Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018

20180707. PHÂN LOẠI BỌN THAM NHŨNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 6-7-2018

Kết quả hình ảnh cho THAM NHŨNG VẶT
Tôi đến thăm người bạn ở quê, là một cựu chiến binh. Bạn vừa tiễn 2 người khách. Thấy vẻ mặt bạn không vui, tôi hỏi có chuyện  gì. Được biết 2 người vừa rồi đến vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam (CĐ DC) Tôi nói, ủng hộ nạn nhân CĐ DC là việc làm hợp đạo lý, thế thì không vui vì nỗi gì.
Bạn nói : Nạn nhân gì chúng nó. Ở cái xã này tôi biết rõ từng người, từ cụ già nhất cho đến bọn trẻ choai choai.  Chẳng có ai là nạn nhân CĐDC hết. Thế mà người ta vẫn lập hội. Hội trưởng là Trần Toàn, cựu chiến binh, mạnh khỏe, chỉ hơi bị sướt da chảy máu một chút trong lúc hành quân năm 1967, chẳng đụng một tí gì chất độc da cam, thế mà mấy chục năm nay hàng tháng vẫn nhận  một khoản trợ cấp  bị nhiễm độc  và thương binh, số tiền  lớn hơn lương hưu nhiều cựu giáo chức.
Dừng lại một chốc để pha chè, mời nhau uống nước, hỏi han sức khóe, bạn tiếp:
Không riêng ở xã này, tôi quen biết nhiều vùng trong huyện, trong tỉnh. Tình hình các nơi cũng như thế, nghĩa là một số không nhỏ những người hưởng chế độ thương binh và CĐDC không phải là thương binh, không phải là nạn nhân CĐDC  mà chỉ là bọn trộm cướp công khai, hợp pháp. Biết rõ đó là bọn trộm cướp, thế mà vẫn phải ngậm bồ hòn đóng tiền nuôi chúng nó, thế có căm không. Mà tiền của mình là do lao động cực nhọc mới kiếm được chứ có phải dễ đâu.
Chắc ông thắc mắc, tại sao tôi lại gọi bọn chúng là trộm cướp hợp pháp,  và không có nạn nhân thì lấy đâu ra người để lập hội. Chạy, chạy tuốt. Chạy một suất nạn nhân, trọn gói là 30 triệu. Chạy được rồi thì hàng tháng được trợ cấp 1,8 triệu, như vậy chưa đến năm rưỡi đã hòa vốn, còn lại được hưởng đến hết đời. Quá lãi, dại gì mà không chạy. Nhưng chạy được rồi sẽ mang tiếng là bọn trộm cướp. Mi lừa được ai chứ lừa sao được dân xung quanh biết rõ cả 4 đời nhà mi. Nhưng đó là bọn trộm cướp vặt. Đường dây tổ chức cho chúng nó mới thuộc vào băng đảng trộm cướp lớn hơn. Ở huyện  và tỉnh chúng nó kiếm được hàng chục, hàng trăm tỷ chia nhau. Nhưng đó là thằng cướp lớn lấy được của thằng trộm cướp nhỏ.  Còn bọn trộm cướp nhỏ, công khai, tuy  mỗi tháng mỗi đứa ngang nhiên bòn rút từ công quỹ 1,8 triệu, nhưng toàn quốc có đến hàng chục vạn tên thì số tiền công quỹ mất vào tay chúng nó không hề nhỏ. Mà không phải chỉ chạy nạn nhân CĐDC. Người ta chạy cả thương binh, thanh niên xung phong, lão thành CM, cán bộ tiền khởi nghĩa. Không biết ông Trọng đốt lò chống được bọn tham nhũng gộc ở những đâu, còn hàng triệu bọn tham nhũng  dưới dạng trộm cướp từ hang cùng ngõ hẻm đến các thành thị  phồn vinh thì chẳng thấy ai đụng đến.
Tôi bình luận, thật ra tất cả bọn chúng  đều trộm cướp từ công quỹ. Bọn đường dây nhận tiền từ bọn lẻ tẻ,  trộm cướp được từ công quỹ rồi chia lại một phần cho chúng nó, dười hình thức ứng trước. Tôi hỏi: thế ai có đủ 30 triệu cũng chạy được tiêu chuẩn CĐDC à.
Không, không phải ai cũng chạy được, 30 triệu là điều kiện đủ, còn phải có  điều kiên cần là hồ sơ quân nhân hoặc phục vụ chiến trường B.
Tôi sực nhớ tới câu chuyện đã lâu, được nghe từ thằng em họ, cựu chiến binh, đang kiếm sống bằng nghề đẩy xe ba gác. Nó kể: Một hôm anh Toàn bảo rằng tuy em không hề bị CĐDC, nhưng có đủ điều kiện để chạy, nếu kiếm được 30 triệu anh sẽ chạy giúp cho một suất, hưởng suốt đời. Lúc ấy em nghĩ thế là gian dối nên không chấp nhận. Vợ em biết chuyện cứ trách em sao không chạy, gì chứ 30 triệu thì cô ta có thể vay mượn được, rồi trả dần. Bây giờ nghĩ lại em thấy mình cũng hơi cố chấp, nhưng mà thanh thản.
Tham nhũng có 2 loại. Tập trung và phân tán.  Loại tập trung là các vụ lớn, có  quy mô hàng trăm, hàng ngàn tỷ, số lượng có thể đếm được. Loại phân tán có quy mô nhỏ, từ vài chục ngàn đến vài chục tỷ, số lượng nhiều vô kể, gây ra tai họa khắp nơi. Đốt lò để chống một số vụ tham nhũng tập trung là cần, nhưng ngăn chặn, bài trừ tham nhũng phân tán còn cần hơn. Trong tham nhũng phân tán thì bọn trộm cướp công khai như kể trên chỉ mới là một phần nhỏ. Phần đáng kể nằm ở các cơ quan công quyền, các tổ chức cung cấp dịch vụ công, các bệnh viện, trường học. Riêng ở một số bệnh viện, tham nhũng phân tán có từ các lao công và hộ lý trở lên, đó là hình thức bắt chẹt bệnh nhân hoặc người nhà để nhận được một sự phục vụ nào đó. Họ phải làm thế để thu hồi vốn đã bỏ ra khi chạy việc . Nghe đâu để chạy một chân hộ lý phải  vài chục triệu.
Ông TBT hô hào việc chống chạy chức chạy quyền, chạy các tiêu chuẩn và chế độ, nhưng hình như chỉ hô hào cho có chuyện, chưa thấy ai để tâm nghiên cứu và tìm biện pháp thi hành. Nhân dân đành phải tiếp tục è cổ ra làm việc để nuôi bọn trộm cướp.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

TẠI SAO SON VÀ TUẤN LẠI ĐƯỢC 'CẤP C Ó THẨM QUYỀN XEM XÉT' ?

THIỀN LÂM/ VOA/ BVN 6-7-2018

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son (bìa phải) và Trương Minh Tuấn (giữa) bị dư luận xem là ‘ăn đậm’. Ảnh: YouTube
Vì sao Ủy ban Kiểm tra trung ương lại ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ đối với Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông và Trương Minh Tuấn – đương kim Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, trong khi ‘đồng chí Lê Nam Trà’ chỉ là cấp dưới của Son và Tuấn nhưng lại bị Ủy ban Kiểm tra trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cao nhất là khai trừ đảng?
Cái cách đề nghị trên rất dễ khiến dư luận xã hội cho là ông Trọng đang tìm cách cứu vớt hai quan chức bị xem là ‘ăn ngập mặt, ăn đến táng tận lương tâm’ này.
Theo mối quan hệ dắt dây giữa nguyên tắc đảng và pháp đình cộng sản, sau khi bị tước đảng tịch, Lê Nam Trà sẽ rất có thể rơi vào vòng tố tụng hình sự và phải dối mặt với vòng lao lý.
Vào trung tuần tháng 12/2017, một số tờ báo nhà nước đã bắt đầu ẩn dụ “Điểm trùng hợp trên đường công danh 2 ông Lê Nam Trà – Cao Duy Hải” theo cách “bổ nhiệm cùng ngày” và “chuyển công tác, đi chữa bệnh cùng năm”, chẳng hạn như “Ngày 21.4.2015, khi ông Lê Nam Trà được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV thì ông Cao Duy Hải được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty MobiFone thay ông Trà. Chỉ hơn 2 năm sau, sau khi ông Lê Nam Trà chuyển công tác khỏi MobiFone, tới lượt ông Cao Duy Hải xin phép nghỉ ốm để chữa bệnh”.
‘Mobifone mua AVG’ là một vụ kê khống giá mua lên tới gần 9000 tỷ đồng so với giá trị thực chỉ khoảng 1000 - 1500 tỷ đồng, được phối hợp ‘binh chủng hợp thành’ bởi hàng loạt quan chức của doanh nghiệp viễn thông Mobifone, AVG và các Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông vào thời đó là Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 – 15% trong số 7000 tỷ.
Một dẫn chứng phát lộ gần đây nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Còn Trương Minh Tuấn – nhân vật ‘kiên định cách mạng’, ‘sát thủ báo chí’ và rất thường ‘đọc bài’ lẫn viết bài về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ rập khuôn theo tư tưởng của Nguyễn Phú Trọng, cũng bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi ông này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son, để ông Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG. Dấu hỏi rất lớn là số tiền còn lại chạy đi đâu, và ai được “lại quả” từ số tiền đó?
Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4/2018 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra Chính phủ và C46, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ – nhưng lại bị dư luận xem là một cách chạy án quá lộ liễu và trắng trợn.
Nhưng đến cuối tháng Tư năm 2018, cửa thoát của Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị hẹp lại đáng kể sau chỉ đạo ‘Bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng.
Đầu tháng Sáu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận vụ ‘MobiFone mua AVG’ có những vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin Truyền thông, trong đó nêu rõ vi phạm của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là ‘rất nghiêm trọng’.
Kết luận ‘rất nghiêm trọng’ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với hai quan chức cao cấp Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cùng cái cách phát thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy áp lực dư luận đối với Nguyễn Phú Trọng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’ là đủ lớn, để ông Trọng không thể chỉ ‘chống tham nhũng thời kỳ trước’ hay ‘chống tham nhũng một bên’, mà còn phải ‘chống tham nhũng cả phe ta’.
Vào tháng Tám năm 2016, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đã được Tổng bí thư Trọng chỉ định kiêm chức vụ Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương – được hiểu như một cách để thay mặt bên đảng nắm hoạt động chính quyền.
Khi đó, Trương Minh Tuấn bất ngờ ngoi lên khỏi mặt bằng giới ủy viên trung ương với quan điểm sắt son đến lạ lùng về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và chống tham nhũng trong báo chí – lặp đi lặp lại phương châm cùng chủ đề của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 4 vào tháng Mười năm 2016.
Vì thế hiểu theo một cách nào đó, ông Trương Minh Tuấn được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’.
Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Nếu ông Trọng ‘cho qua’ vụ Trương Minh Tuấn, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ vô giá trị, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn ý niệm gì nữa.
T.L.
VNTB gửi BVN

SON VÀ TUẤN  THUỘC DIỆN 'NGUYỄN PHÚ TRỌNG QUẢN LÝ' ?

Phạm Chí Dũng/ VOA/ BVN 7-7-2018

‘Mobifone mua AVG’ là một vụ kê khống giá mua lên tới gần 9000 tỷ đồng so với giá trị thực.
Mobifone mua AVG’ là một vụ kê khống giá mua lên tới gần 9000 tỷ đồng so với giá trị thực.
Ngay cả khi xảy ra kịch bản Nguyễn Phú Trọng tỏ ra khách quan, không ưu ái hay không tìm cách ‘binh’ cho hai nhân vật Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông và Trương Minh Tuấn – đương kim Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, cái cách mà Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa kết luận ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ trong phiên họp vào cuối tháng Sáu năm 2018 đã rất dễ khiến dư luận xã hội cho là ông Trọng đang tìm cách cứu vớt hai quan chức bị xem là ‘ăn ngập mặt, ăn đến táng tận lương tâm’ này.
‘Cấp có thẩm quyền’ là ai?
Hoàn toàn không nêu về hình thức kỷ luật đảng đối với hai ông Son và Tuấn, cũng không giải thích về ‘cấp có thẩm quyền’ là ai, đề nghị trên của Ủy ban Kiểm tra trung ương giống như một sự đánh đố hỏa mù và cũng là thách thức dư luận.
Về mặt tổ chức đảng, cấp trên của Ủy ban Kiểm tra trung ương chính là Thường trực Ban bí thư – cơ quan đang được phụ trách bởi cựu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng.
Còn trên Thường trực Ban bí thư là Bộ Chính trị – một bộ sậu đang được phụ trách bởi cựu Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.
Một bất công rất lớn là trong cùng phiên họp của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào cuối tháng Sáu năm 2018, một nhân vật gạo cội nằm trong đường dây ‘MobiFone mua AVG’ là ‘đồng chí Lê Nam Trà’ đã bị Ủy ban Kiểm tra trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cao nhất là khai trừ đảng – càng khiến tạo ra hố chênh lệch lớn giữa thân phận kẻ thừa hành là ông Trà với vai vế ‘chuột cống’ trực tiếp chỉ đạo của hai cấp trên của Trà là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.
‘Dấu ấn’ của Son và Tuấn
‘Mobifone mua AVG’ là một vụ kê khống giá mua lên tới gần 9000 tỷ đồng so với giá trị thực chỉ khoảng 1000 - 1500 tỷ đồng, được phối hợp ‘binh chủng hợp thành’ bởi hàng loạt quan chức của doanh nghiệp viễn thông Mobifone, AVG và các Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Bộ trưởng Thông tin truyền thông vào thời đó là Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7000 tỷ.
Một bằng chứng phát lộ gần đây nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Còn Trương Minh Tuấn – nhân vật ‘kiên định cách mạng’, ‘sát thủ báo chí’ và rất thường ‘đọc bài’ lẫn viết bài về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ rập khuôn theo tư tưởng của Nguyễn Phú Trọng, cũng bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi ông này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG. Dấu hỏi rất lớn là số tiền còn lại chạy đi đâu, và ai được “lại quả” từ số tiền đó?
Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra Chính phủ và C46, Bộ trưởng Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ – nhưng lại bị dư luận xem là một cách chạy án quá lộ liễu và trắng trợn.
Bộ Công an cố tình chây ì?
Theo mối quan hệ dắt dây giữa nguyên tắc đảng và pháp đình cộng sản, sau khi bị tước đảng tịch, Lê Nam Trà sẽ rất có thể rơi vào vòng tố tụng hình sự và phải đối mặt với vòng lao lý.
Mãi đến tháng Năm năm 2018 và phải sau hai tháng từ khi Thanh tra Chính phủ ‘công bố lại’ kết luận thanh tra về vụ ‘MobiFone mua AVG’ sau khi Ngô Văn Khánh – quan chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ bị nghi ngờ lớn về ‘ăn chịu’ trong vụ này cùng khối tài sản hoàng tráng và còn hơn cả khối nhà cửa đồ sộ của thủ trưởng tiền nhiệm là Tổng Thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền – vừa nghỉ hưu, Bộ Công an mới tiếp nhận bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ từ Thanh tra Chính phủ. Nếu vụ việc này được tiến hành ‘đúng quy trình’, sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ là phần việc của cơ quan điều tra, kiểm sát và tòa án.
Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu công khai nào từ phía Bộ Công an về ‘sẽ khởi tố vụ án AVG’. Một số dư luận lại đang cho rằng Bộ Công an – địa chỉ mà đã ‘nhúng chàm’ ghê gớm qua vụ ‘công an phòng chống tội phạm công nghệ cao bảo kê cho đánh bạc công nghệ cao’ mà hai tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã bị tra tay vào còng, dường như đang tìm cách chây ì thời gian ‘nghiên cứu hồ sơ chuyên án’ mà từ đó có thể khiến vụ AVG bị chìm xuồng.
Nguyễn Phú Trọng có ‘chống tham nhũng công bằng’?
Sau một thời gian nhùng nhằng cò cưa vụ AVG, đến cuối tháng Tư năm 2018, cửa thoát của Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị hẹp lại đáng kể sau chỉ đạo ‘Bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng.
Đầu tháng Sáu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận vụ ‘MobiFone mua AVG’ có những vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin truyền thông, trong đó nêu rõ vi phạm của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là ‘rất nghiêm trọng’.
Kết luận ‘rất nghiêm trọng’ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với hai quan chức cao cấp Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cùng cái cách phát thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy áp lực dư luận đối với Nguyễn Phú Trọng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’ là đủ lớn, để ông Trọng không thể chỉ ‘chống tham nhũng thời kỳ trước’ hay ‘chống tham nhũng một bên’, mà còn phải ‘chống tham nhũng cả phe ta’.
Nhưng mới đây, cái cách mà Ủy ban Kiểm tra trung ương ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ lại đang khiến dư luận không thể không hình dung ra cảnh trạng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn không hẳn thuộc diện ‘Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý’ (trong khi Nguyễn Bắc Son đã nghỉ hưu), mà lại như thể thuộc diện ‘Nguyễn Phú Trọng quản lý’.
Xem ra, sự việc nào cũng có nguồn cơn sâu xa và lịch sử của nó.
Vào tháng Tám năm 2016, ngôi sao chiếu mệnh của Bộ trưởng Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn bất thần sáng rỡ khi Tuấn đã được Tổng bí thư Trọng chỉ định kiêm chức vụ Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương – được hiểu như một cách để thay mặt bên đảng nắm hoạt động chính quyền.
Khi đó, Trương Minh Tuấn bất ngờ ngoi lên khỏi mặt bằng giới Ủy viên trung ương với quan điểm sắt son đến lạ lùng về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và chống tham nhũng trong báo chí – lặp đi lặp lại phương châm cùng chủ đề của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 4 vào tháng Mười năm 2016.
Vì thế hiểu theo một cách nào đó, ông Trương Minh Tuấn được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’.
Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Nếu ông Trọng ‘cho qua’ vụ Trương Minh Tuấn, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ vô giá trị, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Cuộc chiến chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng chỉ có nét công bằng để vớt vát được ‘niềm tin nhân dân’, cũng là một cách cứu đảng và chế độ của ông Trọng vào thời kỳ buổi chợ chiều chính thể đã sầm sập bóng đêm, một khi ông ta phải chấp nhận ‘trảm’ cả người của ‘phe mình’.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét