Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

20180713. BÌNH LUẬN VỀ TỔNG THỐNG DONAL TRUMP

ĐIỂM BÁO MẠNG
DONALD TRUMP DỒN THÊM ĐÒN HIỂM , TRUNG QUỐC  LẬP TỨC LÃNH ĐỦ

V.HÀ/ VNN 12-7-2018

Donald Trump dồn thêm đòn hiểm, Trung Quốc lập tức lãnh đủ
 Thị trường tài chính thế giới chao đảo ngay sau khi ông Donald Trump đẩy cuộc chiến thương mại lên một mức mới. Chứng khoán châu Á rực lửa, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm.

Thế giới chao đảo
Thị trường tài chính thế giới tiếp tục rơi vào tình trạng giảm sâu sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố kế hoạch tiếp tục áp thuế nhập khẩu 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau cú đánh thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ hôm 6/7.
Hoạt động bán tháo diễn ra trên hầu khắp các thị trường chứng khoán (TTCK) châu Á, châu Âu và cả thị trường tương lai của Mỹ.
Chứng khoán Trung Quốc đỏ lửa sau kế hoạch đánh thuế của ông Trump. Chỉ số Shanghai Composite Index có lúc giảm 2,3% và rơi trở lại vào xu hướng thị trường đầu cơ giá xuống với mức giảm vài tháng trước đó lên tới khoảng 20%.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng có lúc mất hơn 500 điểm (hơn 2%). Trong khi Nikkei 225 của Nhật giảm 1,7% ngay đầu buổi sáng. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm mạnh, các cổ phiếu lớn như Samsung, Hyundai đều đi xuống.
Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ cũng đồng loạt giảm sau khi có tin về kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc mới. 
Tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm mạnh cho dù vừa mới chỉ hồi phục đôi chút sau 14 phiên giảm liên tiếp xuống mức thấp kỷ lục. Tỷ giá USD/NDT tại thị trường Hồng Kông có lúc giảm 0,5% so với chốt phiên phiền liền trước xuống còn 6,6920 NDT đổi 1 USD. Tính từ đầu năm tới nay, NDT đã giảm khoảng 5,3-5,4% so với USSD.
Tại Việt Nam, lực bán tăng mạnh khiến hầu hết các cổ phiếu ngân hàng giảm giá. Chỉ số VN-Index có lúc giảm hơn 25 điêm (-2,7%), trước khi chốt phiên 11/7 giảm gần 18 điểm xuống xa dưới ngưỡng 900 điểm (từ đỉnh cao 1.204 điểm ghi nhận hôm 9/4).
Tình trạng bán tháo trên phạm vi toàn cầu diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại không biết kết cục của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ đi đến đâu. Những cú đánh dồn dập và lời cảnh báo mới của ông Trump khiến thị trường run sợ.
Điều đáng ngại là giới đầu tư chưa thể hình dung được những gì ông Trump có thể sẽ làm và hậu quả của cuộc chiến này sẽ tồi tệ như thế nào. Nhưng theo một khảo sát mới nhất, thì phần lớn các NĐT cho rằng, thế giới hiện nay nguy hiểm hơn so với 2 năm trước đây và niềm tin vào nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm.
Trên thực tế, hàng rào thuế quan mà Nhà Trắng vừa công bố không có hiệu lực ngay lập tức, sẽ phải trải qua quá trình rà soát kéo dài 2 tháng cùng với các cuộc điều trần vào ngày 20-23/08/2018. Tuy nhiên, nó được xem là một phần trong kế hoạch tổng thể mà ông Trump muốn tấn công vào sức mạnh Trung Quốc vào sự nổi lên của Bắc Kinh về kinh tế trên phạm vi toàn cầu, với trọng tâm là chiến lược “Made in China 2025” cũng như ảnh hưởng kinh tế chính trị tại khu vực châu Á.
Giới đầu tư lo ngại
Trong một cuộc họp báo chóng vánh vừa diễn ra chiều 11/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đề cập trực tiếp tới diễn biến mới về cuộc chiến thương mại nhưng gọi những gì đang diễn ra là cuộc chiến giữa quyền lực với luật lệ, giữa chủ nghĩa đơn phương và đa phương.
Trước đó vài giờ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) và đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả nhằm vào động thái mới nhất của Mỹ. 
Đánh giá về những bước đi của Mỹ, một số chuyên gia cho rằng, những động thái của ông Trump có thể là biện pháp để tạo ra lợi thế trong đàm phán thương mại với Trung Quốc, nhằm đáp ứng được mục tiêu “America First” (Nước Mỹ trên hết), trong đó có việc giảm thâm hụt thương mại.
Nhưng phần lớn các đánh giá khác lại cho rằng, điều mà ông Trump đang làm không đơn giản như vậy. Mỹ và Trung có thể bước vào một cuộc chiến kéo dài, gây tổn hại cho cả 2 nền kinh tế cũng như kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu. cũng là điều mà các NĐT trên thế giới lo ngại.
Trên Bloomberg, nhà đầu tư huyền thoại Mark Mobius cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ là màn khởi đầu cho khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn cầu khi mà thế giới sắp chấm dứt thời kỳ tiền giá rẻ. Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn. Ông Trump sẽ không gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai chính sách thuế quan của mình bởi mục tiêu của ông chủ Nhà Trắng là kéo tiền lương của người lao động Mỹ lên.
Hơn thế, những động thái của ông Trump gần đây cho thấy điều mà ông chủ Nhà Trắng quan tâm có thể không chỉ ở thâm hụt thương mại. Những công ty mà ông Trump nhắm tới đều là những công ty công nghệ, từ ZTE cho đến China Mobile và Huawei.
Cam kết “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) không chỉ là làm giảm thâm hụt thương mại, mà quan trọng là phải làm cho nước Mỹ mạnh hơn ở chính thế mạnh của Mỹ. Đó là công nghệ, sự sáng tạo và 1 đồng USD mạnh.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), trí tuệ nhân tạo (AI), robots thay thế con người… thì công nghệ là số 1, trong đó cộng nghệ 5G tạo ra một cơ sở hạ tầng giúp các nền kinh tế phát triển nhanh hơn bao giờ hết.
Trong chiến lược của mình, Trung Quốc đã không ngần ngại đặt ra tham vọng dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030, và tất nhiên là các công nghệ khác nữa.

Trong một diễn biến gần đây, ông chủ Nhà Trắng Donald Trump đã tung ra một biện pháp mạnh: ngăn chặn bất cứ doanh nghiệp nào có từ 25% cổ phần do Trung Quốc nắm giữ trở lên thâu tóm các công ty công nghệ Mỹ.
Đây là một quyết định rất cứng rắn trong bối cảnh Trung Quốc đang hướng đến một nền kinh tế ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo, cho hoạt động sản xuất mà thường được gọi là “Made in China 2025”. Mà để làm được vậy, Trung Quốc cần thâu tóm nhiều doanh nghiệp công nghệ trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và châu Âu để nắm giữ nhiều phát minh, sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực sản xuất.
IMF cũng vừa cảnh báo về một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng sẽ khiến kinh tế toàn cầu trì trệ trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, với ông Trump, điều đó có thể không quá đáng lo ngại. Nền kinh tế Mỹ vẫn đang phát đi những tín hiệu tốt, đồng USD vẫn là số 1 thế giới, nước Mỹ đang là con nợ nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, nhưng cũng như không nợ. Một khi dòng tiền được kéo về Mỹ, sản xuất tập trung về Mỹ và người Mỹ có thêm việc làm thì những ảnh hưởng từ lạm phát, khủng hoảng trên thế giới có thể cũng không phải là điều mà chính quyền ông Trump lo ngại nhất.
V. Hà

TỔNG THỐNG TRUMP: 'ĐÁNH CHO TRUNG NGÃ, CỘNG NHÀO'

NGUYỄN QUANG DUY/ BVN 13-7-2018

Donald Trump dồn thêm đòn hiểm, Trung Quốc lập tức lãnh đủ

Khi tranh cử, ông Trump liên tục dùng cụm từ “America First” tạm dịch là “Nước Mỹ trên hết”. Có người cho rằng đây là khẩu hiệu tranh cử, người khác cho rằng đó là chính sách ngoại giao.
Khi thắng cử, các quyết định của ông Trump lại liên tục thay đổi gây nhiều thắc mắc: Chiến lược của ông là gì? Ông sẽ đưa nước Mỹ và thế giới đi về đâu? Và làm sao ông có thể thực hiện được chiến lược này?
Trong khi Trung cộng - đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ- thì ngày càng mạnh hơn về kinh tế và quân sự, ảnh hưởng thế giới hơn về ngoại giao và chính trị, và mở rộng “lãnh thổ” bằng cách tung tiền mua nhiều vị trí chiến lược trên toàn thế giới...

Sức mạnh của Tổng Thống Trump

Sau một năm rưỡi cầm quyền, khi kinh tế Hoa Kỳ ngày một khả quan hơn, là lúc ông Trump bắt đầu trừng phạt các quốc gia đối xử bất công với nước Mỹ.
Đối thủ chiến lược được ông Trump nêu đích danh là Trung cộng với những hành vi thương mại không công bằng, ăn cắp công việc của người Mỹ, làm thâm hụt cán cân thương mại, ăn cắp các tài sản sở hữu trí tuệ và trên hết là gây hại an ninh cho nước Mỹ.
Để được toàn quyền quyết định, ông Trump sử dụng hai Đạo luật trao  quyền cho Tổng thống đánh thuế trừng phạt tất cả các hàng hóa nhập cảng từ Trung Cộng mà không cần Quốc hội biểu quyết: Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act 1962) về an ninh quốc gia; và Mục 301 Đạo luật Thương mại năm 1974 (Trade Act 1974) về trả đũa những hành vi thương mại không công bằng của nước khác.

Trung cộng Xấu xí

Sau hơn 15 năm gia nhập WTO, Trung cộng vẫn không mở cửa thị trường, tiếp tục tài trợ các doanh nghiệp nhà nước, phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài, ăn cắp tài sản trí tuệ của các quốc gia khác và vẫn không chấp nhận cho thành lập các công đoàn tự do.
Trung cộng giữ đồng tiền yếu hơn thực giá, làm hàng xuất khẩu rẻ hơn, giành lợi thế trên thị trường Mỹ, còn hàng Mỹ xuất khẩu sang Trung cộng đắt hơn, nên Mỹ mất thế cạnh tranh. Cán cân thương mại giữa hai nước càng ngày càng mở rộng.
Theo thống kê năm 2017, Trung Cộng nhập khẩu 129 tỉ Mỹ kim (USD) hàng hóa từ Mỹ, nhưng lại xuất khẩu sang Mỹ đến 506 tỉ Mỹ kim, làm thâm hụt mậu dịch Mỹ lên tới 307 tỉ Mỹ kim - khoản thặng dư này được dùng để giữ giá đồng tiền hay mua trái phiếu tiếp tục ảnh hưởng lên kinh tế Hoa Kỳ và thế giới.
Trước đây, Trung cộng chỉ sản xuất hàng công nghệ tiêu dùng dựa trên lao động rẻ phục vụ xuất khẩu nên chưa phải là nỗi lo âu quá đáng cho nước Mỹ. Nhưng, gần đây Trung cộng đưa ra kế hoạch mang tên “Made in China 2025”, muốn chuyển đổi thành một một nước dẫn đầu về công nghệ cao cấp, trực tiếp cạnh tranh với Mỹ.
Để thực hiện kế hoạch này, thay vì đầu tư cho nghiên cứu các ý tưởng mới và phát triển thành các sản phẩm mới, Bắc Kinh lại đi ăn cắp bí mật công nghiệp nước khác.
Một mặt, Trung cộng ép buộc các công ty nước ngoài muốn làm ăn phải chuyển giao kỹ thuật trước khi cấp phép khai thác thị trường tại đây. Mặt khác, Bắc Kinh cho gián điệp công nghệ xâm nhập và đánh cắp kỹ thuật gây thiệt hại nặng nề cho công nghệ các nước tiên tiến.
Với khoản mậu dịch thặng dư, Bắc Kinh lại dùng cách tăng cường quân sự, lấn chiếm Biển Đông, mua cảng, xây đặc khu, gây ảnh hưởng chính trị và công khai thực hiện tham vọng bành trướng toàn cầu. Trung cộng đã trở thành mối đe dọa hòa bình và an ninh toàn thế giới.

Chiến tranh Thương mại bắt đầu.

Ngày 6/7/2018, Hoa Kỳ bắt đầu trừng phạt Bắc Kinh bằng cách đánh 25% thuế lên một số mặt hàng Trung Cộng nhập khẩu vào Hoa Kỳ, tổng giá trị lên đến 34 tỷ Mỹ Kim.
Đáp lại, Trung Cộng cũng đánh 25% thuế trên hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ với giá trị tương đương 34 tỷ Mỹ Kim. Chiến tranh thương mãi Mỹ - Trung bắt đầu.
Tổng thống Trump đang xem xét đánh thuế trên 16 tỷ Mỹ Kim hàng hóa khác và cảnh cáo nếu Bắc Kinh trả đũa sẽ đánh thuế trên 550 tỷ Mỹ kim hàng hóa ước tính nhập cảng vào Hoa Kỳ năm nay.
Tổng thống Trump tin tưởng sẽ dễ dàng chiến thắng vì Trung Cộng không có nhiều hàng hóa Mỹ nhập khẩu để đánh thuế.
Từ đầu năm 2018 đến nay, tỷ giá Nhân dân tệ liên tục giảm. Chỉ riêng tháng 6 đã giảm 3%, làm nhiều người tin rằng Bắc Kinh đang sử dụng đồng tiền mệnh giá yếu để sửa soạn đánh trả việc áp đặt thuế trên hàng nhập khẩu từ Trung Cộng vào Mỹ.
Nhưng kết quả không như mong muốn, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh do đó hàng hóa tiêu thụ cũng gia tăng, nhưng số hàng nhập cảng từ Trung Cộng vào Mỹ lại tăng lên rất chậm, chỉ 5.4% so với 19.3% số tăng năm ngoái. Chứng tỏ ông Trump đang được dân Mỹ ủng hộ trừng phạt Bắc Kinh.
Ngay khi thuế quan có hiệu lực, Bắc Kinh cho biết sẽ hỗ trợ các công ty chịu ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt này. Điều này giúp cổ phiếu tại Hồng Kông, Trung cộng và nhiều quốc gia châu Á khác hiện thời tăng đôi chút.
Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, chứng khoán Trung cộng đã mất gần 2.000 tỷ Mỹ kim, chỉ số Shanghai Composite Index giảm hơn 20%, phần chính do giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Trung Cộng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi chiến tranh thương mại gia tăng nên bán chứng khoán rút tiền đầu tư nơi khác.
Ngược lại, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ tiếp tục tăng, mặc dầu giữa tháng 6/2018, FED quyết định cho tăng lãi suất.
Trung Cộng có thể trả đũa bằng cách chịu lỗ bán tháo trái phiếu. Nhưng trái phiếu Mỹ lại luôn được giới đầu tư tin tưởng nên khi giá trái phiếu hạ xuống, lãi suất sẽ tăng lên, các nhà đầu tư khác cảm thấy có lời thì nhảy vào mua, thay vì Chính phủ Mỹ phải mua, ảnh hưởng đến đồng Mỹ Kim.
Trung Cộng cũng có thể tuyên truyền chống lại hàng Mỹ: những cửa hàng McDonald, Starbucks ở Trung Cộng sẽ bị tẩy chay hay Coca-Cola sản xuất ở Trung Cộng sẽ gặp khó khăn. Phương cách này lại trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế Trung Cộng.
Nhìn chung mọi cách trả đũa của Trung Cộng đều dẫn đến kết quả không tốt cho chính Trung Cộng, nên ngay cả Bắc Kinh cũng đã thấy rõ họ sẽ thua cuộc chiến.

Chiến tranh Thương mại ảnh hưởng các mặt khác.

Hàng hóa Trung Cộng trong thời gian đầu còn có thể bán được sang các thị trường khác, nhưng về lâu dài, các hãng xưởng sẽ phải đóng cửa, công nhân sẽ bị sa thải. Kinh tế suy thoái sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến xã hội, chính trị và có thể là quân sự.
Trung Cộng hiện đang chìm ngập trong khoản nợ công lên đến trên 30.000 tỉ Mỹ Kim (tương đương 259% GDP). Phần lớn khoản nợ nói trên do các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước và vay của các chính quyền địa phương.
Nợ hộ gia đình cũng rất cao, trong đó có vay mượn để tiêu dùng, mua bất động sản và đầu tư. Riêng nợ đầu tư cổ phiếu bằng tiền đi vay ở Trung Cộng đã lên đến 760 tỷ Mỹ Kim.
Cảnh vỡ nợ sẽ kéo theo khủng hoảng tài chánh đẩy Trung cộng vào khủng hoảng kinh tế, một điều chưa từng xảy ra từ khi nước này từ bỏ kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Nền kinh tế Mỹ đủ lớn, tự nó có thể điều chỉnh mà không gây thiệt hại đến tăng trưởng. Các doanh nghiệp Mỹ có cơ xưởng sản xuất tại Trung Cộng sẽ tìm cách quay về nước Mỹ, nơi cơ hội làm ăn vừa tốt, vừa an toàn, lại được Chính phủ khuyến khích.
Những doanh nghiệp bị thiệt hại do thuế quan như các chủ trang trại sẽ được Chính phủ bù lỗ. Giá cả có gia tăng đôi chút, nhưng kinh tế phục hồi, thuế quan sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các hộ gia đình Mỹ trung bình.
Trở lại với Trung Cộng, khi nền kinh tế không còn tăng trưởng mạnh như xưa và cán cân mậu dịch sẽ bị hẹp dần, Bắc Kinh mặt khác phải chi tiền lo việc nội trị nên không còn khả năng thực hiện chiến lược đầy tham vọng “Một vành đai, Một con đường”. Nhờ thế, an ninh của thế giới sẽ tốt hơn.
Trung Cộng, một quốc gia bị phân hóa trầm trọng: dân Mông Cổ, dân Mãn Châu, dân Duy Ngô Nhĩ và nhất là dân Tây Tạng đang đòi độc lập, Hong Kong đòi trở về với Anh Quốc. dân oan mất đất, dân nghèo lao động chiếm đa số ngấm ngầm bất mãn,… kinh tế suy sụp cũng là lúc mối bất an xã hội trỗi dậy thách thức nền chính trị Bắc Kinh.
Những điều nói trên chắc chắn giới lãnh đạo Bắc Kinh đều nhận thấy, nhưng chưa ai biết rõ ông Trump thật sự muốn gì.
Hai năm về trước, không ai tiên đoán sẽ có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nên cũng khó có thể đoán được khi kinh tế và ngoại giao không giải quyết được sẽ dẫn đến chiến tranh quân sự.
Cần nhớ chiến tranh quân sự đã được ông Trump đặt ưu tiên hàng đầu. Chả thế đầu tháng 3/2018, ông Trump cho công bố mức thuế 25% trên tất cả các mặt hàng thép nhập khẩu và 10% trên nhôm với lý do nước Mỹ dựa quá nhiều vào các quốc gia khác về kim lọai nên không thể tự sản xuất đủ vũ khí hoặc xe cộ một khi chiến tranh nổ ra.

Việt Nam trong cuộc chiến Mỹ - Trung.

Mô hình phát triển Việt Nam rập khuôn mô hình Trung Cộng. Bởi thế, mọi việc xẩy ra với Trung Cộng đều có thể xảy ra với Việt Nam. Ông Trump từng công khai nhắc nhở ông Nguyễn Xuân Phúc nên tìm cách cân bằng cán cân mậu dịch hai quốc gia.
Việt Nam còn là sân sau để Trung Cộng tuồn hàng ra thế giới. Cuối tháng 5/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra tuyên bố sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội được sản xuất tại Việt Nam sử dụng chất nền có nguồn gốc Trung Cộng.
Hà Nội thay vì lo cải cách cả kinh tế lẫn chính trị để giảm thiểu ảnh hưởng xấu của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, lại chọn con đường chiến tranh.
Theo tờ South China Morning Post, một kế hoạch hợp tác rộng lớn được ký kết giữa Bắc Kinh và Hà Nội vào năm ngoái, Trung Cộng sẽ sản xuất hàng hóa của họ dọc theo biên giới Việt Trung và dán nhãn "Made in Vietnam" để né thuế của Hoa Kỳ.
Ký kết này nằm trong chiến lược "Một vành đai, một con đường", một chiến lược mà ông Trump đang thẳng tay tận diệt.

Kết

Chiến lược “Nước Mỹ trên hết” đã được đưa ra từ 70 năm về trước nhưng các vị Tổng thống Mỹ tiền nhiệm đã không thể thực hiện để Trung Cộng càng ngày càng vươn lên và sửa soạn qua mặt Hoa Kỳ.
Sở trường của ông Trump là chiến thuật. Trong lần tranh cử Tổng Thống các đối thủ của ông đều là những chính trị gia lỗi lạc nhiều kinh nghiệm chính trường. Họ thua ông vì không hiểu bước kế tiếp ông sẽ làm gì.
Mục tiêu của Tổng thống Trump là xây dựng lại một trật tự mới với “Nước Mỹ trên hết”. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vừa khai mạc thật khó nói thế giới sẽ đi về đâu.
Điều chắc chắn rằng Bắc Kinh sẽ yếu đi và ngay cả việc nội trị không chắc còn nắm được, nếu cuộc chiến tiếp diễn lâu dài. Trung Cộng đang yếu đi lại là cơ hội để Việt Nam thoát Trung theo hướng tự do và dân chủ.
Hoa Kỳ luôn nhắc nhở muốn có tự do và dân chủ chính người Việt phải giành lại, đừng ngồi mà đợi Hoa Kỳ mang tới. Tổng thống Trump lại luôn đòi hỏi sự công bằng, nên nếu muốn Việt Nam có tự do và dân chủ chúng ta phải hiểu rõ sự đóng góp và phải công bằng nhìn nhận nỗ lực của Tổng thống Trump và của Hoa Kỳ.
Melbourne, Úc Đại Lợi
11/07/2018
N. Q. D.
Tác giả gửi BVN

BẮC KINH TUNG TIỀN THAO TÚNG CHÍNH TRỊ ÚC

NGUYỄN QUANG DUY/ TD/ BVN 12-7-2018

Tập Cận Bình lên nắm quyền với chiến lược dùng tiền ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế và xã hội từng quốc gia để từng bước khuynh đảo thế giới. Trong đó có cả việc họ tung tiền tài trợ cho các đảng chính trị tại Úc, mua chuộc các chính trị gia, giới khoa bảng, tài trợ truyền thông ảnh hưởng đến dư luận,… nói chung là lũng đoạn cả hệ thống chính trị ở Úc.
Tuần trước Lưỡng Viện Quốc Hội Úc thông qua hai Đạo Luật chống can thiệp chính trị từ ngoại bang và gián điệp công nghiệp. Đúc kết vấn đề dẫn tới việc thông qua hai đạo luật giúp chúng ta rút ra bài học về hiệu năng của hệ thống chính trị đa đảng đối lập.

Tỷ phú Chau Chak Wing mang bí danh “CC-3”

Với sự cố vấn của Cơ quan Tình báo An ninh Úc ASIO, ngày 7/12/2017 Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đưa dự luật ra trước Hạ Viện. Cả 2 Dự Luật không hề nhắc tới Trung cộng nhưng mọi người đều rõ Dự Luật nhằm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Phía đối lập Thủ lãnh Bill Shorten và Thượng Nghị sỹ Kristina Keneally liên tục cho rằng lo sợ ảnh hưởng Trung Quốc là vô căn cứ. Thượng Nghị sĩ Penny Wong phát ngôn nhân Ngoại giao tuyên bố bang giao Úc – Trung sẽ bị đe dọa và kêu gọi chính phủ phải bớt chỉ trích Bắc Kinh.
Bắc Kinh lên tiếng dự luật chủ trương “bài Hoa”, khiêu khích Trung Quốc, ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước,… Họ làm áp lực bằng cách chấm dứt thảo luận song phương với Bộ Ngoại giao, thách thức các chiến hạm Hải quân Úc trong khu vực Biển Đông, đe dọa trừng phạt kinh tế Úc…
Về phía người Úc gốc Hoa, một số công khai ủng hộ dự luật cho biết gia đình họ ở quê nhà thường xuyên bị nhà cầm quyền đe dọa vì họ cổ vũ dân chủ cho Trung Hoa. Một số quan niệm đã là công dân Úc cần chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi như mọi công dân khác nên ủng hộ quá trình ra luật.
Nhưng đa số lại không rõ chuyện gì đang xảy ra. Nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã mở chiến dịch sử dụng truyền thông và báo chí tiếng Hoa để định hướng cử tri gốc Hoa là bị “kỳ thị chủng tộc”, rồi lèo lái dư luận ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc bầu cử sắp tới.
Vì tỷ phú Chau Chak Wing đã kiện công ty Fairfax và đài ABC tội mạ lỵ khi tường thuật ông hoạt động cho cộng sản, nên giới truyền thông rất e ngại khi đưa tin. Chuyển biến bất ngờ là trong phiên họp Hạ Viện ngày 22/5/2018, dân biểu Andrew Hastie, Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp Lưỡng viện Quốc Hội về An ninh và Tình báo lên tiếng lo ngại quyền tự do ngôn luận tại Úc đang bị ông Chau Chak Wing sử dụng chính pháp luật Úc ngăn cản những người dám lên tiếng chất vấn ông Chau.
Để tránh bị kiện như Fairfax và ABC, Dân biểu Andrew Hastie sử dụng quyền đặc miễn dân biểu, ông cho biết trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua đã được FBI tiết lộ tỷ phú Chau Chak-Wing chính là nhân vật mang bí danh “CC-3” đang bị FBI điều tra vì tội danh mướn bà Sheri Yan hối lộ cựu Chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Quốc John Ashe.
Ông Hastie tố cáo chính đảng Cộng sản Trung quốc đang tiến hành những hoạt động bí mật nhằm tác động và gây ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận công khai tại Úc.
Sau lời tuyên bố của ông phía đối lập ngay tức thì phản ứng, Thủ lãnh Bill Shorten và phát ngôn viên về Tư pháp dân biểu Mark Dreyfus cho rằng ông đã tiết lộ tin tức cần được bảo mật.
Nhưng đồng thời lại có 3 dân biểu đối lập công khai lên tiếng ủng hộ. Dân biểu Anthony Byrne, phó chủ tịch Ủy ban An ninh Tình báo Quốc hội cho biết ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm dân biểu Hastie.
Phát ngôn nhân đối lập về Quốc phòng Dân biểu Richard Marles cho rằng thông tin dân biểu Hastie đưa ra có tầm mức vô cùng quan trọng và cần phải thông qua dự luật càng sớm càng tốt.
Dân biểu đối lập Michael Danby, Phó chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp về các Thỏa Ước (Treaties) cũng ủng hộ quan điểm của dân biểu Hastie.
Các cơ quan truyền thông Úc ngay tức thì đưa tin và bình luận về lời phát biểu của dân biểu Andrew Hastie hầu hết đều cho rằng dự luật cần thông qua càng sớm càng tốt.
Điều trần trước Thượng viện ông Duncan Lewis, Tổng giám đốc ASIO cho biết 3 điều: Thứ nhất, lời phát biểu của dân biểu Andrew Hastie không ảnh hưởng đến quan hệ bảo mật thông tin Mỹ và Úc; thứ hai, gián điệp ngoại bang đang gia tăng hoạt động tại Úc đến mức không thể coi thường được nữa; và thứ ba, kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua dự luật vì ngoại bang đang tìm mọi cách thay đổi kết quả tranh cử sắp diễn ra.

Về Tỷ phú Chau Chak Wing

Ông Chau đến Úc chừng 20 năm, đã có quốc tịch Úc và tại Úc ông kinh doanh trong ngành địa ốc. Theo đài ABC trong vòng 10 năm 2006-2016, ông đã 36 lần đóng góp cho 3 đảng Tự Do, Lao Động và Quốc Gia với tổng số tiền lên đến 4.123.500 Úc kim.
Ông Chau là chủ nhân của một tờ báo hiện đang phát hành tại Trung cộng, nơi mà mọi cơ quan truyền thông đều được kiểm soát chặt chẽ và chỉ được tuyên truyền cho đảng Cộng sản. Ông còn là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Cộng một tổ chức do đảng Cộng sản lập ra, có nhiều quyền lực và nhằm cố vấn cho Tập Cận Bình.
Ông Chau đã giao cho bà Sheri Yan hằng triệu Mỹ kim để hối lộ các viên chức Liên Hiệp Quốc để gây ảnh hưởng đến các chính sách của tổ chức này. Vào tháng 11/2013 bà Yan hối lộ chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Quốc John Ashe 200.000 Mỹ kim. Bà bị truy tố, nhận tội và phải chịu án tù 20 tháng tại Mỹ.
Khoản tiền 200.000 Mỹ kim được ông Chau sử dụng để mời ông John Ashe tham dự một Hội Nghị do ông tổ chức tại Quảng Châu. Cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton, hai cựu thủ tướng Úc ông John Howard và ông Kevin Rudd là những người cũng đã được ông Chau mời tới phát biểu trong các cuộc Hội Nghị do ông tổ chức.
Bà Sheri Yan là vợ của ông Roger Uren trước đây làm việc cho Cơ Quan Tình báo Kinh tế (ONA) của Úc. Tháng 10/2016, Cơ Quan Tình Báo Úc được tòa cho phép xét nhà ông bà Uren đã thu được một số tài liệu tối mật của Úc và các quốc gia đồng minh đánh giá về hoạt động của Trung cộng  mà ông Uren đã lấy cắp trước khi nghỉ làm. Ông Uren đã bị truy tố về việc này.

Tỷ phú Huang Xiangmo

Ông Huang đến Úc 2011, đã xin nhập quốc tịch Úc nhưng hồ sơ của ông bị Cơ Quan Tình Báo Úc giữ lại. Ông Huang có 2 lý lịch với 2 tên và visa khác nhau. Ông là lãnh đạo của Hội đồng Thúc đẩy Thống Nhất Hòa bình Trung Quốc, nhằm thúc đẩy việc thống nhất Đài Loan và xác định chủ quyền Trung cộng trên Biển Đông. Ông cũng là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Cộng chuyên cố vấn cho Tập Cận Bình.
Theo ABC, trong vòng 4 năm 2012-2016 ông đã 46 lần đóng góp cho 3 đảng Tự Do, Lao Động và Quốc Gia với tổng số tiền lên đến 2.692.960 Úc Kim.
Năm 2016, ông Huang hứa tặng 400.000 Úc Kim cho đối lập, nhưng khi phát ngôn viên đối lập quốc phòng Thượng nghị sỹ Stephen Conroy lên tiếng chỉ trích chính sách của Trung cộng ở Biển Đông ông đã rút lời hứa.
Ngay hôm sau, Thượng nghị sĩ đối lập Sam Dastyari, xuất hiện trong một buổi họp báo với ông Huang, tuyên bố ngược lại chính sách của đảng đối lập rằng Úc không nên can thiệp vào các hoạt động của Trung cộng ở Biển Đông.
Văn phòng ông Dastyari đã 4 lần liên lạc Bộ Di Trú để hỏi về đơn xin quốc tịch của ông Huang và sau đó chính ông Dastyari lại tiết lộ thông tin “mật” cho ông Huang ông ấy đang bị cơ quan tình báo Úc theo dõi.
Ông Huang cũng tiết lộ vào năm 2014 đã trả chi phí đi lại và 3.788 Úc Kim cho ông Dastyari cho một dự thảo luật. Vi phạm luật pháp Úc, Thượng nghị sỹ Dastyari bị buộc phải từ chức.
Một tuần sau khi ông Dastyari từ chức, đảng đối lập công bố dành chức Thượng nghị sỹ cho một người rất gần gũi với ông Huang, một doanh nhân buôn vàng gốc Hoa ông Simon Zhou. Chỉ trong 1 thời gian ngắn ông Simon đã quyên góp được 140.000 Úc kim cho đảng đối lập.
Báo chí ngay tức thì đưa tin ông Zhou đang bị Sở Thuế Liên Bang điều tra về việc gian lận thuế vụ khiến ông phải từ chức trước khi tuyên thệ nhậm chức.
Ông Huang còn chi tiền để thành lập và tài trợ Viện nghiên cứu Úc – Trung thuộc Đại học Kỹ Thuật Sydney (UTS) rồi mướn cựu Ngoại trưởng Bob Carr làm giám đốc. Ông Bob Carr có vợ gốc Hoa là người nổi tiếng thân Bắc Kinh.
Tỷ phú Chau cũng đóng góp 20 triệu Úc Kim xây tặng Đại học Kỹ thuật Sydney (UTS) tòa nhà mang tên ông - tòa nhà Chau Chak Wing - và 5 triệu Úc kim cho việc nghiên cứu các đề tài về Úc – Trung.
Cả hai công việc trên bị nghi là nằm trong chiến lược của Tập Cận Bình mua chuộc giới khoa bảng, chuyển giao các công trình nghiên cứu về không gian, trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính của Úc cho Trung cộng, một hình thức của gián điệp công nghệ.
Cả hai tỷ phủ ngay khi đến Úc đã hiểu khá rõ hệ thống chính trị Úc và đã thâm nhập khá sâu vào chính trị Úc cho thấy họ đã được sửa soạn và thu xếp sẵn để đưa vào các vai trò họ được giao cho.

Quỹ Tranh Cử

Nhiều người nghĩ rằng việc Úc cho phép người ngoại quốc đóng góp cho quỹ tranh cử là một kẽ hở để ngoại bang ảnh hưởng đến chính trị Úc. Nhưng trường hợp ông Chau Chak Wing là người đã có quốc tịch Úc nên có quyền đóng góp như mọi công dân Úc khác.
Nhưng ngay từ năm 2015 Cơ quan tình báo Úc (ASIO) đã thông báo cho ba đảng lớn của Úc biết hai ông Huang và Chau có liên quan đến đảng Cộng sản Trung Quốc. Đáng lo ngại là trong năm 2016, đảng Tự do vẫn tiếp tục nhận 897.960 Úc kim và đảng Lao động nhận 200.000 Úc kim từ hai ông.
Dân biểu Lao Động Anthony Byrne đã đề nghị Quốc Hội cho tiến hành một cuộc điều trần về việc gây quỹ tranh cử.

Bài học rút ra

Úc là một quốc gia dân chủ đa đảng đối lập nên qua sự kiện này chúng ta thấy khá rõ những điểm sau đây:
Thứ nhất, nội bộ mỗi đảng chính trị kềm chế lẫn nhau, như khi dân biểu Andrew Hastie tố cáo tỷ phú Chau, mặc dầu việc làm trái ý với lãnh tụ đảng đối lập vẫn có ngay 3 dân biểu cao cấp của đối lập lên tiếng ủng hộ;
Thứ hai, chính phủ và đối lập luôn kềm chế lẫn nhau để không đi đến việc chia rẽ nước Úc trong vấn đề vô cùng tế nhị “kỳ thị chủng tộc”;
Thứ ba, lập pháp, tư pháp, hành pháp độc lập luôn luôn vừa kềm chế vừa hổ trợ lẫn nhau vì quyền lợi nước Úc;
Thứ tư, truyền thông báo chí luôn kềm chế vạch ra các sai lầm guồng máy chính trị; và cuối cùng cử tri Úc theo dõi diễn biến và quá trình biểu quyết dự luật để càng ngày càng tin tưởng hơn vào hệ thống chính trị đa đảng đối lập tại Úc.
Hệ thống chính trị Úc rất minh bạch nhưng vẫn bị Trung cộng lũng đoạn. Trong khi hệ thống chính trị độc đảng tại Việt Nam đã quá lỗi thời mất hẳn sức đề kháng trước ảnh hưởng của Trung cộng.
Bởi thế, Việt Nam cần một thể chế đa đảng đối lập với nhiều khuynh hướng khác nhau thì mới có thể tiến hành đồng thuận dân tộc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Từ Melbourne, Úc Đại Lợi
N.Q.D.
Nguồn: https://baotiengdan.com/2018/07/05/bac-kinh-tung-tien-thao-tung-chinh-tri-uc/

MIKE POMPEO ĐẾN VIỆT NAM THỰC RA ĐỂ LÀM GÌ ?

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 13-7-2018

Mike Pompeo và Nguyá»…n Phú Trọng (phải) tại Hà Ná»™i, 8 tháng Bảy, 2018.   
Mike Pompeo và Nguyễn Phú Trọng (phải) tại Hà Nội, 8 tháng Bảy, 2018.
Tự thân cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 9/7/2018 tại Hà Nội đã nói lên gần hết về thực chất chuyến đi Việt Nam của Mike Pompeo: “làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, theo ngữ điệu của cả hai bên, hay đó chỉ là một cách nói thuần túy của giới quan chức ngoại giao bên bàn tiệc và giữa những ly sâm banh sủi bọt đấy nhưng cũng tan biến đấy?

Lại ‘công bằng và đối ứng’!

Quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ không chỉ được biểu trưng bằng tỷ lệ thương mại song phương đã tăng đến 8.000% trong hơn hai chục năm qua, tính từ thời điểm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ vào năm 2015 - như Mike Pompeo đã tự hào mô tả trong buổi tiếp xúc cộng đồng các doanh nghiệp tại khách sạn Sofitel Metropole ở Hà Nội vào tháng Bảy năm 2018, mà còn bởi giá trị nhập siêu của thị trường Hoa Kỳ từ các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng đến 160 lần tính từ mức chỉ 200 triệu USD vào năm 2001 khi Tổng thống Clinton thăm Việt Nam và chấp thuận ký Hiệp định Thương mại song phương Mỹ - Việt (BTA).
Cũng trong buổi tiếp xúc trên với cộng đồng các doanh nghiệp, Mike Pompeo đã không hề quên mặt thứ hai ấy của quan hệ song phương Mỹ - Việt, mà bằng chứng là ở đoạn cuối bài diễn văn mang tinh thần “Chúng tôi cam kết tiếp tục làm việc cho một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, một nước tham gia vào thương mại công bằng và đôi bên cùng có lợi”, Mike đã không quên nhắc lại “Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh với Việt Nam về tầm quan trọng của việc giảm sự mất cân bằng trong thương mại giữa chúng ta”, để từ đó “Chúng ta sẽ xúc tiến thương mại và đầu tư tự do, công bằng và đối ứng ở các lĩnh vực ưu tiên. Điều này bao gồm thương mại kỹ thuật số, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, ô tô, thanh toán điện tử và hàng hóa nông nghiệp. Áp dụng tất cả, chúng tôi sẽ thúc đẩy các thị trường mở, minh bạch, cạnh tranh và các cơ hội thương mại và đầu tư cho các công ty Mỹ”.
Bài diễn văn của của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tại Hà Nội thật chẳng khác mấy bài phát biểu của Donald Trump khi Tổng thống này tham dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thủ phủ miền Trung Việt Nam là thành phố Đà Nẵng vào tháng Mười Một năm 2017. Khi đó, Trump đã khiến nhiều thính giả ngạc nhiên sau khi nhấn nhá về một giai đoạn lịch sử dân tộc Việt chống ngoại xâm Trung Quốc, đã vừa tha thiết vừa khăng khăng trong diễn từ đòi hỏi nhiều quốc gia có quan hệ thương mại với Mỹ phải ‘công bằng thương mại’ - mà thực chất là phải giảm mạnh giá trị xuất siêu vào thị trường Mỹ.
Không bao lâu sau đó, đúng vào ngày Lễ Tình Yêu 14 tháng Hai năm 2018 - tức tròn một năm sau thời điểm liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia “gây hại” cho nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như muốn bày tỏ “tình yêu” đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam bằng cử chỉ “siết nợ” thông qua nội dung “hai nhà lãnh đạo cùng thảo luận về các vấn đề thương mại và cam kết sẽ tăng cường, mở rộng mậu dịch song phương công bằng và đối ứng”.
Lý do mà Trump đề ra hai nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’ là vào năm 2017, Việt Nam đã xuất sang Mỹ lượng hàng hóa tổng giá trị 41,6 tỷ USD nhưng chỉ nhập khẩu có 9,2 tỷ USD, nâng mức thặng dư thương mại lên con số 32,4 tỷ USD với Mỹ. Ở những năm trước đó, giá trị xuất siêu của Việt Nam vào thị trường Mỹ cũng liên tục dao động từ 25 - 30 tỷ USD mỗi năm.

Không viện trợ!

Với Trump, không phải tư tưởng mà chính là kinh doanh, nói là làm. Chắc hẳn đó là nguồn cơn vì sao trong cuộc gặp Donald Trump - Nguyễn Xuân Phúc tại Washington vào tháng Năm năm 2017, không những không đề cập gì đến “Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ”, Trump lại xoáy vào một vấn đề giao thương và thâm hụt thương mại 'lớn' với Việt Nam, mà ông hy vọng sẽ 'sớm được cân bằng'.
Hơn một năm sau, toàn bộ nội dung cuộc gặp Mike Pompeo - Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội đã chẳng có nổi một nội dung cụ thể nào cho việc “làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, cho dù khi ký hiệp định đối tác toàn diện Việt - Mỹ, phía Việt Nam đã cố gắng chen chúc vào bản văn này rất nhiều lĩnh vực mà chỉ có thể so sánh chúng với độ dài lê thê của những bản nghị quyết chuyên đề của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau chuỗi năm tháng của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thời Tổng thống Barak Oama mà cứ mỗi lần đến Hà Nội lại mang theo một món quà nào đó - lúc thì viện trợ không hoàn lại và viện trợ ODA, lúc lại là những chương trình đầu tư tỷ đô vào lĩnh vực môi trường giao thông, và cao điểm là cuộc đàm phán để vào tháng Năm năm 2016, người Mỹ đã chính thức gỡ bỏ lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, viên Ngoại trưởng mới của chính quyền Trump là Rex Tillerson đã trở nên hà tiện một cách bất thường với giới chóp bu Việt Nam vốn rất ưa chuộng quà cho vay tín dụng, viện trợ và đặc biệt là viện trợ không cần phải hoàn lại.
Với Mike Pompeo, mọi chuyện dường như còn hà tiện hơn cả Rex Tillerson. Không giới hạn những từ ngữ có cánh khi ca ngợi “một Việt Nam mạnh mẽ và thịnh vượng”, nhưng đã chẳng có một món quà viện trợ hay thậm chí một hứa hẹn nào cho món quà tương lai ấy.
Vậy, ngoài lời đòi nợ ‘công bằng và đối ứng’, mục đích lớn nhất của Mike Pompeo trong chuyến công du Việt Nam tháng Bảy năm 2018 là gì?

Việt Nam là tấm gương cho Bắc Triều Tiên?

Chẳng khó khăn để nhận ra rằng trong phát biểu tại Hà Nội, Mike Pompeo luôn ngụ ý rằng Tổng thống Donald Trump tin Bình Nhưỡng có thể đi theo con đường ‘tuyệt vời’ mà Việt Nam đã trải qua, nhưng để đạt được điều đó, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un phải ‘nắm lấy cơ hội này’.
Vào những ngày này, Mỹ và Bắc Triều Tiên đang đàm phán ráo riết về một cơ chế gỡ bỏ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng - một mục tiêu mà nếu thành công dù chỉ ở mức đặt tiền đề cho thành công, Trump sẽ ghi dấu ấn như một trong những Ttổng thống Mỹ thành công nhất trong việc thuyết phục được một chế độ độc trị chuyển tiếp sang tính chất bán dân chủ, hoặc ít nhất cũng làm cho thế giới bớt lo ngại hơn về mối nguy hiểm hạt nhân của chế độ độc trị đó.
Hẳn đó là quan điểm xuyên suốt trong chuyến công du 5 nước châu Á của Mike Pompeo, để “đất nước của họ có thể cải cách, nó có thể mở ra và xây dựng các mối quan hệ, mà không bị đe dọa về chủ quyền, độc lập của đất nước, và hình thức chính phủ của nó” - như Mike ẩn dụ.
Và, hẳn trong cách nhìn từ Donald Trump đến Mike Pompeo, một chế độ vẫn còn độc trị như Việt Nam và như Nguyễn Phú Trọng dù sao vẫn là một thể chế đã có cải cách, đã hướng về cơ chế kinh tế thị trường cho dù vẫn còn lẵng nhẵng cái đuôi ‘xã hội chủ nghĩa’, và bây giờ lại là một hình mẫu sáng giá, một tấm gương sáng chói để Bắc Triều Tiên của Kim Jong Un theo đó mà thay đổi.
Nhưng chính thể độ đảng ở Việt Nam thì có được lợi ích gì từ việc đón tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo?

Nguyễn Phú Trọng muốn đi Mỹ?

Ngay sau Hội nghị APEC Đà Nẵng cuối năm 2017 và được giới tuyên giáo Việt Nam xem là ‘thành công đối ngoại ngoài mong đợi’ để ‘uy tín Việt Nam liên tục nâng cao trên trường quốc tế’, Bộ Chính trị đảng đã bắt đầu đánh tiếng về việc ‘Việt Nam có thể đăng cai địa điểm tổ chức cuộc gặp lịch sử Donald Trump - Kim Jong Un’, trong bối cảnh cuộc gặp giữa hai lãnh đạo của hai chế độ hoàn toàn trái ngược nhau trên bán đảo Triều Tiên chợt có cơ hội để diễn ra.
Trong một hy vọng mong manh, có lẽ người Mỹ đang mong đợi chính thể Việt Nam - với tư cách là ‘đồng chí truyền thống’ của Bắc Triều Tiên từ thời Kim Nhật Thành - có thể thuyết phục một cách nào đó và một phần nào đó đối với người cháu của ‘Lãnh tụ vĩ đại’.
Trong khi đó, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là Nguyễn Phú Trọng lại đang cần đến ‘nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế’ hơn bao giờ hết, nhất là sau việc mật vụ Việt Nam bị Nhà nước Đức công khai tố cáo đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017, kéo theo hàng loạt hậu quả ghê gớm về ngoại giao, và thực chất đã trở thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao không nhỏ lắm giữa Việt Nam với không chỉ người Đức mà cả Liên minh châu Âu.
Và sau ‘có tiếng’ là những gì thuộc về ‘có miếng’. Uy tín chính thể Việt Nam hay hình ảnh cá nhân Nguyễn Phú Trọng sẽ chỉ tan biến như bọt sâm banh nếu không thể xoa dịu bàn tay sắt đá của Trump trong chính sách ‘công bằng và đối ứng’, mà ngay trước mắt Việt Nam phải bảo vệ được thành quả xuất siêu khoảng ba chục tỷ đô la hàng năm vào thị trường Mỹ chứ không bị Trump cho dựng hàng rào bảo hộ thương mại để đánh tụt giá trị ấy xuống còn phân nửa hoặc chỉ còn một phần ba. Chỉ có thế mới níu kéo được chân đứng kinh tế, một cái chân của ngân sách quốc gia đã mấp mé bờ huyệt và do đó mới không khiến rường cột của chế độ chính trị ở Việt Nam khỏi bị gãy sụp quá nhanh.
Rất có thể, đó chính là mục đích quan trọng nhất của Việt Nam trong cuộc đón tiếp trịnh trọng Mike Pompeo, tức “Hai bên nhất trí sẽ ưu tiên thúc đẩy trao đổi đoàn, đặc biệt là trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao” - một nội dung được nhắc đi nhắc lại từ cuộc gặp của Nguyễn Phú Trọng đến Nguyễn Xuân Phúc với Mike Pompeo.
Vào cuối tháng Sáu năm 2018, một ủy viên bộ chính trị là Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đột biến có chuyến làm việc tại Washington, trong đó cũng đề cập về ‘tiếp xúc cấp cao’.
Rất có thể, chuyến đi của Vương Đình Huệ là tiền trạm cho một nhân vật cao cấp hơn hẳn sẽ đi Mỹ trong thời gian không bao lâu nữa. Người đó rất có thể chính là Nguyễn Phú Trọng chứ không phải Trần Đại Quang hay Nguyễn Xuân Phúc.
Còn chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đến Việt Nam cũng có thể mang một mục đích, nhưng chỉ là phụ: bàn một số nội dung chi tiết cho cuộc gặp Trump - Trọng sắp tới tại Washington, nếu có xảy ra cuộc gặp ‘thượng đỉnh’ này.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét