Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

20191228. BÀN VỀ LỖ HỔNG PHÁP LÝ XỬ VỤ AVG

ĐIỂM BÁO MẠNG

LUẬT PHÁP VÀ CÔNG LÝ KHÔNG PHẢI LÀ THỨ ĐỂ ĐỔI CHÁC
FB NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 26-12-2019

1. Một vụ bán – mua cần hai đối tác chính là người bán và kẻ mua. Trong vụ AVG phải khẳng định ông Phạm Nhật Vũ là người chủ động chào bán trước. AVG bị thua lỗ và ông Phạm Nhật Vũ cần phải bán. Nên ông Vũ phải rao bán và tìm người mua. Nếu ông Vũ không chào bán thì MobiFone không biết AVG. Nếu ông Vũ không bán thì MobiFone không thể mua AVG. Bởi thế, tội của người chủ động bán là tội của kẻ chủ mưu đầu tiên. Tội của người mua là tội của kẻ đồng lõa thứ 2. Đó là 2 người chơi chính trong thương vụ bán – mua AVG.
MobiFone là người mua AVG. Nhưng MobiFone chỉ được mua AVG khi ông Nguyễn Bắc Son cho phép. Nên trong vụ AVG thì Mobione và ông Nguyễn Bắc Son là người mua. Lãnh đạo MobiFone và lãnh đạo Bộ 4T chịu tội của người mua – người chơi chính thứ 2 – mà thiếu người mua thì không có vụ án AVG. Phía người mua còn có một người nắm cái khác, đó là Chính phủ và các “trợ lý” là Bộ Kế hoạch & Đầu Tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an – tất cả các phía liên quan đến việc cho phép Bộ 4T mua AVG. Họ đều thuộc phía người mua. Như vậy người mua trong vụ AVG gồm 3 mắt xích: MobiFone, Bộ 4T, Chính phủ. Mặc dù MobiFone là người trực tiếp mua, nhưng quyết định mua lại nằm ở Chính phủ rồi mới đến Bộ 4T và sau cùng mới là MobiFone.
2. Trong vụ án AVG có một người chơi phụ. Đó là người môi giới trung gian. Có nhiều khả năng đây là người đạo diễn – dẫn thương vụ AVG đi đến quy mô tội phạm to lớn. Nhưng người môi giới chỉ có thể tìm khách hàng và dàn dựng thương vụ sau khi biết ông Vũ rao bán AVG. Người môi giới cũng chỉ góp phần dàn dựng chỉ khi họ tìm được người chơi chính thứ 2 là người mua – MobiFone và Bộ 4T. Người môi giới có thể dàn đựng được chỉ trong trường hợp cả ông Vũ lẫn MobiFone và Bộ 4T đồng tình. Nếu người bán và kẻ mua không đồng ý, thì người môi giới không thể hành động. Vì thế, vai trò của người môi giới có thể là tổng đạo diễn, nhưng tiếc thay, không vượt quá vai trò của người bán và kẻ mua.
Điều đặc biệt của vụ AVG là trong vai người đạo diễn có người mua, trong vai người mua có người môi giới, trong vai người môi giới có người mua, nên vai trò đạo diễn của người môi giới rất lớn. Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy giá thành AVG lên cao, và đây cũng là cánh cửa bịt đường lần ra dấu vết cuối.
3. Vụ AVG là một thương vụ được dàn dựng mưu toan cướp không 7.000 tỷ đồng tiền của nhà nước. Tội lớn nhất là của 2 người chơi chính – kẻ bán và người mua. Sau mới đến tội của người môi giới. Muốn trị tội kẻ môi giới thì phải chứng minh được đó chính là kẻ chủ mưu mua trá hình.
4. Theo lời khai thì ông Phạm Nhật Vũ đã đưa cho phía người mua bao gồm ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD. Tổng số tiền ước tính 136 tỷ đồng. Như vậy, theo số liệu công khai được biết thì ông Phạm Nhật Vũ sẽ chiếm đoạt một số tiền khổng lồ khoảng 6.800 tỷ đồng khi thương vụ trót lọt.
Nhưng ông Vũ còn phải đưa cho các đại diện khác nữa của phía người mua. Và đặc biệt ông Vũ còn phải chi trả cho người môi giới. Cả 2 khoản đó là bao nhiêu?
Để hoàn trả lại và giải quyết vụ AVG với mục đích tạo cớ để giảm tối đa tội trạng, ông Phạm Nhật Vũ đã trả cả lãi và các chi phí phát sinh. Khoản này là 329 tỷ đồng. Cộng với số tiền đã đưa 136 tỷ đồng – nhìn thấy được ông Phạm Nhật Vũ đã chi ngoài hợp đồng tối thiểu 465 tỷ đồng. Theo người vợ nước ngoài của ông Phạm Nhật Vũ cho biết thì gia đình còn khoản nợ khoảng 1.000 tỷ đồng. Từ đó có thể giả thiết rằng, ngoài khoản 465 tỷ thì ông Vũ đã phải chi trả thêm cho người môi giới và phe người mua chưa nêu danh – khoảng 500 tỷ đồng nữa. Như vậy, ông Vũ đã thu về lợi nhuận ròng khoảng 6.000 tỷ đồng từ thương vụ AVG sau khi MobiFone chuyển tiền.
Một dự báo khác là ông Phạm Nhật Vũ phải chi cho kẻ môi giới và các đại diện khác của phía mua nhiều hơn 1.000 tỷ đồng. Vì kẻ đạo diễn biết giá trị thực của AVG nên sẽ mặc cả ăn chia. Vậy số đó là bao nhiêu?
Cho một dự báo cận trên rộng rãi. Đó là trường hợp ông Phạm Nhật Vũ phải chi đến 50% tiền lời cho phía mua và kẻ môi giới. Lúc đó ông Vũ phải chi 3.500 tỷ đồng và ông đút túi 3 500 tỷ đồng.
5. Ông Nguyễn Bắc Son dẫu giữ vai trò chỉ đạo trong vụ AVG thì ông cũng không thể hành động khi Chính Phủ không cho chủ trương. Chính phủ không đồng ý chủ trương thì Bộ Kế hoach & Đầu tư, Bộ tài chính, Bộ công An không thể đồng ý cho Bộ 4T mua AVG. Cho nên ông Nguyễn Bắc Son chỉ hành động khi nhận được thông báo đồng ý về chủ trương mua MobiFone từ Chính phủ. Không loại trừ, ông Nguyễn Bắc Son đã nhận được cái gật đầu trực tiếp, hay là “khẩu dụ”.
Ông Nguyễn Bắc Son dẫu chỉ đạo quyết liệt cũng khó thực thi nếu MobiFone cương quyết phản đối. MobiFone có thể sợ bộ trưởng mà phải mua AVG. Nhưng MibiFone có thể khăng khăng phản bác giá trị nâng khống đến 5 lần – thành ra con số khổng lồ 8.900 tỷ đồng (theo một số chuyên gia đánh giá, thì giá trị của AVG chỉ khoảng 500 tỷ đồng, và trong trường hợp đó, giá đã được nâng khống lên 18 lần). Chắc chắn ông Nguyễn Bắc Son biết là giá được nâng cao hơn giá thực. Nhưng ông Son không có chuyên môn nên ông không thể ngờ rằng giá đã được nâng khống lên đến 5 lần. Nếu biết nâng khống đến 7.000 tỷ – thì ông Son đã run tay.
Ở mặt khác, dẫu ông Son không biết giá, nhưng ông Son lại biết chia, cho nên nếu ông Son biết nâng khống đến 7.000 tỷ đồng thì dứt khoát ông Son không thể bằng lòng với 3 triệu đô la tiền chia chác.
Nêu ra điều này không phải để gỡ tội cho ông Nguyễn Bắc Son. Mà để thấy xuyên suốt một sự đồng ý nhất quán từ trên xuống dưới. Chính phủ đã đóng vai trò quyết định mở nút. MobiFone đã đóng vai trò của người thực thi tích cực như một người mua chủ mưu. Ông Nguyễn Bắc Son chỉ là một khâu chính trong 3 khâu của phía người mua: Chính phủ – Bộ 4T – MobiFone. Từ đó tội ông Son chỉ nằm ở khoảng 1/3 tội của người mua chủ mưu.
6. Ông Nguyễn Bắc Son nhận được 70 tỷ đồng, trong khi ông Phạm Nhật Vũ có tối thiểu 3 500 tỷ đồng (có khả năng đến 6.000 tỷ đồng). Ông Phạm Nhật Vũ đảm nhiệm vai trò trọn bộ của người bán chủ mưu. Còn ông Nguyễn Bắc Son chỉ giữ khoảng 1/3 vai trò người mua chủ mưu. Từ 2 nhân tố đó suy ra tội ông Phạm Nhật Vũ lớn hơn nhiều so với tội ông Nguyễn Bắc Son.
Có thể cả ông Vũ lẫn ông Son còn thấy kẻ tội phạm lớn nhất mà chưa bị trừng trị. Cả 2 ông cay đắng khi mình là kẻ chủ mưu nhưng kết cục lại là nạn nhân của một kẻ chủ mưu khác lớn hơn. Cả ông Son lẫn ông Vũ đã từng khuynh đảo được pháp luật, và cả 2 hiểu rằng kẻ chủ mưu lớn không thể bị kết tội chính là do pháp luật bị khuynh đảo, như các ông đã từng khuynh đảo.
Vụ AVG là một cuộc chơi được dàn dựng để cướp đoạt tiền bạc của nhà nước ở phạm vi kinh hoàng – ngoài trí tưởng tượng của kẻ mua người bán thông thường. Đó là một cuộc cướp đoạt để chia chác vô lương tâm. Đưa hối lộ và nhận hối lộ chỉ là một thành tố của cuộc chơi này. Đó chỉ là một tác nghiệp của cuộc chia chác nhiều tác nghiệp. Luận tội đưa hối lộ, nhận hội lộ như thế nào đi nữa thì rốt cục cũng nhỏ hơn tội chủ ý cướp đoạt để chia chác của toàn cuộc chơi. Nói cách khác, tội hối lộ và nhận hối lộ không phải là tội chính, cũng không phải là tội lớn nhất trong vụ AVG.
7. Ông Nguyễn Bắc Son không oan với tội mà Tòa đang phán xét. Nhưng dù bề ngoài ông thừa nhận Tòa phán xét đúng, thì trong lòng ông cay đắng mà nức nở rằng ông bị bất công. Ông cho rằng ông bị bất công vì Phạm Nhật Vũ tội lớn hơn ông nhưng ông lại bị xử nặng hơn. Bất công không chỉ bị xử nhiều năm tù hơn, thậm chí không phải tù chung thân mà đến mức cao nhất là tử hình, thế mà Phạm Nhật Vũ dự kiến chỉ bị kết tội có 3 – 4 năm tù giam. Đã thế, lại đang có đến 2000 chữ ký của các cá nhân và các tổ chức tên tuổi xin tha bổng cho Phạm Nhật Vũ.
Ông Nguyễn Bắc Son có chua xót không khi lúc ông quyền cao thì các đại gia khụy lụy ông, nhưng khi cùng sa cơ thì quyền sai khiến của ông lại không bằng một phần của họ?
Ông Nguyễn Bắc Son còn oan ức ở mặt khác nữa. Ông oan vì ông thấy có kẻ nặng tội không kém ông mà lại vô can. Những ngày qua ông đã lo nghĩ nhiều về cách thoát tội. Và từ đó ông mới thấm thía về cách thức xét xử cùng lúc của luật pháp, tiền bạc và quyền lực đã làm cho số phận công lý mong manh như tấm mạng nhện treo trong giông bão!
Ông Nguyễn Bắc Son nghĩ gì khi ông Phạm Nhật Vũ đã hoàn trả toàn bộ tiền cho MobiFone kể cả tiền lãi? Về tài chính thì MobiFone không bị tổn thất. Vụ mua bán cuối cùng cũng bị hủy. Ông Son chắc đã hy vọng cả ông Vũ lẫn ông phải được hưởng tình tiết giảm tội. Nhưng ông Son đã không thể ngờ ông Vũ được giảm tội đến mức chỉ còn 3-4 năm tù, còn ông thì vẫn bị án tử. Và đó cũng là một nguyên nhân nữa làm cho ông chua xót.
Nhưng nhiều người đã ký đơn xin tha cho ông Phạm Nhật Vũ chính dựa vào sự hoàn trả toàn bộ tiền, kể cả phát sinh, cho MobiFone. Như vậy là thương vụ không được thực thi và tiền của nhà nước không bị mất. Họ còn dựa trên những điều từ thiện mà ông Phạm Nhật Vũ đã làm trong quá khứ. Và sau hết là họ xuất phát từ những hàm ơn.
8. Ông Đinh La Thăng, và bây giờ là ông Nguyễn Bắc Son đã chiêm nghiệm thế nào là công bằng khi đứng trước vành móng ngựa. Những ngày qua ông mới trải nghiệm được quá trình luận tội và xét xử. Ông muốn được đối xử công bằng. Không biết từ số phận mình ông Son có thương xót cho bao số phận phải chịu sự bất công, mà khi ở ngôi cao những người như ông không bao giờ để tâm đến? Chỉ khi người ta rơi vào hoàn cảnh bi đát, con người mới thấm thía thân phận.
9. Tòa án và công lý không phải là thứ để đổi chác. Nếu vì chịu ơn mà thay đổi khung hình phạt thì đâu là công lý? Nếu phạm tội mà dùng tiền để chuộc được, thì số phận dân nghèo sẽ đi về đâu?
Một quốc gia mà hình phạt nặng nhẹ tùy theo ơn huệ, đổi chác bởi đồng tiền, đúng sai theo quyền lực – thì đó là một quốc gia tự xiềng xích.
Còn nữa, nếu chữ ký có thể thay đổi được hình phạt, thì cũng nên công bằng mà loan báo và áp dụng cho tất cả. Lúc đó, không chỉ 2000 chữ ký, mà Đặng Văn Hiến sẽ có ngay 2 triệu chữ ký để trả lại công bằng cho anh – một công dân có dũng khí bảo vệ đất đai, chứ không phải kẻ đi cướp đoạt tiền bạc của nhà nước.
10. Trước cảnh lao tù không ai không rơi nước mắt, vì cùng là đồng bào máu mủ của mình. Cuối cùng thì ông Son, ông Tuấn, ông Vũ, ông Trà cũng đều là nạn nhân của lỗ hổng cơ chế. Các ông đã từng hoan hỷ khi lợi dụng được lỗ hổng cơ chế. Và giờ đây các ông cay đắng vì chính lỗ hổng cơ chế đã đẩy các ông vào cảnh tù đày.
Ở trong tù những người như ông Son ông Tuấn thường xuyên nghĩ đến ‘giá mà’ các ông đừng sai phạm. Nhưng các ông có bao giờ nghĩ đến tiêu diệt cái gốc rễ đã dẫn đến chữ ‘giá mà’ của các ông không? Đó là xây dựng một cơ chế mới không có lỗ hổng.
Tiếc thay, ông Son và ông Tuấn từng đã nhiệt huyết bảo vệ cái cơ chế đầy những lỗ hổng. Và buồn hơn là còn nhiều người nữa đang tận hưởng lỗ hổng của cơ chế, nên đang nhiệt tình bảo vệ cái cơ chế với loang lổ các lỗ hổng. Kẻ đang nghiện thì không biết mình nghiện. Chỉ khi vào tù mới biết hậu quả.
Chỉ khi xây dựng được một cơ chế mới không có lỗ hổng – để bất cứ ai cũng không thể lợi dụng được, ngay cả người ngồi ở ngôi cao nhất của quyền lực, thì lúc đó mới chấm dứt được chuỗi dài trăm ngàn vụ tương tự như AVG. Lúc đó không cần phải “đốt lò” nữa.
Cái cơ chế không có lỗ hổng đó chính là niềm mơ ước của cả trăm triệu người Việt!
N.N.C.

CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ NÊN DỰ PHIÊN TÒA XÉT XỬ ĐẠI ÁN MobiFone MUA AVG
BÁ TÂN/TD/ BVN 27-12-2019
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/12/1-61.jpg
Các đại quan tham nhũng tại phiên tòa. Nguồn: TTXVN
Năm 2019 khép lại cũng là ngày tuyên án xét xử đại án AVG, là ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt của lịch sử. Mãi mãi sau này các thế hệ người Việt sẽ không quên sự kiện “lẫy lừng” của thời kỳ nở rộ tham nhũng: Năm 2019 kết thúc tang tóc với đại án tham nhũng, do hai cựu bộ trưởng cầm đầu.
Hai cựu bộ trưởng, hai đại bị cáo, thuộc hai triều đại kế tiếp nhau. Bị cáo siêu tham nhũng Nguyễn Bắc Son, cựu thành viên Chính phủ do Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu. Bị cáo tham nhũng Trương Minh Tuấn, cựu thành viên của Chính phủ luôn hô hào “kiến tạo” với người đứng đầu Nguyễn Xuân Phúc. Thế hệ sau nối gót thế hệ trước “tự diễn biến, tự chuyển hóa” đại tham nhũng, trở thành đại bị cáo, bằng chứng hùng hồn ấy cho thấy “truyền thống” của Chính phủ.
Xét xử đại án AVG không phải công việc của Chính phủ, mà là nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan hành pháp. Với phương thức phòng bệnh hơn chữa bệnh, các thành viên Chính phủ hiện thời rất nên đến dự phiên tòa xử tội tham nhũng của hai cựu thành viên Chính phủ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. Có thể có ai đó cho rằng, đề xuất này nếu trở thành hiện thực, khác chi những người chưa bị lộ đến xem kẻ bị lộ “diễn xuất” như thế nào trước pháp đình.
Đến dự phiên tòa này, đương nhiên các thành viên Chính phủ không phải người bị triệu tập, các vị đến dự chỉ vì mục đích trải nghiệm. Tham dự trải nghiệm này cực kỳ cần thiết, rất bổ ích cho các thành viên Chính phủ, cũng như Chính phủ nói chung.
Xem người mà ngẫm đến ta. Đến dự phiên tòa xét xử đại án Mobifone mua AVG, chắc hẳn các thành viên Chính phủ sẽ trĩu nặng tâm trạng ấy. Cách đây chưa lâu, hai cựu thành viên Chính phủ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn từng “chém gió” tưng bừng, đi đến đâu họ cũng được hầu hạ hơn cả vua chúa ngày xưa. Trong các cuộc họp, khom lưng một dạ hai thưa với thượng cấp, nhưng không tiếc lời đe nẹt thuộc cấp. Hành nghề tham nhũng mọi lúc, mọi nơi, quen thói dùng bàn tay che mặt trời.
Các thành viên Chính phủ đương chức, đến dự phiên tòa này, dễ dàng nhận ra chân tướng đích thực của hai bị cáo cựu bộ trưởng và qua đó có thể nhận ra trong đó có bóng dáng của mình.
Đến dự phiên tòa này, nhận ra bóng hình của mình, đó là kết quả ngoài mong muốn dành cho các thành viên Chính phủ. Hai cựu thành viên Chính phủ bị “dày xéo” trước tòa, mặt nạ bị xé toạc, lời nói bốc mùi tanh hôi, ê chề nhục nhã cho bản thân, liên lụy đến gia đình, bôi nhọ cả dòng họ.
Đến dự phiên tòa này, các thành viên Chính phủ có dịp được trải nghiệm bằng “bài học” của những kẻ đã từng là chiến hữu, qua đó nhắc các vị tự sờ gáy trước khi hành xử những việc trái lương tâm, trái đạo lý.
Trung Quốc sử dụng hàng loạt “liều thuốc” trừ khử tham nhũng, trong đó có biện pháp bắt buộc quan chức trải nghiệm sống trong trại giam. Để hạn chế tình trạng người trẻ tự sát, Hàn Quốc “khởi nghiệp” loại hình dịch vụ trải nghiệm nằm trong quan tài.
Một loại bệnh có thể có nhiều cách phòng và chữa trị. Chính phủ yêu cầu các thành viên đến dự phiên tòa xét xử đại án AVG, đừng bỏ mất cơ hội, hãy coi trải nghiệm ấy là cách phòng bệnh khi mà đại dịch tham nhũng vẫn đang tác oai tác quái khắp nơi
B.T.

PHẠM NHẬT VŨ VÀ TẤN TRÒ ĐỜI
MẠC VĂN TRANG/ TD/ viet-studies 27-12-2019

1. Phạm Nhật Vũ, một chiến binh trên Thương trường
Wikipedia ghi tiểu sử PNV như sau: “Phạm Nhật Vũ sinh năm 1972, quê tại Hà Tĩnh. Ông là em của Phạm Nhật Vượng và đã từng sống, kinh doanh tại Đông Âu trong suốt thập niên 90 và đầu những năm 2000. Sau đó, ông Vũ trở về Việt Nam và bắt đầu kinh doanh bất động sản với một số dự án tại Nha Trang, Khánh Hoà.
Từ năm 2004, ông bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu lĩnh vực truyền hình trả tiền. Năm 2008, Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) được thành lập với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng và phát sóng thử nghiệm từ tháng 11/2010. Một năm sau đó, AVG đưa vào khai thác thương mại”…
“Tháng 1/2016, MobiFone công bố mua 95% cổ phần của AVG. Thanh tra Chính phủ sau đó xác định việc mua bán này là vi phạm kinh tế rất nghiêm trọng. Dự án có tổng mức đầu tư là 8.900 tỷ đồng, tuy nhiên những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của MobiFone dẫn đến nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp này khoảng 7.006 tỷ đồng”(1)…
Qua vụ đạo diễn bán AVG cho MobiFone của Nhà nước, được lời hơn 7.000 tỉ đồng và mua được cả một dàn quan chức cấp cao, chứng tỏ óc kinh doanh và tài buôn quan của PNV quá siêu, xứng đáng một chiến binh siêu thiện chiến trên Thương trường!
2. Phạm Nhật Vũ, một dũng sĩ trên Tình trường
Nhiều tiền để làm gì? Nhất là những đồng tiền kiếm được quá dễ, quá nhiều thì phải tiều xài cho đã. Và khỏan “tình phí” của PNV chắc là không tính xuể. Có vậy ông mới giữ lại đến 6 cô vừa ý làm vợ. Nghe nói ông rất chung thủy với cả 6 người vợ, nên tất cả đều hoan hỉ sống chung quây quần bên ông với 12 người con, thành một đại gia đình hiếm có thời nay. Cánh mày râu kháo nhau: Không biết lão Vũ có bảo bối gì mà làm cho 6 bà vợ cả Tây lẫn Ta lúc nào cũng vui tươi hơn hớn?
Khối anh đàn ông có mỗi một mụ vợ mà cũng khốn khổ, khốn nạn không sao chiều nổi! PNV tài đến thế là cùng, đúng là một “dũng sĩ siêu hạng trên Tình trường”!
Có nhiều quan chức, đại gia chức to, tiền nhiều, cũng máu gái lắm, nhưng chỉ giấu giấu giếm giếm, bồ nhí, vợ nhỏ, thì thà thì thụt, chứ đố anh nào dám công khai, đàng hoàng sống ung dung giữa 6 cô vợ và 12 đứa con như PNV. Đáng nể chưa? Mà chả cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp nào dám hỏi đến ông ta phạm Luật Hôn nhân – Gia đình của nước CHXHCNVN nhé. Thế mới kinh! Thấy PNV chả dại “học tập làm theo”, càng thương Cụ Hồ quá.
Thì cứ xem Vũ Cà phê Trung Nguyên đi tu được ít bữa, về vợ chồng lục đục kiện tụng nhau ra tòa be bét, còn PNV vẫn đi tu, mà khi bị ra tòa, cô vợ Tây đại diện cho tập thể vợ, bênh vực chồng hết mức với tình cảm yêu thương, xót xa vô hạn, làm các quan tòa phải mủi lòng, rưng rưng… Thế có thần tình không? Vũ Cà phê Trung Nguyên thấy bái phục Đại ca PNV chưa?
3. Phạm Nhật Vũ, một Cư sĩ Phật giáo lừng danh
Tu theo đạo Phật thì phải giải thoát khỏi Tham, Sân, Si, Sát, Đạo, Dâm… để sống thanh tịnh, an lạc… Sân, Si, Sát, Đạo thì PNV không biểu hiện rõ, nhưng THAM thì rõ ràng ông ta tham TIỀN, tham ÁI quá lớn. Còn không DÂM sao có đến 6 vợ?
Dân gian trêu mấy ông quan:
“Ban ngày quan lớn như Thần/ Đến đêm quan lớn tần mần như Ma”…
Trường hợp PNV thì:
“Ban ngày mặc áo cà sa/ Đêm về phục vụ mấy bà vợ đây?”
Thế mà vẫn TU được thành Cư sĩ lừng danh mới tài!
“Trong một lần tiếp xúc với báo chí, Phạm Nhật Vũ giới thiệu mình là một cư sĩ ở ẩn, tu tại gia và theo đạo Phật. Ông là Phó Ban Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Nhiều năm nay, ông đã âm thầm đầu tư xây và sửa nhiều ngôi chùa trên nhiều địa phương trong cả nước”… (xem chú thích 1).
Có như vậy ông Vũ mới truyền cảm hứng cho các “Công ty chùa” phát triển như nấm mùa xuân và xuất hiện nhiều “Tỉ phú Tăng” chứ! Cũng nhờ cái Duyên kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Phật giáo quốc doanh phất lên, biến thành thị trường béo bở, thành Tấn trò đời hấp dẫn, đủ cả Ái, Ố, Hỉ, Nộ… trong đời sống Phật giáo nước ta thời nay.
4. Phạm Nhật Vũ và ma thuật dùng tiền
Qua mấy phiên Tòa xét xử vụ án MobiFone mua AVG mới thấy tài biến hóa của PNV. AVG thua lỗ “Tình trạng kinh doanh bết bát, AVG lỗ lũy kế đến 1.000 tỷ đồng và nợ gần 2.000 tỷ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng. (…) Giá trị thật sự của AVG được tính toán không đến 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên Lê Nam Trà đã ký quyết định mua lại 95% với giá 8.900 tỷ, cao hơn giá trị thực 8.000 tỷ đồng”… (2)
Thế có tài tình không? Tất nhiên PNV phải lợi dụng được những mối quan hệ đặc biệt mới làm được như thế.
Càng tài hơn, khi PNV đem hơn 6 triệu USD ra mua được cả bộ sậu Bộ TTTT và MobiFone dễ như bắt cua trong lỗ. Thế mới biết, nếu Trung cộng nó dùng 1 tỉ USD thì mua được bao nhiêu loại Son, Tuấn và to hơn nữa? Tất nhiên Tàu thì phải dùng lắm mưu sâu, kế hiểm để giăng bẫy, bắt mồi, chứ PNV cứ ngồi một chỗ, sai khiến TIỀN nó bò đến những nơi cần đến, thế là ok, đôi, ba, bốn bên đều hoan hỉ!
Nhiều tiền như Kiên “bạc”, Đinh La Thăng hay Vũ “nhôm” ra Tòa có ai bênh vực đâu; có bao nhiêu người ký tên xin giảm án cho đâu. Vậy mà PNV cho TIỀN vào đâu là sai khiên được nơi ấy: Có “Hơn 2.000 tổ chức, cá nhân xin bảo lãnh, khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ”. (3)
PNV là chủ AVG đem bán AVG cho MobiFone thì đương nhiên PNV phải là người trực tiếp chủ mưu, dù có ai chỉ đạo đi nữa. PNV lại là người trực tiếp đưa tiền đi mua cả một đàn quan chức Bộ TT TT cùng ê kip của MobiFone. Chính vì PNV đưa tiền HỐI LỘ mà cả lũ quan chức phải ra tòa, phải tù tội nhục nhã ê chề, thế mà hầu như cả đám quan chức này đều cảm ơn PNV và xin giảm án cho ông ta. Rồi nhiều Luật sư cũng van vỉ, nỉ non xin giảm án cho PNV vì có nhiều công lao và được hơn 2.000 tổ chức và cá nhân xin khoan hồng cho PNV.
Tất nhiên bao nhiêu “tấm lòng” ấy đều có giá của nó cả. Nhưng vẫn đề là PNV điều khiển đồng Tiền thế nào mà hiệu quả đến thế, mới là ma thuật tài tình.
Nhờ thế phiên tòa xử PNV vắng mặt mà vẫn là màn xôm trò nhất.
TÓM LẠI, qua 4 màn của Tấn trò đời, PNV đều thể hiện vai diễn một cách thật xuất sắc, đủ các cung bậc của Hỉ, Nộ, Ái, Ô…gây tò mò, thích thú cho mọi khán giả.
_______
Chú thích:

VINGROUP VÀ MỘT NĂM NHÌN LẠI
FB DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ BVN 27-12-2019

D:\Downloads\BVN\27-12\2.jpg
Đọc thông điệp đầu năm 2019 của anh Vượng, chắc chả ai ngờ là giờ đây VIN đã bán Vinmart, VinEco, VinPro và Adayroi! thì đóng cửa. Vì anh đã chém là không thu hẹp mà chỉ mở rộng thêm mảng dịch vụ!
Anh Vượng vốn là thần tượng của biết bao người Việt. Đúng thôi, vì anh giàu nhất VN, là tỷ phú đô la. Đương nhiên anh là người giỏi, rất giỏi, nhiều người nghĩ là anh không thể sai. Vì người giàu luôn đúng! Thực tế anh đã từng sai, chẳng qua người ta lấp liếm đi để biến sai thành đúng. Cái sai đầu tiên của anh là tự nuôi quân để thiết kế xây dựng. Giá phải trả không nhỏ, nó khiến anh phải miễn phí dịch vụ 10 năm cho các cư dân Roi và Tham, là các dự án có thiết kế dở nhất.
Vừa rồi, anh VIN tiếp tục tặng điện thoại Vsmart cho cư dân Vinhomes như món quà tri ân, khiến nhiều người xôn xao, cảm phục! Anh tri ân thật không? Mình cho không. Đó cũng là thủ pháp biến sai thành đúng của VIN, giống như việc tặng phí dịch vụ nói trên mà thôi.
Tại sao lại nhận định như vậy?
Đó là do VIN đã sai khi sản xuất ồ ạt điện thoại với cấu hình thấp, bán không nổi thì đành phải tặng thôi, mà chả còn tặng ai được khác ngoài khách hàng cũ, với cái tiếng là tri ân. Vì điện thoại là món đồ công nghệ, ế thêm 6 tháng nữa thì cho cũng chẳng ai thèm lấy. Mấy cái điện thoại hàng tặng của VIN đang có cấu hình hạng bét so với các loại điện thoại đang bán. Giá khoảng 2 triệu. Cư dân Vinhomes có thu nhập từ trung bình khá đến cao, nên đảm bảo đa số không thèm dùng điện thoại này, họ sẽ đem cho hoặc bán lại. Điện thoại này chỉ hợp với người già và nghèo, trẻ con cũng ko thích, do chơi game sẽ yếu.
Có nghĩa là VIN đã định vị sai đối tượng được tặng. Tặng cái người khác không cần là tối kỵ, sẽ khiến cho chiếc điện thoại trở nên bị coi thường, rẻ rúng. Lẽ ra, cư dân phải được tặng loại cao cấp nhất, nhì mới phải.
Cũng có thể, VIN muốn phát tán sản phẩm của mình theo kiểu rẻ tiền như phát tờ rơi ở ngã tư. Những cách đó là cách hạ cấp, không dành cho những sản phẩm được định vị thương hiệu ở mức cao. 2 triệu cho 1 món quà thì không phải là nhỏ, nhưng thà rằng tặng rau sạch như trước, thì còn giá trị hơn. Vì rau sạch là sản phẩm cao cấp tuy giá trị thấp.
VIN có thêm chính sách bán bia kèm lạc là tặng xe Fadil hoặc voucher mua xe trị giá 350 triệu khi mua shop house. Hành động này cũng gặp phải vấn đề gần giống. Vì xe Fadil là thương hiệu cấp thấp, dân có vài chục tỷ mua shop house của VIN sẽ ko mua xe đó. Thậm chí các dòng sedan hay SUV cũng rất khó để thuyết phục những người có mấy chục tỷ. Vì người giàu thì cần thương hiệu và sự an toàn tính mạng.
Nhưng việc kèm lạc đó lại khiến cho người mua đặt ra câu hỏi, phải chăng giá nhà đã bị đẩy cao thêm 350 triệu để bù vào cái xe?! Thủ thuật bán hàng đương nhiên là phải thế. Chính điều đó có thể khiến cho việc bắt buộc kèm lạc này làm giảm đi khả năng tiêu thụ shop house, cho dù voucher có thể bán lại (kiểu gì cũng chỉ bán được nhiều lắm là giá 300 triệu thậm chí thấp hơn hoặc khó bán).
Động thái thứ 3 của VIN là công bố mỗi chiếc xe bán ra VIN chấp nhận lỗ 300 triệu! Cách quảng bá sản phẩm này khá cũ và rẻ tiền. Giống hệt đi mua rau ngoài chợ. Người bán luôn mồm kêu phải chịu lỗ hoặc lãi không đáng kể dù có thể họ đang chặt chém. Kiểu ấy may ra bịp được các mẹ bỉm sữa.
Phải chăng VIN đã thay đổi cách PR, thay vì theo hướng chảnh chó thì hạ cấp, bình dân hóa?! Họ đang tự mâu thuẫn khi quảng cáo xe luôn mồm có từ đẳng cấp nhưng lại khoe là bán lỗ? Ai tin?
Mình cho rằng, thời điểm hiện tại là thời điểm khó khăn nhất của VIN, có thể nói là đứng trên bờ vực. Tuy tiền họ còn rất nhiều nhờ vào BĐS siêu lợi nhuận, nhưng họ lại đang sở hữu 2 cỗ máy đốt tiền là ô tô và điện thoại. Nếu 2 ngành này mà không kịp có lãi sớm trong vòng 3-5 năm tới, thì có thể nó sẽ giết chết VIN. Vì BĐS sẽ ngày càng khó khăn, do thị trường dần tới điểm bão hòa. Bão hòa không phải do đa số dân đã có đủ nhà, mà là do người có đủ tiền mua nhà Vinhomes thì đã mua đủ. BĐS còn có chu kỳ suy thoái, nếu điểm đáy rơi vào trước khi 2 ngành công nghệ, chế tạo này có lãi thì VIN sẽ chết hoặc tan rã.
Lưu ý là các dự án BĐS của VIN phần nhiều là đã chạy thủ tục từ thời TTg 3X, dễ hơn thời điểm này nhiều. Khi mà AEQL rón rén hơn trước, vì sợ vào lò. Mà dự án BĐS thành bại thì phụ thuộc chính vào quan hệ, để chạy thủ tục được nhanh. BĐS cũng là ngành mà có nhiều khoản chi bẩn nhất. Thế mạnh của VIN chính là việc mua lại đất công ở vị trí trung tâm để xây CC. Các dự án đó khó mà tránh khỏi có tiền nổi tiền chìm và lợi thế quan hệ mang tính quyết định.
Việc bắt anh Vũ, em trai anh Vượng, thực tế là cú dằn mặt của bác cả. Đó là lời cảnh báo chính anh, nếu anh không “làm người tử tế” thì anh cũng có thể bị hốt. Việc xử lý nguyên thứ trưởng Bộ QP, do liên quan đến việc bán đất QP, chắc chắn khiến anh phải suy nghĩ.
Việc bán Vinmart, VinEco, đóng cửa VinPro, Adayroi! (chắc do không ai mua), đơn giản là để cắt lỗ chứ không phải như những lời hoa mỹ mà báo chí, seeder bơm thổi. Theo mình biết thì mấy thứ này chưa bao giờ lãi, hoặc lãi rất ít. Nhưng vì BĐS có nhiều khoản tù mù, nên cần những thứ đó để xào nấu. Sắp tới, do BĐS bị thu hẹp, nên những những thứ đó phải bị đẩy đi thôi. Sản xuất ô tô, điện thoại, TV thì không cần phải xào nấu gì đáng kể so với BĐS.
Nói gì nói, mình ủng hộ anh Vượng chuyển hướng sang sản xuất, vì dù sao nó cũng bền vững hơn là BĐS. Nhưng thời điểm này, mình thấy lành ít dữ nhiều. Số phận của VIN sẽ phụ thuộc vào canh bạc Vinfast, VIN đặt cược cả tập đoàn vào đó. Vì thế, VIN có thể sánh vai được với các tập đoàn công nghệ thế giới hay không, điều đó phụ thuộc rất lớn vào công PR, định hướng dư luận, để thuyết phục khách hàng. Không hề đơn giản.
Thế giới công nghệ cạnh tranh vô cùng khốc liệt, những hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Motorola, Palm One, RIM (Blackberry), Ericson, IBM, HTC… 1 thời đình đám có thể chết hay ngắc ngoải sau 5 năm. Hàng chục năm nay, ngoài Tesla, cũng không thấy có hãng ô tô nào mới nổi lên nhanh kiểu Thánh Gióng, mà chỉ thấy các hãng hàng trăm năm tuổi chết đi hoặc bị bán.
Nhiều người so sánh Vinfast với các hãng xe Nhật, Hàn, để kích động tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Họ sai lầm khi không thấy điều khác biệt rất lớn là lúc đó người dân Nhật, Hàn yêu nước thật sự, lòng dân về 1 mối, họ chấp nhận hi sinh quyền lợi cá nhân để vun đắp cho các hãng nội địa. Còn VN, lòng yêu nước đang bị phân hóa, anh em yêu nước cũng đông nhưng anh em chửi nước cũng đông, lòng dân ly tán, thì kích động được 1 ông yêu nước thì bị 3 ông ghét chế độ kéo ngược lại. Đó là thử thách lớn nhất của VIN trong công tác PR.
Mình thấy phương án PR của VIN có 1 sai lầm mang tính chiến lược, đó là chơi kiểu tư duy nhị nguyên, địch ta. Tức là cố tình đẩy mình vào thế là kẻ thù của AE PĐ. Tinh thần dân tộc đâu buộc phải đồng nghĩa với yêu chế độ. Mà thành phần PĐ sẽ càng ngày càng đông, đó là tương lai của đất nước, như thế khách hàng tiềm năng của VIN sẽ càng ngày càng giảm.
Doanh nghiệp nội địa đi theo hướng PR dân tộc là đúng, nhưng vẫn có thể đi 2 hàng, phải để đường lùi, nhỡ sau này chế độ thay đổi thì DN vẫn phải trường tồn.
Tất nhiên PR kiểu 2 hàng là rất khó, cần trình cao, làm sao để ko mất lòng phe nào. Nhưng không phải là không thể làm được. Ví dụ như phe anh 3X, rõ ràng là CS, nhưng nhóm PR của ảnh vẫn chăn được khối anh em DC. Thế là cao thủ.
Dưới đây là stt mình phân tích thông điệp đầu năm của anh Vượng, đến giờ thấy cũng không sai:
Bổ sung stt về nền kinh tế phụ thuộc BĐS cho những ai chưa hiểu rõ:
D.Q.C.
Nguồn: 

SIÊU ƯU ĐÃI KHI VAY VỐN TẠI MB MUA ÔTÔ Vinfast


DƯƠNG TỬ/ QĐND 27-12-2019


Siêu ưu đãi khi vay vốn tại MB mua ô tô Vinfast

QĐND Online - Mới đây, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) phối hợp cùng Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ Vinfast Trading (Vinfast) mang tới cho khách hàng gói vay vốn siêu ưu đãi tại MB khi mua ô tô Vinfast. Với gói vay vốn này, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội sở hữu sản phẩm ô tô thương hiệu Việt với mức giá và chi phí phù hợp nhất.

Theo đó, khi thực hiện thủ tục vay mua ô tô Vinfast, khách hàng của MB sẽ được Vinfast hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu, khách hàng chỉ cần thanh toán tiền gốc vay hàng tháng. Từ năm thứ 3 trở đi, khách hàng thanh toán tiền gốc và lãi vay với mức lãi suất không vượt quá 10,5%/năm; tỷ lệ cho vay lên đến 70% giá trị tài sản bảo đảm với thời gian vay tối đa lên đến 8 năm.
Ngoài những chính sách ưu đãi tài chính trên, khách hàng còn nhận được nhiều quà tặng hấp dẫn của MB như:
Tặng Thẻ tín dụng MB hạn mức lên đến 200 triệu đồng;
Miễn phí giao dịch chuyển tiền trọn đời khi cài và sử dụng App MBBank;
Tặng Tài khoản số đẹp lựa chọn theo nhu cầu, sở thích, số phong thủy;
Tặng sổ tiết kiệm 1 triệu đồng cho mỗi con khi khách hàng đăng ký gói Combo Family (không giới hạn số lượng quà tặng);
Cơ hội sở hữu căn hộ cao cấp Vinhomes trị giá 1,5 tỷ và các chuyến du lịch nước ngoài cùng gia đình trị giá 50 triệu đồng/chuyến du lịch; Cùng hàng ngàn quà tặng hấp dẫn không giới hạn mỗi ngày khi đến giao dịch tại MB.
Với chính sách ưu đãi hấp dẫn, thủ tục vay vốn nhanh chóng, đơn giản cùng đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên nghiệp, khách hàng của MB sẽ dễ dàng sở hữu chiếc xe đô thị đa dụng Fadil cũng như 2 dòng xe đẳng cấp Châu Âu Lux A2.0 và Lux SA2.0. Khách hàng có thể tham khảo thông tin tại website: http://www.mbbank.com.vn hoặc liên hệ chi nhánh MB gần nhất và tổng đài chăm sóc khách hàng 24/7: 1900 545426.
DƯƠNG TỬ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét