Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

20191201. QUANH CHUYỆN TÔN VINH ALEXANDRE DE RHODES

ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐỊNH KIẾN CHÍNH TRỊ THÀNH PHẢN VĂN HOÁ

CHU MỘNG LONG/ BVN 29-11-2019

Hình minh hoạ. Biển tên đường Alexandre De Rhodes ở TP. Hồ Chí Minh

Tôi không ngạc nhiên khi 12 nhà sử-chính trị ký đơn phản đối Đà Nẵng đặt tên đường lấy tên hai giáo sĩ phương Tây: Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes. Vì lẽ đơn giản, định kiến chính trị đã từng làm cái việc thay, xóa tên đường cũ thành tên đường mới, chủ yếu đường hiện nay dành đặt tên gắn với những người có công với cách mạng.
Đọc nguyên văn cái đơn này thấy rất rõ định kiến chính trị đã ăn sâu vào trong não những người được gọi là nhà khoa học.
Trong đơn chỉ có một nội dung đúng. Đó là phủ nhận Alexandre de Rhodes là “ông tổ” của chữ quốc ngữ. Nhưng cái đúng này trẻ con cũng nói được, vì làm gì có chuyện một cá nhân sáng chế ra cả kho tàng ngôn ngữ, dù chỉ là chữ viết. Ngôn ngữ được xem là kỳ quan hàng đầu của các cộng đồng người, qua giao tiếp hàng triệu năm mà thành. Riêng chữ viết, hiện nay trên thế giới chỉ có chưa tới 10 hệ ký tự được dùng chung cho cả trăm quốc gia, dân tộc. Khi sử dụng một hệ ký tự nào đó, đố biết ai là tổ ghi hình hay ghi âm cho ngôn ngữ của dân tộc mình. Bất cứ từ điển nào cũng chỉ ghi lại những gì đã có, tức tổng hợp từ sản phẩm của nhiều người và được cộng đồng thừa nhận như một tài sản chung. Chính Alexandre de Rhodes đã nói rõ điều đó trong cuốn Từ điển Việt – Bồ – La mà ông biên soạn chứ không tự nhận mình là “ông tổ”.
Các nghiên cứu được trích dẫn trong đơn thật thừa thãi khi trẻ con cũng biết cái chân lý ấy.
Chỉ công lần đầu tập hợp biên soạn cuốn từ điển đó đã đủ vinh danh Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina.
Chưa nói sự ngụy tạo lời của Alexandre de Rhodes, việc luận tội truyền giáo hay gián điệp cho thực dân cướp nước ta mà xóa công lao của 2 giáo sĩ này đủ thấy định kiến chính trị đã sinh ra một thứ nhãn quan phản văn hóa không nên có ở nhà khoa học.
Nếu cho việc truyền bá chữ quốc ngữ với mục tiêu xâm lược hay nô dịch mà phủ nhận sạch trơn thì có lẽ cả ngàn năm trước cha ông ta đã từ chối chữ Hán chứ không để cho đến nay nó đã Hán hóa ngôn ngữ Việt đến hơn 70%. Và cho rằng chữ Latin đã làm ta nô dịch Tây (thực chất chỉ mượn ký tự để ghi tiếng nói của dân tộc chứ không phải như chữ Hán trước đó) thì cha ông ta đầu thế kỷ 20 đã tẩy chay hay vứt cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes vào sọt rác chứ không thể có phong trào truyền bá chữ quốc ngữ rầm rộ và ca khúc khải hoàn bởi chiến thắng của nền văn hóa mới!
Nếu vẫn giữ cái đầu định kiến chính trị như ta, có lẽ phương Tây, và cho đến nay gần như toàn cầu, cũng không dùng bảng chữ cái Latin. Bởi vì sự ứng dụng rộng rãi chữ Latin gắn liền với sự bành trướng của đế chế La Mã và việc truyền giáo của Giáo hội Rome. Nếu muốn luận tội thì đế chế La Mã và Giáo hội Rome thời trung cổ tội ác chất chồng, luận ba ngàn trang sách cũng không hết. Nhưng việc nào ra việc nấy, người Âu – Mỹ vẫn tôn trọng và biết ơn cả một nền văn hóa mà đế chế La Mã và Giáo hội Rome đã hình thành như một nền tảng thứ hai sau thời cổ đại Hy Lạp.
Sẽ thật thú vị khi nghiên cứu sâu về nguồn gốc chữ viết của nhân loại. Một điều dễ hiểu là gần như chữ viết ra đời gắn liền với hoạt động tôn giáo. Tôn giáo là hoạt động văn hóa đầu tiên của nhân loại. Nhu cầu truyền bá tôn giáo đòi hỏi phải có chữ viết để ghi chép chính xác những bộ kinh được cho là thánh truyền. Tất cả các loại chữ, kể cả chữ Hán, đều ra đời từ chép kinh. Mục tiêu này được phát triển rộng ra thành hoạt động giáo dục và diễn giải triết học, khoa học.
Nói Alexandre de Rhodes chỉ thực hiện mục tiêu xâm lăng hay truyền giáo nên phủ nhận công lao truyền bá chữ viết mới cho người Việt thì chỉ có thể là cách nói của trẻ trâu vô văn hóa, trong khi 12 người ký tên kia lại là những “sử gia” hay người giảng dạy chính trị.
Nên nhớ, chính cuộc khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân đã kéo theo một kết quả nằm ngoài mục tiêu thực dân. Cùng với những nhà tư sản, nhà buôn đi tìm kiếm thị trường ở thế giới mới là các nhà truyền giáo, các nhà khoa học đã khai hóa thật sự cho dân tộc các nước thuộc địa. Trong khi nhà tư sản, nhà buôn dựa vào chính quyền để khai thác thuộc địa bằng vơ vét tài nguyên vật chất, kể cả kỳ thị chủng tộc, thì chính các nhà truyền giáo, nhà khoa học tiến bộ đã mang đến cho người bản xứ những giá trị tinh thần mới: tín ngưỡng mới, khoa học tự nhiên, y học, kể cả tư tưởng tự do, dân chủ và bình đẳng. Hàng ngàn công trình khoa học, nhân chủng học, cấu trúc luận… với tư tưởng chống thực dân, chống kỳ thị chủng tộc ra đời ngay trong lòng chủ nghĩa thực dân. Nhiều nhà truyền giáo, nhà khoa học đã lăn lộn, đối mặt với gian khổ và hiểm nguy ở các nước thuộc địa, ở vùng thổ dân hoang dã mới có những công trình vĩ đại đó. Cái di sản khổng lồ ấy đã góp phần san phẳng hố sâu ngăn cách giữa các dân tộc. Trong khi các dân tộc trên thế giới dù đấu tranh giành độc lập nhưng đều biết ơn những di sản đó, lẽ nào trừ người Việt?
Chính trị gieo rắc định kiến và hố sâu thù địch vì tính lợi ích của nhóm cầm quyền. Nhưng văn hóa thì khác. Với những giá trị tinh thần, văn hóa đi tìm tiếng nói chung và hóa giải quan hệ thù địch. Một nền chính trị tốt phải dựa vào nền tảng văn hóa chung, nếu chỉ nhìn kẻ khác bằng con mắt thù địch thì muôn đời chẳng sống được với ai. Độc lập theo cách tự cô lập thì chỉ có thể là một dân tộc bệnh hoạn trước khi tự sát.
Không ngẫu nhiên mà các bộ sử cổ đều ghi công Triệu Đà về việc tạo ra thuần phong mỹ tục Việt, ghi công Sĩ Nhiếp về chữ viết và nền văn hóa Hán học. Không hiểu sao, đến thời cộng sản, các sử gia lại gạt phăng tất cả ra ngoài. Nay lại nuôi máu thù địch luôn với mấy ông Tây truyền bá chữ quốc ngữ để chứng tỏ mình có lập trường độc lập.
Trước năm 1975, giới cầm quyền Việt Nam cộng hòa đặt tên đường Quang Trung Nguyễn Huệ và các danh tướng triều đại Tây Sơn, họ cũng đặt tên đường Gia Long Nguyễn Ánh, Tự Đức, Minh Mạng và các bậc khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Cách làm đó có ý nghĩa sâu sắc trong việc hóa giải quan hệ thù địch trong quá khứ để hướng tới hòa điệu trong tương lai. Sau 1975, những gì liên quan đến nhà Nguyễn bị xóa sạch một cách cực đoan theo chủ nghĩa anh hùng trẻ trâu.
Hãy học Homer, chiến tranh thành Troia đổ nát, nhưng còn lại gì? Còn tấm gương cả hai phe chiến nhau: Achilles và Hector mà Odysseus, người còn sống sót sau cuộc chiến, ngẩng mặt tự hào vì những người anh hùng đó đánh nhau, giết nhau mà vẫn tôn trọng, không thù địch nhau một cách hèn hạ.
Chiến nhau với thực dân đã hơn một thế kỷ rồi mà vẫn thù vặt, thù dai thì liệu có trở thành người lớn được không?
Tôi chỉ cần nói vậy đủ thấy 12 sử – chính trị gia kia, trong đó có những người là bạn thân của tôi, tự thấy nhân cách và trình độ của mình ở đâu so với văn hóa của nhân loại và của cha ông.
C.M.L.

________
Đón đọc tiếp bài: Nếu bây giờ ta vẫn sử dụng chữ Hán hay chữ Nôm thì sao?
_______
BI HÀI VIỆC TÔN VINH NGƯỜI SÁNG TẠO CHỮ QUỐC NGỮ (*)
LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 29-11-2019
Bản kiến nghị của 12 nhà khoa học xã hội, chính trị, lịch sử chống việc đặt tên đường A. Rhodes và F. Pina ở Đà Nẵng đã gặp những phản ứng quyết liệt của đa số người Việt với đủ thành phần xã hội.
Có thể khẳng định trên không gian mạng và báo chí chính thống ý kiến ủng hộ việc Đà Nẵng đặt tên đường là tuyệt đại đa số.
Lý do quá rõ.
1.

- Cha F. Pina người Bồ Đào Nha từ năm 1617 đã nghĩ ra công thức dùng khuôn nhạc và 6 dấu (huyền, hỏi, sắc, nặng, ngã, không) trong đó sáng tạo thêm dấu hỏi và dấu nặng mà hầu như không có ngôn ngữ nào trên thế giới có để phiên âm chính xác âm Việt và hồn của tiếng Việt ra chữ viết theo hệ La Tinh.
Tại Lisbon Bồ Đào Nha còn lưu giữ các tư liệu chứng minh sự thật này. (Nhà thơ Hoàng Hưng, phó gs ngôn ngữ Hoàng Dũng cùng nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ và người viết bài này đã trực tiếp được xem tư liệu này).
- Cha Gaspar de Amaral học trò học tiếng Việt của cha Pina có công soạn cuốn từ điển Việt- Bồ.

- Cha Antonio Barbosa một học trò tiếng Việt khác của cha Pina có công soạn từ điển Bồ- Việt.
- Cha A.Rhodes cũng là người được cha Pina dậy tiếng Việt có công lớn khi tổng hợp các thành tựu của các cha Pina, Amaral, Barbosa soạn thành bộ từ điển Việt- Bồ-La hoàn chỉnh chính thức in và công bố cho thế giới biết vào năm 1651 tại Roma, Ý.
Bên cạnh đó lịch sử cũng phải ghi công rất nhiều người Việt đã hỗ trợ tích cực cho các cha thực hiện việc sáng tạo chữ Việt mà chúng ta gọi là chữ Quốc ngữ ngày nay.
2.

Trước khi có chữ Việt dân tộc ta dùng chữ Hán và chữ Nôm.
Chữ Hán là tiếng Hán.
Chữ Nôm tuy là tiếng Việt do Hàn Thuyên sáng tạo nên nhưng chữ vẫn lấy gốc chữ Hán mà chỉ cải tiến đơn giản hơn.
Chữ Việt mà các cha sáng tạo là loại chữ phiên âm tiếng Việt duy nhất dễ học, dễ viết và tách biệt chữ Hán.
Tiếng Việt là tiếng của Tổ tiên Việt, là Hồn Việt, là Văn hoá Việt, là cuộc sống thuần Việt. Khác hoàn toàn tiếng Hán. Vậy thì công lao của các cha Pina, Amaral, Barbosa, Rhodes là công lao trời bể.
Tiếng Việt cùng chữ Việt được như ngày nay đương nhiên còn nhờ công lao vô cùng to lớn của các nhà văn hoá Việt và chính người Dân Việt nói tiếng Việt, viết chữ Việt không ngừng nghỉ, làm trong sáng, làm phong phú và sáng tạo nên – hoàn chỉnh thêm.
3.

Các ý kiến cho rằng mục đích các cha sáng tạo nên chữ Việt chỉ để phục vụ cho việc truyền đạo chứ không vì Dân tộc Việt.
Ý kiến này bị đa số ý kiến trên mạng và trên báo chính thống bác bỏ vì nó chia rẽ sự đoàn kết Dân tộc.
Cách đây hơn 2000 năm VN đã xuất hiện các nhà sư từ Ấn Độ đến truyền đạo Phật. Vậy thì cách đây hơn 400 năm VN xuất hiện các giáo sĩ từ Bồ Đào Nha, từ Pháp đến truyền đạo Thiên Chúa có gì sai? Có gì chống lại Dân tộc?
Chả lẽ đạo Phật, Nho giáo là tốt còn đạo Thiên Chúa là phản động, phản Dân tộc?
Nếu xấu tại sao hầu hết các nước Dân chủ, Văn minh và cả tỷ người trên thế giới lại tin và tôn thờ?
Nếu xấu tại sao VN hiện có hàng triệu bà con công giáo kính Chúa yêu nước, đồng hành cùng Dân tộc lại tin và tôn thờ?
Nếu xấu thì vì sao Thiên Chúa giáo lại được Nhà nước VN tôn trọng và gắn kết?
Vì vậy việc các cha do việc truyền đạo đi chăng nữa mà sáng tạo chữ Việt cũng là việc cần được tôn trọng. Đó là chưa kể đạo Thiên Chúa đã góp phần không nhỏ giúp nước Việt được khai sáng thêm, được tiếp nhận các giá trị văn hoá phương Tây hơn.
4.

Có ý kiến gay gắt phê phán cha A.Rhodes trong khi truyền đạo đã phỉ báng đạo Phật, Khổng Tử, Nho giáo.
Cứ giả sử có sự cực đoan vậy và giả sử việc bài các tôn giáo khác là có thật thì cân nhắc giữa công và tội của cha A.Rhodes chúng ta không khó để thấy công của cha là trời bể.
Đồng thời để công bằng thì chúng ta thấy trên nhiều đường phố khắp VN mang tên nhiều nhân vật lịch sử hiện đại của VN đã chủ mưu và trực tiếp ra lệnh phá huỷ rất nhiều chùa chiền, đình, đền thờ của Dân tộc quy kết là văn hoá mê tín, phong kiến lạc hậu. Tại sao họ vẫn được đặt tên đại lộ, đường phố lớn?
5.

Có ý kiến các cha đã kết nối rước thực dân Pháp xâm lược VN vì vậy các cha là tội đồ của Dân tộc VN.
Các cha sáng tạo nên chữ Việt và truyền đạo Thiên Chúa vào VN từ năm 1617- 1645. Hơn 200 năm sau 1858 người Pháp mới đổ quân vào Sơn Trà Đà Nẵng chính thức xâm lược VN.
Sao lại có thể có sự liên kết quy chụp qua hai thế kỷ như vậy được?
Kết luận:
Đã đến lúc nhà nước VN phải "uống nước ơn kẻ đào giếng" cùng lúc tôn vinh các cha Pina, Amaral, Barbosa, Rhodes .
Hoan nghênh tỉnh Quảng Nam đang xúc tiến làm Không gian Văn hoá ghi ơn và tôn vinh các cha và những người có công sáng tạo và làm đẹp tiếng Việt và chữ Việt.
Hoan nghênh Đại học Duy Tân của Đà Nẵng đã thành lập Viện Tôn vinh chữ Quốc ngữ để góp phần giáo dục thế hệ trẻ về bảo vệ tiếng Việt, chữ Việt.
Hoan nghênh các nhà ngôn ngữ, sử học Đà Nẵng và Sài Gòn tổ chức các Hội thảo về chữ Quốc ngữ trong tháng 12.2019 nhân kỷ niệm 100 năm vua Khải Định ra chiếu dụ chính thức bỏ dùng chữ Hán mà dùng chứ Việt trong các kỳ thi.
Để biết thêm về việc SG giữ tên đường A. Rhodes tại Trung tâm SG, xin bạn đọc nghe nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng kể:
"Hồi ông Võ Văn Kiệt còn đương chức, ông có chuyến thăm chính thức nước Pháp. Ngoài các chương trình làm việc với phía Pháp, ông có đến thăm Đại sứ quán Việt Nam ở Paris. Tại đây, ông được thông báo là Đại sứ quán có sắp xếp một cuộc gặp mặt giữa ông với ông Hoàng Xuân Hãn – một học giả người Việt sinh sống ở Pháp đã mấy chục năm – tại trụ sở Đại sứ quán.
Ông Kiệt hỏi những người tổ chức cuộc gặp: “Hoàng Xuân Hãn là ai?”. Sau khi được giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của học giả Hoàng Xuân Hãn: Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Chính phủ Trần Trọng Kim, người đã tổ chức biên tập và chuyển ngữ gần như toàn bộ sách giáo khoa từ thời Pháp thuộc sang Việt ngữ.
Sau 1954, chính phủ VNCH tiếp tục bổ sung và sử dụng bộ sách này. Ông Hoàng Xuân Hãn là tác giả nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị. Ông Kiệt nói: “Vậy thì tôi sẽ đến thăm học giả Hoàng Xuân Hãn tại tư gia của ông ấy, chứ không phải là chúng ta mời ông ấy đến đây gặp tôi”.
Khi hội kiến tại tư thất ông Hãn, vị Học giả này đã trình bày với vị Lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam nhiều nội dung, về xây dựng đất nước, học thuật và thời cuộc. Sau cùng, học giả Hoàng Xuân Hãn đề nghị Việt Nam, nên đặt lại tên đường Alexandre de Rhodes, để ghi nhận công lao của vị giáo sĩ người Pháp này, trong việc phát triển và hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Ông Võ Văn Kiệt hứa sẽ thực hiện. Và ông đã thực hiện”.
L.T.V.
(*) Đầu đề do BVN thêm.

KHÔNG CÓ CHỮ QUỐC NGỮ THÌ KHÔNG CÓ ĐẢNG  CỘNG SẢN VIỆT NAM
Blog RFA 30-11-2019
Hình minh hoạ. Biển tên đường Alexandre De Rhodes ở TP. Hồ Chí Minh
Hình minh hoạ. Biển tên đường Alexandre De Rhodes ở TP. Hồ Chí Minh
Nền chính trị hậu phong kiến và tiền Cộng sản hay Cộng sản sơ khai Việt Nam, nếu nhìn trên khía cạnh lãnh tụ thì đương nhiên, Hồ Chí Minh là người khởi xướng, là cha già của Đảng. Nhưng nếu nhìn trên dòng chảy văn hóa và những run rủi lịch sử, huông đúc chính trị thì lại khác, và có vẻ như nó hoàn toàn nhờ vào chữ quốc ngữ. Hay nói cách khác, nói các Cha Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes là ông tổ của chế độ Cộng sản Việt Nam cũng không ngoa!
Bởi Tư Bản Luận viết ra bằng tiếng Đức, hệ ngôn ngữ La Tinh, các văn kiện đại hội đảng Cộng sản và các cuộc họp sơ khai của chủ nghĩa Cộng sản đều dùng các thứ tiếng thuộc hệ La Tinh. Nếu cậu thanh niên Nguyễn Sinh Cung không biết chữ quốc ngữ thì không thể học trường Tây và càng không thể học được tiếng Pháp, chắc chắn lựa chọn tìm đường cứu nước phải là Trung Quốc hoặc một quốc gia phương Đông nào đó để hoạt động. Và trên khía cạnh này, ngay cả Trung Hoa, nếu không có các giáo sĩ phương Tây dạy chữ Tây thì Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch hay Mao Trạch Đông cũng chẳng có hi vọng biết Cộng sản là gì. Bởi chủ nghĩa Cộng sản sinh ra ở phương Tây, trong lòng các quốc gia thuộc hệ ngôn ngữ La Tinh. Và không ai ngoài các giáo sĩ phương Tây, dù muốn hay không muốn thì họ vẫn một phần lớn gián tiếp tạo ra chế độ Cộng sản ở phương Đông.
Hình minh hoạ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập bằng chữ quốc ngữ ở Hà Nội hôm 2/9/1945
Hình minh hoạ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập bằng chữ quốc ngữ ở Hà Nội hôm 2/9/1945 AFP
Việt Nam càng không ngoại lệ, nếu không muốn nói là chữ quốc ngữ đã khai sinh ra đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi nếu không có chữ quốc ngữ thì Nguyễn Tất Thành có biết viết chữ Việt? Có nghĩ đến chuyện sang Pháp để tìm đường cứu nước? Và khi gặp các nhà hoạt động tại Pháp, các vị trong nhóm Ái Quốc đã dùng chữ gì, hệ ngôn ngữ nào để viết luận cương, để đánh động quốc tế Cộng sản? Hơn nữa, nếu chỉ biết chữ Tàu thì liệu các vị ái quốc trên có cơ hội nào để tiếp cận các tư tưởng phương Tây để nói đến chuyện Canh Tân, Tân Dân, Ái Quốc… và khi viết Đường Kách Mệnh, Hồ Chí Minh đã viết bằng chữ gì? Tiếng gì nếu không phải là chữ quốc ngữ?!
Đó là chưa muốn nói đến hàng triệu các văn bản sau này của người Cộng sản, cũng như hàng trăm văn kiện liên quan đến các hiệp ước, hiệp định, tạm ước, công hàm… Nếu các vị chỉ rành chữ Hán mà không biết gì đến tiếng Pháp và chữ quốc ngữ thì câu chuyện sẽ đi đến đâu? Hay chỉ quanh quẩn trong ao nhà, rồi cuối cùng cũng lụi tàn như những cuộc nổi dậy của nông dân chân lấm tay bùn? Chính khoa học và tầm nhìn lớn rộng đã mở ra chân trời tương lai của Việt Nam nói chung và của người Cộng sản nói riêng. Mà để tiếp cân được khoa học, chữ quốc ngữ đóng vai trò tiên quyết và hết sức lớn lao, mang tính quyết định sống còn.
Đương nhiên, câu chuyện không thể dừng ở chỗ chữ quốc ngữ đã sản sinh ra chế độ Cộng sản Việt Nam hoặc chữ quốc ngữ là cái nôi/đôi cánh của các nhà cách mạng Việt Nam buổi sơ khai. Mà vấn đề nằm ở chỗ dòng chảy văn hóa Việt đang chảy về đâu và những lựa chọn cực đoan bấy lâu nay đến bao giờ mới được đoạn tuyệt?
Hiện tại, câu chuyện đặt tên hai con đường nho nhỏ ở thành phố Đà Nẵng là đường Alexandre de Rhodes và đường Francisco de Pina làm dậy sóng trong giới học thuật và giới nghiên cứu sử tại Việt Nam. Một câu chuyện hoàn toàn không đáng có và hết sức vô bổ đối với một nền văn hóa. Bởi nói một cách nghiêm túc, đây là chuyện đương nhiên, không có gì để bàn cãi thêm, nó là một bổ sung văn hóa và là bổ khuyết nhân tâm cho bất kì chế độ chính trị nào nắm được cơ hội từ nó. Bên cạnh đó, vấn đề công nhận các giá trị văn hóa chạm ngưỡng phổ quát là hết sức quan trọng đối với một nền chính trị. Trong khi đó, hai vị Cha khai sinh chữ quốc ngữ là những người có công tạo ra công cụ, phương tiện để dân tộc Việt có cơ hội tiếp cận văn hóa thế giới theo cách thế phổ quát. Hay nói cách khác, họ là cha đẻ của ông cụ văn hóa phổ quát.
Nền chính trị Cộng sản từ chỗ sơ khai chuyển sang lộn xộn sau khi thống nhất đất nước và hiện nay là ổn định một cách phì đại trên toàn cõi Việt Nam, sự phì đại trên nhiều phương diện nhưng lại dựa trên nền tảng vô thần và độc đảng, độc tôn nên chắc chắn nó phải méo mó trong định dạng của nhân loai. Đặc biệt, về văn hóa, nền chính trị Cộng sản bị mất gốc, đánh mất nguồn cội, đây là một khiếm khuyết khiến cho nó trở nên vong thân trong tiến trình phát triển nhân loại. Và chỉ có một cuộc bổ khuyết văn hóa có tầm vóc mới có thể cứu vớt điều này.
Nhưng để bổ khuyết, vấn đề con người, đội ngũ đóng vai trò tiên quyết. Điều này phát sinh mâu thuẫn bởi một nhóm cán bộ văn hóa Cộng sản thủ cựu, vốn quen với sắc lệnh, chụp mũ, đòn thù, gắt máu và lộng quyền, tuy họ số ít hơn so với nhóm cởi mở hoặc được chăng hay chớ nhưng họ lại là những người đấu tranh gay gắt, cực đoan và không chấp nhận khoan nhượng cho dù điều mình đưa ra là sai, lá bùa trí thức công thần thời tranh đấu sinh viên cộng với sự trà trộn tôn giáo của một số thầy chùa từng là nhà hoạt động cộng sản, từng là điệp vụ, gián điệp những năm trước 1975 càng khiến cho nhóm này mang hơi hướm của các bóng đen chính trị, bàn tay vô hình…. Và đương nhiên là họ bất chấp mọi thứ để đạt mục đích của nhóm. Sở dĩ có tình trạng này bởi thói quen đấu tố, giết tróc, trừng phạt, thậm chí sát phạt và thủ tiêu ngay cả đồng đội khi lý tưởng Cộng sản của người anh em, đồng đội khác cái nhìn của họ, Mậu Thân đẫm máu 1968 là một bằng chứng.
Đây cũng là nhóm chính đã đấu tranh và chống đối bằng mọi giá việc đặt tên đường hai vị Thánh Cha. Và luận điệu cũ được lặp đi lặp lại nhằm qui chụp tội đô hộ, thực dân hóa Việt Nam lên các giá trị văn hóa hiếm hoi và quí giá của phương Tây trên dải đất Việt Nam. Phủ nhận việc đặt tên đường cũng là một cách nhằm thể hiện sự tuân phục đối với thiên triều Trung Cộng và bên cạnh đó, họ sợ tiến bộ. Bởi họ lo sợ trước khuynh hướng coi trọng giá trị văn hóa phương Tây còn lưu giữ trên đất Việt ngày càng trở nên cấp thiết rất có thể lật tẩy họ trở thành tội đồ lịch sử. Và ngăn chặn, chống đối không đóng vai trò phản biện văn hóa, phản biện khoa học mà là một sự lấp liếm, dấm dúi và cố gắng níu kéo mối quan hệ văn hóa Trung Hoa. Nhưng ngay trong sự phản đối của họ cũng có sự mâu thuẫn, chuyện này ai cũng thấy, họ dùng chữ quốc ngữ để viết bài chống đối việc tôn vinh cha đẻ chữ quốc ngữ. Đó là một sự khôi hài!
Và, nói cho cùng, Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Nha Trang hay bất cứ thành phố nào trên đất nước này, tầm văn hóa, sự thông minh của giới lãnh đạo thành phố, đầu tiên sẽ được đánh giá qua các con đường mang tên và cả những con đường chưa mang tên. Bởi đó là lộ trình để dẫn vào một chiều kích sâu xa hơn khi cố gắng khám phá văn hóa, bề dày lịch sử, khoa học và cả đầu tư kinh tế hay đi du ngoạn! Hi vọng giới lãnh đạo Đà Nẵng đủ thông minh để không bị suy suyễn trước lời xàm tấu!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

ALEXANDRE DE RHODES VÀ SỰ TƯỞNG TƯỢNG VỀ 
LỊCH SỬ CẬN ĐẠI CỦA NỀN SỬ HỌC VIỆT NAM
KHÔI NGUYỄN/ BVN 1-12-2019
Khôi Nguyễn, Đại học Oregon
Tháng Mười một 27, 2019
Gần đây, thành phố Đà Nẵng muốn lấy tên Alexandre de Rhodes để đặt tên đường phố. Một số trí thức, trong đó có nhiều người giảng dạy lịch sử trong môi trường đại học, viết thư phản đối, cho rằng Alexandre de Rhodes là một nhà truyền giáo mang tư tưởng thực dân, là kẻ có tội với Việt Nam. Lá thư của họ khiến cho thành phố Đà Nẵng rút lại ý định.
Tuy vậy, những người phản đối ấy hoàn toàn dựa theo những niềm tin có tính tưởng tượng về Alexandre de Rhodes nói riêng và hình ảnh “Tây phương” nói chung, được kiến tạo từ trước 1975 ở miền Bắc.
Bài viết này nhắc lại một cách ngắn gọn những tưởng tượng về lịch sử ấy để gợi mở cho chúng ta suy nghĩ về sử học, giáo dục và chính trị đương đại.
Tưởng tượng về Alexandre de Rhodes
Năm 1971, Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, trong quyển “Lịch sử Việt Nam”, tập 1, trang 304, trích dẫn lời Alexandre de Rhodes thể hiện một âm mưu có tính thực dân của mình:
Alexandre de Rhodes Ảnh: Internet
“Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú”
Uỷ ban này chú thích rằng câu trích này được trích từ sách “Divers voyages et missions en Chine et autres royaumes de l’Orient” (Những cuộc hành trình và truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc khác ở phương Đông) của Alexandre de Rhodes, Paris, 1653, tr. 109-110.
Tuy vậy, người ta không thể tìm thấy câu nói ấy trong tài liệu nói trên.
Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam là một định chế nghiên cứu cấp quốc gia. Vị thế của nó bảo đảm cho uy tín học thuật của nó. Thành ra từ đó, người ta cứ trích dẫn và lan truyền niềm tin lệch lạc như vậy về Alexandre de Rhodes mà không cần kiểm tra lại. Từ lâu, những nhà nghiên cứu như Vương Đình Chữ (1996), Nguyễn Đình Đầu (2006) đã chỉ ra lỗi trích dẫn này của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Nhưng niềm tin ấy vẫn chưa mất. Lá thư phản đối đặt tên đường của nhóm “trí thức” nói trên là một ví dụ.
Cũng trong sách này, Alexandre de Rhodes nói đến việc xin nước Pháp cung cấp nhiều “soldats” để “chinh phục toàn cõi phương Đông, đem về quy phục Chúa Jesus”. Cao Huy Thuần coi từ “soldats” là “binh lính” quân sự, từ đó kết tội Alexandre de Rhodes mở đường cho thực dân xâm lược Việt Nam, dù nhà truyền giáo ấy chết trước cuộc xâm lược ấy đến hai trăm năm, còn Nguyễn Khắc Xuyên coi “soldats” không phải là “binh lính” theo nghĩa đen mà chỉ “chiến binh Phúc âm”, tức giáo sỹ truyền đạo. Số người hiểu theo cách hiểu của Cao Huy Thuần đông hơn hẳn cách hiểu của Nguyễn Khắc Xuyên, các cuộc tranh luận, đúng hơn là cãi vã, về nghĩa của từ “soldats” hầu như không đặt từ này trong toàn bộ văn bản của “Hành trình và truyền giáo” để xem tinh thần thực sự của khái niệm cũng như của sách này là gì, có liên quan đến việc đánh chiếm thuộc địa hay không. 
Trí tưởng tượng nói trên về Alexandre de Rhodes sở dĩ khó có thể nhạt phai vì nó nằm trong một tưởng tượng khác, lớn hơn, về lịch sử cận đại. Tưởng tượng về lịch sử cận đại này cũng do Uỷ Ban khoa học xã hội Việt Nam, từ tiền thân của nó là Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, xây dựng nên từ giữa thập niên 1950, sau khi Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam) lấy được miền Bắc.
Tưởng tượng về thế kỷ 19
Tôi có làm “phỏng vấn” nhỏ một số bậc thức giả, bao gồm cả những người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, một câu hỏi duy nhất: Trước thế kỷ 20, cuộc xâm lược cuối cùng của Trung Quốc đối với Việt Nam là cuộc xâm lược nào? Trong sự kiện ấy, ai là tổng chỉ huy của quân đội Trung Quốc? Ai là người đánh bại đội quân xâm lược đó?
Hầu hết người được hỏi đều trả lời: Đó là cuộc xâm lược của Mãn Thanh thời Hoàng đế Càn Long vào năm 1789, chỉ huy đội quân xâm lược là Tôn Sỹ Nghị, người đánh bại đội quân xâm lược đó là Hoàng đế Quang Trung.
Chỉ có một học giả duy nhất trả lời đúng: Cuộc xâm lược cuối cùng là vào thế kỷ 19, thời Từ Hy thái hậu của Mãn Thanh, chỉ huy đội quân xâm lược là Phùng Tử Tài, còn người đánh bại cuộc xâm lược đó của Trung Quốc là… thực dân Pháp.
Tại sao hầu hết những người am tường sách vở ở Việt Nam mà tôi có dịp được hỏi lại hoàn toàn không nhớ gì về cuộc xâm lược trong thế kỷ 19 này của Trung Quốc? Vì nó hoàn toàn bị xoá khỏi lịch sử. Nó không được dạy trong chương trình sử ở cả bậc đại học lẫn trung học.
Câu chuyện bị lãng quên: Nước Đại Nam trước hai “gọng kìm lịch sử” Pháp – Mãn Thanh
Cuối thế kỷ 19, Việt Nam đối diện với hai siêu cường, Pháp và Mãn Thanh, một bên đến từ phương Tây, mang theo nền văn minh của chủ nghĩa tư bản, một bên là thiên triều ngàn năm vẫn đang chìm đắm trong ảo giác mình là trung tâm của thế giới.
Ngay sau khi Pháp lấy Nam Kỳ, Mãn Thanh cũng lập kế hoạch đánh chiếm miền Bắc. Mãn Thanh quyết tâm đánh chiếm Bắc Kỳ vì Việt Nam đã suy yếu, nhằm bảo vệ mô hình thiên triều – chư hầu ngàn năm, còn Pháp quyết lấy nốt phần còn lại. Hai bên tất yếu bước vào một cuộc đụng đầu lịch sử, dần dần đi đến chỗ đánh nhau ác liệt ngay trên lãnh thổ Việt Nam, qua một loạt trận đánh như Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Tuyên Quang năm 1883.
Mãn Thanh đã quyết tâm đến mức dốc tổng lực đánh bại Pháp trên đất liền, chiếm toàn bộ vùng trung du phía Bắc, áp sát khu vực đồng bằng sông Hồng. Thủ tướng Pháp phải từ chức. Nhưng quân Pháp lật ngược thế cờ bằng cách mở ra chiến trường trên biển, đánh chiếm đảo Đài Loan và huỷ diệt Bắc Dương hạm đội của Mãn Thanh ở Phúc Châu.
Pháp – Thanh ký Hiệp ước Thiên Tân 1885 Ảnh: Internet
Mãn Thanh ban đầu thấy chỉ khả thi khi đặt mục tiêu giữ lại vùng Bắc Kỳ, nhưng khi phải ký vào Hiệp ước Thiên Tân 1885, Mãn Thanh buộc chấp nhận mất toàn bộ chư hầu Việt Nam.
Hiệp ước Thiên Tân 1885 giữa Pháp và Mãn Thanh đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử cho cả Mãn Thanh và Việt Nam.
Nếu như việc phải nhượng địa Hong Kong cho nước Anh chỉ khiến Mãn Thanh thức tỉnh về khả năng kỹ thuật của phương Tây nhưng vẫn giữ vững niềm tin vào hệ thống thiên triều – chư hầu, thì đến khi mất chư hầu Việt Nam vào tay Pháp, ý thức hệ và cấu trúc thiên triều – chư hầu của họ bị đánh tận gốc rễ. Việc Mãn Thanh không thể giữ Việt Nam trong cấu trúc thiên triều – chư hầu đã khiến Nhật Bản, lúc này đã trở thành một cường quốc, quyết định giành lấy một chư hầu khác của Mãn Thanh là Triều Tiên. Mãn Thanh tiếp tục mất Triều Tiên trong cuộc chiến Nhật Thanh 10 năm sau đó.
Từ đó, việc cấu trúc và ý thức hệ thiên triều – chư hầu bị sụp đổ toàn diện trong thế kỷ 19 trở thành một trong những nội dung chủ yếu của ý niệm “thế kỷ ô nhục” trong chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa hiện đại. 
Còn ở Việt Nam, do cuộc chiến Pháp – Thanh ảnh hưởng quá lớn đến số phận Việt Nam, nên dù xoá cuộc chiến này khỏi Sách giáo khoa sử cho học sinh phổ thông, ngày nay, các sử gia ở Hà Nội vẫn phải dạy học sinh về một số điều liên quan đến cuộc chiến ấy: đội quân Cờ Đen của tướng Mãn Thanh là Lưu Vĩnh Phúc và Hiệp ước Thiên Tân 1885.
Đó là sự kiện không thể không dạy. Quân đội Lưu Vĩnh Phúc của Mãn Thanh đã lập hai chiến công là giết hai chỉ huy của Pháp trong hai trận ở Cầu Giấy, còn Hiệp ước Pháp – Thanh 1885 thì mở ra trang sử mới của Việt Nam. Nhưng, nói về Lưu Vĩnh Phúc và Hiệp ước Pháp – Thanh mà lại không nói gì về cuộc chiến tranh quyết định quyền kiểm soát Việt Nam của hai nước Pháp – Thanh này, các sử gia của chúng ta đã cho học sinh phổ thông học một bức tranh lịch sử cận đại theo kiểu… Pháp xâm lược Việt Nam, rồi đột nhiên Mãn Thanh xuất hiện ký một hiệp ước quyết định số phận chúng ta.
Lưu Vĩnh Phúc vốn là quân Thái Bình Thiên Quốc, bị triều đình Mãn Thanh đánh bại, chạy sang Việt Nam làm thổ phỉ, gây ra vô số tội ác cho dân chúng. Triều đình Huế không thể đánh dẹp, phải nhờ Mãn Thanh đánh giúp. Khi triều đình Mãn Thanh cử quân đội vào Việt Nam để đụng đầu với Pháp, quân đội triều đình Mãn Thanh đã thâu nạp luôn đội quân thổ phỉ Lưu Vĩnh Phúc, ban cho phẩm hàm triều đình, thay vì tiêu diệt nó.
Sách giáo khoa sử lớp 7 hiện nay ở Việt Nam dùng khái niệm “quân ta” để gọi Lưu Vĩnh Phúc. Lối giáo dục này bắt đầu từ hơn 70 năm trước, khi sử gia Trần Văn Giàu và Trần Huy Liệu ở Hà Nội bắt đầu xây dựng bức tranh “lịch sử cận đại”. Lưu Vĩnh Phúc có tờ Hịch kêu gọi binh lính của mình đánh Pháp, trong đó, đoạn đầu tiên, ông nói rõ mục đích của cuộc chiến: Việt Nam là chư hầu của Mãn Thanh, nay Pháp sang chiếm mất chư hầu của ta, ta và Pháp là kẻ thù không đội trời chung.
Sử gia Trần Văn Giàu làm gì khi trích dẫn bài Hịch này vào bộ sử “Bắc kỳ kháng Pháp”? Ông cắt bỏ đoạn mở đầu thể hiện rõ ý thức hệ và mục đích chiến tranh của họ Lưu. Nhờ thế, sử gia họ Trần dễ dàng gắn huân chương “tình hữu nghị chiến đấu của hai dân tộc Việt Trung” cho Lưu Vĩnh Phúc.
Lịch sử của sự phân đôi phải / trái
Xoá bỏ cuộc xâm lược của Mãn Thanh và cuộc chiến Pháp Thanh vào thế kỷ 19, các sử gia miền Bắc xây dựng thế kỷ 19 theo mô hình phân đôi: một bên là thực dân Pháp xâm lược, nhà Nguyễn hèn nhát hàng giặc, một bên là “dân tộc” anh hùng kháng chiến chống ngoại xâm. Trên cái nền bức tranh phân đôi con người làm hai tuyến, bên trái là “xâm lược phương Tây” và bên phải là “nhân dân anh hùng”, người ta lần lượt điêu khắc các nhân vật lịch sử sao cho ăn khớp với bức tranh ấy: Alexandre de Rhodes dĩ nhiên thuộc bên trái bức tranh, phong trào văn thân (vốn không có ý niệm về lòng ái quốc mà chỉ chống người theo đạo Thiên chúa giáo để bảo vệ hệ thống phong kiến nơi họ có thể tìm thấy vị trí xã hội của mình) được xếp vào bên phải. 
Vẽ bức tranh thế kỷ 19 theo cách ấy, các sử gia của Viện Sử học ở Hà Nội từ thập niên 1950 dễ dàng tiếp tục vẽ bức tranh của giai đoạn tiếp theo như cách chúng ta thấy trong các giáo trình “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” ngày nay: “nhân dân” tuy anh hùng nhưng không có đường lối đấu tranh đúng đắn, liên tục thất bại cho đến khi Đảng Cộng sản ra đời, mang về Việt Nam vũ khí tối tân là con đường cách mạng vô sản. Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân vật trung tâm của bức tranh. Lịch sử quốc gia thế kỷ 20 được đồng nhất với lịch sử Đảng.
Cách học ấy bắt đầu từ giữa thập niên 1950, đến nay đã kéo dài khoảng 4 thế hệ.
Phục hồi ký ức?
Trần Trọng Kim, người cha của sử học hiện đại Việt Nam, 1883-1953
Cuộc chiến Pháp – Thanh và sự thất bại của Việt Nam khi bị kẹt giữa hai siêu cường ấy đã được sử gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam, Trần Trọng Kim, phân tích kỹ lưỡng trong “Việt Nam sử lược”, bộ sách giáo khoa lịch sử đầu tiên của nước Việt Nam, xuất bản vào 1919-1920. Cuốn sách đã bị cấm ở miền Bắc sau 1954 và toàn quốc sau 1975. Nếu chấp nhận phục hồi ký ức về cuộc xâm lược của Mãn Thanh và cuộc chiến Pháp Thanh thế kỷ 19, chúng ta sẽ phải chấp nhận bức tranh thế kỷ ấy như người cha của nền sử học Việt Nam đã khắc họa một cách khách quan: Đó là thế kỷ mà Việt Nam bị mắc kẹt vào hai gọng kìm Pháp – Thanh, bị giằng xé giữa hai mô hình “chư hầu của thiên triều phương Bắc” và “thuộc địa của thực dân phương Tây”, bị buộc phải lựa chọn giữa hai con đường “Tây phương hoá” hay “tiếp tục nằm trong vòng ảnh hưởng của vùng văn hoá chữ Hán”.
Điều đó có nghĩa là bức tranh lịch sử từ đầu thế kỷ 20 cũng cần được vẽ lại toàn bộ. Trong bức tranh này, vị trí của các lực lựợng chính trị, các phong trào xã hội, các vấn đề thuộc phạm vi tinh thần như lịch sử tư tưởng, văn hoá, văn học nghệ thuật… cũng sẽ được tái định vị một cách căn bản.
Năm 1987, sử gia Nhật Bản  Tsuboi Yoshiharu xuất bản “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa”, phân tích thế kỷ 19, trọng tâm là thời Tự Đức, như là thời đại Việt Nam mắc kẹt giữa hai siêu cường. Cuốn sách được các học giả Nguyễn Đình Đầu, Bùi Trân Phượng, Tăng Văn Hỷ, Vũ Văn Kính dịch ra tiếng Việt và Trần Văn Giàu là người viết lời giới thiệu. Trần Văn Giàu đã đánh giá cách tiếp cận của Tsuboi là “mới mẻ” mà “quên” mất rằng, cách hiểu ấy về thế kỷ 19 đã ra đời ngay từ đầu thế kỷ 20, trước sử gia Nhật Bản ấy đến bảy thập niên, trong “Việt Nam sử lược”, cuốn sách mà chính các sử gia kiêm chính trị gia ở Hà Nội đã cấm đoán từ thập niên 1950 để độc quyền một cách kể chuyện lịch sử duy nhất.
Nhận thức về lịch sử (trả lời câu hỏi “chúng ta đến đây từ đâu và như thế nào?”) và lựa chọn chính trị (trả lời câu hỏi “chúng ta làm gì bây giờ?”) chỉ là hai mặt của một tờ giấy. Hiểu theo cách đó, như ta thấy qua câu chuyện phản đối đặt tên đường cho Alexandre de Rhodes nói trên, những lựa chọn của người Việt Nam hôm nay vẫn chìm đắm trong một màn sương mù của tư duy được đình hình từ giữa thế kỷ trước bởi Ban nghiên cứu Văn Sử Địa.
Lãng quên bài học thất bại khi đối diện yêu cầu lịch sử phải lựa chọn giữa Pháp – Thanh với tư cách là hai mô hình,hai thế giới, Việt Nam ngày nay tiếp tục đối diện câu hỏi ấy một lần nữa.
K.N.

CHỮ QUỐC NGỮ VÀ 12 'TÔNG ĐỒ' CỦA PHI NHÂN, 
PHẢN KHOA HỌC
TRÂN VĂN/ BVN 1-12-2019

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
Bão lại nổi lên trên mạng xã hội sau khi thành phố Đà Nẵng thông báo, chưa lấy tên hai linh mục Công giáo là Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở thành phố này.
Đà Nẵng dự tính dùng tên hai linh mục vừa kể đặt cho một vài con đường vì trước nay, hai ông vẫn được xem như những người tiêu biểu trong việc giúp người Việt chuyển đổi chữ viết từ hệ thống ký tự tượng hình sang hệ thống ký tự La tinh (chữ quốc ngữ).
Tuy nhiên dự tính đó đã bị 12 cá nhân mang những học hàm như Phó Giáo sư, những học vị như Tiến sĩ hoặc vẫn được gọi là “nhà nghiên cứu” về lịch sử, văn hóa phản đối kịch liệt, tất cả lập luận bài bác đều có màu sắc chính trị. Ví dụ: Alexandre de Rhodes là tội phạm. Chữ quốc ngữ là công cụ xâm lăng. Chữ quốc ngữ là cách thực dân khiến người Việt phải ghi ơn mẫu quốc vì có công khai phá. Phải xem Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes có xứng tầm để hậu thế noi theo hay không?..
Đó cũng là lý do chính quyền thành phố Đà Nẵng phải tạm dừng ý định dùng Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes làm tên cho hai con đường ở thành phố này. Cứ như tự sự của ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng thì quyết định tạm dừng không phải do lập luận của những người bài bác hữu lý. Ông Hùng nhắc nhở, không phải tự nhiên mà tiền nhân, giới sĩ phu yêu nước thúc giục truyền bá chữ quốc ngữ, xem đó là yêu nước (1)…
Dẫu nhận thức như thế song các viên chức hữu trách ở Đà Nẵng vẫn không vượt qua được sự ngán ngại về những rắc rối chính trị theo sau kiểu mà họ gọi là “bỏ bóng đá người” – đem “quan điểm, lập trường” cột vào cổ Pina và de Rhodes!
*
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đã giúp Việt Nam trở thành một trong số rất ít quốc gia ở châu Á có hệ thống ký tự La tinh, nhờ vậy người Việt dễ học đọc, viết, tiếp cận các ngôn ngữ khác ở phương Tây hơn.
Tuy thù hận Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes và được xem như những nhân vật có thứ hạng trong nghiên cứu văn hóa và lịch sử nhưng 12 người tiên phong trong việc chống ghi công Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes lại chỉ rành… chữ quốc ngữ. Vốn liếng của họ về Hán Nôm – một trong những công cụ hữu dụng để nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam, nâng cao tri thức và hiểu biết cả về tiền nhân lẫn tự hào dân tộc, có lẽ chỉ gói gọn trong phạm vi phân biệt “tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt”!
Đó cũng là lý do có những facebooker như Hoàng Linh gọi 12 nhân vật này là “12 tông đồ”. Dùng kiểu tư duy đó, Hoàng Linh đề nghị nghiên cứu xem “Kênh Nước Đen” – tên một con đường ở TP.HCM có… làm gì cho chế độ cũ hay không? Gia đình có ai… định cư ở nước ngoài không? Vợ có phải là… “Kênh Tàu Hũ” không? “Kênh Nhiêu Lộc” có phải con không, tại sao không khai trong lý lịch?.. Chưa làm rõ thì không nên dùng để đặt tên đường và cần làm rõ ý đồ chính trị, tôn giáo của người đã chọn tên ông… “Kênh Nước Đen” (2)!
Cũng dùng kiểu tư duy đó – xem chữ quốc ngữ như một công cụ xâm lăng, Nguyễn Thiện đề nghị đập bỏ Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vì nơi này vốn là Phủ Toàn quyền Đông Dương, trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao vì đó từng là nơi thực dân xét xử nhân dân ta, chính quyền các tỉnh, thành phố cần đập bỏ tất cả những công trình kiến trúc mà thực dân Pháp xây dựng vì tất cả các công trình này đều đã từng được sử dụng để thống trị nước ta, đàn áp nhân dân ta (3)!
Hoàng Mạnh Hà thì đề nghị xem lại tư cách “nghiên cứu” của 12 cá nhân phản đối dùng Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở thành phố này. Chuyện Alexandre de Rhodes không phải là “ông tổ” của “chữ quốc ngữ” đã được xác định cách nay năm, sáu thập niên. Sở dĩ giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử đề cao vai trò của Alexandre de Rhodes vì ông có công xuất bản hai cuốn sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ (Tự điển Việt – Bồ – La và Phép giảng tám ngày), như “giấy khai sinh” cho chữ quốc ngữ.
Hà cho rằng, tới giờ mà còn viện dẫn “Alexandre de Rhodes không phải người tạo ra chữ quốc ngữ” như một “kết quả nghiên cứu” thì phải nghi ngờ về tư cách, khả năng “nghiên cứu”. Tương tự, Alexandre de Rhodes tới Đà Nẵng từ tháng 12 năm 1624 và 234 năm sau (tháng 9 năm 1858), thực dân Pháp mới nổ súng xâm lược. Qui kết Alexandre de Rhodes “âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp xâm lược nước ta” là một suy diễn hàm hồ, phản khoa học. không ai làm công việc “nghiên cứu” lại hồ đồ như thế (4)…
***
Ai cũng biết khoa học bao gồm nhiều lĩnh vực: Tự nhiên, kỹ thuật, xã hội và nhân văn. Tại Việt Nam, nhiều ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tuột từ từ xuống đáy và dù liên tục được cảnh báo nhưng vẫn đi xuống, không có điểm dừng.
Vì sao học – nghiên cứu về tương quan giữa con người với xã hội (triết học, tôn giáo, văn chương, ngôn ngữ, tâm lý, chính trị, xã hội, truyền thông, giáo dục, kinh tế, nghệ thuật, lịch sử, địa lý, lưu trữ,…) tại Việt Nam lại trở thành lệch lạc và thảm hại đến như vậy?
Vì sao chỉ có ngôn ngữ, kinh tế, truyền thông thu hút được nhân lực? Vì sao giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn không đủ tầm để nhận diện các hiện tượng, lý giải, dự báo, khuyến cáo để bảo đảm Việt Nam có thể phát triển lành mạnh, tăng trưởng trong ổn định?
Lập luận của 12 nhân vật ký tên vào thư ngỏ gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng, kiến nghị không dùng Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đặt tên cho hai con đường ở thành phố này chính là phác họa chân dung của rất nhiều cá nhân đã cũng như đang hoạt động trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam.
Những “tông đồ” của u mê, thiển cận ấy không chỉ làm tổn thương những người thật sự dành thời gian, trí lực, sức lực cho việc nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, 12 “tông đồ” còn cho thấy, kinh tế – văn hóa – xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với vô số vấn nạn khó lường cả về tính chất lẫn mức độ và khó mà tìm ra lối thoát vì các “tông đồ” vẫn là những nhân vật có… “thế giá”, vẫn chi phối toàn bộ hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam.
Thư ngỏ gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng của 12 cá nhân là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử, kiến nghị không dùng Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đặt tên cho hai con đường ở thành phố này, chính là bia tưởng niệm cho khoa học chân chính vốn đã bị khai tử từ lâu!
T.V.
______
Chú thích:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét