Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

20191229.TƯỞNG NIỆM TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH

ĐIỂM BÁO MẠNG

CỤ NGUYỄN TRỌNG VĨNH ĐÃ RA ĐI

MẠC VĂN TRANG /TD/ BVN 27-12-2019

Image result for nguyễn trọng vĩnh
Mới tuần trước Cụ khỏe lại, ngồi dậy, đung đưa chân, vui vẻ… Chiều qua, mấy anh chị em ngồi ở nhà Cụ còn bàn, cứ để Cụ ở trong viện, không nên đưa Cụ về ăn Tết, vì không có điều kiện chăm sóc tốt bằng ở bệnh viện.
Vẫn hy vọng Cụ đón năm mới 2020 và Tết Canh Tý với con cháu, bạn bè… Thế mà Cụ đột ngột ra đi lúc 4h43 phút sáng nay, 26/12/2019 (nhằm ngày 1/12 năm Kỷ hợi), hưởng đại thọ 104 tuổi.
Lòng thương tiếc Cụ biết bao nhiêu, thì cũng tự hào bấy nhiêu về đất nước ta, dân tộc ta có những người con như Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh.
Cụ trải qua một tuổi thơ vô cùng gian khổ, nhưng nỗ lực vượt qua tất cả, chịu khó học hành trong sách vở và trong cuộc sống để vươn lên làm một CON NGƯỜI có trí tuệ tuyệt vời, có kiến thức sâu rộng, có ý chí kiên cường, hết lòng vì dân vì nước cho đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Có lẽ gian khổ và oanh liệt nhất là thời kỳ Cụ làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc suốt 13 năm (từ 1974 đến 1987), thời kỳ Trung cộng đã đi đêm với Mỹ, bán rẻ Việt Nam để đổi lấy những món hời làm ăn với Mỹ; thời kỳ Trung cộng mượn Khơ me Đỏ đánh phá Việt Nam, rồi trực tiếp đem mấy chục vạn quân xâm lược nước ta và tuyên truyền xuyên tạc, xấc xược: “Dạy cho Việt Nam bài học” (?)…
Suốt thời kỳ đó Nhà ngoại giao Nguyễn Trọng Vĩnh sống trong lòng địch đúng nghĩa, phải đối phó với trăm mưu nghìn kế, kể cả những trò hèn, bẩn của Tàu khựa, nhưng Cụ luôn giữ tư thế của người đại diện cho Việt Nam đương đầu với Trung Quốc một cách đầy bản lĩnh, không bao giờ sợ sệt, chịu khuất phục, để chúng làm nhục quốc thể, hay có thể lung lạc, sai khiến, làm mất nhân cách của nhà ngoại giao…
Về cuối đời tưởng được an nhàn thì Cụ lại phải xông vào trận chiến đấu mới: phản biện những sai lầm của Đảng CSVN trong chiến lược, đối sách với Trung cộng. Cụ là người dày công nghiên cứu về Trung Quốc, hiểu sâu sắc về Trung cộng, đã từng làm cho mấy GS “Trung Quốc học” của Mỹ phải tâm phục, khẩu phục…
Về đường lối, chính sách đối nội của Đảng CSVN và Nhà nước này, Cụ đã có hàng trăm bài viết “góp ý”, “phê phán”, “kiến nghị”… Riêng tập “Phải trái sự đời” đã tập hợp in hơn 100 bài viết của Cụ từ 2004 đến 2015. Còn từ 2016 đến 2019 chưa xuất bản.
Mở đầu cuốn sách này, Cụ viết câu thơ:
“Còn hơi, còn sức còn lên tiếng
Là muốn quyền uy bớt lỗi lầm”.
Đây là những gì Cụ viết vào giai đoạn từ 90 tuổi trở đi, mà nhiều bài viết có tầm minh triết, tư duy mạch lạc, phân tích sắc bén, dẫn chứng cụ thể, đầy thuyết phục.
Hôm nay Cụ Vĩnh đã thanh thản về cõi vĩnh hằng, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của một vị tướng tài ba, một nhà ngoại giao xuất sắc, một công dân kiểu mẫu…
“Cái còn lại” của Cụ không phải là những tấm huân chương, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng… mà là những bài viết góp ý, phản biện nóng bỏng thời sự, chứa chan lòng yêu nước, thương dân, đầy trí tuệ sắc bén, và một nhân cách sống giản dị, thanh cao vẫn sống động lan tỏa trong xã hội hôm nay và truyền cảm hứng cho các thế hệ nối tiếp dấn thân vì độc lập của Tổ quốc; tự do, dân chủ, hạnh phúc cho nhân dân.
DI SẢN NGUYỄN TRỌNG VĨNH
LÊ VĂN TÂM/ BVN 28-12-2019

Image result for nguyễn trọng vĩnh
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đã từ biệt chúng ta, ra đi về hàng ngũ của những người từng ưu tư, hành động, hy sinh cho đất nước trường tồn.
Cụ đã sống một cuộc đời dữ dội, nhưng cuộc sống riêng tư thì giản dị, cá tính hiền hòa, lúc nào cũng ưu tư, lo lắng cho tình hình đất nước và dân tộc. Cụ ra đi, để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều tài sản đồ sộ:
1. Tư tưởng hãy sống vì dân vì nước đến khi cả tuổi cao, sức yếu;
2. Nhận thức rõ và gọi thẳng tên kẻ thù Trung Quốc xâm lược và kêu gọi nhân dân cảnh giác, chuẩn bị đề kháng;
3. Dũng cảm khi phản đối, khi kêu gọi nhà cầm quyền chấm dứt hay thay đổi các chính sai trái, đặc biệt là các chính sách đối với Trung Quốc xâm lược, tư tưởng thủ cựu, giáo điều, độc đoán;
4. Sống một cuộc đời đơn giản, nhưng kiên trì cá tính và phẩm giá của mình;
5. Ôn hòa, hòa đồng với mọi người, lúc nào cũng muốn xã hội tươi đẹp hơn.
Theo tôi, di sản lớn nhất mà cụ để lại cho người dân Việt Nam là tấm gương tự phá xiềng xích trói buộc suy tư của mình. Cụ là người yêu nước nồng nàn và do thời cuộc và hoàn cảnh lịch sử, cụ đã tham gia chiến đấu cho độc lập Tổ quốc với tư cách một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng bối cảnh xã hội Việt Nam và thế giới thay đổi, nhận thấy chế độ độc tài đảng trị, tư tưởng bảo thủ, giáo điều là nguy cơ cho dân tộc, cụ kêu gọi trở về đường lối Dân tộc và Dân chủ. Dân chủ phải là người dân trực tiếp bầu người lãnh đạo, người đại diện cho mình. Dân chủ phải là công bằng và minh bạch, xã hội được quản lý bằng pháp luật. Người làm ra luật (Quốc hội), người thi hành luật (Chính phủ), người kiểm tra luật có được thi hành nghiêm chỉnh không (Tư pháp) phải được phân quyền rõ ràng thì mới có công bằng và minh bạch. Người Việt Nam, các dân tộc anh em sống trên đất nước Việt Nam rất ưu tú. Khi có công bằng và minh bạch, tức là khi có cơ hội bình đẳng như nhau, đất nước Việt Nam sẽ tiến bộ vượt bực. Dùng chữ Hán, thì gọi là “tam quyền phân lập”. Vì có những thế lực bảo thủ mẫn cảm với từ tam quyền phân lập, nên bức thư mà cụ tham gia ký tên kêu gọi trở về Dân tộc và Dân chủ. Dân tộc và Dân chủ là khát vọng thiêng liêng của người dân Việt Nam.
Tự phá bỏ xiềng xích trói buộc suy tư của mình, tự thay đổi suy tư của mình cho phù hợp với trào lưu của thời đại, để thay đổi Tổ quốc theo hường tốt đẹp hơn, phải chăng là tấm gương của cụ đối với đồng chí và đồng bào của mình.
Một số người không có dịp đọc lịch sử Nhật Bản có thể nghĩ Minh Trị Thiên Hoàng là một bậc anh quân làm nên sự nghiệp thần kỳ là Duy tân nước Nhật. Thật ra đó là sự nghiệp của giới sĩ phu, đặc biệt là những người trẻ tuổi, có kiến thức trong giới bình dân của Nhật. Họ cũng phải trải qua những suy tư đơn thuần là diệt trừ người nước ngoài trên đường phố Nhật, đốt phá lãnh sự quán của nước ngoài, họ đảo chánh lẫn nhau… Nhưng rồi họ cũng thấy đường lối ấy không phù hợp, phải thay đổi suy tư và họ đã cùng nhau nhận thức là phải học tập các kiến thức của các nước Âu Mỹ để bảo vệ Tổ quốc và đuổi kịp các cường quốc thời ấy. Sự thay đổi suy tư ấy dẫn đến việc đánh đổ chế độ thủ cựu Mạc Phủ ở Tokyo và thực hiện công cuộc Minh Trị Duy Tân.
Người Nhật gọi những người thực hiện công cuộc duy tân lớn lao ấy là các chí sĩ.
Tôi xin được gọi cụ Nguyễn Trọng Vĩnh là một chí sĩ. Một chí sĩ lớn của Việt Nam.
Và xin đề nghị các cựu chiến binh mà cụ đã một thời làm đại diện, những người trẻ Việt Nam, các bậc thức giả, mọi người Việt Nam cùng theo gương cụ Nguyễn Trọng Vĩnh thay đổi suy tư, tiến đến con đường Dân tộc và Dân chủ, đưa Đất nước và Dân tộc Việt Nam đến một tương lai tươi sáng.
Theo gương cụ, phải chăng là cách tri ân và từ biệt một chí sĩ lớn của dân tộc.
L.V.T.
Tác giả gửi BVN

MỘT NGÔI SAO VỪA TẮT
TƯƠNG LAI/ BVN 28-12-2019
“Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh…”
                           Nguyễn Đình Thi
Một ngôi sao băng vừa vụt qua trên bầu trời ảm đạm. Trong tôi bỗng loé sáng huyền thoại về ngôi sao chiếu mệnh của mỗi con người khi hay tin Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vừa đi vào cõi vĩnh hằng lúc 4g43 sáng hôm nay, 26.12.2019.
Thế là ước nguyện Cụ kéo dài sự sống thêm vài ngày nữa để đạt được tuổi thọ 105 không thành hiện thực! Nhưng như thế cũng đã quá đủ cho một đời người, một sinh mệnh, một sự nghiệp rồi.
Hôm được Hà Nội cho biết là Cụ Vĩnh đang hôn mê trên giường bệnh tại bệnh viện, không hiểu sao, có lẽ do linh tính, khiến tôi bật ra câu nói với anh bạn tôi, người sẽ bay ra Hà Nội với nỗi băn khoăn liệu có kịp gặp được Cụ không: “Mình tin Cụ sẽ tỉnh lại vì Ông Cụ có một sức sống kỳ lạ lắm”. Thế rồi khi nắm tay Cụ và được Cụ gọi tên, anh ấy gọi ngay cho tôi khi bước ra khỏi phòng bệnh: “Đúng như thầy nói, Cụ nhận ra em và bật ra một tiếng B… Các bác sĩ cho biết vài ngày tới nếu không có diễn biến đột xuất thì Cụ có thể về nhà để tiếp tục điều trị…”.
Tôi bỗng liên tưởng đến cử chỉ của Cụ năm ngoái – hôm tôi bay ra Hà Nội đến thăm – Cụ đang ngủ trên cái giường nhỏ kê sát mấy cái ghế ở phòng khách mà chúng tôi hay ngồi mỗi lần được hầu chuyện Cụ. Tôi ngăn chị Bình – con gái Cụ: “Để Cụ nghỉ chị ạ, ta ngồi đây đợi thôi”. Chị Bình cười: “Không, Cụ đợi anh rồi ngủ thiếp đi đấy” rồi chị đến sát giường “Ông ơi, ông có khách đấy”. Cụ vẫn nhắm mắt, hỏi “Khách nào?”. Chị Bình lại cười: “Anh Tương Lai từ Sài Gòn ra đấy”. Cụ ngồi nhỏm dậy “Ồ, chào gs Tương Lai”. Nắm tay cụ tôi ngồi xuống mép giường mà rưng rưng nước mắt xúc động vì cử chỉ thân tình: “Thưa bác, bác cứ nằm, cháu xin phép ngồi ngay tại đây ạ”. Cụ xua tay, “Sao lại nằm, phải ngồi pha trà mời khách và nói chuyện chứ. Tôi chỉ nằm khi một mình, cho đỡ mệt, nhưng vẫn phải ngồi vào ghế kia thì mới chuyện trò được chứ”. Rồi Cụ bảo lấy hộp trà cất trong tủ “phải có trà ngon đón khách quý chứ”. Cứ thế, chúng tôi – Phạm Gia Minh, Phạm Xuân Đại, chị Nguyên Bình và tôi – ngồi quanh vị lão tướng trong căn phòng quen thuộc.
Nhưng rồi, thế là từ nay, vĩnh viễn không còn lặp lại những buổi được ngồi trong căn phòng đơn sơ và ấm cúng bên con người đã sống vắt ngang hai thế kỷ với nhiều biến động của đất nước phủ đầy những khúc tráng ca chen lẫn với những khúc bi ca của dân tộc chúng ta. Một ngôi sao đã lặn mất. Tuy thế, đừng quên rằng, vẫn có những ngôi sao đã tắt từ cách đây hàng trăm năm nhưng ánh sáng vẫn còn đến được với chúng ta hôm nay. Tôi tin rằng con người bình dị, mộc mạc, kiệm lời ấy đã vượt qua giới hạn “trăm tuổi” gần một thập kỷ rưỡi sẽ vẫn có sức toả sáng và giục giã những ai đang nặng lòng vì đất nước trước những biến động đầy bất ngờ được làm dữ dội thêm bởi những cuộc gầm gừ giằng xé nhau giữa các thế lực trong cuộc chiến quyền lực, nhất là vào thập kỷ hoàng hôn của một triều đại trong cơn hấp hối.
Thế rồi, quả là vẻ đẹp thật sự của một con người toát ra không chỉ khi lấp lánh dưới ánh dương rực rỡ, mà cả trong buổi chiều tà khi tia sáng cuối cùng của mặt trời đã tắt, vẻ đẹp ấy vẫn bừng lên với ánh sáng được phát ra tự bên trong.
Nhìn lại cuộc đời của cụ già gần tuổi 105 ấy, từ lúc thiếu thời cho đến khi trở thành vị tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng năm 1959, xông pha trận mạc, gánh vác những trọng trách qua nhiều giai đoạn cách mạng và kháng chiến, rồi trở thành vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Trung Quốc trong suốt 13 năm. Nếu tôi không nhầm thì Cụ là vị Đại sứ gánh vác trọng trách đặc mệnh toàn quyền nhiều năm nhất ở nước ngoài của Việt Nam. Đấy là chưa nói đến 10 năm là Trưởng đoàn Cố vấn chính phủ tại Lào (1964-1974) và 1 năm kiêm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Hồi giáo Pakistan (1974).
Cho đến khi về hưu, người chiến sĩ từng dũng cảm chiến đấu trên nhiều trận tuyến vẫn giữ nguyên khí phách và bản lĩnh của một người cách mạng tiên phong với phẩm chất kiên trung của một đảng viên của Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, tiếp tục đấu tranh chống lại sự suy thoái biến chất của một bộ phận không nhỏ trong thế lực cầm quyền đang làm băng hoại uy tín của Đảng, mưu toan biến Đảng trở thành công cụ duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ, phản nhân dân để chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân và dục vọng bẩn thỉu của chúng. Phải chăng đó là vẻ đẹp bên trong của người vừa đi vào chốn vĩnh hằng như ngôi sao vừa lặn.
Đương nhiên, mọi tiếng nói yêu nước, mọi lời kêu gọi và những bước chân xuống đường đều có giá trị góp phần vào cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược gắn liền với cuộc đấu tranh đòi dân chủ, tự do và quyền con người. Tuy vậy, tiếng nói của những bậc cách mạng lão thành thường có sức nặng và tính thuyết phục mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ có sức thuyết phục ấy có được là từ sự trải nghiệm trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù trong gông xiềng, tù đày.
Bản lĩnh và trí tuệ của vị cách mạng lão thành ấy được tôi luyện bởi “Năm năm "trường tù" họcBiết bao thứ ở đờiĐể giàu thêm kiến thức/ Chuẩn bị cho ngày mai…”*. Phải chăng với sự “chuẩn bị cho ngày mai” đó, Cụ tiếp tục xông pha trong mưa bom bão đạn cùng với những thử thách cam go trên từng chặng đường cách mạng và kháng chiến, gánh vác những trọng trách do Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy trao cho với một khí phách kiên cường, trung thực. Và, có lẽ cam go nhất là suốt mười ba năm đứng đầu sóng ngọn gió trong cuộc đấu tranh trực tiếp với những thế lực thù địch nham hiểm và hiếu chiến của bọn bành trướng Đại Hán tại Bắc Kinh, Cụ đã hoàn thành sứ mệnh trên trận tuyến ngoại giao.
Cho đến khi về hưu, khí phách kiên trung ấy vẫn trọn vẹn trước sau như một không một chút lay chuyển trong cuộc đấu tranh mới chống Trung Quốc xâm lược gắn kết với cuộc đấu tranh đòi dân chủ, chống lại chế độ toàn trị phản dân chủ như chính Cụ đã viết: “Cuộc đời nếm trải đủ thăng trầmĐầu còn minh mẫn, tai còn tỏMắt vẫn tinh tường, tính chửa hâmẤm lạnh tình đời còn phán xét/Thịnh suy thế nước vẫn quan tâmCòn hơi, còn sức còn lên tiếngLà muốn quyền uy bớt lỗi lầm”.
Mục tiêu rõ ràng, giải pháp uyển chuyển và mềm dẻo trên nền tảng của nhận thức về lý tưởng cao cả để mà dấn thân từ lúc đầu xanh cho đến lúc tóc bạc đã tôi luyện và nuôi dưỡng phẩm chất kiên trung của một chiến sĩ cách mạng đích thực. Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh là một minh chứng thật tiêu biểu cho điều đó. Những xuyên tạc bởi nhiều ý đồ đen tối về lý tưởng và phẩm chất kiên trung của vị lão thành cách mạng ấy từ nhiều phía không làm mờ được lý tưởng cao quý và phẩm chất trong sáng, bản lĩnh kiên trung của vị lão tướng ấy. Ngược lại, nó chỉ phơi bày bản chất đen tối của bọn phản dân hại nước, cam phận làm chư hầu để giữ được cái ghế quyền lực, và của những tư tưởng quá khích cực đoan muốn phủ định lịch sử để tự đánh bóng tên tuổi mình. Họ quên mất rằng, lịch sử rất sòng phẳng và công minh.
Chính vì vậy, mỗi lời nói chân thành, chất phác song không kém phần đanh thép của Cụ lên án những thế lực bành trướng và hiếu chiến Bắc Kinh xâm lược, những kẻ mà Cụ đã từng trực tiếp đối diện với cơ man là mưu ma, chước quỷ của chúng trong suốt 13 năm (1974-1987) với 4 nhiệm kỳ Đại sứ “bất biến ứng vạn biếnKhông nhục mệnh nước nhà* chứa đầy uy lực của bản lĩnh một nhà ngoại giao từng trải. Và cũng với bản lĩnh và sự từng trải ấy, sức nặng của những lời góp ý chân thành, những lời phê phán giàu thiện chí song không kém phần quyết liệt.
Xin dẫn ra đây một vài góp ý của lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh với ông Nguyễn Phú Trọng: “Tôi cũng nghe ý kiến ông Phú Trọng nói về cuộc tọa đàm vừa qua. Ông có vẻ khó chịu, mỉa mai chì chiết tiếng nói yêu nước của nhiều người dân, mà đó là các công dân đã từng đóng góp công sức trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm và chưa hề bị tước quyền công dân. Ông Trọng nói họ là ‘một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước’… Đã thế, ông cũng lên gân, vỗ ngực: ‘Vậy còn Trung Ương Đảng, Chính Phủ, tổng bí thư không yêu nước à?’ Cung cách của ông tôi thấy sao mà giống như đôi co giữa chợ, chả giống phong cách chính khách tí nào!”. Cụ vạch rõ: “Trước tình hình nước sôi lửa bỏng do Trung Quốc lại xâm phạm vùng biển nước ta mấy tháng qua, thế mà ông Trọng và một số cử tri quen mặt vẫn nói một giọng lập lờ như bao nhiêu năm trước... Thiết nghĩ, là người đứng đầu bộ máy, chắc ông Trọng phải có đủ thông tin về âm mưu, thủ đoạn, mục tiêu, biện pháp của bọn Tàu từ xưa tới nay đối với nước Việt ta, đặc biệt là trong mấy tháng qua ở bãi Tư Chính. Theo tôi, ông Trọng viện lý do phải ‘khôn khéo’, thực chất có phải đang bế tắc khi tìm giải pháp? Hay ông có tư tưởng đầu hàng?…”. Đây là những dòng trích trong lá thư ngày 18.10.2019 của Cụ mà một số đài nước ngoài đã đăng tải.
Rõ ràng trước sau như một, tư tưởng và nhận thức của vị cách mạng lão thành ấy là trung thành với lý tưởng cao đẹp vì tổ quốc và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì tự do dân chủ cho mỗi con người trên quê hương đất nước thân yêu của mình. Sức mạnh không gì có thể đè bẹp được chính là tính chính nghĩa của một lý tưởng, một nhận thức, một nhân cách tạo nên khí phách và bản lĩnh đích thực Nguyễn Trọng Vĩnh. Hình ảnh của Cụ bên Đài tưởng niệm Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn Hà Nội bên cạnh các anh Việt Phương, Hoàng Tuỵ, Nguyễn Trung, Trần Đức Nguyên, Nguyễn Đình Lộc, Nguyễn Quang A, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh… trong cuộc xuống đường nhân kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới 1979 mà nhà cầm quyền ra sức ngăn chặn ý chí và hành động chống Trung Quốc là một biểu tượng có sức lan toả mạnh mẽ trong đông đảo quần chúng, đặc biệt là trong trí thức, thanh niên, các cựu chiến binh tính. Với riêng mình, tôi chân thành và xúc động bày tỏ lòng vô hạn biết ơn vị lão tướng đã dành cho tôi những lời khuyên dạy mà tôi xin mạo muội dẫn ra đây:
Trước đây, chính tôi cũng đã khuyên anh Tương Lai nhẫn nại và cố gắng ở lại trong Đảng để đấu tranh chống sự tha hoá, biến chất trong Đảng, vì sự nghiệp của dân của nước! Nhưng quả là đáng tiếc, người ta không những không lắng nghe mà còn định khai trừ anh ấy  một người đã suốt đời dấn thân cho sự nghiệp của nước của dân  ra khỏi đảng, vì họ run sợ trước sức mạnh và tác động của cuộc đấu tranh mà anh ấy chĩa thẳng vào họ, vào lũ quan thầy của họ! Nhưng họ đã lầm! Nay anh Tương Lai quyết định dứt bỏ mọi liên hệ với đảng của Nguyễn Phú Trọng đang thao túng để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, Đảng của Hồ Chí Minh như suốt 58 năm qua. Tôi cho rằng đây là một quyết định đúng đắn, đúng thời điểm, có ý nghĩa tích cực và tác dụng lan toả trong tình hình và bối cảnh hiện nay. Quyết định của anh Tương Lai chắc chắn sẽ gợi mở cho nhiều đảng viên lão thành cũng như rất nhiều đảng viên chân chính khác muốn có những hành động thiết thực, có ý nghĩa nhằm thúc đẩy cuộc đấu tranh ngăn chặn những sai lầm nguy hiểm đang dẫn dắt Đảng Cộng sản Việt Nam đến bên bờ vực thẳm sụp đổ!”**.
Cũng trên tinh thần đó, vị lão thành cách mạng ấy lại dành cho tôi vinh dự được Cụ viết Lời Giới thiệu cho cuốn sách của tôi in năm 2017 mà tôi xin trích ra đây vài dòng: “…Cuốn sách này toát lên nỗi trăn trở của một người trí thưc dám dấn thân vì nghĩa lớn, vì đất nước, vì nhân dân. Những trăn trở này, anh Tương Lai đã nhiều lần nói với tôi mỗi khi anh đến thăm khiến tôi vô cùng xúc động và trân quý tấm lòng của một trí thức đầy nhiệt huyết này… Muốn vậy phải có bản lĩnh chính trị dũng cảm, dám đương đầu với mọi áp lức của bạo quyền, đồng thời phải có một đầu óc tỉnh táo để phân tích thời cuộc, một trái tim biết xúc động trước nỗi khổ của dân, cùng nung nấu khát vọng dân chủ, tự do và quyền sống của con người! Anh Tương Lai đã đã cố gắng làm điều đó qua những bài viết trong cuốn sách này…”.
Tôi bùi ngùi nhớ lại vào đầu năm 2019 này, Cụ lại một lần nữa dành cho tôi vinh dự được mở đầu cuốn sách mới với lời giới thiệu đầy tình cảm của một người đi trước muốn truyền lại bản lĩnh và khí phách của người dám dấn thân vì nghĩa lớn cho lớp hậu sinh.
Tôi bỗng nhớ đến một huyền thoại nếu ước nguyện một điều gì vào lúc có sao băng thì lời ước ấy sẽ thành sự thật. Cho dù đó là huyền thoại, vì rằng tri thức khoa học từ lâu đã giải thích rõ sao băng chỉ là những hạt bụi hay tảng đá có kích thước to hay nhỏ khác nhau và có nguồn gốc vũ trụ rơi vào hay xẹt ngang qua bầu khí quyển Trái Đất của chúng ta. Nhưng nếu huyền thoại là sản phẩm của trí tưởng tượng thì đừng quên lời nhắc nhở của Einstein “Thế giới hiện thực có giới hạn, thế giới tưởng tượng là vô hạn”, và bộ óc thiên tài ấy đã giải thích “Logic sẽ đưa anh từ điểm A tới điểB. Trí tưởng tượng sẽ đưa anh tới mọi nơi”. Vì thế mà Einstein đã khẳng định: “Trí tuệ trực giác là một năng khiếu thiêng liêng và trí tuệ thuần lý là đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội chỉ tôn kính tên đầy tớ mà quên mất đi cái năng khiếu!”.
Vì thế với sự chấn động tâm tư khi nhận được tin vị lão tướng mà tôi tôn kính và yêu thương vừa đi vào cõi vĩnh hằng, trong tôi loé lên hình tượng ngôi sao băng vừa vụt qua trên bầu trời ảm đạm để rồi kết thúc lời tưởng niệm này bằng một ước nguyện. Ước nguyện rằng lớp con cháu của Cụ sẽ dấn bước trên con đường chông gai phía trước với bản lĩnh và khí phách của ông cha bằng một tinh thần sáng tạo trên chặng đường mới. Để biến ước nguyện ấy thành hiện thực không thể một sớm một chiều, mà “sẽ được quyết định khi một thế hệ mới sẽ lớn lên.. .Khi những con người như thế xuất hiện, họ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm, rồi họ sẽ biết cần phải làm như thế nào”, đó là lời tiên đoán của F. Engel cách nay hơn hai thế kỷ! ***
Lời của Engel tôi đã dẫn ra trong cuốn sách mà Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đề tựa. Cụ đã đọc và trầm ngâm chỉ vào trang sách: “Tôi và kể cả anh và các anh nữa, đúng là những viên gạch lót đường. Bọn trẻ sẽ giàu trí tuệ và bản lĩnh để hoàn thành những ước nguyện của chúng ta”. Rồi Cụ cười sảng khoái. Sảng khoái và hiên ngang như cụ từng viết về Cây tùng trước gió trong tập thơ mà Cụ ký tặng tôi:
Cây tùng đứng cười mưa gió
Reo mãi, reo cho rạng nước nhà!
Tp HCM,12g đêm ngày 26.12.2019
Chú thích:
* Thơ Nguyễn Trọng Vĩnh
** Mênh mông thế sự để gió cuốn đi 2017, trang 161.
*** Mênh mông thế sự để gió cuốn đi 2017, trang 157.
T. L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét