Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

20191207. BÌNH LUẬN VỀ QUY HOẠCH BÁO CHÍ

ĐIỂM BÁO MẠNG

QUY HOẠCH BÁO CHÍ, SUY NGHĨ CỦA NGƯỜI KHÔNG PHẢI NHÀ BÁO

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 5-12-2019

Về chiến lược tổng thể
Thời hạn cuối năm 2019 ghi trong quy hoạch báo chí theo Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cận kề.
Bài viết này chỉ là vài góp ý nhỏ gửi tới lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan quản lý với mục đích làm sao để “Quy hoạch báo chí” phù hợp với yêu cầu “Xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Quy hoạch báo chí là vấn đề quốc gia đại sự, một cá nhân không thể nắm bắt thấu đáo nên bài viết chỉ đề cập đến quy hoạch liên quan đến các cơ quan báo chí trực thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, tập trung vào báo điện tử.
Quan điểm chỉ đạo trong Quyết định 362/QĐ-TTg ghi:
“Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí”.
Có hai quy hoạch đã được dự kiến nhiều năm: “Quy hoạch báo chí” và “Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học”.
Có lẽ giáo dục có một số vướng mắc (hoặc chưa phải là cấp thiết) nên cho đến nay vẫn chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra kế hoạch cụ thể và cũng chưa thấy Thủ tướng có chỉ đạo gắt gao về thời điểm phải hoàn thành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học như với quy hoạch báo chí.
Quy hoạch báo chí là vấn đề quốc gia đại sự. (Ảnh minh họa: VTV)
Theo một thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2018 thì:
“Hiện cả nước có 857 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó, cơ quan báo in có 86 cơ quan Trung ương, 107 cơ quan địa phương.
Tạp chí in có 350 đơn vị Trung ương, 134 đơn vị địa phương. Báo điện tử và tạp chí điện tử có 159 đơn vị. Cả nước hiện tại cũng có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương.
Số lượng thẻ nhà báo đã cấp mới trong 6 tháng đầu năm là 1.066, trong đó cấp mới 1.032 thẻ, cấp lại 34 thẻ. Đến nay, tổng số thẻ nhà báo đã cấp là 19.166 thẻ. [1]
Số liệu thống kê nêu trên chưa đầy đủ vì chưa tính đến các “Đài truyền thanh, truyền hình” cấp huyện. Các “đài” này hầu như chỉ đưa lại tin tức của cơ quan khác trong khi cơ sở vật chất và lương nhân viên đều tiêu tốn ngân sách nhà nước.
Với cấp tỉnh, theo dõi chương trình của các đài truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, không khó để thấy phim Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm thời lượng phát sóng đáng kể.
Tuy đáp ứng một phần thị hiếu của người xem song không thể phủ nhận chính phim ảnh nước ngoài đã góp phần quảng bá cho văn hóa (đôi khi là mưu đồ) của quốc gia (vùng lãnh thổ) sản xuất phim.
Không ít trường hợp phim ảnh gây hại đến chủ quyền quốc gia, an ninh Việt Nam như một số phim Trung Quốc cài cắm đường lưỡi bò chiếu rạp trong thời gian gần đây.
Có hai vấn đề nên được quan tâm lúc này:
Thứ nhất, cùng với việc ban hành quy hoạch báo chí, có cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nâng cấp hoặc sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan trực tiếp quản lý báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông theo luật định?
Thứ hai, có cần đặt “Quy hoạch báo chí” trong chiến lược tổng thể quản lý nhà nước, chẳng hạn “Quy hoạch đất trồng lúa”, “Quy hoạch cảng biển”, “Quy hoạch đơn vị hành chính”, “Quy hoạch phân bổ dân cư”; “Quy hoạch nguồn nước sinh hoạt toàn quốc”,…?
Nói cách khác có cần thành lập một “Bộ tham mưu” nghiên cứu thêm những vấn đề liên quan đến công tác quản lý tất cả các lĩnh vực và những bước đi cụ thể để quá trình quy hoạch báo chí thực hiện theo chỉ đạo, tuân thủ pháp luật nhưng vẫn bảo đảm tính nhân văn, không làm phát sinh những hệ lụy không đáng có và quan trọng nhất là đồng bộ, khoa học, nghiêm minh.
Trong bài “Bộ trưởng … mời cơm” đăng trên Giaoduc.net.vn ngày 13/11/2019 người viết đã đề cập tới sự đồng bộ ở tầm vĩ mô của các chủ trương, quyết sách, nay xin bàn kỹ thêm một chút về vấn đề này.
Trong hoạt động kinh tế, việc tư nhân tham gia vào hầu hết các ngành nghề và vai trò quan trọng của nhà đầu tư tư nhân đã được các vị lãnh đạo đề cập khá chi tiết, đã trở thành chiến lược phát triển không thể đảo ngược.
Ngay trong lĩnh vực quốc phòng, sự đan xen các hoạt động kinh tế với quốc phòng cũng rất rõ nét, Quân đội có Ngân hàng quân đội, Xăng dầu quân đội, Viễn thông quân đội,…
Các tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng hiện diện trong các dự án dân sự là điều bình thường. Sự đa dạng còn thấy ngay trong lực lượng thuần túy quân sự, chẳng hạn Quân chủng Hải quân ngày nay có Không quân hải quân, Lính thủy đánh bộ,…
Hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực trong kinh tế, văn hóa, giáo dục,… là xu hướng diễn ra khắp thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Xin nêu thêm vài nét mang tính tổng quan về bốn lĩnh vực quan trọng đối với đời sống xã hội và tương lai đất nước là Y tế, Giáo dục, Văn hóa và Tài nguyên môi trường.
Y tế là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới sinh mạng con người, trong lĩnh vực này, tư nhân được phép đầu tư xây dựng bệnh viện, mở phòng khám, được mở lớp đào tạo nhân lực ngành y trình độ đại học,…
Người nước ngoài được cấp chứng chỉ hành nghề y tại Việt Nam nếu đáp ứng quy định tại điều 19 Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Thậm chí không ít phòng khám do người Việt đứng tên nhưng nhân sự lại là người Trung Quốc.
Các “Bác sĩ Trung Quốc” này không chỉ  hoạt động công khai mà không ít trường hợp còn hoạt động chui tại các phòng khám ngay trong các khu đô thị.
Báo Tuoitre.vn viết: “Ngoài giở chiêu trò "chặt chém" bệnh nhân ngay trên bàn mổ, các "bác sĩ" Trung Quốc còn lộ rõ trình độ chuyên môn yếu kém, không nắm được căn bản, thậm chí không có khả năng về lĩnh vực sản khoa”…. [2]
Trong lĩnh vực Dược, tư nhân được phép xây cơ sở sản xuất thuốc, được kinh doanh buôn bán thuốc đông y và tây y.
Những vụ việc cướp đi sinh mạng nhiều bệnh nhân cùng lúc như vụ chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong, vụ sản xuất thuốc chống ung thư bằng than tre tại Hải Phòng,… đều liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp tư nhân.
Vụ buôn bán 9.300 hộp thuốc H-Capita (thuốc chống ung thư) xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma đã được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử, các bị can đã nhận các bản án nghiêm khắc,…
Lĩnh vực Tài nguyên, môi trường, vụ việc liên quan đến nguồn nước sạch Sông Đà cung cấp cho người dân vừa qua mới chỉ là tiếng chuông cảnh báo.
Liệu có cần một quy hoạch tổng thể, chấm dứt khai thác nước ngầm, không để người nước ngoài tham gia kinh doanh nước sạch - lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng người dân?
Lĩnh vực Giáo dục, số liệu trong “Tờ gấp Giáo dục đào tạo 2018” (Tờ gấp) của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập so với công lập như sau: [3]
Đại học - 65/236; Mầm non - 2.594/12.662; Tiểu học - 242/14.695; Trung học cơ sở - 23/10.068; Trung học phổ thông - 284/2.114. Cấp Mầm non không có số liệu trong Tờ gấp nên phải tìm tại địa chỉ [4].
Tư nhân tham gia vào mọi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo từ lúc đưa bé lẫm chẫm biết đi đến lúc trở thành cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ.
Sự tham gia này chắc chắn góp phần vào việc hình thành nhân cách, kỹ năng sống, tác động đến tư tưởng, tình cảm, nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn và lòng yêu nước của nhiều thế hệ người Việt.
Hiện tượng một bộ phận giới trẻ nhận thức lệch lạc về lối sống và nghĩa vụ đối với gia đình, xã hội, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh, đến sự phát triển kinh tế và tương lai giống nòi bởi sự xuống cấp giáo dục đã được bàn luận rất nhiều.
Trong lĩnh vực truyền thông, văn hóa, nghệ thuật, tư nhân được phép đầu tư, xây dựng kênh truyền hình, chẳng hạn kênh truyền hình An Viên của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG.
Vụ mua bán AVG trở thành một vụ án lịch sử khiến nhiều quan chức phải ngồi tù trong đó có tới hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tư nhân cũng được phép đầu tư xây dựng cơ sở in ấn văn hóa phẩm, tham gia kinh doanh trên nhiều kênh của Đài truyền hình trung ương và địa phương như các Gameshow, chương trình giải trí, thi hoa hậu,…
Có một thực tế dễ nhận thấy là đồng bào các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa, thậm chỉ ngay tại ngoại thành một số thành phố lớn, người dân ít đọc báo kể cả báo điện tử nhưng truyền hình không thể thiếu.
Độ phủ sóng của truyền hình đối với người Việt ngày nay rộng khắp hơn, trực tiếp hơn so với báo viết, báo điện tử là một thực tế dù chưa có một thống kê mang tính toàn quốc.
Bên cạnh các yếu tố tích cực, không thể phủ nhận những tiêu cực mà truyền hình mang lại với một bộ phận người xem.
Đơn cử chương trình “Vợ chồng son” phát trên kênh HTV7, tra cứu trên mạng cho thấy hiện đã phát tới tập 325.
Trong chương trình này, chuyện quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục trước hôn nhân luôn được hai người dẫn (Quốc Thuận và Hồng Vân) đưa ra những câu hỏi “mồi” để người tham gia trả lời.
Xem một số video clip, không thấy có cảnh báo về lứa tuổi người xem truyền hình, điều mà truyền hình và phim ảnh phương tây thường làm.
Chỉ cần lướt qua một vài tập, thấy đầy rẫy những từ ngữ mô tả quan hệ nam nữ như “thọt vô”, “mấy phát”, “Ổng khôn lắm, ổng tuột (váy) lên”, “Đúng thời điểm là bụp luôn”,…
Phải chăng những người phụ trách kênh HTV7 cho rằng những nội dung đã phát sóng không góp phần kích thích trí tò mò của lứa tuổi học đường, không góp phần làm tăng các vụ xâm hại tình dục?
(Còn nữa)
Xuân Dương

QUY HOẠCH BÁO CHÍ, TẾT NHẤT ĐẾN NƠI VÀ TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ LÀ GÌ ?
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 6-12-2019
(Tiếp theo phần 1)
Về thời điểm cuối năm 2019
Rõ ràng là việc quản lý hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, truyền thông,… cần phải đặt trong một chiến lược tổng thể, coi trọng hoặc xem nhẹ bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể mang lại những hệ lụy khó lường.
Báo chí, phát thanh, truyền hình có tác động trực tiếp đến đối tượng theo dõi, nói theo ngôn ngữ chuyên ngành là “theo thời gian thực” trong khi Y tế, Giáo dục, Văn hóa, Môi trường ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội vừa trực tiếp, vừa lâu dài, vừa rộng khắp.
Đưa ra chính sách ở tầm vĩ mô nhằm giải quyết một vấn đề, một khía cạnh trước mắt có thể đúng về chiến thuật song về chiến lược khó có thể cho rằng thế là khoa học.
Thực hiện quy hoạch báo chí sẽ có một số cơ sở báo chí phải chuyển đổi cơ quan chủ quản hoặc chuyển thành tạp chí.
Một số khác phải đóng cửa bởi hiện tại là chuyên trang, nếu Báo chuyển thành tạp chí thì các trang này thành trang tin, không phải cơ quan báo chí, không có cơ sở pháp lý để tồn tại như bây giờ.
Những cơ sở báo chí hiện do cơ quan nhà nước chủ quản, việc chuyển đổi có thể không khó khăn vì nhân sự và quỹ lương chỉ chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác.  
Thực hiện quy hoạch báo chí sẽ có một số cơ sở báo chí phải chuyển đổi cơ quan chủ quản hoặc chuyển thành tạp chí. (Ảnh minh họa: VOV)
Những nhân sự thuộc diện tinh giản biên chế 10% theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW; Thông báo số 30-TB/TW và Kết luận số 17-KT/TW của Bộ Chính trị, ngoài cơ chế hỗ trợ được quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP còn được các địa phương khuyến khích theo cơ chế đặc thù.
Ví dụ Đà Nẵng chi hàng chục tỷ hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, mỗi người nhận từ khoảng 200 triệu đồng trở lên.
Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa 9 đã quyết định thành phố này sẽ chi ngân sách hơn 380 tỉ đồng hỗ trợ 1.062 cán bộ nghỉ hưu trước tuổi.
Nhưng quyết định quy hoạch báo chí, người lao động cho đến nay chưa có thông tin nào về hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp.
Trong khi đó, Tết nguyên đán đã đến rất gần, cả ngàn con người và gia đình họ chắc chắn bị ảnh hưởng. Cha ông ta nói "tết nhất đến nơi", có lẽ nào...
Chưa kể, theo Quyết định 362/QĐ-TTg, trừ bốn tổ chức mang tính “Hội” là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam được phép có “01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí”.
Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương chỉ có 01 cơ quan tạp chí.
Như vậy 100% cơ quan báo chí trực thuộc tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương đang xuất bản báo phải chuyển sang xuất bản tạp chí.
Vậy “tạp chí điện tử” là gì?
Bài viết trên Tạp chí Tuyên giáo giải thích rất cụ thể:
“Tạp chí là xuất bản phẩm định kỳ, thường có tính chất chuyên ngành; với nội dung chính là những thông tin chuyên sâu mang tính khoa học, nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, những tài liệu phân tích, đánh giá các vấn đề, sự kiện, những bài viết dự báo và chiều hướng vận động, phát triển của các hiện tượng trong tự nhiên và xã hội.
Đối tượng công chúng tiếp nhận tạp chí thường tập trung theo lĩnh vực chuyên biệt, nhất là đối với các tạp chí khoa học chuyên ngành.
Tạp chí chủ yếu sử dụng các thể loại chính luận như bình luận, chuyên luận hoặc tin tức khoa học, điều tra khoa học...” [5]
Bài viết cho rằng tuy phương thức xuất bản của tạp chí điện tử giống với báo điện tử, nhưng “Các tạp chí điện tử thay vì lựa chọn cách xuất bản theo ngày, theo kế hoạch để “hút” độc giả nghiên cứu sâu, tra cứu thông tin, phản hồi khoa học về những nội dung nhất định mang tính chuyên ngành đã chuyển hẳn sang xuất bản theo giờ, thậm chí theo phút, cập nhật thông tin liên tục như báo điện tử”.
Với thực trạng như vậy, việc chấn chỉnh là cần thiết nhưng chấn chỉnh như thế nào?
Theo thông lệ, bài báo [5] không có ghi chú gì ở cuối bài nên được hiểu đây là quan điểm của Tạp chí nằm dưới sự “chủ quản” là Ban Tuyên giáo trung ương.
Bài báo trên nêu mấy vấn đề:
1. Tạp chí sử dụng các thể loại chính luận như bình luận, chuyên luận hoặc tin tức khoa học, điều tra khoa học…
2. Bên cạnh các bài viết có tính chuyên ngành, tạp chí cũng có thể có “Những bài viết dự báo và chiều hướng vận động, phát triển của các hiện tượng trong tự nhiên và xã hội”.
3. Tạp chí điện tử được lựa chọn cách xuất bản theo ngày.
Tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh:
“Bộ Thông tin và Truyền thông cần gấp rút xây dựng bộ công cụ định tính, định lượng cụ thể nhằm phân biệt rõ báo điện tử với tạp chí điện tử, chỉ đạo, định hướng kịp thời, nhằm chặn đứng, xử lý thật nghiêm khắc tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử - một vấn đề rất bức thiết trong công tác quản lý báo chí, truyền thông hiện nay”. [5]
Chỉ còn hơn hai chục ngày nữa là đến thời điểm 31/12/2019, vậy Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố “Bộ công cụ định tính, định lượng cụ thể nhằm phân biệt rõ báo điện tử với tạp chí điện tử”?
Trong trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị công bố “Bộ công cụ định tính, định lượng” thì quan điểm nêu trong bài báo [5] sẽ được áp dụng hay đây không phải là chỉ thị, nghị quyết nên chỉ có tính tham khảo?
(Kỳ tiếp theo: Ai đảm bảo quyền lợi, đời sống cho phóng viên, biên tập viên và người lao động mất việc?)
Xuân Dương

QUY HOẠCH BÁO CHÍ, NHÀ BÁO NGUY CƠ THẤT NGHIỆP VÀ TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 7-12-2019

(Tiếp theo Phần 1 và Phần 2)
Đảm bảo quyền lợi nhà báo, phóng viên và người lao động 
Như nhận định trong bài báo đã dẫn [5], “Đối tượng công chúng tiếp nhận tạp chí thường tập trung theo lĩnh vực chuyên biệt”, các tạp chí phải tập trung vào lĩnh vực chuyên sâu, điều này đòi hỏi đội ngũ viết bài phải là các chuyên gia hoặc nhà báo có kinh nghiệm.
Hậu quả là một số lượng không nhỏ phóng viên, nhà báo thiếu trình độ chuyên sâu (về khoa học, công nghệ,…) phải chuyển nghề nếu không được cơ quan báo chí khác tiếp nhận. 
Chuyển nghề nghĩa là phải từ bỏ chuyên môn được đào tạo tại các học viện, đại học chuyên ngành báo chí, phải tìm một công việc mới không liên quan đến lĩnh vực được học. 
Trường hợp chưa tìm được nghề mới, chưa tìm được việc làm thì số người này sẽ thuộc diện thất nghiệp.
Trong số khoảng 40.000 người làm báo, có gần 20.000 nhà báo đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ. Năm 2013 tỷ lệ nhân lực ngành báo chí có trình độ đại học là 91%, trên đại học là 4,9%. [6]
Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi nhà báo, phóng viên và người lao động khi các cơ quan báo chí trong diện quy hoạch phải thu hẹp hoạt động, thậm chí đóng cửa? (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Vietnam+)
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:
“Những cơ quan báo chí liên quan đến quy hoạch có tổng cộng 8.000 nhân sự. 8.000 người là 20% lực lượng báo chí toàn quốc. 
Tuy nhiên, khi làm quy hoạch, theo đánh giá sơ bộ ban đầu, những người lao động và phóng viên có thể bị ảnh hưởng đến vị trí làm việc có 1.500 người thôi, khoảng 4%”. [7]
Với tỷ lệ 96% người làm báo có trình độ đại học và trên đại học [6], tạm chấp nhận con số “có thể bị ảnh hưởng đến vị trí làm việc” mà Bộ trưởng Hùng đưa ra là 1.500 người, trừ đi số người làm công tác phục vụ (chiếm một tỷ lệ không đáng kể), còn lại hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ chuyên ngành báo chí phải chuyển sang làm việc khác hoặc tham gia đội ngũ thất nghiệp.
Số liệu thống kê cho thấy đầu năm 2018, cả nước có gần 127 nghìn cử nhân thất nghiệp. (Nhandan.com.vn - 18/09/20180); 
Đầu năm 2019: “Gần 19 vạn cử nhân thất nghiệp”. (Daidoanket.vn - 10/07/2019)
Vấn đề đặt ra là khi buộc phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp, các phóng viên, nhà báo, người lao động có được nhà nước hỗ trợ?
Câu hỏi này được đặt ra bởi đối với nông dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quyết định 63/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất. 
Vậy cơ quan hữu quan đã có cơ chế, chính sách nào đối với người lao động, phóng viên, nhà báo buộc phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp.
Được biết theo quy định tại khoản 3, Điều 2, Quyết định 362/QĐ-TTg, Thủ tướng quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính:
a) Bảo đảm nguồn kinh phí cho việc triển khai thực hiện Quy hoạch theo quy định của pháp luật.
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách ưu đãi hỗ trợ về thuế, phí... đối với báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, các đối tượng chính sách và các nhiệm vụ được Nhà nước giao.
Vậy bao giờ “nguồn kinh phí cho việc triển khai thực hiện Quy hoạch” sẽ được công khai và quan trọng là những người lao động có khả năng mất việc có được xem xét?
Nếu xảy ra chuyện các cơ sở báo chí (thuộc diện quy hoạch) buộc phải “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” với “nhóm 1.500”, họ vẫn phải tuân thủ các quy định của Bộ Luật Lao động, dù rằng nguyên nhân là bất khả kháng.
Do Bộ Luật Lao động 2019 vừa được Quốc hội thông qua phải đến 01/01/2021 mới có hiệu lực nên ở đây phải viện dẫn các quy định của Bộ Luật Lao động 2012.
Theo quy định tại mục c, khoản 1, điều 38 Bộ Luật Lao động 2012 thì hoạt động “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” của người sử dụng lao động có thể xảy ra khi:
“Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc”.
Một trong các lý do bất khả kháng được giới luật gia viện dẫn là việc “Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Người sử dụng lao động “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” bắt buộc phải bồi thường và trợ cấp cho người lao động theo quy định tại các điều 42, 49 Bộ Luật Lao động.
Với cơ quan báo chí phải thực hiện quy hoạch thì việc áp dụng quy định này là bắt buộc hay được xem là ngoại lệ?
Nếu xảy ra vụ kiện giữa người lao động bị mất việc và người sử dụng lao động (cơ quan báo chí) thì tòa án sẽ nghiêng về phía nào?
Cần phải nói thêm là thời điểm cuối tháng 12/2019 là cận kề tết âm lịch, nếu các cơ quan báo chí thực hiện đúng lộ trình, quy hoạch thì một số phóng viên, nhà báo, người lao động có thể mất việc ngay trước Tết cổ truyền.
Đây là thời điểm khá nhạy cảm nhưng bất khả kháng với những cơ quan báo chí phải thực hiện quy hoạch, không biết Chính phủ có cân nhắc việc thay đổi lộ trình?
Vấn đề khác cũng cần xem xét là những thay đổi có thể xảy ra khi cơ quan báo chí chuyển từ xuất bản báo sang tạp chí. 
Các khoản đầu tư trang thiết bị kỹ thuật của các cơ quan báo chí, các hợp đồng quảng cáo, hợp đồng thuê trụ sở,… đã ký không thể giữ nguyên như khi xuất bản báo. 
Liệu cơ quan báo chí có phải bồi thường vì đơn phương thay đổi hợp đồng, liệu họ có được nhà nước hỗ trợ?
Vấn đề cuối cùng là “Tôn chỉ, mục đích” của báo và tạp chí
Đầu tiên, phải xác định rằng tôn chỉ mục đích hay nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí phải được xác định, đó là đúng đắn.
Ở ta, việc này đã được các cơ quan quản lý nhà nước quy định và xác lập trong Giấy phép hoạt động báo chí. 
Tuy nhiên, trên thực tế có một số vấn đề xin được nêu ở dưới đây. 
Phải nói ngay rằng, cho dù có tôn chỉ, mục đích như thế nào thì báo chí đầu tiên phải tuân thủ pháp luật.
Đồng thời tuyệt đối không được tuyên truyền, cổ vũ cho tư tưởng lệch lạc, phản động. Không được cổ súy cho lối sống suy đồi, hành vi thiếu văn hóa, cổ vũ bạo lực... 
Tuy nhiên, việc tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, thành tựu quốc gia, các vấn đề tốt đẹp, tích cực của Đảng, thể chế, xã hội, con người, của mỗi cá nhân ở mọi lĩnh vực sẽ được xác định thế nào?... Những điều này có cần phải ghi cụ thể trong tôn chỉ, mục đích của mọi cơ quan báo chí không? 
Thời sự hơn, đã xuất hiện nhiều ý kiến phê phán hiện tượng “báo hóa” tạp chí điện tử như:
“Một số tạp chí điện tử không thực hiện đúng nội dung, tôn chỉ mục đích, lách luật để “báo hóa”; biến tạp chí thành báo…”.
Quan điểm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã được Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các vị lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ nhiều lần đề cập.
Vì không có vùng cấm, không có ngoại lệ nên Tạp chí Giao thông Vận tải đã đăng loạt bài về “Vũ Nhôm” của nữ nhà báo Dương Hằng Nga
Bài đầu tiên được đăng tải trên Tapchigiaothong.vn vào ngày 08/04/2017, bài cuối (bài thứ 8) đăng ngày 14/5/2017.
Báo Đời sống và Pháp luật – Cơ quan trung ương của Hội Luật gia Việt Nam bình luận đây là “Loạt bài đánh sập đế chế Vũ “nhôm” của nữ nhà báo quả cảm”. [8]
Không chỉ có “nữ nhà báo quả cảm” mà chính Ban Biên tập Tạp chí Giao thông cũng rất dũng cảm khi đăng loạt bài này. 
Nếu cứ rập khuôn theo “Tôn chỉ mục đích” liệu “đế chế Vũ “nhôm”” có bị đánh sập?
Trong tương lai, sau khi quy hoạch hoàn tất, liệu có xảy ra khả năng dù có đầy đủ tư liệu về tham nhũng nhưng tạp chí không thể đăng bài vì nằm ngoài tôn chỉ mục đích? 
Xin trích một số đoạn trong bài viết “Huy động sức mạnh của nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí” trên báo Nhân Dân điện tử số ra ngày 01/09/2018:
“Thực tiễn cho thấy, chính nhân dân đã tích cực trong việc phát hiện tố giác và tố cáo những hành vi tham nhũng, những biểu hiện bất thường và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xác minh, xem xét xử lý”.
“Cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức trong phối hợp tuyên truyền, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng trong đoàn viên, hội viên và nhân dân”.
Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương bao gồm một bộ phận nhân dân, và “thực tiễn cho thấy chính nhân dân đã tích cực trong việc phát hiện tố giác và tố cáo những hành vi tham nhũng”.
Vậy sự tham gia của các tổ chức này vào công cuộc chống tham nhũng sẽ phải là những kiến nghị gửi trực tiếp cơ quan chức năng và không được công bố trên tạp chí vì không phù hợp với “tôn chỉ, mục đích”?
Nói cách khác, liệu điều này có đồng nghĩa với việc các tạp chí chỉ được đăng bài chống tham nhũng trong khuôn khổ được quy định bởi tôn chỉ, mục đích do cơ quan cấp phép phê duyệt?
Xu hướng “Báo hóa tạp chí điện tử” hoặc “Tạp chí hóa báo điện tử” có nên được quan tâm sao cho Nhà nước thực hiện được chức năng quản lý đồng thời quá trình quy hoạch diễn ra hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm sự lành mạnh của không gian báo chí nhưng không làm mất tính chiến đấu của báo chí cách mạng Việt Nam?
Toàn diện hơn, cũng nên có nghiên cứu để có tiêu chí, công cụ xác định tôn chỉ mục đích của báo chí sao cho vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển, phát huy các giá trị tốt đẹp, thúc đẩy xã hội phát triển, hạn chế tiêu cực mà vẫn thuận tiện trong quản lý. 
Tài liệu tham khảo:
[1] //baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Ca-nuoc-co-hon-19000-nguoi-duoc-cap-the-nha-bao/340913.vgp
[2] //tuoitre.vn/bat-luc-voi-phong-kham-trung-quoc-2019050521181436.htm
[3] //moet.gov.vn/thong-ke/Pages/to-gap.aspx?ItemID=5875
[4]//moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ke-giao-duc-mam-non.aspx?ItemID=5391
[5]//tuyengiao.vn/nghien-cuu/bao-hoa-tap-chi-dien-tu-hien-tuong-can-chan-chinh-119995
[6]//vneconomy.vn/thoi-su/30-nha-bao-tai-viet-nam-la-dang-vien-20141009102943924.htm
[7]//www.sggp.org.vn/cuong-quyet-thuc-hien-quy-hoach-bao-chi-627338.html
[8] //www.doisongphapluat.com/phap-luat/loat-bai-danh-sap-de-che-vu-nhom-cua-nu-nha-bao-qua-cam-a217613.html
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét