Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

20180719. BÀ CỰU TƯ VẤN THỦ TƯỚNG PHẠM CHI LAN

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÀ PHẠM CHI LAN: ĐÁNG SỢ NHẤT LÀ...THAM NHŨNG CHÍNH SÁCH

PHAN ĐĂNG/ ANTG/ BVN 16-7-2018

clip_image006
Bà Phạm Chi Lan trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng – Cuối tháng.

Nhỏ nhắn nhưng sắc sảo, quyết liệt và riết róng, đó là “gương mặt” điển hình của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ nhiều năm qua, kể cả khi bà còn làm việc trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lẫn sau này, khi bà thường xuyên lên tiếng trong những vấn đề kinh tế nóng bỏng của xã hội.
Dù biết trước và biết rõ điều đó nhưng gần 3 tiếng ngồi trò chuyện tại nhà riêng của bà, tôi vẫn không tránh khỏi bất ngờ vì không nghĩ một người phụ nữ đã bước qua tuổi 70 mà một mặt vẫn giữ được “phong độ” như hàng chục năm về trước, một mặt vẫn không ngừng cập nhật những cái mới mẻ của đời sống hôm nay, để kiên quyết không biến mình thành một kẻ lạc thời.
– Nhà báo Phan Đăng: Thưa chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bây giờ nhớ lại câu chuyện của hơn 20 năm về trước, bà có thể chia sẻ cái khoảnh khắc chính thức được mời làm việc trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng không ạ?
– Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Năm 1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tổ chức lại tổ tư vấn vốn có của mình (được thành lập từ năm 1993), thu gọn từ gần 60 người xuống còn 21 người. Có người ra, có người vào và tôi là người mới tham gia vào. Năm đó lại là năm ráo riết xem lại để sửa Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty.
Lúc đó, tôi đang là Tổng Thư ký của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và trên cương vị đó, tôi lên tiếng nhiều về luật này cũng như các vấn đề về phát triển khu vực tư nhân, có lẽ từ đấy mà Thủ tướng mời tôi vào.
– Bà vẫn còn làm việc đến thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải?
– Khi thủ tướng Phan Văn Khải nhận nhiệm vụ năm 1997, Thủ tướng yêu cầu tôi tiếp tục tham gia tổ tư vấn (năm 1998, tổ được nâng cấp thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng) và sau này, đến năm 2003, khi tôi chính thức nghỉ hưu ở VCCI thì Thủ tướng đề nghị tôi về làm chuyên trách.
Ở Ban Nghiên cứu, số thành viên chuyên trách phần lớn đã về hưu, còn một số thành viên đang công tác thì làm kiêm nhiệm, ngoài ra có một số cộng tác viên. Tiêu chuẩn chung nhất là phải có tư duy và ý tưởng đổi mới. Đến khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên thì một trong những quyết định đầu tiên là giải tán Ban Nghiên cứu này.
– Vì sao ạ?
– Tôi nhớ hồi đó, khi một đại biểu Quốc hội hỏi về sử dụng trí thức thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời đại ý rằng: xung quanh Thủ tướng là anh em văn phòng, những người giúp việc trực tiếp, tất cả đều có bằng cấp cao, là trí thức cả.
Chắc ông nghĩ thế nên không cần tổ tư vấn riêng. Phải rất lâu sau, ở nhiệm kỳ thứ hai của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới lập ban tư vấn mới.
– Tôi có đọc trên báo rằng, cơ chế hoạt động của Ban Nghiên cứu là “5 không”?
– “5 không” là cơ chế cho phép chúng tôi làm việc rất độc lập, rất mở, không bị trói buộc về tư duy, kể cả với Thủ tướng.
Một là không chức vụ, biên chế.
Hai là không lương (mọi người có thu nhập từ công việc chính hoặc lương hưu của mình; sau này mới có một chút tiền hỗ trợ, 500.000 đồng/tháng, rồi được nâng lên thành 1 triệu đồng/tháng).
Ba là, không có trên có dưới trong Ban, nghĩa là có người làm Trưởng, Phó ban, nhưng chỉ là trưởng/phó về mặt hành chính thôi còn về chuyên môn thì tất cả đều bình đẳng như nhau. Cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải đều luôn yêu cầu phải ghi đầy đủ các ý kiến, các tranh luận khác nhau trong tổ, tuyệt đối tránh tình trạng một chiều.
Bốn là, không có hạn chế, không có vùng cấm trong việc đưa ý kiến cho Thủ tướng.
Và năm là, mình tự chịu trách nhiệm về ý kiến của mình, chứ không nhân danh cơ quan nào cả. Như thế để không bị ràng buộc với cơ quan, không phải e ngại ông sếp ở cơ quan mình cắc cớ: tại sao lại nói thế này, thế kia.
– Khi nhìn vào thành phần của tổ tư vấn cho các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bây giờ, tôi thấy số lượng nữ là rất hiếm hoi. Nếu tôi nhớ không nhầm, trong cả trăm con người đã hoặc đang tham gia tổ tư vấn này thì chỉ có khoảng 3-4 phụ nữ thì phải?
– Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt có bà Nguyễn Phước Đại và bà Trương Thị Hòa, 2 nữ luật gia nổi tiếng ở miền Nam. Thời Thủ tướng Phan Văn Khải thì có 2 nữ là tôi và bà Nguyễn Thị Hiền, tiến sĩ về vật giá, trước làm ở Văn phòng Chủ tịch nước. Sau đó thì không còn nữ nữa.
Tôi nghĩ hai Thủ tướng không chủ định cơ cấu cho có thành phần nữ đâu mà là chọn lựa thực chất, theo yêu cầu công việc. Bởi khi chúng tôi tham gia, nói thật, nhiều khi phải quên đi mình là nữ vì đã tranh luận thì phải tới nơi tới chốn, sòng phẳng với nhau.
Có lần, một phóng viên hỏi tôi: “Phụ nữ vốn dịu dàng, vậy khi tranh luận các vấn đề thì sao?”. Tôi trả lời: “Đã gọi là tranh luận thì đâu còn dịu dàng được nữa!”… (cười).

– Bà có thể kể lại một cuộc tranh luận đáng nhớ nào đó trong Ban được không ạ?
– Một trong những tranh luận căng nhất liên quan đến việc làm Luật Doanh nghiệp mới năm 1999. Luật cũ dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp làm gì cũng phải xin phép, mọi sự thay đổi sau đó cũng phải xin phép.
Ví dụ, tôi đang làm một công ty có số vốn 300 triệu đồng nếu muốn mở rộng lên 600 triệu, hay muốn chuyển trụ sở từ quận này sang quận kia thì đều phải xin phép, thành ra rất nhiêu khê. Làm nghề đánh máy chữ cũng phải xin phép và cứ 3 tháng là phải xin phép lại một lần. Rồi số phận của những người làm photocopy sau này cũng thế.
Tại sao cứ 3 tháng lại phải xin phép? Vì thời ấy có người sợ rằng nhỡ đâu họ lợi dụng chuyện đánh máy, photocopy để in tài liệu phản động chống phá nhà nước thì sao (!?).
– Bây giờ nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rất buồn cười nhưng đấy là tư duy của một thời. Và vì thế mới luôn cần đến những thay đổi, để thích nghi với những chuyển động thời đại mới.
– Đúng vậy. Nguyên tắc của luật mới là người dân được quyền tự do kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm. Nhưng đến khi bàn về “phạm vi tự do kinh doanh là như thế nào?” thì tranh luận phức tạp lắm. Có đại diện địa phương bảo: tôi phụ trách tỉnh, tôi biết ai tốt, ai xấu, người tốt tôi mới cho kinh doanh chứ.
Đại diện của Bộ Tài chính lúc ấy tham gia ban chỉ đạo soạn thảo luật thì cứ khăng khăng “đã là doanh nghiệp thì phải có vốn, mà đã có vốn thì nhà nước phải kiểm soát chứ”.
Chúng tôi phản bác: Đây không phải vốn nhà nước mà là vốn tư nhân. Người ta tự bỏ vốn ra, lời ăn, lỗ chịu, anh kiểm soát khâu nộp thuế thôi, sao lại đòi kiểm soát cả vốn của người ta nữa… Ngày đó để tranh luận và đi đến thuyết phục cuối cùng những vấn đề đó cũng không hề dễ dàng.
– Chứng kiến những tranh luận như thế, thái độ của Thủ tướng như thế nào ạ?
– Chúng tôi nhớ mãi nụ cười của ông Phan Văn Khải cùng câu ông nói: “Sao vẫn còn những người tư duy như thế nhỉ?”.
– Những người như bà tư vấn cho Thủ tướng để ra một đạo luật và sau một đạo luật thì số phận của hàng loạt đối tượng, hàng loạt con người sẽ chịu tác động. Dĩ nhiên, sẽ có nhóm đối tượng nhận được tác động tốt và cũng không loại trừ khả năng sẽ có những nhóm đối tượng nhận được những tác động không như mình trông đợi.
Vậy thì tôi xin hỏi một câu rất thật, bà có thể không trả lời, đó là trong quá trình tổ tư vấn làm việc, có đối tượng nào, dùng một cách thức nào đó tác động lên tổ tư vấn để từ đó các đạo luật ban hành có lợi cho mình không? Nói thẳng theo ngôn ngữ của ngày hôm nay là có ai chạy chọt gì các thành viên của tổ như bà hay không?
– Lúc làm Luật Doanh nghiệp 1999 thì không có sự chạy trực tiếp từ doanh nghiệp tới Ban Nghiên cứu, nhưng chúng tôi cảm nhận được họ có thông qua cơ quan nọ cơ quan kia để lên tiếng về một số ngành nghề mà theo họ là không thể cho tự do kinh doanh được.
Chúng tôi hiểu là những ngành nghề ấy có một số doanh nghiệp nhất định đã và đang kinh doanh rồi và họ muốn “độc quyền”, không muốn ai khác nhảy vào cạnh tranh với mình. Sau này, trong các luật hoặc chính sách khác cũng có người chạy đấy nhưng không “mua” được chúng tôi.
– Nhưng trong tổ tư vấn có tới hơn 20 người. Sao bà có thể chắc chắn là cả 20 người đều không “mua” được?
– À, ở tổ tư vấn, không phải tất cả đều tham gia làm Luật Doanh nghiệp. Trong tổ có chia ra mấy nhóm theo các vấn đề khác nhau và mỗi nhóm tập trung một cụm vấn đề riêng.
Ví dụ như tổ doanh nghiệp, trực tiếp tham gia tư vấn về các vấn đề phát triển doanh nghiệp thì chỉ có 4 người. Chúng tôi làm việc rất minh bạch, có nguyên tắc, tỉnh táo và rất thẳng thừng đối với những kiểu luồn lách, cài cắm lợi ích riêng vào luật.
– Vậy ở góc độ ngược lại, có ai đe dọa, mỉa mai gì không ạ?
– Sau khi thông qua Luật Doanh nghiệp, Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn và tổ chức thực hiện luật thì xuất hiện sự dọa dẫm này nọ. Bởi vì có hàng trăm giấy phép con không phù hợp với luật đã bị chúng tôi khuyến nghị Chính phủ bãi bỏ đi.
Có người nhắn nhe đe dọa rằng xóa bỏ những giấy phép con ấy là “đập vỡ nồi cơm của chúng tôi à?”. Nhiều doanh nghiệp lo lắng, dặn chúng tôi đi đường phải cẩn thận kẻo “tai nạn bất ngờ”.
– Bà có chút nào e sợ không?
– Chúng tôi không sợ, vẫn làm tới. Nhưng điều đau nhất là mấy năm sau, số giấy phép con bị bãi bỏ lại mọc lên, đặc biệt qua các văn bản pháp luật chuyên ngành.
– Qua những câu chuyện như thế này lại thấy, thật ra tham nhũng về mặt chính sách là điều kinh khủng nhất và đáng sợ nhất trong các loại tham nhũng, phải không bà?
– Thời gian cuối của Ban Nghiên cứu, chúng tôi nói đi nói lại điều này nhiều lắm, rằng kinh khủng nhất chính là tham nhũng chính sách, hay chúng tôi còn gọi là “buôn” cơ chế.
Đó là tình trạng một số kẻ nào đó trong xã hội, phổ biến nhất là doanh nghiệp, mưu cầu lợi ích riêng cho mình hoặc nhóm mình bằng cách móc nối với những người thiết kế chính sách, thậm chí những người ở cương vị ra quyết định, để nhà nước đưa ra chính sách có lợi cho họ, bất chấp lợi ích chung.
– Tình trạng tham nhũng chính sách, nếu xuất hiện sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào?
– Tham nhũng chính sách làm hỏng từ chính sách thì làm sao mà kinh tế phát triển được nữa. Bề ngoài có thể có tăng trưởng, nghĩa là có thể báo cáo hằng năm GDP vẫn tăng, ngành này ngành khác vẫn tăng nhưng không thể có phát triển kinh tế-xã hội thực sự.
Cái tăng đó phải trả bằng một giá rất đắt do các nguồn lực của đất nước bị tiêu tán, phí phạm, hiệu quả kinh tế thấp, làm méo mó thị trường, phá hủy sự cạnh tranh lành mạnh, suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia và nhất là không bảo đảm lợi ích cho đa số người dân mà chỉ mang lợi ích lớn cho một nhóm người nào đó.
Mặt khác, một bộ phận cán bộ nhà nước sẽ hư hỏng, thoái hóa, nạn mua quan bán chức sẽ hoành hành, bộ máy nhà nước sẽ mất kỷ cương, giảm hiệu lực, hiệu quả.
Tăng trưởng kiểu đó dù có cao cũng sẽ khiến chất lượng suy giảm, bất bình đẳng kinh tế-xã hội gia tăng, gây mất niềm tin trong công chúng, đe dọa sự ổn định chính trị-xã hội và do vậy đất nước không thể phát triển bền vững.
– Tôi nhớ có lần bà từng phát biểu: “Chúng ta là một đất nước… không chịu phát triển”?
– Khoảng năm 2009, Giám đốc cũ của Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam hết nhiệm kỳ, ngồi lại với một số người và tất cả buồn bã nói với nhau rằng: Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lực con người to lớn, dòng vốn ODA và FDI dồi dào, thế mà chưa tận dụng tốt để phát triển.
Một điều thuận lợi nữa là chúng ta bắt tay làm lại từ đầu sau chiến tranh, nên nhiều thứ gần như chẳng có gì phải bỏ đi để mà luyến tiếc. Ví dụ ngành viễn thông, mình phát triển sau thì mình có lợi thế hơn Thái Lan.
Thái Lan phải bỏ cả một hệ thống điện thoại có dây khi chuyển sang hệ thống điện thoại không dây. Còn mình thì đi thẳng vào điện thoại không dây vì trước đó nền tảng điện thoại gần như chưa có gì.
Mình là nước đi sau, có thể học bài học của các nước khác để kiến tạo mô hình phát triển hiệu quả. 4 con rồng châu Á, tại sao họ lại thành rồng trong khoảng chỉ 25-30 năm?
Trong cùng thời gian đó, tại sao có những nước tưởng hóa rồng nhưng lại không những không hóa rồng mà càng ngày càng đi xuống? Tất cả những bài học đó rất rõ, mình có thể thấy hết.
Thế giới họ cũng sẵn sàng tư vấn, chia sẻ, giúp đỡ mình phát triển. Nhưng hơn 30 năm sau chiến tranh, hơn 20 năm sau đổi mới, với ngần ấy tiềm năng, thuận lợi mà mình vẫn ở ngưỡng nghèo thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!
Thật ra thì, thời ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, các ông thấy rõ nên cải cách như thế nào và đã làm rất nhiều việc đúng và tốt để đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng sau chiến tranh và đạt những thành tựu quan trọng.
Năm 2006, khi Thủ tướng Phan Văn Khải kết thúc nhiệm kỳ, chúng tôi hỏi ông có dặn dò gì không thì ông bảo: “Vẫn phải cải cách mạnh tiếp. Phải làm sao thị trường, thị trường, thị trường hơn nữa”.
– Sau thời Thủ tướng Phan Văn Khải thì chúng ta đã từng có quyết định cho các tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành và lúc đó thật ra chúng ta đã rất kỳ vọng đấy là một cú đấm chùy, một cú đấm thực sự mạnh mẽ để giúp chúng ta từ chỗ “không chịu phát triển” có thể trở thành một “nền kinh tế phát triển”?
– Khi chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ X (2006), ý tưởng cho phép các tập đoàn kinh tế nhà nước được kinh doanh đa ngành đã được đưa vào dự thảo nghị quyết của Đại hội.
Ở Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, chúng tôi đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này và đa số cho rằng không nên hình thành nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước và không nên cho họ kinh doanh đa ngành. Doanh nghiệp nhà nước được lập ra để đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu, quy mô lớn như điện, dầu khí, hàng không, đường sắt, viễn thông…
Làm tốt những việc chính đã khó, do đó chỉ nên tập trung vào lĩnh vực cốt lõi và làm tốt công việc chuyên sâu của mình thôi. Hơn nữa, các lĩnh vực khác phải để cho tư nhân làm và tư nhân ở nước ta đã và đang làm tốt hơn doanh nghiệp nhà nước nhiều, dù cho vẫn bị phân biệt đối xử.
Chỉ một câu “đa ngành” ấy thôi, sau đó chúng ta đã mất rất nhiều. Vì “đa ngành” khiến các tập đoàn có quyền vơ vào mình các nguồn lực ghê gớm, nhưng vơ vào, đầu tư tràn lan, lại làm không giỏi, không quản trị nổi, cho nên lãng phí, thất thoát, thua lỗ nặng nề, đổ vỡ những “đại tập đoàn” như Vinashin, gây tổn thất biết bao tài lực công, lại còn tạo thêm sự chèn ép đối với khu vực tư nhân. Hệ quả nặng nề chúng gây ra đến bây giờ vẫn chưa khắc phục hết.
– Bây giờ nhìn lại, chúng ta thấy rất rõ điều bà vừa nói nhưng nếu xét ở góc độ lý thuyết thuần túy thì nền kinh tế Hàn Quốc chẳng hạn cũng từng phất lên nhờ những tập đoàn lớn kinh doanh đa ngành đó sao? Tập đoàn Chaebol đó!
– Nói theo cách phê phán của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard thì chúng ta học Chaebol, học Hàn Quốc, nhưng chỉ học một nửa bài học. Ở Hàn Quốc, thời Tổng thống Park Chung Hee, đúng là ông ấy đã chọn một vài doanh nghiệp giỏi để làm.
Thời ấy sau chiến tranh, nền tảng nhà xưởng, thiết bị máy móc rệu rã, ông Park giao cho các doanh nghiệp trong vòng 3 năm để vực nó dậy và ra mục tiêu phải từ cung cấp nội địa phát triển lên xuất khẩu. Nếu sau 3 năm làm không được thì sẽ phải trả lại cho nhà nước và bị phạt. Bằng cách đó, họ đã thành công. Các doanh nghiệp này đều là tư nhân, tự chịu trách nhiệm về công việc.
Sau này họ trở thành tập đoàn cũng qua một quá trình dài, từ nhu cầu tự thân, năng lực và nguồn lực phát triển do họ tự huy động, chứ không phải bằng quyết định hành chính hay nguồn lực của nhà nước.
Còn ở nước mình là doanh nghiệp nhà nước, không có ràng buộc như họ, nên kết quả hoàn toàn khác. Biết bao tài sản của đất nước được nhà nước giao cho doanh nghiệp nhà nước sử dụng, khai thác để đầu tư, kinh doanh cả cho công ích lẫn cho các mục đích thương mại.
Nhưng hệ thống giám sát, chế tài thì không thật tốt, nên dẫn đến tình trạng “lời doanh nghiệp/lãnh đạo doanh nghiệp ăn, lỗ nhà nước/nhân dân chịu”! Bao nhiêu năm ta vẫn có cơ chế nhà nước cứ thúc đẩy các ngân hàng quốc doanh cho doanh nghiệp nhà nước vay, nếu vay không trả nợ được thì chính phủ yêu cầu ngân hàng khoanh nợ lại, rồi dãn nợ thêm 5-7 năm.
Rồi dãn cũng không trả được thì xóa nợ. Xóa nợ có nghĩa là nhà nước lấy ngân sách, lấy tiền thuế của dân và nguồn lực quốc gia trả hộ cho doanh nghiệp nhà nước khoản nợ đó.
Giai đoạn chuẩn bị Đại hội X có một số người lập luận rằng, chúng ta sắp vào WTO, sẽ có nhiều tập đoàn lớn bên ngoài vào, nên mình phải có những quả đấm thép làm đối trọng. Tư nhân chưa có thì chỉ còn cách trông vào doanh nghiệp nhà nước thôi.
Nhưng Ban Nghiên cứu chúng tôi trước sau vẫn khẳng định rằng không nên hình thành nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước, không nên để các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành.
– Ban Nghiên cứu nhiều lần có những phản biện rốt ráo, đến cùng như thế hay không?
– Nhiều lắm, nên có nhiều người khó chịu, gọi Ban Nghiên cứu là… “bọn ngáng chân”.
– Là một thành viên lâu năm của Ban Nghiên cứu, làm việc dưới hai đời Thủ tướng, bà thấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải có những điểm giống và khác nhau gì trong tính cách?
– Tính cách cá nhân của hai ông khác nhau khá rõ. Một người thì rất quyết liệt, một người dù trong tư duy, trong ý tưởng chính sách vẫn mạnh mẽ, nhưng phong cách thì nhẹ nhàng hơn.
Thời ông Võ Văn Kiệt là thời “chiến đấu” giữa cái cũ với cái mới, không có người quyết liệt như ông thì cái mới khó mà thắng được. Ông đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định trong những năm đầu đổi mới để tạo lập nền tảng kinh tế thị trường ở nước ta.
Đến thời ông Phan Văn Khải thì cái mới đã dần được định hình để tiếp tục đẩy tới. Phong cách ôn hòa, nhưng 9 năm cầm quyền là 9 năm ông làm rất mạnh để xây dựng hệ thống thể chế, luật pháp và thực hành nền kinh tế thị trường, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế ở nước ta.
Trên cơ sở đó, tăng trưởng kinh tế vừa cao, vừa ổn định. Những thành tựu này chứng minh tầm quan trọng của đổi mới, củng cố quyết tâm đẩy mạnh đổi mới ở nước ta.
Dù tính cách cá nhân khác nhau nhưng tư duy, tầm nhìn, đường lối và chính sách đổi mới của cả hai ông đều giống nhau, rất rõ ràng, kiên định, liên tục và nhất quán. Cái tâm của hai ông cũng sáng, đẹp như nhau.
Nhờ đó trong thời kỳ của hai ông, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất cơ bản về cải cách, phát triển và hội nhập quốc tế, tạo lập được nền tảng khá vững chắc cho sự phát triển của đất nước.
– Bà có thể chia sẻ những kỷ niệm cụ thể hơn nữa với hai Thủ tướng được không?
– Trong công việc của tổ tư vấn, hai vị nghiêm khắc, đòi hỏi cao về tinh thần trách nhiệm và chất lượng tư vấn. Trong các cuộc tranh luận của tổ, các Thủ tướng rất chú ý lắng nghe, hỏi thêm, gợi mở, lật đi lật lại vấn đề.
Có lần sau khi nghe các chuyên gia nói những vấn đề bức bối, gay gắt, “sếp” Khải ngồi thừ ra và thốt lên: “Biết vậy, nhưng mà khó quá nhỉ!”. Lúc ấy chúng tôi thực sự đồng cảm và thấy thương những người lãnh đạo vô cùng.
Ông Võ Văn Kiệt thì mạnh mẽ hơn. Có một câu chuyện thể hiện rất rõ tính quyết đoán của ông. Tháng 7-1995, ông Nguyễn Mạnh Cầm (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm – PV) sang Bangkok họp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Asean. Lúc đó Asean đã đồng ý cho Việt Nam tham gia Asean, nhưng ta phải cùng họ ký vào văn bản chính thức. Đã đồng ý hết, ông Cầm sang đấy rồi thì ở nhà lại có vị lãnh đạo có ý kiến khác.
Ông Vũ Khoan (lúc ấy là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – PV) được ông Cầm gọi điện về, đề nghị xin ý kiến vì chỉ vài tiếng nữa thôi mình không ký thì sẽ bị trì hoãn, mất cơ hội tham gia ASEAN.
Ông Vũ Khoan xin ý kiến ông Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt bảo: “Cứ trả lời anh Cầm là ký đi. Tôi chịu trách nhiệm. Tôi là Thủ tướng, tôi sẽ chịu trách nhiệm”.
Sau này, ông Khải rơi vào trường hợp tương tự như ông Cầm nhưng kết quả thì khác. Cuối năm 1999, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Phan Văn Khải đi họp Hội nghị APEC ở New Zealand, mang sẵn toàn bộ văn kiện để ký Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.
Sang đến bên đó thì có ý kiến khác từ nhà. Ông Khải, dù là Thủ tướng, đành gác việc ký lại, để rồi mất đến 2 năm sau ta mới có được hiệp định quan trọng này…
– Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ rất thú vị của bà!
P.Đ.
Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/Tro-chuyen-cuoi-thang/8GITHANG___-Dang-so-nhat-la-tham-nhung-chinh-sach-500687/

NGƯỢC ĐỜI KINH DOANH THEO ĐỊNH HƯỚNG 

NGUYỄN ĐĂNG QUANG/ BVN 17-7-2018

Nguyên lý kinh doanh của mọi doanh nghiệp (dù là của nhà nước hay tư nhân) là phải sinh lời, tức làm ăn phải có lãi, nói nôm na là sản phẩm mình mua là làm sao phải mua với giá thấp, còn khi bán thì phải cố bán với giá cao. Đó là nguyên lý cơ bản trong hoạt động kinh doanh! Nếu làm ăn không có lãi, không sinh lời, lỗ nhiều hơn lãi, thì doanh nghiệp đó, công ty đó đó ắt sẽ lụn bại, đứng trước nguy cơ phá sản. Đó là quy luật đương nhiên và rất biện chứng, và đấy cũng là nguyên tắc của nền kinh tế thị trường đích thực. Còn trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì lại khác. Cái khác này chính là điều ngược đời tôi muốn nói đến dưới đây.
Xin đơn cử 2 ví dụ gần đây nhất (một mua, một bán) đang còn nóng hổi tính thời sự. Cả 2 trường hợp này đều để lại hậu quả rất nghiêm trọng không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt xã hội cho đất nước. Chỉ riêng 2 ví dụ này cũng đủ minh chứng cho điều ngược đời trong kinh doanh theo định hướng XHCN, hay nói cách khác đây là hệ quả tất yếu đậm đà tính Đảng thể hiện đúng “nguyên lý kinh tế thị trường định hướng XHCN” mà chúng ta đang cố ra sức vận hành!
1- Trường hợp thứ nhất: MUA ĐẮT
Đây là vụ một doanh nghiệp nhà nước mang tiền ngân sách (là tiền thuế của dân) đi MUA lại một công ty tư nhân đang làm ăn thua lỗ với cái giá gấp nhiều lần giá trị thực của nó! Đó là thương vụ Tổng Công ty MobiFone của Bộ Thông tin -Truyền thông (Bộ TT-TT) mua 95% cổ phần Công ty tư nhân AVG. Trước sức ép của dư luận, sau hơn 1 năm trì hoãn, ngày 14/3/2018 vừa qua, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố Bản Kết luận Thanh tra về việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Bản Kết luận xác định 2 UVTƯ Đảng làm Bộ trưởng Bộ TT-TT (Nguyễn Bắc Son, nhiệm kỳ 2011-2016, và Trương Minh Tuấn, nhiệm kỳ 2016-2021) vi phạm rất nghiêm trọng vì đã chỉ đạo cấp dưới (MobiFone) mang 8.889,8 tỷ VNĐ ngân sách nhà nước đi mua lại Cty AVG chỉ có giá trị khoảng 1.883,8 tỷ VNĐ, làm thiệt cho công quỹ nhà nước 7.006 tỷ VNĐ!
Thật kinh khủng! Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của 2 ông Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ TT-TT nói trên, các quan chức của Bộ này đã ôm 7.006 tỷ VNĐ đem “dâng tặng” cho 2 anh em đại gia nhà nọ một cách rất dễ dàng! Không rõ 2 ông Son và Tuấn cùng những quan chức thừa hành ở Bộ TT-TT được “lại quả” mấy ngàn tỷ VNĐ, “điều tế nhị này” chưa có ai kết luận, song hậu quả nặng nề của “thương vụ kinh tế thị trường định hướng XHCN” nói trên chỉ có người dân là lãnh đủ mà thôi!

clip_image002
Ông Nguyễn Bắc Son bàn giao chức Bộ trưởng Bộ TT-TT cho ông Trương Minh Tuấn (9/4/2016)
2-Trường hợp thứ hai: BÁN RẺ
Ngược lại với trường hợp trên là thương vụ Công ty Tân Thuận, một doanh nghiệp 100% vốn của Văn phòng Thành ủy Tp. HCM, mang một một khối lượng công sản có trị giá lớn đi BÁN RẺ cho 1 doanh nghiệp tư nhân! Đây là điển hình cho thương vụ kinh doanh mang đậm mầu sắc định hướng XHCN”! Tất cả các khâu, từ lập Tờ trình cho đến dự thảo Kế hoạch liên doanh, liên kết và Phương án chuyển nhượng đất đều có sự chỉ đạo sát sao của Văn phòng Thành ủy, đặc biệt là bút phê của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang! Tôi chưa nói đến nguồn gốc đất mà Cty Tân Thuận được quyền sở hữu (trên 320.000 m2) có hợp pháp hay không, mà chỉ xin nêu sự nghi ngờ của dư luận về giá bán rẻ như bèo trong giao dịch giữa Cty Tân Thuận của Văn phòng Thành ủy Tp.HCM với Cty tư nhân Quốc Cường Gia Lai! Vì sao Văn phòng Thành ủy Tp.HCM lại “lén” bán cho doanh nghiệp tư nhân một khối lượng đất công rất lớn với giá rất rẻ như vậy? Theo Hợp đồng chuyển nhượng lập ngày 5/6/2017 và các phụ lục đính kèm, Cty Tân Thuận của Văn phòng Thành ủy Tp.HCM bán khu đất có vị trí đắc địa tại xã Phước Kiểng sát bờ sông Sài Gòn (thuộc huyện Nhà Bè) cho Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu VNĐ/m2, thu về cho ngân sách hơn 419 tỷ VNĐ. Giá chuyển nhượng này được cho là rẻ bất thường, chỉ bằng 17% giá trị thực tại thời điểm! Nếu đấu giá và bán theo giá thị trường có thể thu về 2.460 tỷ VNĐ. Thương vụ này làm cho ngân sách nhà nước bị thiệt hại trên 2.000 tỷ VNĐ!
Liên quan thương vụ “Bán LÉN và bán RẺ” nói trên, ngày 6/7/2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Tp.HCM mới chỉ ra quyết định thi hành kỷ luật nội bộ đối với bà Thái Thị Bích Liên, Thành ủy viên, Chánh Văn phòng Thành ủy, với hình thứckhiển trách! Còn thủ phạm chịu trách nhiệm chính trong phi vụ BÁN RẺ đất công này là ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tp.HCM, người đã ký phê duyệt quyết định bán vội 320.000 m2 thì vẫn vô can và vững vàng tại vị, chưa hề hấn gì! Nếu vụ việc này được “khoanh” và chỉ xử lý nội bộ, thì dư luận trong và ngoài Đảng chắc chắn sẽ rất bất bình. Đây là vụ tham nhũng lớn, đã có dấu hiệu vi phạm hình sự rất rõ ràng, nhưng không hiểu sao Lãnh đạo Trung ương và Thường trực Thành ủy Tp.HCM chưa chỉ đạo các cơ quan chức năng như Thanh tra và Điều tra vào cuộc? Mà mới chỉ dừng lại... ở mức kỷ luật khiển trách nội bộ như đã áp dụng đối với Chánh Văn phòng Thành ủy Tp.HCM Thái Thị Bích Liên, phải chăng là để thử phản ứng của dư luận?
*****
Qua 2 vụ việc trên, chẳng cần phải am hiểu sâu về kinh tế hay chính trị, mọi người đều thấm thía cái ngược đời trong thời kinh doanh “định hướng” sẽ làm cho đất nước nghèo nhanh đi ra sao! Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn hay Tất Thành Cang có thể là những đảng viên tốt và trung kiên của Đảng, nhưng dưới mắt người dân, họ chỉ là những kẻ cơ hội, giáo điều và đạo đức giả, là những tên phản động đích thực! Những kẻ này mới chỉ là “Tư lệnh ngành” hoặc “Lãnh chúa địa phương”, chứ nếu chúng làm to hơn, có chức vụ cao hơn, chúng sẽ phàm ăn hơn, sẽ phá Đảng dữ dội hơn, và tất nhiên sẽ làm đất nước khánh kiệt nhanh hơn!
Xin đừng có ai tìm cách “giải cứu” 3 quan chức phàm ăn này, mà cần đưa chúng ngay vào “lò”! Ngày nào Đảng còn trọng dụng và để những kẻ nói trên yên vị, thì đất nước sẽ khốn khổ thêm ngày đó! Những kẻ như Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Tất Thành Cang... rất xứng đáng sống nốt phần đời còn lại trong “hách sạn Hilton Hà Nội”!
Hà Nội, ngày 16/7/2018
N.Đ.Q.
Tác giả gửi BVN

THỦ TƯỚNG KÝ QUYẾT ĐỊNH CẢNH CÁO ÔNG TRƯƠNG MINH TUẤN

 baochinhphu.vn/GDVN 18-7-2018

Theo Quyết định, Thủ tướng thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, do có vi phạm, khuyết điểm và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 806-QĐNS/TW ngày 16/7/2018.

Trước đó, ngày 12/7, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem xét kỷ luật ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 và ông Trương Minh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020.

Tại cuộc họp này, Bộ Chính trị nhận định: Trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện Dự án; ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21/12/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Dự án và một số văn bản có liên quan trái quy định, có văn bản không thuộc nhiệm vụ được phân công.
Với cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng từ tháng 4/2016 đến nay, ông Trương Minh Tuấn chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2016-2021.
Những vi phạm của ông Trương Minh Tuấn và người tiền nhiệm là ông Nguyễn Bắc Son được xác định là rất nghiêm trọng.

Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật đảng và Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị đã quyết định:

Thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021.
Đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Trương Minh Tuấn bảo đảm đồng bộ, kịp thời với kỷ luật của Đảng theo quy định.
Theo baochinhphu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét