Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

20191218. BÀN VỀ THÁCH THỨC CỦA CẢI CÁCH Ở HÀ NỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG

THỬ NHÌN VÀO CẢI CÁCH Ở HÀ NỘI

TẠ ĐỨC SINH /TVN 9-12-2019

Chiều 27/11/2019, Quốc hội đã biểu quyết thông qua đề án này với những chỉnh lý quan trọng. Cuộc thí điểm này không chỉ đơn thuần là "không tổ chức HĐND phường", mà rộng hơn, đó là "thí điểm tổ chức mô hình chính quyển đô thị" của thành phố Hà Nội.
Trong thảo luận tại Quốc hội, đã có ý kiến cho rằng không chỉ thí điểm tại thành phố Hà Nội mà cần mở rông thêm tới một số thành phố khác như Đà Nẵng, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi đã kiên trì về đổi mới chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ trước của Quôc hội.
Tuy nhiên, vì cho rằng việc thí điểm này là rất hệ trọng, cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nên Quốc hội đã biểu quyết chỉ tiến hành tại Hà Nội.
Sự cân nhắc này là dễ hiểu, bởi 10 năm trước đây, Quốc hội cũng đã từng cho thí điểm không tổ chức HĐND với qui mô toàn diện và rất lớn, tại 473 đơn vị cấp phường, 32 đơn vị cấp quận,  67 đơn vị cấp huyện trên địa bàn 10 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương trong 6 năm (từ tháng 4/2009 đến tháng 6/2015). Cuộc thí điểm này đã không đạt được kết quả mong muốn.Năm nay, mặc dù đã được thông qua tại Quốc hội, nhưng việc thí điểm của Hà Nội vẫn đang đặt ra nhiều thách thức cần vượt qua để không rơi vào kết quả như cuộc thí điểm năm 2009 trên đây.
Thứ nhất, thách thức về tính chất cuộc thí điểm. Đề án của Hà Nội chỉ đề xuất về không tổ chức HĐND phường, còn theo phê chuẩn của Quốc hội lại là thí điểm về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội.
Thử nhìn vào cải cách ở Hà Nội
Việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội là thí điểm về một mô hình còn đang để ngỏ của hiến pháp lâu nay và cả Hiến pháp năm 2013 đang có hiệu lực thi hành. Ảnh: Lê Anh Dũng
Sự chỉnh lý này của Quốc hội đòi hỏi Hà Nội không chỉ không tổ chức HĐND phường mà còn là thí điểm về điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) phường, của HĐND và UBND quận, thị xã khi không còn HĐND phường, và của HĐND cùng UBND thành phố khi các đầu mối quận, thị xã không còn như xưa, tức không còn HĐND phường.
Đây là thách thức về bảo đảm tính hệ thống khi một bộ phận trong hệ thống đó được đổi mới. Đã không hiếm bài học thất bại trên thực tiễn về việc bảo đảm này không được coi trọng tại nhiều tỉnh và ngay tại Hà Nội.
Thứ hai, thách thức về tổ chức và hoạt động cùa hệ thống chính trị tại cấp phường. Trong những năm qua, phường là cấp chính quyền cơ sở, có HĐND và UBND cùng hệ thống chính trị hoàn chỉnh về Đảng, Mặt trận tổ quốc và các Đoàn thể chính trị-xã hội. Nay bỏ HĐND phường thì hệ thống chính trị tại cấp phường sẽ được tổ chức và hoạt động ra sao? Đây là vấn đề chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải có sáng tạo trong quá trình thí điểm.
Thứ ba, thách thức về tổ chức lại chính quyền cấp cơ sở. Vì không còn HĐND, chỉ có UBND do cấp quận chỉ định nên phường không còn là cấp chính quyền cơ sở nguyên nghĩa như Hiến pháp qui định: "HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương".
Từ đây, cấp quận sẽ mặc nhiên trở thành chính quyền cấp cơ sở. Vậy HĐND quận  cần được tổ chức lại như thế nào, trong đó: Số lượng đại biểu HĐND quận sẽ tăng thêm bao nhiêu; Có cơ cấu đại biểu theo đơn vị phường không; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được sửa đổi, bổ sung thế nào cho phù hợp với một tổ chức vừa tương đương với HĐND huyện, vừa thay thế tất cả các HĐND phường trong quận.
Dễ thấy nhất là việc tiếp dân. Khi còn HĐND phường thì cùng một ngày, 15-20 phường trong một quận đều có thể tiếp dân. Khi không còn HĐND phường thì quận có thể cùng một ngày tiếp dân trong hàng chục phường như xưa không?
Thứ tư, thách thức về việc hoàn thiện chính quyền cấp thành phố của Hà Nội để phù hợp với hệ thống 3 cấp ở nông thôn và 2 cấp ở đô thị. Sự khấp khểnh này sẽ dẫn đến những khấp khểnh trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội của thành phố, trước hết là về qui hoạch-kế hoạch, thu-chi-quyết toán ngân sách nhà nước, thanh tra-kiểm tra-giám sát sự tuân thủ pháp luật trên địa bàn.
Để sửa những khấp khểnh đó, phải sửa đổi, bổ sung hàng loạt văn bản pháp luật hiện hành, trong đó có loại thuộc thẩm quyền của cấp thành phố Hà Nội, nhưng có loại lại thuộc thẩm quyền của Trung ương. Việc sửa đổi bổ sung này đòi hỏi phải có ngay từ thời điểm bắt đầu cuộc thí điểm, chậm một ngày, thí điểm sẽ chậm hàng tháng, hàng quí.
Thứ năm, thách thức về hiệu quả cuộc thí điểm. Hiệu quả dễ thấy nhất trong đề án của Hà Nội là giảm bộ máy, giảm  biên chế, giảm chi thường xuyên của ngân sách nhà nước.
Về việc này, cuộc thí điểm của 10 năm trước đây tại 10 tỉnh và thành phố về không tổ chức HĐND ở một số cấp chính quyền địa phương tuy đã đạt được hiệu quả về bộ máy, biên chế và chi ngân sách, nhưng vẫn bị coi là không đạt được hiệu quả chung của thí điểm, do vậy đã bị dừng lại ngay tại chặng cuối. Đây là bài học rất bổ ích đối với thí điểm của Hà Nội về mô hình tổ chức chính quyền đô thị sẽ bắt đầu tiến hành vào năm 2021.
Một trong những hiệu quả chung được mong đợi, đó là sự thống nhất, thông suốt, không còn chồng chéo, sơ hở, triệt tiêu lẫn nhau giữa các cơ quan công quyền và trong hệ thống chính trị tại Thủ đô. Toàn diện hơn, đó là hiệu quả tổng thể về một chính quyền của dân, do dân, vì dân tại thủ đô Hà Nội. Rõ ràng rằng đây là thách thức cơ bản trong triển khai cuộc thí điểm đã được phê duyệt này.
Việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội là thí điểm về một mô hình còn đang để ngỏ của hiến pháp lâu nay và cả Hiến pháp năm 2013 đang có hiệu lực thi hành. Việc này chưa được tiến hành bao giờ mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi xướng từ nhiều năm trước đây. Nay Hà Nội đã tự nguyện đề nghị Trung ương cho đi đầu, làm thí điểm trước trong cả nước nhằm tạo lập những căn cứ lý luận và thực tiễn có sức thuyết phục để có thể mở rộng áp dụng cho tất cả các thành phố trực thuộc trung ương nếu thí điểm tại Hà Nội thành công.
Để chắc chắn thành công, cuộc thí điểm của Hà Nội sẽ buộc phải vượt qua nhiều thách thức đang ở phía trước, trong đó cụ thể là những thách thức trên đây. Việc vượt qua các cửa ải này không hề dễ dàng, nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Hà Nội có trên 7-8 triệu dân, trong đó không chỉ có dân phường, dân quận, dân thành phố, mà còn có gần như toàn bộ dân trung ương trên địa bàn.
Nhân tài Hà Nội không hiếm, trí tuệ Hà Nội đang cao, cơ sở hạ tầng Hà Nội đã khá, quyết tâm chính trị Hà Nội luôn quyết liệt, những yếu tố đó đủ để bảo đảm vận hành cuộc thí điểm đến thành công nếu tất cả được hội tụ lại tại Tổng hành dinh cuộc thí điểm.
TS Đinh Đức Sinh

TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

KHÔNG BIẾT ÔNG NGUYỄN ĐỨC CHUNG LÀM VIỆC KIỂU GÌ ?

TRÂN VĂN/ Blog VOA  9-12-2019

Ông Nguyễn Đức Chung.

Ông Nguyễn Đức Chung

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội lại vừa phủ nhận chính mình thêm một lần nữa! Nói cách khác, chỉ trong ba ngày, ông Chung có ba tuyên bố mà tự chúng thóa mạ lẫn nhau!
Hôm thứ sáu – 6 tháng 12, khi tiếp xúc với cử tri sau Kỳ họp thứ 11 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 15, trả lời những chất vấn về xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch, ông Chung tỏ ra hết sức bực bội vì JEBO khoa trương công nghệ nano-bioreactor trong khi đó là thử nghiệm bất hợp pháp (không có giấy phép) và nhấn mạnh, không thể chấp nhận “trò đùa” này (1).
Ngày hôm sau - 7 tháng 12, JEBO gửi kháng thư kèm bằng chứng, chứng minh ông Chung thông tin sai sự thật, việc thử nghiệm công nghệ nano-bioreactor để làm sạch sông Tô Lịch đã được báo cáo với cả chính phủ Việt Nam lẫn chính quyền thành phố Hà Nội và chỉ tiến hành khi chính quyền thành phố Hà Nội đồng ý. Ông Chung biện bạch: Tuyên bố của ông hôm 6 tháng 12 là dựa vào báo cáo của thuộc cấp (2)!
Đến thứ hai đầu tuần này - 9 tháng 12, ông Chung lại lên tiếng. Lần này, ông khẳng định: JEBO (Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường của Nhật) không xin phép khi thử làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor. Chính quyền thành phố Hà Nội chỉ cho phép JVE (Công ty Cải thiện môi trường Nhật Việt) thử làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor, chứ không cấp giấy phép cho JEBO làm điều đó (3).
Có một điểm đáng chú ý là trước nay, trong nhận thức của cả báo giới lẫn công chúng, việc thử dùng công nghệ nano-bioreactor để làm sạch sông Tô Lịch vẫn được xem như nỗ lực của JEBO thông qua JVE. Ông Chung cũng biết điều đó nên khi tiếp xúc với cử tri vào ngày 6 tháng 12, ông nhắc đến cả JEBO lẫn JVE như một thực thể thống nhất. Giờ, khi cần cũng chính ông chủ động tách thực thể này làm hai!
***
Tô Lịch là một trong những chi lưu của sông Hồng, nối sông Hồng và sông Nhuệ. Do quản trị tồi, sông Tô Lịch đã bị lấp một đoạn nên chỉ còn thông với sông Nhuệ. Những đoạn còn lại, có chỗ trở thành mương, thành cống ngầm, đoạn còn giữ dáng dấp của sông thì ô nhiễm nặng nề từ nguồn nước đến không khí vì đủ thứ chất thải lưu cữu hàng thế kỷ. Nhắc đến Tô Lịch, thiên hạ liên tưởng ngay đến ô nhiễm.
Cho dù chính quyền thành phố Hà Nội đã cải tạo đoạn sông Tô Lịch may mắn còn hiện hữu, vừa nhằm chỉnh trang đô thị, vừa giải quyết một đại họa về môi trường, gia tăng khả năng thoát nước cho nội đô, giảm ngập lụt, song vấn nạn nan giải nhất vẫn còn nguyên: Nước sông vẫn đặc quánh, đen thui, mùi hôi vẫn còn nồng nặc, sông Tô Lịch vẫn là nơi thiên hạ ngán ngại khi phải qua lại…
Khoảng tháng 4 năm nay, báo chí Việt Nam đồng loạt đề cập đến sự kiện, JEBO – JVE tình nguyện làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor. Sau khi JEBO – JVE lắp đặt hệ thống sục khí nano và sử dụng các vật liệu tự nhiên được gọi là bioreactor tại một đoạn sông Tô Lịch, công chúng hết sức hào hứng khi chứng kiến, chỉ trong hai tháng, thông qua kích thích sự phát triển của vi sinh vật, có thể thúc đẩy các chất gây ô nhiễm tự phân hủy, gia tăng lượng vi sinh vật hữu ích giúp sông tự làm sạch...
Khi nước đã trong, mùi hôi đã giảm đáng kể chỉ còn chờ nghiệm thu thì trung tuần tháng 7, Công ty Thoát nước Hà Nội đột nhiên xả hơn một triệu khối nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Lượng nước quá lớn khiến toàn bộ vi sinh vật - có thể giúp JEBO - JVE thành công trong việc thuyết phục cả hệ thống công quyền lẫn dân chúng Việt Nam giã biệt những loại hóa phẩm tẩy rửa, chuyển qua ứng dụng công nghệ của Nhật, vừa hiệu quả, vừa thân thiện với môi trường - trôi sạch!
Sự kiện này đã khiến cả ông Chung lẫn chính quyền thành phố Hà Nội bị chỉ trích kịch liệt. Chẳng riêng công chúng mà báo giới cũng nghi ngờ vụ xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch là để loại bỏ công nghệ nano-bioreactor, giữ thị trường cho những doanh nghiệp chuyên nhập cảng và độc quyền cung ứng các hóa chất tẩy rửa sông rạch, ao hồ bị ô nhiễm. Một trong những doanh nghiệp sừng sỏ trong lĩnh vực này là Công ty Arktic.
Cho đến bây giờ, những thắc mắc về chuyện tại sao chính quyền thành phố Hà Nội lại chọn Công ty Watch Water và Công ty Nordic Water làm đối tác xử lý ô nhiễm nước ở Hà Nội, rồi ngay sau đó, Công ty Watch Water dành cho Công ty Arktic độc quyền phân phối hóa phẩm RedOxy-3C, giúp Công ty Arktic (vốn vừa mới ra ràng) lãi ròng hàng chục tỉ đồng (?), chưa bao giờ được làm rõ (4)!
Chỉ có thể thấy rất rõ, ông Chung rất khó chịu với JEBO – JVE. Không phải tự nhiên mà ông Chung lên án JEBO – JVE… khoa trương. Rõ ràng thiện cảm, niềm tin mà cả công chúng lẫn báo giới dành cho công nghệ nano-bioreactor đã khiến những nghi vấn về việc chọn – dùng RedOxy-3C một cách vội vàng, bất minh, không có lợi cho cả ông Chung lẫn chính quyền thành phố Hà Nội.
JEBO – JVE và công nghệ nano-bioreactor không chỉ khiến thiên hạ xôn xao bình phẩm về Công ty Arktic (doanh nghiệp độc quyền nhập và cung cấp hóa phẩm RedOxy-3C) là sản nghiệp của vợ con ông Chung, mà còn là dịp để nhiều người như Tiến sĩ Lương Ngọc Huỳnh thuật lại những chuyện đã từng xảy ra với họ để chứng minh: Hà Nội - thủ đô Việt Nam “có hoàng thành kiên cố, phòng thủ vững chắc, có những con người có thể gọi là bố của các loại ma, không thích chia sẻ quyền lực và lợi nhuận” (5)!
***
Dù gì thì cũng không nên xem những tuyên bố và cách hành xử của chủ tịch một thành phố như Hà Nội là chuyện riêng, chỉ liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung. Phải đặt ông Chung trong tương quan chung. Khi những viên chức cỡ ông Chung mà chỉ như thế và vẫn cứ nhứ thế thì dựa vào đâu để thực thi cam kết “xây dựng một chính phủ hành động, hướng tới người dân, doanh nghiệp, một chính phủ có kỷ cương, liêm chính” (5)!
Chú thích

THẢO LUẬN:
  • TUẤN 06:02 | 10/12/2019
    Tôi đang sống ở châu Âu, thấy mỗi thành phố chỉ có duy nhất một toà nhà cơ quan chính phủ là ủy ban thành phố làm tất cả các thủ tục cho công dân thành phố từ ma chay cưới hỏi báo sinh báo tử bằng lái xe, xin phép xây dựng ...Khối lượng công việc rất nhiều nhưng họ làm rất hiệu quả vì đặt cuộc hẹn đều qua mạng phân loại công việc ngay từ cuộc hẹn nên giải quyết rất nhanh. Mỗi người chỉ 5-10 phút là xong. Thật đáng học tập 

    • TIENPV 12:20 | 09/12/2019
      Muốn làm được Hà Nội nên minh bạch các dịch vụ công ở cấp chính quyền quận, huyện. Hội đồng nhân dân không tổ chức tuy nhiên ở 1 khu dân cư hoặc cấp phường xã cũ cũng cần có 1 tổ đại diện cho nhân dân khu vực đó để lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân

      • NGUYEN THỌ ÁNH 21:32 | 09/12/2019
        Nội dung vấn đề tác giả nêu ra rất hay nhưng đoạn cuối cùng thì nghe như khẩu hiệu! Dù sao thì QH cũng quyết rồi. Việc thí điểm này đúng là có sự tham gia của toàn dân ( vì chính quyền là của dân). Nhưng thành bại trước hết là từ căn hộ lãnh đạo Thủ đô, có tâm, có tầm mà làm tôi nơi tới chốn không! Mấy vụ như xử lý sự cố Rạng Đông hay làm sạch sông Tô Lịch mà còn chả ra sao...

      ĐÂU LÀ BẢN CHẤT VỤ XỬ LÝ SÔNG TÔ LỊCH

      TÔ VĂN TRƯỜNG/ TVN 10-12-2019

      Nhiều người, kể cả giới khoa học đang lạm bàn câu chuyện về công ty Nhật Bản JVE xử lý nước thải ở sông Tô Lịch, nhất là sau khi có ý kiến nhận xét của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung làm cho bạn đọc suy ngẫm không biết thế nào là “phải - trái”.
      Trước hết phải nói rõ là công ty Nhật Bản không tự ý làm vì có sự đồng ý của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các ban ngành liên quan. Tuy nhiên, công nghệ của họ vẫn còn là dấu hỏi lớn.
      Tôi quan tâm đến ý kiến của chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình (xem box dưới), người đã đến tận nơi "mục sở thị" ở sông Tô Lịch và chụp ảnh để minh chứng phản biện, là điểm cộng so với các ý kiến của các chuyên gia khác. 

      Đâu là bản chất vụ xử lý sông Tô Lịch?
      Công ty CP Cải thiện Môi trường Nhật Việt đã tháo dỡ hệ thống công nghệ Nano Bioreactor Nhật Bản trên sông Tô Lịch sau thời gian thí điểm
      Tuy nhiên, chỉ nhìn việc bố trí các thiết bị để dự đoán hiệu quả xử lý e rằng chưa đủ thuyết phục, nhất là khi bên Nhật Bản (và đối tác Việt Nam) vẫn quả quyết sẵn sàng bỏ tiền ra làm tiếp bất chấp hậu quả như chính chuyên gia Nhật Đình đã cảnh báo: "Không có công ty nào trên thế giới lại hào phóng cho không một hệ thống như vậy".
      Từ ý kiến của chuyên gia Đào Nhật Đình, có lẽ UBND TP Hà Nội nên mời JICA và các chuyên gia Nhật Bản đã tham gia quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của Hà Nội giúp đánh giá và cho ý kiến về công nghệ đề xuất của JEBO và kết quả triển khai thử nghiệm công nghệ này của JVE trước khi ra quyết định thì sẽ thuyết phục hơn.
      Từ góc nhìn độc lập của chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, theo tôi hiểu, công nghệ Nhật Bản xử lý được nước thải kiểu như nước sông Tô lịch. Bởi vì cứ mang nước (hay quây nước) sông Tô Lịch lại, rồi chỉ cần sục khí thôi cũng đủ sạch rồi, thậm chí sạch cả bùn vi sinh ở đáy sông Tô Lịch nữa.
      Tuy nhiên, Tô Lịch là một con sông, mà đã là một con sông thì phải có đủ nước cho nó chứ không phải chỉ vài chục centimet nước (thải) như hiện nay. Nước phải sạch và có dòng chảy để tự nó có hệ sinh thái riêng và sau này nó tự làm sạch nước của nó nếu lượng chất ô nhiễm thải vào không vượt quá khả năng tự làm sạch của thực thế nước ấy.
      Như vậy, có nghĩa là muốn cải tạo dòng sông Tô Lịch thì phải cần làm được ba điều kiện sau đây:
      (1) Không thải trực tiếp nước thải vào sông, nước thải phải qua xử lý rồi mới đổ vào sông;
      (2) Phải có các đập dâng hay đập tràn để dòng sông có mực nước tối thiểu để có thể hình thành một hệ sinh thái của riêng nó và tự làm sạch;
      (3) Phải có dòng chảy tối thiểu hay còn gọi là dòng chảy môi trường (nếu không, thì thành "Hồ Tô Lịch"); dòng chảy từ nước thải sau xử lý nếu không đủ thì sẽ phải tính đến việc bổ sung từ Hồ Tây hay sông Hồng...
      Việc xử lý nước thải hiện đang đổ vào sông Tô Lịch đã có nhiều phương án, tập trung hay phân tán dọc theo sông. Hiện Hà Nội đã có một nhà máy xử lý ở Yên Sở và đang xây dựng một nhà máy nữa với hy vọng sẽ xử lý được hết lượng nước thải chảy vào sông hiện nay.
      Lẽ ra cần xử lý phần gốc tức là thu gom nước thải để dẫn về nhà máy xử lý, rồi bít hết các cửa xả ra sông, từ đó sông không còn bị ô nhiễm nữa. Nếu cống hỗn hợp tải nước thải pha nước mưa như từ xưa đến giờ thì đành phải xử lý hỗn hợp này. Còn các khu được xây dựng về sau tách nước mưa khỏi nước thải thì dẫn nước mưa xuống sông hồ, dẫn nước thải về nhà máy xử lý.
      Đó là cách làm của 3 dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm và Kênh Đôi- kênh Tẻ ở TP HCM đã làm. Dự án Kênh Đôi - kênh Tẻ do Nhật tài trợ.
      Theo tôi hiểu, ở Hà Nội có thể xây một nhà máy xử lý cho mỗi lưu vực để có thể dẫn nước thải về nhà máy đó theo dòng chảy trọng lực (ít dùng bơm).
      Như ở TP. HCM thì người ta tìm đất ngoại thành đang bỏ hoang, không có giá trị cao, cách xa khu dân cư, để xây nhà máy xử lý nước thải. Bởi vì làm thế nào chăng nữa, các nhà máy này vẫn có vấn đề về mỹ quan, vẫn tạo mùi, không thể đặt trong khu vực đô thị. Xây ở xa, dù đường cống bao có dài nhưng tính hết các yếu tố vẫn có lợi.
      Công nghệ ở Nhật Bản như thế này là để xử lý một khu vực nào đó, như là một khu đô thị mới, khu công nghiệp, khuôn viên đại học... Trong các khu vực có ranh giới cụ thể, họ có thể dẫn nước thải về một cái hồ hoặc một đoạn kênh – thậm chí xuống lòng đất nếu ở giữa lòng đô thị – rồi lo xử lý.
      Ở Tokyo có hệ thống lưu trữ nước mưa ngầm rất lớn, khi mưa ập xuống họ cho nước mưa xuống ngay các hầm, sau đó dần dần bơm nước đi tùy theo công suất thoát nước của kênh mương. Cho nên một hầm như thế cũng có thể nhận nước thải để được xử lý. Tôi đã đến thăm công trình này ở Tokyo.
      Ở Hà Nội, địa hình bao nhiêu khu đô thị trung tâm rộng mênh mang khác hẳn với khu vực ranh giới cụ thể, thì xử lý ngay tại sông Tô Lịch e không ổn! Có lẽ người Nhật Bản biết thế, nhưng không giải thích rõ: sau này sẽ dẫn nước thải về nhà máy xử lý ở ngoại thành mà áp dụng công nghệ đề xuất.
      Còn khi một bên nói xử lý tốt và bên kia nói không tốt, thì dựa theo tiêu chí nào? Hoặc dựa theo số liệu chất lượng nước do một đơn vị bên thứ ba được hai bên chấp nhập thử nghiệm.
      Vấn đề là sông Tô Lịch rộng như thế, thiết bị xử lý chỉ đặt ở một phía của dòng chảy, thì phải lấy mẫu như thế nào mới đánh giá đúng kết quả? Ông xử lý có thể thu mẫu ở thiết bị xử lý, còn TP có thể thu mẫu ở điểm khác, hai kết quả khác nhau tha hồ mà tranh luận, “ông nói gà bà nói vịt”!
      Có vẻ như người Nhật Bản thiếu thông tin cho TP Hà Nội. Trước đó, người Nhật Bản cần giải thích chi tiết sẽ làm gì, đặt thiết bị ra sao, lấy mẫu nước thế nào, điều kiện phải có là gì, như tạm dừng xả nước hồ vào kênh...Cũng cần mời các đơn vị, chuyên gia độc lập đến nghe người Nhật nói để tham mưu cho thành phố.
      Điều quan trọng là người Nhật phải cho biết và thành phố phải hỏi đến cùng: công nghệ này đã áp dụng ở đâu, chi phí ra sao, tiêu thụ điện năng thế nào, cùng ước tính chi phí ở sông Tô Lịch và diện tích cần thiết...Nếu biết chi phí quá cao hoặc có vấn đề không thể giải quyết thì chẳng cần thử nghiệm làm gì.
      Hai bên phải đả thông trước cho nhau mọi thắc mắc. Khi hai bên đã nhất trí các điều kiện thì mới nên tiến hành thử. Không bàn hết các vấn đề cho cặn kẽ, giữa chừng người Nhật kêu trời vì nước hồ xả vào sông làm hại cho việc thử nghiệm!
      Tóm lại, có vẻ như cả hai bên đều không chuẩn bị để nắm bắt đủ các vấn đề cần biết. Một bên không muốn nói, bên kia không muốn hỏi. Chủ nhà cần nói: “Anh phải thuyết phục được tôi đến mức nào đó thì tôi mới cho phép anh làm". Khi đó, tùy người Nhật tiết lộ thông tin để thuyết phục thành phố mà làm, nếu không sẽ không cơ hội để làm nữa.
      Tô Văn Trường

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét