Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

20180720. QUANH VỤ ĐÌNH BẢN 3 THÁNG BÁO TUỔI TRẺ

ĐIỂM BÁO MẠNG

'BẮC KỲ CAI TRỊ NAM KỲ' HAY 'TUỔI TRẺ' BỊ 'CẮN TRỘM'?

Phạm Chí Dũng/ BVN 20-7-2018


Báo Tuổi Trẻ Online tạm biệt bạn đọc trong 3 tháng.
Báo Tuổi Trẻ Online tạm biệt bạn đọc trong 3 tháng.

Ngay cả vào thời ‘sát thủ báo chí’ Trương Minh Tuấn làm mưa làm gió và tiến hành một chiến dịch ‘khủng bố’ đối với báo chí nhà nước vào nửa cuối năm 2016, một tờ báo lớn như Thanh Niên - dù bị sai phạm quá rõ về việc đã ‘ăn chịu’ khi đăng hàng loạt bài giúp cho các đại gia nước mắm ‘đánh’ nước mắm truyền thống của giai tầng nông dân, vẫn không bị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) áp dụng hình thức kỷ luật đình bản.
Tuổi Trẻ Online = Petrotimes
Vụ Bộ TT-TT thi hành mức độ kỷ luật đình bản 3 tháng đối với Tuổi Trẻ Online - một phiên bản thuộc Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo có uy tín và có lượng độc giả lớn nhất ở Việt Nam - vào tháng Bảy năm 2018 chỉ có thể so sánh với vụ đình bản 3 tháng đối với trang báo điện tử Petrotimes của Đại tá công an Nguyễn Như Phong vào tháng Mười năm 2018, do ông Phong đăng lại một bài phỏng vấn của một blogger bị chính quyền coi là ‘cực kỳ phản động’ là Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió).
Trong cách nhìn riêng của Cục Báo chí thuộc Bộ TT-TT, Tuổi Trẻ Online đã “có hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết có tựa 'Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình’ trên báo vào ngày 19/6/2018, và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài viết 'Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?’ ngày 26/5/2017”.
Nhưng về nội dung, bài viết 'Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?’ trên Tuổi Trẻ Online lại hoàn toàn không có bất kỳ chi tiết nào mà có thể bị quy chụp là ‘gây mất đoàn kết dân tộc’.
Trong khi quyết định kỷ luật Tuổi Trẻ Online do Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc ký không nêu dẫn chứng cụ thể về tại sao ‘gây mất đoàn kết dân tộc’, một facebooker là Lê Nguyễn Hương Trà đã cho biết có một nội dung trong phần bình luận của bạn đọc trên Tuổi Trẻ dưới bài “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây” bị đánh giá là chống phá chính quyền, đã được chụp lại với nội dung ‘Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị”.
Trong những năm gần đây, đặc biệt từ lúc viên Thủ tướng muốn ‘trở về làm người tử tế’ là Nguyễn Tấn Dũng thốt lên câu ‘không thể cấm được facebook đâu các đồng chí à!’ trong hoạt cảnh ‘toàn đảng, toàn quân và toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội 12’ vào gần cuối năm 2015, rất nhiều phản hồi bày tỏ bức xúc, phẫn uất và công khai chỉ trích nhiều chính sách của ‘đảng và nhà nước ta’ đã thể hiện ngay trên một số tờ báo nhà nước, nhưng chủ yếu chỉ bị Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ TT-TT ‘nhắc nhở’ chứ những tờ báo này ít khi bị kỷ luật hay phạt tiền.
Phản hồi ‘Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị” xem ra vẫn còn quá ‘hiền’ so với nhiều phản hồi ‘chửi đảng’ và ‘chống chính quyền’ trên một số tờ báo nhà nước trong thời gian qua. Do vậy, khó có thể xem phản hồi ‘Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị” là nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc Tuổi Trẻ Online bị đình bản, mà chỉ có thể xem phản hồi này là cái cớ để Bộ TT-TT bổ sung vào ‘chuyên án Tuổi Trẻ Online’ để có tính thuyết phục hơn về tính sai phạm khi thi hành kỷ luật tờ báo này.
Một khi ‘Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị” không phải là nguyên nhân chính thì nguồn cơn thâm sâu nhất khiến Tuổi Trẻ Online bị đình bản chính là bản tin đăng về Trần Đại Quang ‘cần luật Biểu tình’. Tức đây là một vụ kỷ luật đậm đặc yếu tố chính trị như vụ Petrotimes của Nguyễn Như Phong hai năm về trước.
Trần Đại Quang?
Ngày 19/6/2018, bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” với nội dung ban đầu là “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này” - đăng trên báo Tuổi Trẻ - đã bị biến dạng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi lên trang. Nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của Trần Đại Quang liên quan luật Biểu tình, mà chỉ còn thấy ông Quang ‘chuyên chính vô sản’ về những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh là “do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo”.
Đó là lần đầu tiên kể từ khi ngồi ghế Chủ tịch nước vào năm 2016, một phát ngôn chính trị của quan chức Trần Đại Quang đã bị báo chí nhà nước thẳng thừng cắt xén, tạo ra một vụ việc ‘khóa miệng’ chưa từng có dành cho quan chức cao cấp này, và là vụ ‘bịt miệng’ thứ ba sau hai vụ đầu xảy đến đối với Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Dấu hỏi rất lớn là vì sao phát ngôn về luật Biểu tình của Trần Đại Quang lại bị thẳng tay cắt xén?
Kể từ Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 đến nay, đó là lần đầu tiên Trần Đại Quang hé ra thái độ ‘cần luật Biểu tình’, bất chấp việc vào thời còn là Bộ trưởng Công an, ông Quang đã được giao soạn thảo Luật Biểu tình nhưng đã rất nhiều lần bộ này nại ra nhiều lý do ‘chủ quan và khách quan’ để xin lùi bộ luật quyền dân mà đảng cầm quyền và Chính phủ đã nợ người dân suốt từ Hiến pháp năm 1992 đến nay.
Nhưng cũng còn một mẩu chuyện bí ẩn khác cần được ‘hậu phẫu’: sau cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng Sáu và đặc biệt là cuộc biểu tình khổng lồ lên đến hàng trăm ngàn người ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ - áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức…
Không biết vô tình hay hữu ý, trong suốt vài ba ngày sau cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu, trên mạng xã hội đã xuất hiện những ý kiến nặc danh đòi Nguyễn Phú Trọng phải từ chức vì đã ‘bảo kê’ cho Luật Đặc khu.
Cũng sau cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu, có nhiều biểu hiện cho thấy Bộ Chính trị đảng và ông Trọng có thể đã bị rúng động, hoảng hốt và lo sợ về kịch bản ‘Mùa xuân Ả rập’ có thể diễn biến ngay tại Việt Nam, do đó đã có những động tác chỉ đạo sắt đá hiếm có nhằm cứu vãn tình thế chính trị. Hiện tượng nhiều ngàn công an, dân phòng và các đoàn thể ‘cánh tay nối dài của đảng’ được huy động ‘đứng đường’ trong nhiều thứ Bảy và Chủ Nhật ở Sài Gòn sau sự kiện Mười tháng Sáu là một bằng chứng quá rõ về nỗi lo sợ tím tái của chính quyền, cùng ý chí chuyên chính sẵn sàng đàn áp dã man người dân dám xuống đường biểu tình.
Còn báo chí nhà nước thì khỏi nói. ‘Vòng kim cô’ rọ mõm là Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ TT-TT đã ngay lập tức có chỉ thị cho hơn 800 tờ báo nhà nước ‘cấm khẩu’ về biểu tình phản đối Luật Đặc khu và cả Luật Biểu tình.
Cùng lúc, một số tờ báo đảng bắt đầu bắn ý về việc Luật Quốc phòng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 với hai nội dung rất bất thường: Lệnh giới nghiêm và tình trạng Thiết quân luật, bất chấp hệ thống tuyên giáo của chính quyền vẫn ra rả ‘Việt Nam luôn ổn định chính trị - xã hội’ và ‘Việt Nam luôn là môi trường đầu tư hấp dẫn’.
Đình bản chính trị và ‘cắn trộm’
Tuổi Trẻ Online đã phạm vào một trong những điều húy kỵ nhất của chính thể độc đảng khi tờ báo này bày tỏ tinh thần cổ súy cho Luật Biểu tình, lồng trong bối cảnh đại đa số dân chúng đã quá chán ghét chính quyền và chỉ chờ cơ hội thuận lợi là lao chân xuống đường.
Quyết định đình bản 3 tháng đối với một trong những tờ báo lớn nhất ở Việt Nam là Tuổi Trẻ Online, khó có thể hiểu khác hơn, chính là nhắm đến mục đích ‘Việt Nam luôn bảo đảm tự do báo chí’ và ngăn chặn làn sóng biểu tình mà không để tạo tiền đề cho ‘Mùa xuân Ả rập’ ở Việt Nam.
Quyết định trên - mà có thể hiểu là xuất phát từ chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư Trọng - cũng có thể mang hàm ý răn đe đối với những đối thủ chính trị của ông ta trong nội bộ đảng, cho dù lâu nay một số dư luận vẫn cho rằng Tuổi Trẻ là tờ báo ‘thân’ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Facebook Lê Nguyễn Hương Trà còn cho biết trước khi Tuổi Trẻ Online chính thức bị đình bản 3 tháng, tổng biên tập Tuổi Trẻ là Lê Thế Chữ đã vội bay ra Hà Nội để xin gặp Thủ tướng Phúc, để sau đó nhận được lời hứa của ông Phúc là ‘không đình bản’.
Và với quyết định trên, có lẽ kẻ hả hê thỏa mãn nhất chính là Bộ trưởng TT-TT còn chưa mất chức là Trương Minh Tuấn.
Vào tháng Ba năm 2018, ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ “Mobifone mua AVG”, báo Tuổi Trẻ đã tỏ ra dũng khí khi trở thành một trong vài tờ báo đầu tiên tiên phong rút tít “MobiFone mua AVG, Bộ Thông tin-Truyền thông có nhiều vi phạm” - như một cách gián tiếp “phang” Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn.
Đến ngày 17/3, hàng loạt báo đã nối tiếp Tuổi Trẻ khi công kích trực tiếp Bộ TT-TT, thậm chí còn nêu đích danh Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn, cùng một câu thòng rất đáng chú ý: “Bộ TT-TT đã thiếu trách nhiệm, có biểu hiện cố ý làm trái các quy định của pháp luật trong việc quyết định phê duyệt đầu tư”, kết luận thanh tra nêu rõ”.
Nhưng cho tới nay, Trương Minh Tuấn đã chỉ bị cảnh cáo đảng mà chưa phải nhận bất cứ trách nhiệm hình sự nào về tội ‘cố ý làm trái’.
Phải chăng trong thời gian ngắn ngủi còn giữ được ghế Bộ trưởng TT-TT mà chưa bị thuyên chuyển sang một vị trí ‘thấp hơn một chút’, Trương Minh Tuấn đã tìm cách ‘cắn trộm’ báo Tuổi Trẻ.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

YÊU CẦU ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG LÊN TIẾNG

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 18-7-2018

Đó là việc liên quan đến ông khi Bộ TTTT phạt Báo Tuổi Trẻ Online 220 triệu đồng và đình bản 3 tháng vì hai lỗi, trong đó có lỗi ngày 19/6/2018 đăng tin: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói rằng ông đồng tình với cử tri cần có luật biểu tình và hứa báo cáo với Quốc hội về nội dung này”. Tin trên đã nhanh chóng bị gỡ bỏ. Lý do xử phạt là: báo Tuổi Trẻ Online đã thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Việc xử phạt trên, xét ra không đạt tính nghiêm chỉnh, hoặc quá mềm nếu đúng là báo Tuổi Trẻ cố tình nhét vào mồm Chủ tịch nước điều ông ta không nói, hoặc quá láo nếu báo Tuổi Trẻ có đủ bằng chứng về tin đã đăng.
Thời phong kiến, nói sai lời vua mắc tội khi quân, bị xử tử, nếu bịa đặt lời vua có thể bị chém 3 họ. Nếu báo Tuổi Trẻ bịa đặt hoặc tường thuật sai hoàn toàn ý của ông Trần Đại Quang, bất kỳ vì mục đích gì, thì đã phạm trọng tội. Ông Trần Đại Quang có quyền kiện để Tòa án xét xử. Không rõ ông Quang có kiện hay khiếu nại gì không. Nếu ông Quang không kiện hoặc khiếu nại thì có ai vì quyền lợi hoặc danh dự của ông mà khiếu nại không? Nếu không có khiếu nại thì Bộ TTTT căn cứ vào đâu để xử phạt? Phải chăng dựa vào việc người của Bộ không nghe thấy.
Trường hợp ông Quang có nói về luật biểu tình, bản tin của báo Tuổi Trẻ là có căn cứ thì sự xử phạt của Bộ TTTT là quá láo, vô lý, áp đặt. Báo Tuổi Trẻ có quyền phát đơn kiện để tòa án xét xử. Nhưng đó là chuyện tại các nước dân chủ, còn ở VN, thôi thì đành ôm nỗi oan ức mà cho qua. So với nỗi oan của nông dân mất đất thì nỗi oan bị phạt 50 triệu chỉ như cái móng tay.
Là người chính trực thì ông Quang cần lên tiếng trong chuyện này. Không phải nói nhiều, chỉ cần xác nhận là trong buổi tiếp xúc cử tri hôm ấy ông có nói gì liên quan đến luật biểu tình hay không. Nếu ông có nói mà để cho báo Tuổi Trẻ bị xử phạt oan thì đáng lo cho ông. Đã có nhiều dẫn chứng rằng, người ta, khi hấp hối, nhớ lại việc mình đã gây oan trái cho ai đó, sẽ vô cùng hối hận, khó thanh thản ra đi. Nếu câu nói của ông mà bị Bộ Chính trị (BCT) phê phán thì ông làm kiểm điểm trong BCT và nhận kỷ luật. Khuyên ông không nên chối vì “Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy”. Nếu quả thực ông không nói mà bị báo Tuổi Trẻ vu oan giá họa, dựng chuyện thì ông nên viết bài công khai phản bác và tạo điều kiện để báo được đối thoại công bằng. Cũng tò mò hỏi xem, khi Bộ TTTT định xử phạt báo Tuổi Trẻ, họ có hỏi ý kiến ông không, việc này ông cũng nên công bố.
Riêng về ý “… gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng” trong lý do xử phạt của Bộ TTTT đã làm lộ bí mật của BCT.
Tại sao việc cần có luật biểu tình hay không là rất quan trọng? Vì rằng dân rất cần, rất đòi hỏi mà BCT cố tình trì hoãn, cố tình ngăn trở. Đụng đến luật biểu tình là chạm vào điều cấm kỵ. Chỉ một lý do xử phạt báo Tuổi Trẻ đã làm lộ tim đen của BCT về luật biểu tình để cho toàn dân thấy rõ. BCT cần họp để xét bỏ tù đứa nào đã vô tình hay cố ý để lộ tim đen, tội đứa này nặng hơn bọn tay sai của Việt Tân xét về việc làm hại uy tín của đảng và chế độ.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
***
Phụ lục:

Đình bản 3 tháng báo Tuổi trẻ Online, xử phạt 220 triệu đồng

clip_image002 - Bộ TT&TT vừa quyết định đình bản tạm thời hoạt động báo Tuổi trẻ Online trong 3 tháng, xử phạt 220 triệu đồng.
Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục trưởng Cục báo chí Lưu Đình Phúc ký hôm nay, báo Tuổi trẻ Online đã thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình" đăng ngày 19/6/2018. Với nội dung thông tin: "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này", tuy nhiên trên thực tế, khi tiếp xúc cử tri tại TP.HCM ngày 19/6 Chủ tịch nước Trần Đại Quang không phát biểu như nội dung thông tin mà báo đăng tải nội dung nêu trên.
Quy định tại điểm a, khoản 5, điều 8, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Báo Tuổi trẻ Online bị xử phạt 50 triệu đồng và buộc phải cải chính, xin lỗi thông tin sai sự thật.
Thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận bài viết "Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc miền Tây?" đăng ngày 26/5/2017.
Quy định tại điểm b, khoản 6, điều 8, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Báo Tuổi trẻ Online bị xử phạt 170 triệu đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung đình bản tạm thời tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn 3 tháng. Báo buộc phải cải chính, xin lỗi đối với thông tin gây mất đoàn kết.
Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 220 triệu đồng.
Báo Tuổi trẻ Online phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt này, nếu quá thời hạn không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dinh-ban-3-thang-bao-tuoi-tre-online-xu-phat-220-trieu-dong-463439.html

Trả lại báo chí cho dân sự
Bao Trung Nguyen/ BVN 18-7-2018
Theo tìm hiểu thì ông Trần Đại Quang không nói cần có luật biểu tình như báo Tuổi Trẻ đã dẫn trong bài viết. Đó là ý kiến của một cử tri nhưng không hiểu sao phóng viên lại “gắn” cho ông Chủ tịch nước. Sai sót này có thể nói là nghiêm trọng. Đành rằng ông Chủ tịch nước hay một người dân thường đều có vai trò bằng nhau trên mặt báo, nhưng xưa nay các báo đều cử những phóng viên có kinh nghiệm già dặn đi “cover” các sự kiện có hiện diện của những nguyên thủ. Cho nên, phải nhìn thấy lỗi trước tiên thuộc về tác nghiệp của phóng viên và quy trình thẩm định thông tin của biên tập viên.
Bởi vì đây là sai sót nghiệp vụ và nếu ông Chủ tịch nước cho rằng điều này gây ảnh hưởng không tốt cho mình thì ông Quang có quyền khiếu nại theo Luật Báo chí, nếu thấy chưa đủ thì có thể nhờ đến sự phân xử của toà án. Đây là một phản ứng trong không gian của một xã hội dân sự bình thường. Tại Việt Nam không như vậy. Báo chí được khẳng định là “công cụ” của đảng cầm quyền, vì vậy thay vì để mọi thứ diễn ra như một hoạt động dân sự thì quy trình khiển trách bằng một quyết định hành chính đã được áp dụng. Cụ thể là số tiền phạt 220 triệu đồng và đình chỉ 3 tháng đối với ấn phẩm Tuổi Trẻ online.
Cũng trong một không gian dân sự lý tưởng, hình phạt nặng nhất với một tờ báo là bị độc giả quay lưng khi có sai sót và bị kiện bởi bên bị cho là ảnh hưởng do sai sót của tờ báo. Toà án là nơi ra quyết định phạt đối với tờ báo để đền bồi những thiệt hại cho nạn nhân của sai sót. Chính phủ làm nhiệm vụ bảo đảm các quy trình ấy hoạt động công bằng và xuyên suốt theo các bộ luật đã được ban hành. Chính phủ không phải và không thể là nơi ban hành quyết định phạt một tờ báo.
Đó là một ngày thứ 2 của tháng 4.2009, những công đoạn cuối cùng của số báo Du Lịch đã gần xong để đưa đi nhà in. Một cuộc điện thoại thông báo đình bản 3 tháng vì những “sai sót” trong số báo Xuân trước đó đã để lại một số báo mãi mãi không được xuất bản. Quy trình ứng xử với báo chí không hề thay đổi sau 9 năm, và chắc chắn không thay đổi sau nhiều năm nữa khi báo chí Việt Nam không thoát khỏi kiếp “công cụ”.
Cho đến giờ vẫn chưa có gì thay đổi quyết tâm “lãnh đạo toàn diện” đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng mọi thứ đều đã được luật hoá, tôi tự hỏi tại sao với báo chí, đảng cầm quyền lại không để nó vận hành như một doanh nghiệp. Chịu sự chi phối và điều phối bởi các bộ luật như mọi chủ thể khác đang hoạt động trên đất nước này. Có thể nhiều người ủng hộ quyền lực của đảng sẽ nạt nộ: “Thế thì loạn à?”, nhưng hãy nhớ lại chỉ 20 năm trước đây thôi thị trường chứng khoán vẫn còn bị coi là “công cụ bóc lột của giới chủ tư bản” trong nhiều văn kiện đảng, lùi xa hơn là 30 năm trước thì doanh nghiệp tư nhân vẫn là một hình thức “người bóc lột người”.
Báo chí cũng vậy, cũng chỉ là một “diện” của đời sống mà Đảng Cộng sản muốn quản lý. Có muốn hay không thì báo chí cũng sẽ tìm cho được cách hoạt động tự do, bởi những nhu cầu bắt buộc của xã hội. Vậy hãy quản lý bằng cách rút dần bàn tay điều hành trực tiếp ra khỏi lĩnh vực này mà để thị trường điều tiết và chi phối bằng luật pháp. Đồng thời, xin tha cho người làm báo cái vai trò “chiến sĩ thông tin” để rồi ra ân ra uy bằng cái thẻ. Hãy để họ được làm báo bằng các quy tắc nghề nghiệp đã có từ hàng trăm năm nay, đừng bắt những nhà báo có lương tâm phải đau khổ khi đứng trước những sự thật không được chuyển lên mặt báo, phải tủi nhục khi ai ai cũng có thể khinh khi rẻ rúng một nghề nghiệp đầy cao quý như nghề báo.
T.B.
Tuổi Trẻ
Truong Huy San/ BVN 18-7-2018
Tôi biết là rất trễ nhưng tôi vẫn mong các bên có thẩm quyền xử phạt, xét lại, để đối xử với Tuổi Trẻ không chỉ như một công cụ truyền thông mà còn như một doanh nghiệp. Ai sai kỷ luật người đó, đình bản một tờ báo còn là thắt bao tử của hàng trăm con người.
Nhiều tờ báo ra đời đã năm bảy chục năm, tới nay vẫn sống bằng ngân sách (hoặc cấp trực tiếp, hoặc thông qua nơi mua báo), Tuổi Trẻ, ngay từ những năm đầu, đã tự "hạch toán kinh doanh". Đầu tư lớn nhất của Nhà nước cho Tuổi Trẻlà quyền được ra báo ngay sau năm 1975 và được bao cấp nhà đất để làm toà soạn.
Cơ sở vật chất và đặc biệt là thương hiệu mà Tuổi Trẻ tích luỹ được trong vòng 43 năm qua là rất lớn. Tuy nhiên, nó vẫn thuộc về Thành Đoàn chứ không thuộc về nhiều thế hệ đã thắt lưng buộc bụng, chắt chiu làm ra nó.
Tôi không đủ các dữ liệu để đánh giá thiệt hại về vật chất và thương hiệu cho Tuổi Trẻ khi bản online bị đóng cửa. Trong thời đại ngày nay, bản online, cho dù doanh thu trực tiếp có thể ít hơn, nhưng nó là một "chân" của tờ báo, nó giúp tờ báo in lan toả, giúp gia tăng giá trị (thương hiệu) và thu nhập. Tổn thất này của Tuổi Trẻ là vô cùng to lớn.
Trong hệ thống thứ bậc chính trị, Tuổi Trẻ, tuy chỉ là một tờ báo cấp phòng nhưng sức lan toả của nó lớn hơn rất nhiều những tờ cấp bộ và cấp vụ khác.
Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo báo chí nhất và chuyên nhiệp nhất. Nhưng, ở góc độ công cụ tuyên truyền cho chế độ, Tuổi Trẻ cũng là đắc lực nhất. Trong không gian thông tin ngày nay, đình bản bản online những tờ báo chính thống như Tuổi Trẻ tuy có gây thiệt thòi cho người đọc nhưng xét kỹ, chính hệ thống tuyên truyền của Đảng mới thiệt hại rất nhiều.
T.H.S.
Nguồn: https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/1697181746

AI LÀ NGƯỜI XỬ BÁO TUỔI TRẺ ?

BÙI QUANG VƠM/ BVN 23-7-2018

Ngày 19/6/2018, bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” đăng trên báo Tuổi Trẻ (TT), tờ báo lớn nhất Việt Nam hiện nay, với nội dung ban đầu là “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông “đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội ”.
Nhưng chỉ sau đó vài tiếng, tên bài báo bị thay, nguyên văn lời cam kết của chủ tịch nước bị xoá sạch và được thay bằng nội dung: “những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh là “do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo”, giống nguyên văn lời ông Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử trị Hà Nội, y như gắn lời ông Trọng vào miệng ông Quang.
Tiếp sau đó, ngày 16/07 báo Tuổi Trẻ bị đình bản 3 tháng và chịu 220 triệu đồng tiền phạt.
Ngay lập tức có người nói, đây là đòn trả đũa của ông Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ông này còn cay cú cái vụ Tuổi trẻ là tờ báo nhanh nhất đưa tin kết luận của thanh tra chính phủ vụ Mobifone, rằng “bộ trưởng Trương Minh Tuấn là người chịu trách nhiệm làm thất thoát ngân sách, gây hậu quả nghiêm trọng”. Trả miếng trước khi mất chức?! Ít có khả năng, vì đang là đối tượng kỷ luật, ông Trương Minh Tuấn có thể đã không còn thực quyền điều hành Bộ 4T từ hàng tháng trước.
Kỷ luật chủ tịch nước?
Một buổi tiếp xúc cử tri các quận 1, 3 và 4 ở Sài Gòn với hàng trăm người tham dự, cả dân chúng lẫn hàng chục quan chức các loại, Tuổi Trẻ không phải là tờ báo duy nhất có mặt chứng kiến, và nhất là ở thời smartphone, thì không phải chỉ nhà báo mới ghi âm ghi hình. Tuổi Trẻ không dốt, và cũng chẳng có lợi lộc gì đến mức phải bịa lời chủ tịch nước để phạm tội với đảng. Nếu muốn, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng kiểm định.
Luật biểu tình là món nợ khất lần của Quốc hội đối với Hiến pháp 2013. Ông Nguyễn Tấn Dũng từng hứa, Quốc hội nhiều lần hoãn, dân cả nước từng nhiều lần kiến nghị. Trước lần họp kỳ thứ 5 Quốc hội 14, cử tri các tỉnh Quảng Bình, Long An, TP HCM, Hải Phòng… cùng trực tiếp gửi lên Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội: “Việc ban hành Luật biểu tình là rất cần thiết, nhằm hướng dẫn người dân thực hiện quyền công dân chính đáng của mình và xử lý nghiêm các hoạt động biểu tình trái phép, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội”. Như vậy, nếu ông Trần Đại Quang đồng tình với kiến nghị này là một điều hợp lòng dân, dám sửa lời đã hứa với dân của chủ tịch nước, hàng trăm người chứng kiến, và qua hàng trăm người đại diện này, tới toàn dân cả nước, về mặt văn hoá, đạo lý, là một hành vi vô lễ, vô đạo, thấp kém, chưa nói nó bộc lộ thực chất là đảng chống lại ý nguyện của dân, đẩy dân về phía đối địch với chế độ.
Nếu TT đăng lời bịa đặt không có sự thật, thì trước hết nhà báo phải bị tước giấy phép, rồi Tổng Biên Tập mới bị kỷ luật liên đới thiếu trách nhiệm. Việc đình bản 3 tháng mà không kỷ luật cá nhân cho thấy người ra quyết định kỷ luật không có căn cứ để kỷ luật cá nhân, có nghĩa là không có bằng chứng bịa đặt sai sự thật của nhà báo. Cũng có nghĩa rằng TT không đăng tin sai sự thật, chủ tịch Trần Đại Quang cam kết báo cáo lại với Quốc Hội về luật biểu tình là có thật.
Như vậy, bản chất của kỷ luật đình bản TT ba tháng, không phải là kỷ luật đối với TT, đối tượng mà Quyết định kỷ luật này muốn chuyển tới chính là cá nhân chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Ông Quang, dù là chủ tịch nước, và dù yêu cầu có luật biểu tình là quyền, là nguyện vọng chính đáng của người dân, nhưng trái với ý muốn của đảng, thì ông chủ tịch hay lòng dân đều không mảy may có giá trị. Hiến pháp ghi là quyền của dân từ năm 2013 vẫn bị phớt lờ, và ông chủ tịch nươc nhắc tới quyền đó vẫn bị vả vào miệng.
Lời của ông Quang đã được ai đó sửa lại. Nếu điều sửa lại không đúng với sự thật, hoặc chỉ là một phần sự thật những điều ông Quang phát biểu, thì chính người này vi phạm luật báo chí. Nếu không có bảo kê, thì cá nhân người này chắc chắn bị kiện ra Toà.
Cả TT và cá nhân ông Quang đến nay vẫn im lặng, cam chịu, cho thấy cả tờ báo lẫn cá nhân ông chủ tịch không đủ tư cách tương xứng với vị trí của mình. Ông Quang bị cho là người không biết nhục, và Tổng biên tập TT Lê Thế Chữ bị gọi là “thằng hèn”.
Báo mà không dám bảo vệ chức năng phản ánh sự thật, thì nên đóng cửa. Chủ tịch nước đại diện cao nhất của chủ quyền quốc gia và chủ quyền dân tộc mà còn để cho một kẻ khác chặn họng, cấm nói thì cũng nên từ chức.
Quyết định đình bản TT ba tháng dù được ký bởi ông Lưu Đình Phúc, cục trưởng Cục Báo chí, nhưng thực chất, ông này không thể ký mà không xin ý kiến chỉ đạo của Bộ chính trị, hơn thế, ông ta chắc chỉ ký thừa lệnh một quyết định từ cấp trên.
Ai là người xử?
Ai? ông Võ Văn Thưởng là người ra chỉ thị sửa lời, mà thực chất là lời cảnh cáo bịt miệng chủ tịch nước? Xét tuổi đời, thâm niên nghề chính trị, vị thế trong đảng, điều này là không thể. Về lĩnh vực tư tưởng, trong đảng, trên ông Thưởng chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng. Như vậy, ông Trọng là thủ phạm cú “tạt tai” ông chủ tịch nước!?
Kỷ luật báo TT nhưng thông điệp lại là sự răn đe đối với ngài chủ tịch nước.
Nếu cứ theo dư luận, thì tờ Tuổi Trẻ còn được cho là tờ báo “vườn” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Facebook Lê Nguyễn Hương Trà cho biết trước đó, tổng biên tập Tuổi Trẻ là Lê Thế Chữ đã vội bay ra Hà Nội xin gặp Thủ tướng Phúc, và sau đó có nhận được lời hứa của ông Phúc là ‘không đình bản’, vậy mà kết cục vẫn có “đình bản 3 tháng và 220 triệu đồng tiền phạt”. Ông Phúc lừaTuổi Trẻ, hay ông Phúc cũng bị “tạt” tai?
Ông Quang và ông Phúc không cùng phe, như vậy, nếu đánh cả hai, thì người đánh phải đồng thời là đối thủ của cả hai ông.
Kẻ đó có thể là ai, nếu để ý rằng hai ông này là những ứng viên nặng cân nhất cho vị trí thay thế ông Trọng, trong khi, người có uy quyền nhất với Ban Tuyên giáo hiện nay chỉ có duy nhất ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đại hội XIII có khi lại sửa điều lệ đảng, bỏ quy định hai nhiệm kỳ và không giới hạn tuổi tình nguyện cống hiến, trước khi Tổng bí thư đọc báo cáo chính trị.
Báo oan, dân oan
Đình bản báo Tuổi Trẻ, một kỷ luật nặng chưa từng có trong lịch sử báo chí cộng sản, ở vào thời điểm này, là một thứ kỷ luật có tính khiêu khích.
Bất cứ điều gì trái ý muốn của đảng, dù là sự thật, báo chí cũng không được phép phản ánh. Bộ máy chuyên chính trong tay đảng sẽ không từ chối bất kỳ hình thức trấn áp nào, bất kể đó là đối tượng nào.
Nhưng loại hình kỷ luật tuỳ hứng này cũng truyền tải một loại thông điệp: Nếu tất cả mọi tờ báo lề phải đều chỉ trung thành với sự thật, bất kể ý đảng và bất kể kỷ luật, thì sự việc sẽ như thế nào?
Đến như nhà báo đại tá Nguyễn Như Phong, chủ bút Petrotimes, từng giáo huấn giới viết báo “phải như là chó ấy, cho cắn mới được cắn, cho sủa mới được sủa và phải thính mũi, tinh mắt để biết chủ muốn gì”. Biết thân phận và cúc cung tận tuỵ như Phong, mà Petrotimes vẫn bị đình bản vô thời hạn, và Tuổi Trẻ không phải là lần đầu bị “đánh” dù chưa một lần vi phạm đạo đức nghề báo. Nhưng lần này, khi nói đúng điều chủ tịch nước nói mà bị đánh, thì là bị đánh oan, là mượn cá đánh thớt.
Nếu cứ chỉ nói thật, thì sớm hay muộn, không một tờ báo ăn lương của đảng nào không bị “đánh”. Dân bị cướp đất mà kiện chính quyền thì thành dân oan. Báo nói thật mà bị đánh thì thành “báo oan”. Dân oan ngủ vỉa hè mãi, bây giờ kéo theo dân cả nước xuống đường, không còn biết sợ hãi. Báo oan mà bảo nhau tất cả 800 tờ đều im tiếng, hoặc đều chỉ nói thật, thì chính quyền này sụp.
20/07/2018
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN


983666

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét