Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

20191227. NGHĨ VỀ NGÀY LIÊN XÔ TAN RÃ (26/12/1989)

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÂU CHUYỆN VỀ BỨC ẢNH LỊCH SỬ SANG TRANG

FB TRẦN TRUNG ĐẠO/ BVN 25-12-2019

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/12/1-60.jpg
Bức hình bên trái chụp đúng lúc Mikhail Gorbachev vừa đọc xong diễn văn từ chức Chủ tịch Liên Xô và đang khép lại bài diễn văn sau bảy giờ tối ngày 25 tháng 12, 1991.
Bức hình mang ý nghĩa một chế độ độc tài toàn trị kéo dài suốt 74 năm với 20 triệu người bị giết trong các cuộc thanh trừng đẫm máu, đấu tố và lao động khổ sai trong các trại tập trung vùng Siberia, vừa chấm dứt.
Liên Xô có đạo quân hiện dịch 4 triệu 9 trăm ngàn và 35 triệu quân dự bị trong tuổi từ 18 đến 35. Liên Xô có một ngân sách quốc phòng vào thời điểm 1990 đã lên đến 290 tỉ Mỹ kim. Liên Xô vào năm 1986 có tới 45 ngàn đầu đạn nguyên tử.
Trước đó vài năm, ai cũng có thể hình dung ngày Chủ tịch Liên Xô từ chức phải là ngày trọng đại, thu hút hàng ngàn phóng viên báo chí, nhiếp ảnh khắp nơi trên thế giới và hàng tỉ người hội hộp đợi chờ.
Nhưng không. Một phóng viên nhiếp ảnh Mỹ chính thức tham dự cũng không có. Một ngày trôi qua gần như không tiếng động lịch sử nào. Bức ảnh có được cũng gần như một tình cờ vì phái đoàn quay phim của hãng ABC từ Mỹ sang không có ai là phóng viên nhiếp ảnh.
Người chụp bức hình này là nhiếp ảnh gia người Mỹ sinh tại Hong Kong Liu Heung Shing. Ông là phóng viên của hãng AP tại Moscow.
Buổi sáng ngày lịch sử đó, Liu Heung Shing nghe ngóng tin tức và biết đó là ngày Mikhail Gorbachev từ chức nên tìm cách vô điện Kremlin. Mặc dù bị KGB ngăn cấm vào, Liu Heung Shing cũng đã xoay xở vào được.
Khi Mikhail Gorbachev đọc diễn văn, Liu và Tom Johnson của CNN là hai phóng viên duy nhất có mặt trong phòng.
Phóng viên Liu Heung Shing không được phép chụp hình nhưng ông ta biết lịch sử đang sang trang và bằng mọi cách phải ghi lại cho được hình ảnh đó. Ông đặt máy hình đúng vị trí, điều chỉnh khoảng cách, thông số của ống kính chính xác và kiên nhẫn chờ cơ hội.
Khi Mikhail Gorbachev đọc xong, khép lại bài diễn văn là lúc Liu Heung Shing bấm máy.
Bức ảnh độc đáo mang ý nghĩa khép lại một kỷ nguyên sắc máu đó là phần bộ ảnh của AP được trao giải Pulitzer Prize.
Được hỏi đặc điểm nào trong nhiếp ảnh làm ông quan tâm nhất, Liu Heung Shing cho rằng những bức ảnh đại diện cho tiếng nói của con người là ông quan tâm nhất.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/12/2-69.jpg
Người viết kèm theo bức ảnh Tập Cận Bình vừa đọc xong diễn văn để thấy chế độ CS Trung Quốc cũng vậy, như tảng băng đang tan chảy và mỗi ngày một mỏng dần, yếu dần.
Lịch sử sự sụp đổ của các đế quốc từ thời La Mã đến hiện đại và nay Trung Cộng, đều diễn ra theo một con đường bành trướng và suy thoái giống nhau.
Nhật chiếm Triều Tiên, Mãn Châu hay Tập chiếm Biển Đông cũng học từ một sách bành trướng giống nhau.
Trung Cộng còn trầm trọng hơn vì không phải chỉ mâu thuẫn quyền lợi với thế giới bên ngoài mà còn mâu thuẫn đối kháng thuộc về bản chất bên trong của chế độ.
Giống như Liên Xô 1991, căn bịnh cơ chế của Trung Cộng không thể nào chữa trị bằng các biện pháp vá víu về kinh tế.
“Đổi mới” chỉ kéo dài thời gian tồn tại nhưng không chữa tuyệt được căn bịnh vì con người không chỉ cần ăn.
Không phải nước nhỏ nào cũng phụ thuộc vào các cường quốc. Mười lăm nước trong Liên bang Xô Viết tuyên bố độc lập trước khi Liên Xô chính thức cáo chung vào ngày 25 tháng 12, 1991.
Có những nước chỉ một hai triệu dân như ba quốc gia Baltics đã “thoát Nga” từ 1989.
Họ không nằm chờ trái sung Gorbachev rơi vào miệng. Họ không chờ Mỹ bật đèn xanh. Họ không sống theo chủ nghĩa số phận.
Tương tự, đừng chờ Trung Cộng sụp đổ mà phải nắm bắt mọi cơ hội quốc tế và tận dụng sự suy thoái của chế độ CSTQ để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng.
Đảng CSVN vì quyền lợi và quyền lực sẽ tiếp tục bám theo và chết theo Trung Cộng, nhưng những hạt nhân tốt, chăc chắn đang có, trong 90 triệu người Việt Nam phải tìm cách vươn lên và ngày cáo chung của chế độ độc tài CSVN sẽ đến.
T.T.Đ. 

NHÂN CHUYỆN LIÊN XÔ NÓI CHUYỆN VIỆT NAM
FB NGUYỄN LÂN THẮNG/ BVN 26-12-2019
Liên Xô. Ấy là hai từ cực kỳ vĩ đại, hằn sâu trong ký ức xa xưa thời trẻ con của tôi. Tất cả những gì đẹp nhất, kỳ diệu nhất, lung linh nhất mà trí tuệ của một thằng trẻ con có thể tưởng tượng ra đều gắn với hai chữ Liên Xô. Có gì để mà so sánh đâu khi xung quanh chúng tôi ngày ấy tràn ngập phim ảnh Liên Xô, hoạ báo Liên Xô, khẩu hiệu Liên Xô, anh hùng Liên Xô. Chưa kể những thứ vĩ đại, đẹp đẽ khác như Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Cầu Thăng Long hai tầng hiện đại, Thuỷ điện Hoà Bình chặn dòng sông Đà hung dữ, tàu vũ trụ Liên Xô đưa người lên không gian… Ngày đó cứ nghĩ đến đất nước Liên Xô là tôi lại tưởng tượng ra một thiên đường có thật trên hành tinh này.
Nhưng rồi đời không như là mơ, hôm nay chính là một ngày kỷ niệm rất trọng đại trong lịch sử phát triển của loài người. Cách đây 28 năm vào ngày 25 tháng 12 năm 1991, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã từ chức và bàn giao mật mã kích hoạt tên lửa hạt nhân của Xô Viết cho Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Một ngày sau Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) đã chính thức chấm dứt tồn tại vào ngày 26 tháng 12 năm 1991, bởi Bản tuyên bố số 142-H của Xô viết Tối cao. Tuyên bố này công nhận nền độc lập của mười hai nước cộng hòa của Liên bang Xô viết còn lại (tổng cộng 15 nước) và thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS). Kéo theo sự kiện này sau đó là sự sụp đổ của hàng loạt các nước ở Đông Âu vốn theo phe xã hội chủ nghĩa.
Trải qua 28 năm, những tưởng ngày đó là dấu chấm hết cho một hệ thống mô hình xã hội vừa ảo tưởng, vừa tàn bạo nhất trên hành tinh, nhưng chủ nghĩa xã hội và các thực thể quốc gia đi theo chủ thuyết này vẫn còn tồn tại, và có quốc gia như Trung Quốc còn trở nên hùng mạnh và thách thức toàn thế giới. Không những vậy, Trung Quốc còn trở thành một “mạnh thường quân” thay thế cho Liên Xô trước kia, bảo kê cho tất cả các quốc gia khác còn theo con đường chủ nghĩa xã hội. Đây là một nghịch lý mà loài người tiến bộ còn phải đau đầu vì nó trong nhiều thập kỷ tới.
Có nhiều nhà phân tích và bình luận chính trị đã bàn cãi về vấn đề này. Đặc biệt là khi bàn về Việt Nam, người thì cho rằng Việt Nam suy mà chưa sụp là bởi tương quan giữa phe bảo thủ và phe đòi hỏi cải cách chưa đủ lớn. Người thì lại cho rằng xu hướng sau chiến tranh lạnh là chuyển đổi xã hội bằng các hình thức hoà bình, nên cần nhiều thời gian hơn. Và nhất là quan điểm cho rằng Trung Quốc đang xiết chặt vòng kim cô đỏ lên đầu hệ thống chính trị Việt Nam, nên nhiều đảng viên cấp tiến dù muốn thoát khỏi ý thức hệ cộng sản để đi theo nguyện vọng của nhân dân, nhưng không thoát nổi những ràng buộc chết người từ miếng ăn cho đến sinh mạng của mình, để dám mở ra con đường mới cho dân tộc này.
Tôi cho rằng những lập luận trên đây là rất xác đáng, nhưng xin bàn thêm một chút về vấn đề này để góp phần nhận diện cho đúng tình thế chính trị xã hội của Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sau những khó khăn nhất định khi thành trì to lớn của nó sụp đổ đã không dừng lại. Nó đã học được những bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô, tự đổi màu để thích ứng với điều kiện xã hội mới, bám chặt vào các yếu tố về văn hoá, dân tộc, tâm linh… để giữ lấy quyền lãnh đạo đất nước. Nó cướp bóc những gì thuộc về thế hệ tương lai như tài nguyên, môi trường, lãnh thổ nhằm đổi lấy những giá trị vật chất nhất thời, hòng kéo dài sự sống sót cho hệ thống. Nó xây dựng một lớp tư bản thân hữu, hay còn gọi là tư bản đỏ, dù điều này hoàn toàn trái ngược với chủ thuyết cộng sản, nhằm tạo ra một sân sau để giải quyết trong bí mật những góc tối của nền kinh tế quái thai mang danh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài việc tiếp tục nuôi dưỡng lực lượng công thần chế độ, hay các lực lượng khác có lợi ích gắn chặt với đế độ, nó còn nuôi cấy những niềm tin vào một lớp người mới, nhằm tạo ra một sự hậu thuẫn xã hội, hoặc ít ra là cổ xuý cho một thái độ bỏ mặc, buông xuôi cho sự lũng đoạn đất nước của nó. Và nó tiếp tục sử dụng bàn tay sắt bọc nhung để đàn áp một cách tinh vi, có hệ thống tất cả những tiếng nói đối lập đang kêu đòi thay đổi xã hội này.
Hệ quả là dù cứu vớt được quyền lực, nhưng đảng cộng sản đã phải đánh đổi rất nhiều thứ thuộc về nhân dân, để tạo nên một đất nước dù có vẻ ngoài phát triển, nhưng thụt lùi thảm hại về môi trường, y tế, giáo dục, chủ quyền bị xâm phạm và nợ nước ngoài tiếp tục tăng cao không có điểm dừng.
Trong ngắn hạn, những thay đổi kinh tế dưới vỏ bọc đổi mới trước đây phần nào tạo dựng được niềm tin của người dân vào hệ thống. Nhưng thật không may cho đảng cộng sản Việt Nam, niềm tin thì luôn được hình thành dựa trên cơ sở các hệ giá trị. Khi một hệ giá trị không được xây dựng dựa trên những cái có thật, mà chỉ có được là nhờ đánh cắp từ chỗ này đập vào chỗ kia, thì nhất định những giá trị đó sẽ có ngày sụp đổ, bởi nó đã không được xây dựng dựa trên nền tảng vững chãi của những gì thuộc về quy luật tự nhiên.
Giá trị sụp đổ thì niềm tin sẽ sụp đổ. Niềm tin sụp đổ thì chế độ không thể tồn tại. Chính vì thế không phải bỗng dưng bao nhiêu năm nay hệ thống tuyên truyền của đảng gào thét về việc chỉnh đốn đảng, xây dựng niềm tin trong quần chúng. Nhưng càng gào thét thì đảng càng nát. Công chúng hiện nay đang được chiêm ngưỡng hàng loạt các vụ đại án phá hoại đất nước mà toàn là người của đảng cầm đầu. Công chúng cũng đang hỏi còn bao nhiêu kẻ trong đảng chưa bị lôi ra ánh sáng, hay đây chỉ là vở kịch đấu đá tranh giành quyền lực của các phe phái trong đảng trước đại hội?
Bàn về chuyện chính trị Việt Nam cho ngọn ngành thì rất nhức đầu và cần có độ lùi về mặt lịch sử. Nhưng tôi luôn tin rằng với cung cách điều hành đất nước của đảng cộng sản như hiện nay, nhất định niềm tin và các hệ giá trị trong đất nước này rồi sớm sẽ phải thay đổi. Cùng tất biến, khi đó đất nước sẽ bừng tỉnh và thay đổi trong chốc lát như Liên Xô khi xưa.
Tuy nhiên công cuộc thay đổi và dân chủ hoá một đất nước là một hành trình dài. Ngay đến cả nước Nga và các quốc gia tách từ Liên Xô trước đây tuy đã thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản 28 năm, nhưng vẫn vật vã với nhưng mâu thuẫn nội tại của nó mà chưa thể trở thành một quốc gia dân chủ. Tôi cho rằng điều này là do họ chưa thực sự giải ảo được các hệ thống giá trị và niềm tin có từ thời cộng sản.
Xoá bỏ chủ nghĩa cộng sản đã khó, giải quyết hậu quả mà chế độ cộng sản để lại trên một đất nước còn khó hơn nhiều. Xin hãy bền chí, vững tâm và khôn khéo trên hành trình gian khó này. Sóng sau cứ nối đuôi xô sóng trước. Đất nước này nhất định phải được tự do.
Yêu thương tất cả.
N.L.T.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét