Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

20191214. QUANH SỰ KIỆN THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN

ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM CHÚNG TA CẦN MỘT LỚP NÔNG DÂN ĐỔI MỚI

NHẬT MINH/ GDVN 11-12-2019

Ngày 10/12, tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp những kiến nghị, vấn đề mà đại biểu nông dân đại diện cho hơn 12 triệu hội viên, nông dân cả nước nêu ra.
Thủ tướng phát biểu. Ảnh: chinhphu.vn
Dự cuộc đối thoại do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản" có 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân.
Đây là cuộc đối thoại lần thứ 2 kể từ cuộc đối thoại đầu tiên của Thủ tướng với nông dân tại tỉnh Hải Dương vào tháng 4/2018.
Lắng nghe 19 đại biểu nông dân phát biểu với 53 câu hỏi, Thủ tướng đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, các thành viên Chính phủ sẽ tiếp thu, giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để hình thành chủ trương, giao các bộ, ngành thực hiện.
“Còn nhiều vấn đề tồn tại trong sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Thời gian ngắn không thể giải quyết chi tiết thấu đáo tất cả các câu hỏi nhưng qua buổi thảo luận hôm nay có thể hình dung một cách hệ thống hơn những vấn đề bà con nông dân quan tâm”, Thủ tướng nói và khái quát lại những vấn đề lớn mà bà con nêu ra.
Trước hết, bà con thắc mắc, băn khoăn về cơ chế hỗ trợ, trong đó có cơ chế ứng dụng công nghệ cho phát triển thương mại điện tử, thủ tục còn rườm rà, tốn thời gian, vấn đề hỗ trợ lãi suất, quy hoạch vùng nuôi, tìm kiếm thị trường, liên kết sản xuất, vốn, giống, thức ăn và  đặc biệt là quy hoạch rõ hơn các vùng và liên kết vùng…
Bà con nông dân còn thắc mắc về cơ chế kiểm soát để phát triển bền vững, về tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực ở bộ phận này, bộ phận khác của các cơ quan có liên quan, tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả, đánh cá bằng chất nổ, tồn tại bất cập về xuất khẩu lao động ở nông thôn, đặc biệt vấn đề môi trường. Công tác dự báo còn yếu kém, tình trạng được mùa rớt giá vẫn còn.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu trên trang web của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Hội Nông dân Việt Nam nên có thông tin rõ ràng hơn về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra, đặc biệt về các cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường hoặc các yếu tố đầu vào của sản xuất.
Ảnh: chinhphu.vn
Đồng thời cần nêu rõ những sản phẩm vật tư hóa chất nào trong bảo vệ thực vật được phép sử dụng vì vấn đề này liên quan đến an toàn thực phẩm, uy tín thương hiệu Việt Nam…
Một vấn đề rất lớn đối với ngành thủy sản là giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. 
Thủ tướng nêu rõ, các cơ quan liên quan cần chủ động rà soát các thủ tục liên quan đến hoạt động của người nông dân như thủ tục vay vốn, thủ tục nhận hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển thương mại điện tử.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi nghe đại diện Ngân hàng Nhà nước phát biểu, khẳng định cung ứng đủ vốn và bãi bỏ thủ tục phiền hà cho nông dân, đồng thời đặt vấn đề giảm lãi suất phù hợp để giảm chi phí cho sản phẩm nông nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu sau Hội nghị này, các Bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân, nhất là ngành nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
“Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác Hồ: Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, Thủ tướng nêu rõ.
“Đất nước Việt Nam chúng ta cần một lớp nông dân đổi mới” như không để đất manh mún, nhỏ lẻ, Thủ tướng nhấn mạnh. Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức, không những kiến thức khoa học công nghệ mà cả kiến thức về thị trường để sản xuất có hiệu quả hơn.
“Nông dân của chúng ta phải cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình”, Thủ tướng đặt vấn đề về tinh thần tự lực, tự cường của nông dân Việt Nam.
Thủ tướng cũng ghi nhận cần tiếp tục tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp nông dân, trước hết là những vấn đề cấp bách, chống sạt lở và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhật Minh
TIN LIÊN QUAN:

BỨC THƯ GS VÕ TÒNG XUÂN GỬI THỦ TƯỚNG TẠI ĐỐI THOẠI NÔNG DÂN CÓ GÌ ?
HUỲNH XÂY /DV 10-12-2019

(Dân Việt) Dù không đến dự được Hội nghị "Thủ tướng đối thoại với nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP.Cần Thơ tổ chức sáng nay (10/12) nhưng GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cũng có những chia sẻ gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng rất xúc động với bức thư GS Võ Tòng Xuân gửi cho ông.

buc thu gs vo tong xuan gui thu tuong tai doi thoai nong dan co gi? hinh anh 1

GS Võ Tòng Xuân

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, viễn cảnh của một tương lai xán lạn của nền nông nghiệp mới của Việt Nam đang bày ra trước mắt chúng ta với những doanh nhân năng động gặp gỡ những nhà lãnh đạo năng động của các tỉnh cùng nhau quyết tâm thực hiện Nghị quyết 120.

Các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương một mặt cần tiếp cận thông tin thị trường thế giới để phổ biến rộng rãi trong nước, mặt khác tìm ra những doanh nhân có tâm, có tài nắm bắt thông tin thị trường hoặc xông xáo đi tìm, mở thị trường ở nước ngoài, để tổ chức đầu tư chế biến sản xuất những sản phẩm từ nông sản nguyên liệu địa phương có thể đáp ứng với nhu cầu khách hàng quốc tế hay trong nước.
Tất cả những cố gắng của ngành chức năng Trung ương và địa phương, các nhà doanh nghiệp đều như công dã tràng nếu không có sự đổi mới của người nông dân. Hiện nay, phần lớn nông dân Việt Nam ngày nay là những người làm ăn nhỏ lẻ trên diện tích đất đai manh mún của mình (nhất là nông dân trồng lúa) nên phần lớn bà con nông dân còn nghèo hoặc rất nghèo.
Suy cho cùng cái nghèo của nông dân ta một phần vì chỉ biết trồng lúa giá quá rẻ mà chi phí quá cao, một phần vì chính họ luôn luôn chỉ suy nghĩ nhỏ lẻ, thiển cận. Họ không thấy xa hiểu rộng, chỉ khư khư giữ lấy miếng đất nhỏ bé của mình, từ cái bờ ruộng nhỏ hẹp cũng không muốn phá đi, không chịu cùng nhau dồn điền đổi thữa để có một trang trại lớn với những kênh tưới, kênh tiêu theo đúng kỹ thuật hiện đại.
buc thu gs vo tong xuan gui thu tuong tai doi thoai nong dan co gi? hinh anh 2

Quang cảnh hội nghị
Dĩ nhiên ngày nay chúng ta cũng có một số nông dân giàu nhưng đây là những nông dân thấy xa hiểu rộng, dám nuôi, trồng những gì khác hơn cây lúa, trên diện tích lớn. Làm sao cho người nông dân nhỏ lẻ chịu thấy xa hiểu rộng để tự họ cũng sẽ làm giàu được? Đây là một thách thức lớn nhất đối với xã hội nông thôn nước ta hiện nay.
Trước đây chúng ta “đổ thừa” cho nhà nước ép dân trồng lúa, lúa và lúa nhưng bây giờ nhà nước đã đổi mới tư duy cho chánh quyền địa phương đầu tư đa dạng hơn cây lúa thì đến lượt nông dân nhỏ lẻ cũng phải tham gia với nhà nước trong chiến lược mới đã được chỉ ra trong NQ120.
Người nông dân đổi mới mà đất nước ta cần trong thời đại này là những người nông dân tuy diện tích đất manh mún nhưng biết tự giác thỏa thuận đứng chung nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới (HTXNNKM). Từ đó, tạo thành một cánh đồng lớn sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư lớn xây dựng vùng công nghiệp sản xuất rau quả chế biến, hoặc vùng công nghiệp thủy sản chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Với sự tổ chức hợp lý của nhà đầu tư và nhà nước, những người nông dân đổi mới này sẽ không bị mất đất mà đất của mọi người trong HTXNNKM sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, cày xới và trang bằng thành cánh đồng lớn được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật khoa học, có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển cây trồng hoặc thủy sản của bà con đến khu chế biến và bảo quản trước khi xuất kho giao cho khách hàng.
Như vậy, mỗi nông dân xã viên của HTXNNKM đều được chia lại diện tích (trừ tỉ lệ bỏ ra để làm kênh mương và đường giao thông) để canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi của mình dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp. Người nông dân đổi mới cộng tác trong môi trường mới này sẽ không còn lo lắng gì nữa trong quá trình nuôi trồng của mình và cũng không lo bị thương lái ép giá.
Mọi thứ đều có nhà doanh nghiệp đầu tư. Người nông dân đổi mới sẽ thật sự đổi đời, lợi tức thu nhập ổn định cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thu nhập ổn định cao hơn nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào GDP của địa phương tốt hơn. Tiền đề của sự thành công này là phải có sự tự giác đổi mới của nông dân. Bây giờ đã đến lúc nông dân phải tự cứu mình trước khi đòi hỏi nhà nước cứu mình.
HX

THẤY GÌ QUA VỤ ÔNG PHÚC ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN
TRÂN VĂN / VOA/ BVN 13-12-2019

Ông Nguyễn Xuân Phúc
Đọc các bài tường thuật về cuộc đối thoại lần thứ hai giữa Thủ tướng và chính phủ Việt Nam với nông dân (diễn ra hôm 10 tháng 12 tại Cần Thơ), người ta ắt phải tự hỏi: Dường như cả Thủ tướng lẫn chính phủ Việt Nam vừa không biết phải làm gì để hoạt động quản trị, điều hành thật sự hữu ích cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, vừa là những… cao thủ trong việc chuyển hóa cả trách nhiệm cá nhân lẫn trách nhiệm tập thể cho giới chỉ quen “chân lấm, tay bùn” (1)!
Lẽ nào Thủ tướng – nhân vật đứng đầu một chính phủ – không biết phải làm thế nào để tránh: Giá thành sản phẩm cao trong khi đã hội nhập, sản phẩm nông nghiệp ngoại quốc đang ồ ạt tràn vào và sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không cạnh tranh được! Lẽ nào chính phủ không khảo sát, không tính toán – chuẩn bị gì trước khi ký kết hàng loạt hiệp định tự do thương mại để bây giờ quay sang vấn kế nông dân: Làm gì để có sản phẩm tốt, giá thành hạ để bán cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu?
Thủ tướng không chỉ vô duyên và vô dụng khi hỏi nông dân: Nhà nước, người dân phải làm gì? Lẽ ra Thủ tướng và các thành viên trong nội các phải chủ động thông báo với nông dân, chứ không phải nêu ra các vấn nạn để nhờ 300 nông dân của các tỉnh, thành phố ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tính giúp: Làm sao để nông dân vay được vốn. Các bộ hữu trách nên làm sao để giảm chi phí vận tải, chi phí logistic, nghiên cứu – tạo ra giống mới để thích nghi với biến đổi khí hậu…
Cứ như tường thuật của các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức về cuộc đối thoại vừa kể thì sau ba giờ nghe 19 nông dân nêu ra 53 câu hỏi. Thủ tướng Việt Nam chỉ có thể “đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân” và không thể trả lời câu hỏi nào. Động tác duy nhất là “chính phủ sẽ… tiếp thu, sẽ giao Văn phòng Chính phủ cùng Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để hình thành chủ trương, giao các bộ, ngành thực hiện”.
So cuộc đối thoại lần này với cuộc đối thoại lần thứ nhất diễn ra hồi tháng 4 năm ngoái ở Hải Dương (2), có thể thấy rất rõ là… không có gì mới!
Nông dân vẫn tiếp tục than như bọng, cả Thủ tướng lẫn chính phủ tiếp tục “lắng nghe”, tiếp tục “tiếp thu” và hứa sẽ hỗ trợ. Sự khác biệt duy nhất giữa hai lần đối thoại là thay mặt chính phủ, Thủ tướng huỵch tọet: Nông dân Việt Nam phải tự nâng cao học vấn, kiến thức về khoa học công nghệ, thị trường. Phải có tinh thần tự lực, tự cường. Phải tự cứu mình, đừng chờ nhà nước cứu!
Dẫu trước nay, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới không ngừng suy tính – tìm đủ mọi cách để bảo trợ một cách hợp pháp và phát triển nông nghiệp một cách hợp lý, hỗ trợ nông dân làm giàu, gắn bó với nông thôn, thì tại Việt Nam, ngoài việc cảnh báo nông dân phải “tự cứu”, Thủ tướng Việt Nam còn đòi nông dân phải tìm cho ra câu trả lời: “Làm gì để cùng nhà nước thực hiện câu nói của bác: Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”!
***
Nhân danh… “bác”, Thủ tướng và các đồng chí đã ra rả về “chính sách tam nông” (nông dân, nông thôn, nông nghiệp) vài thập niên. Thậm chí, vung tiền “xây dựng nông thôn mới”.
Từ 2010 đến 2015, hệ thống công quyền Việt Nam đã chi 850 tỷ cho chương trình “xây dựng nông thôn mới”, chưa kể theo một thống kê được công bố hồi cuối năm 2017, có 53/63 tỉnh, thành phố đang nợ 15.277 tỷ đồng do “xây dựng nông thôn mới” mà hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chưa biết xoay tiền từ đâu ra để trả (3)!
16.000 tỷ đổ vào “xây dựng nông thôn mới” không những không làm “nông dân giàu, nước ta thịnh” mà còn tạo ra một hiện tượng mới: Nông dân trên khắp Việt Nam lũ lượt ly nông, ly hương dắt díu nhau đi làm thuê khắp nơi, kể cả ở nước ngoài! Người ta ước đoán, có 20% cư dân các tỉnh phía Bắc miền Trung, 20% cư dân các tỉnh duyên hải miền Trung, 18,4% cư dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bỏ xứ tha phương cầu thực. Có những khu vực như ĐBSCL, tỷ lệ tăng trưởng dân số hiện nay là – 0,13%!
Đáng nói là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn quyết định chi thêm 193 ngàn tỷ nữa để tiếp tục “xây dựng nông thôn mới” trong năm năm từ 2016 đến 2020 (4). Năm 2019 sắp hết, hơn hai tuần nữa là đến năm 2020 – thời điểm kết thúc kế hoạch năm năm “xây dựng nông thôn mới” lần thứ hai.
Nếu đem thực trạng của nông nghiệp, nông thôn, hiện tại cũng như tương lai của nông dân đặt bên cạnh chương trình “xây dựng nông thôn mới” và các dự án đủ loại liên quan đến nông nghiệp, ắt sẽ thấy Thủ tướng và các đồng chí chưa bao giờ vì nông dân, chẳng hề đoái hoài đến nông thôn và cũng không thèm bận tâm tới nông nghiệp. Thủ tướng quả là cao… cờ khi tổ chức “đối thoại với nông dân”, vừa cam kết “lắng nghe”, vừa hứa “tiếp thu” để chi hết trăm ngàn tỷ này tới trăm ngàn tỷ khác rồi bảo nông dân… “tự cứu”!
T.V.
Chú thích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét