Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

20191206. ĐƯA HỘ KINH DOANH VÀO LUẬT ĐỂ TẬN THU ?

ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐƯA HỘ KINH DOANH VÀO LUẬT LÀ RẤT GƯỢNG ÉP

VŨ MINH/ TVN 26-11-2019

Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng kí kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình (trách nhiệm vô hạn). Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thể điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều chỉnh hoạt động của hộ kinh doanh lại được thực hiện tại Chương VIII Nghị định 78/2015/NĐ-CP (từ Điều 66 đến Điều 79) về đăng kí doanh nghiệp.
Hộ kinh doanh giống doanh nghiệp tư nhân ở chỗ đều do thể nhân làm chủ. Tuy nhiên, hộ kinh doanh bị hạn chế bởi số lao động sử dụng, không thể mở chi nhánh, tức là phạm vi và quy mô hoạt động bị hạn chế.
Nay bàn sửa đổi Luật Doanh nghiệp và đưa nội dung về hộ kinh doanh vào luật có vẻ như muốn khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Rõ ràng quản lý hoạt động của doanh nghiệp dễ minh bạch hơn so với quản lý hộ kinh doanh, đặc biệt là khi mong muốn thu được thuế nhiều hơn.

Đưa hộ kinh doanh vào luật là rất gượng ép
Có nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp?
Hình thái hộ kinh doanh là một tồn tại khách quan của bất kì nền kinh tế nào. Đã là tồn tại khách quan thì tự nó sẽ có nhu cầu chuyển thành doanh nghiệp khi hoạt động hộ kinh doanh bị giới hạn. Các chuỗi siêu thị dù có lớn mạnh thì vẫn tồn tại các cửa hàng, các chợ tiện lợi ở khắp mọi nơi. Bên cạnh các chuỗi nhà hàng với thương hiệu rực rỡ, thì các quán ăn nhỏ vẫn kiếm tiền như thường. Các nhà máy công xưởng cứ sản xuất các sản phẩm quy mô công nghiệp và hiện đại, còn các xưởng nhỏ vẫn không thiếu các khách hàng đa dạng.
Mỗi một bộ luật làm ra đương nhiên phải có những mục tiêu nhất định. Luật đi vào cuộc sống là luật đáp ứng được yêu cầu của những tồn tại khách quan. Hình thái hộ kinh doanh không phải là một hình thái quá độ, mà là một hình thái tồn tại hợp lý của một quy mô và phạm vi kinh doanh ở bất cứ nền kinh tế nào. Mặc dù, thu ngân sách ở khu vực hộ kinh doanh hiện nay có thể chỉ chiếm chừng 2% tổng thu ngân sách, nhưng việc không tận thu cũng là bồi bổ sức dân và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế này phát triển.
Nếu bổ sung các quy định về kinh doanh hộ gia đình vào Luật Doanh nghiệp thì tốt nhất nên đổi tên luật này thành Luật Kinh doanh (law on business). Trường hợp không đổi tên luật này thì nên thiết kế một luật riêng cho hộ kinh doanh. Việc đưa nội dung đăng kí hộ kinh doanh vào một Nghị định hướng dẫn đăng kí doanh nghiệp như hiện nay là một sự gượng ép khi hộ kinh doanh lại không phải là doanh nghiệp. Tìm cách sửa luật để tăng cường quản lý và thu thuế thì không phải là mục tiêu đúng.
Việc các hộ kinh doanh không còn thoả mãn là hộ kinh doanh và phải chuyển thành doanh nghiệp nhưng không chuyển lại là vấn đề khác của quản lý.
Đất nước cứ chưa đến 20 người đã có một hộ kinh doanh. Nếu trừ người già, trẻ em, công chức, người làm doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, thì cứ 10 người có một hộ kinh doanh. Họ vừa là chủ, vừa làm thuê, vừa sản xuất, vừa tiêu dùng. Chẳng mấy mà giàu.
Neo họ vào trong luật để quản lý họ liệu có giúp họ phát triển?
Vũ Minh
Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội thuyết minh về hộ kinh doanh (Chương VIIa) trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi:
Dự thảo Luật đã bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh, bao gồm các Điều 187b, 187c và 187d, 187đ và 187e (thay thế khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp). Nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về hộ kinh doanh như sau:
- Tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh;
- Quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động); bổ sung quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty.
Đồng thời, sửa đổi Điều 1, Điều 2 dự thảo Luật để bổ sung hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

'CHƯA CHÍN MUỒI ĐỂ ĐƯA HỘ KINH DOANH VÀO LUẬT DOANH NGHIỆP'

LAN ANH/ TVN 27-11-2019

LTS:Kinh tế hộ gia đình, hiện chiếm tới hơn 30% GDP, lần đầu tiên được đưa vào Luật Doanh nghiệp. Điều này đã gây ra tranh luận nhiều chiều. Tuần Việt Nam xin giới thiệu các góc nhìn nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh, người có vai trò quan trọng trong xây dựng Luật Doanh nghiệp 1999 với mong muốn tìm được giải pháp tốt nhất cho khu vực kinh tế này phát triển. 
Thưa ông, vì sao khi soạn thảo Luật Doanh nghiệp 1999 và các lần sửa đổi sau đó lại không đưa hộ kinh doanh vào luật để quản lý?
Luật Doanh nghiệp năm 1999 không đưa hộ kinh doanh vào luật để điều chỉnh vì tư duy lúc đó là cứ để thực thể kinh tế đó phát triển. Luật Doanh nghiệp đầu tiên đã cố gắng phân định, giới hạn vai trò nhà nước và thị trường và coi đó là mục điêu cốt lõi. Lúc đó, luật chủ yếu hạn chế quyền nhà nước, thực hiện quyền tự do kinh doanh của người dân là chính. Vì thế, hộ gia đình không phải là ưu tiên.
Hộ kinh doanh là kinh tế phi hình thức, họ không phải bất hợp pháp nhưng cũng chưa thực sự đầy đủ, chính thúc. Hộ kinh doanh không cần tuân thủ đầy đủ về các quy định của pháp luật chẳng hạn phải có hoá đơn chứng từ, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân…
Việc không quản lý họ bằng luật cũng thể hiện mức độ phát triển của khu vực này còn thấp trong nền kinh tế chúng ta.
Trong lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, hộ kinh doanh đã được đưa vào một chương. Ông nhận xét điều này như thế nào?
Hộ kinh doanh chiếm 32% GDP, lớn hơn nhiều so với kinh tế tư nhân chiếm 9-10%. Vậy ta đưa tất cả vào luật có khả thi hay không?
‘Chưa chín muồi để đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp'
TS Lê Đăng Doanh
Trước hết, chúng ta phải xem xét trình độ phát triển của các hộ kinh doanh đó thế nào. Những chủ hộ kinh doanh đã sẵn sàng thực hiện việc đăng ký hay chưa?  Những bà bán bún ốc, cháo, bánh giò, giò chả,… ngoài vỉa hè có muốn đăng ký không và có khả năng đăng ký hay không? Họ có đăng ký thương hiệu của họ như doanh nghiệp hay không?
Tôi thấy hiện dự thảo luật chưa tiến hành điều tra trước, thu thập dữ liệu, phân tích, đánh giá tác động để xem ra luật thì có khả thi không.
Các nước đều chấp nhận hình thức kinh doanh này phù hợp với trình độ phát triển của xã hội đó. Đối với kinh tế hộ, họ vẫn chấp nhận ở mức độ linh hoạt nhất định.
Ở Việt Nam, trừ đi các hộ nông nghiệ có trên 3 triệu hộ kinh doanh, trong số đó có rất nhiều hộ ở vùng sâu, vùng xa. Liệu chính quyền cấp tỉnh, cấp quận huyện có đủ năng lực để cấp giấy phép, hay kiểm soát hết được 3 triệu hộ này không? Đó là chưa nói đến việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tôn trọng luật sở hữu trí tuệ,…
Tôi cho rằng, chi phí tuân thủ của việc đưa kinh tế hộ vào Luật Doanh nghiệp chưa được tính toán đầy đủ. Vì vậy, tôi mong rằng Quốc hội nên thảo luận kĩ lưỡng hơn. Hiện nay chưa phải là thời điểm chín muồi để đưa tất cả các hộ kinh doanh gia đình vào Luật Doanh nghiệp vì như vậy vừa vượt quá trình độ của cơ quan quản lí cũng như của hộ kinh doanh.
Như vậy, với những gì ông phân tích thì phải chăng mô hình kinh doanh hộ gia đình đưa vào Luật Doanh nghiệp còn gượng gạo?
Theo tôi, hình thức kinh doanh này phản ảnh trình độ phát triển của chúng ta. Nhà nước nên tìm động lực để khuyến khích họ phát triển đồng thời hỗ trợ như đào tạo lao động, tiếp cận tín dụng...chứ đừng dùng hành chính để ép hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Hãy thực hiện tốt Nghị định số 78 năm 2015. Khuyến khích họ phát triển vào thành doanh nghiệp chứ đừng đưa tất cả 3 triệu hộ gia đình vào Luật Doanh nghiệp mà lại quản lí theo đúng doanh nghiệp thì rườm rà và không cần thiết.
Ông từng bày tỏ băn khoăn là kinh tế hộ gia đình chiếm 32% GDP mà đóng góp chỉ chưa đến 2% cho ngân sách nhà nước với hàm ý là thất thu thuế. Xin ông giải thích rõ hơn?
Một số chủ hộ được sự chấp thuận của cơ quan quản lí các quận huyện đăng kí hộ gia đình, nhưng thực chất là quy mô của họ lớn hơn hộ gia đình nhiều lần. Chẳng hạn, có những hộ gia đình xây dựng có tận 2, 3 nhà nghỉ, mỗi nhà nghỉ sử dụng 7,8 người. Hay có những hộ gia đình ở các làng nghề có hàng trăm lao động, xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài.  Tuy nhiên, họ vẫn chỉ phải nộp thuế khoán, như vậy, là có sự chấp thuận thoả thuận hai bên. Tôi cho là việc này làm thất thu  thuế.
Hình thức kinh tế hộ gia đình đã đa dạng hóa muôn phần khi nền kinh tế số bùng nổ. Ông thấy chương 7a về kinh tế hộ đã, giả sử được chấp nhận, thông qua, đã giúp điều chỉnh thực tế này?
Hiện nay, khi nền kinh tế số hoá phát triển xuất hiện nền kinh tế tự do. Đã có nhiều chuyên gia trẻ tuổi ngồi ở nhà làm ra phần mềm cho các quốc gia Singapore, Thuỵ Điển, Pháp, Mỹ...Thậm chí có bạn trẻ được trả tới 20 tỷ đồng một năm. Những trường hợp này cần xem xét.
Những trường hợp buôn bán trên mạng xã hội có được xem là kinh tế hộ gia đình trong nền kinh tế số, thương mại điện tử hay không? Tôi thấy trong tờ trình Chính phủ chỉ nói nhiều đến hộ gia đình kinh doanh truyền thống chứ chưa tính đến các hộ gia đình kinh doanh trên mạng xã hội mà những hộ gia đình này đang phát triển nhanh hơn hộ gia đình kinh doanh kiểu truyền thống. Do vậy, tôi thấy tờ trình của Chính phủ chưa bắt kịp cuộc cách mạng 4.0.
Chính phủ cho biết, trên thế giới còn hai quốc gia không đưa hộ kinh tế gia đình vào luật là Việt Nam và Trung Quốc. Xin ông cho biết, kinh nghiệm của một số quốc gia?
Ở Đức khi người dân khởi nghiệp kinh doanh thì sở thuế tặng ngay một máy tính, máy thu tiền để kết nối với sở thuế. Nhà nước cử người đến tận nơi hướng dẫn, tập huấn hỗ trợ miễn phí cho các hộ kinh doanh và Nhà nước chỉ tập trung vào kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh về ăn uống.
Ở Mỹ, các hộ gia đình cũng đăng kí, làm luật, thuế. Họ cho thanh toán qua di động. Họ không cấm nhưng có quy chế kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm rõ ràng, còn lại họ cho kinh doanh chứ không kì thị.
Bây giờ chúng ta cũng nên tìm cách giúp đỡ các hộ kinh doanh. Chẳng hạn, ta giúp bà bán bún riêu đăng kí thế nào, thu thuế ra sao. Hiện nay ta vẫn thu nhưng là thuế khoán. Tuy nhiên, thuế khoán thấp quá, không thực sự đúng luật, đúng với doanh thu trong khi đó, thuế khoán là sự thoả thuận giữa hai bên, mỗi bên đều có lợi, hộ gia đình cũng được giảm một chút, bên thu thuế cũng có chút lợi, chỉ có ngân sách không thu được tương xứng.
Ông còn băn khoăn điều gì nữa liên quan đến việc này?
Chính phủ trong tờ trình nên có bản phân tích thực trạng rõ ràng chi tiết hơn về trình độ cũng như mức độ phát triển của các hộ gia đình hiện nay. Có bao nhiêu hộ bán hàng ăn, vận tải, buôn bán... ở các ngành khác nhau. Nếu quản lí thì sẽ quản lí ra sao và quản lí như thế nào với từng đối tượng cụ thể.
Còn tôi cho rằng, nếu cùng lúc làm đồng loạt quy định mới với 3 triệu hộ thì chắc chắn bộ máy sẽ bị phình to và chi phí tuân thủ là rất lớn và chưa lường hết được.
Lan Anhthực hiện

LUẬT HÓA VỀ HỘ KINH DOANH-ĐẾN LÚC KHÔNG NÊN MẶC KỆ
ĐẬU ANH TUẤN*/ TVN 29-11-2019

Ra kinh doanh, thông lệ các nước trên thế giới thường chỉ có 2 mô hình: pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh.  
Mô hình đầu có tổ chức bộ máy, được gọi là công ty, còn loại sau thì hoạt động đơn giản, thường quy mô nhỏ. Các nước cũng thường ban hành 2 luật riêng về hai mô hình kinh doanh này.  
Việt Nam trước đây cũng từng có riêng hai luật là Luật công ty 1990 và Luật doanh nghiệp tư nhân 1991. Từ năm 1999 trở đi hai luật này được gộp lại thành Luật Doanh nghiệp. Như vậy trong luật doanh nghiệp của Việt Nam, đạo luật tổng thể về các loại hình kinh doanh, không chỉ quy định về mô hình công ty (như cổ phần, TNHH…) mà còn có doanh nghiệp tư nhân là hình thức cá nhân kinh doanh.  
Luật hoá về hộ kinh doanh - đến lúc không nên mặc kệ
Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp để làm gì?
Hộ kinh doanh – sản phẩm pháp lý đặc thù 
Hộ kinh doanh của Việt Nam hiện nay lại là mô hình lưỡng cư, vừa là cá nhân kinh doanh vừa là nhóm kinh doanh hay hộ gia đình (dù ở mức rất sơ khai, chưa có tổ chức bộ máy). Nhiều luật sư và chuyên gia đề nghị đã đến lúc nên bỏ hình thức hộ kinh doanh đi, chỉ duy trì pháp nhân và cá nhân như Bộ luật Dân sự. Dù tư duy pháp lý này là đúng, là rạch ròi nhưng tôi cho rằng không khả thi vì hộ kinh doanh đã quá quen, quá phổ biến và đóng góp quá lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. 
Có thể nói hộ kinh doanh là một sản phẩm pháp lý đặc thù của Việt Nam. Vì không rành mạch về pháp lý nên việc tìm ra điểm yếu, chỉ trích nó dễ nhưng làm thế nào phát triển lành mạnh mới khó. Đáng chú ý là khu vực này hiện nay có đóng góp rất lớn nhưng dường như không nhận được quan tâm đúng mức củaNhà nước. 
Đóng góp tới hơn 30% GDP, sử dụng hàng chục triệu lao động nhưng chẳng có thống kê chính xác hiện đang có bao nhiêu hộ, ngành nghề như thế nào, tình hình hoạt động ra sao? Hầu như cũng chẳng có báo cáo nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, tổng thể về thực trạng, “sức khoẻ” của hộ kinh doanh. Một cộng đồng lớn như vậy nhưng cũng chưa hề có hiệp hội hay thiết chế nào đại diện. Từ góc nhìn khác có thể chính sự “mặc kệ”, bỏ qua của bộ máy Nhà nước lại tạo ra không gian rất tốt để khu vực này phát triển mạnh mẽ và thuận lợi thời gian qua. 
Dù Hiến pháp đã tuyên bố về quyền tự do kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho người dân, nhưng hộ kinh doanh hiện đang bị ràng buộc và hạn chế khá lớn về quyền kinh doanh. 
Theo Nghị định 78 năm 2015 thì các hộ kinh doanh không được sử dụng quá 10 lao động, phải đăng ký tại một địa điểm và chỉ được phép kinh doanh tại địa điểm đó. Nếu kinh doanh ngoài địa điểm đăng ký đã công bố thì phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường cả nơi đăng ký trụ sở lẫn nơi tiến hành hoạt động kinh doanh (!). Hiện nay chưa có đánh giá nhưng tôi tin chắc đang có rất nhiều hộ kinh doanh vi phạm pháp luật về kinh doanh ngoài phạm vi quận huyện hay sử dụng trên 10 lao động. 
Nhưng quan trọng hơn, về mặt pháp lý, thì cách quy định về hộ kinh doanh hiện nay đang có vấn đề. Theo Hiến pháp và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì các quy định vềquyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, việc hạn chế quyền (quyền tự do kinh doanh là quyền được hiến định) thì phải được quy định bởi đạo luật do Quốc hội ban hành.  
Trong khi thực tế hiện nay Nghị định 78 năm 2015 là khung khổ pháp lý duy nhất quy định về khu vực kinh tế chiếm hơn 30% GDP này. Thậm chí toàn bộ chế định về hộ kinh doanh thực ra được nhân tiện quy định “ghé” vài điều vào cuối Nghị định 78, một nghị định quy định về đăng ký doanh nghiệp. 
Luật hoá hộ kinh doanh là nhu cầu tất yếu 
Hiện nay đề xuất của Chính phủ đưa các chế định về hộ kinh doanh vào trong Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này theo tôi là phù hợp. Đây hoàn toàn không phải là việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, chỉ qua một đêm sẽ có hơn 5 triệu doanh nghiệp mới như nhiều người lầm tưởng mà là luật hoá về hộ kinh doanh cho phù hợp với tầm quan trọng của nó trên thực tiễn và thực hiện đúng Hiến pháp và Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. 
Theo tôi, việc luật hoá này có những cái lợi. Trước hết vị trí pháp lý của hộ được định rõ. Hộ kinh doanh được khẳng định và ghi nhận có vị trí pháp lý phù hợp, các hộ có thể đứng tên được trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy tờ trong hoạt động. 
Thứ hai, họ sẽ được thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ hiện nay. Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và các văn bản pháp luật liên quan, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xưa nay chỉ dành cho nhóm hoạt động theo luật doanh nghiệp.  
Thứ ba, bằng việc ghi nhận quyền tự do kinh doanh trong luật, sẽ gỡ bỏ được các hạn chế về quyền kinh doanh. Và thứ tư, về mặt pháp lý thì quy định về vị trí pháp lý, về các quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh trong luật (có thể không cần toàn diện) là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết về hộ kinh doanh sau này.  
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về những hiệu ứng tiêu cực mà sự thay đổi này mang đến. Nhưng theo tôi, chế định về hộ kinh doanh ở cấp nghị định đã được thực hiện nhiều năm, việc chuyển đối nó lên luật không ra nhiều tác động. Thử phân tích dưới một số khía cạnh. 
Về đăng ký hoạt động của hộ kinh doanh, có phức tạp hơn hay không? Theo tôi không thay đổi vì vẫn giữ nguyên hệ thống đăng ký các hộ kinh doanh ở cấp huyện như hiện nay. Các hộ kinh doanh có đăng ký thì vẫn giữ nguyên và sử dụng đăng ký đã cấp bình thường. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp vẫn không phải đăng ký.  
Nhưng việc luật hoá lại mang lại cơ hội để thống nhất hệ thống đăng ký doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên cả nước. Hiện nay đăng ký hộ kinh doanh đang bị tách độc lập ở cấp huyện. Nếu thống nhất hệ thống đăng ký thì không chỉ quản lý nhà nước tốt hơn, bản thân các hộ kinh doanh sẽ được bảo hộ tên của mình trên toàn quốc, không chỉ ở trong phạm vi cấp huyện như hiện nay. 
Về nghĩa vụ thuế có thêm gánh nặng hay không? Theo tôi sẽ không thay đổi, vẫn giữ nguyên hệ thống nộp thuế đối với hộ kinh doanh như hiện nay. Những hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì vẫn hoàn toàn không phải nộp thuế, vẫn được miễn lệ phí môn bài. 
Chính vì vậy hoàn toàn không có câu chuyện bà bán chè chén, hàng rong, quà vặt lo ngại phải nộp thêm thuế. Thậm chí tôi đánh giá đây là cơ hội để Chính phủ, Bộ Tài chính hài hoà hoá các quy định quy định về nộp thuế về sổ sách giấy tờ cho nhóm doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH quy siêu nhỏ xuống đơn giản giống hộ kinh doanh. 
Về thanh tra kiểm tra và gánh nặng thủ tục hành chính, có tạo thêm gánh nặng hay không? Theo tôi thì về căn bản không thay đổi vì vẫn thực hiện bình thường theo quy định tại pháp luật chuyên ngành. Với cách quy định này không hề phát sinh thủ tục mới. Tất nhiên có thể e ngại rủi ro khi ghi nhận bài bản hơn thì một số cơ quan quản lý nhà nước có thể “để ý” hơn.  
Dù lo ngại này chưa chắc chắn nhưng theo tôi bản thân các hộ kinh doanh vẫn phải có trách nhiệm tuân thủ đúng pháp luật, hộ kinh doanh thực phẩm vẫn cần phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Và nếu hộ kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật thì chẳng sợ cơ quan nào cả!  
Về phía nhà nước, luật hoá hộ kinh doanh liệu có phát sinh thêm bộ máy quản lý? Theo chúng tôi sẽ không phát sinh vì vẫn phân cấp đăng ký và quản lý xuống cấp huyện. Hệ thống đăng ký như hiện nay, thậm chí nếu liên thông hệ thống, nếu ứng dụng công nghệ thông tin tốt thì thì có thể giảm thiểu nhân lực trong bộ máy nhà nước liên quan đến công việc này. 
Về ngân sách nhà nước, liệu có giảm hay không? Theo tôi nókhông giảm vì vẫn thực hiện như cũ. Nhưng nếu theo xu hướng hoạt động bài bản hơn thì thậm chí các khoản nhà nước thu có thể tăng thêm vì có thể thúc đẩy các hộ kinh doanh hoạt động bài bản hơn, thuế minh bạch hơn, giảm sự thoả thuận thuế giữa hộ và cán bộ thuế. 
Về chất lượng quản trị? Cái này thì theo tôi có thể tăng vì khi luật hoá, đăng ký trong một hệ thống chính thức, các hộ được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ, đào tạo, tập huấn… có thể tạo động lực để các hộ kinh doanh hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hơn. Nhưng lưu ý, mô hình hộ kinh doanh về thực chất là mô hình cá nhân kinh doanh, sẽ không có chuyện có hàng triệu giám đốc như nhiều báo giật tít.  
Về kỹ thuật lập pháp, tôi cho rằng luật hoá hộ kinh doanh trong sửa đổi Luật doanh nghiệp lần này là lộ trình quy định phù hợp. Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ luật hoá những gì đã được quy định ở Nghị định 78, đã được thực thi ổn định một thời gian dài. Nếu có chế định nào mới bổ sung thêm ngoài nội dung đã quy định tại Nghị định 78 thì cần rà soát, cân nhắc, đánh giá tác động kỹ. 
Vì đây là một đạo luật kinh doanh tổng thể ở Việt Nam như trên phân tích, Luật Doanh nghiệp sẽ ghi nhận một hình thức kinh doanh là hộ kinh doanh, quy định một khung khổ pháp lý phù hợp và sau đó giao cho Chính phủ hướng dẫn tại một Nghị định về hộ kinh doanh riêng, không phải một phần trong Nghị định về đăng ký doanh nghiệp như hiện nay. Sau này, khi điều kiện và thực tiễn chín muồi, Quốc hội hoàn toàn có thể sẽ ban hành một đạo luật riêng về hộ kinh doanh.
Đậu Anh Tuấn
*Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

HỘ KINH DOANH-ĐỪNG TIẾP TỤC ĐẶT HỌ RA NGOÀI VÒNG PHÁP LUẬT

TẠ ĐỨC SINH/ TVN 24-11-2019
Hộ kinh doanh đã 4 lần bị "lỡ đò" trong tiến trình luật hóa để đưa các loại hình kinh doanh thực hiện sang sông, chuyển bến từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường suốt hơn 3 thập kỷ qua.
Lần đầu, đó là vào năm 1990 khi Luật Công ty được ban hành cho loại hình pháp nhân kinh doanh. Lần thứ hai, đó là năm 1991 khi ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân mà không có chỗ cho hộ kinh doanh. Lần thứ ba năm 1999, khi hai luật trên được gộp lại thành Luật Doanh nghiệp dành cho cả pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh, vẫn đẩy hộ kinh doanh ra ngoài. Và lần thứ tư, năm nay 2019, hộ kinh doanh mới được đưa vào Luật Doanh nghiệp lần đầu tiên kể từ Đổi mới, dù còn nhiều tranh cãi.
Trong 4 lần "lỡ đò" trên, hộ kinh doanh đã có lần được coi là loại hình kinh tế phi chính thức, có lần bị cho là loại hình kinh tế vừa không phải là pháp nhân kinh doanh, vừa không phải là cá nhân kinh doanh. Những lần như thế, hộ kinh doanh đã không có tiếng nói để tự bảo vệ, bởi cho đến nay khu vực kinh tế này vẫn chưa có hiệp hội riêng của mình. Đây là khu vực kinh tế yếu thế nhất không chỉ trong hệ thống luật pháp mà cả trong hệ thống xã hội của Việt Nam lâu nay.
Báo chí đã tốn không biết bao nhiêu bút mực cho các câu chuyện: bà bán rau quả bị đá văng gánh hàng của mình do đi trên vỉa hè; chị bán tạp hóa bị đưa về đồn do đẩy xe chở hàng trên đường phố; bác xích lô phải vượt rào để chở khách du lịch vì không phải là thành viên của một tổ hợp tác; cửa hàng sửa chữa đồng hồ, xe đạp, xe máy phải thừa nhận chung chi dấm dúi với người thu thuế thay vì nộp thuế đàng hoàng cho cơ quan thuế; những sạp hàng tiểu thương trong chợ lớn, chợ nhỏ, những làng nghề khắp các vùng miền khi cần một món tiền nóng thì chỉ có sự lựa chọn duy nhất, đó là tín dụng đen với lãi xuất khủng và đòi nợ theo luật rừng...

Hộ kinh doanh – đừng tiếp tục đặt họ ra ngoài vòng pháp luật
Hộ kinh doanh – đừng tiếp tục đặt họ ra ngoài vòng pháp luật. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ngược lại với những yếu thế đủ bề trên đây, hộ kinh doanh hiện tại vẫn có tới 5 triệu đơn vị, đã đóng góp tới trên 30% GDP trong thống kê chính thức của quốc gia, lớn gấp 3 lần khu vực doanh nghiệp có đăng ký chính thức trong nước. Quan trọng hơn, hộ kinh doanh đã thu hút hàng chục triệu lao động trong xã hội, bỏ xa bất cứ khu vực nào khác trong nền kinh tế. Hộ kinh doanh đã trở thành nơi trở về thương trường của những doanh nghiệp bị phá sản trong cạnh tranh. 
Việc bỏ lại phía sau đối với khu vực hộ kinh doanh trong hơn 3 thập kỳ qua đã một lần nữa cộng vào danh mục về sự đuối tầm của lý luận so với thực tiễn tại Việt Nam về khu vực này. Trong Báo cáo trình Quốc hội về sửa đổi Luật Doanh nghiệp vừa qua, Chính phủ đã ngầm cảnh báo rằng hiện tại, trên thế giới chỉ còn Việt Nam và một quốc gia nữa đã không đưa hộ kinh doanh vào luật. Đây rõ ràng là một đuối tầm không chỉ trong phạm vi quốc nội mà còn là đuối tầm trong phạm vi quốc tế. Vậy từ đâu dẫn tới nông nỗi này?
Trước hết, ngay từ những năm đầu của thời kỳ Đổi mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đã từng xác định nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể-tiểu chủ, kinh tế đầu tư nước ngoài… Hiến pháp cũng đã đồng thời khẳng định "Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh đa dạng".
Hộ kinh doanh là một loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh trong hệ thống đa dạng này, vậy mà  đã qua 3 thập kỷ, tổ chức này đến nay vẫn phải xếp hàng ngồi chờ đến lượt để được  luật hóa. Đây là một khiếm khuyết không thể biện minh xét về mặt thi hành đường lối của Đảng và Hiến pháp của nhà nước.
Thứ hai, vẫn biết rằng làm luật không hề là một loại công việc nhẹ nhàng, dễ dãi. Nếu khó tới mức không thể đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì tại sao không ban hành một luật riêng cho loại hình tổ chức này tương tự như đã từng ban hành luật riêng cho kinh tế Hợp tác xã.
Rõ ràng rằng hộ kinh doanh đã không được đối xử công bằng về mặt luật hóa. Việc này đã đem lại không ít hệ lụy cho loại hình tổ chức kinh doanh này. Báo chí đã tốn không biết bao nhiêu bút mực kể các câu chuyện các cá nhân kinh doanh bị hành xử như luật rừng…
Với những rủi ro thường trực như vậy, hộ kinh doanh đã không có điều luật riêng nào để làm căn cứ tự cứu mình trước khi được trời cứu. Với 5 triệu HKD, tạo ra trên 30% GDP, thu hút hàng chục triệu người vào làm việc, cung cấp tài chính cho hàng triệu con em được ăn học, khu vực kinh doanh này có xuất đầu tư rất thấp, không gây áp lực nào lên nợ công của nhà nước, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đạt cao, thu hồi vốn rất nhanh.
Khu vực kinh doanh này nếu được luật hóa để vượt qua các rủi ro thường ngày như đã thấy và chưa thấy, thì đâu mãi chỉ là những tổ chức kinh tế vừa không phải là pháp nhân kinh doanh, vừa không phải là cá nhân kinh doanh, bị coi chẳng là gì trong nền kinh tế. Đây không chỉ là một lỗi về  pháp trị, mà còn là một lệch lạc về đức trị.
Thứ ba, những năm gần đây, kinh tế tư nhân đã được công nhận là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế này từ 700 ngàn đơn vị năm 2018 đã được đặt mốc phát triển lên tới 1 triệu đơn vị năm 2020. Số doanh nghiệp phát sinh mới này một mặt trông đợi vào sự nảy nở đột phá từ bản thân những doanh nghiệp tư nhân hiện có, nhưng một phần lớn sẽ dựa vào sự phát triển tuần tự trong nền kinh tế, trong đó phần quan trọng là từ khu vực hộ gia đình.
Trong lịch sử nước ta cũng như trên thế giới đã có biết bao doanh nhân trưởng thành,  thành danh từ trẻ đánh giầy, từ chị tiểu thương, từ xưởng cơ khí của chú hai lúa, từ mảnh ruộng của những kỹ sư làm nông nghiệp 4.0, từ những chuyên gia bàn phím, ngồi nhà mà sản xuất, bán hàng trên mạng.
Hộ kinh doanh không phải là loại hình kinh doanh của quá khứ mà là của hiện tại và cả của tương lai. Mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp trên đây sẽ dễ dàng trở thành hiện thực nếu 5 triệu hộ kinh doanh hiện có được sự đối xử công bằng, được bảo hộ của luật pháp, được tạo điều kiện bằng những kiến tạo của chính quyền để phát triển thành doanh nghiệp. Trái lại, nếu 5 triệu hộ kinh doanh vẫn bị bỏ lại phía sau thì mục tiêu trên sẽ khó bề hoàn thành đúng hạn. Đây là hậu quả của bệnh bóc ngắn cắn dài.
Việc bỏ lại phía sau đối với khu vực hộ kinh doanh đã tới trên 3 thập kỷ rõ ràng không phải là ngẫu nhiên mà xuất phát từ những khiếm khuyết trong thi hành đường lối của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, từ những lỗi của nền pháp trị, từ những lệch lạc của nền đức trị, từ bệnh bóc ngắn cắn dài trong quản trị quốc gia.
Những tật bệnh, lệch lạc, lỗi lầm, khiếm khuyết trên đây đã dẫn đến một bộ phận không nhỏ trong khu vực hộ kinh doanh phát sinh những phản ứng tiêu cực. Về sản xuất, đó là tệ làm hàng giả, hàng nhái, hàng gây nguy hại sức khỏe cộng đồng; về lưu thông phân phối, đó là tệ xuất nhập khẩu trái pháp luật đối với hàng hóa và dịch vụ qua cửa khẩu và biên giới; về tiền tệ, đó là tạo cung-cầu cho nạn tín dụng đen; về tài chính, đó là tệ chung chi thay cho nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Chung lại, việc bỏ lại phía sau đối với khu vực chiếm 30% GDP trên đây đã ảnh hưởng không nhỏ tới các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.
Đã đến lúc dừng lại, không tiếp tục bỏ lại phía sau đối với khu vực hộ kinh doanh trong tiến trình luật hóa nói riêng và Đổi Mới nói chung. Nếu không thể đưa  hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì nên ban hành luật riêng cho loại hình kinh doanh này để họ không bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
TS Đinh Đức Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét