (tức là tình hình lúc đó) trong nước Cộng hòa Xô viết của chúng ta. Nếu chẳng hạn, trong nửa năm nữa, chúng ta thiết lập được chủ nghĩa tư bản Nhà nước, thì đó sẽ là thắng lợi to lớn và là điều bảo đảm chắc chắn rằng qua một năm sau, chủ nghĩa xã hội nước ta sẽ được củng cố hoàn toàn và trở nên vô địch“. (Lê Nin toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Tiến Bộ. Tập 45, trang 324, dòng thứ 6 từ trên xuống).
Và 5 năm sau, tại Đại hội IV Quốc tế cộng sản, khi kỷ niệm 5 năm Cách mạng Tháng 10, ta đã nói: “Chủ nghĩa Tư bản nhà nước tuy không phải là hình thức xã hội chủ nghĩa, nhưng đối với chúng tôi và đối với nước Nga, nó vẫn thuận lợi hơn hình thức hiện nay. Thế nghĩa là gì? Nghĩa là, trong khi làm xong cuộc cách mạng xã hội rồi, chúng tôi cũng không đánh giá quá cao những mầm mống cũng như những cơ sở của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, ngược lại, ngay từ hồi đó, chúng tôi cũng đã có ý thức đến một chừng mực nào đó về cái chân lý sau đây: Quả thật, tốt hơn là nên trước hết hãy thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước, để rồi sau đó, đi đến chủ nghĩa xã hội“. (Lê Nin toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Tiến Bộ. Tập 45, trang 325, dòng thứ 6 từ dưới lên).
– Thấy chưa, cụ có bảo chúng nó xây dựng chủ nghĩa xã hội đâu? Mà phải xây dựng chủ nghĩa tư bản Nhà nước trước.
Mình lễ phép hỏi:
– Thưa cụ, con hiểu ạ. Vậy Chủ nghĩa tư bản nhà nước là thế nào? Mô hình ở đâu ạ?
Cụ lại bực mình:
– Có giảng giải lý luận, chúng nó cũng không chịu học cho tới nơi tới chốn. Nước đổ đầu vịt thôi. Bảo chúng nó cắp cặp sang mà học Na Uy, Singapore, Đài Loan… Chủ nghĩa tư bản nhà nước là đấy. Nước Nga, may có thằng Putin này… Nó đang đi theo lời dạy của cụ.
Rồi cụ quay sang cụ Hữu Thọ:
– Anh Thọ này, có lẽ phải mở một lớp bồi dưỡng về con đường đi lên CNXH cho lãnh tụ các Đảng CS thôi.
Cụ Thọ kính cẩn:
– Thưa cụ, theo cháu, cụ nên triệu từng người xuống đây, học cho thật kỹ… Mỗi khóa khoảng ba năm ạ.
Cụ Hồ cười:
– Chú Thọ nói rất đúng. Thằng cháu Phong, cháu về lập danh sách giúp các cụ… Ai cần học trước, ai cần học sau… cứ viết vào giấy, rồi mang ra chân cụ Lê Nin đốt… Khắc có người đến nhận. Còn chú Giáp, cử đội Vệ Quốc quân… Đứa nào không chịu xuống học, xử lý ngay!
Nghe đến đấy, toát hết mồ hôi, thế là tỉnh.
Vội vàng chạy về viết tường thuật lại.
Mai sẽ lập danh sách “cử” người xuống học …

NẾU PHÂN LY LÀ ĐỊNH MỆNH CỦA DÂN TỘC
MẠNH DANG/ BVN 2-5-2020

Tôi không nghĩ đã có dân tộc nào trên thế giới mở đầu trang sử của mình bằng một cuộc phân ly. Nhưng rủi thay, dân tộc ta đã có một trang sử khởi đầu như vậy. Đọc sử, chúng ta hãnh diện tự tôn về dòng giống con Rồng cháu Tiên. Điều đó, làm chúng ta quên bẵng đi ý nghĩa câu chuyện mẹ Âu Cơ đem 50 con lên núi, cha Lạc Long Quân đem 50 con xuống biển để bắt đầu một phân ly tiên khởi như định mệnh dân tộc.
Ngẫm xem, dân tộc này đã trải qua bao nhiêu cuộc phân ly kể từ ngày ấy? Ngày nay, lúc này, xứ sở thống nhất về lãnh thổ, nhưng cuộc phân ly từ lòng người vẫn cứ còn nguyên đó với nhiều sắc màu, vượt trội nhất với đỏ và vàng.
Cũng lạ, như một định mệnh trớ trêu, trong lá cờ đỏ lại có ánh vàng, trong lá cờ vàng lại có sắc đỏ, trong mình có ta, trong ta có mình, ta với mình đều là người Việt, mình với ta đều là đồng bào, ta với mình đều vỗ ngực yêu nước, nhưng mình với ta không đứng chung trong một sắc cờ! Và nếu cần phải chiến đấu với ngoại xâm, liệu ta với mình có đứng chung trong một chiến hào?
Tôi mơ hồ về câu trả lời, nhưng tôi sẽ chắc chắn hơn với câu trả lời “Có”, chỉ khi mà “ta” với “mình” đã có sự hòa hợp, hòa giải với nhau!
Vâng, sự hòa giải đấy là nan đề xứ sở, là giấc mơ 45 năm chưa trọn!
Đối diện với mỗi vấn đề, tôi vẫn thường hướng sự suy nghĩ của mình bắt đầu từ quá khứ để biết các bài học của lịch sử… Nhưng với vấn đề hòa giải, tôi muốn chúng ta bắt đầu câu chuyện từ nước Đức.
Không phải về một nước Đức phát xít của Hitler đã từng làm nhân loại kinh sợ, mà về một nước Đức thống nhất đã từng làm nhân loại phải ngã mũ kính phục từ sau sự kiện bức tường Berlin bị phá bỏ năm 1989. Chính là nước Đức mà khiến chúng ta, đã không thể đặt vô số câu hỏi tại sao khi đối chiếu với những vấn đề của đất nước mình.
Nước Đức, sau ngày thống nhất, chúng ta không rõ tại sao họ không đặt ra vấn đề buộc những người cộng tác với chính quyền Đông Đức cũ phải đi học tập cải tạo như đất nước ta? Nhưng chúng ta phải nhận thấy rằng, nhờ đó, nước Đức đã không mất đi nguồn nhân lực chất xám cực lớn và quý báu từ một nửa quốc gia còn lại, xã hội không bị xáo trộn và cũng không phải đau đáu về việc phải hòa giải với các cựu thù hàng mấy thế hệ, mà nay tất cả đang là những đồng nghiệp với nhau, cùng kề vai sát cánh phụng sự trong chính quyền nước Đức, vì quyền lợi dân tộc Đức.
Nước Đức, sau ngày thống nhất, chúng ta không hiểu tại sao người dân Đông Đức cũ đã không chọn con đường đào thoát, tỵ nạn ra nước ngoài như người dân đất nước ta! Và chúng ta cũng nhận thấy rằng, nhờ đó, hàng triệu người dân nước Đức đã không phải phiêu lưu đánh đố số phận của mình trên những chiếc ghe nhỏ giữa đại dương, với vô vàn bất trắc: bão tố, sóng biển, cá mập, hải tặc, tù đày và kể cả điều xấu nhất là cái chết trước khi đến được bến bờ mong muốn. Hơn cả thế, người dân Đức không phải đối diện với sự mất mát và nước Đức cũng không phải đối diện với sự ly tán hiện hữu dai dẳng trong lòng người dân nước mình.
Nước Đức, sau ngày thống nhất, chúng ta không rõ tại sao và như thế nào mà họ lại có thể chấp nhận một người vốn xuất thân từ một đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Đức thuộc Đông Đức cũ, nhưng chỉ 15 năm sau khi thống nhất, thì người này đã có thể trở thành người phụ nữ đầu tiên và trẻ nhất đắc cử vào chức vụ Thủ tướng đầy quyền lực của nước Đức thống nhất? Bà Angela Merkel! Bạn có nghĩ rằng, nếu người phụ nữ tài trí kiệt xuất này sống ở đất nước chúng ta, Bà có thể đã có một tương lai rất khác, khi mà đất nước chúng ta sau ngày thống nhất vẫn còn nguyên đó sự dè dặt trước những người có lý lịch không tương thích với chính quyền và trong quá khứ đã từng có chính kiến rất khác biệt với chính quyền.
Không chỉ câu chuyện từ nước Đức, mà những câu chuyện về sự hòa giải, hòa hợp từ Nam Phi, Miến Điện, thậm chí từ quốc gia Cao Miên láng giềng cũng đều là bài học hữu dụng.
Tại sao và tại sao? Trả lời được những thắc mắc đó, chúng ta có thể trả lời cho con cháu đời sau biết lý do tại sao ông cha của chúng hiện nay phải kêu gọi hòa giải mối bất hòa có từ những thập kỷ năm mươi và một lần nữa vào thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, giữa những người Việt có chung giòng máu Lạc Hồng, sinh từ cùng một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ?
Giữa thập kỷ năm mươi, năm 1954, không phải là một quốc gia bại trận như nước Đức. Trái lại, xứ sở chúng ta vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến với tư cách là một quốc gia chiến thắng. Nhưng phần thưởng cho người chiến thắng không vinh quang như chúng ta thường nghĩ, thường thấy, mà cũng lại là sự phân ly như nước Đức bại trận!?
Giữa thập kỷ bảy mươi, năm 1975, sau cuộc chiến khốc liệt dai dẳng kéo dài hằng hai thập kỷ, trả giá bằng sinh mệnh của nhiều triệu đồng bào, cuối cùng xứ sở của chúng ta cũng có được thống nhất dưới bánh xích xe tăng nghiến trên đường phố Sài Gòn. Nhưng kể từ ngày ấy cho đến nay đã là 45 năm, xứ sở thống nhất, nhưng lòng người dân nước ta chưa bao giờ thống nhất! Vẫn vẹn nguyên sự phân ly như những ngày nội chiến tương tàn!
Sự phân ly lòng người đau đớn lắm, nó làm thân thể người mẹ Việt xanh xao yếu ớt, như vết thương mãi rỉ máu, chẳng bao giờ biết liền sẹo…
Ngẫm lại, quả là chúng ta đã từng có một Diên Hồng chói lọi trong lịch sử đoàn kết dân tộc vào thời Trần, nhưng suốt bốn ngàn năm lịch sử cho đến nay, hình như chúng ta cũng chỉ có mỗi trang sử lẻ loi ấy?! Thỉnh thoảng, tinh thần Diên Hồng ấy lại chớp lóe trong những thời khắc vận nước lâm vào cơn nguy khốn cùng cực, khi cơn nguy khốn đã qua, thì tinh thần Diên Hồng cũng chóng tan như làn sương sớm mai!
Chúng ta phải tự hỏi: Đã có thể chìa bàn tay hòa giải với các cựu thù ngoại nhân như Pháp, Nhật, Mỹ! Nhưng chìa bàn tay hòa giải với chính đồng bào mình sao lại khó quá?
Hòa giải, giấc mơ 45 năm chưa trọn. Có thể, sau 100 năm kể từ thời điểm 1975, khi những con người đã từng là đạo diễn, diễn viên và khán giả của câu chuyện phân ly lòng người khuất bóng, thì có thể con cháu của họ sẽ ngồi lại với nhau để viết nên trang sử mới của dân tộc, trang sử không còn bóng dáng của sự phân ly trong lòng người Việt! Trang sử không còn sự phân ly như định mệnh dân tộc của tiền nhân để lại.
Như cô Tấm mong có ông Bụt, tôi mong dân tộc tôi có một phép mầu…
Tháng 04/2020
M.D.
Nguồn: FB Manh Dang

THỐNG NHẤT
NGUYỄN ANH TUẤN/ TD 30-4-2020

Không ít người, nhất là từ bên thắng cuộc, với sự thiện chí đáng ghi nhận, muốn 30/4 được gọi là Ngày Thống Nhất, thay vì cụm từ ‘giải phóng miền Nam’ đầy hợm hĩnh.45 năm đã qua nhưng chỉ riêng việc gọi tên ngày 30/4 vẫn còn quá nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, thiện chí là một chuyện, chính xác hay không lại là chuyện khác.
Có người nói nhờ 30/4 thì người dân hai miền Nam Bắc được tự do đi lại nên gọi ‘thống nhất’ là đúng rồi. Nhưng nếu muốn hai miền được tự do đi lại thì như khối Schengen, chỉ cần một hiệp định là đủ, cần gì phải thống nhất.
Hay có ngày 30/4 thì nhiều gia đình mới gặp lại nhau, gọi ‘thống nhất’ có gì đáng bàn cãi. Đúng là đã có nhiều cuộc đoàn viên, nhưng đi kèm với đó cũng là vô số thảm cảnh ly biệt. Trong lòng biển, trên rừng sâu, nơi ngục thẳm. Niềm vui đoàn viên của người này có khấu hao được cho nỗi buồn biệt ly của người khác? Rồi còn biết bao người, miệng chưa kịp nở nụ cười đoàn viên, mắt đã rơi giọt lệ ly biệt?
Biểu hiện thống nhất rõ nhất có lẽ nằm ở chính quyền. Nay thì trên lãnh thổ Việt Nam chỉ còn một chính quyền.
Tuy nhiên, đối với hàng triệu đồng bào có lý lịch gia đình VNCH bị loại bỏ khỏi mọi cơ hội thăng tiến trong guồng máy quốc gia, chính quyền này có phải hiện thân của sự thống nhất không?
Hay, chính sách phân bổ ngân sách thiệt thòi cho miền Nam hiện nay – đến mức mà những người miền Bắc có lương tri cũng cảm thấy xấu hổ, đang kể câu chuyện thống nhất hay chia rẽ?
Thế rồi, thống nhất, hoà hợp, hoà giải nghe có lố bịch không khi mà trên mọi tờ khai lý lịch vẫn còn câu hỏi đay nghiến: gia đình trước 1945 làm gì, trước 1975 làm gì? Chính quyền quan tâm điều này làm gì nếu thực tâm thống nhất lòng người?
Thống nhất trong tiếng Anh là unification, có nguồn gốc từ tiếng Pháp unifier, có nghĩa là ‘làm thành một’.
‘Làm thành một’ nghĩa là không phân biệt, không lấy lý lịch phân hạng công dân, lấy quá khứ đóng đinh số phận con người.
Chỉ khi mọi người trẻ Việt Nam, bất luận mang một lý lịch gia đình thế nào, đều thấy phần mình trong đất nước – thể hiện qua cơ hội thăng tiến bình đẳng trong guồng máy quốc gia, khi đó hãy nói đến ‘thống nhất’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét